6.1 | Con hổ có nghĩa

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bà đỡ Trần là người huyện Đông Triều. Một đêm nọ nghe tiếng gõ cửa, bà mở cửa nhìn thì chẳng thấy ai, một lát, có con hổ chợt lao tới cõng bà đi.Ban đầu, bà sợ đến chết khiếp, khi tỉnh, thấy hổ dùng một chân ôm lấy bà chạy như bay, hễ gặp bụi rậm, gai góc thì dùng chân trước rẽ lối chạy vào rừng sâu. Tới nơi, hổ thả bà xuống. Thấy một con hổ cái đang lăn lộn, cào đất, bà cho là hổ định ăn thịt mình, run sợ không dám nhúch nhích. 

Lúc sau hổ đực cầm tay bà nhìn hổ cái, nhỏ nước mắt. Bà nhìn kĩ bụng hổ cái như có cái gì động đậy, biết ngay là hổ sắp đẻ. Sẵn có thuốc mang theo trong túi, bà liền hoà với nước suối cho uống, lại xoa bóp bụng hổ. Lát sau, hổ đẻ được. Hổ đực mừng rỡ đùa giỡn với con, còn hổ cái thì nằm phục xuống, dáng mệt mỏi lắm. Rồi hổ đực quỳ xuống bên một gốc cây, lấy chân đào lên một cục bạc. Bà đỡ biết hổ tặng mình, cầm lấy. Hổ đực đứng dậy đi, quay nhìn bà, bà theo hổ ra khỏi rừng. Được mấy bước, trời sắp sáng, bà giơ tay nói: "Xin chúa rừngquay về". Hổ vẫn cúi đầu quẫy đuôi, làm ra vẻ tiễn biệt. Bà đi khá xa, hổ liền gầm lên một tiếng rồi bỏ đi. Bà về đến nhà, cân bạc được hơn mười lạng. Năm ấy mất mùa, đói kém, nhờ có số bạc ấy mà bà mới sống qua được. 

Người kiếm củi tên mỗ ở huyện Lạng Giang, đang bổ củi ở sườn núi, thấy dưới thung lũng phía xa, cây cỏ lay động không ngớt mới vác búa đến xem, thấy một con hổ trán trắng, cúi đầu cào bới đất, nhảy lên, vật xuống, thỉnh thoảng lấy chân móc họng, mở miệng nhe cái răng, máu me, nhớt dãi trào ra. Nhìn kĩ miệng hổ thấy có khúc xương mắc ngang họng, bàn chân hổ thì to, càng móc, khúc xương càng vào sâu. 

Bác tiều uống rượu say, mạnh bạo trèo lên cây kêu lên: "Cổ họng ngươi đau phải không, đừng cắn ta, ta sẽ lấy xương ra cho". Hổ nghe thấy, nằm phục xuống, há miệng nhìn bác tiều ra dáng cầu cứu. Bác tiều trèo xuống lấy tay thò vào cổ họng hổ, lấy ra một chiếc xương bò, to như cánh tay. Hổ liếm mép, nhìn bác tiều rồi bỏ đi. Bác tiều nói to: "Nhà ta ở thôn mỗ, hễ được miếng gì lạ thì nhớ nhau nhé". Sau đó, bác tiều ra về. Một đêm nọ, nghe cửa ngoài có tiếng gầm dài mà sắc. Sớm hôm sau, có một con nai chết ở đó. Hơn mười năm sau, bác tiều già rồi chết. Khi chôn cất, hổ bỗng nhiên đến trước mộ nhảy nhót. Những người đưa đám bỏ chạy cả. Từ xa, nhìn thấy hổ dùng đầu dụi vào quan tài, gầm lên, chạy quanh quan tài vài vòng rồi đi. Từ đó về sau, mỗi dịp ngày giỗ bác tiều, hổ lại đưa dê hoặc lợn đến để ở ngoài cửa nhà bác tiều.

( Vũ Trinh, "Lan Trì kiến văn lục", trong sách Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, tập I, Nguyễn Đăng Na tuyển chọn và giới thiệu, Hoàng Hưng dịch, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1997 )

* ĐỌC THÊM :

Bia con Vá

" Vì có dũng, nên liều chết phấn đấu; vì có nghĩa, nên trung thành với chủ. Nói thời dễ, làm thiệt khó, người còn vậy nói gì chó. Ôi con Vá này, đủ hai đức đó. Há như ai kia, mặt người lòng thú. Nghĩ thế mà đau, dựng bia mộ chó. "

( Phan Bội Châu, 1934 )

Bia con Ky

" Người hơi có đức nhân thường kém về phần trí; người hơi có đức trí thường kém về phần nhân; vừa trí vừa nhân thiệt là hiếm thấy; ai ngờ con Ky nầy lại đủ hai đức ấy - Chung nhau thờ một chủ thời xem là anh em, chẳng bao giờ như mèo với chó thiệt là nhân đó - Thấy không phải chủ, thời xem bằng cừu thù, chẳng bao giờ vì miếng ngon dận dụ thiệt là trí đó - Trí vừa nhân, nhân vừa trí, trong giống súc mà người, e đến mầy mới thấy. "

( Phan Bội Châu, 1936 )

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#ngữvăn