Nhẫn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

NHẪN:
Lùi một bước trời cao vời vợi.
- Những người hạnh phúc là những người không bao giờ thù ghét người khác. Bởi họ quá bận rộn đối với hạnh phúc của riêng mình.
- Những người tự tin là những người không bao giờ ganh tỵ với người khác. Bởi họ luôn biết giá trị riêng của chính mình.
- Những người mạnh mẽ không bao giờ thù dai người khác. Bởi họ đủ mạnh để bỏ qua hết thảy mọi điều.
- Sức Mạnh của Nhẫn có thế khiến người Hung bạo trở nên Nhân từ
Trương Cẩn được sinh ra trong thời nhà Minh (1368-1644). Ông kết hôn với một cô gái họ Lưu đến từ một gia đình giàu có. Mẹ của Trương Cẩn là một người vô cùng hống hách và hay ghen tị. Ba người con dâu trước cô đã bỏ đi vì họ không thể chịu đựng được cách đối xử tồi tệ và tính cách của bà. Lưu là con dâu thứ tư. Sau khi cô chuyển đến sống với gia đình của Trương, mẹ chồng rất thích cô ấy. Nhiều người đã rất ngạc nhiên.
Họ hỏi cô Lưu về lý do tại sao mẹ chồng của cô lại yêu mến cô. Cô trả lời, "Chỉ đơn giản là do tôi vâng lời. Tôi tuân thủ tất cả các mệnh lệnh của bà và không bị kích động trước các hành động khiêu khích của bà. Ngay cả đối với những vấn đề không phù hợp với nghi thức xã giao hoặc những công việc được coi là không thích hợp với phụ nữ, tôi cũng không trốn tránh chúng. Sau đó, tôi tìm cơ hội để bình tĩnh giải thích cho dù đó là đúng hay sai. Đa số trường hợp mẹ chồng lắng nghe tôi nói."
Cô Lưu đã kiên nhẫn chờ đợi sự thay đổi của mẹ chồng và tiếp tục kiên trì như vậy trong ba năm. Và khi cô làm như vậy, mẹ chồng cô trở nên nhân từ. Từ đó về sau, người mẹ không bao giờ đối xử tệ với cô như thế nữa.
Trong các mâu thuẫn giữa người với nhau, có quan niệm rằng nếu người nào đối xử tệ với tôi, thì tôi sẽ đối xử tệ lại hay ngay cả là tệ hơn. Kết quả là, với việc dùng hận thù để trả đũa, chúng ta chỉ có thể làm sâu đậm và tăng thêm oán giận, cách làm này thậm chí không thể giải quyết được những vấn đề nhỏ nhất. Tuy nhiên, khi chúng ta đối mặt với xung đột mâu thuẫn, cho dù đối phương đúng hay sai đi nữa, chúng ta đều có thể chịu đựng và vượt qua. Sau đó, chúng ta có thể giải thich một cách bình tĩnh và cởi mở. Đối mặt với một tâm trí và lời nói đầy thiện chí, tôi tin rằng ngay cả người hống hách nhất sẽ không hẳn là trở nên tức giận hơn và thậm chí là các xung đột lớn cũng sẽ được giải quyết.
Chúng ta đừng bao giờ quên sức mạnh tối thượng của lòng nhân từ và Nhẫn.
Bản thảo luận vắn tắt về một kí tự Trung Quốc: " Nhẫn " ( Kiên nhẫn / Chịu đựng, Khoan dung).
Ký tự Chữ "忍" trong tiếng Trung Quốc là một ký hiệu ngữ âm (một kí tự được hình thành bằng cách kết hợp từ các yếu tố để diễn đạt ý nghĩa và âm thanh khác).
Ký tự Chữ "Nhẫn"( "忍", Khoan dung) được kết hợp từ ký tự của chữ "Tâm" (心,Trái tim) đại biểu cho ý nghĩa, và ký tự chữ "Dao" (刃, Lưỡi dao) là hình tượng con dao - ý nghĩa rèn luyện mài dũa, chữ "Nhẫn" mang nghĩa là chịu đựng, kiên nhẫn, và khoan dung. Nó cũng hàm chứa ý nghĩa của sự tự kiềm chế và tự kiểm soát. Ký tự chữ "Nhẫn" (忍, Kiên nhẫn) được hình thành bằng cách đặt "lưỡi dao" phía trên "trái tim", ngụ ý "Nhẫn " không dễ dàng đạt được đối với những người bình thường, cũng như đòi hỏi 1 mức độ cao hơn của sự tu luyện, kỷ luật , và sự sẵn lòng.
- Tại sao chúng ta nên nhẫn?
- Những lợi ích mà nhẫn đem tới là gì?
Chúng ta có thể thấy nhiều lời khuyên liên quan tới nhẫn: "Nếu người giàu có thể nhẫn, họ sẽ bảo trì được sự giàu có của dòng họ; nếu người nghèo có thể nhẫn, họ sẽ được giải thoát khỏi sự nhục nhã. Nếu người cha và con trai có thể nhẫn, họ sẽ đối xử với nhau bằng lòng hiếu thảo và sự ân cần của cha mẹ. Nếu anh em có thể nhẫn, họ sẽ đối xử với nhau bằng sự công tâm và chân thành. Nếu vợ chồng có thể nhẫn, mối quan hệ của họ sẽ được hài hòa. Trong cuộc xung đột, một người biết nhẫn có thể nhẫn được tất cả lời si nhục và chế nhạo từ người khác. Một khi vượt qua được điều đó, những người đã cười và chế nhạo họ sẽ phải nhận lấy sự xấu hổ và nhục nhã". Suốt hàng nghìn năm của nền văn hóa Thần truyền đầy huy hoàng, các Thánh Nhân đã bỏ nhiều công sức để dạy cho con người về lòng nhân từ và khoan dung, sự nhẫn nhục, sự chịu đựng gian khổ và kiên nhẫn với trách nhiệm to lớn, nhờ vậy đã tạo giá trị to lớn và đẹp đẽ về "văn hóa của nhẫn".
Có rất nhiều câu truyện đầy truyền cảm về nhẫn đã được ghi lưu lại trong các thời đại lịch sử. Tuy vậy, ý nghĩa bên trong nó hoàn toàn vượt xa khỏi điều đó. Trong những kinh sách có đề cập đến đặc tính của vũ trụ là "Chân, Thiện, Nhẫn" (Tính trung thực, lòng từ bi và sự kiên nhẫn 'khoan dung, tha thứ'), đặc tính đó là Chân - Thiện - Nhẫn và đó là Pháp cực kỳ tối cao của vũ trụ. và "Nhẫn" mang nhiều ý nghĩa sâu sắc hơn nhiều và người đọc mà hiểu và thực hành được thì họ có thể đạt được sự giác ngộ của mình tại các tầng thứ khác nhau trong sự tu luyện của họ.
- Hơn 10 năm trước, tại một huyện ở miền Bắc Trung Quốc, có một sự cố xảy ra. Trên phố, một nhóm côn đồ địa phương thay phiên nhau đánh đấm một người đàn ông trung niên cao to và khỏe mạnh. Sau khi im lặng chịu đựng trận đòn man rợ, mũi và miệng người đàn ông trung niên đã rớm máu. Tuy nhiên, điều lạ là ông không đánh lại, cũng không tránh những cú đấm và cú đá. Người xem đều cho rằng người đàn ông này thật khờ dại. Một cụ già không thể đứng xem cảnh này lâu hơn được nữa. Sau khi đám du côn rời đi, cụ già tới lau vết máu trên mặt người đàn ông trung niên. Cụ ngạc nhiên khi nhìn kỹ và nhận ra rằng đây là một huấn luyện viên trường võ thuật chuyên nghiệp ở một huyện gần đó. Thêm nữa, người đàn ông này đã đoạt giải quán quân trong một cuộc thi võ thuật danh tiếng!
Quá kinh ngạc, cụ già hỏi ông: "Với công phu của mình, ông thừa sức khuất phục mấy tên lưu manh đó. Tại sao ông không đánh lại khi bị đánh như vậy?" Người đàn ông trung niên điềm tĩnh đáp: "Những người luyện võ giảng về 'võ đức'. Bị họ đánh vài lần không thể gây ra vết thương lớn nào đối với tôi. Còn nếu động thủ tôi có thể làm chết người ấy chứ. Ngoài ra, đánh nhau với đám du côn không biết võ đó có thể làm bẩn tay tôi". Sau khi nghe điều này, một số người xem tỏ vẻ kính phục, trong khi những người khác chỉ thầm cười khẩy khi người đàn ông bước đi.
Câu chuyện này khiến tôi liên tưởng đến điển cố "Hàn Tín chịu nhục chui háng".
Nếu khi ấy Hàn Tín lấy đầu kẻ vô lại bằng thanh bảo kiếm của mình, ông sẽ không phải chịu nỗi nhục chui dưới háng của hắn. Nhưng ông đã nhẫn chịu nỗi nhục này để tránh lấy đi một mạng người. Ngoài ra, ông làm vậy là bởi vì ông không còn đường lui. Bò dưới hai chân kẻ vô lại không phải hèn nhát, cũng không phải ngu ngốc. Đó là biểu hiện cao thượng của tâm đại nhẫn và đại trí. Sau này, Hàn Tín trở thành đại tướng quân của Hán Cao Tổ Lưu Bang và giúp ông sáng lập triều Hán. Công lao vĩ đại của Hàn Tín đối với triều Hán đã chứng minh ông là một bậc đại trí.
Một số người chỉ trích tư tưởng "tinh trung báo quốc" của Nhạc Phi triều Tống là "ngu trung". Cũng có người coi hành vi của những bậc đại trí tuệ là "điên" và "khờ". Tuy nhiên, sự thực hoàn toàn ngược lại. Trong lịch sử Trung Quốc có cố sự gọi là "phong tăng tảo Tần" (tăng điên quét Tần Cối). Vị "tăng điên" này không phải điên thật, mà ông chỉ dùng trí tuệ của mình để bỡn cợt một đại gian thần làm Tể tướng đương triều, kẻ đã giết hại trung thần Nhạc Phi. Tần Cối, kẻ tự đóng mình lên cây cột sỉ nhục muôn đời mới là kẻ "điên" và "khờ" thật sự.
Theo đuổi sảng khoái và lợi ích nhất thời trong những việc nhỏ nhặt chỉ là sự khôn vặt của người đời. Bậc đại trí trông như kẻ khờ, bởi vậy người bình thường khó mà luận được anh hùng dựa trên được-mất ở thế gian. Chỉ người dùng tâm đại nhẫn mà thiện đãi thiên hạ mới đúng là biểu hiện của đại trí tuệ.
Thêm câu chuyện thế này:
- Khi Zheng Banqiao làm quan trong triều đình, em trai của ông đã cãi lộn với hàng xóm vì vấn đề xây dựng nhà cửa. Cả hai gia đình đều không chịu nhượng bộ, vì thế họ xây một bức tường ngay trước nhà họ mà đã ngăn con đường. Em trai của Zheng viết thư cho anh ta và muốn được giúp đỡ để thắng vụ này. Tuy nhiên, Zheng Banqiao trả lời cho em bằng một bài thơ: Từ xa, lá thư đến vì vấn đề một bức tường, Chỉ có ba tấc đất, em không chịu bỏ nhường cho họ sao? Vạn lý trường thành một ngàn dặm vẫn sừng sững kia, Có ai thấy mặt Tần thủy Hoàng đâu không? Người hàng xóm biết được sự việc, và rất cảm động. Cả hai đều lùi lại ba tấc đất, vì thế con đường ở giữa gọi là "Con đường Sáu tấc".
Thái độ của Zheng Banqiao đối với vấn đề này nói lên mọi việc. Dựa trên sự nhẫn nhục, người ta có thể lùi lại một bước và sẽ có thể giữ được trạng thái ôn hoà, mà nó sẽ đưa đến một tâm trí khôn ngoan hơn và sáng tỏ hơn. Rồi thì những xích mích sẽ được giải toả và trở thành cơ hội và vì thế sẽ có một thế giới tươi đẹp hơn.
Phật Di Lặc có một câu kệ nổi tiếng: Hạt lúa lên mầm trong tay và bắt đầu sinh sản, Cúi đầu xuống, trời xanh hiển hiện trong đáy nước, Kinh là để có những cảm nhận đúng về lục căn (tai, mắt, mũi, miệng, thân, ý). Lùi lại thật ra là tiến tới. Trong thực tế, những nông phu phải nhìn xuống và bước lùi lại để cấy lúa, mà có ý là những thành công có từ cúi đầu xuống và lùi lại. Nó nói lên một triết lý sâu sắc về "rút lui thật sự là tiến tới". Điều này cũng tương tự như tục ngữ Trung quốc nói rằng "Đôi khi điều đạt được tốt nhất là để mất". Trong đời sống chúng ta, có rất nhiều trường hợp rút lui có nghĩa là thụ động nhưng thật ra đó là một cách tiến tới. Những câu chuyện ở trên là những ví dụ cho trường hợp này..!

Thiện giả bất biện, biện giả bất thiện.
Trước kia tôi có kết giao với một số người khéo mồm khéo miệng, giỏi biện luận, lúc ấy tôi cho rằng đó là một loại tài năng, cũng không thật sự suy nghĩ kỹ về quan hệ giữa giỏi biện luận và thiện ác ra sao.
Sau này lại kết giao với một số người nhẫn nhục không tranh luận, ít nói không tranh giành, mới nhận ra cảnh giới tinh thần giữa họ sai khác rất nhiều.
Cho đến một ngày, đọc được một câu cuối cùng trong "Đạo Đức Kinh" của Lão Tử: "Thánh nhân chi đạo, vi nhi bất tranh" (đạo của Thánh nhân, là làm mà không tranh giành), mới bỗng nhiên tỉnh ngộ. Đúng vậy! Bao biện sắc sảo thật ra cũng không phải thật sự có tài năng, nhẫn nhịn không tranh biện mới là cảnh giới tu dưỡng cao nhất của đời người.
"Thiện giả bất biện, biện giả bất thiện" là một câu trích trong "Đạo Đức Kinh - Chương 81", nguyên văn là: "Tín ngôn bất mỹ, mỹ ngôn bất tín. Thiện giả bất biện, biện giả bất thiện. Tri giả bất bác, bác giả bất tri."
Ý nói là: Lời thành thật không nhất định sẽ êm tai, lời nói êm tai không nhất định sẽ thành thật. Người tốt trên thế gian sẽ không nói lời ngon ngọt, người nói hay không nhất định là người tốt. Người khôn ngoan không nhất định sẽ thông thái, người có kiến thức rộng rãi không nhất định sẽ thật sự khôn ngoan. Trọng điểm học tập của cuộc đời nằm ở chữ "Làm" mà không ở chữ "Biện" (Tranh luận - biện luận).
Chân lý không cần phải tranh luận thắng thua mỗi ngày. Suốt ngày tranh luận hơn thua không ngớt, cũng chưa chắc có thể tranh luận ra chân lý. Hết thảy chân lý và chính đạo, chỉ có chính thức dụng tâm mà làm, mới có thể thật sự lĩnh ngộ.
Khổng Tử trong "Luận Ngữ - Lý Nhân" nói: "Quân tử dục nột vu ngôn nhi mẫn vu hành." (Người quân tử không nên nói nhiều mà quan trọng ở việc làm). Trong "Luận Ngữ - Học Nhi" còn nói: "Quân tử thực vô cầu bão, cư vô cầu an, mẫn vu sự nhi thận vu ngôn" (Người quân tử ăn không cầu no, ở không cầu an ổn, chăm làm mà cẩn trọng trong lời nói). Từ đó có thể thấy, trong cuộc sống nên nói ít làm nhiều, điểm này thì chủ trương của Khổng Tử và Lão Tử là hoàn toàn nhất trí.
Vì vậy, bất kể là học tập trong cuộc đời hay các hoạt động xã hội, dù làm bất cứ việc gì cũng đều nên làm đến nơi đến chốn, không thể chỉ nói êm tai ngon ngọt mà không có hành động thực tế.
Suy ngẫm sâu thêm mà nói, người thiện có năng lực không cần cùng người khác biện luận, sẽ không chỉ dùng ngôn từ đi tranh luận để chứng minh mình đúng, dù đối mặt với phỉ báng hay công kích xúc phạm thân thể, thì họ cũng có thể dùng hành động để chứng minh sự vô tội và thanh bạch của chính mình.
Người nhẫn nhục không tranh luận thường thường đều vùi đầu làm việc, người đó nhất định có một nội tâm không tranh quyền thế hơn thua. Trái lại, những người giỏi tranh luận hơn thua với người khác không nhất định là người thật sự có năng lực, dẫu cho họ cứ tranh luận khắp nơi với người khác về năng lực của bản thân, còn người lương thiện thật sự không cần lời hay tiếng ngọt để nhận được khen ngợi từ người khác, nói suông mà không có hành động thực tế là hành vi của kẻ vô tích sự.
Tu khẩu đức (tu cái đức trong lời nói) trước tiên cần rời xa sự ba hoa khoác lác, không tùy tiện bình phẩm người khác; chân thành đối xử với mọi người, thiện chí giúp người, gặp lúc trắc trở ma nạn thì nhẫn nhịn không tranh luận, mới chính là chỗ hành xử của chính nhân quân tử.

Vậy sao? (vô ngã, vô chấp)
Thiền sư Hakuin là một Tăng sĩ được cư dân quanh vùng ca tụng và kính trọng như một ông Phật sống.
Gần tịnh thất của sư có một thiếu nữ rất đẹp. Một hôm, cha mẹ mỹ nhân chợt khám phá con mình có mang.
Qua biết bao là phiền phức, mỹ nhân thú thật rằng: Thiền sư chính là người tình vụng trộm của mình. Bao nhiêu danh thơm tiếng tốt của sư đều đổ xuống bùn nhơ cả. Bà mẹ dẫn cô gái đến gặp thiền sư. Đáp lại trận mưa ngôn ngữ thịnh nộ của khách. Sư chỉ mở mắt hỏi: Vậy sao?
Khi đứa bé chào đời, nó được bà ngoại mang đến tịnh thất với những lời sỉ vả cay đắng kèm theo. Từ dạo đó cư dân thường thấy thiền sư đi trì bình với một đứa bé trên tay.
Sư nuôi nấng đứa trẻ rất tử tế...chú bé lớn lên rất bụ bẫm...chú tập bò, đứng và đi lẫm đẫm quanh chiếc thiền sàng của Sư. Chỉ khi nào đứa bé ngủ sau, sư mới đi tọa thiền được.
Hơn một năm sau, mỹ nhân thú thực rằng: Cha chú bé không phải là thiền sư Hakuin.
Sau bao nhiều lời sám hối dài dòng và phiền toái. Thiền sư trao đứa bé lại cho bà ngoại chú, cũng với hai tiếng: "Vậy sao?".
Ngôi tịnh thất im lìm trở lại, vắng bặt tiếng u ơ của trẻ thơ và thiền sư đi trì bình chỉ vỏn vẹn cái bình bát.
Cư dân lại ca tụng và kính trọng sư như một ông Phật sống.

Thiền sư nuôi dạy đứa bé nên người nên về sau chú bé thọ Sa-Di, thọ Tỳ Kheo sau đó chú bé cũng là một Thiền sư tài giỏi"

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro