NHÀ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Quê hương là gì hả mẹ

Mà cô giáo dạy hãy yêu

Quê hương là gì hả mẹ

Mà ai đi xa cũng nhớ nhiều"

(Quê hương - Đỗ Trung Quân)

Có ai định nghĩa được thế nào là quê hương không? Quê hương với mỗi người chắc sẽ có mỗi định nghĩa riêng, quê hương trong mình là ngôi nhà gạch nho nhỏ nằm giữa một vườn dừa quanh năm xanh mát, trước ngõ có dòng nước chảy ra. Lúc còn ở đó, mình cũng chỉ coi đó là một chốn để sống, nhưng khi chuyển nhà đi rồi mình mới cảm thấy được nó khiến mình nhớ nhung nhiều đến thế nào.

Hai tiếng "quê hương" coi vậy mà lạ, vừa cất lên một cái là có thể biến một người cho dù tóc râu bạc phơ hay đùm đề 1 vợ hai con chỉ trong nháy mắt là trở về với tuổi ấu thơ với những bữa trưa trốn mẹ ra đồng ,những con diều làm từ giấy vở,cơm nguội, những trận bóng hăng say quên cả giờ cơm chiều... Trong tôi thì khác, mỗi lần hai tiếng quê hương cất lên là tâm trí tôi lại nhớ về căn nhà nhỏ xíu nơi gia đình tôi cùng nhau sinh sống, nơi ba mẹ chăm chỉ làm ăn tích cóp để nuôi nấng hai chị em tôi khôn lớn thành người.

Mỗi lần tới quán tạp hóa nhà chị Bé mua đồ, tôi thường đưa mắt ra tận sau hè, nơi có cái giếng đầy rong rêu. Bởi vì căn nhà chị bé sửa sang làm quán tạp hóa bây giờ chính là căn nhà ngày xưa cùng tôi lớn lên. Gia đình tôi dọn vào căn nhà này ở năm tôi 3 tuổi, khi đó gia đình làm ăn sa cơ thất thế. Cả gia đình chui rúc trong căn nhà duy nhất một phòng ngủ, có nắng chịu nắng có mưa chịu mưa. 

"Đó là căn nhà ba gian được sơn màu vàng chanh, trên tường còn có giàn hoa giấy đủ màu điểm tô cho bức tường. Căn nhà tuy nhỏ nhưng có mảnh vườn rộng rãi quanh năm xum xuê cây trái". Đó là căn nhà tôi hay viết trong mấy bài văn mẫu, còn nhà tôi thì khác một trời một vực. Nhà tôi là căn nhà bằng gạch chưa sơn, có duy nhất một phòng ngủ. Đòn giông, xà gồ đều được làm từ gỗ dừa, lâu ngày mấy thanh xà gồ ngày càng cong cong trông như nhà sắp sập đến nơi, sợ muốn chết. Tường nhà chỉ xây bằng gạch rồi dọn vào ở luôn chứ chẳng có sơn bức tường màu vàng chanh nào trong các bài văn tôi hay viết. Nền nhà cũng chẳng phải là những viên gạch men sặc sỡ mà là nền tráng xi măng. Hễ mưa tới là nhà tôi còn hơn sạp bán thau của bà Sáu ngoài chợ bởi bao nhiêu thau chậu xoong nồi trong nhà bày la liệt để hứng nước mưa dột. Lúc đó trẻ con chẳng nghĩ gì, cứ lao ra những cơn mưa mà không để ý thấy khuôn mặt lo âu, trăn trở của mẹ mỗi lần mua mưa về.

Đồ đạc trong nhà, món nào cũng có câu chuyện riêng của nó. Bộ chõng tre đặt ngoài hiên nhà là của ông ngoại cho, cạnh cây trứng cá đó vừa là nơi ba tôi ngả lưng nghỉ trưa sau những buổi ra đồng, cũng là nơi ngủ buổi tối của ba mẹ, vừa là để giữ hàng tạp hóa nhỏ nhỏ của mẹ không bị lũ trộm ghé thăm vừa là nhường phòng ngủ duy nhất cho hai chị em tôi. Không như lũ trẻ bây giờ mới nhỏ xíu mà đứa nào cũng có điện thoại, Ipad riêng, phương tiện giải trí duy nhất của hai chị em tôi và những đứa trẻ cùng thời lúc đó là cái tivi 19 inches. Đó là cái tivi ba mẹ tôi mua thời còn ờ ngoài quê - lúc ba mẹ còn ăn nên làm ra, theo thời gian cái tivi đã cũ mèm, hễ mưa tới là mất sóng. Mỗi lần mở không lên tôi sẽ gọi chị Quỳnh - chị hai tôi lên, chị sẽ dùng một lực tay vừa đủ, một góc chính xác đập thùm thụp vào đầu tivi. Đập đến cái thứ 3 thì cả hình cả tiếng sẽ hiện lên như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Tối đến sau chương trình thời sự, tôi sẽ trải chiếu nằm trước tivi, đắp mền, gối đầu lên tay rồi vòng tay qua bụng ba xem tivi. Tôi thường nằm đó đến lúc ngủ say, ba sẽ ẵn tôi vào phòng, ém mùng cho hai chị em rồi mới tắt đèn đóng cửa đi ngủ.

Ba mẹ tôi đều là những người có chí hướng làm ăn, từ cái nhà gạch nhỏ, trống trước trống sau mà cũng buôn bán, chắt chiu nuôi chị em tôi ăn học tới nơi tới chốn như ai. Từ hồi nhà tôi mới đặt chân đến đây, đặt những viên gạch đầu tiên xây nên căn nhà này, đây là một vùng đất thưa vắng người, không điện đóm, là vùng đất đầy nắng và gió, chẳng thấy mưa đâu nên trồng cây gì cũng khó, chỉ có những con gió hỗn hào làm cây trái khó sống, làm mái đầu ba mẹ tôi pha sương điểm bạc. Ấy vậy mà tích góp, buôn bán hoài giờ cuối cùng cũng xây được căn nhà khang trang hơn, có phòng riêng cho con cái.

Tôi vẫn nhớ hôm chuyển nhà đi, mặc nhà cũ và nhà mới cách nhau chưa tới 1km nhưng cả nhà tôi phải quần quật từ sáng đến tối mịt mới xong. Thùng đồ cuối cùng cần chuyển là thùng sách của tôi. Lúc đó khoảng 8 giờ tối, trên tay thùng sách tôi rải từng bước từ ngôi nhà cũ về nhà mới. Tối hôm đó trăng tròn và sáng vành vạnh trên bầu trời xanh nhạt, đèn đường hiu hắt vắng người, chỉ trơ trọi cái bóng dài lênh khênh trên đường lê những bước đi thật chậm, thật chậm dường như trong bước chân ấy có cả sự tiếc nuối. Gốc hoa sữa ba trồng ngay cửa tỏa hương thơm thoang thoảng thật dễ chịu. Cả đời tôi chắc sẽ chẳng quên cảm giác, khung cảnh, mùi hương lúc đó. Mỗi lần đi đâu lạc vào con đường đầy hoa sữa vào một đêm trăng, tôi lại nhớ vào đêm hôm ấy, khoảnh khắc tiếc nuối, nhớ nhung khi mình phải từ bỏ một cái gì vô cùng thân quen để để đến với một cái khác dẫu cho cái mới có đẹp hơn, có tốt hơn.

Chúng ta có hàng triệu nơi để đi nhưng chỉ có duy nhất một nơi để về: nhà – một tiếng một mà biết bao nhiêu kỉ niệm thời thơ ấu sống lại, từng góc vườn, từng mảng tường tróc sơn cũng có câu chuyện riêng của nó. Với tôi căn nhà cũ ấy không đơn thuần chỉ là cái ổ chui ra chui vô trú mưa tránh năng, nhà là cột mốc của tuổi thơ ghi lại những ngày tháng cha mẹ lam lũ nuôi chúng tôi khôn lớn nên người. Bây giờ ngôi nhà đã sang lại cho chủ khác, ngôi nhà tuy được tu sửa lại nhưng vẫn giữ nguyên cấu trúc ngày xưa. Tôi thấy vui vì vòng đời của ngôi nhà lại tiếp tục được kéo dài và biết đâu cũng sẽ có những đứa trẻ lớn lên, thương yêu và gắn bó với căn nhà ấy như chị em chúng tôi đã từng. Bây giờ mỗi lần tới quán tạp hóa chị Bé mua đồ hay đi về vùng quê nào thấy căn nhà gạch có kiểu dáng tương tự là tự nhiên sống mũi cay cay, trong lòng xốn xang nhớ lại bao nhiêu kí ức tuổi thơ đẹp đẽ. Với tôi bây giờ, ngôi nhà ấy vừa làm tôi nhung nhớ, xuyến xao nhưng cũng vừa trở thành một kỉ niệm đẹp, làm ấm lòng, nâng đỡ tôi trên bước đường đời.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro