Chương 14. TÂM LÝ HỌC HÌNH THỨC (GESTALT)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 14. TÂM LÝ HỌC HÌNH THỨC (GESTALT)

NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC

Vào khoảng cùng thời gian các nhà tâm lý học hành vi nổi lên chống lại cơ cấu luận và chức năng luận ở Mỹ, thì ở Đức có một nhóm nhà tâm lý học trẻ nổi dậy chống lại chương trình thực nghiệm của Wundt muốn tìm kiếm các yếu tố của ý thức. Trong khi mục tiêu tấn công của các nhà tâm lý học hành vi Mỹ là việc nghiên cứu ý thức và phương pháp nội quan, thì các nhà tâm lý học trẻ của Đức tập trung tấn công vào thuyết yếu tố của Wundt. Họ nói ý thức không thể giản lược vào các yếu tố mà không bóp méo ý nghĩa đích thực của kinh nghiệm ý thức. Họ nói chúng ta không kinh nghiệm các sự vật trong những mảnh miếng rời rạc nhưng trong những cấu hình toàn thể có ý nghĩa. Chúng ta không thấy các mảng màu xanh, đỏ, vàng; chúng ta thấy người ta, xe cộ, cây cối, và mây trời. Các kinh nghiệm ý thức toàn thể này chính là cái mà phương pháp nội quan phải tập trung nghiên cứu. Vì từ tiếng Đức để nói về "cấu hình," "hình dạng," hay "toàn thể là Gestalt, nên loại tâm lý học mới này được gọi là tâm lý học hình thức (Gestalt).

Theo các nhà tâm lý học Gestalt, nhiệm vụ chính của tâm lý học là nghiên cứu về các toàn thể, chứ không phải về các thành phần.

Các nhà tâm lý học Gestalt chống lại mọi loại thuyết yếu tố, dù là thuyết yếu tố của Wundt và các nhà cơ cấu luận hay của các nhà tâm lý học hành vi trong việc tìm kiếm các liên tưởng S-R của họ. Cố gắng giản lược ý thức hay hành vi vào các yếu tố thì được gọi là phương pháp phân tử, và các tác giả áp dụng phương pháp này gồm có Wundt (nhà thực nghiệm), Titchener, Pavlov, và Watson. Các nhà tâm lý học Gestalt chủ trương rằng phải áp dụng phương pháp toàn khối. Sử dụng phương pháp toàn khối trong việc nghiên cứu ý thức có nghĩa là tập trung vào kinh nghiệm hiện tượng luận (nghĩa là kinh nghiệm ý thức như nó xuất hiện cho người quan sát hồn nhiên mà không có phân tích xa hơn). Từ phenomnenon, hiện tượng, có nghĩa là "cái xuất hiện" và vì vậy, phương pháp phenomenology, hiện tượng luận, mà các nhà tâm lý học hình thức sử dụng, là nghiên cứu những gì xuất hiện một cách tự nhiên cho ý thức. Dùng phương pháp toàn khối hay hiện tượng luận để nghiên cứu hành vi có nghĩa là tập trung vào hành vi hữu đích (hướng tới một mục tiêu). Chúng ta đã thấy ở chương trước rằng, dưới ảnh hưởng của thuyết Gestalt, Tolman đã chọn nghiên cứu loại hành vi này. Như ta sẽ thấy, các nhà tâm lý học Gestalt tìm cách chứng tỏ rằng trong mọi khía cạnh của tâm lý học, tập trung vào các toàn thể (Gestalten, số nhiều của Gestalt) thì ích lợi hơn là tập trung vào các thành phần (element, atoms). Những tác giả theo phương pháp toàn khối trong việc nghiên cứu hành vi hay các hiện tượng tâm lý thì được gọi là các nhà toàn thể luận (holists), phân biệt với các nhà yếu tố luận hay nhà nguyên tử luận, nghiên cứu các hiện tượng phức tạp bằng cách tìm kiếm các yếu tố hay các thành phần cấu tạo nên các hiện tượng ấy. Các nhà tâm lý học hình thức là các tác giả theo toàn thể luận.


TIỀN THÂN CỦA TÂM LÝ HỌC HÌNH THỨC
CẤU TRÚC ĐỒNG DẠNG VÀ LUẬT PRAGNANZ
SỰ KHÔNG BIẾN ĐỔI TRI GIÁC
CẮT NGHĨA CỦA THUYẾT GESTALT VỀ VIỆC HỌC IẬP
CÔNG TRÌNH CỦA KARL LASHLEY
TỪ VỰNG

Created by AM Word2CHM

TIỀN THÂN CỦA TÂM LÝ HỌC HÌNH THỨC

NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 14. TÂM LÝ HỌC HÌNH THỨC (GESTALT)

Immanuel Kant

Immanuel Kant (1724-1804) tin rằng kinh nghiệm ý thức là kết quả sự tương tác giữa kích thích giác quan và các hoạt động của các khả năng của tinh thần. Nói khác đi, tinh thần thêm vào cho kinh nghiệm ý thức của chúng ta một cái gì đó mà kích thích giác quan không có. Nếu ta thay thuật ngữ các khả năng của tinh thần bằng các tính chất của não, thì quan điểm của Kant và của các nhà tâm lý học hình thức rất giống nhau. Cả hai cùng tin rằng kinh nghiệm ý thức thì khác với các yếu tố cấu thành kinh nghiệm ấy. Theo Kant và các nhà tâm lý học Gestalt, có một khác biệt quan trọng giữa tri giác và cảm giác. Sự khác biệt đó là vì trí khôn (theo Kant) hay não (theo các nhà Gestalt) của chúng ta biến đổi kinh nghiệm cảm giác, làm cho nó có cơ cấu và tổ chức hơn và vì thế có ý nghĩa hơn là nếu không có hoạt động này của tinh thần hay não. Vì vậy thế giới mà chúng ta nhận thức thì không bao giờ chỉ thuần túy là thế giới mà chúng ta cảm giác.

Ernst Mach

Ernst Mach (1838-1916) giả định có hai loại tri giác xuất hiện độc lập với các yếu tố tạo thành chúng: hình thái không gian và hình thái thời gian. Ví dụ, người ta kinh nghiệm hình thái tròn bất luận hình tròn mà người ta xem thấy là to hay nhỏ, đỏ hay xanh, sáng, hay tối. Kinh nghiệm về "tính tròn" là một ví dụ về hình thái không gian. Tương tự, một giai điệu được nhận ra giống nhau bất luận người ta chơi theo điệu nào hay nhịp nào. Như thế, một giai điệu là một ví dụ về hình thái thời gian. Mach muốn nói lên điểm quan trọng là một loạt các yếu tố cảm giác đa dạng có thể làm phát sinh cùng một tri giác; vì vậy, ít là có một số tri giác không lệ thuộc bất cứ một nhóm yếu tố cảm giác đặc thù nào.

Christian von Ehrenfels

Khi triển khai các khái niệm của Mach về hình thái thời gian và không gian, Christian von Ehrenfels (1859-1932) nói rằng các tri giác của chúng ta có chứa các hình thức phẩm chất (Gestalt Qualitaten) (form qualities) không chứa trong các cảm giác riêng rẽ. Bất luận các điểm của một mô hình được sắp xếp thế nào, chúng ta vẫn nhận ra mô hình chứ không nhận ra từng điểm một. Theo cả Mach lẫn Ehrenfels, hình thái là cái gì xuất hiện từ các yếu tố của cảm giác. Mach và Ehrenfels tin rằng các yếu tố cảm giác thường kết hợp với nhau để làm xuất hiện kinh nghiệm về hình thái.

William James

Vì không ưa thuyết yếu tố trong tâm lý học, William James (1842-1910) cũng có thể được coi là một người mở đường cho tâm lý học hình thức. Ông nói rằng sở dĩ Wundt tìm kiếm các yếu tố của ý thức là vì một quan điểm giả tạo và sai lạc về đời sống tâm linh. Thay vì nhìn tinh thần như bao gồm các yếu tố tâm linh riêng rẽ, James quan niệm nó là một dòng ý thức. Ông tin rằng dòng ý thức này phải là đối tượng nghiên cứu của tâm lý học, và phải loại bỏ việc chia cắt nó để phân tích xa hơn.

Tâm lý học Hành vi

Chúng ta thấy ở chương 9 rằng các thành viên của trường phái Wurzburg, như Franz Brentano và Carl Stumpf, ủng hộ kiểu nội quan tập trung vào các hành vi tri giác, cảm giác, hay giải quyết vấn đề. Họ chống lại việc dùng nội quan để tìm kiếm các yếu tố tâm linh, và họ hướng loại nội quan của họ vào các hiện tượng tâm linh. Như thế, cả trường phái "hành vi" lẫn Gestalt đều là những nhà hiện tượng luận. Chúng ta không ngạc nhiên về việc tâm lý học hành vi ảnh hưởng đến tâm lý học hình thức, bởi vì cả ba nhà sáng lập tâm lý học Gestalt (Wertheimer, Koffka, và Kohler), đều từng là học trò của Carl Stumpf. Kohler thậm chí còn đề tặng một tác phẩm của ông cho Stumpf (1920) nữa.

Những Phát triển trong Vật lý học

Bởi vì các thuộc tính của từ trường rất khó hiểu nếu dựa trên quan niệm cơ giới và yếu tố luận của vật lý học Galileo-Newton, nên một số nhà vật lý học quay sang nghiên cứu các lực trường, trong đó mọi sự kiện đều có tương quan với nhau. (Bất cứ điều gì xảy ra trong một lực trường thì đều ảnh hưởng cách nào đó tới bất cứ điều gì khác trong cùng lực trường ấy.) Kohler rất thành thạo về vật lý học và thậm chí có thời gian từng theo học với Max Planck, tác giả của thuyết cơ học lượng tử. Thực ra, có thể nói cách thích đáng rằng tâm lý học Gestalt là một cố gắng rập khuôn tâm lý học theo mô hình của lý thuyết về trường thay vì theo vật lý học Newton. Chúng ta sẽ nói thêm về cố gắng này dưới đây.

VIỆC SÁNG LẬP TÂM LÝ HỌC HÌNH THỨC

Năm 1910 Max Wertheimer đang ngồi trong một toa xe lửa khởi hành từ Vienna trong chuyến đi nghỉ tại vùng Rhineland, bỗng ông chợt nảy ra một ý tưởng mà sau này sẽ làm phát sinh tâm lý học hình thức. Ý tưởng đó là các tri giác của chúng ta có các cấu trúc khác hẳn với cấu trúc của kích thích giác quan. Nghĩa là, tri giác của chúng ta thì khác với các cảm giác tạo thành tri giác. Để tìm hiểu thêm khái niệm này, Wietheimer xuống xe ở ga Frankfurt, mua một đèn chớp đồ chơi (một đèn có thể làm cho các hình bất động có vẻ như cử động), và bắt đầu thí nghiệm trong một khách sạn. Rõ ràng Wertheimer đang tri giác một chuyển động mà trong thực tế không có chuyển động gì cả. Để nghiên cứu hiện tượng này kỹ hơn, ông đến Đại học Frankfurt, nơi ông có thể sử dụng một đèn chớp siêu tốc (đèn chớp siêu tốc có thể tắt bật một từ hay hình ảnh trong một thời gian có thể tính bằng các phần nhỏ của giây). Chớp liên tiếp hai lần liền, Wertheimer thấy rằng nếu thời gian giữa hai lần chớp là lâu (200 phần ngàn giây hay lâu hơn), người quan sát nhận ra hai tia chớp tắt bật liên tiếp. Quãng giữa hai tia chớp rất ngắn (30 phần ngàn giây hay ít hơn), cả hai tia chớp có vẻ xảy ra đồng thời. Nhưng nếu quãng cách giữa hai tia chớp vào khoảng 60 phần ngàn giây, thì hình như một tia sáng di chuyển từ một vị trí này sang một vị trí khác. Wertheimer gọi hiện tượng chuyển động này là phi phenomenon, và bài báo của ông năm 1912 nhan đề "Nghiên cứu Thực nghiệm về Tri giác Chuyển động" mô tả hiện tượng này thường được coi là khởi điểm chính thức của tâm lý học hình thức.

Hai phụ tá phòng thí nghiệm của Wertheimer tại Đại học Frankfurt là hai nhà nghiên cứu vừa đậu tiến sĩ ở Berlin: Kurt Koffka và Wolfgang Kohler, cả hai đều đứng ra làm vật thí nghiệm cho Wertheimer trong thí nghiệm của ông về tri giác. Koffka và Kohler luôn gắn liền quá mật thiết với sự phát triển tâm lý học Gestalt khiến cho hai ông thường được coi là đồng sáng lập trường phái này cùng với Wertheimer.

Max Wertheimer

Max Wertheimer (1880-1943) sinh tại Praha và theo học một trường Gymnasium (tương đương với trung học bây giờ) cho tới năm 18 tuổi, sau đó đến Đại học Praha và học luật tại đây. Trong thời gian theo học Đại học Praha, ông chuyển hướng quan tâm từ luật sang triết học, và trong thời gian này ông dự các buổi giảng trình của Ehrenfels. Sau khi qua một thời gian ở Đại học Berlin (1901-1903) trong các giờ học của Stumpf. Wertheimer chuyển sang Đại học Wurzburg, tại đây ông đậu bằng tiến sĩ năm 1904 hạng ưu, dưới sự hướng dẫn của Kulpe. Luận án tiến sĩ của ông là về sự phát hiện việc nói dối. Từ 1904 đến 1910, Wertheimer giữ các chức vụ đại học tại các Đại học Praha, Vienna, và Berlin. Ông giảng dạy tại Đại học Frankfurt từ 1910 đến 1916, Đại học Berlin từ 1916 đến 1920, và trở lại Đại học Frankfurt từ 1929 đến 1933. Năm 1933 ông di cư sang Hoa Kỳ và giảng dạy tại New School for Social Research tại New York cho tới khi ông qua đời năm 1943.

Kurt Koffka

Sinh tại Berlin, Kurt Koffka (1886-1941) đậu tiến sĩ ở Đại học Berlin năm 1908, dưới sự hướng dẫn của Carl Stumpf. Trong thời gian ở Đại học Frankfurt, Koffka bắt đầu một sự hợp tác lâu dài với Wertheimer và Kohler. Năm 1924 ông sang Hoa Kỳ, và sau một thời gian làm giáo sư thỉnh giảng tại các Đại học Cornell và Wisconsin, ông nhận một chức vụ tại Smith College ở Northampton, Massachusetts, và ở lại đây tới lúc ông qua đời năm 1941.

Năm 1922 Koffka viết một bài báo bằng tiếng Anh về tâm lý học hình thức. Xuất hiện trên tờ Psychological Bulletin, bài báo nhan đề "Tri giác: Dẫn nhập vào Lý thuyết hình thức." Người ta thường cho rằng bài báo này là nguyên nhân khiến đa số nhà tâm lý học Mỹ hiểu lầm rằng các nhà tâm lý học hình thức chỉ quan tâm đến tri giác. Sự thật là, ngoài tri giác, các nhà tâm lý học hình thức cũng quan tâm đến nhiều vấn đề triết học cũng như việc học tập và suy nghĩ. Lý do khiến lúc ban đầu tâm lý học hình thức tập trung nhiều vào tri giác là vì Wundt đang tập trung vào tri giác, và Wundt là mục tiêu công kích hàng đầu của trường phái tâm lý học hình thức.

Năm 1921 Koffka xuất bản một sách quan trọng về tâm lý trẻ em, với nhan đề Phát triển Trí Khôn: Dẫn nhập vào Tâm lý Trẻ em. Năm 1935 Koffka xuất bản cuốn Nguyên tắc của Tâm lý học hình thức, có mục đích là một trình bày hệ thống đầy đủ về lý thuyết hình thức. Cuốn này được đề tặng Kohler và Wertheimer để ghi nhớ tình bạn và sự gợi hứng của hai ông này.

Wolfgang Kohler

Wolfgang Kohler (1887-1967) sinh ngày 21 tháng 1 tại Reval, Estonia, và đậu tiến sĩ năm 1909 tại Đại học Berlin. Như Koffka, Kohler làm việc dưới sự hướng dẫn của Stumpf. Năm 1909 Kohler đến Đại học Frankfurt, tại đây, một năm sau ông tham gia với Wertheimer và Koffka trong việc nghiên cứu để cho ra đời phong trào hình thức. Cuộc hợp tác của Kóhler với Wertheimer và Koffka bị gián đoạn tạm thời vào năm 1913 vì Viện Hàn Lâm Khoa Học Phổ mời ông đến trạm nghiên cứu loài vượn dạng người của Viện tại Tenerife, thuộc quần đảo Canary, để nghiên cứu về loài vượn. Một thời gian ngắn sau khi ông đến nơi thì cuộc Thế Chiến I bùng nổ, và ông bị bỏ rơi tại đảo trong 7 năm. Trong thời gian này, ông nghiên cứu về bản chất việc học tập của loài vượn và đã tóm tắt các quan sát của ông trong tác phẩm Trí Khôn của Loài Vượn (1917).

Sau khi trở về Đức, Kohler nhận chức giáo sư tại Đại học Gottingen (1921-1922), và năm 1922 ông kế nhiệm Stumpf làm giám đốc Viện Tâm lý học tại Đại học Berlin. Sự bổ nhiệm này tạo uy tín cho Kohler và làm cho tâm lý học hình thức được quốc tế nhìn nhận. Ông viết Gestalt bằng tiếng Anh Psychology (1929) và đặc biệt nhắm đến các nhà tâm lý học Mỹ.

Năm 1935, không chịu đựng nổi mối đe doạ của Đức Quốc Xã, Kohler di cư sang Hoa Kỳ. Sau khi giảng dạy tại Harvard một năm, ông nhận chức giáo sư tại Đại học Swarthmore, ở Swarthmore, Pennsylvania, và ở lại đây cho tới khi ông nghỉ hưu năm 1958.

Created by AM Word2CHM

CẤU TRÚC ĐỒNG DẠNG VÀ LUẬT PRAGNANZ

NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 14. TÂM LÝ HỌC HÌNH THỨC (GESTALT)

Một câu hỏi cơ bản mà Wertheimer phải trả lời là làm thế nào chỉ có hai kích thích mà có thể tạo ra tri giác về chuyển động. Wertheimer đã không phát hiện ra rằng sự chuyển động chỉ ở dáng vẻ bề ngoài (chuyển động biểu kiến). Người ta đã từng biết đến nó nhiều năm trước. Trên thực tế, phim cử động đã được phát minh 25 năm trước khi Wertheimer khám phá ra phi phenonmenin. Cái gì khác biệt trong lối giải thích của Wertheimer về hiện tượng. Wundt giải thích về chuyển động biểu kiến rằng đó là do mắt thay đổi điểm tập trung với mỗi lần trình bày kích thích thị giác liên tiếp nhau, và điều này làm cho các cơ điều khiển mắt phát ra các cảm giác giống hệt như khi chúng ta kinh nghiệm chuyển động thực sự. Như thế, do kinh nghiệm quá khứ với các cảm giác giống như thế (liên tưởng), người ta có cảm giác là có chuyển động thực sự.

Bằng một chứng minh tinh vi, Wertheimer cho thấy rằng các giải thích dựa trên các kinh nghiệm học tập là không hợp lý. Lại dùng một máy chớp hình, ông cho thấy rằng hiện tượng phi có thể xảy ra theo hai hướng cùng một lúc. Ba đèn được sắp đặt như trong hình vẽ dưới đây:

Bóng đèn ở giữa được bật lên, và một lát sau hai bóng đèn kia cũng bật lên cùng một lúc. Wertheimer lặp lại tiến trình này một số lần. Ánh sáng của bóng đèn ở giữa có vẻ rơi xuống phía phải và trái cùng một lúc, nhưng vì mắt không thể di chuyển cùng một lúc về cả hai phía, nên giải thích dựa trên các cảm giác từ cơ mắt là không thể chấp nhận.

Ứng dụng Lý thuyết về Trường

Nếu kinh nghiệm về các hiện tượng tâm lý không thể giải thích bằng các quy trình của giác quan hay suy luận, thì phải giải thích nó như thế nào? Các nhà tâm lý học hình thức trả lời rằng não chứa các trường cấu trúc gồm các lực điện-hóa vốn đã có trước khi có kích thích của cảm giác. Vừa khi vào trường này, các dữ liệu giác quan vừa biến đổi cấu trúc của trường vừa bị biến đổi bởi nó. Cái mà chúng ta kinh nghiệm một cách ý thức là do sự tương tác giữa các dữ liệu giác quan và các lực trường trong não. Bản chất của trường sẽ có ảnh hưởng mạnh tới cách mà các phân tử được phân phối, nhưng tính chất của các phân tử cũng ảnh hưởng tới sự phân phối này. Trong trường hợp kinh nghiệm ý thức, điểm quan trọng là các trường của hoạt động trong não biến đổi các dữ liệu của giác quan và tạo cho các dữ liệu ấy các tính chất mà vốn chúng không có. Theo phân tích này, toàn thể (các lực trường điện-hóa trong não) tồn tại trước các thành phần (các cảm giác riêng rẽ), và chính cái toàn thể này tạo cho các thành phần tính chất hay ý nghĩa của chúng.

Cấu trúc đồng dạng Tâm vật lý

Để mô tả đầy đủ hơn về sự tương quan giữa trường hoạt động của não và kinh nghiệm ý thức, các nhà tâm lý học Gestalt đưa ra khái niệm về cấu trúc đồng dạng tâm vật lý, được Kohler mô tả như sau: "Thứ tự được kinh nghiệm trong không gian thì luôn luôn có cấu trúc đồng dạng với thứ tự chức năng trong sự phân phối các quy trình cơ bản của não." Ở chỗ khác, Kohler nói, "Các sự kiện tâm lý và các sự kiện cơ bản trong não giống nhau về mọi tính chất cấu trúc của chúng."

Ý niệm hình thức về cấu trúc đồng dạng nhấn mạnh sự kiện rằng các lực trường trong não biến đổi các dữ liệu giác quan đến não và chính các dữ liệu đã biến đổi này là cái mà chúng ta kinh nghiệm một cách ý thức." (Thuật ngữ cấu trúc đồng dạng dịch từ thuật ngữ isomorphism có gốc Hy Lạp là iso ("giống, tương tự") và morphic ("hình dạng"). Các mẫu hoạt động của não và các mẫu của kinh nghiệm ý thức có cấu trúc tương tự nhau. Các nhà tâm lý học hình thức không nói rằng các mẫu hoạt động điện-hóa của não cũng là một với các mẫu hoạt động của tri giác. Đúng hơn, họ nói rằng các trường tri giác luôn luôn được tạo ra do các mẫu hoạt động cơ bản của não.

Luật của Pragnanz

Các nhà tâm lý học hình thức tin rằng các lực tạo ra các cấu hình như bong bóng xà phòng và các từ trường thì cũng tạo ra các cấu hình trong não. Các cấu hình của năng lượng xảy ra trong mọi hệ vật lý luôn luôn là kết quả của trường toàn thể của các lực tương tác nhau, và các lực vật lý này luôn luôn tự bố trí theo những cách đối xứng đơn giản nhất trong các hoàn cảnh. Vì vậy, theo nguyên tắc về cấu trúc đồng dạng tâm vật lý, các kinh nghiệm tâm lý cũng phải đơn giản và đối xứng. Các nhà tâm lý học hình thức tóm lược sự tương quan này giữa các lực trường trong não và các kinh nghiệm ý thức bằng luật Pragnanz, là luật trọng tâm của tâm lý học hình thức. Các thông tin giác quan có thể rời rạc và không đầy đủ, nhưng khi chúng tương tác với các lực trường trong não, chúng phát sinh kinh nghiệm ý thức có tổ chức và đầy đủ. Luật Pragnanz phát biểu rằng sự tổ chức tâm lý sẽ luôn luôn là tối ưu tùy theo hoàn cảnh cho phép, bởi vì các hoạt động trường của não luôn luôn bố trí theo cách đơn giản nhất trong các hoàn cảnh chi phối, giống như các lực trường vật lý khác. Luật Pragnanz khẳng định rằng mọi kinh nghiệm ý thức đều có khuynh hướng được tổ chức, đối xứng, và đơn giản tối đa, tùy theo mẫu hoạt động của não ở bất cứ thời điểm nhất định nào. Đây là ý nghĩa của câu "tối ưu tùy theo hoàn cảnh cho phép."

Hình 14.1. Khái niệm Gestalt về cấu trúc đồng dạng

Do đó, cái mà chúng ta kinh nghiệm một cách ý thức thì được quyết định bởi sự tương tác giữa kích thích của cảm giác và hoạt động của não, được chi phối bởi luật Pragnanz. Hình 14.1 minh họa vai trò quan trọng của luật Pragnanz trong quy trình của cấu trúc đồng dạng tâm vật lý, theo quan niệm của các nhà tâm lý học hình thức.

Created by AM Word2CHM

SỰ KHÔNG BIẾN ĐỔI TRI GIÁC

NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 14. TÂM LÝ HỌC HÌNH THỨC (GESTALT)

Các kích thích của các sự vật trên giác quan chúng ta thực sự có những biến đổi rất lớn, nhưng chúng ta vẫn nhận thấy cùng một vật, sự kiện này được gọi là sự không biến đổi tri giác (perceptual constancy):

Người đàn ông đang tiến lại gần chúng ta trên đường phố không thấy có vẻ to hơn theo các lý do đơn sơ về thị giác đòi hỏi. Hình tròn nằm trên một mặt phẳng không thấy có vẻ là một hình êlip; chúng ta vẫn thấy nó là một hình tròn mặc dù ảnh của nó trong võng mạc có vẻ là một hình êlip rất dẹt... Cái vật màu trắng với một cái bóng mờ ngang qua vẫn được chúng ta thấy là vật màu trắng, một tờ giấy đen được ánh sáng chiếu sáng rực lên vẫn còn là một tờ giấy đen xì. Sự vật trong thế giới vật lý luôn luôn vẫn là một, nhưng các kích thích của mắt chúng ta thay đổi khi độ xa, hướng nhìn và ánh sáng chiếu trên vật ấy thay đổi. Vậy, cái mà chúng ta có vẻ kinh nghiệm thấy thì phù hợp với sự không thay đổi thực sự của vật trong thế giới vật lý hơn là với sự biến đổi của các kích thích. Do đó, có các thuật ngữ như sự không biến đổi về hình thù, kích thước, và độ sáng.

Các nhà duy nghiệm cắt nghĩa sự không biến đổi tri giác là kết quả của kinh nghiệm. Các nhà tâm lý học hình thức không đồng ý. Kohler, chẳng hạn, cho rằng sự không biến đổi là phản ánh trực tiếp hoạt động đang diễn ra trong não chứ không phải kết quả của cảm giác cộng với học tập. Lý do khiến chúng ta kinh nghiệm một vật không thay đổi trong các điều kiện thay đổi là vì sự tương quan giữa vật ấy và các vật khác vẫn là một. Vì sự tương quan này vẫn là một, nên trường hoạt động của não cũng là một, và vì vậy kinh nghiệm ý thức (tri giác) vẫn là một.

Vì vậy giải thích của tâm lý học hình thức ở đây chỉ là một sự mở rộng khái niệm về cấu trúc đồng dạng tâm vật lý.

CÁC HÌNH THỨC CỦA TRI GIÁC

Qua nhiều năm, các nhà tâm lý học hình thức đã phân biệt ra được trên 100 hình thái (Gestalten) theo đó các dữ liệu thị giác được sắp xếp. Chúng ta chỉ nêu ví dụ một vài hình thái dưới đây.

Tương quan ảnh-nền

Theo nhà tâm lý học Đan Mạch Edgar Rubin (1886-1951), kiểu tri giác cơ bản nhất là sự phân chia trường tri giác thành hai phần: ảnh, rõ ràng và thống nhất và là đối tượng chú ý; nền, lờ mờ và gồm tất cả những gì không được chú ý đến. Sự phân chia này tạo ra cái được gọi là sự tương quan ảnh nền. Như vậy, cái gì là ảnh và cái gì là nền có thể được hoán chuyển bằng cách thay đổi sự chú ý. Hình 14.2 cho thấy điều này. Khi người ta tập trung chú ý vào hai bóng đầu người, người ta không thể thấy cái bình và ngược lại. Cũng thế, khi người ta tập trung vào hình chữ thập đen, người ta không thể thấy chữ thập trắng và ngược lại.

Các nhà tâm lý học hình thức đã làm cho tương quan ảnh-nền trở thành một yếu tố quan trọng trong hệ thống lý thuyết của họ.

Hình 14.2. Trong mỗi hình trên đây cái gì là ảnh và cái gì là nền?

Các nguyên tắc hình thức về tổ chức Tri giác

Ngoài việc mô tả tri giác ảnh-nền, các nhà Gestalt còn mô tả các nguyên tắc mà theo đó các yếu tố tri giác được tổ chức thành các cấu hình. Ví dụ, các kích thích có sự tiếp nối liên tục với nhau sẽ được kinh nghiệm như là một đơn vị tri giác. Hình 14.3a.cho chúng ta một minh họa về nguyên tắc liên tục này. Lưu ý rằng mẫu xuất hiện không thể tìm thấy trong riêng từng điểm (yếu tố) đặc thù nào. Ngược lại, vì một số điểm thường dẫn về cùng một hướng, nên người ta phản ứng với chúng như một cấu hình (Gestalt). Nhiều người có thể sẽ mô tả hình này như gồm hai đường cong. Khi các kích thích ở gần nhau, chúng có khuynh hướng hợp chung vào thành một đơn vị tri giác. Đó là nguyên tắc tiếp giáp. Trong Hình 14.3b, các chữ X có khuynh hướng được thấy như hợp thành từng nhóm 2 X chữ thay vì riêng từng chữ X. Các đường thẳng cũng thế.

Theo nguyên tắc bao gồm, khi có nhiều hơn một hình, chúng ta thường có khuynh hướng nhìn thấy hình nào chứa nhiều số lượng kích thích nhất. Ví dụ, nếu một hình nhỏ được đặt trong một hình lớn, chúng ta thường thấy hình lớn hơn là hình nhỏ. Việc sử dụng đồ ngụy trang là một ứng dụng của luật này. Ví dụ, các tàu sơn màu nước biển và xe tăng sơn màu đất là những môi trường chúng hoạt động trong đó thì sẽ hoà vào với nền khiến cho người ta khó phát hiện ra chúng hơn. Trong Hình 14.3c, ký hiệu 16 khó thấy vì quá nhiều thành phần của nó là thành phần của một tập hợp kích thích phức tạp hơn. Kohler cho rằng nguyên tắc bao gồm là một bằng chứng chống lại giải thích duy nghiệm về tri giác. Ông nói đa số người ta có kinh nghiệm nhiều hơn với căn bậc hai của 16 hơn là với hình vẽ 14.3c. Thế nhưng người ta lại có khuynh hướng nhận ra hình nào bao quát hơn. Kohler (1969) cũng có cùng một nhận xét như thế với hình vẽ sau:

Kohler nhận thấy nếu tri giác được quyết định bởi kinh nghiệm quá khứ (học tập), thì đa số người ta sẽ phải nhìn ra chữ men quen thuộc cùng với ảnh phản chiếu của nó trong hình. Nhưng trong thực tế, hầu như ai cũng nhận ra một hình thù kỳ lạ hơn, giống như một đường chân trời gồm các hình quả tim.

Các vật giống nhau thường có khuynh hướng hình thành một đơn vị tri giác. Đây là nguyên tắc tương tự. Ví dụ, các cặp song sinh thường nổi bật giữa đám đông, và các tổ mặc các bộ đồng phục khác nhau thường nổi bật thành hai nhóm khác nhau. Trong Hình 14.3d, các kích thích có những điểm chung với nhau thì đứng thành một đơn vị tri giác.

Như ta đã thấy, các nhà Gestalt tin vào nguyên tắc đồng dạng tâm lý, theo đó thì kinh nghiệm ý thức của chúng ta trực tiếp liên quan tới các mẫu hoạt động của não, và hoạt động của não tự tổ chức thành các mẫu theo luật Pragnanz. Như thế rất có thể các mẫu hoạt động của não thường được tổ chức tốt hơn là các kích thích được đưa vào các mẫu ấy. Điều này được thấy rõ trong nguyên tắc khép kín, theo đó các hình không đầy đủ trong thế giới vật lý được tri giác như là các hình đầy đủ. Như Hình 14.3e cho thấy, cho dù các hình có những chỗ bị thiếu - vì thế chúng không phải là các hình tròn, tam giác, hay chữ nhật - chúng vẫn được kinh nghiệm như là các hình tròn, tam giác, và chữ nhật. Sở dĩ như thế là vì não biến đổi các kích thích thành các cấu hình có tổ chức và sau đó chúng được kinh nghiệm một cách ý thức. Cùng lý do như thế, trong Hình 14.3e, chúng ta thấy một người cưỡi ngựa.

THỰC TẠI CHỦ QUAN VÀ KHÁCH QUAN

Vì não tác động trên các dữ liệu giác quan và tổ chức chúng thành các cấu hình, nên cái mà chúng ta biết và hành động dựa trên đó là một sản phẩm của não hơn là của thế giới vật lý. Koffka sử dụng sự kiện này để phân biệt giữa môi trường địa lý với môi trường hành vi. Theo ông, môi trường địa lý là môi trường vật lý, trong khi môi trường hành vi là sự giải thích chủ quan của chúng ta về môi trường địa lý. Theo thuyết Gestalt, thực tại chủ quan của chúng ta có ảnh hưởng trên hành động của chúng ta hơn ảnh hưởng của thế giới vật lý.

Created by AM Word2CHM

CẮT NGHĨA CỦA THUYẾT GESTALT VỀ VIỆC HỌC IẬP

NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 14. TÂM LÝ HỌC HÌNH THỨC (GESTALT)

Kinh nghiệm bằng Thử và Sai

Như ta đã thấy, các nhà tâm lý học Gestalt tin rằng hoạt động của não có khuynh hướng đi đến sự cân bằng, theo luật Pragnanz. Khuynh hướng cân bằng này tiếp tục xảy ra một cách tự nhiên trừ khi nó bị cắt đứt. Theo các nhà Gestalt, sự tồn tại của một vấn đề là một ảnh hưởng tạo sự cắt đứt khuynh hướng cân bằng này. Nếu một vấn đề xảy ra, có một tình trạng mất cân bằng xảy ra cho tới khi vấn đề được giải quyết. Vì tình trạng mất cân bằng là không tự nhiên, nên nó tạo ra một sự căng thẳng với các thuộc tính về động lực làm cho sinh vật tiếp tục hoạt động cho tới khi nó giải quyết được vấn đề. Một cách điển hình, sinh vật giải quyết vấn đề của nó về phương diện tri giác bằng cách rà soát môi trường và về phương diện kinh nghiệm bằng cách thử một giải pháp này tới một giải pháp khác, cho tới khi đạt được giải pháp thỏa đáng. Như thế các nhà Gestalt nhấn mạnh lối thử và sai về nhận thức thay vì lối thử và sai về hành vi. Họ tin rằng các sinh vật nhìn ra giải pháp cho vấn đề.

Học tập bằng trực giác

Kohler nghiên cứu rất nhiều về việc học tập từ 1913 đến 1917 khi ông bị bỏ rơi trên đảo Tenerife trong Thế Chiến I. Trong một thí nghiệm điển hình, ông dùng vượn làm vật thí nghiệm, Kohler treo một món mà con vật ưa thích-ví dụ một quả chuối ở trên cao vừa đủ xa khỏi tầm với của con vật. Rồi ông đặt gần con vật các thứ như thùng và gậy mà con vật có thể sử dụng để lấy quả chuối. Bằng cách xếp chồng các thùng lên nhau phía dưới quả chuối hay dùng các cây gậy, con vật có thể lấy được quả chuối. Có trường hợp con vật phải nối hai cây gậy lại với nhau để chạm tới quả chuối.

Khi nghiên cứu vấn đề học tập, Kohler cũng dùng các vấn đề vòng vo nghĩa là các vấn đề con vật có thể thấy mục tiêu trong đó nhưng không thể đạt được mục tiêu ấy cách trực tiếp. Để giải vấn đề, con vật phải học sử dụng một con đường gián tiếp để đi đến mục tiêu. Hình 14.4 cho thấy một vấn đề lòng vòng điển hình. Kohler thấy rằng loài gà gặp khó khăn nhiều với các loại vấn đề như thế, nhưng loài vượn có thể giải quyết chúng khá dễ.

Hình 14.4 Một vấn đề vòng vo điển hình được Kohler dùng để nghiên cứu quy trình

Kohler nhận thấy rằng trong giai đoạn trước khi đi đến giải pháp, con vật có vẻ cân nhắc tình hình - nghĩa là chúng thử các giả thuyết khác nhau. Rồi đến một lúc nào đó, con vật đạt được trực giác về giải pháp và hành động theo trực giác ấy. Theo các nhà Gestalt, học tập bằng trực giác thì hiệu quả hơn học từ chương hay phương pháp thử và sai bằng hành động.

TƯ DUY HIỆU QUẢ

Wertheimer rất quan tâm đến việc áp dụng thuyết hình thức vào việc giáo dục. Tác phẩm của ông nhan đề Tư Duy Hiệu Quả được xuất bản năm 1945, sau khi ông qua đời, và được tái bản năm 1959 dưới sự biên tập của con ông, Michael. Các kết luận Wertheimer đạt được về việc tư duy hiệu quả được dựa trên kinh nghiệm cá nhân, thí nghiệm, và phỏng vấn các nhân vật nổi tiếng về việc giải vấn đề, như Einstein:

Đó là những ngày tuyệt vời, bắt đầu năm 1916, khi tôi may mắn được ngồi hàng giờ với Einstein, một mình trong phòng làm việc của ông, và nghe ông kể câu chuyện về những phát triển kỳ diệu dẫn đến thuyết tương đối. Trong những câu chuyện lâu như thế, tôi hỏi Einstein rất chi tiết về các sự kiện cụ thể trong tư tưởng ông. (Max Wertheimer. 1945, tr. 213).

Wertheimer đối chọi lối học theo nguyên tắc hình thức với lối học từ chương chịu ảnh hưởng của tác động tăng cường bên ngoài và liên tưởng. Lối học thứ nhất dựa trên việc hiểu bản chất của vấn đề. Như ta đã thấy ở trên, sự tồn tại của một vấn đề tạo ra một sự mất cân bằng trong ý thức bao lâu vấn đề còn tồn tại. Giải pháp tìm ra sẽ phục hồi sự hài hoà nhận thức, và sự phục hồi này là tất cả sự tăng cường mà người học cần đến. Vì học và giải quyết vấn đề làm cho cá nhân cảm thấy thỏa mãn, chúng bị chi phối bởi sự tăng cường nội tại hơn là ngoại tại. Wertheimer nghĩ chúng ta được thúc đẩy học và giải quyết vấn đề bởi vì chúng ta cảm thấy thỏa mãn khi làm việc ấy, chứ không phải bởi vì một ai khác thúc đẩy chúng ta làm như thế. Vì việc học tập theo các nguyên tắc Gestalt thì dựa trên sự hiểu biết cấu trúc của vấn đề, nên nó dễ nhớ và được tổng quát hóa để ứng dụng vào các hoàn cảnh khác.

Để chứng minh sự khác biệt giữa học vẹt và học dựa trên trí hiểu, Michael Wertheimer (1980) mô tả một kinh nghiệm đã được Katona thực hiện lần đầu tiên năm 1940. Katona cho các chủ thể thí nghiệm xem 15 con số và bảo họ học thuộc các con số trong vòng 15 giây: 1 4 9 1 6 2 5 3 6 4 9 6 4 8 1. Với các chỉ dẫn vỏn vẹn có thế, đa số cố gắng học thuộc tối đa các con số trong thời gian ấn định. Thực ra, Katona thấy rằng đa số các chủ thể thí nghiệm chỉ thuộc được một ít con số; và khi được trắc nghiệm lại một tuần sau đó, hầu hết đều không nhớ được một số nào.

Katona xin một nhóm khác để ý tìm xem có một mẫu hay điểm gì chung trong các số này không. Một số người thấy rằng 15 con số này biểu thị các bình phương của các số từ 1 đến 9. Họ tìm ra một nguyên tắc để ứng dụng vào vấn đề và đã có thể nhớ đúng tất cả các con số không chỉ vào lúc thí nghiệm nhưng cả nhiều tuần lễ sau đó. Trong thực tế, những người thuộc loại này có thể nhớ đúng chuỗi số này vĩnh viễn. Như thế thí nghiệm của Katona ủng hộ cho sự tin tưởng của Wertheimer rằng việc học tập và giải quyết vấn đề dựa trên các nguyên tắc Gestalt có nhiều ưu điểm hơn việc học vẹt hay giải quyết vấn đề dựa trên lô gích hình thức.

LÝ THUYẾT CỦA LEWIN VỀ TRƯỜNG

Kurt Lewin (1890-1947) sinh tại Mogilno, Đức, đậu tiến sĩ năm 1914 tại Đại học Berlin, dưới sự hướng dẫn của Stumpf. Sau mấy năm thi hành nghĩa vụ quân sự, ông trở lại Đại học Berlin và làm việc tại đây cho tới năm 1932. Trong thời gian ở đây, ông đã làm việc với Wertheimer, Koffka, và Kohler. Tuy Lewin không thuộc số những người sáng lập trường phái hình thức, ông được coi là một môn sinh đầu tiên, và đa số công trình của ông có thể coi là sự mở rộng hay ứng dụng các nguyên tắc hình thức về các đề tài như động lực, nhân cách, và năng động tập thể. Mặc dù Lewin qua đời chỉ ba năm sau khi bắt đầu công trình về năng động tập thể, ảnh hưởng của công trình này rất sâu đậm và còn được thấy rõ trong tâm lý học ngày nay.

Quan niệm Khoa học Aristotle đối lại Quan niệm Khoa học Galileo

Lewin (1935) phân biệt giữa quan niệm của Aristotle về thiên nhiên, nhấn mạnh các bản thể và phạm trù nội tại, với quan niệm của Galileo, nhấn mạnh tính nhân quả ngoại tại và động năng của các lực. Theo Aristotle, mọi vật trong thiên nhiên được chia thành các phạm trù dựa theo yếu tính của chúng, và mọi cá nhân trong một phạm trù đều có chung các đặc tính với các cá nhân khác trong phạm trù ấy. Trừ khi có một lực bên ngoài can thiệp vào, mọi thành viên của một phạm trù luôn có khuynh hướng bẩm sinh bộc lộ yếu tính của chúng. Trong thế giới các phạm trù tự nhiên khác biệt này, các lực nội tại tác động làm cho các thành viên trong mỗi phạm trù trở thành cái mà yếu tính của chúng đòi hỏi phải diễn tả.

Theo Lewin, Galileo đã làm cuộc cách mạng khoa học khi chuyển điểm tập trung từ tính nhân quả nội tại sang tính nhân quả ngoại tại. Theo Galileo, hành vi của một vật được quyết định bởi toàn thể các lực tác động trên vật ấy vào một lúc nhất định nào đó. Ví dụ, một vật sẽ rơi hay không - và nếu rơi, thì rơi với tốc độ nhanh bao nhiêu - thì được quyết định bởi toàn thể các hoàn cảnh của nó chứ không phải bởi khuynh hướng bẩm sinh là vật nặng thì rơi và vật nhẹ thì bay lên. Theo Galileo, nhân quả phát sinh không phải từ các bản tính nội tại của sự vật nhưng từ các lực bên ngoài. Như thế, ông đã loại bỏ việc phân chia các phạm trù sự vật dựa vào bản tính của chúng và các lực bên trong của chúng.

Theo Lewin (1935), tâm lý học còn dựa quá nhiều vào quan niệm khoa học Aristotle. Các nhà tâm lý học vẫn còn đang chú ý quá nhiều vào các yếu tố nội tại quyết định hành vi, như bản năng, và vẫn còn đang cố gắng phân chia người ta thành các phạm trù khác nhau, như người bình thường và người bất bình thường. Lewin cũng thấy rằng lý thuyết về các giai đoạn là sự mở rộng lối suy nghĩ Aristotle - ví dụ, lý thuyết nói rằng trẻ 2 tuổi hành động theo cách nhất định nào đó, và trẻ ba tuổi theo cách khác... Mọi cố gắng nhằm phân loại người ta thành các hạng như thế đều có thể coi là tiêu biểu cho lối tư duy Aristotle - ví dụ lối phân chia người ta thành những người hướng nội và những người hướng ngoại.

Theo Lewin, khi quan niệm nhân quả của Galileo được sử dụng, tất cả các phạm trù phân biệt này biến mất và được thay thế bởi quan niệm về nhân quả phổ quát (nghĩa là, quan niệm rằng mọi sự kiện xảy ra đều tùy thuộc vào toàn thể các ảnh hưởng xảy ra vào một lúc nhất định).

Trong tâm lý học, sự chuyển từ quan niệm Aristotle sang quan niệm Galileo có nghĩa là coi nhẹ các khái niệm như bản năng, loại và thậm chí số trung bình, và nhấn mạnh các năng động lực phức tạp tác động trên một cá nhân vào một lúc nhất định. Theo Lewin, các năng động lực này - chứ không phải các loại bản thể nội tại nào - mới là cái cắt nghĩa cho hành vi con người.

Không gian sống

Có lẽ khái niệm quan trọng nhất trong mọi tác phẩm của Lewin là khái niệm không gian đời sống. Không gian sống của một người hệ tại mọi ảnh hưởng tác động trên người ấy vào một lúc nhất định. Các ảnh hưởng này, gọi là các sự kiện tâm lý, gồm sự ý thức về các sự kiện bên trong (ví dụ đói, đau, mệt), các sự kiện bên ngoài (ví dụ quán ăn, phòng nghỉ, người khác, biển báo dừng lại, các con chó dữ), và sự nhớ lại các kinh nghiệm quá khứ (ví dụ biết rằng một người nào đó dễ chịu hay khó chịu hay biết rằng mẹ mình sẽ nói có với một số yêu cầu và nói không với một số yêu cầu khác). Đòi hỏi duy nhất để một sự kiện được gọi là sự kiện tâm lý, đó là nó tồn tại trong ý thức của một người vào lúc này. Một kinh nghiệm quá khứ chỉ là sự kiện tâm lý nếu người ta nhớ lại nó vào lúc này. Một lần nữa, Lewin gọi toàn thể các sự kiện tâm lý vào một lúc nhất định là không gian sống của người ấy.

Năng động tập thể

Những năm về sau, Lewin mở rộng các nguyên tắc Gestalt vào hành vi của các tập thể. Theo Lewin, một tập thể có thể được coi là một hệ vật lý giống như não. Trong cả hai trường hợp, hành vi của các yếu tố cá nhân được quyết định bởi cấu hình của trường năng lượng đang có. Vì vậy, bản tính hay cấu hình của một tập thể sẽ ảnh hưởng mạnh đến hành vi của các thành viên của tập thể ấy. Giữa các thành viên của mỗi nhóm, có một cái mà Lewin gọi là sư tương thuộc năng động. Nghiên cứu của Lewin về năng động tập thể đã dẫn tới điều mà ngày nay người ta gọi là sự giao lưu nhóm, đào luyện tính nhạy cảm, và các trường đào tạo lãnh đạo.

Trong một nghiên cứu, Leiwin, Lippiett, và White (1939) tìm hiểu ảnh hưởng của các loại lãnh đạo khác nhau đối với sự thể hiện của tập thể. Người ta lựa chọn các trẻ em trai và đặt chúng vào một tập thể dân chủ trong đó người lãnh đạo hướng dẫn cuộc thảo luận nhóm và cùng tham gia làm các quyết định với các em; hay một tập thể chuyên chế trong đó người lãnh đạo làm mọi quyết định rồi ra lệnh cho các em làm theo; hay một tập thể tùy ý, trong đó không có quyết định tập thể nào và mỗi em được tùy ý muốn làm gì thì làm. Các nhà nghiên cứu thấy rằng tập thể dân chủ rất hiệu quả và thân thiện, tập thể chuyên chính rất hiếu chiến, và tập thể tùy ý rất kém hiệu quả. Lewin và những người đồng tác giả kết luận rằng sự lãnh đạo tập thể ảnh hưởng đến tính chất Gestalt của tập thể và tính chất Gestalt này ảnh hưởng tới thái độ và năng suất của các thành viên của tập thể.

Created by AM Word2CHM

CÔNG TRÌNH CỦA KARL LASHLEY

NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 14. TÂM LÝ HỌC HÌNH THỨC (GESTALT)

Một đồng nghiệp và bạn của John B. Watson tại Đại học Johns Hopkins, Karl Spencer Lashley (1890-1958) tháp tùng Watson trong chuyến đi tới Florida Keys để nghiên cứu về hành vi của loài hải yến di cư. Đậu bằng tiến sĩ tại Johns Hopkins năm 1914, Lashley là người ủng hộ thuyết hành vi ngay từ ban đầu, và ông tìm cách bênh vực thuyết liên tưởng là cơ sở của duy hành vi luận, bằng các chứng cớ sinh lý thần kinh. Nhưng lần nào ông cũng thất vọng vì không tìm được bằng chứng cho thấy não hoạt động giống như một tổng đài nối liền các kích thích cảm giác với các phản ứng vận động. Ngược với ý hướng ban đầu của ông, Lashley dần dần cho thấy rằng não hoạt động giống như kiểu các nhà Gestalt mô tả hơn là theo mô tả của các nhà tâm lý học hành vi. Ông không tìm ra chứng cớ nào cho thấy sự kích thích các khu đặc biệt trong não có liên quan đến việc khơi dậy các phản ứng chuyên biệt.

Lashley đưa ra hai nhận xét ngược với quan niệm ban đầu của ông về não như một tổng đài. Một nhận xét là sự mất khả năng theo sau việc các phần của võ não bị phá hủy có nguyên nhân là ở số lượng bị phá hủy hơn là ở vị trí bị phá hủy. Khám phá này được gọi là hoạt động toàn khối, chứng tỏ rằng vỏ não hoạt động như một khối thống nhất, đúng như các nhà Gestalt từng chủ trương. Nhận xét thứ hai là nếu sự phá hủy do cắt một phần vỏ não tạo ra sự mất khả năng, thì các phần khác của vỏ não sẽ mau chóng thay thế phần bị cắt và hoạt động bị mất sẽ được phục hồi. Khám phá này được gọi là tính đẳng thế, một lần nữa cho thấy não hoạt động như một toàn thể thống nhất chứ không như một tổng đài cơ học.

D. N. Robinson tóm tắt địa vị của Lashley trong lịch sử tâm lý học như sau, "Nếu phải tóm tắt vai trò (của Lashley) trong lịch sự phát triển tâm lý sinh học của thế kỷ 20, chúng ta có thể nói rằng ông có tương quan với trường phái Pavlov giống như Flourens tương quan với trường phái tướng sọ học.

Như chúng ta còn nhớ, các nghiên cứu của Flourens cho thấy rằng vỏ não không được xác định bởi vị trí của chức năng hoạt động, theo kiểu các nhà tướng sọ học chủ trương, nhưng hoạt động như một đơn vị thống nhất. Trường phái Pavlov (và trường phái hành vi) chủ trương một kiểu định vị trí khác - sự liên tưởng giữa một số trung ương cảm giác và một số khu vực vận động - và công trình của Lashley chứng tỏ rằng kiểu định vị trí này cũng không có. Trong bài diễn văn trong tư cách chủ toạ hội nghị của APA, Lashley đã mô tả công việc nghiên cứu của ông về hoạt động của não. Vì uy tín của Lashley và vì các khám phá của ông phần lớn ủng hộ thuyết Gestalt, nên bài phát biểu của ông đã có tác dụng lớn trong việc cổ võ tâm lý học Gestalt, mặc dù ông không tìm được chứng cớ về các điện trường của hoạt động của não, là yếu tố rất quan trọng đối với lý thuyết Gestalt.

ẢNH HƯỞNG CỦA TÂM LÝ HỌC HÌNH THỨC

Giống như mọi trường phái tâm lý học, trường phái hình thức cũng đã bị nhiều chỉ trích. Các nhà phê bình nói rằng nhiều thuật ngữ và khái niệm của Gestalt còn mơ hồ và vì vậy khó đưa vào thực nghiệm. Ngay cả tên gọi hình thức, theo các nhà phê bình, nó cũng không bao giờ được định nghĩa chính xác cả. Về các thuật ngữ như luật Pragnanz, trực giác, cân bằng và mất cân bằng ý thức cũng mơ hồ như thế. Vì thế tất nhiên các nhà tâm lý học hành vi đã công kích việc các nhà hình thức quan tâm đến ý thức, và họ cho rằng sự quan tâm này là một bước thụt lùi trở về với lập trường siêu hình học xưa kia vốn đã gây ra biết bao vấn đề cho tâm lý học.

Tuy nhiên, bất chấp các sự chỉ trích này và các chỉ trích khác nữa, thuyết hình thức rõ ràng đã ảnh hưởng đến hầu hết các khía cạnh của tâm lý học hiện đại. Michael Wertheimer đã tóm lược rất hay ảnh hưởng này:

Phong trào Gestalt đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc nổi loạn chống lại thuyết cơ cấu. Thế nhưng những phản đối của họ chống lại thuyết yếu tố còn vượt quá những phê bình của họ chống lại thuyết cơ cấu, và cũng áp dụng cả cho loại thuyết hành vi S-R nữa. Tâm lý học Gestalt kêu gọi sự chú ý đến tính hữu dụng của các khái niệm về trường và về các vấn đề có thể bị người ta quên lãng, như trực giác nơi loài vật và loài người, bản chất tổ chức của tri giác và kinh nghiệm, sự phong phú của quy trình tư tưởng đúng đắn, và lợi ích của việc nghiên cứu các đơn vị lớn hơn, toàn thể và có tổ chức hơn, đồng thời để ý tới bản chất và cấu trúc của chúng. Không được phân tích một cách tùy tiện các toàn thể thành các yếu tố định trước, vì theo các nhà Gestalt cũng như theo sự nhìn nhận của nhiều tác giả khác ngày nay, một sự phân tích như thế có thể làm hại đến ý nghĩa nội tại của cái toàn thể.

Còn Sokal thì nói về ảnh hưởng của tâm lý học hình thức như sau:

(Tâm lý học hình thức) đã làm giàu cho tâm lý học Mỹ và có công lớn trong việc chống lại các sự lôi cuốn của thuyết hành vi cực đoan. Nếu tâm lý học hình thức ngày nay không còn địa vị của một trường phái tư tưởng nữa - và rất ít môn sinh của Koffka, Kohler, Wertheimer, hay của Lewin tự xưng là nhà tâm lý học hình thức - lý do không phải là vì trào lưu tâm lý học Mỹ đã bác bỏ các ý tưởng của họ. Ngược lại, công trình của họ đã có công lớn trong việc định hướng lại trào lưu này, vốn đang chấp nhận rất nhiều quan điểm của họ. ít có trường phái khoa học nhập cư nào khác đã thành công như trường phái này.

CÁC CÂU HỎI THẢO LUẬN

1. Tóm tắt các điểm khác biệt giữa thuyết hình thức và chương trình thực nghiệm của Wundt, thuyết cơ cấu luận và thuyết hành vi.

2. Phân biệt giữa phương pháp tâm lý học phân tử và phương pháp tâm lý học toàn thể.

3. Hiện tượng phi là gì? Nó quan trọng thế nào trong việc hình thành trường phái tâm lý học hình thức?

4. Luật Praguanz là gì? Luật này quan trọng thế nào đối với tâm lý học hình thức?

5. Theo Lewin, tâm lý học dựa trên quan điểm thiên nhiên của Aristotle khác với tâm lý học dựa trên quan điểm thiên nhiên của Galileo thế nào? Nêu một ví dụ về mỗi loại.

6. Lewin muốn nói gì với thuật ngữ không gian sống

7. Tóm tắt công trình của Lewin về năng động tập thể.

8. Công trình của Lashley có tầm quan trọng gì đối với tâm lý học hình thức? Hãy định nghĩa các thuật ngữ hoạt động toàn khối và tính đẳng thế.

9. Tóm tắt ảnh hưởng của tâm lý học hình thức đối với tâm lý học ngày nay.

Created by AM Word2CHM

TỪ VỰNG

NHẬP MÔN LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC à Chương 14. TÂM LÝ HỌC HÌNH THỨC (GESTALT)

Act psychology - Tâm lý học hành vi: Loại tâm lý học nhấn mạnh việc nghiên cứu các hành vi tâm lý toàn diện, như tri giác và phán đoán, thay vì chia cắt ý thức thành các yếu tố.

Behavioral environment - Môi trường của hành vi: Theo Koffka, là thực tại chủ quan.

Constancy hypothesis - Giả thuyết hằng số: Quan điểm cho rằng có một sự tương ứng khắt khe và không đổi giữa từng kích thích và từng phản ứng, theo nghĩa là cùng một kích thích thì luôn luôn tạo ra cùng một phản ứng mà bất chấp các điều kiện bên ngoài. Các nhà Gestalt chống lại quan điểm này và cho rằng phản ứng mà một kích thích tạo ra thì lệ thuộc các mẫu hoạt động hiện có trong não và lệ thuộc toàn thể các điều kiện của hoàn cảnh.

Equypotentiality - Tính đẳng thế: Khám phá của Lashley rằng khi một phần của vỏ não bị cắt mất, các phần khác của vỏ não có thể thay thế chức năng bị cắt mất ấy.

Figure-ground relationship - Tương quan ảnh nền: Kiểu tri giác cơ bản nhất, gồm việc phân chia trường tri giác thành một ảnh (cái được chú ý đến) và một nền làm nền cho ảnh.

Geographical environment - Môi trường địa lý: Theo Koffka, là thực tại vật lý.

Gestalt - Từ tiếng Đức có nghĩa là "cấu hình, "mẫu," hay "toàn thể."

Gestalt psychology - Tâm lý học hình thức hay Tâm lý học Hình thái (hay Cấu trúc): Loại tâm lý học nghiên cứu về các lãnh vực toàn diện, toàn thể của hành vi và kinh nghiệm ý thức.

Group dynamics - Năng động tập thể: Sự mở rộng các nguyên tắc Gestalt trong nghiên cứu hành vi tập thể, do Lewin chủ trương.

Life space - Không gian sống: Theo Lewin, toàn thể các sự kiện tâm lý trong ý thức của một người vào một lúc nhất định. (Xem psychological fact)

Molar approach - Phương pháp toàn khối: Cố gắng tập trung vào các hiện tượng tâm lý và hành vi toàn diện mà không chia cắt các hiện tượng ấy.

Molecular approach - Phương pháp phân tử: Cố gắng giản lược các hiện tượng phức tạp thành các đơn vị nhỏ để nghiên cứu chi tiết. Phương pháp này dựa theo yếu tố luận.

Phi phenomenon - Hiện tượng phi: Ảo giác về một ánh sáng di chuyển từ một điểm này sang một điểm khác. Hiện tượng phi được tạo ra bởi việc chớp hai bóng đèn bằng cách bật và tắt ở một tốc độ nào đó.

Psychological fact - Sự kiện tâm lý: Theo Lewin, bất cứ cái gì mà một người đang ý thức vào một lúc nhất định.

Psychophysical isomorphism - Cấu trúc đồng dạng tâm vật lý: Quan niệm của các nhà Gestalt rằng kinh nghiệm tâm lý được làm thành bởi các mẫu hoạt động do não tạo ra - chứ không phải bởi kinh nghiệm cảm giác.

Created by AM Word2CHM

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro