Cảnh ngày hè

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cuộc đời vốn bao la, vô tận kia như một bức tranh với ba chiều không gian trải dài đến vô cùng. Nhà thơ cũng như những con ong cần mẫn bay lượn trong khu vườn cuộc đời ấy: "Nhà thơ như con ong biến trăm hoa thành một mật / Một mật ngọt thành, đời vạn chuyến ong bay" (Chế Lan Viên) . Nhà thơ là những người đầu tiên và tiên phong cho sự phát triển của văn học, là người đóng vị trí cốt lõi để tạo nên một bản tình ca bất hữu. Nguyễn Trãi ở đây cũng vậy, ông chính là một trong những người đặt nền móng và mở đường cho sự phát triển của thơ tiếng việt , Nguyễn Trãi không chỉ tài năng và kiệt xuất mà ông còn được biết đến là một vị anh hùng lừng lẫy trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, là người có tài trong hầu hết các lĩnh vực từ chính trị , ngoại giao , quân sự , và còn có cả sự nghiệp văn chương đồ sộ, vì thế mà những tư tưởng của tác giả cũng ôm ấp những lí tưởng cao đẹp . Những vần thơ của Nguyễn Trãi chủ yếu nói đến tình yêu dân, yêu nước và còn có cả sự say đắm trước thiên nhiên tạo vật. Một trong những bài thơ tạo nên sự giao cảm vừa mạnh mẽ, vừa tinh tế đó là "Cảnh ngày hè"

"Rồi hóng mát thuở ngày trường,

Hoè lục đùn đùn tán rợp giương.

Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,

Hồng liên trì đã tiễn mùi hương.

Lao xao chợ cá làng ngư phủ,

Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.

Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,

Dân giàu đủ khắp đòi phương."

"Cảnh ngày hè" được viết bằng thể thơ Nôm đường luật-xen câu lục ngôn với câu thất ngôn, được Nguyễn Trãi sáng tác vào thời gian ông về nghỉ ở Côn Sơn. Là bài thơ số 43 , thuộc mục I gồm 61 bài có tiêu đề "Bảo kính cảnh giới" trong tập thơ "Quốc âm thi tập". Đây là thời gian ông tạm thời xa lánh chốn kinh đô tấp nập ngựa xe và chốn cửa quyền hiểm hóc để về với thiên nhiên trong trẻo, về với một cuộc sống thanh bình, giản dị để có thể thả nhẹ tâm hồn mà lắng nghe trọn vẹn nhịp sống của con người, của thiên nhiên, cảm nhận được vẻ đẹp tiềm ẩn của tạo hóa đã ban cho cuộc đời, có lẽ những xúc cảm ấy đã trở thành nguồn cảm hứng, làm tiền đề để Nguyễn Trãi sáng tác nên bài thơ.Đây không chỉ là tâm thế tác giả trước cảnh ngày hè mà còn là một bức tranh là ước nguyện của chính tác giả đối với dân, với nước.

Mở đầu bài thơ bằng một câu thơ đặc biệt đã hiện lên cho người đọc thấy rõ về tình cảnh của Nguyễn Trãi lúc này, một tình cảnh thật khó bắt gặp

"Rồi hóng mát thuở ngày trường,"

Tác giả không sử dụng câu thơ bảy chữ như thường lệ mà thay vào đó là một câu thơ sáu chữ để mở đầu cho một bài thơ bất hữu. Đây có thể xem như là một sự cách tân táo bạo, tạo nên sự bức phá cho nền văn học lúc bấy giờ. Từ "Rồi" ở đây có nghĩa là rãnh rỗi, nhàn hạ, thảnh thơi để dạo chơi,hóng mát, nhìn ngắm cảnh sông suối thơ mộng của thiên nhiên. Có thể xem đây là sự nhàn rỗi bất thường, bởi trong suốt cuộc đời Nguyễn Trãi, ông luôn trăn trở lo cho dân, cho nước, cho quốc thái dân an, cả tâm trí và sức lực đều dồn vào đất nước, vào sự ấm nó của nhân dân mà không cho mình có chút ít thời gian đề nhàn rỗi:

Bui một tấc lòng ưu ái cũ,

Ðêm ngày cuồn cuộn nước triều đông"

Chính vì Nguyễn Trãi không phải thuộc mẫu người nhàn rỗi thích hưởng thụ. Nên câu thơ cho người đọc phỏng đoán đây là thời gian nhà thơ lui về ở ẩn tại Côn Sơn. Nhịp thơ 1/2/3 khác hẵn với những bài thơ Đường khác nó không gợi lên nhịp trôi chảy của thời gian, cũng không phải là nhịp của bước chân nhẹ nhàng, thanh thản,nó không mang đến cảm giác bình yên, thoải mái với hoàn cảnh sống mà dường như nhịp thơ đang ẩn chứa một sự bức bối, nặng nề nhất là khi gắng với cụm từ " thuở ngày trường" - tức ngày dài vô vị và buồn chán. Đây có thể là khoảng thời gian tâm lí vì rõ ràng tác giả là một người muốn cống hiến , muốn dành cuộc đời của mình để lo cho dân, cho nước, thế nhưng trớ trêu thay ông lại phải rơi vào hoàn cảnh bị vu oan, mà không còn nhận được sự tín nhiệm như trước, điều này khiến tác giả mang trong mình một nỗi lo vì vậy mà thấy ngày dài ,sinh ra cảm giác chán nản, cảm giác ấy cũng đã phần nào nói lên được chính tâm sự của tác giả : Một xã hội đã suy yếu, những hoài bão và ý chí của tác giả bị chôn vùi, không còn gì, đành phải ra đi, cam chịu và ẩn cư, phải dành cả một ngày "hóng mát" để vơi đi nỗi tâm sự của mình. Trong cả bài thơ, mỗi câu, mỗi chữ đều thấp thoáng một tâm sự thầm kín.

Hoàn cảnh là thế, nhưng Nguyễn Trãi vẫn có đủ bản lĩnh để sống một cuộc sống bình thản, tận hưởng hết những vẻ đẹp mà thiên nhiên, tạo vật và cuộc sống mạng đến.Nếu như ở câu thơ đầu, hiện lên cho người đọc thấy về một ngày dài vô vị thì ở năm câu tiếp theo, tác giả đã mở ra một thế giới mới, khung cảnh mới, đó là một bức tranh thiên nhiên vào màu hè được thu vào tầm mắt và hiện lên vô cùng sống động qua từng câu, từng chữ :

"Hoè lục đùn đùn tán rợp giương.

Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,

Hồng liên trì đã tiễn mùi hương.

Lao xao chợ cá làng ngư phủ,

Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương"

Mùa hè trong cảm nghĩ của mỗi chúng ta thường mang một cảm giác ngột ngạt, oi bức. Thế nhưng cả thế giới mùa hè dưới con mắt của Nguyễn Trãi lại ngập tràn sắc hương, ngập tràn sức sống. Đặc biệt những hình ảnh mà tác giả lựa chọn để diễn tả bức tranh đều là những hình ảnh ấn tượng và vô cùng quen thuộc với đời sống thôn quê Việt Nam.Sắc xanh của cây hoe đi liền với từ lấy "đùn đùn" tạo nên cảm giác như nhựa sống đang ứa căng, tràn đầy và trào lên trong từng nhánh lá. Sự vận động của một nguồn sống mãnh liệt , sôi trào . Ngoài ra, việc kết hợp hình ảnh miêu tả "tán rợp dương" đã cho ta thấy nền xanh êm dịu của từng tán lá hòe đang trong trạng thái như đang vươn dài, tầng tầng lớp lớp xếp chồng lên nhau nhuộm xanh cả một không gian mùa hè. Bức tranh mùa hè ấy không chỉ có sắc xanh của cây hoè mà còn có cả sắc đỏ của hoa lựu . Động từ "phun" là một động từ mạnh thể hiện được sự trào dâng, một trạng thái ngày càng đậm, sắc đỏ ấy nó không còn hiện hữu trong trạng thái tĩnh mà là đang vận động , bừng sáng giữa đám lá xanh. Sắc đỏ rực rỡ ấy của hoa lựu làm ta liên tưởng đến hai câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du trong "Truyện Kiều"

"Dưới trăng quyên đã gọi hè,

Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông

Hình ảnh "lửa lựu lập lòe" và hình ảnh "thạch lựu phun thức đỏ" cho thấy cả Nguyễn Trãi và Nguyễn Du đều là những tâm hồn nghệ sĩ rất mực tinh tế. Nếu như Nguyễn Du thiên về tả màu sắc thì Nguyễn Trãi tập trung miêu tả sức sống nhiều hơn. Màu sắc của hoa cũng gợi lên sức sống của mùa hạ. Tác giả đã sử dụng bút pháp chấm phá vô cùng tinh tế để gợi ra cảnh sắc thiên nhiên mùa hè. Ông đã khéo léo dùng từ ngữ mà vẽ ra một bức tranh tuyệt mỹ: Rực rỡ trên phông nền êm dịu của tán lá hòe trải rộng, đó là sự chấm phá tài tình của bông hoa lựu đỏ thắm. Màu sắc ấy chính là chi tiết điểm nhãn diệu kì, tạo nên sức hấp dẫn của phong cảnh mùa hạ. Cùng sử dụng bút pháp chấm phá, Nguyễn Du cũng đã từng miêu tả khung cảnh thiên nhiên với 2 gam màu chủ đạo là trắng – xanh :

"Cỏ non xanh tận chân trời

Cành Lê trắng điểm một vài bông hoa"

Mùi hương ngào ngạt của hoa sen như đang tỏa ra trong bức tranh mùa hè "Hồng liên trì"tức một hồ sen kết hợp với cụm "Tiễn mùi hương" gợi lên sự bừng nở, khoe sắc, sen hưởng ứng cùng với sắc hồng đặc trưng đã tạo nên một hương thơm quyến rũ. Sự thay đổi nhịp thơ lúc thì 4/3 lúc thì 3/4 vừa thể hiện được sự bức phá vừa gợi lên được không khí rộn ràng của sự sống đang căng đầy.Ngoài ra, khi tác giả sử dụng kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố Hán Việt và yếu tố thuần Việt đã gợi lên được sự gần gũi, giản dị mà lại vô cùng trang trọng cho cả một bức tranh mùa hè đầy sắc màu. Từ đó điều mà ta thấy được, Nguyễn Trãi không chỉ miêu tả bức tranh thiên nhiên mùa hè bằng khứu giác, thị giác mà ông còn dùng cả trường liên tưởng để thể hiện được hết sức sống, hết tất cả những gì rực rõ nhất mà thiên nhiên mang đến. Thật không phô trương khi nói rằng ngoài việc là một thi sĩ tài ba với những cảm xúc tinh tế và tâm hồn nhạy cảm, Nguyễn Trãi còn là một họa sĩ, người đã vẽ nên bức tranh bằng thơ, bằng việc phối hợp hài hoà giữa màu sắc và đường nét theo quy luật của cái đẹp trong hội hoạ, làm cho cảnh thiên nhiên mùa hè vừa có hình, vừa có hồn, vừa gợi tả lại vừa ngập tràn sức sống, ngập tràn sinh khí, mạnh mẽ, khoẻ khoắn. Đó chính là biểu hiện của sự gắn bó của tình yêu thiên nhiên say đắm. "Đúng là non nước cùng ta đã có duyên" đó là cái "duyên" của hồn thơ hoà quyện với tạo vật, cỏ cây. Bức tranh thiên nhiên vùng thôn quê được Nguyễn Trãi miêu tả đầy xinh tươi, quyến rũ.

Ngoài việc hòa hợp với thiên nhiên nhà thơ còn thể hiện một tâm hồn yêu đời, yêu cuộc sống vô cùng mãnh liệt

Lao xao chợ cá làng ngư phủ,

Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương"

Nhà thơ đã khắc hoạ bức tranh cuộc sống thanh bình, yên ả thông qua những âm thanh xinh tươi, rộn rã.Những từ Hán Việt như "ngư phủ", "cầm ve", "tịch dương" đã được tác giả kết hợp nhuần nhuyễn với những từ thuần Việt tạo nên vẻ đẹp vừa mộc mạc, bình dị, vừa trang trọng tao nhã. Âm thanh "lao xao" từ chợ cá là thứ âm thanh vui tươi gợi từ xa, tiếng được tiếng mất. Gợi cuộc sống đầm ấm, xung túc, nhộn nhịp. Còn âm thanh "dắng dỏi" của tiếng ve gợi sự ồn ào, náo nhiệt gợi ra một mùa hè tươi vui, tràn ngập sức sống. Ta có thể thấy , thường thì các thi nhân mang hình tượng "ve sầu" để gắn với một tam trạng đuộm buồn, tiếng ve ấy sẽ không phải mang một sự ồn ào, náo nhiệt, mà là mang một nỗi buồn man mác, liệu rằng dùng tiếng ve mà Nguyễn Trãi sử dụng mang một dụng ý gì chăng ? Từ láy tượng thanh "lao xao" và "dắng dỏi" kết hợp với nghệ thuật đảo cấu trúc câu nhằm nhấn mạnh những âm thanh bao trùm lên cả làng quê. Đây là một sự sắp xếp có ngụ ý bởi hầu hết trong thơ ca trung đại các nhà thơ, nhà văn đều mang xu hướng bình thường hóa, ẩn giấu đi hình ảnh con người mà tập trung miêu tả cảnh sắc thiên nhiên. Nhưng đi ngược lại đó, Nguyễn Trãi đảo câu thơ miêu tả cảnh làng chài xen giữa vào trong bốn câu thơ tả cảnh mang ngụ ý rằng: Con người ở đây mới là nhân vật chính, mới là chủ thể chính của bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc tươi đẹp. Đồng thời "lao xao" ở đây gợi tả âm thanh của người dân đánh cá, của khu chợ xôn xao bóng người. Còn tiếng "dắng dỏi", ồn ào, to lớn của tiếng ve là thế nhưng cũng chỉ làm nền cho toàn bộ hoạt động của con người mà thôi. Ta có thể để ý rằng khi xưa, thi nhân thường có khuynh hướng trang nhã và xu hướng bình dị. Các sự vật trong thi ca đều là những thứ lớn lao, nếu cây cối thì là tùng, cúc, trúc, mai, nếu con vật thì là long, li, quy, phượng. Nhưng ở đây, Nguyễn Trãi tuy là người có xuất thân quyền quý nhưng ông không quay lưng lại với dân gian mà lựa chọn những chất liệu thơ văn hết sức gần gũi với nhân dân, với cuộc sống thường nhật bình thường, dung dị. Cách sắp xếp như vậy cũng chính là một lần nữa khẳng định lại rằng con người mới là trung tâm, nổi bật trên cả thiên nhiên trong bức tranh cảnh ngày hè.

Nếu sáu câu thơ đầu mở ra bức tranh thiên nhiên khung cảnh ngày hè thì hai câu sau thể hiện ước nguyện của tác giả :

" Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,

Dân giàu đủ khắp đòi phương."

Những tâm nguyện của tác giả được gửi gắm vào trong khung cảnh ngày hè: Ông lấy cuộc sống nhân dân ra làm thước đo cho chính bản thân mình, làm gươm báu để răn chính mình. NguyễnTrãi mong muốn nhân dân thoát khỏi lầm than, sống cuộc sống sung túc, đủ đầy, để cảnh tượng huyên náo, nhộn nhịp, tươi vui ấy ngày qua ngày tiếp diễn nối dài. Câu thơ có sử dụng điển tích "Ngu cầm". "Cầm" là đàn-cây đàn của vua Ngu Thuấn. Theo truyền thuyết Trung Quốc, hai triều vua Đường là Nghiêu và Ngu Thuấn là hai triều đại lí tưởng, Xã hội thanh bình, nhân dân hạnh phúc. " Ngu cầm" ở đây không phải điều ngẫu nhiên mà ẩn chứa hàm ý vô cùng sâu sắc, rất "thâm nho" của Nguyễn Trãi. Ông vẫn rất yêu nước, yêu dân và thời đại của ông cũng chẳng phải là thời đại loạn lạc, nhưng ông vẫn mơ tưởng tới vua Đường Nghiêu, vua Ngu Thuấn, vì sao vậy ? Điều này đã nói lên một cách đầy tế nhị rằng Nguyễn Trãi không vừa ý với vị vua hiện tại. Bởi lẽ dưới triều đại đó, Nguyễn Trãi đau đớn khi chứng kiến nghịch cảnh éo le của xã hội: " Có thuở mựa cậy khi quyền thế/ Có thuở bàn cờ tốt đuổi xe". Bất mãn trước thói đời đen bạc, lại không được vua trọng dụng để cải tạo triều chính, phát triển đất nước, ông bộc lộ những cảm xúc trong lòng một cách rất tinh tế, khéo léo mà nếu nhìn qua ta khó lòng có thể phát hiện ra được. Từ "Dẽ có" càng thể hiện ra rõ hơn ước nguyện có được cây đàn Ngu Thuấn để gảy khúc Nam Phong cầu mưa thuận gió hoà để "dân giàu đủ khắp đòi phương", nhân dân khắp bốn phương được no đủ, giàu có, hạnh phúc, yên ấm. Từ "dân" ở đây cũng mang ý nghĩa vô cùng đắt giá. Vốn dĩ "Hịch không thể tới Thượng Thư, lễ không thể tới thứ dân" chẳng ai trong thơ ca trung đại lại quan tâm tới tầng lớp nhân dân thường bị coi là kém cỏi, bị khinh miệt. Nhưng ở đây, Nguyễn Trãi đi ngược lại với những quan niệm đó, ông đồng cảm, thấu hiểu cho tầng lớp nhân dân. Như ta có thể thấy qua bài thơ Bình Ngô Đại Cáo mà ông từng viết:

" Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn

Vùi con đỏ xuống hầm tai vạ"

Giữa thiên nhiên tuyệt đẹp, Nguyễn Trãi không hề mong muốn hưởng thụ thú nhàn tản cho riêng mình. Ông không phải con người chỉ chăm chăm giữ lấy sự trong sạch cho riêng minh theo triết lí nhà Nho "độc thiện kì thân", ở sâu thẳm tâm hồn ông vẫn là nỗi niềm "ưu quốc ái dân", là khát khao hành động của một con người trọn đời vì lợi ích của nhân dân. Tinh thần Nguyễn Trãi vẫn không hề nhụt giảm hoài bão cống hiến cho đất nước thái bình thịnh trị như thời Đường Ngu - xã hội thịnh trị lí tưởng theo quan niệm nho gia. Câu thơ thất ngôn xen lục ngôn ở cuối bài tạo sự dồn nén, chất chứa cảm xúc sâu lắng của nhà thơ. Cặp câu kết hé mở cho chúng ta về chí của Ức Trai. Người dám mang trong mình ước nguyện kia phải là ai vậy? Một thi sĩ đơn thuần thôi sao? Một công thần khanh tướng thôi sao? Những kẻ ấy dám mơ đến việc cầm trong tay cây đàn của một quân vương sao? Không. Trong đời, về phận vị, Nguyễn Trãi là một công hầu. Nhưng trong thơ, trong cái thế giới của những khát vọng riêng tư nhất, ông đã bộc lộ khát khao lớn ngang tầm với những bậc quân vương vốn là thần tượng của lịch sử. Điều này có gì là không chính đáng đâu. Và, đó là khát khao tầm cỡ Nghiêu Thuấn. Lấy Nghiêu Thuấn để làm "gươm báu răn mình", Nguyễn Trãi đã bộc lộ được cảm hứng nhân nghĩa yêu nước, thương dân. Đó là tấm lòng lo cho hạnh phúc của muôn dân, mong mỏi cuộc sống của nhân dân an lạc được duy trì vĩnh viễn. Đây chính là tư tưởng nhân đạo mang ý nghĩa tích cực, tiến bộ, vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay. Tưởng chừng trong lúc nhàn rỗi nhất thì nhà thơ vẫn day dứt hướng về nhân dân. Bề nổi là bức tranh cảnh ngày hè sôi động nhưng bề sâu lại nói về tư tưởng thân dân, vì dân của một con người vĩ đại.

Bài viết chưa được hoàn thiên, mong các bạn thông cảm cho sự thiếu xót này.

( Bài viết được thực hiện bởi Lê Thị Nhã My - HS Lớp Chuyên Vật Lý khóa 32 ) 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#văn10