THƠ NGUYỄN BÍNH

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng




Một học giả phương Tây nói: "Một tác giả cũng như một tác phẩm, có số phận của nó". Nói "số phận" đương nhiên là nói đến sự may rủi thường vẫn đóng vai trò quan yếu đối với sự thành bại của một con người, một sự nghiệp. Nhưng nói đến "số phận" cũng chính là để nói đến "siêu số phận", "chân số phận", vượt ra ngoài sự chi phối của may rủi, tức là nói đến sự tồn tại vĩnh hằng chân giá trị khách quan của một tác giả hay một tác phẩm trước mọi thử thách của thời gian và lịch sử. Chính cái "chân số phận" ấy đã từng lật nhào và làm tắt ngóm những vinh quang tột đỉnh tưởng chừng sẽ tồn tại mãi mãi, đã từng khai quật từ dưới đất đen những viên ngọc tuyệt quí bị vùi dập, bị lãng quên hằng bao nhiêu thế kỉ và đặt lên trên đỉnh tháp của văn minh nhân loại. Chính cái "chân số phận" ấy đã xác nhận những gì là bất hủ và những gì là... khả hủ!

Thi hào Nguyễn Du xưa, bởi hồ nghi về sự "bất hủ" hay "khả hủ" của mình mà ông viết:

Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?


(Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,
Thiên hạ ai người khóc Tố Như?)

Lịch sử đã giải đáp trọn vẹn nỗi băn khoăn đó của Nguyễn Du. Vậy phải chăng lịch sử cũng đã, đang và sẽ giải đáp trọn vẹn hiện tượng Nguyễn Bính tương tự như thế?

Nguyễn Bính (1918 – 1966) là thi nhân của "miền đất văn chương" Nam Định (đồng hương với nhà thơ Tú Xương tiền bối và các nhà thơ nổi tiếng đương thời như Đoàn Văn Cừ, Đinh Hùng...)

Ngay lúc sinh thời ông đã là một thi sĩ nổi tiếng tài hoa trong làng thơ. Thơ ông được truyền bá đến tận những hang cùng ngõ hẻm trên khắp đất nước đến nỗi có thể nói không một người Việt Nam nào lại không biết đến thơ ông, không thuộc dăm ba câu thơ của ông. Vậy mà gần như suốt cả cuộc đời, nhà thi sĩ thiên tài ấy chưa bao giờ được đời khoác cho vòng nguyệt quế vinh quang hoàn toàn xứng đáng thuộc về ông. Suốt một cuộc đời, Nguyễn Bính sống vất vưởng, cơ cực, nép mình hoà trộn với cuộc đời thường, có lúc tưởng chừng bị vùi lấp mất tăm mất dạng trong cuộc đời thường ấy! Cuộc sống thảm thương của ông khiến chúng ta liên tưởng đến cuộc sống của nhà thơ Đỗ Phủ đời Đường và cuộc sống của Tú Xương (mất trước khi ông ra đời hơn 10 năm). Ông đã "tự bạch" về cảnh cùng quẫn của mình khiến chúng ta không khỏi rơi nước mắt:

Đời cha lưu lạc quê người mãi,
Kiếp mẹ đêm đêm bán khóc cười...
Tiền cha không đủ hoàn lương mẹ
Còn lấy đâu mà nuôi nấng con?
... Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ,
Nghèo lắm con ơi, bạc lắm con!


(Oan nghiệt)

Người ta nói vào những năm cuối đời, Nguyễn Bính trong cảnh cùng túng, đã bế đứa con trai duy nhất của mình đem cho một người lạ qua đường. Về sau có người động lòng thương xót muốn đi tìm đứa con đó trả về cho nhà thơ nhưng không tìm được. Có lẽ ngoài thiên tài thơ Nguyễn Bính để lại cho đời mà ai cũng thừa nhận thì ông cũng gửi lại cho đời hai tính từ luôn gắn liền với nó là: oan nghiệtbạc!

Nam Hoa Kinh của Trang Tử có câu: chí nhân vô kỉ, thần nhân vô công, thánh nhân vô danh (Bậc chí đức không màng bản thân, bậc thần nhân không màng công lao, bậc thánh nhân không màng danh tiếng).Nguyễn Bính bất đắc dĩ rơi vào các trường hợp này chăng?

Làng quê Việt Nam (xã Đồng Đôi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) đã sinh ra Nguyễn Bính, đã ban cho ông một tài thơ trác việt, một tâm hồn mang đầy đủ bản chất thôn dã của nó, cùng với toàn bộ tinh hoa văn hoá, tinh thần của xứ sở được kết tụ từ ngàn đời. Nhưng đồng thời làng quê cũng tiên lượng cho Nguyễn Bính một số phận "ngọt ngào thì ít, đắng cay thì nhiều" như chính làng quê ấy đã từng phải hứng chịu trải bao nhiêu thế kỉ. Bởi vì suốt mấy ngàn năm, dân tộc Việt Nam đã cố công lao động, chiến đấu, đã khát khao và lao lung đi tìm hạnh phúc mà hình như... chưa được giáp mặt một hạnh phúc thật sự nào bao giờ! Chính vì vậy, cả cuộc đời lẫn thơ Nguyễn Bính đều nhuốm màu bi thương của một tấn bi kịch trường diễn...

Nguyễn Bính là người con đích thực của làng quê Việt Nam, nhưng là người con xuất chúng. Nguyễn Bính nhập cuộc vào thời đại Thơ Mới của những năm 30 – 40 thế kỉ XX, mang tầm vóc chung của các thi sĩ có trí thức cao đương thời.

Trong phong trào Thơ Mới, thơ Nguyễn Bính chiếm hẳn một khoảng rộng lớn và thật sự "chiếm giải nhất chi nhường cho ai" trong việc phản ánh xác thực tiếng tơ lòng của con người Việt Nam muôn thuở (tức bản sắc tâm hồn Việt Nam đã được chung đúc, định hình qua quá trình lịch sử lâu lâu dài hằng mấy ngàn năm). Bản sắc ấy giống như mã gen di truyền có tính ổn định rất cao. Thực tế chứng minh rằng nhiều người Việt Nam, dù suốt đời sống ở thành phố, thậm chí ở Âu Mĩ, vẫn rung cảm với những câu thơ "chân quê" như:

Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?
Nói ra sợ mất lòng em,
Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa,
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh!...


(Chân quê)

Sự minh triết của Nguyễn Bính là ở chỗ ông đã nắm bắt được một chân lí lớn: bằng nghệ thuật hiện đại, chỉ cần chuyên sâu đặc tả bản sắc xứ sở và con người Việt Nam cũng đủ làm nên điều kì diệu, đủ để thơ đạt tới tuyệt đỉnh của cái đẹp.

Ở giữa thời buổi "Âu hoá" mà Nguyễn Bính lại nhất quyết chủ trương sáng tạo dòng thơ "chân quê" đối nghịch lại với sự "Âu hoá" – nói cách khác, Nguyễn Bính làm một hành động "phản Âu hoá" (giống hệt hiện tượng xảy ra theo định luật phản lực của Newton) – thì quả là điều hết sức độc đáo, là chuyện "ngược đời"! Nhưng lịch sử có vô số dẫn chứng cho sự thắng lợi hùng hồn của những ý tưởng độc đáo và "ngược đời", trong đó có ý tưởng "phản Âu hoá" nói trên của Nguyễn Bính!

Nhà thơ đã viết những câu thơ tha thiết nhưng chính là những lời tuyên ngôn:

Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa!

hoặc:

Hoa chanh nở giữa vườn chanh,
Thầy u mình với chúng mình chân quê!

Chúng ta có thể diễn giải câu thơ này bằng ngôn ngữ lí luận như sau: "Thiên nhiên đã qui định rằng xứ sở nào có đặc sản nấy, dòng giống người Việt chúng ta tự ngàn xưa cũng như bản thân chúng ta bây giờ, vốn là người xứ quê (nông thôn) chân chất, chứ không phải người hàng tỉnh, em biết chửa?"

Từ một chủ trương đầy minh triết như có sự mách bảo của trời đất ấy, Nguyễn Bính đã tạo dựng nên cả một lâu đài thơ đồ sộ, cực kì đặc sắc mang chung một phong vị: "chân quê"!

Hình ảnh quê hương Việt Nam, xứ sở trồng lúa nước, hơn ở đâu hết, đã in dấu hết sức đậm đà trong thơ Nguyễn Bính. Nhà thơ, với con mắt và tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, đã nhận biết đến tột cùng cái đẹp không gì so sánh được của cuộc đời êm ả trên xứ sở của đồng quê ấy. Hình như đã nhiều trăm năm rồi không có những chấn động, những cơn bão táp, những sự xáo trộn! Nói như Tô Hoài: "Cuộc sống không một chút thay đổi, như trong tranh vẽ" (Xóm Giếng ngày xưa). Dường như đó là một xứ sở vĩnh hằng với vẻ đẹp vĩnh hằng! Mọi sự hoạt động diễn ra khẽ khàng, chậm rãi, êm ru tựa như trong một giấc mộng lành:

Ai làm cả gió đắt cau
Mấy hôm sương muối cho giầu đổ non?


(Chờ nhau)

Quê tôi có gió bốn mùa,
Có giăng giữa tháng, có chùa quanh năm.
Chuông hôm, gió sớm, giăng rằm:
Chỉ thanh đạm thế, âm thầm thế thôi.

(Quê tôi)

Rõ ràng đối với Nguyễn Bính, cái đẹp muôn thuở ấy là tất cả! Nhà thơ chẳng hề ao ước, thèm khát một cái gì khác nữa! Nói theo kiểu Trang Tử, cuộc sống như vậy là cuộc sống tiêu dao, nghĩa là cuộc sống tuyệt đỉnh hạnh phúc!

Chính vì toàn tâm toàn ý với xứ quê, người quê (nghĩa là với con người và đất nước Việt Nam) mà Nguyễn Bính đã làm được một công việc vĩ đại, ít ai sánh nổi: khắc hoạ trong thơ hầu như toàn bộ chi tiết hiện thực quí vô giá của thiên nhiên, sinh hoạt và phong tục truyền thống Việt Nam. Có lẽ phải soạn cả một cuốn từ điển đặc biệt để liệt kê tất cả những sự vật và hiện tượng đặc thù của Việt Nam được phản ánh trong thơ Nguyễn Bính! Chúng tôi chỉ xin dẫn ra đây một số nhỏ ví dụ để chúng ta cùng chiêm ngưỡng "kì tích" này của Nguyễn Bính:

- Làng, ngõ, đồng lúa, quán bán hàng, quán trọ, gác trọ, buồng the, buồng tằm, trường huyện, con đê, ao bèo, vườn chè, vườn dâu, vườn lê, vườn cải, dàn đỗ ván, giậu mùng tơi, lúa, sương muối, nước mưa, mái tranh, giọt gianh, ngôi đình, miếu thiêng, ngôi chợ, giếng thơi, đêm sáng giăng, chuông chùa, sân ga, cánh buồm, cửa tò vò, mưa dầm gió bấc, canh gà, vẩy tê tê...

- tơ tằm, con thuyền, khung cửi, con thoi, cây đàn, nước hoa, cánh diều, bè mảng, men rượu, rượu cần, lụa điều, pháo đỏ, ngựa điều, võng tía, xe hoa, võng anh, võng nàng, cái quạt, khăn tang, khăn sô, quả kim cầu, chim khách, tu hú, đàn vịt, con lợn, con ve, xác ve, hàng mã, hình nhân, quan ôn...

- Khăn nhung, quần lĩnh, áo khuy bấm, yếm lụa sồi, dây lưng đũi, thắt lưng xanh, áo tứ thân, khăn mỏ quạ, quần nái đen, áo đỏ, áo Đồng Lầm, khăn thâm, gậy trúc, áo bông, mền chăn, khuyên bạc...

- Trầu cau, cây bưởi, cốm, hồng, tơ gạo, cỏ, vừng, lũy tre, rừng mơ, gốc bàng, lá sen, lá hương nhu, lá khoai, rau cải, rau ngót, rau cần, rau sam, cùi dừa, rêu xanh, quả vải...

- hoa chanh, hoa sen, hoa mai, hoa cúc, hoa nhài, hoa đào, hoa hồng, hoa cau, hoa lan, hoa cam, hoa dâm bụt, hoa bưởi, hoa cỏ may, hoa xoan, hoa lê, hoa gạo, hoa phượng, hoa cải vàng, hoa hướng dương, hoa mận...

- Bô lão, mẹ già, thầy tôi (cha), người chị, đứa em, cô dâu, cô hàng xóm, cô bán rượu, quan trạng, học trò, ông đồ, sư bà, cô lái đò, cô hái mơ, anh lái đò, lính hầu, kĩ nữ, gái giang hồ, người tứ xứ...

- Quay tơ, kéo kén, dệt lụa, gieo thoi, giũ lụa, đi lễ chùa, hội làng, lễ kì yên, ăn tết, phường chèo, hội chèo, giỗ thầy, cúng ông vải, khóa thi hương, đề thơ, dạm vợ, ăn hỏi, cưới, động phòng, dệt lụa, may áo, đan áo, cất rượu, bán rượu, tước đay, chơi tam cúc, xe chỉ, vót nan, phất diều, niệm thần chú, quan ôn bắt lính, lần tràng hạt, đưa đám, giồng cỏ nấm mồ, qua sông đắm đò, lấp ván thiên...

Có thể nói không ngoa rằng: Nguyễn Bính là một nhà dân tộc học đích thực, và cái gì mà nông thôn Việt Nam có thì trong thơ Nguyễn Bính có! Ông là nhà thơ hiện đại đã kế tục, phát huy một cách rực rỡ truyền thống miêu tả và biểu dương con người, đất nước Việt Nam của những thi nhân tiền bối như Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông và Hội Tao Đàn, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà...

Và chỉ đến Nguyễn Bính, nhờ tiếp thu thi pháp hiện đại phương Tây, đặc biệt là nghệ thuật tả chân và tính chất lãng mạn, mà cuộc sống sinh động, tập quán và số phận của những con người Việt Nam cụ thể được miêu tả hết sức sắc sảo. Chúng tôi xin nêu một vài dẫn chứng.

Một bức tranh phong tục:

Tết đến mẹ tôi vất vả nhiều
Mẹ tôi lo liệu đủ trăm chiều
Sân gạch tường hoa người quét lại
Vẽ cung trừ quỉ, giồng cây nêu.
Nuôi hai con lợn tự ngày xưa
Mẹ tôi đã tính "tết thì vừa"
Trữ gạo nếp thơm, mo gói bó
Dọn nhà dọn cửa, rửa bàn thờ...
Không như mọi bận người mua quà,
Chỉ mua pháo chuột và tranh gà
Cho các em tôi đứa mỗi chiếc
Dán lên khắp cột, đốt inh nhà...
Thầy tôi lấy một tờ hoa tiên
Bút lông dầm mực viết lên trên
Trên những gì gì tôi chẳng biết
Giữa đề năm tháng, dưới đề tên...
Mẹ tôi uống hết một cốc rượu
Mặt người đỏ tía vì hơi men
Người rủ cô tôi đánh tam cúc
Cười ầm tốt đỏ đè tốt đen...


(Tết của mẹ tôi)

Phong cảnh đồng quê với cuộc hẹn hò của đôi trai gái vào mùa xuân thật chẳng khác gì một bức tranh tuyệt tác:

Mùa xuân là cả một mùa xanh
Giời ở trên cao, lá ở cành
Lúa ở đồng tôi và lúa ở
Đồng nàng và lúa ở đồng anh.
Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh
Tôi đợi người yêu đến tự tình
Khỏi luỹ tre làng tôi nhận thấy
Bắt đầu là cái thắt lưng xanh.


(Mùa xuân xanh)

Cuộc sống vợ chồng của một anh học trò và một cô thôn nữ:

Vợ tôi chỉ thích quay tơ,
Chỉ quen kéo kén, chỉ ưa chăn tằm...
Vợ tôi dệt lụa cho nhanh,
Quay tơ cho nhẹn để lành áo tôi.
Sang năm ra ở riêng rồi,
Vợ tôi dệt lụa, tôi ngồi làm thơ...


(Nhà cô thôn nữ)

Những niềm đau khổ âm thầm của kẻ thất tình:

Cái ngày cô chửa có chồng
Đường gần tôi cứ đi vòng cho xa
Lối này lắm bưởi nhiều hoa
(Đi vòng để được qua nhà đấy thôi)...
Từ ngày cô đi lấy chồng
Gớm sao có một quãng đồng mà xa
Bờ rào cây bưởi không hoa
Qua bên nhà thấy bên nhà vắng teo.
Lợn không nuôi, đặc ao bèo
Giầu không dây chẳng buồn leo vào dàn
Giếng thơi mưa ngập nước tràn
Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều.


(Qua nhà)

Cảnh cảm động của một người mẹ tiễn con gái về nhà chồng:

Gái lớn ai không phải lấy chồng
Can chi mà khóc, nín đi không!
Nín đi mặc áo ra chào họ...
Ruộng tôi cày cấy, dâu tôi hái
Nuôi dạy em cô, tôi đảm đương
Nhà cửa tôi coi, nợ tôi giả,
Tôi còn mạnh chán, khiến cô thương!
Đưa con ra đến cửa buồng thôi
Mẹ phải xa con khổ mấy mươi!
Con ạ, đêm nay mình mẹ khóc
Đêm đêm mình mẹ lại đưa thoi...


(Lòng mẹ)

Đọc thơ Nguyễn Bính, chúng ta cảm nhận được cái chất "trữ tình" của con người Việt Nam, cảm nhận rõ cái bản sắc, cái nết na của tâm hồn Việt Nam: trong trẻo, êm ái nhưng tràn đầy sức sống, ít lời nhưng sâu sắc và hàm chứa đức hạnh, kín đáo nhưng hết sức đằm thắm và bền bỉ. Đối với Nguyễn Bính, không gì trên đời tốt đẹp cho bằng một bản sắc như thế. Nó thật khác xa với tính cách của những hạng người "văn minh" nhiều dục vọng, vô tình đến tàn nhẫn mà Nguyễn Bính từng bị họ làm cho điêu đứng.

Cũng là bi kịch của tình yêu lỡ làng, tan vỡ, nhưng ở một nàng gái quê tên là Nhi, nhà thơ trong cảnh "thân tàn ma dại" vẫn tìm thấy chút hi vọng ngọt ngào để mà tựa nương, để mà sống, vẫn tin vào cái "tình xưa nghĩa cũ" vốn là đạo lí bất di bất dịch của những người "chân quê":

... Ước gì trên bước đường lưu lạc
Một buổi chiều nào tạnh gió mưa
Gõ cửa nhà ai xin ngủ trọ
Giật mình tôi thấy tiếng Nhi thưa.
Ngồi bên lò rượu đêm hôm đó
Nhi rót đưa tôi nước rượu đầu
Nhắc lại ngày xưa mà thẹn lại
Ngậm ngùi hai đứa uống chung nhau...
Chao ôi là mộng hay là thực?
Là thực hay là mộng bấy lâu?
Hai đứa sống bằng hoa với rượu
Sống vào trời đất, sống cho nhau...


(Hoa với rượu)

Trái lại, mối tình si với một nàng gái thành thị thì kết quả là như thế này:

Tâm hồn tôi là bình rượu nhỏ
Rót lần rót mãi xuống nàng Oanh
Không xua tay nhưng nàng đã vô tình
Hắt li rượu hồn tôi qua cửa sổ.


(Tâm hồn tôi)

Tình yêu quê hương và xu hướng thơ "chân quê" của Nguyễn Bính không chỉ phản ánh bản chất thiên phú mà còn chứng tỏ khả năng dự báo rất cao của ông. Thật vậy, Nguyễn Bính dường như đã linh cảm thấy trước mối hiểm hoạ: thế giới "chân quê" chẳng bao lâu nữa sẽ bị phá hoại bởi nhịp sống xô bồ của lối sống "Âu hoá", của xã hội văn minh công nghiệp! Không phải vô cớ mà nhà thơ đã kêu lên, đã van vỉ, đã trách móc như thế này:

Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng,
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!
... Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa!
... Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều...


(Chân quê)

Ngày nay nỗi lo âu của Nguyễn Bính đã hiện ra lù lù trước mắt chúng ta: cái đẹp độc đáo muôn thuở của dân tộc ta đang đứng trước nguy cơ băng hoại bởi làn sóng văn minh công nghiệp Âu Mĩ. Một câu hỏi lớn đang được đặt ra: nếu cái đẹp ấy mà mất đi thì chúng ta còn biết lấy cái đẹp nào, ở đâu, để thay thế nó mà chúng ta không bị xoá nhoà, không bị lẫn với người khác? Và chúng ta biết lấy gì làm nội dung cho tính từ "việt nam" (vietnamien, vietnamese, vietnamski?).

Sự minh triết đáng khâm phục của Nguyễn Bính đã được lịch sử chứng minh: hơn bao giờ hết, trong lĩnh vực văn hóa, ngày nay thuật ngữ "gìn giữ bản sắc dân tộc" được đặt lên hàng đầu của bất kì một chủ trương, một công trình, một hoạt động, một tác phẩm văn hoá nào. Không còn nghi ngờ gì nữa: chính sự minh triết ấy, chính tình yêu sâu nặng với cái đẹp truyền thống của quê hương đất nước, của dân tộc ấy, cộng với thiên tài thi ca, đã hợp thành cội nguồn khiến Nguyễn Bính trở thành nhà thơ dân tộc tiêu biểu nhất trong thế kỉ XX.

Trong thơ nguyễn Bính có một thành phần quan trọng khác khắc hoạ cái tôi và số phận lênh đênh trôi dạt của bản thân nhà thơ.

"Cùng một lứa bên trời lận đận", nói cách khác, cùng hứng chịu qui luật "tạo vật ố hoàn danh" mà người xưa tin là thật, Nguyễn Bính cũng như biết bao văn thi sĩ tiền bối và những văn thi sĩ đương thời (Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, Lê Văn Trương, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Xuân Diệu...) quả đã bị đày ải, bị "bách chiết thiên ma" trong cuộc sống trần gian. Phải chăng đó là một phương thức mà đấng tối cao thường dùng để sáng tạo nên những vở bi kịch hay nhất gây xúc động lớn cho nhân loại? Hay giải thích như kiểu Hàn Mặc Tử: phải bị roi vọt khủng khiếp của Định mệnh, các văn thi hào mới kêu thét lên, mới "xuất" ra những kiệt tác? Hay nói như các nhà tâm linh: linh hồn phải chịu sự "khảo đảo" ác liệt của cảnh trần gian mới hoàn tất được chương trình tự trui rèn để tinh tiến đến chỗ hoàn thiện và trở về với Thượng Đế?

Dù giải thích cách nào thì hiện tượng Nguyễn Bính cũng vẫn là một hiện tượng mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc để chúng ta chiêm ngưỡng, khám phá và suy ngẫm... Trước hết chúng ta hãy khảo sát cái tôi của Nguyễn Bính.

Bên cạnh tính chất "chân quê" dịu lành, tươi mát, Nguyễn Bính còn mang đậm chất thi nhân với tình cảm quá đầy, với trái tim quá "đa tình", với tâm hồn quá mềm yếu (quá nhiều âm tính). Có một sự mất thăng bằng nghiêm trọng trong con người ông: ông quá nặng về tình cảm mà quá nhẹ về lí trí. Cũng "đồng điệu" với Lưu Trọng Lư, ông thường phó mặc cho hồn và xác của mình phiêu dạt trên dòng chảy của số phận. Dòng chảy ấy đưa ông tới thiên đường hay xuống địa ngục, ông không quan tâm và chấp nhận tất cả! Chính vì vậy mà ông được "nếm mùi đời" nhiều hơn bao kẻ khác, trái tim ông luôn ngợp tràn cảm xúc vui buồn, sung sướng, đau khổ...

Sống đắm chìm trong cảm xúc, ông hầu như không dành lấy một góc nhỏ nào trong đời cũng như trong thơ cho tư tưởng, lí trí, cho sự tranh đấu.

Song chính bản chất "hoàn toàn thơ", "hoàn toàn lãng tử" ấy đã tạo nên cái cực mạnh của Nguyễn Bính khiến cho thơ ông trở thành thơ trữ tình đích thực. Đó là qui luật riêng của sự sáng tạo nghệ thuật.

Chúng ta hãy thử theo chân Nguyễn Bính một chút trên "con đường vô định" của đời ông.

Đây là một bi kịch nhỏ trong yêu đương:

Một chàng thi sĩ ưa mơ màng
Nghèo khổ ở trên gian gác vắng
Duy giàu được một tấm yêu đương
Vì miệng cười kia hoá ngẩn ngơ
Yêu cô đem cả tấm lòng thơ
Vì cô ca ngợi, nhưng mơ mộng
Chỉ là mơ mộng, chỉ là mơ...


(Gửi cô Oanh)

Đây là cảnh thi sĩ bị chính những cơn "gió Tây" cuốn phăng vào một thế giới xem ra chẳng "chân quê" một chút nào:

Con tàu ngược, con tàu xuôi,
Con tàu chẳng đợi chờ tôi bao giờ.
Đi không kẻ đợi người chờ,
Bọt bèo trôi dạt bến bờ nào đây?
Đường xa mòn mỏi gót giày,
Tấm thân góc bể chân mây lạnh lùng.


(Một đêm li biệt)

"Bạn đồng hành" với thi sĩ thường là một mối thất tình:

Tú Uyên ơi!
Cả một mùa mai rụng trắng rồi.
Cả một mùa sen đương độ nở
Bốn mùa trơ lại cái thân tôi.


(Nàng Tú Uyên)

Và cuối cùng, đây là đoạn kết thúc buồn thảm của cuộc đời "nhà nghệ sĩ" :

Mợ để tôi đi, mợ nín đi!
Còn sao được nữa, khóc mà chi!
Bao nhiêu đau khổ, ngần ấy tuổi,
Chết cũng không non yểu nỗi gì!


(Giối giăng)

Nguyễn Bính kêu khổ như vậy với vợ, nhưng trong thâm tâm, rất có thể thi sĩ vô cùng thích thú được nếm cái mùi đau khổ đó, giống như Lưu Trọng Lư thích thú được "đắm mình trong thú đau thương"! Người tinh ý đọc thơ Nguyễn Bính sẽ nhận ra trong nhiều bài thơ, ông đã cố ý thâu lượm tất cả các thứ "sầu nhân thế" rồi chế biến, "thêm mắm thêm muối, thêm giấm thêm ớt" làm cho người đọc bị một phen sầu não đến tuôn hết nước mắt! Những bài thơ Lỡ bước sang ngang, Viếng hồn trinh nữ, Những bóng người trên sân ga... chứng minh cho điều đó. Ví dụ:

...Một lần này bước ra đi
Là không hẹn một lần về nữa đâu,
Cách mấy mươi con sông sâu
Và trăm nghìn vạn dịp cầu chênh vênh.
Cũng là thôi, cũng là đành...
Người ta pháo đỏ rượu hồng
Mà trên hồn chị: một vòng hoa tang...
Chị từ lỡ bước sang ngang
Trời giông bão, giữa tràng giang lật thuyền.
Xuôi dòng nước chảy liên miên
Đưa thân thế chị tới miền đau thương.
Mười năm gối hận bên giường,
Mười năm nước mắt bữa thường thay canh.
Mười năm đưa đám một mình,
Đào sâu chôn chặt mối tình đầu tiên...


(Lỡ bước sang ngang)

Tóm lại, từ chỗ bị xô đẩy, đày đoạ bởi số phận, Nguyễn Bính đã đi đến chỗ chủ động ném cuộc đời của mình vào một cuộc phiêu lưu vô định, đầy dẫy bất trắc để tìm kiếm những ấn tượng lạ và thật. Rồi ông khai thác cái thế giới nội tâm đầy ấn tượng ấy, cường điệu chúng, "ép nốt dòng dư lệ" của mình để làm tư liệu sống động sáng tạo nên những bài thơ có ma lực "hớp hồn" người đọc, nhất là các chàng trai và các cô tiểu thư thành thị thời bấy giờ. Với sự đánh đổi bằng một gía rất đắt ấy, cộng với chân tài và nghệ thuật điêu luyện, Nguyễn Bính trở thành nhà thơ trữ tình kiệt xuất của thời đại.

Về nghệ thuật, thơ Nguyễn Bính đặc sắc ở chỗ mang đậm phong vị của dân ca, ca dao. Điều đó khiến thơ ông trở thành dòng thơ thuần khiết dân tộc hơn hết trong phong trào Thơ Mới, nghĩa là không có chút hơi hướng nào của thơ Tây, thơ Tàu, thơ cung đình... Mặt khác, điều đó khiến cho thơ ông diễn tả thành công bản sắc Việt Nam hơn ai hết.

Tuy nhiên Nguyễn Bính không sáng tác ca dao như Tản Đà, Bàng Bá Lân, Trần Tuấn Khải... Ông đã thực sự nâng ca dao là thứ văn học chưa thành văn lên tầm văn học hiện đại. Từ những nguyên liệu cổ truyền chế biến thành những đặc sản của dân tộc đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế: đó là kì tích của Nguyễn Bính trong lĩnh vực thi ca. Chúng tôi xin nêu một đoạn thơ điển hình:

Ai yêu như tôi yêu nàng
Họp nhau lại, họp thành làng cho xinh
Chung nhau dựng một trường đình
Thờ riêng một vị thần linh là Nàng!


(Lòng yêu đương)

Với giọng thơ như thế và với tứ thơ "thượng thặng" như thế, thơ Nguyễn Bính hoàn toàn có thể sánh ngang thơ H. Heine, Petöfi, Lermontov, Tagore, Esenin...

Trong phong trào Thơ Mới, nguyễn Bính nổi lên như một nhà thơ tiêu biểu. Thơ ông diễn tả cái tôihiện đại và những số phận của những con người cụ thể trong xã hội đương thời chứ không phải những con người khái quát. Ví dụ:

Hôm nay bắt được thư Hà Nội
Cho biết tin Dung đã đẻ rồi
Giờ sửu, tháng ngâu, ngày nguyệt tận
Bao giờ tôi biết mặt con tôi?

Nhưng mặc dù đầy dẫy những chi tiết của cuộc sống hiện thực, thơ Nguyễn Bính vẫn không thuộc về trường phái hiện thực chủ nghĩa mà thuộc trường phái lãng mạn chủ nghĩa. Nói cách khác, thơ Nguyễn Bính chỉ hiện thực về chi tiết nhưng lãng mạn về ý tưởng. Nghĩa là ông không mô tả cuộc đời nhằm "cung cấp thông tin" hoặc "giải mã" cuộc đời ấy như các nhà văn nhà thơ thuộc trường phái hiện thực vẫn làm. Trái lại, ông chỉ mượn những chi tiết của cuộc đời thực để nhằm tới một mục tiêu cao vời nằm trong lí tưởng thẩm mĩ của ông. Ông muốn khiến cả nhân loại, trước hết là dân tộc ông, phải sửng sốt nhận ra rằng: trên thế gian này có một xứ sở với thiên nhiên, con người, thi nhân và văn chương kì diệu biết bao, và thêm nữa, với những số phận kì lạ, bi thương biết bao!

Theo chúng tôi, Nguyễn Bính đã thật sự minh triết khi nhận thức chức năng đặc thù của thơ, của văn học nói chung. Thi hào Tagore (Ấn Độ) từng nói rằng Thơ là đôi cánh giúp con người vươn bay lên khỏi cuộc sống bùn lầy. Cho nên mặc dù trong thơ Nguyễn Bính chất chứa vô vàn nỗi đau khổ của đời sống trần gian nhưng cuối cùng thì thơ ông vẫn là những khúc ca đẹp đẽ nhất, say đắm lòng người nhất về chính cuộc sống trần gian ấy! Xem thế thì đủ biết, đối với văn chương, nỗi đau khổ không hẳn là điều tệ hại. Trái lại, trong đa số trường hợp, chính nỗi đau khổ lại là nguyên liệu tuyệt vời để thi nhân sáng tạo nên cái đẹp, cái hấp dẫn!

Nguyễn Bính có biệt tài không làm mất tính chất "thật" của cuộc đời khi nâng cuộc đời ấy lên tầm cao của chủ nghĩa lãng mạn. Ông chính là nghệ sĩ bậc thầy đã sáng tạo ra trong thơ một hiện thực thứ hai – hiện thực đã thăng hoa của cuộc sống – thay cho hiện thực thứ nhất – hiện thực nguyên bản của cuộc sống. Đi từ hiện thực thứ nhất đến hiện thực thư hai, cái đẹp đã có sự thay đổi "nhảy vọt" về chất. Cái đẹp trong thơ Nguyễn Bính, do có sự thay đổi về chất đó, đã trở nên đẹp lạ thường và làm say đắm người đọc. Chúng ta hãy khảo sát bài thơ sau đây:

Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái giậu mùng tơi xanh rờn
Hai người sống giữa cô đơn
Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi.
Giá đừng có giậu mùng tơi
Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng
Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng
Có con bướm trắng thường sang bên này...
Bướm ơi bướm hãy vào đây
Cho tôi hỏi nhỏ câu này chút thôi
Chả bao giờ thấy nàng cười
Nàng hong tơ ướt ra ngoài mái hiên
Mắt nàng đăm đắm trông lên...


(Người hàng xóm)

Điều kì diệu ở bài thơ này là ở chỗ nó vừa rất thực vừa rất ảo (nói cách khác: rất hiện thực nhưng cũng rất lãng mạn). Tác giả tả một cô gái quê bình thường như trăm nghìn cô gái quê khác ở Việt Nam với đủ các chi tiết thực như: nhà nàng, giậu mùng tơi, hong tơ ướt, đôi mắt... Nhưng cả chàng trai trong thơ lẫn người đọc đố mà "tiếp cận" được với nàng gái quê ấy! Cái "giậu mùng tơi" mỏng mảnh làm sao, nhưng đó chính là đường biên giới ngăn cách hai thế giới hiện thựclãng mạn! Hình như tâm thức Nguyễn Bính cảm nhận được rằng nàng tuy là gái quê nhưng nàng chính là tiên nữ, nàng tuy "ở cạnh nhà tôi" nhưng nàng chính thuộc về cõi trời xa lăng lắc! Và chàng trai Nguyễn Bính chỉ có thể giao tiếp với nàng bằng tâm tưởng lãng mạn mà thôi. Vị sứ giả của hai thế giới ấy tuyệt nhiên không phải là một con người trần tục (một đứa trẻ chẳng hạn) mà là một vật cực kì huyền ảo và lãng mạn: con bướm trắng. Một "mối tình câm" đặt trong một khung cảnh nguyên là thật nhưng đã "thăng hoa" đến độ cao diệu tựa như nhập vào một cõi khác, không thể nào còn với tới được mà chỉ có thể tưởng tượng, mơ mộng, nuối tiếc và đau buồn mà thôi. Bài thơ đã gây ra một mối cảm thương mênh mang, vời vợi, đã ám ảnh tâm trí người đọc rất lâu... Chúng tôi cho rằng thơ phải là như thế mới là thơ đích thực. Nó ở tầm rất cao so với thứ thơ quẩn quanh trong khu vực hiện thực trần trụi kiểu:

Trong xóm làng trên, cô gái thơ,
Tuổi xuân mơn mởn vẻ đào tơ...
Lững thững lên trường buổi sớm chiều
Tập tành nghiên bút, học may thêu.
Quần đen, áo trắng, khăn hồng nhẹ,
Ngọn xoã ngang vai, tóc bỏ đều...


("Cô gái xuân" – Đông Hồ)

Cô gái học sinh này rõ ràng ở "cùng trong một cảnh" với người đọc. Người ta thấy cô đại loại giống như các cô học sinh khác đi bên đường, không có gì lạ, và chẳng khó gì nếu muốn tiếp cận. Một bài thơ tả thực, ý tứ nông choèn như vậy làm sao gây được xúc động thẩm mĩ nếu không nói nó còn gây ra cảm giác nhàm chán cho người đọc?

Có thể nói, một trăm phần trăm thơ Nguyễn Bính đều được sáng tạo theo phương châm và thủ pháp lãng mạn như bài "Người hàng xóm". Đọc thơ Nguyễn Bính, người ta không bao giờ bắt gặp những ý tứ tầm thường, nông cạn, những hiện thực trần trụi có thể dễ dàng đụng chạm vào được, và không bao giờ trái tim người ta thoát khỏi bị chấn động, chao đảo, ngay cả khi ông "hạ đôi cánh thơ" xuống sát mặt đất như bài thơ này:

Hôm nay ăn hỏi tưng bừng
Ngày mai thì cưới, độ chừng ngày kia
Nàng cùng chồng mới nàng về
Rồi cùng chồng mới nàng đi theo chồng
Tôi về dạm vợ là xong
Vợ người làng, vợ xóm Đông quê mùa
Vợ tôi không đợi không chờ
không nhan sắc lắm, không thơ mộng gì
Lấy tôi bởi đã đến thì
Lấy tôi không phải bởi vì yêu tôi
Hôm nay tôi lấy vợ rồi
Từ đây tôi sẽ là người bỏ đi
Pháo ơi mày nổ làm gì
Biến ra tất cả pháo xì cho tao!


(Nàng đi lấy chồng)

Thơ Nguyễn Bính còn khẳng định chân giá trị của chủng loại thơ thuần cảm xúc, (tuyệt đối không có sự tham gia của những yếu tố lí trí, lí luận). Có khá đông các nhà thơ khác chỉ sáng tác loại thơ này và tỏ ra thành công như Lưu Trọng Lư, Nguyễn Nhược Pháp, Thâm Tâm, T.T. Kh, Lan Sơn, Tế Hanh, Mộng Tuyết... nhưng Nguyễn Bính là một trong những thi sĩ xuất sắc nhất.

Nguyễn Bính còn là cha đẻ của Trường phái thơ lục bát Nguyễn Bính (giống như Tú Xương là cha đẻ của trường phái thơ trào phúng mang họ Tú). Cho đến tận đầu thế kỉ XXI này, những người làm thơ "nhái" thơ lục bát Nguyễn Bính vẫn nhiều không đếm xuể. Điều đó chứng tỏ sức sống phi thường của loại thơ mang đậm hồn dân tộc này. Tuy nhiên có lẽ "thơ nhái" vẫn không sao sánh bằng "thơ Nguyễn Bính... thứ thiệt". Người ta có cảm tưởng rằng những người làm thơ kiểu này thường vẫn phải "mượn hơi" thơ Nguyễn Bính làm chút "màu mỡ" cho bài thơ của họ. Ví dụ:

Con đi xa đã bao ngày
Vườn quê giờ chắc đã đầy lá khô
Hoa sen còn nở bên hồ?
Mẹ còn nặng bước ra vô ngóng chừng?...
Hay là lá rụng úa vàng
Con không về được, vườn tràn cỏ may
Biết đâu mẹ thức đêm dài
Một gian nhà trống, gió đầy mái hiên...


("Vườn quê" – Nguyễn Văn Định)

Nguyễn Bính gợi cho chúng ta nhớ đến thi hào Nguyễn Du xưa, cũng chói lọi một thiên tài, cũng một số phận, một cái tôi bi thương, cũng thiếu hụt cái gọi là "chất thép", là "tính chiến đấu", cũng một cuộc đời buồn bã, một thế giới thơ với nhiều mảng u thảm, đầy nước mắt và rất ít đề cập đến những vấn đề thuộc lĩnh vực tư tưởng. Vậy mà con người và sự nghiệp thi ca của hai thi nhân ấy lại vô cùng kì vĩ, như những ngôi sao rực rỡ, những đỉnh núi cao ngất! Đó dường như là một nghịch lí, một điều bí ẩn. Giải đáp được điều bí ẩn ấy, chúng ta sẽ tìm đến chân tướng của hiện tượng Nguyễn Bính.

Để khẳng định chân giá trị của một tác giả, một tác phẩm văn học nghệ thuật ở bất kì thời đại nào, thiết tưởng chỉ có thể dựa vào các tiêu chí sau đây:

1. Phát hiện, khắc hoạ bản sắc đặc thù và ưu tú nhất của xứ sở, của dân tộc (với những con người cụ thể) như thế nào?

2. Nói về cuộc đời bằng những ý tưởng và tình cảm đúng hay sai (có gần với tinh thần chân lí, hay phản chân lí để rồi bị thời gian và lịch sử bác bỏ)? Đạo đức của ngòi bút như thế nào, trung thực hay biển lận, cơ hội chủ nghĩa?

3. Nhằm tới mục tiêu thẩm mĩ nào, tiến bộ hay phản động, thật hay giả, cao cả vĩ đại hay tầm thường thấp kém, vĩnh hằng hay ngắn ngủi, làm lợi hay làm tổn hại cho nền văn hiến của dân tộc?

4. Tính nhân văn có sâu sắc, có đề cập đến những vấn đề bức xúc nhất của con người thời đại không? Tác phẩm viết ra có góp phần hoàn thiện hoá cuộc sống, lí trí, tình cảm và đạo đức của con người, của toàn dân tộc không?

5. Có chân tài không? Có đóng góp thành tựu nào thật sự giá trị cho nền văn chương nghệ thuật của nước nhà, thoả mãn nhu cầu và nâng cao trình độ thẫm mĩ của nhân dân, được nhân dân yêu quí, tín nhiệm không?

Nguyễn Bính chính là nhà thơ thoả mãn được ở mức cao tất cả các yêu cầu ấy.

Nếu cố tìm cái "dũng" ở Nguyễn Bính thì có lẽ đó chính là thái độ khinh bạc với chuyện "danh lợi", "được mất", "sống chết", khiến ông không bao giờ khựng lại trước những hố thẳm của số phận cũng như trước mọi sự đe doạ khác. Cái "ngang ngạnh" của một kẻ chỉ có bản chất thiên phú và tài năng, chỉ quyết sống chết cho thơ, cho cái đẹp đích thực của cuộc đời, phải chăng là một cách biểu hiện của đức "tố nhân bất khả vô ngạo cốt" từng được văn minh phương Đông khẳng định từ nhiều thế kỉ trước? Nguyễn Bính trọn đời chỉ là nhà thơ của quê hương đất nước, của cuộc sống thanh bình, của tình yêu nhiều sung sướng và cũng nhiều đắng cay, của những cảnh đời khốn khổ, bi thương, của một tâm hồn đa sầu đa cảm... Ở ông không thể hiện cái dũng "lộ ra ngoài" kiểu Văn Thiên Tường, Cao Bá Quát, Tú Xương... nhưng rốt cuộc ông là "kẻ yếu" hay là "kẻ mạnh" trên thế gian này? Thiết tưởng ngày nay không một ai không giải đáp được câu hỏi ấy.

Hoài Nam Tử (Trung Hoa xưa) nói một câu nổi tiếng có thể ứng vào trường hợp Nguyễn Bính: "Vật trong thiên hạ không gì mềm bằng nước, thế mà to vô hạn, sâu vô cùng".

Theo chúng tôi, nếu lấy tiêu chí nhà thơ dân tộc mà xét thì Nguyễn Bính là nhà thơ dân tộc số một của Việt Nam trong thế kỉ XX. Và nếu phải chọn lấy hai nhà thơ kiệt xuất nhất của thế kỉ XX thì trong đó có Nguyễn Bính.


Trong tập sách "Những gương mặt tiêu biểu thi ca Việt Nam",
NXB Văn Học, 2006


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro