Nguyenconghung

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trong buổi ghi hình chương trình Người đương thời của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV - dự kiến phát hình lúc 20g00 Chủ nhật 2-10), ngoài nhân vật chính là Hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng còn có Thảo Vân (em gái Hùng) và những người bạn khuyết tật đến từ Trung tâm tin học-ngoại ngữ Nhân Đạo do Công Hùng làm giám đốc tại xã Đoài, Nghi Lộc, Nghệ An.

Bác sĩ Lê Đức Tố - từng là nhân vật của chương trình Người đương thời, người được gọi bằng cái tên trìu mến "Ông tiên của trẻ khuyết tật" vì đã thực hiện hơn 20.000 ca phẫu thuật chỉnh hình miễn phí cho các em nhỏ - từ TP.HCM cũng được mời tham dự. Theo đề nghị của nhà báo Tạ Bích Loan, bác sĩ Tố đã khám bệnh tại chỗ cho Hùng và các bạn. Bác sĩ Tố cho biết, ông sẽ về xã Đoài khám kỹ hơn, nhưng xem qua tại chỗ thấy một số trường hợp có thể phẫu thuật được; riêng trường hợp của Hùng, ông bùi ngùi nói: "Theo dõi những ca bệnh như của Hùng, tôi thấy bệnh nhân chỉ có thể sống được đến 12 tuổi". Câu nói đã khiến cả phim trường lặng đi, nhưng Hùng bất ngờ lên tiếng: "Bác ơi thế là cháu đã sống dài gấp đôi rồi. Cháu biết bệnh của cháu".

- "Bệnh của em là gì vậy?", MC Tạ Bích Loan hỏi.

Hùng nói ngay: "Dạ, đó là bệnh... bó tay chấm com".

Câu nói hài hước của Hùng làm bừng lên những tràng vỗ tay tán thưởng và những giọt lệ long lanh lăn tròn trên nhiều đôi mắt. Hùng nhận được rất nhiều hoa của bạn bè và học trò. Nhân dịp này, ông Trịnh Xuân Mận, Giám đốc Liên hiệp khoa học sản xuất phát triển miền Trung, trao tặng Hùng một máy tính xách tay HP mới tinh mà bạn đã ao ước bấy lâu. Tạ Minh Phương, biên tập viên chương trình, thốt lên: "Chưa mấy khi phim trường S10 có nhiều khán giả như buổi thu hình này". Các bạn của Hùng từ Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Tây, Thanh Hoá kéo lên... Những người khuyết tật bạn Hùng tìm thấy niềm khích lệ, động viên họ trong sự thành công của Hùng, và xem đó là niềm tự hào của chính bản thân họ.

Trước khi ra Hà Nội, Hùng báo tin trên mạng conghung.com, thế là bè bạn khắp nơi đòi Hùng gửi giấy mời cho họ đến dự buổi thu hình chương trình Người đương thời. Nhà báo Tạ Bích Loan phải một phen tá hỏa khi nghe Hùng nhỏ nhẻ đề nghị: "Chị cho em 150 vé mời". Trời đất! Cả trường quay chỉ vừa đúng 150 chỗ ngồi. Lại một lần nữa - lần trước tại buổi lễ tôn vinh Hiệp sĩ CNTT 2005 của Tạp chí e-CHÍP tại Nhà Hát Lớn, Hà Nội - rất nhiều người yêu quý và ngưỡng mộ Hùng không được dịp thỏa lòng; trong đó có những bạn chỉ gặp gỡ Hùng qua Internet, những đã được Hùng hướng dẫn, giúp gỡ mối tơ "tin học" qua những lá thư điện tử. Đối với họ, Công Hùng là người đã truyền cho họ ngọn lửa của niềm tin, ngọn lửa tình yêu cuộc sống. Thực không dễ dàng đùa cợt với số phận nghiệt ngã mà thản nhiên gọi căn bệnh quái ác của mình một cái tên hài hước "bó tay chấm com" như Hùng. "Người truyền lửa" đã vượt qua nỗi ám ảnh của bệnh tật với đam mê cống hiến và tinh thần vị tha.

Chuyện một "bác sĩ" bị bại liệt

PHÚ CƯỜNG - ĐĂNG KHOA

Dưới đây là câu chuyện về một người bại liệt, mất khả năng vận động nhưng vẫn đầy nghị lực, tự học hỏi và vươn lên để trở thành một "bác sĩ" chuyên chữa trị cho những chiếc máy tính bị "hắt hơi sổ mũi" của người dân xã Đoài, Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Xã Đoài là một vùng quê thanh bình, cách thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An chừng 10km. Đa số dân ở Xã Đoài theo đạo Thiên Chúa. Ở xã Đoài có Đại Chủng viện Vinh Thanh - nơi hàng năm vẫn đón nhận các tu sinh đến học lớp dự bị Đại Chủng viện. Thư ký Đại Chủng viện Vinh Thanh là linh mục Trần Xuân Nhàn. Ông chính là chỗ dựa tinh thần cho Nguyễn Công Hùng - 21 tuổi, nhân vật chính của bài viết này cũng như các trẻ em khuyết tật khác trong xã.

Chúng tôi đã liên hệ với linh mục Nhàn để nhờ hướng dẫn đi thăm Trung tâm Khuyết tật xã Đoài - một căn nhà hai tầng khang trang, nằm bên cạnh con đường độc đạo dẫn vào xóm 7, xã Đoài. Căn nhà này do ông Nguyễn Công Lịch, cha của Hùng xây nên. Lúc đầu nó là nhà riêng nhưng sau đó nghe lời linh mục Nhàn, ông Lịch đón nhận thêm một số trẻ em khuyết tật khác về nuôi dưỡng. Mỗi đứa trong số những trẻ này thiếu hụt một phần cơ thể nhưng nhờ được sống bên nhau nên chúng đã bổ sung những phần thiếu hụt cho nhau và cảm thấy mình không hề đơn độc.

Nguyễn Công Hùng sinh ra vốn khỏe mạnh cho đến năm hai tuổi gặp một cơn sốt, bị bại liệt, mất khả năng vận động. Đi học tới năm 12 tuổi, Hùng phải nghỉ học vì quá ốm yếu. Lần đầu tiên gặp Hùng, chúng tôi không tin vào mắt mình. Đó là một thanh niên "dẹp lép" ngồi trên sàn nhà, thân hình chỉ còn da bọc xương, tứ chi teo tóp. Hùng không thể tự ngồi mà phải có hai chiếc gối làm "giá đỡ". Tuy chân của Hùng đã mất khả năng vận động nhưng may thay, hai tay của cậu vẫn còn hoạt động được.

Ông Nguyễn Công Lịch kể: "Năm Hùng học lớp Bảy, gia đình chúng tôi liên tục phải đưa cháu đi cấp cứu vì tình trạng sức khỏe rất tồi tệ. Nhiều lần tưởng Hùng đã vĩnh biệt cuộc đời này... Sau đó, sức khoẻ của Hùng giảm sút tới mức không thể đi học tiếp. Thương con, tôi mua đầu video cho nó xem, nó xem mãi rồi chán. Tôi đi tìm mua máy chơi game... Thế rồi một hôm, cháu đề nghị: "Xem trên TV thấy máy tính hay quá, cha mua cho con nhé". Lúc đó, tôi vẫn nghĩ máy tính là thứ xa vời quá. Tôi hỏi ý kiến linh mục Nhàn, cha động viên cứ mua, có gì cha sẽ giúp. Thế là tôi bán hết đầu video, máy chơi game và nhờ người thành thạo ra Hà Nội mua máy tính về cho cháu. Tôi còn nhớ đó là ngày 2/9/2001. Cháu Hùng "mê" vi tính từ đó. Hàng ngày từ 6 rưỡi sáng đến 23 giờ đêm, Hùng "dính chặt" vào chiếc máy tính. Người ngủ, máy mới ngủ. Những ngày xã Đoài mất điện, có lẽ Hùng là người buồn nhất...". Ông Lịch còn bảo: "Một điều kỳ diệu đã xảy ra trong gia đình tôi: Từ khi có máy tính, gia đình không phải đưa cháu đi cấp cứu lần nào nữa".

Linh mục Trần Xuân Nhàn là người thầy đầu tiên dạy Hùng cách bật, tắt máy và sử dụng những chương trình ứng dụng căn bản. Song kiến thức về tin học của ông không đáp ứng nổi khao khát tìm hiểu thêm về thế giới máy tính của Hùng nên mỗi lần đi Hà Nội và TPHCM, ông lại tìm mua cho Hùng những cuốn sách và đĩa CD hướng dẫn sử dụng các phần mềm máy tính. Cuốn sách vi tính đầu tiên Hùng đọc là "Vi tính thật là đơn giản" của Dương Mạnh Hùng - một người "không chuyên", yêu tin học mà viết nên. Ngoài ra, trong số những chiếc đĩa CD mà linh mục Nhàn mua, Hùng đặc biệt thích thú bộ đĩa của Lê Hoàn và Phạm Hồng Phước do chúng chứa nhiều chương trình ứng dụng và tiện ích rất thú vị.

Sau khi được cha mua cho một chiếc modem để kết nối internet, Hùng đã tìm vào website của "chú" Lê Hoàn và hết sức khâm phục "chú" Hoàn bởi cậu biết "chú" Hoàn cũng không phải là người hoàn toàn khoẻ mạnh. Một tai nạn liên quan đến cột sống đã khiến "chú" đi lại rất khó khăn, phải có người chở nhưng "chú" đã tự học, tự nghiên cứu và đem những hiểu biết của mình về máy tính phục vụ lợi ích của cộng đồng. Hùng cũng muốn làm được một điều gì đó giống như "thần tượng" của mình.

Nhờ đọc và học từ sách, đĩa CD và một số website trên internet, Hùng tích lũy được một vốn kiến thức kha khá và trở thành "bác sĩ máy tính", chuyên chữa trị cho những chiếc máy tính bị "hắt hơi sổ mũi" của người dân xã Đoài. Chưa kể Hùng còn hướng dẫn mọi người dùng máy tính, dùng internet. Bây giờ, linh mục Nhàn là một trong những người tìm đến nghe Hùng hướng dẫn thao tác với các phần mềm mới. Rất nhiều tu sinh sau giờ lên lớp cũng đến nhà Hùng, vây quanh cậu để hỏi về cách thức sử dụng cũng như khắc phục các trục trặc của máy tính. Ủy ban Nhân dân xã cũng đã có lần phải cầu viện đến Hùng khi máy tính bị mắc "căn bệnh" lỗi font và khai báo sai thông số máy in.

Lúc chúng tôi đến thăm, Hùng đang cặm cụi thiết kế website của mình. Hai bàn tay xương xẩu chuyển động chậm chạp trên bàn phím. Cậu cho biết hai "món" ưa thích nhất của mình là thiết kế website và sử dụng Photoshop. Thấy chúng tôi quan sát hai em bé ngồi cạnh Hùng, một Thương - tuy hai bàn tay thiếu ngón nhưng vẫn thoăn thoắt gõ bàn phím, một Thắng - tuy 17 tuổi nhưng trông như một đứa trẻ 6 tuổi vì một căn bệnh lạ khiến em không thể lớn, đang sử dụng Microsoft Word và Photoshop, Thắng nhanh nhảu cho biết: "Anh Hùng dạy bọn em đấy".

Ông Nguyễn Công Lịch tâm sự: "Trước đây, cháu rất mặc cảm, ngại tiếp xúc với mọi người. Nhưng từ khi sử dụng thành thạo máy tính, có nhiều người tìm đến học hỏi, cháu đã tự tin hơn".

Hùng bộc bạch với chúng tôi: "Có những lúc gặp một số tình huống khó khăn, không biết cách giải quyết và không thể hỏi ai, em rất nản...". Thật ra trong xã có một người giỏi tin học song anh ấy khá tự mãn, không chịu giúp gì cho Hùng. Mới đây, sau khi thổ lộ tâm sự với một phụ nữ tốt bụng và bà đã bỏ thời gian tìm đến Toà soạn e- CHÍP để kể cho mọi người nghe về Hùng, anh Lê Hoàn có gọi điện thoại hỏi thăm, Hùng rất mừng vì từ nay đã có người hỗ trợ cách giải quyết các vướng mắc. Hùng nói: "Bây giờ, em đã thấy tự tin".

Linh mục Trần Xuân Nhàn cho chúng tôi biết: Vừa qua, ông và Hùng đã cùng phối hợp thực hiện hai bộ đĩa CD có chủ đề "Gia đình hạnh phúc" và "Các loại thuốc". Cha Nhàn lo phần nội dung, Hùng đảm nhiệm phần kỹ thuật và những đĩa CD ấy đã được ông phân phát cho các giáo dân để vừa giúp họ gìn giữ, bảo vệ hạnh phúc gia đình, vừa hướng dẫn họ cách sử dụng các loại thuốc để phòng và trị bệnh. Đó cũng là một cách để Hùng cảm thấy mình có ích cho xã hội.

Linh mục Nhàn đang dự kiến mở rộng Trung tâm Khuyết tật, xây thêm một số phòng và trang bị thêm máy tính để Hùng có thể truyền đạt kiến thức của mình cho nhiều người hơn. Hiện nay ở Trung tâm Khuyết tật mới chỉ có hai chiếc máy, không đáp ứng được nhu cầu khám phá thế giới máy tính của những người dân ở đây. Khi nghe chúng tôi hỏi thăm về sức khỏe của Hùng, ông Nguyễn Công Lịch cho biết sức khỏe của Hùng hiện nay đã ổn định. Nhiều năm nay, người cha có hai đứa con tàn tật (em thứ ba của Công Hùng là Nguyễn Thị Vân cũng mắc bệnh bại liệt hiện đang học lớp 9 trường THCS Nghi Diên, năm ngoái đã đoạt giải nhất cờ tướng toàn tỉnh Nghệ An) đã cùng vợ chăm sóc chúng từng chút, từ miếng ăn cho đến giấc ngủ. Cả hai không thể tự trở mình khi ngủ nên hai vợ chồng phải giúp các con trở mình khoảng mười lần mỗi đêm cho chúng đỡ mỏi.

Nguyễn Công Hùng cho biết cậu đang ước mơ xây dựng một website cho người khuyết tật, để những người khuyết tật Việt Nam có cơ hội được tìm hiểu, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Trên cửa sổ phòng của Hùng có một tấm sơn mài với dòng chữ: "Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi". Có lẽ cả linh mục Trần Xuân Nhàn và ông Nguyễn Công Lịch đều tin rằng Chúa đã đem lại sức mạnh để Hùng tiếp tục sống và sống có ích. Riêng chúng tôi, chúng tôi tin rằng cả máy tính và internet đã giúp Hùng bớt cô đơn, đem lại cho cậu niềm vui, tiếp thêm cho cậu nghị lực sống để trở thành một "bác sĩ" chuyên trị bệnh cho những chiếc máy tính "nhõng nhẽo" trong vùng.

Những chuyện bên lề về Hiệp sĩ Nguyễn Công Hùng

Phú Cương

Một ngày nhiều niềm vui

Ngày 02-9-2001 là ngày đánh dấu một bước ngoặt của đời Hùng: chiếc máy tính được bố mua mang từ Hà Nội về. Hùng được linh mục Trần Xuân Nhàn dạy các thao tác sử dụng máy vi tính. Quyển "Vi tính thật là đơn giản tập 1" của tác giả Dương Mạnh Hùng với cách trình bày dễ hiểu và ngộ nghĩnh đã đưa Hùng những bước đầu chập chững vào thế giới CNTT. Sau này, Hùng tiếp tục tự học qua các đĩa CD dạy vi tính của Lê Hoàn, Phạm Hồng Phước và các tài liệu khác về tin học.

Đối với Nguyễn Công Hùng, ngày 14-8-2005 là một ngày hết sức đặc biệt với nhiều niềm vui lớn. Ngoài vinh dự được e-CHÍP trao tặng danh hiệu Hiệp sĩ CNTT, lần đầu tiên Hùng có cơ hội gặp mặt và nói lời cảm ơn những người thầy của mình: Dương Mạnh Hùng, Lê Hoàn, Phạm Hồng Phước,... Cũng trong ngày 14-8, tại Công viên Suối Tiên (TP.HCM), Hùng cũng được mời nhận Cúp kỷ lục ý chí và giấy xác lập kỷ lục do Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam (VietNam Records Books) tổ chức và trao tặng. Hùng đã nhờ Thủy, em gái của Hùng đến nhận thay.

Những vé mời photocopy

Bạn Trang và anh trai từ Hà Tây đến Hà Nội chỉ để trao cho Hùng một bó hoa tươi với lời chúc mừng bạn. Sáng 14-8, nhiều bạn từ xa đến không có vé mời đã kéo nhau ra hiệu photocopy màu để in "lậu" thêm hơn chục chiếc vé mời nữa! Trước nhiệt tình của các bạn trẻ yêu mến Hiệp Sĩ CNTT, chắc Ban Tổ chức có biết cũng thông cảm cho qua.

Nhưng có lẽ người cảm nhận được hạnh phúc lớn lao nhất từ những niềm vui của Hiệp sĩ Nguyên Công Hùng là cha mẹ và bà nội của Hùng. Bà cụ năm nay 83 tuổi vượt qua chặng đường hơn 400km từ Nghệ An ra Hà Nội để tận mắt chứng kiến buổi lễ trao danh hiệu Hiệp sĩ CNTT tại Nhà hát lớn của thủ đô. Bà cười trong nước mắt: "Thế là bà toại nguyện lắm rồi".

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro