Người đi nhặt nắng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tác phẩm: Người đi nhặt nắng

Tác giả: Mèo Mùa Hạ

Bất lực, tuyệt vọng, đau khổ và sợ hãi... cuộc đời của nó dường như đã bị nhốt trong vòng tròn tăm tối đấy hết ngày này đến ngày khác. Phải đợi đến khi nào nó mới được chạm vào hạnh phúc đây?

...

Nó là đứa nhỏ bị bỏ rơi. Ngày nó tròn năm tuổi, mẹ dẫn nó đến một khu chợ ồn ào, lạ hoắc, bà bảo nó đứng đợi. Nó chưa kịp hỏi mẹ phải đợi bao lâu, mẹ nó đã vọt đi rồi. Đi biền biệt. Nó đứng ở cổng chợ, mắt láo liên, nhìn người ra người vào đông như trẩy hội. Người mặc áo dính mỡ và máu heo lấm lem, người đội nón lá mới tinh, người xách giỏ nhét đầy rau củ,... chỉ tuyệt không thấy mẹ nó đâu.

Mặc dù sợ hãi và sốt ruột, nó cũng chỉ có thể đứng ở cổng liếc bên này, ngó bên kia tìm mẹ. Chợ vãn, người tan, mẹ nó vẫn còn chưa quay lại. Sợ mẹ bị người xấu bắt nạt, nó rón rén đi sâu vào khu chợ. Gặp ai nó cũng hỏi:

– Chú ơi, chú thấy mẹ con không ạ?

– Cô ơi, cô có thấy mẹ con không?

– Dì ơi...

Càng hỏi nó càng sợ. Chẳng ai biết mẹ nó là ai, đã đi đâu. Nó không thấy mẹ, cũng không biết phải đi về đâu tìm mẹ. Thế mà nó đứng giữa chợ khóc ré lên. Lúc đầu, nó nức nở như bị một khúc xương chẹt ngang yết hầu, nhưng khi càng ngày càng nhiều người nhìn nó, nó thấy hãi. Sau, tiếng khóc ồ ồ của nó ngày càng cao lên, nó khóc tưởng như sắp chết. Còn mấy người dọn hàng chưa kịp về, thấy vậy xúm xít lại hỏi thăm. Trong tiếng nức nở, nó đáp câu được câu chăng, nó bảo nó tìm mẹ, nhưng khi người ta hỏi mẹ nó là ai thì nó lại không biết gì ngoài một cái tên.

Thấy vậy, một người đàn ông bụng phệ, trán bóng loáng đứng ra nói:

– Thôi để tôi dẫn nó ra cảnh sát.

Người ta thấy vậy liền rời đi. Riêng nó, nó nhìn ông chú qua màn nước mắt, nấc lên từng tiếng mà thưa:

– Con phải ở đây đợi mẹ!

Người đàn ông vừa dỗ vừa gạt, kéo nó đi.

– Đi, chú biết mẹ con ở đâu.

– Thật ạ? - Nó nín khóc hẳn, mắt nhìn chằm chằm người đàn ông.

– Ừ.

Gã đáp chắc nịch, lấm lét nhìn quanh rồi bế nó lên một chiếc xe ba gác cà tàng.

Ngồi một mình trong thùng xe, nó vẫn không yên lòng hỏi lại:

– Chú biết mẹ con thật không?

– Đã nói biết. Hỏi gì hỏi lắm thế!

Thấy người đàn ông không kiên nhẫn đề ga cho xe chạy, nó bèn ngồi xếp bằng xuống, tay vịn lấy vách thùng xe nhìn quanh khu chợ đã dần khuất bóng một lần nữa.

Chiếc xe vừa khuất, người phụ nữ ngồi trong góc chợ bụm mặt chạy ra. Mắt cô lờ đờ như một người say, đứng chôn chân nhìn theo chiếc xe sớm đã không còn trong tầm mắt.

...

Một ngày, hai ngày,... nó đợi mãi, đợi mãi mà chẳng thấy người đàn ông dẫn nó đi tìm mẹ. Nhìn ba bốn đứa trẻ khác nằm bẹp trong căn phòng xập xệ ngủ say, nó rón rén mở cửa đi ra.

– Đi đâu? - Tiếng nói rợn người vang lên sau lưng nó. Nó quay lại nhìn, thì ra là người đàn ông ấy.

Mừng rỡ, nó giương đôi mắt tràn đầy hy vọng lại hơi rụt rè, hỏi gã:

– Chú... chú tìm được mẹ con chưa ạ?

– Phải từ từ. Mày gấp gáp cũng có ích gì? - Gã nạt.

– Nhưng... - Nó cúi đầu, xoắn xuýt hai tay. - Nhưng con thấy nhớ mẹ quá à.

Nghe nó nói, gã bật cười ha hả. Gã định nói cho nó biết, mẹ nó bỏ nó rồi đấy, chả bao giờ nó được gặp lại đâu mà bày đặt nhung nhớ. Nhưng sợ nó quậy, thế nên gã chỉ có thể giơ tay vuốt đầu nó khuyên:

– Sớm muộn gì cũng tìm được. Mày đi ngủ đi. Mai dậy sớm theo tụi nó đi làm.

Nói rồi gã quay đầu bước đi sang phòng bên cạnh.

"Tụi nó" trong miệng gã là bốn đứa nhóc choai choai trong phòng kia, ba nam một nữ. Nhưng tụi nó làm nghề gì, nó đi theo phải làm gì thì không rõ. Quẫn quá, nó thẫn thờ quay lại cái chỗ lót tấm đệm ẩm đầy mùi nấm mốc khó ngửi mà người đàn ông nói là chỗ ngủ của nó, nằm xuống.

Nó nhắm mắt lại mà không hề biết, cuộc sống tăm tối của nó đã bắt đầu mở ra rồi.

Sáng, có lẽ hơn năm giờ, người đàn ông mở cửa phòng, giọng oang oang:

– Dậy hết coi! Mấy cái thứ lười biếng này!

Theo tiếng quát tháo, mấy đứa trẻ lục đục ngồi dậy. Trong phòng chỉ còn riêng nó co người ngủ. Người phụ nữ bên gã thấy chướng mắt, ả bước tới cạnh, lấy chân đá đá nó:

– Ê đồ con rơi, dậy coi.

Mơ màng, nó mở mắt ra nhìn. Đập vào mắt nó là một người phụ nữ gầy nhom, mặt cứ chau chau lại, nom rất dữ. Ả thấy nó ngơ ra, bèn đá thêm cái nữa:

– Dậy đi mày. Ăn dọng gì đi rồi đi làm.

– Làm gì ạ? - Nó rụt rè hỏi.

– Bảo mày dậy ăn thì làm theo đi. Sao mày nhiều chuyện quá vậy? - Người phụ nữ gào lên, nó hoảng hồn đứng bật dậy, chạy theo mấy đứa nhỏ còn lại ra ngoài.

Đợi bọn nó ăn xong ổ bánh mì, người đàn ông lại lôi xe ba gác ra. Bốn đứa trẻ dường như đã quen, chúng im lìm bước lên xe, ngoan ngoãn ngồi xuống. Đứa bé gái nhỏ giọng gọi nó:

– Ê, anh lên xe lẹ đi. Dì la đó.

Nó chậm chạp bước lên xe, đáp lại:

– Tui không phải tên "ê". Tui tên Quang.

Đứa bé trai tầm tám, chín tuổi ngồi cạnh phì cười.

– Quang quéo gì? Mày nghĩ mày còn được là người hay sao mà bày đặt có tên?

Nó ngu ngơ nhìn, nhưng không có ai có ý định nói tiếp. Bọn trẻ cúi mặt xuống, đứa bé gái còn rơm rớm nước mắt.

Thấy bọn trẻ ngồi im, người đàn ông nọ bắt đầu cho xe chạy.

– Anh ơi. - Quang nhích lại đứa bé trai vừa nói, nghiêng đầu nói nhỏ. - Thật ra họ là người xấu đúng không?

Nghe nó hỏi, bốn đứa trẻ giật thót. Cậu bé có nốt ruồi ở đuôi mắt hít một hơi, vội trả lời:

– Xuỵt! Nói nhỏ thôi! Ông muốn bị đánh chết hả?

– Sao... sao bị đánh?

– Lần trước con Nhiên nó kêu cứu với người ta mà bị dì bắt lại được. Dì đánh nó dữ lắm. Đánh nó nằm ba ngày không dậy nổi đó. - Cậu bé có nốt ruồi nói tiếp. - Ở đây phải nghe lời dì. Dì hung dữ lắm!

Nó sợ. Giọng càng nhỏ lại:

– Thế mọi người sao lại ở đây? Với... mọi người tên gì?

– Em tên Nhiên, em cũng như anh, bị chú lừa dẫn đi. - Cô bé uất ức trả lời.

Bỗng, nó thấy đồng cảm. Mắt nó cay lên, tự dưng muốn khóc ngang xương vậy đó. Nhưng nhìn cậu bé gầy gò ngồi im nãy giờ cứ nhìn mình, nó hơi ngại, thế là nó cố dằn lòng lại.

– Tui tên Hùng. Tui là đứa bị bắt thứ hai, sau anh Dũng. - Đứa trẻ có nốt ruồi chỉ sang cậu bé tám chín tuổi kia rồi lại chỉ tới cậu bé gầy gò ngồi trong góc. - Tui không biết tên nó. Nó bị câm.

Quang hoảng hồn nhìn đứa trẻ, nó thấy bọn họ xì xào cũng không buồn quan tâm, chỉ nhìn thoáng qua Quang một chút rồi nhắm mắt lại dựa vào thùng xe nghỉ ngơi.

Mãi tới khi xe dừng lại Quang mới biết "đi làm" theo lời người phụ nữ kia nói là bán vé số.

Năm đứa, mỗi đứa năm chục tờ. Người đàn ông thả mỗi đứa một chỗ, lại hẹn trưa đến đón tụi nó về. Quang chán. Nó chỉ nhớ nó là một đứa con nít, mà một đứa con nít thì không cần làm công việc này. Cả sáng đó nó chỉ lo đi tìm mẹ, nó như mò kim đáy bể, chẳng có tung tích nào về người mẹ đã "làm rơi" nó ba ngày trước cả.

Trưa, nó bị dì đánh một trận tơi bời vì vé số phát cho nó còn nguyên. Nó uất ức chứ. Thế là nó cãi lại:

– Sao dì bắt con đi bán vé số! Chú đó nói là dẫn con đi tìm mẹ mà!

– Mày mà không ngoan là tao không dẫn mày đi tìm mẹ đâu.

Tuy ghét dì nhưng nó vẫn dịu lại, bởi nó chẳng còn hy vọng nào ngoài hai người xấu này.

Thấm thoắt, nó đã ở căn nhà cũ kỹ đấy hai năm. Lúc đầu hai người nọ vừa đánh vừa xoa, ép nó làm việc rồi hứa hẹn đủ điều. Một trong số những điều mà nó thèm nhất là được gặp lại mẹ nó.

Lúc đầu, người nó không lúc nào không mang vết sẹo. Không lớn thì nhỏ, nhưng chưa hề vắng mặt. Mỗi lần nó bướng, mỗi lần nó tìm cách trốn đi,... dì lại quất vào chân, vào mông, vào người nó từng nhát bằng roi mây. Dần dà, nó nghe lời hẳn. Và nó nghĩ, có lẽ bốn đứa trẻ kia cũng giống nó. Bọn chúng nó bị huấn luyện như một con ngựa. Nhưng điều đó thật ác. Thật xấu xa khi cướp đồng cỏ rồi đưa lại cho con ngựa một cái yên. Bởi dần dà, con ngựa ấy sẽ coi việc chở ai đó trên tấm lưng gầy là bổn phận của mình. Nhưng trời ơi, thật là nghịch lý. Nhiều lúc nó ngẫm mà thấy buồn. Buồn mà chẳng ai hiểu cho mình, thế là càng buồn.

Mấy đêm nằm, nó nghe con Nhiên khóc thút thít từng đợt. Chắc nhỏ cũng nhớ mẹ giống nó. Đương lúc suy nghĩ có lẽ nó sẽ bị cột ở đây cả đời, ông trời cuối cùng cũng mềm lòng. Ông cho nó đi.

Ngày đó, công an lại hốt một ổ bài ở gần đấy. Người phụ nữ dữ tợn kia cũng bị bắt đi. Lũ thằng Hùng thừa cơ xúm lại vừa khóc vừa kể. Nó nhân lúc hỗn loạn mà trốn đi. Nó cắm đầu chạy về phía bến xe rồi lủi vào trong dòng người. Chẳng biết nó chạy bao lâu, rốt cuộc khi dừng lại chân chỉ còn có một chiếc dép. Một chiếc dép, một bộ đồ rách là tất cả gia tài, nhưng nó thấy vui quá.

Trời ơi! Nó thoát rồi! Nó trốn đi được rồi!

Ngồi thụp xuống bên một hàng thùng rác to tướng, nó khóc vì vui sướng. Đang khóc hăng, bác lao công mặc bộ đồ lao động xanh xanh đẩy xe rác lại. Thấy nó, bác giật mình la lên:

– Ối trời ơi! Con cái nhà ai đây?

Nó sợ bị bắt, bèn quệt nước mắt, vội vã chạy đi.

Sau hôm ấy, từ đứa trẻ bị bắt cóc, nó trở thành trẻ lang thang. Ngày, nó đi vòng quanh bất kỳ khu chợ nào mà nó bắt gặp. Đêm, nó co người nằm trên ghế đá công viên, nằm dưới gầm cầu dơ dáy, lạnh lẽo.

Vui sướng lúc rời khỏi căn nhà nọ đã vơi đi tự lúc nào. Giờ đây, nó thấy càng bất lực, càng mệt mỏi, sợ hãi.

– Cô ơi, cô cho con giúp gì đấy để đổi đồ ăn được không ạ?

Nó ôm bụng, nhìn cô bán cháo lề đường với vẻ mặt đáng thương. Cô nhăn mày, nhưng vẫn múc cho nó bát cháo, giục nó ăn nhanh rồi mau đi. Mừng rỡ ôm lấy bát cháo bằng hai tay, nó ngồi xụp bên đường ăn. Để trả ơn, nó chủ động ngồi xuống giúp cô rửa mấy cái bát xếp trong chậu.

Lúc nó trở về gầm cầu để ngủ, một nam thanh niên chạy đến vội vã, nhét chiếc bóp da vào tay nó rồi biến mất. Đương lúc nó ngơ ngác, một người đàn ông cao lớn chạy đến, chụp lấy tay nó mà quát:

– Bắt được mày rồi nhé, đồ ăn cắp! Mới tí tuổi đầu mà đã học thói trộm cắp. Đi! Đi tới đồn công an với tao!

Người đàn ông vừa nói vừa lôi nó đi mặc cho nó kêu la, giải thích. Người nhỏ, sức nhỏ thì không có tiếng nói, nó bị lôi đến đồn công an. Sau khi bị công an bảo bình tĩnh và im lặng hết lần này đến lần khác, người đàn ông mới chịu ngồi yên. Chú cảnh sát hỏi đến nó:

– Có phải con trộm không?

Nó nhìn thẳng vào mắt chú, đáp chắc nịch:

– Con không trộm. Xin chú tin con.

Chú công an không tỏ thái độ gì, bảo người đàn ông ghi lại thông tin liên lạc rồi về trước. Sau khi điều tra, rốt cuộc nó được giải oan. Lúc biết được sự thật, người đàn ông cười hề hề vuốt đầu nó:

– Chú cứ tưởng mày lấy. Ha ha ha ha.

Ngược lại, nó chẳng cười nổi. Quay đầu và thất thểu bước đi.

Nó có thể làm gì với những người lớn như vậy chứ? Nó không đủ bao dung để cười xuề xòa cho qua chuyện, nhưng cũng chẳng đủ dũng cảm để hét vào mặt người nọ đòi lại công bằng.

Dạo ấy, nó lang thang trên đường tổng cộng nửa tháng. Ngày thì nắng nóng như xối dầu sôi. Đêm lại lạnh căm căm như ướp trong vại nước đá. Thằng Quang nó từ đứa trẻ gầy trở nên gầy còm, đen đúa.

Mãi đến năm tám tuổi, nó gặp chú Trung.

Chú Trung là giáo viên. Ngày trước chú và bạn gái chuẩn bị kết hôn thì cô ấy đột ngột đổ bệnh. Bác sĩ thông báo thời gian của cô còn nhiều nhất hai năm. Thế rồi chú vẫn quyết định cưới cô. Khi cô đi, chú sống một mình, đến năm ba mươi lăm tuổi, Quang xuất hiện trong cuộc sống của chú.

Nó lúc ấy chẳng còn là đứa bé năm tuổi, nó đã hiểu nhiều chuyện hơn. Nhưng vì hiểu nhiều chuyện hơn nó lại đâm ra buồn. Vì mẹ bỏ nó.

Nó biết điều đó. Biết rõ chứ.

Hồi bé, nó loáng thoáng nghe mẹ nó khóc lóc mỗi khi say. Bà kể rằng nó xuất hiện ngoài kế hoạch như thế nào, hủy hoại cuộc đời tươi đẹp của bà ở tuổi hai mươi hai ra sao. Mỗi lần như thế, nó gào khóc ôm lấy bà, mong bà thương nó, đừng ghét nó.

Rồi cuối cùng, nó vẫn là đứa trẻ không được chào đón.

Nó muốn tìm mẹ. Ban đầu là do sợ hãi khi một đứa trẻ như nó lại bị trôi dạt ra khỏi vòng tay người nhà. Nhưng từ lâu nó chẳng còn mang chấp niệm ấy nữa. Tìm được mẹ, nó muốn ôm xin lỗi bà vì sự ra đời của nó. Nhưng nếu không tìm được, nó cũng không sao. Nhỡ cuộc sống của mẹ lại bị xáo trộn một lần nữa thì sao?

Vì thế năm tám tuổi, nó ôm chân chú Trung, gọi cha. Xin cha nuôi nó. Nó bảo đảm nghe lời, có thể chịu khó, chịu khổ. Cha nó khóc. Ông ôm nó vào lòng nói rất nhiều lời. Nó vỗ lưng cha an ủi, giải đáp từng thắc mắc của ông về nó. Sau cùng nó khẩn khiết xin ông:

– Cha đừng tìm mẹ ruột của con, nhé?

Chú Trung bất ngờ, ngoài miệng đồng ý nhưng sau lưng vẫn tiếp tục tìm.

Mùa hè năm nó mười tuổi, chú tìm thấy mẹ nó. Lúc chú đến nhà, bà đang ôm đứa bé trai tầm sáu, bảy tháng tuổi ầu ơ. Chú kể cho bà nghe về tình hình hiện tại của Quang. Lúc đầu, bà hơi giật mình như không tin là nó còn sống tốt. Sau lại ra vẻ đau đớn mà than:

– Chú có thương thì thương cho trót. Nó cũng là khúc ruột tui mang nặng đẻ đau...

– Ruột thừa hả chị? - Chú cắt ngang. - Tui chỉ muốn đến xem chị sẽ phản ứng thế nào. Chị làm tui mở rộng tầm mắt quá. Giờ thằng Quang nó là con tôi. Chị cứ lo cho khúc ruột chị đang ôm đi.

Nói rồi chú xụ mặt rời đi.

Thật ra lúc tìm được mẹ Quang, chú vừa vui vừa sợ. Vui vì đã hoàn thành được tâm nguyện mà bấy lâu nay con trai giữ trong lòng. Buồn vì e dè nhỡ người ta ôm con chú đi mất... Mặc dầu con là con ruột của người ta... Chú biết mình đuối lý. Nhưng khi nhìn thấy sự thật, chú tự nhủ, dẫu người đàn bà nọ có nhất quyết bắt thằng Quang về chú cũng lỳ đòn ôm con trai chịu trận. Nhỡ bà ta lại xua đuổi nó một lần nữa thì sao? Đứa nhỏ nó xứng đáng được yêu thương mà.

Cứ thế, chú và nó nương tựa nhau mà sống.

(Hãy đọc ở trang Wattpad chính chủ Mèo Mùa Hạ để ủng hộ tác giả nhé!)

Tuổi thơ bất hạnh khiến Quang trở nên gan góc và mạnh mẽ. Thật tạ ơn trời vì ý chí nó không bị lụi tàn. Nó vẫn sống, vẫn vươn cao như xương rồng ngạo nghễ dưới ánh dương. Nó học cách chấp nhận, buông bỏ và tha thứ. Nó không ghét mẹ, nhưng cũng chẳng còn thương như trước nữa. Ngược lại, tình thương ấy được dời sang ba Trung của nó.

Mỗi lần nhớ lại, cha vẫn thường vuốt đầu khen nó giỏi. Chẳng mấy ai có thể là cây sen trong đầm bùn, chẳng mấy ai có thể giữ được bản tính thiện lành khi bị nhấn chìm trong hoàn cảnh u ám. Cha gọi nó là người đi nhặt nắng. Nó gom góp từng chút, từng chút tươi đẹp của nắng mai để dẫn dắt bản thân qua đêm tối, tự nuôi bản thân thành một đóa sen thơm.

Mỗi lần nghe cha nói như thế nó chỉ cười hì hì ôm lấy vai ông:

– Cảm ơn cha đã cho con gặp cha vào ngày đó và nuôi nắn con đến ngày hôm nay.

Bởi chỉ riêng nó biết nếu ngày đó nó không gặp chú có lẽ nó đã sớm kết thúc cuộc đời của mình. Nó chẳng mạnh mẽ như cha nó vẫn nghĩ. Nhưng thật may... thật may rằng ánh nắng vẫn đang len lỏi trong từng ngóc ngách tối tăm, rằng tình thương vẫn đang lặng thầm xoa dịu những con người đau khổ trong cuộc sống. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro