[Ngoại truyện 5] Kiếp thứ ba: Mộng chiều xuân (2)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mối tình đầu xuân ai thấu chăng
Lòng tha thiết buông theo tiếng đàn
Mơ đời ái ân những ngày phong trần
Sống trong mộng đẹp ngày xuân

Khi Kha Vũ tỉnh dậy đã là xế chiều. Ánh nắng vàng nhạt sắp tan rọi từ ban công vào, không rực rỡ chói lòa nhưng cũng đủ tinh tươm khiến người đang ngủ tỉnh giấc. Cổ họng cậu khô khốc, hơi thở nồng nặc mùi bia rượu, hai bên thái dương và nửa đầu sau choáng váng như búa bổ. Khẽ liếm nhẹ khóe môi đau rát, mùi máu tanh tanh còn phảng phất ở đầu lưỡi.

Tiêu tùng thật, thế mà cậu chẳng tài nào nhớ nổi tối qua xảy ra chuyện gì.

Ký ức gần nhất của cậu dừng ở quán bia hơi ọp ẹp trong con ngõ nhỏ. Cậu nhớ là mình uống, uống rất nhiều, rồi sau đó... cậu cũng không biết nữa.

Có một điều mà Kha Vũ dám chắc, đây chắc chắn không phải căn phòng khách sạn xa hoa mà cậu đang ở.

Nơi đây trông như khu trọ sinh viên hoặc cho dân lao động, phòng ốc thì nhỏ hẹp, sàn được lát gạch hoa loại cũ. Kha Vũ đang nằm trên một cái chiếu cói, trong phòng không có giường, mà vật dụng sinh hoạt cũng khá là ít. Trong góc phòng có một gian bếp nhỏ chỉ có vỏn vẹn cái chạn đựng chén đũa, cái phích nước, một cái bếp ga và một vài bình ga mi-ni. Ngoài gian bếp ra thì có một cái sào phơi quần áo, một cái tủ gỗ thấp, một cái bàn xếp nhỏ, hết rồi. Tuy nhiên, trái ngược với định kiến về phòng trọ, Kha Vũ lạ thay lại không hề cảm thấy khó chịu, có lẽ do mọi thứ đều được sắp xếp rất tươm tất, sàn và tường cũng sạch sẽ. Cửa ban công luôn mở để đón gió, nắng và một chút hương hoa từ cái chậu bông mười giờ được treo. Mà cũng có lẽ, nhìn căn phòng này, Kha Vũ nhớ về cuộc sống với má thuở còn ấu thơ.

Kha Vũ hít hà chút không khí Sài thành buổi ban chiều, chả hiểu sao, từ lúc đặt chân về lại mảnh đất này, đây lại là lần đầu tiên cậu cảm thấy tâm mình an bình đến thế.

Cánh cửa gỗ được mở ra kêu cọt kẹt, có thằng nhóc cầm cái cà mên bước vào. Kha Vũ nhận ra đó là thằng nhóc đạp xích lô chở cậu ngày hôm qua.

Nhóc xích lô vừa thấy Kha Vũ thì ngoảnh sang một hướng khác né ánh mắt cậu, có lẽ là do Kha Vũ tưởng tượng thật, nhưng cậu thề rằng trong một khoảnh khắc, cậu đã thấy cái gáy trắng trắng của nó phớt đỏ.

"Ông dậy rồi hả?" Nhóc xích lô vừa đổ phở từ cái cà mên ra tô vừa nói. "Ông ngủ hẳn gần một ngày, em còn đang định chạy đi gọi đốc-tờ cơ. Này, ông ăn đi cho tỉnh rượu."

Nhóc xích lô kéo cái bàn xếp đến trước mặt Kha Vũ rồi để tô phở còn nghi ngút khói lên trên. Lúc nó ngước lên nhìn cậu, Kha Vũ mới có cơ hội nhìn rõ mặt nó.

Chết thật không, thằng nhóc này nó ăn cái giống gì mà xinh.

Ngày hôm qua Kha Vũ vẫn luôn ngồi phía trước, làm gì có cơ hội mà nhìn kỹ khuôn mặt nó đâu. Thì vẫn biết là nó thanh tú đấy, nhưng mà phải nhìn kỹ như vầy mới thấy. Mi nó dài, mắt nó trong, môi nó hồng, má nó phúng phính như hai cái bánh flan dậy mùi ca-ra-men.

Kha Vũ cũng chẳng nhận ra ánh nhìn chăm chăm của mình có phần khiếm nhã, mà cái đỏ hồng từ gáy thằng nhóc xích lô đã lan lên tới tận đôi má đào. Nó gắt nhè nhẹ, "Ông có ăn không?"

Kha Vũ hơi giật mình, vừa lúc này thì mùi nước dùng thơm dịu hòa cùng chút thanh mát của giá, chút tươi ngon của rau húng quế ập vào hai cánh mũi cậu. Bụng Kha Vũ theo phản ứng kêu rột rột hai cái rõ to, cậu cũng không khách sáo nữa, cầm đũa thưởng thức món phở bình dân lại ngon ăn đứt những tô phở cầu kỳ trong nhà hàng ba sao.

Thằng nhóc xích lô ngồi gọn một bên gấp đống quần áo phơi đã khô. Nó ra vẻ bình thản dửng dưng lắm, nhưng vành tai nó ửng đỏ mãi một lúc lâu vẫn chưa thấy hết. Kha Vũ cứ chốc chốc lại dừng đũa ngẩng lên nhìn nó. Thằng nhóc này quen lắm, cậu thề cậu thấy nó ở đâu rồi.

Mãi đến khi ăn gần hết tô phở, Kha Vũ mới giật mình nhớ ra, dường như... dường như thằng nhóc này xuất hiện trong giấc mơ ban nãy của cậu.

Kha Vũ mơ thấy mình và nó sống trong cái phủ ở một làng quê yên ả, nom quần áo thì có vẻ như ít nhất cũng phải ở thời cách đây vài trăm năm trước. Có ba người trung niên đang ngồi trên phản gỗ, cậu thì cùng nó ngồi ngoài hiên ngắm hai cô cậu thiếu niên và một đứa nhóc áng chừng mười tuổi, thêm một đứa khác tầm năm sáu tuổi nô đùa với nhau. Mọi thứ quá đỗi bình yên, quá đỗi dịu dàng, thậm chí bây giờ nhớ lại Kha Vũ vẫn còn thấy hơi tiếc nuối.

Rồi như một cuốn phim được tua nhanh trong rạp xi-nê, cậu mơ thấy cảnh hai người đàn ông già nằm trên một chiếc giường. Gió thổi màn bay, một người đàn ông dịu dàng vuốt mái tóc của người còn lại. Họ cười với nhau, hạnh phúc lắm, viên mãn lắm.

"Ông nhìn đủ chưa?"

Giọng nói của nhóc xích lô kéo Kha Vũ về với thực tại. Cậu ngại ngùng mỉm cười, nhớ ra bản thân không hề có chút ký ức gì của đêm hôm qua mà hỏi nó:

"Tôi xin lỗi. Nhưng hôm qua xảy ra chuyện gì mà tôi lại ở đây?"

Nhóc xích lô nghe thấy thế thì mắt chữ A mồm chữ O ra vẻ ngạc nhiên, rồi một lát sau thì nó ấm ức:

"Ông xỉn cả một đêm qua rồi bây giờ ông nói ông không nhớ gì? Em nói ông uống bia hơi thôi, ông lại đi gọi cả bia hơi với rượu đế. Em mà không quay lại thì có phải bây giờ ông vẫn đang nằm chổng vó ở cái xó nào rồi không? Nói đưa ông quay lại khách sạn thì ông vật ra nhất quyết không chịu, đưa ông về đây thì ông lại chẳng chịu nằm yên, nửa đêm còn bật dậy hôn..."

Nhóc xích lô nói đến đây thì bỗng im bặt. Nó cắn môi, đôi mắt mở to ủy khuất như một em cún nhỏ.

Kha Vũ mất ký ức chứ không có điếc. Cậu cũng thảng thốt, "Tôi làm cái gì em cơ?"

Nhóc ta vẫn cắn răng không chịu nói. Kha Vũ càng khẩn khoản, "Tôi thật sự không nhớ thật. Tôi có làm gì có lỗi với em không?"

"Thì... Phòng có mỗi cái chiếu, sàn đất lại lạnh nên em không để ông nằm đất, mà em cũng đau lưng không nằm đất được, thế là đành nằm chung. Đang đêm thì ông quay qua gọi "mình ơi", rồi tay ông luồn vào áo em, rồi ông... Em còn chưa từng phanh xích lô bao giờ."

"Phanh xích lô là gì?"

"Thì... là kít đấy, hôn đấy."

Nội tâm Kha Vũ đang hỗn loạn kinh khủng. Một nửa là thấy có lỗi, một nửa là thấy ruột gan phèo phổi muốn chảy hết cả ra. Nhóc này đáng yêu quá đi mất.

"Thế sau đó? Tôi có còn làm gì em nữa không?"

"Ông còn muốn làm cái gì nữa? Cũng may em cho ông một đấm, không là đi tong cái đời trai em."

Kha Vũ nhận ra vết thương trên môi là từ đâu mà ra, chẳng biết làm gì hơn ngoài bật cười một tiếng bó tay.

"Nhưng thôi, nghĩ chắc là ông nhầm em với chị nhà nên em không so đo. Mai mốt ông đừng có uống xỉn vậy nữa." Nhóc xích lô đã gấp xong quần áo, quay qua dọn cái tô Kha Vũ đã húp trọn không chừa một giọt nào.

"Chị nhà? Tôi không có vợ, cũng chưa có người yêu."

Tô phở dừng giữa không trung, nhóc quay qua, nhếch mày. "Thế đừng có nói là cứ hễ xỉn vô thì ông lại có tật sàm sỡ người khác như vậy nha?"

Kha Vũ vội vẫy tay phân trần, "Không có, tôi chỉ như thế với mình em thôi."

Lời vừa thốt ra khỏi đầu môi, Kha Vũ ngay lập tức nhận ra câu nói này ái muội đến thế nào. Thằng nhóc xích lô cũng quay phắt đi, cổ nó đỏ hoe, thiếu điều kêu 'tu tu' nhưng ấm nước đang sôi.

Kha Vũ ngay lập tức lảng sang chủ đề khác, "Mà sao em biết mà quay lại kiếm tôi?"

"Ông để quên đồng hồ trên xe, em bỏ lại trong túi áo khoác của ông rồi."

Tim Kha Vũ nảy lên một nhịp. Em nhóc này vừa đáng yêu lại thật sự lương thiện.

"Cảm ơn em, cũng xin lỗi em. Cả việc này lẫn việc tôi mất kiểm soát đêm qua, sau này tôi sẽ bù lại cho em tất. Em tên gì?"

Nhóc xích lô dọn dẹp xong xuôi thì cũng quay qua ngồi ôm đầu gối trước mặt Kha Vũ. Có vẻ nó vẫn còn ngượng lắm, da mặt mỏng thật, Kha Vũ nghĩ.

"Em tên Gia Nguyên. Còn ông? Mà sao tối hôm qua ông lại buồn thế?"

"Anh tên Kha Vũ. Ngày hôm qua, nói sao nhỉ, anh cãi nhau với người nhà."

Nghĩ đến chuyện này, sự ủ dột vốn đã tạm quên đi lại ùa về, hàng mi của Kha Vũ cũng theo đó mà cụp xuống. Nhóc xích lô tên Gia Nguyên cũng để ý thấy sự thay đổi tâm trạng trong cậu, nó hào sảng đập vai cậu một cái.

"Không sao đâu ông, nhà nào mà chẳng có bữa gây nhau. Ít nhất thì ông còn được cãi nhau với người nhà đấy, không như em, giờ muốn cãi cũng chẳng còn mà cãi."

"Ý em là... Tôi xin lỗi, tôi không biết là người nhà em..."

Gia Nguyên phủi tay, rồi nó lại nở một nụ cười sáng trong. "Có phải lỗi ông đâu mà xin. Mà tính ra cũng chẳng tệ thế, ở một mình cũng thoải mái lắm, muốn làm gì thì làm."

"Nói vậy bây giờ em sống một mình?" Kha Vũ dấy lên chút tò mò. Mà nhìn đồ đạc quần áo trong phòng ít và thông thoáng, cậu nghĩ cậu phỏng đoán không sai.

"Ngày trước em ở ghép với một ông anh nữa cơ, ôi thôi, cứ cuối tuần là dắt bạn bè về đàn đúm, muốn ngủ cũng chẳng ngủ yên. Giờ ổng về quê lấy vợ rồi nên hiện tại thì em sống một mình. Nhưng lo tiền trọ cũng bấp bênh lắm, em cũng đang tính kiếm một người nữa ở ghép."

"Thế tôi đến ở ghép với em có được không?"

"Ông hâm à? Nhà chăn ấm nệm êm thì không ở, lủi đến cái xó ổ chuột này làm cái gì! Mà em cũng không ở ghép với người hay sàm sỡ người khác đâu, hén."

"Sao lại là hay? Tôi nói tôi như thế với mỗi em còn gì?"

Cứ thế, buổi chiều xuân hôm ấy có cơn gió lay chậu hoa mười giờ đung đưa, lại có hai người tuy đang trăn trở những thứ khác nhau nhưng lại đồng điệu về tâm hồn đến lạ. Kha Vũ cùng Gia Nguyên tán gẫu rất nhiều, về cuộc đời, về xã hội, về Sài Gòn vừa ngọt vừa đắng và cả về những tâm tư thầm kín mà chỉ giữa những người tâm giao mới sẵn sàng sẻ chia.

"Ông tỉnh hẳn chưa? Để em đạp xe đưa ông về."

Mặt trời không biết từ khi nào đã bị bóng tối nuốt chửng, Kha Vũ xém chút thì quên béng mất thời gian. Nắng tắt, đèn lên, Sài Gòn lại như một cô thiếu nữ đỏng đảnh khoác trên mình những bộ trang sức lấp lánh. Gia Nguyên lại đạp con xích lô lọc cọc, băng qua từ những con phố nhộn nhịp với hai bên đường là các chiếc xe kẹo kéo, kẹo chỉ đến những con phố trung tâm với những cửa tiệm lộng lẫy.

Trở về nhà, vậy mà sao Kha Vũ cảm thấy sự hụt hẫng cứ bủa vây cõi lòng mình. Như thể trở về một nơi không phải là nhà, một nơi mà chẳng một ai chào đón cậu.

Một nơi mà không có tô phở với hương vị nồng nàn, không có thằng nhóc đáy mắt trong vắt cùng cậu tỉ tê những lúc cõi lòng rối như tơ.

"Thưa ông, đến nơi rồi."

Kha Vũ nhìn tòa khách sạn trước mắt mà thở gắt. Mộng vàng tan theo gió, bỏ trốn một đêm, rốt cuộc vẫn phải đối diện với hiện thực.

"Chuyến này hết bao nhiêu?"

"Chuyến này em tặng ông nhé. Tiền ông típ em hôm qua còn chạy được thêm mấy chuyến nữa ấy chứ."

Như là sợ Kha Vũ không đồng ý, nó hì hục đạp xích lô ngay đi, bỏ lại bóng người ngơ ngác đứng dõi theo. Đạp được một đoạn, như là nghĩ ra gì đó, nó quay đầu lại hét lớn:

"Ông này, muốn làm cái gì thì cứ làm đi nhé. Nếu chưa chi đã từ bỏ thì sau này ám ảnh cả đời đấy."

Sài Gòn ngày gió lay hôm ấy vô tình trở nên dịu dàng như mùi vị quê nhà.

———

Bẵng sau cái dạo gặp cái 'ông lớn' kỳ lạ ấy, đến nay một tháng đã trôi qua. Gia Nguyên cầm lá thư mà tay nó run bần bật. Nếu một ngày trời đẹp nắng tươi, khi tỉnh dậy thấy mình đã nướng tới trưa trờ trưa trật, lại không phải lo toan vì miếng cơm manh áo hay vì tô cháo ổ bánh mì mà được nhàn nhã cắn một miếng trứng ốp-lết, húp một ngụm cà phê thì ắt hẳn sẽ sung sướng lắm. Niềm vui đến bất ngờ vào ngày hôm nay cũng khiến Gia Nguyên lâng lâng trên chín tầng mây như vậy đấy.

Nó được nhận làm việc tại tòa soạn báo rồi!

Âu cũng là vào một hôm nọ về nhà, Gia Nguyên thấy dán trên cửa phòng mình là một tấm áp phích tuyển dụng của tòa soạn báo. Hên rằng ngày xưa ông ba rượu chè cũng ép nó đi học lớp vỡ lòng để nó không bị mù chữ, nên cũng coi như là biết đọc, viết thì... tùy. Chứ nếu không, để lỡ mất cơ hội ngàn năm có một này, chắc cả đời nó vẫn gắn liền với chiếc xích lô cọc cạch mất thôi. Nói là làm việc ở tòa soạn nghe cho oai, thật ra là đang tuyển vị trí trợ lý, mà hiểu là chân chạy vặt cũng được. Công việc không yêu cầu bất kỳ bằng cấp kinh nghiệm gì, chỉ cần trung thực, nhanh nhẹn, mà trong cái thời đại tư bản là nhất như hiện nay thì không có chống lưng cũng khổ lắm. Nó đánh liều, thế mà lại dứt, ngon!

Gia Nguyên hí hửng một lúc lâu, đến khi tiếng gõ cửa 'cộc, cộc' vang lên thì nó mới quay về với mặt đất.

Gia Nguyên mở cửa, ô kìa. "Ông lớn, ông làm cái gì ở đây?"

Kha Vũ hôm nay không đóng vét đi giày da như lần đầu hai người gặp nữa. Hôm nay cậu chỉ mặc một cái sơ-mi trắng đơn giản, quần tây xanh, lại kéo theo một cái va-li bự chảng.

"Tôi bỏ nhà đi bụi rồi, thành giai cấp vô sản chớ ông lớn gì nữa. Từ hôm nay tôi thành bạn trọ của em, tiền trọ tháng này tôi thanh toán cho em rồi, coi như là trả ơn em hôm bữa nhé."

Gia Nguyên nhìn cậu thanh niên tháo giày rồi kéo va-li xềnh xệch vào căn phòng trọ của mình mà há hốc mồm. "Này, mấy người nói gì nghe hợp lý chút được không?"

Có dịp trở lại căn phòng với giàn hoa mười giờ thơm phảng phất, Kha Vũ tranh thủ hít hà chút gió mát, rồi quay qua phía em mèo trắng đang xù lông. "Nay tôi không còn là khách đi xích lô nên em đổi cách xưng hô với tôi hả?" Cậu lại tiếp tục nhìn về tờ giấy được kẹp phẳng phiu trên bàn mà vô thức phì cười. "Chưa kể, khi nào em nhận việc rồi thì tôi còn là sếp của em đấy."

Quá nhiều thông tin ập vào đại não khiến Gia Nguyên không cách nào xử lý, nó lắp bắp. "Đợi... đợi đã... Mấy người là Đa Ni Ồ Vũ?"

"...Là Daniel."

"Làm gì mà có chuyện trùng hợp như vậy. Đừng nói với em là tấm áp phích hôm nọ là mấy người dán trên cửa nhà em nha?"

Nhìn nụ cười càng ngày càng ngả ngớn của Kha Vũ, Gia Nguyên chẳng biết nó nên khóc hay nên cười nữa.

"Vậy em được nhận vào tòa soạn cũng là mấy người sắp xếp?"

"Cái này thì không phải, tôi làm gì mà có quyền chức lớn thế. Hồi còn du học bên Pháp, tôi từng lén ba viết bài đăng báo trong thời gian rảnh, ai ngờ đâu về đây rồi lại có chút danh tiếng. Tôi chỉ đưa cơ hội đến cho em thôi, còn lấy được một chân trong tòa soạn là nhờ khả năng của chính em đấy, mấy bác trong đấy cũng khen em lắm."

"Cứ tạm xem như tin mấy người. Vậy thì biết bao nhiêu phòng trọ tốt mấy người không ở, sao lại chui tới cái khu khỉ ho cò gáy này chịu khổ làm chi?"

Kha Vũ nhìn đôi má phính mà ngứa ngáy rộn rạo cả trong lòng, cậu vươn tay nhéo nhéo cái má trắng hồng của nó.

"Lạ chỗ tôi không ngủ được, tôi chỉ ngủ được ở phòng em thôi."

"Mấy người...!"

"Em định đấm sếp hả? Sang tuần vô làm thì khó giải thích lắm đấy nhá."

Khu xóm trọ hôm ấy lại thêm một trận gà bay chó sủa. Sài Gòn thênh thang trìu mến chan hòa.

Ngước mặt lên bầu trời xanh tưởng như vắt được ra nước, Kha Vũ thầm thở phào.

Cũng may, vào lúc tâm trí cậu yếu đuối nhất, có một người lạ sẵn sàng động viên, khiến cậu chỉ nhờ một câu khích lệ mà lấy được dũng khí đến tòa soạn báo tự theo đuổi sự nghiệp.

Cũng may, cậu còn cơ hội lưu lại trên đất Sài Gòn, còn rất nhiều rất nhiều thời gian biến người lạ khiến trái tim cậu bồi hồi thành một người thân thuộc.

Sài Gòn hoa lệ. Hoa cho người giàu, lệ cho người nghèo.
Nhưng ai dám chắc người giàu không vương lệ?
Mà ai dám cấm người nghèo được ươm hoa?

Hãy trả lời lòng anh mấy câu
Tình duyên với em trong kiếp nào
Xuân còn thắm tươi
Anh còn mong chờ
Ái ân kẻo tàn ngày mơ!

———

(*) Cà mên (có nơi gọi là cà mèn): Phiên âm từ gamelle (tiếng Pháp) chỉ hộp đựng cơm/cặp lồng

(*) Đốc-tờ: Phiên âm từ docteur (tiếng Pháp) để chỉ bác sĩ

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro