nguyen duy thanh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1. Phần mở đầu

    Lễ hội là một trong những bộ phận cấu thành nên nền văn hóa của một quốc gia, dân tộc. Nó được xem là hiện tượng văn hóa tổng hợp, quy tụ mọi sinh hoạt văn hóa vật chất, tinh thần đã được sàng lọc, duy trì và liên tục được bổ sung theo thời gian. Mục đích chính của lễ hội là nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, vật chất của con người. Thuật ngữ lễ hội bao gồm hai nội dung: Lễ là các hành vi (cúng, vái, lạy, tụng, niệm, cầu khẩn, rước, v.v) đã được cộng đồng quy ước theo một quy cách chặt chẽ nhằm thể hiện lòng tin, sự tôn kính của con người đối với đấng mà họ sùng bái. Hội là một hay một số trò chơi dân gian mang tính chất vui chơi giải trí. Bởi vậy dân gian có câu: “Vui xem hát, nhạt xem bơi, tả tơi xem hội”. Như vậy, lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hóa mang tính tổng hợp các yếu tố tinh thần và vật chất, tôn giáo tín ngưỡng và văn hóa nghệ thuật, linh thiêng và đời thường trong mối quan hệ giữa con người với thần linh, con người với con người và con người với tự nhiên.

Là một bộ phận của nền văn hóa dân gian được sáng tạo và bảo tồn, lưu truyền lâu đời trong lòng xã hội từ xưa đến nay. Lễ hội dân gian là loại hình sinh hoạt văn hóa - xã hội mang tính tổng hợp các yếu tố tôn giáo tín ngưỡng, phong tục tập quán, văn học nghệ thuật, thế giới quan, nhân sinh quan, v.v, của cộng đồng dân cư ở một địa bàn cụ thể trong một thời gian nhất định. Theo Trương Thìn (2007), lễ hội mới chỉ xuất hiện khi loài người đã sống trong một xã hội có tổ chức cao (xã hội văn minh nông nghiệp), tức là lễ hội chỉ xuất hiện khi con người đã có tư duy trừu tượng.

Từ lâu lễ hội dân gian đã trở thành nhu cầu, khát vọng của nhân dân vì ở đó con người có thể tìm lại sự hồn nhiên, những cảm xúc chân thực và sự đồng cảm.

Người Việt Nam từ hàng ngàn đời nay có truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Lễ hội là sự kiện thể hiện truyền thống quý báu đó của cộng đồng, tôn vinh những hình tượng thiêng, được định danh là những vị “Thần” - những người có thật trong lịch sử dân tộc hay huyền thoại. Hình tượng các vị thần linh đã hội tụ những phẩm chất cao đẹp của con người. Đó là những anh hùng chống giặc ngoại xâm; những người khai phá vùng đất mới, tạo dựng nghề nghiệp; những người chống chọi với thiên tai, trừ ác thú; những người chữa bệnh cứu người; những nhân vật truyền thuyết đã chi phối cuộc sống nơi trần gian, giúp con người hướng thiện, giữ gìn cuộc sống hạnh phúc... Lễ hội là sự kiện tưởng nhớ, tỏ lòng tri ân công đức của các vị thần đối với cộng đồng, dân tộc.

Lễ hội là dịp con người được trở về nguồn, nguồn cội tự nhiên hay nguồn cội của dân tộc đều có ý nghĩa thiêng liêng trong tâm trí mỗi người.

Lễ hội thể hiện sức mạnh cộng đồng làng xã, địa phương hay rộng hơn là quốc gia dân tộc. Họ thờ chung vị thần, có chung mục tiêu đoàn kết để vượt qua gian khó, giành cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội cũng là nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ những giá trị văn hoá vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp dân cư; là hình thức giáo dục, chuyển giao cho các thế hệ sau biết giữ gìn, kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống quý báu của dân tộc theo cách riêng, kết hợp giữa yếu tố tâm linh và các trò chơi đua tài, giải trí...

Lễ hội là dịp con người được giải toả, dãi bày phiền muộn, lo âu với thần linh, mong được thần giúp đỡ, chở che đặng vượt qua những thử thách đến với ngày mai tươi sáng hơn.

Kiên Giang là vùng đất đa dạng về địa hình và phong phú về di sản văn hóa. Toàn tỉnh hiện có hơn 360 cơ sở thờ tự, có 38 danh thắng - di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng. Quần thể danh thắng- di tích lịch sử đa dạng đã tạo nên hệ thống các lễ hội phong phú với quy mô, cấp độ khác nhau. Qua số liệu thống kê, hiện toàn tỉnh có 389 lễ hội, trong đó có235 lễ hội tôn giáo, 91 lễ hội dân gian, 62 lễ hội lịch sử cách mạng và một số lễ hội khác. Sau đây là một số lễ hội tiêu biểu…

2 phần nội dung

2.1 Lễ hội Nguyễn Trung Trực

Nguyễn Trung Trực, vị anh hùng dân tộc mà tên tuổi gắn liền với những chiến công vang dội đã đi vào trang sử hào hùng, đó là: Trận đốt cháy tàu Espérance trên vàm Nhật Tảo năm 1861 và lần đầu tiên tiêu diệt đồn lũy đầu não của giặc Pháp ngay tại tỉnh lỵ Rạch Giá vào năm 1868. Nhà thơ yêu nước Huỳnh Mẫn Đạt đã tự hào ca ngợi khí phách anh hùng của Nguyễn Trung Trực “Hoả hồng Nhật Tảo oanh thiên địa/ Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần”, thể hiện ý chí độc lập tự do của người dân phương Nam nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung, qua câu nói bất hủ của Người: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam, mới hết người Nam đánh Tây”. Ở tỉnh Kiên Giang có khoảng 20 đền thờ Cụ Nguyễn tại thành phố Rạch Giá, xã Mỹ Lâm (huyện Hòn Đất), đình Tà Niên (huyện Châu Thành)…

 Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, hàng năm, vào ngày 26, 27 và 28 tháng Tám (âm lịch), nhân dân Kiên Giang và đồng bào khắp nơi lại hội tụ về đây tổ chức kỷ niệm ngày hy sinh của Cụ để bày tỏ lòng tri ân, thành kính đối với người con bất khuất, kiên trung của đất nước. Nhiều năm qua, Lễ hội truyền thống Nguyễn Trung Trực đã có sức lan toả ngày càng rộng, từ một lễ giỗ bình thường đã được nâng lên thành lễ hội. Bên cạnh phần nghi lễ trang trọng và thành kính theo nghi thức cổ truyền như: lễ dâng hương, lễ thượng đài kỳ, lễ tế đàn cả, rước sắc thần…

Phần hội có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi động, hấp dẫn, thu hút hàng trăm ngàn lượt người tham dự như: các trò chơi dân gian, đua xuồng, đập nồi, biểu diễn võ thuật, chơi cờ người, thi múa Lân – Sư – Rồng, thả đèn hoa đăng, thi ẩm thực, triển lãm thư pháp, triển lãm ảnh đường phố, giao lưu văn nghệ giữa 03 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer... Mỗi năm số lượng người dân về dự lễ hội ngày một đông hơn. Năm 2005 có 400 ngàn, năm 2006 có hơn 500 ngàn, năm 2007 có gần 600 ngàn, năm 2008 có hơn 600 ngàn và năm 2009 có 750 ngàn lượt người tham dự.

2.2  Lễ hội kỷ niệm Tao Đàn Chiêu Anh Các

Đã nhiều năm qua, mỗi dịp Tết Nguyên tiêu rằm tháng Giêng hàng năm, tại Lăng Mạc Cửu, Hà Tiên lại tổ chức Lễ hội kỷ niệm Tao đàn Chiêu Anh Các. Vào mùa xuân năm Bính Thìn 1736, tại trấn Hà Tiên xưa, Tổng binh đại đô đốc Mạc Thiên Tích, hiệu Sĩ Lân đã cùng 32 danh sĩ tài hoa đương thời lập nên Tao Đàn Chiêu Anh Các. Không chỉ là nơi tập trung sáng tác, đàm luận văn thơ mà còn là nơi đào tạo nhân tài, cổ vũ tinh thần yêu nước, mở mang văn hóa của một trấn xa xôi. Hình thành trong giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của Hà Tiên xưa, Tao đàn Chiêu Anh Các sản sinh ra một khối lượng văn chương khá đồ sộ, trong đó có tuyệt tác “Hà Tiên Thập vịnh” với hơn 300 bài thơ bằng chữ Nôm. Lễ hội có nhiều hoạt động phong phú, đa dạng như: dâng hương tế Trời Đất, thi họa thơ Chiêu Anh Các, thi ứng tác câu đối, thi sáng tác thơ mới, viết thư pháp... Lễ hội trùng với Ngày thơ Việt Nam nên có rất đông những người yêu thơ, văn nghệ sĩ Nam Bộ và du khách về đây dự lễ.

Rằm tháng Giêng năm Bính Thìn (1736), Hội Tao đàn Chiêu Anh Các ra đời tại Hà Tiên. Thời đó Hà Tiên là trấn lỵ của một vùng đất mới, người Đàng Ngoài muốn vào đến thì phải đi vòng đường biển, nên gọi là “hải ngoại”. Việc cai quản vùng đó được giao phó cho vị Tổng binh họ Mạc. Ông tên thật là Mạc Tông, tự Sĩ Lân, là con trưởng của Mạc Cửu. Ông sinh năm Bính Tuất (1706) tại Trũng Kè. Năm 1735, Mạc Cửu qua đời. Mạc Thiên Tứ thay cha giữ chức Tổng trấn Hà Tiên. Mạc Thiên Tích rất có công trong việc mở mang, phát triển và bảo vệ vùng đất Hà Tiên. Từ sự nghiệp quốc phòng, nội chính đến kinh tế, văn hóa ở đất Hà Tiên xưa. Mạc Thiên Tích đều có công lao đáng kể là một nhà quân sự, ngoại giao và văn hóa có tài. Riêng về mặt văn học, công lao và sự nghiệp nổi bật của Mạc Thiên Tích là sáng lập ra tao đàn ”Chiêu Anh Các” và đứng ra làm chủ súy. Hoạt động của Chiêu Anh Các là một hội quán Tao đàn, thờ đức Khổng Tử, vừa là chỗ huấn luyện nhân tài, rèn võ luyện văn, đã khắc in nhiều tác phẩm văn học.

Ngày nay, khi nhắc đến Tao đàn Chiêu Anh Các, mọi người đều chú ý đến thành phần nhân sự có tính đa dạng, thuộc nhiều quốc gia. Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức ghi kỹ hơn: Văn nhân tỉnh Phúc Kiến 15 người, Quảng Đông 13 người, Phủ Triệu Phong (Việt Nam) 4 người, phủ Gia Định 2 người, phủ Qui Nhơn 2 người. Cộng là 36 vị. Nhiều khách thơ mời từ các tỉnh phía nam Trung Quốc thông qua ông Trần Hoài Thủy, gởi bài họa vận về Hà Tiên để tham gia. Tao đàn Chiêu Anh Các sản sinh ra một khối lượng văn chương từ phú đồ sộ. Năm 1821, khi cho tái bản sách Minh bột di ngư, ông Trịnh Hoài Đức nhắc tới 6 tập sách từng được xuất bản và lưu hành là: Hà Tiên thập cảnh toàn tập, Minh bột di ngư thi thảo, Hà Tiên vịnh vật thi tuyển, Châu thị trinh liệt tặng ngâm, Thi truyện tặng lưu tiết phụ, Thi thảo cách ngôn vị tập. Năm Minh Mạng thứ I (1820), Trịnh Hoài Đức sưu tầm được một tập thơ nhan đề là ”Minh bột di ngư”, trong đó gồm 30 bài thơ và một bài phú 100 câu ”Có bài phú 32 vận đều là của Mạc Công làm ra”.

“Hà Tiên thập vịnh” viết bằng chữ Hán, Mạc Thiên Tích sáng tác năm Bính Thìn (1736), khắc tại Hà Tiên năm Đinh Tị (1737) gồm có ”Bài tự” của Mạc Thiên Tích nói về lai lịch ”Chiêu Anh Các”, tập thơ ”Bài bạt” của Dư Tích Thuần ca tụng cảnh Hà Tiên và người lãnh đạo tài giỏi, ”Bài bạt” của Trần Trí Khải, nói về Mạc Thiên Tích và nguyên nhân có 10 bài thơ họa của mình, 10 bài xướng của Mạc Thiên Tích tả 10 cảnh đẹp nổi tiếng ở Hà Tiên, 310 bài thơ họa của 31 người có chân trong ”Chiêu Anh Các”. Như vậy số thơ trong toàn tập là 320 bài, vịnh 10 cảnh. Ngoài phần văn chương chữ Hán rất uyên bác, Chiêu Anh Các còn có Khúc vịnh mười cảnh đẹp Hà Tiên một áng thơ Nôm đặc sắc.

Đáng tiếc là 4 tập sách Hà Tiên vịnh vật thi tuyển, Châu thị trinh liệt tặng ngâm, Thi truyện tặng lưu tiết phụ, Thi thảo cách ngôn vị tập chưa tìm thấy. Về Tao đàn Chiêu Anh Các, ông Lê Quý Đôn có đoạn viết như sau: “Đời Vĩnh Hưu năm Bính Thìn, Thiên Tứ kế tập, đón mười văn sĩ, ưa thích thi chương, tài vận phong lưu, một phương mến trọng. Tôi từng thấy bản khắc mươi bài vịnh Hà Tiên đều do Tứ đề mà các văn nhân Bắc quốc và Thuận Hóa (Huế), Quảng Nam cùng nhau họa vận, không thể bảo rằng hải ngoại không có văn chương vậy”.

Trong sách Doãn tướng công hoạn tích, của ông Doãn Uẩn có đoạn ghi: “...Tiệc khao quân cử ngay trước trận tiền, ngay bên gò đống xác giặc. Tướng sĩ nói:

- Rượu ngon. Giá có đồ nhắm thì tuyệt.

Sực nhớ, ta cười ha hả, rút bài thơ hay trong bao gươm lệnh ra, sang sảng nói:

     - Thức nhắm đây! Rồi sang sảng đọc bài ”Trống đêm ở Giang Thành” của Mạc tướng công. Tướng sĩ ngồi im phăng phắc lắng nghe, quên cả rượu trước

mắt và đồ nhắm ở đâu. Đọc xong ta nói:

- Thơ hay phải nói cái thực. Đã là thực thì thành thơ hay...”

”Trống đêm Giang Thành” quả như lời khen:

 

Giang Thành Dạ cổ

Trống quân giang thú nổi uy phong

Nghiêm gióng đòi canh ỏi núi sông

Đánh phá mặt gian người biết tiếng

Vang truyền lịnh sấm chúng nghiêng lòng

 

Phao tuông đã thấy yên ba vạc

Nhiệm nhặt chi cho lọt mảy lông

Thỏ lụng sớm hầu chờ bóng ác

Tiếng xe sầm sạt mối nên công.

(Bản dịch Đông Hồ)

 

“Khúc vịnh mười cảnh Hà Tiên”, tập thơ quốc âm 422 câu này có số phận khá đặc biệt. Nó nảy sinh từ tâm hồn người thi sĩ Việt Nam yêu tha thiết quê hương đất nước mình, yêu tha thiết nhân dân và tiếng nói dân tộc mình, nên sau khi trước tác nhiều từ chương chữ Hán đã làm thơ bằng tiếng nói của người dân cày ruộng, của người đánh cá. Và chính nhờ thoát khỏi gò bó của những khuôn sáo cũ, thơ đã thể hiện sâu sắc hơn tâm hồn ý chí của mình và cuộc sống của nhân dân.

“Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh” miêu tả 10 cảnh đẹp ở Hà Tiên. Đó là các cảnh: Kim Dự lan đào, Bình san điệp thúy, Tiêu Tự thần chung, Giang Thành dạ cổ, Châu Nham lạc lộ, Đông Hồ ấn nguyệt, Nam Phố trừng ba, Thạch Động thôn vân, Lộc trĩ thôn cư, Lư Khê ngư bạc. Tập thơ ”Hà Tiên thập vịnh cảnh” nói lên lòng tự hào, kiêu hãnh, chính đáng của tác giả đối với cảnh đẹp thiên nhiên của giang sơn đất nước nói chung và thắng cảnh của Hà Tiên, miền Nam nói riêng. Mạc Thiên Tích bộc lộ niềm kiêu hãnh vô biên của mình trước cảnh đẹp của thiên nhiên bằng những câu thơ rất giàu hình ảnh. Đây là cảnh những đàn cò trắng bay lả tả trên núi, dưới vực:

 

Cò đâu kể số muôn ngàn

Tuôn mây vén núi mang mang bay về

Đầy bốn bề kêu la tở mở

Lộn ròng ròng như vỡ chòm ong

Rơi ngân rớt phấn giữa không

Sương ken đòi cụm tuyết phong khắp hàng.

(Châu Nham lạc lộ)

 

Xuất phát từ tình cảm dạt dào, Mạc Thiên Tích đã làm những bài thơ lời lẽ sâu sắc, thâm thúy, miêu tả những cảnh đẹp nổi tiếng và quen thuộc ở Hà Tiên một vùng đất giàu có, đẹp đẽ và thanh tú, nên thơ đến mức kỳ lạ: đảo Kim Dự, núi Bình San, núi Thạch Động, núi Châu Nham, Đông Hồ... Rồi cảnh tiếng chuông chùa buổi sáng mai nhắc người ta nghĩ tới con đường giải thoát, hoặc tiếng trống cầm canh ban đêm làm cho không khí miền biên ải thêm trang nghiêm, tĩnh mịch và cảnh sinh hoạt tấp nập, sầm uất, đông vui của dân cày, dân chài để từ đó nói lên sức sống thịnh vượng, giàu có của mảnh đất phương Nam của Tổ quốc sau khi được bàn tay con người khai phá, tạo dựng nên và đổ máu xương để bảo vệ.

Ngoài việc mô tả cảnh đẹp thiên nhiên, ”Hà Tiên thập cảnh”, Mạc Thiên Tích còn phản ánh hiện thực đời sống xã hội miền Hà Tiên ở thế kỷ XVIII. Đó là cảnh nhân dân ta anh dũng chống giặc ngoại xâm để bảo vệ bờ cõi, cảnh mọi người nô nức khai hoang để trồng trọt, cày cấy, cảnh dân chúng hăng hái ra sông đánh bắt, tìm kiếm những thức ăn phong phú để nuôi sống cho mình. Mặc dù ở nơi xa xôi, tận cùng của Tổ quốc, nhưng người dân Hà Tiên vẫn không cảm thấy cô đơn, trống trải và quạnh hiu. Trong cuộc sống lao động, sản xuất và chiến đấu, họ tìm thấy niềm vui, tự hào và niềm an ủi lớn lao. Hãy nghe người dân Hà Tiên nói lên niềm tự hào của mình qua những câu thơ của Mạc Thiên Tích:

 

Lưu loát hưởng dư ơn nước thạnh

Ê hề sẵn có của trời dành

Đâu no thì đó là an lạc

Lọ phải chen chân chốn thị thành.

(Lộc trĩ thôn cư)

 

Không những đời sống đầy đủ, ấm no, hạnh phúc, người dân Hà Tiên còn có cuộc sống văn hóa, tinh thần văn minh, phong phú không kém gì ở chốn đế đô thị thành. Từ vùng đất hoang vu, vắng bóng người, nhờ bàn tay lao động tạo dựng và bảo vệ, Hà Tiên trở thành nơi phồn vinh, sầm uất và văn minh vào bậc nhất thời bấy giờ:

Biết phân ngôi, biết phân chủ khách

Tuy giang thôn nào khác Trường An

Trong Ca nghe có tiếng vang

Cũng lời mặc khách cũng trang Cao Bằng.

(Lư Khê ngư bạc)

 

Về mặt nghệ thuật, ”Hà Tiên thập cảnh” đạt được trình độ khá điêu luyện. Người và cảnh được tác giả miêu tả hài hòa, với nhiều cảm xúc tự nhiên. Bức tranh thiên nhiên tươi tắn, bộn bề và thanh tú được hiện lên dưới ngòi bút nhạy cảm của Mạc Thiên Tích. Bút pháp của tác giả độc đáo, mới lạ và phóng khoáng, dễ gây cho người đọc những cảm xúc khó quên.

Thơ Mạc Thiên Tích miêu tả tư tưởng tình cảm và chí khí tài năng của ông. Với giọng thơ trôi chảy, dạt dào, nhiều cảm xúc, âm hưởng thanh tao, Mạc Thiên Tích xứng đáng là một nhà thơ xuất sắc của thế kỷ XVIII. Vai trò, địa vị của ông đối với nhóm ”Chiêu Anh Các” chẳng khác nào vai trò, địa vị văn học của Lê Thánh Tông trong nhóm Tao Đàn nhị thập bát tú ngày trước.

Sản phẩm Tao đàn Chiêu Anh Các là lời ca ngợi thiên nhiên giàu đẹp, ca ngợi cuộc sống lao động lành mạnh phóng khoáng của nhân dân và là tiếng nói quyết tâm bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc. Vì vậy mà nó tồn tại trong quần chúng. Tuy trước đây chưa hề được khắc in nhưng lại được chép tay, được truyền miệng phổ biến rộng rãi trong nhân dân nên thơ Nôm Chiêu Anh Các bất chấp thời gian và lửa đạn chiến tranh, còn mãi với chúng ta. Người dân vùng Hà Tiên hằng năm ngày rằm tháng Giêng, đều đặn tổ chức lễ kỷ niệm ngày lập Tao đàn Chiêu Anh Các. Họ luôn truyền lại cho con cháu đời sau ý thức giữ gìn, bảo tồn truyền thống văn học quí báu của vùng đất tận cùng Tây Nam Tổ quốc. Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ”Ngày Thơ Việt Nam”  trên toàn quốc, Hà Tiên được chọn là một trong hai điểm tổ chức ”Ngày Thơ Việt Nam” ở đồng bằng sông Cửu Long. Đã từ lâu, Sở Văn hóa Thông tin Kiên Giang đã cùng kết hợp với các chính quyền và tổ chức quần chúng ở Hà Tiên nâng dần lễ kỷ niệm ngày thành lập tao đàn trở thành lễ hội cấp tỉnh nhằm phát huy hơn nữa giá trị văn hóa truyền thống, kho tàng văn học một thời rực r

2.3 Lễ hội Kỳ Yên

Hằng năm vào ngày 14,15 và 16 tháng Giêng âm lịch, các đình, chùa theo tín ngưỡng dân gian thiết lễ Kỳ Yên cầu cho “Quốc thái dân an, thiên hạ thái bình” mong muốn một năm mới nhiều an lạc hạnh phúc cho mọi nhà. Lễ hội thường diễn ra trong 3 ngày với nhiều nghi lễ cổ truyền. Lễ Kỳ yên có nghĩa là lễ cầu an, là lễ tế thần Thành Hoàng lớn nhất trong năm của một ngôi đình thần ở Nam Bộ, Việt Nam.

Tùy theo điều kiện kinh tế, nhưng thường thì cứ ba năm (tam niên đáo lệ kỳ yên) Ban quý tế đình làm lễ tế long trọng và qui mô hơn: Đại lễ Kỳ yên, tức ngoài các lễ tế thường kỳ còn có thêm 4 lễ nữa, đó là: Lễ rước Tổ hát bội, lễ Xây chầu, Hát chầu và Hồi chầu.

Giới thiệu lễ Kỳ yên ở Nam Bộ xưa, sách Gia Định thành thông chí (mục Phong tục chí) của Trịnh Hoài Đức có đoạn:

Cúng Kỳ yên: mỗi làng (ở Nam Bộ) có dựng một ngôi đình, ngày cúng tế phải chọn cho được ngày tốt, đến buổi chiều ngày ấy lớn nhỏ đều nhóm tại đình, họ ở lại suốt đêm ấy, gọi là túc yết. Sáng ngày mai học trò lễ mặc áo, mão, gióng trống khua chiêng làm lễ chánh tế, ngày sau nữa làm lễ dịch tế, gọi là đại đoàn, lễ xong lui về...

Hiện nay, lễ Kỳ yên cũng được tổ chức trong ba ngày, gồm nhiều lễ tế khá phức tạp nhưng cũng khá bài bản, trong đó có ba lễ chính là: Túc yết, Đàn cả (quan trọng nhất) và Lễ tế Tiền hiền, Hậu hiền. Tuy mỗi nơi có thể khác về giờ giấc, thứ tự & chi tiết, nhưng thường thì các lễ được tiến hành đại để như sau:

Ngày thứ nhất

Có các lễ tế:

Lễ rước Tổ hát bội

Đến kỳ đáo lệ Kỳ yên (Đại lễ Kỳ yên), ngay từ sáng sớm, Ban quí tế cử người bưng một khai gỗ có trầu, rượu, hương, đèn, tiền lễ; cùng 4 quân hầu cầm 4 món thuộc bộ Lỗ bộ và Ban nhạc lễ ra tận cổng để rước Tổ hát bội vào đình, rồi đặt trang trọng sau hậu trường võ ca.

Lễ Thỉnh sắc

Sau khi an vị Tổ hát bội xong, một đám rước với đầy đủ chiêng, trống, cờ, lộng, long đình cùng đội nhạc lễ, đội lân...đi đến chỗ cất giữ sắc thần (thường thì để ở trong một ngôi nhà kiên cố của một vị chức sắc có uy tín). Đến nơi, người có trách nhiệm vào tế một tuần hương, ba tuần rượu, đọc một bài văn tế ngắn gọn (hay khấn cũng được), rồi đem sắc đặt vào long đình, rước về. Đến đình, phải cử hành thêm nghi thức an vị, gồm: một tuần hương, ba tuần rượu và một tuần trà, rồi mới đưa tráp đựng sắc phong để trên bàn thờ thần nơi chính điện.

Lễ này, Đình Châu Phú (An Giang) tiến hành vào 7 giờ sáng ngày mùng 10 tháng Nămâm lịch. Vào lúc ấy, một đoàn xe được trang hoàng đẹp đẽ chạy đến Nhà lớn cũng ở gần đó, làm lễ thỉnh sắc thần Nguyễn Hữu Cảnh về đình.

Lễ Nghinh

Một số làng, sau lễ thỉnh sắc thần Thành hoàng còn tổ chức Lễ Nghinh, tức đưa kiệu đến các đền miếu trong làng, dâng hương, khấn cung thỉnh mời chư vị thần về đình dự lễ. Xong, đem lư hương của các vị thần này lên kiệu trở về, đặt trên bàn hương án bày ở ngoài đình, hoặc trên bàn Hội đồng ngoại ở bên trong đình.

Ở Đình Châu Phú, sau khi rước sắc thần Nguyễn Hữu Cảnh về đình; tiếp theo là Lễ nghinh, tức lễ thỉnh sắc thần Thoại Ngọc Hầu tại phủ thờ của ông Nguyễn Khắc Mi (cháu nhiều đời của Thoại Ngọc Hầu), và sắc thần của hai ông là Chánh vệ thủy Đỗ Đăng Tàu và Phó vệ thủy Lê Văn Sanh.

Tụng kinh cầu an

Có một số đình có phần lễ này. Đây vốn là nghi thức của Phật giáo hội nhập vào đình miếu, mục đích cầu chư Phật, chư thần thánh ban cho dân làng sự an lành. Khởi đầu cử người thiết lập bàn thờ Phật Quan Âm, rồi tiến hành niệm hương tán Phật, tụng kinh Phổ môn; cuối cùng đọc sớ rồi đốt sớ gửi cho chư Phật và cho chư thần thánh.

Ngày thứ hai & thứ ba

Có các lễ tế:

Lễ Túc yết

Tức là lễ hương chức ra ra mắt thần. Theo cổ lệ mà sách Gia Định thành thông chí đã biên chép, thì lễ này được tiến hành vào buổi chiều cho đến hết đêm ngày thứ nhất. Nhưng giờ đây, tùy theo điều kiện của mỗi đình, mà giờ giấc có thay đổi đôi chút.

Theo sách Sổ tay hành hương đất phương Nam thì, sắp đến giờ hành lễ, các thành viên của Ban tế tự mặc áo thụng xanh, khăn đóng, mang giày đứng sắp hàng hai bên võ ca cùng với ban nhạc lễ, các lễ sinh và đào thài (đào chuyên hát chúc tụng) trong tư thế sẵn sàng. Rồi một lễ sinh bắt đầu xướng các nghi thức và các hương chức được phân công tuần tự thực hiện những nghi thức như sau:

Củ sát tế phẩm: kiểm lại đồ cúng.

Tuần hương: dâng hương.

Tuần rượu thứ nhất: dâng rượu lần nhất.

Đọc văn tế chữ Hán: cầu nguyện thần Thành hoàng phù trợ sao cho mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an,...

Tuần rượu thứ hai: dâng rượu lần hai.

Tuần rượu thứ ba: dâng rượu lần ba.

Hiến quả phẩm: dâng trái cây.

Hiến bỉnh: dâng bánh.

Tuần trà: dâng trà

Ẩm phước: giống như lễ "thụ tộ" miền Bắc, tức Ban tế tự được thừa hưởng lễ vật đã dâng cúng, xem như đây như là lộc của thần ban.

Hóa văn tế: có nghĩa đốt văn tế. Có đình giữ đến xong lễ đoàn cả mới đốt.

Ở Đình Châu Phú, lễ Túc yết diễn ra vào lúc một giờ đêm ngày 11 tháng Năm âm lịch (tức ngày thứ hai của đại lễ) Ban quản trị đình đã tề tựu đông đủ để bắt đầu cúng túc yết. Chịu trách nhiệm chính ở buổi lễ cúng là ông Chánh tế - cũng là trưởng ban quản trị đình. Lễ cúng gồm một mâm xôi, một trái cây, một mâm trầu cau, một đĩa muối, gạo. Ngoài ra còn có những lễ vật khác do nhân dân mang đến dâng cúng.

Bắt đầu vào lễ, ông Chánh tế đến dâng hương trước bàn thờ, rồi lần lượt các thành viên trong Ban quản trị thay nhau vào lễ. Kế đến là phần "Khởi chinh cổ", sau khi đánh ba hồi trống và ba hồi chiêng mõ. Ban nhạc lễ với các nhạc cụ dân tộc bắt đầu trỗi lên, lễ dâng hương, chuốc tửu, tiệm trà bắt đầu...Sau cùng, bản văn tế (văn chúc) được mang đến trước bàn thờ. Người được cử quỳ xuống "đọc văn", trong khi ban nhạc lễ trỗi nhạc phụ họa. Dứt bài văn tế, ông Chánh tế đốt bản văn này và một ít giấy tiền vàng bạc, phần nghi thức lễ túc yết coi như đã xong

Lễ Tỉnh sanh và lễ Đàn cả

Theo Sơn Nam thì Lễ Đàn Cả là quan trọng nhất. Nhà văn viết:...trước đó có lệ Túc yết, tức là ban Tế lễ gom lại, trình diện, diễn tập, có thể so sánh với dịp cúng giỗ ông bà, trước ngày giỗ chánh thức là buổi cúng Tiên. Đình nào khiêm tốn thì bỏ lễ Túc yết cho bớt kinh phí...Vẫn chưa dứt khoát về tên gọi: Đàn hay Đoàn. Trên tấm thiệp mời ở ngôi đền sát chợ Biên Hòa, thấy ghi Đại Đàn. Đàn là nơi cử hành lễ (lập đàn, đàn Nam Giao) có lẽ đúng hơn. Về cơ bản, trong cả nước, nghi thức nhau nhưng "đại đồng tiểu dị".

Lễ Tỉnh sanh thường diễn ra lúc 0 giờ (tức giờ Tý), với vật tế là một con heo còn sống, toàn sắc, bị cột bốn chân, đặt trên một chiếc ghế ngựa ngay trước bàn thờ Hội đồng ngoại. Sau khi heo bị thọc tiết, viên chánh tế dùng chén sạch hứng máu cùng một nhúm lông của con vật này, đặt lên bàn hương án. Chén huyết có ít lông này gọi chung là "mao huyết". Theo Sơn Nam, lễ này bắt nguồn từ lễ giết người để tế thần; sau dùng trâu, bò hoặc heo để thay thế. Tỉnh sanh (tỉnh là tịnh, gạn cho trong sạch; sanh mang ý nghĩa hy sinh. Con vật bị giết để tế gọi là hy sinh); nói nôm na, lễ tỉnh sanh là lễ đâm con heo để tế thần[2].

Có nơi, như ở Đình Châu Phú dâng cúng một con heo trắng (heo đã mổ xong, cạo sạch, chưa nấu chín), một chén đựng huyết có một ít lông heo (gọi chung là "mao huyết"), một mâm xôi, một trái cây, một mâm trầu cau, một đĩa muối, gạo. Các lễ vật được bày trên bàn, riêng con heo trắng được đặt sấp, thân phủ lên một giá gỗ cao. Ngoài ra còn có những lễ vật khác do nhân dân mang đến dâng cúng.

Ngay sau lễ Tỉnh sanh là lễ Đàn cả. Cổ lệ chọn giờ này (giờ Tý) bắt nguồn từ quan niệm dịch lý: đây là giờ “âm lão, dương khởi”, tức là mọi điều tốt lành bắt đầu nảy sinh. Việc hành lễ tương tự như lễ túc yết, duy chỉ khác câu ở phần ẩm phước: lễ túc yết xướng: Nghinh thần cúc cung bái, thì ở lễ này xướng câu: Tạ thần cung cung bái.

Lễ Chánh tế

Cũng theo sách Gia Định thành thông chí, thì lễ Chánh tế được tổ chức vào sáng hôm thứ hai của lễ Kỳ yên, với phần nghi thức giống như lễ Túc yết. Ở Đình Châu Phú, lễ này được cử hành lúc vào 3 giờ sáng ngày 12 tháng Năm âm lịch, tức sáng sớm ngày thứ ba của cuộc lễ.

Lễ tế Tiền hiền, Hậu hiền

Đây là lễ tế các vị tiền nhân đã có công lập làng, lập đình; và các anh hùng liệt sĩ địa phương. Có đình tiến hành lễ này ngay sau khi lễ đoàn cả xong, nhưng cũng có đình để sang ngày thứ ba. Điều đặc biệt trong lễ này là cử nhạc lễ theo điệu Nhịp Bụa, nhưng hoàn toàn mang hơi Ai; khác với lễ Túc yết và lễ đoàn cả đều hoàn toàn mang hơi xuân.

Lễ Xây chầu

 

Theo Sơn Nam, nét đặc trưng của đình miếu Nam Bộ xưa là mỗi lần có lễ Kỳ yên, thì phải có các lễ: Xây chầu, Đại bội và hát bội. Căn cứ vào lời chúc tụng, lễ Xây chầu có từ đời vua Gia Long.

Thường thì lễ này được cử hành sau lễ tế Đàn cả. Về cách thức xây chầu, đại để chia làm ba loại: Xây chầu văn, Xây chầu võ, và Xây chầu bán văn bán võ. Lễ này bắt nguồn từ quan niệm dịch lý của đạo Nho: thuận đạo trời (âm dương), an đạo đất (nhu cương) và hòa đạo người (nhân nghĩa); ba đạo này có hòa hợp thì vạn vật mới hanh thông, tốt đẹp.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, thì lễ Xây chầu vốn bắt nguồn từ Lễ Đại Bội trong cung đình nhà Nguyễn. Đây là một cảnh diễn lớn, gồm nhiều tiết mục liên hoàn nhằm thể hiện sự sinh thành vũ trụ và phát triển của vạn hữu[4]. Bởi vậy, theo Sơn Nam, Muốn ổn định thời tiết, trật tự xã hội, theo quan niệm xưa, phải tuân theo sự vận hành của Trời Đất mà kim chỉ nam là Kinh Dịch với thuyết âm dương, Bát quái, Ngũ hành. Việc Xây chầu chính là để nhắc nhở nguyên tắc ấy.

Trích diễn biến lễ xây chầu ở Đình Châu Phú:

Sau khi lễ túc yết xong, là đến lễ xây chầu và hát bội được tổ chức tại gian võ ca phía trước chính điện. Những người tham dự cũng ăn mặc chỉnh tề xếp thành hai hàng nhưng từ cửa chính điện trở ra. Trên gian võ ca, tất cả diễn viên đoàn hát bội đã hóa trang, trống mõ sẵn sàng. Ông Chánh bái chủ trì lễ nhúng một cành dương vào tô nước cầm trên tay vẩy ra xung quanh và đọc lời cầu nguyện:

Nhất sái thiên thanh. (Trời thêm thanh bình)

Nhị sái địa linh (Đất thêm tươi tốt)

Tam sái nhơn trường (Người được sống lâu)

Tứ sái quỷ diệt hình (quỷ dữ bị tiêu diệt).

Đọc xong, ông chánh bái đánh ba hồi trống và nói: "Ca công - tiếp hát", lập tức trống mõ của đoàn hát bội rộ lên và chương trình hát bội được bắt đầu.[5]Đến khi ấy, trống chầu được đặt dưới sân khấu, và cử quan viên ra cầm chầu gọi là cầm chầu đại bội để khen chê nghệ sĩ.

Hát chầu

 

Hát tuồng trong lễ Kỳ yên tại đình Mỹ Phước (Long Xuyên) năm 2010

Thường thì mỗi năm hay cứ ba năm một lần (đáo lệ Kỳ yên), Ban tế tự đình thuê một gánh hát bội về trình diễn gọi là hát chầu, trước để cúng thần (chức năng chính), sau để giúp vui cho dân làng. Tuồng diễn (thường là 3, 4 tuồng) đều phải tuân thủ một cách nghiêm nhặt những quy phạm chính thống. Điều này thể hiện rõ trong hầu hết mọi nghi thức, nhất là phần lễ tôn vương. Nói chung, các vỡ diễn đều phải biểu hiện cho được ý nghĩa: "trung thắng nịnh, chính thắng tà" và kết thúc bằng một màn tôn chân chúa (tôn vương) hay tôn soái.

Tuồng hát bội mà các đình thường chọn hát là San Hậu (tôn vương), Phàn Lê Huê (tôn nữ soái), Tiết Nhơn Quí (tôn soái)...Ở Đình Châu Phú các tuồng được chọn hát thường là: Trần Bình Trọng, Sát Thát, Trưng Nữ Vương, Lưu Kim Đính, San hậu...

Lễ hồi chầu

Được cử hành sau khi khi tôn vương hay tôn soái. Lễ này có ý nghĩa là trình với thần rằng các buổi hát đã kết thúc.

Lễ hồi sắc hay nối sắc

Tức đưa sắc thần về nơi cũ. Nghi thức lễ diễn ra tương tự như khi thỉnh. Sau lễ này, các lư hương của chư thần trong lễ Nghinh cũng hoàn về nơi thờ phụng họ.

Một số đình, chùa còn giữ lệ cũ như: đình Vĩnh Hòa, Tà Niên  (Rạch Giá), khu di tích văn hóa lịch sử núi Bình San (Hà Tiên), Đình Thứ Sáu (An Biên) rước đoàn hát bội về biểu diễn phục vụ trong suốt thời gian lễ hội; thi tìm hiểu về di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian, thi cỗ hoa, đố thai. Kết thúc lễ hội là nghi lễ “tống ôn” với ý nghĩa tống khứ những điều xấu, điều xui rủi đi xa để mọi người được hưởng lấy những sự tốt đẹp. Nhận xét

Ở lễ Kỳ yên, phần “lễ” chiếm phần quan trọng hơn phần “hội”. Các đối tượng cúng lễ là một tập hợp thần linh đông đảo không chỉ riêng có thần Thành hoàng Bổn cảnh. Lễ này là dịp để dân làng họp mặt, bàn chuyện, vui chơi. Những tục lệ này nhằm thắt chặt tình cộng đồng. Còn hát xướng trong ngày lễ Kỳ yên không phải là văn nghệ bình thường mà mang nội dung nghi lễ. Chương trình văn nghệ phải có nội dung đạo lý, kết thúc có hậu. Đặc biệt tiệc tùng trong ngày lễ Kỳ yên ở đình làng Nam Bộ chỉ mang tính liên hoan, chiêu đãi, hoàn toàn không có tục “chiếu trên, chiếu dưới”, nhậu nhẹt say sưa như những nơi khác.[6]

Lễ Kỳ yên thu hút đông đảo nhân dân quanh vùng qui tụ về với lễ vật trên tay, người nào cũng trang phục chỉnh tề, quỳ lạy trước bàn thờ và cầu nguyện thần linh sao cho mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an, mùa màng thuận lợi, sản xuất phát triển, nhân dân ấm no. Như thế, lễ Kỳ yên mang hai ý nghĩa: vừa tưởng nhớ một vị có công khai phá miền Nam Bộ, vừa cầu mong một cuộc sống no đủ. Cho nên, đây là một sinh hoạt văn hoá dân gian đáng được bảo tồn, duy trì và tạo điều kiện phát triển.

2.4 Lễ vía các vị thần

Người Hoa khi sang Việt Nam làm ăn thường tụ họp nhau trong từng bang tùy thuộc quê quán, dân tộc như bang Triều Châu, bang Phúc Kiến, bang Quảng Đông… Mỗi bang đều xây dựng chùa thờ một vị thần của quê hương mình. Bang Quảng Đông thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, Tương truyền: năm 16 tuổi, Thiên Hậu nhặt được Thiên thư từ một giếng cạn và sau đó biết được mọi thần thông biến hóa và Thiên Hậu trở thành người cứu nhân độ thế, giúp nhiều người tai qua nạn khỏi. Sau khi mất, hồn bà vẫn linh hiển. Đặc biệt, sự hiển linh của bà Thiên Hậu đã cứu giúp nhiều ghe thuyền gặp nạn trên biển. Người Hoa xem Bà Thiên Hậu là đấng linh thiêng, phù hộ độ trì, cứu giúp họ thoát khỏi khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Hằng năm lễ hội vía Bà Thiên Hậu vào ngày sinh Bà (23 tháng 3 âm lịch), được tổ chức chu đáo: Tế heo sống nguyên con làm sạch lông và tổ chức hát quảng... Vào dịp này không chỉ người Hoa, người Việt ở Cà Mau mà ở nhiều vùng lân cận cũng đổ về chùa Bà Thiên Hậu cúng bái để cầu tài lộc.

Lễ hội vía Bà Thiên Hậu mang đậm màu sắc, dân tộc. Qua lễ hội này, thể hiện tình đoàn kết, tương thân, tương ái: Kinh - Hoa trong khối đoàn kết đại gia đình dân tộc Việt Nam. Người Hoa trực tiếp giữ gìn sự tồn tại và phát triển lễ vía Bà Thiên Hậu, nhưng do phù hợp với đặc trưng đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người Việt, phù hợp trong hệ thống thờ Mẫu (mẹ) như: Bà Chúa Xứ, Bà Đen, Thiên Y Ana, Bà Thiên Hậu v.v...

Ngôi chùa này được thành lập từ năm 1908, qua nhiều lần trùng tu, hiện nay rất khang trang, cổ kính, là nơi tập trung đông đảo người dân quanh vùng sùng đạo về vía Bà vào những ngày lễ vía trong năm: Lễ Thượng ngươn, lễ vía Thần Hổ, lễ Trung ngươn, lễ Hạ ngươn, lễ Tất niên… Trong đó, Đại lễ khánh chúc Thiên Hậu Thánh Mẫu vào các ngày 23, 24, 25/3 âl hằng năm là lễ chính./.

Bang Triều Châu thì thờ thần Bắc Đế, Bắc Đế tức Bắc Du Chơn Võ, một nhân vật khá nổi tiếng trong phim kiếm hiệp Trung Quốc. Ông là một vị Tinh quân từ thiên đình xuống trần để trừ diệt yêu ma, giúp đỡ dân lành. Trong Tây du ký, tác giả Ngô Thừa Ân giải thích rằng, ngày trước vua nước Tịnh Lạc có vợ là bà Thiện Thắng Hoàng Hậu, chiêm bao thấy nuốt mặt trời mà thọ thai, mười bốn tháng mới sanh, nhằm ngày mồng ba tháng ba hồi giờ Ngọ, năm Giáp Thân, năm đầu đời vua Ðường Cao Tổ. Ðến lớn mộ đạo đi tu, sau thành ông Chơn Võ Bắc Đế.

Bang Phúc Kiến thờ Ông Bổn Đối với người Hoa, Ông Bổn có nghĩa là “Ông tổ”, “Bổn” có nghĩa là gốc. Ông Bổn chỉ là một biểu tượng, không phải là một nhân vật cụ thể. Đa số người Hoa đều quan niệm rằng “Ông Bổn” là “Phước Đức Chánh Thần”. Tuy nhiên mỗi bang người Hoa đều có những quan niệm và tín ngưỡng riêng về Ông Bổn. Người Hoa (gốc Phúc Kiến) ở Chợ Lớn đã cụ thể hóa là Châu Đạt Quan - Một vị quan đời Nguyên. Người Hoa gốc Triều Châu, Hải Nam ở miền Tây Nam bộ lại cụ thể hóa là Tam Bảo Thái Giám Trịnh Hòa - Người đời Minh. Người Triều Châu (ở Hội An) cụ thể hóa là Phục Ba Tướng quân Mã Viện. Người Quảng Đông ở Chợ Lớn cho Ông Bổn của họ là Thần Thổ Địa… nhưng những người Hoa họ Vương gốc Phúc Kiến ở Bình Dương cho rằng Ông Bổn của họ là Huyền Thiên Thượng Đế và họ Lý (gốc Triều Châu) cho Ông Bổn của họ chính là Ông tổ họ Lý. Cũng giống như các đền Miếu của người Việt, các miếu thờ Ông Bổn đều tích hợp đa thần như Trương Thiên Sư (Trương Đạo Lăng - đời Hán), Bao Công (đời Tống), Cảnh Chủ Tôn Vương, Linh Từ Tôn Vương, Cửu Thiên Huyền Nữ….

Lễ hội các đền miếu thờ Ông Bổn ở kiên giang mang nội dung cúng tổ nghề gốm, tập trung chủ yếu người Hoa ở địa phương và các nơi khác. Lễ hội này của người Hoa ở kiên giang còn mang tính chất tín ngưỡng phúc thần, bảo hộ cuộc sống và việc làm ăn của cộng đồng người Hoa trên đất kiên giang.

. Mỗi vị thần có ngày cúng giỗ khác nhau gọi là ngày vía. Vào ngày vía thần của bang mình, từng bang tổ chức cúng tế ngay trong ngôi chùa của bang mình và mời các bang khác đến tham dự. Lễ vía các vị thần là dịp để người đồng hương gặp gỡ sau một năm làm ăn vất vả.

Lễ hội miếu Ông Bổn cùng với lễ hội miếu Bà Thiên Hậu của người Hoa và một số lễ hội cúng tế của người Việt đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng mang đậm bản sắc dân gian, trở thành những hoạt động chính trong các hoạt động văn hóa lễ hội diễn ra trong năm của cư dân kiên giang nói chung và của cả khu vực Nam bộ nói riêng, góp phần đặc sắc vào nền văn hóa đầy màu sắc của Việt Nam.

 

2.5 Lễ mừng năm mới ( Lễ Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer)

Đây còn gọi là lễ chịu tuổi tức là Tết của người Khmer được tổ chức vào ngày 13 đến 15 tháng 4 dương lịch. Ngoài những nghi lễ truyền thống như: lễ rước Mahaskan (đại lịch Thiên văn), lễ dâng hương quả, lễ đắp núi cát, đắp núi lúa, gạo, lễ tắm tượng Phật, lễ cầu siêu hồi hướng cho ông bà quá cố. Bên cạnh đó lễ hội có những trò chơi dân gian như: trò chơi bịt mắt đập nồi (chùa Cù Là cũ), thả vịt trên sông bơi thuyền rượt bắt (chùa Rạch Tìa). Đặc biệt, trong các chùa đều tổ chức múa hát room - vông trong suốt ba ngày lễ.

Tết Chol-chnam-thmay được tổ chức vào đầu tháng Pôsăk, còn gọi là tháng Chét theo Phật lịch Tiểu thừa. Nhưng dù vào tháng nào theo lịch Khmer, Tết này cũng rơi vào các ngày 14, 15 và 16 tháng 4 Dương lịch (nếu năm nhuần thì bắt đầu từ ngày 13- 4 Dương lịch). Đây là thời gian khô ráo, mùa màng đã thu hoạch xong, người dân trong giai đoạn nông nhàn nên tha hồ vui Tết. Ăn tết xong là chuẩn bị đón mùa mưa, gieo sạ lúa.

Cũng như tết cổ truyền của các dân tộc khác, Chol- chnam- thmay của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ tuy có cùng ý nghĩa nhưng lại được tổ chức với vài tập tục khác biệt theo bản sắc văn hóa của mình. Vì là một cộng đồng dân tộc theo Phật giáo Tiểu thừa nên mọi sinh hoạt Tết Chol-chnam- thây của đồng bào Khmer Nam Bộ đều diễn ra tại chùa.

Chùa Khmer Nam Bộ được xây cất trong khuôn viên rộng lớn, sạch sẽ, u trầm dưới bóng mát những hàng sao, hàng dầu cổ thụ được trồng ngay hàng thẳng lối, đẹp như tranh. Chùa Khmer là nơi sinh hoạt văn hóa, là chỗ dựa tinh thần, là nơi tín ngưỡng tôn nghiêm nhất dành cho cả cộng đồng. Nên bất kỳ một cuộc lễ nào của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ cũng đều được diễn ra hoặc kết thúc tại chùa.

 

Lễ cúng trái cây trong Tết Chol-chnam-thmay

Tết Chol-chnam- thmay còn gọi là tết “chịu tuổi”, diễn ra trong ba ngày với những nghi lễ khác nhau. Ngày thứ nhất gọi là Sang-kran có nghĩa là “bước đi”. Ngày thứ hai gọi là Won-bot có nghĩa là “thiếu hoặc thừa”. Ngày thứ ba gọi là Lon-sătk có nghĩa là “tăng lên”. Trước tết mọi người sơn phết lại các ngôi chùa, và bàn thờ tổ tiên. Các chùa Miên ở Trà Vinh, Châu Đốc, Sóc Trăng, Hậu Giang được tu bổ, trang trí lại với nhiều màu sắc sặc sỡ. Mấy ngày tết mọi người chủ yếu vào các chùa để cúng vái các thần linh như thần Vitnu, Siva, Hanuman…

Gia đình nào cũng vậy, dù rất nghèo cũng có nồi bánh nùm-chrụt (gần giống bánh tét của người Kinh Nam Bộ), và bánh nùm-tiên (gần giống bánh ít Nam Bộ). Hai loại bánh này tượng trưng cho sự no ấm, làm ăn thịnh vượng, được mùa của người Khmer, nó cũng như bánh chưng, bánh dầy của người Kinh vùng đồng bằng Bắc Bộ dùng trong ngày tết Nguyên đán. Ngoài ra còn có các loại bánh như: nùm-chết (bánh dừa nhân chuối), nùm- niềng- nóc, sùm-bóc-cháp (bánh bột nhân dừa)

Vào đêm giao thừa mọi nhà đều thắp đèn sáng, cúng bánh, trái cây, hương hoa trên bàn thờ tổ tiên, để tiễn thần Tê-vô-đa cũ về nhà trời, và rước thần Tê-vô-đa mới xuống ăn tết, cai quản đất đai, thổ trạch trong một năm. Người ta tin rằng thần Tê-vô-đa được nhà Trời sai xuống để cai quản dương thế trong một năm. Hết năm cũ nhà trời lại sai vị thần Tê-vô-đa khác xuống thay thế.

 

Lễ dâng cơm Tết Chol-chnam-thmay

Sáng ngày Tết thứ nhất Sang-kran (như ngày mùng một tết Nguyên đán của người Kinh), mọi người tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc đẹp, đem theo nhang, đèn, phẩm vật đến chùa để lễ, tụng kinh, niệm Phật, làm lễ rước đại lịch (Ma-ha-sang-kran). Tại đây có vị gọi là Acha điều khiển mọi người đứng xếp hàng rồi đi vòng quanh chánh điện ba lần để làm lễ chào mừng năm mới. Sau đó tổ chức rước “thần bốn mặt”. Theo truyền thuyết thì đó là thần Tho-ma-bat. Ka-bun, Ma-ha và Prun. Đến đêm những người lớn tuổi tụ tập trong nhà nghe sư thuyết pháp, còn thanh niên nam nữ ra sân chùa múa hát, vui chơi.

Ngày Tết thứ hai là ngày Won-bót, mọi người làm lễ dâng cơm cho các sư sãi ở chùa, còn gọi là Wên-chô-han. Tới chiều thì đắp những núi cát (còn gọi Puôn-fun-khsach) tượng trưng cho sự bền vững của vũ trụ, trời đất ở chín hướng. Núi thứ chín nằm ở chính giữa gọi là Mê-ru, biểu tượng trung tâm của trái đất. Cuối buổi chiều họ làm lễ quy y cho núi.

Ngày tết thứ ba gọi là Lon-sătk mọi người tiếp tục dâng cơm, ban phát quần áo cho các sư sãi, rồi tắm cho các tượng Phật để cầu hên. Sau đó họ về nhà tắm cho những người lớn tuổi để tẩy trần những điều phiền muộn của năm cũ. Tới chiều họ làm lễ cầu siêu (còn gọi là lễ Băng-skot) cho những vong hồn được siêu thoát tới miền cực lạc. Sau cùng mọi người về nhà lạy ông bà, cha mẹ trước bàn thờ, rồi tắm cho ông bà, cha mẹ để tỏ tấm lòng hiếu thảo của con cháu.

Trong ba ngày Tết, nam nữ thanh niên Khmer vui chơi ca hát thoả thích các điệu dù-kê, rô-băm, múa lăm-thôn… tại sân chùa. Đây cũng là dịp để họ tìm hiểu nhau, hò hẹn và phô bày tình cảm, và nhiều đôi đã nên vợ nên chồng. Vui nhất là hát “dù-kê” (còn gọi là hát lò-khôn). Hai bên nam nữ hát đối đáp (còn gọi xác-cô-va) kết hợp ném Chơ-hung. Đó là những chiếc khăn màu sắc sặc sỡ kết tròn lại như hình trái bóng rồi nam nữ ném đi, ném lại cho nhau cùng bắt như người Thái ở Tây Bắc ném “còn”. Phần thưởng thường thuộc về phái nữ. Bởi họ tin rằng nữ gắn liền với mặt trăng, với nước, là biểu tượng cho mùa màng năm mới tốt tươi. Trong lễ hội này còn có nhiều nam nữ thanh niên người Kinh, người Hoa, người Chăm cùng vui chơi. Ngoài ra còn có các trò chơi như kéo co, hát bo-suông (hát giao duyên), đánh bóng chuyền…

 

Tắm tượng Phật

Người Khmer ở Nam Bộ rất trọng lễ nghĩa. Trong một năm họ tổ chức rất nhiều ngày lễ, hội, giỗ, chạp, nhưng chỉ có tết Chol-chnam- thmay là lớn nhất. Tại nhà văn hoá Khmer ở ao Bà Om- ngoài thị xã Trà Vinh, chùa Sa-mar-hum ở Sóc Trăng, các chùa Miên ở An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Kiên Giang…đều được tổ chức lễ, hội rất lớn. Đặc biệt đồng bào Khmer ở Bạc Liêu còn có lễ Thanh minh, gọi là Bang skoil.

Trước Tết Chol-chnam- thmay, bà con dọn dẹp, sơn phết tháp thờ hài cốt ông bà, cha mẹ mình cho gọn gàng, đẹp đẽ. Sau đó nhờ nhà sư làm lễ cầu cho linh hồn ông bà tổ tiên được siêu sanh miền Tịnh độ. Đây cũng là dịp họ nhờ các sư tụng kinh siêu thoát cho những tháp mộ không người thân chăm sóc. Lễ viếng mộ kết thúc, họ trở về nhà tắm tượng Phật thờ trong gia đình.

Tiếp đó, con cháu đem bánh, mứt, trà, rượu mời ông bà, cha mẹ dùng cùng những lời chúc mừng năm mới tràn đầy sức khỏe, gặp nhiều may mắn... Nhiều năm trước, đây còn là dịp để họ tổ chức lễ tát nước vào người lớn tuổi lấy hên, giống như lễ Song- kra ở Thái Lan. Nhưng tập tục này đã chấm dứt từ lâu, thay vào đó là dùng nước sạch ngâm các loài hoa có mùi thơm thấm vào quần áo, đồ dùng của ông bà, cha mẹ như một lời cầu chúc may mắn đầu năm.

Trong những ngày Tết Chon-chnam-thmay các đồng chí lãnh đạo Đảng và Chính quyền địa phương tới chúc tết đồng bào Khmer, thăm sư sãi ở các chùa, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với khối đại đoàn kết dân tộc. Năm nay đồng bào Khmer ở miền Tây Nam Bộ ăn tết Chon-chnam- thmay khá vui vì trúng mùa hành và dưa hấu lai.

Ở các phum sóc điện, đường, trường, trạm nhiều nơi đã hoàn thành khá khang trang, tỉ lệ hộ nghèo đói là người dân tộc Khmer đã giảm rõ rệt nhờ chương trình 135 của Nhà nước. Đó cũng là sự hòa hợp giữa ý Đảng lòng dân.

2.6 Lễ Đôl - ta:

Lễ Đôl Ta cũng của người Khmer theo hệ phái Nam Tông giống như lễ Vu Lan báo hiếu của phật giáo Bắc Tông, chỉ khác nhau về hình thức. Lễ này thường được tổ chức tại các chùa Khmer vào ngày 30 tháng 08 âm lịch hàng năm nhằm tưởng nhớ công ơn ông, bà, cha, mẹ những người đã có công sinh thành. Là dịp để đồng bào trong phum sóc gặp gỡ nhau, thăm viếng nhau, tìm hiểu, vui chơi múa hát với nhau của nam nữ thanh niên.

Trong đời sống tâm linh của người Kinh theo đạo Phật có lễ Vu Lan diễn ra vào rằm tháng 7 âl hàng năm, được xem là “mùa báo hiếu”- nét đẹp về lòng, tri ân, hiếu thảo của con cái với đấng sinh thành. Cũng mang nét đẹp đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống, đồng bào dân tộc Khmer có lễ Đôl ta - lễ cúng ông bà tổ tiên, là một trong những lễ lớn trong năm - diễn ra trong 3 ngày, từ 29-8 đến 1-9 âl.

Theo truyền tích xưa, người Khmer chọn thời điểm này để tổ chức lễ Đôl ta, vì đây là lúc vụ mùa cày cấy vừa xong, tiết thu mát mẻ, trời đẹp. Mọi người nghỉ ngơi lấy lại sức sau những tháng ngày làm lụng cực nhọc. Lúc ấy, ngoài đồng văng vẳng tiếng chim kêu. Người Khmer gọi đó là “Satt đôn ta” (chim tổ tiên) báo hiệu cho mọi nhà chuẩn bị cho lễ Đôl ta. Vừa xong mùa vụ, khí hậu mát mẻ, nhìn đồng ruộng xanh tốt, lòng người phơi phới, dặn nhau: phải chuẩn bị tốt cho ngày lễ Đôl ta - cúng ông bà tổ tiên thật chu đáo, vui vẻ và ý nghĩa. Lễ Đôl ta nhằm 4 mục đích: nhớ đến ông bà, cha mẹ, họ hàng; tập trung anh em, con cháu trong gia đình lại để biếu quần áo, bánh trái cho những người có công ơn còn đang sống và làm lễ cầu phước cho người quá cố; đoàn kết giữa những người trong phum sóc với nhau; tổ chức liên hoan vui chơi, gắn bó họ hàng, bè bạn thân thích, tình làng xóm để giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.

Trong 3 ngày diễn ra lễ Đôl ta được tổ chức cụ thể: ngày thứ nhất, mỗi gia đình dọn dẹp bàn thờ tổ tiên, trải chiếu, để mùng mền, gối mới lên giường rồi để sẵn một bộ áo quần mới, chư chuẩn bị cho ông bà đi xa mới về nhà. Chuẩn bị các thứ này xong, họ bày bánh, trà và dọn một mâm cơm để 4 cái chén, đốt nhang, đèn rồi mời họ hàng, bà con lối xóm lân cận đến cùng cúng. Sau khi rót 3 lần rượu, trà cúng, những người đứng cúng gắp thức ăn để vào chén, đổ trà rượu vào rồi đem ra sân đổ cạnh hàng rào, mời “ma quỷ” đưa ông bà họ về nhà ăn và ở lại suốt 3 ngày cúng, để đưa giúp ông bà tổ tiên họ trở lại nơi cũ. Buổi sáng gọi là “cúng tiếp đón”. Buổi chiều, họ lại cúng linh hồn ông bà, tắm rửa, thay quần áo mới rồi mời linh hồn ông bà cùng đi vào chùa nghe sư sãi tụng kinh lấy phước, và đi xem hát múa vui chơi cho thoả thích. Những ngày này, trong tình cảm của con cháu, ông bà, tổ tiên họ như hiện diện bên con cháu, nên ai cũng phấn chấn.

Ngày cúng thứ 2, sau một ngày đêm và 1 ngày ở chùa, đến chiều họ lại đưa linh hồn người quá cố về nhà. Họ cũng làm cơm cúng và mời ông bà ở lại chơi với con cháu thêm 1 đêm nữa. Ngày thứ 3 là ngày cúng cuối cùng, mỗi gia đình lại dọn lễ vật như ngày đầu tiên và cũng mời họ hàng, lối xóm đến dự, gọi là “cúng đưa”. Khi làm các thủ tục cúng như ngày đầu, họ bới cơm, gắp thức ăn vào chén, rồi đổ vào thuyền, tàu buồm họ làm bằng bẹ chuối, mo cau để tiễn ông bà về nơi cũ. Thức ăn này họ chuẩn bị cho ông bà đi đường. Trên tàu họ treo cờ phướn hình tam giác, khắc hình cá sấu, tắc kè ở đầu và đuôi tàu để tránh tai nạn dọc đường. Họ còn để thêm bánh trái, lúa, muối, đậu, mè để ông bà và “người” đưa đường ăn được lâu.

Xong xuôi, họ đem chiếc thuyền này thả trên sông, hoặc rạch gần nhà. Sau khi đưa tàu đi, họ tiếp tục mời anh em trong gia đình, bà con lối xóm dùng cơm. Bữa cơm thân mật  có xen ca hát, tạo không khí vui vẻ, có nhà mời ông lục đến tụng kinh tạo phần long trọng, kéo dài đến chiều hoặc tối kết thúc 3 ngày lễ Đôl ta. Ngày nay, trong mối quan hệ xã hội rộng rãi, đoàn kết lâu bền giữa 3 dân tộc Kinh- Khmer- Hoa, lễ Đôn ta của đồng bào dân tộc Khmer anh em, đồng bào Kinh, Hoa trong các xóm, ấp, phum, sóc lân cận cũng được mời đến chung vui, càng thắt chặt thêm tình làng, nghĩa xóm trong tinh thần toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Lễ Đôl ta như lễ Vu lan đều được xem là nét đẹp về lòng hiếu thảo, tri ân của con cháu với ông bà, cha mẹ đang sống và đã mất.

2.7 Lễ hội Oóc – om - bok:

Lễ hội Oóc – om – bok hay còn gọi là lễ cúng Trăng được tổ chức thống nhất vào đêm 15/10 âm lịch. Các vật cúng trong lễ hội là cốm dẹp, khoai, đậu, dừa… Đồng bào phật tử tập hợp lại xung quanh sân chánh điện, chờ đến khi mặt trăng lên đến đỉnh là mọi người đều khấn vái để tưởng nhớ đến công ơn của mặt trăng. Người Khmer coi mặt trăng như là một vị thần điều tiết mùa màng, đã giúp cho họ có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đặc biệt sôi nổi nhất trong những ngày này là hội đua ghe ngo. Kể từ năm 2007, lễ hội Oóc – om – bok được nâng lên thành Ngày hội văn hóa - thể thao dân tộc Khmer tỉnh Kiên Giang đã khẳng định quy mô và chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Ngày hội có nhiều loại hình hoạt động đa dạng, phong phú được chọn lọc; kết hợp tính dân tộc, tính hiện đại, tính cộng đồng và độc đáo tạo ra một không gian đầy ắp hương vị, sắc màu đậm đà và rực rỡ của đồng bào dân tộc Khmer Kiên Giang.

Từ lâu trong tình cảm thân thiết ruột thịt, đồng bào Khmer Nam bộ nói chung, tỉnh Kiên Giang nói riêng đã trở thành một thành viên trong đại gia đình Tổ quốc Việt Nam. Sống chung trong một ngôi nhà, cùng lao động, học tập, vui chơi, cộng đồng dân tộc Khmer Nam bộ đã bảo tồn và làm phong phú thêm nền văn hóa chung qua những lễ hội dân tộc cổ truyền mà Lễ đút cốm dẹp (Ok om bok) là một trong những lễ tục sinh hoạt lâu đời nhất…

Xưa kia, người Khmer làm ruộng theo hai mùa trong năm. Mùa mưa từ 16 tháng 4 đến 15 tháng 10 âl, mùa nắng từ 16 tháng 10 đến 15 tháng 4 âl. Ngày 15 tháng 10 âl là ngày cuối mùa mưa và cũng là thời gian thu hoạch hoa màu, trong đó có lúa nếp. Vào đúng ngày này đồng bào Khmer tổ chức một lễ lớn gọi là lễ Ok om bok mang ý nghĩa mừng cơm mới vào những ngày trăng sáng. Mưa gió chấm dứt, nước từ từ rút xuống mở đầu cho một mùa khô ráo sau những ngày lao động miệt mài trên đồng ruộng, đồng thời cũng là dịp tưởng nhớ đến công ơn Mặt trăng vì theo quan niệm của người Khmer, Mặt trăng như vị thần điều tiết mùa màng giúp trúng mùa, làm ăn khá giả.

 

Múa cúng trăng - Ảnh: B.C.B

Do là lễ ăn mừng và nhớ ơn Mặt trăng nên trong lễ Ok om bok, ngoài việc tổ chức lễ cúng trăng, người Khmer còn tổ chức lễ đua ghe ngo và nhiều hoạt động vui chơi, giải trí khác.

Lễ cúng trăng ( Pithi thvay pras-chanh)

 

Lễ cúng trăng được xem là lễ chính trong Lễ hội Ok om bok. Lễ này được tổ chức đúng vào đêm rằm tháng 10 âl tại khuôn viên chùa, trong từng nhà dân hay tập trung tổ chức ở một nơi rộng rãi.

Theo tác giả Trần Văn Bổn trong “Một số lễ tục dân gian người Khmer Đồng bằng sông Cửu Long” thì, để chuẩn bị cho lễ cúng trăng, người Khmer thường làm một chiếc cổng bằng tre có trang trí hoa lá; trên cổng giăng một dây trầu gồm 12 lá trầu cuốn tròn tượng trưng cho 12 tháng trong năm và một dây cau gồm 7 trái chẻ vỏ ra như hai cánh con ong, tượng trưng cho 7 ngày trong tuần. Ngày nay lễ cúng đơn giản hơn, chỉ cần đem một cái bàn và bày lên đó các lễ vật cúng. Ngoài cốm dẹp là thức cúng bắt buộc còn có trái dừa tươi, chuối, khoai lang, bánh kẹo và trái cây… Buổi tối chuẩn bị xong, mọi người trải chiếu ngồi chắp tay quay mặt về phía Mặt trăng để chờ làm lễ. Đúng lúc Mặt trăng lên cao tỏa ánh sáng vằng vặc thì đốt nhang đèn, rót trà, mời vị sư làm chủ lễ. Ông khấn vái nói lên lòng biết ơn của bà con đối với Mặt trăng, xin Mặt trăng tiếp nhận những lễ vật do bà con dâng cúng; ban cho mọi người sức khỏe dồi dào, cho mưa thuận gió hòa, cho năm tới trúng mùa, cho cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Đó là mong ước ngàn đời không chỉ của riêng đồng bào dân tộc Khmer mà còn là ước vọng chính đáng của các dân tộc, của nhân loại.

Cúng xong, ông chủ lễ tập trung trẻ em lại ngồi xếp bằng, chắp tay nhìn về hướng Mặt trăng. Ống lấy cốm dẹp và các đồ cúng khác, mỗi thứ một ít đút vào miệng bọn trẻ rồi hỏi chúng ước gì. Bọn trẻ sẽ nói ước nguyện của mình và ông khuyên dạy chúng phải chăm ngoan, học hành giỏi giang để giúp ích cho đời… Xong thủ tục này, mọi người vừa ăn uống, vừa múa hát vui chơi đến khuya.

 

Lễ đua ghe ngo (pithi ôm tuôk ngô)

 

Vào đúng ngày rằm tháng 10 âl trên những dòng sông mênh mang, giàu phù sa của vùng đất Nam bộ thường vang lên những tiếng hát, tiếng reo hò của hàng chục ngàn người say mê cổ vũ cho cuộc đua ghe ngo truyền thống.

Chiếc ghe ngo thường được làm bằng cây sao hình thù tựa như con rắn, mình thon thon, thoai thoải về hai phía; đầu ghe ngo uốn cong và thấp hơn sau lái một chút. Ghe ngo có nhiều cong và có cây cột cặp chặt ở đáy nối dài từ đầu tới lái, người Khmer gọi là đon xanh touch (cây cần câu). Cây này được làm bằng cây tràm vừa bền, vừa có độ nhún giúp ghe được vững và nhảy vọt. Trên cong đóng nhiều thanh cây ngang dài độ 1,2m vừa để cho hai người ngồi bơi thoải mái theo từng cặp song song. Ghe ngo thường có từ 52 đến 54 chỗ ngồi cho người ngồi bơi và chỉ huy. Thân ghe ngo được sơn màu đen, trên be sơn vệt màu trắng hay vàng hoặc đỏ. Hai bên vẽ hoa văn Khmer hoặc vẩy rồng, rắn. Đầu ghe vẽ hình con thú biểu tượng cho chiếc ghe ngo của chùa mình. Ghe ngo do địa phương hỗ trợ một phần kinh phí, phần còn lại bà con trong phum sóc đóng góp công sức, tiền bạc tạo nên và được bảo quản rất cẩn thận trong chùa. Mỗi năm ghe ngo được đưa xuống nước một lần vào dịp lễ hội Ok om bok. Vì vậy người ta tổ chức lễ hạ thủy rất công phu, ngoài lễ cúng, người Khmer còn tập trung tập dượt rất cẩn thận và siêng năng. Người được chọn để bơi phải là trai tráng khỏe mạnh, quen bơi và bơi có nghệ thuật (Ngày nay môn đua ghe ngo không còn là môn thể thao độc quyền của nam giới mà nữ giới cũng tham gia tranh tài). Trước cuộc đua, họ tập bơi trên cạn cho đều tay và đúng nhịp sau đó mới tập bơi dưới nước. Người ngồi mũi chỉ huy phải là người có uy tín trong phum sóc.

Đã thành lệ, từ nhiều năm nay đúng vào rằm tháng 10 âl trên dòng sông Cái Lớn huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang thường diễn ra cuộc đua ghe ngo rất sôi nổi hào hứng của hàng ngàn tay đua đến từ các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Từ năm 2007, Lễ hội Ok om bok được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chấp thuận nâng lên tổ chức thành Ngày hội Văn hóa-Thể thao dân tộc Khmer tỉnh Kiên Giang. Địa điểm tổ chức vẫn diễn ra tại huyện Gò Quao- nơi có đông bà con dân tộc Khmer của tỉnh.

Có dịp đến Kiên Giang mùa lễ hội Ok om bok du khách sẽ được tắm mình trong không khí lễ hội vui tươi mang đậm tình đoàn kết của ba dân tộc anh em Kinh, Hoa, Khmer đã và đang chung lưng đấu cật xây dựng mảnh đất Kiên Giang ngày càng giàu đẹp.Về với vùng sông nước miền Tây, với sông Cái Lớn, du khách như được rũ bỏ bụi bặm, ồn ào nơi phố thị và tạm quên đi những toan tính thường nhật để có ba ngày du lịch lễ hội, được hò hét cổ vũ cho cuộc đua ghe ngo tưng bừng náo nhiệt. Rồi được tham gia lễ cúng trăng, thưởng thức cốm dẹp và các món ăn dân dã mang đậm dấu ấn và truyền thống văn hóa của đồng bào Khmer Nam bộ, Kiên Giang và huyện Gò Quao. Đêm rằm trăng sáng lấp lóa dòng Cái Lớn, nếu là người thích tìm tòi, bạn sẽ được kể cho nghe chuyện ông Tư Nhà Mới- Thủy thần trên sông Cái Lớn. Rời cuộc đua ghe ngo, mời bạn tiếp tục hòa mình vào không khí thi đấu quyết liệt trên sân bóng đá, bóng chuyền, các trò chơi dân gian hay thi làm giàn thủy lục. Bạn cũng đừng quên đi xem gian hàng trưng bày, triển lãm các hình ảnh, hiện vật, tư liệu về văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer Kiên Giang để hiểu thêm về vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Trước khi ra về xin hãy tự thưởng cho mình hoặc mua tặng cho người thân các món quà xinh xắn dễ thương được làm bằng lục bình - sản phẩm thủ công tiêu biểu ở xứ này.

2.8 Lễ Phật đản

Lễ Phật đản là lễ trọng của đạo Phật, diễn ra hằng năm vào ngày Rằm tháng 4 (ÂL) theo truyền thống Phật giáo để kỷ niệm ngày xuất thế và tưởng nhớ Đức Thế Tôn - người khai sáng đạo Phật. Đức Phật có tên thật là Tất Đạt Đa, là thái tử con vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Mada, thuộc bộ tộc Thích Ca, nước Ấn Độ cổ đại. Đại lễ Phật đản được lưu truyền từ ngàn xưa cho đến nay, trước kia một số nước ở Châu Á như: Trung Quốc, Nhật Bản…đều làm lễ Phật đản vào ngày 8 tháng 4 âm lịch nhưng đến năm 1950 tại Hội nghị Phật giáo thế giới tại Sri-lan-ca đã quyết nghị lấy ngày trăng tròn đầu mùa hạ (ngày 15 tháng 4 âm lịch) làm ngày kỷ niệm Phật đản chính thức.

 

 

Ảnh minh họa

 

Theo thông lệ, hằng năm cứ đến ngày này hầu hết các nước có Phật giáo và những người con Phật đều long trọng tổ chức kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời. Từ năm 1999, Lễ Phật đản đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là ngày lễ hội văn hoá tâm linh thế giới, lễ Phật đản là một trong ba lễ cấu thành Lễ Tam hợp mà Liên Hiệp Quốc gọi là Vesak (lễ Phật đản sinh, lễ Phật thành đạo và lễ Phật nhập Niết bàn).

 

Ở Kiên Giang, lễ Phật đản từ lâu đã trở thành lễ hội lớn của dân tộc, được Giáo hội Phật giáo tổ chức một cách trang trọng. Nhiều người hay gọi ngày Phật đản là “Mùa Phật đản” để hoà chung niềm vui cùng mọi người trên khắp thế giới kinh mừng ngày Đức Phật ra đời. Đây cũng là dịp để khích lệ truyền thống văn hoá Phật giáo đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đồng thời thể hiện rõ chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta nên được tổ chức long trọng, thu hút rất nhiều người tham gia, kể cả những người không có tín ngưỡng Phật giáo.

 Lễ Phật đản của hệ phái Nam tông là lễ tam hợp, có ý nghĩa kỷ niệm 03 ngày trọng đại nhất của đức Phật thích Ca Mâu Ni. Ba ngày ấy là kỷ niệm ngày Phật đản sinh, ngày đức Phật thành đạo và ngày đức Phật nhập niết bàn. Trong Phật giáo Nam tong Khmer, lễ Phật đản là một lễ rất quan trọng. Lễ được tổ chức một ngày để nghe các vị sư đọc kinh, nghe thuyết pháp giảng đạo.

 

2.9 Lễ giỗ 4 nhà sư liệt sĩ

Cứ vào ngày 10/6 dương lịch hàng năm, tại Tháp 4 sư, nằm ở xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành các vị sư sãi ở các nơi trong tỉnh tập trung về tiến hành làm lễ cầu siêu cho 4 vị sư người Khmer: Danh Hùng, Danh Hom, Danh Tấp, Danh Hoi đã hy sinh anh dũng trong cuộc biểu tình chống Mỹ và bọn tay sai vào năm 1974 tại Rạch Giá. Cuộc biểu tình đã gây nên tiếng vang lớn làm cho địch hết sức hoang mang và không dám bắt sư sãi đi lính nữa. Tháp 4 sư liệt sĩ đã được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đây là lễ hội truyền thống cách mạng lớn nhất của đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh.

2.10 Lễ hội Nghinh Ông – Lại Sơn – Kiên Hải

Vùng biển đảo xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải (Kiên Giang) có nhiều bãi tắm đẹp với nhiều khối đá tròn và những hàng dừa xanh cao vút nghiêng mình trên mặt biển xanh. Nơi đây có tục thờ Cá Ông từ thế kỷ 19, gắn liền với di tích Dinh Ông được xây dựng trên bãi Thiên Tuế…

Đình Thần Nam Hải Đại tướng quân (Lăng Ông Nam Hải) tọa lạc tại ấp Thiên Tuế, xã Lại Sơn, cách trung tâm huyện Kiên Hải khoảng 30 km về hướng Tây Nam. Nếu đi bằng đường thủy từ Bến tàu Rạch Giá đến xã Lại Sơn mất khoảng 4 giờ. Nếu đi ca nô mất 1 giờ 30 phút. Lễ hội Nghinh Ông là một nét đẹp văn hóa của người dân đất đảo Lại Sơn – Kiên Hải được tổ chức long trọng, trang nghiêm hàng năm vào ngày 15 – 16 tháng 10 (âm lịch) để bày tỏ sự tri ân, sự phù trợ của cá Ông và các vị tiền nhân đã có công khi mở đất này. Tập tục thờ cá Ông là nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của cư dân miền duyên hải, lễ cúng cá Ông ở Lại Sơn tồn tại hơn 100 năm. Theo truyền thuyết, tục thờ cá Ông được xuất phát từ tín ngưỡng của dân tộc Chăm: "Vị thần tên là Cha-aih-va, vì quá nôn nóng trở về xứ sở sau thời gian khổ luyện phép thuật, đã cãi lại thầy của mình và tự ý biến thànhcáVoi.

Từ đó, mỗi khi có thuyền lâm nạn vị thần đều nâng đỡ và đưa người lâm nạn vào bờ". Truyền thuyết dân gian của dân tộc Kinh thì cho rằng: "Cá Voi do Phật Quan Âm Bồ Tát xé chiếc áo cà sa thành muôn mảnh thả trên mặt biển để cứu vớt chúng sinh.

Trong lịch sử triều Nguyễn có ghi lại: Khi Chúa Nguyễn Ánh bôn tẩu ngoài đảo Phú Quốc (Kiên Giang) bị bão lớn, thuyền sắp đắm, ông đã cầu nguyện và được cứu thoát nạn. Sau khi phục quốc lên ngôi, vua Gia Long (tức Chúa Nguyễn Ánh) phong cho cá Voi là "Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Thượng Ðẳng Thần".

Những người dân vùng ven biển tôn vinh cá Ông (cá Voi) thành một vị thần rất đỗi thiêng liêng, là chỗ dựa tinh thần mỗi khi gặp sóng to gió lớn, thuyền bị đắm.

 Đây cũng là loại hình lễ hội cầu ngư, cầu cho mưa thuận gió hòa, làm ăn trên biển thuận lợi, là dịp để bà con tổng kết lại những chuyến đi biển trong năm. Phần lễ là lễ cúng thỉnh (cung nghinh) các vị thần. Lễ Nghinh Ông và Chánh tế được tiến hành với sự tham gia đông đảo của tất cả ngư dân trên đảo. Ngoài ra, phần hội còn có các trò chơi dân gian như bịt mắt đập niêu, đua xuồng chèo, kéo co, thi ẩm thực với các món ăn miền biển, đờn ca tài tử. Ðến với lễ hội, du khách còn được thưởng thức các tiết mục: Võ thuật, múa lân, hát Bội... cùng với nhịp điệu hoà âm của chiêng, trống trong khói hương nghi ngút.

Lễ hội Nghinh Ông là dịp cho ngư dân cầu mong bình yên khi đi biển, đánh bắt được nhiều tôm cá, cuộc sống được no ấm thịnh vượng, hạnh phúc trường tồn. Lễ hội Nghinh Ông còn là nơi cho mọi người tưởng nhớ đến việc báo nghĩa, đền ơn, uống nước nhớ nguồn.

 Hơn 3.000 lượt người tham dự Lễ hội nghinh Ông tại Kiên Giang

2.11 Tết  cổ truyền

Có người đã nhận xét rất xác đáng, đại ý rằng Tết bây giờ-Tết thời hiện đại-chỉ còn mang ý nghĩa là một “sự kiện” vì nó đang mất dần tính truyền thống. Và vì thế, Tết cũng đang ít nhiều giảm đi ý nghĩa thiêng liêng của nó. Đầu năm, gợi lại chút nét xưa không hẳn là hoài cổ, mà là để những người trẻ tuổi và bạn bè năm châu hiểu thêm về những giá trị của ngày Tết cổ truyền của con người Kiên Giang…

Nếu làm một liệt kê về những phong tục, tập quán thì thật không dễ, vì rất rất nhiều. Ở đây chỉ điểm lại vài nét chính mà thôi.

 Lì xì

Tết là thời điểm đánh dấu sự kết thúc của một chu kỳ trong vòng tuần hoàn bất tận của thời tiết, ở đây là bốn mùa trong năm. Đồng thời, là điểm khởi đầu cho một “chuyến hành trình” dài 365 ngày mới của trái đất trong vũ trụ, của con người trong thiên nhiên. Tất thảy thời gian một năm mới đang chờ đợi con người ở phía trước. Vì là tương lai, cho nên người ta không dám chắc mọi chuyện đều diễn ra suông sẻ, tốt đẹp. Cho nên Tết là thời điểm thích hợp nhất để gia đình sum họp. Đây là một dịp hiếm hoi để mọi thành viên trong từng gia đình định hướng cho công ăn, việc làm,… vào năm mới. Sự định hướng đó luôn trên cơ sở của việc nhìn nhận, đánh giá lại những thành, bại của năm cũ. Có như vậy mới mong tránh được những sai lầm trong thời gian sắp tới. Không chỉ là chuyện làm ăn, mỗi thành viên trong gia đình, tuỳ theo vai vế và tuổi tác sẽ bày tỏ những  mong ước riêng. Người lớn, nhất là người cao tuổi, luôn mong muốn mình sống được lâu hơn để nhìn thấy con mình thành đạt trên đường đời, bầy cháu thơ dại mau chóng trưởng thành. Trẻ con thì mong cho cha mẹ, ông bà khoẻ mạnh (để có chỗ dựa tinh thần), mong cho mình mau khôn lớn, bằng chị, bằng anh để được tự lập và thực hiện những mơ ước của mình. Từ đó, Tết xưa mới có tục “lì xì” và mừng tuổi.

Bản thân của từ này đã chỉ ra rằng nó có nguồn gốc từ tiếng Hoa. Tục lệ lì xì vào ngày Tến cổ truyền du nhập vào nước ta từ xa xưa. Do ý nghĩa của nó nên được người Việt chấp nhận và Việt hoá dần cho đến ngày nay. Duy chỉ có cái tên là không thay đổi. Lì xì là một hình thức người (đối tượng) này gửi gắm tình cảm, kỳ vọng vào người (đối tượng) kia nhân dịp đầu năm mới. Thông thường thì những người ngang hàng (đồng vai vế) không lì xì cho nhau, mà chỉ có người lớn, người bề trên mới lì xì cho người dưới. Tết đến, đối tượng được lì xì nhiều nhất là trẻ em.

Sáng sớm ngày mùng Một Tết là thời điểm thích hợp để lì xì. Ở các gia đình “tam đại đồng đường” (ba thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà) xưa kia, việc lì xì diễn ra thành hai đợt. Đầu tiên là các cháu sẽ đến mừng tuổi ông bà để được nhận lì xì. Kế đến là con cái mừng tuổi cha mẹ. Cuộc lì xì diễn ra nhanh chóng, vui vẻ và vô cùng ấm cúng. Người lớn sẽ ngồi trang trọng trên một chiếc ghế, con cháu đứng sắp hàng ngang trước mặt để mừng tuổi. Tuỳ theo vai vế trong gia đình cao hay thấp mà tuần tự từng người sẽ đứng ra mừng tuổi ông bà, cha mẹ, người vai vế cao nhất trong bầy con cháu luôn là người đầu tiên.

Người mừng tuổi sẽ bước lên trước mặt người lớn để nói câu chú đã học nằm lòng: “Năm cũ bước qua năm mới, con chúc cho ông(hoặc: bà, cha, mẹ) sống bách niên giai lão”. Sau câu chúc đó, người được mừng tuổi sẽ rút bao lì xì (thường được làm bằng giấy màu đỏ, bên trong đượng ít tiền mới) để tặng lại con cháu xem như ban cho cái lộc có thể mang đến cho người nhận sự may mắn suốt năm.

  Chia sẻ sản vật cho nhau

Ngày trước, khi mà nền kinh tế nông nghiệp còn mang nặng tính tự cấp, tự túc, người dân vùng nông thôn Kiên Giang thường có tập quán chia sẻ với nhau những sản vật thu hoạch được.

Chia thịt

Vào mấy ngày giáp Tết, trong một xóm thường có vài nhà làm heo để “chia”. Chia ở đây không phải là tặng không, nhưng cũng khác với bán. Nếu bán là trao hàng, lấy tiền ngay thì kiểu chia thịt lại mang tính đổi chác hàng hoá.

Người ta chọn ra một hoặc hai con heo to nhất trong chuồng để làm thịt. Vào đêm hôm trước, người chủ nhà đã đi khắp xóm báo tin về việc chuẩn bị làm thịt con heo của mình để mọi người  chuẩn bị sáng sớm đến chia thịt về nhà ăn Tết. Heo được làm vào lúc gần sáng, đến hừng đông thì xong. Sáng ra, người trong xóm bắt đầu kéo đến chia thịt. Thịt được cắt, cân và giao cho mọi người theo yêu cầu. Nếu ai có tiền thì trả trước cũng được. Nhưng nếu chưa có tiền mặt thì người chủ sẻ ghi vào sổ và tính bằng lúa. Đấn mùa vụ thu hoạch mới, người chủ thịt sẽ đến từng nhà thu lúa về theo trị giá ngay thời điểm chia thịt. Việc chia thịt không chỉ diễn ra trong thời gian giáp Tết, mà còn suốt trong năm, nhất là vào giai đoạn thời tiết không thuận lợi cho việc tìm thực phẩm (chủ yếu là cá) trên đồng.

“Đi Tết”

Đi Tết là một nét đẹp khác trong tập quán của người dân Kiên Giang. Ý nghĩa của nó là tặng nhau quà cáp nhân dịp xuân về, Tết đến.

Ai có gì xem là quí và có ý nghĩa thì tặng nấy. Chủ yếu cũng là các loại nông sản, thực phẩm thu hoạch được sau vụ mùa cuối năm cũ. Món quà phổ biến nhất là bánh tét và bánh phồng nếp. Đây là những món tự làm từ nguồn thực phẩm (nếp,  đậu, chuối, thịt heo,..) cây nhà lá vườn. Nhà ai cũng quết bánh phồng, gói và nấu bánh tét. Đêm giáp Tết, trong cái không khí se lạnh còn vươn lại của mùa gió bấc, cả nhà quây quần bên bếp lửa hồng chụm bằng củi nấu bánh tét rất vui. Thường thì trẻ con không thể chờ được cho đến khi bánh chín, mà chỉ còn người phụ nữ trong nhà thức gần suốt đêm để canh lửa và châm thêm nước cho đến lúc vớt ra. Sáng sớm hôm sau, nhà ai cũng cho bánh vào giỏ mang đi biếu bà con, người thân, bạn bè. Nhà nào cũng vậy.

Ngoài bánh, người ta còn đi Tết những sản vật khác như cá (cá đồng loại to vừa chụp đìa xong), khô (chủ yếu là khô cá sặc rằn, loại có thể dùng làm thức nhấm với rượu đế, nhưng cũng dùng để uống với trà),…

Những quà biếu đơn sơ nầy thật sự là cả tấm lòng của người tặng. Nó thể hiện cái thảo (mà người dân Nam bộ hay gọi là “thảo ăn”) và sự tôn trọng đối với người nhận.

  Lời Kết

Ngoài ra, còn nhiều phong tục, tập quán khác được thể hiện trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc mà báo chí, sách vở đã nhắc đến nhiều, ở đây không nhắc lại. Chỉ vài nét vừa kễ cũng thấy Tết trước đây vài mươi năm so với bây giờ đã khác. Những phong tục, tập quán thì vẫn có hình thức gần giống như vậy, song mục đích và ý nghĩa đã bị thay đổi đi nhiều. Lì xì và đi Tết dần trở thành cơ hội để người ta mưu cầu những lợi ích riêng, nhất là đối với người chủ của món quà là cán bộ, công chức ở cơ quan Nhà nước (đến nổi Chính phủ, chính quyền tỉnh phải lên tiếng và có chỉ thị điều chỉnh về vấn đề này). Ngoài xã hội, ngay cả với trẻ em hiện nay, lì xì cũng mặc nhiên trở thành cơ hội để kiếm thật nhiều tiền. Đã có không ít chuyện dở khóc, dở cười khi trẻ em…chê người lớn tại sao tiền trong phong bì lì xì quá ít.  

 Chia thịt là một hình thức giúp đở nhau rất hay của người nông dân Kiên Giang, khi mà nền kinh tế hàng hoá chưa phát triển, việc tiêu thụ nông sản là hết sức khó khăn, trong khi mức sống của người dân chưa cao, thu nhập thấp. Ngày nay hình thức này hầu như không còn tồn tại nữa do kinh tế của từng gia đình ở nông thôn đã khá hơn nhiều.

 

Phần kết

Đánh giá về phát triển du lịch lễ hội dân gian

Những điểm mạnh

Qua quá trình nghiên cứu có thể nhận định một số điểm mạnh đối với du lịch lễ hội dân gian Kiên Giang như sau: Các lễ hội còn giữ được nguyên vẹn giá trị truyền thống; mỗi lễ hội đều có những nét văn hóa đặc sắc riêng; lễ hội diễn ra ở các mùa trong năm; địa bàn diễn ra lễ hội tiếp cận khá dễ dàng; người dân nơi tổ chức lễ hội thân thiện, mến khách, v.v.

 Những điểm yếu

Du lịch lễ hội dân gian Kiên Giang còn có những hạn chế như sau: đội ngũ lao động du lịch còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; tình trạng mất trật tự, các tệ nạn xã hội trong lễ hội; khâu quản lý, điều tiết lượng khách đến lễ hội còn hạn chế gây ách tắc giao thông; giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng cao vào mùa lễ hội; cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ mùa lễ hội còn hạn chế; ý thức của người đi lễ hội và cả người dân địa phương đối với vấn đề an ninh trật tự và bảo vệ môi trường chưa tốt; lễ hội chưa được “chế biến” thành sản phẩm du lịch thực sự; công tác thống kê, cung cấp các thông tin du lịch liên quan đến lễ hội còn kém; hàng lưu niệm ở nơi diễn ra lễ hội chưa đa dạng và đặc sắc; tinh thần thi đấu trò chơi trong lễ hội còn quá nặng chuyện ăn thua làm mất không khí vui tươi, trong sáng, thiêng liêng của buổi hội, v.v.

Những cơ hội

Việc phát triển du lịch lễ hội dân gian Kiên Giang có những cơ hội như sau: khách du lịch quốc tế và nội địa đến vùng vì mục đích lễ hội không ngừng gia tăng; Nhà nước ta có những chủ trương, chính sách và tạo điều kiện để hoạt động lễ hội diễn ra thuận lợi; sự phát triển ngày càng nhanh chóng của cơ sở hạ tầng và cở sở vật chất kỹ thuật; lễ hội được xác định là sản phẩm du lịch đặc trưng trong “Đề án Phát triển du lịch Vùng đến năm 2020”;

Những thách thức

Du lịch lễ hội dân gian cũng như các loại hình du lịch khác ở Kiên Giang bên cạnh những cơ hội còn có những thách thức tiềm ẩn: tình trạng ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu; bị cạnh tranh và thay thế bởi các sản phẩm du lịch đặc trưng khác ở Vùng: du lịch sinh thái, du lịch tìm hiểu văn hóa, du lịch tham quan miệt vườn, sông nước, du lịch cộng đồng, du lịch tham quan di tích lịch sử, cách mạng, du lịch thương mại, công vụ; sự tác động của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, v.v.

 Một số kiến nghị về khai thác lễ hội dân gian nhằm phát triển du lịch Kiên Giang

- Một trong những nhân tố góp phần tạo nên sự thành công trong hoạt động kinh doanh du lịch là yếu tố con người. Đối với Kiên Giang, nguồn nhân lực du lịch hiện còn “mỏng” về số lượng và chất lượng cũng còn thấp. Yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay cho Vùng là cần đào tạo đội ngũ lao động theo hướng nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ, đồng thời bổ sung thêm nhân sự cho ngành. Cần chú ý tuyển dụng và đào tạo đội ngũ lao động du lịch tại các điểm du lịch nói chung, các điểm du lịch gắn với lễ hội nói riêng những người địa phương nhằm tạo công ăn việc làm cho họ và đảm bảo công tác thuyết minh, hướng dẫn cho du khách được tốt hơn.

- Phải tiếp tục xây dựng, mở rộng mạng lưới đường giao thông để tiện cho việc tiếp cận điểm đến của du khách và việc tổ chức lễ hội được tiện lợi. Vào mùa lễ hội nên khai thác nhà ở của dân để phục vụ nhu cầu lưu trú của khách, nhưng phải đảm bảo an toàn và vệ sinh. Cho du khách có cơ hội tiếp cận để tìm hiểu văn hóa, lối sống của người dân đồng thời được thưởng thức các món ăn dân tộc.

- Cần xây dựng mô hình du lịch cộng đồng người Khmer nhằm kết hợp khai thác văn hóa dân tộc với lễ hội dân gian hiệu quả hơn. Trong thời gian diễn ra lễ hội, ở phần trò chơi dân gian có thể cho du khách cùng tham gia nhằm tạo sự phấn khởi và để lại kỷ niệm về chuyến đi trong lòng du khách.

- Tăng cường đội ngũ cán bộ để bảo vệ, tuần tra nhằm đảm bảo an toàn và an ninh cho du khách, đồng thời kiểm soát các hoạt động có khuynh hướng mê tín dị đoan trong dịp diễn ra lễ hội. Tiến hành phân luồng giao thông để tránh tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn có thể xảy ra vào những ngày chính lễ. Thanh tra, kiểm tra để tránh tình trạng tăng giá vào mùa lễ hội.

- Xây dựng băng đĩa ghi lại nội dung về hoạt động lễ hội nhằm quảng bá và giới thiệu đến du khách; trên các hàng lưu niệm cần khắc tên địa điểm diễn ra lễ hội và lấy biểu tượng, hình ảnh liên quan đến lễ hội làm dấu tích.

- Giới thiệu thời gian, địa điểm diễn ra lễ hội trên các phương tiện thông tin đại chúng, các sách hướng dẫn, tờ rơi, tờ bướm, v.v, để du khách có thể tham gia lễ hội được dễ dàng, tiện lợi. Cần tiến hành thống kê hoạt động du lịch lễ hội dân gian Vùng.

- Giáo dục người dân ý thức trong việc bảo vệ môi trường, đồng thời trang bị các dụng cụ chứa đựng rác và nhắc nhở du khách giữ gìn vệ sinh môi trường nơi diễn ra lễ hội.

Tóm lại, lễ hội dân gian được coi là “bảo tàng sống” chứa đựng các giá trị văn hóa - lịch sử phong phú của từng dân tộc, đã trở thành một nhu cầu sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống của đồng bào các dân tộc. Lễ hội dân gian chính là kho tàng di sản văn hóa vô giá nên cần được giữ gìn và phát triển.

 

 

http://hatienmenyeu.travelblog.fr/173446/Tao-272-an-Chieu-Anh-Cac-Ha-Tien/

http://www.kiengiangvn.vn/portal/index.php?pageid=280&topicid=48&pagenum=1

http://vi.wikipedia.org/wiki/L%E1%BB%85_K%E1%BB%B3_y%C3%AAn

http://lehoi.cinet.vn/Pages/ArticleDetail.aspx?siteid=1&sitepageid=318&articleid=1774

http://www.sugia.vn/index.php?mod=news&nid=291&cpid=3&view=detail

http://vn.360plus.yahoo.com/phapcukinh/article?mid=143&fid=-1

http://www.kiengiang.gov.vn/index2.jsp?menuId=429&articleId=6925

http://www.kiengiang.gov.vn/index2.jsp?menuId=429&articleId=7142

http://www.kiengiang.gov.vn/index2.jsp?menuId=429&articleId=1702

 

 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro