Ngủ dưới vòm cây- trường an 5

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

21. Ngây thơ và chân thật - Trả giá - Người đi trong mơ

Em ạ, tình ta đã cạn ngày...

Sự ngây thơ cũng giống như nỗi đau, ai cố tình giữ lại thì sẽ phải trả giá cho nó.

Chúng ta phải trả giá cho những điều chúng ta không làm.

Thiên Thiên đã nói điều đó khi tôi gọi cô trên mạng. Cô đã accept lời chào của tôi nhanh hơn tôi nghĩ, cũng chẳng hỏi ai đã đưa nick cho tôi, chỉ chào tôi bằng một cái emotion mỉm cười, y hệt như nụ cười trên chiếc dù vàng. Thái độ ấy, đột nhiên lại đẩy tôi vào trạng thái không biết phải nói gì.

Em sao rồi? - Tôi hỏi. Tay ngập ngừng trên bàn phím. Nhìn những dòng chữ chạy trên màn hình.

Khí hậu hơi lạnh. Nhưng mọi chuyện còn lại đều rất tốt. Người ở đây rất thân thiện. Tự nhiên được trở lại những ngày còn đi học, cảm thấy thoải mái, vui vẻ cực kỳ.

Lại một vài cái emotion nữa. Nụ cười máy tính dửng dưng nhìn tôi. Những con số nhảy nhót ở góc dưới màn hình đếm thời gian trôi qua.

Bây giờ em đang làm gì?

Ngồi trong phòng, nghe nhạc và mút kẹo. Có bài nhưng lười qúa, chưa muốn làm.

Bao giờ em về?

Dấu hiệu báo Thiên Thiên đang đánh máy câu trả lời chớp sáng vài lần trước khi dòng chữ hiện lên.

Bao giờ thích thì về.

Em không định ở lại đó luôn chứ?

Nếu có, thì sao?

Tôi có thể tưởng tượng thấy nụ cười của Thiên Thiên. Cái cách mà phụ nữ hay cười khi họ không biết nên thể hiện tình cảm như thế nào. Nụ cười trước khi cảm xúc bùng phát. Và qủa thật, những hàng chữ hiện ra rất nhanh.

Ngày còn nhỏ, em từng nghĩ, ước rằng có ai đó sẽ vì em mà đi đến tận cùng trái đất này.

Rồi em lại ước, có ai đó sẽ để cả cuộc đời yêu thương em.

Lớn lên một chút, em nhận biết rằng mình thật sự rất ngốc nghếch, và em muốn có một người đủ thông minh để nói cho em biết rằng em muốn gì, sẽ bảo vệ em.

Rốt cuộc, tất cả những điều đó, em biết rằng mình không thể có được. Rốt cuộc, chỉ có mình lo cho bản thân mình hơn hết thảy, ai cũng thế mà thôi.

Em không đợi kỳ tích. Em không oán trách, cũng chẳng đau lòng. Ai cũng thế mà thôi.

Em không đợi anh đến. Anh cũng đừng chờ em.

Màn hình đang chạy dừng lại. Tôi đợi, nhưng không còn một dòng chữ nào nữa.

Đó là lý do em đi mà không muốn báo cho anh biết?

Đâu phải lúc nào cũng phải lý giải cho mọi chuyện. Sao lại phải biết tại sao người ta làm thế này thế kia? Sao không thể chấp nhận rằng có những kẻ sinh ra đã xấu xa mà phải tìm lý do để hiểu? Anh mà lại không biết rằng đó là bản chất của em- Không gắn bó được với ai, sẵn sàng quay lưng lại với bất cứ ai hay sao?

Vậy... Em không còn khóc nữa chứ?

Đáp lại câu hỏi của tôi lại là một khoảng lặng phắc dài. Trong căn phòng kín, tôi nghe tiếng đồng hồ tích tắc khe khẽ. Ngoài cửa kính, gió lay những cành cây rì rầm.

Vẫn chỉ lặng im. Nỗi bất lực đến trong tôi như nhựa chảy trong cành cây đang bị thổi bạt đi bởi gió.

Mộc Thảo đã bảo với em là cô ấy gặp anh. Sau một hồi lâu, rất lâu, đến mức tôi đã định tắt cửa sổ chat, dòng chữ lại hiện lên. Mộc Thảo bảo, anh giống như một kẻ đi lạc. Một người dường như đã quên mất một điều gì đó, không thể tìm lại được. Người ta không thể tìm lại được một thứ đã quên.

Ở nơi này, em cũng đã từng nghĩ về chuyện tại sao không thể ở bên anh. Chẳng có gì, chỉ là chuyện ăn cùng nhau, gặp nhau, nói chuyện và cả ngủ cùng nhau nữa, chẳng có gì là phức tạp hay khó khăn. Cứ như ngày xưa, tại sao lại không thể? Cứ như với những người khác, tại sao lại không được?

Em nói với Mộc Thảo, anh là một người tàn nhẫn. Tàn nhẫn và lạnh lùng như một cái hố sâu trống rỗng. Những gì rơi xuống đó sẽ không thể quay lại. Đã có một người đợi anh bên hiên nhà, khi anh mải mê với những giấc mơ của mình để không nhận ra. Đã có một người bị anh từ bỏ khi anh chạy trốn giấc mơ của mình. Khi ở dưới cái hố sâu ấy, em đã nhìn thấy mảnh vỡ của những thứ từng rơi vào. Em không phải là Diệp, em không thể sống cùng những bóng ma.

Mộc Thảo bảo rằng, anh giống như một người vẫn còn đi trong giấc mơ của mình. Em có những giấc mơ, và chúng đã tan vỡ lâu rồi. Em có những niềm tin, và chúng không còn tồn tại. Anh thì vẫn níu giữ lấy, đồng thời lại e sợ chúng. Vì anh chưa từng có được chúng. Cả cuộc đời này, đối với anh, cũng chỉ như một đoạn nối dài của một con đường. Và một buổi sáng nào đó, khi thức dậy, anh sẽ cảm thấy xót xa cho bản thân mình vì chẳng có được gì.

Sự ngây thơ cũng giống như nỗi đau, ai cố tình giữ lại thì sẽ phải trả giá cho nó.

Không, chẳng có cách nào để thay đổi được đâu. Chúng ta không thể thay đổi thứ mà chúng ta được sinh ra, những gì là con người chúng ta.

Chúng ta phải trả giá cho những điều chúng ta không làm.

Tôi đọc, lần nữa rồi lần nữa những gì Thiên Thiên viết. Có những điều tôi có thể hoặc không thể hiểu được. Tôi không hỏi Thiên Thiên về Diệp, về lý do tại sao cô lại biết được chuyện của Diệp. Những ngón tay tôi nhẹ bỗng trên bàn phím, và tôi chỉ muốn nhắm mắt lại, chìm vào làn không khí trắng xanh màu đèn huỳnh quang trong phòng. Ngoài cửa, nghe tiếng xe chạy qua ầm ù vẳng lại. Nơi đây qúa yên ắng, tôi chợt nghĩ lại lời nói của Thiên Thiên ngày trước. Và đột nhiên, tôi chợt có cảm giác như muốn bật khóc. Như trong cái đêm mà tôi đã nhìn thấy ánh sáng long lanh rọi chiếu qua tán cây thấp thoáng sau làn khói trắng mờ điệu nhạc jazz buồn.

Em đã từng bảo, sẽ cứu thoát ai đó. Thế sao em lại bỏ đi?

Đối với em bây giờ, địa ngục hay thiên đường cũng chẳng còn quan trọng nữa. Và nhất định một điều, em có thể tin chắc, em không phải là thiên thần.

Ngày xưa, anh đã nghe thiên thần hát, và thiên thần khóc. Và đó là một cơn ác mộng.

Anh đã bao giờ nghe chuyện về tiếng hát mĩ nhân ngư? Ở trên bờ, anh chỉ nghe đó như một tiếng gào khóc, chỉ khi lặn xuống nước, anh mới nghe được điệu hát tuyệt vời của họ.

Em biết rất nhiều về cổ tích.

Phải, nhưng em không thích chúng. Em luôn luôn biết qúa nhiều về những điều em không thích.

Những gì em đã từng nói với anh, điều gì là thật?

Bên kia, Thiên Thiên lại im lặng. Tôi đều đặn gõ những phím chữ, như thể đang thì thầm nói với khoảng không.

Em. Luôn luôn nói dối.

Anh đã lớn lên trong dối trá. Anh đã biết những điều đó qúa đủ rồi. Anh ghét những kẻ nói dối. Anh đã từng nghĩ rằng em chân thật.

Nhưng không phải thế.

Nhưng anh nhớ em.

22. Lãng quên - Hoàng hôn nắng tắt - Lý do để rơi nước mắt

Không đâu, anh đã quên em rồi.

Tiếng rít nhỏ trước khi ký hiệu nick của Thiên Thiên tối lại.

Vũ Thủy là một cô bé con nhỏ nhắn, tóc thắt bím hai bên dài đến ngang hông. Dù lang thang ngoài đường nhiều hơn ở nhà, Vũ Thủy vẫn không có vẻ đen đúa lơ láo của bọn trẻ đường phố. Con bé mặc bộ quần áo sạch sẽ, da trắng, mặt mày sáng láng, đôi mắt bình ổn. Đôi mắt không ngạc nhiên với điều gì, nhưng lại tạo cho khuôn mặt một nét ngây thơ. Đôi mắt không buồn, không vui, không trong trẻo, chỉ thoáng hiền như nắng mờ trên mặt nước. Người ta dễ lầm tưởng vẻ thản nhiên ấy là bình yên và nét lơ đãng ấy là ngơ ngác.

Nói chung, Vũ Thủy là một cô bé con có vẻ ngoài đáng yêu. Ngắn gọn như thế.

Ngày hôm ấy, Vũ Thủy đã dừng chân ở ngôi nhà trắng. Gọi là dừng chân vì đó không phải là một nơi lạ lẫm với nó. Mỗi ngày đi học về, nó đều đi ngang ngôi nhà ấy, tiện thể ngó đầu vào một cái như thói quen, nhìn cái bức tường trắng như cẩm thạch thấp thoáng sau hàng rào cây xanh xanh. Nhà nó chật, bé như tổ chim, cho nên, như một điều tất nhiên, nó thích ngôi nhà màu trắng. Phải nói là nó ngưỡng mộ ngôi nhà màu trắng mới đúng. Và như thế, nó ngưỡng mộ cả những người ở trong ngôi nhà ấy. Vì họ ở trong ngôi nhà trắng, đơn giản thế, bởi Vũ Thủy khi ấy là một cô bé con.

Dần dần, Vũ Thủy biết có những ai trong ngôi nhà trắng. Hai ông bà già, trước đây còn một ông già nữa, nhưng sau này không thấy đâu. Và hai người khác, rất trẻ, rất đẹp. Ở họ, Vũ Thủy nhận thấy nét chung nhất là sống mũi cao. Những người có sống mũi cao, nhìn nghiêng rất thanh tú, nhưng hốc mắt sâu lại, sẽ có vẻ u uẩn. Có lần, khi cậu thiếu niên ấy ngồi đọc sách dưới một gốc cây trong vườn, Vũ Thủy đi ngang, cậu ta đã bất chợt nhìn sang. Trời buổi trưa hanh nắng, nhưng Vũ Thủy thấy trong lòng có mưa rơi. Vũ Thủy buồn, vì cậu thiếu niên lại cúi xuống cuốn sách, như thể con bé chỉ là một chiếc lá bất chợt bị cuốn qua ngoài hàng rào sắt.

Hôm ấy, Vũ Thủy đã đứng lại, ngay đúng chỗ mà nó đã gặp ánh mắt cậu thiếu niên kia buổi trưa nào. Nhưng nó không gặp cậu thiếu niên, nó gặp bà lão sống trong ngôi nhà. Trong trí nhớ của Vũ Thủy, bà ấy có khuôn mặt nhiều nếp nhăn như sóng biển. Bà nhìn thấy Vũ Thủy, liền mỉm cười, mở cửa bảo nó vào. Lúc ấy thì Vũ Thủy không biết nguyên do, nhưng sau này thì nó nhận ra, nó là một cô bé dễ thương. Những người già rất thích trẻ con dễ thương.

Có những đứa trẻ sớm nhận biết được vẻ dễ thương của chúng để tận dụng, để vòi vĩnh, để được yêu chiều, nhưng Vũ Thủy thì không biết chuyện đó. Nó ngơ ngác đi vào và tiếp nhận những cái vuốt ve nhè nhẹ trên tóc, trên má mà người ta gọi là âu yếm. Đôi mắt của nó bình ổn vì chẳng có gì làm nó ngạc nhiên, và nó bình ổn ở lại ngôi nhà trắng buổi chiều ấy, mặc kệ buổi học ở trường. Ngồi trong ngôi nhà trắng, nó ăn kem, trái cây mát lạnh. Bà lão ngồi cạnh bên, cùng với ông lão ngắm nghía, hỏi han nó. Phần lớn là họ ngắm nó. Bím tóc đen dài, má trắng hồng và đôi mắt ngoan. Thế là đủ.

Cuối buổi chiều, cậu thiếu niên ấy về nhà, đi ngang qua căn phòng mà Vũ Thủy đang ngồi. Ông bà lão không quay lại đáp tiếng chào khi cậu ta đi ngang qua. Họ vẫn ngắm Vũ Thủy. Còn cậu thiếu niên nhìn lướt qua nó, vẫn như nhìn một chiếc lá rơi. Vũ Thủy nhìn cái lưng của cậu ta khuất sau bức tường, rồi lại nhìn ông bà lão. Nó đứng lên, chào ra về.

Trong lòng Vũ Thủy lại có mưa rơi. Nó nhớ thái độ của những người trong gia đình nó với nhau. Họ cũng không quay nhìn nó như thế. Nhưng họ vốn chẳng nhìn ai cả trong lúc cắm cúi làm việc, cắm cúi suy nghĩ, cắm cúi lo toan. Còn ông bà lão kia chỉ mải mê nhìn nó, điều đó, Vũ Thủy không hiểu được.

Sau này, khi nhận biết được rằng nó là một cô bé dễ thương, mà đó là lúc Vũ Thủy chẳng còn là cô bé nữa- thì Vũ Thủy biết hai ông bà già ấy đã mải mê ngắm nhìn sự dễ thương của nó, nếu như đó cũng là một lý do. Rồi Vũ Thủy thoáng nghĩ, phải chi cậu thiếu niên kia nhỏ lại, lúc nhỏ hẳn cậu ta cũng rất dễ thương, thì ông bà cậu cũng sẽ yêu chiều cậu ta như đối với nó.

Đó không phải là một chuyện buồn cười, thật vậy. Những ông bà già rất thích trẻ con dễ thương- và chỉ trẻ con. Đôi lúc đứa trẻ ấy không dễ thương, nhưng nó vẫn được yêu thích hơn đứa trẻ lớn. Và có những người, không thích đứa trẻ lớn lên.

Vũ Thủy là một đứa trẻ đơn giản. Nó chỉ biết hiện tượng, không cần phân tích lý do.

Và Vũ Thủy cho rằng, nếu đã từng là một đứa trẻ được yêu chiều, chăm bẵm, trở thành một thiếu niên bị ngó lơ là chuyện rất đáng buồn.

Nó không dừng chân lại ngôi nhà trắng một lần nào nữa, dù vẫn đi ngang qua. Cho đến một buổi chiều, Vũ Thủy đi học về, nắng đã tắt, đèn đường đã bật, nó lại nhìn thấy cậu thiếu niên kia ngồi bên hàng rào, ngoài cánh cửa sắt khép hờ sau lưng. Trong bóng tối mờ, cậu ta ngồi đó, đầu hơi cúi xuống, bất động, thậm chí không nhìn lên khi nó lại gần.

Khi lại gần, Vũ Thủy nhận ra cậu ta đang nhìn xuống hai bàn tay mình đang đặt trên gối. Lòng bàn tay trắng một thứ bụi gì đó, dù ở trong bóng tối vẫn còn có thể thấy mờ mờ.

Cậu ta ngồi đó.

Còn Vũ Thủy cứ đứng nhìn.

Dù đứng, Vũ Thủy vẫn chỉ cao hơn cậu thiếu niên kia một tẹo. Khi cậu ta ngẩng lên, cũng đầy đột ngột, ánh mắt cậu ta ngang tầm, dõi thẳng vào mắt nó. Đôi mắt long lanh, sáng rực lên vẻ điên dại, hoảng loạn mà Vũ Thủy chưa từng thấy bao giờ, nhưng nó không sợ hãi.

Trời đã tối mịt. Cậu thiếu niên lại dựa lưng vào hàng rào phía sau, đầu gục xuống. Hai bàn tay đan vào nhau, vặn vẹo đến nỗi Vũ Thủy sợ chúng sẽ gẫy gập. Nó đặt tay lên tay cậu ta. Cảm thấy bụi trắng ram ráp dưới lòng bàn tay. Cậu ta nới lỏng tay ra hơn một chút.

Cậu ta đã khóc. Dù trong bóng tối đêm ấy, Vũ Thủy không nghe được một tiếng nức nở nào, nhưng nó nhận ra những cái giật khẽ khàng dưới bàn tay mình. Và Vũ Thủy cũng khóc. Chẳng vì lý do gì. Cũng như nó ngưỡng mộ những người trong ngôi nhà này và buồn bã cho con người này chẳng vì lý do gì. Cũng có thể nó đang nhớ lại những lần nó trốn đi khóc vụng như thế này. Dù nhà lớn hay nhà nhỏ, nó hay cậu ta, cũng chẳng ai khóc được trong nhà mình.

Vũ Thủy đã ngồi bên cạnh cậu thiếu niên ấy, khóc cho đến khi thiếp đi bên lề đường. Sáng hôm sau, khi thức dậy, nó nhận ra mình lại ở trong ngôi nhà màu trắng. Nhưng cậu thiếu niên kia đã đi xa. Người ta nói với Vũ Thủy như thế.

Sau mùa hè, Vũ Thủy chuyển trường, không ghé lại ngôi nhà trắng lần nào nữa.

...

Anh có nghe thấy không? Bản Serenade đấy.

Khi đứng dựa lưng vào cánh cổng vũ trường, Vũ Thủy nhìn người đàn ông trước mặt. Sống mũi cao, thanh tú và u uẩn. Anh ta lặng lẽ rít thuốc, đôi mày hơi cau lại. Nghe câu hỏi của Vũ Thủy, anh ta nhìn sang, rất lâu.

Nó cười.

Khi ngồi trong xe anh ta, chờ máy khởi động, Vũ Thủy vẫn nghe thấy bản nhạc ấy vang bên mình. Buổi chiều hoàng hôn muộn với nắng đang tắt dần sau đường chân trời giăng giăng dây điện. Gió thổi xác lá quét trên mặt đường. Cây rì rào trong khoảng trống mà gió bỏ lại. Một người ngồi bên hàng rào sắt. Và nước mắt đã rơi trên những bàn tay đầy bụi trắng.

Vũ Thủy đã nắm lấy bàn tay người đàn ông đang ngồi bên cạnh. Anh ta lại nhìn sang nó. Đôi mắt bình ổn. Cười nhẹ.

Về nhà anh nhé.

Vũ Thủy cúi đầu, vẫn để bàn tay lặng yên trong tay anh ta. Trong lòng nó, lại có mưa rơi.

Đêm ấy, khi dựa vào người đàn ông nằm sau lưng mình, trong bóng tối quạnh quẽ, Vũ Thủy nhận ra môi mình mặn đắng.

Chẳng vì lý do gì.

Những cuốn sách Mộc Thảo để lại cho tôi chất đầy một góc nhà. Cô viết nhiều, và đây chỉ là một đoạn trong truyện ngắn, lẫn giữa muôn ngàn trang sách.

Đầu cuốn tuyển tập, nét chữ Thiên Thiên màu mực xanh vẫn còn rất rõ.

Tặng bạn của tôi.

23. Mưa - Khung cảnh chỉ thuộc về một người - Giấc mơ trên chiếc bàn gỗ

Vũ Thủy là một cô gái nhỏ. Và như mọi cô gái nhỏ, nó có nhu cầu khóc một mình.

Từ một cô bé con đơn giản, Vũ Thủy trở thành một cô gái nhỏ đơn giản. Muốn khóc thì nó khóc, ngay cả phải chạy đi thật xa, trốn vào thật sâu để tìm một nơi cho nước mắt rơi xuống. Nó chẳng bao giờ biết kềm hãm bản thân mình. Điều này, sau đó, lúc đã trưởng thành, Vũ Thủy biết rằng sẽ đưa nó đến những chuyện chẳng hay ho gì. Nhưng không ai thay đổi được qúa khứ, và qúa khứ ấy đã tạo thành nó bây giờ.

Vũ Thủy vẫn nhớ những đêm nó ngồi cạnh bờ sông, trên bãi cỏ trồng thành từng vuông trong ngôi nhà lưu niệm bên cảng. Mùi hoa hồng hăng hăng. Và trăng lăn tăn từng đợt sáng trên mặt nước. Gió thổi, nhịp đung đưa cùng vạt rau muống sát bờ đá. Vạt rau xanh, ngăn ngắt từng đọt dài. Lúc ấy, nhà hàng bên sông chưa mở, nhà cao tầng chưa xây, đèn chưa đủ sáng. Trước mặt nó là một khoảng trống hun hút màu bầu trời xám đen. Bên kia cầu, thành phố lặng yên, trở thành một mô hình đồ chơi ghép hình vuông vức đã bị gãy vỡ, nằm rải ra dưới mây và trời. Xung quanh chỉ có tiếng dế kêu. Rỉ rả. Nơi ấy, thường xuyên, Vũ Thủy chỉ có một mình.

Điều ấy không làm Vũ Thủy buồn bã. Nhiều năm sau này, trong một lần tình cờ đi ngang, dừng lại dưới chân cầu, nhận ra rằng vạt rau muống đã chết, chỉ còn vài cọng rễ đen nổi lập lờ trên mặt nước cũng lờ đờ đen sạm, Vũ Thủy lại nhớ đến cái khung cảnh ngày xưa ấy. Bầu trời, thành phố, con sông, vẻ im lìm và không gian lồng lộng ấy chỉ của riêng nó. Không có ai ở đó, trong những đêm ấy, ở vị trí ấy. Luôn luôn và mãi mãi, khung cảnh đó là của nó. Của nó. Một mình. Độc nhất.

Nhưng thật ra, ít khi Vũ Thủy vì buồn mà khóc, vì cô đơn lại càng không. Có những lý do khác, có thể là có lý hoặc vô lý, nhưng nó không bao giờ truy vấn qúa sâu về chúng. Luôn luôn, thế giới của Vũ Thủy là khoảng không rộng lớn của một mảng vung vãi những mảnh xếp hình dưới bầu trời. Nước mắt đến và đi như mưa rơi trên bãi cỏ. Chẳng được ai để tâm và chẳng vì ai mà rơi.

Cô độc là một từ xa lạ mà Vũ Thủy chưa bao giờ nhớ tới. Nó ngồi trên bãi cỏ, đan những dây cỏ dài thành chiếc vòng quấn quanh cổ, kết thêm hoa hồng và đôi lần là sứ trắng. Nó đi dạo trong ngôi nhà bảo tàng rộng lớn, dò dẫm quanh chân thềm, nhìn vào những lỗ thoát nước ngầm trong đá để tìm bắt dế. Có lần, nó nhặt được một con chim sẻ bị gãy cánh trên bãi cỏ, liền băng bó lại cho con chim, rồi thả đi.

Vũ Thủy là một cô gái nhỏ hay khóc. Nhưng không phải là một cô gái nhỏ hay buồn.

Đường phố vắng. Lúc ấy thì đường phố thường vắng. Cây xanh, gốc sần sùi, qủa và hoa đều to, vào mùa nằm rải đầy trên mặt đường. Lề đường lát gạch con sâu có nhiều chỗ bị vỡ. Rau lang mọc lên từ vết nứt, có nhiều khi được mẹ Vũ Thủy hái về luộc cho cả nhà ăn. Vũ Thủy hay đi lang thang, cầm trên tay khúc mía màu tía chưa rọc vỏ, ngẩng đầu nhìn trời. Những ngày ấy, buổi chiều nào bầu trời cũng ngập chim én bay lượn về tổ, nghe tiếng ríu rít chiu chít từ trên cao.

Khi nhớ về tuổi thơ, Vũ Thủy cho rằng, một mặt nào đó, mình là một đứa trẻ vô tư lự. Sáng trong như một thành phố không nhận ra được nét hoang tàn. Lơ đãng và thản nhiên bước trên gạch lát.

Khung cảnh ấy, luôn luôn, chỉ thuộc về một mình nó.

Và nước mắt, nếu đã rơi, cũng thuộc về thành phố đã không còn tồn tại.

Bé con, cô gái nhỏ, họ đều đã mất hút cuối con đường.

Vũ Thủy có một khát khao nho nhỏ. Nó muốn nhảy múa. Nhảy múa. Nó đã từng đi qua một con đường vắng, trong vòng mười mấy phút mà cũng không có một chiếc xe nào chạy qua. Thế là nó phóng ra mặt đường, ngay trên vạch trắng phân cách, xoay tròn, hoa tay múa chân. Bị bắt gặp, hỏi tại sao lại làm thế, nó đỏ bừng mặt. Nhưng chính nó cũng chẳng biết trả lời cái lý do của việc làm đó.

Vũ Thủy có một nỗi nhớ nho nhỏ. Sau này, trong rất nhiều năm tháng khác, nó đã quên nỗi nhớ đó. Nhưng nó biết rằng, chắc chắn, có một điều nó đã quên.

Vài năm sau này, khi ngồi dưới hàng hiên của một ngôi nhà có cầu thang xoáy, nghe tiếng chim kêu ríu rít, Vũ Thủy thường có cảm giác rất mơ hồ rằng có ai đó đang ở bên cạnh. Tất nhiên, luôn luôn có nhiều người ở đó. Nhưng cái kẻ mà Vũ Thủy cảm thấy được kia lại không có sự hiện diện bằng thực thể. Điều đó cũng khó hiểu như một ngày nọ, Vũ Thủy phát hiện ra có một cái tên được viết bằng bút xóa ở mép bàn. Nó không biết là do mình chưa từng để ý nhận ra trước đây hay cái tên ấy đột ngột xuất hiện lúc nó còn đang cắm cúi ghi chép.

Hôm đó, nó đăm đăm nhìn vào mặt bàn gỗ chằng chịt vết xước. Điều gì đã xảy ra, nó không hiểu, không nhớ được. Nó chỉ biết rằng đã nhìn thấy được lối đi đã được vạch ra cho cuộc đời mình. Ngay trên mặt bàn gỗ bóng. Và dường như có cả những bóng ma. Nó thấy cuộc đời mình như bị cuốn đi vào một lỗ đen có lực hút cực lớn, như mọi hành tinh khác trong vũ trụ này. Những lỗ đen phập phồng nở ra trong thinh không.

Đó là một giấc mộng lâu rồi. Vũ Thủy đã tỉnh giấc khi nghe tiếng chân người từ trên cầu thang đi xuống.

Thành phố đan cài những đại lộ cắt qua nhau. Những giấc mơ cũng cắt ngang qua nhau trong khoảng không như ánh đèn sân khấu hướng lên quét qua bầu trời.

Vũ Thủy không phải vì cô đơn mà khóc, không phải vì buồn mà mơ, không phải vì yêu mà giận. Kẻ không có gì thì chẳng thể cho đi mà cũng khó có thể nhận lại.

Vũ Thủy, nhảy múa trên đường vắng. Chẳng bao giờ biết rằng mình đơn côi.

Thời niên thiếu của Vũ Thủy đã chấm dứt vào năm nó mười sáu tuổi.

Những năm tháng sau này, Vũ Thủy không còn muốn nhắc tới. Khi nhắc, nó liền ngay lập tức nhớ đến ánh mắt của người đàn ông nọ. Người mà nó đã gặp khi một lần đánh bạo xông thẳng vào một tòa cao ốc để xin việc làm thêm. Anh ta nhìn nó, đôi mắt sâu, mỉm cười. Như thể dù có làm gì, nó cũng sẽ luôn được tha thứ.

Những năm tháng niên thiếu, Vũ Thủy gắn nó vào hình dáng của người phụ nữ- hay cô gái- hay thậm chí là thiếu nữ mà nó gặp trong một lần tình cờ sau này, khi đã rất xa. Cô ta mặc áo trắng, mỉm cười trong nắng với đôi mắt mênh mang như bầu trời đêm trong không mây.

Vũ Thủy, bản thân nó là một giao lộ, điểm cắt của những con đường.

Và những giấc mơ, Vũ Thủy để nó lại trong ngôi nhà màu trắng.

Chong chóng giấy xoay tròn, trắng lóa giữa miệng hố sâu. Vũ Thủy tỉ mẩn gấp, rồi thả. Bao nhiêu giờ trôi qua trong bao nhiêu ngày, nó không còn biết nữa.

Vũ Thủy có một nỗi sợ. Sợ rơi xuống hố sâu kia. Mỗi lần đi qua, nhìn xuống, nó lại cảm thấy nỗi sợ gợn lên trong lòng. Như đang muốn mời gọi nó rơi vào.

Vũ Thủy, bản thân nó là một giao lộ, nơi những giấc mơ cắt qua nhau. Giăng giăng tơ lưới như màn mưa. Chẳng vì ai mà đi, cũng chẳng vì ai mà đến.

Vũ Thủy của ngày xa xưa ấy là một ý niệm. Một ý niệm được tạo thành từ những mảnh vỡ rời rạc không phân biệt nổi sắc màu của mơ và thực.

Rời rạc như một màn mưa.

24. Mối tình đầu - Cô gái nhà dưới - Đoạn kết

Mối tình đầu của Vũ Thủy là người đàn ông trong tòa nhà cao tầng. Lúc đó, anh ta 27 tuổi, nó mới chỉ 16.

Hiện giờ thì Vũ Thủy không thể nhớ được tại sao lại yêu con người ấy, nhưng nó biết rõ mình chưa bao giờ hết yêu anh ta. Khi một kẻ vô tâm và hay quên lại đi yêu thương, chắc chắn đó là một thứ tình cảm trong sạch và lâu bền. Một thứ đã xuyên qua lớp sương bồng bềnh phù phiếm, chạm tới đáy sâu và ở lại nơi ấy, không gì có thể chạm đến được. Cho dù tất cả những ký ức, xuyến xao, cảm giác đều đã biến mất, đã phai nhạt, thì tình cảm vẫn còn lại.

Vũ Thủy chỉ nhớ ấn tượng đầu tiên về anh ta. Đó là, dù có làm gì, nó sẽ luôn được tha thứ.

Đó là một thứ cảm xúc khiến nó gần như muốn khóc. Cho đến tận giây phút ấy, nó chưa bao giờ biết đến điều gì gần như sự bao dung. Luôn luôn, tất cả mọi người đều muốn nó làm hoặc không làm một chuyện gì đó, đạt đến một cái gì đó. Không phải nó luôn luôn nghe lời. Nhưng nó luôn luôn chuẩn bị để trả giá cho những lần đi chệch đường ray ấy. Lâu dần, nó cho rằng, tình cảm và sự nâng niu cũng là một thứ để trao đổi và có điều kiện.

Giữa người đàn ông ấy và Vũ Thủy, chưa bao giờ là sự trao đổi và tất cả đều chẳng có điều kiện nào. Vì anh ta không yêu nó.

Đáng lẽ, đó là điều nên gây ra đau đớn.

Những năm tháng sau này, Vũ Thủy vẫn nhớ về một cánh đồng cỏ úa trải dài ra tít tắp. Màu xanh từ mùa hạ đã bị màu vàng lan dần dần như nắng loang. Trơ lại những gốc cỏ vàng vẫn còn bám vào đất bằng những cái rễ nho nhỏ bị đất né tránh và xa cách. Tất cả đã rã ra dần dần dưới cái tổng thể rối tung hỗn loạn ấy.

Tình yêu cũng giống như mưa. Đồng cỏ hát rào rào dù giọt nước sẽ tan ngay trên phiến cỏ khô, không rơi được xuống mặt đất.

Âm thanh đồng cỏ mùa thu khác với ngày trong hạ.

Vũ Thủy, ngẩng đầu nhìn trời xám, chân buông thõng xuống từ lan can của tòa cao ốc. Không đợi, không chờ. Chẳng bao giờ biết rằng mình nên đau đớn.

Gió thổi lồng lộng trên tầng cao. Vũ Thủy dang hai cánh tay, bên tai ù ù tiếng gió. Vẫn muốn nhảy múa. Một mình.

Em không đọc nữa. Liên Hoa trả sách cho tôi. Ngón tay cô vẫn chần chừ một chút trên bìa sách in hình những cánh hoa bướm, trước khi để lại nó trên bàn, giữa chúng tôi.

Tại sao?

Có cảm giác rất khó chịu. Như thể mình đang hỏi thăm sức khỏe một người, nhưng họ chỉ tay lên trời, tả hoa tả bướm. Có những thứ mà em cảm thấy người viết đang tránh né, cố tình không muốn nhắc tới.

Liên Hoa phác tay vào khoảng không. Tôi thấy lớp bụi nắng đang len qua cửa sổ loãng ra, bay tứ tán. Ánh mắt Liên Hoa lại nhìn xuống cuốn sách, cô cắn nhẹ môi.

Rồi sau này thế nào? Câu hỏi của Liên Hoa buông lửng lơ. Tôi nhìn ra con đường vàng nắng ngoài cửa sổ, im lặng.

Đáng lẽ em nên đọc tiếp. Sau một lúc, tôi nói. Có một đoạn về cô gái nhà dưới. Chương 3.

À, em có lướt qua. Cô gái học trường múa, ở tầng nhà dưới, phải không? Có gì đặc biệt?

Anh nghĩ đến mẹ, đó chỉ là câu trả lời trong tâm trí tôi. Đoạn văn ấy vẫn được viết bởi lời lẽ thủ thỉ nhẹ nhàng và dường như là dửng dưng. Một chương rất ngắn, nói về một chuyện hầu như chẳng liên quan gì đến cốt truyện. Vậy mà, sự hiện diện của nó lại khiến tôi phải giở đi giở lại, không thể nào dứt khỏi tâm trí.

Phòng của gia đình chị ở ngay dưới nhà của gia đình Vũ Thủy, tầng trên làm gì thì tầng dưới đều nghe thấy. Thi thoảng, nước bơm tràn trên phòng tắm nhà Vũ Thủy còn chảy xuống nhà chị, để mẹ chị, một giảng viên đại học có lẽ là nỗi sợ hãi của nhiều sinh viên, lại có dịp ca cẩm om sòm.

Chị rất đẹp. Trong mắt Vũ Thủy, chị đẹp hơn cả các hoa hậu, hoa khôi hay người mẫu mà nó nhìn thấy trên truyền hình, trên lịch hay tạp chí. Mười tám tuổi, chị rực rỡ như hoa, nhất là trong những bộ phục trang biểu diễn trên sân khấu. Vũ Thủy nhìn thấy chị biểu diễn vài lần, trên tivi, trên sân khấu nhà hát lớn, trong những tấm ảnh mà mẹ chị đem khoe. Chị trên sân khấu là hình tượng của một tiên nữ. Sau này, dù không thể nào nhớ được hình ảnh chị, nó vẫn cho rằng, trên thế giới này, không có ai đẹp được đến như vậy.

Sau này, dù không nhớ được khuôn mặt chị, nhưng Vũ Thủy lại nhớ rõ ràng cái tên Nguyễn Hữu Hòa Giang. Hòa Giang, dòng sông yên bình. Thưở ấy, mẹ Vũ Thủy thường hay nhắc đến chị, suýt xoa khen ngợi, ao ước có một đứa con gái như thế. Vũ Thủy nhìn trộm mình trong gương, thấy vẻ loắt choắt của nó, chẳng bao giờ tin rằng mình sẽ có thể là một cô tiên sống trong bảy sắc cầu vồng như chị. Nhưng nó chẳng bao giờ tủi thân vì nỗi ước ao của mẹ. Nó cho rằng, đó là điều đương nhiên.

Mười tám tuổi, chị tốt nghiệp, rồi đi học, đi làm. Nó rất ít khi gặp chị. Mẹ nó vẫn hay nhắc đến chị, nhưng dần dà là những câu chuyện xung quanh công việc, quanh những chàng trai, hay đàn ông bám theo chị. Mẹ vẫn suýt xoa, cho rằng chị sẽ lấy được chồng giàu.

Rồi, một lần vô tình nào đó, Vũ Thủy không nhớ được chính xác hoàn cảnh nào, mẹ đã kể cho bà hàng xóm rằng mỗi đêm chị đi múa về, tiền nhét đầy trong áo ngực.

Với Vũ Thủy ngày ấy, đầu óc giản đơn và không biết nhiều về những chuyện "của người lớn", nó vẫn biết rằng điều mẹ vừa kể là không hay ho gì. Ngực con gái là nơi cấm kỵ người khác chạm vào. Nhét tiền vào áo ngực là một hành vi thô lỗ, nói chung là rất xấu. Nhưng mẹ đã kể với sự thản nhiên như thể đó là đương nhiên.

Chị vẫn biểu diễn trên tivi, trên sân khấu lớn, đạt nhiều giải thưởng, có lần được ra cả nước ngoài biểu diễn. Nhưng dần dà Vũ Thủy biết rằng hàng đêm chị vẫn đến các sân khấu phòng trà, tụ điểm ca nhạc, quán ăn, nhà hàng biểu diễn. Hành động nhét tiền vào áo ngực diễn ra ở những nơi ấy. Đó là điều đương nhiên.

Chị vẫn là nàng tiên của những điệu múa thần thoại trong lòng Vũ Thủy. Chị vẫn là cô gái ngoan ngoãn, niềm ao ước của nhiều bà mẹ có con gái trong chung cư. Vũ Thủy không thể nào tách bạch rạch ròi những điều nó đã nghe, đã biết. Nó đành đứng xa xa nhìn, ngẫm nghĩ. Nhà chị khá giả nhất nhì khu chung cư này, tiền không phải là điều qúa cần thiết đối với chị. Thế thì, tại sao chị phải chấp nhận chuyện xấu như bị nhét tiền vào ngực?

Nhiều năm sau này, trong một dịp trở lại khu nhà, khi mà chị cũng đã dọn đi, Vũ Thủy lại nghe được tin về chị. Chị đã lấy một doanh nhân người Nhật, không còn múa nữa.

Nhiều năm đã trôi qua, cái tên chị là điều duy nhất mà Vũ Thủy còn nhớ được.

Anh đang nghĩ gì vậy? Liên Hoa lên tiếng, mày hơi cau lại trước sự im lặng của tôi. Tôi nghĩ gì, bản thân tôi cũng không rõ. Sau lần nói chuyện ấy, Thiên Thiên đã không còn xuất hiện nữa. Nick cô luôn luôn tối, và cô chẳng trả lời khi tôi gọi. Trong lúc chờ đợi, tôi đã có một cảm giác gần như là ngần ngại và hầu như nhẹ nhõm khi đóng nắp máy lại sau hồi lâu yên lặng.

Rất muốn nói lại một câu mà Mộc Thảo, hoặc là Thiên Thiên, hoặc là cả hai đã viết: Nhiều năm đã trôi qua... Nói ra điều đó như là một sự xác nhận, không cay đắng hoặc buồn phiền. Nhiều là một từ rất khó xác định, thường thì nó cho người ta một chút an toàn. Như thể đặt chân lên mặt đường đẫm ướt, nghe hương lá cỏ cùng mùi đất hăng hăng dìu dịu lan trong khí trời âm ẩm, tin chắc rằng cơn mưa đã đi qua, dù chỉ trong khoảnh khắc này.

Nhiều năm đã trôi qua, tôi nhắc đi nhắc lại nó trong tâm trí mình. Đến mức rồi tôi lại cảm thấy mình bị đẩy ra xa tít tắp, ngay cả với bản thân hiện tại.

Em đọc đoạn cuối câu truyện chưa? Trên con đường vắng, lũ chim sẻ lại tụ tập đậu về, vừa nhảy vừa kêu lích chích. Tôi nghe tiếng Liên Hoa thở khẽ, rồi ngón tay cô gõ nhẹ trên bàn.

Có. Câu cuối cùng là "Mưa thì phải rơi".

Những gì ở qúa cao rồi sẽ rơi. Tiếng em đều đều đan cài vào giọng nói của Liên Hoa, như thể vang lên từ trong ảo giác tôi, hoặc là ký ức. Không, em chưa từng đọc lên đoạn văn ấy, chưa bao giờ.

Vũ Thủy buông mình xuống. Trời xanh cao tít ngày càng xa vời vợi. Vũ Thủy đang rơi.

Mưa thì phải rơi.

25. Vũ trụ đen - Bản kế hoạch cho cái chết - Chiếc hộp Pandora

Tôi đã ở nước ngoài một thời gian dài sau khi học xong, chỉ trở về nhà khi ba đã mất.

Cái chết của ba tôi là một điều rất khó lý giải, dù ở bất cứ phương diện nào. Người lao công đã phát hiện ra ông khi vào văn phòng dọn dẹp cho buổi sáng sớm. Đầu ngả ra lưng chiếc ghế dựa, mắt vẫn mở to đăm đăm nhìn trần nhà sáng choang ánh điện của tất cả ngọn đèn trong phòng đã được bật, ông chỉ có vẻ như lơ đãng. Trong cuộc điều tra sau cái chết của ba tôi, giả thuyết về một cơn đột qụy đã được đặt đi đặt lại, khi mà người ta hầu như không tìm được một nguyên do khả dĩ nào.

Ba tôi chỉ đơn giản là chết đi. Hơi thở ngừng lại. Tất cả mạch máu không còn chảy nữa. Thân thể lạnh ngắt. Chỉ đôi mắt mở trừng trừng là không thể nhắm lại được.

Nếu chỉ có như thế, hẳn hồ sơ cho cái chết của ông đã không phức tạp đến vậy. Bên cạnh xác ông, trên bàn, người ta đã tìm được một bản kế hoạch ông viết cho đám tang chính mình một cách rất chỉnh chu. Người thư ký của ba tôi sau này đã kể lại, giá thành của các vật dụng cho tang lễ kê khai trong bản kế hoạch sát đúng với thị trường. Từ cỗ quan tài cho đến vòng hoa viếng, xe đưa tang cho đến giấy tiền vàng mã, thậm chí cả nơi để đón tiếp khách viếng thăm, chi phí trà nước, ba tôi đã hoạch định tất cả cho một đám tang xứng đáng với vị trí của mình. Tưởng như, sau khi rà soát lại tất cả số liệu lần cuối cùng, in bản kế hoạch ra xem xét như thói quen thường ngày, cầm cái đóng ghim đóng lại, ông đã chỉ có một việc là ngồi xuống và chết đi.

Ba tôi là một người độc lập đến mức độc đoán như vậy. Cuộc đời ông là của ông, sự sống cũng như cái chết, không ai chia sẻ được và cũng chẳng cần ai thông cảm, càng không chờ đợi được lý giải. Chừng như có một sợi dây kết nối ông với cuộc sống này, và khi muốn dứt bỏ, ông chỉ cần cắt nó đi, dứt khoát và nhẹ bỗng. Hoặc là, có cái gì đó đã ăn mòn ông đến chết, ông cảm nhận được nó, chờ đợi và chuẩn bị cho nó một cách âm thầm. Hoặc là, cả hai điều đó. Dù gì đi nữa, thứ đưa ông đến cái chết không phải là điều có thể giải thích bằng những kiến thức khoa học hay tâm lý.

Vì bản kế hoạch ấy, người ta cho rằng ba tôi tự sát. Nhưng bằng cách nào và như thế nào, không ai rõ.

Người đến đưa tang ba tôi đông nườm nượp. Từ sân bay về thẳng căn nhà cũ, tôi hầu như chuếnh choáng trong không khí mùa hè oi bức đầy khói bụi và nắng nóng, mơ hồ với thứ ngôn ngữ đang được sử dụng xung quanh và xa lạ với hầu như tất cả con người. Ông bà tôi đã mất vài năm trước đó, và giây phút nhìn thấy quan tài ba, tôi nhận rõ rằng chỉ còn lại một mình trong thế giới này. Không còn một mảnh máu thịt nào khác nữa cùng tồn tại. Không còn bất cứ ai. Dù ba tôi không để lại di chúc, tất cả tài sản của dòng họ đã nghiễm nhiên thuộc về tôi- Kẻ duy nhất còn sót lại. Và từ ấy, thế giới xung quanh tôi thành một cõi rừng già, nơi chỉ có bầu trời và mặt đất là thực thể duy nhất có thể tin cậy được.

Tôi đã không nghĩ đến mẹ- từ lúc nghe tin về ba cho đến khi đám tang kết thúc. Chỉ khi trở về nhà thu dọn đồ đạc của gia đình, tôi mới chợt nhớ rằng bà vẫn còn trên cuộc đời này. Và tôi cũng chẳng bao giờ nói với bà về kết cuộc của ba tôi. Hẳn sẽ có người báo cho bà biết. Tôi và bà, chẳng ai cần biết hay muốn nhìn thấy thái độ của nhau trước sự việc ấy, cũng như không ai muốn nói ra, nhắc đến. Như những kẻ sát nhân không bao giờ muốn nhắc về tội lỗi của mình.

Giờ đây, thi thoảng trong một vài đêm ở lại văn phòng, tôi đã im lặng hàng giờ ngồi nhìn ra những ánh đèn lướt qua trên đường cao tốc sau hai lớp kính dày. Ngay cả những ngọn đèn đường vàng cũng như đang trôi dập dờn trong làn sương ánh sáng do chính chúng tạo nên, trong không khí đặc quánh màu bóng tối cuồn cuộn lướt đi. Qua hai lần kính, đường nét đã bị bóng tối che phủ hoàn toàn biến mất, chỉ có những đốm sáng của ma trơi đi về trong cái yên lặng lạnh ngắt giữa bốn bức tường phòng kín. Đôi lần, tôi nghĩ về ba tôi, cái đêm ông đã ngồi đây, đúng ngay vị trí này, trong căn phòng đã được bật hết mọi bóng đèn, quan sát sự chuyển động lặng lẽ của đêm đen. Ông đã nghĩ gì trong giây phút ấy? Nhẩm lại vài con số trong bản kế hoạch đám tang cho chính mình hay nhớ lại một vài kỷ niệm?

Không. Có lẽ, khi mà tương lai đã không còn, hiện tại đang tan loãng và ký ức chạm đến đâu cũng vỡ nát như băng mỏng trên mặt hồ, điều duy nhất ông mong muốn là cái chết. Cái chết dưới hình dạng một ý nghĩ, xâm chiếm, từ từ. Thế giới hóa thành một nghĩa địa bao la với chập chùng bia mộ và muôn triệu ánh ma trơi quét qua bóng tối lặng im.

Sau đám tang, tôi ở lại. Vì giờ đây, bất cứ nơi đâu cũng chỉ là một. Một thế giới duy nhất. Một tôi duy nhất. Hiện tại, tương lai, những con người xa lạ, khoảng không xa lạ. Ký ức đã phai mờ và chẳng còn gì thổi bùng lên được nữa.

Tôi đã nghĩ, điều đó gần như là tự do.

Trong cõi mông lung vô tận của riêng mình, nơi chỉ có những cái bóng chuyển động trên bức tường trắng, tiếng động rơi vào, mất hút.

Những gì ở qúa cao rồi sẽ rơi.

Những chiếc bóng của qúa khứ đã đuổi kịp tôi, nắm lấy, phủ trùm lên tôi vào lúc mà tôi không ngờ nhất. Bắt đầu từ giấc mộng buổi sáng hôm ấy, khung cảnh của ngày kết thúc, cái ngày mà tôi bắt đầu cuộc trốn chạy của mình. Tôi chưa từng tin vào các thế lực siêu nhiên, nhưng luôn luôn, khi nhìn lên bầu trời đêm sâu vút thăm thẳm, lấp lánh vô vàn đốm sáng, tôi lại nghĩ về con mắt đang dõi vào thế giới tràn ánh sáng. Con mắt đang dõi xuống trần gian này. Dõi xuống tôi.

Con mắt đen. Ánh sáng trắng. Muôn vàn đốm sáng trắng.

Đã từng có một cô gái nào đó, tôi không nhớ được tên cô ta bây giờ, có đôi mắt gợi nhớ cho tôi về bầu trời ấy. Một buổi tối nào đó, dường như đã rất xa, cô ta lại gần tôi, trên tay là một cây chong chóng nhiều màu bán ở hè đường. Hình như cô ta cười, nhìn ra sau vai tôi. Đường phố rực sáng phản chiếu trong đôi đồng tử đen nháy của cô ta. Đôi mắt đen đến mức tất cả các luồng ánh sáng chói lòa ấy tối lại, chỉ còn là những đốm sáng nhỏ trong đáy mắt. Đến lượt những đốm sáng ấy lại tự nhân lên, phản chiếu lẫn nhau, mờ đi và sáng lên, nhấp nháy liên tục. Trong một giây phút, tôi đã nghĩ rằng, cái không gian được mở ra đằng sau đôi mắt ấy là vô tận, vĩnh viễn không bao giờ kết thúc.

Cô ta đã đi qua tôi, nụ cười với cây chong chóng nhiều màu uể oải quay trong gió. Cái chớp sáng đã từng hiện diện trong đôi mắt cũng không còn nữa. Vũ trụ bao la kia đã khép lại, biến mất, tuyệt diệt. Đằng sau tôi, tiếng nước đổ rào rào xuống từ chiếc vòi phun đặt giữa cái hồ nhỏ. Nước bắn vào lưng, vào tóc tôi từng hạt nhỏ li ti.

Cô ta đã đi qua tôi hay tôi không giữ cô ta lại, tôi cũng không còn nhớ nữa. Chắc chắn rằng, tất cả những gì là cô ta, tạo thành cô ta, và cả những ký ức trong mối quan hệ của tôi với cô ta đã bị tôi lãng quên. Từ đêm ấy, cô gái kia trong tôi chỉ là một hình ảnh duy nhất của nụ cười, chong chóng quay và đôi mắt đen thẫm như bầu trời. Cũng như Thiên Thiên, cô bé Thiên Thiên của bao nhiêu năm về trước, chỉ còn lại là cảm giác một sinh vật nhỏ bé đã chạm vào tay tôi.

Trong cái vùng tối thẫm, mịt mờ của qúa khứ, dù cố sức đến bao nhiêu, tất cả những gì tôi nhớ chỉ là một hơi ấm nhạt nhòa, tựa như một mảnh tro nhỏ bay khỏi đám lửa, chạm vào tay tôi. Trước đó, hoặc sau đó, là một khoảng trống rỗng.

Không đâu, anh đã quên em rồi.

Phải, anh đã quên em rồi. Tôi biết mình sẽ nói điều đó với Thiên Thiên, thừa nhận nó vì chẳng thể nào làm khác. Có thể, chính vì cũng hiểu điều đó, nên cô đã không muốn gặp tôi.

Chúng tôi luôn luôn gây tổn thương cho nhau bằng những cách mà chính chúng tôi cũng không thể nào hiểu được, huống gì là tránh được. Luôn luôn, bởi vì ngay cả sự tồn tại của người này cũng đã là sự tổn thương với người khác. Cái qúa khứ kia, Thiên Thiên đã giữ lấy nó một mình, trong suốt một thời gian dài, như giữ chiếc hộp Pandora. Nhưng tôi e rằng, khi chiếc hộp này mở ra, hy vọng sẽ là điều đầu tiên bay đi mất.

Những bí mật đã nằm chôn sâu trong đất, giữ kín trong hang động, được phủ lên bởi lớp bụi dày của thời gian, đồng thời đã hóa hình thành khí độc. Lật mở chúng, đồng thời tôi cũng đã tự đầu độc mình, vĩnh viễn kẹt lại trong những ngõ ngách quanh co của Hồi ức và Qúa khứ, không cách nào thoát ra. Sự nhận biết cũng có khả năng giết chết con người.

Ba tôi, người đã yêu thương bản thân hơn hết thảy, cũng không thể nào thoát ra được vũ trụ với muôn vàn ánh sao này. Không bao giờ thoát khỏi tấm lưới đan dệt bởi ký ức và giả trá, dối lừa và sự thật. Không bao giờ thoát khỏi lời nguyền của con mắt đen thẫm dõi vào từ bầu trời.

Thi thoảng, trong những đêm ở lại văn phòng làm việc, tại chính vị trí mà ba tôi đã trút hơi thở cuối cùng, quan sát những tia sáng, đốm sáng lướt qua, nhấp nháy và biến mất sau cửa kính, tôi vẫn mường tượng ra đôi mắt ông dõi lên trần nhà. Trong đôi đồng tử mờ đi trong cái chết, đen thẫm lại khi linh hồn đã lạc vào cõi vô cùng, ánh sáng từ những ngọn đèn trên trần có lẽ cũng tối lại, nhân lên, phản chiếu và tan vỡ. Tạo thành một vũ trụ thẳm sâu vô tận.

26. Những chuyến đi - Nơi chứa ký ức - Em ở đâu?

Những kẻ đang ngủ say thì mỗi người có một thế giới riêng cho chính mình; chỉ khi nào tỉnh dậy họ mới chia sẻ một thế giới chung.

Heraclitus

Liên Hoa gửi cho tôi tin nhắn: Mai em lại đi rồi, anh tới gặp em ở nhà được không?

Cô đợi tôi dưới gốc cây xoài trong vườn, vị trí mà tôi đã nằm ngủ những năm xưa. Cũng những tia nắng chan xuống từ bầu trời và gió lay các ngọn cây đong đưa nhè nhẹ. Khi Liên Hoa ngước mắt nhìn, một cái giật thót khẽ khàng nhói lên sau gáy tôi. Dường như em tôi đang ngồi đó, nhỏ bé, không bao giờ trưởng thành và có đôi mắt sáng trong vĩnh viễn.

Qúa trong sáng.

Lần này em định đi đâu? Ngồi xuống cạnh Liên Hoa, tôi hỏi. Không trả lời, cô cầm trái xoài đang để trên cái đĩa trước mặt, lấy dao cạ nhẹ vào lớp vỏ còn xanh.

Em không biết. Em ra sân bay, ngồi nhìn mọi người đi qua đi lại một lúc, rồi đến quầy vé hỏi có chuyến đi nào vào ngày mai, nơi nào xa nhất.

Trái đất hình cầu. Đi xa nhất là trở về chỗ cũ đấy. Tôi nói. Liên Hoa chợt ngẩn người, cái dao trên tay cô dừng lại.

Không có chuyến bay trở về chỗ cũ. Cuối cùng, Liên Hoa đột nhiên mỉm cười, đưa lưỡi dao luồn vào dưới lớp vỏ trái xoài xanh. Không có đâu. Thật ra, nơi nào cũng không quan trọng. Anh biết điều thú vị của những chuyến đi là gì không? Ngồi trên phương tiện vận chuyển, biết mình đang rời đi, đang chuyển động. Mọi chuyện còn lại đều không còn phải suy tính đến nữa.

Nghe như người chạy trốn. Tôi ngắt một ngọn cỏ mọc bên cạnh, ngẩng đầu nhìn trời. Rất sớm thôi, sẽ đến những ngày mây xám phủ vây và sương mù sẽ giăng khắp lối, tôi nghĩ, và nhớ đến người đàn ông trên tòa nhà cao tầng- cách mà Thiên Thiên đã gọi. Nếu không gặp lại, trong trí nhớ của tôi, anh ta sẽ vĩnh viễn là người thanh niên trong khu vườn hoa mai vàng. Chuyển biến và đổi thay vẫn luôn tiếp diễn, những thứ không bao giờ thay đổi là thứ không, hoặc không còn, tồn tại. Ra đi, và khi trở lại, sẽ chẳng còn gì. Chẳng còn gì.

Một khoảng thời gian im lặng kéo dài phủ vây chúng tôi. Liên Hoa gọt hết trái xoài, cắt thành từng miếng nhỏ để vào đĩa, nhưng tôi không đụng tới. Đã bao lâu rồi, tôi tự nhủ, lần cuối tôi ăn trái của cái cây này là bao lâu rồi? Trước khi xảy xa sự kiện bí ẩn liên quan tới thứ được chôn dưới gốc nó, hay trước cái ngày cuối cùng tôi ở nơi đây? Tất cả, giờ đây, khi nhớ lại, thật qúa xa xôi.

Anh biết những chuyện về tiền kiếp chứ? Kiếp trước, kiếp sau, đại loại thế. Liên Hoa hỏi bằng giọng rất nhỏ, như đang nói về một bí mật. Không đợi tôi trả lời, cô tiếp tục. Người ta ghi nhận được rằng có những người nhớ được mình là một người đã chết ở một nơi nào đó rất xa, nhớ được từng chi tiết của cuộc sống trước kia. Nói theo đạo giáo thì đó là sự chuyển kiếp, cũng có người lý giải đó là ở một nơi nào đó trong vũ trụ này ghi nhớ ký ức của con người, chỉ có một số người tiếp nhận được ký ức này, cũng có thể là gene... ai mà biết được...

Em đã từng đến một khu làng, nơi những đứa trẻ chết bất chợt vì một tai nạn nào đó không được đem chôn mà chỉ quấn xác bỏ ngoài đồng. Ở đó, có rất nhiều trường hợp trẻ con được sinh ra lại trở về với "gia đình trước kia" của chúng. Chúng lưu giữ ký ức ngay cả những chi tiết như xác bị bỏ ngoài đồng kiến cắn thế nào, sao chúng lại chọn theo về với "cha mẹ mới"...

Mà thật, những người có ký ức tiền kiếp mạnh mẽ như thế hầu như toàn là đã từng chết bất đắc kỳ tử, chết đột ngột, không tuân theo qúa trình sinh lão bệnh tử.

Em nghĩ... Giọng Liên Hoa kéo dài một chút, hơi ngừng lại. Có một nơi nào đó, không, một cái gì đó, lưu giữ những ký ức trên trái đất này. Con người, bằng sự sống của mình, triệt tiêu nó, triệt tiêu bản thân, trở nên yếu ớt và cuối cùng tan biến vào vũ trụ. Tan biến.

Qua tất cả, tình yêu, nỗi đau, hối hận... cuối cùng thì anh nhớ được gì? Có chăng chỉ là cảm giác của một ánh nắng, một ngọn gió hay mùi hương lưu cữu. Cuối cùng, cái anh nhớ chỉ là cảm giác. Nỗi đau cũng là cảm giác. Cảm giác được xác lập bằng tế bào, bằng xương thịt. Và khi tất cả những điều hiện hữu ấy chết đi, chẳng còn lại gì hết. Chỉ có những kẻ mà chưa được sống, chưa quên lãng, mới để lại ký ức của mình.

Liên Hoa lại im lặng. Những mảnh xoài xanh trên chiếc đĩa sứ trắng bợt bạt trong nắng, lớp vỏ trơn ướt mềm mịn đang dần khô lại. Cảm giác như chúng sẽ biến thành đá. Tất nhiên, chúng không thể biến thành đá, chúng chỉ khô lại, khô lại, ngả sang màu nâu vàng, nâu xỉn, thu nhỏ, cạn kiệt, quăn queo, rúm ró. Chúng sẽ biến thành xương trắng. Tan vào lòng đất và biến thành xương trắng.

Em luôn luôn nhớ mọi thứ. Như chờ đợi của tôi, Liên Hoa tiếp tục nói. Cô nhắm mắt, cau mày như thể mệt mỏi. Em không quên bất cứ điều gì. Màu sắc của bụi hoa bên góc tường ngày em đi học mẫu giáo, hướng của mặt trời chiếu trên ngọn cây gạo sân trường, những buổi chiều đứng ở cổng trường đợi mẹ đến đón về... Em nhớ tất cả, cảm giác, cái xon xót khi nắng chiếu vào mắt, cả số chai rượu mà chúng ta đã uống đêm ở quán bar. Lúc quen anh, em đã nghĩ, mình thật là ngưỡng mộ anh. Chúng em, cả Hồng Hải nữa, cứ sống, cứ vật vã với những ký ức, cố thoát ra khỏi thứ trật tự qủy quái nào đó trên cõi đời này. Còn anh cứ thế mà đi, đi mãi. Thiên Thiên không thể chịu đựng được anh vì thế. Làm sao mà có thể sống bên cạnh một người sẽ quên khi mình bước qua nhau?

Anh không quên. Tôi chậm chạp nói. Không thể yêu cầu tôi phải nhớ tất cả, phải không? Nhìn Liên Hoa kia, cô gái với gương mặt tròn, đôi mắt trong, vĩnh viễn không thoát khỏi dáng dấp của một cô bé. Người ta phải lãng quên để có thể đổi thay. Những kẻ không có khả năng quên thì sẽ vĩnh viễn bị kẹt vào ký ức. Cô gái với đôi giày trượt phóng đi trên tuyết, không kịp để lại đến cái bóng của mình. Tôi vẫn nhớ hình ảnh đó, nhưng ồ, ai biết được, có một ngày tôi cũng sẽ quên. Tất cả sẽ chỉ còn một đoạn mô tả bằng chữ nghĩa đơn thuần, trơ khấc, không gợn được bất cứ điều gì, kể cả tiếng cười vỡ ra như băng rạn đã vang vọng trong lòng tôi lúc ấy. Tôi đánh mất Liên Hoa của ngày xưa bằng cách đó. Và cô nữa, cô sẽ đánh mất bản thân mình, cách này hay cách khác, theo dòng chảy của thời gian. Thời gian sẽ hủy diệt cô. Bước đến cái đỉnh của cuộc đời rồi sẽ bị ném xuống. Lăn tròn, lăn tròn.

Này, những trái tim, hãy lăn đi

Dọc đường bụi mù như trải mật

Lăn, xước, nứt rồi vỡ nát

Thành bi ve trong suốt

Trong như lệ

Trong như nắng

Tôi giật mình. Liên Hoa vẫn chăm chú nhìn tôi. Gương mặt cô trơ lạnh. Cô nhoài người về phía tôi. Và tôi có thể thấy bóng mình trong mắt Liên Hoa khi hơi thở cô phả vào má tôi. Mùi cỏ.

À ơi, xương trắng thì cứ ngủ yên. Anh còn nhớ chứ? Anh đã quên chưa? Giọng Liên Hoa thì thầm. Rất nhanh, bầu trời trong đáy mắt cô sập tối, che mờ bóng tôi. Em đã bảo, có một nơi nào đó, một cái gì đó lưu trữ ký ức trên thế giới này.

Em là ai? Tôi hỏi như bị ngạt hơi, có thể thấy trái tim mình run rẩy hồi sinh sau cái giật nẩy chết lặng. Liên Hoa nghiêng đầu. Thế giới trong mắt cô biến dạng thành những lát cắt vụn vỡ.

Em không biết. Em đã ở một nơi rất tối, sau những chấn song và ván gỗ mỏng. Thấy bóng con người đi qua. Họ luôn luôn đi qua. Có những tiếng xôn xao, cả tiếng mưa và ánh nắng. Em không là ai hết. Em không là cái gì, hoặc nơi nào, hoặc như thế nào. Trong căn phòng tối, em có giấy và bút. Em viết, nhưng chính em cũng không thể đọc được. Thế là em chỉ có thể nhắc đi nhắc lại tất cả trong đầu, hình dung ra chúng, tưởng tượng lại chúng. Khi ghi nhớ tất cả điều đó, em lại quên mất mình là ai. Còn anh, anh có nhớ đêm đó em ở đâu?

Tiếng Liên Hoa thì thầm, rồi nhỏ dần thành tiếng rì rầm, như có những giọng nói khác đệm lại đằng sau cô. Hơi thở cô càng sát lại, sát lại. Tôi tê cứng cả người, chỉ có trái tim lồng lên như muốn chạy trốn. Đó là cái chết, tôi nghĩ, cái chết khi sự sống rời bỏ hình hài, chỉ có trí óc đang tràn ứ một luồng ý nghĩ ngập ngụa, đau đớn khi nhìn vào mắt cô gái. Vũ trụ mênh mông mở ra sau nó. Trán cô chạm vào trán tôi, tôi cảm nhận được bằng sự chênh chao của thân thể, bằng khoảng cách.

Giây phút ấy, tôi tỉnh dậy.

Nắng vẫn đang nhưng nhức sau tán cây, lấp lánh sắc trắng bạc. Liên Hoa vẫn đang ngồi cạnh tôi, chăm chú cắt trái xoài. Trong tay cô chỉ còn miếng hột trắng nhợt, thuôn tròn. Trông như mảnh xương đã nằm trong tay tôi một ngày xa xưa. Nghe tôi ngồi dậy, Liên Hoa quay lại. Khuôn mặt với những nét trẻ thơ vẫn bình thản trong một nụ cười.

Anh ngủ từ lúc nào vậy? Trước khi cô nói, tôi hỏi. Mồ hôi đang rịn trên trán tôi. Liên Hoa chớp mắt. Tôi biết khuôn mặt mình hẳn đang thể hiện một cảm xúc rất khó diễn tả. Từng tế bào của tôi lạnh buốt, tưởng như hai hàm răng đang đập vào nhau. Trời đang ngả về chiều. Gió rì rào.Bóng lá xoay tròn quanh chỗ tôi đang ngồi.

Lúc em đang kể chuyện cho anh.

Chuyện gì?

Chuyện lúc em mới về căn nhà này. Ba em định sửa khu vườn, lát lại lớp sỏi chắc hơn. Nhưng đêm đầu tiên sau khi lớp đất trong vườn được đào lên, đã có chuyện rất kỳ cục xảy ra. Liên Hoa nhún vai. Nụ cười phớt trên môi cô. Giờ thì tôi thậm chí không nghe được tiếng tim của mình đập. Đám thợ sau khi ăn tối lại kiếm một chai rượu về nhậu với nhau. Đêm đó, em nghe họ hát trong vườn thế này:

À ơi, đá đã chôn, hồn đã đốt

Bỏ rơi lăn lóc bên đường

Phách đã tan, chỉ còn là sỏi

Tại sao không ai trở về?

Sỏi tan sỏi nát sỏi rớt rơi

Phiêu lãng bốn phương trời không tìm thấy bóng

Tại sao không ai trở về?

Sáng hôm sau thì họ bỏ đi. Ba em cũng không sửa vườn lại nữa. Từ đó đến giờ nó vẫn cứ như thế này, cỏ mọc đầy. Lúc đó thì em không nghĩ gì cả, nhưng sau này thì cũng thấy có chút kỳ lạ. Sao lại có bài hát như thế cơ chứ? Liên Hoa nghiêng đầu - cử chỉ rất giống như trong giấc mơ hồi nãy. Ba em không sợ trời, chẳng sợ đất, chẳng tin ông thần ông thánh nào. Vậy mà, giờ nhớ lại, em nghĩ sáng hôm đó, cả đám thợ và ba em, ai cũng đang sợ một cái gì đó.

Giống như anh bây giờ. Môi Liên Hoa nhếch nhẹ. Gió tạt mùi cỏ vào khứu giác tôi. Mất một lúc tôi mới có thể cất lời.

Đêm đó, em ở đâu?

27. Mùa hạ - Mẹ và con - Những cuộc ra đi

"Những thiên đường thật là những thiên đường đã mất".

Marcel Proust

Chiếc máy bay đưa Liên Hoa ra đi rất giống như chiếc diều đứt dây giữa không trung.

Đừng mong em trở lại, cô nói, hơi nghiêng đầu. Mong chờ là một cảm giác rất trống vắng.

Đó là một câu nói có vẻ kỳ lạ. Anh chưa bao giờ chờ em, tôi muốn nói, nhưng nghĩ lại, chỉ thốt ra một tiếng ừ gọn lỏn. Và thế là Liên Hoa ra đi. Đối với những kẻ khác, sự chờ đợi của người ở lại sẽ là chiếc dây nối họ về chốn cũ, nhưng với Liên Hoa, chẳng biết đến một lúc nào đó sẽ có một ngọn gió thổi bay cô đi mất. Rất nhanh, mùa đông đã phủ vây thành phố trong hơi gió lẩn quất dưới lòng đường, ánh nắng nhạt chiếu qua mây xám. Lớp bụi lá cùng với cát cứ thốc lên, xoáy tròn trên lề. Ngồi trong quán cà phê đối diện với một bệnh viện phụ sản lớn, tôi nhìn cát bụi nhảy múa ở một góc sân, sau những bước chân hối hả lại qua. Cánh cổng mở rộng đông chặt người hầu như vào bất cứ giờ nào trong ngày. Nơi đó, sự sống đã, đang và sẽ được sản sinh hay hủy hoại. Tôi nghĩ về điều đó, và nhớ những gì Liên Hoa đã từng nói - trong hoặc ngoài giấc mơ tôi.

Bằng cuộc sống của mình, con người hủy hoại sự sống. Triệt tiêu nó đến giới hạn cuối cùng. Con dao trong bàn tay trắng trẻo, làn da gần như trong suốt lấp lánh ánh nắng, cắt từng đường qua trí nhớ tôi. Anh đã quên rồi. Quên rồi.

Em cũng đã quên rồi. Đó là tất cả những gì cô đã trả lời tôi. Cô, cũng như tất cả mọi người đã nghe khúc ca ấy - theo tôi biết - đã quên, ít hay nhiều. Theo tôi biết, bởi vì có những người mà tôi đã không tìm thấy họ trong đêm đó. Em và mẹ. Giờ đây, tôi không thể nhớ được vào thời gian ấy hai người đã ở đâu, như thế nào. Có điều gì đó thôi thúc tôi tìm hiểu, nhưng cũng đồng thời khiến tôi sợ hãi. Tôi nghĩ đến hành lang bệnh viện thoảng mùi thuốc sát trùng và lành lạnh hơi đá, hơi sơn, không hiểu sao thấy lòng mình bình tĩnh lại.

À, cái thế giới đằng sau cánh cửa... Những khuôn mặt phụ nữ, đủ mọi sắc thái tình cảm, đủ mọi khuôn dạng, đủ mọi sắc diện. Với tôi, đó là một thế giới bí ẩn mà tôi chưa từng thử bước vào. Có vài dịp tôi đã đi vào một vài căn phòng nơi đó để thăm một người nào đó. Nhưng đằng sau những bức tường, vô số bức tường là nơi tôi hoàn toàn xa lạ. Tôi đã bước vào cuộc sống từ nơi ấy, và đã quên. Không ai nhớ được khoảnh khắc sinh ra của mình, cái chớp mắt trước ánh sáng từ chiếc đèn trong phòng phẫu hay ánh điện, nến, mặt trời, bất cứ điều gì. Nếu có kẻ nhớ được, hẳn đó là một kỷ niệm khủng khiếp. Giống như khi đã chìm đắm qúa lâu trong một tình yêu rồi bất chợt thấy lòng mình trống rỗng. Hẳn những đứa trẻ ấy đã từng yêu qúy hình hài đã ấp ủ chúng vô cùng. Đó là một tình yêu khác hắn với tình mẫu tử. Những người mẹ yêu con vì chúng là máu thịt mình. Những đứa trẻ yêu mẹ vì chúng là một phần của cái tổng thể ấy. Bị tước xé ra, và liện tục, liên tục là những cái giật ném liên hồi của cuộc đời, những cuộc ra đi và chia ly bất tận. Những 'lần đầu tiên' cũng trở nên giống như 'lần cuối cùng', lần thứ hai, thứ ba. Chẳng có gì đáng nhớ và do đó, cũng chẳng có gì đáng quên.

Chỉ là, chắc chắn, có một lúc nào đó, những đứa trẻ đã yêu thương mẹ chúng hơn cả bản thân mình, trước khi chúng biết tất cả những điều đó nghĩa là gì. Trước khi chúng biết oán hờn vì cuộc chia lìa kia. Cuộc chia lìa đã ghi dấu ấn lên suốt cuộc đời chúng, để nỗi cô đơn trở thành sự sợ hãi thường trực của bất cứ ai.

Không hẳn là bất cứ ai. Giờ đây, tôi nghĩ mình đã thực sự hân hoan khi được rời khỏi mẹ. Đó là lý do mẹ luôn luôn xa lạ, luôn luôn cách biệt đối với tôi. Bà hẳn đã nhận ra điều đó, ngay từ khi nhận thấy tôi hình thành trong bà. Chúng tôi luôn luôn muốn rời khỏi nhau. Và sự tượng thành của tôi, qúa trình dài đằng đẵng chín tháng mười ngày đó là một cuộc chung sống đầy khó khăn trong sự lạnh nhạt mà mẹ từng mô tả 'Con rất ít khi quẫy đạp'. Hẳn những cái cựa mình hiếm hoi ấy tôi đã thực hiện trong mơ.

Những cuộc chia lìa, đối với tôi, đã trở thành nhạt nhẽo và không đáng lưu tâm, có lẽ.

Ngoài cánh cửa rộng xao xác con người, tôi vẫn lặng lẽ nhìn qua cửa kính. Cửa kính với những hình sơn vẽ trang trí giáng sinh, với rèm và viền được kết bằng những vòng lá nhựa, qủa cầu thủy tinh lấp lánh đủ màu. Trong đó là một thế giới lạ lùng, đó là tất cả những gì tôi nghĩ về nó. Ngoài khung thủy tinh, bên kia con đường nhỏ, những bước chân vẫn hối hả lại qua, những vòng bánh xe quay và gió vẫn cuốn tròn lớp bụi đường trong các góc sân hẹp. Những cuộc chia lìa vẫn tiếp tục, khi sự sống vẫn tiếp tục sinh sôi. Tôi chưa từng yêu mẹ, cũng chưa từng căm hận, có lẽ chính vì cuộc chia ly của chúng tôi đã qúa nhẹ nhàng, trong cơn đau thể xác có thể khiến nước mắt tuôn trào.

Liên Hoa đã đi rồi. Thiên Thiên đã đi rồi. Hồng Hải, Mộc Thảo cũng đã đi rồi. Mùa hạ đã qua đi theo những cơn mưa và nắng cháy. Đã trả lại cho tôi thành phố hoang vắng ngày tôi trở về nhiều năm trước. Mùa hạ năm mười sáu tuổi ấy cũng đã qua đi. Những năm tháng sau đó đã trở nên không quan trọng nữa.

Đã không còn quan trọng nữa, tôi nghĩ khi nhìn khuôn mặt mẹ lạ lẫm trong ánh sáng ban ngày. Các nữ tu đã báo cho tôi mẹ được chuyển đến bệnh viện sau lần ngất đi trước bàn thờ. Trong căn phòng bệnh viện sơn màu xanh nhạt, tôi có thể nghe tiếng lá cây rì rào. Phòng săn sóc đặc biệt vắng vẻ, chỉ có tiếng nói được hạ xuống của các y sĩ. Màu thép và nhựa lành lạnh, làm sắc tái nhợt trên khuôn mặt mẹ càng rõ hơn, như đã bị rút hết tất cả sự sống. Chỉ có làn da trên má phập phồng khe khẽ là dấu hiệu duy nhất chứng tỏ còn hơi thở.

Mùa hạ đã qua đi, tôi nghĩ với cái nhói nhẹ trong đầu. Có thể, đây là cuộc ra đi cuối cùng trong năm, trong cái chiều dài của vạt nắng lê thê trước bậc thềm. Trong một cái chớp mắt, bầu trời đỏ rực lên rồi tắt lịm. Chứng kiến rất nhiều hoàng hôn đã đi qua, chứng kiến qúa nhiều cuộc chia ly, ngay cả sự ra đi của mình cũng không còn quan trọng nữa. Chỉ cảm thấy lòng mình như một hành lang trống gió thổi ngút ngàn. Trong sân bệnh viện, một ánh lửa đỏ lập lòe loé lên rồi tan biến. Vẩn vơ, tôi nghĩ đến làn khói đã bốc lên trên những mái nhà dưới chân đồi một buổi chiều tà. Tưởng như cả thế giới đang hóa dần thành khói, cả thứ ánh nắng chấp chới lụi tàn, cả làn gió vội vàng cuống quýt. Cả những con người, những sinh vật nhỏ bé dưới các mái rơm vàng kia. Trái đất là một lò thiêu khổng lồ và núi lửa chính là các ống khói thả những gì đã được đốt cháy vào không gian. Mùa hạ đã qua đi, cả con người nữa. Đã từng có một cuộc chia ly rất lâu trước kia, mở đầu cho sự sống này. Và cũng giống như hiện tại, không có chút gì luyến tiếc hay buồn bã.

Mẹ cũng không yêu chúng ta. Lúc ấy, hẳn em đã sợ hãi biết bao. Em đã cố gắng níu kéo, luôn luôn níu kéo. Và luôn luôn thất bại. Lúc ấy, em ở đâu? Đêm ấy, em ở đâu?

Luôn luôn là những câu hỏi. Mà nếu không có những câu hỏi, nếu như tất cả là những câu khẳng định, đã là những câu khẳng định, thì con người sống để làm gì?

Đoạn cuối cùng của cuộc đời được đánh dấu bằng một dấu chấm than. Có lẽ.

Trong đêm, bệnh viện lặng đi dần. Bóng tối uể oải buông nơi những ánh sáng đèn khuất lối. Gục đầu vào thành một chiếc ghế đá kê trong hành lang, tôi thiu thiu ngủ. Nửa đêm về sáng, điện thoại rung. Một cuộc gọi từ nước ngoài. Với một cái giật mình nhẹ, tôi nhớ đến những cuộc gọi của Hồng Hải ngày trước.

Em đây, tiếng Liên Hoa làm sự căng thẳng của tôi dịu lại. Nhưng giọng cô có một âm điệu mà tôi cảm thấy kỳ lạ. Như thể cô đang sợ. Có chuyện gì vậy, tôi hỏi. Cảm giác của tôi được khẳng định chắc chắn hơn bằng sự lặng im dài.

Ở đây, em gặp Mộc Thảo - cô nhà văn đấy. Phát hiện ra cô ấy là người Việt, em tới nói chuyện. Tôi có thể tưởng tượng ra cái mím môi rất nhanh của Liên Hoa. Cô ấy cho em mượn laptop vì máy em hết pin. Chương trình chat của cô ấy đăng nhập tự động. Cuộc nói chuyện của anh và Thiên Thiên có trong phần offmess của cô ấy. Đó là nick của cô ấy.

Khi em gợi chuyện hỏi, anh biết cô ấy đã nói gì không? Đó là Mộc Thảo đã nói chuyện với anh. Chính cô ấy cũng không biết Thiên Thiên đã đi đâu.

Sau đó Liên Hoa vẫn tiếp tục nói vài câu gì đó, nhưng tôi không nghe nữa. Buông chiếc máy vào túi áo, tôi ngẩng nhìn trời. Bầu trời thành phố mờ mịt mây và nặng trĩu sắc đen sạm, xóa mờ cả ánh sao. Thế giới lặng yên rào rào gió. Mùa hạ đã đi qua, tôi nghĩ, trong cõi lặng im mông lung của tâm trí. Chỉ có câu nói ấy hằn rõ vào những nếp gấp của bộ não tôi. Lặp đi lặp lại. Lặp đi lặp lại.

Thiên Thiên đã biến mất. Vào trong thế giới này. Cùng mùa hạ.

Thế giới này thật là chán

Trong giấc mơ của mình, em đã từng yêu anh, chẳng hạn thế.

Em sẽ nói với anh, chẳng hạn thế, những điều mà em cũng chưa từng chắc chắn. Mỗi ngày, khi mở cửa phòng nhìn ra sẽ thấy vô số con người. Thành phố của chúng ta chỉ có bảy triệu, nơi chúng ta ở có lẽ còn ít hơn thế, vậy mà chúng ta không thể nhớ từng khuôn mặt lướt qua. Trong một đám đông nào đó, chúng ta sẽ quên cả người chỉ cách chúng ta vài mét ngay khi vừa đứng dậy. Vậy thì làm sao em chắc chắn được rằng em yêu anh?

Em đã đi qua những mộng mơ thiếu nữ, những say đắm xa xót của tuổi trưởng thành, đã đánh đổi mà chưa từng hy vọng. Cứ như triệu triệu con người cứ lướt qua nhau, lớn lên, đi vào cuộc sống, cố gắng để tồn tại, để đạt cho mình những mục tiêu xác định. Sống và chết. Sống và chạy trốn cái chết. Cũng giống như vươn lên để không thất bại. Vậy mà em cứ muốn ngoái nhìn lại cái hố đen, cái vực sâu dưới chân mình. Ý muốn đó nghĩa là gì, em không thể giải thích được. Đó không phải là một ý nghĩ ngông cuồng đột nhiên xuất hiện. Nó hiện diện và sống cùng em.

Em muốn nói rằng, trong giấc mơ của mình, em đã yêu anh.

Điều đó làm em cảm thấy an toàn. Ngày trước, ở một sân ga - mà em đã nói là em ghét sân ga chưa nhỉ? Ồ, chẳng có đâu những cuộc chia tay lãng mạn. Chỉ có một mái trần bằng sắt thấp màu xanh đến chán cả người, những đường ray trơ đen chui qua những cái cổng cũng màu sắt đen xì, những con người lúp xúp với đủ thứ hành lý, nền xi-măng xám xịt loang dầu mỡ. Mùi dầu mỡ mới tệ hại làm sao. Và tiếng bánh xe nghiến vào đường ray thì chát chúa. Ở đó, chẳng ai nghĩ đến được các cuộc du hành. Chỉ là lưu đày - từ nơi này đến nơi khác, hoặc là chịu đựng lưu đày trong một cái ống thuôn để đi được từ nơi này đến nơi khác. Phải, ở một sân ga như vậy, đã có chuyện thật đáng cười.

Lần đó, em vừa xuống tàu cùng một đoàn khách. Đi qua sân ga, có tiếng còi báo tàu vào và đám khách ấy đã qua đường ray ấy được phân nửa. Trong tiếng còi ấy, một người phụ nữ ôm đứa con chắc chưa được một tuổi chạy vụt qua đường ray. Không, cô ấy không định tự tử hay gì đó hết. Cô ta dừng lại bên đám khách đã đi qua, nhăn nhở cười với những ánh mắt nhìn. Chỉ là, cô ta thích đứng bên "những người đã đi qua" hơn.

Rồi tàu vào. Rất nhiều khuôn mặt lô xô qua các ô cửa. Rồi tàu đi qua, đám khách lại tiếp tục bước qua đường ray. Vậy đấy.

Vậy đấy, có nhiều khi, có nhiều người như cô gái kia, chẳng những liều cả sinh mạng mình mà còn cả của đứa trẻ kia, cho một thứ mà chẳng hiểu có ý nghĩa gì như bên này và bên kia đường ray sắt. Sau khi đã đi một chuyến dài. Đến một nhà ga chán chường, xấu xí đến phát bực mình.

Thật, lúc ấy em chỉ muốn con tàu đến hất tung họ đi.

Nói ra thì thật là tệ, nhưng em chẳng bao giờ cố gắng để tốt đâu mà. Thật, nghĩ lại thì có vô số những chuyện tương tự thế, cách này hay cách khác. Thế giới này nhiều lúc hóa ra chán chường qúa mức, chán chường không chịu nổi. Thế thì đứng bên này hay bên kia đường ray cũng trở thành vấn đề chứ nhỉ?

Thế thì, trong thế giới chán chường đến phát điên này, muốn có một đầu tàu đến hất phăng những thứ trước mũi nó đi cũng đâu hẳn là lạ.

Vậy ra, nếu nói vì chán chường mà yêu nhau cũng đâu có gì là sai. Hành động ấy, thật ra cũng giống như cố băng qua đường ray trước mũi tàu để đứng "bên kia". Ồ không, chẳng phải là sẽ đi đâu được. Chúng ta cứ đứng mãi, đứng mãi trong cái nhà ga với mái sắt thấp tè, nền xi măng loang sánh dầu cùng những khuôn mặt mệt mỏi, cáu kỉnh sau chuyến đi dài. Yêu hay không yêu chỉ là việc lựa chọn đứng bên này hay bên kia đường sắt. Yêu hay không yêu, chúng ta vẫn cứ phải làm việc, cứ phải ăn, cứ phải lớn lên, trưởng thành, già nua, mục rữa. Yêu hay không yêu, chúng ta vẫn cứ đơn côi. Còn đứa trẻ trên tay cô gái ấy cũng chẳng được quyền chọn lựa, nếu như có một đầu tàu hất văng nó đi lúc ấy. Mọi việc ấy mà, vốn rất giản đơn. Không phải vấn đề tuân theo luật lệ hay không. Chẳng có đèn đường, vạch ngăn hay luật cấm, chỉ là chúng ta muốn hay không muốn thế. Mọi việc ấy mà, vốn chẳng có gì quan trọng.

Lại có những thứ tình yêu để lại vệt trong trái tim. Nó qua rồi, không còn nữa, nhưng vẫn cứ để lại vệt, và người ta nghĩ rằng nó vẫn còn, và vẫn hành động như xưa. Chẳng ai moi được trái tim mình ra để xem, do đó, chẳng ai biết cái vệt trong tim ấy chứa gì. Giống như trái đất. Trái đất ngày xưa đầy nước, rồi những ngọn suối, con sông rút đi, để lại những đường rạch chi chít trên trái đất sắp đến ngày khô cạn này. Mọi thứ đều cạn khô như cái ly dốc ngược. Chúng ta đã sinh ra trong khi trái đất và mọi thứ đều sắp khô cạn. Mọi thứ lý luận và lý giải đã đến giới hạn. Mọi người chỉ lặp lại lời nhau, nói về những thứ đã được phát biểu. Mọi cuốn sách đều cố gắng vận dụng những thứ triết học xưa lắc lơ. Tất cả đều đã được nói ra, đã được thực hiện, chỉ là người ta có nhận ra nó hay không. Chẳng còn gì để nói, kể cả tình yêu.

Thế giới này qủa thật chán chường như vậy đấy. Thế mà người ta vẫn cứ phạm sai lầm, vẫn dẫm vào những bước chân đi trước, vẫn mù quáng và vẫn ngu dại. Cả sự chuyển động mù lòa xung quanh chúng ta nữa, cũng là thứ đã được báo trước, đã được nhận ra - ngoại trừ những kẻ trong nó. Trong một cái xe đang lao đi, chúng ta có thể xuống được sao?

Thế giới này chán chường đến cực điểm như vậy đấy.

Cho nên, nếu em yêu anh, ngay cả trong mơ thôi, thì có thay đổi được gì đâu?

Trong toa tàu

Xin lỗi, nếu như em làm cho anh nghĩ rằng, em muốn yêu anh vì thế giới này thật là chán.

Đúng là có lúc em nghĩ tất cả chỉ là con tàu lao trên đường ray vạch sẵn. Chỉ có cái chết là điều không lặp lại. Ồ, nếu vậy thì em muốn bẻ cổ những kẻ lái tàu kia đi - Những tên ngốc tưởng rằng mình biết đường ấy, chúng lại đang đưa ta đến một nhà ga tẻ ngắt, khốn khổ sau khi chui qua cái cánh cổng lè tè xám xịt. Bầu trời bên ngoài thật là xanh, cỏ bên ngoài thật là xanh, cả mặt nước cũng thế. Vậy mà chúng ta cứ lướt qua, lướt qua. Trong những cánh cửa đóng kín, trong một cái ống kim loại ngạt thở. Chỉ có thể dừng lại ở các nhà ga chán ngắt lô xô những khuôn mặt tê tái chào mời, những cánh tay đen đúa gầy nhẳng vẫy chúng ta qua cửa kính. Hay khốn khổ hơn, trên một chuyến tàu rẻ tiền, chúng ta sẽ phải dừng lại lâu thật lâu để nhường đường cho các chuyến tàu cao tốc ở một quãng đường hoang vắng nào đó. Nhìn bầu trời và mặt đất xanh đó im lìm sau cửa kính một thời gian qúa lâu, chúng ta sẽ có cảm giác muốn phát điên.

Nhưng có ai trong đám hành khách đó muốn đứng dậy bẻ cổ kẻ lái tàu đâu nào. Ai cũng sợ hãi bị bỏ lại và tiếc nuối số tiền mua vé. Mà việc làm đó sẽ dẫn tới đâu, có người hỏi. Chẳng đến đâu cả. Nếu con tàu cứ đứng ỳ ra đấy, những chuyến tàu sau sẽ bị tắc đường, sẽ đâm sầm vào nhau. Cả hệ thống tàu sẽ bị rối loạn. Vì sợ sự rối loạn đó, chúng ta cứ ngồi yên thôi.

Ồ không, không ai nghĩ đến điều đó đâu. Họ sẽ chỉ ngước mắt nhìn và nói: Đã trả tiền mua vé để đến nơi nào đó, thế sao lại có ý nghĩ điên khùng đến vậy?

Ngồi xuống đi, hoặc nằm xuống. Ngủ đi, hoặc làm những trò vui nho nhỏ mà mình thích. Ồ, có thể làm được một bộ phim về những trò nho nhỏ ấy. Có thể dựng một bộ phim về một nhóm thanh niên phát chán trên một chuyến tàu dài và bày đủ trò. Tán tỉnh, thù oán, chém giết, trả thù, yêu đương... vân vân. Tất cả những gì người ta sẽ làm trong chiều dài một cuộc đời. Hẳn là sẽ rất sống động, sẽ rất vui. Vì qủa thật, tất cả những chuyện ấy đã được thực hiện cả rồi. Tất cả là những dòng chữ đã được viết trên giấy.

Dòng chữ đó hẳn đã viết rằng: Em không yêu anh.

Hẳn rồi. Chúng ta không đi chung một chuyến tàu. Hẳn chúng ta đã bắt gặp nhau trên một sân ga nào đó, qua rất nhiều khung kính. Chúng ta ở bên nhau trong mơ, khi cái đám đông lao xao, nhộn nhạo xung quanh chúng ta thật không thể chịu đựng nổi. Khi cái đám đông đó trở nên qúa xa lạ hơạc ta không hề có ý muốn bước vào. Thôi vậy, cũng có lẽ chúng ta đã nhìn nhau qua vài hàng ghế đối diện, và không hề có ý muốn bước tới. Chúng ta đọc được sự chán chường trong nhau, cả cái ý muốn bẻ cổ tên lái tàu kia nữa. Có nhiều khi, cảm giác bất lực vô lý với cuộc đời khiến ta có thể khóc lên được. Nhưng ta sẽ không nắm tay nhau lao xuống khỏi tàu đâu. Vì nếu chúng ta bước lại gần nhau, chúng ta sẽ làm điều đó, hoặc sẽ cùng nhau bẻ cổ tên lái tàu. Chúng ta không bước lại gần nhau, do đó cũng chẳng có gì xảy ra cả.

Chỉ có điều chắc chắn rằng, em không yêu anh vì qúa chán chường, ngay cả trong mơ.

Em yêu anh

Anh có nghe thấy không, bản Serenade đấy.

Có một buổi chiều đã trôi qua đầy nuối tiếc khi những ngọn gió đã theo cánh chim đen thẫm trên trời đi mất. Ở bên anh rất dễ chịu. Anh tôn trọng người khác, tất cả mọi người. Anh cố gắng để không ai bị tổn thương. Điều đó lại giống như đang ngồi trên một chuyến tàu.

Chúng ta đã đi qua những tháng ngày rực rỡ và say đắm xa xưa, đã giữ lại những hoang tàn và để mình bước đi trong một thế giới rộng lớn buồn bã. Thì thôi vậy, chúng ta vốn dĩ là không cần có nhau. Chúng ta sẽ không nắm tay nhau nhảy khỏi một chuyến tàu đâu, không thể.

Thì thôi vậy, em sẽ nghĩ xem.

Những con vẹt trong rừng Phi châu - Thế giới hình vuông - Nơi khai sinh của loài người

Em đang ở một khu rừng châu Phi với các loài vẹt đủ màu sắc, đủ hình dạng. Chúng trông rất vui mắt. Nhưng tất cả những gì chúng nói đều giống nhau. Không hiểu chúng bắt chước nhau hay có ai đó đã dạy cho chúng. Chỉ có một điều chắc chắn, có kẻ đã từng tồn tại ở khu rừng này, đã thốt ra những lời kia đầu tiên.

Sự nhàm chán đó bắt nguồn từ chính bản thân ngôn ngữ. "Xanh" là màu của bầu trời. Xanh. Xanh. Nhắc đi nhắc lại từ ấy cho đến khi nó thật xa lạ trên đầu lưỡi. Tự hỏi chúng có ý nghĩa gì với những con vẹt kia. Những gì đã được nói ra, nhắc đi nhắc lại đến độ hóa ra lạ lùng, cho đến độ mình không còn hiểu được ý nghĩa của chúng nữa. Xanh. Xanh. Xanh. Tại sao bầu trời không phải màu vàng?

Những con vẹt trong cánh rừng Phi châu lúc lỉu khắp nơi. Khắp nơi. Như những cánh bướm trong rừng Amazone, một cơn bão đầy bụi phấn bay tan tác nếu bị đụng vào. Để lại trên những cành cây khô quắm là lũ sâu bọ lúc nhúc đủ màu.

Kẻ đầu tiên đã đến cánh rừng đó, dạy cho những con vẹt nói, hẳn là đã bị chính chúng rỉa sạch rồi.

Cho nên những lời chúng nói mới có thể tinh tươm và tanh tưởi đến vậy. Mùi tanh tỏa ra từ những cái mỏ cất cao, đầy kiêu hãnh. Những cái đầu cất cao, không chờ đợi ai nhắc hoặc chỉnh lại. Không ai biết chúng sai hay đúng, và điều đó cũng không cần thiết. Kẻ duy nhất có thể xác định được điều đó đã biến mất. Biến mất vào trong cánh rừng lúc lỉu những con vẹt đủ màu. Chỉ có điều đó, điều duy nhất đó có thể lý giải cho tình trạng hiện tại.

Thật ra, chúng nói rất nhiều. Nhưng tất cả đều trống không, vô nghĩa, nhàm chán khủng khiếp, nhàm chán đến không thể chịu đựng nổi. Vì chẳng con nào chịu trả lời câu hỏi của em. Chúng cứ nói, cứ nói. Hãnh diện và kiêu ngạo nói những lời giống hệt nhau.

Vì để những sinh vật tanh tưởi và chán chường ấy rỉa thì qủa thật không đáng, em đã ra đi.

Mà quên mất, em đã nói tại sao mình lại ở châu Phi chưa nhỉ? Vì trong cuốn sách giáo khoa ngày xưa lơ xưa lắc trong trường đại học đã nói rằng: châu Phi là nơi khởi nguồn của nhân loại. Hay là, nói đúng hơn, đó là nơi có những nền văn minh cổ xưa nhất của nhân loại. Thế thì chắc là chính xác hơn. Ai mà biết nhân loại khởi nguồn ở đâu, và những kẻ "khởi nguồn" ấy có còn sống được hay phát triển được để có được thứ gọi là "nền văn minh" hay không. Mà "nhân loại" nghĩa là gì? Trong các cuốn sách giáo khoa của chúng ta, chúng ta được dạy rằng loài người tiến hoá từ loài khỉ. Nhưng anh biết không, thứ lý thuyết ấy mới chỉ phát triển gần đây thôi. Trong một bài viết của mình, em đã có dịp tìm hiểu thứ phản ứng mà người ta đã từng có với Darwin vào đầu thế kỷ 20. Họ kinh tởm ông ta. Em có thể cho anh xem những gì người ta đã vẽ để biếm hoạ ông ấy cùng học thuyết của ông ấy. Họ kinh tởm ông ấy và họ sợ ông ấy. Đúng hơn, học thuyết của ông ấy.

Họ sợ ông ấy, vì họ sợ thế giới của mình bị phá vỡ. Chúa tạo ra loài người, một phần tư thế giới này từng tin như vậy. Thánh Allah tạo ra loài người, một phần ba thế giới này tin như vậy. Thần thánh tạo ra loài người, một phần năm thế giới này tin như vậy. Còn chúng ta, chúng ta thuộc về phần còn lại. Trời đất sinh ra loài người, đó là niềm tin của chúng ta. Do đó, chúng ta ít chứng kiến những xung đột lớn lao về niềm tin cùng nhân sinh quan với thế giới, chúng ta tiếp nhận khoa học rất dễ dàng, chỉ cần dựa vào nền tảng mông lung vô định của mình. Chúng ta biết, nhưng điều chúng ta biết là một khoảng trống, chỉ cần lấp đầy nó. Còn họ, cái phần còn lại của thế giới, không giống như chúng ta. Họ xung đột, họ nguyền rủa nhau, họ đánh nhau, họ chà đạp nhau - Tất cả khởi đầu bằng những lý thuyết khoa học ở đầu thế kỷ 20. Em có thể kể cho anh nghe về những cuộc tranh cãi của trí thức nước Mỹ vào những thập niên 20, hay là những xung đột tôn giáo kéo dài khắp Italia, Tây Ba Nha, Brazil, Pháp...

Nhưng thôi vậy, em không làm một chương trình truyền hình, mà em chắc anh cũng chẳng muốn nghe những chuyện ấy. Cho nên em cũng sẽ không kể đâu, những câu chuyện về thánh thần và niềm tin cổ xưa trên phần đất Phi châu này, hay tín ngưỡng rất thú vị của người Ai Cập cùng vùng đất Lưỡng Hà, nơi được gọi là cái nôi của nền văn minh nhân loại. Nơi đã khai sinh ra một thứ gọi là "niềm tin", và trong suốt phần còn lại của sự tồn tại, nhân loại đã đánh lẫn nhau vì thứ gọi là "niềm tin" đó.

Chẳng qua, đó chỉ là những gì em đã nghĩ khi đến nơi đây, vùng đất chỉ có cát và cát này. Bên ngoài khu rừng là cát. Hai bên dòng sông là cát. Ngoài những cánh đồng là cát. Xung quanh con người là cát. Phải, có những cánh rừng và dòng sông, có những cánh đồng và thành thị, có những sự sống nằm trong lòng cái chết. Cái chết bao phủ vùng đất này như thể nó nằm lọt thỏm trong một nấm mộ.

Thứ mà em tìm kiếm đã không còn ở nơi đây nữa. Nó đã biến mất từ hàng ngàn năm trước.

Và em nghĩ đến điều gần như là tín ngưỡng và các thần linh khi đi trên sông, bên cạnh một ông lão chèo thuyền đen như một cây gỗ mục. Đừng hỏi em về khuôn mặt ông ấy, em không thấy đâu. Trong nắng, tất cả những đường nét trên khuôn mặt có làn da đen huyền ấy đã không thể thấy rõ được nữa như tan vào bóng đêm. Em chỉ thấy hai con mắt nhỏ và dài, không lộ như đôi mắt người châu Phi thường có, mà nhỏ và dài như đôi mắt Á châu. Đôi đồng tử cũng đen như thế. Tất cả những gì em nhớ về ông ấy chỉ có thế, người chèo thuyền trên sông có đôi mắt Á châu.

Ông ấy không nói gì với em, mà cũng chẳng thể nói gì khi cả hai không ai biết ngôn ngữ của nhau. Ông ấy chỉ đưa em đi qua dòng sông dài, dưới bóng của những kim tự tháp và nắng, và gió. Lúc ấy, em nghĩ, cái nơi buồn thảm và trơ kiệt, khô khấc này mà là nơi con người sinh ra ư?

Đừng lầm lẫn, em biết những kiến thức địa lý cơ bản, biết rằng vùng đất này thưở xa xưa đã là một khu rừng nguyên sinh to lớn hùng vĩ. Nhưng nó đã chết từ rất lâu trước khi con người sinh ra rồi. Con người sinh ra khi trái đất hùng vĩ, to lớn ấy chết đi rồi. Còn chúng ta, chúng ta sinh ra khi cả những con người ấy cũng đã chết rồi.

Khi nhìn xung quanh dòng sông, qua những khu rừng và những gì con người dựng xây nên - thế giới này thật ra rất đơn giản, anh thấy không, chỉ có rừng và những gì con người dựng xây nên, còn lại là sa mạc - em chỉ thấy cát. Gió thổi đến đâu, cát bay đến đấy. Có những vùng đất mà cát lấn chiếm hàng năm, hàng năm một, người ta gọi là vùng bị sa mạc hoá. Người sống trong những vùng đất ấy vẫn cố chống chọi, nhưng vô vọng. Tất cả chỉ là vấn đề thời gian. Chỉ là vấn đề thời gian cho đến khi mọi thứ bị nuốt chửng.

Và lần này, có thể, chẳng còn gì sinh trưởng được trên tàn tích mà con người bỏ lại, trên cát. Trên cát bụi.

Mọi thứ đang chết đi dần dần. Dần dần.

Còn những dòng sông, điều còn lại là những dòng sông. Sông và biển cả.

Đến lượt em lặp lại tất cả những gì người khác nói nữa rồi. Em chỉ muốn nói là, em đi về nơi này để tìm dấu tích của những gì được ghi trong sách vở. Nhưng điều em tìm thấy chỉ là cát.

Đúng ra, đó cũng chẳng phải là điều gì đáng buồn.

Khu phòng chờ của sân bay cũng lắp kính và phủ kim loại sáng loáng như mọi nơi khác. Một khi đã cầm vé bước qua cửa kiểm soát, không thể quay lại, ra ngoài được nữa. Có vài quán hàng bán đồ miễn thuế nơi đây. Ở các sân bay của những nước phát triển, khu phòng chờ được biến thành một siêu thị hàng miễn thuế khổng lồ, sáng loáng ánh điện và đầy màu sắc. Nhưng trong sân bay nội địa nhỏ này, em chỉ thấy vài cửa hàng be bé, còn lại là những bức tường kính. Bốn bức tường kính quay ra khoảng sân bay mênh mông bên ngoài.

Luôn luôn là bốn bức tường. Chúng ta đã quá quen với kiểu cách ấy. Có thể phá cách một chút, năm, sáu hay tám, mười bức tường gì đó, nhưng thường là bốn. Bốn bức tường, mỗi người trong chúng ta dựng xây cho mình một khu trú ẩn như thế. Một thế giới hình vuông - y như niềm tin cổ xưa của chúng ta.

Anh có biết chuyện vài bộ lạc cổ xưa của Phi châu vốn không thể nhìn được đường thẳng không? Vì họ đã quá quen với những đường cong trong tự nhiên. Trong tự nhiên không có thứ gì thẳng cả. Chỉ có con người càng phát triển thì càng đem mọi thứ ra dàn thật thẳng, cố gắng tạo ra những đường thẳng để phân cách - Nhà cửa, đồ vật, con đường, tính cách... Tất cả càng thẳng càng đẹp. Tất cả dần dần được phân chia vào các ô vuông, chữ nhật thẳng. Tất cả bị chia nát thành những đường thẳng - Thứ mà trong tự nhiên vốn không hề hiện diện.

Thế giới đang biến thành một hình vuông. Tựa như một mẫu Flash đơn giản để dạy về sự biến hình.

Và trong thế giới ngày càng được biến thành hình vuông ấy, người ta lại nói đến tự do. Nghĩ ra thì thật là buồn cười, có phải? Mọi thứ đang vào một chuẩn mực, một hệ thống. Tất cả đang được biến thành chuẩn mực và hệ thống, ở những xứ sở càng hiện đại, càng tân tiến thì thứ chuẩn mực và hệ thống này càng được thiết lập chặt chẽ hơn. Vậy mà người ở nơi ấy lại coi như họ tự do và tự hào về sự tân tiến của mình.

Người ta đang xây những thế giới hình vuông. Những nhà tù hình vuông - và họ gọi đó là thế giới. Quả thật, họ tự do trong cái thế giới ấy - thế giới hình vuông.

Có quan trọng gì đâu, tất cả chỉ là một khái niệm. Ngày xưa, khi thế giới còn rộng mở, người ta tạo ra các thế lực để kiểm soát con người. Còn ngày nay, người ta tạo ra các thế giới hình vuông.

Ngày xưa, con người tin rằng thế giới hình vuông và có điểm tận cùng. Rất nhiều nhà khoa học đã phải trả giá bằng sinh mạng của chính mình để nói điều ngược lại. Nhưng bây giờ, nếu như Gallie còn sống, em sẽ nói với ông ấy rằng - Dù sao, thế giới vẫn là hình vuông.

Và thế giới ấy vẫn có điểm tận cùng.

Nhưng thật ra có quan trọng gì đâu. Trong chúng ta, có mấy người đi được đến tận cùng thế giới để biết rằng nó có thật hay không. Thậm chí, nó có quan trọng với chúng ta hay không? Anh đã bao giờ quan sát mô hình quả địa cầu và nghĩ xem ta đang ở đâu trên đó? Chúng ta không biết, không thể nào nhận biết được hình cầu của trái đất mình đang đứng nếu chỉ bằng cảm giác. Vậy thì hình cầu, hình vuông, chữ nhật, tam giác, bình hành cũng có gì quan trọng?

Dù sao, thế giới vẫn cứ là hình vuông.

http://lamthien.byethost24.com/?page_id=455

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro