Dục vọng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Một người đàn ông tìm đến nơi thâm sơn cùng cốc gặp một vị thiền sư ở ẩn, hy vọng sẽ tìm được lời giải cho những nghi hoặc trong lòng.
"Con người thường đau khổ vì chính dục vọng của bản thân, vậy xin thiền sư cho biết, thế nào là dục vọng?", người đàn ông hỏi.
Thiền sư nhìn anh ta, nói: "Anh hãy quay về đã, trưa mai lại tới đây, nhưng nhớ là hôm đó không được ăn uống bất cứ thứ gì" Dù không hiểu dụng ý của thiền sư, nhưng người đàn ông vẫn làm theo.
Ngày hôm sau, anh ta quay lại."Anh hiện giờ chắc đang đói ngấu, khát cháy cổ đúng không?",thiền sư hỏi. "Vâng, giờ nếu được thì con có thể ăn cả nửa con bò, uống bay vại nước".
Thiền sư bật cười, "vậy hãy theo ta".
Hai người đi một quãng đường xa, khá lâu sau mới đến một vườn cây trái sum suê. Thiền sư đưa cho người đàn ông một chiếc bao tải, nói: "Bây giờ anh hãy hái những quả táo tươi ngon nhất ở đây, chúng là của anh, nhưng nhớ là phải mang về tới thiền viện mới được phép ăn".
Thiền sư quay về trước. Mãi đến khi trời tối hẳn, mới thấy người đàn ông vác một bao tải to nặng đầy táo mang về. Bước đi nặng nhọc, mồ hôi ướt đầm toàn thân, anh ta mệt mỏi đặt bao táo xuống trước mặt thiền sư. "Giờ anh có thể ăn rồi", thiền sư nói.
Người đàn ông dường như không đợi được thêm, lập tức vồ lấy hai quả táo, cắn từng miếng to nhồm nhoàm nhai. Trong phút chốc, hai quả táo đã bị anh ta ăn sạch sẽ.
Ăn xong, người đàn ông đứng vuốt bụng nhìn thiền sư nghi hoặc. "Giờ anh còn đói, khát không", thiền sư hỏi. "Không, giờ có cho ăn tiếp con cũng không ăn được nữa".
"Vậy thì anh bỏ công vất vả, vác cả bao tải táo mà mình không thể nào ăn hết về đây để làm gì?"
Thiền sư chỉ vào chiếc bao tải đầy táo, hỏi. Người đàn ông ngay lập tức ngộ ra mình tham lam quá.
Con người là vậy, thực ra nhu cầu chỉ có "hai trái táo", nhưng rồi vẫn cố giành lấy những thứ vốn không cần thiết để rồi trút lấy khổ đau, đấy là dục vọng.

Ra đời hai tay trắng.
Lìa đời trắng hai tay.
Sao mãi nhặt cho đầy.
Túi đời như mây bay..........

CÁI THÙNG NỨT
Một người gánh nước ở Ấn Độ có hai cái thùng lớn, mỗi cái ông ta móc vào một đầu của đòn gánh và gánh trên vai. Một trong hai cái thùng có một vết rạn nứt, còn thùng kia là một cái thùng hoàn hảo và luôn luôn giữ được nguyên thùng nước khi về đến cuối con đường dài từ dòng suối đến nhà ông chủ. Cái thùng bị rạn nứt thì chỉ còn lại một nửa thùng nước khi về đến nhà.

Suốt hai năm tròn trôi qua, ngày nào người gánh nước cũng gánh về nhà ông chủ một thùng rưỡi nước.

Và lẽ đương nhiên là cái thùng hoàn hảo lấy làm tự hào về thành quả của nó, nó đã giữ cho nước trong thùng được nguyên vẹn khi về đến nhà. Còn cái thùng bị rạn nứt thì cảm thấy xấu hổ về sự không hoàn thiện của nó, và đau buồn vì nó chỉ có thể làm được một nửa nhiệm vụ mà nó đã được giao phó.

Sau hai năm thấu hiểu về sự thất bại chua xót của mình, một hôm, bên bờ suối, cái thùng bị rạn nứt đã nói với người gánh nước rằng:

- Tôi lấy làm xấu hổ về bản thân mình, và thật lòng muốn xin lỗi ông.

- Tại sao? Người gánh nước hỏi. Bạn xấu hổ về điều gì?

Cái thùng đáp lại:

- Suốt hai năm qua, mỗi lần ông gánh nước, tôi chỉ có thể mang về nhà vỏn vẹn có nửa thùng nước, bởi vì vết rạn nứt bên hông của tôi đã làm cho nước rò rỉ ra bên ngoài trên suốt con đường về nhà ông chủ. Bởi vì những vết nứt của tôi mà ông không gặt hái được thành quả tương xứng so với sự nỗ lực của ông.

Người gánh nước cảm thấy thương cho cái thùng cũ đã bị rạn nứt, và với tấm lòng thương yêu của mình, ông nói:- Khi chúng ta quay trở về nhà ông chủ, tôi muốn bạn để ý đến những bông hoa xinh xắn dọc đường.

Thật vậy, khi họ leo lên ngọn đồi, cái thùng cũ đã chú ý đến những bông hoa dại xinh xắn đang được mặt trời sưởi ấm bên lề đường. Và điều này ít nhiều đã làm cho nó vui lên. Nhưng đến cuối con đường, nó vẫn cảm thấy hổ thẹn vì nó đã bị rò rĩ ra ngoài hết một nửa thùng nước. Và nó lại xin lỗi người gánh nước về sự thất bại của nó một lần nữa.

Người gánh nước đã nói với cái thùng rằng:

- Bạn đã không để ý là những bông hoa chỉ có ở bên phần đường của bạn, còn bên phần đường của cái thùng kia thì không có hay sao? Đấy là vì tôi đã luôn biết rõ về sự rạn nứt của bạn, và tôi đã biết tận dụng sự lợi ích từ nó. Tôi đã trồng những hạt giống của hoa bên phần đường của bạn, và mỗi ngày trong khi chúng ta trở về nhà từ dòng suối, bạn đã tưới cho chúng. Suốt hai năm tôi đã hái những bông hoa xinh đẹp này để trang trí cho cái bàn trong nhà ông chủ. Nếu không có vết rạn nứt của bạn, ông chủ đã không thể nào có được sự xinh đẹp ấy để tô điểm cho căn nhà của ông.

Mỗi một chúng ta ai ai cũng đều có những khuyết điểm của riêng mình. Tất cả chúng ta đều là những cái thùng bị rạn nứt. Nhưng những vết rạn nứt, những khuyết điểm ấy một khi biết vận dụng thích hợp thì chúng làm cho cuộc sống của chúng ta thêm thú vị và có ý nghĩa hơn. Chúng ta hãy nhìn mọi người đúng thật như họ đang hiện hữu, và hãy nhìn vào những điểm tốt ở nơi họ chứ không nên chỉ chăm chăm nhìn vào khuyết điểm.

Cái Thùng rạn nứt không đựng nguyên vẹn nước đầy khi đến nhà. Mà nó đổ dài theo bên lề đường cho tới nhà. Một thời gian sau lề đường cỏ mọc lên và ra hoa vì nhờ cái thùng nứt đó. Hoa cỏ dại trổ cũng mang hương nhụy thơm cũa đồng quê mọc mạc, có nhiều người hăm hở túm tắc khen.... Cũng vậy, nếu người đời mà chịu mở lòng thương xót kẽ nghèo, đem tiền cho đi...bố thí, cúng dường, thì chắc một điều rằng hoa tâm sẽ nở ngát hương, và mùi hương mãi còn động lại phưởng phất đó đây! Tuy nhiên, bố thí, cúng dường, giúp đỡ người như vậy thì dĩ nhiên phải hao tốn một nữa tiền của, như cái thùng nứt kia còn biết buông xả nước xuống cho các cỏ cây nương nhờ và tỏa hương, cho người gánh nó được tiếng thơm !

BẠN hay THÙ...!
Ngày xưa, có một người nông dân và một người thợ săn là hàng xóm của nhau.
Người thợ săn nuôi một đàn chó săn rất dữ tợn và khó bảo, chúng thường nhảy qua hàng rào và rượt đuổi đàn cừu của người nông dân.
Người nông dân bảo người hàng xóm của mình hãy trông nom đàn chó cẩn thận nhưng xem ra những lời đó đều bị bỏ ngoài tai.
Một ngày nọ, đàn chó lại nhảy qua hàng rào, chúng đuổi cắn đàn cừu và làm nhiều con cừu bị thương nặng. Lúc này, người nông dân không thể chịu đựng thêm nữa. Anh ta bèn lên phủ để báo quan. Vị quan phủ chăm chú lắng nghe đầu đuôi câu chuyện rồi nói:
- Ta có thể phạt người thợ săn và bắt anh ta xích hoặc nhốt đàn chó lại. Nhưng anh sẽ mất đi một người bạn và có thêm một kẻ thù. Anh muốn điều gì hơn: một người bạn hay một kẻ thù làm hàng xóm của mình?'.
Người nông dân trả lời rằng anh muốn có một người bạn hơn. Vị quan phủ nghe vậy bèn phán:
- Được, vậy ta sẽ bày cho anh một cách để vừa bảo vệ an toàn cho đàn cừu, vừa giữ được một người bạn'.
Người nông dân bèn nghe theo lời chỉ dẫn của vị quan phủ.
Vừa về đến nhà, anh ta liền thử làm theo những gì vị quan phủ đã bày cho.Anh bắt 3 con cừu con tốt nhất của mình và đem tặng chúng cho 3 cậu con trai nhỏ của người hàng xóm.
Đám trẻ rất vui thích nên quấn quít chơi đùa bên mấy con cừu. Để bảo vệ cho đồ chơi mới của lũ trẻ, người thợ săn đã làm một cái cũi chắc chắn để nhốt đàn chó lại.Từ đó trở đi, đàn chó không bao giờ quấy cắn đàn cừu của người nông dân nữa.
Cảm kích trước sự hào phóng của người nông dân với những đứa con của mình, người thợ săn thường mang chiến lợi phẩm sang cho người hàng xóm. Người nông dân đáp lại bằng phô mai cừu mà anh ta làm ra. Chỉ trong một thời gian ngắn, hai người hàng xóm đã trở thành bạn tốt của nhau.
Có một câu ngạn ngữ Trung Hoa cổ thế này:
'Một người chỉ có thể cảm hóa và thu phục người khác bằng lòng tốt và thiện tâm'.
Người Mỹ cũng có một câu thành ngữ tương tự như thế:
'Người ta bắt được nhiều ruồi bằng mật hơn là bằng giấm' ('Mật ngọt chết ruồi').

XẢ
Nếu chúng ta có tài vật dư dả nên vui vẻ xả, giúp cho những người bần cùng đói rách. Của cải do mồ hôi nước mắt mình tạo, mình cảm thấy đủ hay dư thì vui xả cho những người nghèo thiếu hay những người ít ỏi hơn. Đó là hỷ xả tài vật bên ngoài.
Tuy vậy cũng hơi khó làm, vì có nhiều người, kẻ khác thấy họ dư mà bản thân họ lại thấy thiếu. Có một đồng muốn hai đồng, có hai đồng muốn mười đồng, có mười đồng muốn ba mươi đồng, muốn cho đến ngày tắt thở mà vẫn thấy chưa đủ. Như vậy làm sao xả được? Cho nên muốn hỷ xả chúng ta phải học Phật.

Phật dạy ít muốn, biết đủ. Chúng ta biết đủ thì mới xả được, không biết đủ thì không thể nào xả được. Người không biết đủ giống như cái túi không đáy, bỏ vào bao nhiêu tuột hết bấy nhiêu, bỏ bao nhiêu cũng không đầy, do cái bệnh không biết đủ, như vậy làm sao mà xả ?

Ví dụ mỗi ngày buổi trưa chúng ta ăn ba chén cơm là đủ no, dù có đồ ăn ngon, chúng ta cũng ăn ba chén, phần dư thì giúp cho người, hoặc cho vật. Dù đấy là phần dư của mình, nhưng cũng là một lối xả. Chớ nên ăn ba chén vừa no, thấy đồ ăn ngon, ăn thêm nữa, như vậy là phí phạm, vì lượng thức ăn chừng đó là đủ, ăn thêm là dư.

Đó là nói về cái ăn, còn bao nhiêu cái khác. Chẳng hạn như cái mặc, chúng ta có ba bộ đồ đủ để mặc, thêm bộ thứ tư là dư rồi nhưng có bộ thứ tư thấy chưa đủ, mua thêm bộ thứ năm cũng thấy chưa đủ nữa.

Như vậy chừng nào mới đủ để xả? Không biết đủ thì không bao giờ xả được. Muốn xả phải biết đủ, biết đủ mới xả được, của dư đem giúp người không một chút luyến tiếc. Đó là tâm hỷ xả, vui vẻ giúp người chớ không bị bắt buộc.

Hỷ xả tài vật tuy khó nhưng dễ hơn hỷ xả cố chấp phiền muộn ở tâm. Khi có người làm phiền mình thì gương mặt buồn hoặc nhăn nhó. Muốn hết phiền phải tập xả; xả này là tha thứ, là bỏ qua.

Phiền ở đây là phiền não và sân hận, hai thứ đó chất chứa trong lòng, mình phải buông xả nó đi. Người nào ôm lòng phiền hận thì đau khổ, đau khổ từ hiện tại cho đến mai kia, chớ không phải đau khổ trong hiện tại thôi.

Vì vậy, khi biết mình đang ôm lòng phiền hận người này kẻ khác thì phải vui vẻ bỏ, nghĩa là bao nhiêu cái phiền muộn đang chứa chấp trong lòng phải hỷ xả hết. Muốn xả của cải chúng ta phải biết đủ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro