Nhà Tôi

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

NHÀ TÔI – Tác giả: Duyên Anh

1    Định mệnh đã an bài

"Định mệnh đã an bài” Năm tiếng này bỗng trở thành danh ngôn kể từ ngày ông Tí con bị vợ chê, bỏ ông ta, đi tìm một chân trời hạnh phúc khác. Ông Tí con buồn lắm. Thay vì uống rượu hay hút thuốc phiện quên nỗi sầu mất vợ, ông ta lại làm cái công việc cao quý là ăn cơm tháng ở mục rao vặt của nhật báo Sáng. Ông Tí con ca bài con cá, hy vọng vợ ông mủi lòng trở về cùng ông vầy duyên như xưa. Nhưng ông Tí con thất vọng y hệt nỗi thất vọng của những anh nhà báo ngây thơ, bị quái vồ xế, đăng báo kêu gọi lòng nghĩa hiệp của quái xế. Cái thời buổi phân hóa cực độ hôm nay, vợ bỏ đi kể như Kinh Kha xách kiếm sang đất Tần, kể như Honda bị thổi. Ở nơi nào đó, đọc những áng văn tìm vợ của chồng, phu nhân Tí con, chắc chắn, sẽ mỉm cười, dấn bước, khẽ hát “Ra đi không về, âm vang lời thề...” Ông Tí con nạo bím chi địa cho báo Sóng, bồi thêm vài quả rao vặt nữa. Ông đổi chiến thuật, hạ giọng “Định mệnh đã an bài” và khuyên vợ ông về bán nhà. Tôi chẳng hiểu phu nhân Tí con có ham tiền bán nhà, quay gót phiêu du để rơi vào ổ phục kích của ông Tí con không. Vì, sau một tháng đăng báo tìm vợ, vợ đã không về, ông Tí con còn bị nghi là... gián điệp đánh mật mã! Và ông bỏ cuộc. Khiến mỗi ngày tôi mất một nụ cười. 
Bạn tôi, ông Hoàng Hải Thủy, lấy làm chiêm ngưỡng cái tinh thần tìm vợ của ông Tí con lắm. Nàng Alice của ông Hoàng Hải Thủy, có dạo, giận ông ta, bỏ nhà về ở với “Măng”. Ông Thủy đi tìm vợ. Vợ ông lánh mặt. Và ông Thủy tưởng Alice của ông... hạc nội mây ngàn! Ông bèn anh dũng tự nhận mình là Tí con, đăng báo tìm Alice rối rít. Ông viết “Tạp ghi” trên báo Tiền Tuyến, chớp danh ngôn Tí con “Định mệnh đã an bài” mà dùng lia lịa. Trong các tác phẩm, dịch phẩm, phóng tác phẩm của ông sau này, ông ta cũng phang danh ngôn “Định mệnh đã an bài”. James Bond, gián điệp... hiệu 007, từng chép miệng “Định mệnh đã an bài” những lúc sa cơ thất thế. Tưởng trên cõi đời này, người cảm ông Tí con nhất, chính là ông Hoàng Hải Thủy vậy. 
Tôi vốn quý mến những người đàn ông thương yêu vợ con. Tôi chơi thân với ông Hoàng Hải Thủy từ ngày ông ta bảo tìm vợ. Những năm tiền cách mạng tháng mười một nghe tên Hoàng Hải Thủy là tôi phát sợ. Tôi ngỡ rằng một người viết bạo, viết bựa như Hoàng Hải Thủy hẳn phải lả người điếm đàng, coi chuyện vợ con không hơn khói thuốc lá. Cái thuở vàng son của Hoàng Hải Thủy, cái thuở ông ta ngồi nhà vừa tán vợ vừa viết bài để người nhà báo Ngôn Luận đến gõ cửa thì phát cho một mẩu giấy, hẹn “lát tới lấy tiếp”, hoặc “xốt tê” tiểu thuyết lu bù mà không anh chủ báo nào dám dọa “cúp”, tôi vẫn còn là thứ vô danh tiểu tốt. 
Tôi thèm viết văn, viết báo song không mấy hài lòng cái khuynh hướng hậu Vũ Trọng Phụng của Hoàng Hải Thủy. Tôi nhớ bài báo đầu tiên của tôi đăng trên bán tuần báo Chiến Đấu do Tam Lang làm chủ bút, tôi đã luộc kỹ cái nhan đề phóng sự “Yêu nhau bằng mồm” của Hoàng Hải Thủy. Giời ơi, định mệnh nào đã dẫn tôi vào con đường viết sống sượng, nham nhở bẩn hơn cả Hoàng Hải Thủy. Tôi chắc, nhiều người đã ngộ nhận tôi như tôi ngộ nhận Hoàng Hải Thủy. Câu “Văn là người” của Buffon không thể đúng, ít ra, trong trường hợp Vũ Trọng Phụng, Hoàng Hải Thủy và tôi. 
Ông Hoàng Hải Thủy đã giải nghệ viết phóng sự nham nhở. Tôi cũng vậy. Hiện thời, chúng tôi sống hèn mọn như những con dế. Tôi nghĩ rằng những kẻ mang tiếng viết loạn nhất là những kẻ có cuộc sống thuần lương nhất, yêu thương vợ con, bạn bè nhất, chung thủy nhất và... ngây thơ nhất. Như Lê Xuyên, Hoàng Hải Thủy, Hoàng Anh Tuấn. Trừ những anh theo đuôi họ hòng nổi tiếng như họ. Ông Hoàng Hải Thủy ông ấy mê danh ngôn của ông Tí con. Tôi chợt thấy tôi cũng vừa mê câu “Định mệnh đã an bài”. Nhưng định mệnh đã an bài đời tôi thật huy hoàng. Là tôi được lấy một người tôi yêu làm vợ. Chuyện tình của tôi y hệt chuyện tình trong tiểu thuyết của ông Thanh Thủy, một nhà văn miền Nam mà hồi còn ở Bắc, tôi đã say mê đọc ông. 
Nàng mang tên loài hoa của học trò, hoa Phượng, con gái ông điền chủ tỉnh Cần Thơ. Thuở đó, tôi đang ba đào. Từ Ban Mê Thuột, tôi mò về Sàigòn vì tự bỏ cuộc lập chiến khu chống một lúc cả Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm, Bảo Đại lẫn tư bản Mỹ! Eo oi, cứ nghĩ đến mấy đàn anh Duy Dân thời nuôi mộng làm... Tổng trưởng của tôi là tôi phát sốt rét. Tôi về Sàigòn sống với thằng bạn nhà binh thuê căn nhà lá tại Lăng Cha Cả. Có lần nó đi hành quân cả tháng. Tôi bèn đói quá. Sự đói của tôi vĩ đại gấp ngàn lần sự đói của nhân vật Sinh trong “Gió đầu mùa” của Thạch Lam. Anh chàng Sinh đói mà nằm trên gác trọ ngửi mùi xào nấu còn biết thèm. Chứ, tôi đói, chỉ thấy các thớ thịt tê buốt. Vì đói kỹ. Đói những ba ngày rưỡi. Hồi phong trào tuyệt thực nổi dậy ầm ầm, rất tiếc đã chẳng ai thuê chuyên viên nhịn đói Nguyễn văn Lương. Tôi đã từng cuốc bộ từ Lăng Cha Cả xuống Hòa Hưng ăn cơm xã hội năm đồng. Ngày hai buổi cứu nguy bao tử là hết thì giờ. Nỗi yhê thảm của tháng ngày quả mướp gói gọn vào pha đói Chúa chê, Phật giận sau đây: 
Ba ngày rưỡi đói, chịu hết tôi mới lên cái xe đạp “đờ mi cuốc” chỉ có “phanh” bánh trước của bạn tôi, đi kiếm cơm. Cái xe nó chế nhạo tôi tới mức tối đa. Hễ tôi thắng mạnh, y rằng nó xoay ngang. Tôi đạp một vòng Saigon. Vòng xe vô định. Khát và đói quá, tôi xà vào nhà thờ Tin Lành đường Trần Hưng Đạo. Vị mục sư cao cả đang giải thích đường đi của chúa Kitô cho các bà, các cô xóm lao động. Vị này phát cho tôi một xấp giấy vẽ hình Chúa và các giáo điều. Mặt tôi hao lên rồi. Và cứ tưởng Chúa sắp phát chẩn. Khi các bà, các cô rút lui vị mục sư mới hỏi tôi : 
- Thầy thích tôi kể chuyện Tin Lành hả? A, tôi kể đây... 
Tôi ngượng ngập nó i : 
- Thưa mục sư con thất nghiệp, ba hôm rày con nhịn đói. 
Vị mục sự cao cả giơ tay : 
- Không sao, thầy sẽ có bánh ăn, sẽ có việc làm, miễn là thầy tin nơi Chúa. 
Tôi nuốt nước bọt : 
- Dạ, con đang tin Chúa. 
Vị mục sư cười rất bác ái : 
- Tốt, tốt. Thầy đã đọc những lời của Chúa in trên giấy này chưa? 
Tôi chớp mắt : 
- Dạ chưa. Con sẽ đọc thuộc lòng. Bây giờ con đang đói, mục sư cho con quét nhà thờ tạm ít ngày. 
Vị mục sư nhún vai : 
- Nhà thờ đã có ông bõ già quét dọn từ mấy chục năm rồi. À thầy về đọc rồi suy nghĩ đi. Cứ tin Chúa là có công ăn việc làm. Nhiều người cũng thất nghiệp, đến đây, mấy hôm sau, nhờ tin Chúa, đi mần sở ráo trọi. 
Tôi chán chường nghĩ: đang đói tê thịt, tin thế quái nào nổi. Nhưng vẫn cầu xin lòng bác ái của con Chúa : 
- Vậy mục sư cho vài chục ăn cơm. 
Vị mục sư cao cả lắc đầu : 
- Tôi không phải là mục sư! Tôi yêu Chúa, tới đây giảng đạo Tin Lành. Tôi nghèo quá, tiền đâu cho thầy. 
Đúng lúc đó, còi mười hai giờ rú lên. Vị mục sự đuổi khéo : 
- Thôi, thầy về tin tưởng Chúa đi, nhà thờ sắp đóng cửa. Mai mốt thầy trở lại nhé! 
Vậy là nhà thờ Tin Lành đã chê tôi. Ôi, Chúa ở khắp nơi mà Chúa đã không ở nhà thờ Tin Lành! Khiến tôi chẳng được Ngài cứu khổ. Tôi xách xe xuống đường, đạp về mạn Vườn Chuối. Tôi dựa xe một bên đường, mon men sang cổng ngôi chùa nhỏ. Mấy vị thầy chùa đã dùng trai xong, đang đứng xỉa răng. Tôi lễ phép xin cơm nhà chùa ăn đỡ. Mấy vị con Phật thấy tôi ăn mặc tươm tất, tưởng tôi chế nhạo, bèn phú lỉnh. Tôi thất vọng Phật sau khi vừa thất vọng Chúa. Đành đạp xe về ngã ba ông Tạ. Theo con đường đất nhỏ, tôi lang thang vào ngôi nhà thờ lớn. Giáo đường im bóng. Tôi đâm ra sợ hãi, không dám xin cơm cố đạo. Ôi, Chúa Kitô, chắc Ngài chưa bị đói như con. Phải chi Ngài đã làm một sự “cốc” như con, con chắc, mỗi nhà thờ đã có một quán cơm phước thiện dành riêng cho dân lỡ độ đường. Hay tại cái đảng Duy Dân chủ trương “măng phú” Chúa, Phật, vì Chúa là dân Do Thái; Phật là dân Ấn Độ, không phải dân Việt Nam nên các ngài chê con vì con trót theo đám quốc gia cực đoan vừa gàn vừa dở ấy? 
Tôi trở lại Lăng Cha Cà, nơi yên nghỉ của cụ cố đạo Tây Bá Đa Lộc, người đã có công đưa nước Viêt Nam bốn ngàn năm văn hiến vào con đường nô lệ, ngu dốt. Công đức của cụ cố đạo Bá Đa Lộc thật lớn. Nên sau này, cái dạo tôi lêu bêu ở đây, Lăng Cha Cả đã nổi tiếng là nơi nhiều hãng đượi bình dân nhất Sàigòn. Tôi nằm dài trên ghế bố nghe thạch sùng tặc lưỡi mà nhớ nhà, nhớ bố, nhớ mẹ, nhớ em. Một em giang hồ, bồ bịch của thằng bạn nhà binh của tôi, bỗng dưng tìm đến. Em kinh nghiệm cuộc đời quá rồi nên thoáng nhìn tôi là em biết tôi đói. Em hỏi thẳng vấn đề : 
- Anh ăn gì không, em đi mua? 
Tôi ngồi nhồm dậy, mắt sáng rực cơ hồ một con chiên nghèo hèn được quỳ gối chụp lấy tay Đức Tổng giám mục mà hôn nhẫn. 
- Em mua cho anh đĩa cơm lớn và chai xá xị. 
Vừa ăn tôi vừa kể cho em giang hồ nghe đoạn đường ăn mày của tôi hồi sáng. Em cảm động thật lực, nước mắt ứa ra. Em trách bạn tôi và tự trách mình đã không hay nông nỗi. Em mua tặng tôi gói Ruby Queen. Lúc em bỏ về, em không nói gì. Lát sau, tôi mới thấy năm tờ giấy một trăm sau lưng mình. Tự đó, tôi không tin Chúa, tin Phật, tin lãnh tụ. Mà chỉ tin vào người. Thượng Đế chết lâu rồi hay Thượng Đế còn sống, tôi cóc cần. Tôi không sống với Thượng Đế, tôi đang sống với con người. Xin cho tôi được sống mãi với con người đầy ấp Tình Thương trong trái tim. 
Bằng khoản tiền của em gái giang hồ, tôi đã lê chân đi tìm việc. Nhưng vô ích. Cuối cùng, tôi lại dẫn xác đến một đàn anh cách mạng. Vị đàn anh này chi khoản tiền vé xe đò Sàigòn - Chợ Mới. Tôi xuống An Giang, “hình thức” là dạy học song “nội dụng” là để “nắm” lực lượng quân sự của Hòa Hảo bị ông Diệm đẩy ra biên giới Cao Miên. Đàn anh bảo, lực lượng này, mai mốt sẽ là đạo quân tiên phong của cách mạng. Tôi đã cười thầm. Vì tôi có khoái làm cách mạng nữa đâu. Tôi xuống An Giang với mục đích cao cả là... cứu nguy bao tử. Dạy học chừng ba tháng, tôi bị đàn anh mời nghỉ. Lý do: đá cầu, bơi lội, chèo ghe với học trò. Tôi bèn giã tử làng Mỹ Lương, nơi đã tạo ra một vĩ nhân được hàng triệu tín độ ngưỡng mộ là đức thầy Huỳnh Phú Sổ. Giã từ luôn cách mạng Duy Dân. Tôi qua Cần Thơ, xin dạy ở một trường trung học tư. 
Ngồi trường này do ông bố vợ tôi sáng lập và làm hiệu trưởng. Bấy giờ trường đang thiếu một ông thầy quốc văn. Tôi nhào vô đúng lúc. Dạy thử vài lớp, học trò chịu tài đấu hót văn chương, ban giám đốc quyết định thu nhận tôi. Tôi “ngồi dạy” ở Cần Thơ đến hè, sắp cạn chữ nghĩa thì nhà tôi từ Sàigòn về quê nghỉ hè sau chín tháng dùi mài kinh sử để chờ khoa tú tài. Định mệnh an bài, kể tự đó. Tôi gặp mặt nhà tôi trong bữa tiệc còm tại nhà nàng. Tôi vồ lấy nàng, tán tỉnh dai hơn đỉa đói. Thoạt đầu, tôi nói phét rất hung hãn về tôi. Tôi vỗ ngực binh binh nhận mình là nhà nghệ sĩ phiêu bạt sông hồ, lấy trăng gió làm nhà, nước mây làm bạn, lắng tai nghe con giun con dế đùn những điệu ca sầu tủi để dệt những áng văn chương dâng hiến cuộc đời. 
Nhà tôi, em Phương đẹp não nùng của tôi, lúc ấy, đã phì cười nghe tôi diễn tả văn chương cải lương. Nàng học Marie Curie, văn nghệ chỉ ghiền Sáng Tạo của ông Mai Thảo, khen truyện ngắn “Trang” của ông Nguyên Sa ầm ỹ. Lại quen biết ông Tô Thùy Yên. Nàng đem các nhà văn nghệ lớn ra kê tủ đứng vào miệng tôi. Tôi ngẩn tò te hàng mười lăm phút. Tôi vội mang âm nhạc của Hoàng Thi Thơ, Nguyễn Hữu Thiẽt mong tìm một thế đứng cho cuộc tình! Em Phượng cười rũ. Tôi đành tho. Ấy vậy mà em đã yêu tôi và trở thành... nhà tôi. Định mệnh an bài tài tình ghê. Tôi nói hơi nhiều về “thuở ban đầu” của cuộc tình của tôi là để tỏ lòng ca ngợi ông Tí con. Vâng, mọi chuyện xảy ra trên cõi đời đều có sự sắp xếp của định mệnh. Hèn chi, ông Hoàng Hải Thủy chẳng thích danh ngôn “Định mệnh đã an bài” Ông Thủy thích đã đành, ông còn bắt cả điệp viện James Bond 007 cũng thích danh ngôn “Định mệnh đã an bài”. Ôi, danh ngôn bất hủ của triết gia ái tình Tí con! Đó là tiếng thở dài tự an ủi mình hay là niềm kiêu hãnh lớn của loài người. Với tôi, Nguyễn văn Lương, tên viết báo quèn. “Định mệnh đã an bài” phải viết bằng chữ hoa. Vì định mệnh không ủng hộ tôi, sức mấy tôi “cua” được nhà tôi. Con gái một ông đại điền chủ miền Tây mà đi lấy một thằng thầy giáo không bằng cấp, không tương lai, tứ cố vô thân, từng có thành tích đói dài người như tôi là một sự hy sinh vĩ đại cho... ái tình vậy. 
Định mệnh, tôi muốn gắn cho ông một anh dũng bội tinh với ngôi sao bạch kim. 

2    Nhà tôi tập kịch giận chồng

  
Mối tình của một anh con trai với em con gái nào cũng rất nhiều thủ tục lỉnh kỉnh. Yêu, ghen, giận, hờn, cười và khóc. Tôi không dám viết những thủ tục lỉnh kỉnh ấy. Vì sợ cướp nghề của các tiểu thuyết gia ái tình, xã hội. Riêng cái khoản thủ tục tình yêu, một nhà văn lớn dư sức sáng tác hàng mấy chục pho tiểu thuyết. Đấy, một thi sĩ cỡ nặng chả bắt nguồn cảm hứng để chế ra ngót mười pho thơ là gì. Bài nào, bài ấy mập mạp ái tình, ngậy mỡ tình yêu. Sau những Xuân Diệu, Huy Cận, Hoàng Anh Tuấn, Nguyên Sa, nền thi ca tình yêu thuần túy hôm nay - nghĩa là nền thi ca cương quyết không khều mặt trời, không ngồi ghế đá công viên, không đi dưới ánh đèn phố thị, không cho rong biển mọc đầy hồn - những bài thơ ngợi ca ái tình sáng giá nhất, vẫn là những bài thơ mập mạp, ngậy mỡ. Nếu thèm phở tái nước béo mà túi không xu, nên thưởng thức thơ ái tình hôm nay. Ngon lắm, bổ lắm. Tôi chợt nhớ tới cảm nghĩ chân thành của thằng cu Lặc, nhân vật quê mùa của Tô Hoài trong “O chuột” Thằng cu Lặc lần đầu tiên ăn miến. Nó phát biểu “Vừa luốt khỏi cổ  đã trôi tuột xuống tận củ tỉ”. Đọc thơ ái tình thuần túy hôm nay, quả là giống hệt cái sự ăn miến của cu Lặc. 
Vậy thì, tôi xin đốt giai đoạn, thanh toán thủ tục lỉnh kỉnh để giải quyết ngay vấn đề. Những cái gì thuộc về thủ tục, hãy chịu khó nhường cho nền hành chánh. Tôi lấy nhà tôi ở Sàigòn. Đám cưới tổ chức tại nhà hàng Majestic. Nghe ông nhạc nói nhà hàng Majestic, tôi xuýt té xỉu. Chả là, mấy năm làm nghề đo giường, đếm cột đèn tại Sàigòn, tôi chưa hề được thưởng thức một bữa cơm... quốc tế nào. Nhà hàng Majestic, đối với tôi, là một thiên đường mà cửa ngõ có bảng cấm ghi chữ trắng trên nền xanh: “KHU QUÂN SỰ, LỚ NGỚ LẠI GẦN, BINH SĨ SẼ NỔ SÚNG”. Tôi toát mồ hôi, thưa ông nhạc : 
- Ba tính lại coi, con đỗ đánh cả võ Nhật, võ Đại Hàn, võ Hồng Mao lẫn Vovinam mới thuê được căn nhà nhỏ. Bàn ghế, giường chiếu chưa có. 
Ồng nhạc xoa đau con rể, an ủi : 
- Để ba lo. 
Rồi ông cảm khái : 
- Những cánh đồng thằng cánh cò bay của ba, nay trở thành hoang vu. Bốn cái “o bo” đi thu tiền lúa mỗi cuối năm, giờ đã mọt gỉ cả. Phải chi có an ninh, góp được lúa, đám cưới hai con sẽ đãi hàng ngàn người. Ba tậu cho con cái vi la, mua cho con cái xe ô tô. Thôi con, thời chiến mọi người đều cực cả. 
Tôi nói : 
- Hay là ba để con tổ chức đám cưới ở nhà hàng Việt Nam. 
Ông nhạc tôi hỏi. 
- Sang không? 
Tôi anh dũng đáp : 
- “Rét tô răng” này hách lắm. Đủ chín món ăn chơi. Lại có cả cà cuống. Thưa ba, tên nó là rét tô răng Bà Ba Bủng. Bún riêu, bún ốc tuyệt cú mèo. 
Ông nhạc phì cười : 
- Thằng này lại ngớ ngẩn quá. Ai lại đãi tiệc bằng bún riêu, bún ốc? 
Tôi ngớ ngẩn thật. Chỉ có những người ngu hay điên mới nghĩ rằng đãi tiệc bang bún riêu. Rất may, trên đời có những hai người ngu. Một là tôi và một là nhà văn thời danh nọ. Ông nhạc tôi trấn an tinh thần tôi : 
- Ba đủ bạc trả nhà hàng. 
Tôi gãi gáy : 
- Nhưng mà, thưa ba, mình nên thắt lưng buộc bụng để chứng minh cái phương thức Tam Túc cộng Tam Giác cộng Tam Nhân bằng Nhân Vị của lý thuyết gia Ngô Đình Nhu. Con muốn tự túc cái... xế! 
Ông nhạc gắt : 
- Xừ Nhu tầm bậy. Với lại con chẳng rõ ba tự túc làm tiệc cưới cho hai con đó ư. Ba có nhận tiền viện trợ Mỹ hồi nào đâu? 
Thế là, tiệc cưới đã diễn ra trên lầu cao chót vót của nhà hàng Majestic. Bà con, bạn bè đã để thang máy lôi lên đây, uống xá xị con cọp, bia lây, la đe, nhăm nhi xăng uých, pa tê sô mà chứng kiến hôn lễ của Nguyễn văn Lương, tiến sĩ tốt nghiệp đại học Vỉa Hè, (sau này trở thành ký giả hạng bét) và Trần thị Phượng, ái nữ nhà đại điền chủ miền tây Trần Thất Thời. Nhà tôi có một tí đạo Thiên Chúa. Tôi nói một tí vì chỉ có riêng nhà tôi treo ảnh Đức Mẹ và Chúa trong phòng và năng đi nhà thờ, những ngày chưa lấy tôi. Điều này nguy hiểm lắm. Tôi sẽ thuật đầy đủ cuộc “chiến tranh tôn giáo” xảy ra trong gia đình tôi. 
Tuy thờ Chúa song nhà tôi vẫn cúng Phật và, từ xưa, gia đình nàng theo đạo Phật, thành ra đạo Thiên Chúa được nàng coi như đạo... “xuýp lê măng”. Do đó, không thể có màn kéo nhau tới nhà thờ làm lễ cưới . Giả tỉ nàng đạo gốc, chắc chắn, trước khi cưới nhau, tôi phải theo một “cua” đạo Thiên Chúa cấp tốc với sự hướng dẫn giáo lý của một cụ cố đạo nào đó, hẳn là vất vả chân lấm tay bùn. Ôi, tôi sẽ làm quen hàng lô ông thánh Phao lồ, Phê rô vân vân... Cứ tưởng tượng cái màn hai nhi đồng theo sau cô dâu, nâng chiếc áo dài lê thê, rồi cái màn vẩy nước thánh tôi đã bắt phì cười. May quá tôi thoát nạn. Cũng không bị tới chùa Xá Lợi để nghe sư gõ mõ tụng kinh, vung thiền trượng làm lễ hôn phối. 
Tôi xin hân hạnh giới thiệu một người bạn mà sau này biến thành cố vấn hạnh phúc của vợ chồng tôi, ông Tổng thư ký UThant không đóng trọn vai trò sứ giả hòa bình của ông ta. Người bạn này tên là Đặng Minh Công. Những tháng ngay ba đào của tôi, tôi đã ăn vạ anh ta năm này qua năm khác. Khi tôi chán nghe chuột cãi nhau ở nhà anh ta, tôi bèn tạo một lý do vững chãi để phá bĩnh mà giã bạn đi giang hồ. Chừng bánh chè long, tóc rậm bù không tiền hớt, chông lập hàng rào ấp chiến lược trên cằm, trên mép, giầy há mõm, quần sờn đầu gối, thủng đít, tôi lại dẫn xác về ăn vạ anh ta. Nghe tin tôi lấy vợ, anh ta tròn xoe mắt : 
- Mày làm gì có răng vàng mà bẻ ra để cưới? Bộ mày sắm dây treo cổ một người con gái vô tội à? 
Tôi nhún vai : 
- Tao theo cái triết lý “trời sinh voi, trời sinh cỏ”. 
Bạn tôi văng tục một hồi. Vá giậm chân : 
- Không được, mày đang thất nghiệp nặng. Mày tính cưới vợ bằng những bài thơ chó chết của mày à? Làm ăn đếch lo, chỉ lo... nghệ sĩ! Giờ lại đòi cưới vợ. Mà mày lấy ai? Em nào ngu xuẩn thế? 
Tôi tiết lộ : 
- Con gái ông điền chủ ở Cần Thơ. 
Bạn tôi la lối : 
- Mầy nói phét, mày bịp ông. Hay mày bịp ông điền chủ? Mày khoe bằng cấp lớn, gia đình khá giả để lường gạt ái tình, hả? 
Tôi lắc đầu : 
- Em biết tao “xăng pờ li”, tứ cố vô thân, âm nhạc chỉ đủ kiến thức ái mộ Hoàng Thi Thơ, văn chương thì mê tiểu thuyết bà Tùng Long! Nói trắng ra, em biết tao xác xơ như cái mền tã. 
Bạn tôi ngờ vực : 
- Tao không thể tin được. 
Tôi nói : 
- Mày sẽ tin với điều kiện đưa tao đi may một bộ đồ mới. 
Anh ta vì tò mò, đã dẫn tôi lên Saigon mua bộ quần áo may sẵn. Anh chi khoản địa cắt tóc rất xôm. Tôi dắt anh ta tới nhà dì của Phượng ở đường Lê Quý Đôn. Cái vi la to tổ bố đã làm Công ngần ngại. Lại thêm tấm biển vẽ đầu con chó bẹc giê lè cái lưỡi đỏ ghi hàng chữ tây “Attention, chien méchant”, khiến Công càng bối rối. Tôi phom phom bước tới chỗ chuông điện dưới đục ba chữ tắt “SSP” nhấn một phát rất anh dũng. Chuông kêu reng reng. Công ta sợ tái mặt : 
- Này, mày đừng đùa dai, phú lít bắt bỏ mẹ. 
Chị bồi lon ton chạy ra mở cổng. Tôi hách dịch : 
- Cô Phượng có nhà không? 
Chị bồi lễ phép : 
- Dạ có ạ! 
Vẫn hách dịch : 
- Ba tôi lên chưa? 
Chị bồi chưa kịp trả lời thì Phượng đã nhào ra, nắm chặt tay tôi : 
- Em mong anh quá. Ba hỏi anh hoài à... 
Bạn tôi tối tăm mặt mũi. Tôi chắc anh ta đang lạc vào chiêm bao. Tôi bèn vỗ vai Công : 
- Để tao giới thiệu: Đây là Phượng, vợ sắp cưới của tao. Và đây là Công, bạn nối khố của anh. 
Phượng cười rất tươi, nhỏ nhẹ : 
- Chào anh. 
Bạn nối khố của tôi lắp bắp : 
- Cô... Phượng... có...điên... không? 
Phượng ngạc nhiên. Tôi giải thích ngay : 
- Anh Công cho rằng cái sự em lấy anh là điên rồ, mù quáng. 
Phượng âu yếm nhìn tôi và nói với Công : 
- Thưa anh, khi yêu nhau, người ta bỗng hóa ra điên rồ, mù quáng hết. 
Tôi vỗ vai Phượng : 
- Bắt em đợi là vì anh còn xoay tiền sắm bộ đồ mới ra mắt họ hàng nhà em. Anh xoay mệt lả cò bợ. 
Phượng ngắm bộ quần ảo của tôi. Nàng khen : 
- “Sích” lắm. 
Tôi nheo mắt : 
- Mua ở Catinat chứ không phải mua ở chợ trời đâu đấy nhé! 
Nàng mời hai đứa tôi vô nhà. Bạn tôi được một phen choáng mắt nữa. Ba Phượng bắt tay chúng tôi, chuyện trò cứ như Tây ấy. Ông đưa cho tôi cái mẫu thiệp cưới, bắt đặt in gấp để ông còn gửi vung vít báo tin họ hàng, bạn hữu. Khi hai đứa tôi rời cái vi la to tổ bố, Phượng đã kín đáo ghép mười tấm giấy năm trăm gạch cua vào cuốn tiểu thuyết Tây, đưa cho tôi và dặn : 
- Cuốn này hay tuyệt. 
Đứng đường chờ... xích lô máy, Công chép miệng : 
- Mẹ kiếp, mình chỉ mơ được ở căn nhà dành cho bồi bếp của nhà nàng. 
Tôi nói : 
- Nhà dì nàng đó. Bố vợ tao giờ suy yếu rồi, chứ không, tao cho mày một căn nhà lớn cỡ đó. 
Tôi mở cuốn tiểu thuyết, khoe Công : 
- Em vừa tiếp tế lương thực. 
Bạn tôi phát ngôn một câu lãng nhách : 
- Mèo mù vớ cá rán. Mày suốt đời là mèo mù. 
Anh ta hỏi : 
- Ông cụ có hỏi mày dân miền nào không? 
Tôi đáp : 
- Không. 
- Biết mày tứ cố vô thân không? 
- Biết. 
- Lạ nhỉ! 
- Lạ cái gì? 
- Bắc kỳ di cư, răng đen ăn trầu, ruồi tái béo như mày mà ông cụ bằng lòng gả con gái cho thì lạ thật! 
Tôi bèn sung sướng vì vừa chợt nghĩ ra điều đó. Rồi bỗng tôi muốn tống giẻ rách vào miệng những anh chính khách kỳ thị địa phương. Người ta kỳ thị địa phương chỉ vì cái miếng đỉnh chung trên mâm chính trường. Chính trị nó vốn đê tiện. Nhưng có phải tất cả dân tộc Việt Nam đều làm chính trị đâu? Bạn tôi, sau những phút ngạc nhiên rụng rời, đã tặc lưỡi mà đi một đường triết lý còm. 
- Tình yêu lạ thật. Xuân Diệu nói đúng: “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu”. 
Và bổn phận đối với bạn của anh ta là tới sở làm reo với ông chủ để mượn một khoản tiền. Khoản tiền đó, anh ta đã sang cho tôi một căn nhà ở ngoài ô Phú Nhuận. Căn nhà số nọ chồng lên số kia. Đi từ đường cái vô nhà tôi, hát đứng bốn lần bản “Phố buồn” của Phạm Duy, hát rặn từng chữ, hát cho nó dầm dề như cô Giao Linh hát ấy. Còn dư, anh ta dẫn tôi lên hiệu may Văn Quân cắt bộ đồ lớn. Vậy là tôi thành chú rể, chú rể can đảm nhất xã hội: thất nghiệp mà cứ đòi cưới vợ. 
Ông nhạc tôi... Tây lắm. Ông đã nhét vào túi tôi một nắm bạc nhỏ, dặn rằng : 
- Mỗi lần lên xuống thang máy, con nên cho tiền bồi gác thang. 
Tiệc cưới xảy ra thật ngoạn mục. Thân nhân của vợ kế của nhạc gia tôi cũng đến dự. Có cả ông Tây bà Đầm nữa. Ôi giờ vui của đời tôi trôi đi rất nhanh cơ hồ khoản tiền nhỏ của một công chức hạng bét trôi đi sau ngày lĩnh lương. Bản nhạc giã từ họ hàng quyến thuộc trỗi ở trong tim tôi, tôi bèn dẫn nhà tôi đến tiệm ảnh của ông phó nhòm Trần Cao Lĩnh chụp vài “bô” làm kỷ niệm. Sau đó, vợ chồng bắt chiếc xe nhân dân tức là xe xích-lô đạp về ngoại ỏ Phú Nhuận. Không có đêm tân hôn đâu. Căn nhà chật quá. Vài người bà con bên vợ, quý hóa vợ chồng tôi, xung phong tới ngủ một đêm cho tình thương yêu đậm đà. Vậy là tôi đành để nhà tôi nằm với bà cô thân mến. Còn tôi, tôi trải báo trên gạch mà ngủ. “Thấy anh nằm đất em thương”. Chờ mọi người ngáy khò khò, nhà tôi mò xuống ngủ với tôi. Nhưng ngủ suông, ngủ để lấy hơi ấm thôi. Muốn làm nhiệm vụ thiêng liêng mà Thượng đế khuyến khích, cần chờ đợi đêm mai. 
Tôi nghèo, cóc có tiền đi Đà Lạt hưởng tuần trăng mật. Thành ra, vợ chồng tôi... trăng mật tại gia. Trăng mật tại gia chắc cũng “ép-phê” như... tu tại gia. Những ngày đầu, hạnh phức thơm phưng phức. Ông cố vấn hạnh phúc Đặng Minh Công lấy làm ngưỡng mộ hạnh phúc của vợ chồng tôi. Ông ta tiếp tế đều đều. Tiếp tế không điều kiện, khác hẳn công cuộc viện trợ Mỹ. Ông cố vấn chỉ đòi hỏi “đừng cắn nhau”. Nhà tôi nhõng nhẽo. Lại hay khóc. Đây, lần “tác-giăng giận chồng” đầu tiên. Hôm ấy, tôi đi nộp đơn xin làm biên tập viên ở sở nọ về, thấy nhà tôi giúi vội cuốn sách xuống dưới đệm mút thông hơi. Tôi bèn nổi máu ghen : 
- Em giấu cái gì đó? 
- Cuốn sách mà anh. 
- Đưa anh coi! 
- Không được đâu, sách kỳ lắm. 
- Kỳ anh cũng coi. 
- Em bảo không được mà. 
- Hừ, khó quá. Chẳc em đọc thư tình của thằng nào ngày xưa chứ gì? Hay hồi ký yêu đương thuở học trò? Em bắt chước T. T. Kh. hả? 
Nhà tôi nhăn nhó : 
- Em mới yêu anh là người thứ nhất. 
Tôi bĩu môi : 
- Nhờ em tí. Đưa cuốn sách cho tôi coi. 
Nhà tôi cương quyết không đưa. Tôi nặng lời, nhà tôi vẫn ngoan cố. Tức hộc máu mồm, tôi giở thủ đoạn vũ phu, đẩy nhà tôi khỏi chỗ nằm và móc cuốn sách ra. Đó là cuốn sách trong loại sách “Học làm người” nhan đề “Trước khi về nhà chồng, người con gái nên biết”. Căn cứ theo mép gấp cuốn sách thì nhà tôi đang nghiên cứu tiết mục “Tắt kinh”. 
Tôi ngước mắt nhìn lên trần nhà, nói một câu dọ dẫm hòa bình : 
- Ơ, vậy là anh sắp làm cha! 
Nhà tôi đã quay mặt vào tường từ cái lúc tôi khám phá bí mật dưới đệm giường. Tôi biết nàng đang cáu. Bèn pha trò. 
Lấy vợ sinh con rồi có cháu 
Làm chồng làm bố sẽ làm ông.
 
Nhà tôi không cười. Nàng ấm ức khóc. Tôi rất ghét nghe tiếng khóc. Đàn bà khóc tôi càng ghét, ghét như ông quán của cụ Đồ Chiểu ghét chuyện tầm phào ấy. “Ghét cay ghét đắng vào tận tim”. Tôi mới nhẹ nhàng khuyên nàng : 
- Phượng, em nín đi! Có thế mà cũng khóc. 
Nhà tôi khóc lớn hơn, ai oán hơn. Tôi nói : 
- Lỗi tại em còn khóc gì? 
Nhà tôi nức nở : 
- Anh đổ lỗi cho em à? Em đã bảo... kỳ cục lắm, em mắc cở không dám để anh coi. Anh lại nghi ngờ em. 
Tôi nham nhở : 
- Anh cũng phải biết ghen một tí chứ. 
Nàng xoay mình, quay mặt ra. Nước mắt nhễ nhãi : 
- Anh đâu có ghen? Anh bắt nạt em. Em sẽ mách anh Công. 
Tôi bốc máu : 
- Này, anh nói em nghe, chủ quyền gia đình này thuộc về anh. Không ai được phép xía vô nội bộ gia đình ta, kẻ cả ba em. Anh độc lập mà. 
Nàng ngồi dậy : 
- Nhưng anh đã hứa với anh Công là anh không bẳt nạt em. 
Tôi vênh mặt : 
- Bắt nạt em hồi nào. Em đừng có vu khống. 
Nàng la lối : 
- Anh bảo em vu khống, hà? 
Tôi thọc tay vào túi quần : 
- Ừ đấy. 
Nhà tôi đáp lễ : 
- Anh xô đẩy em, anh là người chồng vũ phu! 
Nhà tôi dám xúc phạm tôi. Tôi chợt nhớ lời vàng ngọc của tổ tiên : 
“Dạy con từ thuở còn thơ, 
Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về” 
Và câu giáo huấn “Yêu cho đòn cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Nhà tôi đang... bơ vơ. Tôi lại yêu nhà tôi lắm. Tôi cần phải đáp theo tiếng gọi của tổ tiên “dạy vợ” một bài học mới được. Tôi nghiến răng, xổ một tràng Khổng “viết” : 
- Xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử em có hiểu gì không? 
Nàng bĩu môi : 
- Em không biết chữ nho. 
Tôi giải thích : 
- Nghĩa là đã về nhà chồng thì theo chồng triệt để. Thi hành mệnh lệnh tuyệt đối. Chồng bảo đưa cho xem bất cứ cái phải cho xem ngay. Lơ tơ mơ sẽ ăn đòn. 
Nhà tôi đưa cánh tay áo, quệt ngang mắt : 
- Anh dọa đánh em à? 
Tôi tỏ lập trường : 
- Anh sẽ áp dụng biện pháp mạnh. Kỷ luật tối đa. 
Nhà tôi thách thức : 
- Anh giỏi đánh em đi. 
Tôi cảnh cáo : 
- Anh đánh bằng... chân tay đó. Em chớ có rỡn. 
Nhà tôi tưởng tôi nhu nhược trăm phần trăm, kê tôi một câu nặng hơn cái cối giã bèo : 
- Anh tồi hết sức. 
Tôi đang chỉ là một ngọn lửa yếu ớt, ngọn lửa sắp bị đập tắt bằng những giọt nước mắt của nhà tôi, bỗng nhà tôi tưới ét-xăng vào ngọn lửa. Đã bảo tôi rất ghét nước mắt của đàn bà. Sợ đấy. Sợ đến nỗi không dám đem kinh nghiệm của tổ tiên ra mà... “Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”. Nhỡ yêu vợ quá, cho vợ một “cái roi”, vợ khóc thét lên thì còn đáng sợ hơn. Tôi bốc cháy phừng phừng, quên mất câu ngạn ngữ Tây “Không nên đánh đàn bà dù đánh bằng bông hoa hồng”. Và tôi dõng đạc chất vấn nhà tôi y hệt một ông dân biểu cù lần được anh em bẻ đôi trái ớt cắm vào lỗ đít cho ông ta hung hăng chất vấn Tổng thống. 
- Cô dám miệt thị chồng cô là đồ tồi, hả? 
Tôi khuỳnh tay : 
- Đồ tồi là đồ bỏ, là thùng rác. A, thằng này là cái lon sữa bò nằm trong thùng rác chung với vỏ cua, vỏ tôm. 
Nhà tôi phân trần : 
- Em đâu nói cái ý ấy. 
Tôi thừa thắng xông lên : 
- Chẳng anh em gì nữa. Vậy cô định nói cái ý gì? Đồ tồi là đồ vất đi, là đồ phế thải. Tồi nó gắn liền với tệ. Tồi tệ mờ lỵ. 
- Anh đừng có mặc cảm. 
- Mặc cảm gì? Thằng này cóc mặc cảm gì hết. Thằng này... 
- Thằng này sao? 
- Cô gọi tôi là thằng, hả? 
- Em gọi bao giờ? 
- Vừa xong mà còn chối. 
- Em không thèm chối. 
Tôi gồng các thớ thịt, quai mồm ra : 
- Anh cần noi gương tiền bối. Em hãy nhớ đây là lời khuyên của tổ tiên. Anh phải bợp tai em. 
Nhà tôi vênh áo : 
- Anh mà dám bợp tai em! 
Tôi tỏ chí khí : 
- Nghe đây: Từ nay nhớ kỹ câu “Xuất giá tòng phu”. Chồng bảo ăn bánh mì không được ăn bánh ú; chồng ăn bún riêu không được ăn bánh canh; chồng mê cải lương Kim Chung không được mê xi nê mát cốp; chồng đọc Phụ Nữ Diễn Đàn không được đọc Marie Claire; chồng tát má bên phải, chìa luôn má bên trái hứng thêm cái tát nữa theo lời Chúa dạy. 
Và tôi tát nhà tôi một cách bất ngờ. Phải đánh mau, đánh mạnh trong lúc mình làm chủ chiến trường kẻo bị địch dồn vào con đường thối chí. Nhà tôi, đúng như tôi tiên liệu, đã khóc thét lên. Tôi bèn phú lỉnh. Cát tát vợ đầu tiên mà tổ tiên dạy bảo đã đẩy tôi vô nhiều lầm lẫn sau này. Tổ tiên đã hại những đứa con trai làm chồng rồi, tổ tiên ơi! Tát vợ xong tôi đi lang thang trên các vỉa hè Sàigòn, lòng ngập đầy hối hận. Những kẻ chiến thắng không ăn cái giải gì. Đó là tên một cuốn truyện của văn hào Ernest Hemingway. Tôi đã chiến thắng và đang ăn cái giải... lo sợ. Buổi chiều, tôi lầm lũi ca thầm bốn lần bản “Phố buồn” từ đại lộ Chi Lăng rẽ vào ngõ nhà mình. Từ đầu con ngõ, tôi đã thấy nhà tôi ngồi dưới gốc cây ngoài cửa đang nhặt những bông hoa vàng rơi rụng. Nàng nhặt hoa và chờ chồng. Lòng tôi trỗi dậy một bản nhạc thương yêu. Tôi bước nhanh tới chỗ nhà tôi ngồi, đặt nhẹ bàn tay - bàn tay tát nàng buổi trưa - lên vai nhà tôi : 
- Đi vào, Phượng. 
Nhà tôi ngoan ngoãn theo tôi. Bữa cơm chiều trôi đi trong sự buồn tẻ. Đêm ngủ, mỗi đứa nằm một mép giường. Con sông Bến Hải là cái gối ôm dài. Gần về sáng, tôi chợt tỉnh và thấy đang bị ôm chặt. Tôi cười thầm. Nhà tôi lay tôi dậy : 
- Anh. 
- Gì em? 
- Sao anh không xin lỗi em? 
- Ừ, anh xin lỗi em. 
- Sao anh không xin lỗi em ngay mà lại bỏ đi? 
- Anh... anh... xấu hổ. 
Tôi vội lảng chuyện : 
- Em ạ, mai mốt anh đi làm, anh sẽ để dành tiền mua cái giường Hồng Kông. 
Nhà tôi hỏi : 
- Ô, thích ghê. Nhưng tại sao cần ngủ giường Hồng Kông? 
Tôi hôn vào cổ nhà tôi : 
- Vì giường Hồng Kông có lò xo, lại trũng ở giữa. Nò là nhà hòa giải tài tình nhất của những đôi vợ chồng hay giận hờn nhau. Chỉ cần một đứa giẫy, tự nhiên cả hai cùng rơi xuống chỗ trũng trong giấc ngủ. Rồi ôm nhau. Khi tỉnh ngủ bỗng hết giận hờn nhau. Em bằng lòng mua một chiếc giường Hồng Kông chứ? 
Nhà tôi cắn tai tôi : 
- Em bằng lòng lắm, anh ạ! 

3    Làm chồng một nữ sinh

Nhà tôi sinh năm 1938. Tuổi con cọp. Còn tôi sinh 1935, cầm tinh con heo. Tướng số dạy: “Tuổi Hợi đợi mà ăn”. Trên cái cuộc đời khốn khó này, không hiểu được mấy thằng “Tuổi Hợi đợi mà ăn”, chứ tôi, để có miếng ăn, đã phải xoay xở toát mồ hôi trán. Cọp không thể sống với heo như gà không thể sống chung với cáo. Môt nhà tu hành cổ thụ đã nói thế. Hôm bà mẹ kế của nhà tôi hỏi tôi năm sinh: tôi phăng phăng đọc “Thưa má, con sinh năm min nớp xăng tờ răng xanh”. Thì bà khựng lại “Tuổi Hợi rồi”. Và đi ngay một đường tử vi thực dụng “Dần, Thân, Tỵ, Hợi tứ hành xung”. Nhà tôi phải vội hỏi tôi : 
- Anh nhớ đúng không? Có giấy khai sanh không? 
Tôi xám xanh mặt : 
- Thú thật là anh khai rút đi hai tuổi cho nó vui vẻ trẻ trung. Anh cầm tinh con gà. Le coq í mà. “C’est moi le coq cocorico...” 
Bà mẹ kế của nhà tôi cười khoái chí : 
- Vậy con tuổi Dậu. Hạp nhau rồi, làm đám cưới được. 
Nhà tôi thờ phào. Tôi thầm nghĩ cọp đói nó tha gì gà. Có điều gà nó bay đậu trên cành cây thì cọp chỉ còn nước ngồi ngáp hay nhe răng đợi đứa nào uống thuốc liều cầm tăm đến xỉa giùm. Heo ục ịch trốn sao thoát. Cọp nó trườn mình tới, tát xiếc một cái là heo đi đoong. Tôi đâu phải lo con gà gáy te te hoặc gáy cúc cù cu. Mà đích thị là chú heo của ca dao “Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi”. Định mệnh đã an bài để heo chung với cọp. Tôi xin nhắc lại: nhà tôi là ái nữ của một ông điền chủ miền Tây. Ông nhạc tôi thiết tha với đất vô cùng. Tuổi trẻ của ông đã dừng lại ngày ông đậu tú tài. Ông không học bác sĩ, kỹ sư hay sang Pháp học làm... bác vật. Mà quay về quê, lo chuyện ruộng lúa. Tiền vào két, ông không giữ hay đầu tư vào kỹ nghệ, thương mại mà chỉ làm cho những cánh đồng của mình dài thêm. Hóa nên, bây giờ, ông nghèo vì... đất. Ông là một điền chủ hung hăng chống luật cải cách điền địa của Tổng thống Ngô Đình Diệm. 
Thay vì bằng lòng để chính phủ truất hữu ruộng, bắt khoản tiền lớn, ông đã cắt đất chia cho bà con dòng họ mỗi người trăm mẫu. Ông lo bạc sang tên cũng bộn. Hoàng hôn của đời ông kể từ hôm Cộng Sản đốt cháy hàng chục cái máy cầy của ông ở Cái Sắn. Lúc này, ông đang lo... chống dự luật cải cách điền địa của thượng, hạ viện. Và đồng thơi, đang lo cắt từng trăm mẫu đất ra hàng chục nếu dự luật biến thành luật. Nhưng ông cháy túi rồi. Ông là đề tài châm biến của lũ con. Ai hiểu được một người yêu đất tổ tiên như ông bố vợ tôi? 
Nhà tôi sinh trưởng trong cảnh giầu sang phú quý. Mãi tới năm 1958, cảnh giầu sang phú quý mới thực sự xuống dốc, thuốc thánh không kéo lại nổi. Đúng là xuống dốc không phanh. Lấy tôi, nhà tôi đã sống thật khổ sở cả vật chất lẫn tinh thần. Thuở vàng son giã từ chưa lâu. Bóng dĩ vãng vẫn chập chờn ở đôi mắt nàng. Khi nàng cảm thấy khổ, dĩ vãng hiện về rõ ràng hơn. Và nàng khổ hơn. Nàng chỉ là một nữ sinh, một nữ sinh không hề biết bên trong cái xe ô tô buýt nó ra sao. Vậy mà nàng dại dột lấy tôi, gã lãng tử mượn câu phú “Người quân tử ăn chẳng cầu, ở chẳng cầu sang” của Nguyễn Công Trứ mà... sống hùng, sống mạnh. Nhà tôi không hề làm phiền tôi. Cái làm phiền tôi, chính là quá khứ vàng son của nàng. 
Nó làm phiền tôi, có lẽ, tôi thuộc thành phần bần cố nông, không “cảm” nổi những cái đáng yêu của địa chủ chăng? Nếu phải quy định giai cấp - dĩ nhiên, quy định để cười chứ không để đấu tranh ấm ớ như mấy anh răng đen mã tấu Cộng Sản - thì tôi thuộc giai cấp vô sản, thứ giai cấp mà Cộng Sản đem ra đánh bóng đến mòn teo, hứa hẹn cho sống ở thiên đường, rốt cuộc vẫn trên răng dưới khố dù đã chết hết... hai thế hệ; thứ giai cấp mà tư bản bóc lột tận tình như Cộng Sản nhưng miệng cứ bi bô đòi thăng tiến cần lao; thứ giai cấp mà tổ quốc thương xót chảy máu mắt song tổ quốc chỉ thí hủi những tấm bánh vẽ; sau hết thứ giai cấp mà tính theo ta ríp Mỹ quốc viện trợ, mỗi người có khoản vốn còm làm ăn, chỉ tiếc, nước ta tham nhũng đông quá nên dân vô sản luôn luôn ăn bã mía, luôn luôn đổ vỏ ốc và chờ... hạnh phúc! Thời thơ ấu của tôi đầy rẫy nhưng nghèo đói, buồn thảm. Năm hai mười tuổi, đứng trước cái máy vô tuyến truyền thanh, tôi còn ngỡ ngàng chẳng biết tắt mở ra sao. Biết đọc hai chữ “on, off” nhưng có được sờ tới cái nút bao giờ. Do đó, tôi không hiểu nếp sống của con nhà giầu. Nhà tôi là con nhà giầu. Và, dù rằng, sự giầu sang của gia đình nàng đã ca bài “Tôi đi giữ hoàng hôn” của nhạc sĩ Văn Phụng, tôi vưỡn khó chịu. Ví cái thuở vàng son của nhà tôi như những vệt nắng xuyên khoai cuối chiều, thật đúng. 
Suốt quãng đời lưu lạc giang hồ của tôi, tôi chỉ biết chiếu chứ chưa biết giường. Khi thì nằm nhà sàn, khi thì nằm sàn gác luyện xương cốt. Ăn uống rất phản y học. Bánh mì trừ cơm, khỏi kể rồi. Đói, khỏi kể rồi. Tôi còn hiên ngang ăn chuối chiên, bánh rán, thổi ác-mô-ni-ca (gặm bắp luộc đó) thay cơm nữa. Bây giờ, nhà tôi đưa tôi vào con đường tiến bộ. Ngủ trên đệm mút thông hơi trải “đờ ra” trắng muốt. Mỗi sáng, nhà tôi phủ trên giường cái “cu vờ li” đẹp đến nỗi, muốn nghỉ lưng, tôi không dám nằm. Thêm khoản gối lỉnh kỉnh: gối ôm, gối gác chân, gối gác tay. Nhà tôi đại lý gối. Tôi vốn là kẻ lãng tử “lấy sương gió làm nhã, nước mây làm bạn”, gối đầu trên gốc cây, trên cục gạch, trên bậc thềm xi-măng đã quen. 
Nay gối đầu trên gối bông, thật khổ sở. Định mệnh đã an bài. Định mệnh khuyến cáo tôi không được vác gạch đặt ở đầu giường làm gối. Có nhiều đêm, để tưởng nhớ kỷ niệm giang hồ một cách thiết thực tôi đã len lén kéo màn, bò xuống đất mà nằm. Nhà tôi thức giấc, quờ quạng một hồi, không thấy tôi, đã la hoảng. Trong ánh đèn ngủ (lại đèn ngủ) lờ mờ, tôi bèn cười hì hì. Nhà tôi, dù đã tin Chúa, vẫn tưởng ma đến rủ tôi đi đánh phé, vội lấy xâu chuỗi vừa lần vừa đọc kinh và làm dấu loạn tay. Tôi trêu nàng, bèn chui vào gầm giường, giả giọng... thánh Phao lồ : 
- Gì thế Phượng? Đừng có sợ, ta là thánh Phao lồ đây. 
Nhà tôi biểu diễn màn... xưng tội. Con chiên quỳ trên giường và ống cố đạo nằm dưới gầm giường : 
- Thưa thánh Phao lồ anh Lương đi đâu mất rồi. 
Ông thánh Phao lồ bịt mũi mà hỏi : 
- Chắc con không cho chồng con kê gạch làm gối chứ gì? 
Con chiên nhăn nhó : 
- Anh có đòi vác gạch lên giường đâu. 
Ông thánh Phao lồ an ủi : 
- Vậy không sao đâu. Con nằm xuống, quay mặt vô tường, lấy nềm trùm kín mặt, chớ cục cựa. Đếm từ một đến một trăm, tung mền ra sẽ thấy cái thằng Nguyễn văn Lương. 
Chẳng biết nhà tôi thắc mắc điều gì với ông thánh Phao lồ mà, đáng lẽ, đếm từ một đến một trăm nàng mới đếm bảy mươi đã tung chăn ra. Đúng lúc tôi lò dò leo lên giường. Nhà tôi nghi ngờ sau vài giây hú hồn : 
- Anh làm gì vậy? 
- Đâu có. 
- Sao đang ngủ anh bỏ trốn em? 
Tôi đóng vai ông Phán Phiệu 
- Anh chiêm bao gặp thánh Phao lồ. Em ạ, chắc tại anh ưa trêu cợt các thánh nên thánh Phao lồ chơi xỏ anh. Cụ ấy dụ đưa anh lên thiên đường, anh tưởng bở theo ngay. Ai dè cụ Phao lồ dẫn anh xuống gầm giường. 
Nhà tôi hạ một lời nặng nề : 
- Đáng kiếp lắm. 
Tôi cười thầm. Nhưng cơn khoái chí vừa dứt, nhà tôi bỗng đổi giọng : 
- Anh đừng gạt em. Em biết tỏng rồi. 
Tôi nắm tay nhà tôi, nham nhở : 
- Rỡn chút xíu mà. 
Nhà tôi giật tay ra : 
- Anh ngạo... Chúa! 
Nguy quá ta. Tôi nhớ, một đêm đi xe đạp không đèn, bị phú lít thổi còi. Tôi thắng cái rốp, thản nhiên nói tiếng Ăng-lê “My tailor is rich. My tailor is not rich. Our flowers are beautiful. How are you? You are policeman. Very good...” Tôi đã làm điệu bộ như một dân Phi Luật Tân vừa sang Việt Nam. Thuở ấy, nhà nước chưa mở các “cua” dạy tiếng Anh cho công chức. Nên thầy phú lít già bèn xua tay, đi một đường đuổi bằng... tay kèm theo mấy tiếng “cảnh sát không phải là bạn dân ngoại quốc” như vầy: “Đi cha anh đi”. Tôi chuồn gấp. Chừng nghi ngờ chi đó, thầy phú lít già gọi với “Ê, anh kia, khoan hãy dọt”. Tôi vụng ở màn chót, quay xe lại. Thầy phú lít già cười hề hề: “Anh dùng vải thưa che mắt thánh, tính xài tiếng Anh qua mặt tôi hả? Thằng này từng qua Anh Cát Lỵ thụ huấn nghề phú lít mà”. Tôi tái mặt ca bài “con cá nó sống vì nước, con người vi phạm luật giao thông sống nhờ phú lít”. Không xong, tôi bị lôi về bót, cảnh cáo và nộp phạt. Hôm nay, tôi lại rơi vào bẫy của nhà tôi. Nàng giận dỗi : 
- Thôi được, từ nay anh khỏi đưa em đi lễ nhà thờ. Em đi một mình. 
Tôi thú tội : 
- Em ơi, anh đâu dám ngạo Chúa của em. A men. Anh nhớ kỷ niệm trải báo nằm trên đất, lén em mà ngủ đất đó. 
Nhà tôi vùng vẳng : 
- Anh quý kỷ niệm nằm đất hơn em à? 
Tôi vò đầu : 
- Lạy Chứa tôi, mô Phật, em nghĩ oan cho anh rồi. 
Nhà tôi không thèm nói năng gì cả, quay mặt vào tường. Tôi năng nỉ mãi phát cáu, cũng lăn ra mép giường mà ngủ. Nhưng không nhắm mắt nổi. Tôi mơ mộng chiếc giường Hồng Kông. Giá vợ chồng tôi đang nằm trên giường Hồng Kông, chỉ cần giả vờ giẫy giụa mạnh là hai đường thẳng song song sẽ gặp nhau ở chỗ... trũng. Tôi suy nghĩ vẩn vơ rồi quyết định ngồi dậy, “lông nhông” chụp lấy nhà tôi. Nhà tôi chống cự lấy lệ, chống cự kiểu báo nhận tiền của nhà nước đối lập nhà nước. Tôi anh dũng áp dụng chiến thuật của thằng “phải gió” với em gái “lên núi hái chè”. Nói theo cái điệu quảng cáo tủ lạnh National Jet Cycle thì “kết quả hoàn toàn đông lạnh”. Vợ chồng tôi quên ông thánh Phao lồ, quên hết trơn hết trọi. Tôi chắc nàng quên luôn cả Chúa. Và tôi, nhất định, tôi đã quên Phật khi thủ diễn thằng “phải gió”. Sau đấy, nhà tôi thủ thỉ : 
- Như vậy, chẳng bao giờ mình giận nhau, anh nhỉ? 
Tôi mệt mỏi đáp : 
- Ừ, nhưng mà một tuần nên kiếm cớ giận nhau hai lần thôi, kẻo anh sẽ long bánh chè. Mai em đền anh một chầu cật heo hấp, em nhé! 
Nhà tôi ngây thơ lắm. Khi tôi đòi cật heo, nàng bèn hỏi : 
- Bộ cật heo bổ hả, anh? 
- Ừ. 
- Bổ gì? 
- Bổ... thận. Bổ... trái cật của anh mà. Thận anh mà bổ, anh cam đoan mỗi ngày chúng ta có thể giận nhau mười lần theo công thức “đêm bảy ngày ba” 
Tôi phải ghé sát tai nhà tôi thầm thì, nhà tôi mới vỡ lẽ. Và nàng mắng tôi một cậu rất dễ yêu : 
- Quỷ ở đâu! 
Tôi vừa kể một chuyện lỉnh kỉnh điển hình về cái sự ngủ của một bần cố nông với một địa chủ. Bây giờ, đến chuyện lỉnh kỉnh điển hình về cái sự ăn. Nhà tôi ăn như mèo ấy. Thánh nhân dạy đúng phóc. “Nam thực như hổ, nữ thực như... miu miu”. Nhưng chính vì “thực như miu” mà nàng rất khó khăn với bếp núc. Bí quyết nấu ăn của nhà tôi là: 
Gạo ngon. Nước mắm thượng hảo hạng. 
Dao sắc. Bếp cháy rực. 
Bát, đĩa đẹp. 
Muỗng, nĩa mạ kền bóng nhoáng. 
Khăn trải bàn nhiều hoa lá cành. 
Khăn ăn trắng muốt, thơm phức. 
Vân vân... 
Nàng giải thích con dao của người nội trợ như vầy : 
- Em thí dụ thái một miếng thịt heo luộc nhé! Nếu dao không bén, miếng thịt đâu có mỏng và đều. Nó sẽ giống miếng gỗ cưa. Trông xấu xí, ăn hết ngon. Dao bén thái thịt bò xào mới đều, miếng nào cũng mềm giống miếng nào. 
Và bếp cháy rực : 
- Gì chứ xào thịt bò cần bếp nóng. Đặt chảo mỡ lên bếp cho đến khi mỡ nó hết kêu, nó thách thức lửa tức là nó nóng tột độ. Bấy giờ, mới bỏ hành ta vào. Ái chà, vừa ném hành vô, mùi thơm đã quyến rũ tuyệt đỉnh. Rồi đổ thịt bò “ướp” nước mắm ngon theo, đảo qua đảo lại vài lần. Và nhấc chảo khỏi bếp. Em cam đoan, thịt bò ngon hơn... tiệm! Bếp ít lửa mà xào thịt bò, thịt bò sẽ dai như da giầy của anh ấy. 
Nhà tôi sáng tác ra món thịt bò xào khoai tây mà tôi cho là nhất. Nàng gọt khoai, thái không dầy lắm. Nàng chiên cho khoai giòn, vớt ra đặt vào đĩa lớn. Giai đoạn hai là xào thịt bò như nàng vừa giải thích ở trên, giữ lại nước, chỉ đặt thịt trên khoai. Giai đoạn ba là làm sốt cà chua rưới lên thịt. Nước sốt thấm qua thịt, thấm xuống khoai. Khoai mềm ra. Trên đĩa thịt bò xào khoai “điểm một vài” ngọn ngò xanh, nom đẹp mắt và ăn ngon tuyệt cú mèo. Thỉnh thoảng, nhà tôi biểu diễn một màn thịt đúc trứng ngoạn mục. Nàng chẻ đôi từng sợi đậu đũa ra, đan lại như cái vỉ. Thịt băm nhỏ, đánh quyện với trứng. Nàng đổ thịt và trứng lên cái vỉ đậu đũa thứ nhất rồi đặt cái vỉ đậu thứ hai trùm kín thịt trứng. Và rán. Khi vỉ đậu đũa chín vàng là thịt bên trong cũng chín. Món này đặt vào đĩa đẹp, dùng dao sắc cắt từng miếng, xịt ít giọt Maggi phú lãng xa mà ăn thì tưởng, nội cái công phu chế tạo thành nó, đã khoái khẩu rồi. 
Tôi không hiểu nhà tôi học làm những món ăn cầu kỳ của Bắc kỳ ở đâu. Mới hỏi : 
- Ai dạy em nấu những món ăn Bắc kỳ đó? 
Nàng kiêu hãnh đáp : 
- Lấy chồng Bắc kỳ thì phải biết chứ, cần gì ai dạy. 
Nhưng rồi nàng cũng thú thật, là chơi với các ái nữ của nhà văn Lê văn Siêu, thường đến nhà bạn coi làm bếp, ăn cơm nên học được... nghề. Nhà tôi nói tiếng Bắc kỳ hay ra phết. Số là vì trượt tú tài Tây, nàng xoay qua chương trình Ta, học Việt văn với giáo sư Nghiêm Toản, ngồi cạnh toàn nữ sinh Hà Nội thành ra nàng bị... ảnh hưởng. Ôi, định mệnh đã an bài từ đầu năm 1954 lận. 
Tôi mới kể sơ sơ vài món ăn mà đã thấy sốt ruột rồi. Định mệnh nào an bài tôi để tôi được thưởng thức những món ăn mà một gã bần cố nông như tôi không bao giờ dám mơ ước. Triết gia ái tình Tí con, tôi xin bái phục ông, bái phục. Nhưng, chính ra, tôi bị thưởng thức. Tôi là nạn nhân của... đớp hít. Tôi khổ tâm hết sức. Ngồi vào bàn ăn, xì xụp húp bát “súp” xương bò rồi mới được ăn cơm. Vừa ăn lại phải vừa uống nước đá lạnh hay li-mô-nát. Nhà tôi bầy cái trò uống rượu chát. Tôi dẹp vội vì... đau gan. Đau ruột thì đúng hơn. Con nhà lính, thứ lính đo đường, đếm cột đèn, mà học tính nhà quan, tôi sợ bao nhiêu tư trang nhà tôi sẽ “Tung cánh chim tìm về tổ ấm” đáp tiếng gọi chiêu hồi của các nhà kim hoàn hết. Ôi, đã mấy lần tôi nhìn những chiếc vòng “xơ men” ra đi. Chúng nó đi cơ hồ Yêu Ly, Chuyên Chư, Kinh Kha ra đi. Ra đi nhất định không về. Tết Congo chúng nó mới về với điều kiện tôi đi làm, dành dụm tiền để... dử chúng nó về. 
Tôi thường nói với nhà tôi : 
- Em ạ, cách ngôn dạy rằng “người ta ăn để mà sống chứ không sống để mà ăn”. Bao tử anh ví như cái “véc xi” bằng cao sư ấy. Anh đã từng uống một ly cà phê sữa, sống trọn ngày. Hoặc uống nước lã cầm hơi. Hoặc ăn ba đĩa cơm sườn heo nướng, thêm ly cà phê đá bự một bữa. Anh rất ghét ăn cơm Tàu. Anh thù Tầu mà. Nó đô hộ mình những ngàn năm. Đấy em coi, đi ăn cưới ở Đồng Khánh, anh chỉ ngồi nhìn mồm, chờ món cơm rang. Cơm Tây anh cũng ghét. Nó độ hộ mình trăm năm. Em hãy học nấu riêu cua, canh cua cho anh ăn, anh khoái canh cua lắm, anh đầy phè dân tộc tính. 
Nhà tôi cười : 
- Anh chỉ ba xạo. 
Có nhiều điều tôi ba xạo. Chẳng hạn chê cơm Tây. Chê vì chưa từng ăn những món khác ngoài thịt bò bíp tếch. Khi có tiền, lại không dám phiêu lưu vào những món mà mình chưa ăn. Sợ không ăn được. Cơm Tàu thì tôi kịch liệt phản đối. Thuở nhỏ, ở với mẹ, mẹ tôi cứ sợ tôi bị... cam nên chỉ cho ăn cơm với thịt nạc kho, giò rim. Lớn lên đi giang hồ, ăn thêm được vài món. Ếch, thỏ, chuột, mắm là không có tôi. Lấy vợ miền Nam không ăn được mắm, thịt chuột là một điều thiệt thòi. Nem nướng chấm nước mắm giảm giá trị tám mươi phần trăm. Song tôi vẫn yêu cầu được chấm nước mắm. Đôi khi, nhà tôi thèm ăn thịt chuột, ăn mắm chưng, nhà tôi phải đuổi khéo : 
- Hôm nay anh đi ăn tiệm nhé! 
Nếu tôi thắc mắc, nhà tôi dọa : 
- Cô Hai gửi cho chục con chuột và một hũ mắm. 
Tôi bèn phú lỉnh ngay. Tối về, giả vờ hỏi : 
- Em đánh răng chưa? 
Và gạ nhà tôi nhai kẹo “sô uynh gum” lia lịa. Nhà tôi ăn được hết các món ăn Bắc kỳ. Tôi thì chỉ ăn được gỏi gà, canh chua, thịt kho nước dừa. Ôi, món thịt kho nước dừa cá lóc, sao mà ngon thế! Nước thịt kho chấm với dưa giá, tuyệt vời. Thần tình. Tôi cứ định bụng hễ làm ăn khấm khá, tôi sẽ tập uống rượu mạnh. Biết uống rượu mà lấy vợ Nam, sướng nhất trần gian. Bởi vì, miền Nam có nhiều món nhậu bất hủ. Tôm khô củ kiệu, chẳng hạn. Rất tiếc, tôi chê củ kiệu. Nó hăng hắc làm sao ấy. Nhà tôi trịnh trọng nấu nướng, tôi chỉ nhấm nhá lấy lệ và khen nhặng xị ngậu. Nhà tôi buồn ra mặt : 
- Anh có ăn đâu mà khen! 
Và mỉa mai : 
- Anh chỉ biết tôm khô vắt chanh, canh cua mồng tơi, rau đay, mướp và.. canh bánh đa. Em chả thiết làm bếp nữa. 
Tuy nói vậy, hôm sau, vẫn thấy nhà tôi tóm cổ mấy chú cá rô bự về, luộc chín, gỡ xương, đâm đầu cá, lược nước và nấu canh bánh đa cá cho tôi ăn. Nàng hớn hở khoe : 
- Em biết nấu riêu cua rồi. Mai em mua chầy cối. 
Một buổi tối mùa hạ, ngồi vào bàn ăn, tôi đã cảm động muốn... sốt rét khi thấy có bát canh hoa lý nấu với cua đồng. Tôi chưa kịp “thầm vấn”, nhà tôi đã khai : 
- Sách dạy nấu các món ăn Bắc kỳ không có món này. Em đọc truyện ngắn “Giàn hoa thiên lý quê nhà” của anh, bắt chước mẹ, nấu canh hoa lý cua đồng cho anh ăn đó. 
Tiếng mẹ nghe thật nồng nàn, thiết tha. Mẹ tôi ở tận làng Thanh Triều, bên dòng sông Trà Lý, không biết mặt con dâu. Nhưng con của Mẹ đã biết tình thương yêu của Mẹ trong bát canh cua đồng nấu với hoa lý. Nhìn xuống bát canh, tôi tưởng chừng gặp khuôn mặt thân yêu của mẹ tôi và những nụ cười. 
Nhà tôi hỏi : 
- Anh lại bày đặt viết truyện ngắn à? 
Tôi đáp : 
- Ừ, anh đang làm mầm non văn nghệ, em ạ! Anh sẽ viết một truyện dự thi “Truyện Ngắn Tiếng Chuông”. Hễ ông Đinh văn Khai chấm truyện của anh nhất, anh sẽ được đăng hình lên báo, sẽ được lãnh tiền và tấm bằng... văn nghệ. Tiền thì để mua giường Hồng Kông. Bằng thì để lồng khung kính treo trên tường phòng khách. Ông Đinh văn Khai sẽ đưa anh vào văn học sử hậu bán thế kỷ thứ hai mươi. 
Nhà tôi cười nửa miệng : 
- Ông Khai mà đưa anh vào văn học sử Việt Nam em sợ anh sẽ chết cứng trong văn học sử. Muốn lôi anh ra cũng không lôi được. Thôi anh đừng dự giải “Truyện Ngắn Tiếng Chuông” nữa. Tốt hơn cả, anh đừng mộng viết văn. Anh hãy sống thật bình thường. Em không ham sự phi thường của các bậc văn hào, thi bá. Hễ sự nghệp lẫy lừng, người ta mải mê sự nghiệp, đua đòi đủ thứ và dễ ruồng rẫy vợ con. 
Nhà tôi có lý. Cái bọn văn nghệ sĩ chúng nó bê bối lắm. Hút thuốc phiện, nhảy đầm, yêu vũ nữ, vợ nhỏ cả bầy và sống không nề nếp. Đàn bà vốn sợ một đời sống xáo trộn. Nhà tôi chẳng thích tôi trở thành văn sĩ vì thế. Và nàng đã ngăn cản tôi thật lực. Tôi là nhà... mầm non văn nghệ khác đời, nghĩa là, chỉ có cảm hứng sau bữa ăn. Hóa cho nên, khi bụng đã căng, buông đũa là tôi vồ lấy bút nguyên tử... sáng tác văn chương. Nhà tôi dọn bát đĩa xong, đến cạnh tôi, xòe đôi bàn tay ngọc : 
- Anh coi, tay em hết đẹp rồi. Xà bông nó tiêu diệt da tay em. 
Tôi bèn cầm tay nhà tôi, nịnh đầm rất anh dũng : 
- Để chén bát anh rửa cho, em ngồi nghỉ. Có mang can phải nghỉ ngơi. 
Và tôi hùng hục rửa bát đĩa, quên đi chuyện văn chương phú lục. Nghĩ rằng “Văn chương phú lục chẳng hay, thà là rửa bát tối ngày cho xong”. Tôi đã rơi vào cái bẫy của nhà tôi mà không biết. Nhà tôi hay thật tình. Nàng âu yếm bắt tôi làm tạp dịch để phá hoại một thiên tài văn chương hy vọng giải Nobel Ma ní ngang hàng với đại văn hào Tôn Thất Thiện. Thay vì sáng tác chuyện ngắn dự giải “Truyện Ngắn Tiếng Chuông”, tôi đã gõ muỗng vào trôn bát mà ca: 
Cớ sao vợ lại trách trời nhỉ 
Vợ chỉ hơn trời có cái trai
 
Tự đó, nguồn cảm hứng văn chương của tôi đã bị nước rửa bát cuốn phăng. Cứ mỗi lần cầm bút sáng tác là nhà tôi sai làm tạp dịch. Chẳng hạn: giặt quần áo, xuống quán mua xí muội, xoa dầu nóng khắp chân tay giùm vợ, mua chỉ về may lót, tã cho con đầu lòng tương lai. Vân vân... Nhưng không phải rửa bát, giặt quần áo thường trực đâu. Nếu cơm nước xong, tôi nằm khểnh hút thuốc lá rồi ngủ đi thì nhà tôi lo hết công việc. Và tay vẫn đẹp. Nhà tôi thù ghét sự nghiệp văn chương của chồng. Nàng yêu tôi, thương tôi nên sợ, một mai, khi tôi ẵm giải “Truyện Ngắn Tiếng Chuông”, rất có thể, tôi sẽ bán cả quần của nhà tôi để hút thuốc phiện. Bởi vì, văn sĩ thường đi liền với nghiện sĩ. Ôi, ghét của nào, trời trao của ấy. Và đó là nỗi khổ vô biên của nhà tôi sau này. 

4    Giai cấp giá trị mới

  
Khi cái bầu trong bụng nhà tôi biết hành hạ kẻ mang nó, tôi đã được... đi làm. Lâu quá, dễ chừng từ ngày cha sinh mẹ đẻ, tôi mới được làm công chức. Nghề công chức của tôi không hứa hẹn cái tuổi đầu bạc răng long ăn lương hưu trí. Tôi lĩnh lương khoán. Nhà nước chê vợ con những kẻ lĩnh lương khoán nên chẳng chịu phát tiền. Do con mắt tinh đời của ông huyện Nguyễn Bích Liên, tôi bèn được ông Cao Xuân Vỹ phát cho tí ân huệ. Ông Vỹ chấp thuận để tôi làm biên tập viên, khỏi cần tú tài, khỏi cần thi cử. Tôi không thể diễn tả nổi lần đầu tiên, ký tên vào sổ lương lãnh những năm ngàn bạc. Đời tôi đã có nhiều tháng chỉ sống thoi thóp bằng món tiền phước thiện vài trăm. Bây giờ, nhét năm ngàn vô túi, tôi run ghê quá. Run cơ hồ thanh niên trốn quân dịcn bị phú lít hỏi giấy hợp lệ tình trạng quân dịch ấy. Ngồi ở bàn giấy, tôi đã lén xếp, móc tiền ra đếm và... ngửi. Tôi mong chóng tới giờ về để khoe với nhà tôi rằng tôi đã giải được phương thức tam túc cộng tam giác cộng tam nhân bằng... năm xín của lý thuyết gia Ngô Đình Nhu. 
Nhà tôi hân hoan lắm. Nàng không mê năm ngàn lương của tôi đâu. Mà mê cái nếp sống công chức cần cù, trầm lặng, an phận thủ thường. Tôi ví như con ngựa hoang đã trả thành ngựa nhà nước, mắt bị che, miệng bị đóng hàm thiếc, chân bị đóng móng sắt, lưng bị mang yên và rất đông kẻ có quyền cưỡi. Tôi quên chuyện văn chương, chả thiết tha cái giấc mộng trúng giải “Truyện Ngắn Tiếng Chuông” để đi phăng phăng vào văn học sử Việt Nam nữa. Sáng thứ hai dậy sớm, mặc quần áo xanh Cộng Hòa, xếp hàng chào cờ suy tôn Ngô tổng thống. Hai tuần một lần mang mùng mền đến sở... ngủ hay chơi bài cào gọi là trực đêm. Tôi tưởng đã kết bạn muôn thuở với các đồng nghiệp già suốt buổi chỉ đánh giá trị của các nhãn hiệu trà tầu và thuốc lào hay các nữ đồng nghiệp cả ngày lo khâu tã, đan áo, cắt móng tay, đọc tiểu thuyết bà Tùng Long và rủ nhau chơi hụi. Ai ngờ đâu, ông Ngô Đình Nhu ra lệnh cho ông Cao Xuân Vỹ phải xuất bản tờ bán tuần san Chiến Đấu làm tiếng nói của Thanh Niên Cộng Hòa. 
Ông chánh sự vụ Nguyễn Bích Liên cất nhắc tôi. Ông xin biệt phái tôi ra ngồi ở tòa báo cạnh con voi già phóng sự Tam Lang, tác giả “Tôi kéo xe”, nhà báo từng làm mưa gió khắp ba miền Trung Nam Bắc thuở tôi còn đái dầm. Tôi được miễn khoản chào cờ, học tập huấn từ, huấn thị của Tổng thống và ông Cố vấn. Lại xa cả xếp nhớn xếp nhỏ. Đi làm theo cảm hứng. Sướng vô cùng. Nhà tôi lấy cái sự tôi ra tòa báo ngồi làm mối lo âu. Nàng sợ tôi nhất định vào văn học sử bằng: một truyện ngắn dự giải “Truyện Ngắn Tiếng Chuông”. Tôi phải trấn an nàng : 
- Em ạ, anh mất hết tự do rồi. Nhà nước bắt anh làm gì, anh phải làm cái đó. Anh làm báo... nhà nước, em hãy tin đi, bốn nghìn năm sau mới nổi tiếng. Báo Chiến Đấu lại đăng tải toàn tin tức Thanh Niên Cộng Hòa, diễn văn của Tổng thống và phương pháp tập ném tạ, nhảy sào. Lâu lâu, chống Cộng Sản một tí hoặc là tường thuật trận đá banh quốc tế. Báo Chiến Đấu là đồ bỏ, không phải nơi phát huy văn nghệ đâu. Em yên chí, nay mai anh sẽ làm thơ suy tôn anh cả Thanh Niên Cộng Hòa là ông Cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu. 
Tôi thở dài đau khổ : 
- Anh sẽ là dân nô, là bồi bút. 
Nhà tôi có vẻ thấm nỗi buồn giả tạo của tôi. Chừng số báo Chiến Đấu đầu tiên ra lò, nàng mơi tin tôi nói thật. Nàng ái ngại giùm tôi. Và nàng hỏi : 
- Anh giữ mục gì? 
Tôi ngao ngán : 
- Em ơi, những mục văn hóa, văn nghệ các ông đại văn hào Hiếu Chân, Vũ Hạnh, Phạm Cao Củng, Tam Lang giữ hết trơn. Anh viết lại truyện kiếm hiệp “Thất kiếm thập tam hiệp” cho câu thành cú và sửa bài của các đại văn hào. Thầy cò chính là anh. 
Nhà tôi chưa hiểu nhiệm vụ của thầy cò nó ra làm sao, mới hỏi : 
- Anh sửa bài của Hiếu Chân tiên sinh cơ à? 
Tôi méo mặt đáp : 
- Sửa những chữ mà thợ sắp chữ xếp sai thôi. Văn chương của các nhà vă lớn nó lớn con lắm, mình đụng vào nó đá chân trái mình cũng đủ té nhào. 
Nhà tôi ái ngại : 
- Thôi, anh cố xin về Nha ngồi cho yên thân. Nhỡ anh cao hứng, anh sửa văn chương của các văn hào cổ thụ, bị đá té nhào thì khốn khổ. 
Tôi tả oán : 
- Ừ, nhẹ là hộc máu mồm, nặng là... thọt, em ạ! 
Nhà tôi tin rằng tôi hết mơ mộng đi vào văn học sử khi đứng trước những núi Thái cao ngất nghểu, và rộng bao la. Nàng yên chí tôi chỉ là thứ “hoa dại”, chuyên sửa truyện kiếm hiệp cho mạch lạc, dễ đọc. Nhưng nàng biết đâu, sự nghệp văn chương báo hại của tôi đã khởi sự từ những ngày viết lại bộ “Thất kiếm thập tam hiệp”. Rồi một hôm đẹp trời, văn hào Phạm Cao Củng quên không đưa tiểu thuyết “Lời thề trên đất giặc”, tôi đã mạo muội viết trám vài kỳ. Xuýt nữa tôi giết nhân vật chính của văn hào họ Phạm đấy. Rồi tôi vi vút vài bài “pô tanh”. Chủ bút Tam Lang khen “tạm được”. Ông bèn phong tôi làm thư ký tòa soạn của cái tuần báo Chiến Đấu. Tôi, Nguyễn văn Lương, bút hiệu Lương Khoán, thư ký tòa soạn kiêm thầy cò kiêm tùy phái đã được con voi già của làng báo Việt Nam là Tam Lang Vũ Đình Chí khuyến khích om sòm. Chẳng lâu la gì, người ta gọi tôi về chỗ ngồi cũ, mỗi tuần viết một bài bình luận về màu áo xanh Cộng Hòa! Nhà tôi vui mừng khôn tả. Nàng thủ thỉ : 
- Em vẫn ước mong anh chỉ là một công chức. 
Tôi buồn rau : 
- Thì bao giờ anh chẳng là một công chức. Nay mai, anh sẽ tập uống trà tầu, hút thuốc lào, tập đánh chắn còm và chơi cái hụi nhỏ. 
Nhà tôi tin ngay là tôi nói thật vì nàng không biết nói dối. Nàng quá chất phác, ngày thơ nên lại không hiễu câu nói nặng cái chất “phẫn” và ai oán, não nề của tôi. Ôi, một kẻ lãng tử “lấy trăng gió làm nhà, nước mây làm bạn” như tôi, một kẻ thiết tha đi vào văn học sử hậu bán thế kỷ thứ hai mươi bằng con đường “chớp” cái giải “Truyện Ngắn Tiếng Chuông” mà lại sắp sửa tập hút thuốc lào ư? Lại sắp sửa phản chất “tương tư thảo” mang các nhãn hiệu Vĩnh Bảo, ba số chín, ba số năm ư? Cái đó không được. Tôi sẽ vùng lên. Nhà tôi đâu hiểu tôi cũng có cái thai văn nghệ trong bụng. Tôi tưởng tượng, ngày kia, trong bữa tiệc có thịt bò bảy món, ông chủ nhiệm Đinh văn Khai tuyên bố trước quan khách và các văn nghệ sì Sàigòn là tôi trúng giải nhất văn chương... Tiếng Chuông. Ái chà, thiên hạ sẽ vỗ tay loạn cả lên, dám đổ tung nước mắm vào mặt nhau lắm à, sẽ hoan hô tôi rả rích. Tôi xấu hổ một tí rồi xưng mặt to bằng cái bánh đa, ra cái điều “ông đã đi vào văn học sử”. Nhà tôi chắc... hơi buồn, sự hơi buồn theo lối diễn tả của Nguyễn Bính trong bài “Quan trạng” vinh quy bái tổ. “Chỉ duy có một cô em hơi buồn, từ ngày cô chửa thành hôn, từ ngày anh khóa hãy còn hàn vi...”. Chắc chắn, đại ký giả Nguyễn Kim Cang tự Nguyễn Ang Ca sẽ trao bằng.. văn chương cho tôi. Tôi sẽ nổi tiếng boong boong như chuông chùa Xá Lợi. Tôi sẽ in một ngàn tấm danh thiếp như sau: 

NGUYỄN VĂN LƯƠNG 
Bút hiệu LƯƠNG KHOÁN 
Thi sĩ, Tiểu thuyết gia, Ký giả 
(Giải thưởng truyện ngắn Tiếng Chuông) 
215D/17C/18F/213B Chi Lăng - Gia Định

Với tấm danh thiếp này, tôi sẽ phăng phăng lọt qua cổng làng văn hóa. Báo chí sẽ đua nhau mời tôi giữ mục “Gỡ rối tơ lòng” hay đặc trách mục “Tìm bạn bốn phương”. Tôi đã mơ mộng để thoát khỏi cái thực tại công chức lương khoán, để bay xa cái tương lai hút thuốc lào vặt và chửi thầm xếp chúa. Nhưng giấc mộng lớn của tôi bị vấp phải tảng đá. Nó lăn kềnh ra. Nó kêu đau oai oái. Ấy là lúc nhà tôi sắp sửa đập chum, nói văn vẻ một tí thì, nhà tôi sắp sửa gỡ cây đàn “ác coóc đê ông” ra khỏi bụng. Chân trời tạp dịch hiện ra, rực rỡ một bình minh như chân trời 1980 của tiến sĩ Nguyễn văn Hảo ấy. Chín tháng mang bầu của bà E-và là chín tháng tối tăm mặt mũi của ông A-đông. Bà E-và nôn ói lu bù ở tháng thứ nhất. Dù chỉ ói toàn nước miếng, ông A-đông cũng bấn loạn tinh thần. A-đông đi hỏi nhặng xì ngầu về kinh nghiệm một đàn bà chửa con so. A-đông ghi chép lia lịa. Trong khi đó, E-và mở cuốn sách học làm người “Trước khi về nhà chồng, người đàn bà nên biết”, nghiên cứu chương mục “Có thai” rất kỹ lưỡng. Thời gian ói mửa qua đi, E-và thèm ăn vặt, nhất là thèm ăn xí muội. A-đông lắc đầu. 
- Không được ăn vặt, ăn nhiều quá cái thai nó béo tốt to con, rất ư là một sự khó đẻ. 
E-và hỏi. 
- Cấm tẩm bổ à? 
A-đông đáp : 
- Bác sĩ khuyên thế. Đu đù, cam, táo, nho, lê phải nhịn. Đặc biệt nhịn ăn thịt chuột và mắm ruốc kẻo đứa bé sẽ có hai cái tai giống tai chuột và miệng hôi mùi mắm. 
E-và nói : 
- Đã có phương pháp đẻ không đau, rồi có máy hút, lo gì. 
A-đông nhún vai : 
- Đẻ không đau sau này con nó hết thương mẹ. Mẹ sẽ không thể nói “Tao mang nặng đẻ đau”. Và con cũng không thiết nói “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. 
E-và chịu lắm. A-đông giục E-và hoạt động : 
- Em phải giặt quần áo, rửa bát, đi đi lại lại hoài hủy. Nằm một chỗ, đẻ... đau đấy. 
E-và cãi : 
- Mệt muốn thở không ra, anh còn bắt làm. 
A-đông cương quyết : 
- Sách dạy thế. 
Có thể, giữa E-và và A đông, xảy ra những cuộc cãi nhau lặt vặt. E-và đã căng hết da bụng mỏng teo, nếu hét lớn như lúc bình thường, sẽ bị vỡ bụng nên nhượng bộ A-đông. Thì A-đông vội lả lướt : 
- Em ạ, giá má mình còn sống, anh sẽ bắt chước một nhân vật truyện ngắn “Con so về nhà mẹ” của Thanh Tịnh, đưa em về để má em lo cho em là em hết sợ. Hoặc nếu mẹ anh cũng di cư vô đây, mẹ anh sẽ săn sóc em. Chỉ vì vận nước nghiêng ngửa mà em vất vả. Thôi, để anh “bắt” cho em một liên tử. 
Nhà tôi ngạc nhiên : 
- Liên tử! 
Tôi bắt chước ông Khổng Tử Nguyễn văn Tu giảng nghĩa chữ thánh hiền : 
- Liên là sen, tử là con. Liên tử là con sen tức ma ri sến đó em. 
Nhà tôi phá ra cười. Tôi phải để cái gối lên bụng nàng và khẽ giải tỏa sự cười của nàng. Cười xong, nhà tôi nhăn nhó. Vì nhô con trong bụng đạp mạnh để cổ võ mẹ nó. 
- Một liên tử, em bằng lòng chứ? 
- Sao không gọi là mướn người ở đợ hay đầy tớ? 
Tôi vội vàng nhắm mắt, tưởng niệm những chiến sĩ tranh đấu cho độc lập, tự do, dân chủ của quê hương Việt Nam mà bảo nhà tôi rằng : 
- Em ạ, danh từ con sen, đầy tớ là danh từ của thực dân, phong kiến thối nát. Anh đã đọc cả kinh Cựu ước lẫn kinh Tân ước, chả thấy Chúa đề cập tới... con sen, đầy tớ. “Mọi người đều là anh em”. Nước ta đã có một cuộc cách mạng tháng tám và cuộc cách mạng này dù bị phản bội, vẫn đủ khả năng chôn vùi danh từ con sen, con nhài, thằng nhỏ, đầy tớ xuống huyệt sâu. Ở Hà Nội, giai cấp con sen, thằng nhỏ đang lãnh đạo các cơ cấu nhà nước Cộng Sản, đồng chí với Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp. Họ đã trở thành anh hùng vô sản để... thay phiên nhau chết tại các công, nông trường cho hoa dân chủ đỏ lòe đỏ loẹt. Còn trong Nam ta, nhờ cách mạng nhân vị của Ngô tổng thống anh minh, em hãy tin anh đi, mai mốt sẽ cóc còn con sen, đầy tớ nữa. Cách mạng nhân vị đang giơ tay nắm lấy tay những người Việt Nam thiệt thòi nhất (tức là con sen, đầy tớ) để cùng nhau đi lên một xã hội mới có tự do, dân chủ thực sự. Vậy em hãy gọi con sen là liên tử, kẻo khi họ chễm chệ trên ghế xã hội mới, họ sẽ đấu tố em. 
Tôi đã thấm nhuần chính sách Thanh Niên Cộng Hòa của anh cả Ngô Đình Nhu và anh bảy Cao Xuân Vỹ nên nhả ra câu nào là y rằng câu ấy đã được học tập kỹ lưỡng. Nhà tôi hỏi : 
- Thế rồi con sen sẽ bình đẳng với bà Cố vấn Ngô Đình Nhu và các bà Huỳnh Ngọc Anh, Khánh Trang à? 
- Nhất định. 
- Thay vì mướn một con sen nào đó, em có thể mướn bà Huỳnh Ngọc Anh được không? 
- Rỡn hoài. 
- Vậy cách mạng nhân vị sẽ chả đi đến đâu. 
Nhà tôi không thay đổi lập trường. Khi đứa con trai đầu lòng của tôi khóc oe oe oe chào mừng cuộc đời khốn khó, bà dì bắn súng lục của nhà tôi đã dẫn từ Gia Định tới cho tôi một em liên tử. Lần đầu tiên trong đời, tôi tiếp nhận một liên tử. Thành ra, buổi lễ tiếp nhận rất trịnh trọng. Tôi đã mời nàng liên tử ngồi ghế xa lông, thảo luận công ăn việc làm và lương căn bản. Nàng liên tử cương quyết chê xa lông. Nàng đứng xa tôi cả hai thước, khoanh tay, khúm núm. Tôi dịu dàng : 
- Chị thân mến, tôi là một Thanh Niên Cộng Hòa quần áo xanh dương, đang thực thi chính sách ấp chiến lược của Ngô chí sĩ. Sách vở của Thanh Niên Cộng Hòa dạy tôi rằng phải đi xuống những người Việt Nam thiệt thòi nhất để cùng nhau tay nắm tay xây dựng một xã hội mới có công bình, tự do, dân chủ thật sự. 
Tôi tiến tới, nắm tay nàng liên tử, kéo tới xa lông : 
- Mời đồng chí ngồi. 
Nàng liên tử chỉ dám ngồi dưới đất, cạnh chiếc ghế. 
- Đồng chí dùng trà hay nước lạnh? 
Nàng liên tử lắc đầu : 
- Thầy để mặc con. 
Tôi trợn mắt : 
- Không thầy con gì cả. Thời buổi dân chủ nhân vị này, bình đẳng tuốt mo. Cứ gọi tôi là đồng chí chủ và tôi kêu bằng đồng chí liên tử. À, tên đồng chí liên tử tên là gì? 
- Dạ, Hai ạ! 
- Đồng chí Hai. 
- Dạ. 
- Xã hội ví như cái máy chạy xình xịch. Tôi đi làm công cho người khác để có tiền trả chị làm công cho gia đình tôi. Rất có thể, chị sẽ mướn một người khác làm công cho chị. 
Tôi đang dạy bài học dân chủ cho đồng chí liên tử Hai thì nhà tôi lò dò bước ra, quên cả mang vớ chân và đi dép. Vừa sinh xong, máu mặt không còn mấy giọt, lại giận dữ nên khuôn mặt nàng xanh lè như màu dân chủ của áo xanh Cộng Hòa. Nàng mím môi : 
- Anh mần trò khỉ đấy à? 
Nàng ra lệnh cho liên tử Hai : 
- Xuống bếp cất đồ đi rồi giặt chậu quần áo. Thầy điên đấy. Thầy vừa lên cơn khùng đừng có nghe. 
Đồng chí liên tử Hai của tôi, người vô sản Việt Nam mà nếu ở miền Bắc thì chắc chắn hoặc là đã chết thối phổi vì tăng mức sản xuất để lập công dâng lên Bác và Đảng hoặc đã trở thành một chiến sĩ trung kiên sửa soạn thay thế đồng chí Nguyễn thị Bình, răm rắp vâng lời nhà tôi. Chờ nàng liên tử tếch khỏi xa lông, nhà tôi dựng đứng lông mày : 
- Anh rỡn với đầy tớ, hả? 
- Đâu có, anh học tập dân chủ với một người Việt Nam thiệt thòi nhất đấy chứ. 
Nhà tôi rống lên như Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn : 
- Không dân chủ dân tớ gì cả. Đời sống cần phải có tôn ti trật tự, trên dưới khác nhau. 
Tôi cảnh cáo : 
- Này, anh nói cho em biết, em không đối đãi tử tế với liên tử, nhỡ Cộng Sản nó vô đây, chính liên tử Hai sẽ lôi em ra đấu tố cái tội địa chủ gian ác, cường hào ác bá. 
Nhà tôi bất thần chống Cộng rất... tiêu cực : 
- Nếu Cộng Sản vô đây, em không di cư như anh đâu, em sẽ uống thuốc độc tự tử. 
Nàng tỏ oai quyền : 
- Hai! 
Liên tử Hai “dạ” một tiếng rất... bần cố nông góp lúa cho địa chủ và chạy lên. 
- Đem cái học quần áo của mày lên cho cô coi. 
Nhà tôi bắt liên tử Hai dở từng món đồ trong bọc hành lý của nàng y như một nhân viên cộng lực “vì an ninh của đồng bào” mà khám xét... đồng bào ấy. Nàng kết luận : 
- Chính phủ vừa ra thông cáo lưu ý các gia đình công chức phải coi chừng dân ở đợ vì Việt Cộng vừa tung ra hàng ngàn nữ cán bộ từ Quảng Nam vô Saigon để nằm vùng. 
Nhà tôi hất tay : 
- Xong rồi, cô cho mày một trăm về xe. Cô rất tiếc không thề mướn mày được. 
Liên tử Hai sửng sốt : 
- Thầy cô cho con ở đây mần việc. Con thật thà như đếm... 
Nhà tôi lắc đầu : 
- Cô biết mày sẽ làm việc tốt nhưng tại thầy trót học tập dân chủ với mày rồi. Cô sợ mày sẽ đem dân chủ ra đấu lý nên cô đành cho mày về. 
Tôi toan mở miệng can thiệp. Thì nhà tôi mím môi : 
- Em cấm anh không được xía vô chuyện bếp núc. 
Đàn bà đẻ dữ như... chó cái vừa lâm bồn ấy. Tôi đành nín thinh, đau xót nhìn liên tử Hai chìa tay cầm trăm bạc và dời khỏi căn nhà mà nàng tưởng được tá túc một thời gian dài. Nhà tôi, Trần thị Phượng, con nhà điền chủ Trần Thất Thời chưa từng bước xuống cuộc đời đau khổ nên nàng chưa cảm nổi mọi đắng cay của những người bần cùng phải đi ở đợ kiếm sống. Tôi không trách nhà tôi nhưng rất ghét cái thuở vàng son cực thịnh của nhà tôi. Nếu tôi đã được sống một thuở vàng son gấm vóc, tôi chắc tôi cũng giống nhà tôi, giống bao nhiêu con nhà trưởng giả khác. Thà là vậy tôi còn chịu nổi. Chứ, cái ngữ đói rách dài người ra, vừa mới ngoi ngóp thoát khỏi vũng lầy học đòi tinh thần trưởng giả thì tởm vô cùng. Tôi đã thấy những chị trốn nhà theo trai, xuất thân từ một gia đình lao động, nằm bẹp ở bin đinh đầy gái giang hồ, bạn bè cùng thạch thùng và gián, nay ăn nên làm ra, bèn xin vào Hội Thể Thao... Nước, chiều chiều đi “xi ki nô tích” với ông Tây bà Đầm! Trông cũng người lắm song vẫn cóc giấu được cái đuôi khỉ. Đó là thứ khỉ đội mũ, mặc quần áo. Châu thân của nó chỉ là khỉ đầy lông lá bần cố nông. 
Khi liên tử Hai khăn gói quả mướp ra khỏi nơi mà, trước lúc đến kiếm ăn, nàng đã quên dở nhật trình coi tử vi xem “mét” Huỳnh Liên dạy tốt hay xấu, hung hay kiết, nhà tôi đóng cửa cái rầm, đay nghiến : 
- Tôi long trọng cảnh cáo anh lần thứ nhất. Tôi trực tiếp chỉ huy bếp núc, anh đừng... giẫm lên chân tôi. 
Tôi phân trần : 
- Anh giẫm lên chân em bao giờ? 
Nhà tôi to tiếng. 
- Yêu cầu anh đến sở của anh mà thảo luận dân chủ với các sếp của anh. Nhà này không nói chuyện dân chủ. Anh chưa có kinh nghiệm mướn đầy tớ. Tôi hỏi anh chứ một người chưa biết đi xe đạp mà anh bắt nó đi xe Vespa, liệu nó đi được chăng? Ta chỉ nói chuyện dân chủ với những người đã biết dân chủ là gì. 
Tôi hoạnh họe : 
- À, cô định giở chính trị nhập môn đấy hả? Cho cô hay, thằng này chính trị cao lắm. Thằng này viết bình luận chửi cả Cút xếp, Mao Trạch Đông lẫn Võ Nguyên Giáp! 
Nhà tôi gằn giọng : 
- Nhưng anh chưa biết mướn đầy tớ. 
Giũa cái lúc không khí căng thẳng ấy thì ông cố vấn hạnh phúc Đặng Minh Công lù lù dẫn xác tới. Ông cố vấn mở cửa. Nhà tôi bèn vận dụng các tuyến nước mắt khơi dòng hệ lụy trần ai. Ông cố vấn hất đầu : 
- Lại cắn nhau, hả? 
Tôi át giọng ông cố vấn : 
- Ông im miệng đi, ông cóc hiểu con mẹ gì cả. 
Ông cố vấn giậm chân thình thịch : 
- Lương, mày là thằng khốn nạn, tàn nhẫn. Vợ mày vừa mới sinh ra một nhi đồng cứu quốc, chỉ còn chút tàn lực mà mày nỡ ăn thua đủ với vợ mày ư? 
Nhà tôi ôm mặt khóc. Tôi vò đầu : 
- Ăn thua đủ đâu. Bà ấy cấm tôi truyền bá tư tưởng dân chủ với ma ri sến. 
Ông cố vấn bĩu môi : 
- Dân chủ cái cục c...! Mày cút đi! 
Tôi cười gằn : 
- À, ông chống cái chính sách thực thi dân chủ của Tổng thống Ngô Đình Diệm, hả? 
Ông cố vấn gật đại : 
- Tao chống đấy, mày báo công an đi. 
Dĩ nhiên, tôi là thằng thua cả vợ lẫn bạn. Tôi im miệng, ngồi nghe “luân lý giáo khoa thư” của ông cố vấn hạnh phúc. Rồi cam kết : 
- Từ nay không dám tự xử với ma ri sến nữa. 
Nhà tôi bỏ vào phòng trong, nằm cạnh mầm non của tổ quốc. Ông cố vấn điều tra tỉnh trạng... sữa Guigoz rồi ra “phạc ma xi” cõng về một thùng sửa trắng. Rồi ông chuồn. Còn tôi, tôi làm công việc của một phi líp nhỏ. Nghĩa là anh dũng giặt tã cho con trai đầu lòng. Kẻ truyền bá dân chủ, vì dân mà phải khổ sở. Ôi, Chúa Kitô, ôi những nhà cách mạng, hẳn trên bước đường quý ngài đã đi reo rắc tư tưởng, quý ngài đã giẫm lên chông gai như Nguyễn văn Lương bút hiệu Lương Khoán này! 

5    Tuyển lựa liên tử

  
Tôi, Nguyễn văn Lương, bút hiệu Lương Khoán, như đã giới thiệu vài nét đan thanh về cuộc đời ái tình mèo mù vớ cá rán và sự nghiệp ăn mày cơm Chúa, Phật bị xua đuổi, vốn là kẻ lãng tử, biết làm đủ mọi việc nhưng cái khoản nuôi con thơ lại không biết. Nhà tôi, chưa hưởng hết tuổi thiếu nữ đã trở thành đàn bà, vợ một bần cố nông cả tiền tài lẫn kiến thức. Bà via nàng trở về cõi Phật khi nàng mới lên mười nên chẳng có cái màn “Mẹ khuyên con trước khi về nhà chồng”. Nuôi con thơ khác xa trò chơi búp bê. Thành thử, nhà tôi rất vụng về mặc dù đã ngốn hết các cuốn sách “Học làm người” dành riêng cho đàn bà, con gái. Vậy thì nhà văn tương lai Lương Khoán đành làm công việc của vú em. Thằng con trai đầu lòng của tôi nó hành tôi khiếp đảm. 
Trước hết, vừa ẵm ông nhô từ nhà thương về, ông nhô đã mọc cái nhọt ở đầu, phía gáy. Hễ nằm ngửa là ông nhô khóc thét. Chỉ khoái nằm nghiêng. À, điều này, nếu một mai ông nhô đi vào lịch sử, sẽ có thợ viết bốc nhằng “Thuở bình sinh tiên sinh thích nằm nghiêng để nước đái khỏi vọt lên đình màn mỗi lần tiên sinh đái”! Cứ khi ông nhô khóc là tôi bấn xúc xích. 
Không hiểu lý do nào ông nhô khóc. Đói ư? Bác sĩ dặn hai giờ uống một lần. Vậy mà vừa uống sữa được nửa tiếng, ông nhô đã khóc. Bèn lấy núm vú, quyệt tí thuốc bổ Dapta rồi dứ dứ ông nhô. Ông nhô đớp rất tài tình, mút chùn chụt, say xưa và anh dũng. Mút đến chừng hết chất ngọt, ông nhô nhả núm vú ra. Rồi khóc! Tôi lại đổ nước nóng trong bình thủy, rửa cái núm vú, vẩy sạch và quết Dapíta. Và cứ thế tiếp tục cho tới cữ sữa mới. 
Ban đêm ông nhô khóc mới não nề chứ. Nhà tôi sinh xong là đau. Có lẽ, tại thiếu máu lại mất quá nhiều máu cho cuộc “vượt cạn” nên cứ bị sốt rét. Tôi đành nhìn vợ nằm co ro trong chăn len, bồng con, nựng nựng mà ru bằng những vần ca dao mộc mạc. Tôi tập cho ông nhô quá nhiều tật. Mút num vú có chất thuốc bổ Dapta hay mật ong. Ẵm hoài. Đưa nôi. Ru. Ông nhô chịu bố ru lắm. Ru đứng thì ông bố dượt... boston. Ru ngồi thì ông bố làm lò xo tay. Cậu cả ngủ khoái chí. Nhưng hễ đặt cậu vào nôi là cậu bèn vụt thức để khóc thương tình trần! Ông bố, mấy hôm đầu, còn dễ tính. Rồi mất ngủ vì con, ông bố đâm ra cáu nó, mắng loạn cào cào : 
- Ngủ đi chứ, khóc chó gì khóc hoài vậy? 
Nhà tôi tung chăn, ngồi dậy bồng con... tiếp sức để tôi ngủ một lát. Nàng chẳng biết ru gì cả. Thuộc mỗi bài “Con cò mà đi ăn đêm”. Cứ vậy, nhà tôi “ù ơ” một điệu buồn tênh xa vắng. Ông nhô “nghiện” những tiếng “à ơi” rồi, nghe “ù ơ”, ông nhô khóc quyết liệt. Tôi phát cáu : 
- Ru bài khác đi! Con cò mãi, nó chán rồi. 
Nhà tôi nhỏ nhẹ : 
- Em chỉ biết mỗi bài con cò. 
Tôi đập đầu vào... tường : 
- Thì hát “Fè rơ giắc cờ” hay “Ô ke đờ la luyn”. Đổi bài đi chứ. Mà em học Kiều đó, đọc “Trăm năm trong cõi người ta” ru con nó sẽ nín. 
Nhưng ông nhô không nín. Tôi lại phải ẵm ông nhô, đi một đường ru bằng thợ lục bát Huy Cận. Ông nhô nín ngay. Tôi bồng con trên tay và nghĩ rằng con tôi là đứa con có phúc lớn. Nó đã được nằm trên cánh tay yêu thương của bố mẹ, đã được nghe ca dao Việt Nam. Và cảm nổi ca đao. Tôi nghĩ thêm, mai nay khôn lớn, dù con tỏôi chẳng làm nên cái tích sự gì nhưng, chắc chắn, nó phải biết Thương Yêu để chiến đấu bảo vệ Thương Yêu của loài người. Ôi, càng nghĩ về tương lai của con, lòng tôi càng rạt rào cảm khái. Tôi bèn bế con ra xa lông, cho con ngủ trên tay trái và hai cái đùi. Còn tay phải, tôi vi vút bài thơ có khuynh hướng... “Nhị thập tứ hiếu”. Chưa xong thì ông nhô đã đái vọt vào thơ của thi sĩ Lương Khoán là đấng “phụ thân”. Rồi ông nhô khóc. Tôi lại ru bài ca dao mộc mạc: 
Cái ngủ mày ngủ cho lâu 
Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về 
Bắt được con chắm con trê 
Cầm cổ lôi về nấu nướng làm lông 
Cho cái ngủ ăn 
Ngủ ăn không hết 
Để dành đến tết 
Mèo già tha trộm 
Mèo ốm phải đòn 
Mèo con phải vạ 
Con quạ đứt đuôi 
Con ruồi đứt cánh 
Đòn gánh có mấu 
Củ ấu có sừng 
Bánh chưng có nệp 
Ông thầy có sách 
Thợ gạch có dao 
Thợ rào có búa 
Cây lúa có bông 
Con gái có chồng 
Đàn ông có vợ...
 
Đúng là một bài ca dao mộc mạc, ấm ớ hội tề nhưng lại thuộc loại “kiến thức phổ thông” bình dân. Nhà tôi dù đau ốm, dù mất ngủ, nghe tôi ru con những câu ngớ ngẩn, cũng phải phì cười. À, ông nhô đã đồng lõa với mẹ trong âm mưu ngăn chặn tôi đi vào văn học sử. Nó đã đái ướt thơ tôi. Hèn chi, sau này, tôi không mần thi nổi. Bài nào, bài ấy khai nồng mùi nước đái. 
Khi vợ chồng tôi khám phá ra một cái nhọt trên đầu ông nhô và đem đến bác sĩ Phạm Gia Cẩn, thần tượng chữa bệnh con nít, chích một mũi thuốc hết bệnh, thì ông nhô đã quen hơi... bố mẹ. Nó dùng tiếng khóc làm áp lực, cương quyết đòi ngủ trên tay bố mẹ. Tôi không dám có biện pháp mạnh. “Có con mới biết lòng cha mẹ”. Tự nhiên, tình thương yêu hai đấng sinh thành của tôi dâng lên ngập mắt. Và tôi khóc. Thuở còn sống ở ngoài Bắc với bố mẹ, bố tôi thèm ăn thịt bò xào thật mềm mà mẹ tôi lại chê thịt bò nên đã tỏ ra không có “khiếu” xào thịt bò. Ước gì, bây giờ, tôi được trở về nhà cũ, đích thân xào thịt bò khoai tây theo phương pháp của Trần thị Phượng để dâng lên người bố kính yêu. Còn mẹ tôi, mẹ tôi chỉ mơ ước tôi chóng lớn, lấy vợ, sinh con để mẹ tôi có cháu nội nâng niu. Mẹ ơi, cháu nội của mẹ đây này, nó đang hành hạ vợ chồng con như ngày nào thật xa xôi, con đã hành hạ mẹ. “Mày ghẻ lở, các cô kinh sợ không thèm bế, nhưng mày đã nằm trên bụng mẹ ròng rã mấy tháng. Mẹ chẳng sợ mùi ghẻ lở tanh tưởi. Vì mẹ là mẹ của mày, Lương ạ!” 
Phải, không có con thì chả bao giờ biết lòng cha mẹ, tấm lòng hy sinh vô bờ bến. Chỉ vì thương yêu con. “Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Tôi chợt nhớ câu trách móc. “Cha mẹ nuôi con như trời bể, Con nuôi cha mẹ con kể từng ngày” để ray rứt khôn tả. Tôi chưa nuôi cha mẹ được ngày nào. Thầy Tử Lộ ơi, hồi học lớp ba, đọc bài tập đọc truyện thầy trong “Quốc văn giáo khoa thư” lớp sơ đẳng của Trần Trọng Kim, tôi đã phì cười, chê thầy ngu, làm quan to không muốn lại ham đội gạo kiếm tiền như thuở hàn vi để phụng dưỡng mẹ già. Nhìn bức tranh vẽ thầy đội gạo è cổ và bà cụ lưng còng đứng chờ ở cổng, tôi chẳng cảm động chi sốt cả. Lớn khôn, tôi mới hiểu tại sao thầy ham đội gạo nuôi mẹ. Ôi, mẹ đã chết, làm quan to nào mẹ có được hưởng gì. Thì thà cứ đội gạo mà mẹ còn sống, đời không thiếu thương yêu. Thầy Tử Lộ ơi, tôi đang ẵm con, cố nhớ lại bức tranh trong bài tập đọc cũ mà thương mẹ cha vô vàn. Bây giờ là lúc tôi chiêm ngưỡng Lão Lai, chiêm ngưỡng tất cả những nhân vật của “Nhị thập tứ hiếu”. Tôi khinh bỉ những đứa làm quan sang mà để mẹ già bán thuốc lá lẻ đầu đường như thằng dân biểu nọ. 
Ông nhô hành hạ tôi ròng rã một tháng trời. Người hốc hác. Tôi sắp sửa kiệt sức thì bà mẹ kế của nhà tôi dẫn từ Trà Vinh lên một... liên tử già. Liên tử già mập ú, ăn rất khỏe và thức đêm vô địch. Đúng là mẫu người lý tưởng của tôi. Cả đêm, ông nhô nằm trên tay dì Tư - vợ chồng tôi đồng ý gọi thế - mà ngủ. 
Và dì Tư không hề ngồi. Dì cứ đi đi lại lại, nựng nựng ông nhô bằng điệu ru duy nhất. “Tầu xíp lê một, tầu xíp lê hai...” thêm phần phụ hoa âm nhạc “Ngủ đi cưng rưng tưng tưng...”. Y hệt anh chơi băng dzô không biết “vê”. Đáng lẽ nốt cuối của câu nhạc phải “vê” ròn ngân dài ra, anh ta quạt “mê đi a tơ” loạn châu chấu. Thí dụ: Te tò tò te tò te tí... anh chơi băng dzô ấm ớ đánh rằng te tò tò te tò te te tí tí tí tí tí. “Ngủ đi cưng rưng tưng tưng” chán chường là vậy. Nếu ông nhô chẳng chịu ngủ. Tôi bèn cáu quá, trách nhà tôi : 
- Phải chi em cho con bú sữa của em. 
Nhà tôi thở dài : 
- Em đau quá, ăn uống không được, lấy sữa đâu con nó bú. 
Tôi kêu khẽ : 
- Anh tưởng em sợ vú nó dài ra bằng trái mướp, mất đẹp! 
Nhà tôi khóc rấm rức. Tôi bắt tội nghiệp an ủi : 
- Anh xin lỗi em. Ừ, giá em mạnh khoẻ em cho con bú sữa mẹ, con nằm cạnh em, hễ con khóc, em tọng vú vào miệng nó là nó nín ngay. 
Dì Tư kiên nhẫn nuôi ông nhô. Dì theo đạo Hòa Hảo nên cứ mười tư và ba mươi là dì ăn chay hai ngày. Trong hai ngày đó, dì Tư hướng về Đức Thầy, đọc kinh cả buổi, mặc ông nhô khóc rũ trong nôi. Tôi bèn thương con tôi quá. Nghĩ rằng: cóc ai có quyền bỏ bê, đầy đọa tuổi thơ. Nếu Thượng Đế đầy đọa tuổi thơ, tôi cũng chống đối Thượng Đế đừng nói chi người. Bởi vậy, tôi xin dì Tư bỏ cái khoản đọc kinh. Dì Tư không chịu. Nhà tôi vội vàng trả lương dì, tặng thêm cái vé xe đò Sàigòn - Trà Vinh để dì hồi hương lo chuyện ăn chay niệm Phật. Tôi dở sổ “tuyển lựa liên tử” ra ghi. Mới có hai mạng. May ghê, dì Tư vừa về nhà tôi bỗng khỏe mạnh. Không phải nhờ thuốc đâu. Chính là vì tình mẹ thương con. 
Như vậy, vợ chồng tôi vừa thay phiên nhau bồng con vừa mở cuộc tuyển lựa liên tử. Vì cuộc tuyển lựa này không béo bở gì nên không có cái sự trực tiếp truyền thanh như là tuyển lựa ca sĩ tân, cổ nhạc hay hoa hậu hôm nay. Thuở ấy, chủ quyền quốc gia được Tổng thống Ngô Đình Diêm bảo vệ triệt để nên đồng minh Hiệp Chủng Quốc phải tuyển lựa một số người Mỹ sạch sẽ, học thức đầy mình mà gửi qua làm cố vấn. Dĩ nhiên, chúng ta chưa được cái hân hạnh tiếp đón anh em lục lộ Mỹ, anh em cu ly Phi Luật Tân, anh em vũ phu Đại Hàn, anh em rừng rú Xiêm La, anh em căng-gu-ru Úc Đại Lỵ và Tân Tây Lan... Thành ra, tuy bị thiệt thòi lắm, bạc đãi nhiều, cái giai cấp mà ông Ngô Đình Nhu muốn nắm tay dẫn dắt đi vào xã hội mới có công bằng, tự do, dân chủ thật sự chín mươi lăm phần dầu là giai cấp điếm, vẫn còn giữ được liêm sĩ. Muốn tỏ mình đã đọc Jean-Paul Sartre, nên lôi cái tên vở kịch “La P. respectueuse” ra để so sánh trộ bà con yếu kém sinh ngữ chơi. Điếm dưới trào Tổng thống Ngô Đình Diệm còn giữ được liêm sĩ thì liên tử phải sáng giá bội phần. Liên tử, hồi đó, hầu hết là những con cò trắng “Đi ăn đêm, đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao” và đòi “xáo bằng nước trong”. Than ôi, những con cò trắng đã tạo thành một xã hội liên tử mà sinh hoạt thường diễn ra tại bùng binh chợ Bến Thành (Nay là nơi đứng trong lịch sử của liệt nữ bất đắc dĩ Quách thị Trang). 
Vợ chồng tôi đã ghé cái “Chợ người” trong chế độ cách mạng nhân vị để “bắt” liên tử. Y hệt người ta đi mua nô lệ ở bên Phi châu! Tôi đã hứa không giẫm lên chân nhà tôi nên mặc kệ nhà tôi... tuyển lựa liên tử. Nàng chọn “hàng hóa” và điều đình với mụ đầu nậu. Tôi thường lòng vòng quanh bùng binh quan sát những khuôn mặt thê thảm của cuộc đời. Cách mạng tháng tám, cách mạng tháng mười đã chẳng thể làm đổi thay nổi cuộc sống cùng khốn của người nghèo. Nhưng cách mạng nào cũng cứ nhân danh người nghèo mà phất cờ, gióng trống. Tự nhiên, tôi ngứa miệng muốn to tiếng chửi tất cả những cuộc cách mạng trên thế giới này quá xá. Ở “Chợ người” họp tại bùng binh Bến Thành, có đủ nhân vật bi thảm “Bước đường cùng” và “Tắt đèn” của Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố. Tôi không dám nhìn những nhân vật ấy lâu hơn, kỹ hơn. Vậy mà tôi vẫn cứ phải tới làm công việc tuyển lựa. 
Cuốn sổ tay của tôi ghi thêm khối liên tử sau đồng chí liên tử Hai và dì Tư. Bây giờ, thêm cái khoản lý do nào một liên tử đến rồi đi. Và đến từ đâu. Thí dụ : 
- Liên tử Năm 15 tuổi, tự ý đến xin ở đợ. Ra đi hai tuần lễ sau vì ưa ăn cắp vặt và mỗi tối thích ra ngõ đấu với các phi líp nhỏ. Sốt ruột nhất là vấn đề âm nhạc cải cách của liên tử Năm. Nó vừa làm vừa hát bài “Bạn ơi sơn hà xin cạn chén ly bôi. Ngày mai tôi đã đi xa rồi”. Tới chữ “đã”, nó nhái ca sĩ thần tượng Duy Khánh, ca rằng “Ngày mai tôi đã đã đã đã đã đi xa rồi” Nhà tôi đề nghị đuổi. Tôi đồng ý. 
- Liên tử Sáu, 20 tuổi, bắt ở “Chợ Người” về. Ra đi một tuần lễ sau vì yêu kép cải lương đến độ giắt ảnh các kép vào cạp quần. Bưng nước tiếp khách, ảnh thần tượng cải lương chui vào bụng, tụt xuống ống quần rất... bố láo. Đuổi gấp vì cả ngày nó cứ hỏi ông chủ địa chỉ của Út Trà Ôn. 
- Liên tử Út, 32 tuổi, tự ý đến xin làm. Ba hôm sau khóc lóc xin thôi. Lý do: Út giận chồng mèo chuột, bỏ chồng con đi ở đợ. Bỗng nhớ con quá, quên giận chồng. 
- Liên tử Bảy, 18 tuổi, tình nguyện ở đợ. Con bé đẹp ra phết. Mười móng tay để dài, sơn đỏ như Thẳm Thúy Hằng. Vô làm buổi sáng, buổi chiều nôn ói toàn nước miếng. Sợ nó gài mìn nổ chậm. Mời đi gấp. 
- Phi-líp Đực, 22 tuổi do một bạn giới thiệu. Thằng này rất nhanh nhẩu. Thôi ngay buổi sáng vì đề nghị mỗi tuần một lần ăn cơm tây của nó không được thỏa mãn. Tiếc là không thỏa mãn nó. Người bạn cho biết cơm tây mà phi-líp Đực yêu cầu chỉ là khúc bánh mì chấm nước mắm! 
- Liên tử Khôi do bạn bè giới thiện. Làm việc rất chăm chỉ. Nói năng lễ phép. Chỉ phải mỗi cái tội thích hỏi chuyện... chiến khu D nên bà chủ sợ tóe khói, mời ra gấp. 
- Liên tử The, ông bố vợ dẫn từ Chắc Cà Đao lên. Theo đạo Hòa Hảo. Ngoan ngoãn. Nhưng triệt để tuân lời dạy của Đức Thầy. Không ăn thịt bò đã đành, liên tử The còn từ chối công việc xào thịt bò. Lại bắt ông chủ nghe sấm giảng của Đức Thầy. Ông chủ đề nghị bà chủ mua vé xe đò đưa liên tử The về Chắc Cà Đao. 
- Liên tử Thoàn, người Hốc Món, rất khoái hoạt động nhưng hễ ngồi đưa võng cho nhi đồng cứu quốc là... ngủ gật. Thêm cái tật mê tử vi nhật báo. Sáng nào cũng bắt ông chủ đọc cho nghe cái mục “cầm tinh con chó”. Hễ con chó hôm nay xấu là chỉ thích ngồi chơi. Bèn đuổi. 
- Liên tử Nhạn, ăn diện một cây, có kép mần việc xa xôi. Hễ kép gửi thư về, nhờ bà chủ đọc giùm để nghe và học thuộc lòng. Rồi yêu cầu ông chủ viết giúp thư trả lời. Xét rằng ông chủ không có khiếu viết thư tình máy nước, liên tử Nhạn tự ý xin thôi. 
Nhiều lắm, còn nhiều “nhân vật” liên tử với những lý do “giải nhiệm” hết sức ly kỳ. Tôi không dám kể tiếp e rằng sẽ làm buồn một “giai cấp xã hội mới”. Tính sổ mướn liên tử thì kể từ ngày sinh con đầu lòng đến ngày con thứ ba lên bốn tuổi, nhà tôi đã “làm chủ” ngót một trăm liên tử. Trong số một trăm liên tử này, nhờ ông Phan Huy Quát lên làm Thủ tướng, cam kết điều kiện loạn cào cào với Hoa Kỳ để lính viễn chinh Mỹ ào ào vô Việt Nam bảo vệ tự do, dân chủ, đã có đứa làm tới phu nhân trung tá Mỹ, có đứa làm chủ xì nách ba và rất đông trở thành me Mẽo, trở thành những “La P. respectueuse” và, vinh dự biết bao cho ông Ngô Đình Nhu, tất cả đều đứng số một trong đẳng cấp xã hội kỷ nguyên cách mạng tháng mười một. Rõ ràng “những người Việt Nam thiệt thòi nhất” đã tay nắm tay tiến lên thực hiện phương trình “nhất điếm nhì xi tam sư tứ cố”. 
Nhà tôi không khắc nghiệt. Chỉ khó tính. Ngay tôi là chồng, sổ gia đình ghi chức vụ tổ bố “trưởng gia”, khi yêu tôi, nhà tôi yêu ra rít, cho de hàng tá giáo sư, kỹ sư, bác sĩ, mà nàng còn rống lên mỗi lần điểm đúng cái huyệt cáu kỉnh của nàng, nữa là các liên tử. Nhà tôi thương nhất liên tử Hoảnh. Cái tên khó thương ghê. Vậy mà nhà tôi thương. Nàng rất ngọt ngào với liên tử Hoảnh. Của đáng tội, liên tử Hoảnh trình diễn khéo léo cóc chịu nổi. Nhặt tiền rơi, liên tử Hoảnh đưa trả “cô”. Và “cô” thủ thỉ mí “cậu” nhặng xì ngầu “con Hoảnh thật thà lắm anh ạ”. Nhà tôi phát tiền ăn sáng cho liên tử Hoảnh, bắt đi uốn tóc, mỗi chủ nhật cho đi coi cải lương. Đặc biệt tối thứ bảy, liên tử Hoảnh đọc chiếm cái ra-đi-ô để nghe cải lương trực tiếp truyền thanh. Có mớ quần áo cũ, nhà tôi tặng liên tử Hoảnh hết. Lâu lâu, liên tử Hoảnh xin phép về thăm mẹ. Nhà tôi hồi hộp, chờ đợi ngày hẹn của liên lử Hoảnh. Con bé đúng hẹn. Uy tính của nó lên cao. Bỗng một hôm, có người tìm đến báo tin mẹ nó chết. Nó xin phép về đưa mẹ nó lên miền cực lạc. Nhà tôi tin tưởng nó, cho vay sáu tháng lương đặng nó đủ phương tiện thực hiện chữ hiếu. 
Liên tử Hoảnh khăn gói hồi hương. Nó không bao giờ trở lại nữa. Nhà tôi bị một cú nặng nề. Từ đó lập trường liên tử của nàng rất vững chắc. Liên tử Hoảnh phản bội tôi, phản bội cái sự reo rắc tư tưởng dân chủ của tôi. Sau này, hễ tôi mở miệng bênh vực liên tử, y như rằng bị nhà tôi kê tủ đứng vào miệng. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro