NGƯỜI THÀNH ĐẠT

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Năm 2113,

Cái thời đại mà những tòa tháp cao hàng trăm tầng chọc thủng cả bầu trời. Đường chân trời, thứ mà đời ông cố ông sơ của tôi từng luôn ao ước được chạm tay vào nó, nay đã trở nên chật chội vô cùng, với dày đặc những hàng xe cộ nối đuôi nhau cùng những tòa nhà xen kẽ giữa các tầng mây, đến một con chim cũng chẳng còn chỗ để chao lượn tự do như xưa nữa.

Công nghệ cũng có rất nhiều tiến bộ. Ngoài xe bay và tháp chọc trời ra, công nghệ robot đã đạt đến đỉnh cao mới. Có thể bạn không tin, nhưng thật sự có lần, một người bạn của tôi đã từng nhầm một cô gái robot là người thật. Cậu ta nhầm cũng đúng, suýt nữa tôi cũng đã nhầm chung với cậu ta nếu không tin mắt nhận ra một giác cắm được giấu sau mái tóc dài làm bằng sợi tổng hợp trông rất thật, cả cách ăn nói đi đứng đều hệt một người thật.

Tôi, chủ một tòa soạn báo nhỏ nằm trên một tầng lầu cao chót vót, đang chật vật vì tòa soạn thiếu nhân lực trầm trọng..."

Trên bàn làm việc của tôi, hợp đồng ứ đọng chất thành một đống cao ngất. Cả tôi và các cộng tác viên đều phải ngụp lặn trong đống giấy chữ, đến nỗi mà quên luôn cái đồng hồ treo trên tường đã điểm mấy giờ. Vò đầu bứt tai cho đỡ căng thẳng, tôi tựa lưng vào ghế và thở một hơi dài. Thư ký của tôi trông thấy cũng thông cảm, bởi lẽ cái công việc của cô hiện giờ là nhẹ nhất trong tòa soạn rồi. Đặt xấp giấy xuống mặt bàn với một ly cà phê nóng, thứ duy nhất tôi cần lúc này, cô nhỏ nhẹ nói:

-Sếp thư giãn một chút đi!

-Ừ,...-Tôi gật gù, tay đón lấy cái ly và hớp một ngụm nhỏ. Vị đắng của cà phê thấm vào đầu lưỡi tôi và dần xua tan đi cảm giác mệt mỏi, cũng không hoàn toàn nhưng lại quý giá với hàng đống công việc lúc này đây.

Đặt tách cà phê lên bàn, tôi tựa ghế và nghỉ một lát trước khi quay trở lại công việc. Giấy tờ chất thành một đống to tướng, dù là thời đại công nghệ thông tin kỹ thuật số, nhưng giấy vẫn là thứ tài liệu tối quan trọng vì có thể bảo lưu được cả trong trường hợp bị mất điện hoặc hệ thống gặp sự cố. Tòa soạn của tôi đã ít người, thế mà hợp đồng từ khách hàng cứ dồn lại thành cục, mà không giải quyết xong thì sẽ chẳng yên với họ đâu. Lắm lúc, tôi muốn đăng tuyển thêm người. Nhưng, cái nghề viết báo là cái nghề kén tấm, không chỉ kén về bút lực mà đồng lương cũng khiến không ít người ngán ngẩm khi nói đến nó. Tòa soạn của tôi đang rất eo hẹp về vốn, giờ lại phải tuyển thêm người thì chẳng biết sẽ trụ đến bao giờ. Cô thư ký như hiểu rõ nỗi khổ của tôi, cũng dễ hiểu bởi cô là người thường xuyên chứng kiến cảnh tượng như thế này, đến nỗi chẳng còn gì là đáng ngạc nhiên nữa.

-Sao sếp không mua một "Người Thành Đạt" đi?-Cô nhẹ nhàng hỏi.

"Người Thành Đạt" à? Tôi chưa nghe đến cái tên thế này bao giờ. Không phải là không biết nghĩa đen, nhưng nói thật tôi chưa hề nghe ai sử dụng danh hiệu trở thành một tên riêng như thế này. Không ngăn được sự tò mò, tôi bèn hỏi ngược trở lại:

-Tôi chưa nghe "Người Thành Đạt" bao giờ, cô giải thích được không?

-Đó là những robot tiên tiến của tập đoàn Thành Đạt, sếp có nhớ cái tập đoàn đã cho chúng ta một hợp đồng với lợi nhuận rất cao để ta quảng cáo giúp họ không?

Thật tình thì dạo này công việc nhiều quá, tôi cũng chả nhớ rõ công ty với tập đoàn nào nữa. Một đống hợp đồng quảng cáo, mà công ty nào cũng muốn thấy mặt của họ trên những trang vàng, khéo tờ báo của tôi sẽ trở thành tấm áp phích của bọn họ mất thôi. Để xem nào, tôi bèn lục thử trong tủ hợp đồng chật kín nằm ở ngăn dưới bàn làm việc của tôi. Đây rồi! Tập đoàn Thành Đạt, đúng là trong hợp đồng, họ miêu tả về bản thân rất kỹ, đến nỗi tôi cảm giác có một sự tự hào được ẩn giấu sâu trong từng con chữ. Trong hợp đồng, họ có ghi rõ về chính sách hậu mãi và chăm sóc khách hàng, trong đó có cả những ưu đãi dành cho cổ đông và những người đóng góp cho sự phát triển của công ty, trong đó có cả cánh báo giới chúng tôi. Nhưng, đọc mãi trên giấy mực thì chưa chắc đã chính xác, tôi quyết định sẽ đến tận công ty để hỏi. Đặt xấp giấy xuống bàn, tôi nói với thư ký:

-Tôi sẽ đến công ty Thành Đạt xem sao!

-Để em chuẩn bị xe cho sếp nhé?-Cô thư ký nhẹ nhàng hỏi.

-Khỏi!-Tôi khoát tay-Tôi sẽ đi một mình. Tôi muốn được mục kích bên trong công ty ấy, điều gì giúp họ có được "Người Thành Đạt"!

-Vâng ạ!-Cô gật đầu một cái rất nhẹ rồi nhanh chóng rời khỏi phòng để làm công việc khác.

...

Dựa trên cái địa chỉ mà trong hợp đồng có ghi, tôi lái xe đến thẳng cơ sở sản xuất, giữa đường cũng bị kẹt xe vài bận, với dân số thế giới lúc này đã hơn mười hai tỷ mà đất nước nhỏ bé của tôi đã có gần một trăm sáu mươi triệu dân, bầu trời giờ đây chẳng còn rộng rãi gì nữa. Theo những tuyến đường cao tốc đặc biệt, tôi xuống mặt đất và lái đến một khu công nghiệp với những thảm cỏ xanh rì cùng vườn cây tươi tốt đến mức tôi thấy vài đứa trẻ còn hái trái trên cây để ăn và trò chuyện dưới bóng cây rất vui vẻ khi chạy ngang qua. Theo tấm bảng chỉ dẫn điện tử lơ lửng trên cột pano, tôi hướng đến phân xưởng chính của công ty Thành Đạt, nơi mà chắc chắn đang sản xuất những sản phẩm mang chính tên của công ty...

Mất thêm nửa tiếng, vượt qua bao chuỗi phân xưởng đồ sộ với thợ thuyền và máy móc làm việc không ngơi nghỉ, tôi đã đến trước cái nơi mà tôi muốn đến. Phân xưởng của công ty Thành Đạt, nó to lắm, to hơn những cái còn lại trong khu công nghiệp này rất nhiều lần, nằm cá biệt trên một thảm cỏ xanh rộng hơn mấy hectare với những làn đường đi bộ được ốp gạch cùng hàng cây và băng ghế dọc hai bên. Phân xưởng nằm giữa thảm cỏ với mọi con đường đều đổ về nó. Trên tấm bảng chữ nổi, tôi trông thấy ảnh một thanh niên đang vẫy tay chào mọi người với nụ cười rất tươi, bên cạnh là khẩu hiệu nhấp nháy: "Xây dựng con người – Bồi đắp tương lai".

Đưa xe vào bãi đỗ ngầm, tôi theo thang máy để lên trên, chỉ mới rùng mình một cái mà đã lên thẳng tầng trên. Đại sảnh của phân xưởng này rộng lắm, tấp nập người qua lại và điệu bộ ai cũng rất hối hả. Tôi đến quầy lễ tân và hỏi:

-Cô có thể cho tôi gặp giám đốc được không?

-Thưa, giám đốc chúng tôi đang có cuộc hẹn với đối tác!-Cô tiếp tân đon đả trả lời-Xin anh cho biết lý do để gặp giám đốc ạ,

-Tôi là nhà báo!-Tôi không muốn tiết lộ cái danh chủ bút-Tôi được hẹn với giám đốc là sẽ đến đây để viết một bài phóng sự và quảng cáo cho công ty.

-Thế thì xin anh đợi một chút!-Cô gái đáp, mặt quay vào màn hình vi tính để kiểm tra-Vâng, đúng là giám đốc có hẹn với nhà báo, nhưng thật tiếc là ông vừa mới đi ban nãy! Trong khi chờ đợi giám đốc trở về, anh hãy tham quan một vòng quanh công ty để viết phóng sự nhé!

-Ừ!-Tôi gật đầu, tay nhận lấy thẻ đặc cách mà bên lễ tân đưa cho, có thế thì tôi mới không bị bảo vệ tóm gáy trong thời gian viết bài phóng sự thực tế.

...

Bước qua cổng rào điện tử, tôi vào trong phân xưởng chính, nơi mà theo bảng chỉ dẫn là nơi sản xuất chính của những con người mang tên của cái công ty này. Những gì bên trong làm tôi hết sức bở ngỡ. Bên trong lớn lắm, những băng chuyền tầng tầng lớp lớp xếp trên đầu tôi với những khung xương làm bằng hợp kim đang được chuyển đi với tốc độ nhanh đến chóng mặt. Tôi đi ngang một tổ hợp lắp ráp, nơi được xem là chậm nhất trong xưởng, những cánh tay máy đang làm việc với từng chi tiết trên mỗi khung xương, nhanh nhẹn và vô cùng chính xác. Mọi hoạt động ở đây đều rất trật tự và theo một quy trình vô cùng lớp lang, nhưng tuyệt nhiên không hề có một bóng người. Quái lạ! Dù biết rằng công nghệ robot hiện giờ đã rất tân tiến, nhưng nếu không có người kiểm soát thì nhỡ xảy ra sự cố thì xử trí như thế nào?

Sang khu thành phẩm, những "Người Thành Đạt" đang bước vào công đoạn cuối cùng: trang điểm – theo cách nói của tôi. Mỗi khuôn mặt đến đây đều có thể tự chọn cho mình một kiểu tóc, một kiểu mắt, một kiểu mũi, miệng,.v.v. Và từ một khuôn mặt trống hoác ban đầu, một con người đã thành hình, dù rằng vẫn chưa mở mắt. Từ khu này, có rất nhiều cửa ra, mỗi cửa đều có một tấm bảng neon nhấp nháy: "Sĩ", "Nông", "Công", "Thương" và lúc này mỗi cỗ máy giống hình người đó giờ đã dần mở mắt, họ tuần tự bước xuống và theo mỗi cửa rời khỏi phân xưởng, là tự chọn hay đã được lập trình, tôi không thể lý giải được. Cái công ty này tham vọng quá, họ muốn sản phẩm của mình vươn xa ra mọi lĩnh vực mà nơi đâu cũng đều có hai chữ "Thành Đạt". Không quên nhiệm vụ của mình, tôi ghi chép lại những chi tiết tôi đã bắt gặp, những thứ sẽ giúp ích cho bài phóng sự sắp tới của mình.

Đã trưa, tiếng chuông điện tử reo lên báo hiệu giờ nghỉ đã đến. Dõi theo bản đồ điện tử, tôi hướng đến khu nhà ở dành cho công nhân, những con người thật sự bằng xương bằng thịt. Đến nơi, mọi người đang trở về phòng ăn để dùng cơm trưa, tôi chợt nhận ra rằng mình cũng chưa bỏ cái gì vào bụng. Nhờ có thẻ nhà báo, tôi đã được đặc cách một phần ăn miễn phí mà khi liếc sang bàn bên, phần cơm của những người thợ trông kém hấp dẫn hơn nhiều. Trong bữa ăn, tôi nghe các công nhân nói chuyện với nhau, họ chẳng nói gì ngoài việc tiến độ hôm nay ra sao, hiệu quả công việc như thế nào và một đống thứ vân vân, chẳng hề có một chuyện phiếm hay đùa vui sau giờ lao động mệt mỏi gì cả. Họ hỏi nhau xong rồi vùi đầu vào ăn như người sắp chết đói. Ăn xong, ai cũng lặng lẽ đứng dậy rồi nhanh chóng rời khỏi phòng ăn chẳng nói chẳng rằng. Không để lỡ mất cơ hội, tôi cũng cố ăn thật nhanh để bám theo họ.

Những người thợ trở về khu nhà ở của mình, những chiếc giường tầng rất hiện đại được xếp thành hai dãy chạy dọc đến khuất cả tầm mắt. Trông thấy tôi, họ nhìn bằng ánh mắt dò xét và đầy lạ lẫm. Họ chưa thấy nhà báo bao giờ ư? Tôi tự hỏi như vậy. Đến bên một người gần nhất, tôi bắt đầu buổi phỏng vấn bằng một câu hỏi:

-Xin anh cho phép tôi được hỏi vài câu được không?

-À...vâng!-Người công nhân đã có tuổi ấy bối rối một hồi, sau đó cũng gật đầu đồng ý. Được phép, tôi liền hỏi tiếp:

-Xin anh cho biết phân xưởng hoạt động như thế nào ạ?

-Tập thể chúng tôi mỗi người quản lý một đơn vị sản xuất nhỏ hơn trong phân xưởng!-Người thợ ấy đáp-Mỗi ngày, công ty sẽ ra một chỉ tiêu thống nhất, các đơn vị có nhiệm vụ là phải tập trung sản xuất nhằm đạt chỉ tiêu.

-Vậy cho tôi được xem chỉ tiêu không?

Câu hỏi của tôi không quá khó, người thợ già đưa một cái bảng điện tử được treo trên tường ngay cửa ra vào khu nhà, nơi mà chắc chắn mọi người sẽ trông thấy khi đi qua. Tôi thấy có gần hai chục hàng chỉ tiêu, mà cái hàng duy nhất chỉ có hai chữ số chính là sản phẩm sai phạm. Đã giữa trưa, thế mà cái chỉ tiêu mới chỉ đạt một nửa. Nếu đem cái luật lao động sáu giờ thì coi như sẽ không đạt được chỉ tiêu đề ra. Là một nhà báo, những tin như thế này sẽ giúp ích cho bài phóng sự của mình rất nhiều. Nhưng, tôi còn muốn nhiều hơn thế, bèn hỏi tiếp:

-Thưa anh! Với những chỉ tiêu như thế này, vậy công ty có chính sách đãi ngộ thế nào với tập thể anh em công nhân?

-Lương ở đây được trả cao gấp đôi so với bên ngoài!-Người thợ nhún vai đáp rồi cười khuẩy-Nếu anh em có ai mệt, công ty sẽ phát những viên thuốc tăng lực đặc biệt, uống vào sẽ nhanh chóng khỏe lên ngay. Sau giờ ăn trưa, chúng tôi tranh thủ nghỉ một chút rồi sau đó sẽ tiếp tục làm ngay, thường cỡ mười lăm phút cùng một viên thuốc là đủ!

Đó thực chất là một cách bóc lột sức lao động trá hình. Cho mỗi người thợ một viên thuốc để hồi phục sức lực mà tiếp tục làm việc, cái trò kinh doanh bằng xương máu người khác tôi chẳng lạ gì. Tạm gác mấy cảm xúc ấy lại, tôi hỏi một câu cuối cùng:

-Vậy công ty có sử dụng "Người Thành Đạt" để nâng cao năng suất không?

Người công nhân trả lời nốt:

-Chỉ là một bộ phận quản lý thôi! Chi phí bảo quản cho một sản phẩm của công ty chúng tôi không hề rẻ, nếu đem bán ra thì mới có lương cho anh em.

-Vậy đội ngũ quản lý ấy như thế nào?-Tôi bỗng nảy ra một câu hỏi khác.

-Suỵt!-Ông ấy chợt ra hiệu-Anh nói nho nhỏ thôi!

Trong khu nhà, có một người mặc đồng phục của công ty, chắp tay sau lưng đi đi lại lại quanh những dãy giường. Trông thấy tôi, anh ta lườm một cái rồi quay đi. Nhìn cái giác cắm sau gáy, tôi hiểu ngay đó chính là một "Người Thành Đạt". Chưa chịu đi hẳn, viên quản lý đó đến bên vài giường và ra lệnh với các công nhân khác, một cái giọng rất nghiêm hệt như sĩ quan trong quân đội, mọi người chỉ biết cúi đầu vâng dạ. Sau đó, anh ta mới chịu rời khỏi khu nhà. Đến lúc này, ông thợ già mà tôi đang phỏng vấn mới trả lời:

-Ở đây, chỉ cần một lời nói xấu đến công ty thì phải xác định là thất nghiệp ngay sau đó! Chú thông cảm cho anh em công nhân chúng tôi vốn dĩ có sao nói vậy. Nhưng, những chuyện như thế này, chúng tôi không nói được!

Tôi vừa ghi vừa gật gù. Xong, tôi dừng bút và niềm nở:

-Cảm ơn anh đã có đôi lời cho bài phóng sự ngày hôm nay!

Hai bên bắt tay một cách vội vã, tôi cũng nhanh chóng sau đó rời khỏi khu nhà trước khi tay quản lý người máy kia vòng trở lại.

...

Rời khỏi khu sản xuất, tôi trở về quầy lễ tân. Trông thấy tôi, cô tiếp tân nói:

-Chúng tôi thành thật xin lỗi! Giám đốc vừa mới trở về, nhưng lại có công việc đột xuất mất rồi!

Tôi giả vờ nóng vội:

-Vậy tôi còn phải đợi đến bao giờ?

Cô gái hơi lúng túng. Suy nghĩ một hồi, cô ta đánh sang chủ đề khác:

-Trong thời gian ấy, sao anh không đến khu lập trình của công ty ạ?

Với dân làm báo có nghề như tôi, đây chỉ là một cách đánh trống lảng đơn giản. Nhưng, biết đâu từ việc đi vòng vòng như vậy, tôi sẽ mục kích được nhiều hơn về công ty này thì sao, như vậy thì bài phóng sự của tôi sẽ phong phú hơn rất nhiều. Nhìn theo bảng chỉ dẫn, tôi tiếp tục công việc của mình, ở một địa điểm mới...

...

Đến một khu vực khác, không có băng chuyền, không có các thiết bị cơ khí, tất cả dày đặc những màn hình vi tính với những dòng lệnh số nối tiếp nhau chạy như ma đuổi – cái thời của tôi mà nói đến ma là coi như lạc hậu gần cả một thế kỷ. Trong một căn phòng được ngăn cách bởi những khung kính trong suốt làm bằng nhựa tổng hợp, tôi thấy những nhân viên mắt không rời màn hình vi tính, hai tay cứ múa thoăn thoắt trên bàn phím. Tôi không có nhiều thời gian để đứng đây và trầm trồ thán phục những người trong phòng, tôi đến để hỏi họ những gì cần hỏi, sau đó thì để họ làm việc, thế thôi. Bước qua cánh cửa kính, vị trưởng phòng đến bắt tay tôi một cách niềm nở, có lẽ sẽ khác nếu anh ta không thấy tấm thẻ nhà báo. Cứ theo tác phong nghề nghiệp, tôi bèn hỏi:

-Anh có thể cho biết hoạt động và tầm quan trọng của việc lập trình này như thế nào không ạ?

Anh ta cười một cách đầy xã giao rồi đáp rằng:

-Với việc sản xuất những "Người Thành Đạt" tiên tiến nhất để đáp ứng cho nhu cầu của thị trường, việc lập trình được xem là công việc đi trước một bước, và giành được một sự quan tâm rất đáng kể từ phía công ty! Chúng tôi tập trung nghiên cứu và phát triển hệ thống vi xử lý, giúp cải thiện và nâng cao hiệu suất làm việc của sản phẩm, đồng thời tăng đáng kể tuổi thọ từ hiện giờ là 10 năm, và sẽ dần lên 20 năm trong vòng vài năm tới.

-Như vậy thì chi phí và giá thành sản phẩm cũng sẽ giảm đi phải không?-Tôi hỏi sang một câu khác.

-Vâng, chắc chắn là như vậy!-Vị trưởng phòng gãi đầu một chút-Nhờ việc giảm thiểu chi phí và thời gian sản xuất, chúng tôi có thể đáp ứng cho thị trường một số lượng lớn sản phẩm, đáp ứng nhanh chóng mọi nhu cầu của người tiêu dùng, đồng thời góp phần đáng kể cho ngân sách thuế của quốc gia!

"Phần đáng kể cho ngân sách thuế",tôi nghe mà muốn phì cười nhưng không được, như thế thì thật bất lịch sự. Nghĩ đến câu ấy, tôi lại nhớ đến những người công nhân trong xưởng. Tạm dẹp những suy nghĩ vu vơ, tôi tiếp tục hỏi:

-Nếu thế thì chính sách của công ty dành cho người lao động có được cải thiện phần nào không?

Anh trưởng phòng trẻ ấp úng, mắt ngó lơ sang chỗ khác và tay gãi nhẹ nhẹ sau gáy. Một lúc sau, anh ta đáp:

-Rất làm tiếc, nhưng việc này không thuộc chuyên môn của phòng chúng tôi! Sao anh không liên hệ với phòng nhân sự? Hẳn sẽ có những thông tin anh cần tìm.

Tôi gật gù rồi đứng dậy bắt tay từ biệt phòng, không quên xin luôn những thông tin về việc sản xuất "Người Thành Đạt". Đi trên hành lang, băng qua cửa kính quen thuộc, tôi thấy anh trưởng phòng đang đứng bên một bàn máy tính, đến giờ tôi mới phát hiện, trên gáy anh ta, cũng như tất cả mọi người khác trong phòng...có cái giác cắm.

Đi nhanh trên hành lang trống trải, thật hiếm có với một phân xưởng đông đến hàng ngàn lao động như thế này, tôi chợn nghĩ đến những chuyện vừa qua. Lương cao, thuốc tăng lực dành cho công nhân, giảm thiểu chi phí cùng thời gian sản xuất, tất cả chỉ là một cách bóc lột sức lao động của giới doanh nhân. Tôi có đọc trên mạng về một bài viết của một nhà nghiên cứu xã hội nào đấy, nói rằng: "Kinh tế thị trường thật chất chỉ là một biến chất của chế độ chiếm hữu nô lệ. Nhưng, đây là chế độ chiếm hữu nô lệ tự nguyện, được che đậy bởi hợp đồng và bộ luật lao động.". Cái công ty này, họ đối xử với công nhân cũng như thế đấy, chỉ đáng thương cho những người thợ, vì chén cơm manh áo nên phải chịu đựng. Thoáng chốc, tôi không thể chịu đựng được sự bất công này, tôi cần gặp giám đốc, và tôi chắc chắn sẽ gặp giám đốc. Là một nhà báo, tôi không thể để những cảnh như thế này cứ mãi tiếp diễn...

...

Trở lại quầy lễ tân lần thứ ba, cô tiếp tân trông thấy tôi bèn nói:

-Thưa anh, giám đốc đã về rồi ạ! Ông đang đợi được gặp anh tại văn phòng.

Tôi gật đầu cảm ơn một tiếng rồi sau đó dõi theo bản đồ điện tử mà hướng đến văn phòng. Đi trên dãy hành lang, tôi đang mải suy nghĩ về những gì hôm nay thì...

SẦM!

Một thứ gì đó từ phía trước đập mạnh vào người khiến cho tôi lảo đảo ngã ngửa ra sàn nhà bóng loáng. Định thần lại và nhìn xem chuyện gì vừa xảy ra, tôi thấy một người máy vẫn còn trơ các khớp nối, nhưng khuôn mặt thì đầy hốt hoảng và sợ hãi. Từ đằng sau, một đám người mặc đồng phục bảo vệ rầm rập xông tới, trên tay lăm lăm những dùi cui điện và giò lưới. Vừa mới đứng dậy, người máy đó đã trốn sau lưng tôi và níu chặt lấy lưng áo, mắt thì lén nhìn về phía trước. Đến trước mặt tôi, một bảo vệ nói:

-Xin anh hãy tránh ra để chúng tôi làm nhiệm vụ!

Thấy những người phía sau sấn tới, người máy sau lưng rúc sâu ra sau lưng tôi hơn.

-Không!-Người đó vừa lắc đầu vừa nói một cách khẩn thiết-Tôi không muốn vào đó đâu!

Chưa biết chuyện gì xảy ra, nhưng trông bộ dạng đầy hung hăng của những bảo vệ thì tôi cũng lờ mờ đoán được điều gì đang xảy ra. Dang tay che cho người máy chưa được hoàn thiện ấy – tuy chưa có tóc nhưng tôi đảm bảo đó là nữ - tôi hỏi những bảo vệ đang yêu cầu tôi tránh ra:

-Nhưng người máy này bị vấn đề gì?

-Phiên bản TD0905 này bị một lỗi lập trình nghiêm trọng, cần phải được tiêu hủy gấp!

Tôi ngạc nhiên và quay mặt ra sau. Thật kỳ lạ! Cảm xúc của cô người máy này còn tốt hơn bất cứ thành phẩm nào hiện tại, sắc mặt đầy hoảng loạn và sợ hãi ấy thậm chí còn hơn cả một người bình thường khi phải rơi vào những tình huống như thế này. Vài bảo vệ toan tiến tới, tôi dang tay và từ từ lùi lại, miệng nói:

-Khoan đã! Tôi nhận mẫu này!-Trong lúc cấp bách, tôi phải buộc miệng-Mấy anh cứ cho cô ta thành phẩm đi!

-Đây là nguyên tắc của công ty, thưa anh!-Tay bảo vệ giải thích với tôi-Chúng tôi không thể cho một sản phẩm lỗi được xuất ra thị trường, để đảm bảo an toàn cho khách hàng và uy tín của cả công ty!

-Nhưng, tôi thấy cô ta rất tốt!-Tôi phản bác, sau đó thỏa thuận-Vậy đi, tôi sẽ giữ cô ta! Các anh cứ đưa vào khuôn và hoàn thiện, mọi việc sau đó tôi sẽ chịu. Coi như công ty của các anh không sản xuất ra cô ta, kể cả tôi cũng sẽ không biết có chuyện này...

Nhưng, chưa kịp dứt lời, một thòng lọng từ phía sau đã tròng vào cổ người máy mà tôi đang che chở. Giật mạnh một cái, cô ta đã ngã ngửa ra sau, tay chân vùng vẫy loạn xạ như đang cố hết sức để thoát ra, miệng gào thét đầy thống thiết: "Không!". Tôi định xông đến cứu nguy thì lập tức các bảo vệ phía sau đã giữ chặt tôi lại, trong khi những người khác bao vây cô gái chưa hoàn chỉnh kia để thực hiện nhiệm vụ. Trong khoảng khắc ấy, tôi thấy một thứ...có lẽ đó sẽ là cái thứ mình nhớ nhất trong suốt cả chuyến đi này.

Những cái giác cắm...

Cô người máy bị đào thải vẫn cố gắng vùng vẫy, miệng kêu cứu không ngừng. Tôi cũng muốn cứu, nhưng các bảo vệ đã giữ chặt lấy tôi, một người an ủi:

-Anh đừng để tâm đến nó! Chúng tôi sẽ có những sản phẩm hoàn hảo hơn để đáp ứng nhu cầu!

Thế nào là sản phẩm hoàn hảo hơn với họ? Tôi tự hỏi. Nhìn người máy đó ngày càng xa dần trong tầm mắt, cô ấy vẫn tiếp tục vùng vẫy để thoát khỏi những đồng loại vô cảm chỉ biết làm theo lệnh của mình. Tôi bảo rằng mình có việc phải đi đến gặp giám đốc, hai tay bảo vệ mới chịu thả tôi ra. Tiếp tục đi trên hành lang dài, tôi quay lại nhìn, cả hai người đó đều có giác cắm sau gáy, họ cũng nhìn lại tôi bằng ánh mắt đầy cảnh giác.

...

Cửa phòng điện tử nằm ở cuối dãy hành lang lầu bốn, tôi đã suy nghĩ rất kỹ khi đứng trước cánh cửa kim loại này, ngay từ khi vẫn còn trên hành lang hoặc trong thang máy. Tôi sẽ không mua "Người Thành Đạt" nữa. Trái lại, tôi sẽ dùng chính cái ý định ban đầu ấy để khai thác thêm nhiều thông tin. Chuyến đi thực tế lần này đã cho tôi nhiều thứ còn giá trị hơn việc tìm cách duy trì tòa soạn, một bài báo về công ty này, về điều kiện làm việc đầy áp lực và vắt kiệt mồ hôi mà các công nhân đang phải chịu đựng, và cả cách đối xử với những sản phẩm "không hoàn thiện" nữa. Tôi cũng đắn đo mấy lần, công ty này có thể sẽ trả đũa bằng cách cắt hợp đồng với chúng tôi, một đòn chí tử vào tình hình kinh tế vốn đã èo uột. Không! Tôi sẽ viết nó, và chắc chắn tôi sẽ làm điều đó ngay khi trở về tòa soạn. "Viết một bài báo dở thì sẽ mất việc. Viết một bài báo hay thì sẽ mất mạng.", nhưng nếu để cho công chúng biết được sự thật, khi đó dẫu mất mạng thì cũng sẽ trở thành một sự hy sinh đầy kiêu hãnh. Chuẩn bị tinh thần xong, tôi bước tới. Cánh cửa điện tử tự động mở ra, với bên trong là một người đàn ông rất đẫy đà đang ngồi ung dung nhâm nhi ly rượu. Tôi choáng ngộp với nội thất của căn phòng, rất lộng lẫy và trên mỗi góc tường hay đầu tủ đều treo đầy bằng khen, giải thưởng, không đâu trong mắt tôi là không có của quý. Thấy khách vào, người đàn ông ấy đứng dậy đưa tay niềm nở. Tôi cũng chìa tay ra, một cái bắt rất chặt, đến nỗi tôi mất luôn cả cảm giác ở tay mình. Mời tôi an vị trên chiếc ghế sofa được bọc nhung rất mượt, vị giám đốc nói:

-Xin thứ lỗi vì sự chậm trễ của tôi! Nhưng anh biết đấy, dân làm ăn chúng tôi rất tất bật, hợp đồng, giao kèo và gặp gỡ đối tác cứ diễn ra luôn luôn. Những cuộc tiếp xúc với nhà báo các anh, thường thì rất hiếm!

-Vậy, gặp tôi ngài có phiền không?-Tôi hỏi lại.

-Không, không!-Ông ta khoát tay cười-Trái lại, nhờ việc gặp các nhà báo, chúng tôi có thể nói rõ hơn cho mọi người nghe về các sản phẩm của chúng tôi, thay vì cứ phải tổ chức những họp báo và hội nghị tốn kém nhưng lại ít hiệu quả kinh tế.

Mới có hai câu mà tôi nghe ông ta toàn nói về chuyện làm ăn, đúng chất của một doanh nhân thời nay. Trong mắt vị giám đốc này, cánh báo giới chúng tôi chẳng khác gì một công cụ để ông ta quảng cáo công ty và các sản phẩm của mình. Vừa viết nghuệch ngoạc đôi dòng, tôi tiếp tục những câu hỏi của mình:

-Thế ngài có thể cho biết tình hình kinh doanh và sản xuất của công ty được không?

-Công ty chúng tôi đang dẫn đầu thế giới cả về doanh thu và hiệu suất!-Người đàn ông ấy cười sảng khoái. Đoạn, ông ta đứng dậy, tay chỉ vào màn hình điện tử có tấm bản đồ thế giới và tiếp tục-Chúng tôi đã có mặt ở khắp nơi, từ những thị trường tầm cỡ bậc nhất, cho đến cả những nước thuộc thế giới thứ ba...Mà dẫu đến đâu, chất lượng của sản phẩm chúng tôi luôn được đánh giá là vượt trội!

-Vậy với việc sản xuất quy mô lớn và cần một đội ngũ lao động khổng lồ như thế, ngài có thể cho biết chính sách đãi ngộ với công nhân như thế nào không ạ?

-Chúng tôi luôn ưu tiên quyền lợi của người lao động lên hàng đầu!-Tay giám đốc trả lời ngay-Anh thấy đấy, chúng tôi đang có rất nhiều kế hoạch cải thiện điều kiện làm việc và sinh hoạt cho đội ngũ công nhân! Đồng thời, việc đẩy mạnh tăng lương được xem là bước tiến rất đáng kể, nó sẽ giúp các công nhân ít phải quan tâm nhiều đến việc chi tiêu của gia đình, đồng thời sẽ tăng rất cao hiệu quả sản xuất trong tương lai.

Ông ta nói toàn những thứ tốt đẹp trong chính sách đãi ngộ, mà sự thật tôi lại thấy theo một chiều hướng khác. Lương cao hơn, cơ sở tốt hơn chỉ khiến cho bảng chỉ tiêu sản xuất vốn đã khủng khiếp sẽ ngày càng dài ra thêm mà thôi, chưa kể là kèm với chế độ sử dụng thuốc tăng lực một cách quá liều là không thể tránh khỏi. Tôi muốn vạch ra tất cả sự thật đằng sau những bộ mặt tuyệt vời và đầy mơ ước ấy, nhưng nghĩ lại những người công nhân...tôi không nỡ. Tôi không nỡ vì điều này mà sẽ khiến người khác mất việc, thậm chí rất nhiều người tiếp xúc với tôi sẽ bị liên lụy. Giữ cho mình tươi tỉnh, tôi tiếp tục bài phỏng vấn:

-Vậy ngài có thể cho biết những tiến bộ kỹ thuật mà công ty các ngài đã được không ạ?

-Đó là điểm mà tôi tự hào nhất về công ty của mình!-Ông giám đốc rất tâm đắc khi nghe được câu này-Chắc trong thời gian chờ đợi, anh đã đến tham quan khu lập trình của chúng tôi rồi phải không? Công nghệ chúng tôi luôn đi trước một bước, đó chính là phương châm sống còn của cả công ty! Vì vậy, vốn đầu tư vào việc phát triển công nghệ chiếm phần rất lớn trong ngân sách. Các sản phẩm của chúng tôi, nhờ thế mà ngày càng chiếm được lòng tin của khách hàng, đặc biệt là khả năng ứng xử linh hoạt và nhạy bén không kém người thật!

Cái đó thì tôi biết rồi, vì từ đầu đến giờ tôi đã tiếp xúc với đội ngũ nhân viên của công ty, mà phần đông đều là những sản phẩm do chính họ làm ra. Nghĩ đến mục đích thứ hai, mà cũng là mục đích đầu tiên đã dẫn tôi đến nơi này, mua một "Người Thành Đạt", tôi bèn nói:

-Mạn phép ngài, tôi cũng đến đây để dự định mua một người để về giúp đỡ cho tòa soạn của tôi! Vậy ngài có thể cho biết phương thức thanh toán sẽ như thế nào không?

-Giống như cách anh trả lương cho nhân viên vậy thôi!-Tay giám đốc cười khà-Mỗi tháng đều đặn, anh cứ việc phát lương, kèm thêm một khoảng lãi suất nhỏ. Còn nếu không, anh cứ trả thẳng một lượt, như thế sẽ khỏi phiền phức!

-Vậy, tôi có thể được thử phỏng vấn một người được không? Như cái cách mà thường dùng để tuyển dụng nhân viên đấy.

-Rất sẵn lòng!-Người đàn ông gật đầu một cách tự tin, sau đó gọi điện cho nhân viên-Hãy đưa đến đây sản phẩm tốt nhất!

Chỉ năm phút sau, một cô gái với dung mạo rất đoan trang, mặc đồng phục đen bước vào. Ngồi bên cạnh giám đốc, cô ấy nói:

-Em là sản phẩm mới nhất của công ty, mã số TDX-1423! Rất sẵn lòng được phục vụ anh.

Từ nhà báo, tôi đã trở thành một người sếp, vào vai mới mà tôi vẫn thường làm mỗi khi có người mới đến xin việc. Tôi hỏi vài câu về kiến thức báo chí, cô ấy trả lời rất thông suốt, thậm chí tôi lảng sang những đề tài khác mà cánh báo giới chúng tôi thường quan tâm, không câu nào mà cô ta không giải đáp được. Càng hỏi, tôi càng có cảm giác mình đang rơi vào thế bí, bởi lẽ mọi câu hỏi mà mình đưa ra đều được trả lời một cách dễ dàng. Chợt nhớ ra vài câu hỏi mẹo mà vẫn hay đem ra để giải trí trong giờ nghỉ, tôi bèn hỏi:

-Vậy cô có biết con gì chỉ có cái lưỡi mà vẫn sống không?

Cô ta đắn đo suy nghĩ, vẻ mặt đầy bối rối. Một lúc sau, không để người phỏng vấn là tôi phải đợi lâu, cô ấy trả lời ngay:

-Thưa anh, làm gì có con vật nào như thế ạ!

-Nếu không có thì tôi hỏi cô làm gì?-Tôi bắt đầu đắc ý-Cô cứ suy nghĩ thật kỹ đi rồi trả lời.

-Em suy nghĩ kỹ lắm rồi!-Cô ta vẫn quả quyết-Kỳ thực, không có loài động vật nào như thế cả!

-Nếu tôi nói có thì sao?-Tôi gặng hỏi, rồi trả lời luôn-Đó là con dao!

-Nhưng thưa anh,-Cô gái đó phản bác-Đó là vật dụng, không phải động vật!

-Nhưng nó cũng là "con"!

Lời giải thích của tôi làm cô ấy lúng túng, đơn giản là tôi nắm rõ được điểm yếu của những robot được lập trình như thế này. Nãy giờ vị giám đốc tỏ ra kiêu hãnh trước những thành tựu mà công ty mình đạt được, nhất là tiến bộ khoa học kỹ thuật, luôn luôn đi trước một bước như những gì tôi nhớ. Trở thành người phỏng vấn, tôi có thể mượn vai trò này để vạch ra những gì mà ông ấy vẫn cứ đang vọng tưởng.

-Để tôi hỏi thêm một câu cuối cùng!-Tôi vào đề luôn-Giữa con người và người máy có gì khác nhau?

Cô gái đắn đo một lúc, sợ rằng tôi sẽ lại hỏi những câu lắc léo như ban nãy. Sau một thời gian suy nghĩ, cô ta trả lời:

-Thưa, không ạ!

-Tại sao?-Tôi muốn có một lời giải thích.

-Vì hiện giờ, với những tiến bộ kỹ thuật vượt trội, giữa con người và người máy không còn khoảng cách nữa! Trong nửa thế kỷ qua, khoa học đã giành được những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực lập trình tự động, giúp cho những người máy ứng xử linh hoạt và nhạy bén hơn rất nhiều. Chưa kể là những tiến bộ về kỹ thuật vi tính, công nghệ nano đã đưa mối quan hệ giữa người và người máy xích lại gần nhau hơn bao giờ hết!

-Ý tôi là,-Tôi hỏi chêm một câu, trước khi cô ta lại giải thích về lịch sử phát triển-Giữa con người và người máy có khác nhau không?

-Thưa, không!-Cô gái quả quyết.

Tôi nghĩ mình nên dừng ở đây, làm mất mặt vị giám đốc chẳng phải là một ý tưởng hay ho gì. Cô gái robot ấy quả quyết rằng mình không có khuyết điểm, nhưng chỉ với mấy câu hỏi của tôi, cô ta đã để lộ một thiếu sót mà dù cho kỹ thuật có hiện đại hơn bao nhiêu lần đi chăng nữa cũng không thể bù đắp được...

Đó là trí khôn! Người máy không hề có trí khôn, thứ mà loài người luôn có.

Bắt tay vị giám đốc để ra về, tôi hẹn sẽ nhận cô "Thành Đạt" vào tòa soạn của mình sau một khoảng thời gian cần thiết để xem xét. Như muốn thuyết phục tôi, ông giám đốc đưa luôn một xấp tài liệu về các thông số kỹ thuật, về tính năng cùng hướng dẫn sử dụng. Không muốn kéo dài thời gian quý báu của cả hai, tôi chào từ biệt rồi theo thang máy thẳng xuống bãi đỗ để lấy xe...

...

Suốt cả đêm hôm ấy, tôi trằn trọc không thể ngủ được, những cảnh tượng về chuyến mục kích ban sáng cứ lởn vởn trong đầu tôi. Cứ nghĩ đến "Người Thành Đạt", tôi lại nhớ đến tay quản đốc những lập trình viên, những bảo vệ mà ai cũng đều có một cái giác cắm phía sau gáy. Nhất là cô gái là sản phẩm "bị lỗi" mà tôi đã cố bảo vệ, cái cảnh cô ta bị chính những đồng loại của mình lôi đi như một con vật đã làm tôi ấn tượng mãi. Họ chẳng hề có tình thương yêu dành cho đồng loại, thứ mà con người ai cũng ít nhiều phải có. Họ cứ lạnh lùng làm công việc của mình, chẳng cần quan tâm kẻ khác sẽ ra sao, sẽ như thế nào.

Tôi lại nhớ đến những người công nhân, họ cam chịu để cho kẻ khác vắt kiệt sức lao động của mình, chỉ đổi lại chén cơm manh áo. Họ chấp nhận phục tùng một cỗ máy, thứ mà đáng lẽ ra phải phục vụ cho họ, hoặc chí ít là phải hỗ trợ họ trong công việc. Nỗi sợ mất việc, nó giống như một thứ xiềng xích vô hình đã và đang trói buộc họ, bắt họ phải nuốt trôi sự bất mãn của mình để tiếp tục làm việc, với một cái sớ càng ngày càng dài hơn cùng một nắm thuốc mà mỗi ngày lại tăng thêm một viên.

Rồi lại nghĩ đến bản thân mình và tòa soạn, tôi đã xem hết những tài liệu mà tay giám đốc đã giao cho tôi. Bọn họ độc quyền việc bảo trì và sửa chữa hỏng hóc của sản phẩm, trừ vài lỗi vụn vặt thì còn lại đều tóm gọn trong dòng chữ: "Hãy liên hệ đội kỹ thuật của công ty". Không! Không phải robot hiện đại không biết tự sửa chữa cho mình đâu, mà rằng công ty ấy không muốn điều đó xảy ra, bởi lẽ nó sẽ làm mất đi một nguồn lợi tiềm năng và béo bở. Rồi đến "mức lương" mà người sử dụng sẽ phải chi trả cho sản phẩm của họ một tháng, nó quá sức với tình hình tài chính hiện giờ của tòa soạn tôi đang nắm giữ. Mà, có "Người Thành Đạt" rồi, liệu cô ta hay cậu ta chắc chắn sẽ vực dậy được tờ báo của chúng tôi đương lúc khó khăn như thế này không? Hay là để khi thua lỗ, lại vin vào cớ "thiếu nhân lực", rồi cứ thế rước thêm một đoàn người như vậy vào, cứ tiếp diễn cho đến khi tôi đóng cửa tòa soạn vì phá sản, còn bản thân sẽ hoặc ngồi tù, hoặc phải chật vật với hàng đống nợ lương với những sản phẩm ấy mà mỗi ngày lại càng chồng chất cao thêm?

Không! Tôi quyết định. Tôi sẽ không mua "Người Thành Đạt"! Tôi không cần đến "Người Thành Đạt"! Tôi sẽ viết bài, sẽ vạch trần sự thật về công ty này, về điều kiện làm việc của đội ngũ cán bộ công nhân là những con người duy nhất bằng xương bằng thịt, cùng với cách mà những sản phẩm của họ đối xử với nhau như thế nào. Rời khỏi giường và mở chiếc máy tính xách tay ở bàn làm việc lên, tôi pha ngay cho mình một cốc cà phê rồi bắt đầu công việc, ngay giữa đêm khuya tĩnh mịch...

Bài báo của tôi được duyệt lại và đăng ngay vào tuần san của kỳ sau, tôi cũng lưu lại một bản khác và đăng lên trang chủ của tòa soạn. Chỉ chưa đầy một ngày, thư ký của tôi đã nhận được nhiều cuộc gọi từ những công ty là đối thủ của công ty Thành Đạt, nhân vật chính của loạt phóng sự mà tôi đã viết. Họ muốn tôi cộng tác với họ trong việc khai thác thông tin của đối phương, mánh khóe trên thương trường này tôi chẳng lạ gì nhưng cũng đồng ý vì họ hứa sẽ tài trợ cho tôi một số tiền lớn. Tuy nhiên, ngày hôm sau, tôi nhận được báo cáo rằng bên phía Thành Đạt đã tuyên bố cắt hợp đồng với chúng tôi, đồng thời phân xưởng của họ cũng vừa đặt lệnh cấm nhà báo. Nhưng không sao! Không đến đó với tư cách nhà báo được, chúng tôi có thể trở thành khách hàng, người xin được tư vấn, hoặc chỉ cần bịa ra là mình có một sản phẩm của công ty họ đang bị hỏng hóc để xin hướng dẫn tự bảo trì. Báo giới chúng tôi, có thể trở thành muôn hình vạn trạng, chỉ cần yêu cầu là sẽ đáp ứng ngay. Họ đáp trả bằng cách để một tòa soạn đang eo hẹp về mặt tài chính như chúng tôi chết đói, nhưng họ không ngờ rằng mình đã tính sai một nước cờ. Mà làm sao họ biết là mình sai, khi mà dám cá ông giám đốc của công ty mà tôi đã tiếp xúc bữa trước cũng có thể có một cái giác cắm sau gáy.

Tôi nhất quyết không mua "Người Thành Đạt"!"

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro