Nhà nước của dân, do dân, vì dân? Ý nghĩa thực tiễn?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Câu 11: phân tích những nội dung cơ bản tư tưởng HCM về Nhà nước của dân, do dân, vì dân? Ý nghĩa thực tiễn?

                                                            Bài làm.

                        Xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân là quan điểm tư tưởng nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là kim chỉ nam định hướng cho toàn bộ quá trình tổ chức, xây dựng và hoạt động của Nhà nước ta. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân là bước phát triển mới và sự vận dụng sáng tạo của chủ nghĩa Mác - Lê nin kết hợp chủ nghĩa yêu nước, truyền thống văn hóa Việt Nam, tinh hoa văn hóa phương Đông và phương Tây.

Xây dựng một Nhà nước của dân theo Bác Hồ nghĩa là: Tất cả quyền bính đều thuộc về nhân dân, những vấn đề quan hệ đến vận mệnh quốc gia do nhân dân phán quyết; tức là nhân dân phải là người thực hiện quyền lực, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp thông qua các đại biểu của mình “Chính quyền từ xã đến chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên” . Đó là những hình thức cơ bản của nền dân chủ; dân chủ vừa là thành quả đấu tranh cách mạng của dân tộc, vừa là giá trị văn hóa, do đó theo Người: Nhà nước ta phải phát triển quyền dân chủ sinh hoạt chính trị toàn dân... làm cho mọi người công dân Việt Nam thực sự tham gia vào công việc của Nhà nước. Như vậy, nền tảng xã hội sâu rộng, ý thức chính trị và khả năng tham gia vào đời sống chính trị của nhân dân là yếu tố đảm bảo cho nền dân chủ mới. Người coi yếu tố đầu tiên của dân chủ là: Có việc gì thì ai cũng được bàn, cũng phải bàn. Khi bàn rồi thì bỏ thăm, ý kiến nào nhiều người theo hơn thì được. ấy là dân chủ.

Nhà nước do dân bởi vì “ lực lượng bao nhiêu là nhờ dân hết”. Nhà nước muốn điều hành quản lý xã hội có hiệu quả thì phải dựa vào dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “dân như nước mình như cá”; phải “đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân…Chính phủ chỉ giúp kế hoạch cổ động” . Vì vậy Đảng ta luôn chủ trương dựa vào dân, tạo điều kiện để nhân dân phát huy cao nhất quyền làm chủ , tham gia tích cực vào việc quản lý Nhà nước

Nhà nước vì dân, theo Hồ Chí Minh có nghĩa là mọi hoạt động của Nhà nước đều phải xuất phát và vì lợi ích của nhân dân; việc gì có lợi cho dân thì phải làm cho kỳ được ; việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh. Người chỉ rõ: chế độ ta là chế độ dân chủ, nhân dân là chủ, Chính phủ là đầy tớ của nhân dân. Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Chính phủ thì việc to, việc nhỏ đều nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân “Các công việc của chính phủ làm phải nhằm vào mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì tránh” . Xây dựng một Nhà nước vì dân là một nhà nước không đặc quyền, đặc lợi, phục vụ nhân dân tận tụy, một nhà nước trong sạch, chí công vô tư. Bác đã dạy rằng: Phải xây dựng một nền chính trị liêm khiết, kiên quyết đấu tranh với ba thứ giặc nội xâm là: tham ô, lãng phí, quan liêu. Một mặt Nhà nước phải thực hành dân chủ rộng rãi với nhân dân mặt khác phải thực hành chuyên chính với mọi hành động xâm hại đến lợi ích của tổ quốc, quyền làm chủ của nhân dân. Trong hàng loạt vấn đề được đề cập, Hồ Chí Minh thường nhấn mạnh vấn đề bản chất xã hội chủ nghĩa, tính dân chủ, tính nhân dân, tính nhân đạo của Nhà nước mà nhân dân ta xây dựng.

Quan niệm của Hồ Chí Minh về một nhà nước của dân và vì dân còn phải là nhà nước “công bộc của dân, gánh vác công việc chung của dân chứ không phải để đè đầu cưỡi cổ dân như thời Pháp, Nhật” . Người chỉ rõ: bất kỳ ở địa vị nào, làm công tác gì, chúng ta đều là đầy tớ của nhân dân. Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy chúng ta phải đền đáp xứng đáng cho nhân dân. Người dạy, để thực sự là “đầy tớ của dân”, các cơ quan nhà nước từ trung ương đến cơ sở phải thực sự gần dân, biết lắng nghe ý kiến nguyện vọng của nhân dân, làm việc gì cũng bàn bạc kỹ và học hỏi kinh nghiệm của nhân dân, thực sự yêu dân kính dân, tin cậy và trọng dân, ăn ở công bằng với dân và thực sự cần kiệm, liêm chính chí công vô tư.

Nhà nước của dân, do dân và vì dân không phải nhà nước siêu giai cấp mà là nhà nước do Đảng Cộng sản - Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định bản chất giai cấp , bản chất cách mạng của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Đường lối chính sách của Đảng là mục tiêu, phương hướng hành động của nhà nước. Thể chế hóa và thực hiện đường lối của đảng là chức năng cơ bản của nhà nước xã hội chủ nghĩa.

                                                (ý nghĩa thực tiễn)

Bước vào thời kỳ mới, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng XHCN, việc xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân phải tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng và học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về quyền làm chủ đất nước và xã hội của nhân dân. Bởi, đây là nền tảng tư tưởng, lý luận quan trọng trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước pháp quyền kiểu mới do nhân dân làm chủ

Trước hết, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân phải nắm vững mục tiêu là tôn trọng, bảo vệ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tất cả vì độc lập dân tộc, dân chủ, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

Quan điểm trên càng có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng một Nhà nước pháp quyền dân chủ nhân dân - do nhân dân làm chủ, nhất là khi các thế lực thù địch đang lợi dụng chiêu bài “dân chủ” và “nhân quyền” cũng như các thủ đoạn khác để vu cáo, xuyên tạc chế độ dân chủ, chống phá cách mạng nước ta. Văn kiện Đại hội lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Nhà nước ta là công cụ chủ yếu để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân”7. Tổ chức và hoạt động của Nhà nước pháp quyền phải quán triệt sâu sắc quan điểm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Vấn đề là phải thống nhất nhận thức về mối quan hệ giữa toàn bộ quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân với quyền lực của Nhà nước. Xét về mặt chính trị - xã hội thì nhân dân là cội nguồn của quyền lực Nhà nước, là chủ thể quản lý đất nước. Quyền lực của Nhà nước pháp quyền chính là quyền lực do nhân dân làm chủ trao cho Nhà nước, thay mặt cho nhân dân quản lý xã hội. Xét về mặt quản lý thì Nhà nước là một tổ chức công quyền thực thi quyền lực. Dựa vào hệ thống pháp luật và bộ máy của mình, Nhà nước thực hiện việc điều chỉnh các quá trình xã hội theo ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Vì vậy, giữa quyền lực Nhà nước với quyền làm chủ của nhân dân là thống nhất, không có sự đối lập về mục tiêu và lợi ích. Pháp luật là ý chí của nhân dân lao động, thể hiện sự thống nhất giữa lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và lợi ích xã hội. Những quyền tự do, dân chủ, nghĩa vụ của nhân dân được đưa lên thành luật, và Nhà nước chịu trách nhiệm trước nhân dân, bảo đảm và bảo vệ những quyền lợi, nghĩa vụ ấy của nhân dân. Như vậy, việc xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN thực hiện công việc quản lý đất nước bằng pháp luật, bảo đảm tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, đòi hỏi Nhà nước phải tự đặt mình dưới pháp luật, tổ chức và hoạt động theo pháp luật. Đồng thời, phải nâng cao dân trí, động viên, giáo dục và tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân sử dụng quyền làm chủ, quyền lực của mình tham gia vào quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

Hai là, phát huy quyền làm chủ của nhân dân để nhân dân thực sự thực hiện quyền làm chủ đất nước của mình. Vấn đề quan trọng hiện nay là phải tìm ra và thực thi những cơ chế, hình thức dân chủ hữu hiệu để nhân dân thật sự quyết định những công việc trọng đại của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, trước hết và trực tiếp ở cơ sở. Thực tiễn cuộc sống đã chỉ rõ, chừng nào và khi nào Nhà nước chưa tạo đủ điều kiện để nhân dân thực hiện phát huy quyền làm chủ của mình ở cơ sở, hoặc để xảy ra dân chủ cực đoan, dân chủ quá trớn, gây trở ngại cho hoạt động điều hành và quản lý của bộ máy chính quyền cơ sở, thì chừng đó quyền lực Nhà nước ở địa phương bị suy giảm, cản trở việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.

Trong quá trình phát huy dân chủ XHCN, để nhân dân thực sự thực hiện quyền lực và quyền làm chủ đất nước của mình, cần nắm vững bản chất và nội dung của vấn đề dân chủ. Dân chủ ở nước ta là dân chủ XHCN, là nền dân chủ của khối đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; quyền lợi đi đôi với trách nhiệm và nghĩa vụ; dân chủ được cụ thể hóa thành pháp luật, dân chủ trong khuôn khổ pháp luật; khắc phục tình trạng vô kỷ luật, dân chủ cực đoan, lợi dụng dân chủ để phá hoại chế độ XHCN. Đồng thời, tuyệt đối không mơ hồ trước những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với các giá trị văn hoá dân chủ XHCN. Cần phải kiên quyết chống lại những luận điệu xuyên tạc, mị dân, núp dưới chiêu bài “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền” tư sản để xuyên tạc những giá trị dân chủ XHCN mà Đảng và nhân dân ta đã xây dựng, vun đắp trong cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong các cơ quan quyền lực của tổ chức nhà nước về phẩm chất chính trị, đạo đức, phong cách, năng lực quản lý, năng lực chuyên môn để họ thực sự là “người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, toàn tâm, toàn ý phục vụ lợi ích của nhân dân. Đây là nhân tố “cốt lõi” bảo đảm sự thành công của nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì nhân dân. Theo đó, cùng với việc nâng cao bản lĩnh chính trị, giáo dục đạo đức cách mạng, phải đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức nhà nước có đủ tri thức về chính trị học, xã hội học, về hệ thống chính trị, pháp luật, quản lý hành chính nhà nước, về tổ chức lao động khoa học và tâm lý quản lý... Thực hiện tiêu chuẩn hóa đội ngũ công chức theo các ngạch, bậc; tổ chức tốt việc đào tạo và thi tuyển, sát hạch, sàng lọc, bổ nhiệm theo chức danh.

Bốn là, tăng cường vai trò lãnh đạo và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, đáp ứng được những đòi hỏi của sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng XHCN thời kỳ mới. Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam hơn 80 năm qua khẳng định và được xác định tại Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hoà XHCN Việt Nam năm 1992. Thực tiễn đã chỉ rõ: sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội là điều kiện để bảo đảm Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân, vì dân, bảo đảm cho hệ thống chính trị có đủ khả năng đưa đất nước ta từng bước vượt qua nguy cơ, thách thức, vững vàng đi theo con đường cách mạng XHCN. Để nhân dân thực sự phát huy được quyền làm chủ thì vấn đề cốt tử hiện nay phải ra sức xây dựng, củng cố hệ thống chính trị một cách đồng bộ; đặc biệt là đổi mới và chỉnh đốn Đảng, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và xã hội, đồng thời xây dựng kiện toàn bộ máy nhà nước pháp quyền XHCN vững mạnh, trong sạch, có hiệu lực, hiệu quả cao.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước kiểu mới, Nhà nước của dân, do dân và vì dân vẫn mãi mãi có ý nghĩa về lý luận và thực tiễn sâu sắc. Ngày nay, trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chúng ta nhất định thực hiện thắng lợi tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn, phấn đấu xây dựng một Nhà nước Việt Nam XHCN là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.

.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro