vì chúng ta không thể nào bay bổng được

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Tôi về lại cây ô liu trên gò đồi muôn thuở.

Tháng tư, ta đều biết rằng mặt trời sẽ gần giống với tính khí nóng nảy của những gã Đức nói giọng bồi hơn khi mà nước bắt đầu sôi lên trong những máng đặt ngoài trời. Là mùa cao lanh chín. Là khi tôi nằm ườn ra trên cỏ, nhìn những đứa bé nông thôn ré lên trên chiếc xích đu bằng lốp xe hoặc vọc những vũng nước tù trong khi chị chúng thì đang bận thẹn thùng cạnh một chàng thành phố, dưới bóng râm đổ từ mái cổng vòm. Nắng như dội lại từ mặt đất và không khí luôn lưng lửng một thứ bụi nhiệm màu nào đấy làm người ta nghĩ mình nên rộng rãi hơn chút đỉnh. Với một anh lính đào ngũ như tôi thì túi xu cạn đáy chẳng thể rộng rãi với ai ngoài gió và tiếng ve; tôi đành mua chịu thiên nhiên thêm đôi ounce thứ bụi kia nhồi đầy buồng phổi, và như thế, tôi trả lại đôi tai ham tọc mạch của mùa hè một mẩu chuyện nho nhỏ, những lá thư và từng giây ký ức mà giả như mai hậu không còn nghe được nó vọng lại từ đất thì tôi chắc hẳn đó sẽ là nỗi ân hận bậc nhất đời mình.

***

Vào năm những toán dân công bận rộn đi gặt lúa mì, khi bầu trời nước Áo được mách rằng chúng tôi đã mười lăm và khi chất giọng ồm ồm khiến hai thằng lỏi coi việc hát rống những bài ô-pê-rét nghe lỏm được là một thú khôi hài. Đấy là lúc cậu bắt đầu kéo tôi đi xa hơn mọi dặm đường những đứa trẻ nít ôm sách đánh vần có thể đặt chân đến. Trên chiếc máy cày treo mấy lá Át bích làm cảnh. Chúng tôi ngồi trong những quán pub như mọi tay Anh quốc hay làm. Hút điếu xì gà dở của một ông già Ireland tóc hung có bộ ria đến oách...

Cậu nối những bước chân trên cây ô liu vào đúng nơi tôi đã dẫm, gió lay mạnh cành khiến chúng tôi nghĩ mình đang cheo leo trên một vách băng vạn trượng, cũng như một màu xanh của cỏ trải ra ngút ngàn làm tên cừ Toán học như cậu cũng bắt đầu mất dần cảm giác về không gian. Giống như đây không còn là nước Áo, đây là bất cứ ở đâu, tôi đang nói vậy, Hoa Kỳ, Thổ, Tây Ban Nha với những cối xay gió và Don Quixote, ôi, những trảng cỏ ấy có thể ở bất cứ đâu trên cõi đời này. Nó đẹp biết mấy, an lành hơn mọi lời cầu phúc cho những trẻ sơ sinh, cậu nói nó khiến những giọt mồ hôi nóng bỏng nhất cũng nguội lại, thậm chí chẳng cần đến một dòng sông hay máng nước để khiến người ta muốn đằm mình. Ý tôi là, người ta cũng sẽ cởi vạt sơ mi rồi chạy khắp cánh đồng dù mưa hay nắng. Đôi khi cũng chỉ cần có thế, một trận mưa, một con nắng, và ta thấy lòng mình dịu lại, một lão chăn cừu từng bảo nếu có một cút bia tươi để nhấm nháp dưới gốc sồi thì thật là tuyệt cú, nhưng như tôi đã nói với các bạn đấy, chúng tôi mới chỉ mươi lăm...

***

Cánh đồng- nơi xa nhất người ta có thể đến bằng một cái máy cày, tôi từng ước giá mà mình đã cất một ngôi nhà ở đó. Chỉ có một gian, với chuồng ngựa và một kho để treo thịt nai khô, không nhiều, tốn nửa buổi với tấm giấy da và thoi phấn, ta sẽ làm phần mái sau cùng, nó cần được đóng vào những tấm vách, tôi tưởng tượng ra được cậu nói điều ấy với ánh mắt lấp lánh như một bể sao trời.

Tôi đã nghĩ đi nghĩ lại lời ngỏ với người chú họ về việc mượn cưa và bào đục đến mức nếu ai đó hỏi bây giờ tôi cũng có thể nói ngay không ngắc ngứ. Rồi một con la, dây chão cùng những hộc đinh rẻ như bèo. Tôi đã lên kế hoạch về một chuyến đi lên lưng đồi- nơi những rặng thông và gỗ đỏ mọc lên bạt mạng. Người sẽ học tôi cách đẵn gỗ bằng rìu, và kể cả có lần bập vào thớ gỗ dày khiến lưỡi búa bật lại làm tay tê rần cùng cơ vai ê ẩm, cậu cũng sẽ nhanh quen như cách đã dạy tôi đọc thơ theo vần. Sẽ ít nhất là ba cây gỗ lớn bằng một vòng tay người được xếp gọn một bên trước khi nghỉ tay dùng cơm trưa với bánh trứng cùng rượu vang ngon, dưới những tán thông chót vót, bên cạnh bụi nam việt quất và phúc bồn tử mọc dại, chúng sẽ dùng bữa với ta, bạn thân mến, đôi phần bảy tấm bánh cùng một cốc vang ngọt lựng mùi quả mọng xin kính dâng đất mẹ đã cho ta đồng lúa, những suối sông đổ về dòng Donau cùng cánh rừng lưng chừng mây bụi. Những đứa con của trời Âu vần gỗ lên xe rồi xuôi dốc thoải trở về cũng với lòng yêu kính ấy- đến mức đôi lúc hai ta rón rén thật nhẹ chân để không làm kinh động đến giấc ngủ của bầy giẻ cùi lam.

Đến đồng bằng, cậu cùng tôi hát những câu bông phèng dớ dẩn trong lúc xẻ gỗ ra thành ván, thi thoảng những câu hát sẽ lôi ta khỏi tay cưa để múa suồng lên những điệu tango xăng pha nhớt, nhịp gót giày vào nhau mà thèm thuồng một cây ghi ta với những dây đồng bóng loáng. Cậu gào lên với tất cả hơi sức của tuổi dậy thì, và cả cái giọng ồm ồm- tất nhiên. Rồi những pha nhảy nhót lố lăng khiến ta phá ra ngặt nghẽo, đến quặn đau cả bụng mà phải vịn tay nhau để có thể đứng được. Mặt đứa nào đứa nấy đỏ chẳng khác lũ gà tây, và gò má vẫn nóng hổi khi ta quăng mình lại công việc dở dang mà hãy còn lảo đảo. Chân nam đá chân chiêu, trước mắt tôi rộ lên những sắc pháo hoa đủ màu trong cái êm đềm của hương đồng nội. Tôi nghĩ mình đến say mất. Ta say trong men tình, bạn tốt của tôi, tình yêu với mọi nhẽ trên đời!

Ôi, những ngày son trẻ!

***

Bức thư cuối cùng

Ngày tháng năm

Tớ được tin cậu đã gia nhập quân đoàn kỵ mã. Chúa phù hộ cậu.

Đôi lúc giở lại những lá thư cất dưới gối, tớ mới chợt nhận ra rằng mình cứ trách móc luôn, cứ chỉ chăm chăm vào bất mãn hay những ủy mị của riêng mình mà khiến những lá thư phần nào mất đi cái thiên tính thiêng liêng của nó. Nên chỉ dăm dòng viết vội lúc chớm canh tư, muốn kể cậu nghe một câu chuyện thần thoại thế này. Rằng tiền thân của loài thủy tiên- chàng Narcissus khi trút hơi thở cuối cùng đã lay động những nàng tiên bên hồ, đau đớn vì không còn được ngắm nhìn chàng trai tuyệt trần ấy thêm nữa, các nàng khóc giờ này qua giờ khác rồi chợt nhận ra hồ nước nơi chàng soi bóng đã hóa thành nước mặn. Con hồ cũng đã khóc cho sự ra đi của Narcissus cho đến khi chính mình biến thành nước mắt. Nhưng nó không khóc vì thương tiếc cho nhan sắc của chàng, như theo cách loài người hay nói, trái tim hồ nước đã vỡ ra ngàn mảnh như mối đơn phương tan tành tro bụi. Con hồ khóc vì điều gì, những nàng tiên hỏi. Tớ đã từng choàng dậy giữa đêm chỉ để tự dằn vặt mình vì câu trả lời ấy:

"Ta không yêu chàng vì vẻ đẹp của chàng, mà mỗi khi chàng soi mình xuống nước, ta lại bắt gặp trong mắt chàng vẻ đẹp của ta."

Một viên ngọc chỉ rạng ngời khi có người cất tiếng ngợi ca vẻ lộng lẫy của nó. Và như mọi quy luật của những vì sao đổi ngôi hay đông qua hè tới, tớ đôi lúc thấy tim mình chững lại khi trong đôi mắt xinh đẹp của cậu chỉ còn độc hình bóng của người bạn trúc mã. Đó là giây phút tớ hiểu rằng sau tất cả những bi kịch, chúa vẫn chẳng hề bỏ rơi bất cứ ai. Cậu đã nắm lấy tay tớ khi chỉ còn một bước chân nữa thôi thần chết sẽ đến và kết thúc tất cả sau cú gieo mình. Cậu đã chạy chữa đến giọt yêu thương cuối cùng cho cơn bệnh nan y đang giày xéo linh hồn tớ, và dẫu cho điều ấy chẳng đi đến đâu, tớ đã kịp sống trọn tâm cùng huyết lệ, đã vui buồn đến gần đứt lìa sự sống, và đã kịp để đức tín của mình trung thành với những điều con tim mách bảo. Chẳng hề gì nếu họng súng của cậu bởi lời xúi giục của bầy ma quỷ mà sắp sửa kết liễu tớ chăng nữa, nếu điều ấy khiến mọi chuyện với cậu dễ dàng hơn đôi chút thì thực chẳng hề gì. Chẳng hề gì nếu cậu có ruồng rẫy kẻ tội đồ là tớ đây, vì đó cũng là lúc sinh mệnh của đôi ta chấm dứt. Cuối đất cùng trời, cậu có còn nhớ lời hứa năm nào về thiên trường địa cửu?

Tớ đã cận kề thời khắc hoàn thành bổn phận với chính mình, con người này sắp sửa ra chiến trường, và thắng bại chẳng màng. Bởi tớ biết khi một lần nữa nhìn sâu vào đôi ngươi sâu thẳm của cậu, tớ sẽ hiểu mình đang dấn bước trên một con đường đúng đắn, tớ hiểu cái chết của mình- kể cả khi có xảy ra, cũng đã ích kỷ làm sao trở thành mặt hồ duy nhất của người tớ trân trọng bậc nhất cõi đời, tớ biết cậu ngoài đó. ..

Narcissus của tôi, tớ biết cậu ở đó, và chỉ thế thôi là đủ.

***

Cũng trong những năm niên thiếu ấy, dưới mái hiên ngôi nhà gỗ với cánh cửa sơn mỗi nửa một màu, chúng tôi đã có một giao ước vu vơ giữa những ly rượu mùi rót chỉ vừa láng cốc. Có lẽ đúng như tôi đã nghe ở đâu đó rằng con người thường có xu hướng mĩ lệ hóa quá khứ, trong ký ức đã ít nhiều phai nhạt của tôi chỉ thảng hoặc gợi về vòm trời quang đãng mà lần nhớ sau lại xanh hơn lần trước. Tôi nhớ có nắng dịu hoặc do hai đứa ngồi trong râm, nhấm nháp nước quả ủ men cùng đá lạnh, nhai bỏng ngô ỉu, cậu còn thảy một nắm cho mấy con khách hay diều gì đấy đại loại. Thi thoảng tôi bất chợt nhớ về những miếng bỏng nhai không thành tiếng ấy khi ra khỏi rạp hát, không hiểu, có lẽ vài tối hiếm hoi theo chị đi xem Shakespear với tiếng nhạc khí thực chứ không phải qua đài radio khiến người ta nhạy cảm hơn hẳn. Thế là lại một đêm canh cánh mãi với chuyện xưa mà đôi khi chẳng biết là thật hay mình tưởng tượng ra, giữa thảo nguyên, ánh mặt trời khác hẳn sáng đèn, những điều ấy bằng cách nào lại sống trong tôi lâu hơn cả trí nhớ về khuôn mặt ẩm mồ hôi hay lời cậu nói. Tôi chỉ nhớ cảm giác như khi rượu lạnh trôi xuống cổ, đầu tiên thì lạnh đến giật mình, nhưng rồi khi đã nghe cho thật kỹ, đã để cho những tia hoang mang rất nhỏ trôi đi, thì lại như men say ngấm dần vào xương tủy.

Cậu hứa về một điều mang tên vĩnh hằng. Tôi bảo, trên đời làm gì có gì gọi là mãi mãi. Vài thế kỉ trước người ta một mực rằng Trái Đất là trung tâm của vũ trụ, và chẳng phải là môn Thiên văn cho đến nay đã không còn vết tích gì của cái "chân lý" ấy nữa hay sao. Cậu cười, rằng "Không phải." Cuộc đời cũng như một cuốn phim vậy, cậu không ngâm mình trong một dòng chảy vô cực, mà là từng khoảnh khắc ghép nối lại với nhau. Con người thực chất không phải tuân theo một phương chiều nào hết, hiện tại của cậu là tương lai của một giây trước, một giờ trước, và tương lai ấy xảy đến theo cách này hay cách kia hoàn toàn tùy thuộc vào mong muốn cùng khả năng của chính cậu. Cậu của một giây trước thuộc về khoảnh khắc ấy, mọi vật trong một giây trước cũng thuộc về ký ức ấy, nó sẽ không thay đổi hay bị thay đổi, vì thế, thời gian của cậu là vĩnh cửu, sự tồn tại của cậu là bất biến, những gì cậu có chính là hiện thân chân thực nhất của vĩnh hằng.

Quỹ tài sản mang tính sống để bụng chết mang theo vừa đưa ra ở trên, "trong Toán học, ta có thể giới thiệu nó như một 'constant'(hằng số), và theo lối lý giải đầy tính phô trương mà tớ xin trân trọng gọi nó là một phát kiến trong nghệ thuật tán tỉnh, thì đó là kết quả đúng với mọi phương trình cấu tứ nên cái thuyết "cuộc đời" của chúng ta. Tớ hứa với cậu về sự vĩnh cửu, thì đó không phải đo từ đây về sau, mà kể cả trong quá khứ, với mỗi một giây trong kho tàng hai mươi năm thiết lập định luật sống của tớ, và kể cả sau khi ta chấm dứt những chuỗi ngày nằm trên giường và nhờ con cháu đút súp qua hai hàm không còn răng và cũng không còn khả năng khép lại. Cho tới khi nào tớ còn là điều người ta có thể trích dẫn mà không kèm ngày tháng tử vong, tới lúc ấy, lời hứa của tớ là còn hiệu lực. Tớ có sự vĩnh hằng, và tớ giao nó cho cậu, cứ coi như tớ đang ký gửi đi, thì là hợp đồng vô thời hạn, kể từ khi thời gian của tớ bắt đầu, xin nhớ lấy, tớ chỉ nói có một lần này thôi. Thì cậu, chủ nhà băng, cậu là tất cả cuộc đời của tớ."

Và nếu chẳng lầm, gã chủ nợ là tôi đây có quyền chiếm dụng và muốn làm gì thì làm với tài sản ký gửi thì phải. Đừng tò mò làm gì nhé, bởi chắc hẳn chúng tôi đều muốn 'nomina sunt odiosa'(sẽ không gọi tên ra)

***

Bức thư thứ sáu

Ngày tháng năm

Đôi lúc tớ thầm khẩn cầu, rằng nếu tước đi của nhân loại đôi tay để làm những sự sai trái, đôi mắt để ghi hận những khuôn mặt ta căm ghét đời đời, đôi tai nghe những lời xúi giục và con tim để thôi không còn xúc động đến mức mất trí, thì có phải con người sẽ sống hạnh phúc hơn chăng.

Nhưng giống như tớ đã ai khẩn đức chúa đưa tớ về bên cậu, ngài không đáp lời thỉnh cầu của con cừu lạc này. Và lại như một hình phạt dành cho những suy tưởng ngông cuồng tớ đã gắng chôn chặt trong lòng, cũng đôi mắt ấy đã từng nhìn cậu, giờ lại đông đặc hình ảnh của hai tội ác tày đình như khảm vào vỏ não. Cũng đôi tai đã nghe tiếng chim sơn trà suốt mùa hè trong căn nhà gỗ, giờ vẫn ong ong tiếng chửi rủa và tiếng của máu sôi lên trong huyết quản. Cũng trái tim yêu đương tha thiết giờ ngập tràn bi phẫn cùng nỗi thống hận rút mòn tủy sống. Và cũng đôi tay tớ đã hứa sẽ dùng cả đời để nâng niu người tớ coi là tất cả, thì cũng lại nó đã giết chết một mạng người.

Một mạng người, ta đều hiểu nó có sức nặng gấp cả triệu lần bản án cho tội ăn trộm bánh mì. Tớ hiểu chứ, nhưng khi những gì trước mắt tớ là một con quỷ đang hả hê trước thi thể của một cậu bé mười lăm tuổi, thì không một phán quyết nào có thể ngăn việc tớ sẽ giết chết gã nhân danh một con người. Gã nhận án tử với một viên đạn duy nhất. Không một lời nguyền rủa. Nhưng còn cậu bé ấy. Em đã bị lừa bởi một kẻ mạo danh khốn nạn, cái chết đến với em đau đớn hơn thế nhiều, tuyệt vọng hơn thế nhiều. Khi sợi dây siết trên cổ ngày một chặt, những gì em còn nghe chỉ có những lời rủa cay độc rít qua kẽ răng loài ma quỷ, không một câu cầu nguyện, không một tiếng khóc. Em đã buộc phải chấp nhận cái chết như một sự trừng phạt đích đáng mà nào có do tội tình gì. Em đã chết với nỗi hối hận cay đắng nhất của con người- hối hận rằng mình đã sống.

Tớ không định tự bào chữa cho mình, hay cũng không nuôi hy vọng rằng liệu chúa có tha thứ cho môn đồ đã phạm phải điều răn của người hay không. Nhưng tớ có thể khẳng định, nếu được chọn lại một lần nữa, tớ sẽ chẳng mảy may do dự mà lựa chọn sa ngã, sẽ nã thêm hàng ngàn viên đạn vào thứ mục rữa đó cho đến khi trái tim mình nguội lạnh. Bởi vậy tớ sẽ không hối hận, và cũng không bao giờ van cầu thứ tha.

***

Tôi cố tựa mình vào thân cây để trông không quá giống một con chó bự ủ rũ, cơ mà có lẽ không hiệu quả cho lắm, tôi nghĩ vậy khi nhìn đến bàn tay bợt đi và đang run như người mắc chứng Parkinson. Lũ trẻ phía xa vừa ăn mắng vì tội nghịch bẩn, nhưng chúng quay lại ngay với trò đắp lâu đài bằng đất khi cô chị vừa kịp quay đi. Tôi cố nở một nụ cười theo kiểu thầy giáo trường tiểu học mà chẳng biết để cho ai xem, chắc là cho những đứa con không bao giờ ra đời của tôi. Chà, nếu cứ theo thói cũ mà tầm hăm nhăm lấy vợ thì đứa cả chắc năm nay cũng đã lên lớp hai. Tôi tự hỏi rằng mình sẽ nuôi dạy chúng thế nào, chắc hẳn sẽ nhẹ nhàng hơn ông già nhà tôi ngày trước, ít nhất là không có đòn bằng thước may.

Lan man thế nào lại quay về chuyện của cậu. Tôi băn khoăn không biết ông cụ non ấy sẽ nói chuyện với những đứa trẻ thế nào, liệu cậu có đọc truyện cổ tích cho chúng trước khi ngủ không. Tôi nghĩ miên man, trong đôi mắt đã bắt đầu lòa lòa không rõ hiện lên hình ảnh ông bố trẻ ngồi tựa vào thành giường, thủ thỉ về câu hỏi rằng tại sao con người lại phải cần dựa vào những gạch đầu dòng trong quyển luật để có quyền phán xét bất cứ ai. Tôi nhớ rằng mình cứ luẩn quẩn mãi trong ý nghĩ ấy cho đến khi cậu xoay người hôn lên trán đứa bé, tắt đèn và lặng lẽ đi ra không một tiếng động.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro