Nguồn: quà tặng văn học

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hướng dẫn làm đề Liên hệ Mị trong đêm tình mùa xuân với Chí Phèo buổi sáng tỉnh rượu và Liên trong cảnh đợi tàu

Đề 1.
Cảm nhận của anh/ chị về hình tượng nhân vật Mị trong cảnh mùa xuân ở Hồng Ngài (“Vợ chồng A Phủ” - Tô Hoài). Từ đó liên hệ với nhân vật Chí Phèo trong cảnh buổi sáng đầu tiên khi tỉnh rượu (“Chí Phèo” – Nam Cao), để nhận xét về cách khám phá vẻ đẹp tâm hồn con người lao động của hai nhà văn?

HƯỚNG DẪN
1. Giới thiệu chung
– Giới thiệu về tác giả Tô Hoài; Nhân vật Mị trong cảnh đêm tình mùa xuân.
– Giới thiệu về tác giả Nam Cao; Nhân vật Chí Phèo trong cảnh buổi sáng đầu tiên khi tỉnh rượu.
 Hai nhà văn đều đi sâu khám phá vẻ đẹp tâm hồn con người lao động.
2. Cảm nhận hình tượng nhân vật Mị trong cảnh mùa xuân ở Hồng Ngài
– Mị có phẩm chất tốt đẹp nhưng bị đày đọa cả về thể xác và tinh thần
+ Mị là một thiếu nữ xinh đẹp, tài hoa, hồn nhiên, yêu đời; chăm chỉ làm ăn, yêu tự do, ý thức được quyền sống của mình.
+ Mị là giàu lòng vị tha, đức hi sinh.
+ Là con dâu gạt nợ, Mị bị đối xử như một nô lệ. Mị sống khổ nhục hơn cả súc vật, thường xuyên bị A Sử đánh đập tàn nhẫn. Mị sống như một tù nhân trong căn buồng chật hẹp, tối tăm.
+ Sống trong đau khổ, Mị gần như vô cảm “ngày càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”.
– Tâm trạng và hành động của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân
+ Bên trong hình ảnh “con rùa nuôi trong xó cửa” vẫn đang còn một con người khát khao tự do, hạnh phúc. Gió rét dữ dội cũng không ngăn được sức xuân tươi trẻ trong thiên nhiên và con người, tất cả đánh thức tâm hồn Mị.
+ Mị uống rượu để quên hiện tại đau khổ. Mị nhớ về thời con gái, Mị sống lại với niềm say mê yêu đời của tuổi trẻ.
+ Tiếng sáo (biểu tượng của tình yêu và khát vọng tự do) từ chỗ là hiện tượng ngoại cảnh đã đi sâu vào tâm tư Mị.
+ Mị thắp đèn như thắp lên ánh sáng chiếu rọi vào cuộc đời tăm tối. Mị chuẩn bị đi chơi nhưng bị A Sử trói lại; tuy bị trói nhưng Mị vẫn tưởng tượng và hành động như một người tự do, Mị vùng bước đi.
– Khái quát nghệ thuật
+ Bút pháp hiện thực sắc sảo, nghệ thuật phân tích tâm lí tinh tế, Tô Hoài đã xây dựng thành công nhân vật Mị.
+ Có áp bức, có đấu tranh; Mị chính là điển hình sinh động cho sức sống tiềm tàng, sức vươn lên mạnh mẽ của con người từ trong hoàn cảnh tăm tối hướng tới ánh sáng của nhân phẩm và tự do.
3. Liên hệ nhân vật Chí Phèo trong cảnh buổi sáng đầu tiên khi tỉnh rượu
a. Liên hệ nhân vật Chí Phèo trong cảnh buổi sáng đầu tiên khi tỉnh rượu:
– Sau khi gặp Thị Nở và được Thị chăm sóc, yêu thương, Chí Phèo lần đầu tiên tỉnh rượu sau những cơn say triền miên và đã có sự chuyển biến sâu sắc trong tâm trạng:
+ Từ tỉnh rượu đến tỉnh ngộ: Tỉnh rượu: lần đầu tiên – từ khi ra tù, Chí hết say và cảm nhận được thời gian và âm thanh hằng ngày của cuộc sống. Âm thanh cuộc sống đang từng tiếng một gõ nhịp vận hành cùng với sự thức tỉnh của Chí Phèo. Những âm thanh này ngày nào mà chẳng có, nhưng đây lại là lần đầu tiên Chí mới nhận ra. Tỉnh ngộ : nhận thức và nhìn lại cuộc đời mình trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai.
+ Khát khao hoàn lương và mong ước hạnh phúc. Chí mong muốn trở lại làm người lương thiện.
 Nam Cao cho cho ta thấy được bản tính tốt của con người có ngay trong con người bị tha hoá. Bản tính ấy sẽ trỗi dậy khi có chất xúc tác.
b. Nhận xét về cách khám phá vẻ đẹp tâm hồn con người lao động của hai nhà văn
– Hai nhân vật Mị và Chí Phèo của nhà văn Tô Hoài, Nam Cao là những hình tượng điển hình cho số phận con người lao động vượt lên sự đè nén của cường quyền và thần quyền để khẳng định vẻ đẹp tâm hồn của con người.
+ Mị: Tưởng chừng như đã trở thành vật vô tri, vô giác trong nhà thống lý, nhưng vẫn tiềm tàng sức sống mãnh liệt trong đêm tình mùa xuân.
+ Chí Phèo: Dù bị hủy hoại cả về nhân hình lẫn nhân tính nhưng Chí vẫn khao khát hướng đến cuộc sống lương thiện.
 Mỗi nhà văn có một cách sáng tạo riêng, nhưng khi viết về người nông dân thì các tác giả đều hướng tới khám phá vẻ đẹp tâm hồn của họ. Từ đó, đề cao, trân trọng những phẩm chất đáng quý của người nông dân.

Đề 2.
Cảm nhận của anh/ chị về niềm khao khát muốn đi chơi của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài). Từ đó, liên hệ với niềm mong đợi chuyến tàu đêm đi qua phố huyện của chị em Liên, An (Hai đứa trẻ - Thạch Lam) và nhận xét quan niệm của mỗi nhà văn về cuộc sống có ý nghĩa.

Hướng dẫn
1. Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.
2. Cảm nhận về niềm khao khát muốn đi chơi của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân (2,25 điểm)
- Giới thiệu sơ lược về đặc điểm con người và số phận đau khổ của Mị trong nhà Pá Tra.
- Vài nét về bối cảnh nhân văn của thiên nhiên và cuộc sống, sinh hoạt ở Hồng Ngài trong mùa xuân.
- Diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật Mị: nhẩm thầm bài hát - uống rượu và say - sống dậy những ngày quá khứ tươi đẹp và thức tỉnh tình cảnh thê thảm ở thực tại - muốn chết và muốn đi chơi.
- Niềm khao khát được đi chơi là biểu hiện cho sức sống, khao khát tự do, ý thức làm người bấy lâu bị tê liệt nay đã hồi sinh ở Mị.
3. Liên hệ với niềm mong đợi chuyến tàu đêm đi qua phố huyện của chị em Liên, An
- Hai chị em Liên An từng có những ngày tuổi thơ tươi đẹp ở Hà Nội, nay vì gia cảnh sa sút mà phải sống buồn lặng, tăm tối ở phố huyện nghèo. Mỗi ngày, hai chị em chỉ có một niềm vui duy nhất: ngắm nhìn chuyến tàu đêm từ Hà Nội qua phố huyện.
- Điểm giống nhau: Các nhân vật đều khao khát thoát khỏi thực tại buồn chán, tăm tối trói buộc sự sống; đều khao khát được đổi thay, được sống có ý nghĩa hơn.
- Điểm khác nhau:
+ Chị em Liên, An là những đứa trẻ, niềm mong ước đổi thay còn nhỏ bé, mơ hồ, mong manh.
+ Niềm khao khát được đi chơi ở Mị chuyển hóa thành những hành động cụ thể; dù không thành nhưng là bước đột phá trong sự vận động tâm lí nhân vật, tạo chuyển biến cho hành động trốn khỏi nhà Pá Tra ở đêm mùa đông năm sau.
4. Nhận xét quan niệm của mỗi nhà văn về cuộc sống có ý nghĩa.
- Với Thạch Lam: Viết về đề tài thị dân nghèo, quan tâm đến mảnh đời nhỏ bé, thương xót cho những kiếp người vô danh nhất là những em bé nên ao ước cuộc sống tốt đẹp, tươi sáng hơn. Nhưng nhà văn lãng mạn - dù có cái nhìn gắn với thực tại đời sống - chưa tìm được lối thoát cho nhân vật.
- Với Tô Hoài: Viết về đề tài cuộc sống của người lao động trong xã hội cũ nhưng có cách nhìn, cách lí giải mới gắn với đổi thay trong tư tưởng của nhà văn, vì thế, cuộc sống có ý nghĩa là cuộc sống được tự do, được sống trong niềm vui sống của tuổi trẻ.
5. Đánh giá
- Về nhân vật Mị
- Về giá trị nhân đạo của hai tác phẩm.

Đề 3.
Phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài (Sách Ngữ Văn 12 Tập 2, NXB Giáo Dục, 2017). Liên hệ với tâm trạng của nhân vật Liên khi đợi tàu trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam (Sách Ngữ Văn 11 Tập 1, NXB Giáo Dục, 2017). Từ đó nhận xét sự gặp gỡ về tư tưởng nhân đạo của hai tác giả.
1. Tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân.
a. Phân tích diễn biến tâm trạng Mị trong đêm mùa xuân.
-Trước đêm mùa xuân, do bị đày đoạ, áp chế, Mị trở thành người phụ nữ “vô hồn”, mất cả cảm giác về thời gian lẫn không gian. Kiếp sống của Mị chẳng khác nào kiếp sống con trâu, con ngựa trong nhà thống lí Pá Tra. Tuy nhiên, sức sống trong Mị chưa hoàn toàn lụi tắt, nó có thể sẽ trỗi dậy khi có điều kiện.
- Sự tác động của bối cảnh bên ngoài đối với Mị trong đêm mùa xuân. Mùa xuân năm ấy ở Hồng Ngài đẹp và gợi cảm biết bao: Trên đầu núi, các nương ngô, nương lúa gặt xong, ngô lúa xếp yên đầy các nhà kho. Trẻ con đi hái bí đỏ, tinh nghịch, đã đốt những lều canh nương để suởi lửa... Hồng Ngài năm ấy ăn tết giữa lúc gió thổi và cỏ ranh vàng ửng... Trong các làng Mèo, những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mỏm đá xoè như con bướm, sặc sỡ... Đám trẻ đợi Tết, chơi quay, cười ầm trên sân trước nhà. Ngoài đầu núi lấp ló đã co tiếng ai thổi sáo tủ bạn đi chơi... Chính không gian rộn rã sắc màu cùng tiếng sáo tha thiết đã đánh thức cô Mị ngày xưa. Tiếng sáo như chạm vào nỗi nhớ. Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bổi hồi. Mị ngồi nhẩm lại bài hát của người đang thổi...
- Rượu - chất men đánh thức phần đời đã mất của Mị. Khi uống rượu say, Mị lại được sống về những ngày trước. Ngày trước Mị vui sướng biết bao. Tai Mị vẳng nghe tiếng sao vọng lại đầu làng. Đấy là tiếng sáo của tình duyên, của tuổi thanh xuân căng đầy sức sống. Mị không còn là cô con dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra nữa. Mị đang uống rượu bên bếp và thổi sáo. Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị. Ra thế, Mị còn trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ.
- Sự đối lập giữa hoàn cảnh đêm xuân, giữa thế giới được đánh thức với cuộc sống thực tại: Khi say, Mị nhớ và sống lại với ngày xưa, nhưng thực ra, Mị vẫn đang ở nhà thống lý Pá Tra. Mị vẫn đang sống kiếp đoạ đày với A Sử. Sự đối lập giữa một bên là hạnh phúc tuổi trẻ với một bên là kiếp sống trâu ngựa đã khiến Mị suy nghĩ đến việc kết liễu đời mình như ngày mới về làm dâu nhà thống lý. Mị lại ước gì có nắm lá ngón trong tay, Mị sẽ ăn cho chết ngay chứ không buồn nhớ lại nữa. Càng nhớ lại chỉ thấy nước mặt ứa ra. Ôi chao, tiếng
sáo ấy, tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường. Mị đang muốn quên đi, Mị không muốn nhớ lại cái ngày trước mà không được. Tiếng sáo ấy lửng lơ, tiếng sáo ấy làm Mị thiết tha bổi hổi. Mị muốn đi chơi. Mị muốn thoát ra ngoài cái ô cửa ô mờ đục, trăng trắng này!
- Nhưng Mị lại thực hiện một sự giải thoát bằng cách khác. Đó là bỏ nhà đi chơi như những người trẻ trung đang dập dìu ngoài làng. Mị đã ý định giải thoát một cách lặng lẽ mà mãnh liệt: Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng...Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở trong vách... Mị rút thêm cái áo. Mị làm tất cả, thật bình thản và quyết liệt như ngày xưa, khi trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo.
- Ý định giải thoát của Mị không thành: Mị bị A Sử trói đứng vào cột suốt đêm
Nhưng A Sử chỉ trói được thể xác Mị: Trong bóng tối, Mị đứng im lặng, như không biết mình đang bị trói. Hơi rượu nồng nàn, Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi... Mị chưa giải thoát được thể xác, nhưng Mị đã giải thoát được tinh thần, dù chỉ trong tâm tưởng: Mị vùng bước đi. Nhưng tay chân đau không cựa được. Khi ấy, Mị mới biết mình đang bị trói, đang ở trong căn nhà tù ngục này. Lòng Mị đau đớn, thổn thức nghĩ mình không bằng con trâu con ngựa.
b. Đánh giá
- Cuộc trỗi dậy lần thứ nhất của Mị không thành. Mị không thoát khỏi căn nhà ấy, dù chỉ một phút giây. Nhưng Mị đã không còn là con ngựa, con rùa lùi lũi nơi xó cửa nữa. Mị đã sống lại những thời khắc của tuổi thanh xuân tươi trẻ và tự do.
- Cuộc trỗi dậy như một đợt sóng dâng lên rồi tràn ra. Nó không làm mảy may thay đổi cuộc đời Mị. Nhưng từ đó, sóng ngầm vẫn không mất. Nó sẽ tuôn trào thành những đợt sóng mới, mãnh liệt hơn lúc nào hết, bằng chứng là hành động cởi trói cho A Phủ và cùng anh ta trốn khỏi Hồng Ngài sau này.
- Thành công của nhà văn là khắc hoạ một nhân vật sống chủ yếu bằng tâm trạng, với tâm trạng. Cả đêm mùa xuân, Mị hành động được rất ít, nhưng người đọc vẫn thực sự hấp dẫn với một con người đang từ cõi âm u mơ hồ trỗi dậy. Không gian, thời gian, giọng kể của tác phẩm theo một tiết tấu của chính tâm trạng ấy. Hẳn Tô Hoài đã đặt cả tấm lòng của mình vào tâm trạng của Mị, để người đọc dõi theo tâm trạng ấy, khi tha thiết, khi nghẹn ngào xót xa.
2. Tâm trạng của Liên khi đợi tàu
- Trước hết nên tìm hiểu nguyên nhân khiến 2 chị em Liên đợi tàu, họ đợi tàu không phải để bán được hàng mà đợi tàu vì muốn nhìn thấy hoạt động cuối cùng của đêm khuya. Nói sâu xa ra nó xuất phát từ cuộc sống tù túng nghèo nàn và tâm hồn phong phú đa cảm của 2 đứa trẻ.
- Dù đã đến đêm khuya, 2 chị em vẫn thức để đợi tàu: "An và Liên đã buồn ngủ ríu cả mắt. Tuy vậy hai chị em vẫn gượng để thức khuya chút nữa", "An đã nằm xuống gối đầu lên đùi chị, mi mắt sắp sửa rơi xuống, còn dặn với: - Tàu đến chị đánh thức em dậy nhé." -> đợi tàu trong một sự mệt mỏi không chỉ về tinh thần mà còn về thể chất
- Chuyến tàu gợi nhắc cho Liên những kỉ niệm xa xăm ở Hà Nội khi thầy chưa mất việc, Liên "được hưởng những thức quà ngon lạ - bấy giờ thầy Liên chưa mất việc- được đi chơi Bờ Hồ uống những cốc nước lạnh xanh đỏ", gợi Liên nhớ về Hà Nội xa xăm, rực rỡ và huyên náo.
- Đoàn tàu như mang một thế giới khác đi qua, "Một thế gới khác hẳn, đối với Liên, khác hẳn cái vầng sáng ngọn đèn của chị Tí và ánh lửa của bác Siêu", thế giới đó chứa chan những giàu sang, hạnh phúc. Đoàn tàu mang theo một niềm hi vọng, là thứ ánh sáng của "chừng ấy con người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ"
=> Thạch Lam đã thể hiện niềm trân trọng, thương xót đối với những kiếp người nhỏ bé nghèo nàn tăm tối & buồn chán nơi phố huyện.
3. So sánh: Điểm gặp gỡ về tư tưởng nhân đạo của hai tác giả
+ Cả hai nhà văn đều thể hiện tấm lòng xót thương, đồng cảm với những con người nhỏ bé, bất hạnh, phải chịu nhiều thiệt thòi, đau khổ.
+ Cả hai nhà văn đều phát hiện và nâng niu, trân trọng vẻ đẹp ở những con người bất hạnh, đáng thương: sức sống tiềm tàng mãnh liệt, ước mơ, khao khát thay đổi cuộc sống…
+ Tố cáo tội ác của các thế lực thống trị.

Nguồn: FB Quà tặng văn học

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#love