trăng chắc là đẹp.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Khuya, trăng lên được một nửa. Lúc này ông Tứ mới về đến nhà.

Bộ quần áo mướt mồ hôi đẫm mùi lao động thì ném vào chậu ngâm xà phòng. Ủng cao su đóng xi măng thì đặt vào góc tường mốc, sát gần cửa để lúc nào cần cứ vơ lấy rồi đi ra ngoài cho tiện. Xe máy thì cũng xếp gần cửa, nhưng phải gọn sang một bên để còn chưa chỗ người ta đi ra đi vào.

Vừa lẩm nhẩm lời vợ dặn, ông Tứ vừa làm y như vậy. Cũng bởi thế mà người đàn ông đầu lấm tấm bạc quên là mình không nhất thiết phải xếp xe máy sao cho gọn. Thì ngoài ông Tứ, còn có ai đi ra đi vào cái nhà này nữa.

Đợi đến khi hiện thực ngấm vào cái đầu già nua chậm chạp của người đàn ông ngoài tuổi trung niên; căn nhà cấp bốn đã mở ra rộng mênh mông trong đêm tối om om.

Thế là ông Tứ bỏ ăn tối. Ông xách xe máy chạy xuôi theo một con đường không tên - không có tên bởi người đi không có nhớ; có nhớ, người ta chỉ nhớ lối chứ không nhớ tên. Với ông Tứ, nó giống như bao khuôn mặt con người Sài Gòn khác; ông thấy họ mãi - vào những buổi sáng trên đường đi làm, thấy nhiều đến mức nhớ cả nếp sinh hoạt của người ta. Nếu hỏi họ là ai, ông Tứ chẳng thể trả lời. Nhưng nhỡ một ngày họ biến mất, chắc ông sẽ có vài hôm cảm thấy trống vắng đến lạ.

Con xe cũ nát chạy mãi rồi cũng dừng lại, tấp vào lề đường. Chỗ này vắng, khuất mà xe cũng hạng cà tàng, chả ma nào thèm. Ông Tứ biết thế nên không sợ mất, cùng lắm thì đi bộ về nhà. Nghĩ vậy nên ông bỏ mặc xe chỏng chơ ở một bên, còn mình thì leo rào rồi bước ra bên thềm sông.

Trên vai máng cái cần, tay bên xách xô mồi, bùn nhão nhoét dưới chân. Ông Tứ quay về về với thú vui cũ thời trẻ, cái thời còn độc thân, cái thời còn một mình. Ông đi câu đêm.

Hồi mới lên Sài Gòn, ông Tứ rất hay ra đây cùng các chiến hữu. Lấy mồi nhiều câu ít cá, được nhiêu nhậu nhiêu, đánh chén chủ yếu là có anh em với nhau. Giờ nghĩ lại mấy chầu vui vẻ đó đã chỉ còn là kỷ niệm đẹp. Bạn bè ông đi đâu hết cả. Có thằng thăng chức bạc tình. Có thằng chết. Có thằng không trụ lại được trước sự đào thải khắc nghiệt của thành phố mà bỏ về quê. Trước khi đi, nó bảo:

- Nếu đâu cũng khổ, cũng cực như nhau thì sao không về. Ở quê có khổ cũng là khổ chung với bố mẹ, với họ.

Thằng ấy cũng rủ ông Tứ đi chung. Nhưng ông không về. Đợt ấy còn vướng vợ bầu. Ông Tứ sợ mai mốt sinh con ra, ở quê giáo dục không bằng thành phố. Ông không mong con rồi lại ngu dốt như mình, tương lai nó phải hơn bố mẹ nó. Đứa trẻ học hành mà tốt, thì một mai nó có thể không phải cắm mạ ngày trời rét, hay ở nhà mái tôn cấp bốn, đi xe cũ nát. Nó có thể đi đây đi đó, sống sung sướng, sống một cuộc đời ông Tứ chưa từng có cơ hội trải nghiệm.

Mà bây giờ... Mà bây giờ...

- Bác ơi, cá cắn câu.

Ông Tứ giật mình choàng tỉnh. Ông kéo dây nhấc cần kiểm tra. Chả có con cá nào. Người đàn ông quá tuổi trung niên ngẩn ra.

- Cháu thề là cái cần nó giật. Nãy cháu thấy. Chắc nó bơi mất rồi quá.

Cá mắc câu thì bị móc sắt ghim chặt vào miệng, trừ phi giẫy mạnh đến nỗi toẹt môi ra. Nếu thế thì sẽ có tiếng nước to, ông Tứ sẽ tự nghe thấy, nào cần người ta nhắc cho. Nhưng mà ông cũng thầm cảm ơn người lạ kia. Nếu cứ để yên ông Tứ như vậy, thì đến lao đầu xuống sông mất thôi.

Người lạ mặt nằm im - giờ ông mới nhận ra là người này đang nằm lặng trên lớp bùn lạnh của thềm sông. Người này đến khi nào, đã ở đây bao lâu? Trong lúc ông Tứ đang nghĩ ngợi hay cả trước đó nữa? Không ai có thể trả lời.

Sự có mặt của người này làm ông thấy thẹn, mà cũng hơi đỡ buồn, chả hiểu tại sao.

Bấy giờ ông Tứ mới dồn sự tập trung vào nhiệm vụ nhận dạng người lạ mặt này. Đó là một thằng con trai trẻ. Trẻ - ông biết vì cái giọng, chắc qua dậy thì rồi. Gọi là thằng con trai vì coi bộ tướng nó gầy gò quá; cũng không hẳn là gầy gò, nhưng ông Tứ chả biết lấy từ nào khác để miêu tả. Trong đêm đen, bộ quần áo sậm màu khiến cu cậu như tan hẳn vào bóng tối.

Ông bắt chuyện trước.

- Thằng nhóc này mấy tuổi? Sao không ở nhà, ra sông nằm làm gì?

- Cháu đi có tý, chả sao đâu.

- Trễ lắm rồi đấy. Về đi không bố mẹ chờ.

Lần này đáp lại lời ông Tứ là tiếng lầm bầm nhỏ như cái muỗng. Mà trong không gian tĩnh lặng đến điếc tai này, chỉ nhiêu đó cũng đủ để ông nghe rõ.

- Đã bảo là chả sao đâu mà.

- Mày giận dỗi gì bố mẹ hả? Bác nói cho biết, lúc nào bố mẹ cũng chỉ muốn tốt cho con cái thôi. Nuôi cho mày lớn tướng ra cũng cực khổ lắm chứ lị. Bác cũng có đứa con gái, chắc bằng tuổi mày.

Cậu trai trẻ không trả lời, ông Tứ nói luôn một mạch.

- Nó mà đi chơi khuya, bác sẽ đi từng ngõ ngách Sài Gòn mà túm cổ nó lôi về nhà. Đi đêm không an toàn. Nhất là đi với đám nào ăn chơi đàn đúm đến tận khuya.

- Còn nếu con gái bác ra sông nằm một mình?

- Vậy thì đỡ hơn. Nhưng cũng phải bắt nó về. Con gái yếu đuối, nhỡ thằng nào làm gì thì sao.

- Cháu chả phải con gái. Làm gì có thằng nào chơi được cháu. Nằm tý, chả sao.

- Ờ thì... Cái thằng này! Nói chuyện với người lớn mà nói mày một câu, mày đáp một câu là sao!

Cậu trai có vẻ như cười, mà cũng như không. Ông Tứ nạt xong thấy thằng nhóc cũng chưa có ý định rời đi, nên tiếp lời.

- Bây giờ bác ở đây, có hai người xem như cũng an toàn cho mày. Khi nào mày còn chưa về nhà thì bác cứ ngồi đây nói chuyện với mày. Thằng này tên gì?

- Dạ? Khánh Tâm.

Nghe quen quen, mà ông Tứ tạm chưa thể nhớ ra. Nhưng dù sao cũng không quan trọng lắm. Ông ngồi đó với cậu trai trẻ, kể lể về câu chuyện cuộc đời mình. Cái khổ xen lẫn cái vui cứ tuôn ra, hoà vào nhau trong mạch lộn xộn, không theo trật tự gì. Ông Tứ kể và kể, về chuyện lúc ông còn nhỏ ở quê, rồi khi trẻ lên thành phố; gặp vợ, có con thế nào.

Khánh Tâm nằm nghe ông Tứ kể chuyện say sưa. Cái ý tưởng lao đầu xuống sông đã trôi tuột ra khỏi đầu cậu trai trẻ từ lúc nào.

Rồi cũng đến lượt Khánh Tâm kể chuyện. Nhưng có cái gì để mà kể. Cả đời cậu trai sống sung túc, đầy đủ đến độ Tâm chả biết mình sinh ra để làm gì, mình còn thiếu cái gì để mà đi tìm, muốn cái gì để mà giằng lấy. Mọi sự đều đã được quyết định sẵn, bố mẹ dọn đường cho cậu trai, và Tâm chỉ cần bước lên tấm thảm đỏ.

Cái đầy đủ của Tâm dần trở thành một lỗ trống. Nó cứ lớn dần lên, lớn dần lên cho đến khi cậu trai chẳng còn lại gì ngoài nó. Cái lỗ trống ấy khoét rỗng Tâm.

Những đắng cay ngọt bùi của đời ông Tứ, nó làm Tâm ghen tỵ. Nhưng ý tưởng về sự nghèo khổ, cực nhọc lại làm cậu trai sợ. Giá mà Tâm cũng dám đánh đổi cuộc sống sung sướng hiện tại để có được sự giàu có của cảm xúc kia.

Trăng trên bầu trời soi mình xuống sông. Sóng nước lăn tăn làm nhoè bóng sáng. Trăng vẫn là trăng nhưng lại không giống trăng. Trên đời vẫn lắm sự như thế

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro