ôn tập

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

ÔN TẬP NHA CỘNG ĐỒNG
Câu 1: Trình bày những thay đổi ở tủy R của người cao tuổi?
Theo thời gian và suốt quá trình hoạt động chức năng, tủy răng dần dần có sự thay đổi, thông thường chúng ta thường quan sát thấy có một số sự thay đổi như sau:
Giảm thể tích và kích thước của buồng tủy do sự tạo ngà liên tục từ phía mặt nhai và vùng chẽ.
Số lượng tế bào giảm (các tế bào cũng giảm số lượng bào quan như lưới nguyên sinh chất, ty thể ...). Các nguyên bào sợi và nguyên bào tạo xương cũng thoái hóa.
Thay đổi thành phần của sợi liên kết: tăng lượng sợi collagen cùng với tăng lượng sợi Von Korff.
Thu hẹp đường kính mạch máu nuôi dưỡng, xơ vữa các vi động mạch, dày nội mạc thành mạch.
Thay đổi sự phân bố của thần kinh: các dây thần kinh tập trung tại trung tâm của điểm thoát ra của dây thần kinh, thoái hóa và mất dần các dây thần kinh dẫn truyền làm tăng ngưỡng kích thích đau.
Tủy canxi hóa có thể xảy ra ở tủy buồng hoặc tủy chân. Có thể gặp hai loại: sỏi tủy hoặc canxi hóa lan tỏa.

Câu 2: Trình bày những thay đổi ở tuyến nước bọt của người cao tuổi?
Tuyến nước bọt trở nên kém săn chắc, hệ thống ống tuyến chiếm thể tích lớn. Hoạt động tiết nước bọt suy giảm do tế bào tuyến nước bọt được thay thế bằng các mô sợi và mô mỡ. Các tuyến nước bọt dễ bị xơ cứng hoặc loạn sản, hiện tượng này hay gặp ở bệnh nhân nữ ở thời kì mãn kinh.
Thay đổi dễ nhận thấy nhất ở người lớn tuổi là giảm lượng tiết nước bọt và khô miệng. Thường gặp khô miệng ở những người phải dùng thuốc (lợi niệu, an thần, kháng histamin) và hội chứng Sjogren. Bệnh nhân thường cảm giác khô miệng, đau hoặc cảm giác bỏng rát niêm mạc miệng, khó nhai nuốt, lưu giữ hàm giả kém. Thông thường, những người có sức khỏe tốt sự tiết nước bọt gần như là ổn định trong suốt cuộc đời. Do vậy, chứng khô miệng nhiều khi không do nguyên nhân lão hóa mà do các bệnh lý toàn thân hoặc do các nguyên nhân khác như: đái tháo đường, Alzheimer và Parkinson hoặc do sự xáo trộn hệ miễn dịch (hội chứng Gougerot-Sjogren) hay các tác dụng phụ của các thuốc điều trị (các thuốc này có tác dụng ức chế sự tiết nước bọt) hoặc do các phác đồ xạ trị.
Lưu lượng nước bọt thay đổi theo từng cá nhân. Sự thay đổi của dòng chảy nước bọt ở các bệnh nhân khác nhau giải thích sự khác nhau trong nhận cảm vị giác ở mỗi người. Trên thực tế, các cá thể có dòng chảy nước bọt tăng cao có mức độ nhận biết vị chua tốt hơn những người có dòng chảy thấp. Lưu lượng nước bọt giảm làm nguy cơ sâu răng, đặc biệt là sâu chân răng tăng cao, việc thích nghi với các hàm giả cũng khó khăn hơn.
pH bình thường của nước bọt thay đổi 6-7 và tăng với dòng chảy nước bọt: từ 5,3 (dòng chảy thấp) đến 7,8 (dòng chảy lớn). Nước bọt có tác dụng đệm khi có mặt ion bicacbonat. Có mối liên hệ mật thiết giữa nồng độ bicacbonat và pH nước bọt. Sự thay đổi nồng độ ion H+ kéo theo các thay đồi của nồng độ bicacbonat. Khi có kích thích, nồng độ bicacbonat tăng cùng lúc với dòng chảy. Cơ chế cũng tương tự với pH nước bọt. Sự biến đổi của dòng chảy nước bọt tác động tới sự giảm pH. Sự giảm này là bình thường ở người già, kể cả những người có sức khỏe tốt.
Ngoài ra còn gặp lưỡi nứt nẻ và loét khóe miệng.
Một số hội chứng khác có thể ảnh hưởng đến chức năng của các tuyến nước bọt:
+ Chứng béo phì: Tác động chủ yếu lên các tuyến mang tai (dị sản dinh dưỡng tuyến mang tai cũng như u tuyến mang tai), sự biến đổi này do mất cân bằng dinh dưỡng và chế độ ăn uống không phù hợp làm hấp thụ quá mức tinh bột và rượu, ở những người quá cân.
+ Sự không phân chia tế bào tuyến nước bọt: Sự biến đổi này thường không đặc trưng cho tuổi già, chúng ta có thể tìm thấy hiện tượng này ở những quá trình viêm hay bệnh lý hệ thống (hội chứng Gougerot-Sjögren).
+ Dị sản phồng bào (tế bào Hirthe): các tế bào tuyến được đặc trưng bởi kích thước lớn, nhân nhỏ và tế bào chất ưa eosin nhiều ti thể, thông thường số lượng của chúng ít và phân tán, khi có hiện tượng này chúng là bằng chứng của tuổi già.
+ Vi kết tinh các ống tuyến: Sự kết tủa này là nguyên nhân gây ra sỏi tuyến nước bọt. Chúng không đặc trưng cho tuổi già nhưng thường gặp rất thường xuyên ở người cao tuổi và phụ nữ mãn kinh.

Câu 3: Trình bày những tác động của lão hóa trên khớp TDH?
5.1. Bệnh hư khớp
Mặc dù bệnh hư khớp không phải là hệ quả không thể tránh của lão hoá, có tương quan mạnh giữa tuổi và tỷ lệ mắc bệnh này. Quá trình lão hoá dẫn đến sự tàn lụi của khả năng thay thế chất nền ngoại bào của các tế bào tạo sụn. Các yếu tố đánh dấu sự lão hoá trong cùng những tế bào tạo sụn chỉ ra rằng chiều dài giảm dần của các đầu tự nhiên của chromosome liên quan mạnh mẽ đến sự gia tăng phân huỷ beta galactose và việc giảm hoạt động giảm phân. Điều đó biểu hiện bằng những tổn thương thoái hoá sụn, đĩa sụn, bao khớp và sự phát triển của việc xương hoá xung quanh khớp. Ngược lại, các tổn thương này đều ít gây tàn phế, trừ trong vài trường hợp biểu hiện bởi hội chứng loạn sản thần kinh thực sự của bộ máy ăn nhai.
Trật khớp tái diễn của hàm dưới
Trật khớp tái diễn của lồi cầu xương hàm dưới về phía trước là biểu hiện của bệnh già hóa của khớp thái dương hàm và cần điều trị khẩn cấp. Bệnh đa nguyên nhân nhưng ta nghi ngờ chủ yếu là do việc mất răng toàn bộ hay gần như toàn bộ làm mất lồng múi phía sau kèm theo sự dẹt đi của bề mặt khớp.
Điều trị trật khớp hàm dưới tái diễn dựa trên việc thiết lập lại khớp cắn nếu có thể hay dựa trên phẫu thuật theo Myrhaug hay của Dautrey.
Gần đây nhất, người ta đề xuất việc tiêm botox vào cơ cắn và cơ thái dương, ngăn cản sự co cơ bằng cách ức chế giải phóng acetylcholine ở hệ vận động. Nếu kỹ thuật tiêm tốt, sẽ không có tác dụng phụ hay tác dụng phụ xảy ra trễ. Các mũi tiêm hai bên phải được lặp lại mỗi 6-8 tháng, 3-4 lần tiêm tuần tự liên tiếp nhau có thể đủ để đạt được kết quả lâu dài. Kỹ thuật này ít can thiệp sâu vào mô và ít gây tổn hại hơn các phương pháp trước. Không thể sử dụng nếu sai khớp do giãn dây chằng quá mức hay do yếu cơ. Kỹ thuật này có thể được chỉ định khi thiếu trương lực cơ xảy ra chậm. Tuy nhiên, cần phải lượng giá những kết quả dựa trện các yếu tố quan trọng hơn, những điều mà cho đến khi này vẫn chưa được thưc hiện.

Câu 4: Nêu những nội dung của chương trình nha học đường Việt Nam?
- Nội dung I: Giáo dục chăm sóc răng miệng
Giáo dục nha khoa giúp cho thầy cô giáo hiểu về phòng bệnh răng miệng để giảng cho học sinh cách đánh răng đúng phương pháp, cách chọn thuốc, bàn chải, phát hiện thói quen xấu cần tránh.
- Nội dung II: Súc miệng fluor 0,2% một tuần một lần
Sử dụng chất Fluor để phòng chống sâu răng: Cho học sinh súc miệng bằng dung dịch Natri Fluor 2%; Từ lớp 1 trở lên : 1 lần 1 tuần.
- Nội dung III: Khám răng miệng định kỳ phát hiện sớm bệnh răng miệng, có kế hoạch điều trị sớm hoặc thông báo cho phụ huynh học sinh hoặc chuyển lên tuyến trên, kịp thời phòng tránh bênh răng miệng bị biến chứng.
- Nội dung IV: Điều trị dự phòng biến chứng bằng trám răng không sang chấn cho răng sữa và trám bít hố rãnh răng vĩnh viễn, nhổ các răng sữa đến tuổi thay.

Câu 5: Trình bày những hướng dẫn sàng lọc ung thư miệng tại cộng đồng?
Sàng lọc ung thư miệng: chìa khóa chẩn đoán sớm
Phát hiện ở cộng đồng
Do tỷ lệ ung thư miệng tăng cao mỗi năm đặc biệt ở các nước Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam và tỷ lệ tàn phế và tử vong cao do ung thư miệng có được điều trị hoặc không được điều trị. Việc nhiều trường hợp trong số đó được chẩn đoán, phát hiện ở giai đoạn sớm nhất của bệnh có vai trò rất quan trọng. Nó là yếu tố quyết định làm tăng tỷ lệ sống sót và chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân ung thư miệng. Các dấu hiệu có thể phát hiện sớm ung thư miệng ở cộng đồng:
Vết thương dễ cháy máu hoặc không lành.
Thay đổi màu sắc mô khoang miệng.
Cục dày lên, sù sì, vỏ cứng, vùng loét nhỏ.
Đau nhẹ hoặc tê bất kỳ nơi nào trong miệng hoặc môi.
Nha sĩ có thể thực hiện test nhanh, ít đau như trải tế bào ở mô nghi ngờ, thực hiện ở trong miệng bằng một bàn chải, qua phân tích trên máy tính để phát hiện tế bào tiền ung thư hoặc ung thư. Test này cho phép xác định sự cần thiết phải sinh thiết bằng phẫu thuật hay các bước tiếp theo khác hay không.
Người lớn đóng vai trò tích cực trong việc phát hiện ung thư miệng sớm bằng cách tự khám cho mình. Có nghĩa là nhìn vào gương và kiểm tra môi, lợi, niêm mạc má, lưỡi và họng, sàn miệng, vòm miệng để tìm những dấu hiệu của bệnh.
Nếu bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào được phát hiện, liên hệ ngay với nha sĩ gần nhất để được khám bệnh. Khi được chẩn đoán sớm, tỷ lệ sống sót của ung thư miệng sẽ cao. Tuy nhiên, một vấn đề lớn là, ở giai đoạn sớm nhất, lúc mà có thể điều trị được, thường thì ung thư miệng không gây đau hay cảm giác khó chịu và vì vậy khó có thể chẩn đoán được.
Hiểu được các yếu tố nguy cơ và các bước dự phòng các tổn thương có tiềm năng gây ung thư, có thể đi một chặng đường dài hướng tới giảm ảnh hưởng của ung thư miệng tới cuộc sống của bệnh nhân. Mọi người phải được khuyến khích và thúc đẩy liên hệ với nhân viên y tế, đặc biệt là với nha sĩ để duy trì tình trạng sức khỏe răng miệng tốt.
Hướng dẫn sàng lọc cho những người có nguy cơ thấp
Có 2 phương pháp sàng lọc ung thư miệng đó là kiểm tra trực quan và tế bào học, không có phương pháp nào cho thấy giảm tử vong vì bệnh này. Có thể nói rằng, mặc dù sàng lọc có thể dẫn tới phát hiện sớm bệnh, vẫn chưa đủ bằng chứng để khuyến cáo hoặc chống lại việc sàng lọc thường xuyên ung thư miệng.
Hội ung thư Hoa Kỳ không có khuyến cáo chính thức cho phát hiện ung thư miệng, tuy nhiên, có khuyến khích người chăm sóc sức khỏe ban đầu khám miệng để kiểm tra ung thư kèm theo.
Hướng dẫn sàng lọc cho đối tượng có nguy cơ cao
Công tác dịch vụ công Hoa Kỳ (United State Public Service Task Force) khuyến cáo một chế độ kiểm tra nha khoa thường xuyên cho những người có nguy cơ ung thư miệng cao. Họ cũng khuyến cáo, bác sĩ hoặc nha sĩ nên khám định kỳ hàng năm để sàng lọc ung thư miệng cho những bệnh nhân trên 60 tuổi với yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, uống nhiều rượu. Những khuyến cáo này được đưa ra bởi các nghiên cứu lớn của nước ngoài về sàng lọc ung thư miệng, nó cho thấy rằng bác sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu có thể phát hiện tổn thương tiền ung thư và ung thư sớm ở các bệnh nhân có nguy cơ cao.
Với ngoại lệ là nghiên cứu Kerala (nghiên cứu nhóm đối chứng ngẫu nhiên, năm 2000), hiện tại không có nghiên cứu đối chứng nào đã thực hiện chỉ ra hiệu quả của sàng lọc ung thư miệng đối với tỷ lệ sống hoặc trên kết quả tạm thời (giảm tỷ lệ di căn). Cập nhật từ báo cáo của những thử nghiệm trên sau 2 vòng sàng lọc ung thư miệng, tỷ lệ tử vong là tương tự giữa nhóm được sàng lọc và nhóm không được sàng lọc. Không có thử nghiệm nhóm chứng ngẫu nhiên, phân tích Meta, hay tổng kết hệ thống chỉ ra tác hại của sàng lọc hoặc lợi ích của điều trị sớm.

Câu 6: Trình bày vai trò của BS nha khoa trong phát hiện và phòng ngừa ung thư miệng tại cộng đồng?
Nha sĩ đóng vai trò sống còn trong phòng ngừa và phát hiện sớm ung thư miệng. Thứ nhất là do sự gần gũi liên quan về cấu trúc và tình trạng sức khỏe của khoang miệng, các mô liên quan; thứ 2 là sự lui tới thường xuyên để khám bệnh của bệnh nhân với nha sĩ của họ, vì vậy nha sĩ có điều kiện để phát hiện sớm và phòng ngừa ung thư miệng cho bệnh nhân của mình.
Sàng lọc và khám là 2 công việc thực hiện đồng thời hàng ngày. Không còn nghi ngờ gì nữa, 2 động tác này là rất quan trọng, nó giúp bác sĩ phát hiện bệnh ở các trường hợp có lối sống không tốt, ở giai đoán sớm nhất của bệnh, cho phép thành công trong điều trị và dự phòng các tổn thương. Với cách chuyên nghiệp chúng ta phải áp dụng tất cả mức độ dự phòng và can thiệp với một sức mạnh mới.

Câu 7: Trình bày định nghĩa, phạm vi và ứng dụng của khoa học hành vi trong lĩnh vực sức khỏe răng miệng?
Định nghĩa
Khoa học hành vi là một môn khoa học nghiên cứu về hành vi con người ở mức độ bản thân, với các cá nhân khác, với gia đình và các thành viên trong cộng đồng, và các kết quả phản hồi trong các chương trình sức khỏe răng miệng.
Phạm vi và ứng dụng của khoa học hành vi trong sức khỏe răng miệng
Xác định các hành vi tích cực và tiêu cực của bệnh nhân đối với tư vấn sức khỏe răng miệng
Hiểu được cơ chế, nguyên nhân và kết quả của mô hình hành vi cụ thể nhằm thúc đẩy thực hành nha khoa lành mạnh
Lập kế hoạch cho những thay đổi hành vi ngắn hạn và dài hạn ở bệnh nhân, kết quả là là phòng ngừa tốt hơn, nâng cao sức khỏe, chữa bệnh và thậm chí phục hồi chức năng trong chăm sóc răng miệng
Sử dụng các phương pháp thay đổi hành vi cụ thể khi giao tiếp và tư vấn cho bệnh nhân
Đặt ra các kỹ thuật đối phó (tức là điều chỉnh và chấp nhận) trong thực hành chăm sóc sức khỏe răng miệng nơi không thể thay đổi hành vi của bệnh nhân do tín ngưỡng văn hóa và xã hội đã đi sâu vào tiềm thức v.v
Sự hiểu biết và quản lý các kiểu hành vi cá nhân của các thành viên trong đội ngũ y tế nhằm thúc đẩy sự hài hòa trong công việc sẽ dẫn đến sự thành công của một mục tiêu chung.

Câu 8: Trình bày Điều 18 (điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề đối với người Việt Nam) và Điều 24 (xác nhận quá trình thực hành) của Luật khám bệnh, chữa bênh?
Điều 18 (điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề đối với người Việt Nam)
1. Có một trong các văn bằng, giấy chứng nhận sau đây phù hợp với hình thức hành nghề khám bệnh, chữa bệnh:
a) Văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam;
b) Giấy chứng nhận là lương y;
c) Giấy chứng nhận là người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
2. Có văn bản xác nhận quá trình thực hành, trừ trường hợp là lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
3. Có giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
4. Không thuộc trường hợp đang trong thời gian bị cấm hành nghề, cấm làm công việc liên quan đến chuyên môn y, dược theo bản án, quyết định của Tòa án; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang trong thời gian chấp hành bản án hình sự, quyết định hình sự của tòa án hoặc quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên có liên quan đến chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh; mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Điều 24 (xác nhận quá trình thực hành)
1. Người có văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam, trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề, phải qua thời gian thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau đây:
a) 18 tháng thực hành tại bệnh viện, việc nghiên cứu có giường bệnh (sau đây gọi chung là bệnh viện) đối với bác sỹ ;
b) 12 tháng thực hành tại bệnh viện đối với y sỹ;
c) 09 tháng thực hành tại bệnh viện có khoa phụ sản hoặc tại nhà hộ sinh đối với hộ sinh viên.
d) 09 tháng thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với điều dưỡng viên, kỹ thuật viên.
2. Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm xác nhận bằng văn bản về quá trình thực hành cho người đã thực hành tại cơ sở của mình, bao gồm nội dung về thời gian, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro