OSHO

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Với bản ngã là đam mê, với vô-bản ngã là từ bi. Với bản ngã có hùng hổ, giận dữ, độc ác; với vô-bản ngã có lòng tốt, chia sẻ, thương mến. Cho nên Saraha nói từ bi phải không được trau dồi. Nếu bạn có thể sống trong cái không, từ bi sẽ tuôn chảy ra từ bạn theo cách của nó.

Tôi đã từng nghe... Một người tới ông quản lí ngân hàng của mình để xin vay một khoản tiền. Sau khi ông ta đã đem bản tường thuật chi tiết tới, ông quản lí ngân hàng nói, "Theo nghĩa vụ thì tôi phải từ chối yêu cầu của ông, nhưng tôi sẽ cho ông một cơ hội vay được. Bây giờ... một mắt tôi làm bằng kính; nếu ông có thể nói cho tôi nó là mắt nào thì tôi sẽ ban cho ông món vay."
Ông khách hàng chăm chú trong vài khoảnh khắc và rồi nói, "Nó là mắt phải, thưa ông ấy."
"Đúng rồi," ông quản lí ngân hàng nói - ông ta không thể nào tin được vào điều đó, làm sao ông này lại đoán được điều đó. Ông ta nói, "Làm sao mà ông đoán được?"
"Thế này," ông khách hàng đáp, "nó dường như từ bi hơn cho nên tôi nghĩ nó phải là mắt kính."

Bản ngã, tâm trí tính toán, tinh ranh, chẳng bao giờ từ bi cả, không thể thế được. Trong chính sự tồn tại của bản ngã có bạo hành. Nếu bạn hiện hữu, bạn bạo hành. Bạn không thể bất bạo hành được. Nếu bạn muốn bất bạo hành, bạn sẽ phải vứt bỏ cái tôi của mình, bạn sẽ phải trở thành cái không. Bất bạo hành bắt nguồn từ cái không. Vấn đề không phải là thực hành nó; vấn đề là trở thành không ai cả, thế thì nó tuôn chảy. Chính khối chắn của cái tôi mới ngăn cản luồng chảy năng lượng của bạn bằng không thì từ bi là dễ dàng.

Saraha nói: Cái không và từ bi không phải là hai điều. Bạn là không và sẽ có từ bi. Hay bạn đạt tới từ bi và bạn sẽ thấy mình đã trở thành không, không ai cả.

Việc đặc trưng hoá sự tồn tại như cái không này là một bước tiến lớn hướng tới triệt tiêu bản ngã. Và đây là một trong những đóng góp vĩ đại nhất của Phật cho thế giới. Các tôn giáo khác cứ trau dồi, theo cách tinh vi, cho cùng bản ngã. Người ngay thẳng bắt đầu cảm thấy, "Mình ngay thẳng"; nhà đạo đức nghĩ, "Mình đạo đức hơn người khác." Người thực hành tôn giáo nghĩ bản thân mình mang tính tôn giáo hơn người khác. Nhưng đây tất cả đều là đặc tính của bản ngã, và những điều này chẳng ích gì cả, cho đến cùng.

Phật nói trau dồi không phải là vấn đề, nhưng hiểu biết, nhận biết rằng không ai cả trong bạn mới là vấn đề.

Bạn đã bao giờ nhìn vào bên trong chưa? Bạn đã bao giờ đi vào bên trong và nhìn quanh chưa? Có ai ở đó không? Bạn sẽ không thấy ai cả; bạn sẽ thấy im lặng, bạn sẽ không bắt gặp ai cả.

Socrates nói: Biết mình. Còn Phật nói: Nếu bạn đi tới biết, bạn sẽ không tìm thấy 'mình' nào cả; không có ai bên trong, có im lặng thuần khiết. Bạn sẽ không đâm vào bức tường nào cả, và bạn sẽ không bắt gặp cái ta nào cả. Nó là cái trống rỗng. Nó trống rỗng như bản thân sự tồn tại. Và từ cái trống rỗng đó, mọi thứ đang tuôn chảy; từ cái không đó, mọi thứ đang tuôn chảy.
***
Yêu

Nó ngụ ý ba điều.
Yêu có thể tồn tại chỉ như quan hệ thể chất...
thế thì chúng ta gọi nó là dục, và hầu hết mọi người vẫn cứ tin rằng đó là yêu. Nó chỉ là cái bắt đầu.
Kiểu thứ hai là cái gì đó sâu sắc hơn, mang tính tâm lí. Cái đó có thể được gọi là yêu... điều nhà thơ nói tới, điều nhạc sĩ hát về.
Nó không liên quan gì tới dục, nó chỉ là hấp dẫn từ lực giữa hai người. Cái gì đó diễn ra giữa hai người; họ đột nhiên cảm thấy dường như họ được làm ra cho nhau. Cái gì đó gần như cho họ cảm giác, "Không có người kia mình là một nửa không đầy đủ; có người kia mình đầy đủ." Cảm giác đầy đủ là phẩm chất thứ hai; cảm giác của việc là toàn thể, cả vòng tròn.

Yêu thứ nhất rất tạm thời, rất hời hợt. Yêu thứ hai là rất sâu, nhưng cần nhạy cảm lớn, nó không sẵn có cho mọi người. Yêu thứ nhất là sẵn có cho mọi người: nó sẵn có ngay cả cho con vật, chim chóc, cây cối, cho nên không có gì đặc biệt trong nó cả khi có liên quan tới con người. Người đã biết yêu chỉ như dục vẫn còn ở dưới chân giá trị con người. Nhân loại bắt đầu với yêu thứ hai. Chỉ vài nhà thơ, vài nhạc sĩ, vài vũ công, vài nhà điêu khắc mới cảm thấy nó. Rất ít người trên khắp thế giới, trong toàn thể lịch sử, đã sống nó bởi vì nó cần dũng cảm vô cùng để làm tan biến bản thân bạn cùng ai đó khác... một khoảnh khắc khi người kia không còn là người kia, một khoảnh khắc khi bạn có thể cảm thấy là một vô cùng.

Điều đó đã xảy ra trong cuộc đời của Ramakrishna: ông ấy là con người nhạy cảm mênh mông. Họ đi qua sông Hằng trong một chiếc thuyền, sang bờ bên kia và ở ngay giữa sông ông ấy bắt đầu kêu to, "Đừng đánh tôi! Đừng đánh tôi!" Những người ở quanh ông ấy tất cả đều là đệ tử của ông ấy, và không ai đánh ông ấy. Nước mắt chảy ra từ mắt ông ấy và họ hỏi, "Thầy nói gì thế? Không ai đánh thầy cả." Nhưng ông ấy vẫn trong cơn bấn loạn cứ dường như ai đó đang đánh mạnh vào ông ấy. Các đệ tử không thể hiểu được điều đó. Ông ấy ngã nhào trong thuyền, gần như ngất đi. Họ sang tới bờ bên kia, và ở đó họ nhìn thấy một người đã bị đánh tới ngất đi. Đám đông tụ tập ở đó. Và điều có ý nghĩa nhất là: quần áo của người đó bị xé rách, lưng người đó có nhiều vết máu... họ vạch lưng của Ramakrishna ra và thấy cùng vết máu, và theo cùng cách máu đang chảy ra từ nó.

Đó là chiều cao của phẩm chất thứ hai của yêu, nơi bạn có thể cảm thấy tính một tới mức nếu người khác sắp chết, bạn sẽ cảm thấy giống như chết. Mọi người đều khao khát phẩm chất thứ hai nhưng nó cần huấn luyện nào đó trong nhạy cảm. Chẳng hạn, một người luôn bạo hành trong đời mình, đầy giận dữ, ghen tị, sở hữu, sẽ không có khả năng kinh nghiệm phẩm chất thứ hai. Và người đó sẽ vẫn còn thất vọng cả đời mình, bởi vì điều người đó muốn người đó không thể có được.

Nhưng không ai khác chịu trách nhiệm cho điều đó; bản thân người đó chưa bao giờ chuẩn bị đón nhận cái gì đó cao hơn, bạn phải xứng đáng với nó. Trong kiểu yêu thứ nhất không có vấn đề xứng đáng: nó mang tính sinh học. Bạn đã được tặng bởi vì tự nhiên muốn tiếp tục sinh sản; nó đã không để điều đó cho bạn. Tự nhiên đã không để lại nhiều điều cho con người. Chẳng hạn, thở đã không được để lại cho bạn. Bạn có thể quên, bạn có thể bị dính líu vào việc nào đó và quên mất thở. Trong giấc ngủ bạn nhất định quên, và thế thì sẽ không còn sáng mai cho bạn. Cho nên tự nhiên đã giữ việc thở dưới sự kiểm soát của riêng nó.

Dục là sự liên tục của cuộc sống, nó không thể được bỏ lại cho bạn; nó ở trong tay của sinh học. Nhưng bởi vì nó là trong tay của tự nhiên bạn cảm thấy sự ép buộc nào đó, sự nô lệ nào đó, và đó là lí do tại sao bạn tình trong dục sẽ liên tục tranh đấu. Họ không nhận biết tại sao họ tranh đấu; tại sao họ đánh người đàn ông họ yêu, người đàn bà họ yêu. Lí do là ở chỗ từng người đều cảm thấy sâu bên dưới, "Người kia là rắc rối của mình, vấn đề của mình."

Jean-Paul Sartre có một phát biểu rất có ý nghĩa: "Người kia là địa ngục." Nhưng khi có liên quan tới dục, người kia vẫn còn là người kia. Người kia biến mất chỉ trong giai đoạn thứ hai, và tôi nghĩ ngay cả Jean-Paul Sartre cũng chưa đạt tới giai đoạn thứ hai. Ông ấy là con người của thông minh vô cùng, nhưng không nhạy cảm lớn. Chúng là những điều khác nhau: thông minh là của cái đầu, nhạy cảm là của trái tim.

Và thực tế toàn thể nền giáo dục của chúng ta định hi sinh trái tim cho cái đầu. Cho nên những người được giải thưởng Nobel, không người nào trong số họ được giải thưởng Nobel Prize vì trái tim, họ được giải thưởng Nobel vì cái đầu. Các đại học của bạn không dạy gì về trái tim, họ chỉ cứ đào tạo và mài sắc cái đầu của bạn.
Với cái đầu, người khác là địa ngục; với trái tim không có người khác, và đó là cõi trời. Chỉ rất ít nhà thơ và hoạ sĩ và kiểu người gàn đó đã biết tới yêu. Nhưng yêu đó cũng mang tính tâm lí và tâm trí bạn không phải là cái gì đó ổn định; hôm nay nó là điều này, ngày mai nó là cái gì đó khác. Cho nên với thay đổi của tâm trí, với thay đổi của tâm lí của bạn – cái liên tục thay đổi – yêu của bạn phải thay đổi liên tục. Đó là vấn đề lớn.

Không nhất thiết là người bạn yêu cũng sẽ thay đổi trong đồng bộ với bạn. Người đó có thể tụt lại sau, người đó có thể đi xa hơn, người đó có thể dừng đi; mọi khả năng đều có đó. Và với tâm lí thay đổi của người đó ...

Đứa trẻ có thể rơi vào tình yêu với đứa trẻ khác, chúng ta gọi điều đó là tình yêu trẻ con. Nhưng khi chúng phát triển già hơn, tình yêu đó trở thành kí ức đẹp, nó không có ý nghĩa nào. Thanh niên rơi vào tình yêu với người khác: tâm lí đứa trẻ qua rồi, tình yêu của nó cũng qua rồi. Thực tế, bạn sẽ không bao giờ có được kinh nghiệm đẹp của tình bạn, hơn bạn đã có trong tuổi thơ của mình. Không bao giờ có lại niềm vui đó của tình bạn, bởi vì khi bạn trở thành thanh niên, tình bạn không còn là nhu cầu của bạn, nhu cầu của bạn mang nhiều dục tính hơn.

Chỉ hiếm khi một người còn trẻ mới có nhạy cảm thơ ca, nhưng nhạy cảm đó cũng thay đổi. Thực tế, một hiện tượng càng tinh tế hơn, càng có nhiều khả năng thay đổi hơn. Người phát triển chậm, người vẫn còn ở dưới tuổi mười bốn - khi có liên quan tới tâm trí họ, có thể vẫn còn chung thuỷ với vợ họ, với chồng họ, cả đời họ. Họ dừng phát triển khi họ mười bốn tuổi, và vào chính lúc đó yêu của họ cũng dừng lại... đi tới chấm hết, điểm cuối. Bây giờ họ cứ lặp lại cùng điều trong cả đời họ. Nhưng những người thông minh hơn sẽ thấy điều đó là khó. Do đó, khi con người trở nên văn minh hơn, thông minh hơn, người ta không thể sống cùng với một người đàn bà, với cùng một người đàn ông mãi mãi được.
Nếu người đó cố gắng làm điều đó, cả hai trở nên buồn, cả hai trở nên chán, cả hai trở nên thất vọng lẫn nhau. Đó là điểm khi người khác bắt đầu trở thành địa ngục. Mọi người sợ đạt tới giai đoạn thứ hai bởi vì giai đoạn thứ hai giống như làn gió thoảng, nó tới rồi đi. Khi nó tới, nó rót đầy bạn toàn bộ. Nó cho bạn nhiều mãn nguyện tới mức bạn không thể nghĩ được có gì nhiều hơn điều này, và bạn không thể nghĩ được rằng nó bao giờ có thể thay đổi.
Đó là lí do tại sao những người yêu cứ hứa hẹn với nhau... nhưng lời hứa của họ sẽ không được hoàn thành.
Thế thì họ sẽ cảm thấy mặc cảm. Tất nhiên khi họ đã đưa ra lời hứa đó không phải là lời nói dối, họ đã thực, đích thực cảm thấy nó. Nhưng đó là cảm giác của khoảnh khắc đó thôi. Sau một thời gian tâm lí của bạn phát triển, chín chắn của bạn phát triển; bạn bắt đầu yêu những thứ mới, người mới. Tầm nhìn của bạn về cái đẹp thay đổi. Thái độ của bạn trong mọi chiều của nó cứ thay đổi. Người khác gần như không thể nào thay đổi đích xác cùng bạn được. Mà bạn cũng không thể nào thay đổi đích xác cũng như với người khác.

Và đó là chỗ toàn thể xã hội đang sống trong cực kì đau khổ. Chúng ta đã buộc mọi người sống cùng nhau bởi vì họ đã hứa cái gì đó. Họ không phủ nhận nó, nhưng họ có thể làm được gì? Trong khoảnh khắc đó lời hứa là đúng, và thế rồi mọi thứ thay đổi.

Bây giờ họ không cảm thấy cái gì dành cho người kia. Và không chỉ có thế, họ cảm thấy họ là người lạ. Bạn có thể nhìn vào chồng và vợ và hỏi han, "Anh có biết vợ anh không? Bao lâu rồi anh đã không nhìn vào mắt cô ấy? Bao lâu rồi anh đã không cho cô ấy một khoảnh khắc để nhìn vào cô ấy hay để nghe cô ấy?"
Có lẽ nhiều năm đã trôi qua. Đó là một trong những điều kì lạ nhất rằng chồng không thể nhớ được khuôn mặt của vợ, người họ đã sống cùng trong ba mươi năm. Cứ bảo họ, "Nhắm mắt lại và thử nhớ vợ bạn, khuôn mặt cô ấy..." và mọi thứ thành mơ hồ. Trong ba mươi năm họ đã không nhìn cô ấy. Họ đã thực sự cố không nhìn cô ấy; họ sợ nhìn cô ấy. Đã có ngày khi họ muốn nhìn vào cô ấy cả hai mươi bốn giờ.

Yêu tâm lí là hiện tượng thay đổi, và chừng nào nhân loại còn chưa chấp nhận tính thay đổi được của nó một cách duyên dáng, chúng ta sẽ không bao giờ cho phép con người vươn lên mức thứ hai bởi vì những người vươn lên mức thứ hai khổ nhiều hơn. Nhà thơ khổ nhiều hơn. Nông dân không khổ theo cách đó, tiều phu không khổ theo cách đó, ngư dân không khổ theo cách đó. Hoạ sĩ khổ, nhạc sĩ khổ, bởi vì họ cứ thay đổi. Họ cần liên tục cái gì đó mới.

Bây giờ, người kia không thể làm điều đó thành sẵn có được. Và người khác có tính cá nhân riêng của anh ấy, tính cá nhân riêng của cô ấy. Họ bắt đầu phát triển ngày một xa hơn và càng đi xa hơn lẫn nhau. Và xã hội cứ ép buộc họ sống cùng nhau bởi vì,
"Hôn nhân được tạo ra trên trời."

Thầy làm công việc nghệ thuật gì?
Toàn thể công việc của tôi đều là nghệ thuật!
Tôi không làm gì khác ngoại trừ công việc nghệ thuật.
Tôi có thể hôn từ đây!
Bạn có thể ở hành tinh khác, điều đó không tạo ra khác biệt gì.
Điều mọi người gọi là hôn thì không vệ sinh thế, xấu thế: trộn lẫn nước bọt với nhau, chạm lưỡi nhau, thám hiểm mồm nhau bằng lưỡi... điều đó không thể được với tôi. Không có nhu cầu. Nhìn vào một người bằng con mắt yêu mến là đủ; bạn đã chạm rồi. Chạm thể chất là hiện tượng rất thấp. Chỉ nhìn vào một người bằng tình yêu, bằng từ bi, bằng tình bạn, bằng kính trọng, là đủ. Mắt có thể đạt tới bất kì khoảnh cách nào. Im lặng có thể nói nhiều, mà lời không thể nói được.

Ở Ấn Độ, khi chúng ta chào lẫn nhau chúng ta thậm chí không bắt tay. Điều đó quá thể chất. Không vệ sinh nữa; không bác sĩ trị liệu
hay người ngành y nào có thể ủng hộ điều đó. Chúng ta chào nhau bằng hai tay chắp lại. Và điều đó có ý nghĩa tâm linh: chúng tôi đang cho bạn cùng kính trọng như chúng tôi cho Thượng đế. Đó là cách mọi người đi tới đền chùa, với tay chắp lại. Đó là cách họ kính trọng người lớn tuổi. Cùng cách kính trọng được biểu lộ cho người lạ. Và hai tay chắp lại đại diện cho điều tôi đã nói trước đây,
sự hội nhập của hai thành một.

Trong loại yêu thứ nhất, cái mang tính dục, hôn là một phần của nó;
nhưng trong yêu thứ hai, cái mang tính tâm lí, hôn không phải là một phần của nó. Nó là hiện tượng năng lượng còn nhiều hơn hiện tượng vật chất. Mọi người đều có hào quang năng lượng. Bây giờ thậm chí nó có thể được chụp ảnh. Ở phương Đông chúng ta đã từng nói về điều đó trong năm nghìn năm, và có lẽ thậm chí còn cổ hơn là ý tưởng này, nhưng chúng ta không có cách nào để chứng minh nó. Bây giờ có loại chụp ảnh nào đó, chụp ảnh Kirlian, đã được phát triển ở Liên Xô bởi một nhà nhiếp ảnh người đã làm những tấm ảnh nhạy cảm tới mức khi ông ấy chụp ảnh của bạn hào quang năng lượng của bạn cũng đi vào trong nó. Nó khác từ người nọ sang người kia. Chẳng hạn, một người chưa bao giờ biết cái gì nhiều hơn dục, hào quang năng lượng của người đó chỉ hai inches quanh thân thể người đó.

Còn người đã biết tới cái gì đó của yêu thứ hai, hào quang của người đó gần sáu inches quanh thân thể người đó. Và có yêu thứ ba về điều đó tôi sẽ nói tới ngay điều là tâm linh, điều thậm chí không tâm lí... điều còn nhiều hơn yêu mến, hơn việc yêu. Không có đam mê trong nó; nó giống nhiều như hương thơm hơn là hoa.
Bạn có thể cầm nắm đoá hoa, nhưng bạn không thể cầm nắm hương thơm. Nó không giống như ngọn lửa của chiếc nến, mà là ánh sáng của ngọn lửa. Trong giai đoạn thứ ba của yêu đó, người này có hào quang gần mười hai inch quanh toàn thân mình. Người biết tới yêu thứ ba có thể chỉ ngồi im lặng cùng nhau và năng lượng của họ gặp gỡ.
Bạn sẽ nghĩ họ thậm chí không ngồi gần, như những người yêu ngồi rất gần nhau... họ có thể ngồi có khoảng hổng giữa họ.
Họ có thể cho phép khoảng hổng ít nhất nửa mét khi ngồi cùng nhau, và dầu vậy năng lượng của họ vẫn chạm nhau, năng lượng của họ hôn nhau. Và điều đó là cái chạm còn lớn hơn nhiều, không cục bộ.
Hôn là chạm cục bộ. Họ có thể chạm vào thân thể của nhau một cách toàn bộ, mà không chạm vào thân thể vật lí chút nào. Và yêu đó không thay đổi bởi vì nó không phụ thuộc vào người được yêu, vào đối tượng của yêu. Nó không phụ thuộc vào tâm trí thay đổi; nó là cái gì đó liên quan tới bản thể vĩnh hằng của bạn. Bạn có thể thay đổi, thân thể bạn sẽ thay đổi, tâm trí bạn sẽ thay đổi, nhưng yêu của bạn không thể thay đổi. Nó vẫn còn là hương thơm của bản thể bạn. Duy nhất tại điểm đó có hai người thực sự gặp gỡ. Nó hiếm khi xảy ra giữa những người yêu, rất hiếm khi...

Nhưng nó xảy ra giữa thầy và đệ tử rất thường xuyên. Đó là lí do tại sao tôi nói rằng mối quan hệ giữa thầy và đệ tử là chuyện tình của loại cao nhất. Và đó là mục đích mà có thể hoàn thành. Những người chưa biết tới nó đều đã sống không đầy đủ. Trong trạng thái đó bất kì cái gì bạn làm cũng là nghệ thuật, bạn không thể làm cái gì khác.
Cách bạn bước, cách bạn ngồi, cách bạn nói... thậm chí cử chỉ của tay bạn cũng có cái gì đó nghệ thuật của nó, cái gì đó sáng tạo trong nó.
Đó là lí do tại sao tôi nói tôi không vẽ, tôi không soạn nhạc, tôi không làm thơ, nhưng nếu bạn nhìn sâu hơn chút ít vào điều tôi đang làm với các đệ tử của tôi: họ là vải vẽ của tôi. Tôi đang vẽ con người sống. Họ là bài thơ của tôi, họ là điêu khắc của tôi.Tôi đang làm việc liên tục để cho họ có thể được thoát ra từ mọi tù túng và họ có thể nếm trải tự do, tình yêu, cái đẹp. Tôi không vẽ trên vải vẽ thường và tôi không viết thơ trên giấy, mà trên người sống. Và từng sannyasin của tôi đều là thơ ca của tôi. Và từng sannyasin của tôi sẽ mang cử chỉ của tôi, thái độ của tôi, cách tiếp cận của tôi. Và người đó sẽ làm cho nó thậm chí còn giầu có hơn bởi vì người đó là người sống. Người đó có thể cho nó cái tao nhã hơn, người đó có thể cho nó cái đẹp hơn; người đó phải làm điều đó. Đó sẽ là lòng biết ơn của người đó hướng tới thầy, nó sẽ là cám ơn của người đó. Cho nên, từ sáng tới đêm tôi liên tục sáng tạo. Nhưng để thấy sáng tạo của tôi bạn cần là một phần của nó. Bạn không thể chỉ là khán giả. Bạn phải là người trong cuộc, không là người ngoài cuộc, bởi vì nó tinh tế và manh mai, vô hình tới mức chừng nào bạn còn chưa đi vào nó với tâm trí cởi mở, không định kiến nào, bạn sẽ không có khả năng kinh nghiệm nó.

Chỉ chút ít kinh nghiệm sẽ mở ra cánh cửa.

Osho.
***
Khốn khổ là tội lỗi, phúc lạc là đức hạnh.

"Mới vài ngày trước đây một phụ nữ tới tôi. Cô ấy bảo tôi rằng cô ấy rất bất hạnh vì chồng mình, rằng anh ta là kẻ ngoại tình, rằng anh ta chẳng có tư cách nào cả.

Tôi nói với cô ấy, "Nếu anh ta không có tư cách, thế thì cứ để cho anh ta bất hạnh đi. Vì việc ngoại tình của anh ta sẽ làm cho anh ta bất hạnh. Nhưng tại sao bạn lại bất hạnh? Tôi chưa hề biết ai đó lại trở nên bất hạnh vì hành vi vô đạo đức của ai đó khác cả. Nếu bạn bất hạnh thì nguyên nhân là ở bên trong bạn. Sự vô đạo đức của anh ta không thể là nguyên nhân cho sự khốn khổ của bạn được, sự vô đạo đức của anh ta có thể là nguyên nhân cho sự khốn khổ của anh ta. Nhưng tôi biết chồng bạn - anh ta không bất hạnh. Anh ta có thể vô đạo đức nhưng anh ta lại không bất hạnh."

Và tôi nói, "Nếu ai đó hạnh phúc cho dù là vô đạo đức, thế thì anh ta chắc chắn là đức hạnh hơn bạn - bạn không hạnh phúc cho dù bạn đạo đức. Bạn đang làm phép màu đấy! Chồng bạn cũng đang làm phép màu nữa - anh ta có thể vô đạo đức nhưng anh ta lại hạnh phúc. Bạn có thể đạo đức nhưng bạn lại bất hạnh. Trong cái đạo đức của bạn nhất định phải có cái vô đạo đức nào đó, và trong cái vô đạo đức của chồng bạn phải có cái đạo đức nào đó. Nếu không thì điều đang xảy ra không thể nào xảy ra được."

Cho nên tôi nói, "Bạn hãy đặt ra tiêu chuẩn này: bất kì khi nào bạn bất hạnh thì hãy biết rằng có điều gì đó sai bên trong bạn, bởi vì khốn khổ của bạn được gắn với một cách nhìn sai. Bạn không hạnh phúc bởi vì hành vi của chồng bạn, bạn không hạnh phúc bởi vì bạn đang nghĩ rằng bạn đạo đức đến mức bạn phiền não bởi nỗi đau về kỉ luật của bạn và cái đạo đức của bạn, còn chồng bạn thì lại cứ hưởng thú! Bạn cũng muốn hưởng thú. Bên trong bạn cũng muốn làm hệt như chồng bạn, nhưng bạn không can đảm được nhiều như thế.

Bạn buồn vì điều gì đó bên trong bạn. Nếu bạn muốn vô đạo đức thế thì cứ vô đạo đức đi, nhưng ít nhất đừng có bất hạnh. Nếu bạn muốn hạnh phúc thế thì hãy hạnh phúc đi, nhưng đừng mang gánh nặng của việc là đạo đức."

Hiểu biết riêng của tôi là ở chỗ nếu một người cứ tìm kiếm phúc lạc trong cuộc sống của mình, thế thì anh ta tự nhiên sẽ trở thành đạo đức - bởi vì phúc lạc không nở hoa chừng nào còn có hành vi vô đạo đức. Tôi không yêu cầu bạn phải đạo đức, tôi đang bảo bạn hãy phúc lạc đi. Từ hàng thế kỉ nay bạn đã được dạy phải đạo đức mà chẳng có gì xảy ra cả ngoại trừ việc bạn đã trở nên khốn khổ. Tôi bảo bạn hãy phúc lạc: phúc lạc là tiêu chuẩn của tôi.

Bạn bao giờ cũng được bảo rằng nếu bạn làm những hành động đức hạnh thì bạn sẽ trở nên phúc lạc. Tôi bảo bạn rằng bạn phúc lạc thì bạn đức hạnh. Bạn đã được bảo rằng nếu bạn phạm tội lỗi thì bạn sẽ khốn khổ; tôi bảo bạn rằng nếu bạn khốn khổ thì bạn là kẻ tội lỗi.

Khốn khổ là tội lỗi, phúc lạc là đức hạnh."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro