NGÔI NHÀ NHỎ TRÊN THẢO NGUYÊN tập 10

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

NGÔI NHÀ NHỎ TRÊN THẢO NGUYÊN

TẬP 10: TRÊN ĐƯỜNG VỀ

Tác giả: Laura Ingalls Wilder

I.

Suốt bảy năm qua, mưa quá ít. Bụi bay mù khắp các đồng cỏ. Ngày nối ngày, mùa hè này tiếp mùa hè khác, gió nóng thổi như tiếng kèn đồng trong bầu trời vàng ửng. Mùa vụ thất bát liên tục. Đất đai cằn cỗi lại phải cầm thế để trang trải thuế khóa và mua hạt giống cho mùa sau. Đau đớn vì hết hy vọng ở mùa màng, không thể mua thiếu chịu, không còn tiền trả lãi và đóng thuế; chủ ngân hàng xiết đất. Rồi tới lượt ngân hàng sụp đổ.

Ròng rã bảy năm, một tai họa kỳ bí bao trùm khắp nơi. Tất cả các ngân hàng đều thua lỗ. Từ bờ đại dương này tới bờ đại dương kia, các cơ xưởng đóng cửa, việc kinh doanh ngưng hẳn. Đúng là một cuộc khủng hoảng kinh hoàng.

Không chỉ là một cơn suy thoái kinh tế. Không một ai nghe nhắc đến một tình trạng suy thoái nào vào năm 1893. Tất cả chỉ biết về những cuộc khủng hoảng kinh hoàng, những cuộc khủng hoảng đã có vào các năm 1797, 1820, 1835, 1857, 1873. Cuộc khủng hoảng chẳng có gì lạ với ông Ngoại là người từng đối mặt nhiều lần trước với chúng. Ông Ngoại nói đây chỉ là một cuộc khủng hoảng tệ hơn những cuộc khủng hoảng đã có và chẳng có gì tồi bằng thời chiến tranh. Lúc này mọi người còn được yên ổn trên giường của mình, không có những kẻ hung hãn ngoại trừ đoàn quân Coxey.

Tất cả các ngả đường từ California, những đoàn quân thất nghiệp Coxey chiếm xe lửa, chất đầy lên các toa, vét sạch nhiên liệu chạy hết tốc lực ráng tới Washington càng nhanh càng tốt. Họ đi vào các thị trấn với cơn bão gào thét “Công bằng cho người Lao Động” rồi họ ngưng lại chen lấn nhung nhúc đòi thức ăn và cung cấp đủ phần ăn cho ba ngày đường, nếu không họ sẽ đốt cháy thị trấn.

Mọi người phải lo cung cấp đủ những thứ họ đòi để tống khứ họ đi ngay. Trong khắp các thị trấn, quân đội Liên Bang đều canh gác cẩn mật các văn phòng Nhà Nước.

Tôi tròn bảy tuổi, đang học lớp Hai ở trường học nhưng đã đọc được các sách lớp Ba, Bốn và các truyện Robinson Crusos, Gulliver phiêu lưu ký. Về sau, khi lớn hơn, tôi đã đọc tờ The Chicago Inter-Ocean được gửi đến hàng tuần. Tôi đọc nhưng không hiểu hết những điều mình đã đọc.

Tờ báo nói không còn xe lửa trên các đường sắt phía đông vùng Mississipi. Đã có nhiều người được phái đi gỡ hết đường sắt dẫn tới miền Đông để không cho các đoàn quân Coxey tràn tới. Lúc đó các đạo quân biến thể, đi bộ tiến về Washington vừa đi vừa cướp bóc, trộm cắp và ăn xin.

Một thời gian khá dài tôi sống với ông bà Ngoại và các dì tại De Smet vì không ai rõ cha mẹ tôi lúc đó ra sao. Chỉ có Trời mới biết nổi. Họ chẳng giống ai, một từ khó hiểu và khủng khiếp. Tôi không biết đích xác nó là gì mà chỉ thấy nó tối tăm và hàm ý là tôi không bao giờ còn gặp lại cha mẹ nữa.

Lúc đó cha tôi, đúng cung cách đàn ông, bất chấp mọi lý lẽ khuyên nhắc cần ngồi trên giường.

Bà Ngoại gần như luôn ca cẩm chuyện này với các dì. Dứt khoát và quả quyết, cha tôi vẫn ra ngoài lo chăm sóc đám gia súc. Và do làm việc quá độ, không bao lâu ông ngã bệnh. Bây giờ ông phải nằm liệt trên giường suốt ngày và mẹ tôi, Laura làm được gì? Ngoài ra, còn phải ôm tôi trên tay.

Nhưng khi tôi thấy lại cha tôi, ông đã đi lại được một cách chậm chạp. Ông kéo lết như thế qua hết những năm chín mươi và không bao giờ khỏe lại như bình thường trước kia.

Lúc đó chúng tôi sống trong căn nhà riêng của mình ở thị trấn De Smet, cách xa phố Main, tại nơi chỉ có một lối đi bộ chạy trên những đám cỏ ngắn màu nâu. Đó là một căn nhà mướn lớn và trống rỗng. Cả tầng trên lẫn tầng dưới đều tối tăm và về đêm đầy những âm thanh rón rén, nhưng đó là lúc mà ánh đèn được thắp sáng ở nhà bếp, chỗ chúng tôi sinh hoạt. Lò bếp cùng bàn, ghế đều kê ở đây, giường ngủ kê trong gian trống và vào giờ ngủ, chiếc giường có bánh lăn của tôi được kéo tới gần hơi ấm của lò bếp. Mẹ tôi nói mình đang cắm trại mà, có thích không? Tôi biết mẹ muốn tôi nói thích và tôi nói như thế. Với tôi, mọi thứ đều đơn giản.

Tôi đi học trong lúc cha và mẹ tôi làm việc. Học bài, chép bài, đánh vần, làm toán, tập viết gần như lấp kín mỗi ngày với niềm vui đáp ứng đúng những yêu cầu nghiêm ngặt của cô Barrow. Tôi viết hai mươi lần không có một lỗi nhỏ nào câu “Chần chừ là kẻ ăn cắp thời gian” trong cuốn vở tập viết; viết chính xác từ nét chữ tới độ cao của những chữ t, chữ d, chữ Laura và từng dấu chấm của những chữ i trong các câu “Truyền đạt sai làm hư những cung cách tốt” và “Ngọt ngào là cách vận dụng nghịch cảnh”.

Buổi chiều trên đường về nhà, lũ học trò cần cù chúng tôi nhớ lại một cách ấm áp gương mặt nghiêm trang, chu đáo của cô Barrow và thường chúng tôi cùng cất tiếng hát một bài hát vui nhộn. Bài hát thường nghe thấy nhất trong thời gian này là bài Ta-ra-ra boom-de-ay. Dì Grace của tôi, một nữ sinh lớn xinh đẹp, thường hát bài này, mẹ tôi đôi khi cũng hát và gần như lúc nào cũng có một người đàn ông hoặc một học sinh con trai huýt sáo theo bài hát:

Ôi Dakota! Dakota đất lành trìu mến

Bỗng khô cằn màu mỡ dưới nắng hun

Bát ngát đồng xanh biến thành cỏ cháy

Mưa sao nhẫn tâm trước cảnh vô hồn

Cho tới khi tiếng kèn đồng trỗi dậy

Gọi mưa về và nổi gió từng cơn

Ta vẫn ở đây nhưng không sống nữa

Còn chi đâu mà nghĩ tới lên đường.

Mẹ tôi không phải ra ngoài đi làm nữa vì cha tôi là người lo cung cấp mọi thứ. Cha tôi làm việc mọi nơi, có thể lái xe chở đồ, làm thợ mộc, sơn nhà, thay phiên cho một chủ cửa hàng đi ăn cơm trưa và có lần ông còn làm bồi thẩm tại thị trấn. Lúc đó, mẹ tôi và tôi mỗi đêm tới ngủ ở nhà bà Ngoại vì bồi thẩm đoàn cần tránh mọi giao tiếp nên cha tôi không thể về nhà. Mỗi ngày trong thời gian liên tục năm tuần đó cha tôi được trả hai đô la và ông mang về nhà đủ số tiền.

Mẹ tôi cũng làm việc để dành dụm thêm. Mẹ đi may ở một cửa hiệu may từ sáu giờ sáng tới sáu giờ chiều mỗi ngày, trừ ngày Chủ Nhật, rồi trở về nhà lo bữa ăn tối. Tôi đã thái mỏng khoai tây để sẵn trên bàn. Tôi không được phép đụng tới lò bếp. Một ngày mẹ tôi thùa xong sáu chục chiếc khuyết áo trong vòng một giờ đồng hồ, vỏn vẹn sáu mươi phút; không một ai có thể làm tốt và nhanh như thế.

Và một tuần với sáu ngày làm việc, mẹ lãnh được một đô la mỗi ngày.

Chúng tôi sẽ đi về Vùng Trái Táo Đỏ khi có đủ tiền. Một người có tên là ông Sherwin đã tới đó và thấy rõ trái táo nên hình ảnh do ông ta gửi về là thực; hình chụp các trái táo lớn màu đỏ cùng những hàng cây nhỏ hơn nhiều so với những cây lớn ở đây và những tòa nhà lộn xộn có tên là Mansfield. Quang cảnh chẳng giống như cái tên diễn tả chút nào, không phải là cánh đồng của người đàn ông, và hàng chữ in ở dưới thì cho biết đó là thành phố Gem trong vùng Ozarka.

Xung quanh và phía dưới những bức hình in trên giấy bóng rất đẹp, tôi đọc thấy thành phố Gem của Ozarka thuộc Vùng Trái Táo Đỏ ở Missouri. Lúc này tôi biết có ba bang mang tên Miss là Miss-issipi, Miss-consin và Miss-ouri. Paul nói với giọng miệt thị rằng không phải Miss-ouri mà là Wis-consin, nhưng với tôi thì Wis không có nghĩa gì cả.

Paul và George Cooley cùng đi với chúng tôi tới Vùng Trái Táo Đỏ. Paul lớn nhất rồi tới George còn tôi bé nhất, nhưng tôi được cả hai dành cho quyền ra lệnh vì tôi là con gái. Chúng tôi luôn biết rất rõ mọi chuyện của nhau. Cha hai đứa có hai cặp ngựa kéo lớn và hai cỗ xe và Paul được phép điều khiển một cặp ngựa. Paul nói cha nó bảo nó làm được. Tôi không muốn tin chuyện này nhưng tôi biết Paul không bao giờ nói dối. Nó cũng là một đứa con trai lớn, sắp mười tuổi rồi.

Mẹ tôi đã để dành được một trăm đô la để có tiền đi tới Vùng Trái Táo Đỏ. Tất cả số tiền này chỉ vỏn vẹn là một tờ giấy gọi là “tờ một trăm đô la”. Mẹ giấu tờ giấy bạc trong chiếc bàn viết vốn là một hộp gỗ rất lôi cuốn do cha tôi làm và chuốt bóng tới mức tạo một cảm giác thật khoan khoái khi vuốt tay lên. Chiếc hộp được mở ra trên những bản lề bằng đồng làm thành một mặt phẳng rộng nằm nghiêng để làm mặt bàn viết được trải một lớp nỉ xanh. Phía trên mặt bàn có một khay gỗ nhỏ giữ chiếc bút có quản gắn hạt trai của mẹ và bên cạnh là chỗ đặt lọ mực. Và lớp nỉ xanh phủ trên chiếc nắp có thể nhấc lên quanh những bản lề thật nhỏ để mở ra chỗ cất giấy tờ nằm bên dưới. Tôi chỉ được phép ngắm và sờ chiếc bàn khi nào mẹ mở ra.

Tờ một trăm đô la là một bí mật. Mẹ khóa kín nó trong chiếc bàn. Ông bà Cooley biết và có lẽ Paul và George cũng biết, nhưng chúng tôi không nên nói về nó. Tôi không bao giờ, không bao giờ hé môi nói một lời về tờ một trăm đô la đó với ai. Không bao giờ, không thể nào có một vấn đề gì về nó.

Dưới bóng mát của căn nhà trống trơn, cha tôi sơn cỗ xe. Quả đúng thực sự là một cỗ xe lớn hơn hẳn mọi cỗ xe cùng loại. Nó là một cỗ xe hai băng ghế hai chỗ ngồi dù lúc này nó chỉ có một băng ghế trước. Cha tôi sơn xe màu đen bóng loáng. Phía trên ông căng mui phẳng bằng vải dầu màu đen và thả những tấm che cũng bằng vải dầu màu đen ở hai bên và phía sau. Những tấm che này sẽ cuốn lên khi cha tôi kéo một sợi dây. Ngay sau ghế ngồi, cha tôi căng vừa khít một khung nhún và mẹ tôi làm giường trên đó. Buổi tối, mẹ làm giường cho tôi trên sàn xe ngay phía trước ghế ngồi.

Mẹ nướng hai tá bánh khô để ăn trong chuyến đi. Bánh lớn hơn một chiếc đĩa, dẹt và cứng.

Phải cứng và khô để bánh không bị hư như những thứ bánh thông thường. Bánh thật khó gặm nhưng cũng có mùi vị gần giống bánh quy xốp.

Một ngày chúng tôi hối hả sắp xếp để sớm được lên đường tới kịp Vùng Trái Táo Đỏ trước mùa đông. Chúng tôi không thể ngưng lại để xem xét công việc nhưng cần lo thêm nhiều thức ăn cho chuyến đi nên cha tôi mua thêm một hộp mồi lửa a-mi-ăng để sẽ đổi chác hoặc bán lại với giá mười xu một sợi.

Mồi lửa là một thứ mới mẻ chưa từng nghe thấy. Nó giống như những miếng giấy bồi hình tròn màu trắng xám với một đường mép mỏng bằng thiếc. Không ai có thể tin rằng nó không cháy cho tới khi cha tôi làm cho thấy. Ông thúc đẩy sự ngờ vực gấp đôi khi đốt lửa cho nóng thêm lên mãi, rồi ông bỏ một chiếc mồi lửa vào giữa những ngọn lửa. Nó đỏ rực lên và mọi người lên tiếng chế nhạo, nhưng miếng mồi lửa không hề hấn gì. Đặt miếng mồi lửa vào dưới một chiếc bình, cha tôi bào bình không chỉ nấu khô mà có thể làm cháy xém một củ khoai tây. Mỗi người phụ nữ đều cần có một hộp mồi lửa như thế.

Tất cả những thứ chúng tôi mang theo trong chuyến đi đều chất trước hết dưới khung giường nhún. Sau đó là những thứ chúng tôi đang dùng như bàn, ghế xếp chân, vỉ sắt nấu nướng mà cha tôi làm; chiếc võng mà người dì mù Mary của tôi móc tặng cho chúng tôi làm một món quà cùng chiếc bàn viết được gói kỹ lại; đĩa, ly, chảo chiên, bình lọc cà phê, thùng giặt, xô nước, cọc buộc gia súc và cọc lều được nhồi cứng trong thùng xe. Cha tôi buộc tấm che phía sau lại. Phía ngoài ông cột thêm chiếc chuồng gà trong lúc những con gà mái trong chuồng la quang quác sau tấm lưới sắt. Nhưng không bao lâu chúng sẽ quen với việc di chuyển.

Sáng sớm hôm sau, chúng tôi chào từ biệt ông bà Ngoại, các dì Mary, Carrie, Grace. Tất cả đứng xung quanh nhìn theo chúng tôi ra đi, dù cặp mắt xanh tuyệt đẹp của dì Mary không thể nhìn thấy chúng tôi. Cặp ngựa cái được đóng vào xe còn những con ngựa con của chúng, Pet và Prince Nhỏ chạy theo sau. Xe của ông Cooley dẫn đầu và Paul điều khiển cỗ xe chạy kế theo. Tôi tự mình leo lên bánh xe ngồi vào ghế. Mẹ tôi ngồi cạnh tôi và bên cạnh mẹ tôi là cha tôi ngồi nắm dây cương trong tay. Mọi người đều nói:

- Tạm biệt, tạm biệt!

- Đừng quên gửi thư về nghe.

- Chắc chắn là không quên đâu. Sẽ có thư. Tạm biệt!

Và, chúng tôi ra đi.

Thế là xa nhà bà Ngoại với những tấm thảm và chiếc ghế đu; xa những cuốn sách thánh ca trên cây đàn dương cầm; xa chiếc ghế đẩu dành riêng cho tôi; xa ngôi trường đầy bụi phấn có cô giáo hiền hòa Barrow dạy Mẫu giáo, Vỡ lòng, lớp Một, lớp Hai; xa những bờ tường mùa hè với những con châu chấu trong cỏ khô và những nhánh lá dương kẻ chỉ bạc xào xạc trên đầu; xa ngôi nhà xám xịt trống hoang; xa bà Sherwood và em gái của bà thỉnh thoảng vào những buổi chiều ngột ngạt đã yêu cầu tôi chạy đi mua mười xu kem lạnh từ một hiệu bán kem ở xa rồi chia cho tôi; xa thị trấn De Smet để tới Vùng Trái Táo Đỏ.

Hàng ngày mẹ tôi đã ghi lại mọi chuyện về chuyến đi này trong cuốn sổ tay khổ nhỏ mua 5 xu bằng cây bút chì và dĩ nhiên ghi trên cả hai mặt giấy. Lúc đó, không ai hoang phí giấy cả. Sau đây là những ghi chép của mẹ tôi

R.W.L

II.

17 tháng bảy 1894

Khởi hành lúc 8g30. Ra khỏi ba dặm chỉ là những cây kế Nga. Những người cắt lúa với mùa lúa mì èo uột. Vào ranh giới hạt Miner lúc 2 giờ. Hạ trại bên một dòng suối cạn nhưng đủ lo cho lũ ngựa. Lúa cao khoảng 8 inch may ra sẽ đạt nổi sản lượng một giạ rưỡi mỗi mẫu. Trời nóng.

18 tháng bảy

Nhiều nông dân cắt lúa làm cỏ khô. Lúc 11g30, chúng tôi rời khỏi Howard một dặm về phía đông. Trồng trọt ở đây còn đỡ. Kéo lết tới mùa tới là việc đã xong hết, không còn lo lắng về thu hoạch trong mùa này. Tuy nhiên mùa vụ vẫn tệ hại chưa từng thấy. Cỏ không mọc nổi. Lúa cao chừng 3 inch héo úa và chết khô.

Đi ngang đường sắt Tây Bắc R.R lúc 2g25. Vào ranh giới hạt McCook lúc 5 giờ, cho xe chạy thêm hai dặm rưỡi và hạ trại. Trong buổi chiều có một đợt bão bụi nhỏ và chúng tôi phải kéo xe chụm chung lại vì không thể thấy rõ những gì đang xảy ra. Gió nam nóng hực đổi thành gió bắc lạnh lẽo, cả hai thứ đều gay. Dù vậy, nhiệt lượng kế trong xe đứng ở 102 độ.

19 tháng bảy

Ban đêm trời đổ mưa nhưng không có gió. Không vật gì trong thùng xe bị ướt ngoại trừ một tấm mền phủ lưng ngựa. Chúng tôi rán thịt gà làm thức ăn điểm tâm và khởi hành lúc 9g15. Thời tiết lạnh và dễ chịu, gió thổi từ phía bắc và bụi lắng dưới mưa. Những khu rừng nhỏ rậm rạp và có vẻ rất tươi tốt nhưng nông dân đang cắt lúa phơi làm cỏ khô.

Chúng tôi kiếm được điểm cắm trại vừa ý trong một hẻm núi khuất gió và khuất mọi tầm nhìn.

Bữa tối đã được nấu nướng và ăn xong. Khi chúng tôi đang rửa chén đĩa, một người đàn ông đi tới và nói ông ta là chủ một khu đất và thấy chúng tôi cần chỗ nghỉ nên tới làm rộn. Vì ông ta sống ngay phía bên kia đồi nên chúng tôi nghĩ là chúng tôi có thể di chuyển qua con đường và tới ở yên ổn tại đó. Thế là chúng tôi đóng ngựa vào xe lái đi. Đây là một nơi hạ trại rất tốt. Buổi tối có thêm hai người đàn ông tới chuyện trò. Nhiệt lượng kế đứng ở 92 độ.

Bà Cooley và tôi đi vào một ngôi nhà để mua sữa. Ngôi nhà xúm xít đầy trẻ con và heo, tất cả đều lem luốc y hệt nhau.

20 tháng bảy

Khởi hành lúc 1g10. Một con ngựa của gia đình Cooley bị cứa đứt một vết nhỏ trên chân do vướng phải hàng rào kẽm gai.

Chúng tôi rời khỏi Bridgewater nửa dặm về phía đông. Ông Cooley lái xe vào thị trấn nhưng tất cả chúng tôi tiếp tục đi về phía nam và đến một khu lúa mạch đầu tiên tương đối có giá đang được cắt. Từ khi rời De Smet lúc này chúng tôi mới thấy thu hoạch nhưng lúa không tốt lắm.

Chúng tôi cho ngựa uống nước tại một giếng nước công cộng chạy bằng cánh quạt gió ngay bên đường. Nước trên khắp hạt McCook đều tốt. Các giếng có độ sâu trung bình chừng 120 bộ và gần như giếng nào cũng có cánh quạt gió. Đây là một hạt ổn định. Khắp hạt McCook, năm nay là năm mất mùa đầu tiên kể từ 16 năm qua. Có rất nhiều rừng cây nhỏ, những ngôi nhà xinh xắn, những vựa lúa lớn và rất nhiều leo, nhưng chúng tôi không thấy có nhiều bò dù có một xưởng sản xuất bơ và phomai tại Bridgewater. Mọi người nói mùa lúa quá xấu nhưng đây là mùa lúa tốt nhất mà chúng tôi được thấy lần đầu trong năm.

Vào địa phận hạt Hutchinson lúc 10 giờ. Ở đây người ta đang cắt cỏ để phơi khô. Chúng tôi đi ngang một đống đá khổng lồ đã được dọn sạch khỏi một khu đất. Thấy một số lúa mì khá tốt. Ông Cooley bắt kịp chúng tôi lúc 12 giờ khi chúng tôi tới một khu định cư của người Nga. Ông ấy không kiếm nổi lúa mì hoặc thực phẩm gì ở Bridgewater mặc dù có ba nhà máy xay trong thị trấn.

Khu định cư người Nga là những căn nhà, những lán kho xây bằng gạch sống, nhưng khu chuống gà và những đống than trữ để đốt. Nhà đều lui xa khỏi đường cái và hầu hết đều dựng thật dài, một đầu là nhà ở còn đầu kia là lán kho. Chúng tôi ngưng trước một nhà để kiếm nước. Ở đó có một gã ngớ ngẩn, một người đàn ông, một kẻ khủng khiếp.

Chúng tôi có thể thấy rừng cây dọc sông Jim nằm cách bên phải chúng tôi chỉ sáu dặm nhưng xa tới 18 dặm ở phía trước mặt. Đây là một vùng dễ thương, nhưng lại có một người Nga nói “Chẳng có gì tốt cho năm nay, chẳng có gì tốt cho năm ngoái”. Chúng tôi mang nước lên xe và hạ trại không có nước tại một nơi rất tốt ngoại trừ việc thiếu hụt trên. Nhiệt lượng kế trong xe ghi 100 độ.

Đường đi gần như hoàn toàn bằng phẳng suốt hai ngày, chỉ thỉnh thoảng có một hẻm núi nhỏ, không có đồi. Đất ở đấy giá từ 2500 đô la tới 3000 đô la cho một khu 160 mẫu.

21 tháng bảy

Chúng tôi tưởng là đương nhiên khởi hành sớm, nhưng lại có sự cố. Hết bánh mì nên chúng tôi phải nướng bánh quy và làm nước sốt với món thịt gà nấu trong đêm trước tưới lên bánh quy rồi đặt tên là bánh thịt gà hấp. Khi đóng ngựa vào xe, chúng tôi dùng con ngựa Pet và nó phóng đi.

Manly đã bỏ cương cho con ngựa con Pet Nhỏ nên nó không thể chạy theo mẹ. Tôi kêu “oa” cho xe dừng lại và tiến về phía con ngựa con. Ngay khi nhìn thấy tôi đi tới, nó vùng chạy. Tôi không thể chụp nó lại. Ông Cooley cưỡi một con ngựa giống da đỏ rượt theo nó và khi xấn lên nổi để chận ngang đầu nó thì nó đã chạy một đỗi khá xa. Nó sắp đi tới Missouri không chờ chúng tôi. Cuối cùng, chúng tôi khởi hành vào lúc 8g20.

Chúng tôi di chuyển dần dần về phía bờ sông chỉ còn cách chúng tôi năm dặm về phía tây bắc. Dọc theo bờ sông rừng cây rậm rạp. Ở đây mùa vụ đã thu hoạc xong và đang bắt đầu cày đất.

Đúng 10g30, những bờ đất phía bên kia sông Jim đã nằm trong tầm mắt.

Chúng tôi vào địa phận hạt Yankton lúc 12 giờ và lúc này, 2g15, chúng tôi đang ở trên bình nguyên sông Jim. Mặt đất phẳng lì như mặt nền nhà với một vài khu ruộng lúa chen giữa các đồng cỏ.

Chúng tôi nhìn thấy lần đầu tiên những hàng cây mọc tự nhiên hai bên đường và cũng là những bụi cây nhỏ.

Khoảng 4 giờ chiều, chúng tôi nhìn thấy một khu 160 mẫu trồng lúa nằm một bên đường và một khu khác 80 mẫu ở mé đường bên kia.

Chúng tôi hạ trại bên sông Jim dưới những cây lớn gần một nhà máy xay chạy bằng sức nước.

Đây là một địa điểm rất dễ chịu. Chúng tôi ở không xa một gia đình hoặc một khu định cư người Nga.

Họ hình như là một gia đình nhưng Manly nói anh đếm được 36 đứa trẻ đủ các cỡ tuổi còn ông Cooley nói có cả thảy 50 đứa nhỏ dưới 15 tuổi. Tất cả bọn họ kéo tới chỗ chúng tôi hạ trại, đứng bao quanh ngắm chúng tôi.

Người đàn ông có vẻ là thủ lĩnh của bộ lạc, hoặc cộng đồng hoặc là một thứ gì đó, nói họ tới đây từ năm năm trước và lúc này họ đã có 17 lô đất. Họ có nhiều đàn gia súc, những con ngựa rất tốt và 300 con ngỗng.

Vào lúc hoàng hôn, một đứa con trai mang tới một con cá lớn và hỏi chúng tôi có muốn mua không. Những người đang ông đã đi hết nên tôi và Emma Cooley không biết định giá con cá bao nhiêu.

Cậu bé nói chúng tôi có thể trả cho cậu ta một dime nhưng Emma và tôi không thể moi đâu ra một dime. Chúng tôi chịu thua khi những người đàn ông trở lại và mua con cá. Vài phút sau cậu bé lại tới với hai con cá nhỏ hơn, đòi được trả 15 xu, nhưng cuối cùng chịu bán với giá mười xu.

Ban đêm chúng tôi ngủ trong tiếng nước chảy xuôi. Manly đập chết một con rắn vào chiều hôm đó.

Chủ nhật 22 tháng bảy

Sáng nay tất cả chúng tôi đều đi tắm. Ông Cooley cùng lũ trẻ kéo nhau xuống sông. Paul và George quấn dây quanh người và tập bơi. Rose đi với bà Cooley cũng có một sợi dây quanh người do tôi giữ đầu dây. Cô bé ra tới chỗ nước sâu ngang người, lội nước loanh quanh rồi ngồi xuống cho nước dâng lên tới cằm. Suốt ngày những người Nga, gồm cả người lớn và con nít, không ngừng đeo theo chúng tôi. Họ không thể nói chuyện và chỉ hiểu rất ít. Họ khá tử tế, mang tới tặng cho chúng tôi sữa và một thùng lớn bánh quy. Bánh quy của họ xốp và rất ngon. Chúng tôi có cảm giác như đã quen biết với họ, nói cho họ biết tên của từng người trong chúng tôi và hỏi tên của họ rồi để họ ngồi đung đưa trên võng và trên những chiếc ghế. Họ hết sức tò mò, muốn xem xét mọi thứ rồi bàn tán với nhau.

Họ mời chúng tôi tới thăm nhà họ và Manly cùng đi với tôi. Họ chỉ cho chúng tôi những con ngỗng và những người đàn bà vắt sữa bò đang vắt sữa. Những người này giống hệt như trong những bức hình vẽ các cô gái vắt sữa và các nông dân Đức và Nga. Tóc họ vàng óng, chải thật mượt xuống hai bên má rồi kết bím thả lỏng phía sau và mỗi người đều buộc khăn ở trên đầu. Tất cả đều mặc cùng kiểu áo đầm. Đó là những chiếc áo dài bằng thứ vải màu xanh, không có ống tay nhưng những chiếc sơ mi màu trắng phía trong của họ lại có những ống tay thật dài. Đám đàn ông đều để râu quai nón dài và hoe vàng. Những ngườ này đều mặc áo choàng màu xanh dương dài gần tới đầu gối với đai lưng buộc quanh eo. Tất cả đều lễ độ, tươi cười hình như đang cố cho thấy họ rất mừng vì chúng tôi tới thăm. Họ cho thêm chúng tôi một thùng sữa tươi còn ấm và Manly tặng lại họ một mồi lửa. Một người đàn ông có vẻ đã Mỹ hóa được Manly chậm rãi chỉ dẫn về chiếc mồi lửa không thể bị cháy và ông ta nói ông ta hiểu. Nhưng ông ta không tin nó lại không bị cháy cho tới khi Manly thử cho thấy.

Khi chúng tôi sắp đi, một người đàn bà tới mở phần áo phía trước ngực lôi ra một bọc bánh quy đang áp ngay trên làn da trần của bà và tặng cho tôi. Người đàn ông nhắc tôi nên cất vào trong áo nhưng tôi buộc lại trong chiếc khăn tay sạch của Manly. Người đàn ông nói không dễ nướng bánh quy với những người đang di chuyển. Đáng tiếc là phải hoang phí bánh quy nhưng chúng tôi không thể ăn được.

Những người Nga có một con chó cực lớn. Nó cao hơn thắt lưng tôi và đầu nó y hệt đầu một con chó sói nhưng to hơn. Tai nó được xén tỉa để giống như tai chó sói và lông nó toàn bộ màu nâu sáng. Nó rất dễ thương, cọ người vào Rose và tôi và chúng tôi vòng tay ôm quanh cổ nó. Có một con chó con giống nó như đúc và Manly vật nài mua nhưng họ không chịu bán.

Họ có những nhà kho rất đẹp, những máng lúa lớn và một chiếc cối xay gió. Đất đai của họ chạy dọc bờ sông. Mỗi người trồng trọt trên đất riêng của mình nhưng lợi tức được gom chung lại hết.

Chúng tôi đã qua một ngày Chủ Nhật thoải mái nhất và được nghỉ ngơi. Paul leo lên lưng con Pet Nhỏ và con ngựa con không bận tâm về chuyện này, nó khá ngoan ngoãn.

23 tháng bảy

Chúng tôi khởi hành lúc 8 giờ. Thấy ghét phải rời khỏi chỗ hạ trại có vẻ như đã là nhà của mình. Chúng tôi qua sông James và chừng hai mươi phút sau đã tới đỉnh của những bờ dốc thẳng đứng phía bên kia. Tất cả chúng tôi đều dừng lại nhìn ngược về quang cảnh phía sau và tôi ao ước mình có được bàn tay của một họa sĩ hay khối óc của một thi sĩ hoặc có khả năng kể lại bằng những đoạn văn xuôi khúc triết cảnh sắc tuyệt vời như thế nào. Nếu tôi là người da đỏ, tôi sẽ lột da đầu thêm nhiều người da trắng nữa trước khi rời bỏ nơi này.

Chúng tôi có thể nhìn thấy dòng sông uốn vòng dưới thung lũng với mặt nước rạng ngời qua những hàng cây lớn mọc trên bờ. Bên kia dòng sông, những vách đất vươn cao trần trụi nâu cháy trên màu xanh mượt mà của cây cỏ và mặt nước lấp lánh. Phía bên này cũng lại những vách đất giống các đợt sóng khổng lồ màu nâu dâng lên hỗn độn.

Phía bên này sông James, chúng tôi đi ngang những cánh đồng lúa cao 8 bộ. Dọc các vệ đường là những cây bông gòn lớn cỡ 10 inch và cao tới 35, 40 bộ. Nhưng tất cả hình như đều cháy xém và trơ trụi sau những vùng đất chúng tôi hạ trại.

Đã 10 giờ. Nhiệt độ là 101 độ trong bóng mát và không khí ngột ngạt.

Lúc 11 giờ, còn cách Yankton 9 dặm, chúng tôi ngừng lại bên một cối xay gió cho ngựa uống nước. Ông chủ của căn nhà nói với chúng tôi là ông phải tốn 5000 đô la suốt ba năm trong thập kỷ 80 không có nhà.

Không xa Yankton, chúng tôi băng qua một trảng đất khô với những vách đất trơ trụi ở hai bên. Khắp nơi chỉ có những tảng đá và những cụm cỏ lúa khô giống như những đống cát lớn trôi dạt dồn tụ lại.

Chúng tôi tới Yankton lúc 4 giờ. Xe chạy ngang một dưỡng trí viện. Những tòa nhà trông khá đẹp được dựng ở giữa một trang trại lớn với nhiều mẫu bắp và khoai tây. Manly muốn ngưng lại vào dưỡng trí viện nhưng tôi không chịu nên chúng tôi tiếp tục đi. Chúng tôi đi ngang trường Cao Đẳng Yankton cũng là những tòa nhà khá đẹp.

Nhưng tôi vô cùng thất vọng khi vào Yankton với quang cảnh của một vùng bùn đất. Chúng tôi lái xe chạy khắp thị trấn tìm mua một chút lương thực cho lũ ngựa, qua khắp các nhà máy xay, các kho hàng, cuối cùng chỉ mua nổi vỏn vẹn hai bao hạt vụn và khắp thị trấn không có nổi một miếng cao dán. Trong các cửa hàng bán thực phẩm không có rau tươi và cũng chẳng có một thứ trái cây nào. Sẽ là một ân huệ lớn cho Yankton nếu cửa hàng Carpenter chuyển tới đây hoặc các người dân ở thị trấn này được tới De Smet để kiếm những thứ cần dùng. Thị trấn có hai vựa lúa, hai hoặc ba nhà máy xay, 6 kho thực phẩm, nhưng chúng tôi chỉ kiếm nổi số thức ăn mang theo khoảng hai túi xách.

Tôi không phải đụng tới túi tiền dù đã bỏ rất nhiều thời gian lùng mua thực phẩm khắp thị trấn đến nỗi ông Cooley qua phà trước. Bà Cooley và Paul qua sông rồi phà quay lại đón ông Cooley. 6 giờ, đúng lúc phà sắp rời bến trở lại đón chúng tôi đang đợi ở mé sông bên này thì một cơn bão nổi lên.

Không có mưa mà chỉ có gió và bụi.

Chúng tôi phải quay mặt ra phía sông ẩn sau xe để tránh bị gió thổi đi. Gió nhấc bổng bánh xe sau lên hai lần trước khi Manly cột chặt vào cọc. Người lái phà không dám qua sông trong lúc đang có bão. Ông ta chờ ở phía bên kia cho tới khi bão tan và chúng tôi sợ rằng ông ta không chịu qua trong đêm đó. Nhưng ông ta đã qua. (*)

Khúc sông Missouri mà chúng tôi băng qua rộng khoảng một dặm và rất nhiều bùn lầy. Tôi không hề thắc mắc về việc chỗ này có tên là Vũng Bùn Lớn và khi nhìn thấy bụi đất bị gió cuốn xuống đó, tôi đã nghĩ không có gì ngạc nhiên khi chỗ này đầy bùn. Sông Missouri chẳng có gì đẹp như sông Jim.

Pet không bối rối chút nào ở trên phà mà chỉ kéo xe lên một cách ngoan ngoãn rồi đứng yên tối đa trước khi lặng lẽ kéo xe rời khỏi phà. Con ngựa con Pet Nhỏ thong thả lên phà và đứng im bên cạnh mẹ như một con chuột.

Đi khỏi sông chừng một dặm, chúng tôi hạ trại. Nhiệt độ là 98 độ.

(*) Khi những bánh sau của cỗ xe nhấc lên tựa hồ xe lăn nhào xuống sông, cha tôi nhảy ra ngoài, đặt dây cương vào tay mẹ tôi. Trong lúc mẹ tôi nắm dây cương và trấn an lũ ngựa đang căng thẳng, tôi vươn cổ ra ngoài tấm vải che bên cạnh xe để nhìn xem cha tôi đang làm gì. Ông đang đóng những cây cọc buộc sâu vào trong đất rồi dùng dây buộc chặt bánh xe vào đó. Ngay sau chúng tôi là một cỗ xe phủ kín mít và sau cỗ xe đó là một cỗ xe khác rồi một cỗ xe khác nữa. Xa hút tầm nhìn của tôi, các cỗ xe nối đuôi nhau đứng thành một hàng dài. Sau một cỗ xe là một cỗ xe khác và phía sau những cỗ xe nhưng ở trên cao là nửa vùng trời phủ trong lớp sóng bụi màu vàng đang cuồn cuộn kéo tới. Mẹ tôi nói với tôi: “Đó là cái nhìn cuối cùng của con hướng về Dakota đó”.

24 tháng bảy

Ông Cooley dậy sớm đi câu nhưng chẳng được gì. Tất cả chúng tôi đều mệt nhoài vì đêm trước thứ khuya nên mãi 9 giờ mới khởi hành nổi. Do đi lạc đường chúng tôi phải quay về bờ sông để bắt đầu khởi hành trở lại. Chúng tôi đi theo sông một đoạn đường ngắn và có thể nhìn xuống một khoảng bốn năm dặm trên mặt nước trong dòng sông. Đó là một quang cảnh thật tuyệt dù rằng cảnh sắc trên bờ chẳng có gì đáng kể. Điều gì khiến mặt nước luôn gây xúc động cho người ta như vậy? Tôi chưa từng được thấy một dòng sông hay một mặt hồ lớn nhưng tôi nghĩ là tôi vô cùng thích thú được nhìn thấy một vùng chỉ có nước và thích thú được nhìn mặt nước qua mọi đổi thay của nó.

Hai bờ sông Missouri đang bị xói mòn và trút đất lở xuống nước. Một khúc đường đã trụt hết và trên dòng sông là những khoảng đất bằng. Trước khi tới sát các vách đất, chúng tôi nhìn thấy một loạt 24 đống cỏ khô và việc cắt cỏ chỉ mới bắt đầu. Bốn chiếc máy cắt cỏ đang hoạt động. Giá cỏ khô ở Yankton là 9 đô la một tấn.

Rồi, chúng tôi đã tới các bờ vách. Trên bờ sông bên kia, các vách đất giống như bị xén bởi một nhát dao nhấn thẳng từ trên xuống. Trên mặt vách không có một cọng cỏ. Dọc theo chân bờ vách, cây lớn đang vươn lên thành một hàng rào chắn gió nam. Mận, nho, lý chua đen, cỏ ba lá ngọt mọc hoang trong thung lũng. Cỏ ba lá cao tới 8 bộ. Và, chúng tôi đã nhìn thấy những cây sồi đầu tiên.

Chúng tôi đang đi qua những vách đất, những ngọn đồi trơ trụi, không có nhà cửa, đồng lúa, cây lớn và một ngọn cỏ. Manly nói không bao lâu nữa anh có thể làm chủ toàn bộ vùng Nebraska, nếu có thể rào bọc lại. Xét qua những gì được nhìn thấy, vùng này vẫn có thể là một bãi chăn nuôi nếu không nuôi nhiều gia súc quá. Nhưng trước mắt tôi thì vùng này chẳng có gì, chẳng có gì ở đây cả.

Chúng tôi gặp những cỗ xe thùng đang đi về hướng bắc. Manly nói chuyện với hai người đàn ông đang đi từ Kansas tới Nam Dakota. Họ nói tại Kansas không còn gì.

Nhưng lũ gà mái đang đẻ trứng. Nhiệt độ là 110 độ.

25 tháng bảy

Chúng tôi nghỉ đêm giữa những ngọn đồi Nebraska, dưới một trũng đất thấp, không nhìn thấy một mái nhà. Buổi sáng, tôi thích ngắm những ngọn đồi nhưng không có gì quyến rũ trong sự đơn điệu của chúng.

Chúng tôi khởi hành lúc 7g35. Buổi sáng se lạnh dễ chịu. Qua Hartington lúc 8h30. Thị trấn này khá đẹp, tôi thích ở đây hơn hẳn Yankton dù nó nhỏ hơn. 12g30 qua Coleridge, một nơi không khá gì. Gió đang thổi và bụi bay mù mịt. Chuyện trò về những con đường đất nên tại Dakota.

Cho tới lúc này, tôi chưa hề nhìn thấy những con đường như thế. Càng thấy rõ Nebraska hơn, tôi càng không thích vùng này. Suốt ngày chúng tôi leo trèo trên những vách đất.

Ngay phía nam Coleridge có 22 gia đình sẽ lên đường đi Missouri trong vòng 6 tuần tới, dù vùng này rất thưa người định cư. Một người đàn ông nói là ông ta đã sống tại đây 6 năm nhưng chưa lấy một lần được mùa nào.

Chúng tôi hạ trại bên con suối cách thị trấn Beldon một dặm về phía đông nhưng vẫn nhìn thấy thị trấn. Không có ngay cả một bụi cây để ngắm. Manly bận làm các việc vặt nên ông Cooley đi câu. Ông ấy câu được 11 con cá. Nhiệt độ là 109 độ.

Người đàn ông ở gần chỗ chúng tôi hạ trại đang làm cho một người ở thị trấn Sioux là chủ cả thảy 3000 mẫu đất ở đây trong đó có 500 mẫu bãi chăn nuôi và 250 mẫu đồng cỏ.

26 tháng bảy

Ông Cooley lại đi câu sáng nay và câu được hai con cá. Chúng tôi lên đường lúc 8g40. Tại đây mưa nhiều và mùa màng khá tốt cho cả bắp, lúa mì, lúa mạch. Nhưng quá ba dặm về phía tây lại không có gì hết. Giá đất ở đây là 25 đô la một mẫu.

Gặp một đoàn di dân vào buổi trưa. Họ đang đi về phía bắc. Nhiệt lượng kế chỉ 110 độ trong bóng mát.

Buổi trưa chúng tôi gặp một gia đình di dân gồm một người đàn ông, một phụ nữ và hai đứa nhỏ. Họ đã tới Missouri và đang quay lại. Họ rời khỏi hạt Moody, Dakota ngày 8 tháng Năm và tới hạt Taney, Missouri. Họ chỉ ở đó được mười ngày và quay về nên luôn di chuyển kể từ đó. Họ bảo dù có được toàn bộ đất đai vùng Missouri cũng không thể sống tại đó.

- Có gì lạ đâu, tại đó khó tìm nổi một căn nhà có cửa sổ, tất cả chỉ là những lỗ hổng và rất nhiều phụ nữ chưa từng thấy đường sắt hoặc cây đàn dương cầm.

Còn đất đai thì lổn nhổn đá khủng khiếp. Họ nghĩ là họ sẽ dừng lại hạt Cedar, Nebraska.

Đang buổi trưa nên các cánh đồng đều xơ xác, toàn vùng khô cằn không khác Dakota. Ngang qua Winside vào khoảng 4 giờ chiều. Đường đi nhiều đồi dốc một cách dễ sợ và ông Cooley mong là chúng tôi tiếp tục đi xa hơn về miền tây tới tận Columbus thay vì tới Schuyler.

Qua vùng Suối Humbug và hạ trại gần ngôi nhà đầu tiên ở hướng nam. Dân ở đây là người Đức, rất dễ chịu, đem sữa ra cho chúng tôi. Suối Humbug và Winside là những cái tên rất quen thuộc, nhưng họ đánh vần là Windside. Suốt ngày chúng tôi đối mặt với thứ nóng dữ dội.

27 tháng bảy

Khởi hành lúc 8g15. Chúng tôi đã qua hạt Cedar và sắp qua hạt Wayne, Nebraska. Chúng tôi không thể nói khi nào sẽ tới địa hạt như khi còn ở Dakota vì đường đi ở đây không chú trọng đến ranh giới các khu nhà mà chạy lòng vòng lên xuống quanh những ngọn đồi.

Đất màu ở hạt Wayne mịn tốt, không phải đất sét mà giống như phủ bằng đất sét. Những người ở đây nói rằng đây là thứ đất trồng tốt nhất để chịu đựng khô hạn.

Vượt ranh giới vào hạt Stanton lúc 9 giờ. Có những bãi chăn nuôi lớn và những vùng đồng lúa được rào kín xung quanh. Một đàn gia súc mập mạp hiện ra trước mắt. Những cánh đồng lúa kéo dài ba dặm và sâu hút tầm nhìn. Có một vài khu rừng nhỏ. Gió thổi mạnh nhưng sáng nay trời mát.

Lúc 10g20, chúng tôi nhìn thấy một vườn táo.

Những ngọn đồi phủ kín lúa mì, nối tiếp nhiều mẫu theo tầm mắt. Rất nhiều rừng cây nhỏ.

Gần như tất cả dân cư tại đây là người Đức. Một người tặng Manly hai trái táo ngắt từ trên cây trồng của ông ta. Ông ta có một vườn táo lớn với những cây táo chi chít trái.

Đã qua ngôi nhà của người chủ 540 mẫu đất và 300 con heo.

Hơi xa hơn một chút là một trang trại 500 mẫu. Người chủ có 450 con heo và chỉ có 50 giạ lúa cũ. Ông ta nói nếu nội 24 giờ tới mà không có mưa các bông lúa của mùa tới sẽ héo và ông ta sẽ không còn một hạt thóc nào. Trước mắt chúng tôi lúa khá tốt nhưng chúng tôi nghĩ rằng các nông dân biết rõ ở đây thế nào. Lúa mì của họ năm ngoái bán với giá 32 xu và hiện nay giá vẫn 32 xu.

Chúng tôi tới thung lũng Elkhorn lúc 1g45 và đây là một vùng đất bằng phẳng khá đẹp với nhiều rừng cây nhỏ, những ngôi nhà xinh xắn cùng một khu rừng tự nhiên dọc theo bờ sông.

Một toán di dân tới sau chúng tôi và mỗi phút tôi chờ nghe những điều như thường lệ. Các ông từ đâu tới? Các ông sẽ đi đâu? Mùa vụ của các ông ra sao? Lần này không bao giờ - ít khi là mãi mãi thất bại.

Tìm thấy một trái bắp dài 10 inch, chu vi 7 inch rưỡi.

Ba giờ chiều tới Stanton. Thị trấn có vẻ khá đẹp với những khu xây cất lớn xinh xắn, những ngôi nhà rộng rãi thoáng sạch. Ở đây hầu hết vẫn là người Đức. Những bảng hiệu Đức trên các cửa hàng và những bản văn bằng tiếng Đức tại các nhà thờ. Lúa mì sẽ thu khoảng từ 16 tới 20 giạ mỗi mẫu.

Bắp đã chết khô dưới gió nóng. Hôm qua là 126 độ trong bóng mát ở đây, Stanton.

Qua sông Elkhorn trên một cây cầu. Đi xa thêm chừng vài dặm chúng tôi hạ trại bên cạnh đường dưới bóng vài cây lớn. Có một toán người buôn bán ngựa bên bờ sông và chúng tôi không muốn hạ trại gần họ.

28 tháng bảy

Sáng nay chúng tôi giặt đồ, nói cho đúng thì bà Cooley giặt đồ và tôi giặt 4 bộ quần áo. Tôi đã giặt hầu hết đồ dơ trong giỏ nên không còn nhiều đồ giặt. Những người ở xung quanh gửi cho chúng tôi một thùng sữa lạnh do họ ngâm để làm kem và mới được lấy ra khỏi nước ngâm.

Đồ giặt đã khô nên chúng tôi bắt đầu đi cho tới quá giờ ăn trưa. Đường đi thật kinh hoàng với lũ ngựa. Đi được chừng ba dặm thì chúng tôi lạc mất con chó của ông Cooley. Ông Cooley muốn tiếp tục đi nhưng bà Cooley không chịu. Cuối cùng đã có quyết định là ông ấy quay lại tìm con chó còn tất cả cứ tiếp tục đi.

Chúng tôi theo một con đường bờ không còn phải lên đồi xuống dốc nữa mà cứ theo dọc các bờ ruộng vượt qua hết mẫu này tới mẫu khác. Chúng tôi không nhìn thấy ông Cooley ở đâu cho tới giờ hạ trại nhưng chúng tôi hạ trại ngay bên đường đi trên đồng cỏ. Chỉ cần vượt qua hàng rào là có thứ cỏ thật tốt cho ngựa ăn.

Chúng tôi đưa ngựa đi uống nước và buộc vào cọc xong thì ông Cooley vượt qua một ngọn đồi từ phía nam về tới nơi. Một ông già lang thang đã xuất hiện, ngăn không cho ông vượt qua cánh đồng như chúng tôi nên ông phải đi vòng quanh những ngọn đồi để trở về. Ông đã tìm thấy con chó tại nơi chúng tôi hạ trại đêm trước.

Ở đây, lúa mạch và lúa mì khá tốt, bắp không xấu lắm, nhưng dĩ nhiên vẫn cần có mưa nên mọi người đều chán nản, bực bội và keo kiệt.

Cũng có ở đây những cây dâu tay dại và những con rắn đuôi chuông cực độc.

Chủ nhật 29 tháng bảy

Nấu nướng bữa điểm tâm, tắm rửa và nằm quanh quẩn dưới bóng của mấy cỗ xe. Nhiệt độ là 96 độ. Nghỉ trọm ngày và đi ngủ sớm.

30 tháng bảy

Khởi hành đúng 8 giờ và hai mươi phút sau vào địa phận hạt Colfax. Lúc 10 giờ đi ngang Leigh, một thị trấn nhỏ sinh động. Mùa màng cũng vậy nhưng đường xá ở đây không phải lên đồi xuống dốc.

Chúng tôi hạ trại trong rừng, bên bờ suối Shell. Một địa điểm thật tuyệt, đẹp hơn cả nơi chúng tôi hạ trại bên bờ sông Jim. Bà Cooley cùng tôi và mấy đứa nhỏ đi lội nước. Bờ thẳng đứng tới nỗi chúng tôi phải dựa chắc vào nhau để đẩy và kéo nhau lên. Chúng tôi lội và chơi đùa trong làn nước mắt rượi. Rose ngồi bệt trong nước, té tát! Chúng tôi tìm được hai con trai lớn.

31 tháng bảy

Trong đêm gió thổi dữ dội. Chúng tôi cảm ơn vì có được những cây lớn che bớt gió. Chắc ở đâu đó có mưa vì mực nước suối dâng cao thêm 8 inch.

Khởi hành lúc 9 giờ. Chúng tôi đi trong thung lũng bên dòng suối trên một con đường bằng phẳng khá đẹp.

Buổi trưa tới gần Schuyler. Tất cả đường đi đều bằng phẳng. Tại đây chúng tôi ráp lại bánh xe nên 3 giờ mới ra đi. Tôi gặp một người phụ nữ rất hay. Bà ta lái chiếc xe độc mã và lên tiếng hỏi chúng tôi đi đường có nóng không. Tôi thấy thích bà ta và chúng tôi nói chuyện một hồi lâu. Chồng bà ta sở hữu một nông trại lớn ở phía bắc Schuyler nhưng trong ba tuần nữa, họ sẽ đi về miền West Indies. Họ là người Gia Nã Đại, nhưng chồng bà ta ở West Indies khi còn là một cậu bé và họ đã sống ở đó nửa đời người.

Họ ngỡ là thích sống ở đây nhưng đã thấy không đúng như thế nên họ lại cho mướn trang trại và bà ta cho rằng vợ chồng bà ta sẽ sống tại West Indies khi họ về tới đó. Bà ta nói cuộc sống ở đó rất buồn nản nhưng dễ chịu, mọi công việc đều do gia nhân làm. Bà ta biết hết về Dakota và những điều bà ta biết đều thực tế. Bà ta là một người lớn tuổi và tôi nghĩ là người Tô-Cách-Lan.

Đất phía nam Schuyler cách sông Platte khoảng hai dặm là đất cát. Chúng tôi qua sông Platte trên một cây cầu dài nửa dặm dồn cao ở chính giữa khiến chúng tôi phải lên xuống như qua một ngọn đồi. Sông đầy những thanh cản cát để giữ cho dòng nước chảy.

Qua bên kia sông nửa dặm, chúng tôi hạ trại trong một rừng liễu. Gia đình Cooley la cà trong thị trấn cho tới khi chúng tôi dựng trại xong vẫn chưa tới. Manly và tôi vội vã ăn bữa tối rồi để Rose trông chừng trại trong lúc chúng tôi “trút bụi” trả lại dòng sông vì tôi có thể lội nước khi trời còn sáng.

Nước trong, ấm. Cát cũng ấm và trượt nhẹ. Chúng trượt dưới bàn chân tôi khi tôi lội nước và tiếp tục trượt khi tôi dừng lại. Thật thú vị khi tôi đứng im cho cát phủ đầy các bàn chân. Khi Manly nhắc đã “trút bụi” thì chúng tôi lại “xúc cát” về.

Trên đường quay về, chúng tôi thấy một con rắn và hai con cóc lớn. Chúng tôi đi vào một bãi chăn nuôi và thấy một vài cây lớn. Cát trôi khỏi những cây này cho tới khi gốc cây lộ ra cao hơn đầu tôi với chiếc rễ xương xẩu, trần trụi. Tôi có thể đi qua giữa những chiếc rễ này và chỉ cần hơi cúi xuống một chút.

1 tháng tám

Trong đêm có mưa nhỏ. Khởi hành lúc 8g40 và đường bằng phẳng cho tới buổi trưa nhưng suốt buổi chiều thì lên xuống đồi một cách dễ sợ. Chúng tôi hạ trại bên suối Oak trong một khu rừng thưa, giữa những cây sồi, một điểm hạ trại dễ chịu nhất.

2 tháng tám

Khởi hành trễ vì một con ngựa khập khiễng, con ngựa của ông Cooley. Họ phải chăm sóc bàn chân đau cho nó. Chúng tôi gặp một toán lưu động đang thu thuế đường sắt. Hạ trại sớm, chỉ cách suối Oak một khoảng đường ngắn.

3 tháng tám

Khởi hành lúc 9 giờ. Đường rất dễ đi cho tới Lincoln, thủ phủ bang Nebraska và là một thành phố lớn đẹp. Từ khách sạn đầu tiên tới trụ sở bưu điện cách xa hai dặm. Tòa Thị Chính Hạt và Trụ Sở Viện Dân Biểu là những tòa nhà lớn và nhà giam cũng vậy. Chúng tôi thấy hai người tù mặc quần áo kẻ sọc đứng ngoài cửa trong vòng tường bao. Một cỗ xe chất đầy những chiếc thùng mới nằm bên mé đường ở gần họ và tôi nghĩ đây là những thứ do tù nhân làm ra. Một bức tường đá cao bao quanh nhiều tòa nhà và nối liền phía sau của tòa nhà chính. Bên trong vòng tường có nhiều khu nhà nhỏ hơn giống như những xưởng máy và một tòa nhà giống như lò đúc.

Tám cỗ xe di dân kéo theo ba cỗ xe của chúng tôi xuyên qua nhiều đường phố trong thành phố. Tại Lincoln có những đường phố dành cho loại xe có động cơ. Pet và Pet Nhỏ không sợ những chiếc xe này nhưng lũ ngựa của bà Cooley kinh hoảng phóng lên bờ đường khiến cỗ xe do bà điều khiển suýt bị lật. May là mọi chuyện đều ổn cả. (*)

Hôm nay chúng tôi đã vượt qua 11 lạch suối hoặc vượt qua một lạch suối 11 lần, tôi

(*) Paul không được phép điều khiển xe qua các thị trấn và những nơi nguy hiểm khác. Lúc đó, mẹ của cậu ta điều khiển xe và cậu ta không có trách nhiệm gì. Cậu ta đã bị coi rẻ và tôi cảm thấy nóng mặt do cách đối xử bất công ấy. Suốt phần đường còn lại, cậu ta đã điều khiển xe một cách hoàn hảo. George đi cùng xe với cậu ta, nhưng Paul chịu trách nhiệm về cỗ xe và lũ ngựa.

không biết rõ và chúng tôi qua hồ Salt ở phía tây bắc Lincoln. Chúng tôi hạ trại cách nhà giam cỡ một dặm đường. Nhiệt độ là 74 độ.

4 tháng tám

Lên đường lúc 7g45, đường bằng phẳng rất đẹp và các nông trại đều có hàng rào bằng ván. Chúng tôi theo đường dây thép tới Beatrice, rồi không theo đường sắt mà đi ngang vùng nông thôn.

Chúng tôi đi ngang hồ Salt Nhỏ và hồ Salt Lớn. Ở đây vườn táo cũng thường gặp như nhà cửa.

Manly đổi một mồi lửa lấy một giở đầy táo lớn chín. Mận cũng gần như chín hết. Trước mắt chúng tôi, mùa màng có vẻ tuyệt vời nhưng mọi người đều nói với Manly rằng họ rất nghèo khổ và chưa kể đến chuyện không sản xuất được lúa gạo. Chúng tôi đã đi ngang những đồng lúa mạch tốt nhất mà Manly từng được nhìn thấy.

Đoạn đường dài mệt nhọc đưa tới một điểm hạ trại tốt và khi chúng tôi tìm thấy tại đó một dòng suối cạn không có cỏ mà chỉ có những khóm cối xay mọc trên cát. Hạ trại ở mé ngoài thị trấn.

Chủ nhật, 5 tháng tám

Giống như Chủ Nhật trước. Nhìn thấy năm cỗ xe của di dân. Bị mất chiếc nhiệt lượng kế.

6 tháng tám

Khởi hành 8h30 và tới Bratrice vào buổi trưa. Tất cả bắp đều khô và không có bông. Lúa mì và lúa mạch đã thu hoạc xong và khá nhiều đất đã được cày.

Beatrice không lớn bằng Lincoln, nhưng tôi nghĩ đây là một thị trấn khá đẹp. Chúng tôi thấy tòa nhà hành chính rất đẹp.

Suốt ngày đi đường thật tuyệt. Chúng tôi qua sông Blue ngay phía nam Beatrice, qua vùng Blue Springs lúc 5 giờ chiều và lại qua sông Blue. Không thấy rõ thành phố vì chúng tôi lái xe đi ở phía ngoài từ hướng bắc xuống phía đông ngang qua một nhà máy xay chạy bằng sức nước. Một khúc sông hết sức đẹp chảy bên phía đông thành phố. Tôi không kể tới những vườn táo nữa vì ở đây có quá nhiều vườn táo.

Chúng tôi thấy tám mẫu táo giống cao chừng 12 inch gần vùng Blue Springs. Hôm nay, khá mát mẻ, nhưng hơi nhiều gió một chút.

7 tháng tám

Lên đường lúc 7g30, chúng tôi qua ranh giới vào địa hạt Kansas đúng 10g28p15giây. Dựa theo những gì chúng tôi nhìn và nghe thấy, miền đông nam Nebraska là một vùng quê khá tốt, nhưng toàn thể thì vẫn “chẳng có gì tốt”. Tôi không thích Nebraska.

Đi ngang Suối Deer lúc 11 giờ. Khoảng 4 giờ chiều, chúng tôi tới Marysville, khu trang trại lớn của hạt Marshall trên bờ sông Blue. Tại đây có một nhà máy xay chạy bằng thủy lực với khả năng 300 thùng một ngày. Chúng tôi thấy rất nhiều ngôi nhà xinh xắn và hai tòa dinh thự nguy nga trong thị trấn. Bao quanh một tòa dinh thự này là một bức tường gạch cao 5 bộ, dầy và kiên cố. Mỗi bên cổng chính có một con sư tử lớn bằng đá xám trong tư thế thu mình sắp phóng nhảy và mỗi bên cổng phụ có một con chó lớn cũng bằng đá xám đang nằm.

Phía bên kia Marysville, chúng tôi nhìn thấy một mẫu khoai lang với những dày khoai đầy lá xanh sậm bò kín mặt đất.

Hôm nay chúng tôi đã cho xe chạy hai mươi bảy dặm và hạ trại gần một ngôi nhà có hai người đàn ông đang uống rượu. Họ bị mất những gióng bánh xe, muốn đổi chác ngựa v.v.. Manly đã có thời gian tống khứ họ đi không khó khăn lắm.

8 tháng tám

Khởi hành lúc 8g30. Không lâu sau đã qua Suối Little Elm, Suối Big Elm và chạy xuyên những khu rừng du, sồi, tần bì, hồ đào, mao lương, óc chó thật đẹp. Nho, mận, lý mọc hoang đầy rẫy và có đủ mọi thứ tầm xuân và hoa hồng dại. Một cảnh tượng nhìn đã mắt.

Lại qua sông Blue, con sông quyến rũ, với dòng nước luôn mát rượi và trong vắt. Chúng tôi qua sông trên một cây cầu. Cầy này dài khoảng 300 bộ. Irving là một thị trấn nhỏ xíu, nhưng có một Hí Viện mái tròn giống như một nồi hơi.

Rồi chúng tôi lại qua sông Blue. Mỗi lần chúng tôi qua con sông này, nó lại như dễ thương hơn lần trước. Đất đã cải thiện ở đây giá từ 15 đến 25 đô la một mẫu. Có thể mua một khu đất 80 mẫu trong thung lũng Blue đã được chuẩn bị tốt với giá 3000 đô la. Đất thấp đều là đất trồng tốt. Các vách đều có đá.

Chúng tôi hạ trại gần Springs Side, một cái tên thật hay. Mọi phía đều có những dòng suối. Tôi lấy nước từ một dòng suối chảy tràn trên đá cứng, mước mát và sạch.

9 tháng tám

Khởi hành lúc 8g30. Đường đá và lên đồi xuống dốc khủng khiếp. Chúng tôi thấy một trại sữa xây bằng đá với một dòng suối chảy qua, một điều kỳ diệu. Đất tại hạt Pottawatomie giá 4 đô la một mẫu.

Hạ trại bên mé Westmoreland, khu trung tâm của hạt. Vào giờ ăn tối, chúng tôi có khách, mấy người đàn ông, hai phụ nữ và một đám trẻ nhỏ. Họ là người sinh sống tại miền nam đang trên đường di chuyển lên miền bắc và hạ trại ở gần chúng tôi. Có lẽ họ tới Nebraska hoặc Dakota để kiếm việc làm.

10 tháng tám

Khởi hành 8g30 và qua một vùng nông thôn khô kiệt nhất mà chúng tôi nhìn thấy từ khi rời khỏi Dakota. Chạy ngang Louisville, đi thêm ba dặm và hạ trại trên bờ sông Vermille mà một số người còn gọi là Suối Stony.

11 tháng tám

Hôm nay không đơn điệu như thường lệ. Ba cỗ xe di dân vượt qua chúng tôi chạy về hướng nam và một cỗ xe chạy về hướng bắc. Manly và ông Cooley thay phiên hỏi chuyện mọi người. Năm cỗ xe đang đi về phía Missouri hoặc Arkansas, một cỗ xe hướng tới Arkansas, một cỗ xe khác tới vùng Indian Territory.

Chúng tôi kiếm được chỗ hạ trại tốt trên một gò đất cao bên cạnh sông. Tôi cưỡi Pet Nhỏ một lúc, trên chiếc lưng trần của nó, không đi đâu – nó đang được thả cho ăn cỏ. Hai di dân tới nói chuyện với tôi, một thanh niên và mẹ của anh ta ngồi trên cỗ xe của họ. Họ đã quen sống tại Missouri mới đi tới Colorado và lúc này đang trên đường quay trở lại Missouri.

13 tháng tám

Xe chạy qua St.Mary’s. Một thị trấn dễ chịu nhưng xa lạ, hoàn toàn mang đặc tính phương nam và Thiên Chúa giáo. Có một ngôi nhà thờ lớn tuyệt đẹp với những khối đá cẩm thạch trắng muốt trên các khuôn cửa ra vào và hai bức tượng Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng bằng cẩm thạch ở trong sân. Các ngôi nhà đều gọn gàng và xinh xắn. Một thị trấn phong quang.

Chúng tôi lái xe lên đỉnh một vách đất nhỏ trông xuống sông Kansas và ở đó, trên trũng đất thấp, chúng tôi thấy những cánh đồng bắp trải dài tới hết tầm nhìn. Manly nói anh nghĩ có đến hàng ngàn mẫu đất trồng ở trước mắt.

Theo cách của chúng tôi, Manly tới một nhà trại đổi một mồi lửa lấy một ít bắp tươi về nấu bữa tối và chúng tôi được mời ở lại dùng bữa trưa và đưa ngựa của chúng tôi vào kho chuồng cho ăn no. Người phụ nữ đã ngưng làm việc để tiếp đón tôi. Người và cảnh ở đây đều hết sức dễ thương. Dĩ nhiên chúng tôi không thể ở lại. Chúng tôi không thể tiếp đãi họ để đáp lễ và chúng tôi phải tới Missouri cho kịp ổn định trước mùa đông.

Buổi trưa chúng tôi qua Rossville, một vùng nhỏ nhưng khi chúng tôi đi ngang một nhà ga thì xe lửa tới. Đầu máy xe lửa khiến Prince hoảng sợ và nó đâm vào hàng rào kẽm gai. Nó lao thẳng qua hàng rào, nhảy tràn tới, đụng đứt một dây phơi quần áo rồi chạy ngược lại hàng rào. Nó ngưng lại khi Manly nói:

- Oa, Prince.

Và, Manly giúp nó gỡ ra khỏi dây kẽm gai. Nó chỉ bị một vết cắt dài khoảng một inch do kẽm gai xóc vào. Thật kỳ lạ khi nó vượt qua tình trạng đó như thế.

Dưa hấu đã chín và ê hề. Manly và ông Cooley mua những trái lớn với giá 5 xu. Chúng tôi ngưng lại dưới bóng cây bên đường và tất cả đều mặc sức ăn dưa hấu.

Chúng tôi đi ngang căn cứ Kingsley ở cách thành phố Kansas, Missouri 80 dặm về phía tây và cách Denver, Colorado 558 dặm về phía đông. Qua hồ Silver. Hồ ở phía nam thị trấn dài 4 dặm, rộng nửa dặm với nhiều cây lớn bao quanh. Có một địa điểm cho mướn thuyền.

Chúng tôi hạ trại trong sân một trường học. Có một hàng rào cây bao quanh và một ống bơm gần ngôi nhà, thêm một cây ngô đồng. Hai gia đình dừng xe lại lấy nước. Họ đã tới Missouri và đang trên đường trở về nhà để giải quyết tài sản tại Nebraska, rồi sẽ quay trở lại Missouri.

Bụi khủng khiếp. Chúng tôi hít bụi suốt ngày và mọi thứ đều đầy bụi phủ.

14 tháng tám

Khởi hành lúc 8g30. Bụi trên đường dày từ 3 tới 5 inch và gió thổi không ngừng ở phía sau khiến chúng tôi luôn bị bụi bao phủ. Dọc đường là những hàng rào cam Osage cao 20 hoặc 30 bộ mọc khít nhau. Cây đều xù xì gai. Trái của chúng giống như trái cam thường nhưng ăn không ngon và cũng không dùng làm gì được hết.

Chúng tôi dừng lại ăn bữa trưa ở cách Topeka chừng một dặm rồi cho xe chạy thẳng vào thành phố. Có rất nhiều người da màu sống xung quanh thành phố. Ở Topeka Bắc, xe chở khách là xe điện còn ở Topeka Nam là xe động cơ.

Đường phố đều trải nhựa nên lái xe thật kỳ thú, êm và nhẹ giống như không phải thực. Mặt đường tựa hồ biến chân ngựa thành cao su. Những vết bít trên mông chúng lõm xuống rồi từ từ đầy lên cho tới khi phẳng phiu trở lại.

Chúng tôi lái xe vòng quanh một khu nhà để nhìn thấy Viện Dân Biểu, nơi làm việc của cơ quan lập pháp. Toad nhà thật đẹp nhưng đất đai xung quanh còn hết sức lôi thôi chưa có gì được làm xong.

Chúng tôi qua sông Kansas trên một cây cầu sắt có thể dài tới 400 hoặc 500 bộ. Con sông giống như sông Platte, không phải về bề rộng mà do cũng có đầy những gióng cản cát.

Tại nam Topeka, một người đàn ông đưa cho chúng tôi mấy tờ báo mới nhất. Ông ta có 240 mẫu đất ở đây nhưng nhà của ông ta ở Colorado. Tại đó ông ta còn có lợi tức về khai thác mỏ. Ông ta nói với Manly rằng cơn nhốn nháo về tiền bạc tại Washington khiến ông ta thiệt mất một triệu đô la.

Chúng tôi hạ trại gần một nhà thờ, giữa bụi bậm.

15 tháng tám

Khởi hành lúc 7g20. Bắt gặp một con chó nhỏ vá vàng-đen đi lạc trên đường. Nó chỉ còn da bọc xương do phải nhịn đói và rất sợ chúng tôi. Chúng tôi dừng lại nhiều nhà để hỏi nhưng không ai biết con cho là của người nào nên chúng tôi mang nó theo. Lũ trẻ rất thích cho nó ăn. Chúng tôi đặt tên cho nó là Fido.

Hôm nay tôi cứu một cây dẻ ngựa và lần đầu tới với những quả phỉ.

Buổi trưa qua Richland. Chúng tôi lái xe ngang nhà thờ. Trên sân nhà thờ có một buổi cắm trại của lớp học Chủ Nhật.

Chúng tôi hạ trại gần một trường học ở khu tây nam hạt Douglas. Có nhiều cỏ tươi cho ngựa và có một vòi bơm tràn trề nước sạch, mát. Đây là một vùng trồng trọt tốt nhất mà chúng tôi chưa từng thấy với đồng cỏ có những khu rừng tự nhiên rải rác và những rừng cây dọc theo các dòng suối.

Lúc chúng tôi đi đường, Manly đã bán và trao đổi mồi lửa và một chủ trại muốn cho mướn một nông trại với điều kiện lấy một phần ba lợi tức mùa vụ. Một người khác kiếm tới chỗ chúng tôi hạ trại bên trường học, đề nghị chúng tôi ở lại và thuê trại của ông ta. Chúng tôi cứ tới Missouri nhưng chúng tôi có thể quay lại đây nếu không thích ở đó. Đất ở đây giá từ 20 tới 40 đô la một mẫu.

16 tháng tám

Lên đường lúc 7g25. Sáng nay, Fido hoàn toàn thân mật vào sáng nay. Nó vẫn có vẻ rầu rĩ, nhưng không còn run rẩy và hình như dễ chịu khi ngồi im trong lòng tôi nhìn quang cảnh đồng quê mà chúng tôi đang đi qua. Mùa lúa ở đây xum xuê và mùa bắp cũng khá tốt. Có một kho lưu trữ than ở nơi những người đào than và than được bán với giá 1 đô la 25 một tấn.

Lúc 5 giờ chiều, chúng tôi qua Ottawa. Sông Maradegene chia thành Ottawa Nam và Ottawa Bắc, nhưng hạt trung tâm là hạt Franklin. Người Ottawa giành hạt trung tâm này của một thị trấn khác vào ban đêm, dùng quân sự giữ một thời gian rồi chiếm luôn. Tòa hành chính là một tòa nhà có vẻ ngoài rất đường bệ.

Bệnh viện Hỏa Xa Santa Fe nằm ở phía bắc của Ottawa Bắc là một tòa nhà lớn xây bằng gạch. Tại Ottawa Nam có một trường học rất đẹp dựng bằng đá. Lúc này có rất nhiều người da màu ở các thị trấn.

Chúng tôi hạ trại bên bờ Suối Rock thuộc vùng ngoại ô Ottawa nam. Hai người đàn ông di tới, dừng lại ngắm Prince một hồi và khi họ bước đi, người lớn tuổi hơn nói với người kia:

- Đó là một con ngựa tốt nhất mà tôi được nhìn thấy từ nhiều năm nay.

Lũ gà mái vẫn đang đẻ trứng.

17 tháng tám

Fido là một con chó canh chừng thật tốt. Nó sủa mọi người lạ đến gần cỗ xe và về đêm sủa mọi người lảng vảng qua lại.

Chúng tôi khởi hành lúc 7g30. Ánh sáng hoang dại của buổi sớm rọi hỗn độn khắp nơi với những màu sắc tẻ nhạt. Chúng tôi băng ngang một cánh đồng lớn trồng tiêu. Tiêu được trồng như mùa vụ ở đây với mức thu hoạch 10 tới 15 giạ mỗi mẫu, giá bán từ 1 đô la 25 tới 1 đô la 50 một giạ. Tiêu được hái hai tuần một lần, chất đống dưới nắng cho tới khi nổ tách ra thì đưa vào quạt và đóng bao.

Chúng tôi tới Lane lúc 4 giờ và Pet được đóng móng. Người đóng móng ngựa từ Kentucky đến đây vào hai năm trước và trông giống hệt những hình ảnh chụp người đàn ông Kentucky. Ông ta có 130 mẫu đất trũng chạy dài tới sông Pottawatomie và có một ngôi nhà bằng đá lớn như mọi ngôi nhà lớn ở De Smet. Ngôi nhà rất đẹp và đã làm xong hoàn hảo. Nhà dựng trong phố Main tại Lane và đất nằm về phía tây bắc ngôi nhà. Ông ta sắp quay về Kentucky và muốn bán tất cả. Ông ta đòi 4300 đô la.

Cho cả cửa hàng, nhà và đất.

Chúng tôi dừng lại tại một nông trại phía nam Lane để xin nước và người phụ nữ nói không đủ nước để chia cho chúng tôi nhưng chúng tôi có thể có “vô khối trên đường đi”.

Lại hạ trại bên một trường học và vòi bơm nước. Giặt một ít đồ sau bữa ăn tối. Chúng sẽ khô trong đêm.

18 tháng tám

Sáng nay khởi hành lúc 7 giờ, đi ngang qua Goodrich và tới Park vào buổi trưa. Cả hai nơi này đều là những thị trấn nhỏ và vùng quê bao quanh không tốt như những nơi chúng tôi từng thấy. Mọi người nói ở đây gần như không có mưa nên nhiều người đã đi xa hơn về hướng bắc.

Hạ trại gần Suối Big Sugar, trên một bờ dốc cao bên cạnh đường đi trong rừng.

Chủ nhật 19 tháng tám

 Mảnh ván chặn của ông Cooley bị long ra. Ông ta và Manly gắn chặt lại để có thể di chuyển bình thường. Bà Cooley cùng tôi và lũ trẻ đi xuống suối kiếm một ít trai sò. Một phụ nữ và hai đứa trẻ tới ngó chúng tôi. Họ từ Missouri tới và đang hạ trại bên con đường đưa họ đi về hướng Nebraska.

20 tháng tám

Mở đầu khởi hành thật tốt vào lúc 7g30 nhưng đường đi lởm chởm đá dễ sợ. Mùa màng xơ xác. Mọi người đều nói với chúng tôi rằng họ không bao giờ thấy mưa đúng khi họ cần ở đây. Chúng tôi qua Wall Street chỉ có vỏn vẹn một kho hàng nhỏ và không còn gì khác. Buổi trưa chúng tôi tới thành phố Mound có vẻ là một thành phố tương đối. Chúng tôi mua bánh mì, một chiếc bánh nhồi 8 xu và 2 xu cà chua. Cà chua ở đây có giá 30 xu một giạ.

Chúng tôi dừng dưới bóng cây bên đường để ăn bữa trưa. Ba cỗ xe chở di dân vượt qua trong lúc chúng tôi ăn. Hai đi về hướng Missouri và một đi ngược lại. Manly không hỏi han những người đó.

Suốt ngày không kiếm ra nước và nếu kiếm ra một chút thì lại là thứ nước tệ đến mức không uống nổi. Nước trong nhưng có mùi dầu và đắng nên làm hư hết vị trà. Lũ ngựa quá khát.

Hạ trại bên con đường trên đồng cỏ. Mua một ít cỏ khô và chỉ kiếm được một chút nước. Trời có vẻ muốn mưa.

21 tháng tám

Mưa nặng hạt gần hết đêm và vẫn còn tiếp tục vào lúc thức dậy. Manly choàng chiếc áo cao su đi nhóm lửa và đặt nước lên lò rồi cho ngựa ăn. Khi mưa ngớt, tôi bước ra lo bữa ăn sáng. Chúng tôi ngồi ăn ở trên xe để tránh bị ướt.

Đường đi lầy lội nhưng trời đã quang đãng. Chúng tôi đi ngang Prescott, thực sự chỉ là một trạm nhỏ. Gặp một gia đình di dân đã qua hai tháng vừa rồi di chuyển trong miền tây nam Missouri. Họ không thích miền đó một chút nào. Người đàn ông nói:

- Đúng là một nơi để mà đi nếu muốn trốn khỏi thế giới và sống với bánh bột bắp.

Người vợ cũng tán đồng lời nói đó.

Chúng tôi vượt qua một cỗ xe khác dừng ở bên đường và những người này đang hướng về Missouri. Khắp xứ đầy những di dân, đi và đến. Nhiều người có vẻ dồn tụ lại tại Fort Scott. Chúng tôi tới Fort Scott lúc 6 giờ và một người đàn ông ở đó nói hôm qua có 15 xe di dân chạy trên đường.

Fort Scott rợp bóng cây. Nhà cửa sạch sẽ và dễ chịu, các khu nhà buôn bán khá đẹp. Thôn quê bao quanh Fort Scott có vẻ là một vùng quê trù phú. Mùa vụ tốt ở những chỗ có gieo trồng nhưng có khá nhiều đất bỏ trống và nhiều khu đã hoang hóa trở lại. Hình như có nhiều người không chịu xoay xở và không thể nào hiểu rõ lý do. Một người đàn ông bảo vùng quê này vô giá trị và khi Manly nói theo ý anh đất ở đây có vẻ tốt thì ông ta nói “Ôi dào, đất có thể trồng được mọi thứ cây do mình gieo nhưng nếu anh không bán nổi sản phẩm gieo trồng ngang với phí tổn do anh bỏ ra thì có thể coi là đất có giá trị không?”

Than vương vãi đầy trên mặt đất và gom được ở mọi nơi. Tại các mỏ than hoặc các vựa than như người ta gọi, than bán với giá 5 đô la một giạ.

Chúng tôi nhận được ba lá thư tại Fort Scott, hai lá được gửi từ nhà. Đi thêm một đoạn ngắn khỏi phía nam thành phố, chúng tôi hạ trại bên cạnh đường.

22 tháng tám

Khởi hành lúc 7g15 và sáng nay chúng tôi chạy qua một vùng quê khá đẹp. Mùa vụ có vẻ tươi tốt. Lúa mạch được ước thu từ 30 đến 60 giạ một mẫu và lúa mì khoảng từ 10 tới 30 giạ. Tất cả củi muốn có có thể thuê kéo tới và giá than cung cấp tại nhà là 1 đô la 25 một tấn. Giá đất là 10 đô la một mẫu nếu chưa khai khẩn và từ 15 tới 25 đô la đất đã được chuẩn bị sẵn và ở cách Fort Scott chừng 12 dặm.

Đúng 2g24p45giây, chúng tôi vào địa giới Missouri. Và ngay những cánh đồng bắp đầu tiên chúng tôi nhìn thấy đã vượt xa những cánh đồng bắp ở Kansas.

Chúng tôi gặp bảy cỗ xe di dân đang rời khỏi Missouri. Một gia đình có một con chim màu đỏ, một con két bách thanh và rất nhiều hoàng yến nuôi trong lồng treo dưới mui xe. Chúng tôi nói chuyện gẫu một hồi và nghe con két bách thanh hót. Hạ trại bên một ngôi nhà trong rừng.

23 tháng tám

Khởi hành lúc 7g30. Vùng quê sáng này có vẻ khá đẹp. 9g35, chúng tôi tới Pedro, một thị trấn nhỏ nằm bên đường sắt và ngay chỗ đường sắt cắt chéo nhau về phía bên kia là thị trấn Liberal. Một người ở Pedro nói với chúng tôi rằng một trong những vùng nông thôn tốt nhất trên thế giới là khu bao quanh Mansfield.

Gần lúc chiều tàn, chúng tôi đi ngang Lamar, thành phố nhỏ xinh đẹp nhất mà chúng tôi thấy với 2860 cư dân. Tất cả đều sạch sẽ, tươi mát, hết thảy đường phố đều rợp bóng cây.

Chúng tôi hạ trại giữa những cây sồi không xa chỗ hạ trại của những người đến từ Kentucky.

Dọc hai bên đường, những cây sồi thật đẹp đứng sừng sững.

24 tháng tám

7g20 đã có mặt sớm trên đường. Thời tiết lạnh và nhiều mây, giống như sắp mưa. Qua Carvona trong buổi sáng. Đây là một vùng nhỏ. Buổi trưa chúng tôi đi ngang thành phố Golden, cũng là một vùng nhỏ nhưng đẹp hơn. Nông thôn có vẻ tốt nhưng xét qua những thứ cây trồng trong vườn và ngoài đồng thì người ở đây cũng không năng nổ lắm. Vùng đất này có rất nhiều suối, lạch. Màu đất chỗ thì vàng, chỗ thì đỏ. Đường đi thường có đá lổn nhổn.

Qua một thị trấn nhỏ khác, Lockwood, vào lúc 4 giờ chiều và hạ trại bên một dòng suối nhỏ nước trong veo chảy xiết. Đây là thứ nước uống ngon nhất, mát rượi rất thích hợp.

Ngoại trừ trong các thị trấn, chúng tôi chỉ thấy một ngôi trường ở rất xa trong vùng Missouri.

Chiều nay chúng tôi lái xe đi dưới mưa lần đầu tiên từ khi rời Dakota. Mưa như trút nước nhưng chúng tôi hoàn toàn khô ráo trong xe và trước giờ hạ trại, mưa dứt.

25 tháng tám

Nhổ trại lúc 7g35. Trời lại mưa trong đêm và đường đi lầy lội nhưng chỉ qua vài dặm đường lại khô ráo vì ở vùng này không có mưa. Các gò đất cao lởm chởm đá nhưng đất dưới các trũng thấp đều là đất trồng trọt tốt. Chúng tôi nhìn thấy nhiều loại cây như sồi, hồ đào, óc chó và đủ thứ táo gai, táo dại và mận hoang.

Tại miền Nam Greenfield, hai nhân viên điền địa xuất hiện và muốn chúng tôi dừng tại đó.

Một người là C.C Akin đã gặp ông Sherwin. Ông ta nói ông Sherwin mới ở đó và vừa đi khỏi. Ông Sherwin đã đi khắp hạt Weight và trở về hạt Cedar rồi cư trú ở đây. Nhưng sau hết ông Akin nói ông Sherwin chỉ mua những vùng đất tốt ở trong hạt Wright.

Thế là cuối cùng chúng tôi đã tới ngay phần mở đầu của vùng Ozakas và đất đai khá đẹp.

Chúng tôi đi dọc dưới chân nhiều ngọn đồi và nhìn lên các sườn đồi. Cây và đá rất dễ thương. Manly nói chúng tôi gần như có thể sống với việc ngắm nhìn chúng.

Chúng tôi ngưng lại ăn bữa trưa ngay trước khi tới nơi đẹp nhất bên một dòng nước chảy xiết, sông Turnback. Chúng tôi băng qua khúc sông cạn với mặt nước gợn sóng lấp lánh.

Chúng tôi còn băng ngang thêm một dòng nước trong nữa trước khi tới Everton vào lúc 5 giờ.

Tại đây chúng tôi dừng lại để đóng móng ngựa nhưng không có thời gian đóng móng cho chúng suốt ngày hôm nay nên chúng tôi hạ trại bên ngoài thị trấn chờ qua ngày Chủ nhật.

Chủ nhật 26 tháng tám

 Một ngày để viết, đọc và ngủ. Chúng tôi cho lũ trẻ lội nước ở khúc suối cạn trong tầm nhìn của chúng tôi. Tôi dành gần trọn thời gian viết cho gia đình về vùng quê từ Fort Scott tới những ngọn đồi và những khu rừng ở đây.

27 tháng tám

Nhổ trại lúc 7g10. Chúng tôi rất thích vùng này. Một người đàn ông cố nói chúng tôi định cư ngay phía bên kia đường từ chỗ của ông ta và bảo chúng tôi có thể mua 40 mẫu đất với giá 700 đô la.

Đất khá tốt.

Chúng tôi băng ngang sông Litte Rock và tới Ash Grove, một thị trấn nhỏ sống động được lưu ý với nghề nung gạch. Hai khu nhà gạch mới đang được dựng trên phố Main.

Hạ trại cách Springfield 12 dặm. Manly đang tháo ngựa thì một người đàn ông cùng vợ và một đứa con gái lái một cỗ xe tới hỏi thăm chỗ nào có thể lấy nước cho ngựa. Họ sống cách Springfield 14 dặm về phía đông trong hạt Henderson và đang đi thăm anh của bà vợ tại Ash Grove.

Sau khi trờ chuyện một hồi, họ bảo họ thích hạ trại gần chỗ chúng tôi nếu chúng tôi có thể bán lại cho họ một ít thịt để nấu nướng. Họ không có ý định hạ trại nên không mang theo thức ăn. Chúng tôi nhường cho họ một ít thịt, cho họ mượn lò bếp thế là mau chóng trở thành quen nhau. Họ là những người tốt, dễ thân. Tên họ là Davis. Sau khi làm xong các việc lặt vặt, họ mang ra một trái dưa hấu lớn.

Chúng tôi gọi gia đình Cooley tới và tất cả chúng tôi cùng ăn hết trái dưa. Ở đây có thể mua một trái dưa hấu lớn gần mười ký chỉ với giá 5 xu.

28 tháng tám

Rời trại lúc 6g28. Đường tốt từ Ash Grove cho tới Springfield, không có đồi dốc và đá. Đây là cao nguyên Ozarks và vùng quê rất giống vùng đồng cỏ dù có nhiều rừng nhỏ hoặc rừng cây và luôn có những lạch suối.

9g25 tới Springfield. Đây là một thành phố phát đạt với những ngôi nhà hoàn hảo và bốn khu buôn bán đứng quây quanh một quảng trường. Các cửa hàng đều dự trữ tốt và bận rộn. Manly đóng ngựa và chúng tôi mang giầy cho Rose. Tôi cũng mang giầy, mặc áo đầm còn Manly đội chiếc mũ mới. Không mất nhiều thời gian và chúng tôi cho xe chạy dọc thành phố. Chúng tôi rời thành phố trước buổi trưa. Thành phố có 21.850 cư dân và là một thành phố đẹp nhất mà chúng tôi được thấy. Đơn giản là nó rất lớn.

Chúng tôi có thể nhìn thẳng suốt hai dặm theo phố Walnut, một thành phố tương đối ít nhộn nhịp với những bóng cây ở hai bên đường, những ngôi nhà đẹp và mặt đường phẳng lì sạch bóng.

Cách Springfield năm dặm về phía đông là Suối Jones. Nước ở đây trong như thủy tinh, chảy ra từ một mạch ngầm trong một hầm đá. Hầm đá rộng khoảng 10 bộ, ở độ cao 4 bộ và không ai biết nó ăn sâu vào phía sau bao nhiêu. Manly và ông Cooley đi sâu vào phía trong một khoảng và vận hết sức liệng đá đi thật xa vào phía trong để thăm dò nhưng những viên đá vẫn rơi xuống nước trong bóng tối.

Những vòi nước tuôn ra từ hầm đá sâu 14 inch chảy tràn qua những khối đá giữa các cây lớn làm thành một lạch suối chảy không ngừng.

Chúng tôi nghe nói cách Suối Spring 7 dặm về phía đông bắc là một dòng suối chảy ra từ một hầm đá lớn đến mức có thể bơi thuyền sâu vào trong đó suốt nửa ngày.

Sau khi vượt qua Pierson’s Creek, chúng tôi gặp liên tục nhiều ngày 10 cỗ xe di dân đang rời khỏi Missouri. Chúng tôi hạ trại phía ngoài Henderson, một thị trấn nhỏ nằm bên bờ của một con suối.

29 tháng tám

Rời trại lúc 7g10. Chúng tôi đi dọc con đường chạy xuyên qua rừng và được che mát bởi những cây sồi. Càng đi xa hơn, chúng tôi càng thấy thích vùng này. Một số vùng ở Nebraska và Kansas cũng khá tốt, nhưng Missouri rõ ràng rực rỡ. Manly đã cắt lời tôi để nói:

- Đây là một vùng quê tuyệt đẹp.

Đường đi lên rồi xuống đồi và là một đường mòn bụi bặm, lởm chởm đá, nhưng mỗi khúc quanh của bánh xe đều thay đổi cái nhìn của chúng tôi về cảnh rừng và đồi cây. Ở đây bầu trời như thấp hơn và có màu xanh sáng hơn. Những khoảng xa và các thung lũng cũng xanh màu trời ngay khi nhìn thấy. Đây là một vùng dễ ru ngủ khiến người ta cảm thấy cần tỉnh táo nhưng rất dễ chịu theo một cách nào đó.

Chúng tôi đi qua một nhà ga nhỏ trên đường sắt và đi thêm vài dặm nữa thì tới một trại cây ăn trái rộng 400 mẫu. Trại cây này thuộc quyền sở hữu của một công ty. Có 26.000 cây con đã được đặt thành hàng và toàn thể 400 mẫu đất sẽ được trồng kín không lâu. Những mẫu dâu tây và cây ra trái nhỏ khác đang nặng trĩu. Chúng tôi ngưng lại để nhìn cho no và Manly say mê trò chuyện với một số người của công ty. Họ bảo anh có thể mua 40 mẫu đất với giá 400 đô la, tất cả đã được dọn sạch, ngoại trừ năm mẫu rừng và còn có thêm một dòng suối không ngưng chảy, một ngôi nhà gỗ tiện nghi và một kho chuồng.

Gần cuối buổi chiều chúng tôi qua Seymour. Ở đây các phố chính của thị trấn được dựng quanh các quảng trường và trên quảng trường là những cây cọc buộc ngựa. Trong văn phòng một xí nghiệp, một cô gái đang ngồi đánh máy. Một người đàn ông cho chúng tôi hay ông ta đã sống nhiều năm tại Dakota, gần Sioux Falls. Lúc này ông ta còn một người anh em đang sống tại đó. Ông ấy canh tác gần Seymour. Ông ta bảo khí hậu ở đây là nhất, chúng tôi sẽ không bao giờ muốn rời khỏi những ngọn đồi này, nhưng cũng cần có một thời gian để làm quen với những khối đá.

Chúng tôi qua nhiều dòng suối lớn rồi qua nhiều lạch suối nhỏ. Các hàng rào bằng những khúc cây chẻ chạy ngoằn ngoèo và đầy những cây ăn trái mọc hoang trong các góc. Có hàng đống những thứ như cây mâm xôi, đào và mận giống, anh đào và những loại trái cây đang chín trên cành mà tôi không biết là cây gì, một sự tụ hội phong phú những trái cây dại. Tất cả dường như bỏ mặc cho bất kỳ ai muốn hái cũng được.

Hôm nay chúng tôi không thể tới Mansfield. Hạ trại bên một dòng suối chỉ dài chừng 10 dặm rưỡi. Không có đủ thời gian cho Rose và tôi chất đầy một góc xô những trái mâm xôi mọng nước.

Chúng mọc thành bụi lớn trong rừng và đang chín nẫu, rụng xuống một cách phí phạm.

Thêm sáu cỗ xe di dân hạ trại quanh dòng suối trước khi trời tối.

30 tháng tám, 1894

Đóng ngựa vào xe và ra đi lúc 7g10. Đường gồ ghề và toàn đá khi xuyên qua các hẻm núi nhưng không xấu lắm và suốt hai bên đường luôn có cây.

Chúng tôi qua các trại cây ăn trái Memphis, rộng 1500 mẫu, chiếm một phần hai bên đường đi.

Đó là một vườn cây non với những hàng cây nhỏ, táo và đào, trồng uốn vòng trên những ngọn đồi đã được cày đất.

Một vài cỗ xe xuất hiện ở phía sau chúng tôi và chúng tôi nối sau những người khác, tất cả ngựa đều bước chậm, kìm giữ khi xuống đồi và cố leo khi lên đồi. Lúc 11g30, chúng tôi tới Mansfield trong một đoàn dài 10 cỗ xe di dân.

Mansfield là một thị trấn tốt với khoảng 300 tới 400 cư dân gom trong một khu trung tâm và phát triển nhanh chóng. Đường sắt chạy bên một quảng trường và có hai tuyến xe chở khách từ nhà ga, một từ phía nam chạy tới vùng trung tâm của hạt Douglas và một từ phía bắc chạy tới vùng trung tâm của hạt Wright. Ở đây mọi thứ đều có sẵn sàng theo ý muốn dù rằng chúng tôi phải theo đuổi tín ngưỡng của mình không có một nhà thờ theo Giáo Đoàn. Có một nhà thờ của Giám Lý và một nhà thờ theo Giáo Đoàn Trưởng Lão. Có một trường học rất tốt. Quanh quảng trường có hai cửa hàng bách hóa, hai cửa hàng dược phẩm, ngăn hàng, chuồng nuôi ngựa thuê và cửa hàng đóng móng ngựa ở gần đó. Có rất nhiều ngôi nhà lớn đẹp trong những sân rộng trồng cây. Đường đi về phía nam cũng tốt như đường đi về phía bắc, hai hoặc ba ngôi nhà lớn và ở đó có một nhà máy xay bột bên một hồ chứa nước.

Hạ trại trong rừng ở phía tây của thị trấn và chiều nay, Manly tới thăm một địa điểm muốn bán nhưng thấy không thích hợp.

III.

Những dòng ghi chép của mẹ tôi dừng tại đây. Năm mươi năm sau tôi thường tình cờ nói về lần hạ trại của chúng tôi trong những khu rừng đã biến mất và mẹ tôi đã cắt ngang lời tôi một cách giận dữ:

- Mẹ không muốn nghĩ tới việc đó nữa.

Tôi không nhớ cha tôi đã mất bao nhiêu ngày lùng kiếm một khoảnh đất có thể mua nổi bằng tờ giấy 100 đô la bí mật. Mỗi buổi sáng cha tôi cưỡi ngựa đi với một nhân viên điền địa, lên xuống những ngọn đồi và quay về vào buổi tối không tìm được gì.

Paul, George và tôi đều rất vui. Sau tình trạng nhạt nhẽo kéo dài của những ngày buồn nản mà chúng tôi khó nhớ lại ở De Smet, lúc này mỗi ngày đều là ngày Chủ Nhật không cần có quần áo chải chuốt và cư xử đúng các khuôn phép. Lần hạ trại trở thành cắm trại ngày Chủ nhật với mấy cỗ xe của gia đình Cooley ở một bên, xe của chúng tôi ở một bên, ở giữa là bàn, ghế và chiếc võng giăng dưới bóng cây trong khu rừng nhỏ. Chiếc lò nấu được đặt ở một khoảng xa phía bên kia những cây tần bì mát rượi. Xa hơn nữa, những con ngựa được buộc dưới các cội cây và sau những cỗ xe là nơi quây lại làm chỗ tắm rửa của chúng tôi trong ngày Chủ nhật.

Chúng tôi phải quanh quẩn trong tầm nhìn hoặc ít nhất là nghe rõ tiếng gọi của các bà mẹ, nhưng ngay sau khi các công việc buổi sáng được làm xong, chúng tôi hoàn toàn tự do chơi ở trong rừng. Suốt ngày chúng tôi trèo cây, hái trái, ăn những quả óc chó, quả phỉ xanh, kẹp vỡ chúng giữa hai hòn đá. Chúng tôi ngắm những con thỏ mà chúng tôi không được phép đuổi theo ra xa, ngắm những con sóc, những con chim, những con bọ cánh cứng hoặc những ổ kiến. Không khí tràn ngập mùi vị nồng đậm của gỗ mục, hạt khô, những thảm lá sồi rụng từ năm trước ẩm ướt. Những cọng bồ công anh đắng nghét trên đầu lưỡi và những búp lá non rũ xuống quanh tai tôi.

Những phiến đá phẳng sắc cạnh xếp dầy dưới bàn chân. Chúng tôi chạm ngón chân vào chúng và ngón chân cái của chúng tôi phải bọc vải kín. Các vết bầm trên những gót chân chai sạn của chúng tôi không cản nổi chúng tôi chạy nhảy. Chúng tôi thấy những đám nấm và rêu mọc chen chúc như những khu rừng bé xíu, những cây leo màu xám xanh phủ trên các tảng đá, những lớp da châu chấu hoàn hảo, trống rỗng, mỏng giòn bám vào những cây lớn bằng các móng chân li ti.

Chúng tôi lượm được nhiều viên đá kỳ lạ. Khi tôi cho cha tôi một viên đá dẹt hình tam giác có gợn sóng phía trên và một mũi sắc nhọn, cha tôi bảo đó là một đầu mũi tên của người da đỏ. Chúng tôi sưu tập hàng tá những thứ này và Paul kiếm được một viên đá hình đầu rìu.

Một bữa tôi phải ở lại lều trại với bà Cooley. Tôi được nhắc nghe lời theo bà và không được rời khỏi tầm mắt của bà. Cha tôi đã tìm ra đất. Mẹ tôi đi cùng với ông tới coi và cả hai không muốn có gì lo ngại về tôi trong lúc đi vắng. Không bao giờ có một buổi sáng dài như thế. Tôi rất bối rối và bà Cooley cũng thế. Cuối cùng, khi tôi nhìn thấy những con ngựa và cha mẹ tôi đang trở về, tôi ngỡ như đang nổ tung ra. Tôi khó giữ nổi im lặng chờ được nghe nhắc tới.

Cha tôi tươi rói và mẹ tôi mặt mày rạng rỡ. Chưa khi nào mẹ tôi nói nhanh như thế. Mẹ tôi nói với bà Cooley rằng đúng là nơi cha mẹ tôi muốn có, và còn vượt nhiều hơn cả sự mong mỏi nữa. Một dòng suối chảy quanh năm với thứ nước tốt nhất để uống không biết chán, một căn nhà gỗ gọn gàng giữa những khu rừng, trên một ngọn đồi chỉ cách thị trấn một dặm rưỡi nên Rose có thể đi bộ tới trường và còn phải nghĩ thêm đến bốn trăm cây táo non đã được bao gốc để sẵn sàng đặt xuống khi đất được dọn xong. Cha mẹ đã mua khu đất và ngay khi ăn bữa trưa xong sẽ tới ngân hàng ký kết giấy tờ. Chúng tôi sẽ rời chỗ trong buổi chiều hôm đó.

Khi bị kích động, cha tôi luôn trấn tĩnh, im lặng đi lại và nói năng từ tốn. Nhiều lúc mrj tôi như vụt bay tới cha tôi, nhưng hôm nay mẹ tôi rất nhẹ nhàng, ấm áp. Mẹ để cho cha ngồi ăn trong lều trại, dặn tôi dọn dẹp bàn, rửa chén đĩa khi cha ăn xong rồi mẹ đi vào chỗ quây tắm để chuẩn bị cho cuộc gặp mặt tại ngân hàng.

Tôi ngồi chênh vênh trên một gốc cây, ngắm mẹ chải và bện tóc. Mẹ có mái tóc thật đẹp, màu nâu hung, dày và rất mịn. Không bện, tóc mẹ xõa tới gót chân, dài tới mức khi đã bện chắc lại, mẹ có thể ngồi trên các bím tóc của mình. Bình thường, tóc mẹ được bện thành bím lớn ở sau gáy nhưng khi kéo áo lên, mẹ phải lôi tóc ngược lên và đau đầu khủng khiếp.

Lúc này mẹ kết tóc thành bím rồi cuốn vòng thành một búi lớn sau gáy, cài chặt lại bằng chiếc kẹp mai rùa. Mẹ gỡ những lọn tóc phía trước cho hơi xõa xuống trán, nhìn vào chiếc gương nhỏ gắn trên một thân cây và thình lình, tôi nghe thấy mẹ đang huýt gió. Tôi nhớ rằng sau này tôi không còn nghe thấy mẹ huýt gió nữa. Mẹ đã nói một cách vui vẻ:

- Con gái huýt gió và gà mái gáy luôn đi đến những kết cục xấu.

Bây giờ mẹ vẫn đang huýt gió. Mẹ huýt gió theo một điệu chim hót nhẹ nhàng, trong trẻo, dịu ngọt, líu lo rồi luyến láy và buông rơi từng nốt như tiếng chim chiền chiện lảnh lót vọng xuống từ lưng trời. Tôi rất vui nếu được nghe mẹ huýt gió trở lại.

Vừa huýt gió, mẹ vừa đóng nút giầy. Mẹ lấy chiếc áo đầm vải ra rồi gấp lại gọn ghẽ. Trong bộ đồ lót mu-xơ-lin trắng và chiếc áo nịt có viền đăng ten, mẹ lôi chiếc áo đầm đẹp nhất, chiếc áo cưới màu đen vẫn nằm im trong thùng từ lúc mở đầu chuyến đi rời khỏi Dakota. Mẹ vẫn huýt gió: Em yêu quý, đừng vì anh rơi lệ. Mẹ vuốt thẳng lại những nếp váy. Tôi tiếc là chiếc váy che kín hết đôi giầy mới của mẹ. Mẹ xỏ tay vào những ống tay áo vừa khít và cẩn thận cài hàng nút ở phía trước lên tới sát cằm. Chiếc kẹp vàng được cài giữ dải nơ màu xanh trứng chim trước cổ áo thẳng đứng. Rồi, tới điều cuối cùng và cũng là đỉnh điểm: mẹ gắn lên chiếc nón màu đen dải nơ màu xanh và chiếc thoa mang hình bông lúa dựng thẳng đứng ở một bên. Những bím tóc ở sau gáy đẩy chiếc mũ hơi nghiêng về trước một chút và diềm mũ trước trán vừa chạm vào các lọn tóc.

Mẹ có vẻ dễ thương và thật đẹp. Qua ánh mắt của cha nhìn mẹ khi mẹ bước ra thì chắc cha cũng nghĩ thế.

Mẹ nhắc cha chuẩn bị nhanh để không trễ giờ, nhưng giọng mẹ như đang hát, không bận tâm thứ gì. Cha bước vào chỗ quây tắm để thay áo, chải tóc, râu và đội chiếc nón mới. Mẹ nói với tôi là lo dọn sạch bàn ngay rồi nhớ lo rửa chén đĩa khi cha mẹ đi vắng, và như thường lệ, mẹ nhắc phải cẩn thận để không làm vỡ chiếc nào. Tôi chưa bao giờ làm vỡ một chiếc đĩa.

Tôi vẫn nhớ rõ ràng chuyện bữa đó vì sự việc xảy ra. Tôi đã mang chén đĩa đi và lau sạch bàn. Mẹ tôi đặt lên bàn chiếc khăn tay, chiếc bóp vải nhỏ màu đỏ với các cạnh bằng xà cừ. Mẹ đang mang bao tay mỏng nhẹ. Cẩn thận, mẹ đem chiếc bàn viết ra đặt lên mặt bàn. Mẹ lật nghiêng phần đậy phía trên lên, lôi chiếc khay gỗ hẹp dùng đựng bút và lọ mực.

Tờ giấy một trăm đã biến mất.

Một cú sốc giống như bước hụt chân từ một đỉnh cao vào bóng tối. Nhưng không thể nào không phải chuyện thực. Chỗ cất tiền trong chiếc bàn trống lốc. Mọi thứ đảo lộn hết. Trong sự choáng váng căng thẳng, cha mẹ tôi như không còn là họ nữa và tôi cũng cảm thấy không còn là tôi.

Cha mẹ hỏi tôi có kể với ai không? Không. Tôi có khi nào nói một điều gì với ai về món tiền đó không? Không. Tôi có thấy người lạ nào tới gần xe trong lúc cha mẹ đi vắng không? Không.

Hoặc có ai vào lều không? Không.

Mẹ nói khó mà tin được, vì gia đình Cooley không làm chuyện này. Cha tôi đồng ý, gia đình đó không làm. Vậy thì nó phải ở đó. Mẹ tôi còn nhìn thấy tờ giấy bạc khi tới Kansas.

Cha mẹ lôi tất cả giấy tờ trong hộc bàn ra để tìm, mở từng bao thư để nhìn vào phía trong. Cha mẹ lật ngược chiếc bàn lên và lắc mạnh để lay động những chiếc nắp ở phía trong. Mẹ tôi nói không thể nào hiểu nổi. Đột nhiên, mẹ nảy ra một ý nghĩ và hy vọng, hỏi tôi có đem tờ giấy bạc ra chơi không?

KHÔNG! Tôi như bị phỏng lửa. Mẹ hỏi nữa coi tôi có chắc không? Tôi không một lần nào mở chiếc bàn để chơi chứ? Họng tôi như bị sưng nghẹt, tôi lắc đầu, không. Mẹ nói một cách tự nhiên:

- Đừng khóc.

Tôi không khóc, không khi nào tôi khóc, nhưng tôi tức giận, vì bị lăng mạ và khổ sở. Tôi không còn là đứa bé để đùa chơi với đồng tiền hoặc nghịch ngợm mở chiếc bàn ra. Tôi sắp tám tuổi rồi. Tôi cảm thấy nhỏ nhoi, đơn độc và kinh hoàng. Cha mẹ tôi ngồi đó, bất động. Trong sự lặng lẽ kéo dài, tôi từ từ chìm sâu vào nỗi khiếp hãi, một nỗi khiếp hãi hoàn toàn vô cớ, một nỗi khiếp hãi trong ác mộng.

Cuối cùng, mẹ tôi nói:

- Thôi.

Ý mẹ muốn nói vô ích khi than khóc cho số sữa bị chảy tràn. Điều gì không thể thay đổi được thì phải chịu đựng. Cha tôi nói mẹ không nên trách cứ mình vì không phải lỗi của mẹ. Một cách thận trọng, mẹ tháo những chiếc găng tay mỏng. Mẹ lộn phải trở lại từng ngón tay, vuốt cho phẳng. Mẹ nói tốt hơn là cha hãy tới giải thích với người của ngân hàng.

Bằng cách nào thì chuyện tệ hại nhất cũng qua, khi cha cố trì hoãn với câu nhắc nhở mọi chuyện còn có thể thay đổi và mẹ phát cáu nói lớn rằng cha đã quá biết là “chẳng có gì thay đổi khi chính mình không thay đổi nổi mình”. Rồi mẹ nhắc tôi ra ngoài chơi và tôi nhớ tới những chiếc đĩa còn chưa rửa. Mẹ đã quên khuấy chuyện đó.

Nhiều ngày, tôi không nhớ rõ là bao nhiêu ngày, mọi việc có vẻ giống như thường lệ và cũng chẳng có vẻ gì giống như thường lệ. Tôi không nói một lời nào về chuyện xáo trộn, tôi không thích nhắc tới. Mẹ tôi nói với bà Cooley là tốt nhất cần có thời gian ổn định lại tinh thần. Cha tôi vào thị trấn kiếm việc làm. Mẹ tôi không quen ai ở đấy. Ông Cooley đã bán một cặp ngựa và một cỗ xe còn Paul với George sẽ tới giúp việc cho một khách sạn. Tôi biết chúng tôi có thể bán những con ngựa nhưng sau đó sẽ ra sao? Những cỗ xe vẫn chạy ngược xuôi mỗi ngày và đôi khi hạ trại ở gần bên. Tôi thường cố nghĩ xem chuyện gì sẽ xảy ra khi chúng tôi không còn gì để ăn. Tôi không thể hình dung nổi thế nào.

Lúc này trái mâm xôi chỉ còn rất ít và nhỏ hơn. Tôi đi sâu hơn vào những lối đi đầy cây mọc chằng chịt để lùng kiếm nên khi mẹ gọi và gọi thêm nữa, tôi vẫn chưa thể ra khỏi những bụi cây đầy gai nhọn mà không bị rách áo để chạy trên các tảng đá sắc trở về lều trại. Cha tôi đang đóng ngựa và mẹ đang bỏ những món đồ cuối cùng vào trong thùng xe. Cha mẹ tôi đã mua trại. Mẹ đã tìm thấy tờ giấy bạc một trăm đô la. Trong ngăn dùng làm bàn viết. Sự dằn xóc đã đẩy nó vào trong một kẽ ván và tôi không còn thắc mắc nữa, bước lên xe. Ngay khi thấy tờ giấy bạc, mẹ tôi đi kiếm cha tôi và lo đi ký các thứ giấy tờ liền. Và bây giờ tôi ở đó, chưa kịp rửa chân đã nghe lời mẹ leo luôn lên ghế ngồi trên xe và không nói thêm một lời nào về chuyện đó.

Thị trấn mở đầu với hai căn nhà nhỏ ở hai bên đường trong một khu rừng. Rồi có hai ngôi nhà lớn giữa những khoảng sân rộng trồng cây và một căn nhà nhỏ thấp dễ thương ngay bên lề lối đi phủ sỏi. Bên kia đường, đối diện với căn nhà nhỏ là cầu thang lên khách sạn mà Paul và George sống ở đó. Trước khách sạn là Quảng trường với nhiều cây lớn và những sợi dây của các cọc buộc ngựa đóng xung quanh ngoại trừ phía xa bên kia dẫn tới đường sắt. Chúng tôi cho xe chạy dọc con phố chính, phố Main, nằm một bên chúng tôi và nằm cả ở phía trước và phía sau chúng tôi. Con phố bọc vòng ba phía Quảng trường. Có ba dãy cửa hàng phía sau ba con đường lát ván cao. Đó là thị trấn The Gem của vùng Ozarks.

Chúng tôi chạy ngang cửa hàng bách hóa lớn Reynolds có hai dãy tủ hàng rộng đầy ắp các món đồ với một khung cửa ra vào ở giữa. Nhiều người đàn ông đang thơ thẩn, tản rộng, chuyện trò và khạc nhổ dọc theo những lối đi lát ván cao. Có nhiều cửa hàng nhỏ, Ngân Hàng Mansfield, cửa hàng Boston Racket với hàng chữ “Kịch viện Opera” sơn trên các cửa sổ tầng trên, Nhà nuôi giữ ngựa Hoover’s và những con ngựa trong khu chăn nuôi, rồi tới một ngôi nhà lớn nằm trong một hàng rào dây kẽm. Qua khỏi cửa hàng đóng móng ngựa, con đường đầy bụi chạy xuống đồi băng qua một cây cầu nhỏ. Sườn đồi dài là vườn cây và bãi chăn nuôi nhưng lại bắt đầu có những căn nhà khi con đường vươn lên ở phía bên kia cầu. Tính chung phải có tới một tá nhà trong những khuôn sân có hàng rào và cổng, phía sau những lối đi qua cỏ dại ở cả hai bên đường.

Hết thảy các ngôi nhà đều có cổng trước tô điểm bằng nan gỗ và nhiều màu sơn khác nhau. Phía sau cổng là những vườn rau với các hàng dây phơi, các nhà kho, chuồng gà và một số nhà có cả chuồng heo. Hai ngôi nhà có gác và một trong hai ngôi nhà này có cửa sổ lồi và mái vòm. Sau những căn nhà bên phải chúng tôi là nền đường sắt được be bờ và sau những căn nhà bên trái là hai ngôi nhà khác rồi tới một đồi cỏ cao in lên nền trời.

Trên đỉnh con đường dốc là ngôi trường mà tôi sẽ tới học. Trường đứng vuông vức, cao hai tầng với các ô cửa sổ xung quanh và một tháp chuông dựng đứng phía trên những khuôn cửa trống. Bên kia trường là rừng cây. Trường nằm trên bìa rừng nhưng không còn một gốc cây nào trên nền đất trần nện cứng ở xung quanh. Có một giếng nước ở gần trường và sau trường là một nhà lán bằng cây với hai khu nhà vệ sinh ghi rõ: Con Trai và Con Gái.

Tôi cố ngắm thật lâu nhưng con đường đã xoay khỏi trường học để hướng theo đường sắt.

Những vết bánh xe chạy cặp theo đường sắt với những hàng cột đỡ một sợi dây thép buộc trên các núm thủy tinh. Có hai ngôi nhà ở trong rừng rồi con đường chạy vào trong rừng bỏ đường sắt lại phía sau lưng chúng tôi.

Lúc này không còn gì khác ngoài rừng cây ở hai bên đường và hai vệt bánh xe chạy thẳng tren một đoạn hơi dốc xuống. Giữa hai vệt bánh xe là những gốc cây và các tảng đá lớn. Cỗ xe xóc nảy chao đảo trên những tảng đá chìm trong bụi rậm và tiếng vó ngựa bịt sắt vang lên.

Từ câu chuyện hiện qua trong trí, tôi bỗng nhận ra là may mắn biết chừng nào khi đồng xu cuối cùng vừa đủ trả cho món thịt ướp muối và bột mì. Bây giờ chúng tôi có thể ổn với viêc bán củi và sẽ khá hơn khi những cây táo ra trái. Lúc đó, việc thanh toán món nợ thế chấp sẽ dễ dàng. Ba trăm đô la với mười hai phần trăm phải trả mỗi ba tháng. (Tôi thắc mắc tại sao phải bắt buộc trả như thế?)

Mẹ tôi có thể nhẩm tính con toán trong đầu. Đám táo hẳn đủ giải quyết vấn đề nếu chúng sống nổi.

Lúc đó hoặc sau này, tôi được biết từ câu chuyện đó là có một người đàn ông hết sức ngớ ngẩn đã mua hết thảy những cây táo nhỏ kia từ một người buôn bán quỷ quái mặc dù ông ta chưa dọn xong đất. Khi những cây táo được đưa tới ào ạt, ông ta không có đất để trồng xuống, nhưng ông ta đã ký kết các thứ giấy tờ nên bắt buộc phải cầm thế đất để có tiền trang trải. Sau đó, ông ta bỏ cuộc. Chỉ trong hai ngày, ông ta rời bỏ hết từ đất đai, căn lều tới những cây táo nhỏ bao rễ trong một rãnh mương và món nợ thế chấp. Thế là cha mẹ tôi tiếp nhận tất cả từ người chủ ngân hàng.

Con đường lại vươn lên tựa hồ chạy thẳng đứng lên đỉnh một dốc đồi dài thăm thẳm, nhưng cha tôi cho lũ ngựa xoay theo một con đường mờ nhạt đi vào thung lũng. Lúc này bên cạnh chúng tôi là một dòng suối trong như gương chảy tràn trên những mặt đá phẳng và qua các hồ chứa đầy bóng mát.

Những con ngựa dừng lại uống nước và mẹ lên tiếng:

- Chúng ta ở đây!

Mẹ hỏi tôi nghĩ thế nào nhưng tôi không nhìn thấy gì để suy nghĩ. Mẹ nhắc lạch nước này khởi từ một dòng suối thuộc quyền sở hữu của chúng tôi. Bên kia lạch nước, rừng cây mọc trên một ngọn đồi thấp trong ánh nắng vàng của mặt trời đang lặn. Những vết bánh xe chạy xuống khúc quanh của lạch nước và mất hút vào lùm cây.

Cha tôi cho xe chạy lên đồi xuyên qua rừng cây. Lũ ngựa leo lên một cách khó khăn trên những tảng đá lớn chuội dưới chân chúng. Tại đỉnh đồi, chúng tôi tới một khoảnh đất nhỏ đã được dọn quang ở mé một hẻm núi sâu và tại đó có một căn nhà gỗ nhỏ.

Như một con sóc, tôi leo xuống khỏi bánh xe và chạy quanh các góc của căn nhà. Một khuôn cửa gỗ dày thô nhám đang mở. Tôi bước vào nhà trong gian phòng nhỏ hẹp, nền đất đầy xác lá khô và phía bên kia là một gian phòng lớn hơn có nền bằng sàn ván. Phòng này trơ trụi và sạch sẽ, nồng mùi gỗ và lá khô bị gió thổi dồn vào các góc. Có một lò sưởi lớn và quả đúng như người phụ nữ kia đã nói, không có cửa sổ. Có một lỗ hổng vuông vức trên bức vách ghép bằng những khúc cây tróc vỏ, một lỗ trống nhưng có một cánh cửa gỗ xù xù mở ra bằng cách treo lên giống như cửa ra vào của căn nhà.

Không còn gì khác nữa ở đây. Nhưng tôi đã không nhận ra rằng trong gian phòng hẹp, những khúc gỗ vách quanh khung cửa đều được dán dấy báo. Những chữ in lớn màu đen giữ tôi dừng lại. Tôi đứng nhìn và đọc: “Những Viên Thuốc Gan Nhỏ của Carter” và một vấn đề mang tính triết học mà tôi cố gắng hết sức nhưng vẫn không trả lời nổi dù tôi còn nhớ mãi: Cuộc sống là gì khi không có con người?

Vấn đề đó quá lớn đối với tôi nên tôi đành phải đẩy lui thời gian cho cuộc phấn đấu với nó.

Nhìn bên ngoài, một số mảng vỏ cây tróc khỏi vách nhà khiến giữa những khúc cây lộ ra những miếng đất sét màu vàng khô cứng và nứt thành nhiều mảnh. Không xa trước căn nhà con đường mòn từ cửa sổ theo một độ dốc lớn xuống hẻm núi. Như thường lệ, mẹ luôn gọi tôi để canh chừng.

Hẻm núi đầy bóng cây và tối hơn trong khoảng đáy hẹp tận cùng bằng một khối đá lớn ngang một ngôi nhà lớn. Phía sau khối đá vang lên tiếng nước chảy róc rách và nước chảy dưới gầm khối đá vào một vũng nhỏ hình tròn giống như một chiếc thùng tắm nhưng sâu gấp rưỡi. Trên vũng nước lủng lẳng những cây dương xỉ và từ một nhánh cây đung đưa một trái bầu lủng lỗ do nước xối.

Tôi uống một bầu đầy thứ nước mát lạnh tuyệt vời trong lúc ngước nhìn lên sườn núi phía trên dòng suối. Tất cả là rừng đen đặc chỉ có những ngọn cây cao nhất vươn lên trong ánh nắng đột ngột vàng hoe. Phía dưới hẻm núi tối tăm, tiếng nước như đang cười thầm một cách bí hiểm. Một thứ gì đó lén lút di chuyển trong những đám lá dưới các bụi cây. Tôi trèo ngược lên lối mòn trở về hết sức nhanh.

Lũ ngựa đã được tháo khỏi xe và buộc vào cọc, đám gà mái trong chiếc chuồng đặt trên nền đất. Cha mẹ đang lấy các thứ ra khỏi thùng xe từ cửa sau thùng xe mở rộng. Chúng tôi ăn bữa tối ở ngoài trời và ngủ thêm một đêm trên thùng xe. Mẹ tôi thấy cần lau dọn sạch tất cả căn nhà trước khi dọn vào. Chúng tôi vẫn có thể nhìn rõ dưới ánh sáng chiều chập choạng nhưng bên trong thùng xe không nhận ra nổi thứ gì. Cha tôi lúc kiếm cây đèn.

Ông nhấn lò xo, nhấc chiếc bóng thủy tinh lên, sờ soạng mồi lửa vào bấc đèn rồi cẩn thận hạ bóng đèn xuống đúng chỗ của nó và ánh đèn thình lình sáng bừng lên. Ông giơ ngọn đèn lên kiếm chỗ treo và dưới ánh đèn hiện ra một người đàn ông lạ đang đứng sừng sững.

Người lạ đi chân đất, quần vá chằng đụp và rách rưới. Ông ta cao lớn nhưng gầy trơ xương, hai con mắt lóe sáng trong đám râu tóc bờm xờm. Ông ta bước lại gần hơn và bàn tay mẹ tôi nhanh như một con rắn thọc vào trong túi, nơi cất cây súng lục. Mẹ tôi chờ đợi trong sự sẵn sàng. Cha tôi chậm rãi lên tiếng:

- Xin chào.

Người đàn ông nói ông ta muốn có việc làm, ông ta đang tìm kiếm cơ hội làm việc để có cái ăn. Cha tôi trả lời chúng tôi chỉ vừa chuyển đến, như ông ta có thể thấy, chúng tôi không có công việc gì dành cho ai cả. Thật là tệ, nhưng có lẽ tốt hơn là nên kiếm dịp may trong thị trấn, ở ngay bên kia ngọn đồi kế cận cách không hơn một dặm về phía tây.

Người đàn ông lên tiếng:

- Ông đã kiếm được một chỗ tốt ở đây.

Ông ta gầy hốc hác nhưng to dềnh dàng. Sau một phút, cha tôi nói ông mong một ngày nào đó chỗ này sẽ là một nơi tốt lành. Rồi tất cả đứng im lặng tựa hồ chúng tôi không nhấc bước nổi.

Người đàn ông bắt đầu nói chậm rãi, trầm tĩnh gần như không biết có ai ở xung quanh. Ông ta nói họ cần phải có thứ gì để ăn. Đó là vợ và năm đứa con của ông đang ở trên cỗ xe bên kia lạch suối.

Họ đã di chuyển suốt mùa hè để kiếm việc làm. Họ không thể đi thêm nổi nữa. Đã là ngày thứ ba họ không có gì để ăn. Ông ta phải kiếm ra việc làm nên cố leo theo vết bánh xe - Họ không thể tiếp tục đi khi không có gì ăn.

Ông ta ngưng lại, không còn gì để nói thêm nữa. Không có gì để làm. Lúc này tôi biết điều gì xảy ra khi không có thứ gì để ăn. Điều xảy ra là không còn gì nữa.

Thình lình cha tôi nói và di chuyển một cách mau lẹ, không từ tốn chút nào. Ông bảo ông cần một người phụ giúp để làm củi, sáng mai người đàn ông hãy tới giúp ông, tạm thời ông chia đỡ một chút – ông bước vào thùng xe. Liếc nhìn nhanh tảng thịt heo ướp muối, mẹ tôi kêu:

- Manly, không! Mình phải dành cho Rose.

Cha tôi không lưu ý tới. Con dao trong tay ông cắt ngang tảng thịt trắng toát. Ông mở một góc bao và trút bột mì vào chiếc xô thiếc nhỏ. Ông hỏi người đàn ông có chiếc rìu tốt không? Ông nói họ sẽ bắt đầu sớm, lúc mặt trời mọc, để công việc khá hơn và nếu củi bán được giá, ông sẽ đối xử hợp lý với người đàn ông. Nhớ mang rìu tới nếu có rìu. Cũng nhớ mang chiếc xô thiếc trở lại. Thế là xong, không cần bàn thêm nữa, hẹn gặp vào sáng mai.

Người đàn ông biến vào trong bóng tối. Ông ta không nói một lời nào. Sau đó, mẹ tôi nói không ngừng rằng không tin còn khi nào thấy lại gã ma cà bông kia và cả chiếc xô thiếc nữa. Rồi mẹ tôi im lặng. Cha tôi nhóm lửa dưới chiếc lò trại và mẹ nấu bữa tối. Chúng tôi ăn thịt ướp muối với bánh bột bắp và ngủ trong thùng xe.

Người đàn ông tới đánh thức chúng tôi trước lúc bình minh, mang theo chiếc xô thiếc và cây rìu. Ông ta là một người thợ rừng giỏi hơn hẳn cha tôi. Trọn ngày hôm đó, trong lúc mẹ tôi và tôi thu dọn nhà và lôi các món đồ từ thùng xe vào sắp xếp trên sàn nhà đã lau khô, họ làm việc trong rừng. Cả hai làm cho tới khi không còn nhìn rõ nữa. Rồi mẹ tôi cầm cây đèn và cả hai hạ mui xe, cuốn các tấm che lại, chất cao ngất trên thùng xe tất cả số củi đã bửa được trong ngày.

Sáng sớm hôm sau, cha tôi vào thị trấn bán củi. Người đàn ông kia làm việc rất chăm chỉ trong lúc cha tôi đi. Cha tôi đi trọn ngày, tối vẫn chưa về. Người đàn ông lạ đã xuống dốc đồi, mẹ tôi thắp đèn, vặn bấc thấp để tiết kiệm dầu. Một hồi sau chúng tôi nghe thấy tiếng xe xóc nảy. Mẹ tôi vặn đèn lên sáng hơn rồi nhắc tôi mang ra cho cha tôi.

Tôi cầm đèn bước ra ngoài. Thùng xe trống rỗng và tôi gần như la lên:

- Ba bán hết rồi!

Cha tôi nói một cách đắc thắng:

- Cuối cùng, ba đã bán hết.

Tôi hỏi:

- Ba bán được bao nhiêu?

Ông bắt đầu tháo cương ngựa và khoe:

- Năm mươi xu.

Tôi đặt cây đèn xuống và chạy vào trong nhà nói với mẹ:

- Năm mươi xu! Ba bán hết chỗ củi được năm mươi xu!

Mặt mẹ tôi như rung lên và tựa hồ dãn ra. Mẹ thở ra một hơi dài. Tôi hỏi:

- Mẹ không mừng hả?

Mẹ chộp lấy tôi kéo về phía mẹ:

- Mừng à? Dĩ nhiên mẹ mừng chứ. Ôi, tạ ơn đã được thế!

Tôi lại chạy ra ngời, nhảy choi choi khoe với cha là mẹ rất mừng. Và cha tôi gần như kêu lên khi lên tiếng:

- Ô, sao con lại cho mẹ biết? Ba muốn đem về cho mẹ một sự bất ngời mà.

Người ta thường làm những điều như thế, những điều nhỏ nhoi nhưng độc ác khủng khiếp mà không suy nghĩ, không dự tính gì. Nhưng điều đã làm rồi thì không thể nào lấy lại được. Nó sẽ là một thứ không bao giờ quên.

Tôi không nhớ rõ người đàn ông lạ làm việc với cha tôi bao nhiêu lâu. Tôi cũng không thể nhớ tên của ông ta và mọi chuyện về gia đình ông ta đang hạ trại gần bên lạch suối. chỉ chắc chắn là tôi quen biết những đứa trẻ kia, chúng có thể đã ở đó nhiều tuần lễ. Tôi còn nhớ ông ta và cha tôi đã lợp mái căn nhà kho nhỏ vào cái ngày tôi đuổi theo một con thỏ.

Lá đã rụng khỏi tất cả các thứ cây, ngoại trừ những cây sồi đã đổi sang màu đỏ thường có của chúng trong mùa đông vào ngày hôm đó. Tuyết rơi nhẹ hoặc có sương giá dưới chân và bàn chân trần của tôi lạnh buốt, hơi thở đọng trắng trong không khí. Tôi đuổi theo con thỏ lên đồi, xuống đồi, rồi vòng lại cho tới khi mệt lả và nó ẩn vào một hốc cây. Tôi lấp kín hốc cây bằng những viên đá rồi tới kiếm hai người lớn kêu ngưng lợp mái nhà tới bửa khúc cây ra bắt con thỏ.

Ngày đó là thứ Bảy vì sau đó tôi đi học. Bữa ăn trưa Chủ nhật, chúng tôi có món thịt thỏ hầm nước sốt trộn khoai tây nghiền và bánh mì. Vào ngày thứ Hai, tôi thấy trong xô đựng bữa ăn trưa của mình một chiếc đùi con thỏ đó. Mẹ tôi đã để dành lại, kẹp bánh bỏ trong chiếc xô thiếc nhỏ để tạo ngạc nhiên cho tôi.

Người đàn ông đó và gia đình ông ta phải về miền tây hoặc miền nam vào đầu mùa đông đó.

Ông ta hẳn đã kiếm được đủ thức ăn cho chuyến đi. Tôi nhớ khi đi với bộ với giầy vớ qua những khu rừng phủ tuyết, tôi đã nghe văng vẳng tiếng rìu của cha tôi và khi trở về nhà với ánh hoàng hôn đỏ lừ sau lưng, tôi nghe vang lên tiếng cưa sắc nhọn hơn trong không khí. Cây rìu quá nặng với mẹ tôi khiến cha tôi không thể tin cậy nhưng mẹ tôi có thể nắm chắc an toàn một đầu cưa.

Những chiều mùa đông rất ấm áp trong căn nhà. Lũ ngựa cũng ấm áp trong khu chuồng nhỏ và đám gà mái trong chiếc chuồng bằng gỗ mới. Tuyết đóng bờ trên các vách gỗ và những nhũ băng dài lơ lửng dưới các mái hiên. Trong lò sưởi, lửa cháy đều trên những khúc hồ đào. Trong hơi lửa nóng, trên tờ báo trải rộng trước lò sưởi, cha tôi đang trết dầu cho yên ngựa giữa những bàn tay đen ngòm dầu. Tôi ngồi trên sàn nhà, cẩn thận xếp một tòa nhà bằng lõi bắp và mẹ tôi ngồi bên bàn thoăn thoắt đẩy những cây kim đan trong lúc vừa đang cho cha tôi những chiếc vớ len vừa đọc cho chúng tôi nghe một cuốn sách tựa dưới cây đèn dầu. Mẹ đọc những bài thơ của Tennyson, của Scott trong các cuốn sách của chúng tôi. Và mẹ đọc những cuốn sách của Prescott như Cuộc Chinh Phục Mexico, Cuộc Chinh Phục Peru, Những Chàng Trai Vùng Núi Xanh, Nhà Quý Tộc John Halifax. Mẹ còn đọc cho chúng tôi nghe cuốn sách về những chuyện thực, cuốn sách lớn nhất so với những cuốn khác: Lịch Sử Cổ Đại, Trung Đại và Hiện Đại. Tôi mượn những cuốn sách này từ giá sách ở trường dành cho lớp Bốn. Thầy giáo bằng lòng cho tôi mượn dù tôi chưa học tới lớp Bốn.

Tôi nhớ buổi chiều Chủ nhật khi cha mẹ tính toán về ngôi nhà mới. Mùa xuân đó, chúng tôi có con bò cái; tôi chắc đã lên mười hoặc sắp mười một tuổi. Vào những buổi chiều Chủ nhật ấm áp, khi khách viếng thăm không ở trọn ngày với chúng tôi hoặc chúng tôi không dành trọn ngày ở thị trấn cùng gia đình Cooley, cha mẹ tôi mặc những bộ đồ Chủ nhật nhàn tản dạo bộ khắp vùng đất trong khi tôi cũng mặc quần áo đẹp tơ tưởng về căn nhà. Cha mẹ tôi đã chuẩn bị xong hai chục mẫu đất, đã trồng xong tất cả những cây táo nhỏ và chúng tôi có con bò cái nên chiều Chủ nhật đó cha mẹ tôi quyết định kiếm chỗ dựng nhà.

Từ chỗ chiếc đu của tôi dưới bóng một cây sồi bên cạnh căn nhà lều, Fido và tôi nhìn thấy cha mẹ dừng lại chuyện trò dưới một cây sồi già xum xuê không xa lắm. Cả hai nói chuyện khá lâu. Rồi cha tôi đi dắt con bò cái cho uống nước và đổi cọc buộc còn mẹ tôi gọi tôi tới để xem địa điểm sẽ dựng ngôi nhà của chúng tôi.

Ngôi nhà sẽ ở ngay dưới cây sồi già vĩ đại bên mé đồi, chỗ chúng tôi đang đứng. Độ dốc của sườn đất ở đây xuống hẻm núi thoai thoải hơn và dựng đứng về phía ngọn núi có rừng cây ở phía nam.

Có thể nhìn thấy lạch suối khởi từ miệng hẻm núi mở rộng uốn khúc tới phía bắc, phía đông bọc tròn quanh chân ngọn đồi. Có thể nghe rõ tiếng nước róc rách chảy trên những kẽ đá lô nhô. Vào mùa xuân, những cây hồ đào trên đồi trổ lá non xanh mượt còn lá sồi nhuộm màu hồng trong khi ở dưới chân những cây này phủ kín mặt đất cứng là một tấm thảm tím – xanh những bông hoa tím nanh chó.

Dọc theo lạch suối những cây bông trắng nở như một vùng sương giá. Trên cây sồi già có cả tá sóc đang sống, đang xù đuôi lăng xăng ra, vào ổ của chúng trên những hốc cành cây.

Mẹ tôi trong chiếc áo vải lanh trắng có hình nhánh cây màu nâu đứng ngay dưới gốc cây, bím tóc dài thả lủng lẳng sau lưng. Dưới những món tóc quăn buông xõa, mắt mẹ màu xanh tím như những bông hoa tím. Mẹ nói sẽ là một ngôi nhà màu trắng với tất cả vật liệu đều lấy từ trong trại. Mọi thứ chúng tôi cần để dựng nhà đều có sẵn trong khu đất: những thành đà, những tấm ván bằng gỗ sồi tốt, đá làm nền móng và lò sưởi. Ngôi nhà sẽ có những cửa sổ lớn mở về hướng tây nhìn qua lạch suối sang khu thung lũng nhỏ tới ngọn đồi che khuất thị trấn ngược lên những màu sắc hoàng hôn in trên nền trời.

Nhà cũng có một khung cửa mái vòm lớn hướng về phía bắc để đón hơi gió mát vào những buổi chiều hè nóng bức. Gian bếp cần đủ rộng để đặt một lò sưởi đốt củi trong mùa đông và một lò nấu dầu mới để không tạo thêm nhiều hơi nóng trong mùa hè. Mọi khung cửa sổ đều phải được đóng lưới muỗi. Còn cần có một giếng nước với ống bơm ngay phía ngoài cửa bếp để chấm dứt việc bê nước từ suối về. Và trong phòng khách sẽ có một giá sách, không, hai giá sách, những giá lớn đầy sách với một ngọn đèn treo bên cạnh lò sưởi để đọc sách vào những buổi tối mùa đông.

Khi món nợ thế chấp được trả xong, mẹ nói, vào khoảng vài năm nữa, và khi vườn táo ra trái, nếu lúc đó bán được giá, chúng tôi sẽ dựng một hàng rào dây kẽm quanh khu nhà và làm thêm một kho chuồng lớn hơn, vì lúc đó chúng tôi sẽ có nhiều gia súc hơn. Và sau việc đó, chúng tôi có thể bắt đầu dựng nhà.

Mẹ ra khỏi giấc mơ với một cái giật mình và tiếng kêu Chúa ơi! Đã tới giờ lo công việc trong nhà! Mẹ nhắc tốt hơn là tôi xách ngay chiếc xô đựng sữa tới cho cha rồi cho lũ gà mái ăn trước khi chúng đi ngủ, đừng quên đổ đầy nước vào các chảo và mang trứng về, nhớ cẩn thận không làm vỡ một trái nào. Ôi, bây giờ chúng tôi đã có con bò cái, chúng tôi sẽ có một bữa ăn tối Chủ nhật thịnh soạn, bánh mì trắng nướng giòn ăn với mật ong rừng để gây ngạc nhiên cho cha tôi. Kỳ diệu biết bao khi có một con bò cái.

Trong lúc tôi rải bắp cho đám gà mái, đổ đầy nước suối vào chảo đựng nước uống của chúng và lùng kiếm những quả trứng mà lũ gà mái muốn ấp giấu trong cỏ khô, ổ rơm, thậm chí cả trong các bụi cỏ, tôi nghe thấy mẹ đang vừa sửa soạn bữa tối vừa huýt gió trong căn nhà lều.

Hết tập 10

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro