ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên 11

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Tác giả: Laura Ingalls Wilder

Những lá thư miền Tây của LAURA INGALLS WILDER gửi từ San Francisco, năm 1915 với phần phác họa bối cảnh lịch sử của Margot Patterson Doss

MỤC LỤC

 

SAN FRANCISCO, THÀNH PHỐ THÂN YÊU CỦA TOÀN THẾ GIỚI

LỜI MỞ ĐẦU

TRÊN ĐƯỜNG ĐI

SAN FRANCISCO


SAN FRANCISCO, THÀNH PHỐ THÂN YÊU CỦA TOÀN THẾ GIỚI

Khách viếng thăm yêu thích San Francisco, Thành Phố Ưu Ái của Mọi Người, từ thời Cơn Sốt Vàng năm 1849. Hai cạnh của khu bán đảo rộng bốn mươi bốn dặm vuông được vịnh San Francisco khuôn kín trong đó một cạnh là những hải cảng thiên nhiên tuyệt đẹp của thế giới và cạnh thứ ba nằm bên biển Thái Bình Dương mà những người da đỏ địa phương Costanoan vẫn gọi là Biển Mặt Trời Lặn. Thuở sinh thời Laura Ingalls Wilder, phần lớn cạnh thứ tư là rừng Sutro, một vùng rộng lớn gồm toàn cây khuynh diệp do học trò trồng.

Rồi, như ngày nay, những ngôi nhà của San Francisco tràn lan khắp bốn mươi hai ngọn đồi tựa hồ chen nhau tắm nắng. Về đêm, hoặc là sương mù bao quanh ánh đèn đường, hoặc là bầu trời sáng trong đến nỗi một thi sĩ đương thời là George Sterling đã viết “Cuối những con phố nhà nàng là các vì sao”. Đó là một thành phố trẻ trung nồng nhiệt đầy sức sống, đã tự chứng tỏ mình bằng sự tái tạo chỉ trong vòng sáu năm sau cơn tàn phá của trận Động đất và hỏa hoạn năm 1906.

Thêm vào kiểu mẫu hoàn hảo của các ngôi nhà là một thế giới kỳ lạ gồm những ngọn tháp, lâu đài, cột đá, sân trống, vườn hoa, công trình điêu khắc và các vòi phun nước dọc theo khu bến cảng bằng phẳng kéo dài suốt hai dặm. Đây là “Thành Phố Trong Mơ” với cuộc Hội Chợ Triển Lãm Quốc Tế Panama-Pacific. Cuộc hội chợ tổ chức nhân dịp hoàn thành kênh đào Panama mở ra một thời kỳ kinh doanh trên toàn thế giới cho miền Tây. Cửa hang trưng bày phong phú của hai mươi tám quốc gia được dựng lên. Các công trình nghệ thuật trên khắp thế giới được gom tụ lại. Ba mươi trong số bốn mươi tám tiểu bang tái tạo những công trình kiến trúc tự hào nhất của mình trên khu đất triển lãm.

Illinois và Ohio xây các phiên bản viện dân biểu. Texas dựng lại căn cứ Alamo. New Jersey tái tạo doanh trại Trenton Barrack, nơi đặt đại bản doanh của George Washington. Oregon không thua kém với phiên bản đền Parthenon của người Athens làm bằng những khúc gỗ thong Douglas. Mười tòa lâu đài vĩ đại, sự cống hiến phong phú nhất cho mỹ nghệ. Ngọn Tháp Đá Quý hình thành bằng 135.000 lăng kính cắt thật đặc biệt ghép với nhau. Ban ngày, tháp chiếu long lánh tất cả những màu đá quí và về đêm bùng lên rực rỡ với ánh sáng của hai trăm ngọn đèn pha đặt kín đáo. Còn có những thính phòng, những đạo sảnh và những khu vườn khó tin nổi sáng tạo bởi John McLaren, người nổi tiếng với công trình nghệ thuật trên công viên Golden Gate. Và một vùng giải trí bao quanh mười sáu khu phố cung cấp đủ thứ thú vui, cưỡi ngựa và các trò chơi.

Jules Guérin, người sử dụng màu hoàn hảo nhất giữa các họa sĩ đương thời, được trao việc tuyển lựa màu sắc cho Hội Chợ. Ông ta đã tô điểm vẻ lãng mạn cho các tòa nhà bằng các gam màu trời biển, núi non “thay đổi từ màu xanh rêu đậm tới màu vàng nâu và từ màu ánh sáng sớm mai đến màu chiều”. Theo báo cáo chính thức ghi nhận, “ông ta đã làm việc cật lực để đạt hiệu quả cho nguồn sáng tạo một cảnh tượng thần tiên vào ban đêm thậm chí vận dụng cả màu sắc sương mù”. Điện vẫn còn là một thứ rất mới đối với cuộc sống. Mọi người đều lạ lùng khi Tổng Thống Woodrow Wilson bật nhẹ chiếc nút điện tại Washington để thắp sáng lần đầu những bong đèn điện tại Hội Chợ. Điều này hình như là một kỳ công nhỏ so với quang cảnh sáng rực hàng đêm của Hội Chợ. Những ánh đèn sáng ở đây không khác những dải sáng đậm màu của trời đêm Bắc Cực. Những vũ điệu ánh sáng và những trái pháo hoa không phun lửa vụt đến từ chiếc máy phát đặt trong Vịnh. Trước những ánh sáng lấp lánh, những tòa nhà nối tiếp nhau, sau nửa đêm ngày 4 tháng Mười Một 1915, mười tám triệu khách viếng thăm tuôn chảy qua những khung cửa. (Con số dự báo lạc quan nhất là mười triệu).

Giữa số người này có Laura, đang viếng thăm con gái, Rose Wilder Lane, cây bút đang nổi trên tờ báo hàng ngày của Fremont Older, nhật báo The Bulletin. Laura đến vào cuối tháng Tám để sống hai tháng trên ngọn đồi Russian Hill, vùng nghỉ ngơi dành cho các nhà văn, họa sĩ, kiến trúc sư.

Từ đây, bà có thể nhìn và thả bộ tới khu Chinatown, trung tâm thành phố, bãi biển Bắc, cầu tàu Fisherman, đồi Nob, tòa nhà Ferry và sự vươn lên mà Will Irwin gọi là “sự tinh khôn điên dại của đồi Tellygraft”.

Ngôi nhà mà Rose đang cư ngụ nằm tại phố Vallejo, thiết kế bởi Willis Polk, giám đốc kiến trúc của Hội Chợ. Từ đây có thể đi bộ một trăm thước tới hàng lan can để ngắm các chiếc phà Oakland và Berkeley đang kéo dài những chiếc đuôi công sáng trắng lui tới khu Hội Chợ. Cũng tại góc cạnh này, Laura có thể ngắm phi công Art Smith khi ông ta liệng quanh các tòa nhà Hội Chợ và sà xuống giữa chùm tia sáng lấp lánh của Tháp Đá Quí. Phía sau ngôi nhà, tất cả là những hàng cây tạo thành chiếc khung mái vòm lộng lẫy của Lâu Đài Mỹ Nghệ. Bernard Maybeck đã sáng tạo ngôi nhà này, hình ảnh nổi bật nhất của khu Hội Chợ trong bức tranh kỳ ảo của Brooklin, “Đảo Tử Thần”. (Công trình kiến trúc lãng mạn này với một hồ nước phản chiếu rất được người San Francisco yêu mến và không chịu để cho nó hoang tàn biến dạng. Trong thập niên 1960, một người ngưỡng mộ tòa nhà là Walter Johnson đã bỏ tiền riêng của mình để lo tu trì tốn 2,3 triệu đô Laura. Hiện nay tòa nhà là một nhà bảo tang, The Exploratium).

Không ngạc nhiên chút nào khi việc làm đầu tiên của Laura cùng con gái là đi dạo. Thuở đó và ngày nay, đi bộ quanh thành phố San Francisco vẫn là một niềm vui. Đúng thế, yếu tố quyết định trong việc chọn địa điểm tổ chức Hội Chợ là “phải dễ dàng cho việc đi bộ tới mọi nơi trong thành phố.

Ngày khai mạc, dân San Francisco dậy sớm “đi bộ tới, đứng ngoài cổng chờ tham dự chen chúc nhau như một trận tuyết lở” theo sự tả lại của Inez Haynes Irwin, một cây bút rất nổi danh. Trong số những người đó có Thị trưởng “Sunny Jim” Rolph, một chàng trai của thị trường miền Nam, luôn luôn là con người của đám đông.

Hướng dẫn chính thức cho Hội Chợ đề nghị “đi bộ dọc theo khoảng đất trống dài bên bờ vịnh, khiến máu lưu thong mạnh hơn bằng sự hít thở nhiều khí biển, nghỉ ngơi trong ánh nắng êm dịu của những khuôn sân khuất, vượt qua nhiều dặm lối đi thú vị nối tiếp giữa các khu lâu đài hội chợ với tiện nghi vật chất hoàn hảo là một trong những kinh nghiệm vui thích khi viếng thăm Hội Chợ Triển Lãm Quốc Tế Panama-Pacific”.

Đi bộ đã mang lại một trong những thành công ban đầu cho Rose Wilder Lane trong nghề làm báo. (Loạt bài phỏng vấn những người trồng mận và mơ trên những khu vườn ngày nay không còn nữa ở thung lũng Santa Clara). Đi bộ là việc cần làm. Hơi đáng ngạc nhiên là Rose và mẹ thường đi bộ quanh Land’s End, rừng Sutro và bãi biển. Nhiều tuần lễ, hai chục ngàn cư dân đã đưa những chiếc phà nhỏ và đường sắt Cliff House tới Land’s End để thoải mái đi bộ trong vùng đất đẹp đẽ này.

Khi Laura có mặt tại đây, bà đã nhìn vào phía dưới bộ mặt nổi để tự hỏi thành phố có thực sự thịnh vượng không. Rải rác đó đây, xương cốt của thành phố cũ-cái thành phố từng có-vẫn bày ra khắp nơi sau cơn đổ vỡ khủng khiếp là trận động đất và hỏa hoạn năm 1906. Nhiều nơi vẫn còn những khu đất trống nằm giữa các hàng rào sắt hoen rỉ. Vài nơi ở đó những bậc đá hoa nằm trơ dẫn lên những khoảng không. Inez Irwin đã diễn tả những thứ đó “giống như một bóng hình ma quái giữa phố phường đông đúc”. Các di tích của nỗi gian khó đó có thể khiến Laura đắn đo cân nhắc, dù có động đất hay không, trong ý nghĩ, San Francisco hiện là thành phố giàu có nhất của duyên hải phía Tây và là thành phố giàu có thứ năm trong nước. Sự cân nhắc này cũng do tác động từ các mỏ bạc Comstock. Sự suy nghĩ của Laura cũng có thể chịu ảnh hưởng cuộc sống khắc khổ do cuộc Thế Chiến Thứ Nhất. Cuộc chiến này đã đe dọa chính Hội Chợ cho tới khi có những người mạo hiểm tới tận Âu châu mang về những nghệ phẩm quý giá để trưng bày. Nỗ lực của những người đó vô cùng giá trị. Những người tới tham dự Hội Chợ đều say mê các họa phẩm và những công trình điêu khắc.

Hai tác phẩm của Mỹ từng nổi tiếng khắp thế giới là Cuối Nẻo Đường Mòn và Bà Mẹ Mạo Hiểm. Nhưng trong năm 1916, những tác phẩm này đã diễn tả hai điều - sự thừa nhận thành quả của những chuyến xe lửa Conestoga hướng về miền Tây từ sáu mươi lăm năm trước và nỗi khát khao ánh sáng văn hóa của miền Tây. Đó là sự hòa trộn khả ái của những ý tưởng hiện hình thành sự nhận thức về sức sống, long dũng cảm và tính táo bạo.

Chính tinh thần này đã thấm nhập toàn thành phố trong đêm bế mạc Hội Chợ như lời thuật của Inez Irwin: “ở lại cho tới nửa đêm với những nghi thức chấm dứt và sau đó không ngắt một đóa hoa tràn ngập, mọi người lặng lẽ tản bộ trở về trong nỗi luyến tiếc”.

 

Margot Patterson Doss

Russian Hill, San Francisco


LỜI MỞ ĐẦU

Xô bồ trong chiếc hộp các-tông giữa những công thức nấu nướng, những tấm hình cũ nhòa nhạt, những mẩu báo nói về các nhân vật hoặc các biến cố đã qua, tôi tìm thấy những lá thư này và những tấm bưu thiếp do Laura gửi về cho chồng, Almanzo. Một số thư đầu viết bằng bút chì, đề gửi ông A.J.Wilder, Mansfield, Missouri với những con tem giá hai xu của Bưu Điện Mỹ dán trên bao thư.

Những lá thư sau hầu hết nằm trong các bao thư có địa chỉ gửi là “Báo The Bulletin, San Francisco”, bao thư đánh máy và dán tem riêng.

Laura lúc nào cũng chi li tiết kiệm. Giấy viết Laura dùng là loại rẻ tiền và không có đường kẻ. Không có sẵn mực nên bà dùng bút chì mềm. Tại San Francisco, thỉnh thoảng bà đánh máy trên loại giấy đánh máy rẻ tiền màu vàng mà con gái bà, Rose, dùng viết bài cho tờ báo. Tất cả bó thư được buộc với một sợi dây buộc hàng ngắn màu trắng và đã bị sợi dây cứa đứt các mép bao thư sau nhiều năm. Hoặc Manly hoặc Laura đã thu góp tất cả những lá thư này, cất giữ để có thể đọc lại vào những năm sau.

Sauk hi Laura qua đời năm 1957, Rose trong nỗi đau buồn của mình đã gom hết giấy tờ của mẹ và bỏ vào những chiếc hộp với ý nghĩ sẽ có lúc xem lại về sau. Nhưng không bao giờ Rose có thể làm nổi việc này. Rồi khi Rose từ trần năm 1968, tôi, với tư cách là bạn và là người thi hành di chúc, có bổn phận phải kiểm tra lại mọi thứ giấy tờ. Tôi đã có cùng một cảm giác và đã gạt tất cả số giấy tờ này sang bên cho tới những ngày gần đây mới thực sự muốn nhìn tới. Lúc đó tôi đã mở chiếc hộp ra.

Như bạn đọc của bộ sách Ngôi Nhà Nhỏ đã biết, Laura là một cô gái mạo hiểm từng đi khắp miền Trung Tây trong thời gian mới lớn. Bà đã kết hôn năm 1885 với Almanzo và họ dựng nhà gần De Smet trong vùng Dakota. Giông bão, hỏa hoạn, nạn châu chấu và khô hạn cuối cùng đã buộc họ phải bước vào một chuyến đi mới tới Mansfield, Missouri - Vùng Trái Táo Lớn Màu Đỏ như những người bảo trợ cho vùng này thường gọi.

Cuộc sống trên trang trại mới là một sự cào cấu khó khăn. Trong những năm đầu, đất đai không thể nuôi nổi một gia đình nhỏ nên Almanzo làm công việc bán xăng dầu cho công ty Waters Pierce Oil Company. Laura phải sắp xếp các phiếu thanh toán của khách hàng, tính toán các khoản tiền chi phí để Almanzo có thời gian rảnh làm những công việc cần thiết ở trong trại. Dĩ nhiên, trại bắt đầu khá lên và cuộc sống của họ càng trở nên hạnh phúc. Người con duy nhất của họ, Rose, đã kể lại một cảnh tượng gia đình như sau:

Về đêm, tôi mang một cuốn sách từ trường về nhà và sau bữa ăn tối, cha tôi rang một chảo bắp lớn, còn mẹ Bess (tên đệm của Laura là Elizabeth nên trong gia đình gọi như thế để tránh lẫn lộn với người chị gái của Almanzo cũng có tên là Elizabeth) lớn tiếng đọc cuốn sách trong lúc hai cha con tôi ngồi ăn. Mẹ ngồi bên chiếc bàn trên đó có một cây đèn. Mái tóc mẹ chải về phía sau thật mượt và kết thành một bím nặng trịch lóng lánh phản chiếu ánh đèn.

Cha (người mà Laura gọi là Manly) ngồi bên một chiếc bàn khác với chảo bắp rang đặt giữa hai đầu gối chậm chạp nhấm nháp từng hạt một. Cha thích ngắm hình dáng từng người và thường bảo hai mẹ con tôi không giống nhau nhưng cả hai đều hoàn toàn đẹp. Đó là những giờ thoải mái an vui với tất cả chúng tôi. Bữa tối đã ăn xong, gian phòng ấm áp, chúng tôi quay quần riêng với nhau, những con ngựa cũng đã ăn no đang ngủ trong chuồng, không có việc gì cần ưu tư cho tới ngày mai và mẹ Bess đang đọc sách. Thật là không gì sánh bằng.

Sau này, sự thành công của Rose - trở thành cây bút nổi tiếng trên thế giới từ trước khi Laura được biết đến ở ngoài vùng Ozarks - đã có sự góp phần không nhỏ của cá tính và sự thong minh hưởng từ cha mẹ. Rose bắt đầu vào đời với tư cách một nhân viên dây thép của Western Union, rồi với tư cách nữ nhân viên mậu dịch đầu tiên ở California và năm 1914 là người chuyên viết đặc ký cho tờ Bulletin tại Cựu Kim Sơn do nhà báo nổi danh nhất tại Mỹ là Fremont Older chủ trương.

Đây là thời gian Rose lập gia đình, tràn đầy thành công ban đầu và nôn nóng chia sẻ niềm vui của mình với mẹ. Từ trước, Rose đã hối thúc mẹ về miền tây, tới San Francisco nhưng các dự tính chưa được thực hiện.

Bây giờ, năm 1915, cuộc Triển Lãm Thế Giới vĩ đại, Hội Chợ Quốc Tế Panama-Pacific, đã được trù liệu khai mạc tại San Francisco để chào mừng việc hoàn thành thong kênh đào Panama.

Đây là quang cảnh huy hoàng chứng tỏ rằng California thực sự gia nhập đời sống thế giới bằng mọi cách riêng của mình.

Rose nôn nóng mong mẹ tới viếng vùng này hơn bất cứ thời gian nào khác. Lá thư của Rose mời mẹ không ghi rõ ngày tháng nhưng có những chi tiết về các sự việc đã qua có thể nêu rõ tương quan với lá thư thứ nhất của Laura. Một vấn đề đặt ra cho cả Laura và Manly Laura là ai sẽ đi - vì một người phải ở lại trông nom nhà cửa. Luôn luôn hào hiệp và có lẽ luôn là người có máu nông dân hơn là người thích đi lại đó đây như Laura nên Manly đề nghị vợ đi và Laura đã làm theo. Nhưng không hẳn không có gì hứa hẹn là bà sẽ nhìn khắp miền tây và cuộc Hội Chợ thay cho những con mắt của Manly không thua gì những con mắt từng nhìn thay cho người chị bị mù, Mary, thuở nhỏ.

Chính nhờ sự sắp xếp đó mà chúng ta có thể trở lui khá nhiều với một kỷ nguyên lẽ ra đã bị chìm khuất mãi mãi. Chúng ta chia phần du ngoạn trên chuyến xe lửa xuyên lục địa với người con gái mạo hiểm từng là người đầu tiên vượt qua những thảo nguyên trong một cỗ xe ngựa buông kín mui; thưởng thức những phản ứng của bà đối với những sở thích của Henry Ford và Charlie Chaplin; cùng bà than phục đại dương, khu Chianatown tại San Francisco, những cuộc nhào lộn của máy bay trên không trung và trên hết thảy là cuộc Triển Lãm vĩ đại.

Nắng lại chiếu sáng trong mùa hè năm 1915 và tại đây, Laura bước vào tuổi bốn mươi tám cùng với người con gái hai mươi chin tuổi bước vào một cuộc phiêu lưu mới cho riêng họ, và cho cả chúng ta.

 

Roger Lea MacBride

Miami Beach, Florida


TRÊN ĐƯỜNG ĐI

Mùa xuân năm 1915, con gái duy nhất của Laura, Rose viết thư cho mẹ từ trụ sở tờ báo mà cô là một phóng viên.

 

The Bulletin

San Francisco, Calif.

Bà A.J.Wilder

Trại Rocky Ridge

Mansfied, Missouri

 

Mẹ Bess thân yêu nhất,

Rõ ràng con không thể chịu đựng nổi nỗi nhớ thương như thế này với mẹ lâu hơn nữa.

Mẹ phải sắp xếp để có mặt ở đây trong tháng Bảy hoặc chậm nhất là tháng Tám. Chỉ đơn giản là Mẹ Tới chứ không bàn cãi thêm với con một điều gì nữa. Con hiểu mẹ cảm thấy thất vọng thế nào trước đây, vì con cảm thấy mọi thứ đều tệ, con cho là còn tệ hơn nữa, vì con đã thất vọng khủng khiếp về chính mình với hai lần làm mẹ thất vọng và thêm nữa thật buồn vì con không thể sắp xếp khá hơn. Nhưng lần này con hoàn toàn tin chắc là phải đâu ra đấy. Không có một điều gì thê thảm xảy ra nữa chẳng hạn như chiến tranh, một trận động đất khác hoặc bất kỳ điều gì.

Con không có kế hoạch đưa mẹ đi ra ngoài vì hiện nay tụi con không có xe hơi và cả Gillette (chồng của Rose) và con đều phải lo làm việc và không có nhiều tiền lắm. Nhưng cách nào thì mình cũng có cùng nhau một thời gian dễ chịu. Mẹ có thể thăm San Francisco và Hội Chợ, gặp gỡ các bạn của con, chơi cùng với tụi con những lúc tụi con không mắc công việc. Việc làm của con là một loại hứng thú lưu động do con không phải có mặt thường xuyên tại sở và mẹ có thể cùng đi với con trong hàng loạt công việc ở bên ngoài. Con có thể sắp xếp cho mẹ có một chuyến bay trên máy bay(1) nếu mẹ thích và mình có thể tới tất cả những nhà hàng nhỏ đặc biệt.

                

(1) Lúc đó, Rose đã từng bay trên vịnh San Francisco bằng cách buộc vào cánh chiếc máy bay của Lincoln Beachey, viên phi công Beachey đã tử nạn vào tháng Ba 1915, trước những ngày đầu của kỳ Hội Chợ 1915. Đó là viên phi công Mỹ đầu tiên lái máy bay lượn thành vòng hoàn chỉnh. Viên phi công trẻ Art Smith là người thay thế ông ta trong kỳ Hội chợ. Những hình bổ sung gồm có một bức hình Smith đang lái máy bay lượn vòng và nhả khói trên không, gây hồi hộp cho đám đông. Rose đã viết trên tờ Bulletin một loạt bài về cuộc đời của Smith về sau được in thành sách và có nhiều bản còn được lưu giữ tới hiện nay.

Con đã tính toán nội trong tháng Bảy sẽ gửi về cho mẹ khoản tiền chi đi đường và có thể trong suốt thời gian mẹ ở đây, con sẽ gửi mẹ mỗi tuần 5 đô la để bù lại những thiệt hại mà mẹ bị mất trong việc chăn nuôi gà qué…do chuyến đi. Con còn nghĩ đến mọi thứ việc vặt vãnh được gác qua và giảm mức chăm lo nhiều vào lúc đó. Những trái đào tây sẽ không còn và sức ép của công việc không tệ lắm. Mẹ cũng sẽ tránh khỏi cái thời tiết hết sức nóng bức.

Con nghĩ bằng sự lượm lặt mọi thứ và giao tiếp với một đám người đang cầm bút, sinh hoạt hội họa và những người gần như là nghệ sĩ, mẹ sẽ có một cái nhìn mới toàn diện về mọi sự ở đây và có thể thấy khá nhiều điều để viết khi mẹ trở về. Nếu thị trường báo nông dân đóng cửa thì vẫn còn nhiều thị trường khác mở rộng. Con đã nhận được lời mời viết truyện ngắn cho một tạp chí miều tây để chuyển lại cho mẹ vào một ngày khác. Con không có đủ thời giờ để viết cho tạp chí này - nó chỉ là một tạp chí nhỏ, nhưng có thể trả 50 đô la hoặc ước khoảng như thế cho một truyện ngắn. Khi mẹ đã sắp đặt công việc trại chạy đều mà không tốn nhiều thời giờ, mẹ có thể làm những việc như vậy. Và với việc trang trải xong các khoản tiền và nợ cầm thế, xây xong ngôi nhà mới, mẹ và bố có thể xoay xở mọi thứ dễ dàng hơn. Năm tới, có lẽ mẹ sẽ lại thực hiện một chuyến đi nhỏ tới Louisana hoặc một nơi nào đó. Theo cách nhìn của con thì chỉ cần thanh toán xong các món nợ là bố mẹ sẽ có lợi tức đủ sống và có thể dùng những khoản phụ thu nhỏ - các khoản tiền thu từ táo, dâu tây - để vui chơi.

Bằng mọi cách, xin mẹ thu xếp tới đây vào khoảng tháng Bảy hoặc tháng Tám và nhớ xếp đặt công việc để có thể rời trại trong ba tháng.

Mẹ đừng may thêm quần áo mới vì mình có thể sắm tại đây, ngoại trừ đồ lót. Quần áo ở đây rẻ không khác ở chỗ mẹ và có lẽ có nhiều kiểu khác hơn - mình sẽ gom đủ đồ sau vài ngày mua sắm và sau khi trở về, mẹ sẽ có những món đồ hoàn toàn mới lạ so với mọi người ở đó. Mẹ nhớ mang những thứ mặc ấm vì ở đây sắp lạnh - mẹ sẽ mặc áo váy suốt mọi thời gian, ngoại trừ vào buổi tối - mình không mặc áo váy vào buổi tối ngoại trừ những dịp hiếm hoi như dự tiệc hội hoặc thứ gì đó. Con có một người thợ may rất tuyệt, ông ta có thể khâu vắt các món đồ theo hình dáng và sẽ khiến mẹ kinh ngạc, cho nên mẹ đừng bận tâm may thêm món đồ nào để mang theo. Con nghĩ có thể chiếc áo lụa hồng của mẹ là rất đẹp với đường diềm đăngten màu đen và thêm một ít hạt cườm màu đỏ. Nếu mẹ cần mang thêm thứ gì thì nên mang thêm giầy và những chiếc kéo bấm Sears Roebuck - ở đây những thứ đó rất mắc tiền. Mẹ đừng mang bất kỳ chiếc mũ nào vì trong tháng Bảy ở đây, mọi người đều đội kiểu mũ mùa thu mà mình sẽ mua tại đây. Nói tóm lại, tất cả đồ mang theo của mẹ chỉ là đồ lót mặc ấm, găng tay và giầy.

Con không nói nhiều về những thứ mình sẽ làm vì như thế sẽ khiến mẹ thất vọng khi tới đây. Nhưng mình có thể cùng tới thăm và dạo quanh khu Chianatown, mẹ có thể gặp một số người quen biết của con và đi một chuyến máy bay. Và mẹ có thể làm quen với thành phố San Francisco. Con mừng là mẹ từ vùng Ozarks tới vì mọi thứ ở đây đều là đồi dốc. Thành phố nhiều sương mù, nhiều gió, bụi và xám xịt khiến mẹ sẽ không thích San Francisco khi mẹ ở đây, nhưng khi rời xa mẹ sẽ luôn luôn mong quay lại. Mãi mãi nó là như thế. Nếu mẹ thích, mẹ sẽ ăn món mực biển. Con hứa điều này.

Mẹ nghĩ gì về “Câu chuyện về Art Smith”? Nó có vẻ khá tốt. Mẹ còn nghĩ gì về bài “Những lời thú nhận của một bác sĩ phẫu thuật”? Con nghĩ đó là một sự dại dột kinh khủng, nhưng tất cả bộ biên tập báo Bulletin lại nghĩ là một chủ đề tuyệt vời. Con không biết còn có ai khác thấy thế không. Có thể con sẽ quay lại với những trang báo phụ nữ của bà Bessie(2) vào tháng Sáu. Con không lưu tâm lắm, nhưng đó là một công việc dễ dàng. Con sẽ viết cho bà ta một câu chuyện nữa và thơ thẩn dạo quanh suốt ngày.

 

Yêu mẹ nhiều lắm

ROSE


(2) Bessie Beatty là người đầu tiên thúc đẩy nghề nghiệp của Rose bằng cách khuyến khích Rose viết bài gửi tới cho báo Bulletin với tư cách cộng tác viên tự do.


Và thế là Laura lên đường. Bà không thể chờ đợi để tả những gì nhìn thấy cho chồng là Almanzo. Lá thư này được viết trong chặng dừng chân đầu tiên, tại nhà một người bạn chỉ cách nhà sáu mươi dặm.

 

Springfield, Mo

Chiều thứ bảy

21 tháng Tám, 1915

Manly thân yêu,

Em nghỉ tại nhà Mabel hai tiếng đồng hồ trong lúc chị ấy tới thăm điều trị cho một khách hàng của mình. Rồi chị ấy cùng đi kiếm mũ cho em. Sáng nay tại Mansfield, em gần như “đã liếm láp một chút trước khi khởi hành”. Người ta nói xe lửa chậm nửa giờ nên em tới nhà Young và bà Young mời em một ly cà phê - ai dè xe chỉ chậm đúng mười phút. Em chạy từ nhà Young và bọc quanh xe lửa, bám leo lên dù nó phải chờ trong lúc John đưa va li và túi đồ của em từ văn phòng tới.

Em sẽ tiếp tục không có kính đeo. Sáng nay em đã khám mắt và bác sĩ nhãn khoa nói cần mất ba hay bốn ngày để làm kính cho hợp với mắt của em. Ông ta nói và có vẻ chứng thực điều đó với dụng cụ nhãn khoa của ông ta là mắt trái của em nhìn tốt còn mắt phải thì thị lực rất kém. Ông ta bảo mắt trái em vẫn bình thường nhưng bắt nó phải làm việc một mình sẽ không tốt do cái nhìn của mắt phải hoàn toàn không ổn. Theo ông ta, chiếc kính mà em sẽ phải có cần được làm kỹ đặc biệt để em có thể mang liên tục thay vì chỉ mang khi đọc sách, và trời đất ơi, ông ta bảo phí tổn làm kính là 20 đô la.

Nếu bác sĩ Fuson có mặt ở thị trấn em sẽ tới gặp để hỏi coi những người ở đây có nói đúng không hay họ theo thói quen moi tiền, rồi sau đó sẽ định liệu cách xử sự cho đúng. Em nói với bác sĩ nhãn khoa là em không thể chờ lấy kính vì em phải đi California, nhưng nếu ông ta giữ lại các chi tiết ghi chép thì khi trở về em sẽ ghé để xem sao. Ông ta bảo ông ta sẽ làm điều đó và nếu em thấy không thể làm khác hơn được thì có thể viết thư và ông ta sẽ gửi kính khi em tới nhà.

Em cứ thắc mắc không biết anh và con chó Inky của mình ra sao? Nông thôn ở đây xơ xác một cách khủng khiếp. Không thể thu hoạch được gì từ nó cả. Hạt giống rau diếp chắc hư hết rồi? Có lẽ tốt hơn là anh cần coi lại.

Ráng chăm lo cho chính anh và cả Inky nữa. Em sẽ trở về trước khi anh học được cách làm quen với cuộc sống không có em. Mabel và em cùng đi vào chiều nay và chị ấy sẽ gặp em trên chuyến xe lửa đi thành phố Kansas vào lúc 10g40 tối nay.

 

Thương yêu

BESSIE

*

 

Kansas city

Chủ nhật 22 tháng Tám, 1915

Manly thân yêu,

Em vừa qua một chuyến xe. Xe chạy từ Springfield chậm hai tiếng, chất đống người từ miền nam về St. Louis vòng quanh thành phố Kansas. Có mười lăm to axe và hai đầu máy. Suốt đường em ngồi với một người Đức ở St. Louis nồng nặc mùi bia và phát âm V thay vì Wilder, nhưng ông ta rất tử tế mời em ăn đào và trong đêm khi trời lạnh đã khẽ đánh thức em dậy để choàng lên người em chiếc áo khoác thượng hạng của ông ta. Ông ta đã già, đầu muối tiêu và là một người hoàn toàn lịch sự. Em đã thấy một người tử tế và giúp em mọi thứ cần thiết như thường gặp. Hy vọng anh và Inky ổn thỏa hết.

 

Thương yêu cả hai

BESSIE

*

 

Sáng thứ Hai, 7 giờ

23 tháng Tám, 1915

Manly thân yêu,

Hãy viết cho em để em biết rõ mọi việc ra sao khi em tới đó. Anh nhó ghi địa chỉ: Bà Gillette Lane, co The Bulletin, San Francisco, California.

Em sẽ tới Denver, nhưng hiện còn cách 198 dặm. Trễ bốn giờ hai lăm phút, nhưng phải cố làm điều gì tốt nhất để bù lấp thời gian. Tối qua có một vùng trống lốc dài 400 bộ, rộng 40 bộ và trong lúc em ngủ ngon lành hẳn phải có ai đã làm việc giống như ổn định sự khuấy động để tất cả vượt qua vùng này. Một vùng quê nhìn thật kỳ quái, những đồi cát vĩ đại lơ thơ cỏ mọc nên khắp nơi chỉ có cát.

Những vách cát dựng dọc theo song và những cụm liễu, bong gòn chạy bên mé song, ngoài ra không còn ở đâu có một thứ cây nào mà chỉ là cát trải dài khắp mọi phía. Đây hẳn phải là một vùng nuôi trồng lớn. Thỉnh thoảng có một ngôi nhà và kho chuồng cùng một cối xay gió với những bãi chăn nuôi ở gần. Em có thể nhìn thấy những bầy ngựa, bò từ xa và những đám bò con ở gần các kho chuồng hơn.

Em đếm thấy khoảng năm mươi con bò nhỏ trong một bầy và còn có những bầy đông hơn.

Trọn ngày hôm qua chỉ có một người phụ nữ duy nhất ở trên xe và bà ta sắp xếp chỗ ngủ rồi ngồi yên tại đó. Có ba người đàn ông. Em hỏi một người coi ông ta có biết vùng này là đâu không, rồi nói chuyện. Ông ta là một người Pháp thuần túy, sinh sống tại Baltimore, Maryland.

Lần đầu được thấy cây ngải đắng vào sáng nay. Một thứ cây còi cọ. Mọc thành từng cụm nhỏ trên khắp đồng cỏ.

Em vừa nhìn thấy rất nhiều, rất nhiều gia súc - có thể tới 200 con trên một bãi chăn lớn. Đường ranh có dựng hàng rào, như anh biết. Mặt đất bằng phẳng. Anh chàng luật sư từ Nebraska nói là đất rất đẹp và ông già người Pháp với em mỉm cười với nhau. Ông già cho rằng đây là một vùng nông thôn rộng lớn nhưng không đẹp. Em không thích tay luật sư dù rằng anh ta tốt nghiệp tại Harvard như anh ta nói. Anh ta nói luôn miệng và tỏ ra biết quá nhiều. Em ngồi cùng ghế với anh ta nhưng không hỏi han gì. Em không thân thiện với anh ta còn ông già người Pháp lờ anh ta quay qua nói chuyện với một cậu bé dễ thương về cuộc đi dạo ở Denver. Ông ta đang trên đường đi San Francisco nhưng ghé lại Denver trong lúc em tiếp tục đi. Ông ta ở Bỉ ngay trước chiến tranh và đã nhìn thấy nhà thờ Rheims, như anh đã biết, đã bị người Đức phá hủy, và khuôn cửa sổ màu hồng nổi tiếng không bao giờ thay thế nổi. Ông ta khoảng 75 tuổi và kể với em về vợ ông ta, một phụ nữ Pháp New Orléans, và mẹ của ông ta, người đã từng nhiều lần đáp thuyền buồm vượt biển từ New Orléans qua Âu châu thuở còn con gái.

Lúc này những đỉnh đồi đầy đá và có vẻ kỳ thú khủng khiếp - em đã ngưng ở đây vì một người khi trẻ từng đi chăn bò ở Nebraska và lúc này đang là một luật sư. Ông ta đang trên đường đi tới thung lũng song Snake thuộc Wyoming là nơi ông ta có trại nuôi trồng.

Xe đã đi qua vùng đồi đá kỳ thú và vùng quê đang trở lại phẳng phiu. Lúc này em đang ở Colorado. Ở đây có đất trại và chủ quyền có thể mua được với giá 350 đến 500 đô la một khu 320 mẫu.

Theo luật mới, đất trại ở đây chia theo đơn vị 320 mẫu thay vì 160 mẫu. Đất trồng khô và phải tưới nước, khi cần. Một hồ nước ngầm cung cấp nước tưới nếu được bơm. Vùng quê bằng phẳng và em có thể nhìn tới hết tầm mắt. Xe sẽ tới Denver vào khoảng trưa và em được nghe nhắc là có thể đi tiếp trên chuyến xe khởi hành vào lúc 3 giờ. Em đã trễ chuyến xe mà em chờ. Vặn lui đồng hồ lại một tiếng. Bây giờ tính theo giờ miền Tây.

 

Denver

Trưa thứ Hai

Đúng là em lỡ chuyến xe chuyển tiếp tại Denver và đang ở một khách sạn gần nhà ga. Em có thể lên đường vào lúc bảy giờ tối nay và không được nhìn phong cảnh. Em ghét phải làm thế nhưng lại nghĩ thà là như vậy. Nếu không em có thể khởi hành vào tám giờ sáng. Em hơi bị mệt và mong được chấm dứt chuyến đi. Mọi thứ ngoài cửa xe đều xấu xí từ khi em rời vùng Ozarks.

Em ước được biết anh và Inky xoay xở ra sao và ông Nall có đến làm giúp không. Em rất bực mình với việc cứ bị xe lửa quăng vào tình trạng trễ giờ nhưng rồi em lại nghĩ chờ đợi vẫn tốt hơn tai nạn.

À, bác sĩ Fuson nói làm cho em một cặp kính có thể phóng lớn mọi thứ với giá một đô la để em có thể đọc trong lúc em đang đi xa và khi em trở về, ông ấy sẽ dẫn em tới bác sĩ nhãn khoa để bảo làm cho em một cách đàng hoàng. Ông ấy bảo đám người ở đây là bọn móc túi và Mabel nói chị ấy nghĩ thói quen của họ là thế.

 

Yêu anh và Inky

BESSIE

*

 

Denver, Chiều thứ Hai

23 tháng Tám, 1915

Manly thân yêu,

Rồi, em đã quyết định ở lại. Em đã tính toán hết về cách này. Rose đã vạch rõ rằng với cách này em có thể xem ngắm một phần vùng nông thôn mà không chắc có lúc nào em còn trở lại. Nếu ra đi vào tối nay, em sẽ lấy một chỗ nằm trên xe và sẽ chi phí ít hơn so với việc ở lại đây. Em đã thay áo và ở lại trong phòng. Em đã có một ly trà nóng và một phần bánh nướng giòn vào lúc hai giờ rưỡi nên sẽ không ăn thêm nữa. Em sẽ đi nằm và ngủ trọn phần còn lại của buổi chiều và tối nay để tươi tỉnh vào sáng mai. Ngày mai, em sẽ ngủ một chút thôi và không cần phải lấy giường nằm, như thế em sẽ lấy lại được một số tiền chi phí khách sạn ở đây và thú vị có trọn một ngày trên xe gặp gỡ mọi người. Một chuyến đi trên toa xe pun-man với một đám đông và không cần kiếm cơ hội ngắm nhìn dân quê đang lui tới. Em tính toán như thế về khoản tiết kiệm nên không tốn kém nhiều khi ở lại và sẽ vẫn nhìn vùng quê mà Rose dự liệu cho em nhìn thấy, đồng thời sẽ tới Frisco đúng thời gian mà nó đã trù tính cho em phải tới, nếu không có chuyện ngăn trở gì khác xảy ra.

Vùng quê tiếp tục quang đãng phẳng lì cho tới Denver nhưng em không thể nói chắc là đang lên cao và đầu máy hình như đang leo lên. Một người đàn ông nói với em rằng xe đang chạy trên độ cao một dặm trên mực nước biển, nhưng vùng quê vẫn như thế, đúng ngay lúc em viết lá thư này trên xe.

Mọi người đang cắt và đập lúa mì, kéo đi từ các tụ. Em nhìn thấy một số mương tưới, vài cánh đồng trồng khoai tây và song Columbia chảy giữa các bờ cỏ, khá giống với sông Missouri, chỉ khác là không nhiều bùn như thế. Cỏ mọc thưa đến nỗi em nhìn thấy đất suốt trên đường đi.

Ông già người Pháp dễ thân, Victor Brun, giúp em kiếm khách sạn và sau khi em đã vào phòng một lúc, ông ấy còn gọi em để biết chắc em nghỉ ngơi thoải mái và coi ông ấy có thể cần làm gì cho em ở phía ngoài. Ông ấy rất nhiệt tình giúp em và rất sợ làm sai trái. Ông ấy đã đi khỏi nên có thể em sẽ không gặp lại ông ấy. Buổi sáng khi ra đi, em sẽ để lại ít chữ cho người quản lý và mời ông ấy tới viếng trại Bờ Đá. Hiện nay ông ấy đi du lịch rất nhiều. Ông ấy nói là đã quyết định nhìn thấy một phần nhỏ thế giới trước khi qua đời. Và ông ấy có thể tới với những người mà ông ấy có dịp quen biết.

Em tin là anh sẽ thích ông ấy. Hãy nhớ nhắc em kể cho anh nghe những điều mà ông ấy đã nói với em về vùng Maryland. Em sẽ có nhiều thứ để kể với anh nhưng em sợ sẽ bị quên mà đó lại là những điều đáng lưu ý. Bây giờ em đi ngủ và sẽ gửi thư này vào sáng mai.

Sáng nay vội rời khách sạn nên em quên gửi thư này. Em đã yên ổn trên chuyến xe lửa đi Ogden và được nhìn lướt qua những ngọn núi lần đầu. Người trưởng tàu tới và em nhờ ông ta gửi thư này.

 

BESSIE

*

 

Trêm xe lửa

Từ Denver tới Salt Lake

25 tháng Tám, 1915

Manly thân yêu,

Em ước anh có ở đây. Em mất hẳn một nửa phần hứng thú vì luôn mong có anh.

Sáng nay xe chạy qua một vùng quê gần như hoang vắng - sa mạc đầu tiên mà em nhìn thấy.

Những dãy núi bao quanh các đường ranh và khi mặt trời lên, tất cả đều phô bày những màu sắc dịu nhạt thật đẹp. Nhiều dặm đụn cát nối tiếp nhau không một lá cỏ hoặc một vật màu xanh. Đó đây chỉ thỉnh thoảng mới có một khu nuôi trồng nhỏ xíu hoặc một đường mương dẫn nước từ sông tới. Lúc này xe đang leo lên khỏi vùng sa mạc qua những đường diềm uốn tròn của các dãy núi. Chúng rõ ràng dễ sợ. Đó là những đống khổng lồ và những bức tường thành bằng đá mà ngay cả những khối đá trơ trụi cũng có hình thù kỳ dị không tưởng tượng nổi. Tất cả đều khác với ý nghĩ của em. Em đã cho rằng có những khu rừng giữa các mỏm đá, nhưng chỉ độc nhất một cây thông cằn cỗi trên một vùng mênh mông. Những dãy núi giống như hình các lâu đài cổ ở Áo mà mình đã xem và chúng tạo nên những vùng phòng thủ diệu kỳ ngần nào - những lâu đài như thể có thể được dựng trên những dãy núi!

Em sẽ phải đợi ba tiếng đồng hồ tại Salt Lake rồi di chuyển trên xe thêm một giờ tới Ogden và đó là lần đổi xe cuối cùng của em. Sau đó là xe chạy thẳng tới San Francisco. Các toa xe đều bị nhét chật cứng, đông người tới mức không ai có thể thoải mái được. Không thể ngủ và em mệt kinh khủng. Nếu em biết chuyến đi vất vả như thế em không tin là có đủ can đảm, tuy nhiên em biết chắc em luôn mừng vì đã gần tới nơi. Nếu em bắt kịp những chuyến chuyển tiếp thì hẳn ngày mai em đã có mặt ở San Francisco, nhưng xe lửa bị trễ và em không biết sẽ ra sao. Cách nào cũng có thêm một đêm tồi tệ.

Được thôi, hôm qua em đã làm quen với một người Anh và gia đình của ông ta. Họ sống ở Ogden và đã có một chuyến đi tới Denver. Ông ta làm việc trong các nhà máy bông sợi tại Anh từ khi bảy tuổi cho tới lúc trưởng thành. Ông ấy từng là đảng viên Dân Chủ nhưng hiện đổi thành đảng viên Xã Hội và bênh vực quyền đầu phiếu cho phụ nữ.

Xe đang chạy qua đường hầm này tới đường hầm khác.

Trên tờ báo hôm qua, em đã thấy hạm đội Nga bị bao vây trong biển Baltic đã đánh chìm mười một tàu chiến Đức mà chỉ tổn thất một chiếc duy nhất.

Em mong biết anh và Inky đang sống như thế nào và ông Nall có tới với anh không. Hy vọng là em sẽ biết rõ ngay sau khi tới Frisco. Em cũng quá mệt rồi nên tạm ngưng.

 

Thương yêu

BESSIE

BƯU THIẾP

 

Salt Lake City

25 tháng Tám, 1915

Xe rời Salt Lake 5g30. Xe đi San Francisco đợi sẵn tại Ogden nên em hoàn toàn ổn. Ngày mai sẽ có mặt tại San Francisco.

 

BESSIE

*

 

Trong lúc chờ tại ga

Salt Lake City

25 tháng Tám, 1915 

Manly thân yêu,

Đây là nhà ga bất tiện nhất mà em thấy. Em không thể mua hoặc đặt trước một vé trên toa pun-man ngay tại chỗ. Phải tới một số nhà nào đó ở một thành phố nào đó trong thị trấn. Em phải kiểm lại hành lý, thuê một cậu bé mang tới nơi và không nhìn thấy một chiếc nón đỏ nào. Mới là 1g15 và xe của em đi Ogden chạy lúc 5g30 nên em sẽ tiếp tục ngồi đây và ghi chép. Trời mới biết nổi em sẽ gặp chuyện gì ở Ogden khi tới đó lúc 6g30. Có khả năng em phải ở lại đó suốt đêm nhưng sẽ có thay đổi cuối cùng và không khi nào lập lại với em. Khi đi đâu bằng xe lửa em sẽ đi theo cách mau nhất với các thay đổi ít nhất.

Thật dễ chịu và yên tĩnh ngồi tại nhà ga sau một chuyến xe tồi tệ. Em đang nôn nóng được thấy Rose nhưng em biết trước khi tới đó vào thứ Sáu, em còn phải chịu phiền phức trong tối nay, thật đáng ghét! Em hy vọng là ở nhà mọi thứ đều bình thường. Hãy nói với ông Nall rằng em nhắc ông ấy phải chăm sóc cho anh và Inky vui vẻ.

 

Yêu anh và Inky

BESSIE

*

 

Trên xe ở một vùng nào đó thuộc Nevada

Thứ Năm, 26 tháng Tám, 1915

Manly thân yêu,

Thế là em đã an toàn trên chặng cuối của cuộc hành trình. Hết sức may mắn là đã giành được một ghế du lịch hạ giá tại Salt Lake và không có thay đổi tại Ogden. Xe của em bắt kịp xe đi San Francisco, nhưng xe Denver & Rio Grande tệ hại chậm trễ lại cuốn tụi em vào chuyến xe chạy chậm qua Arkansas và thế là em trễ ba tiếng đồng hồ. Chỉ cần gửi điện báo cho Rose khi nào gặp em.

Đêm qua em đã qua Great Salt Lake trong ánh trăng và đúng là một quang cảnh đẹp nhất mà em được thấy. Nhiều dặm đường liên tục bên ngoài xe, đường đi hẹp tới mức không thể nhìn thấy từ trong cửa xe khiến có vẻ như xe đang chạy trên mặt nước hồ. Em cởi bớt áo và nằm trên ghế, nhìn ra. Ánh trăng kéo dài qua mặt nước thành một con đường dát bạc và phía bờ xa mịt mù nhòa nhạt tan vào một khoảng trống hoang giống như mặt hồ mênh mông vô tận. Em nghĩ là em sẽ ngắm cho tới khi đến cuối hồ nhưng em quá mệt nên hai mắt tự động nhắm lại và khi em mở mắt ra thì trời đã sáng và xe đang ra khỏi những vùng sa mạc của Neveda.

Em nhìn mặt trời mọc trên sa mạc khi nằm trên ghế và cảnh thật dễ thương. Những dãy núi đá trơ trụi, hoàn toàn trơ trụi, mang đủ loại hình thù gò đống tựa hồ gió cuốn mọi thứ chất chồng lên rồi biến thành đá với màu tím trong các hang hốc và màu hồng, màu vàng kim, màu hồng thẫm trên các chỗ cao hơn. Còn có cả màu vàng, màu nâu, màu xám và hết thảy màu sắc nhẹ nhàng hòa trộn với nhau. Dưới chân các dãy núi, cánh đồng màu xám nhạt trải phẳng lì với những cây ngải đắng và những lối mòn phủ cát hoặc đất kiềm. Một vùng hoang vắng thê lương khó tả dù vẫn mang nét đẹp riêng của nó. Suốt buổi sáng xe chạy qua sa mạc và lúc này đang ở một nơi có thật nhiều gò cát. Khắp nơi dọc đường đi chỉ có một điểm nhỏ màu xanh có vẻ sống động hoặc em có thể nói một người nào đó đang sống ở cái nơi có một điểm nhỏ màu xanh. Em nhìn thấy hai ngôi nhà, một cối xay gió và một bụi cây xanh chen ở chính giữa. Có một khoảng nhỏ trũng sông và những bãi chăn nuôi với một người chăn bò trong nước da nám đỏ đang lùa một bầy ngựa. Mọi người trên xe đều nghĩ là đang nhìn thấy nước ở một phía và hỏi người khuân vác đồ đó là nước gì. Anh ta cười lớn nhắc cho biết đó chỉ là đất kiềm có vẻ giống như mặt nước. Rồi tất cả nhìn thấy ở gần hơn và nhận ra những dặm dài liên tục chất đất hoàn toàn màu trắng. Ở nhiều chỗ, đất trông giống như mặt nước rồi ở những chỗ khác lại giống như tuyết. Có một ngôi nhà nhỏ và một bãi chăn nuôi ngay giữa một thửa đất lớn. Không có một sinh vật hay một bong cây xanh nào trong tầm nhìn. Có một con đường chạy ra và giống như con đường rộng chừng ba inch làm bằng tuyết với những chất rác rưởi khô ở phía dưới. Ôi, cái vùng đáng sợ này, cái vùng đáng sợ cho tới nay mới thấy.

Đây đúng là vùng sa mạc mà mình đã đọc thấy là nơi người ta bị lạc trong bão cát và chết khô vì khát nước. Rải rác một số lùm bụi mà em nghĩ là cây ngải đắng gần như bị vùi kín dưới những cồn cát. Đất giữa những lùm bụi này hoàn toàn trần trụi và chỉ là đất kiềm phủ trong cát. Đoàn xe và mắt mũi em phủ đầy cát cùng bụi đất và mọi thứ, mọi người đều nhem nhuốc. Trong xe có một đám đông thật dễ thương, tất cả cùng chuyện trò và làm quen với nhau một cách thoải mái. Một người đàn bà nói chuyện với em hồi sáng cho biết gia đình họ sống tại thành phố Kansas và đang nghĩ tới việc kiếm một nông trại. Họ muốn bán cơ ngơi tại thành phố. Bà ta rất tò mò muốn biết mọi chuyện về vùng Ozarks và bảo gia đình họ sẽ tới để xem xét.

Xe sẽ tới San Francisco vào khoảng mười một giờ tối nay. Em nghĩ phải gửi thư này tới kịp cho anh nên sẽ ngưng.

 

Thương yêu

BESSIE

*


SAN FRANCISCO

 

San Francisco

Chủ nhật 29 tháng Tám, 1915

Manly thân yêu,

Như anh đã biết, em đã tới San Francisco bình an. Khi em đang bước trên lối đi từ xe lửa xuống phà, Rose bước ra khỏi đám đông và ôm lấy em.

Trên phà, tụi em ngồi ở tầng trên ngay phía trước nhưng sương mù phủ kín mặt nước nên em không nhìn rõ vịnh nhiều lắm ngoại trừ ánh đèn ở xung quanh. Bằng cách nào thì em cũng rất mệt mỏi và không thể nhận ra là mình đã thực sự ở đây. Gillette đón tụi em ngay khi rời phà và tất cả đi xe điện về gần nhà rồi leo đồi đi nốt phần đường còn lại. Em đi nằm sớm và nghỉ ngơi gần hết thời gian từ sau lúc đó.

Em mất trọn ngày đầu tiên để loại khỏi đầu ý nghĩ về việc di chuyển của những chuyến xe lửa. Chiều qua, em đi cùng với Rose và Gillette xuống bãi biển. Tụi em xuống đồi - tất cả đường phố, lối đi đều lát đá và các tòa nhà rất đẹp - tới đường xe và đáp xe đi Land’s End, đường đi dài từ sáu tới mười dặm xuyên qua thành phố, ngoại trừ một vài khu ở đoạn cuối.

Tại Land’s End, em đã nhìn thấy Thái Bình Dương lần đầu tiên. Nói rằng biển đẹp vẫn không diễn tả nổi nửa phần về nó. Rõ ràng là không thể tả bằng lời. Nước màu xanh thẫm tuyệt vời và tiếng sóng vỗ vào bờ cùng tiếng rì rào khi lui ra như thứ gì trong mơ. Em nhìn thấy một chiếc thuyền buồm đang vào bến và một chiếc khác đang ra khơi khi chúng gặp nhau tại Golden Gate. Những chiếc thuyền này qua lại giữa ở đây và Seatle, Washington. Tụi em đi bộ từ Land’s End quanh mũi đất tới Cliff House và Seals Rock nhưng không có một con hải cẩu nào xuất hiện cả.

Tụi em đi theo mé lối đi vào các bãi trồng cây Sutro Estate đã được giao cho thành phố sử dụng như một công viên theo một số điều kiện. Phòng bảo vệ gần các cổng lớn và tòa lâu đài cổ được làm bằng những vật liệu quấn quanh vùng Horn chở về bằng thuyền từ một trăm năm trước. Tụi em đi theo một lối đi có cổng vòm bằng đá vĩ đại mỗi bên đặt một con sư tử đá lớn như thật đang nằm và xuyên qua một vườn cây tuyệt đẹp rộng khoảng bốn chục mẫu. Em không nghĩ là tụi em đi hết nổi vườn cây nhưng đã đi qua nhiều dặm. Đất màu để trồng ở đây là đất được mang từ nơi khác tới để phủ trên mặt đất vốn chỉ là cát. Cây rừng đều được trồng gần bên rừng Sutro đầu tiên. Ở mỗi khúc quanh của các lối đi đều có những pho tượng đá tạc hình người, nam hoặc nữ, hình các loài vật, các thứ chìm đặt khuất một phần sau những khóm lá của các cây đang nở hoa như đang lén ngó ra.

Một tòa nhà xây ngay chính trên đỉnh đồi. Toàn thể mặt trước và hai bên ngôi nhà là bãi cỏ để có thể nhìn suốt về mọi hướng. Các cột bao lơn làm thành cọc hàng rào xung quanh ngôi nhà đều gắn những mẫu trang trí bằng sứ. Tất cả đều là những khung hình vuông vức nhỏ, phẳng lì và bong loáng như các món đồ sứ của em, với những nét vẽ theo kiểu cổ kỳ quái khắc họa hình trẻ nhỏ và các con vật thay vì là hình hoa như trên các chiếc đĩa của em. Hãy tưởng tượng tất cả đã đứng tại đó suốt hàng trăm năm dưới nắng gió và mọi thứ thời tiết nhưng không hề có một vết dơ hoặc rạn nứt. Sát bên tòa nhà là một ngôi nhà mỏng manh rất cao với một phòng kính ở trên cùng là nơi cả gia đình dùng để quan sát những chiếc thuyền vào bến qua Golden Gate. Tòa nhà đã cũ tới mức bị coi là không còn an toàn nên hiện nay không một ai được phép vào bên trong.

Tụi em đi từ đó ra một mép vách đất có đặt ghế ngồi và các bức tượng để mọi người có thể ngồi hoặc đứng ngắm qua các bờ thành xuống mặt biển Thái Bình Dương xanh thẫm. Một con ó biểu tượng của nước Mỹ bằng đá đang đứng kêu trên một mé bờ. Hai khẩu đại bác được đặt hướng ra biển với nhiều đống đạn lớn. Em đá thử vào một viên để biết chắc có phải đạn thật không - đúng là thật. Gió biển lồng lộng thật thích thú.

Tụi em xuống bãi biển ngay chỗ những đợt sóng đang vụn vỡ. Ở đó có một đám đông và vài người đang lội nước. Em muốn lội nước. Rose nói nó không làm bao giờ nhưng sẽ làm, thế là hai mẹ con tháo giầy vớ bỏ lại trên cát cho Gillette canh chừng và bước tới chỗ những đợt song. Một đợt sóng nhỏ lăn tới phủ kín bàn chân, một đợt khác nối theo đưa nước tới gần mắt cá và ngay lúc em đang nói về cảm giác thú vị thì một đợt sóng lớn tràn tới dâng mức nước lên ngang đầu gối. Em chỉ còn đủ thời giờ kéo cao váy lên cho khỏi bị ướt thì nước đã giật lui ra. Hai mẹ con bước vào gần bờ hơn, bấm chặt các ngón chân vào trong cát. Bước ra xa đón những đợt sóng nhỏ rồi chạy vào bờ trước khi đợt sóng lớn ào tới kịp đã đem lại một thời khoảng vui vẻ.

Nước mặn thấm vào bàn chân lưu lại một cảm giác dễ chịu suốt ngày và anh hãy nghĩ coi cũng làn nước này đã va vào các bờ biển Trung Hoa, Nhật Bản rồi lọc sạch qua đại dương và rửa những bàn chân của em. Nói một cách khác là em đã rửa chân của mình trong Thái Bình Dương.

Đại dương không có gì tệ hại mà rất đẹp và kỳ diệu.

Tụi em đi từ bãi biển tới trạm cứu hộ Coast Guard để ngắm chiếc thuyền cứu đắm. Rồi tụi em tới xem Gjoa, chiếc thuyền duy nhất đã đi vòng lục địa qua Hành Lang Tây Bắc. Nó đã mòn lủng nhưng dáng dấp vẫn mạnh mẽ. Con thuyền được đóng tại Na Uy năm 1878 và thủy thủ đoàn gồm thuyền trưởng với sáu thủy thủ đã thực hiện chuyến đi dài ba năm bốn tháng từ Na Uy qua Hành Lang Tây Bắc tới San Francisco. Chính phủ Na Uy và những người Na Uy sinh sống tại California đã tặng con thuyền cho thành phố này và để nó tại đây(3). Lúc này em đang mệt, hết sức mệt nên tụi em đáp xe về thành phố và dừng lại ăn cơm trưa tại một nhà hàng. Hầu bàn là người gooscs Alsace nên có nét pha trộn giữa người Pháp và người Đức. Bữa ăn trưa ngon tuyệt. Bánh mì Pháp, cá hồi chiên, thịt thăn cá bơn, món cá ngon tuyệt. Em không thể nói đó là những món ăn ngon nhất. Sau đó còn vài món ăn Ý mà em rất thích, một món bánh nhồi dâu tây kiểu Pháp hoặc thứ bánh “tarte” làm với trái dâu tươi nhồi trong một vỏ bột trộn mỡ và xối thêm rất nhiều mật. Trong nhà hàng còn có nhạc và em được nghe lần đầu bài hát “Đường tới Tipperary xa thật là xa”.

Tụi em đi, em rất mệt sau khi xem tất cả những thứ này chỉ trong một buổi chiều và loanh quanh trọn ngày hôm nay. Tụi em thả bộ trên lối đi trước nhà và xem viên phi công biểu diễn Niles lái máy bay chiều hôm nay. Từ đây cũng nhìn thấy rõ Tháp Đá Quý. Niles bay lên, bay lên mãi, rồi lao xuống như một chiếc lá mùa thu trôi dạt đang lướt rơi. Ông ta lật nghiêng máy bay bên này bên kia về cả hai phía rồi bay thẳng lại và đáp xuống một cách nhịp nhàng.

Hôm qua viên phi công Christopherson bay biểu diễn trên bờ biển và Rose nói em sẽ bay một chuyến trước khi trở về. Chao ôi, nếu nó vượt khỏi thú vui lội trong sóng đại dương thì khó có gì vượt qua nổi nó, hãy tin em đi.

Anh biết là em không quan tâm tới các thành phố nhưng San Francisco hiển nhiên là một thứ gì đẹp nhất. Ngồi trên những ngọn đồi, vì thành phố là những cụm vịnh rải rác, và vào ban đêm với ánh đèn chiếu sáng trên các dốc đồi cùng ánh đèn thuyền bè trên mặt nước thì giống hệt vùng đất thần tiên. Em còn chưa được thấy gì về cuộc Hội Chợ Triển Lãm. Bản thân San Francisco cũng đủ điều kỳ diệu cho cả một năm nhưng tụi em sẽ bắt đầu đi xem khu Hội Chợ trong tuần này. Anh không nên chờ đợi em xem hết mọi thứ vì theo ước tính chỉ để xem


(3) Thuyền trưởng Roald Amundsen đã mua chiếc thuyền cũ này, sửa lại và dùng vào cuộc thám hiểm Bắc Cực. Ông trải qua nhiều mùa đông trong vùng băng giá Canada. Mùa xuân năm 1905, ông theo hướng gió mùa đông tiến vào vùng nước rộng và xuất hiện tại San Francisco. Sự kiện bất ngờ này khiến ông nhận ra mình vô tình là người đầu tiên vượt Hành Lang Tây Bắc đi vòng đại lục bằng thuyền. Gjoa được đặt nằm tại công viên Golden Gate tới năm 1972 là năm nó được đưa trở về Na Uy.

những trò giải trí với giá năm xu, mười xu, hai mươi lăm xu cũng phải chi phí hết 500 đô la.

Rose và Gillette có một ngôi nhà nhỏ hoàn hảo nhìn qua cửa sổ ra một phong cảnh tuyệt vời. Nhà nằm ngay trên một đỉnh đồi trông thẳng ra một khu vịnh.

Ngay tại đây, Rose có thể mau chóng bước ra nhìn những ngon pháo bông tại Hội Chợ Triển Lãm. Tụi em mặc áo dày bước ra tản bộ trước nhà một đoạn ngắn rồi ngồi xuống một lề đá. Tháp Đá Quí nằm ngay trong tầm nhìn. Đá quí tỏa khắp xung quanh tháp những màu sắc rực rỡ sáng trưng. Đá quí mua từ Áo với giá chín mươi xu một mảnh được đem về trang trí tất cả những dải gờ tường trên ngọn tháp cao thiết kế một cách kỳ lạ. Trong đêm, các ánh đèn pha rọi thẳng về ngọn tháp khiến nó nổi bật lên với hình dáng tuyệt diệu.

Như tụi em thấy, đài quan sát không trung vươn lên khỏi nóc các tòa nhà. Đó là một toa xe có thể chứa năm trăm người. Các đường viền của nó đều viền ánh đèn điện. Nó ở trên đỉnh của một bộ phận thon mảnh hơn, hạ thấp xuống cho mọi người bước lên đầy toa xe rồi nhấc cao lên cho tất cả có thể cùng nhìn toàn cảnh khu Hội Chợ. Mọi người dùng đài quan sát này thay vì dùng guồng quay Ferris Wheel. Khi vươn lên, nó giống như một con vật khổng lồ với cái đầu vuông và chiếc cổ dài cất cao mãi.

Em không nghĩ nó giống như một thứ gì khác nhưng đó là cảm giác của em.

Tụi em ngồi ngắm và không bao lâu, một tia sáng trắng quét qua bầu trời nối theo là một tia khác, một tia khác nữa với các màu sắc khác nhau rồi những ánh sáng cực bắc đẹp nhất mà anh có thể tưởng tượng lóe lên và phủ mờ khắp bầu trời. Em nghĩ là anh đã từng thấy thứ ánh sáng này. Thế này, đó là thứ sáng lóa, đủ màu và hết sức cao trên nền trời. Có mọi màu sắc cầu vồng và cả những vệt tối mà em chưa từng nhìn thấy trong các cầu vồng. Em dùng từ “đẹp” cho tới tận cùng ý nghĩa của nó vì biết diễn tả bằng từ nào khác đây? Có bốn mươi ngọn đèn pha được dùng để tạo nên hiệu quả này.

Bốn mươi người ngắm những ngọn đèn tạo ra những chớp sáng trong một loại lỗ khoan theo sự điều khiển và giữ đúng thứ tự như một nhịp bước diễu hành. Chỉ riêng phần tiền lương trả mỗi phút để tạo ra những tia sáng bắc cực này là 40 đô la. Phí tổn tạo ra những tia sáng này không phải là điều để những người bình thường biết tới.

Một khoảnh khắc sau đó, pháo bông bắn ra những chùm sáng bùng lên và tủa xuống trong một trận mưa sao và đá quí đầy màu sắc. Những màu sắc đèn pha khác nhau sau những trận mưa sao tạo ra những làn hơi tụ thành những bong mây đẹp lạ lùng với nhiều màu sắc. Em không rõ quang cảnh này kéo dài bao lâu nhưng cuối cùng những chớp sáng rực rỡ vụt tắt và chỉ còn lại Tháp Đá Quí và đài quan sát không trung vươn cao cần cổ cổ nhìn xuống phía dưới.

Em sẽ gặp một số bạn bè của Rose trong tuần này và bắt đầu sắp xếp mọi thứ theo trình tự.

Hiện nay Rose kiếm được mỗi tuần 30 đô la và nó nói giữ riêng mười phần trăm dứt khoát để dành lại.

Nó nói khoản đó không đáng bao nhiêu nhưng đó là bước khởi đầu. Gillette đã làm thêm vì từ khi tới thành phố, công việc ở tờ báo Call có nhiều lúc rảnh và nó đã nhận được lời hứa dành cho một việc ngay vào dịp nghỉ ngơi sắp tới. Rose kể là chúng nó có quyền hưởng 400 đô la do công việc giới thiệu mua bán đất và Gillette đã làm giấy tờ sang nhượng hết cho chúng ta, nhưng chúng nó không biết khi nào thì chúng nó hoặc chúng ta có món tiền đó vì những người mua đất hiện không đủ khả năng thanh toán. Công việc giới thiệu mua bán đất hiện đang rối bời và cơ sở Stine & Kendrick(4) đang tạm ngưng hoạt động để chờ ổn định.

Em mừng là ông Nall tới sớm như thế và đã nhận được thư của anh. Em hy vọng anh và Inky tiếp tục đầy đủ. Hãy chăm lo cho anh và con chó và em mong cho cả hai đứa chúng ta thật nhiều điều.

Thời giờ anh phải dành cho lũ gà và việc vắt sữa thật uổng. Em mừng là món bánh nhồi còn tốt và tất cả việc cần làm chỉ là đặt vào lò. Em hy vọng anh không làm cháy bánh.

Rose nói nhắc với anh rằng những trái pháo bông ở đây là loại nổi tiếng nhất trên khắp thế giới. Để sản xuất số pháo này đã phải tốn hàng trăm ngàn đô la và mời các chuyên viên từ khắp các nơi trên thế giới tới giúp sức. Nó bảo không bao giờ có một thứ giống như thế trên cuộc đời, ngoại trừ những viên kẹo Roman mà anh đã mua cho nó vào dịp kỷ niệm Mùng Bốn Tháng Bảy cuối cùng của mình ở De Smet. Nó bảo những viên kẹo đó vượt xa tất cả.

Thôi, bây giờ tạm biệt anh. Em sẽ đi thăm thêm vài nơi nữa để viết tiếp cho anh.

 

BESSIE

 


(4) Cơ sở hoạt động kinh doanh địa ốc mà Rose và Gillette làm việc trong khoảng một hoặc hai năm trước, bán đất vùng thung lũng Sacramento.


 

San Francisco

4 tháng Chín, 1915.

Manly thân yêu,

Thật mừng nhận được thư anh và biết anh vẫn ổn. Trời ơi, ở đó lại ẩm ướt biết ngần nào. Em mừng là anh đã ở trên đồi. Bà Rogers là một người chí thân nên anh nhắc giúp là em nhắn bà ấy lo lắng gì và hãy vui vẻ. Nhưng càng nhìn cảnh sống thành phố, em càng yêu thôn quê hơn và lắng nghe câu chuyện của Gillette về việc trồng trọt càng nhiều em càng tin là luật quân bình sẽ có giá trị ở đây cũng như mọi nơi khác. Các nông trại ở đây đã thâu về những lợi tức khổng lồ. Thật tốt, họ đã chứng thực điều đó, nhưng vẫn có những chủ trại không đủ khả năng trang trải các phí tổn cho thấy ở đây cũng như khắp nơi không thiếu những lỗ rò rỉ.

Hôm qua em tha thẩn trọn ngày. Một cách nào đó, em không thể chịu đựng nhiều hơn. Hơi bị kích thích một chút là ngày hôm sau em phải trả giá. Hôm kia Gillette và em tới khu Hội Chợ vào buổi chiều trong lúc Rose đang viết một truyện ngắn. Sau đó Rose tới đúng vào thời điểm chiếu sáng rồi đốt pháo bông và tụi em ở lại cho tới mười hai giờ. Rõ ràng là đã có một bữa ngắm cái đẹp no nê.

Có quá nhiều cái đẹp tới mức vượt trội.

Màu sắc vô cùng dịu dàng và kỳ diệu. Lam, đỏ, xanh, vàng, nâu, xám hòa trộn với nhau hoàn hảo không gây ra một sự chọi gắt nào. Đúng là vùng đất thần tiên. Tụi em bước qua một chiếc cổng lớn dẫn vào Khu Giải Trí là một dãy phố dài hấp dẫn không khác những cảnh xiếc với một khác biệt hiển nhiên là những cảnh xiếc không thể sánh nổi vẻ diệu kỳ rõ rệt ở đây. Tụi em giữ một chiếc ghế trên toa xe nhỏ kéo bằng động cơ và di chuyển một đoạn dài vì đường rất xa và còn nhiều việc phải làm. Em sẽ trở lại coi thật kỹ rồi diễn tả với anh sau. Riêng trong lần thăm viếng đầu tiên này, Rose và Gillette muốn em nhìn toàn bộ khu Hội Chợ để có một ấn tượng chung về việc buôn bán.

Nhà cửa được dựng giống như nhà trong một thành phố với các đường phố cắt nhau ở bốn góc làm thành những khu sân. Có thể đi qua các lối đi có mái vòm rất đẹp trong các tòa nhà để vào các khuôn sân có những vòi nước đang phun, những khóm hoa dễ thương và những chồi cây xanh đang vươn lên. Còn có cả những pho tượng giống như người thật cùng những hình chim muông, thú vật. Màu nền của những tòa nhà đều xám nhạt và khi vươn lên được chuyển thành phớt vàng với nhiều vùng nổi bật những màu lam, đỏ, xanh đưa tầm mắt lên cao mãi bằng những cấu trúc hình chóp và mọi kiểu chạy vút lên tận bầu trời xanh tuyệt đẹp. Em không bao giờ tưởng tượng nổi một thứ gì đẹp bằng.

Tụi em dành việc đi qua những tòa nhà cho lần thăm viếng sau để đi thẳng tới Vườn Cấm.

Thuở xa xưa, gần một tu viện có một khu vườn trong đó phụ nữ bị giam cầm đau đớn cho đến chết. Khu vườn ở đây là bản sao chính xác của khu vườn cổ xưa đó. Những lối đi dẫn tới vườn mờ tối vì ánh sáng bị che khuất bởi những lùm cây biến thành một loại mê cung khiến mọi người đều sững sờ bất chợt khi bước tới một khu vườn nhỏ với vòi phun nước, thảm cỏ xanh và những khóm hoa.

Em đã thấy trong tòa nhà ở đây hình ảnh trưng bày của cơ sở Southern Pacific Railroad giống hệt như phiên bản thực quang cảnh của California ngay cả về những thác nước, những vườn cây đang trổ hoa trong thung lũng Santa Clara.

Có một tòa nhà và những khuôn sân được thành phố trù liệu giữ làm viện bảo tang và công viên(5). Đây là một địa điểm trưng bày những tượng điêu khắc tuyệt vời nhất dọc các lối đi và trên các bức tường. Bà Mẹ Mạo Hiểm là một bức tượng trong nhóm tượng lớn ngang người thật đặt trên bệ cao để mọi người ngước lên ngắm nhìn. Một phụ nữ với chiếc nón che nắng buộc dây dưới cằm, dĩ nhiên được đẩy ngược ra sau gáy để lộ rõ khuôn mặt, những ống tay áo xắn lên, dắt dẫn một bé trai và một bé gái, cánh tay vừa che chở vừa bảo bọc chúng trong lúc chỉ thẳng con đường hướng tới miền tây.

Đôi giầy rộng, nặng nề thuộc loại em đã mang vẫn được bán hạ nửa giá tiền.

Tụi em ra cổng đón Rose vào khoảng chập choạng tối và đã ngắm cảnh thành phố sáng lên như trong mơ. Không thấy đèn ở bất kỳ nơi nào mà chỉ là sự bừng sáng - điều được gọi là thắp sáng gián tiếp. Rồi tụi em lang thang trong Khu Giải Trí. Trước cửa mỗi gian hàng trưng bày đều có những trò ồn ào quảng cáo để thu hút đám đông.

Kênh Panama là một kỳ quan ở ngoài trời. Con kênh được trưng bày với một chiến thuyền đang trong thế sẵn sang chiến đấu và một trạm vô tuyến đang lấp lóe gửi đi các điện báo. Nước ra vào các cửa cống và quang cảnh xung quanh giống thực từng chi tiết, dĩ nhiên cả tính cách nhiệt đới, và bầu trời được sắp xếp một cách nào đó bằng điện để có những vì sao

(5) Lâu Đài Mỹ Nghệ do kiến trúc sư Bernard Maybeck thiết kế hiện vẫn được dùng làm địa điểm tổ chức triển lãm tại San Francisco.

xuất hiện. Rồi tất cả dần dần nhạt đi và bầu trời rạng ánh bình minh trở thành sáng hơn chuyển sang ánh sáng ban ngày. Người ta nói ở bên trong có một bản đồ hình nổi và một người chuyên đứng giải thích.

Tụi em đi vào làng da đỏ Navajo là những căn hộ trên dốc đá thông thường. Làng được dựng ở một dốc đá và mọi người bước trên những bậc đẽo vào đá cứng dọc lối đi. Khi lên hết dốc đá sẽ gặp những hang đào vào trong đá đủ cỡ lớn, nhỏ, là nơi người da đỏ cư trú, ghi dấu bằng những chiếc giỏ, đồ đất nung và vải quấn. Tất cả đều có mùi của những hang thú hoang và em không thích chỗ đó.

Người da đỏ rất thân thiện và tử tế.

Từ đó tụi em trở xuống coi pháo bông mà em đã tả cho anh trong thư trước. Nhìn gần, pháo bông còn đẹp hơn nhiều.

Tụi em ngó qua khuỷu tay của một đám đông và thấy một đám đấu vật Nhật Bản. Rồi tụi em thấy đoàn Rước Đèn Nhật Bản chỉ giản dị là một đám đông người Nhật mang những chiếc đèn lồng.

Đám đông gồm đủ nam, nữ đủ lớp tuổi già, trẻ, lớn, bé diễu hành với những chiếc đèn lồng kiểu Nhật Bản. Rose di chuyển quá nhanh và em lạc nó trong đám đông. Em nhìn về phía Gillette cũng không thấy có nó ở đó. Em bước về phía mà em đã thấy hút Rose lần chót rồi em đứng sững bất động. Phải nhìn nhận rằng em thực sự khiếp hãi vì đám đông là một đám đông hỗn loạn và em không còn biết lối nào đi ra. Lúc đó một bàn tay nắm lấy cánh tay em và Gillette lên tiếng: “Không sao đâu, Mẹ Bess. Người tụ tập đông nhưng con không khi nào rời mắt khỏi mẹ một phút. Rose đang ở phía kia”.

Tụi em trở ngược lại Khu Giải Trí và tới làng Samoa. Như anh đã biết, Samoa là những hòn đảo thuộc Mỹ trong vùng biển South Sea. Có nhiều các chàng trai và cô gái mặc trang phục cổ truyền của họ hoặc đúng hơn là không mặc quần áo. Các cô gái quấn quanh người những tấm khăn lụa màu tươi che kín ngực và hông nhưng để vai trần và mặc những chiếc váy hẹp ngắn ngang đầu gối. Tất cả đều đeo xâu chuỗi hạt trai, hạt cườm và những chiếc vòng. Các chàng trai mặc váy ngắn nhưng không có khăn che quanh hông. Da của họ vàng óng thật đẹp ở những chỗ không có hình xăm và giọng nói của họ dịu nhẹ, du dương. Các cô gái đều xinh đẹp và một số chàng trai thật ưa nhìn. Họ múa những điệu múa cổ truyền và hát những bài hát của vùng đảo. Các cô gái múa riêng với nhau rồi cùng múa chung với các chàng trai, sau đó các chàng trai múa riêng điệu múa săn đầu kẻ thù với những lưỡi dao dài dữ tợn. Họ múa và hát trong suốt điệu múa này không hề chạm vào nhau và múa với từng cơ bắp trên thân thể thậm chí vận dụng cả những ngón tay, ngón chân. Họ vô cùng duyên dáng và em hết sức vui với điệu múa này. Sau hết tất cả bọn họ cùng hát bài “Đường tới Tipperary xa thật là xa”. Họ có vẻ rất vui khi hát được bài hát này và tất cả đều tươi cười khi bắt đầu. Giọng hát của họ rất dễ thương và thật lạ lùng được thấy những người dân trên vùng đảo lạ hát một bài hát đối đáp bằng tiếng Anh. Họ có vẻ lạnh, thật tội nghiệp, khi rời sân khấu đã choàng lên người những chiếc áo choàng tắm. Tất cả đều vui vẻ trò chuyện. Bà công chúa thực sự của riêng họ đã thuyết phục họ và họ đã có một người cầm đầu. Họ sống trong những túp lều cỏ phỏng theo một ngôi làng Samoa. Hết thảy họ, nam cũng như nữ, đều xăm hình từ thắt lưng xuống tới đầu gối - người phụ trách đã nói thế - và khi em đã thoáng thấy một chiếc đầu gối có xăm hình và quanh thắt lưng những người đàn ông cũng có hình xăm phía trên váy.

Chiều và tối hôm đó tụi em đã đi bộ nhiều dặm đường và em mệt muốn chết.

Em phát tức với lá thư này. Em đã không đánh giá đúng nổi nửa phần những thứ mà em mô tả. Em không thể dùng lời lẽ để giúp anh có một ý nghĩ đúng về vẻ đẹp kỳ diệu cùng phạm vi và mức vĩ đại của Hội Chợ Triển Lãm. Nhưng ít ngày nữa em sẽ xem ngắm kỹ hơn và kể với anh.

Em hy vọng mọi chuyện ở nhà tiếp tục ổn và con Inky vẫn ham ăn. Lũ gà, heo và mọi thứ ra sao? Trên thực tế, dù em đang có những thú vui của riêng mình nhưng em cũng thấy thiếu Rocky Ridge. Tin em đi, em mừng là chúng mình đã có một ngôi nhà đẹp như thế.

Em đang biếng nhác và nghỉ ngơi nhưng Rose nói không thể mong đợi sẽ hồi phục sau chuyến đi trong khoảng dưới một tuần lễ. Em không rõ lý do khiến em phải đổi xe nhiều thế. Những chuyến xe lửa mà em đi rõ ràng không chạy xa hơn và em phải thay đổi. Rose nói nó nghĩ là xe lửa phải làm thế vì số lượng hành khách đi lại tăng lên quá nhiều.

 

Thương yêu

BESSIE

*

 

San Francisco

7 tháng Chín, 1915

Manly thân yêu,

Em đã uống trà trong một phòng trà Trung Hoa tại khu Chinatown và đi qua các cửa hàng của họ để xem ngắm những món đồ kỳ lạ được bày bán. Thật thú vị với cuộc tản bộ qua khu Chinatown như tụi em đã làm khi từ nhà Rose xuống phố. Có nhiều món đồ khắc thủ công tuyệt vời bằng ngà, đá và gỗ trong các tủ hàng cùng vải thêu và thảm thêu. Rồi lại có những chợ cá với đủ loại cá lớn, nhỏ cùng tôm hùm, mực ống, cá đuối gai, rùa sống, tôm nhỏ và cả những con cá tươi kỳ lạ mà em không biết tên là gì. Dĩ nhiên đường phố đầy người Trung Hoa. Nhiều người trong số họ mặc quần áo kiểu Mỹ và là những người trông rất duyên dáng. Một số người khác mặc trang phục Trung Hoa và trẻ nhỏ kháu khỉnh hơn hết. Em không thích món ăn Trung Hoa và sẽ không cố thử ăn trở lại.

Tụi em đi ăn trưa tại một nhà hàng Ý trong khu Little Italy, ở phần thành phố do người Ý sinh sống. Đây là một tiệm ăn nhỏ kỳ lạ. Tụi em ngồi chờ nấu nướng và đích thân chủ nhân làm đầu bếp, hầu bàn và mọi thứ cần thiết. Vợ ông ta cũng làm hầu bàn và cũng có những hầu bàn khác giúp việc nấu nướng. Trong phòng chen chúc người ăn nhưng không có ai nói tiếng Anh ngoại trừ Rose với em và người chủ quán khi ông ta mang thức ăn tới cho tụi em. Mọi người đang trò chuyện và một nhóm hào hứng nói với nhau rất lớn tiếng. Em tin chắc là họ đang nói chuyện về chiến tranh. Thức ăn rất ngon, dù em không biết tên là món gì để nói lại với anh, nhưng tất cả đều thực sự thú vị.

Em tin chắc là vào lúc này anh đang tìm chiếc móc tai và không thấy nên em sẽ gửi cho anh một cái móc tai Trung Hoa(6), tăm xỉa răng và một chiếc nĩa. Em rất buồn về việc Inky nhớ em nhiều và em sợ sẽ khiến nó khó chịu hơn nếu em gửi cho nó một lá thư! Em đang tận hưởng cuộc thăm viếng và xem ngắm thật nhiều nhưng hình như vẫn thấy xa cách Rocky Ridge cả năm rồi. Anh nhớ giữ gìn sức khỏe và chăm lo mọi thứ. Tụi em sẽ xuống phố đi xem Hội Chợ hết ngày mai. Hôm nay em mệt và nghỉ ở nhà.

Thật là một thời khoảng kinh khủng khi anh phải trải qua với mức mưa nhiều như thế. Ô, anh có coi báo về việc viên phi công Pettirossi lái máy bay đâm nhào xuống vịnh không? Ông ta không bị thương.

 

Thương yêu

BESSIE

Cuối cùng thì em sẽ mang chiếc móc tai về cho anh. Em sợ bỏ vào trong thư nó sẽ bị gãy.


(6) Làm bằng vàng, bạc, ngọc bích bày bán tại các cửa tiệm Trung Hoa tại San Francisco.

 

 

 

San Francisco

8 tháng Chín, 1915

 

Manly thân yêu,

Em phải kể cho anh nghe về cái ngày thích thú mà em đã có vào hôm qua. Rose cùng em xuống phố vào buổi sáng và Rose quay lại với bài viết của nó ở tòa báo Bulletin. Tụi em có một vài việc vặt để làm, sau đó tụi em uống trà và ăn bánh ngọt tại The Pig “n” Whistle, một phòng trà. Gillette không về nhà vào buổi trưa nên tụi em cũng không về và uống trà, ăn bánh ngọt thay cho bữa trưa. Sau đó, tụi em tản bộ trên đỉnh đồi Telegraph Hill.

Để tới đó sẽ phải đi qua khu chung cư Ý dành cho những người Ý làm nghề đánh cá cư trú và lên một sườn đồi dốc đến nỗi phải có những cọc cột dây trên lối đi để bám leo lên. Từ đỉnh đồi Telegrapt Hill, tụi em nhìn xuống vịnh và những tàu thuyền đủ loại đang di chuyển về mọi hướng. Từ xa trong vịnh, tụi em nhìn thấy một cái gì giống như một ngôi nhà đang bập bềnh trên mặt nước và tụi em theo dõi cho tới khi nó tới gần đủ để nhận ra là một căn nhà nổi đang được kéo bằng dây cột với một chiếc tàu kéo nhỏ. Phía bên kia vịnh, tụi em có thể nhìn thấy một phần của các thành phố Oakland và Berkeley. Về các hướng khác thì chẳng có gì ngoài mặt nước. Khi cảm thấy mệt ở đây, tụi em xuống đồi theo hướng khác xuống khu bến cảng. Hầu hết các cầu tàu ở đây đều có mái che và giống như những dãy nhà kho dài chạy ra vịnh với những tàu, thuyền cột dây ở cả hai bên. Một hồi sau, tụi em đi tới một cầu tàu lộ thiên chất đầy gỗ. Tụi em ra tận cuối cầu tàu để ngắm những đợt sóng và nhìn trại tù binh trên đảo Alcatraz. Có mười bốn chiếc thuyền buồm neo trong tầm nhìn và ba chiếc tàu phà lớn.

Một chiếc tàu chạy bằng hơi nước đang di chuyển dọc bờ biển và có nhiều thuyền máy ở gần bên. Đây là một hải cảng tuyệt vời, rộng bao la và yên tĩnh, có rất nhiều chỗ cho tàu thuyền thả neo an toàn và một ngõ ra vào hẹp được che chở cực tốt: Golden Gate.

Em ngắm mặt nước cho tới khi cảm thấy hình như cầu tàu lắc lư. Lúc đó tụi em quay vào, tiếp tục đi xuống bờ biển. Tụi em đi ngang hai chiếc xuồng máy lớn thuộc một tàu chiến và các thủy thủ trên một chiếc xuồng đang thả con dê màu đen của họ ra cho phóng chạy trên cầu tàu. Tụi em nhường đường cho nó thật rộng. Em sợ nó không biết đối xử với phụ nữ ra sao. Đi xa thêm một chút nữa, tụi em tới chỗ một số ngư dân Ý đang vá lưới hỏi thăm bến tàu đánh cá ở đâu và đi tới đó khi được họ chỉ dẫn. Rất nhiều thuyền đánh cá cột ở đây. Em ao ước anh có thể nhìn thấy cá. Có nhiều đống cá vĩ đại và cá đang được cân chất lên xe chở tới các chợ cá ở quanh đó. Nhiều con cá hồi nặng từ ba mươi tới sáu mươi pao. Tụi em có thể mua một con nặng chừng hai mươi lăm pao với giá sáu mươi xu. Họ bảo rằng họ khởi sự đi đánh cá vào lúc ba giờ sáng và một buổi sáng nào đó, tụi em có thể tới đó để nhìn họ ra khơi. Mọi người đều vui vẻ và lịch sự. Rời khỏi chỗ này, tụi em tiếp tục đi tới xưởng đồ hộp California Fruit Association.

Thế nhưng trước khi quên cầu tàu cá, em phải kể với anh rằng một buổi sáng Gillette đã nhìn thấy một người đàn ông bắt được con cá hồi nặng năm mươi pao với một lưỡi câu và sợi dây.

Rồi, tụi em đi qua xưởng đóng hộp và những ngờ vực mọc rễ từ lâu trong đầu em về sự thiếu vệ sinh của các đồ hộp đã thay đổi. Em cảm thấy thèm ăn vì những trái cây đóng hộp tại đó. Nó rất sạch sẽ. Mai mốt trở về em sẽ kể cho anh nghe về xưởng này. Chuyện dài quá khó viết nổi. Tụi em đã đi cùng khắp xưởng. Người làm việc đều là người Ý và em đoán có tới hai trăm phụ nữ còn đàn ông thì không biết bao nhiêu. Họ đều tử tế và dễ thương với tụi em. Khi không thể nói chuyện bằng tiếng Anh, họ lắp lắp tiếng Ý với tụi em rồi mỉm cười. Sauk hi thăm hết xưởng, tụi em đi bộ ra đón xe điện về nhà. Rose tính toán là tụi em đã cùng đi bộ tới mười dặm. Hãy ghim những bức thư của em trong nhà tắm để khi trở về em sẽ nhìn thấy và kể thêm cho anh nghe về các điều này.

 

Thương yêu

BESSIE

*

 

San Francisco

11 tháng Chín, 1915

Manly thân yêu,

Đây chỉ là một chương khác của lá thư trước. Em quên kể cho anh nghe về pháo đài cao nhất thế giới nằm trên một vị trí của Golden Gate. Như anh thấy, đại dương nằm ở phía ngoài và giữa hai dãy núi cao là hành lang tương đối hẹp dẫn vào bến cảng trong vịnh. Hành lang hẹp này là Golden Gate và pháo đài đặt trên một mé đất liền. Không có dấu hiệu gì để nhận biết pháo đài. Vũ khí phòng ngự là những cây sung ẩn kín và pháo đài có độ cao nhất trên thế giới. Hải cảng được che chở hoàn toàn bởi đây là ngõ vào độc nhất.

Từ cửa sổ phòng ngủ, hôm nay, em đếm được mười lăm chiếc tàu cùng xuất hiện trong tầm mắt. Trong số đó có một tàu chiến và ba tàu viễn dương. Còn có hai tàu chiến khác nằm gần phía ngoài Golden Gate. Một chiếc là chiếc Maine. Các tàu chiến đều sơn màu xám xỉn còn các tàu viễn dương sơn màu trắng. Khi ra ngoài bãi biển, tụi em nhìn thấy chiếc tàu chở khách và thư nhanh nhất trên Thái Bình Dương đang rời đi. Từ cổng trước chỗ Rose cư trú có thể nhìn thấy chín thành phố mà nơi nhỏ nhất cũng lớn hơn Springfield và một số khác thì lớn hơn thành phố Kansas. Các thành phố này nằm rải rác dọc phần bờ vịnh mở rộng nằm trong tầm mắt. Từ đây cũng nhìn thấy một số lớn tàu thuyền và ba hòn đảo - Goat, Angel và Alcatraz. Trại tù binh nằm trên đảo Alcatraz.

À quên, nếu anh và ông Nall chú ý đọc truyện “Ed Monroe, Thợ Săn Đàn Ông” của Rose, các anh có thể biết rằng tất cả những điều trong đó, dù là những chuyện rắc rối, đều là thực và đã thực sự xảy ra. “Ed Monroe” đã tới ăn với tụi em và kể tới quá nửa đêm cho Rose nghe những truyện này để viết lại. Thay vì là một thám tử già, ông ta đã hơn một lần là một lão già lừa đảo. Ông ta là một tay trộm từng đánh cắp các công trình giá trị cao, châu báu… Lúc này ông ta đã chấn chỉnh lại và đang làm việc trong bộ phận phát hành của báo Bulletin. Ông ta rất thu hút và dĩ nhiên tên của ông ta không phải là cái tên được ghi trong truyện. Ông ta xâu thành chuỗi giúp Rose những hạt trai mà em đã tặng cho nó như anh đã biết. Ông ta bảo nghề kinh doanh cũ của ông ta là xâu chuỗi lại hạt trai và gắn lại các viên đá quí - em nghĩ là vào những khi ông ta trộm cắp được.

Rose rất vui với lọ dầu ô-pốt nhỏ và đang giữ kỹ vì là một thứ lạ. Nó bị bệnh từ khi em tới do cảm lạnh, nhưng em đã cho uống nước củ dong rắn và nghĩ rằng lúc này nó đã ổn hẳn rồi.

Sáng nay em đi với nó hai lần xuống tòa báo Bulletin. Tụi em đi qua khu Little Italy, Chinatown và khu người Nhật Bản. Hết sức hấp dẫn với những ô kính cửa hàng đầy ắp các món đồ kỳ lạ. Tụi em đi ngang qua nên có thể gặp một số người và có một ý nghĩ tổng quát về khu này. Như anh biết, khu Chinatown cũ đã biến mất (do cuộc động đất năm 1906) và những tòa nhà nhìn phía ngoài giống như mọi ngôi nhà khác. Mai mốt tụi em sẽ xuống đó, lục lọi các cửa hàng và ăn một thứ gì trong các hàng ăn rồi em sẽ viết thêm nhiều hơn cho anh.

Nhớ giữ những lá thư của em lại. Em có thể cần dùng sau này một số điều diễn tả và em mong anh hỏi bà Weed về địa chỉ của bà Comstock. Em tính mang theo nhưng lại quên mất.

Gillette đã sắp đặt đưa em tới thung lũng, nơi nuôi rất nhiều gà - giống Leghorns trắng. Hiện đang lan truyền tin đồn rằng những người nuôi gà không làm đủ tốn phí nhưng một người ở đó mà Gillette biết lại có tới mười ngàn con gà mái trên diện tích mười lăm mẫu. Số gà cần ba người đàn ông chăm nom và ông ta bảo ông ta kiếm mỗi năm 1 đô la 38 trên mỗi con gà mái.

Ông ta nói những người khác bị lỗ chỉ vì không tận lực làm việc, làm việc không đúng cách đòi hỏi chăn nuôi gà thích hợp và họ cũng lái xe quá nhiều khi họ đang làm việc. Em muốn được thấy ông ta đã sắp xếp thế nào với số lượng gà quá lớn đó và em nghĩ là em phải nắm lấy cơ may tới đó.

Anh đã thả lũ heo vào vườn chưa và chúng có thích thế không?

 

Thương yêu

BESSIE

*

 

San Francisco

13 tháng Chín, 1915

Manly thân yêu,

Em đang ngồi trên sườn đồi Telegraph Hill ngắm tàu thuyền qua lại. Trước mắt có hai mươi sáu chiếc tàu và mười chiếc thuyền buồm nhỏ. Một chiếc trong số này là thuyền chở cỏ khô. Nó giống như một đống cỏ đang bồng bềnh trên mặt nước với ba chiếc buồm ở bên trên. Có khoảng ba ngàn tấn cỏ khô ở trên thuyền, một ngàn tấn dưới khoang, hai ngàn tấn trên boong. Thật kỳ lạ khi nhìn một đống cỏ khô bồng bềnh trên mặt nước. Cỏ đến xuôi theo một số con sông từ những trại cỏ linh lăng. Đúng lúc này một thương thuyền Anh đang ra khơi, có lẽ nó bị đánh chìm bởi một tàu ngầm Đức. Như anh biết, tàu ngầm Đức đặc biệt nhắm vào các tàu chạy hơi nước vận chuyển hàng hóa. Bây giờ nó đã đi qua và em nghe thấy một hồi còi của nó. Em nghĩ nó đang gặp một vài con tàu khác. Ngay trong tầm nhìn gần nhất lúc này là một tàu phà màu trắng và xa hơn là một tàu phà Triển Lãm sơ màu vàng cam đang được cột vào khu Hội Chợ. Có hai chiếc thuyền chở đầy gỗ làm nhà. Một chiếc đang tiến vào cầu tàu. Nó chất hàng không cân lắm và hơi nghiêng về một bên. Em cho là nó lệch về mạn phải một chút. Một chiếc thuyền buồm với những lá buồm có vẻ dơ dáy với những mảnh vá sạch mới đã tiến vào và hạ neo. Buồm đang được hạ nhanh xuống. Bây giờ một người đang leo qua mạn thuyền xuống một chiếc thuyền nhỏ. Chiếc thuyền buồm này giống như một toa xe điện và em nghĩ đúng như thế. Thuyền từ quần đảo Hạ Uy Di tới với một khối lượng đường. Thuyền đã trống và nổi cao trên mặt nước. Một tàu chở khách Hạ Uy Di đã di chuyển về hướng quần đảo Hạ Uy Di và một tàu chiến Mỹ đang thả neo hơi xa một chút ở phía ngoài. Những thuyền buồm nhỏ màu trắng đang len lách nhốn nháo giữa những chiếc tàu lớn. Có sáu cầu tàu trong tầm mắt với đủ loại tàu thuyền buộc quanh. Một chiếc trong số đó là tàu vận tải Anh với ngọn cở đang tung bay như vui mừng có một khoảng bình yên. Một chiếc khác là tàu Hy Lạp với nhiều dây cờ đang phần phật trong gió. Người ta bảo đó là dấu hiệu cho biết nó sắp lên đường.

Những ngọn đồi bên vịnh khá đẹp sau lớp sương mù và các thành phố Berkeley, Oakland hiện ra mờ nhạt. Lúc này thủy triều đang lên và tràn vào qua Golden Gate. Em có thể nhìn triều đến từ xa qua những ngọn sóng trắng phau trên mặt nước. Đảo Goat ở chính ngay phía trước. Đó là nơi đặt trường huấn luyện hải quân.

Một chiếc thuyền buồm nhỏ vừa lướt qua, buồm bị gió đẩy gắt đến mức thỉnh thoảng gần như chạm vào mặt nước. Một người đàn ông đang đứng trên mép thuyền phía bên kia để giữ cho thuyền khỏi lật nghiêng. Nhưng em có thể ngắm những con tàu qua lại và viết cho anh về chúng suốt ngày. Rose đang nghĩ sẽ rời khỏi đây. Nó có thể mướn một ngôi nhà nhỏ đối diện với tất cả những thứ này. Ngôi nhà được cất trên một sườn đồi và có một hàng bao lơn vươn ra trên dốc đồi. Hàng bao lơn này giống như mái của một tầng nhà ở bên dưới và những cầu tàu cùng khu vịnh tuyệt đẹp trải rộng tựa một bức tranh. Một nữ họa sĩ là bạn thân của Rose đã chuyển đến ngôi nhà nhỏ sát bên ngôi nhà mà Rose có thể mướn. Những ngôi nhà hơi ọp ẹp nhưng có thể sửa sang thật gọn gang.

Em mừng là Inky đã vui hơn và anh tiếp tục bình thường. Rose và em sẽ làm chung một tập truyện gì đó trong tuần này.

 

Thương yêu

BESSIE

Em quên nói là đã có trạm liên lạc vô tuyến trên đảo Goat. Em có thể nhìn thấy cột ăngten.

Từ đó, người ta nói chuyện với người ở Honolulu trong quần đảo Hạ Uy Di. Chiều nay em cũng thấy một cuộc đua thuyền. Hai mươi mốt chiếc thuyền nhỏ với những cánh buồm trắng căng gió lao đi không khác một bầy vịt trắng. Tất cả đều nhắm về một điểm rồi chuyển hướng chạy khuất vào sau mũi đất nhô ra trên biển. Quang cảnh thật đẹp.

Rolf Pelkie, họa sĩ vẽ những bức tranh trên báo Bulletin bỗng biến mất không một lời báo trước. Trong tòa báo có dư luận xì xào rằng anh ta là một gián điệp Đức.

*

 

San Francisco

13 tháng Chín, 1915

Manly thân yêu,

Về con ngựa nếu đúng là con ngựa anh thích, em nghĩ đổi một con ngựa già như Buck lấy nó là một kế hoạch tốt. Anh chỉ cần chuyển 50 đô la mua giầy qua mua con ngựa con và không bao lâu nó sẽ thành con ngựa thứ ba trong trại. Tuy nhiên, chắc chắn con ngựa cái là con ngựa anh thích nên anh sẽ không chọn một cặp ngựa.

Thật mắc cỡ đã ăn trộm nho. Anh không hề có ý nghĩ ai sao?

Thực tình mà nói em rất nhớ nhà nhưng có quá nhiều điều hấp dẫn chưa được xem và em ở lại với cảm nghĩ phải coi thêm nhiều thứ nữa trước khi rời xa. Rồi em lại muốn viết lách một chút với Rose để học cách viết hầu em có thể viết một thứ gì đó để bán.

Đừng mua con ngựa nếu anh không chắc nó ngoan ngoãn. Em không muốn anh bị thương trong lúc em đi vắng hoặc bất cứ lúc nào về vấn đề này. Anh có thể xem xét kỹ không? Kiếm được gì với việc bán một con ngựa? Nếu nước đã cuốn trôi quá nhiều mùa vụ… ắt sẽ có sự bán rẻ - 125 đô la không phải là giá hời, trừ phi giá ngựa đã tăng lên. Nhưng anh đang ở tại chỗ. Hãy làm điều gì anh thấy là tốt nhất.

Em đang có những việc bắt buộc phải hoàn thành trước khi về nhà. Như anh biết, thay đổi một số bài viết của em cùng với Rose, tăng gấp đôi số lần ra ngoài thăm Hội Chợ, sau đó em sẽ trở về. Rose rất bận rộn với bài vở của nó và công việc nhà nên tụi em không thể làm xong nhiều thứ chỉ trong một ngày. Em sẽ làm những thứ mà nó chịu để cho em giúp để nó có thời giờ giúp lại em và cùng em đi thăm Hội Chợ. Em rất ưu tư được trở về để nhận lại công việc lo cho lũ gà mái. Hãy tin em, chẳng có nơi nào giống như vùng quê mình đang sống và em không nghe nói tới một thứ xa vời nào khiến nổi em từ bỏ Rocky Ridge để đến một nơi khác.

Em muốn đi Petaluma coi trại gà nhưng việc này tốn kém quá nên em không thể làm.

Dù sao, em tin rằng mình có thể cùng tính toán tìm ra những cách dễ dàng hơn cho việc nuôi gà khi anh có một ít thời gian để ổn định mọi việc. Em hy vọng không có chuyện gì xảy ra khiến chuyến đi của em quá tốn kém vì chuyến đi đã đem lại cho em nhiều điều tốt và em nghĩ là cũng rất tốt cho Rose. Chà! Thật tốt lại được túi bụi với công việc.

 

Yêu thương anh và Inky.

BESSIE

*

 

San Francisco

15 tháng Chín, 1915

Manly thân yêu,

Em gửi cho anh một mẩu truyện ngắn do Rose ghi lại về một việc mà Rose  và em đã thực sự thấy và nghe trong Khu Giải Trí.

Hôm qua, Gillette và em tới Presidio, một khu quân sự dành riêng cho binh sĩ sống trong những hàng rào và những chiếc lều bạt. Có những tòa nhà rất đẹp dành cho sĩ quan ở, một đường xe rộng láng xi măng dành cho các loại xe qua lại cùng nhiều con đường dơ dáy dành cho kỵ binh. Tụi em tới trạm canh đúng vào thời gian họ đưa tù ra. Họ trông như cũng có thời gian vui vẻ! Gillette nói có thể họ nghỉ phép quá hạn và do đó đang bị phạt.

Trọn vùng quân sự này nằm dọc phần bờ biển nhô ra ngoài, nơi có những khẩu súng ẩn kín bảo vệ Golden Gate. Chúng có vẻ xấu xí, nằm trong chỗ nấp phía sau những ngọn đồi. Tụi em có thể nhìn thấy nhưng không được phép tới gần chúng. Nhưng bảng lớn ghi rõ “Người không phận sự sẽ bị lính canh bắt giữ”. Tụi em nhìn thấy ít nhất năm mươi con quái vật khổng lồ bằng sắt này, những khẩu súng lớn hai mươi sáu inch, nhiều pháo đài ẩn kín sau các khu rừng và một doanh trại lớn với những ụ chiến đấu mà tụi em thậm chí không được lọt vào hàng rào kẽm bao quanh để nhìn bất kỳ dấu hiệu nào của các khẩu súng. Có nhiều khẩu súng nhỏ hơn đặt trên bánh xe rải rác xung quanh và một ngọn đèn pha khổng lồ trên bánh xe. Doanh trại được che dấu nhưng có nhiều khung cửa lớn bỏ trống và nhiều người đang dọn dẹp cho sạch sẽ hơn mức sạch sẽ đang có. Nó nằm sát bên con đường tráng xi măng chạy về mọi phía xung quanh mép vách đất mà dưới chân là biển.

Ngay đối diện với phần hẹp nhất của hành lang từ biển vào vịnh là bốn pháo đài ở hai bên mà một trong bốn pháo đài này là pháo đài cao nhất thế giới. Tụi em thấy những chuồng nhốt lừa ngực của kỵ binh. Tất cả lừa ngựa được cột vào hai bên một sợi dây dài căng ngang những khoảnh sân và nhà kho rộng mênh mông. Hết thảy đều có vẻ mập mạp và được chăm nom chu đáo. Tụi em gặp các binh sĩ đang đi bộ, trên lưng ngựa và nhìn họ làm những công việc khác nhau. Một người hình như rất bận rộn với công việc của mình và mọi thứ đều sạch sẽ và giữ gìn kỹ lưỡng.

Gillette có một người bạn là trung úy Hải Quân và ông này đã trao cho nó một tấm danh thiếp và những ghi chú ở phía sau nói dành cho nó mọi sự giúp đỡ. Tấm danh thiếp này khiến một tàu chiến mở rộng cửa cho tụi em vì ông ta là sĩ quan chỉ huy cao cấp thứ nhì tại đây. Họ sẽ hết lòng chỉ dẫn, giải thích cho tụi em và cả ba người tụi em dự tính tới thăm vào ngày mai. Viên trung úy này đang giữ kỷ lục thế giới về kỹ năng bắn súng lớn trên tàu chiến và thuộc lực lượng trừ bị tại trường huấn luyện hải quân trên đảo Goat.

Em không viết cho anh riêng về thời gian tụi em dành cho Hội Chợ, vì em đã nhìn thấy quá nhiều thứ khó thể viết hết nổi. Chiều nay Rose và em ra ngoài. Tụi em đi thăm triển lãm thú vật sống và “Những Con Chó Của Mọi Quốc Gia”. Rồi tụi em lên tàu ăn trưa và kéo buồm ra khơi để ngắm cảnh hoàng hôn. Sau đó tụi em trở về ngưng lại trong Khu Giải Trí cho tới khi họ yêu cầu ra về vào khoảng mười một giờ. Khu Giải Trí đầy những đám đông làm trò vui, tràn ngập âm nhạc, ánh sáng và những điều thú vị. Em đã ghi vào sổ tay những điều khác nhau mà em nhìn thấy trong Hội Chợ để khi trở về em có thể diễn tả hết cho anh nghe.

Rose đã viết xong mẩu truyện của nó, lúc này đang viết một truyện khác và hoàn thành tất cả trong mười chín ngày nữa để bắt đầu đưa xuất bản.

 

Thương yêu

BESSIE

MẨU BÁO CẮT ĐÓNG KHUNG

NHỮNG THỦY THỦ TRÊN KHU GIẢI TRÍ

Họ là năm thủy thủ và kéo nhau lên bờ để có một thời gian khuây khỏa.

Có thể nhận thấy qua những nét biểu hiện hăng hái, dứt khoát là họ thực sự nghĩ tới một thời gian dễ chịu - một thời gian để ghi nhớ đậm màu với những hồi ức sung sướng về một chuyến đi dài trên biển.

Và, họ hối hả với những bước chân nôn nóng tới Khu Giải Trí.

Nhưng Khu Giải Trí là nơi gây lung túng cho người ta khi tới kiếm một thời gian khuây khỏa - có quá nhiều thời gian khuây khỏa trong tầm tay.

Và, năm chàng thủy thủ bắt buộc phải lựa chọn MỘT - ít nhất, một để bắt đầu.

Đây là những người rao bán hàng - “Hãy coi anh ta! Hãy coi anh ta! Anh ta cáo lắm! Anh ta cáo lắm!”

Và những người quảng cáo - “Lối này! Lối này! Nhạc hội vui nhộn!”

Và tiếng ồn ào - “Tùng! Tùng! Tùng! Hoan hô! Ô-la-la! Tới coi hu la, hu la!”

Năm chàng thủy thủ do dự và né tránh một cỗ xe Ái Nhĩ Lan. Các chàng lại do dự và bị đám hề Waffle Clown chộp được. Các chàng chuyển xuống phố và cùng nhau bàn bạc. Một người nói:

- Theo tớ thì tới các Đường Phố Cairo.

Một người khác nói:

- Mình đã ngắm no cảnh thực rồi. Tớ muốn thấy cái gì mới hơn - này, thử tới coi trò Ngựa Có Học.

- Lãng nhách. Tớ bỏ phiếu cho mình tới với trò Forty-Niners.

- Tớ nghe nói họ chẳng bán gì ngoài đồ uống. Mình đi coi Người Lùn Uman.

Và các chàng bàn luận, chẳng đi tới kết luận nào.

Cho tới lúc thình lình năm cặp mắt láo liên bắt gặp một trò chơi hấp dẫn không thể cưỡng lại.

Trong một lúc, các chàng đứng ngắm và lắng nghe. Rồi, xếp thành hàng một với nét mặt rạng rỡ và không một tiếng thì thào phản đối, họ tiến tới quầy vé. Dành được những chiếc vé rồi, các chàng leo dốc tiến lên bục, trình vé cho người kiểm vé và bắt đầu một vòng vui vẻ của trò chơi chóng mặt.

Cuối cùng thì năm chàng thủy thủ đã tìm được một trò chơi không thể cưỡng nổi trong Khu Giải Trí.

Và họ đã phải trả những đồng mười xu cho “Chiếc Cối Xay Cũ Màu Đỏ” thay cho một chuyến đi thuyền.

*

 

San Francisco

21 tháng Chín, 1915

Manly thân yêu,

Hôm qua em đã thấy “Những Con Chó Của Mọi Quốc Gia” và hơi bị thất vọng về chúng.

Trong số chúng chỉ có một ít đáng lưu ý là những con chó trong toán của Perry đã đi tới Bắc Cực. Rồi có một con chó Ái Nhĩ Lan giống Wolf Hound là giống chó mà người phụ trách nói là rất hiếm. Một con mà tụi em thấy lớn như một con bò non nhưng chỉ mới mười ba tháng tuổi và gầy. Người ta nói nó trị giá 3000 đô la, có lẽ giống như con chó một ngàn đô la của ông Quigey, nhưng con chó này chắc chắn là một con vật quái dị. Hình như nó không phải là một con chó và lớn như thế.

Tụi em đã thấy một số ngựa Percheron hoàn hảo, vài con ngựa Bỉ và những con ngựa nhỏ Hungary quý nhất. Kích cỡ của chúng ngang với những con ngựa Shetland. Một con màu đốm xám với bờm và đuôi màu bạc. Con ngựa cực đẹp. Người đàn ông nói nó trị giá 500 đô la. Trong khi ông ta cho con ngựa nhỏ chạy vòng quanh, một người đàn ông khác đến với một con ngựa Bỉ rất lớn và thật là một cảnh tức cười khi hai con ngựa đi ngang qua nhau.

Có một cuộc đua những con ngựa Kentucky dễ thương và những con ngựa cưỡi, nhưng tin em đi, mọi người đều có thể có những chiếc xe hơi mà họ muốn. Em ước có một con ngựa cưỡi Kentucky nếu em có đủ khả năng.

Và, ôi, em đã thấy những con bò sữa Carnation đang được vắt sữa bằng một chiếc máy vắt sữa. Chiếc máy vắt kỹ tới mức những con bò không còn một chút gì. Người phục trách đã ghi địa chỉ của anh và nếu anh gom được một chút tài liệu nào thì nên giữ lại vì chiếc máy này là một thành công và em sẽ kể cho anh nghe về nó khi em trở về.

Em đã có một cuộc đi dạo trong vịnh vào lúc hoàng hôn. Thật là kỳ diệu và càng có nhiều thuyền lướt trên sóng em càng thích hơn. Em không choáng váng một chút nào cả. Tụi em đi tới phía ngoài pháo đài cao nhất thế giới và lượn quanh trạm kiểm dịch trên đảo Angel rồi quay về thả neo.

Sương mù bao quanh mù mịt khiến tụi em không thể nhìn rõ đất liền ở mọi hướng. Nước biển dâng cao tràn qua Golden Gate và gõ vào mạn thuyền khiến tụi em có thể tưởng tượng đang lênh đênh ngoài đại dương. Con thuyền của tụi em chỉ là một thuyền nhỏ chạy bằng hơi nước. Rose và em đứng ngay phía trước cho sương mù va vào mặt và gió thổi lùa qua tóc cùng quần áo trong lúc con thuyền lướt dưới bàn chân. Thật là thích thú.

Sau đó tụi em đáp thuyền phà trong vịnh tới Sausalito. Tụi em lấy một ổ bánh mì mang theo quăng cho lũ mòng biển và chúng bơi theo ăn sạch suốt qua vịnh. Mỗi khi tụi em quăng một mẩu bánh ra, chúng đều cố chộp lấy nhưng thường là bánh rơi vào nước và chìm xuống. Lập tức chúng la quang quác lặn theo đớp lấy và cố mang ra xa những con khác. Em vui nhiều với chuyến đi tàu nhưng thấy không bằng khi đi trên con thuyền kia vì tàu lớn hơn và không nghiêng ngả. Tụi em lên Sausalito và đã ở lại qua hai chuyến tàu. Tụi em đi quanh thị trấn được xây dựng trên những sườn đồi với những đường phố quanh co và không khi nào có hai căn nhà ở cùng độ cao. Đây là một vùng nhỏ tuyệt đẹp.

Trời bắt đầu chạng vạng khi tụi em đáp tàu trở về và ra khơi lướt trên những ngọn sóng nhuốm ánh trăng. Tụi em đếm được ba mươi con tàu và thuyền máy nhỏ cắm neo trong cảng khi tụi em rời xa. Đó là một quang cảnh đẹp mắt và tụi em đứng trên boong tàu thật gần mặt nước dọc đường về.

Ánh sáng từ Hội Chợ biến nơi này thành vùng đất thần tiên và ánh đèn thành phố sáng bừng trên những ngọn đồi từng hàng tiếp nối chen chúc với những ngôi sao khiến không ai có thể nói đâu là chỗ những chuỗi đèn chấm dứt và những ngôi sao bắt đầu. San Francisco là một thành phố đẹp kỳ diệu và người dân ở đây có vẻ đều thân thiện - em muốn nói tới những người hoàn toàn xa lạ gặp gỡ trên đường phố.

Hình như tình thần bằng hữu và thân mật giữa nam nữ đều như nhau. Em đã nghĩ là do có Hội Chợ nhưng Rose nói đó là cách thông thường luôn có ở đây. Có lẽ vì trận hỏa hoạn đã khiến mọi người quen biết nhiều với nhau.

Ngày Chủ nhật tụi em đi một chuyến xe điện hai mươi dặm về tất cả các hướng của thành phố và chỉ mất mỗi người một đồng năm xu trả phi chuyên chở.

Tụi em nhìn thấy tòa nhà truyền giáo đầu tiên của San Francisco(7) được dựng lên do vị tu sĩ đã đặt những tảng đá ngang trên đồi để làm dấu hiệu cho thàu thuyền ngoài khơi. Tòa nhà thờ cổ này được trang trí bởi người da đỏ trong những ngày đầu đó. Dui kéo trên trần nhà đều in dấu kiểu mẫu da đỏ và hình ảnh cùng trang trí trên tường cũng đều là tác phẩm của người da đỏ. Chuyện có trước khi phái bộ truyền giáo cai quản con đường King’s Road đưa tới mọi vùng cao thấp quanh bờ biển. Trong những ngày đó, các tu sĩ di chuyển qua lại từ phái bộ này qua phái bộ khác và dĩ nhiên cũng có sự qua lại của người da đỏ trên con đường này. Trên hết thảy các điểm cao đều có những chiếc chuông và một hệ thống chuông đặt theo cách đó được dùng thông báo tin tức tới tất cả các nơi trong vùng bờ biển.

Sau khi rời tòa nhà truyền giáo, tụi em đi tiếp ra xa năm dặm tới nơi đang được người ta khởi sự xây cất một vùng phụ cận mới của thành phố. Phong cảnh vịnh ở đây rất đẹp. Rồi tụi em quay về qua Butcher Town, qua China Basin, lên thị trấn trở lại, dừng coi một buổi chiếu


(7) Giáo đường Dolores, trung tâm của thành phố, khởi từ Phái Bộ Truyền Giáo Saint Francis of Assisi.

phim và thấy Charlie Chaplin, con người kinh khủng. Tụi em có ý nghĩ là đang coi ông ta diễn ngay trong rạp.

Em quá mệt, phải đi nằm sớm vì ngày mai em có thể tới San Jose. Ngoài ra, em còn phải dành lại một số điều để kể với anh khi em trở về, nếu không lúc đó anh sẽ không vui.

 

Thương yêu

BESSIE

Còi hiệu báo sương mù cho tàu thuyền đặt trên đảo Alcatraz đang kêu đều đặn nên chắc hẳn sương mù đang dày thêm. Cứ mỗi vài phút em lại nghe thấy âm thanh lanh lảnh vang dội của tiếng còi tàu khi đi vào hoặc gặp một con tàu khác. Còi báo sương mù trên đao Alcatraz là âm thanh buồn nản em chưa từng nghe thấy và em không thấy những người tù trên đảo dựng nó như thế nào.

*

 

San Francisco

21 tháng Chín, 1915

Manly thân yêu,

Rose đang chạy quanh thị trấn kiếm chất liệu cho một truyện ngắn khác và em vừa về nhà sau khi xem quân Đức chiếm Przemys trong một rạp chiếu phim. Hình ảnh là thật đã được chụp ngay tại chỗ. Thật kinh khủng vì nó có vẻ quyết liệt, dứt khoát không thương xót. Em đã nhìn thấy những khẩu súng lớn bao vây đang bắn phá và thấy rõ chúng rung chuyển mạnh khi nhả đạn. Chỉ trong vòng bốn tiếng đồng hồ, quân Đức đã trút 700.000 trái đạn xuống vị trí quân Nga. Họ bắn từ khắp bốn phía.

Chẳng có gì lạ lùng khi người ta không thể đứng vững và đối đầu với những trái đạn như thế, đặc biệt những khẩu súng bắn chúng đi lại đặt từ một tầm không thể với tới. Súng được đặt cách xa mười dặm.

Ngày mai Rose sẽ cùng em tới thăm thung lũng Santa Clara và San Jose. Đây là một thung lũng có nhiều gió biển và Rose nghĩ là tụi mình có thể thích sống tại đó. Em không nghĩ tới việc sẽ sống trong một thung lũng. Ở đó còn nóng dữ hơn Florida và nóng quanh năm. Em đã quan sát và cảm thấy thế ngay khi tới nơi. Em hỏi Rose và nó bảo nó không thể sống nổi ở nơi nào thiếu gió biển.

Ngày đầu tuần lễ kế tiếp tụi em sẽ tới thung lũng Mill ở ngay vịnh đi lên và luôn có gió biển.

Có thể mua đất ở đây với giá từ hai tới ba trăm đô la một mẫu. Vùng này thực sự là ngoại ô của San Francisco và San Francisco cũng là thị trường của chúng ta. Chỉ có vài dặm đường sắt rồi đi phà qua vịnh. Cả hai đứa Rose và Gillette đều nói rằng tụi mình có thể sống được với một mẫu đất nuôi gà lấy trứng cung cấp cho thị trường San Francisco và có thể có hầu hết những lợi tức mà mình thu hoạch từ nông trại ở Mansfield. Hiện nay trứng bán với giá bốn mươi lăm xu và giá cung cấp từ trại là bốn mươi hai xu, nhưng em vẫn chưa tìm ra được phí tổn nuôi gà như thế nào. Rose bảo sẽ hỏi trực tiếp một số người nuôi gà khi tụi em tới đó. Vùng nuôi gà mái lớn nhất của bang California chỉ cách thung lũng Mill mười lăm dặm. Chỗ đó có tên là Petaluma. Mấy đứa cũng bảo ở đây em có thể viết lách tốt hơn, nhưng anh biết rõ điều đó không chắc chắn lắm. Dù sao, em vẫn sẽ tới thăm để tìm hiểu mọi thứ có thể tìm hiểu về việc đó và về thung lũng Santa Clara rồi sẽ kể lại với anh khi em trở về và tụi mình có thể đi tới quyết định sau khi xem xét kỹ hơn.

Rose đang dự định mua một lô đất trong thung lũng Mill và xây một ngôi nhà nhỏ để sống ở đó hầu tránh việc thuê nhà. Nó bảo nó có thể trả một số tiền ngang với tiền thuê nhà và sẽ có một ngôi nhà cho mình trong khi hiện nay nó cứ đổ tiền ra mà không có một cái gì.

Gillette không có việc làm thường xuyên nhưng có việc làm từng lúc và có một số triển vọng tốt về công việc nhưng hiện nay vẫn là Rose phải gánh vác cho cả hai. Nó kiếm mỗi tuần 30 đô la nhưng tiền thuê nhà và các chi phí khác cũng chiếm gần hết. Mỗi khi đi một vòng là thấy tốn kém rồi.

Thậm chí tiền xe để hai đứa đi quanh khắp thị trấn lo công việc cũng khá cao vì các khoảng cách rất xa không thể đi bộ nổi. Rose đã phải bỏ ý định chuyển về đồi Telegraph Hill. Tụi em khám phá ra bà chủ đất sống ngay kề bên với bảy đứa con là người luôn say sưa và gây lộn. Anh thấy đó, một người hàng xóm như thế đâu có tốt gì và đó là lý do khiến giá thuê nhà hạ hơn.

Em tới San Francisco với số tiền còn lại là 15 đô la. Em không phải tiêu một món gì kể từ khi tới đây và hôm qua Rose đưa cho em tờ 10 đô la để cho anh khi em về nhà. Nó đưa cho em giữ và nói là nó nghĩ cũng có thể nó phải đụng tới một phần. Dĩ nhiên nếu có chuyện gì bất thường đòi hỏi phải chi tiêu thêm hoặc có những thay đổi về công việc của nó trước khi em rời khỏi đây, nó sẽ phải lấy lại nhưng nó không nghĩ sẽ xảy ra như thế và bảo là nó muốn làm như nó đã nói để bồi thường cho anh về những thiệt thòi do em đi xa.

Nếu Gillette có được một việc làm thường xuyên như đã tính toán, nó nói nó sẽ nâng số tiền vay thế chấp trại của mình lên 500 đô la, nhưng em nghĩ là đương nhiên mình không nên tính toán đến số tiền đó vì mọi thứ đều chưa chắc chắn cho tới khi nó có việc. Tuy nhiên, nếu Rose xoay xở nổi cho chúng ta một thứ gì trong lúc này và mọi chuyện ổn thỏa, có lẽ mình có thể trả bớt một trăm cho món nợ 200 đô la và sau đó nếu đám gà mái khiến chúng ta lo lắng trong mùa đông này thì món tiền 250 đô la hưởng hoa hồng mà Gillette bảo đảm dành cho chúng ta sẽ trả xong một nửa món nợ thế chấp trại. Em đang hết sức thận trọng và không một phút nào rời mắt khỏi những khó khăn của gia đình hoặc thứ gì mà em với tới nổi. Rose và em đang phác thảo một truyện về vùng Ozarks cho em hoàn tất khi trở về nhà. Nếu em có thể khiến cho nó ăn khách thì chắc là giúp được khá nhiều và thêm nữa, em đang học để có thể viết nhiều thứ khác cho các tạp chí. Nếu em mở đầu nổi như thế, nó sẽ bán được nhiều vượt các thứ trong nông trại. Tụi em làm việc chậm vì Rose phải lo làm những công việc giúp giải quyết các món chi trả của nó. Em làm việc nhà để nó có thời gian giúp em trong việc học viết và đưa em đi coi những điều mà em nên coi trước khi rời khỏi đây.

Em rất vui được ở bên Rose nhưng em cũng nhớ nhà đến phát đau. Rose làm việc rất cực để dành tiền đưa em ra ngoài đi chơi hình như sợ em trở về trước kỳ hạn là một điều xấu hổ. Nhưng em sẽ cố giải quyết mọi thứ để có thể trở về nhà vào giữa tháng Mười tức chỉ còn khoảng ba tuần lễ nữa nếu em tính toán đúng. Em sẽ không thể tới thăm người anh em của Thirkield. Cần phải qua một chuyến xe lửa thật dài mới tới Sacramento được. Em đã đi qua đó khi tới đây nhưng sẽ trở về bằng đường khác.

Bà Cobb cũng ở xa tuyến đường mà em trở về. Em rất thích gặp bà ấy nhưng em cảm thấy không thể chi phí quá nhiều. Vùng đó rất xa cách với ở đây - nhiều người không biết tới. Những dãy núi giống như vách thành và xe lửa nhích từng chút chậm hơn cả một người bò lên nữa.

Rose hết sức muốn dành cho đủ tiền để hai mẹ con cùng tới đó theo hướng Los Angeles. Để làm thế, em sẽ quá hạn vé xe lửa, mất thêm tốn phí và phải lệ thuộc níu lưng nó. Nếu tụi em muốn đi thì sẽ dùng tàu hơi nước. Đây cũng là dịp may duy nhất của em để có một chuyến đi trên biển. Mọi thứ khác đều tốn kém hơn rất nhiều. Em hơi sợ là em sẽ bỏ cuộc nhưng nếu em sắp xếp đi được theo cách này thì em sẽ gặp bà Comstock và West, nếu em có thể tìm thấy anh ta. Em hiểu anh rất vất vả và em cảm thấy có lỗi đã tới đây nhưng em sẽ giúp anh mọi việc khi em trở về và cố kể với anh mọi thứ em được thấy và anh sẽ không phải nấu nướng nữa.

Bà Cooley hẳn là một kiểu lố bịch và nếu anh không nhắc em cũng không mặc theo cách đó.

Em rất thích nhận thư anh, nhưng dĩ nhiên em không mong anh viết trong khi anh có quá nhiều việc cần làm. Thỉnh thoảng chỉ cần gửi một tấm thiếp hay một lời để em biết là anh vẫn bình thường.

Em không nhận được tin tức nào từ De Smet và em đã viết về hai lần. Một lần khi em mới tới đây, sau đó thêm một lần nữa để kể với mọi người những điều nghe anh nói và hỏi thăm sức khở của Mẹ.

Hãy chăm choc ho Inky và cho chính anh và giữ gìn mọi thứ ở mức tốt nhất. Em hy vọng không có gì bất thường lắm cho tới khi em trở về và dĩ nhiên cả sau đó nữa. Em hy vọng ông Nall đã trở lại.

Em ghét phải nghĩ anh chỉ có một mình.

 

Bessie thương yêu của anh

*

BƯU THIẾP

22 tháng Chín, 1915

(Hình Triển Lãm Trà Ridgway, Tòa Nhà Thực Phẩm)

Ba thân yêu - Hình chụp Bessie, những con chó, bò sữa và ngựa. Ba hãy nhìn chiếc máy vắt sữa. Tụi con sẽ gửi tài liệu về nó. Ba nhớ giữ lại. Tuần này tụi con sẽ xuống thung lũng Santa Clara cho Bessie thấy các vườn trại California. Ước gì có Ba ở đây. Ba hãy nhắc Inky đừng có ganh tị. Tụi con không thấy bất kỳ con cho nào có thể khiến tụi con thích hơn nó.

 

ROSE

*

 

San Francisco

23 tháng Chín, 1915

Manly thân yêu,

Sáng nay em vẫn rất mệt sau chuyến đi thăm thung lũng Santa Clara hôm qua. Em khởi hành lúc 8g30, đi xe điện nửa giờ rồi lại thêm nửa giờ và nửa giờ nữa trên xe lửa. Những chuyến xe này đưa tụi em tới San Jose. Rose đưa em đi ngó quanh phố xá một lát. Em rất thích thị trấn. Tụi em ăn bữa trưa tại một nhà hàng rồi đáp xe buýt nhỏ tới Los Gatos. Từ đó tụi em đi Palo Alto bằng xe điện rồi lên xe lửa quay lại San Francisco, về tới nhà vào khoảng bảy giờ chiều. Em có một ngày vui nhưng em mừng là hôm nay sẽ không đi tới nơi nào.

Chuyến đi đưa tụi em qua khắp thung lũng để em nhìn thấy mọi khía cạnh của nó. Đúng là một nơi đẹp để ngắm với ai thích thấy một vườn trái trại xum xuê đang gieo trồng và buôn bán. Đáy thung lũng phẳng như mặt nền nhà và những ngọn đồi thấp vươn lên tới những dãy núi bao kín xung quanh ngoại trừ phía mở ra vịnh đón gió biển. Nắng hết sức nóng, nhưng vẫn mát trong bong râm và gió biển thổi đều. Hầu hết thung lũng là vườn trại và đương nhiên cây cối được trồng theo sự tính toán chính xác, tất cả đều được xén tỉa để có cùng một hình dạng, tất cả đều có cùng một kích thước và đất dưới tất cả gốc cây đều mịn sạch như một mặt vườn hết sức phẳng phiu. Cây cối được tỉa theo hình chóp ngược và xén cho không phát triển theo chiều cao. Chúng không tạo thành bóng mát cho mọi người có thể dừng lại nghỉ ngơi giây lát. Dĩ nhiên các vườn cây đều được tưới nước. Những lạch mương được đào qua vườn tới suối và nước chảy vào mỗi sáu tuần suốt mùa ra trái. Rồi sau đó, đất được cày tơi và để như thế một thời gian. Lúc này người ta đang bắt đầu cày thành mương và để cho nước lại chảy vào trong đợt tưới mùa thu. Theo cách nào đó đối với em thì có vẻ thật tồi tệ khi nhìn thấy những người đàn ông đang làm việc dưới nắng gắt khơi cho nước vào các đường mương để chảy quanh gốc cây trong khi cây và lá bám đầy bụi đất. Cây cối tựa hồ đang rất thèm có thật nhiều nước.

Em đã thấy một số trại sản xuất bơ sữa cũng giống như ở bất kỳ nơi nào ngoại trừ quá khô và bụi bậm. Có một trại nuôi gà nhưng gà mái ở đây đều được thả rông ngoài đất trống. Chúng được nuôi bằng rau xanh cà theo em chúng có vẻ đầy bụi, nóng nực và không thoải mái mặc dù em nghĩ là chúng đươc chăm sóc kỹ và khá đầy đủ.

Các khu nhà trại rất hoàn hảo và có vẻ thịnh vượng. Đường đi rất tốt và những thị trấn nhỏ đều dễ thương. Núi có thể nhìn thấy từ xa tới gần tùy theo vị trí đứng và rất đẹp với sương mù bao quanh luôn thay đổi. Tuy nhiên em không thích sống ở đây vì không chịu nổi độ nóng cùng bụi bặm và mặt đất phẳng phiu, phẳng phiu mãi tới mức nhàm chán khi nhìn ngắm. Tất nhiên là anh thích được làm việc, nhưng mình không thể có khu đất tốt nào dưới giá 500 đô la một mẫu và qua hết thảy những nơi mà em có thể kiếm ra thì em không tin có chỗ nào tốt nhất ngay cả khi chúng mình có đủ tiền. Lệnh cấm nấu rượu đang đe dọa phá hủy ngành trồng nho tại California. Chuyện này chỉ còn là vấn đề của một thời gian ngắn khi số lượng lớn nho không thể đưa vào kinh doanh, dĩ nhiên, ngoại trừ chuyển cho những người cung cấp nho tươi để ăn. Năm trăm đô la một mẫu đất là quá cao cho giá đất gieo trồng thậm chí là đất trong vùng California. Nếu mình có nổi một ngàn đô la thà rằng em để cho nó sinh lời còn hơn mua lấy hai mẫu đất để làm việc quần quật. Anh không thấy thế sao?

Em sẽ đi xem đất quanh thung lũng Mill và tìm hiểu mọi thứ liên quan mà em có thể làm được. Sau đó, nếu em trở về theo đường Los Angeles, em sẽ xem ngắm vùng nông thôn ở đó và ở cả Pasadena, nhưng em thực sự tin rằng khi em về nhà, kể hết tất cả với anh thì chúng mình sẽ quyết định bằng lòng với nơi chúng mình đang sống và sẽ tính toán cắt giảm bớt công việc để được nghỉ ngơi ngay sau đó. Gillette đang cố làm cho em thấy mình có thể phát triển ra sao ở đây và làm một khu trại có tính khoa học trên chỉ hai mẫu đất sẽ thu một số lợi tức lớn hơn nhiều, nhưng chúng mình cần phải học thêm về việc này mà mình lại gần như tre già thì làm sao uốn, đặc biệt khi mình không cần phải làm thế. Càng thấy nhiều hơn ở đây, em càng nghĩ sẽ quay về nhà dồn hết sự chú tâm cho lũ gà.

Em đang thu thập một số chỉ dẫn để chăm sóc chúng tốt hơn vì dĩ nhiên cần phải thế để thâu lợi nhiều hơn, nhưng nếu em có thể thu mỗi năm 1 đô la trên một con gà mái ở đó thì hà tất phải chịu tất cả những xáo trộn về di chuyển tới đây để học những điều kiện mới vốn là cách đã quen của những người ở đây? Và nếu em nuôi nổi 1500 con gà hoặc thành công hơn nữa ở đây thì em không thấy tại sao em không thể chăm nuôi nhiều như vậy ở đó mà không cần phải chịu xáo trộn về di chuyển.

Chúng mình có thể hoặc kiếm cách nào đó khiến anh thoải mái dù trời lạnh hoặc sẽ đưa anh về miền nam để qua thời gian lạnh nhất.

Ôi, em hy vọng anh khá thoải mái có thể giúp chăm lo mùa vụ để em sẽ nuôi gà trong năm nay. Thật tốt lành là các thứ phát triển như vậy. Anh nhớ cho lũ gà mái ăn sữa hạt lanh để chúng kịp thêm long trước khi thời tiết lạnh tới. Như anh đã biết, thành phần pha trộn gồm có bốn phần cám, hai phần bắp, một phần bột xương và nửa phần mỡ dầu. Em giả dụ là anh đang cho chúng ăn trọn phần bột xương chúng thích như mình vẫn luôn làm và em tin là em sẽ tăng phần dầu mỡ để giúp chúng phát triển nhanh. Nếu có bất kỳ số hạt hướng dương nào hãy cho lũ gà mái ăn từ lúc này.

Thứ đó cũng giúp cho phát triển lông.

Gillette và Rose sẽ lấy được số tiền hoa hồng bị treo lại sớm hoặc biết chắc là người đàn ông kia không thể thanh toán nổi. Trong trường hợp sau, chúng nó sẽ không được gì cả. Em nghĩ nếu em có mặt ở đây khi Gillette lấy được số tiền thì em có thể lấy lại 250 đô la nó nợ mình. Nếu em không ở đây để đòi đúng lúc, em không biết mình lấy được thêm bao nhiêu ngoài số tiền 250 đô la đó hay chẳng có gì. Nếu được lãnh tiền, nó sẽ có đủ cho chúng ta vay và nó đã nói sẽ làm thế, nhưng tiền cứ trôi tuột qua kẽ tay nó như nước vậy. Nó khó thể ngưng chạy quanh để gửi tiền cho em cho tới khi tiền bay hết.

Tuy nhiên, em còn phải thăm tàu chiến cùng thung lũng Mill, và quan sát kỹ. Ồ, dĩ nhiên ở đây có nhiều thứ mà em thích xem, có thể đủ kéo dài trọn năm. Nhưng em sẽ xem tất cả những thứ đặc biệt cần. Em muốn hoàn tất phác thảo cuốn truyện của em nhưng em có thể làm việc này vào lúc chấm dứt tham quan và sau đó em sẽ hết bị ràng buộc để trở về nhà.

Lúc này Rose nhận một nhiệm vụ khá nặng nề ở tòa báo và hết sức túi bụi với công việc. Nó đã phải rời khỏi chuyến đi của tụi em vào hôm qua và chỉ có em tiếp tục. Hôm nay nó ở sở trong lúc em nghỉ ngơi.

Gillette đã làm việc trong mấy ngày vừa qua nhận lo hai cuộc họp của một nghiệp đoàn báo chí. Đó là một công việc ngắn hạn. Nó vẫn chưa sắp xếp xong để có việc làm thường xuyên ở đâu.

Theo ý kiến của em thì bang California đang đứng trước những thời điểm khó khăn dù mọi người không chịu thừa nhận. Qua những câu chuyện với một chủ nông trại vào hôm qua và nhiều người vơ vất khác, em chắc chắn việc kinh doanh đang rệu rão theo nhiều cách.

 

Thương yêu

BESSIE

BƯU THIẾP

(Hình những ngọn đồi thấp gần San Jose, Calif)

 

San Francisco

24 tháng Chín, 1915

 

Manly thân yêu,

Đây là vài cảnh nông thôn mà em được thấy trong chuyến đi San Jose, lúc này chỉ là những vườn cây chưa trổ bông. Địa chỉ nhận thư của em là 1019 B. Vallejo St., San Francisco.

 

BESSIE

*

 

San Francisco

28 tháng Chín, 1915

Manly thân yêu,

Em không nhận được thư của Wihelm nên em cho rằng cũng bị thất lạc một lá thư của anh. Em nghĩ là những lá thư gửi về sở không được chú ý nên tốt hơn là anh gửi thư về nhà. Địa chỉ nhận thư cho tới khi có thông báo thêm là 1019 B. Vallejo St., San Francisco.

Chiều Chủ nhật em tới Berkeley bằng phà máy chạy hơi nước qua bảy dặm ngang vịnh. Tụi em mang theo bữa trưa và ngồi ăn trên đỉnh một ngọn đồi Berkeley. Băng ngang vịnh thật là dễ chịu.

Em luôn đứng phía trước thuyền và ở khoang dưới cho được gần mặt nước hơn. Lúc đó em đứng nắm sợi dây để thuyền nâng cao lên, đu đưa dưới chân mặc cho bụi nước cùng với gió đập vào mặt trong khi ngắm những con mòng biển. Sau khi qua vịnh tụi em đáp xe điện ra khỏi đoạn cuối của cầu tàu dài dặc.

Em phải kể cho anh nghe về phần cầu tàu vươn dài ra vịnh này. Phía bờ này nước cạn và người ta nạo vét khỏi đáy vịnh các thứ đất đá để cây vươn ra khỏi bờ. Nó tạo thành một bến đậu dài một dặm nơi có những trụ chống chạy dài và giữa những trụ chống này được lấp đầy. Có rất nhiều cầu tàu. Ôi, em không biết là bao nhiêu nhưng đoán phải có hàng tá. Các thành phố Oakland và Berkeley đang lo xây dựng và người ta đã dành ra 10 triệu đô la để xây cầu tàu thật xa ngoài đảo Goat, thêm khoảng một dặm nữa để có một bến đậu dài tổng cộng hai dặm. Người ta làm việc này để tiết kiệm năm phút di chuyển từ Oakland và Berkeley tới San Francisco. Oakland lớn gấp rưỡi thành phố Kansas và Berkeley ngang với Oakland, nhưng cả hai trên thực tế là những ngoại ô của San Francisco và nếu không có vịnh, cả hai đã hoàn toàn là một thành phố. Mọi hàng kinh doanh của họ trong trung tâm thành phố (San Francisco) và để tiết kiệm được năm phút di chuyển cho mỗi chuyến đi hàng ngày của những người này đã phải chi ra số tiền 10 triệu đô la.

Berkeley là “thành phố tư gia” và là một nơi tuyệt đẹp cả về cảnh thiên nhiên lẫn cấu trúc xây dựng. Không có những dãy nhà đồng bộ, từng đường phố nối nhau với những ngôi nhà xinh xắn, những khu vườn dễ thương và Viện Đại Học California với những tòa nhà lớn, những đường xe thênh thang, những lối đi dạo bộ thật đẹp. Em đi khắp các ngả rồi tới xem Giảng Đường Greek. Đây là một giảng đường ở ngoài trời xây trên sườn đồi làm thành một giảng đường tự nhiên. Giảng đường được xây dựng giống hệt một hí viện Hy Lạp thời cổ và chỉ là một bản sao vào thời điểm này. Diễn trường và các phòng thay áo là tòa nhà đá ở chân đồi hoặc đúng hơn, những phòng thay áo là một tòa nhà còn diễn trường là một nền tráng xi măng không có mái che. Có những cột đá lớn ở trước dãy phòng thay áo ngăn cách với phần mở trống trên diễn trường. Vòng tròn trung tâm trước diễn trường là một vòng mạt cưa dành cho các cuộc đấu vật… và những hàng ghế nối nhau cao hơn như một đại khan đài hình bán nguyệt trên các sườn đồi. Sườn đồi bao quanh kín phía sau hàng ghế cao nhất như một tường thành bọc tròn tất cả các ghế ngồi với những hàng thông cao vút trên đỉnh. Không có mái che ngoại trừ bầu trời xanh và mọi thứ đều kỳ diệu tuyệt vời lại thêm nổi danh trên thế giới.

Tụi em leo lên đồi phía sau giảng đường Greek và ăn bữa trưa với Oakland, Berkeley, vịnh nước xanh và thành phố San Francisco trải dài dưới bàn chân, với cả những ngọn đồi, những dãy núi vươn cao sau lưng và một vùng trời xanh, xanh ngắt trên đầu. Và đó là Berkeley dễ thương, “thành phố tư gia”.

Sau bữa ăn trưa, tụi em lang thang xuống những lối đi trên sân Viện Đại Học và cứ đi như thế tới chuyến đường xe đưa tụi em về Oakland và về nhà băng qua vịnh từ một cầu tàu khác trên một con tàu chạy hơi nước khác. Từ Berkeley tới Oakland luôn có những bờ vịnh bọc quanh dù tụi em không nhìn thấy hết do bị nhà cửa che khuất. Không có một khoảng trống ngăn cách nào giữa hai nơi này – cả hai thực sự như một thành phố vì không thể nói nơi này chấm dứt ở đâu và nơi kia bắt đầu ở đâu. Qua vịnh vào ban đêm quả là điều kỳ thú. Em đứng phía trước thuyền gần mé nước và nhìn không biết mệt ánh đèn San Francisco khi con thuyền vào bến. Tháp bến phà cao vút và là một chùm ánh sáng điện với hàng chữ điện nổi bật ngang tháp “San Francisco kính mời tới Hội Chợ Thế Giới Panama-Pacific 1915”. Và còn có tất cả những ánh đèn khác, những bảng hiệu khác. Em đang thu thập thêm nên đi theo đường vòng một chút, thậm chí băng qua phố Market giữa những chiếc xe buýt nhỏ mà không thấy sợ hãi.

Rose tổ chức một tiệc trà nhỏ cho em vào hôm qua với mấy cô gái và đám phụ nữ làm việc và viết bài cho báo Bulletin. Nếu anh thấy trang báo Bên Lề Cuộc Sống một loạt truyện nho nhỏ với tựa đề “Người Trong Căn Hộ Của Chúng Tôi”, anh có thể đọc và biết rằng đó là những điều thực.

Rose viết loạt bài đó và “cô bé họa sĩ sống trong tầng hầm”(8) vẽ những bức tranh. Em rất thích đám bạn gái của Rose. Em có kể cho anh nghe về Pelkie, một họa sĩ làm trong tờ báo đã đột ngột biến mất vào hôm em ở nhà và đang có dư luận nghi ngờ anh ta có liên hệ theo cách nào đó với một hệ thống gián điệp Đức không?

Hôm qua, sau bữa tiệc trà 4 giờ chiều, tụi em xuống bến phà đón anh trai của Gillette là Edson. Anh ta xuất hiện bất ngờ và ở lại thành phố chỉ vỏn vẹn một ngày do công việc kinh doanh nên tụi em chỉ gặp anh ta một lát ở bến phà.

Em thích đi xe điện về đêm và tới bến phà qua bãi biển Barbary nổi tiếng. Lúc này hầu hết những tòa nhà trên phố đều đóng cửa và trời tối, nhưng một nơi ở gần bến được gọi là “khu bờ sông” thì mỗi tòa nhà trên phố đều là một quán rượu. Gillette bảo đám thủy thủ lên bộ ở đó với tất cả tiền lương của chuyến đi dài sáu tháng và họ phải có một nơi nào đó để trút tiền ra. Nó nói nếu họ không xoay xở để tiêu tất cả số tiền thì khoảng hai ba giờ sáng sẽ có một ket nào đó bắt buộc phải nện lên đầu họ và lấy số tiền đi.

Em mừng là ông Nall đã trở lại và anh sẽ tráng xi măng để xua lũ chuột đi. Thật khủng khiếp với lượng mưa mà anh phải chịu. Em nghĩ là điều này sẽ làm cho đất tốt vào mùa thu. Ở đây mỗi buổi sáng sương mù dày đặc tựa hồ sắp mưa nhưng tới trưa sương tan hết và nắng chiếu bình thường cho tới tối khi sương mù lại phủ kín trên biển giống như khói và mọi thứ lại u ám và xám xịt. Rose đang viết túi bụi thiên truyện của nó và em thì bận rộn từ việc này qua việc khác. Nó trù tín viết xong hoàn toàn trong tuần này để sau đó có khả năng rỗi rãi vài ngày và tụi em sẽ đi thăm thung lũng Mill, tàu chiến và có một ngày ở Hội Chợ. Dĩ nhiên em rất vui với cuộc viếng thăm nhưng em rất mong gặp lại anh và Inky.

BESSIE


(8) Sau này là họa sĩ nổi tiếng Berta Hader chuyên minh học truyện nhi đồng

BƯU THIẾP

(Lâu đài Triển lãm, Xưởng chế sữa đặc, Triển lãm Quốc tế Pacific, San Francisco 1915)

Manly thân yêu,

Em sẽ kể cho anh nghe tất cả cách thức cô đặc sữa ra sao khi em trở về. Sẽ nói rõ hết về công việc rất đặc biệt này.

BESSIE

*

San Francisco

29 tháng Chín, 1915

Manly thân yêu,

Trọn buổi chiều hôm qua em đi xem Triển lãm. Rose tới gặp một kỹ sư ở gian hàng triển lãm Southern Pacific để thu thập thêm một số dữ liệu cho câu chuyện về đường sắt của nó và vì Gillette có một ngày nghỉ nên hai người tụi em tiếp tục đi quanh quẩn trong lúc Rose nói chuyện.

Tụi em nhìn thấy cả hai loại chuột túi kangaroo và wallaby ở gian hàng Úc. Một con kangaroo đang ngủ trưa trong chỗ nằm do nó khoét trong cát. Nắng chói chang và rất nóng trên chỗ nằm của nó ở ngay giữa khu sân rào dây kẽm và nó nằm ngửa thẳng lưng đưa tất cả chân lên, ngủ. Một con kangaroo cái đang bới cát làm chỗ nằm và một con khác nữa đang ăn bùn. Một con wallaby đang nhảy quanh. Nó giống như kangaroo nhưng nhỏ hơn và lông màu xám thay vì màu nâu vàng. Các chân trước của chúng nhỏ hơn rất nhiều và mất hẳn cân đối so với các chân sau có vẻ xấu xí và hình như vụng về khi chúng nhày.

Gian hàng Úc trưng bày hầu hết là hàng len và nước khoáng. Tòa nhà New Zealand ở gần bên. Hàng trưng bày của họ là các hàng gỗ, len và phim ảnh về các cảnh mùa gặt, câu cá, lướt sóng, những tàu chất đầy sò hến, dầu gai, len và phô mai xuất cảng. Cũng có một chương trình giới thiệu về gia súc gồm trâu bò và ngựa, mà qua hình ảnh em đã từng nghĩ, và quả là chúng rất hoàn hảo. Anh còn nhớ khi tụi mình nói về việc đi New Zealand không? Em thích những hình ảnh của xứ sở này nhiều lắm.

Tụi em đã đi qua tòa nhà Pháp và tòa nhà Bỉ, nhưng thời gian của tụi em rất hạn chế. Rose và em sẽ trở lại và lúc đó sẽ viết kỹ hơn về các nơi này. Cả hai đều tuyệt vời.

Tụi em gặp lại Rose tại khu vườn Hạ Uy Di Hawaiin Gardens trong tòa nhà vườn trại Horticultural Building. Các khu vườn đều là sự phối hợp hài hòa các khóm hoa với các bụi cây và một gian hàng thênh thang bán cà phê Hạ Uy Di, nước táo và hỗn hợp táo với nhiều thứ khác trên những chiếc bàn nhỏ. Giữa vườn có một vòi phun nước với các dây len, các bụi cây và các khóm hoa xung quanh. Vòi phun nước và một khoảng nhỏ được bao quanh với những sợi dây bằng vàng và bên trong có những bệ đá hoa đặt những chiếc lồng chim hoàng yến. Một phía là ban công dành cho một ban nhạc Hạ Uy Di đang trình tấu và ca những bài ca địa phương rất dễ thương. Lũ chim hoàng yến đã nghe những bản nhạc nhiều đến nỗi ở một số góc chúng cất tiếng tiếp tục điệu nhạc và hót phụ họa theo. Thật là thích thú. Nam nữ hầu bàn đều là người Hạ Uy Di và chỗ này đúng là một nơi tuyệt diệu để ngồi lại nghỉ ngơi, lắng nghe âm nhạc trong lúc nhấm nháp từng hớp cà phê hoặc thưởng thức hương vị nước táo ngọt ngào. Trong các khu vườn là mọi loại kỳ hoa dị thảo và những con cá vàng tung tăng giữa các hồ cá cảnh bằng đá. Có những cây dương xỉ xum xuê, những cây dương xỉ với cọng cành lớn ngang thân cây, vươn cao như những cây chà là và đủ thứ lạ lùng khác.

Từ đây tụi em đi tới tòa nhà thực phẩm Food Products Building trưng bày mọi thức ăn được chế biến để bán ra. Chuyện quá dài không thể viết hết trong một lá thư. Em sẽ kể lại về chỗ này cho anh sau.

Rồi tụi em tới tòa nhà của các ngành công nghiệp Manufucturerso Building và tại đó em đã nhìn thấy thứ mà em tin là sẽ cuốn hút anh. Đó là khu trưng bày Keen Kutter. Ở giữa một khoảng trống khoảng gần hai trăm bộ vuông là một con sông và một thác nước. Nhưng đợt sóng là các chuỗi xích, thác nước là các chuỗi xích. Mọi thứ trưng bày đều được làm bằng điện. Những lớp sóng xô gọn và xối tràn qua thác. Nước đang đảo lộn dưới chân thác và một con tàu mà thân tàu bằng thép là một con dao khổng lồ di chuyển ngang sông phía trên các thác nước và một con rắn vĩ đại làm bằng một thứ dao ăn tỏa sáng trườn ở dưới chân màn hình. Phía trên khung cảnh này là một vòm cuốn làm bằng những chiếc muỗng lấp lánh đủ kích cỡ. Ở góc tay phải phía trên là một con dao nhíp khổng lồ với bốn lưỡi đang mở ra, đóng lại và ở góc tay trái phía trên là một hàng bảy người thợ rèn đang đứng bên một chiếc đe, mỗi người nắm trong tay một thứ dụng cụ. Vào những thời điểm đã được định sẵn, một người rồi tới một người khác lần lượt đập lên vật đặt trên chiếc đe bằng chiếc búa của mình có vẻ như làm cho vật kia mỏng thành sắc. Trên đỉnh cao chính giữa hai chiếc cối xay gió làm bằng những lưỡi rìu đang tiếp tục quay. Ở mỗi bên của trung tâm (trung tâm là thác nước) đều có một vòi phun nước với những tia bụi nước làm bằng dây kẽm và nước làm bằng những mũi khoan theo cách hệt như khi anh dùng chiếc kẹp của anh. Phần trên của nước chỉ là những mũi khoan cỡ trung bình rồi tới một đường riềm quanh vòi nước và sau đó là một vòng tròn những mũi khoan lớn hơn. Tất cả đều chuyển động theo hướng khoan tới nên có vẻ như nước đang chảy xuôi, trút xuống riềm rồi lại chảy xuống. Ảo giác thật là hay. Tên “Dao nĩa Keen Kutter” được viết trên toàn thể món đồ bằng những khóa móc sáng bóng và tất cả đều chuyển động bằng điện.

Thật hết sức thú vị và lạ lùng được nhìn thấy con dao nhíp khổng lồ mở và đóng, rồi mở và đóng giống như nó là một vật sống và tự chuyển động.

Cuối ngày, khi tụi em trở về trên xe điện, một người đàn ông ngồi bên cạnh đang nhai kẹo cao su. Ông ta đội một chiếc nón cứng ngắc bó sát đầu và mỗi lần ông ta nhai, chiếc mũ lại đưa lên, hạ xuống tới hai inch, lên rồi xuống, lên rồi xuống với một nhịp thật đều tựa hồ ông ta đang được chuyển động bằng điện.

Gửi lời em hỏi thăm ông Nall.

Thương yêu

BESSIE

*

San Francisco

1 tháng Mười, 1915

Manly thân yêu,

Tối qua Rose cho em một đồng tiền vàng mười đô la. Thế là nó đã cho em 20 đô la và biến số tiền em sẽ mang về nhà thành 30 đô la tiền vàng. Em đã đổi sẵn 5 đô la là số tiền em tính sẽ phải tiêu trên đường về cho các khoản thuê giường ngủ trên xe, mua thức ăn… Em bàn chuyện trở về với Rose và nó ráng sức năn nỉ em ở lại cho tới khi hết hạn về là ngày 15 tháng Mười Một. Nó nói nó sẽ lo liệu ổn thỏa mọi việc trong thời gian em ở lại và em chỉ cần chịu ở lại thôi. Anh biết đó, nó đã cho em đều đặn mỗi tuần 5 đô la từ khi em tới đây.

Em đang tự hỏi có phải em đã kiếm ít hơn để góp vào việc trả nọ nếu em ở lại đây theo cách đó và liệu anh có thể làm xong công việc mùa thu và mọi chuyện sẽ tiến triển trong mùa đông. Thực tế như thế nào? Nếu em ở lại qua hết tháng Mười, như anh đã biết, em sẽ có 60 đô la để mang về nhà nếu không có gì xảy ra cho công việc của Rose và số tiền đó cũng giúp ích khá nhiều. Nhưng dĩ nhiên nó chẳng trang trải được bao nhiêu nếu anh bị mất mùa khoai tây hoặc các mùa vụ khác hoặc gặp một điều gì tương tự. Anh là người duy nhất có thể lên tiếng vì anh đang phải chịu khó nhọc và anh nắm vững mọi việc ở đó ra sao.

Gillette vừa lỡ cơ hội có một việc làm tốt trong tuần này do chậm khoảng một giờ. Hôm nay nó đã đi coi có thể lo liệu được một điều gì đó trong việc mua bán đất. Nếu làm xong, nó sẽ có 150 hoặc 200 đô la. Ngược lại, nó sẽ lỗ sở phí. Ở đây có rất nhiều nhà báo đang không có việc làm.

Gillette nghĩ rằng điều đó có lẽ do có quá nhiều người kéo đến ở lại cả năm để chờ coi Hội Chợ. Nó nói nếu nó kiếm khá hơn một chút, khoảng hai trăm đô la, nó sẽ cố giành lấy một việc làm ở St Louis hoặc thành phố Kansas. Rose bảo nó thích việc ở St Louis nhưng nó đã có một công việc rất tốt ở đây nên nó không thể từ bỏ cho tới khi nó đã khá hơn hoặc có một việc làm tốt bảo đảm lâu dài ở đó.

Mỗi tuần nó đang trích một phần lương bỏ vào ngân khoản tiết kiệm, ngoài ra là trang trải chi phí trong nhà, cho em và Gillette tiêu vặt trong khi đi kiếm việc. Nó kiếm việc làm thêm từng lúc và khi nhận tiền công nó trao hết cho Rose rồi mỗi ngày lấy lại vừa đủ chi các khoản tiền xe điện, ăn trưa và mua thuốc hút.

Thương yêu

BESSIE

*

BƯU THIẾP

(Trại gia súc Carnation, một trong những trại cung cấp sữa tươi cho các hãng làm sữa đặc)

Tối qua tới coi rạp “chiếu phim” trị giá 600.000 đô la, 4000 ghế ngồi. Lớn nhất nước Mỹ.

Thương yêu

BESSIE

*

San Francisco

4 tháng Mười, 1915

Manly thân yêu,

Hôm nay, em từ trung tâm thành phố trở về nhà một mình. Ông chủ của Rose, người tổng biên tập, gọi nó tới văn phòng vào lúc 12 giờ. Như anh biết, nó làm việc ở nhà và đang làm việc khá vất vả cho loạt bài về đường sắt sẽ khởi đăng trên số báo ra ngày thứ Năm. Nó sắp hoàn thành loạt bài này. Em đi cùng với nó coi người ta cần gì và nó nghĩ có khả năng ông tổng biên tập muốn thay đổi câu chuyện nó viết một chút.

Điều ông ta muốn nó làm là tới phỏng vấn một nhạc sĩ Áo đang tới hòa nhạc ở đây. Ông ấy là một nhân vật quốc tế và là một danh tài tuyệt diệu về vĩ cầm. Ông ấy đã phục vụ bốn tuần lễ trong quân đội Áo chống lại quân Nga và bị thương nên họ thải ra không dùng nữa. Ông ấy đã đưa ra một số lời tuyên bố trên báo chí về cái hậu quả không một thứ giá trị nào tồn tại nổi ở Âu châu khi mà chiến tranh lan tràn qua mà không có một điều gì được thực hiện để cứu vãn một chút cỏn con khỏi cảnh tàn phá.

Ông ấy dành hết số tiền kiếm được nhờ các buổi trình diễn cho các nghệ sĩ ở Âu châu (mang mọi quốc tịch) đang cần được cứu giúp để có thể sống sót. Ông ấy nói những người đó đang chết đói sau khi bị đẩy ra khỏi quân đội giống như trường hợp của ông ấy. hai vợ chồng ông ấy nhận nuôi bốn mươi ba đứa trẻ mồ côi, vốn là con của các binh sĩ, được cung cấp thực phẩm, quần áo và lo dạy dỗ chúng giống như con đẻ thực sự của họ.

Ông chủ của Rose đã nhắc nó tới gặp và viết một câu chuyện về cuộc đời của ông ấy để sẵn sàng khởi đăng vào thứ Năm thay chỗ cho cái bài mà nó đang viết. Bài kia sẽ được in sau. Điều này có nghĩa là nó phải viết gấp để kịp đi trước các báo.

Thế là nó chạy đi làm phỏng vấn còn em trở về nhà.

Có một phần ngôi nhà là lối đi xuống ngọn đồi tụi em ở được xây dựng bằng những vật liệu lấy ở Horn về từ lâu rồi. Người đàn ông dựng ngôi nhà này và vợ ông ta sống tại đó cho tới già. Lúc đó hai người cãi cọ với nhau và người đàn ông làm giấy tờ hợp pháp hóa cho vợ một nửa ngôi nhà cùng một nửa lô đất. Ngôi nhà bị cắt thẳng ở chính giữa. Ông ta rời về sống trong nửa ngôi nhà cùng nửa lô đất của mình và họ sống như thế ở đó cho tới khi qua đời. Ngôi nhà dựng trên lô đất từ phố kéo ngược lên đồi.

Một bức tường đá cao chạy dọc theo đường phố và có một cổng lớn bằng sắt dẫn vào phía trong. Bước qua lớp cổng sắt này, người ta sẽ leo bốn bậc đá rồi quẹo sang bên, leo lên một dãy bậc đá khác. Tất cả những bậc đá đều nằm ở phía trong bức tường. Hai bên những bậc đá và cao vượt lên khỏi đầu là đá cứng. Tận cùng những bậc đá này ở trên cao, người ta tới một khoảng trống do một lối đi bằng đá. Từ đây, người ta có thể đi vòng trên đầu những bậc đá trên các cột lan can nhỏ bằng đá tới một hành lang nhỏ bằng đá nhô ra phía trên đường phố hoặc quẹo theo hướng khác leo một vài bậc đá tới một lối đi nhỏ, leo tiếp vài bậc đá nữa rồi tới những bậc thang bằng gỗ tới trước cửa của ngôi nhà. Từ cửa trước ngôi nhà có thể nhìn qua nóc những ngôi nhà ở phía dưới và nhìn ra vịnh. Cô bé họa sĩ Berta, người đã minh họa một ít câu thơ của em thuê phần trước của ngôi nhà và đang chuyển tới.

Em thích đi theo lối đó vì cảm thấy an toàn khi leo lên những bậc đá ở phía sau bức tường.

Tối thứ Bảy ở đây có một cơn động đất nhẹ hoặc ít nhất là báo chí đã nói thế vào sáng hôm sau. Phần em chẳng cảm thấy có gì cả. Động đất suốt dải bờ biển và nặng nhất là ở Nevada.

Lúc này chắc hẳn anh đã nhận được lá thư của em nói về việc em đi tàu ra ngoài khơi để ngắm cảnh hoàng hôn nhưng anh phải chịu nghe nói lại nữa. Đó là một con tàu nhỏ sơn trắng với phí tổn năm mươi xu mỗi người. Tụi em đi trong một giờ. Tàu khởi hành từ chỗ cắm neo trong bãi đậu thuộc khu vực hội chợ hướng thẳng tới Golden Gate, phía mặt trời đang xuống. Rose và em đứng trên boong ngay phía mũi tàu là nơi mà tụi em chỉ nhìn thấy hàng lan can và vài bộ boong tàu phía trước ngoài ra là nước. Tụi em nắm chặt một sợi dây và đứng hơi dang rộng hai bàn chân. Ôi, tuyệt làm sao khi tụi em bắt gặp đại dương dâng lên mở lớn gần Gate.

Tụi em đi ngang khu Hội Chợ, qua mũi đất Presidio tới Golden Gate và có mặt ở đó đúng vào lúc mặt trời chìm xuống khỏi tầm nhìn. Sau đó tụi em quay lại đi vòng trở về theo bờ vịnh bên kia, lướt qua dưới pháo đài cao nhất thế giới mà tụi em đã biêt có những họng súng khổng lồ đang ẩn khuất, qua các tòa nhà của pháo đài quanh chân núi và qua dưới ngọn hải đăng trên một mỏm đá, qua đảo Angel là nơi đặt trạm kiểm dịch, rồi băng thẳng qua vịnh trở về chỗ cắm neo. Sương mù bao kín xung quanh khiến tụi em không nhìn thấy đất liền trong lúc lướt trên mặt biển màu xám như đang bị nuốt trôi vào lớp sương mù màu xám. Gió thổi tạt sương mù và bụi nước vào mặt tụi em và con thuyền trồi lên, chúi xuống dưới chân với vẻ tự hào. Đi trên tàu phà không thú vị nhiều như thế vì tàu phà lớn nên lướt đi vững vàng hơn.

Em mừng là ông Nall ở bên anh và mừng là anh đang thu hoạch bắp còn đậu đã được lo cẩn thận cùng hàng loạt những việc khác đã làm xong. Cho em gửi lời thăm hỏi tới ông Nall.

Thương yêu

BESSIE

*

PHẦN GIỮ KÍN

Lúc này Gillette đã có việc làm ở báo Call trong một tuần nên nó cảm thấy khá hơn. Em phải nói với anh rằng sống trong một thành phố mà không có việc làm thì chẳng còn gì thú vị cả.

Rose đã trảo cho nghiệp đoàn(9) câu chuyện của nó viết về Charlie Chaplin. Nghiệp đoàn chịu chi mọi phí tổn, lo liệu bán cho các báo, các tạp chí và Rose chỉ lãnh một nửa số nhuận bút được trả. Họ nói với nó rằng họ nghĩ là sẽ bán được câu chuyện đó cho các tờ báo ở các thị trấn nhỏ và thu về số nhuận bút 500 đô la một tuần trong năm tuần liên tục. Một câu chuyện đăng tải trong năm tuần và các báo phải trả tiền như thế để được in thì thật là quá nhiều trong một tuần. Rose nghĩ rằng họ đã nhìn vấn đề hơi quá với thực tế nhưng nó cũng hy vọng sẽ thu về được một khoản nào đó.

Càng nhìn cách thức làm việc của Rose, em càng thấy hài lòng được chăm sóc cho lũ gà. Em vẫn muốn viết một cái gì đó cho đáng giá nhưng em không chịu cho công việc cuốn đi như nó và em không hiểu bằng cách nào nó có thể duy trì nổi mức làm việc như thế.

Thương yêu

BESSIE

*


(9) Một Nghiệp Đoàn chuyên cung cấp những bài viết hoặc những câu chuyện được viết riêng cho một tờ báo nào đó tới tất tất cả những tờ báo khác, tạp chí khác trên khắp nước để đăng lại. Do hoạt dộng của Nghiệp Đoàn này, có nhiều bài viết đã được đăng tải trở lại trên hàng trăm tờ báo và tạp chí. Những tờ báo nhận đăng tải trở lại này phải trả một khoản nhuận bút tương đối thấp hơn và tác giả thu về một phần nào đó tùy theo sự thỏa thuận với Nghiệp Đoàn.

San Francisco

6 tháng Mười, 1915

Manly thân yêu,

Chắc anh còn nhớ lá thư mới nhất mà em viết khi em một mình từ thành phố trở về nhà. Này, điều quái đản nhất đã xảy ra. Khi về tới nhà, trước lúc viết thư cho anh, em đi xuống gặp cô bé họa sĩ. Em sợ là Rose có thể bất chợt về nhà trong lúc em đi vắng và sẽ lo ngại về việc đó nên em ghi lại mấy chữ cho nó biết em đang ở đâu. Khi từ chỗ Berta trở về, em không lưu tâm tới mảnh giấy để trên bàn, cứ đi thẳng vào phòng viết thư cho anh bằng chiếc máy chữ. Đúng là Rose lo ngại về em trở về nhà một mình nên nó tính toán thời gian em đã ở nhà để gọi điện thoại từ thành phố về. Dĩ nhiên lúc đó em không thể trả lời vì đang ở nhà Berta và nhân viên bưu điện báo cho nó biết là không có người nghe điện thoại.

Nó chấm dứt cuộc phỏng vấn Fritz Kreisler, quay lại tòa báo để làm cho xong công việc và ngay lập tức nó lại điện thoại về từ tòa báo. Vẫn không có trả lời. Nó rất lo lắng nhưng phải tới Sở Báo Chí Thành Phố và trong lúc nó làm việc tại đây, một cô gái ở văn phòng của bà Beatty cố liên lạc với em. Rose trở ra và cô gái cho biết là không thấy em trả lời khiến Rose phát hoảng, lên xe điện tức tốc chạy về nhà. Dọc đường nó đinh ninh là em đã bị xe cán chết và nhớ ra là em không mang theo thứ gì để người ta có thể truy tìm lý lịch. Nó lao qua cửa với ý định gọi điện thoại tới bệnh viện cấp cứu và tại đó, nó nhận ra mảnh giấy của em cho nó biết em đang ở chỗ Berta. Nó không ngừng lại đủ để nghe tiếng mãy chữ đang lách cách trong phòng ngủ mà phóng ra cửa, chạy xuống chỗ Berta. Berta nói là em đã đi khỏi khoảng bốn mươi lăm phút rồi nên nó chạy qua nhà bà Beatty ở bên kia phố. Ở đó không có em. Thế là Rose vội vã tới cửa tiệm tạp hóa nhỏ mà nó thường mua đồ gần như nằm trong một con đường hẻm, nhưng cũng không thấy em nên nó phóng về nhà và trong lúc băng ngang phòng tới gọi điện thoại cho cảnh sát cáp cứu thì nó nghe thấy tiếng máy chữ và tìm thấy em đang bình yên ngồi viết thư cho anh.

Em nói chắc nó nghĩ em đã kiếm ra cách nào đó để trở về nhà nhưng nó sợ là em đã gặp tai nạn. Nó bảo hàng ngày đều có người, thậm chí nhiều người, đã bị xe hơi cán và nói thêm là nó sẽ không bao giờ còn để em lọt ra ngoài tầm mắt của nó. Tuy thế, hôm qua em vẫn xuống phố và quay trở về một mình và em đã phải băng ngang phố Market là con phố tồi tệ nhất trong thành phố để tới tòa báo Bulletin. Em không gặp rắc rối gì.

Sương mù ở đây dày đặc từ nhiều ngày. Suốt ngày đêm, lúc nào cũng nghe tiếng còi trên các hòn đảo và mũi đất, trên các tàu phà thả neo trong vịnh kéo dài báo hiệu sương mù. Tụi em không thể nhìn thấy gì trên khắp các bờ vịnh San Francisco, ngoại trừ vài ngôi nhà ở rất gần trên đồi Russian Hill. Tiếng còi hụ báo sương mù buồn nản và kéo dài giống như những linh hồn lạc lõng đang réo gọi nhau trong khoảng không. (Dĩ nhiên chẳng có ai nghe được tiếng réo gọi của một linh hồn lạc lõng, nhưng đó là cái cách nghĩ mà tiếng còi khơi lên). Đồi Russian Hill tựa hồ đang bồng bềnh trên một vùng biển xám khiến Rose và em đã có ý tưởng ngông cuồng rằng nó bị tách rời khỏi đất liền ở đây và đang trôi tới Nhật Bản. Đó là cái cảm giác tự nhiên dấy lên.

Có tám con tàu viễn dương lớn ở ngoài Golden Gate không nhận rõ hướng đi do bị sương mù và đang nằm chờ. Trong số đó, một là tàu chở khách từ Viễn Đông, một là tàu quân dụng Mỹ, một là tàu vận tải Hy Lạp. Số còn lại là tàu chở khách từ các thành phố duyên hải và một chiếc trong số này đầy ắp hành khách và thủy thủ đoàn từ một con tàu bị đắm phải bỏ lại. Tất cả đều ở đó, gần sát đất liền nhưng không thể tiến vào.

Em phải nói với anh về chuyện Rose phỏng vấn Fritz Kreisler, nhạc sĩ vĩ cầm người Áo từng sống dưới các chiến hào suốt bốn tuần và bị thương tới mức không còn thích hợp trong quân ngũ nữa. Em nhớ là em đã viết cho anh rằng ông ta gửi tất cả những gì kiếm được để giúp đỡ, không phải ủng hộ chiến tranh mà chỉ nhắm cứu những nghệ sĩ khác khỏi chết đói và chăm sóc bốn mươi ba đứa trẻ mà ông ta nhận nuôi.

Ông ta nói không có thù hận lẫn nhau giữa những người lính và tất cả những chuyện man rợ do người lính thuộc phía này dành cho người lính bị thương thuộc phía kia rõ ràng chỉ là chuyện do báo chí dựng lên và được thổi phồng mãi để nuôi dưỡng sự căm phẫn trong quần chúng hầu tạo nên lòng thù hận. Ông ta nói rằng cả hai phía, Đức và Nga, khi thu thập thương vong trên chiến địa đều không phân biệt người thuộc phía nào và đối xử với tất cả như nhau.

Trong số những đứa trẻ đang được ông ta cung cấp có ba đứa thuộc các gia đình người Nga.

Bà Kreisler là một nữ y tá trong quân đội Áo. Ông ta nói rằng bà ấy dễ xúc động tới mức bất kỳ thương binh nào không thể yên tâm nhắm mắt do còn lo lắng cho những đứa con, bà ấy đều hứa nếu ông Kreisler sống sót trở về hai vợ chồng sẽ chăm lo chu đáo cho đứa trẻ. Khi ông trở về, bà đã hứa với bốn mươi ba người trong số có ba người lính Nga.

Ông ta kể rằng trong một trận đánh quân Áo phải rút lui, quân Nga đã thu thập những người thương vong trong số có một binh sĩ Áo bể xương quai hàm. Họ đã cố điều trị vết thương tới mức tối đa nhưng người kia vẫn không thể ăn nổi các thức ăn cứng. Trong đại đội chỉ có một ít trứng và họ đã dành hết lại cho người lính Áo bị thương để ra đi tay không và không biết phải chịu đựng thèm thuồng như thế bao lâu nữa. Ông Kreisler biết rõ chuyện này vì chỉ vài ngày sau đó quân Áo tấn công chiếm lại được vị trí và người lính Áo bị thương đã kể lại với họ. Chuyện rất đáng kể vì quân đội Nga đang không có đủ thức ăn. Xin nhớ rằng đây là câu chuyện do một người Áo kể về người Nga. Rose nói cả hai vợ chồng ông Kreislẻ đều là những người đáng yêu nhất mà nó được gặp.

Ngày mai tụi em sẽ tới giảng đường Greek Theater để nghe ông ta trình tấu nhạc.

Ở đây giá trứng hiện nay là năm mươi xu một tá.

Anh nhớ giữ gìn sức khỏe và lưu tâm tới Inky. Em đang lo lắng chờ đợi câu trả lời cho lá thư mà em hỏi anh coi nên ở lại đây bao lâu nữa. Nếu em ở lại cho tới khi vé hết hạn tức là tới ngà 15 tháng Mười Một thì Rose có thể đưa em đi một chuyến tàu tới Los Angeles. Nếu em không ở lại tới ngày đó, em sẽ bỏ chuyến viếng thăm Los Angeles cùng chuyến đi tàu biển và trở về nhà khi vé của em chưa hết hạn.

Thương yêu

BESSIE

*

San Francisco

14 tháng Mười, 1915

Manly thân yêu,

Đã nhiều ngày không viết thư cho anh nên em bắt đầu trở lại từ chỗ em ngưng.

Rose và em đã tới Berkeley để nghe nhạc sĩ Áo Kreisler trình tấu vĩ cầm. Như anh đã biết, thế là lại có một chuyến đi ngang qua vịnh luôn luôn thích thú, rồi một chuyến xe tàu điện qua Oakland vì lần này tụi em ghé cầu tàu Oakland, sau đó là một cuộc đi bộ qua khuôn viên trường đại học tới Greek Theater mà em đã tả cho anh nghe trong thư trước.

Về đêm ở đây đẹp tuyệt vời. Ánh đèn chiếu sáng cho tới khi mọi người đã ngồi yên và khi buổi hòa nhạc bắt đầu thì tất cả đều phụt tắt ngoại trừ ánh đèn trên sân khấu. Sân khấu và các bức tường phía sau giống như những cánh gà của một rạp hát đều bằng đá hoa màu trắng và phía trên cùng là những cây thông cao vút, những cây khuynh diệp xum xuê che phủ. Những ngọn đồi vươn lên xung quanh khán đài vòng cung khiến những hàng ghế tiếp tục nhấc cao mà vẫn tựa vào sườn đồi vững chắc phía sau. Những ngọn đồi tiếp tục vươn cao hơn các hàng ghế với những hàng cây lớn nên tụi em đã ngồi trong rạp hát với cây bao bọc xung quanh và trên đầu. Ánh trăng chiếu ngay trên sân khấu và tất cả đều tuyệt đẹp khi chiếc vĩ cầm của Kreisler bắt đầu lên tiếng. Phụ họa cho Kreisler là một dàn nhạc đàn dây hoàn hảo. Chưa bao giờ em được nghe thứ âm nhạc tuyệt vời như thế. Tụi em ngồi suốt hai giờ đồng hồ gần như nín thở để lắng nghe. Các dãy ghế đều đông nghẹt và tất cả mọi người chỉ được nhận ra như những vệt tối mờ với những khuôn mặt màu trắng. Hết thảy đều bất động lắng nghe với mức tập trung cùng cực.

Sau đó lại có chuyến đi ngang vịnh và xe điện để trở về nhà. Tụi em về tới nhà vào lúc một giờ khuya và rất mệt. Nhưng, ôi, hôm sau tụi em còn cứng đờ do ngồi quá lâu trên những chiếc ghế đá cứng, lạnh ngắt đến nỗi khó thể cử động. cơn mệt đã tác động tới mắt em và khiến em không thể vận dụng nhiều từ đó. em có nói với anh về cặp kính lúp trang trí giống như bằng vàng mà em mua tại cửa hàng mười xu ở đây chứ? Nó giúp em khá nhiều. Em không thể đọc hoặc viết nếu thiếu chúng nhưng mắt em quá mỏi ngay cả khi dùng chúng khiến em sợ là người đàn ông ở Springfield đã nói đúng và mắt em cần phải có một cặp kính như thế.

À, một bữa khác khi Rose và em đi bộ xuống phố, tụi em nhìn thấy trong tủ kính của một cửa hàng đồ cổ, một chiếc đồng hồ bạc nặng ba pao. Nó được làm cho một người kiếm vàng bằng thứ bạc đầu tiên đào được tại California. Nó được làm vào năm 1848. Bên cạnh nó là một chiếc khay nhỏ để đồng hồ nạm ngọc đẹp cùng cực được làm trong thế kỷ 16 (400 năm trước) tại Pháp.

Khoảng năm giờ Chủ nhật, Rose viết bài xong và cùng với em lên xe điện ra bãi biển. Tụi em bắt đầu từ Land’s End đi bộ vòng theo bờ biển tới Cliff House. Dừng lại trên ba công Cliff House ngắm mặt biển một hồi rồi đi xuống mé nước cho những gợn sóng có thể cuốn quanh bàn chân và nhìn những màu sắc lạ kỳ của anh sáng hoàng hôn đang nhạt dần trên mặt biển, trên bầu trời trong lúc bóng tối buông xuống bao trùm mặt nước. em hết sức yêu biển - ngắm nhìn biển, nghe tiếng biển và đón hương vị của biển.

Thứ Ba Rose và em qua suốt ngày tại Hội Chợ. Nó dành cho em sắp đặt ngày hôm đó theo ý thích nên tụi em xuống phố sớm - tới hội chợ khoảng 9g30.

Trước tiên, tụi em đi coi những con kangaroo và wallaby. Chúng ở trong khu sân rào dây kẽm giữa các tòa nhà Úc và Tân Tây Lan Australian Building và New Zealand Building. Cấu trúc và xây dựng ở đó là sự phô diễn kỳ diệu nhất những loại gỗ địa phương mà tụi em chưa từng nhìn thấy.

Em không biết những thứ gỗ đẹp như thế có ở mọi nơi không nhưng em ao ước anh và ông Nall được nhìn thấy chúng. Gỗ được trưng theo đủ loại từ gỗ còn dạng thô, gỗ cắt phiến, gỗ đã pha tới ván xẻ. Rồi tới các loại gỗ đã được chuẩn bị xong, đánh bóng tự nhiên và những món đồ đóng bằng mỗi thứ gỗ. Hồ đào là thứ gỗ dễ thương nhất. Có một phòng ngủ được dựng tại đó. Giá 2000 đô la. Còn có nhiều thứ gỗ sồi khác nhau trong số có loại “sồi tơ” bóng mịn như lụa vân. Thông cũng có nhiều thứ và có rất nhiều thứ gỗ khác. Gỗ cứng của Úc hầu hết là loại chịu lửa và một số loại gỗ ngâm trong nước ba mươi năm vẫn tốt cũng được mang ra trưng bày. Tất cả các loại hạt ngũ cốc cùng rau cỏ lạ đều có mặt bên những núi len, kim loại và chất khoáng. Tụi em gặp hai nhà báo Úc, các “nam ký giả” như họ tự gọi.

Họ kể rát nhiều về Úc châu và tặng tụi em một đống tài liệu mà em sẽ mang về nhà. Một trong hai người là một ông lớn gì đó. Ông ta có một bộ ria mép trông khó chịu, được vuốt sáp và xoắn thật chặt cho nó chĩa thẳng ra và trên khóe miệng ông ta còn một vết thẹo do mũi kiếm kỵ binh cắt qua.

Từ Úc châu, tụi em qua nước Pháp mà chỉ cần băng ngang một đường phố. Đây là một lâu đài lớn bằng đá hoa trắng và tụi em dừng tại đó hai tiếng rưỡi đồng hồ, đi quanh xem ngắm suốt thời gian đó mà hình như mới chỉ là vài phút. Có những chiếc áo dài ngủ dễ thương, những chiếc nón, những đôi giầy, găng tay của phụ nữ cùng những chiếc sơ mi, những kiểu giầy và găng tay của nam giới chế tạo đẹp nhất (bằng mọi loại vải) vượt mức tưởng tượng. Có cả những bức họa và những bức tượng nổi tiếng trên thế giới. Có những tấm thảm thêu cổ mỗi tấm phủ kín hết một bức tường. Rose và em ước tính một số tấm rộng năm mươi và dài bảy mươi bộ. Thử tưởng tượng một bức tranh lớn cỡ đó được một họa sĩ nổi tiếng vẽ rồi thêu bằng những sợi chỉ màu đẹp nhất trong cách hòa hợp dịu dàng và hoàn toàn vượt lên theo thời gian. Chúng thật tuyệt vời. Màu da người cùng các gam màu trời, màu cây cỏ, màu những con ngựa, những bầy chim cùng hoang thú và màu đất, màu nước, tất cả đều hoàn hảo và không hề phai nhạt. Một số thảm được làm tại Brussels, thủ đô Bỉ, lúc này do người Đức chiếm. Còn có một khung giường chạm khắc và mạ vàng cùng một khung xe cổ làm từ 500 năm trước khi vua Louis XIV trị vì nước Pháp. Cũng thật kỳ diệu là những đồ thủ công mỹ nghệ bằng đồng dát bạc và những đồ gỗ cổ cùng các tấm thảm làm cho vua Louis XIV. Em không thể tả hết cho anh nghe nhưng em sẽ mang về một tập cataloge và sẽ duyệt lại cùng với anh.

Em nghĩ họ đã dành cho nước Mỹ một sự tán trợ hoàn hảo qua những món đồ trưng bày. Họ còn trưng bức tượng đồng “Người Của Thời Khắc 1776” là một chiến binh cách mạng Mỹ như anh biết. Em nhận ra nhân vật được tạc ngay khi nhìn thấy và bên cạnh đó là một gian hàng phòng nhỏ đầy những vật dụng cá nhân của tướng Lafayette, người đã chiến đấu bên cạnh Washington. Có một bàn giấy, một chiếc ghế ông ấy thường dùng, một cặp kiếm bắt chéo của ông ấy, một ngọn đèn, một lọ mực bằng sừng và chiếc mũ cũ kỹ mà ông ấy vẫn mang giống hệt như trong các bức hình mà mình thường nhìn thấy. Có một bức chân dung của ông ấy và một bức chân dung của tướng Washington cùng các tướng lãnh Pháp khác từng giúp đỡ chúng ta.

Ôi, em phải nói cho anh nghe về những dây chuỗi kỳ diệu các hạt trai trắng, hồng và đen. Rồi tới những viên ngọc độc đáo có cả hai màu trắng, đen và lớn ngang một trái trứng gà gô.

Có một gian phòng nhỏ kéo dài. Khi bước vào chiếc cổng vòm đang mở để vào trong đó và nhìn xuống, tụi em thấy hai bên là những bức tranh lớn về các cảnh chiến đấu trong cuộc chiến cũ giữa người Pháp và người Đức. Có những thành phố đang bốc cháy, những người đang chiến đấu trên đường phố. Những tướng lãnh trên lưng ngựa đang dẫn đầu đoàn kỵ binh tiến vào. Tranh ảnh đủ mọi loại treo khắp chiều dài những bức tường cho tới gần đoạn cuối xa mút. Ở đó, mỗi bên là một bức họa chúa Giêsu đang chịu đóng đinh trên cây thập giá, những bức họa độc nhất mà em từng nhìn thấy không có vẻ khủng khiếp. Những bức họa này thật tuyệt vời. Giữa những bức họa và chính giữa phòng là bức tượng đồng. Đau xót khắc một phụ nữ đang khóc. Một điều thực tế nhất. Bức tượng gần như khiến em khóc khi ngắm nó. Ở cuối phòng, che kín bức tường chắn với những bức họa chúa Giêsu ở hai bên và bức tượng người phụ nữ khóc đặt phía trước là một bức họa về quân đội Pháp. Đó là một doanh trại về đêm với ánh đèn canh phòng leo lét ở một phía, Súng ống chất thành một hàng nhỏ dần, nhỏ dần theo khoảng cách. Ngọn cờ cuốn lại, đặt nằm trên đầu những cây sung ở gần và tất cả những người lính đang cuộn mình ngủ trong những tấm mền. Bình minh chỉ đang rạng theo chân trời và trên những đám mây đang trôi đi là “quân đội Pháp hư huyễn”, em nghĩ là bóng ma của tất cả những người, ngựa đã nằm xuống trong các cuộc chiến. Toàn thể bức họa là một cảnh sống thực kỳ diệu nhất mà em được nhìn thấy và là một điện đài thương tưởng đau xót.

Từ nước Pháp, tụi em tới Bỉ là một phần phụ của tòa nhà Pháp French Building và đầy ắp những thứ mà nước Bỉ nghèo nàn có thể gom nhặt được từ sự hoang tàn. Có một bản đồ hình nổi, một mô hình thành phố Brussels, vài bức họa cổ rất đẹp, tượng Hoàng đế Albert và Hoàng hậu Elizabeth bằng đá hoa trắng giống hệt những bức hình mà mình đã có tại Metropolitan. Sau khi coi gian hàng Bỉ, tụi em tới tòa nhà trưng bày thực phẩm Food Products Building, mua hai chiếc bánh nướng Tô Cách Lan rồi đi tới phòng trà East Indian ở trong cùng tòa nhà, gọi trà và bánh ngọt ăn chung với bánh nướng và ngồi nghỉ ít phút.

Sau đó tụi em quay lại và sau khi ngắm những con kangaroo, tụi em đi vào tòa nhà Tân Cách Lan New Zealand Building đang chiếu phim ảnh về nông thôn và người ta ở đó. Anh có nhớ lúc tụi mình có ý nghĩ ngớ ngẩn là tới Tân Cách Lan trước khi tới Florida không? Chắc chắn đây là một xứ sở vĩ đại. Phim ảnh cho thấy đang thu hoạch lúa trên những ngọn đồi không thể dùng máy vì quá gồ ghề nên phải cắt bằng loại liềm buộc chặt vào bàn tay và đập bằng nèo. Vụ mùa được giới thiệu thuộc về một vùng đất hơi mấp mô. Trong đồng có bốn người thợ gặt và lúa thật tốt. Lúa được kéo từ đồng về và đập ngay trước mắt tụi em.

Tụi em cũng được xem xét việc chất đầy những con tàu tại bến cảng đủ thứ sò, hến, dầu gai, phô mai, len và thịt cừu đông lạnh. Có nhiều hình ảnh về những bầy cừu vĩ đại, những con chó chăn cừu và người chăn cừu, hàng trăm hàng trăm con cừu. Tụi em thấy chúng bơi qua những bể chứa nước và được xén long. Tụi em cũng nhìn thấy những thổ dân xấu xí ở trên đảo thường là những bộ lạc ăn thịt người tại Úc và Tân Tây Lan. Tụi em còn nhìn thấy hồ nước nóng và những vách đá đang bốc hơi.

Tin em đi, em ngồi ở khá xa. Những vách đá cao đang trút nước nóng từ các dòng suối xung quanh vào trong hồ và ở nơi nào có suối chảy ra từ vách đá hoặc có nước phun lên đều bốc cao những đám mây hơi nước. Một con thuyền chở đầy người bơi trên hồ nước nóng giữa đám hơi bụi nước mù mịt bao quanh. Nước nóng tới nỗi không ai dám thò tay xuống - một người đã thử và bị phỏng. Cũng có nhiều dòng suối và suối nước nóng ở nơi khác rồi những hình ảnh về tắm sóng trên bãi biển, nơi có nhiều người ôm những tấm ván trượt đứng chờ sóng dâng lên thì thả xuống và leo lên ván cho sóng đưa vào bờ.

Khi qua khu này, tụi em xuống Marina là con đường bộ dọc theo bờ biển và nhìn thấy con tàu chiến màu xám cùng nhiều tàu phà, tàu thuyền khác đang chỉnh theo hướng gió để cập bến Columbus vào buổi tối. Sau đó tụi em qua những khoảnh sân dễ thương tới một cổng ra vào là nơi tụi em đón xe điện trở về nhà. Đã quá trễ để ra khơi thăm con tàu chiến như ý định nên tụi em đành phải gác tới ngày hôm sau.

Sao nhỉ! Em đã nói với anh về lý do em đổi địa chỉ nhận thư rồi mà. Thư của mình gửi về tòa báo Bulletin được chuyển thẳng lên văn phòng của bà Bessie Beatty trút lên bàn giấy giữa một đống giấy tờ cho năm người bất cẩn ở đó sờ soạng và em đã không nhận được lá thư của anh kèm trong một lá thư của Wilheim. Vì thế, em gửi cho anh địa chỉ nhà riêng nơi tụi em đang ở là số 1019 B. Vallejo St., San Francisco.

Thương yêu

BESSIE

*

Rose viết cho Almanzo gửi kèm theo lá thư của mẹ ngày 14 tháng Mười.

 

Ba thân yêu,

Có một điều đang xảy ra mà con nghĩ Ba nên biết, dù theo con thì điều đó đặc biệt là một chuyện phiền muộn khi nhìn ngắm. Con thấy Mẹ Bess không nói gì về chuyện này trong các lá thư của Mẹ, nhưng con hiểu rõ lý do Mẹ làm thế. Dù sao, con cảm thấy hoàn toàn hợp lý là Ba nên biết và con nghĩ rằng bổn phận của con là thông báo cho Ba.

Mẹ Bess đang mập ra.

Con không biết có phải vì Mẹ ăn cá hay không. Mẹ ăn cá rất nhiều. Tuy nhiên, cá vẫn được coi là món ăn bổ óc. Con không khi nào nghe nói cá làm cho mập.

Có thể là do món bánh nướng Tô Cách Lan. Đó là thứ bánh nóng giòn rụm rất ngon, tét đầy bơ và mứt. Mẹ ăn luôn hai chiếc mà không ăn nhằm gì. Có lần Mẹ ăn ba chiếc. Sau đó Mẹ cảm thấy khó chịu và thắc mắc Mẹ đã ăn món gì. Có thể đúng là do món bánh nướng.

Con sẽ không đưa Mẹ tới quầy bán bánh nướng nữa. Chỗ đó thật nguy hiểm dù theo cách nào, bởi nó ở sát nơi trưng bày cá và Mẹ đứng ngoài các lồng kính nhìn vào những con cá hồi, cá thu, cá bơn, tôm, cua theo cái cách mà trong từng phút con sợ muốn chết là Mẹ không thể tự kìm hãm nổi lâu hơn cái việc đập bể lồng kính để ăn một thứ gì trong đó. Ngay cả khi đã có trong tay hai chiếc bánh nướng, một bịch bắp rang trộn mỡ, một gói mười lăm xu quả hạnh ướp muối, một chiếc bánh ngọt, một bịch khoai tây chiên Saratoga, Mẹ vẫn nhìn những con cá theo cùng một cách.

Không, con sẽ không để Mẹ tới quầy bán bánh nướng một lần nào nữa. Con sẽ tự đi mua một mình và mang về. Hoặc là con sẽ để Mẹ dừng lại bên những khẩu súng lớn, chỗ người ta rang gạo. Ba có ăn gạo rang khi nào không? Ngon hơn cả bắp rang đó. Gillette vẫn ăn gạo rang trộn với bơ và muối. Mẹ Bess vừa cắt ngang con - con cho là mình đang viết câu chuyện “Phía Sau Ánh Đèn Sân Khấu” - thì Mẹ cắt ngang và nói “Bữa trưa xong rồi”. Khi Mẹ nấu bữa trưa thì ngon tới mức mà Ba không thể nào không ăn thêm. Con sợ vào lúc Ba có bữa ăn trưa đó thì Mẹ còn mập hơn nữa.

Dù sao con đã làm xong bổn phận thông báo với Ba.

Yêu Ba nhiều lắm

ROSE

*

Và vẫn lại Rose phải viết

San Francisco

20 tháng Mười, 1915

Ba thân yêu,

Con đã nghĩ viết cho Ba sớm hơn và hy vọng Ba không lo lắng về việc không nhận được thư của Mẹ Bess. Tuần trước Mẹ bị tai nạn xe điện nhưng lúc này ổn hết rồi. Mẹ không muốn bất kỳ ai ở Mansfield biết chuyện đó vì Mẹ bảo giống như Mẹ không thể tự lo nổi cho mình ở một thành phố nhưng vì đã lâu không viết cho Ba nên Mẹ nghĩ tốt hơn là con nên viết và cho Ba biết.

Thực ra Mẹ chẳng có lỗi một chút nào. Mẹ đang ở trong thành phố cùng với Gillette và anh ấy nhảy xuống xe trong lúc xe đang chạy nhanh. Mẹ đột ngột đứng dậy ngạc nhiên cách anh ấy làm và ngã xuống. Đầu Mẹ đập vào mặt đường lát đá và có vẻ khá tồi tệ một hồi lâu nhưng Mẹ được đưa ngay vào một bệnh viện và bác sĩ nói không có gì nguy hiểm, chỉ là một chấn thương bên ngoài không động tới xương hoặc bất cứ thứ gì khác. Mẹ sẽ về nhà trong ngày hôm nay.

Thật ra không may vì Mẹ bị mất trọn một tuần lễ và có lẽ phải thay đổi mọi dự tính trước khi Mẹ có thể đi quanh trở lại để xem ngắm nhiều thứ. Tụi con không đòi được một khoản bồi thường nào ở công ty xe điện vì không phải lỗi của họ.

Mẹ đã nằm tại một bệnh viện hạng nhất ở thành phố và hoàn toàn thoải mái, ngoại trừ bị nhức đầu. Dĩ nhiên Mẹ vẫn còn hơi yếu do cú ngã và mọi thứ, nhưng những điều đó sẽ qua đi trong vài ngày thôi. Mẹ đã viết cho Ba một lá thư dài và cầm trong tay khi xảy ra tai nạn. Tụi con không tìm thấy lá thư và cho rằng nó đã được một người nào đó lượm và gửi tới Ba. Trong thư có một trang viết thêm của con nên Ba sẽ biết ngay có nhận được thư đó hay không.

Mẹ đã nhận được một thư đặt hàng viết nhiều bài cho tờ báo nông thôn Ruralist (Missouri) và tuần tới này Mẹ sẽ nhận công việc và tụi con sẽ viết. Như thế cũng thực sự có một món tiền cho Mẹ.

Con không đọc cho Mẹ nghe lá thư đầu tiên của Ba nói về sự không suôn sẻ cho tới khi lá thư thứ nhì tới cho biết Ba đã khá hơn. Con hy vọng vào lúc này Ba đang thấy dễ chịu; khi đọc lá thư trước con đã tái người đi.

Mẹ nhắc con nói với Ba về việc cho lũ gà mái ăn và con đã viết riêng trên một tờ giấy của bệnh viện. Con sẽ gửi kèm theo thư này.

Mẹ nói Mẹ cho rằng không nên cho chúng ăn nhiều nếu chúng đang ăn nhiều bắp. Mẹ bảo có thể đó là lý do khiến chúng không đẻ vì ăn quá nhiều bắp không tốt cho việc đẻ trứng và khi đã ăn nhiều bắp chúng sẽ không ăn thêm những thứ giúp chúng đẻ.

Chắc chắn việc đó quá tệ và việc Mẹ có mặt ở nhà là cần lắm. Mẹ luôn lo lắng không biết Ba đang xoay xở như thế nào và thật xấu hổ là con đã không thể có một số tiền nhỏ để giúp Ba thuê một người phụ giúp và một người nấu nướng cho Ba. Nhưng con nghĩ rằng cho tới bây giờ Ba vẫn không thấy Mẹ nấu nướng ngang với những cách nấu ngẫu nhiên của Ba.

Hiện nay con đang viết về cuộc đời Henry Ford và hôm qua ông ta nói với con rằng ông ta đang làm một chiếc máy kéo bán với giá 200 đô la và chỉ nặng 1500 pao. Chiếc máy này chạy suốt mười một tiếng đồng hồ với số dầu đáng giá năm mươi bốn xu. Máy chưa đưa ra thị trường lúc này nhưng sẽ có bán không bao lâu nữa. Con thấy máy tốt hơn hẳn một cặp ngựa trong nhiều công việc trại vì giá mua không mắc hơn chút nào, khi không làm việc nó không cần ăn uống gì và Ba có thể cho nó đi nhanh hay chậm đúng theo ý thích. Con đang hỏi thêm ông ta về chiếc máy này.

Bây giờ con sẽ tới bệnh viện đón Mẹ Bess về nhà. Mẹ nhắc con nói với Ba rằng dù làm gì, Ba cần lo giữ sức khỏe và chăm lo Inky cho tới lúc Mẹ về nhà. Mẹ nói Mẹ nghĩ là phải trở về sớm hơn vì Ba đang ngổn ngang với nhiều thứ việc cần làm, nhưng theo ý riêng của con thì Mẹ rất nhớ nhà. Dù sao con muốn Mẹ coi thêm một chút ở đây, vùng Petaluma và vài nơi trong hạt Marin trước khi Mẹ trở về. Thật khó cho Mẹ thấy nhiều như con muốn vì con phải lo kiếm tiền cho cái hầu bao chi phí và việc này chiếm quá nhiều thời gian.

Yêu Ba nhiều thật nhiều

ROSE

*

THƯ GỬI KÈM:

Về lũ gà mái. Mẹ dặn - nếu Ba chưa trộn cái túi ở cuối dãy giá dài gần cửa qua nhà lán - Ba hãy trộn nó cùng với túi ớt bột đỏ để ngay bên cạnh nó ở trên giá cúng với một lượng gừng rồi thêm một ít vôi cho tới khi tất cả có màu thật đúng như Ba đã biết.

Trộn nó với thực phẩm Pratts theo cân lượng ngang nhau - khoảng hai muỗng xúp cho một máng thức ăn.

Trong bữa ăn sang hãy cho chúng ăn thức ăn khuấy nhừ với số lượng mà chúng ăn hết trong vòng hai mươi phút và không cho thêm thứ gì khác.

Công thức pha chế thức ăn buổi sang:

- 4 phần cám

- 2 phần bắp (bắp nghiền nhuyễn là tốt nhất)

- 1 phần xương nghiền

- Nửa phần hạt lanh.

Nếu Ba nghĩ cần có thêm vôi thì Ba cho thêm khoảng hai muống xúp vào thức ăn. Và đừng quên bỏ muối.

San Francisco

22 tháng Mười, 1915

Manly thân yêu,

Em rất buồn vì anh bệnh và Inky gặp tai nạn. Rose bảo nó đã viết cho anh về việc em bị đụng xe. Em ổn hết rồi, chỉ còn hơi yếu thôi. Em nghĩ đáng lý vào lúc này em phải làm xong mọi việc rồi và đã sẵn sang trở về nhà. Em biết em cần có mặt để giúp anh chuẩn bị mọi thứ cho mùa đông chứ không chờ một may mắn tình cờ giúp anh làm xong mọi việc mà không có em. Nhưng em cũng biết rằng anh không cần sự giúp đỡ khi anh muốn thế.

Cuối cùng em đã nhận được thư của tạp chí Ruralist với đề nghị viết bài và thư giới thiệu cho em tới Hội Chợ và mở rộng toàn vùng Missouri với em. Thật xấu hổ là họ không thể gửi thư tới sớm hơn và em không hiểu lý do họ làm như thế. Những người phụ trách hàng trưng bày của Missouri muốn em thuyết phục tạp chí Ruralist phát hành một số đặc biệt về Missouri tại Hội Chợ Quốc Tế Panama-Pacific và em đã đánh điện cho họ về việc này. Nếu họ bảo em tiến tới, em sẽ có trong tay chỉ vỏn vẹn mấy ngày để lo tất cả bài vở cho tờ báo. Em đang mong tin họ vào ngày mai. Nếu làm số báo đặc biệt, em sẽ không thể khởi hành trở về trước mười ngày, nhưng nếu em chỉ viết một số bài theo yêu cầu thì em dự tính sẽ lên đường trở về trong khoảng một tuần lễ kể từ hôm nay.

Em đã bỏ ý định thực hiện một chuyến đi trên biển. Điều đó sẽ phá ngang công việc của Rose và nó rất bận rộn. Em không thể tự lo để đi một mình và cũng tốn kém hơn là đi thẳng về nhà. Vì vậy em sẽ đáp xe lửa từ đây tới thành phố Kansas không chuyển đổi xe. Em cũng bỏ luôn chuyến đi Petaluma. Em thấy thà rằng dành thời gian ở Hội Chợ, vừa bớt chi tiêu vừa bớt mệt vì di chuyển trên xe lửa lại có thể thu góp thêm những tài liệu cần có từ các chuyên gia nuôi gà đang có mặt dự triển lãm ở đây.

Vậy là anh thấy em đã bố trí làm việc cho tờ Ruralist, hai truyện ngắn Chủ nhật cho tờ Post Dispatch (St. Louis), học những gì có thể được từ cuộc triển lãm nuôi gà ở đây, một ngày thăm tàu chiến Oregon đã sắp đặt xong và sau đó trở về nhà. Có lẽ anh nghĩ em đã mất thời giờ nhiều hơn mức cần cho một chuyến thăm viếng, nhưng anh không thể nghĩ là thành phố vĩ đại San Francisco này đã gây bối rối cho em ra sao và ngay cả những đám đông nhỏ nhoi cùng những đường phố đã khiến em mệt mỏi thế nào. Rose lại rất bận và vì thế tụi em không phải lúc nào cũng làm được những điều thích làm.

Em đã hoàn tất một số việc hoàn toàn hài long và một số việc còn lửng lơ trên mây. Stine đã biến khỏi thành phố từ khi em có mặt tại đây nên tụi em không thể tìm nổi thứ gì xác định về món tiền 250 đô la hoặc hơn thế là ngưng khoản lời của món nợ cầm thế, nhưng Rose sẽ cố kiếm lại trong một hoặc vài ngày tới. Em rất muốn mang tiền về nhà nhưng nếu em không làm nổi thì chỉ vì số tiền không tới kịp. Gillette hiện đang cố gắng với một viễn tưởng tốt là sẽ có một việc làm bình thường vào tuần tới. Nếu nó đạt được điều này thì mọi thứ kể như suôn sẻ.

Rose lại bước vào điện ảnh là thứ nó hoàn toàn không biết gì. Nó được mời tham gia buổi tiệc của Henry Ford trên tàu chiến Oregon. Nó hiện đang viết loạt bài về cuộc đời của Ford sẽ khởi đăng nay mai trên báo Bulletin. Em không rõ thứ chuyện ngoài vòng pháp luật có được in thành sách hay không. Nếu anh đọc câu chuyện về người kỹ sư hẳn anh sẽ thích thú khi biết mọi tình tiết trong đó đều là thực. Nó đã đi săn lung tất cả những người kỹ sư để trò chuyện và tìm ra một người đốt lửa trên một đầu máy xe lửa chạy qua miền bắc Dakota của chúng ta trong cái mùa đông dai dẳng hoặc đúng hơn là không đốt lửa vì xe lửa không thể chạy. Trong phần đó của câu chuyện Rose dùng một số những điều mà ông ta kể cho nó - và một số điều do em kể cho nó.

Rose và Gillette đã ra ngoài chạy quanh theo Ford để kiếm thêm chất liệu cho câu chuyện của Rose (Gillette không làm việc trong ngày Chủ nhật). Em thường đi cùng với chúng, trừ khi em không đủ khỏe hoàn toàn. Ngày mai em sẽ tới Hội Chợ để làm một vài công việc cho Missouri trong một chiếc ghế có động cơ giống như chiếc ghế có lần chụp chung hình với Rose.

Ô, em quen với Millman, người đã vẽ hình Steve. Anh ta là một người bạn trẻ hoàn hảo, tóc dỏ hoe với một cái tật kỳ quặc ở khóe môi khi anh ta mỉm cười và vui vẻ một cách đơn giản theo cái cách khỏa khoắn lành mạnh. Để bày tỏ cảm tình với em vì em gặp tai nạn, anh ta sẽ tặng em bản chính thức của bức họa vẽ Steve cùng những thứ mà anh ta đã tự chế ra để dùng vẽ nên bức họa ấy.

Anh nhớ giữ gìn sức khỏe, chăm lo cho Inky va nói nhỏ với nó là em sẽ có mặt ở đó không lâu nữa. Em đã sắp xếp nhiều thứ dễ thương để làm khi về tới nhà và em tin là rừng cây đẹp lắm. Em yêu thành phố San Francisco. Nó rất đẹp, nhưng em sẽ không đổi một ngọn đồi nào của vùng Ozarks để lấy tất cả phần còn lại của cái bang em đã thấy này. Ô, quên mất, Missouri đã TRƯNG BÀY CÁC NGỌN ĐỒI tại Hội Chợ Quốc Tế Panama-Pacific. Đoạt nhiều giải thưởng hơn bất kỳ bang nào khác ngoại trừ California và đánh bại California về các mỏ.

Đừng chờ nhận thêm những lá thư dài của em vì em sẽ bận rộn viết bài cho các báo và lo gói ghém các thứ để có thể về nhà sớm nên không còn thời giờ. Và em cũng không nghĩ sẽ dành thời giờ để viết thư khi em có thể xem ngắm thêm một số điều để kể lại với anh lúc về tới nhà.

Bây giờ em phải ngưng và nghỉ một chút vì mệt rồi.

Tạm biệt trong lúc này,

Thương yêu

BESSIE


Hết tập 11

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#biasmin