Hạ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ting... Ting...

Tiếng chuông gió nhẹ lay bởi cơn gió mùa đầu hạ, từng vệt nắng sớm chiếu đến chậu hoa hồng nhỏ ngay cạnh cửa sổ, vài chú chim đậu trên nhành ổi hót vang chào đón ông mặt trời, mới mấy chốc, nắng đã lên cao qua khỏi đầu ngọn cây báo hiệu cái nắng oi ả đã dần sang. Một làng quê ven biển được bao trùm bởi nắng mùa hạ. Một tiết trời mà theo như một vài đứa trẻ con trong làng bảo nhau rằng,

"Nắng lên rồi, nghỉ hè thôi bây ơi."

Cũng không quá lạ lẫm gì khi đến hạ sẽ là thời khắc yêu thích của bọn trẻ con. Không cần đến trường học, không bài tập về nhà, không phải lo sợ mỗi lần tiếng trống trường reo vang mà chân vẫn đang bận xỏ giày. Chỉ mới nghĩ đến thôi là đủ để mấy đứa nhỏ hò hét vui mừng.

Chiếc xe hơi màu đen chầm chậm dừng bánh trước cổng làng. Các ông lão già đời đương bận đánh cờ cũng phải ngó sang một cái. Bởi, xe thì thấy nhiều rồi nhưng xe vừa đen mà vừa bóng như thế thì lần đầu được ngắm. Mấy đứa trẻ nhỏ đang chơi đùa dưới gốc cổ thụ tò mò đi đến gần chiếc xe. Chân tay lắm lem một màu đất cát, gương mặt vài đứa nghệt ra vì lần đầu được thấy món đồ của dân nhà giàu. Trong đó, có một cậu nhóc tay chân không yên vì bản tính tìm tòi cái mới, đương định sờ thử thì nghe thấy cái la của trưởng làng mà vội vàng rụt tay lại.

"Mày nhắm cha mẹ mày đền nổi thì cứ táy máy đi con."

Thái Hanh khịt mũi, cậu nhóc cười cười nhìn trưởng làng rồi nắm lấy tay cậu nhóc có tính tìm tòi nhưng gan nhỏ kia chạm vào cửa xe láng bóng. Chưa đầy ba giây, cả hai đành phải thu tay lại vì cái nóng bỏng rát truyền đến. Dường như mặt trời cũng không tán đồng việc làm này thì phải.

"Nóng thế làm sao người ở trong đó chịu được hả Thái Hanh ơi?"

"Kêu tao là anh đi rồi tao nói cho nghe." Thái Hanh vênh mặt tự đắc. Tưởng chuyện gì chứ chuyện này thì cậu không biết. Chẳng qua tên nhóc bảy tuổi này chưa bao giờ gọi cậu là anh mặc dù cậu lớn hơn tận hai tuổi. Dễ gì bảo nhóc ấy kêu anh. Lần này còn không được nghe sao?

Chính Quốc suýt xoa bàn tay vì cái nóng ban nãy. Cậu lưỡng lự nhìn Thái Hanh, mẹ nói là phải gọi người hơn tuổi mình là anh. Ừm. Nhưng mà Thái Hanh xấu lắm. Mỗi lần cậu gọi "Anh ơi" là y như rằng, lần nào cũng đổi lại thiệt thòi. Nhớ có lần, cả hai hẹn nhau đi ăn cắp vải ở nhà ông trưởng làng. Cây vải thì cao ơi là cao, mà nhà thì có nguyên con chó dữ ơi là dữ. Chính Quốc là đứa tù xì thua nên phải leo lên hái trộm. Ai ngờ đâu Thái Hanh bên dưới rảnh rang đi chọc chó nhà người ta cho chúng sủa um trời, làm trưởng làng bị đánh thức. Chính Quốc có một cái sợ là leo lên thì bình thường nhưng leo xuống là phải có người đỡ giúp. Mà tên kia lại cứ luôn miệng bảo kêu anh đi rồi đỡ cho. Kết quả là Chính Quốc kêu liên tiếp một tràng "Anh ơi. Anh Thái Hanh." Và đổi lại là ăn roi. Vì Kim Thái Hanh sau khi nghe xong liền bỏ chạy.

Từ hôm đó, Điền Chính Quốc quyết không bao giờ nghe lời người này nữa.

Dưới cái nóng lã người, chiếc xe màu đen vẫn đứng yên đấy, thứ mà ai nấy đều đang tò mò, không biết người chủ là ai, đến đây làm gì. Dạo trước, khu đất trống cách cổng làng mấy chục bước chân, nghe đâu đã được lão Hạ bán đi. Tuổi tác đã cao, nay còn có phước phần được con cái ở đất phố hào nhoáng đón lên ở cùng. Chi bằng bán đứt đi rồi lên phố mà an nhàn hưởng phước con cháu.

Dân làng này nghe đâu chỗ đó sẽ xây trường học, giấy đã gửi đến ủy ban lâu rồi. Mấy người ở đây nghe xong thấy cũng được, trường học thì đây cũng có nhưng tạm bợ nghèo nàn lắm. Giờ xây mới cũng tốt cho tụi nhỏ. Hơn nữa chỗ đó lại thuận tiện cho mấy làng xung quanh chứ như lúc trước, cái trường nằm tít tấp ở chợ huyện. Lội bộ rã cặp giò còn chưa thấy cái cổng chợ chứ nói gì đến cổng trường. Nhà nào kha khá một chút còn sắm cho con em chiếc xe đạp. Nhưng cũng vất vả lắm, nhất là vào mùa mưa càng lại ôi thôi. Tầm đâu nửa năm trở lại, xung quanh mảnh đất ấy đã được che bởi hàng rào. Chắc hẳn xây cũng sắp xong rồi. Vậy chăng, chiếc xe đó là của mấy người bên chủ đất xuống kiểm tra công trình. Đâu chừng lúc ông Tâm vừa la lên chiếu tướng cũng là lúc cửa xe mở ra, một người đàn ông cao lớn bước xuống đi đến chỗ các lão ông đang đánh cờ, hỏi chuyện.

"Cho cháu hỏi nhà của bà Đào ở đâu thế ạ?"

"Ôi trời, cậu là cậu Kim hả? Thuê nhà bà Đào? Bà ấy mới sáng sớm đã ra biển cùng con trai rồi. Có dặn tôi là gặp được cậu thì dẫn vô nhà giùm. Đợi cậu sáng giờ tôi chiếu tướng muốn mòn bàn cờ rồi này." Ông Tâm hào sảng nói. Trông cậu Kim này cũng tầm ba mươi mấy, ăn mặc lịch sự bảnh bao. Nhìn một phát là biết người trên phố mới về rồi. Chả bù cho mấy ông lão như ông, già hết cả rồi.

Kính xe chầm chậm hạ xuống một khe nhỏ, Thạc Trân chìa bịch khăn giấy qua khe nhỏ cho hai cậu nhóc bên ngoài vẫn còn đang thảo luận, hay nói đúng hơn là sắp lao vào đánh nhau đến nơi vì sự việc cậu thấp hơn một tẹo có nên gọi cậu cao hơn một ít là anh không. Bởi vì công trình của ba mẹ mà Thạc Trân, người đáng lý sẽ có một kỳ nghỉ hè trong mơ tại một bờ biển xanh mát với bãi cát vàng đầy nắng. Và rồi vì lời dụ ngọt của ba mẹ rằng, nơi này cũng có biển đấy, cát cũng thật là vàng luôn. Mà cậu có mặt ở đây, chứng kiến một trận cãi nhau không thể nào trẻ con hơn. Mà cậu lại không muốn tiếp tục nhìn nên đành đưa đại cái gì ra cho hai cậu nhóc bên ngoài. Ai có ngờ đâu, người ta hiểu lầm mất tiêu.

Chính Quốc đón lấy, cậu đặt tay lên cạnh khe nhỏ. Mát ghê. Chả bù cho ngoài này, nóng quá đi. Phải chi cậu được một lần ngồi vào trong đó, chắc đã lắm. Mà tự dưng đưa bịch khăn giấy làm gì.

"Ý chê mày ở bẩn đó. Nhìn mặt kìa trông kinh chết được." Thái Hanh được dịp áp cả hai tay tèm lem lên mặt Chính Quốc xoa xoa nựng nựng, thành công làm cậu nhóc tức xì khói mà không thể đấu lại.

Chính Quốc xé bịch khăn giấy lấy ra một miếng để lau hai bên má đã lắm lem. Ôi thôi, cái cảm giác lành lạnh mát mát lan toả khắp mọi nơi trên gương mặt non choẹt, Chính Quốc hô lên một chữ ồ dài. Đây là khăn giấy hả. Sao nó lại mát thế này. Đó giờ cậu chưa được thấy thứ kỳ diệu thế này. Đồ của người giàu tốt ghê luôn. Liếc mắt nhìn sang Thái Hanh, người đang dán mắt vào bịch khăn giấy. Cậu nhét vội thứ thần kỳ vào túi quần đề phòng bị cướp. Còn tên kia, chỉ nhếch mép một cái rồi nhào đến trấn lột bịch khăn giấy. Chính Quốc đấu không lại thật, tức chết mà. Sau khi thành công cướp đồ, Thái Hanh hất mặt tự cao, cười lớn trêu ngươi đứa nhỏ hơn. Đã thế thì coi như đứa con nít bảy tuổi này không biết giữ lời hứa luôn. Cái chuyện Kim Thái Hanh bị con 0 môn toán và còn bị giáo viên phạt dọn vệ sinh vì tội trốn tiết đi chơi mà Chính Quốc đã hứa sẽ giữ bí mật giùm nay cậu sẽ đi mách mẹ Kim. Trả thù cho cái mông bị ăn đòn vụ trộm vải.

"Anh! Em sẽ mách má anh về quả trứng gà to đùng trên tờ giấy kiểm tra."

Nói rồi một kẻ chạy trước, người đuổi theo sau trong tiếng hân hoan của mấy bô lão vừa thắng trận cờ thứ bao nhiêu cũng chẳng ai rõ. Chiếc xe màu đen vội lăn bánh theo con đường mòn đến căn nhà màu xanh thẳm. Ngôi nhà ba gian của bà lão họ Lý nằm tít tắp phía cuối làng, ẩn mình giữa hai hàng cây xanh mướt. Càng chạy vào sâu trong làng,  Thạc Trân càng bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp hoang sơ ở chốn miền quê nhỏ bé. Ý nghĩ biển xanh cát vàng thuở ban đầu nay đã bớt đi chút đỉnh vì những hình ảnh trước mắt. Ừ thì, mẹ nói không có sai. Chỗ này cũng được đấy.

"Tuấn ơi! Người thuê nhà đến rồi này." Ông Tâm nói vọng vào.

"Cháu đây." Một cậu nhóc khoảng chừng mười tuổi đi vào từ cửa, trên tay còn mang theo một rổ vải to.

"Quỷ tha ma bắt nhà mi. Mày từ đâu ra vậy. Doạ ông hết hồn." Ông Tâm giật mình, giọng trách móc đứa nhỏ , ông đưa mắt nhìn rổ trái cây, sau đó liền à một cái thật dài. Đám trẻ trong làng này, cứ thích đến trộm vải nhà trưởng làng.

"Vải nhà ông đấy. Cây của trưởng làng bị chặt rồi còn đâu. Này là cháu được Chính Quốc cho đấy." Namjoon đặt rổ vải lên cái bàn nhỏ gần đó. Tươi tắn giải thích cho ông lão. Tay bụm miệng cười nhìn ông lão hớt hải chạy đi. Xì, nhà ông Tâm có cây hoa giấy toàn gai chứ vải ở đâu ra mà vội vàng thế. Còn rổ vải kia thì đúng là Chính Quốc cho thật, còn việc cậu nhóc có trộm không thì ai mà biết.

"Chào cô chú, bà có dặn gian nhà bên trái là dành cho chú ạ. Chìa khoá đây ạ. Có việc gì cần chú cứ gọi cháu nhá. Gọi Nam Tuấn á." Nam Tuấn cười nói. Bà nội nói hôm nay nhà có khách quý, mà mấy vị khách này là người sẽ cho làng một trường học mới. Phải tiếp đãi thật tốt.

Ba mẹ Kim cảm ơn rồi cùng nhau di chuyển hành lý vào trong. Thạc Trân đứng yên một chỗ, cậu ôm chú chó lông trắng trong lòng, hai mắt cố định về rổ vải cách đó không xa. Lần đầu Thạc Trân nhìn thấy vải tươi đấy, ở trên thành phố vẫn thấy có thôi nhưng toàn là loại không đóng hộp sẵn thì cũng không có nhìn ngon như thế này.

"Cho này. Tớ là Nam Tuấn. Cậu tên gì thế?"

Nam Tuấn ban nãy ra biển lấy mớ hải sản bà dặn sẵn, cậu canh giờ cũng hợp lý lắm mà cuối cùng bị nhóc Chính Quốc giữ lại hỏi chuyện một hồi nên về trễ. May là về kịp lúc nếu để bà biết cậu mê chơi quên việc chính thì mông "nở hoa" luôn. Nam Tuấn mang hải sản vào nhà trước, vừa định bắp bếp thì chợt nhớ đến rổ vải còn ở ngoài. Chân vừa bước ra khỏi bậc thềm nhà liền nhìn thấy cậu nhóc, con của bác Kim kia cứ nhìn chằm chằm vào mấy trái vải. Thấy thế, cậu lấy ra một chùm dúi vào tay cậu bạn sắp sửa làm quen. Thật ra không phải Nam Tuấn định đi thẳng vô trong bỏ quên người bạn này đâu. Nhưng mà hải sản tươi mang về phải luộc liền không là mất ngon á, bà nội nói vậy.

"Cảm ơn. Kim Thạc Trân."

Thạc Trân không khỏi trầm trồ vì mấy quả vải to trong tay. Cậu thả chú chó xuống đất, tách vỏ một trái nếm thử thì...

Ôi thôi. Nó chua tê tái tâm hồn luôn.

Thạc Trân nhăn mặt, nhưng vẫn cố nuốt xuống miếng vải chua loét ấy. Mẹ có dặn là không được lãng phí đồ ăn. Trái này cậu ăn rồi nên không bỏ được còn chùm kia chưa đụng vào. Thạc Trân trả lại tất đó. Nam Tuấn nhìn thấy liền cười phá lên, cũng tự mình bóc một quả bỏ vào miệng. Biểu cảm vẫn là như Thạc Trân. Nó chua má ôi. Biết ngay là đám nhóc kia không có gì tốt lành mà. Lại dám đưa quả chua cho Nam Tuấn. Lát nữa cậu mà gặp đám nhỏ ngoài cổng làng, sẽ bắt hai nhóc ấy ăn hết đống này.

"Thạc Trân bao nhiêu tuổi rồi? Tớ mười tuổi rồi nha." Nam Tuấn nhận lại chùm vải từ Thạc Trân. Cậu đặt sang một bên, kéo lấy Thạc Trân cùng ngồi xuống chỗ bàn gần đó.

"Mười hai."

"À vậy là anh rồi. Anh Thạc Trân!" Nam Tuấn cười cười đáp. Cậu bóc quả một trái vải, tách bỏ hột, đưa xuống cho chú chó lông trắng vẫn đang quanh quẩn dưới chân cả hai. Trái với biểu cảm của hai người, chú chó ấy vui vẻ quẩy đuôi vì được cho ăn làm hai cậu trai cứ nghệt mặt ra vì không hiểu nổi. Và trong một khắc, hai cậu trai ấy lại tự mình làm khổ mình thêm lần nữa khi, Thạc Trân cho thêm một quả vào miệng và Nam Tuấn cũng thế. Kết quả, chỉ có chua hơn chứ chả ngon gì cả.

Làn gió mùa hạ mang theo hơi nóng thổi sang nhành cây đầy lá vang lên tiếng xào xạc, những chú chim ban sáng dường như cũng đang nép mình vào tán lá to để tránh nắng. Từ đằng xa, tiếng sóng biển vỗ mạnh vào bờ mang theo bao nhiêu sinh vật ở ngoài biển khơi. Những con thuyền chài đang dần hiện hữu sau làn sương biển chiều tà, mẻ cá lớn hay mẻ tôm tươi sẽ được ngư dân mang lên cùng với tiếng hò reo vui mừng bội thu của dân làng chài.

Chiều tà, Thạc Trân bận áo thun quần sọc ngắn thoải mái, cậu cùng Nam Tuấn đi ra ngoài cổng làng. Ba mẹ Kim vừa đến nơi đã vội vã ra công trình, cả căn nhà chỉ còn mỗi Thạc Trân và Nam Tuấn. Khá chán. Suốt cả trưa, Thạc Trân chỉ đi loanh quanh trong nhà rồi lại đi loanh quanh ngoài sân, đi chán lại chơi đùa với chó. Ngoài ra, không làm gì khác. Vừa hay Nam Tuấn nhìn thấy nên đã rủ nhau buổi chiều ra ngoài cổng làng. Thạc Trân không biết ở ngoài đó có gì thú vị nhưng vẫn đỡ hơn là ngồi ở nhà.

"Tuấn ca! Trí Mân làm cho em nè. Ủa ai đây?" Chính Quốc hí hửng chìa ra con chim bằng lá màu vàng úa khoe với Nam Tuấn. Song cậu nhóc vẫn không quên thắc mắc người đi cùng là ai.

"Đây là anh Thạc Trân, là con của cô chú thuê nhà anh á." Nam Tuấn đẩy Thạc Trân lên phía trước. Người anh này hình như có chút không thoải mái. Hay tại không quen với đám trẻ các cậu nên không vui. Lại còn kiệm lời lắm, Nam Tuấn hỏi gì thì trả lời đúng trọng tâm không thêm thắt. Mà cậu không nói gì thì im lặng luôn.

"Ê, sao thằng nhóc này không gọi tao với mày là anh bao giờ vậy?" Thái Hanh huých vai Trí Mân. Giọng nói đầy vẻ ngờ vực về chuyện Chính Quốc chỉ gọi Nam Tuấn, Doãn Kỳ và Hiệu Tích là anh. Hay là Nam Tuấn có ma thuật như mấy mụ phù thủy trên truyện tranh, cậu phù phép Chính Quốc và... Bùm. Nhóc bảy tuổi kia bị tẩy não rồi.

"Mày thì tao không biết nhưng nó nói tao thấp hơn nó nên... Tao tức á." Trí Mân vờ đấm vào ngực tỏ vẻ đau lòng như mấy cảnh trong phim cậu mới xem hôm qua. Thiếu điều chỉ chưa ọc máu thôi. Mà mấy người đóng phim hay nhỉ. Sao có thể nội công thâm hậu kiểu gì mà phun máu ra được thế. Trí mân có thử bị chọc tức rồi nhưng cậu chỉ có tức thôi chứ không có phun máu. Chắc tại cậu còn nhỏ nên chưa đủ công lực?

"Anh là người lúc sáng cho em bịch khăn giấy. Ù ôi. Anh làm cách gì mà nó mát thế? Cho em xin một bịch nữa được không?" Chính Quốc nhào đến bắt lấy tay Thạc Trân, ánh mắt đầy vẻ thán phục người trên phố. Chính Quốc có người chú họ làm ở phố nè, hè nào cũng mang về đầy ắp bánh kẹo ngon ơi là ngon. Năm nay má nói chú họ đi nước ngoài rồi nên không về. Thế nên cậu mất phần ăn. Buồn ghê. Cơ mà bịch khăn giấy mát mát kia chưa bao giờ chú mang về. Hay chỗ chú họ ở với anh này khác nhau nhỉ. Hay là anh Thạc Trân này ở một thành phố hoành tráng lắm lắm như cung điện của nhà vua nhỉ.

"Cái thằng này. Anh đừng để ý nó. Được cho rồi còn xin xỏ cái gì?" Nam Tuấn cóc đầu Chính Quốc. Mới gặp nhau mà xin đồ rồi coi đã không. Mà khăn giấy thôi chứ phải là thứ gì đặc biệt lắm đâu mà thằng nhỏ ngưỡng mộ thế.

"Cũng được nhưng mà anh không có mang theo." Thạc Trân gãi đầu. Khăn giấy ướt thôi mà. Mấy đứa nhỏ này chưa từng được thấy sao. Chỗ này thật sự khác xa nơi cậu sống. Đường đi có vẻ rộng nhưng lại không có bao nhiêu xe. Thạc Trân nhớ không lầm, cậu nhìn thấy bệnh viện và mất nửa tiếng sau mới nhìn thấy cổng làng. Phía trong làng chỉ toàn là nhà dân, không hề có khu vui chơi. Bây giờ lại thấy mấy đứa nhỏ trong làng trầm trồ vì bịch khăn giấy ướt mà trên phố không hề hiếm. Đây có phải là lý do chính để ba mẹ quyết định đầu tư một khoản tiền lớn để xây trường học không. Thạc Trân nghe anh trai nói, người mà đáng lý sẽ về đây cùng nhưng lại có lịch ngoại khoá với trường, nơi mà cậu sẽ ở lại trong vòng một tháng tới hoàn toàn khác xa với thành phố. Và hình như Thạc Trân dần cảm nhận được lời của anh trai rồi.

"Em theo anh về nhà lấy. Nhà anh Nam Tuấn em biết mà."

Chính Quốc vui vẻ chạy vòng quanh Thạc Trân. Làm mấy người còn lại trừ Thái Hanh đều khó hiểu, cũng chả biết Chính Quốc đang nói về cái gì. Nhưng cứ đi theo thôi. Giữa đường lại gặp Doãn Kỳ và Hiệu Tích thế là kéo vào đi cùng. Cả bảy cùng đi về hướng nhà Nam Tuấn. Thái Hanh đương bận luyên thuyên về mấy thứ tào lao lại đột nhiên ngừng lại khi cả bọn đi đến gần nhà trưởng làng. Trí Mân đi kế đang cằn nhằn Chính Quốc về vụ xưng anh xưng em cũng bị kéo lại. Trí Mân nhanh trí kéo luôn Chính Quốc nhập hội. Bộ ba gây chuyện của làng lại chuẩn bị làm gì đó với nhà của trưởng làng. Nghe đâu vì bị bẻ trộm nhiều quá nên ông đã đốn cây vải, cũng chẳng phải hẹp hòi gì vì cũng là tụi nhóc trong làng thôi. Nhưng mà ăn trộm thì thôi đi mắc cái gì mà đi chọc chó vậy, đã vậy toàn vào ban trưa, giờ ngủ không à. Thế nên từ bảy đứa nhóc, hạ sỉ số xuống còn bốn. Và bốn người còn lại không biết gì, cứ một đường thẳng tiến.

Nam Tuấn mở cổng rào, xác định là cả đám sẽ đóng đô ở đây chơi thay vì chỗ khác rồi. Vừa vào đến, ba mẹ Kim và bà nội với ba Nam Tuấn đang ngồi nói chuyện ở bàn nhỏ ngoài sân. Cả đám nhóc chào hỏi người lớn xong rồi kéo qua sập ván ngồi chơi. Thạc Trân chạy vào trong nhà, cậu lấy ra mấy bịch khăn giấy mang theo, vừa vặn có đúng bảy bịch. Mà cậu không chắc là mấy người kia có muốn lấy không nữa. Dù sao đây chỉ là khăn giấy. Nghĩ ngợi một lúc, cậu nhớ ra mình có đem theo kẹo dẻo. Liền nhanh tay mở balo nhỏ, lấy ra bịch kẹo hình gấu.

"Bộ ba gây chuyện đâu? Sao đi bảy đứa mà giờ còn có tụi mình vậy?" Doãn Kỳ bóc một trái vải trong rổ được Nam Tuấn mang ra. Cậu ngó quanh rồi lên tiếng hỏi. Đường từ cổng làng về đây có đi ngang nhà trưởng làng. Chắc là tách bầy lẻn vào đó nữa rồi. Cây vải bị chặt thì còn cây ổi, cây me,... mà. Cậu cho vải vào miệng và ngay lập tức phun ra. Chanh hay vải thế này.

"Chua lắm hả?" Hiệu Tích định ăn lại thấy hành động của Doãn kỳ nên hơi lưỡng lự. Vải đỏ thế này mà.

"Không. Tao tức chuyện bị điểm 0 lúc còn đi học thôi. Ngọt lắm, ăn đi." Một câu nói dối không hề có tính thuyết phục với bất kỳ ai trừ Hiệu Tích. Doãn Kỳ đang nhăn mặt liền lập tức cười nhẹ đáp lại lời Hiệu Tích. Và cậu chàng rất dễ tin người nên ăn thật. Kết quả thì ai cũng biết rồi. Đâu có chuyện một mình Doãn Kỳ ăn hành. Cái gì "ngon" là phải mời bạn bè ăn cùng.

Nam Tuấn cười như được mùa. Cậu bóc vỏ một trái, cẩn thận tách hạt dưới hai cặp mắt đầy mong chờ. Nhưng Nam Tuấn là người mang ra mà, làm gì có chuyện cậu không biết nó chua. Không những vậy còn ăn tận hai lần. Cậu huýt sáo gọi chú chó lông trắng của Thạc Trân lại và cho nó miếng vải vừa bóc dưới sự chứng kiến của hai người bạn cùng làng, Nam Tuấn nghĩ mình sắp bị đánh rồi.

"Ể? Nhóc đầu dừa đâu? Rồi sao còn có nhiêu vậy? Sao hai người nhìn có vẻ tức giận thế?" Thạc Trân mang theo vài bịch khăn giấy và túi kẹo to. Loại này ngon lắm á. Mà mẹ không cho ăn thường, cậu phải năn nỉ lắm mới được mang theo một túi. Cơ mà đứa nhỏ hỏi xin khăn giấy đâu. Thằng bé có tóc cắt như trái dừa ý. Cả hai đứa hay hạnh hoẹ nhau nữa. Đâu mất tiêu rồi.

Đúng lúc đó, trước cổng nhà vang lên tiếng chí choé của vài đứa trẻ con. Vào trước là trưởng làng, theo sau là đến bộ ba gây chuyện. Chính Quốc chạy đến sập ván đặt lên rổ ổi xanh mướt. Thái Hanh và Trí Mân đang bận hạnh hoẹ nhau chuyện chiều cao, trước đó từ nhà trưởng làng Thái Hanh đã chí choé với Chính Quốc rồi nhưng vì bài kiểm tra trứng vịt kia nên đành nhẫn nhịn mà chuyển đối tượng. Trong số ba đứa nhỏ, Trí Mân dù hơn Chính Quốc hai tuổi nhưng lại thấp hơn hai xen ti. Nhìn bề ngoài thì trông không khác gì nhau. Nhưng mới năm rồi, trên xã có cử bác sĩ về khám sức khoẻ cho học sinh. Hai đứa tưởng chừng như bằng nhau này mới biết chênh nhau hai xen ti mét. Nam Tuấn là cao nhất. Rồi đến Hiệu Tích, Thái Hanh. Riêng Doãn Kỳ hôm đó phải đi theo cha ra biển nên không biết. Vốn dĩ chiều cao ở tuổi này vẫn chưa phát triển hết, nên ai cao hơn ai chưa thể khẳng định. Cơ mà trẻ con ấy, làm gì nghĩ nhiều như người lớn. Đám trẻ chỉ biết những điều chúng thấy thôi. Nên là Phác Trí Mân tự dưng bị chọc quê.

"Lại chôm nữa à?" Doãn Kỳ tốt bụng bóc sẵn vài trái vải, mục đích thì rõ như ban ngày rồi, đều là muốn cả ba đứa nhỏ nhất ăn vải chua. Nam Tuấn nói chùm vải này do Chính Quốc đưa. Thế thì đã sao. Cậu chắc rằng khi thấy đồ ăn, cả ba đứa nhóc sẽ không phân biệt được gì đâu. Thậm chí nhiều khi còn nghĩ đám anh lớn trêu chọc nữa.

"Đâu. Trưởng làng cho tụi em á. Ế! Vải nà. Em ăn được không?" Trí Mân từ bỏ khẩu chiến, cậu ngồi xuống sập ván cạnh Hiệu Tích, hai mắt sáng rỡ khi nhìn thấy mấy trái vải được bóc sẵn. Má dặn là muốn ăn thì phải hỏi xin. Thế nên Trí Mân hỏi mấy anh lớn, nhận được cái gật đầu từ Doãn Kỳ, cả ba liền lấy cho mình mỗi người một trái. Và gậy ông đập lưng ông. Mấy trái vải chua lè này, đừng có nói là của Chính Quốc cho nha.

"Sao? Ngon không? Ngọt thanh mát cổ họng luôn đúng không?" Nam Tuấn nhéo lấy lỗ tai của Thái Hanh. Đầu dây mối nợ là đứa nhóc này nè. Suốt ngày cứ bày chuyện chọc phá. Nói đúng hơn thì cả ba đứa đều có phần nhưng đa số Kim Thái Hanh đều là đầu têu của các trò đùa.

Chính Quốc nhìn thấy ông anh hay cùng mình phá phách bị Nam Tuấn nhéo tai, liền vội vàng chạy đến nấp sau lưng Thạc Trân. Nói gì thì nói chứ Tuấn ca nhéo tai đau lắm đấy. Cậu bị một lần là tởn rồi. Thạc Trân trông thấy cậu nhóc kia bị nhéo tai rồi đến cậu nhóc đầu dừa này đứng nép sau lưng mình liền đưa tay ra sau ôm lấy vai cậu nhóc. Tuy là cậu không hiểu chuyện gì nhưng mà nhìn nhóc đầu dừa này sợ hãi thế cũng không nỡ.

Thái Hanh xoa xoa cái tai đau thương của mình. Điền Chính Quốc, một thằng nhóc luôn biết cách tránh đi những hình phạt mà Nam Tuấn đặt ra, còn Trí Mân, cậu bạn hơi dè dặt với mấy trò cậu bày ra nên thường không bị liên lụy. Còn Thái Hanh, lần nào cũng bị ăn đòn. Chán ghê. Cậu lấy một quả ổi trong rổ, cạp một miếng to ăn cho bỏ tức. So với mấy quả vải cậu và Chính Quốc lấy được từ cây vải bị chặt nhà trưởng làng từ hôm qua, mấy trái ổi xanh mướt này ngon hơn nhiều. Nhưng cậu không có ý định bẻ trộm nó. Ban nãy định chôm me cơ. Thái Hanh thấy cũng lạ, vùng quê cậu ở là làng biển, thế mà nhà trưởng làng ý, cây gì cũng có. Cậu có xin má cho trồng nhưng mà má nói phải đợi mấy năm sau mới được ăn.

"Ế! Nãy giờ chưa giới thiệu gì hết. Đây là anh Thạc Trân. Con của cô chú Kim. Lớn nhất trong tụi mình á." Nam Tuấn đang ăn ổi ngon lành thì bị nghẹn, cũng nhờ đó mới nhớ ra chuyện này. Hồi sáng gặp, cậu lo chuyện hải sản mà quên mất người ta, giờ cũng lo ăn mà quên mất Thạc Trân chưa biết ai ngoài Nam Tuấn và có lẽ là thêm Thái Hanh và Chính Quốc.

"Em là Doãn Kỳ. Lớn nhất trong đám nhưng là trước khi gặp anh."

"Em là Hiệu Tích. Bằng tuổi Nam Tuấn á."

"Trí Mân nè."

"Thái Hanh nè."

"Chính Quốc nè."

Giới thiệu xong xuôi cũng là lúc Nam Tuấn bị má gọi vào nhà lấy rổ ốc luộc cho cả đám cùng ăn. Cả làng này trước giờ vẫn theo nghề chài lưới bắt cá, nhà cậu cũng thế, từ đời này sang đời nọ đều làm cùng một nghề. Lắm lúc có vài nhà có điều kiện thì cho con cháu lên phố học hành để khỏi phải vất vả với chài lưới hay vài người không chịu được sự ương bướng của biển cả đành kéo nhau lên chốn thành thị hào nhoáng mong được đổi đời.

Thạc Trân nhìn mấy đứa trẻ nhỏ tuổi hơn mình rôm rả cười đùa bỗng chốc thấy vui lây. Cậu không rõ sao nữa. Thật lòng mà nói, với cậu, một đứa trẻ con quen với cách sống của thành thị, Thạc Trân không nghĩ rằng mình sẽ có thể chịu đựng đến bây giờ mà không giẫy nảy đòi về nhà như bao đứa trẻ khác. Thú vui của cậu và sáu đứa nhóc này hoàn toàn khác nhau. Nếu bây giờ còn ở thành phố hay đang ở bãi biển xanh thì có lẽ Thạc Trân sẽ đang xem hoạt hình cùng ba mẹ. Nhưng thay vì thế cậu lại đang ngồi đây cùng sáu đứa trẻ mới quen biết vừa ăn ốc vừa nghe tụi nhỏ nói chuyện phiếm.

Ừ thì những câu chuyện mà cậu đang được nghe đều là những chiến tích từ biển cả của Nam Tuấn, Doãn Kỳ và Hiệu Tích. Thạc Trân không chắc nó có thật sự là chiến tích không nữa. Khi sự thật là chẳng phải mấy đứa chỉ theo thuyền ngư dân thôi sao. Thêm nữa là những mẫu chuyện nghe thôi đã thấy hư cấu của ba đứa nhỏ nhất. Nào là con cá to bằng cái nhà hay con tôm to hơn cả Thái Hanh. Thạc Trân không tin đâu. Anh trai vẫn thường cùng cậu tìm hiểu về thế giới động vật nên sẽ chẳng có con cá nào to đến thế đâu. Hoặc nếu có, nó sẽ dễ dàng xuất hiện đến thế sao.

Ăn uống no say, bảy đứa nhỏ cùng nằm ra sập ván để ngắm trời đêm. Bầu trời đêm thật là nhiều sao. Thạc Trân ồ lên kinh ngạc. Cậu chưa bao giờ tận mắt nhìn thấy ngôi sao trên bầu trời như thế này. Không ngờ chỗ này lại là nơi có thể ngắm sao tuyệt vời đến vậy. Anh trai vẫn luôn nói là mong nhìn thấy ngôi sao thật, bây giờ Thạc Trân đang ngắm nè. Lần này khi trở về nhà cậu sẽ khoe khoang với anh trai mới được.

"Anh Thạc Trân, sao trên thành phố có đẹp giống vậy không?" Chính Quốc xoè năm ngón tay lên bầu trời đêm, cậu chính là muốn bắt trọn mấy ngôi sao đang nhấp nháy kia.

"Không có. Chỗ anh không thể thấy. Vì có quá nhiều ánh sáng."

"Hửm! Quá nhiều ánh sáng? Vậy chắc trên đó vui lắm hả?" Thái Hanh chen vào. Cậu rất muốn một lần được lên phố. Dù cho nó có thể giống như ti vi hay nói hoặc khác đi nữa. Thái Hanh vẫn muốn tận mắt chứng kiến thành phố là như thế nào. Mấy đứa làng bên lâu lâu lại có dịp lên phố một lần vì chúng nó có họ hàng trên đó. Và khi gặp nhau, cậu thật sự ghen tỵ với những điều bọn nhóc đó kể về một thành thị khác xa nơi này. Một thành phố với nhiều ánh đèn chiếu lấp lánh, những trò chơi ngựa gỗ mà Thái Hanh chỉ mới thấy qua ti vi, đám nhóc đó đã chơi trên dưới mười lần. Hay những món ăn đầy vị ngọt với đủ màu sắc, tụi nó cũng đã nếm qua thử rồi.

"Ừm có thể nói là cái gì cũng có. Chỉ khác là những cái em có ở chỗ này, thành phố đều không có. Đặc biệt là biển."

"Ơ! Thế thì em không đi đâu. Lên đó không thể thấy sao thật hả anh?"

Trí Mân hỏi. Thạc Trân gật đầu.

Cậu nhóc ỉu xìu. Khác với Thái Hanh, bao lần Trí Mân vẫn bị tên nhóc cùng tuổi lôi kéo bỏ nhà chạy lên phố một hôm xem nó như thế nào. Nhưng cậu không có gan lớn như thế và cả Thái Hanh cũng vậy. Vậy nên, chỉ có thể nằm dài trên những tảng đá ven biển, vừa lắng nghe tiếng sóng vỗ vừa ngắm sao trời vừa tưởng tượng ra thành thị là cái gì. Để bây giờ, cậu mắt thấy tai nghe một người anh trên thành thị bảo rằng, ở đó không thể ngắm sao trời, lại còn không có những thứ cậu hay thấy ở chốn này. Đặc biệt là biển. Chỉ duy nhất điều này thôi, Trí Mân không hề muốn đi lên phố chút nào.

"Buồn ghê. Thế mấy cái quảng cáo trên ti vi có thật không anh?" Thái Hanh lại tiếp tục tò mò. Cậu chính là không cam tâm khi nghe Thạc Trân nói rằng nơi đó không có biển. Chính vì điều này đã làm giảm ước muốn được một lần lên phố của cậu. Nhưng bọn trẻ làng bên bảo vui lắm cơ mà.

"Hoàn toàn giống như thế. Nhưng mấy đứa sao thế? Sao ai nấy đều có vẻ ỉu xìu khi nghe anh nói vậy?" Thạc Trân thắc mắc. Chỉ sau khi cậu nói không có biển là cả đám từ một màu tươi vui liền chùng xuống. Cậu nói sai cái gì sao.

"Tụi em chưa từng rời khỏi làng biển này. Những điều em biết về thành thị là qua những lời kể của các cô chú và cả quảng cáo trên ti vi. Thật lòng thì tụi em đứa nào cũng muốn lên đó một lần xem như thế nào. Nhưng nếu để cả đám lựa chọn rời xa biển xanh và đến sống ở thành thị thì em không muốn." Nam Tuấn giải đáp. Năm người còn lại đồng loạt gật đầu.

Thạc Trân trầm ngâm. Uớc muốn đó thật sự là rất bình thường với một đứa trẻ ở vùng quê. Ai mà không muốn lên đất thành thị chứ. Vì ở đó, có những thứ mà cả đời này những con người nhỏ bé ở làng biển rộng lớn này chưa bao giờ được thấy. Thạc Trân cứ ngỡ phản ứng của tụi nhỏ là ồ em muốn được lên đó quá. Nhưng cuối cùng, biển cả đã giữ họ ở lại. Đi đâu cũng được nhưng hãy nhớ rằng biển vẫn còn đó, vẫn chờ mọi người trở về.

Thế mới nói, chỉ sau vài tiếng đồng hồ ở đây, Thạc Trân nghĩ rằng cậu thật sự thích nơi này. Một nơi là sự yên bình hiện hữu rõ rệt nhất. Trái với sự náo nhiệt ồn ào của phố thành. Những đứa trẻ ở đây làm cho cậu cảm thấy sự giản dị và gần gũi từ những chùm vải chua hay cả những lần trầm trồ vì bịch khăn giấy chẳng đáng giá bao nhiêu. Hay cả những cái được gọi là sự hùng vĩ của biển khơi qua lời của bọn nhóc. Những câu nói đậm chất trẻ con và vài câu đùa bâng quơ đùa nghịch của sáu đứa nhỏ hơn. Tất cả tổng thể tạo nên một bức tranh tràn ngập sắc màu, một điều mà cho sau này khi trưởng thành, Thạc Trân vẫn nhớ mãi, nhớ mãi ký ức vui vẻ về sáu người bạn vùng biển mà cậu vô tình gặp được vào một mùa hạ xa.


***

Hello, vẫn là piecechesse đây. Hạ là một ý tưởng mình chợt nghĩ ra vào một ngày mưa và mình sẽ không viết full nó. Hehe. Vì đây chỉ đơn giản là mình muốn viết một cái gì đó về cả 7 chứ không phải ý tưởng fic mới gì cả. Hơn hết là vì mình muốn viết thử kiểu văn nhẹ nhàng, không quá drama hay vui tươi. Well, nói chung lại thì đây như là một bài test thử kiểu văn mới vậy á. Mà nói thật thì nếu mình không kết chắc nó sẽ ra hơn 10k từ quá. Thật á.

Nếu mọi người có đọc Hạ thì cho t xin 500đ cmt về bé nó nha. Cảm ơn mọi người nhiều.

Đọc vui nha mọi người.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro