Nhà Nguyen

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ngày 1-9-1858, sau nhiều năm chuẩn bị, thực dân Pháp nổ súng tấn công vào cửa biển Đà Nẵng, chính thức mở màn cuộc chiến tranh xâm lược nước ta thành thuộc địa của chúng.

Đầu tháng 2-1859, sau khi kế hoạch đánh mau thắng mau bị chặn lại ở Đà Nẵng, thực dân Pháp chuyển hướng tấn công vào Gia Định. Sáng ngày 17-2-1859, sau khi bắn phá 12 đồn dọc hai bờ sông và 3 cảng trên sông Sài Gòn, quân xâm lược Pháp công hãm thành Gia Định. Đến 10 giờ cùng ngày thì chúng chiếm được thành.

Cuộc tiến công xâm lược của thực dân Pháp vào Gia Định lần này chỉ vấp phải sự chống trả yếu ớt của quân đội triều đình, một lực lượng vốn nhỏ bé lại thiếu phòng bị. Trong khi đó, ngay từ đầu, khi quân giặc từ Vũng Tàu tiến vào bắn phá pháo đài Phước Thắng ở núi lớn (Gành Rái), nhân dân Lục tỉnh đã phất cao cờ chống giặc, chủ động tổ chức thành những đạo quân "ứng nghĩa" tiếp sức cho quân đội triều đình và các toán dân dũng tự phòng vệ các thôn xã. Khi được tin quân Pháp đánh vào Gia Định, Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng, quê xã Mỹ Thạnh (nay thuộc huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) đã mang quân tiếp cứu, nhưng chưa đến nơi thì đồn đã mất. Ông tập hợp quân sĩ cùng quân nghĩa dũng các vùng phụ cận củng cố, giữ đồn Cây Mai.

Sau khi thành Gia Định bị chiếm, nhân dân quanh vùng liên tục bao vây chặn đánh, khiến địch chiếm được thành mà không đánh bung ra được, lại luôn luôn bị tập kích bất ngờ. Đêm nào quân giặc đóng trong thành cũng bị những toán dân dũng đột kích.

Nhận thấy không thể nuốt ngay được Lục tỉnh, giặc Pháp chuyển hướng tấn công ra Đà Nẵng, sau khi đã đốt thành Gia Định. Nhưng ở Đà Nẵng, chúng lại nếm mùi thất bại, nên đầu năm 1860, chúng lại tập trung quân kéo vào đánh Gia Định lần thứ hai. Lần này chúng ra sức mở thêm phạm vi chiếm đóng quanh thành Gia Định, chủ yếu là chiếm Chợ Lớn - trung tâm thương mại của Nam Kỳ - nhằm tính kế lâu dài "chinh phục bằng những gói nhỏ" (1).

Đứng trước âm mưu mới của giặc, những thống đốc đại thần, tham tán quân vụ, đô đốc, lãnh binh của triều đình Huế, theo lệnh Tự Đức đã án binh bất động (2). Trong khi đó nhân dân Lục tỉnh, trong đó có nhân dân Bến Tre một lòng quyết đánh đuổi cho bằng được bọn xâm lược. Các đạo quân ứng nghĩa, các toán dân dũng tiếp tục xuất hiện ở nhiều nơi.

Ngày 1-4-1861, quân Pháp bắt đầu mở cuộc hành quân tiến về tỉnh thành Mỹ Tho. Chúng đã vấp phải sự chặn đánh quyết liệt của các toán dân dũng phục kích hai bên bờ sông và phải chịu nhiều tổn thất nặng nề (3). Mặc dầu vậy, do sự chống cự yếu ớt với tinh thần thất bại chủ nghĩa của quân đội triều đình, giặc Pháp đã chiếm được tỉnh thành Định Tường ngày 15-4-1861. Lãnh phủ Nguyễn Hữu Thành, chỉ huy quân triều đình đã bỏ thành, rút chạy.

Sau khi Định Tường thất thủ, một phong trào võ trang chống Pháp lan ra nhanh chóng trên toàn bộ vùng đất bị giặc chiếm dưới hình thức các đơn vị nghĩa quân, trong đó hoạt động mạnh nhất là đơn vị nghĩa quân của Trương Định, gồm hơn 6.000 người, đóng căn cứ ở Tân Hòa (Gò Công).

Có thể nói rằng từ sông Bến Nghé đến sông Tiền, nhân dân nhất tề nổi dậy, từ người nho sĩ, người chủ điền tới người thợ thủ công, nông dân, tất cả đều hăng hái chống giặc, kẻ theo địch chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Riêng Bến Tre (4), tuy lúc này vẫn là vùng tự do, nhưng nhân dân ở đây cũng không đứng ngoài cuộc chống giặc cứu nước. Trái lại, họ đã nô nức đóng góp tiền gạo, rèn đúc vũ khí, ủng hộ nghĩa quân. Những người trai tráng thì hăng hái xung phong, vượt sông tham gia vào các đội nghĩa quân.

Sức mạnh của phong trào kháng chiến của nhân dân ở đây, ngay chính giặc Pháp cũng phải thừa nhận: "Những cuộc thất bại của quân đội An Nam (tức quân đội triều đình - BS) không có ảnh hưởng nào đến tình hình ứng nghĩa của các vùng đã được chiếm đóng (5). "Họ (chỉ các toán nghĩa quân - BS) xuất hiện bất kỳ, đông đảo, đánh phá rồi lại rút đi đâu mất. Cuộc chiến tranh phòng vệ thật là bất lợi đối với chiến thuật này" (6).

Tuy phải chuốc lấy những tổn thất nặng nề trước sự chống trả mạnh mẽ của nhân dân ta, nhưng giặc Pháp vẫn không từ bỏ kế hoạch tiếp tục đánh chiếm các vùng đất còn lại. Vì vậy, sau khi được tăng viện và tổ chức thêm lực lượng ngụy binh, ngày 7-1-1862, chúng đánh chiếm thành Biên Hòa, tiếp đó ngày 23-3-1862, đánh chiếm luôn thành Vĩnh Long (lần thứ nhất).

Thành Biên Hòa và thành Vĩnh Long thất thủ, nhưng phong trào vũ trang chống Pháp của nhân dân vẫn tiếp tục bùng lên sôi nổi. Nghĩa quân hoạt động mạnh ở khắp nơi, đẩy giặc vào tình thế vô cùng khốn đốn. Chiến công này có sự đóng góp của nhân dân ba dải cù lao An Hóa, Minh và Bảo. Họ tiếp tục chi viện sức người, sức của cho các toán nghĩa quân trong vùng địch chiếm đóng, nhất là ở khu vực quanh thành Vĩnh Long. Tổng đốc Trương Văn Uyên sau khi rút khỏi thành Vĩnh Long, đã chạy qua huyện Duy Minh (Mỏ Cày ngày nay), nơi đây ông được dân chúng nhiệt tình ủng hộ.

Giữa lúc quân xâm lược đang khốn đốn, thì triều đình nhà Nguyễn vẫn đi theo đường lối cầu hòa, bỏ rơi nhân dân ứng nghĩa. Ngày 5-6-1862, hòa ước nhượng đứt cho Pháp 3 tỉnh miền Đông được ký kết giữa phái đoàn triều đình Huế và đại diện Pháp tại Sài Gòn.

Triều đình nhà Nguyễn đầu hàng giặc, nhưng nhân dân thì hành động theo cách nghĩ của họ. Ngay sau khi hòa ước được ký kết, một phong trào chống Pháp lại lan rộng dưới nhiều hình thức. Cuộc đấu tranh võ trang tiêu biểu là hoạt động của nghĩa quân Trương Định, trong đó có sự góp phần của nhân dân huyện Kiến Hòa (Bình Đại) (7) , phủ Hoằng Trị (Bến Tre), làm cho giặc Pháp cảm thấy rất lúng túng. Trong lá thư đề ngày 21-10-1862 gửi cho Bộ trưởng hải quân Pháp Chasseloup Laubat, Đô đốc Bonard, Tổng chỉ huy đạo quân xâm lược, than thở rằng y đã gặp phải một thuộc địa khó trị nhất, nơi tất cả phải bắt đầu từ đầu, giữa những lúc bế tắc của chiến tranh và những phức tạp của ngoại giao (8).

Cùng với cuộc đấu tranh võ trang, một phong trào "bất hợp tác", không chịu chung sống với giặc, đựơc gọi là "tị địa" đã thu hút nhiều nhân sĩ, nhà nho yêu nước và đông đảo nhân dân của 3 tỉnh bị chiếm. Những người này kiên quyết rời bỏ vùng đất đã bị giặc chiếm để chuyển sang Vĩnh Long, hoặc ra Bình Thuận. Đó là một biểu hiện mạnh mẽ của tinh thần yêu nước, căm thù giặc của nhân dân. Tiêu biểu cho phong trào này là thầy đồ Nguyễn Đình Chiểu. Khi thành Gia Định thất thủ (17-2-1859), Nguyễn Đình Chiểu bỏ Gia Định chạy về Cần Giuộc. Đến khi Cần Giuộc bị chiếm, Nguyễn Đình Chiểu lại một lần nữa rời nơi đây, về Ba Tri (Bến Tre) với ý thức quyết không sống chung với quân thù.

Với phong trào "tị địa", sau khi 3 tỉnh miền Đông lọt trọn vào tay quân Pháp, Bến Tre cùng với các tỉnh miền Tây còn lại trở thành nơi tụ họp, gặp gỡ của các nhà yêu nước cùng nhau mưu đồ việc lớn, đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi đất nước, quê hương.

Cuộc đấu tranh võ trang và phong trào "tị địa" của nhân dân 3 tỉnh , trong đó có sự đóng góp của nhân dân Bến Tre, đã gây cho giặc Pháp rất nhiều khó khăn trong việc thiết lập trật tự và nền cai trị của chúng ở vùng đất mới chiếm. Chính Paulin Vial, một viên tham biện Pháp đã tự thú nhận nỗi lo sợ của chúng trước phong trào chống giặc cứu nước của nhân dân lục tỉnh. Y viết: "Chính lúc Đô đốc (chỉ Bonard) tưởng đã chấm dứt cuộc chiến tranh đẫm máu một cách thắng lợi, lại là lúc vấp phải một cuộc kháng chiến và có lẽ đáng sợ hơn là một cuộc chiến tranh chống lại quân đội chính quy của nhà nước" (9). Bản thân L. Bonard, trong một báo cáo gửi về Pháp, đã nhận xét: "Cuộc khởi nghĩa là thường trực, nơi nào đó cũng bị chặn lại, nhưng không nơi nào khởi nghĩa bị đánh tan, vì ta không có đủ phương tiện" (10) .

Trong cuộc đấu tranh một mất một còn với địch vào những năm sau ngày ba tỉnh miền Đông vừa mới mất vào tay giặc Pháp, người dân Bến Tre rất tự hào về những người con ưu tú của mình, mà tiêu biểu là Nguyễn Ngọc Thăng, Nguyễn Đình Chiểu.

Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng, người đã từng đem binh cứu viện thành Gia Định nhưng không kịp, bèn lui về tổ chức phòng thủ đồn Cây Mai. Sau khi đại đồn Chí Hòa thất thủ (25-2-1861), ông rút về Gò Công, tập hợp, xây dựng lực lượng, tiếp tục chống Pháp trong hàng ngũ nghĩa quân Trương Định. Sau hơn 5 năm trời vào sinh ra tử, cuối cùng ông đã anh dũng hi sinh ngày 27-6-1866 trong một cuộc chiến đấu không cân sức với giặc Pháp ở vùng Gia Thuận (Gò Công).

Còn Nguyễn Đình Chiểu, thì sau khi Cần Giuộc bị chiếm (14-12-1861) ông đã rút về Ba Tri (Bến Tre), để bảo toàn khí tiết của một nho sĩ. Thời gian ở Ba Tri, trong mấy năm đầu "tị địa", Nguyễn Đình Chiểu vừa dạy học vừa bốc thuốc trị bệnh cho dân, vừa hăng say chống giặc bằng ngòi bút, đồng thời còn làm tham mưu cho vị lãnh tụ nghĩa quân Trương Định. Tại đây, ông lại tiếp tục viết nên "những trang bất hủ ca ngợi cuộc chiến đấu oanh liệt của nhân dân ta, chống bọn xâm lược phương Tây" (11) như Văn tế sĩ dân Lục tỉnh, Ngư tiều y thuật vấn đáp v.v... Vào những ngày cuối tháng 8-1864, khi nghe tin Trương Định bị tên phản bội Huỳnh Văn Tấn dẫn giặc tập kích, bắn chết ở Kiểng Phước (Gò Công), ông đã cảm xúc làm bài văn tế và 12 bài thơ liên hoàn điếu Trương Công rất lâm ly, không những biểu thị lòng thương tiếc người anh hùng đã hy sinh mà còn bộc lộ mối căm thù sâu sắc của ông đối với quân xâm lược.

Trương Định hy sinh và cuộc chiến đấu của nghĩa quân do ông trực tiếp lãnh đạo không giành được thắng lợi, nhưng phong trào kháng chiến của nhân dân các tỉnh vẫn không vì thế mà bị dập tắt. Trái lại nhiều nghĩa quân của Trương Định, sau khi chủ tướng hy sinh, đã tản về các địa phương, tiếp tục hoạt động chống Pháp.

Riêng ở Bến Tre, lúc này nổi lên một hoạt động của hai nhóm nghĩa quân: một nhóm của Trịnh Viết Bàng và một nhóm của Huỳnh Văn Thiệu. Trịnh Viết Bàng quê làng Tân Định (thuộc cù lao An Hóa), từng tham gia phong trào chống Pháp của Trương Định. Năm 1864, sau khi căn cứ Tân Hòa (Gò Công) thất thủ, chủ tướng hy sinh, ông cùng một số người thân tín rút về hoạt động chống Pháp ở cù lao An Hóa. Ông tiếp tục chiêu mộ nghĩa quân và thường xuyên tổ chức lùng diệt những tên tay sai gian ác của giặc. Hoạt động được một thời gian, ông bị giặc Pháp bắt và chém đầu tại thị xã Mỹ Tho (12). Lúc chết ông vẫn không quên dặn lại: "Sau khi ta chết, đem xác ta về chôn ở ngã tư để con cháu nhớ mà không theo giặc". Cũng như Trịnh Viết Bàng, Huỳnh Văn Thiệu cũng là một bộ tướng của Trương Định. Chủ tướng mất, ông về quê tổ chức nghĩa quân chống Pháp ở Châu Hưng. Ít lâu sau, do kẻ gian mật báo, giặc Pháp bắt được ông đem xử trảm ở Bàu Sấu (13).

Các cuộc nổi dậy chống giặc cứu nước của nhân dân 3 tỉnh bị chiếm với sự tham gia hỗ trợ của nhân dân các tỉnh miền Tây đã gây cho địch khá nhiều tổn thất, nhưng trước sự ươn hèn của triều đình nhà Nguyễn, tháng 6-1867, giặc Pháp chiếm luôn 3 tỉnh còn lại. Thế là đến lượt Bến Tre rơi vào tay giặc pháp. Chiếm luôn được 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, giặc Pháp vô cùng hí hửng, tưởng như thế là đã nuốt xong 6 tỉnh Nam Kỳ một cách êm xuôi. Nhưng chúng đã lầm. Vừa đặt chân đến đất Bến Tre, chúng đã vấp phải một sự kháng cự anh dũng của nhân dân xứ Dừa. Tháng 6-1867, Pháp chiếm Bến Tre thì tháng 8-1867, đã nổ ra cuộc khởi nghĩa chống Pháp dưới ngọn cờ lãnh đạo của hai người con của Phan Thanh Giản là Phan Liêm và Phan Tôn (14). Cuộc khởi nghĩa này có quy mô rộng lớn. Giặc Pháp thú nhận cuộc khởi nghĩa rất khó đàn áp, vì nhân dân tỉnh Bến Tre lúc bấy giờ, cả Vĩnh Long nữa, đã nhất tề đứng lên. Trung tâm cuộc khởi nghĩa là Bảo An (phần đất của huyện Ba Tri bây giờ), vì vùng này hồi đó rất hoang vu, cây cối rậm rạp, kênh, rạch, xẻo, mương chằng chịt, rừng dừa nước, rừng đủng đỉnh, rừng bần... dày đặc, rất thuận lợi cho việc xây dựng căn cứ. Giặc Pháp hết sức tức tối, tập trung lực lượng để đàn áp. Tối 9-11-1867, một toán lính Pháp khoảng 40 tên do De Champeaux chỉ huy kéo đến bao vây làng Hương Điểm - một địa điểm hoạt động của nghĩa quân (15). Chúng đóng quân trong chùa, đợi sáng ngày tiến hành đàn áp. Nhưng ngay tối hôm đó, nhân khi trời mưa to gió lớn, hơn 100 nghĩa quân đã mở cuộc tấn công dữ dội vào doanh trại giặc, De Champeaux bị đâm trọng thương. Bị đánh bất ngờ, toàn bộ quân giặc hoảng sợ, rút chạy ngay đêm ấy. Bọn Pháp buộc phải đem quân từ Sài Gòn, Vĩnh Long đến ứng cứu. Ngày 12-11, đạo quân tiếp viện gồm 3 chiến thuyền, 150 lính Pháp do tên quan tư Ansart chỉ huy và 200 lính mã tà do Vial cầm đầu kéo đến Bến Tre, bao vây Hương Điểm. Sáng 13-11, giặc mở đầu cuộc bao vây, lùng sục. Cuộc chiến đấu của nghĩa quân diễn ra hết sức quyết liệt. Trong trận này xuất hiện nhiều tấm gương anh dũng quên mình, trong đó có Trương Tấn Chí, cháu của Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu, cầm cờ xung phong lên trước, bị trúng đạn ngã gục (16). Giặc Pháp không dám tiến sâu vào các thôn xóm, chỉ co cụm tại chợ, đến chiều lại theo tàu chở về tỉnh lỵ Bến Tre, để lại 50 lính mã tà do Quản Cho chỉ huy.

Thực hiện vừa đánh vừa xoa, ngày 14-11, giặc Pháp sai Tôn Thọ Tường, vốn là chổ quen biết với Phan Thanh Giản, đến gảnh Mù U dụ hàng Phan Tôn và Phan Liêm, nhưng cuộc thuyết phục bất thành vì thái độ cương quyết của hai người.

Dụ hàng không được, sáng 15-11, giặc lại tung quân đi đàn áp. Tại chợ Hương Điểm, chúng phát hiện nơi để vũ khí của nghĩa quân, lấy được một số lượng vũ khí. Cùng ngày, giặc cho tàu chiến chạy dọc theo sông Hàm Luông để truy lùng, uy hiếp quân khởi nghĩa. Đến 4 giờ chiều, chúng đổ bộ lên ấp An Thới, làng An Lái. Chúng không dám vào làng mà đóng quân trên một giồng cát gần làng thường gọi là Gò Trụi, hay Giồng Gạch.

Nắm thời cơ địch vừa kéo đến, chưa kịp ổn định, 2 giờ sáng, nghĩa quân đột nhập tấn công vào doanh trại của chúng. Trận đánh diễn ra cực kỳ ác liệt. Càng về khuya, nghĩa quân kéo đến càng đông và hai bên đáng giáp lá cà dữ dội. Nổi bật nhất trong trận này là đốc binh Phan Tòng. Giai thoại ở Ba Tri kể rằng Phan Tòng đầu đội khăn tang mẹ (17), hăng hái chỉ huy nghĩa quân tấn công mãnh liệt bọn giặc. Trận Gò Trụi (Giồng Gạch) là trận đánh tập kích lớn từ khi giặc Pháp vào xâm lược Nam Kỳ cho đến lúc này. Paulin Vial, một sĩ quan Pháp chứng kiến trận này, đã ghi nhận tinh thần chiến đấu dũng cảm ngoan cường của nghĩa quân như sau: "Họ (nghĩa quân) đã cầm giáo, cầm gậy đã lao đến chụp lấy lưỡi lê. Người ta không thể nào không công nhận lòng can đảm của những người liều chết đánh giáp lá cà chống lại binh lính ta, một đội quân đã dầy dạng trên chiến trường và có súng ống đáng ghê sợ" (18). Nhân dân Ba Tri gọi đây là trận "giặc hè" vì vừa đánh vừa hè nhau lao tới. Phan Tòng đã hy sinh trong trận này (19). Đó là người anh hùng chống Pháp và là một trong những liệt sĩ đầu tiên của nhân dân Bến Tre nói chung và Ba Tri nói riêng trong trang sử chống ngoại xâm.

Mặc dù bị tập kích nặng trong đêm, sáng ngày 16-11-1867, giặc Pháp vẫn tập trung lực lượng tấn công dữ dội vào Ba Tri và Bảo Thạnh, rút về gảnh Mù U. Giặc lại tập trung cả quân thủy và quân bộ tấn công vào căn cứ này. Do tương quan lực lượng chênh lệch, sau khi chống trả quyết liệt, nghĩa quân phải rút khỏi Bảo Thạnh. Giặc Pháp tiếp tục tìm mọi cách để đè bẹp cuộc khởi nghĩa. Do quân giặc mạnh hơn về vũ khí trang bị, còn nghĩa quân ngoài lòng yêu nước và chí căm thù giặc, chỉ có giáo mác thô sơ, nên cuộc khởi nghĩa dần dần tan rã. Anh em Phan Tôn, Phan Liêm phải chạy ra Bình Thuận, nơi "tị địa" của đa số các sĩ phu lúc ấy.

Cuộc khởi nghĩa của Phan Tôn, Phan Liêm bị thất bại, nhưng phong trào KCCP của nhân dân Bến Tre không vì thế mà chấm dứt. Trái lại, cuộc chiến đấu chống giặc của nhân dân vẫn tiếp tục. Nhiều tài liệu cho biết năm 1868, khắp tỉnh nơi nào nghĩa quân cũng có mặt. Nghĩa quân phong chức hàm và cấp bằng cho những ai đóng góp tiền bạc và lương thực cho họ. Bộ tham mưu được đặt trong rừng rậm, xê dịch dài theo bờ sông Ba Lai, phía đông bắc cù lao Bảo, nhất là tại Bảo An. Ngày 5-2-1868, nghĩa quân đánh đồn Hương Điểm lần thứ hai. Đồn này có vài chục lính mã tà trấn giữ dưới quyền chỉ huy của một tên đội. Tháng 7-1868, nghĩa quân lại nổi lên ở Cái Mít, tiếp đó (tháng 8) ở Phú Ngãi và Tân Điền quanh vùng Ba Tri.

Cùng thời gian này, một cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn hơn do Tán Kế lãnh đạo nổ ra ở Phong Mỹ, Phong Nẫm, Ba Mỹ, Tân Xuân, vùng Ba Châu (20). Nghĩa quân của Tán Kế đã gây nhiều tổn thất cho giặc, nhưng về sau do vũ khí thô sơ, việc tổ chức trận đấu thiếu kinh nghiệm, nên lực lượng bị hao hụt dần. Cuối cùng, Tán Kế đành phải giải tán quân sĩ, cùng một số thân tín rút vào rừng ở. Kẻ gian báo tin cho giặc Pháp biết nơi ông đang ẩn náu, do đó ông bị chúng bắt đem về chém tại Giồng Trôm ngày 11 tháng Giêng năm Kỷ Tỵ, tức ngày 21-2-1869. Giặc Pháp đã bêu đầu ông trên cột cờ chợ Châu Thới 3 ngày đêm để uy hiếp tinh thần dân chúng.

Cuộc khởi nghĩa của Tán Kế tan rã được ít lâu, thì tháng 5-1869, nghĩa quân lại nổi lên tấn công làng Đồng Xuân ở Ba Tri (21) với một lực lượng khoảng 100 người, giết chết tên cai tổng Trị và người em của hắn là một tên xã trưởng.

Cùng với việc đứng lên vũ trang khởi nghĩa, phong trào chống Pháp của nhân dân Bến Tre kỳ này còn diễn ra dưới hình thức bất tác với giặc. Nhân dân sẵn sàng hy sinh tài sản của mình, làm "vườn không nhà trống" ở những nơi thực dân Pháp chiếm đóng. Năm 1869, nhân dân làng Quới Điền, tổng Minh Phú bỏ nhà cửa, ruộng vườn ra đi. Tháng 10, 11 năm 1870, dân làng An Thới, tổng Minh Huệ cũng bỏ làng đi nơi khác.

Ngoài các cuộc khởi nghĩa và nổi dậy nói trên, diễn ra từ năm 1870 cho đến năm 1875, nhân dân một số vùng của Bến Tre còn tích cực tham gia một cuộc khởi nghĩa do Nguyễn Hữu Huân lãnh đạo. Địa bàn hoạt động của Nguyễn Hữu Huân trong lần khởi nghĩa này (22) chủ yếu là Định Tường, nhưng nhân dân Bến Tre đã nô nức ứng nghĩa bằng cách trực tiếp tham gia nghĩa quân, hoặc ủng hộ tiền bạc, lương thực, vũ khí. Để trả thù và nhằm để răn đe viên Thống đốc Nam Kỳ từng ra lệnh phạt 11 làng của Bến Tre vì đã tham gia vào phong trào khởi nghĩa của Thủ khoa Huân. Đó là các làng Bình Đại (bị phạt 3.000 francs), Châu Hưng, Nguyệt Thạnh, Phú Thuận, Lộc Thuận (bị phạt 1.000 francs), Phú Long, Phước Thuận, Thới Lai, Thọ Phú (bị phạt 500 francs), các làng An Hóa, An Hồ (bị phạt 1.000 francs) (xem thêm mục Sự kiện đáng nhớ ở phần Phụ Lục).

Cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Huân, có sự tham gia của nhân dân Bến Tre, kéo dài hơn 5 năm, đã làm cho giặc Pháp luôn bị mất ăn mất ngủ. Vì vậy, đến tháng 4-1875, thực dân Pháp đã huy động một lực lượng quân sự lớn, chia làm nhiều ngã, vây đánh rất ngặt căn cứ của nghĩa quân ở Long Trì.

Sau nửa tháng chống trả quyết liệt, nghĩa quân bị tan vỡ. Nguyễn Hữu Huân thoát khỏi vòng vây, rút về Chợ Gạo, sau đó khi ông tìm cách tránh ra Bình Thuận để tiếp tục chiến đấu, thì bị giặc bắt do sự phản bội của một tên bộ hạ.

Bắt được Nguyễn Hữu Huân, tên chủ tỉnh Pháp tìm cách mua chuộc ông, nhưng ông vẫn khẳng khái cho đến phút cuối của đời mình. Ông bị giặc Pháp xử tử ở nơi giáp nước, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo ngày 15 tháng 5 năm Ất Hợi (19-5-1875).

Cuộc khởi nghĩa Nguyễn Hữu Huân thất bại cũng là lúc triều đình Huế ươn hèn ký hòa ước Giáp Tuất (1874), giao trọn quyền cai trị 6 tỉnh Nam Kỳ cho Pháp. Với hòa ước này, thực dân Pháp trọn quyền kiểm soát mọi mặt, tự do khủng bố các phong trào yêu nước. Từ đây, nghĩa quân tạm thời chuyển hướng đấu tranh bằng các hành động đốt phá và phản kháng lẻ tẻ: năm 1878, đốt chợ Giồng Keo làng Tân Thành, tổng Minh Thuận; năm 1879, đốt chợ Thom, làng An Thạnh, tổng Minh Đạo.

Năm 1884, cụ Nguyễn Đình Chiểu tổ chức lễ tế nghĩa sĩ Lục tỉnh tại chợ Ba Tri, hàng ngàn dân chúng quanh vùng kéo đến dự. Với tư cách là người chủ tế, cụ Đồ khăn áo chỉnh tề, đã đọc bài Tế Lục tỉnh sĩ dân trận vong. Khác với bài Văn tế nghĩa dân chết trận Cần Giuộc nhằm ngợi ca những người anh hùng nông dân chân đất "cui cút làm ăn riêng lo nghèo khó" đã dũng cảm cầm vũ khí tự tạo xông lên tiêu diệt quân xâm lược ngay từ buổi đầu khi chúng đặt chân lên bờ cõi nước ta, bài văn Tế Lục tỉnh sĩ dân trận vong viết sau gần một phần tư thế kỷ, là một bảng tổng kết tội ác man rợ cao như núi của kẻ thù xâm lược đã gieo rắc trên vùng đất thân yêu ở phía Nam Tổ quốc, đồng thời nói lên ý chí bất khuất của nhân dân.

Hỡi ôi!

Tủi phận biên manh

Căm loài gian tặc...

Phạt cho đến người hèn kẻ khó, thâu của quay treo,

Tội chẳng tha con nít đàn bà, đốt nhà bắt vật.

Trải mười mấy năm chầy khốn khó, bị khảo, bị tra,

Bị đày, bị giết, trẻ già nghe nào xiết đếm tên...(23)

Các cụ già ở Ba Tri kể lại rằng, sau khi đọc xong bài văn tế, cụ Đồ vì quá xúc động đã lăn ra, ngất đi, bà con phải khiêng cụ ra ngoài chạy chữa hồi lâu mới tỉnh lại. Có thể nói đây là một cuộc mít-tinh quần chúng lớn nhất của Bến Tre thời ấy, biểu thị mối căm thù sôi sục đối với bọn giặc cướp nước. Bốn năm sau, năm 1888, nhân dân Bến Tre lại một lần nữa biểu thị lòng yêu nước và căm thù giặc Pháp xâm lược của mình trong ngày đưa tang cụ Nguyễn Đình Chiểu. Nhiều tư liệu còn lưu lại ảnh (cả thành văn lẫn truyền miệng) cho biết trong ngày này, trên cánh đồng Ba Tri có rất nhiều học trò đưa tiễn thầy, bệnh nhân đưa tiễn người thầy thuốc tài giỏi, giàu đức độ đã cứu giúp mình và nhân dân trong vùng đưa tiễn một nhà thơ yêu nước mà họ hằng kính phục về tiết tháo và phẩm cách, cùng những người trong gia đình tiếc thương người thân đã quá cố. Đám tang cụ Đồ thật sự là một cuộc biểu dương lực lượng và ý chí chống xâm lược của nhân dân Bến Tre.

Sau đám tang cụ Đồ, phong trào kháng chiến của nhân dân Bến Tre còn kéo dài một số năm nữa với cuộc nổi dậy cuối cùng của Nhiêu Đẩu, Nhiêu Gương ở Mỏ Cày năm 1895. (24)

Vậy là từ những ngày đầu giặc Pháp nổ súng xâm lược Nam Kỳ cho đến những năm cuối thế kỷ XIX, nhân dân Bến Tre đã liên tục cùng với nhân dân các tỉnh tiến hành cuộc kháng chiến cứu nước, cứu nhà. Trong cuộc chiến đấu mặt đối mặt với một kẻ thù xâm lược có ưu thế vượt hẳn về kỹ thuật và trang bị quân sự, nhân dân Bến Tre với truyền thống kiên cường bất khuất, đã không nề hy sinh, tổn thất, quyết tâm kháng chiến, bất chấp thái độ đầu hàng, phản bội của triều đình nhà Nguyễn.

Mặc dầu phong trào kháng chiến chống Pháp xâm lược của nhân dân Lục tỉnh Nam Kỳ nói chung, của nhân dân Bến Tre nói riêng, do những điều kiện khách quan và chủ quan bất lợi, trong đó nổi bật nhất là thái độ hèn nhát và đường lối thỏa hiệp, đầu hàng của triều đình Tự Đức, không đạt được mục tiêu đánh bại quân xâm lược, giữ đất giữ dân, song tinh thần chiến đấu anh dũng và kiên cường của họ đã tô thắm thêm truyền thống chống giặc giữ nước được hun đúc từ bao đời của ông cha ta.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#kyuto