NGOẠI GIAO VIỆT NAM TRƯỚC NĂM 1945

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

NGOẠI GIAO VIỆT NAM TRƯỚC NĂM 1945

1.1. Hoạt động đối ngoại của Việt Nam thời kỳ Văn Lang – Âu Lạc

1.1.1.Thời kỳ Văn Lang

   Văn Lang – Đông giáp biển Nam Hải, Tây đến Ba Thục, Bắn đến Động Đình Hồ, Nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), bao gồm 15 bộ. Họ Hồng Bàng tồn tại từ năm 2879 Ttr.CN – 258 tr.CN (2.622 năm). Kinh đô ở Phong Châu

- Nét nổi bật trong quan hệ với các nước lân cận thời kỳ Văn Lang là tư tưởng hòa hiếu. sử sách ghi nhận Hùng Vương đã từng cử sứ thần vượt đường xa vạn dặm đem chim quý biếu Chu Thanh Vương (Trung Quốc) để tỏ lòng mong hòa hiếu (năm 1110 tr.CN). Vua Chu đáp lại bằng việc tặng sứ giả của vua Hùng Vương năm cỗ xe có kim chỉ nam để về nước khỏi lạc hướng

   Sự chủ động tiếp xúc ngoại giao này chứng tỏ Văn Lang là một quốc gia dựng nước sớm, có ý thức đoàn kết, hữu nghị với các nước láng giềng.

1.1.2. Thời kỳ Âu Lạc (257 – 208 tr.CN)

   Do tình hình thực tế lúc đó, quan hệ ngoại giao thời Âu Lạc (nhà Thục) là chống xâm lăng, bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc

1.2. Thời kỳ chống giặc phương Bắc đô hộ

- Kiên quyết chống ngoại xâm nô dịch, đồng hóa của nước ngoài

- Liên minh với nước ngoài để đánh giặc giữ nước

   Mai Thúc Loan liên minh với Lâm Ấp (Chiêm Thành, Chân Lạp) khoảng đầu thế kỷ VIII để chiến đấu, liên kết với Kim Lân (Malaixia).

- Đối ngoại mền dẻo để giữ yên bờ cõi

1.3. Ngoại giao thời Đại Việt

1.3.1. Những hoạt động ngoại giao nổi bật của các triều đại phong kiến dân tộc

- Ngô Quyền thi hành chính sách ngoại giao cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược, tiến công ngoại giao làm tan rã ý đồ xâm lược của nhà Hán:

+ Bỏ chức Tiết độ sứ, lên ngôi vua, xây dựng nhà nước độc lập, lập triều đình, nghi lễ riêng, phẩm phục riêng.

+ Trong xưng đế, ngoài xưng vương

+ Lợi dụng sự rối ren của phương Bắc, không cầu thân riêng rẽ, đứng độc lập, tự chủ.

- Tiếp đó Đinh Bộ Lĩnh xưng đế, đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt và thực hiện các biện pháp:

+ Hòa hiếu với lân bang

+ Chủ động giao hảo với nhà Tống khi nhà Tống đang mạnh.

- Lê Hoàn vừa đánh thắng quân xâm lược Tống, vừa liên tục tấn công ngoại giao để đánh bại mưu đồ phục thù của kẻ địch.

   Lê Hoàn thi hành chính sách ngoại giao cứng rắn, thông minh, liên tục tấn công địch: cử sứ giả sang thông hiếu với nhà Tống, đặt quan hệ buôn bán nhưng không trả tù binh cho nhà Tống (5 năm sau mới giải quyết vấn đề tù binh). Thái độ kiên quyết và mềm dẻo như bố trí trí thức nước ta đón sứ Tống trong vai phu chèo thuyền, dùng quân sự để uy hiếp sứ giả… nhờ vậy Lê Đại Hành giữ yên được bờ cõi.

- Trong triều đại nhà Lý, quốc gia độc lập lâu dài, chính sách ngoại giao thể hiện một cách khéo léo trong việc kết hợp quân sự với ngoại giao:

+ Lý Thường Kiệt chủ động tấn công đập tan căn cứ quân sự chuẩn bị tấn công của kẻ thù là Ung Châu, kết hợp hoạt động chính trị với ngoại giao.

+ Đánh bại quân địch trên chiến trường, dùng ngoại giao để kết thúc chiến tranh, dùng ngoại giao để thu hồi vùng đất Quảng Nguyên.

   Như vậy các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý đã dùng đấu tranh ngoại giao để củng cố nền độc lập dân tộc, đường lối này thắng lợi là vì:

+ Biết dựa vào thế nước, nhất là dựa vào chiến thắng quân sự để tiếp tục tấn công nhằm đè bẹp ý chí xâm lược của kẻ thù, củng cố thắng lợi vừa giành được nhằm đạt những mục tiêu khác.

+ Kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự với ngoại giao, uy hiếp bằng quân sự để hòa đàm thương lượng. Đấu tranh ngoại giao để mở lối cho nước lớn đỡ hận thù vì bị nước nhỏ đánh bại, tránh được các cuộc chiến tranh liên tiếp.

+ Chuyển sang đấu tranh ngoại giao đúng lúc nên được đối phương tiếp nhận

+ Đấu tranh kiên trì, linh hoạt với mục tiêu cụ thể đồng thời mềm dẻo trong một số nghi lễ không vi phạm nguyên tắc chiến lược.

Dưới triều Trần: các vua đã tiến hành ngoại giao kiên quyết và cứng rắn để bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc. Sau chiến thắng quân Mông Cổ lần thứ nhất (1258), công việc ngoại giao được tiến hành qua những biện pháp làm sáng tỏ uy lực của mình:

+ Cử sứ bộ là tướng vừa thắng Mông Cổ sang chầu

+ Vua Trần từ chối không sang chầu, không cho con em sang làm con tin

+ Từ chối không kê khai số dân, quân dịch, cống nạp

+ Chống việc đòi ta theo nghi lễ Mông Cổ

- Trong hai lần kháng chiến chống quân nguyên sau đó (1285 và 1288), nhà Trần đã thi hành chính sách ngoại giao vừa kiên quyết vừa mềm dẻo để kìm chân quân xâm lược Nguyên Mông, nêu cao chính nghĩa của nhân dân ta. Sau chiến thắng, triều Trần tiếp tục đấu tranh ngoại giao làm tan rã ý chí xâm lược của kẻ thù, vừa tố cáo tội ác xâm lược, chỉ trả nhà Nguyên những tù binh ít nguy hiểm đối với đất nước.

- Triều Trần đã lợi dụng lúc địch gặp khó khăn, lúng túng, vận dụng sách lược ngoại giao uyển chuyển, linh hoạt “khi cương, khi nhu” vì vậy địch phải chấp nhân hòa hoãn, thậm chí cam kết không xâm phạm lãnh thổ và danh dự nước ta.

- Biết dựa vào sức mạnh đoàn kết của dân tộc và chính nghĩa, tìm hiểu kỹ về âm mưu của kẻ địch, linh hoạt trong việc áp dụng các chính sách ngoại giao. Khi thì kìm chân địch bằng ngoại giao, lúc tiến công ngoại giao tiếp theo chiến thắng quân sự để làm lung lay tiến tới làm tan rã ý chí xâm lược của địch như sau lần thắng Nguyên - Mông lần thứ ba.

Triều Lê:

- Kết hợp đấu tranh quân sự, ngoại giao, binh vận để thắng địch

- Tiến công ngoại giao kết hợp với tiến công quân sự để kết hợp chiến tranh giải phóng hoàn toàn đất nước

   Là cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn, có đường lối và phương châm đánh địch toàn diện, chính trị và ngoại giao được coi trọng, kết hợp chặt chẽ với đấu tranh quân sự. Đấu tranh ngoại giao là một mũi tiến công sắc bén, có hiệu quả.

- Đấu tranh ngoại giao hỗ trợ cho đấu tranh quân sự, nhiệm vụ ngoại giao lúc đầu là giương cao ngọn cờ chính nghĩa, ngoại giao tập hợp các lực lượng yêu nước, khơi dậy tinh thần dân tộc, tố cáo tội ác của địch, bóc trần luận điệu mị dân “phù Trần diệt Hồ”… góp phần phân hóa hàng ngũ địch, ngoại giao mở lối thoát cho quân Minh để chấm dứt chiến tranh. Các thư của Nguyễn Trãi từ đầu cho đến cuối chiến tranh đều chủ động tiến công, chuẩn bị cho hoạt động quân sự.

- Lúc đầu khi lực lượng quân khởi nghĩa còn yếu, thời kỳ tạm hoãn (1423-1424) đạt được bằng đấu tranh ngoại giao, nhờ vậy lực lượng nghĩa quân được củng cố, phát triển mạnh, địa bàn giải phóng được mở rộng, tạo thêm sức mạnh để chiến thắng kẻ thù khi chúng còn mạnh hơn ta.

- Luôn luôn chủ động tấn công:

   Nét nổi bật của Nguyễn Trãi là luôn luôn chủ động tấn công và giành thế chủ động. Ngay lúc mới khởi binh, Nguyễn Trãi đã tấn công địch bằng thư tố oan, tố cáo tội ác của địch, giành lấy chính nghĩa về mình. Khi khó khăn, Nguyễn Trãi chủ động tạo thời gian tạm hoãn để củng cố lực lượng. Nguyễn Trãi chủ động tấn công vào bất cứ thời gian nào, hoàn cảnh nào. Khi địch dụ dỗ thì Nguyễn Trãi tương kế, tựu kế tiến hành thương lượng để gây ảo tưởng, cử sứ đi lại để điều tra tình hình, chuẩn bị phương án tác chiến mới. Khi bị địch tấn công, Nguyễn Trãi chủ động tấn công để địch không biết thực chất lực lượng và ý đồ của nghĩa quân. Khi nghĩa quân mạnh, ngoại giao được đẩy mạnh phối hợp với hoạt động quân sự nhằm đánh bại ý chí xâm lược của chúng, giành thắng lợi quyết định về quân sự, mở lối thoát “trong danh dự”, thực chất là buộc địch đầu hàng theo điều kiện của ta mà không tiếp tục thù hận để gây cuộc chiến tranh mới.

- Sử dụng linh hoạt sách lược ngoại giao:

   Tùy tương quan lực lượng, Nguyễn Trãi có lúc mềm mỏng, nhún nhường, lúc phê phán đả kích mạnh. Tùy đối tượng mà Nguyễn Trãi có lời lẽ thích hợp. Với Mã Kỳ, Phương Chính ông đả kích gay gắt, với bọn lừng chừng như Vương Thông, ông phê phán mặt tiêu cực như bội tín, thiếu quyết đoán, ra sức thuyết phục để giảng hòa, rút quân về nước. Với vua Minh tuy là biểu cầu phong nhưng vẫn vạch tội xâm lược. Với sách lược linh hoạt về đối ngoại, Nguyễn Trãi đã khiến tướng giặc là Thái Phúc ra hàng, Mộc Thạch chưa đánh đã bỏ chạy.

   Điểm nổi bật trong tư tưởng ngoại giao của Nguiyễn Trãi là vừa tấn công quân sự vừa đàm hòa. Tấn công quân sự là cơ sở của đàm hòa, hòa đàm là để giành thắng lợi to lớn, ít tốn xương máu hơn. Trong khởi nghĩa Lam Sơn có khi đánh để thương lượng, có lúc vừa đánh vừa đàm, dùng sức ép quân sự buộc địch phải thương lượng. Vấn đề thời cơ được coi trọng song đàm phán có thắng lợi hay không chủ yếu do thắng lợi quân sự quyết định. Trong thương lượng, nguyên tắc không thay đổi là độc lập dân tộc, chủ quyền của đất nước. Mục tiêu từ đầu đến khi kết thúc cuộc chiến tranh là buộc quân xâm lược rút về nước, trả lại đất cho nhân dân ta.

Trong triều đại Tây Sơn: được xây dựng trên cơ sở thắng lợi của phong trào nông dân Tây Sơn nên đặc điểm ngoại giao của thời kỳ này cứng rắn, liên tục tấn công địch. Nếu ở thời kỳ trước tổ tiên ta nhân nhượng ít nhiều là để đạt mục tiêu cơ bản thì Quang Trung không hề nhượng bộ. Yêu sách của Quang Trung ngày càng cao hơn và đều đạt được kết quả, kể cả yêu sách đòi đất Lưỡng Quảng và cầu hôn công chúa nhà Thanh.

   Yêu sách ngoại giao của Quang Trung được nêu lên trên cơ sở thắng lợi to lớn, quyết định về quân sự - từ tấn công quân sự đến tiến công ngoại giao. Tất cả các loại thư biểu gửi quan lại và Càn Long đều thể hiện sự cứng rắn và tinh thần tiến công ngoại giao thời Quang Trung. Việc nhà Thanh chấp nhận phong vương cho Quang Trung và đón cháu ngoại là Phạm Công Trị - đóng giả vua Quang Trung sang chầu là một thắng lợi lớn về ngoại giao của triều đại Nguyễn – Tây Sơn

   Thắng lợi về ngoại giao thời Quang Trung là đỉnh cao của ngoại giao truyền thống của nước ta thời Đại Việt

1.3.2. Những bài học từ thực tiễn đấu tranh ngoại giao của tổ tiên ta thời Đại Việt

1. Kiên quyết và kiên trì đấu tranh cho mục tiêu cơ bản của dân tộc

   Mục tiêu cao nhất của dân tộc ta trong đấu tranh chống xâm lăng là độc lập quốc gia, chủ quyền lãnh thổ, danh dự dân tộc. Nếu bị xâm hại thì dù là kẻ địch mạnh hơn mình nhiều lần, dân tộc ta cũng kiên quyết chống lại. Để đạt được mục tiêu đó, ngoại giao trở thành một mặt trận, tinh thần, ý chí quật cường của dân tộc thể hiện trong đấu tranh ngoại giao. Nguyên tắc nhất quán về ngoại giao của tổ tiên ta là tự chủ, cứng rắn thể hiện rõ nét ngay từ khi Ngô Quyền giành được độc lập dân tộc, xây dựng một vương triều riêng, độc lập với thiên triều. Việc đặt tên nước là Đại Cồ Việt của Đinh Tiên Hoàng xuất phát từ thế nước vững vàng, ý thức độc lập, tự tôn của dân tộc được nêu cao.

- Lý Thường Kiệt chủ động tấn công vào căn cứ của quân Tống.

- Nhà Trần không lùi bước trước sứ giả của đế quốc Nguyên - Mông hùng mạnh. Các yêu sách ngang ngược của chúng đều bị nhà Trần bác bỏ.

- Nguyên tắc trong ngoại giao thể hiện ở thái độ của Quang Trung đối với nhà Thanh, nhưng kẻ thù của chúng ta luôn là các thế lực hùng mạnh và hung hãn nên trong đấu tranh ngoại giao không chỉ có cương mà còn đôi khi phải nhu. Việc trong xưng đế, ngoài xưng vương, chịu thần phục, cống nộp đều là kế sách tránh tạo cớ xâm lăng cho ngoại bang, nhất là sau khi ta thắng trận.

2. Nêu cao tính chính nghĩa

   Là nước nhỏ bị nước lớn xâm lược nên cuộc đấu tranh của ta luôn là chính nghĩa. Chúng ta vạch trần âm mưu xâm lược và bộ mặt thật của kẻ thù dù che đậy dưới bất cứ hình thức nào, để khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc, tạo ra sức mạnh tổng hợp. Tính chính nghĩa luôn là sức mạnh của dân tộc ta. Nguyễn Trãi đã tổng kết.

“Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn

Đem chí nhân thay cường bạo”

- Về đối nội, chính nghĩa quy tụ các lực lượng yêu nước. Về đối ngoại, chính nghĩa vạch rõ thế yếu, thế bị cô lập, làm hoang mang tinh thần binh sĩ địch, cô lập những kẻ cầm đầu hiếu chiến. Tây Sơn đã lấy những hành động tàn bạo của quân Thanh khi tiến vào Thăng Long để bóc trần, thức tỉnh sĩ phu Bắc Hà oán ghét và cô lập chúng.

3. Biết thắng từng bước trong đấu tranh ngoại giao

   Năm 905, họ Khúc mới giành được quyền tự chủ, tự xưng là Tiết độ sứ. Đến năm 1175, thời Lý Anh Tông, phong kiến Trung Quốc mới công nhận nước ta là quốc gia có chủ quyền, từ đó An Nam quốc, An Nam Quốc vương mới được ghi vào sử sách Việt Nam và Trung Quốc. Đây là kết quả của một quá trình đấu tranh lâu dài của nhân dân ta, phải từng bước giành thắng lợi.

   Chúng ta còn phải đấu tranh giành thắng lợi từng bước trên các vấn đề khác vì nước ta nhỏ, đất không rộng, người không đông, phải chống lại kẻ thù lớn hơn gấp nhiều lần. sau mỗi lần thắng lợi, kẻ thù chưa chịu từ bỏ xâm lược trở lại, chiếm một số vùng đất biên giới, vì vậy ta vẫn phải tiếp tục đấu tranh ngoại giao để đòi lại các vùng lãnh thổ địch còn chiếm giữ: Nhà Lý sau 5 năm đấu tranh mới đòi lại được vùng Quảng Yên, nhà Trần sau 35 đấu tranh bền bỉ mới buộc quân Nguyên Mông bãi binh; Quang Trung đại phá quân Thanh nhưng sau đó vẫn tiếp tục bằng con đường ngoại giao buộc nhà Thanh phải nhượng bộ, nhận yêu sách đòi đất, cầu hôn.

4. Triệt để khai thác những khó khăn, mâu thuẫn trong nội bộ kẻ thù

   Khó khăn lớn nhất trong nội bộ kẻ đi xâm lược là khó có thể giữ sự nhất trí trong nội bộ và buộc phải vơ vét, bóc lột nhân dân để phục vụ chiến tranh. Do vậy, kẻ đi xâm lược thường bị áp lực từ hai phía: sự chống trả của đối phương và sự bất đồng trong nội bộ, sự chống đối của nhân dân lao động và binh lính của họ. Tổ tiên ta đã triệt để khai thác yếu tố này.

+ Lý Thường Kiệt rải “lộ bố” trên đất Tống để tố cáo kẻ thù khi biết rõ nội tình nhà Tống. Khi kẻ địch “tiến thoái lưỡng nan”, ta dã dùng biện pháp bàn hòa để gỡ thể diện cho kẻ địch.

+ Nguyễn Trãi đã vạch cho Vương Thông 6 điều phải thua khi biết rõ nội tình địch cũng như nước đi xâm lược. Ông đã khoét sâu những điểm yếu của địch, tìm cách phân hóa cô lập chúng, biết rõ kẻ hiếu chiến, kẻ do dự nên buộc địch “không đánh mà phải khuất”

+ Vua Quang Trung đã tiên đoán được thắng lợi trước khi ra quân đại phá quân Thanh. Sau thắng lợi lại nhìn nhận được “người Thanh nhịn đi thì thẹn, báo thù thì khó” do vậy đã thu được thắng lợi to lớn trong ngoại giao.

5. Kết hợp giữa tấn công quân sự với hòa đàm thương lượng

   Hòa đàm nhằm che đậy lực lượng, khó khăn tạm thời của ta, khi có điều kiện có lợi kết hợp với tấn công quân sự để giải phóng dân tộc.

   Hòa đàm được tiến hành trong lúc kẻ địch gặp khó khăn, lúng túng, ta đang giành được thắng lợi về quân sự. Kết quả hòa đàm thương lượng tùy thuộc vào tương quan lực lượng và vận dụng khéo léo của các nhà ngoại giao, thắng lợi trên bàn ngoại giao phụ thuộc vào thắng lợi quân sự trên chiến trường.

   Hòa đàm còn là sự đấu trí, đấu lí giữa hai bên: khi Vương Thông bị thua trên chiến trường, ngoan cố đợi viện binh, trì hoãn việc thực hiện cam kết. Nguyễn Trãi một mặt ép về quân sự, kết hợp với tiến công ngoại giao liên tục, khiến cho Vương Thông phải thi hành thỏa thuận trong hòa đàm. Hòa đàm kết hợp với tiến công quân sự là phương sách ít tốn xương máu nhất như  trận hạ thành Trà Long của nghĩa quân Lam Sơn. Đối với nước ta phương thức này rất cần thiết vì kẻ thù của chúng ta luôn mạnh hơn nhiều lần. Hòa đàm thương lượng còn tránh cho kẻ thù đỡ mất thể diện để “dập tắt chiến tranh cho muôn đời” như Nguyễn Trãi đã từng nói.

6. Luôn chủ động tiến công trong ngoại giao

- Trong các cuộc chiến tranh, kể cả lúc ta thất thế về quân sự như ba lần nghĩa quân Lam Sơn phải rút về núi Chí Linh để bảo toàn lực lượng; khi nhà Trần ba lần phải tạm thời rút khỏi Thăng Long, tổ tiên ta vẫn chủ động tấn công địch bằng ngoại giao. Bức thư “tố oan” của Nguyễn Trãi trong những ngày đầu cuộc khởi nghĩa Lam Sơn nhằm vạch rõ tội ác của kẻ thù và nêu cao chính nghĩa của nghĩa quân Lam Sơn. Lúc bị vây trong rừng sâu, Nguyễn Trãi gửi thư thách thức Phương Chính đem quân đánh nhau nơi bằng phẳng, Phương Chính sợ hãi không dám đem quân ra. Hai bức thư ra đời trong hai bối cảnh khác nhau, nhưng Nguyễn Trãi đều đạt được kết quả mong muốn.

   Nhiều hoạt động ngoại giao của ta thể hiện sự tấn công như Vũ Văn Dũng, Ngô Thời Nhậm chủ động sang Thanh làm kẻ địch hùng mạnh phải kiêng nể, đó là thái độ khoan dung, đại độ của một nhà nước tự chủ, thịnh vượng

1.4. Những hoạt động ngoại giao của Triều đình Nguyễn và hoạt động đối ngoại trong công cuộc giải phóng dân tộc  đầu thế kỷ XX

1.4.1. Những hoạt động ngoại giao của nhà Nguyễn (1802-1884)

   Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, các vua triều Nguyễn như Gia Long (1802-1819), Minh Mạng (1820-1840), Thiệu Trị (1841-1847), Tự Đức (1848-1883) đã trả thù tàn bạo nhà Tây Sơn. Năm 1804 nhà Nguyễn chính thức công bố tên nước là Việt Nam, đóng đô ở Phú Xuân (Huế).

- Nhà Nguyễn thần phục nhà Thanh, đóng cửa cự tuyệt quan hệ với các nước phương Tây. Từ thế kỷ XVII-XVIII các nước phương Tây bắt đầu nhòm ngó Việt Nam, sự cầu cứu của Nguyễn Ánh đã làm Pháp chú ý nhiều hơn đến nước ta. Năm 1858 Pháp xâm lược nước ta, suốt thời kỳ Pháp xâm lược và đô hộ, cuộc đấu tranh chống xâm lăng của nhân dân  Việt Nam thực chất là cuộc đấu tranh ngoại giao

- Hiệp ước Nhâm Tuất (1862) thừa nhận việc cai quản 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ.

- Hiệp uớc Giáp Tuất (1874) thừa nhận chủ quyền của Pháp trên toàn bộ Nam Kỳ

- Hiệp ước Hácmăng (25-8-1883) triều Nguyễn đã đầu hàng Pháp

- Hiệp ước Patơnốt (6-6-1884)

- Hiệp ước Thiên Tân (9-6-1885) Pháp ký với chính phủ Mãn Thanh: Pháp rút quân khỏi Đài Loan, Trung Quốc thừa nhận quyền thống trị của Pháp ở Việt Nam.

   Như vậy, chính sách ngoại giao của triều Nguyễn lúc đó đã làm hao mòn sức dân, nội bộ dân tộc chia rẽ sâu sắc. Chính sách cấm đạo, tàn sát giáo dân và các giáo sĩ càng tạo thêm cớ cho tư bản Pháp đánh chiếm nước ta

1.4.2. Những hoạt động ngoại giao từ 1920-1930

- Bản yêu sách của Nguyễn Ái Quốc gửi tới hội nghị Vecxai năm 1919

- Bỏ phiếu tán thành và xin gia nhập Quốc tế thứ ba (1920)

- Thành lập các tổ chức yêu nước như Hội liên hiệp thuộc địa (1921)

- Tham sự Đại hội quốc tế cộng sản lần thứ V (1924) tại Matxcơva

1.4.3. Hoạt động ngoại giao từ 1930-1945

- Thời kỳ 1930-1939

+ Khi Đảng ta ra đời, hoạt động đầu tiên là làm cho nhân dân thế giới và những người cộng sản trên thế giới hiểu về Việt Nam, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của thế giới với nước ta. Tháng 10-1930, Đảng Cộng sản Đông Dương được công nhận là một chi bộ của Quốc tế cộng sản.

+ Trong giai đoạn 1936-1939: ủng hộ Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp, ủng hộ các lực lượng dân chủ thế giới chống phát xít và nguy cơ chiến tranh, ủng hộ Liên Xô và Trung Quốc trong cuộc đấu tranh chống phát xít, ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa

- Thời kỳ 1939-1945:

   + Nhân dân ta đứng về phía phe dân chủ chống phát xít, ủng hộ Liên Xô chống phát xít Đức, Trung quốc chống phát xít Nhật.

+ Lập quan hệ với đồng minh Anh, Mĩ, Trung Hoa Dân quốc để chống Nhật.

+ Cổ vũ phong trào của các lực lượng kháng chiến Pháp chống phát xít Đức

   Như vậy đường lối ngoại giao của Đảng ta trong thời kỳ 1939-1945 là luôn đứng về phía lực lương đồng minh chống phát xít, tranh thủ sự giúp đỡ của đồng minh (chủ yếu là lực Mĩ ở Trung Quốc) để xây dựng lực lượng chuẩn bị thực lực trong nước, tranh thủ dư luận quốc tế để nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro