Những Điều Đã Cũ | Thuận Ân

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Không dám nói rằng tôi đã quen biết Ân lâu, thậm chí còn có thể chưa gọi được là quen biết. Nhưng qua những gì Ân thể hiện ra, dường như trong con người Ân vẫn luôn có cái gì hướng về quá khứ, về Những điều đã cũ. Từ tên tuyển tập truyện ngắn cho đến các câu nói chuyện phiếm, Ân tỏ ra là một con người có tư tưởng và góc nhìn trộn lẫn giữa cái mới và xưa. Trong tác phẩm "Những điều đã cũ", nhân vật ông dường như chính là tiếng nói của cái phần hoài cổ trong con người Ân.

Tôi cho rằng: "Những điều đã cũ" là tác phẩm khai thác chủ đề xoay quanh sự đấu tranh ngấm ngầm giữa cái cũ và cái mới - một sự xung đột mà vẫn luôn luôn diễn ra, mặc kệ người ta có để ý hay không. Đây là một chủ đề không mới nhưng lại không bao giờ lỗi thời (vì các lý do đã nêu ở trên), và bằng những cách khai thác khác nhau, cốt truyện cũng ít khi bị trùng lặp. Trong "Những điều đã cũ", từng hành động, tình tiết xảy ra với nhân vật chính đều gợi lại cho ông một điều gì đó đến từ quá khứ. Ví như khi hút thuốc thì nhớ lần đầu tiên hút, cũng như khi nhìn căn bếp lại nhớ lúc tập nấu, nhìn xe nhớ vợ quá cố, v.v

Các lần hồi tưởng diễn ra liên tục trong một ngày của nhân vật chính, đan xen với thực tại và bấu víu lấy ông. Như chính nhân vật đã từng nói rằng: "Có điều khi ta đã biết vị ngọt của cuộc đời thì rất khó buông bỏ những ký ức xưa cũ." Có lẽ vì vậy mà ông sống trong quá khứ với các kinh nghiệm từ thuở trước kia. Và cứ như vậy, sự đấu tranh giữa cái mới, cũ diễn ra dưới hình thức nhân vật chính đại diện cho quá khứ, cho cái cũ bị cái mới - gồm hiện thực cuộc sống, đứa con trai với các suy nghĩ đón đầu xu hướng, và chính cả tương lai chính mình nữa - tác động ngoại lực khiến cho bản thân phải thay đổi, chấp nhận cái mới.

Đã có mâu thuẫn thì ắt phải có xung đột để dẫn đến giải quyết. Ngay từ đầu, cuộc xung đột tất yếu này đã bị hoãn lại nhiều lần suốt bao nhiêu năm - thể hiện qua sự xa cách của hai bố con. Để rồi đến thời điểm được kể trong tác phẩm thì xảy ra cuộc trò chuyện giữa hai cha con nhân vật chính, mà trong đó, sự chiến thắng của cái mới đã biểu hiện qua sự chấp nhận của nhân vật chính đối với quyết định của con mình về nghề nghiệp và tương lai nó.

Ban đầu khi đọc truyện, tôi đã nghĩ điểm cao trào sẽ là đoạn xung đột được nói ở trên cho đến khi nhận ra là không phải. Nút thắt của câu truyện không nằm ở đó mà là ở sau đấy nữa, khi nhân vật chính chấp nhận rằng bản thân ông là một trong những điều đã cũ. Ông tự ví mình với một điếu thuốc lá: lúc đầu đắng ghét, rồi nó đầm, và sau rốt - dẫu bản thân nhân vật chính không nói ra - hẳn tự ông cũng biết là sẽ chẳng còn lại gì ngoài tàn thuốc. Kỳ thật hình ảnh ẩn dụ này, ngoài việc cho thấy sự thật hiển nhiên về số phận mỗi con người, kết hợp với câu trích của nhân vật mà tôi đã nêu trước đó, thì mang hàm ý rằng ông đã trải qua nhiều thứ, nếm cả vị đắng lẫn ngọt trên đời và rồi ông chẳng còn ham muốn thêm thứ gì nữa. Vợ ông đã chết và những kết hoạch cũng sắp thành công. Và rồi còn gì cho người đàn ông cũ ký đó? Một tương lai cô độc, có khi.

Với giọng văn êm đềm, hoài cổ, Ân đã truyền tải lại thành công cái cảm giác chơi vơi của một người khi phải đối mặt với một tương lai mờ mịt. Giai đoạn này của cuộc đời kỳ thực cũng khó khăn không kém khủng hoảng đầu tuổi hai mươi - lúc một đứa trẻ lần đầu vào đời - bối rối, ngỡ ngàng nhưng lại không có sự hào hứng để chào đón cái gì sắp đến. Xuyên suốt tác phẩm, đi cùng với những diễn biến tâm lý của nhân vật chính là những đoá hoa mai ngày Tết. Chúng xuất hiện khi trong ông nảy ra chút gì đó: một ý tưởng, tý tẹo sức sống; tàn khi tâm trạng nhân vật chìm vào những tự vấn, suy nghĩ u ám, để rồi nở rộ ở đoạn cuối, khi nhân vật chính chấp nhận cái số phận của mình, buông bỏ ký ức xưa cũ (thể hiện qua câu nói "Chào bà, tôi đi") và quyết định phượt lên Đà Lạt.

Lần này viết "Những điều đã cũ", dường như Ân sử dụng những câu ngắn (hoàn toàn khác với cách viết câu dài đếch tả được trong các tác phẩm trước) và đơn giản: đầy đủ chủ vị là chấm ngay, thậm chí đôi khi lại chỉ mới có vị ngữ đã ngắt câu, đồng thời cũng dùng nhiều văn nói, tiếng lóng. Điều này tạo nên cho người đọc một cảm giác chân chất, và gần gũi hệt như một ông già nhà hàng xóm đang ngồi tường thuật lại câu chuyện đời mình. Một điều nữa tôi nhận ra trong tác phẩm này là nhân vật chính không có tên, không có tên bởi ông vừa là một biểu tượng, vừa cũng có thể là tương lai hoặc hiện tại của một số người trong chúng ta.

Phải nói rằng cả tác phẩm của Ân mang rất nặng tính biểu tượng, nhiều chi tiết, hình ảnh được lồng ghép vào. Song, chính điều đó khiến hai nhân vật chính một chiều, nhàm chán và các tương tác giữa họ ngượng ngạo đến lạ. Tất cả cứ hệt như thể họ chỉ là con rối trong tay Ân, được sử dụng để truyền tải lại câu chuyện và cảm xúc của người khác. Thật khó để lý giải nhưng đây lại là cái suy nghĩ đã ám lấy tôi sau khi đọc xong tác phẩm lần đầu cho đến lúc viết review. Thực ra tôi cũng mắc lỗi này trong tác phẩm của mình mà lại chưa phát hiện cách xử lý, giải quyết.

Cả tập truyện lần này của Ân được viết làm sao để ai đọc cũng hiểu, nhắm đến một nhóm độc giả đông hơn trước - tóm lại là mang tính thị trường hơn trước. Nhưng nếu các tác phẩm trước chỉ có nhân vật và cốt truyện cliché thì "Những điều đã cũ" đã thành công mang lại cho người đọc chút cảm xúc gì đó, trước khi nó trôi tuột vào dĩ vãng bởi thiếu điểm nhấn về mặt tình tiết, cũng như một phân cảnh cực đáng nhớ.

Lại nói, dường như Ân coi thường văn thị trường nên viết cả tập truyện vội vã và sơ sài, lỗi chính tả, dấu câu sai ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, hình như Ân đã hơi coi thường những độc giả của truyện thị trường. Kỳ thật, người đọc vô cùng thông minh. Họ biết đánh giá độ nông sâu của tác phẩm mình đang đọc một cách nhanh nhạy hơn Ân tưởng. Nếu một câu truyện ý nghĩa trên mặt chữ, thì họ sẽ lướt qua rồi thôi, để đó, không mua. Vậy, người ta đọc truyện thị trường vì cái gì? Loại truyện thị trường thứ nhất: cực sâu xa, cực khó hiểu mà có cốt truyện lạ lùng thu hút kiểu Haruki Murakami.  Loại truyện thị trường thứ hai: ý nghĩa là phụ, các cảnh gây cười, hành động, kinh dị v.v giải trí mới là chính. Loại truyện thị trường thứ ba: dễ đồng cảm và giải trí. Từ đó mà nói, nếu Ân đã muốn viết truyện sâu xa thì thì thà rằng Ân đi chiêm nghiệm cuộc đời rồi ra một tác phẩm cực triết lý, hoặc là Ân viết một câu chuyện hài kèm hành động kèm tình yêu máu chó, hoặc Ân cứ theo chủ nghĩa hiện sinh: bỏ một nhân vật dễ đồng cảm vào một môi trường thú vị và bắt anh ta bộc lộ hành động của mình qua từng pha hành động hay ho.

Khuyên thế chứ Ân ra sách thì kiểu gì tôi cũng đi mua ủng hộ.

Peace,
theA

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro