***HỌC PHẬT GIỮA ĐỜI***

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

---VIỆC LÀM & ÂN QUẢ CỦA VIỆC LÀM---
Người học Phật tất nhiên lấy Thiện Tâm làm định hướng cho mọi ý nghĩ, lời nói, hành động rồi! Nhưng có một vấn đề là khi đứng trước một sự việc cụ thể nào đó thì chúng ta nên làm như thế nào cho hợp lẽ!? Vừa trau dồi thiện tánh, vừa độ ách thế gian thì không phải là điều đơn giản.
Hôm nay trước khi nói về điều này thầy có một câu hỏi xin được hỏi mọi người!

*CÂU CHUYỆN THỨ NHẤT: DỌN ĐƯỜNG
Sau một đêm mưa lớn con đường độc đạo lên núi đã bị đá sạt lở làm chắn ngang lối đi một đoạn rất dài. Trong làng có một anh thanh niên hiền từ nghĩ đến việc bá tánh cả vùng bị chặn mất con đường duy nhất để xuống chợ đổi gạo, lấy lương, cho nên từ sáng sớm khi mưa còn chưa tạnh anh ta đã thức dậy nấu cơm ăn, rồi ra đường ôm từng tảng đá lớn dọn sang một bên, nhưng trời còn mưa, đá còn tiếp tục lở nên rất nguy hiểm, mà dọn được 6 viên thì đá khác lại lăn xuống đến 4, 5 viên. Có ông Phú Hộ trong làng đi ngang qua thấy vậy nên cười nói (anh dọn như thế thì đến sang năm cũng không thể dọn xong con đường, mai mưa tạnh tôi sẽ cho người dùng máy xúc mà dọn).
Hôm sau mưa tạnh, ông Phú Hộ thuê một chiếc máy xúc đến dọn sạch đống đá, khơi lại con đường.
Mọi người có thể cho thầy biết vậy trong hai người đó, chàng thanh niên và ông Phú Hộ thì ai đáng được khen ngợi hơn ai?! Và ta nên bắt chước ai trong cuộc sống mỗi khi có chuyện tương tự trong đời!?

*CÂU CHUYỆN THỨ HAI: DÃ TRÀNG SE CÁT
Mọi người cho thầy biết vì sao Dã Tràng đã lấp biển mấy ngàn năm qua, bao nhiêu đời kiếp mà biển không những không hẹp mà còn rộng thêm ra? Không những không cạn mà còn sâu thêm xuống!? Công sức của Dã Tràng có đáng khen không?

*CÂU CHUYỆN THỨ BA: THÍCH CA VÀ BỘ TỘC

Chúng ta biết Thế Tôn có thần thông vô ngại, vì sao biết rõ là tộc Thích Ca sẽ bị diệt vong mà lại không mách báo với họ trước đó!? Khi mọi người trong tộc Thích Ca đang khinh miệt xuất thân của Thế Tử Lưu Ly?! Hành động đó là ươm mầm họa diệt quốc, sao Thế Tôn lại không ngăn cản!?
+++PHÚC ĐÁP CÂU CHUYỆN+++

Trước tiên thầy vô cùng cảm ơn mọi người đã đóng góp những góc nhìn sâu sắc, thâm thúy về ba câu chuyện kể trên. Giúp cho chư vị tín chúng hữu duyên thêm phần sáng tỏ về đạo lý của nhân quả, giáo pháp! Qua đó tuệ trí được khai mở, thấu rõ vạn việc bằng tuệ nhãn của nhân tâm. Như trước đây thầy đã từng nói qua: "Hãy nhắm mắt lại và lắng nghe sự rung cảm của tâm hồn bằng con tim thiện tánh, ta sẽ có được cái nhìn chân chánh, gợi lên trong ta những ý nghĩ chân chánh và rồi sẽ đưa đến lời nói chân chánh và hành động chân chánh!".

*CÂU CHUYỆN THỨ NHẤT: DỌN ĐƯỜNG
Như câu hỏi thầy đặt ra là: - Giữa chàng thanh niên và ông Phú Hộ thì việc làm của ai đáng khen ngợi hơn cả? Và trong cuộc sống đời thường thì ta nên học theo ai để phụng hành giáo pháp Thích Ca, gieo tạo căn lành cho chánh niệm thân tâm và độ giúp bá tánh chúng sanh!?

Đa phần mọi người đều thấy việc ông Phú Hộ làm là Thiện Phúc và Hiệu Quả cho nên ai ai cũng đều nghĩ rằng ông ấy là người đáng khen hơn (bởi hình như ông ấy có thiện tâm và trí tuệ hơn so với anh thanh niên), và như thế tất nhiên là việc ông Phú Hộ làm đáng để ta học hỏi hơn trong đời sống!

Riêng thầy thì có cách nhìn khác hơn!
Ai có điều kiện nào thì hãy học theo cách làm tương ứng phù hợp!
Nếu ta có tài vật thì chọn cách làm như vị Phú Hộ kia, nhưng nếu ta không có tài vật chẳng lẽ ta lại chờ đến khi nào giàu có thì mới làm như ông ấy!?
Thầy lại thấy anh thanh niên kia mới là người đáng khen hơn, và mới là người mà chúng ta nên học theo trong cuộc đời ô tạp ngày nay!
Vì sao như thế?
Mọi người xem, nếu anh thanh niên kia có tiền của thì chắc có lẽ anh ta không chọn cách tự mình lao ra mà khuân đá rồi! Dù biết là việc mình làm có rất nhiều chướng ngại (như trời còn chưa tạnh cơn mưa, đá còn sạt lở trở lại), nhưng anh vẫn bước ra và hành động!
Việc làm này xét trong phạm vi thiển cận sẽ thấy thật ngốc nghếch, thiếu suy nghĩ, nhưng kỳ thực nó lại là việc làm vô cùng tốt đẹp, tàng chứa rất nhiều sự vi diệu của Chánh Pháp!
Mọi người xem, con đường đá lở hẳn không chỉ có một mình anh ấy biết, hẳn cũng không chỉ một mình anh ấy muốn khơi thông, nhưng lại chỉ có một mình anh ấy bước ra và hành động!
Vì từ ý niệm thiện tâm đến hành động, trong tâm khảm chúng sanh vô minh luôn có một chướng ngại vô hình! Thắng được chướng ngại đó mới thật sự trở thành người con của Phật!
Vì hành động này của anh thanh niên đã khơi gợi thiện tâm từ lòng ông Phú Hộ, và đã đưa đến kết quả con đường được khai thông trở lại vào ngày hôm sau.
Nhưng cho dù nhân duyên không thôi thúc để ông Phú Hộ gặp việc anh chàng ấy một mình dầm mưa khuân đá đi chăng nữa thì với ý chí sắt đá và tấm lòng chân thiện của anh, cho dù như lời ông Phú Hộ nói một năm nữa mới dọn xong, thì một năm sau con đường vẫn được khai mở, nhưng ... nếu một mình anh ấy phải làm mất một năm, thì có lẽ trong số bá tánh trong vùng (những người cũng rất cần kíp con đường được khai mở) hẳn sẽ có người cùng trợ sức với anh!
Và... nếu hai người làm thì thời hạn hoàn thành lại rút xuống còn có nửa năm, nếu có 3 người cùng làm thì thời hạn lại rút xuống còn 4 tháng... nhưng nếu có 10 người hay 20 người thì thời hạn sẽ là bao lâu thưa quý vị?
Thời hạn sẽ chỉ là một vài hôm, con đường sẽ lại được khơi thông!
Như vậy thì việc thiện lớn nhất trong đời ta nên làm đó chính là (gieo ra hạt mầm thiện phúc cho đời, cho mọi người, cho chúng sanh). Từ hạt mầm đó sẽ sớm được đâm chồi, nảy nở, nó sẽ lan tỏa như hoa thơm truyền đi trong gió mát, như hạt mầm gây tạo được rừng xanh thật vô cùng vi diệu, công đức ấy là không thể nghĩ bàn! Là tối thắng của chánh nghiệp!
Nếu anh thanh niên cũng đắn đo, do dự như bao nhiêu người khác thì liệu đến khi nào con đường ấy mới lại được khai thông!?

*CÂU CHUYỆN THỨ HAI: DÃ TRÀNG SE CÁT

Cũng tương tự như câu chuyện thứ nhất! Thầy có hỏi mọi người là việc của Dã Tràng làm có đáng được khen ngợi hay chăng?! Và vì sao cát cứ se, cứ lấp đời này kiếp nọ mà biển chỉ ngày thêm sâu rộng, không có dấu hiệu của cạn hẹp và san bằng!?
Ở đây trong bài này, điều thầy muốn hỏi, muốn nhắc chỉ là những luận nghĩ trong phạm vi chánh pháp, không bàn luận chuyện thật hư của câu chuyện, điều cần nghĩ là ta rút được bài học gì từ câu chuyện đã kể qua!
Sở dĩ Dã Tràng cứ lấp, cứ se mà biển không thể đầy là bởi vì BIỂN KHÔNG CHỊU ĐỨNG YÊN!
Mỗi một viên cát được lăn xuống thì dòng nước lại cuốn trôi đi mất!
Nhưng có mất không?!
Không mất! Cát vẫn ở đáy biển, nước chỉ đưa cát đi từ nơi này đến nơi khác.
Việc này ta liên tưởng đến người thiện tánh trong thế gian, đôi khi ta nghĩ mình (lầm) khi cho tiền người ăn xin (hình như giả dạng), đôi khi ta lại nghĩ mình (lầm) vì ủng hộ tiền cho người ta trị bệnh mà họ mang tiền đi tiêu pha hết!
Đôi khi ta lại thấy mình (ngốc nghếch) khi cúng dường cho một đám giả sư.
Nhưng không!
Không phải là vô ích, không hề là vô nghĩa!
Dã Tràng dù se cát không lấp được biển sâu nhưng đã tạo thêm nhiều bãi bồi, đụn cát! Và bao nhiêu người nhờ cát đó mà lấp hố, san nền, lấp chũng, lập làng sanh sôi sự sống!
Cát đó không lấp được biển khơi tìm lại viên ngọc nhưng đã góp phần cùng loài Trai tạo nên trăm ngàn viên ngọc lấp lánh, cao quý khác để dâng hiến cho đời!
Sự kiên định bất biến với chánh niệm là điều trân quý nhất của người học phật!
Chứ không phải sáng đọc kinh chiều trộm cướp, hôm nay đi chùa ngày mai đi thu bạc góp!
Chánh niệm, cần sự tiếp nối và không đứt đoạn, chánh niệm chỉ thật sự tồn tại khi tâm không còn thoái chuyển thiện tánh mà ngày một tăng trưởng mà thôi!
Thiện nghiệp của ta gieo ra cuộc đời không có chút nào là hoang phí! Có thể không giúp được người như ta mong muốn nhưng nó lại giúp được người ta gián tiếp trợ duyên!
Thầy thí dụ khi ta nghĩ mình lầm vì cho tiền một người khỏe mạnh giả tật nguyền để ăn xin, nhưng ta có biết đâu khi về đến nhà mẹ già anh ta đang nằm thoi thóp chờ con với tấm thân đau bệnh, tật nguyền?!
Vậy thì ở đời ta chớ nên do dự phân vân khi hành thiện, luôn là điều đáng trân quý!

*CÂU CHUYỆN THỨ BA: THÍCH CA VÀ BỘ TỘC
Thầy hỏi vì sao Thích Ca không ngăn chặn sự diệt vong này!? Trong khi Thế Tôn thừa hiểu khi nào nó xảy đến!?
Kỳ thực mọi người thấy là Thích Ca không cứu! Nhưng sự thật là hoàn toàn ngược lại, Thích Ca không chỉ cứu Bộ Tộc của mình mà còn cứu tất thẩy chúng sanh vô minh, cho đến hôm nay cũng như cứu tất cả chúng ta khỏi lầm vào mê nghiệp từ sự việc diệt vong tộc quốc này!

Vì sao như thế!?
Vì như mọi người đều đã rõ, nghiệp của tộc Thích Ca đã thuần thục ở đời này, và trong đời này tất sẽ bị diệt vong, không phải hôm nay thì là ngày mai, không phải bởi vua Lưu Ly thì sẽ bởi một vị vua khác!
Có tránh cũng không khỏi nữa!
Cho nên Thế Tôn muốn cứu họ trong muôn vạn kiếp vị lai không còn phạm vào ác nghiệp để chịu cảnh bị thảm sát như thế này nữa! Đó chính là thuận theo nhân quả để cho sự kiêu mạn, khinh miệt người khác phải trả giá bằng chính mạng sống của mỗi người!
Từ đó mỗi con người đó được lưu giữ trong tàng thức a lại da, khi chuyển kiếp luân hồi sẽ vĩnh viễn nhớ lấy mà không phạm vào ác nghiệp đó nữa!
Đó cũng chính là bài học thực tế rõ ràng, chân thực nhất cho tất thẩy chúng sanh xem đó làm gương! Rằng đừng nghĩ khi gieo ác nghiệp thì chỉ cần xám hối, xin tội là có thể tiêu trừ tất cả. Mà nó chỉ có thể giảm xuống một phần và rồi khi duyên nghiệp thuần thục thì dẫu có cầu xin trời phật nào đó cũng chỉ là vô ích! Ngay cả Đức Phật cũng không thể thay đổi được nhân quả với chính dòng tộc thân quyến của mình, thì hà huống là chúng sanh, bá tánh!
Chỉ có tự mình cứu lấy mình bằng những việc mình làm trong mỗi thời khắc của cuộc đời đó thôi!
Còn việc có người nói Đức Phật có ngăn trở vua Lưu Ly tiến quân, việc đó là vì Thế Tôn muốn ngăn cản đức vua Lưu Ly gieo tạo sát nghiệp chứ không phải làm điều vô ích, hay là làm điều bất lực!

Như vậy qua ba câu chuyện ấy, ngụ ý thầy muốn gửi gắm đến mọi người rằng:
*Trong tất cả các công đức, thì công đức gieo mầm thiện tánh cho chúng sanh là tối thắng nhất, đừng đem kiến thức trong đời mà nhìn Tuệ Trí của chánh pháp Thích Ca.
* Thiện nghiệp gieo ra không bao giờ là hoang phí, hoặc là vô ích, nó luôn luôn hữu dụng, cần kíp cho cuộc đời đầy ô trược này!
* Và điều qua trọng nhất của chánh pháp không phải chỉ là giúp người ta cải hối, hồi ngạn, hay độ giúp chúng sanh, mà điều quan trọng hơn hết đó chính là sự cảnh tỉnh, chỉ rõ thiện ác đúng sai, giúp cho chúng sanh thông tuệ nhân quả ngăn ngừa ác niệm phát khởi, sanh sôi!
Có như thế thì họ mới vĩnh viễn không tái phạm trở lại những ác nghiệp đã vô tình phạm phải trong vô minh! Đó chính là sự tỉnh thức!!!
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA NÂU NI PHẬT!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro