7.1 | Mõm Lũng Cú tột Bắc - Nguyễn Tuân

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

SGK

  Chao ôi, mùa thu biên giới, người và cảnh thật là hết chỗ trữ tình. Trên các triền núi láng giềng, nắng hanh như rây bột nghệ, và đá núi lượn chạy như xô bồ những con sóng đời đời không chịu tan. Nhìn sóng đá các triền núi bạn, thấy như biển cả đang vỗ bờ mà sao tự nhiên phim lại mất hẳn đi cái phần lồng tiếng. Ngồi trên núi cao mùa thu, nhìn ra sóng núi tứ bề, cứ thấy nhớ biển, nghĩ về bờ biển. Lũng Cú cao hơn mặt biển khoảng hai ngàn thước và nằm ở vĩ tuyến 23 độ lẻ 22 phút.

Thẳng buông một quả dọi thả lên tấm bản đồ đất nước treo trên tường, cứ thẳng từ mũi núi này mà đổ xuôi xuống thấu vào vùng lầy phù sa đen chỗ vĩ tuyến 8 độ rưỡi gì đó, thì đúng mũi Cà Mau đó rồi. Ở đây rừng của lâm nghiệp bảo vệ rừng ngày càng lấn núi, và trong chỗ tít tắp chân trời Cà Mau kia thì đất càng ngày càng lấn biển. Tổ quốc ta ngày càng xanh vui và ngày càng cao lớn mãi lên. Ở đây chim hoạ mi rất nhiều. Ở trong mũi biển xa xôi Cà Mau thì cá múa trong lòng rạch, lòng kênh. Anh Sáu tập kết ra Bắc bảo tôi rằng đi trên cát cho giỏi, cát không níu được chân mình lại thì đi vã bộ nửa ngày mới qua thấu xóm mũi biển. Và chỗ xóm Ông Trang tận cùng Cà Mau, có bà mẹ chiến sĩ lúc nào cũng đầy một sân tôm khô và bong bóng cá đường để dành cho bất cứ người yêu nước nào. Ở trong ấy, cá thành ra một thứ chim bay ngược lên cành đước lòng kênh. Lòng kênh là một hành lang đước, chiếu thẳng ống nhòm ra thì thấy đầu đằng kia hành làng, cù lao Hòn Khoai nhấp nhô như một tinh thể nhỏ đang bơi bơi về đất liền quê mẹ. Châu cha, hôm nào đất nước yên hàn, tôi nghĩ rằng mình phải có những chuyến tàu bay trực thăng tốc hành đi thẳng từ mũi Cà Mau ra mũi Lũng Cú, cứ chiếu thẳng hướng Bắc mà đi, rồi đổ xuống cái vạt núi Lũng Cú đang bốc khói lam chiều này. Bà má Nam bộ muốn trồng cây đước ở bờ Hồ Kiếm, xin má cứ đem trồng; nhưng tôi muốn người Cà Mau ra thăm chỗ xa cao nhất miền Bắc hãy đem tới Lũng Cú đây ít tôm ít cá, và một cái lồng ấp đã đượm cháy sẵn mấy hòn than đước.

(trích)

----------------------------------------------------------------   

(Ký Nguyễn Tuân) 

Gửi Đoàn Giỏi

Hà Giang là một tỉnh biên giới nằm trên đỉnh đầu Tổ quốc. Người Hà Giang nhiều dáng nét, quả trái Hà Giang nhiều mùi vị. Núi Hà Giang hùng vĩ nhiều cổng trời, ngựa Hà Giang thon vó và mượt mã. Ở đấy, cho dù đến hôm nay chưa một thằng giặc bay Mỹ nào hạ dù xuống, nhưng từ năm nọ Hà Giang đã nhiều công lao và kinh nghiệm tiễu phỉ trư gian. Tỉnh đường ngược đó giồng chè tốt, giồng ngô giỏi, mở đường làm đường nhiều, là một hậu phương lớn của các tuyến lửa nước ta. Tôi tới Hà Giang nhiều lần, và mỗi lần tới là lại được đi trên những khúc đường, những con đường mới mở. Mở đến đâu, khánh thành ngay, thông xe ngay, dù chỉ là từng cung một. Chưa xong Đồng Văn - Mèo Vạc đã mở đường vào Hoàng Su Phì, vừa xong Hoàng Su Phì lại tiếp luôn Bác Mê, chưa xong đường Bác Mê thì đã nghiên cứu cắm dần cọc tuyến cho đường vào huyện mới Xin Mằn.  Trên đường đèo vào Mèo Vạc, xe tôi dừng ở đỉnh dốc Mã Pí Lèng, đúng chân tấm bia đá ghi công những người mở đường. Cả quãng Đồng Văn – Mèo Vạc hai mươi bốn cây số đường núi đá này phải làm mất một năm rưỡi, nhưng riêng chỗ dốc Mã Pí Lèng, Xống Mũi Ngựa này thì phải tốn mất mười một tháng treo mình trên vách đá để đục, đánh mìn, bổ đá khắc đá ra mà cẩn mặt đường vào vách đá đứng thành vại. Ba năm trước, cũng vào tiết thu tôi đứng ở mép vực Mã Pí Lèng nhìn dòng sông Nho Quế như thế này. Hồi ấy, phá để khai đường, ầm ầm cây lao xuống vực, ầm ầm đá lao xuống dòng sông tít tắp dưới kia, có hòn đá to bằng cái tủ áo nhưng chỉ lộn nhào vài chục vòng là tan vụn ra thành khói. Và ầm ầm vang dậy những trận cốt mìn, nhưng tan hết khói mìn, tan hết bụi đá, thì chỉ thấy tắc đường. Con đường chỉ đến chỗ đỉnh dốc Mã Pí Lèng hiểm nghèo này là hết. Đên đây là cùng đường, và trước mặt chỉ có đá.  Phải gọt đá đi mà tiến vào phía trước. Phải đục đá đi mà tiến tới. Trong trận đánh nhau này họ là nam nữ trai tráng gồm mười sáu dân tộc, và quê hương thuộc tám tỉnh trên miền Bắc (Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên - Thái và Nam Định Hải Dương). Những người dũng sĩ mở đường ấy nay đều vắng mặt cả, nhưng trước mắt tôi là một con đường cái quan cộm lên một màu đá xanh và ro ro xao động dưới lốp chiếc xe tiến vào huyện Mèo Vạc, càng vào càng mưa to. Mưa cả nửa ngày hôm ấy, mưa suốt cả đêm hôm ấy và không ngớt hạt lúc nào, trận mưa Mèo Vạc kéo dài sang luôn cả nửa ngày hôm sau. Mưa như thối đất ra, nhưng cất cơn mưa một cái là mặt ruộng lại nứt nẻ ra ngay. Đêm mưa không ngủ được, cứ thao thức về nông nỗi khan nước khát nước cổ truyền của bãi ngô cánh đồng Mèo Vạc. Mùa đông hạn hán, đốt đuốc ngồi rình nước rỏ ra từ hang đá, ngồi chờ thùng nước quảy được về, có khi mất cả đêm. Mãi cho đến mấy năm gần đây mới hoàn thành được mương nước chạy về từ trên nách núi cao. Nước xuống dốc, nước uốn khúc trong lòng đá máng, đá đã cạp, bê-tông, nước ngoặt chữ chi, nước nổi gió nổi sóng trắng mà chạy xộc về ruộng thấp. Con đường thủy lợi trông xa xa cũng tựa như một con đường bộ nào trắng bệch trăng ngàn, những khúc rồng rắn cuộn thừng. Cái năm 1965 nước thủy lợi chảy về đến cánh đồng huyện, thì cũng là năm con đường cái quan mở vào tới phố huyện. Mừng nước về, mừng đường vào, cả huyện mở hội liên hoan song hỷ! Hạnh phúc này chồng lên hạnh phúc nọ, hình như cho nó bõ những ngày thiếu thốn cũ, đã thiếu mương nước lại thiếu cả xe ca xe tải vào. Nằm ở huyện có hai đêm, nhưng cũng đã phần nào thấm được cái khổ xưa và cái vui hôm nay của huyện núi Mèo Vạc. Cũng như Hoàng Su Phì, Mèo Vạc đây là một cái túi mưa, một cái túi đựng mưa. Nhưng mà xong mưa thì bao giờ cũng vẫn là nắng. Nắng lên, chúng tôi bồi hồi cầm tay các đồng chí huyện Mèo Vạc hẹn hò ngày trở lại, và đi thẳng luôn xuống xã Lũng Cú. Chợ Đồng Văn đang họp đông lắm, nhiều thứ tươi vui lắm, nhưng thôi, đường còn xa, cứ phải đi nhanh đi thôi. Bỏ đường cái ô-tô, đi vào đường mòn ngựa thồ, càng phải dấn bước và ngủ lại ở Mã Lé. Bên tay trái Mã Lé kia kìa là Mã Xồ, xóm Mã Xồ mà cách đây sáu cái tết quân dân ta còn phải nổ súng tất niênđể tiêu diệt nốt tàn dư bọn thổ phỉ thua chạy từ chợ Đồng Văn kéo về và đêm hết năm đó, tiếng súng chiến thắng của Đồng Văn đã nổ giòn hơn pháo giao thừa tại bất cứ chợ biên giới nào. Đồng chí Bế Kim Mông phụ trách tiểu khu Mã Lé - Lũng Cú đây là người quê bên Cao Bằng. Đêm ngủ lại Mã Lé, cũng là cái đêm tôi hay nhớ đến Cao Bằng, Cao Bằng có chợ to Bảo Lạc và người dưới xuôi trước đây lên mạn ngược đi chợ lớn Đồng Văn thì bao giờ cũng cứ phải qua chợ Bảo Lạc chuyển cất các thứ hàng.

Trong mấy năm gần đây chuyển mình lên chủ nghĩa xã hội, Hà Giang mở đường tỉnh và nối đường quốc lộ xuyên qua tỉnh mình, thì thanh niên Cao Bằng sang giúp sức cho Hà Giang cũng thật là nhiều, cứ hàng đại đội; chỗ nào bạt đá húc đá tai mèo thì có bàn tay mở đường của những công nhân trẻ tuổi Cao Bằng.

 Quá trưa thì tới trụ sở ủy ban xã Lũng Cú. 

Liền mấy năm và bấy nhiêu lần đi Hà Giang luôn luôn vấn vương về cái mảnh đất tận cùng Tổ quốc là xã Lũng Cú này đây. Nay tới được, nó như là giữ trọn được một lời hứa. Mở túi dết lấy bản đồ ra mà xem lại, thấy nó đúng là như vậy. Lũng Cú tột bắc này và Cà Mau cực nam Nam bộ là hai mũi nhọn cùng nằm trên đường kinh tuyến 105 độ, mũi Lũng Cú đây ngả ngả sang mặt Đông, và mũi Cà Mau trong ấy chênh chếch sang phía Tây. Nó cũng là một chữ ét xì hoa nhưng gập góc hơn, so với chữ ét xì viền theo con đường biển từ bãi cát Móng Cái đến bờ núi biển Hà Tiên. Như thế là, về hình thể nước ta, ta có những hai chữ "S", một chữ ét xì ở biển ngoài và một chữ ét xì nữa ở lưng núi trong này. Và khi mà ta nói về chiều dài của nước ta, ta phải tính từ mũi Lũng Cú tới mũi Cà Mau, phải tính theo đường kinh tuyến xương sống đó thì mới là đúng.

Đồng chí phó chủ tịch Lý Xè Páo đã xăm xăm lên cầu thang gác, giọng ồm ồm: "Thế có đi ra bờ sông Nho Quế như đã bàn không? Chiều quá rồi đấy". Chúng tôi theo Bế Kim Mông và Lý Xè Páo đi ra cái xóm Sèo Lùng thượng cùng của đất nước Việt Nam. Trông Lý Xè Páo thật là thích. Gặp được những người Mèo đồng chí như anh, ta thấy như núi non của mình thật là tốt lành, đẹp, khỏe. Lưng Lý Xè Páo như lưng con báo, râu Lý Xè Páo như râu Phiđen Cáttơrô tỉa bớt đi. Lý Xè Páo đã tham gia tiễu phỉ, và nay anh là xã đội trưởng. Tôi muốn lo xa cho tính mạng những thằng phi công thổ phỉ Mỹ không may mà lạc dù vào đất Đồng Văn có nhiều Lý Xè Páo này. Mùa thi biên giới đứng ở hữu ngạn sông Nho Quế, tôi nhìn không mỏi mắt sang bên Trung Quốc, nhìn sang xóm Khuớ Sứ Chuờ ẩn ẩn hiện hiện mảng nắng hanh chen lẫn với những mảng bóng râm kéo xuống cả đến giữa lòng con sông chiều. Xa xa có tí bụi đỏ nổi lên từ con đường ô tô chạy về đồn Sảng Phùng chỗ bên kia biên giới. Nhà Mèo chúng tôi vào nghỉ chân là ngôi nhà dựng trên mấy thước đất tận cùng miền Bắc nước ta. Sau lưng nhà cụ Mèo Lý Chúa Dềnh sáu mươi nhăm tuổi đó là đã chuyển sang đất nước làng giềng rồi, cái luống ngô cao mướt tay ta với được ngọn đó là đã thuộc về nương ngô bạn rồi. Cụ Dềnh bà đang xay đỗ nành, đang khuôn bột đổ thành bìa đậu phụ trắng muốt. Hai ông bà Mèo muốn giữ khách lại để cùng luộc bìa đậu nóng đánh chén. Ngồi dưới mái nhà cụ Dềnh chỗ tất đất tận cùng nước ta, tôi vẫn trong đầu vấn vương về hình thể Việt Nam ta trên bản đồ. Cái dáng nét biên giới phía Bắc nước ta có gì khác một cái mái nhà nó ngoi lên trên các lớp ngói đá của núi non Trung Quốc trùng điệp bát ngát. Mái nhà Tổ quốc, mái nhà phía Tây sa xuống sát đồn A Pa Chải (Lai Châu), mà mái phía Đông hơi chếch lên để đón gió nắng biển Đông, đầu mái chấm xuống bãi cát Sa Vỹ ngoài Móng Cái. Ngồi ở mỏm Lũng Cú này, ngồi ở nhà cụ Mèo Dềnh đây, tưởng mình như là một người thợ ngõa nào khom mình trên một nóc thượng lương để nghe Tổ quốc đang như một bậc thợ cả không ngớt lời truyền cho mình những bài học thấm thía về xây dựng cơ bản và giữ cửa giữ nhà. Lại còn thấy quý mến thêm Hà Giang, cái tỉnh núi đã được đất nước ông bà giao cho cái trọng trách đặt một chiếc nón lá lên đầu người khổng lồ Tổ quốc. Và nếu mũi Cà Mau trong kia là cái ngón chân cái người khổng lồ chưa khô bùn vạn dặm, thì mũi Lũng Cú đây đích thị là cái chóp nón một cái nón bài thơ muôn đời đó.

Quanh đây có khá nhiều gốc lê, để vài tháng nữa vị ngọt đậm hơn và hương sẽ nồng hơn, nhưng bây giờ cũng đã hái ăn được lắm rồi. Chúng tôi rủ nhau đi trảy lê mùa, xúm quanh một gốc lê sum sê quả, quả xanh, quả vàng, quả ửng má hồng. Lý Xè Páo bảo chúng tôi đứng dưới gốc mà đón lê, anh trèo lên cây rung cành lê. Lê rụng như mưa đá rơi. Ở đây vui quá. Gốc lê trĩu nặng hàng ngàn quả, và đi qua vài quả núi, ở xóm Thèn Ván, lại có một cụ Mèo thọ một trăm linh ahi tuổi trời. Cụ Thào Phái Dư, mặc dù trên trăm tuổi vẫn ngày đi chặt củi, và làm việc đều cho hợp tác xã, công điểm cứ tính đều 6 điểm. Chao ôi, mùa thu biên giới, người và cảnh thật là hết chỗ trữ tình. Trên các triền núi láng giềng, nắng hanh như rây bột nghệ, và đá núi lượn chạy như xô bồ những con sóng đời đời không chịu tan. Nhìn sóng đá các triền núi bạn, thấy như biển cả đang vỗ bờ mà sao tự nhiên phim lại mất hẳn đi cái phần lồng tiếng. Ngồi trên núi cao mùa thu, nhìn ra sóng núi tứ bề, cứ thấy nhớ biển, nghĩ về bờ biển. Lũng Cú cao hơn mặt biển khoảng hai ngàn thước và nằm ở vĩ tuyến 23 độ lẻ 22 phút. Thẳng buông một quả dọi thả lên tấm bản đồ đất nước treo trên tường, cứ thẳng từ mũi núi này mà đổ xuôi xuống thấu vào vùng lầy phù sa đen chỗ vĩ tuyến 8 độ rưỡi gì đó, thì đúng mũi Cà Mau đó rồi. Ở đây rừng của lâm nghiệp bảo vệ rừng ngày càng lấn núi, và trong chỗ tít tắp chân trời Cà Mau kia thì đất càng ngày càng lấn biển. Tổ quốc ta ngày càng xanh vui và ngày càng cao lớn mãi lên. Ở đây chim hoạ mi rất nhiều, có ngày bắt giỏi được hằng mấy trăm con. Ở trong mũi biển xa xôi Cà Mau thì cá múa trong lòng rạch, lòng kênh. Anh Sáu tập kết ra Bắc bảo tôi rằng đi trên cát cho giỏi, cát không níu được chân mình lại thì đi vã bộ nửa ngày mới qua thấu xóm mũi biển. Và chỗ xóm Ông Trang tận cùng Cà Mau, có bà mẹ chiến sĩ lúc nào cũng đầy một sân tôm khô và bong bóng cá đường để dành cho bất cứ người yêu nước nào. Ở trong ấy, cá thành ra một thứ chim bay ngược lên cành đước lòng kênh. Lòng kênh là một hành lang đước, chiếu thẳng ống nhòm ra thì thấy đầu đằng kia hành làng, cù lao Hòn Khoai nhấp nhô như một tinh thể nhỏ đang bơi bơi về đất liền quê mẹ. Châu cha, hôm nào đất nước yên hàn, tôi nghĩ rằng mình phải có những chuyến tàu bay trực thăng tốc hành đi thẳng từ mũi Cà Mau ra mũi Lũng Cú, cứ chiếu thẳng hướng Bắc mà đi, rồi đổ xuống cái vạt núi Lũng Cú đang bốc khói lam chiều này. Bà má Nam bộ muốn trồng cây đước ở bờ Hồ Kiếm, xin má cứ đem trồng; nhưng tôi muốn người Cà Mau ra thăm chỗ xa cao nhất miền Bắc hãy đem tới Lũng Cú đây ít tôm ít cá, và một cái lồng ấp đã đượm cháy sẵn mấy hòn than đước.   

Tôm cá ướp lạnh mà còn tươi thì càng tốt, nhưng phơi khô rồi, ở đây vẫn rất quý. Hòn than đước cháy đỏ đem theo kia sẽ nướng luôn những bìa đậu phụ Lũng Cú vừa mới khuôn xong. Nhớ đem theo lên ít kilô muối trắng của nại muối biển Cà Mau. Muối ở đây là vàng trắng. Lại nhớ chuyện đoàn đại biểu dân tộc Mèo xuống núi đi thăm quan các tỉnh đồng bằng, thăm Hải Phòng, thăm Quảng Ninh và thăm ruộng muối. Khi có người cắt nghĩa làm muối là lấy ngay cái nước bể ầm ầm mênh mông lụt sóng kia đem đổ vào nại muối, nắng và gió làm khô nó đi, nó cứng lại, thì thành hạt muối đấy. Một chị Mèo liền chỉ biển Đông mà kinh hoàng reo lên: "Người nào có cái biển nước mặn múc lên sản xuất muối không bao giờ hết cạn, thế thì người ấy giàu có quá nhỉ?" Đúng, người có cái biển muối thì nhất định tha hồ mà giàu có. Và người tỷ triệu phú ấy, không ngoài ai cả, mà chính là bà mẹ Tổ quốc của tất cả chúng ta đó.

Lý Xè Páo tụt đánh huỵch từ trên cành lê xuống, giọng ồm ồm làm đứt giấc mơ Cà Mau của tôi. Vừa rồi tôi cứ ngồi dưới gốc lê mà mơ ngồi, miệng còn nhai dở một miếng lê non. Trông Lý Xè Páo hay quá. Tôi chưa được biết mặt anh Ba Búa lừng danh du kích Cà Mau, nhưng tôi nghĩ anh cũng có thể giông giống đồng chí Lý Xè Páo của tôi đấy.

Đêm ở ủy ban nghe đồng chí bí thư kiêm phó chủ tịch kiêm xã đội trưởng Lý Xè Páo báo cáo về tình hình mọi mặt của xã Lũng Cú, có những lúc tôi đãng trí mà nối theo giấc mơ Cà Mau. Thấy mình được theo đoàn Hà Giang đem đào, mận lê vào chợ Năm Căn, và thấy mình đang đứng trước ngàn ngàn người mà khoe hay khoe tốt về Lũng Cú đỉnh đầu, về Hà Giang nhiều ngựa lắm cổng giời. Bỗng có thính giả Cà Mau trong phút nghỉ giải lao hỏi tôi: "Nay bà con ở mũi cực Bắc gặp bà con ở mũi cực Nam, vậy Hà Giang chịu kết nghĩa thêm với Bạc Liêu của Cà Mau đây rồi!".

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#ngữvăn