Phần 7

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

(16)

Màn kịch ngày hôm đó kết thúc bằng một cuộc điện thoại của bà nội.

Không biết là bà đã nói những gì, sau khi bố tôi nghe xong liền cho chúng tôi đi, đỡ khiến ông ấy chướng mắt.

Tôi lại cất những bức thư vào trong chiếc hòm không có khóa, bê nó lên tầng.

Giống hệt như đang đưa tang vậy.

Dư Thần đi ở đằng sau tôi, cũng chẳng nói năng gì.

Dì bỗng gọi anh lại.

"Dư Thần, hôm nay con ngủ ở phòng khách. Ngày mai mẹ mời người tới, đổi phòng ngủ của con và thư phòng với nhau."

Nhà chúng tôi có hai tầng, phòng ngủ, phòng khách và thư phòng chính đều ở tầng dưới, ở trên có hai phòng, vốn dĩ một căn là phòng ngủ, căn còn lại là thư phòng của tôi.

Sau này khi Dư Thần chuyển tới, thư phòng được sửa lại thành phòng ngủ cho anh.

Bước chân của Dư Thần dừng lại, anh bật cười giống như đang cảm thấy thật hoang đường: "Mẹ, mẹ làm thế này có ý nghĩa không?"

Dì bình tĩnh nói: "Trước kia là mẹ suy nghĩ không chu toàn, hiện tại xoay chuyển vẫn còn kịp. Thần Thần, đừng khiến cho mẹ khó xử."

Dư Thần rõ ràng còn muốn nói gì đó, nhưng khi nghe thấy mấy chữ cuối cùng, bàn tay anh bỗng nhiên siết chặt lại.

Rất lâu sau, anh mới đáp: "Vâng."

Tôi nghe không nổi nữa, ôm lấy chiếc hòm chạy bình bịch lên tầng.

Bên ngoài vang lên tiếng bước chân, dừng lại ở cửa phòng tôi một chút, rồi mới rời đi.

Tôi đứng chắn trước cửa, nắm lấy bức thư, chảy nước mắt.

Từng giọt từng giọt rơi trên mảnh giấy, làm nhòe đi cả một khoảng mực đen.

Trước kia tôi ngây thơ cho rằng, thứ ngăn cách giữa bản thân và anh, là năm lớp 12, là kỳ thi đại học.

Tôi xem anh như niềm tin của mình, vượt năm ải, chém sáu tướng, trở thành người chiến thắng trong cuộc thi đại học, nhưng khi đặt chân lên cây cầu độc mộc rồi mới phát hiện, thi đại học chỉ là trở ngại nhỏ bé nhất, chẳng đáng kể nhất chắn ngang trước mặt tôi và anh mà thôi.

Tôi ngồi thụp xuống ôm lấy đầu gối, cuối cùng cũng không nhịn được mà khóc nức nở.

Ngày hôm sau khi ở dưới tầng uống sữa đậu nành, mắt tôi đã sưng phồng, đến hai mí cũng biến thành một mí.

Trên bàn có bánh quẩy và bánh bao, bánh bao nhân dưa muối đậu phụ, tôi vừa ăn đã biết, nó được mua về từ quán mà tôi thích nhất.

Quán ăn đó ở đường khác, bố tôi không hay mua, ông ngại xa, còn phải xếp hàng.

Vậy mà hôm nay nó lại nằm ngay trên bàn ăn, vào lúc bảy rưỡi sáng.

Bố vẫn đang ngồi xem tin tức, đến nhìn cũng chẳng nhìn tôi lấy một cái.

Tôi cắn từng miếng bánh bao, nước mắt theo đó chảy vào cốc sữa đậu nành.

Thật ra tôi vốn dĩ chỉ là tủi thân uất ức, nhưng bây giờ bỗng nhiên cảm thấy thật mệt mỏi.

Bố tôi ăn xong cơm, cầm theo cặp công văn ra khỏi nhà, trước khi khép cửa lại nói một câu: "Trưa nay tới nhà bà nội ăn cơm, cả hai đứa cùng đi."

Tôi ngẩng đầu nhìn, nhưng ông cũng chẳng thèm nhìn lại, phịch một tiếng đã đóng cửa vào.

***

Hôm nay bà nội làm mì thịt heo hầm, thơm nức cả mũi.

Nhưng chuyện quan trọng nhất không phải là cao lương mỹ vị trên bàn ăn, mà là.....

Bà nội nói, Thấm Thấm à, đi dạo với bà một chút, cho tiêu cơm.

Nơi bà ở là một tiểu khu đã cũ, hàng xóm láng giềng đều thân thiết, chúng tôi đi trên đường gặp rất nhiều người quen.

"A, đây chẳng phải Thấm Thấm đó sao, lâu lắm không gặp cháu, đã thành người lớn rồi đây này."

Bà nội cười đáp lại: "Phải phải, thành người lớn rồi."

Sau khi người đó đi khỏi, tôi chăm chú nhìn chân mình đang giẫm lên tuyết, bỗng bà hỏi: "Con và Dư Thần yêu nhau rồi phải không?"

Tôi sớm đã đoán được bà sẽ nói cái này, uể oải đáp: "Phải ạ."

Bà nội bật cười: "Con xem hai mắt sưng phồng của mình này, chẳng có tiền đồ gì cả."

Tôi cam chịu nói: "Dù sao thì con không có tiền đồ cũng chẳng phải ngày một ngày hai."

"Con có biết vì sao bố con lại tức giận như vậy không?"

Tôi trả lời: "Tâm tư của đàn ông như kim dưới đáy bể, làm sao mà con biết được ạ."

Bà nội gõ lên đầu tôi một cái: "Đúng là không có lương tâm, bố con không phải là lo cho con đấy sao."

Bà dừng lại một chút rồi tiếp tục: "Mấy lời này ông ấy không cho bà nói với con, vì vẫn cảm thấy con còn nhỏ. Nhưng bà vẫn phải nói, làm người nên hiểu được đạo lí đối nhân xử thế, càng hiểu sớm thì càng đỡ chịu thiệt thòi."

Chuyện này có liên quan gì đến việc đối nhân xử thế chứ?

Bà nội nhìn tôi cả nửa ngày mới nói: "Vậy thì nói về mẹ Dư Thần đi. Con và Dư Thần không phải anh em ruột thịt, cả hai lại đều là những đứa trẻ ngoan ngoãn, vì sao bà ấy lại muốn ngăn cản? Bởi vì bà ấy sợ người ngoài lời ra tiếng vào! Hai đứa con nếu như thật sự kết hôn, thì bà ấy sẽ thế nào? Là vì muốn lập gia đình mới cùng bố con, hay là vì gia sản của bố con mà đến?"

Mặt tôi đỏ bừng, kêu lên: "Sao tự dưng bà lại nói đến chuyện kết hôn rồi?"

Bà nội khoát tay bảo tôi trật tự, nói tiếp: "Bà hỏi con, hai đứa yêu nhau nhưng không muốn cùng nhau đi hết cả cuộc đời, mà chỉ là chơi đùa thôi à?"

Rất lâu sau tôi cũng không thốt lên được.

Bà liền cười: "Như vậy chẳng phải chính là kết hôn sao, dù gì thì sớm muộn cũng phải nói tới chuyện này, con không thể trốn tránh được. Vốn dĩ bố con chỉ có một mình con, gia sản mà ông ấy và mẹ con làm ra đều sẽ là của con cả. Dư Thần là con vợ lẽ, khi thằng bé kết hôn, bố con để cho mười mấy vạn là nhiều lắm rồi. Nhưng hiện tại không giống như thế nữa, mặc dù luật pháp không cấm hai đứa kết hôn, nhưng nếu như Dư Thần lấy con, thì gia sản sẽ thế nào, của con chẳng phải cũng là của thằng bé đấy ư? Họ hàng bên ngoại chắc chắn sẽ mắng chết bố con, bố con có còn cần thể diện nữa không, dì con có còn cần thể diện nữa không? Thấm Thấm à, đây không chỉ là chuyện riêng của con và Dư Thần, con hiểu không?"

Tôi ngơ ngẩn cả người, không cẩn thận giẫm phải một vũng tuyết vừa tan, dòng nước lạnh buốt thấm vào bên trong giày.

(17)

Ngày hôm ấy, thật may tôi đã không thốt ra câu "gia sản thì tính là cái gì" vô sỉ đó.

Tôi biết từng lời của bà nội đều là lời hiểm, là chướng ngại lớn nhất chắn giữa tôi và Dư Thần.

Thậm chí, vật cản này chẳng hề liên quan đến chuyện cá nhân của bố và dì, nó xuất phát từ lễ nghĩa trong xã hội, từ một loại "quy tắc" đã tồn tại rất lâu về trước, lưu truyền từ thời đại này sang thời đại khác.

"Con người sống trên đời, cần tình yêu, cần tiền bạc, nhưng càng cần mặt mũi." Bà nội nói như thế.

Tôi hồn bay phách lạc đứng ở trên tuyết, chân buốt giá như băng, nhưng bản thân lại chẳng cảm nhận được gì.

Bà bảo để cho tôi tự mình suy ngẫm, rồi sau đó gọi Dư Thần lại nói vài câu.

Dư Thần rất nhanh đã đi xuống, lúc đi ngang qua tôi liền đứng lại một lúc, đưa tay xoa nhẹ hai má tôi, "Có lạnh không hả, mau về nhà đi."

Tôi ngẩng đầu nhìn, vẻ mặt của anh vô cùng bình thản, dường như không hề biết tiếp sau sẽ xảy ra những chuyện gì.

"Dư Thần," Tôi nói, "Bà nội em trước kia là giáo viên ngữ văn, sau này còn làm hiệu trưởng."

Anh ồ một tiếng: "Vậy thì sao?"

Tôi trả lời: "Bà rất giỏi việc thuyết phục người khác."

Anh bật cười hỏi lại: "Em bị thuyết phục rồi à?"

Tôi im lặng một hồi lâu, anh bỗng giơ tay ra xoa xoa đầu tôi, cũng chẳng nói đạo lý gì lớn, chỉ bảo một câu: "Mau về đi, đừng để bị cảm lạnh."

Rồi quay người đi về hướng bà nội, áo lông vũ màu đen đảo qua đảo lại, giống hệt một cánh buồm trên đại dương rộng lớn.

Bà nội trò chuyện xong với Dư Thần, lúc ba người chúng tôi cùng nhau lên tầng, tôi cố ý đi chậm lại hai bước, quấn lấy bà hỏi: "Như thế nào rồi bà?"

Bà rõ ràng biết tôi đang nói cái gì, nhưng vẫn giả bộ không hiểu: "Cái gì như thế nào?"

Tôi gấp gáp: "Thì phản ứng của Dư Thần ấy ạ."

Bà hừ một tiếng, quan sát tôi trong chốc lát, trả lời: "Hai đứa mà ở vào thời kháng chiến chống Nhật, kiểu người như con hơi một chút đã bị khuất phục rồi, ý chí của người ta vẫn còn kiên định lắm."

Bà nội không thèm để ý tôi nữa, chắp tay sau lưng đi lên tầng.

Tôi đứng sững lại trên bậc thang, tự dưng bật cười vui vẻ.

***

Sau đó, bố và dì đều không nói gì cả, mắt nhắm mắt mở cho qua.

Tôi cùng Dư Thần trở về trường rất sớm, nghe theo lời bố tôi bảo, "Bớt lượn lờ ở trước mặt tôi."

Dư Thần cực kỳ nỗ lực học tập, anh vốn dĩ đã là học bá rồi,  lại còn cùng một đàn anh khác bắt đầu khởi nghiệp nữa.

Những lúc chúng tôi không gặp nhau, anh thường bận tới tận một hai giờ sáng.

Trực giác mách bảo chuyện này có liên quan tới mình, tôi liền hỏi anh rốt cuộc đã nói cái gì với bà nội, nhưng anh không chịu kể.

Sau đó vì bị tôi làm phiền quá nhiều, anh liền mỉm cười, xoa nhẹ hai má tôi, nhưng lại hỏi một đằng trả lời một nẻo: "Thấm Thấm à, bố em và bà nội thật sự rất yêu em."

Tôi hỏi: "Vậy anh thì sao?"

Anh bật cười: "Yêu chứ, nếu không thì anh nỗ lực kiếm tiền cưới vợ thế này để làm gì?"

Mặt tôi bất giác đỏ ửng.

Hình như tôi đoán được anh đã nói gì với bà nội rồi.

Thứ có thể ngăn lại lời ong tiếng ve chỉ có thể là thực lực tuyệt đối, lời này bố từng nói với tôi.

Có điều khi ấy, mục đích chủ yếu ông nói những lời này là để khích lệ tôi cố gắng học tập, ngày ngày tiến lên, bớt cãi nhau với con trai lại, phải dựa vào thành tích học tập để chứng minh thực lực của bản thân.

Có lẽ bố cũng không ngờ được rằng, người nghe là tôi, nhưng người thật sự thực hành lại là Dư Thần.

Tôi nhón chân lên hôn anh một cái, anh còn chưa kịp phòng bị, khi phản ứng lại thì tôi đã chạy mất rồi.

Dư Thần túm lấy tay tôi, kề sát vào trán tôi.

m thanh máy tính đang vận hành vang lên trong căn phòng nhỏ, ngoại trừ nó ra, không gian xung quanh vô cùng yên tĩnh, yên tĩnh đến nỗi khiến tôi không hiểu vì sao lại có chút hoảng hốt.

Trông thấy yết hầu của anh đang khẽ động, tôi còn chưa ý thức được bản thân đang làm gì, tay đã đưa lên sờ một cái.

Anh nhìn tôi, ánh mắt như đang kìm nén, "Đinh Thấm, em có biết yết hầu của con trai không thể động vào không?"

"Động vào thì làm sao?"

Anh cúi người hôn tôi, hôn đến nỗi tôi phải ôm lấy thắt lưng anh thở dốc, anh mới thong thả nói: "Thì sẽ bị thế này."

Lúc này, sắc trời vừa đẹp, gió xuân dịu dàng.

Tôi và anh mười ngón đan nhau, gần gũi đến mức nghe được cả tiếng tim đập của đối phương.

Tôi ôm chặt lấy Dư Thần, vùi đầu vào hõm cổ anh, thấp giọng thì thầm: "Dư Thần, em vẫn luôn cảm thấy bản thân như đang nằm mơ vậy."

Anh ồ lên một tiếng, nói: "Xem ra là hôn còn chưa đủ."

Tôi cầm lấy gối dựa đánh anh, anh liền ném nó ra chỗ khác.

Tia nắng mặt trời rọi vào từ ngoài cửa sổ, chiếu sáng gương mặt anh.

Bên trong ánh mắt ấy, còn có hình ảnh của tôi đang mặt mũi đỏ bừng.

Những cảm giác không chân thực từ trước tới nay bỗng nhiên biết mất hết.

Thì ra, ước nguyện tôi viết ở trên giấy, đều đã thực hiện được rồi.

Khi tôi rơi nước mắt, thật sự sẽ có người giúp tôi lau đi.

Mối tình đơn phương tôi cho rằng cứ như vậy mà héo mòn ấy, anh lại đang nỗ lực viết tiếp tương lai.

Con đường này, có lẽ sẽ gập ghềnh khúc khuỷu, nhưng anh vẫn luôn ở bên cạnh tôi.

Chỉ như vậy là đủ.

"Dư Thần," Tôi ôm lấy anh, "Năm mười bảy tuổi em đã thích anh rồi."

Anh cười nhẹ bên tai tôi: "Thật trùng hợp, anh cũng vậy."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro