MUỐN SỐNG CÓ PHẨM CHẤT HAY MUỐN SỐNG LÂU?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Người bệnh ung thư không những phải cô khổ, sợ hãi đối diện trước cái chết, mà khi vết mổ chưa lành, còn phải ngần ngừ lo lắng trước quyết định có nên trị liệu bằng hóa chất hay không. Nhớ lại, lúc đó tôi đang ngồi trong gian phòng có ánh đèn sáng trước cửa cầu thang điện, vừa ngước lên nhìn thì thấy bác sĩ chủ trị bước vào. Ông bảo: "Đợi một chút nữa sẽ chích thuốc, trị liệu bằng hóa chất".

Tôi lặng cả người, liền nhớ đến đoạn đối đáp giữa bác sĩ Lý Phong và tôi.

Buổi trưa hôm trước ngày mổ, tôi lên phòng thờ của bệnh viện Đài Bắc lễ Phật. Tôi đã gặp bác sĩ Lý Phong. Lúc đó, có người bạn đồng học của tôi là chủ nhiệm phòng hồ sơ bệnh lý họ Phạm đi cùng. Người bạn này giới thiệu tôi làm quen với bác sĩ Lý Phong. Sau khi phẫu thuật xong, tôi đến phòng nghiên cứu của bác sĩ.

Bác sĩ hỏi tôi: "Có học Phật pháp không?"

"Có." Tôi trả lời.

Lại hỏi: "Có phải tu pháp môn Tịnh Độ không?"

"Phải."(Có lẽ bác sĩ thấy xâu chuỗi tôi đang đeo trên tay.)

Lại hỏi: "Có sợ chết không?"

"Không." Tôi đáp.

Lại hỏi tiếp: "Muốn sống có phẩm chất, hay muốn sống lâu?"

"Muốn sống có phẩm chất."

Bác sĩ bảo: "Vậy nếu tôi như chị, tôi không trị liệu bằng hóa chất hay bằng điện."

Tôi giật mình: "Hả?!"

Cho nên, khi bác sĩ chủ trị muốn trị liệu bằng hóa chất, tôi thoái thác bảo đợi có báo cáo bệnh lý rồi hãy tính. Bác sĩ chủ trị bảo: "Khối u của chị lớn như vậy (7cm × 3cm), không cần phải xem báo cáo cũng phải trị liệu bằng hóa chất." Tôi cũng vẫn thoái thác. Bác sĩ đành phải bỏ qua. Sau đó, có kết quả báo cáo bệnh lý, thực là lạ, tuy khối u lấy ra rất lớn, nhưng bên ngoài không phải là tế bào ung thư, mà là màng tế bào liên kết với nhau rất cứng bao chặt lấy phần tế bào ung thư.

Tuyến hạch trên ngực cũng không có dời đổi. Cho nên, bác sĩ chủ trị cũng đồng ý cho tôi an tâm rất nhiều, tự tin vào hệ thống miễn dịch của mình, đồng thời cũng tin vào phương pháp trị liệu tự nhiên.

Trước khi giải phẫu, tôi đã ăn chay trường ít nhất được ba bốn năm. Nghe nói ăn chay có thể tăng cường khả năng miễn dịch. Có lẽ sự may mắn của tôi đến từ việc ăn chay!

TOA THUỐC THÚ VỊ

Sau đó, tôi quyết định trị liệu theo phương pháp tự nhiên, không dùng phương pháp trị liệu bằng điện hay bằng thuốc (dùng hormone để cưỡng chế dứt kinh) như lời bác sĩ đề nghị. Thay vào đó, bác sĩ Lý Phong cho tôi toa thuốc như sau:

- Rời khỏi thành phố Đài Bắc một năm. (Tôi sau đó tập tu ở chùa nơi Phố Lý chín tháng.)

- Mỗi ngày đi bộ bốn tiếng. (Tôi sau đó chỉ đi được mỗi ngày không tới hai tiếng.)

- Mỗi ngày tọa thiền ba tiếng. (Việc này tôi làm khá tốt.)

- Mỗi ngày phải cười. (Tập mãi mà vẫn chưa thực sự thành công.)

- Phàm việc gì cũng phải nghĩ đến khía cạnh tốt của nó. (Cũng không thành công lắm.)

- Phải theo phương pháp trị liệu tự nhiên.(Cố gắng làm hết sức mình.)

Từ khi giải phẫu đến nay đã năm năm bảy tháng rồi. Tuy tôi có gầy hơn khi trước (cao 1m60, nặng 53 ký so với 56 ký lúc trước), nhưng thể lực trái lại khỏe hơn trước nhiều.

Hiện nay tôi leo núi bốn tiếng mà vẫn không cảm thấy nhọc mệt lắm, lại rất ít khi mất ngủ, ăn uống bình, tóc ít bạc, và không cần phải mang kính lão. Tôi còn hay cười hơn trước, đương nhiên là cười không được đủ lắm. Cách nghĩ tương đối lạc quan. Nói chung, sau khi giải phẫu, Phật pháp, liệu pháp tự nhiên (gồm ăn uống và vận động) cũng như thuốc bắc giúp tôi vượt qua ung thư. Con đường trải qua này rất thông thuận, dường như không có chút gì đau khổ.

Sau đây, tôi xin tổng kết một số điểm quan trọng trong việc phục hồi sức khỏe qua kinh nghiệm bản thân để mọi người cùng tham khảo.

SÁM HỐI

Sau khi mắc bệnh, chúng ta nhất định phải xét lại mình, ăn năn sửa đổi lỗi lầm, làm lại cuộc sống và con người mới. Tuyệt đối không được nghĩ: "Mình siêng năng, thành tâm học Phát, vì sao vẫn phải mắc quả báo như vậy?". Người suy nghĩ như vậy, thực ra không hiểu rõ đạo lý nhân quả trong ba đời. Cái "nghi" này, chính là phỉ báng chánh pháp.

Phương pháp sám hối có rất nhiều, tôi chủ yếu dựa vào quyển Bảo Vương Tam Muội Sám của cư sĩ Hạ Liên Cư để bái sám. Tôi luôn thấy sự phản tỉnh của mình chưa đủ, tâm Bồ đề chưa vững, tùy thuận chúng sinh còn kém, ba nghiệp thân miệng ý luôn ràng buộc với ngã chấp, cần phải nỗ lực thêm, phản tỉnh, sám hối triệt để. Phải một phen chết đi tâm phàm tục, mới tái sinh được một đời sống mới.

NHÌN LẠI TÂM MÌNH, HỔ THẸN CẦU NGUYỆN

Theo thống kê, người mắc bệnh ung thư bên ngực phải, phần nhiều là có mối bất hòa với chồng. Ung thư của tôi chính bên ngực phải.

Xét lại tôi thấy, mình mắc bệnh ung thư có liên quan rất lớn đến cá tính ương bướng không chịu nhận lỗi, tự cho mình là đúng, rất cố chấp mà cũng rất hay hờn giận của mình. Nhất là đối với chồng, tôi cứ một mực theo quan điểm mình nghĩ, luôn bất mãn và bài xích anh ấy, chưa bao giờ nghĩ đến hoàn cảnh và tâm trạng anh ấy ra sao.

Ai quen biết với vợ chồng tôi đều cảm thấy đây là một đôi vợ chồng rất lạ, vì chúng tôi dường như không có một chút gì giống nhau. Anh ấy cao to anh tuấn, rất có khí chất trí thức, ca hát hay nhảy đầm đều số một; người lại thông minh giỏi giắn, cá tính cứng rắn, chính trực vô tư, hết sức coi trọng lý tính.

Còn tôi từ trước đến giờ không trang điểm, ăn mặc rất tùy tiện, tướng mạo và tính tình hơi giống nhân vật Anne dưới ngòi bút của Lucy Mongomery, một cô bé nhà quê, thích một mình đọc sách, nghe âm nhạc cổ điển, làm việc rất tùy hứng, lại không chút lý tính.

Nhớ lại, lúc còn học ở lớp 1, cô giáo chọn tôi vào ban múa của trường. Tôi nghe vậy sợ đến phát khóc, về nhà đòi bà ngoại đến gặp cô giáo nói: "Đứa nhỏ nhà tôi không có múa."

Cá tính và hứng thú của hai vợ chồng tôi đều khác nhau. Được cái đều là thành phần trí thức, ở chung một nhà vẫn có thể kính nhau như khách. Chẳng qua, anh ấy thường bảo: "Nhà mình có hai người đàn ông và một bà giúp việc, mà không có người vợ." Nỗi lòng anh ấy khi nói câu đó rất là đau khổ, chỉ có điều tôi không biết suy gẫm để nghiệm ra.

Tuy lúc tôi mười tuổi, cả nhà cùng quy y Tam Bảo, nhưng mãi đến năm bốn mươi, tôi mới được nghe hòa thượng Tịnh Không giảng Pháp Di Đà Yếu Giải và Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện. Tôi cảm thấy chấn động và hoan hỉ chưa từng có. Từ đó, tôi nhận ra trước đây mình sống rất nhỏ nhoi, thì ra nhân sinh còn có một vùng trời đất bao la!

Nhưng nhân duyên anh ấy còn chưa thành thục, chưa có cơ hội thâm nhập diệu lý Phật pháp. Cho nên, anh rất không sao chịu được việc người có bằng cấp cao về khoa học như tôi lại "mê tín" như vậy. Sau nhiều lần xung đột, tôi không còn ý định thuyết phục anh cảm thông nữa, mà dấu anh việc học Phật của mình.

Đây là tình hình trước khi tôi giải phẫu. Lúc đó tôi chỉ cảm thấy việc anh phản đối tôi học Phật pháp là một chướng ngại, mà chưa từng thông cảm hoàn cảnh của anh. Một người có vợ khác xa tư tưởng mình, thì cũng phải sống qua những ngày tháng không dễ chịu chút nào. Tôi không biết đem tinh thần của Phật A Di Đà ra bao dung, để anh cũng có duyên cảm nhận được tâm từ bi nhu hòa của Phật Pháp. Tôi cũng không dùng lòng nhẫn nại của Phật A Di Đà giúp anh có cơ hội thể nhận trí tuệ sâu rộng của Phật pháp.

Sau khi giải phẫu, vì tôi tin Phật pháp nên tâm lý rất an ổn, lại thêm cá tính hướng nội, không thích tỏ ra ngoài tình cảm bên trong của mình, nên chưa từng rơi một giọt nước mắt. Trái lại, chồng tôi mỗi ngày ngồi bên giường bệnh, hơi một chút là lau nước mắt, hai mắt đỏ như mắt thỏ, rất muốn giúp tôi làm mọi việc, như dìu tôi xuống giường, giúp cho tôi ăn. Nhưng tôi hồi phục rất nhanh, việc gì cũng tự mình làm, cũng không có nhõng nhẽo, giả bộ muốn người khác chăm sóc.
Trong vòng hai mươi bốn giờ đồng hồ sau khi giải phẫu là lúc tôi cần được chăm sóc nhất. Thời gian này, người chị kết nghĩa là y tá chuyên nghiệp chăm sóc cho tôi.

Những bạn đồng tu mỗi sáng sớm đều đến bệnh viện cùng niệm Phật với tôi, lại còn mang đến một ít súp. Họ ở đó đến tối khuya mới về. Tôi rất tri ân sự chăm sóc của họ và rất thích chia sẻ thời giờ với bạn đồng tu.

Hiện nay nhớ lại, thay vì nói lời tri ân với chồng tôi, chi bằng tự mình sám hối. Bởi vì, khi tôi một chút cũng không cảm thông hoàn cảnh và tâm trạng của anh, bỏ mặc anh một mình, nhìn anh suốt ngày mắt đỏ hoe, trong lòng tôi lại còn càm ràm: "Đàn ông gì mà hay khóc như vậy?". Nhất là gần đây đọc được sách của Pháp sư Đạo Chứng, thấy bài văn phát nguyện của Pháp sư trên núi Linh Thứu: "Xin giúp cho con cảm nhận được sự đau khổ của chúng sinh, như chính mình đau khổ."

Dòng nước mắt ăn năn sám hối của tôi chợt chảy tràn. Tôi sống với chồng nhiều năm như vậy, mà chỉ biết oán trách anh ấy là bá đạo, chỉ biết làm theo ý mình, mà chưa từng nghĩ đến nỗi khổ của anh, đừng nói chi là cảm nhận nỗi khổ của anh như nỗi khổ của mình. Sau này, vào thời gian cuối còn nằm ở bệnh viện Đài Bắc, tôi thấy anh mắt cứ đỏ hoe, mới khuyên anh đi gặp bác sĩ Lý Phong.

Sau khi gặp bác sĩ trở về, anh đã thay đổi như biến thành một con người khác. Thì ra bác sĩ Lý Phong cho anh biết ung thư không phải là tuyệt chứng, còn có con đường khác có thể đi. Do đó anh ép tôi phải đi gặp bác sĩ. Theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, tôi đã đi qua một lộ trình trị liệu hết sức đặc biệt, như phần trước tôi đã giới thiệu qua.

Lúc tôi xuất viện, bác sĩ Lý Phong đưa cho tôi mười mấy quyển sách có liên quan đến việc sử dụng phương pháp trị liệu tự nhiên để khắc phục ung thư. Về đến nhà, tôi chỉ lo niệm Phật, lười đọc sách. Nhưng anh ấy vì tôi nên đã đọc kỹ qua từng cuốn, sau đó bảo tôi phải chú ý đến việc ăn uống như thế nào, cho đến một số đạo lý cơ bản của phương pháp trị liệu tự nhiên. Anh cũng bắt đầu cùng ăn chay với tôi.

Anh là người rất có lý tính, chỉ cần đối với sức khỏe có ích, anh không bao giờ chê những món rau sống và rau luộc không có muối có dầu. Điểm này thực vô cùng đáng quý, tôi cảm ơn anh vô cùng.

Ngoài ra, là người nặng về lý trí, anh ủng hộ phương pháp trị liệu tự nhiên. Cho nên đối với việc tôi có chịu trị liệu bằng hóa chất hay bằng điện, cho đến sau này có chịu làm kiểm tra theo dõi hay không, anh đều tôn trọng ý tôi, hoàn toàn không gây cho tôi chút áp lực nào.

Anh cũng đồng ý cho tôi nghỉ phép chín tháng đi đến Phố Lý sống tĩnh tu trong tu viện nơi đây một thời gian. Nhớ lại lúc đó mới giải phẫu xong, chỉ hơi hồi phục còn chưa cắt chỉ vết mổ, tôi đã lập tức đòi đi Phố Lý; lại còn khăng khăng đòi lái xe đi ngay vào buổi chiều ngày tái khám! Anh cũng chìu, lái xe đưa đi lên núi Phố Lý.

Ngày hôm sau anh lại lái xe đi vào thị trấn Phố Lý để tìm cỏ tiểu mạch. Không ngờ anh không những tìm được cỏ tiểu mạch, mà còn tìm được người biết trồng để thỉnh giáo cách trồng giống cỏ này. Những sự chăm sóc từ bi này lẽ ra tôi phải hết lòng cảm kích. Nhưng lúc đó, tôi không có lòng lễ kính, hằng thuận và tri ân sâu xa.

Pháp sư dạy chúng ta phải học biết ơn, nhớ ơn, và đền ơn để phát tâm Bồ đề. Việc tu tập lòng từ bi phải bắt đầu từ những người gần gũi xung quanh. Tôi thực sự cảm ơn chồng mình. Anh ấy như một tấm gương, tùy lúc, tùy nơi phản chiếu rõ ràng một người đệ tử Phật kém cỏi như tôi. Lâu nay tôi học Phật, thực ra chỉ gia công ở trên "ngã chấp", tham, sân, si ngã mạn đều không giảm, nhất là thiếu đi
một tấm lòng từ bi chân chính, hoàn toàn trái với tâm từ bi của đức Bổn sư. Nhưng đức Bổn sư vẫn từ bi bình đẳng nhiếp thọ, tôi chỉ biết hổ thẹn phát nguyện:

xin ngài giúp cho con sinh được tâm chí thành sám hối đối với tất cả chúng sanh mà con từng làm tổn hại. Xin cho con có lòng từ bi chân chính, đối xử tốt với tất cả chúng sanh mà con từng làm tổn hại. Xin cho con sinh khởi tâm vô tư, bình đẳng, không để cho tâm niệm riêng của mình dù vô tình hay cố ý làm hại đến một chúng sinh. A Di Đà Phật."
PS: phật học không chỉ là 1 tôn giáo mà là 1 môn học làm người vô cùng tuyệt diệu..!
- cùng với Quan Bao

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro