Chương 2.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Văn Uyên Các như vừa trải qua một trận hỗn chiến.

Vinh Tú chậm chạp tiến vào, chứng kiến cơn gió lớn luồn qua cửa sổ, thổi mấy tầng sách nghiêng ngả rồi đổ xuống cái rầm. Chắc chắn Bối Tinh đã ngủ lại đây cả đêm để soạn được chồng công văn đó.

Vị trí ngồi hiện tại của Vinh Tú, trùng hợp thay, lại đối diện với vị trí cũ ở Chủ Kính Điện, chỉ cách hai khung cửa và cái hồ vuông yêu thích. Ánh nắng mới như lớp vải lụa dệt kim, óng ánh phủ lên bàn làm việc bằng gỗ sồi. Chất liệu gỗ trăm năm nên tuy đã dùng mòn, bề mặt vẫn trơn láng, đậm vân gỗ. Văn kiện đang soạn dở dày cả xấp. Vinh Tú nhấc hòn đá chặn giấy, cất lên kệ gỗ bên cạnh. Trên kệ bày đầy đủ văn phòng tứ bảo, chỉ cần Vinh Tú vươn tay ra là lấy được.

Tiếp quản Tứ Di Quán, công việc đầu tiên Vinh Tú nhận từ Văn Hoa Điện là hai bộ sách lớn. Một bộ là Hồng Nghĩa giác tư y thư do Đại y Thiền sư Tuệ Tĩnh viết bằng chữ Nôm, bộ còn lại là Trung luận do Bồ Tát Long Thụ viết bằng tiếng Tây Tạng.

Vinh Tú bắt tay vào bộ Hồng Nghĩa trước tiên, đến nay gần như đã hoàn thành toàn bộ, chỉ còn bước xác minh kiến thức y dược. Thiền sư Tuệ Tĩnh vừa là cao tăng vừa là danh y người Đại Việt và bộ Hồng Nghĩa là tâm huyết cả đời ông đối với thuốc Nam. Các nguyên liệu chế thuốc cơ bản là thực vật dân gian nên không làm khó được Vinh Tú. Nhưng hiệu quả của thuốc, tác dụng phụ và những lưu ý ngoài lề cần thảo luận sâu hơn với Thái y viện.

Tại chốn quan triều, người duy nhất có giao tình tốt với Vinh Tú trong những năm qua chỉ có Viện phán Thái y viện Cao Viên Hoằng. Cao Viên Hoằng, tự Phổ Bác, người Hà Nam. Cao gia ba đời hành y tế thế, đến đời của y có thể nói là danh tiếng lẫy lừng. Hồng Hi Đế trời sinh cơ thể yếu ớt, hay mắc bệnh, nhờ có phương thức điều dưỡng của y mới kéo dài sinh mệnh. Năm xưa, khi Hoàng thái hậu đương triều còn là Thành Hiếu Chiêu hoàng hậu, sinh hạ Gia Hòa công chúa xong cũng từng mắc bệnh lạ, vùng cổ sưng phù, là y dốc lòng nghiên cứu y thư khắp nơi mới chữa khỏi. Viên Hoằng đã sang Đại Việt giao lưu y học nhiều lần, am hiểu tường tận về thuốc Nam. Vinh Tú chỉ nhắc sơ qua, Viên Hoằng liền đồng ý đích thân giúp đỡ.

Bối Tinh quay lại Văn Uyên Các không bao lâu, Viên Hoằng cũng sải bước tới. Dáng người y vạm vỡ, quan bào rộng màu lam không che dấu nổi cơ ngực nở nang, nhìn góc độ nào cũng giống cốt cách của dân luyện võ hơn là tầng lớp trí thức. Vinh Tú hay cảm thán, Viên Hoằng đam mê y thư, quả là tổn thất lớn cho giới võ nghệ Đại Minh.

"Cao Viện phán tới rồi à?" Bối Tinh bận rộn giúp Vinh Tú lọc lại các trang cần xác minh theo thứ tự, chào hỏi Viên Hoằng mà chẳng buồn ngẩng đầu. Thật ra không cần ngẩng đầu, vì Văn Uyên Các làm gì có vị khách nào bước đi với âm thanh như sấm rền giống vậy nữa.

"Bối Điển bạ, buổi sáng an lành," Viên Hoằng nhoẻn cười, lộ ra hàm răng đều tăm tắp. Giọng nói y sang sảng, Bối Tinh nghe mà cảm giác màng nhĩ rung rung.

Năm Viên Hoằng nhậm chức Viện phán, Bội Tinh cũng chính thức được chuyển sang quản lý Văn Uyên Các. Thái y viện là một trong những cơ quan cần lưu trữ nhiều sách nhất của triều đình, hai người lại cùng cấp bậc nên kết thân nhanh chóng. Vinh Tú nghe Bối Tinh khẳng định họ là huynh đệ tốt. Lúc đầu y tin là vậy thật, nhưng phàm là người tinh ý sẽ nhận ra Viên Hoằng đối xử với Bối Tinh luôn khác biệt. Tiểu cô nương chí cao tâm ngạo, hoàn toàn không biết nhân tình thế thái, càng không cảm nhận được tâm ý của đối phương dành cho mình.

"Tham kiến Quốc đại nhân," Viên Hoằng nắm quyền hành lễ. Lúc y khom người, Vinh Tú thấy cả mảng bóng đen phủ lên người mình.

Vinh Tú xua tay theo thói quen, với quan lại cấp dưới nào y cũng miễn hành lễ. Vinh Tú nhận văn kiện đã xếp theo thứ tự từ Bối Tinh, dời sang một trong các khu vực bàn dài tại Văn Uyên Các. Y kéo thêm hai chiếc ghế chạm khắc hình hoa sen cho Viên Hoằng và Bối Tinh ngồi. Văn kiện của Tứ Di Quán luôn trong trạng thái cần dịch càng nhanh càng tốt nên họ không dư dả thời gian nói chuyện phiếm. Vinh Tú bày từng tờ, từng tờ thành hàng dài, cứ một lượt thì bày được hai mươi trang. Vinh Tú và Viên Hoằng bàn luận chính, Bối Tinh không hiểu nhiều về chuyên môn nên tập trung lắng nghe, đánh giá lối dịch có dễ hiểu hay không.

Chớp mắt, ba canh giờ trôi đi.

Hễ gần chính Ngọ, cả Tử Cấm Thành được xây bằng mái ngói, tường cao, đá cẩm thạch sẽ nóng hừng hực như ai bỏ vào nung dưới đáy lò Bát Quái của Thái Thượng Lão Quân. Cũng may tiết trời mùa đông tại Bắc Kinh lúc nào cũng lộng gió, xoa dịu bớt cơn gay gắt của ánh mặt trời.

Buổi thảo luận sôi nổi đến hồi kết. Bộ Hồng Nghĩa giác tư y thư hoàn tất toàn bộ khâu soạn thảo, biên dịch và hiệu đính. Khâu cuối cùng là ghi vào sổ báo danh của Tư Tịch Ty, bước lo liệu này luôn giao cho các sĩ tử học việc của Tứ Di Quán. Gánh nặng trên vai Vinh Tú giảm đi một nửa. Chỉ mới một nửa thôi, vì ngọn núi cao hơn cần phải vượt qua là bộ Trung luận của Bồ Tát Long Thụ.

Tây Tạng Quán nhiều sĩ tử nhưng số người vừa thạo tiếng Tây Tạng vừa tỏ tường các tôn giáo thì không có một ai. Bộ Trung luận cam go nhất, theo đúng quy trình của Tứ Di Quán, được chính Lễ bộ Thượng thư kiêm Văn Hoa Điện Đại học sĩ đương nhiệm Kim Ấu Từ đem tới bàn giao cho Vinh Tú. Thành thật mà nói, y không đủ lòng tin dịch tốt bộ luận mang tính lịch sử này bởi lĩnh vực tôn giáo, nhất là đạo Phật cùng muôn trùng giáo phái khác tại Tây Tạng, là vùng kiến thức hạn hẹp nhất của Vinh Tú. Dẫu cho Vinh Tú đọc sách Thánh hiền, cũng tiếp nhận rất nhiều lý luận tâm linh khác nhau khi còn là Lễ tào Phán thư tại Triều Tiên, y chưa từng gửi gắm niềm tin vào bất kỳ tôn giáo nào.

Nhưng thân là Thiếu khanh, có không muốn làm cũng đành tươi cười chấp nhận. Hơn nữa, Vinh Tú hiểu rõ Kim Ấu Từ là một trong những công thần được trọng dụng nhất của Nội các từ thời Vĩnh Lạc Đế. Ông bận trăm công nghìn việc, lại nghe nói thân mẫu ông vừa qua đời, Vinh Tú càng không dám thoái thác làm chậm trễ công vụ của ông.

"Đại nhân, thời hạn cho bộ Trung luận là bao lâu?" Viên Hoằng đứng dậy vươn vai. Ngồi lì cả buổi khiến cơ thể y cứng đờ, bụng sôi ùng ục. May là sau buổi tảo triều, các vị Đại học sĩ tụ hội tại Văn Hoa Điện để tiếp tục thảo luận chính sự, còn mang theo nhiều điểm tâm chia cho mọi người nên Viên Hoằng được ăn ké.

"Trung luận là tác phẩm tối trọng của Bồ Tát Long Thụ, được đánh giá là bộ luận then chốt cho triết học Trung quán," Vinh Tú trầm ngâm giây lát, rồi thấp giọng giảng giải. "Lúc nhận, ta đã xin phép trước với Kim đại nhân là không có thời hạn. Dù muốn có cũng không thể."

Vinh Tú trở lại bàn làm việc, cầm ba quyển sách tương đối dày, đặt lên bàn dài. Trung luận bản gốc tiếng Tây Tạng chia làm bốn quyển, hai mươi bảy phẩm và bốn trăm bốn mươi sáu bài kệ. Vinh Tú thận trọng giở quyển đầu ra, vì giấy đã cũ nên y cố gắng nhẹ nhàng hết mức. Những bộ luận cổ một khi đã hỏng thì chẳng tài nào khôi phục được.

Những con chữ Tây Tạng như bùa chú ngoằn ngoèo, Bối Tinh và Viên Hoằng mới xem thử một lát đã chóng mặt hoa mắt. Vậy mà Vinh Tú im lặng đọc hết trang này sang trang khác, chăm chú và bất động tựa như đã tiến vào trạng thái xuất thần nhập định.

Tiếng Tây Tạng là một trong những ngôn ngữ ngoại bang mà Vinh Tú tự cho là mình thấu hiểu sâu kỹ không thua kém người địa phương. Y đọc đi đọc lại câu chữ trong Trung luận hằng đêm, đến mức gần như đã biên dịch hết nội dung nền tảng trong đầu. Thế nhưng mỗi phẩm, mỗi bài phẩm đó có ý nghĩa gì, muốn chứng minh điều gì, vì sao lại đóng vai trò quan trọng như vậy đối với Trung Quán Tông, Vinh Tú thấy mình không đủ ngộ tính để hiểu. Nếu không hiểu rõ được điều tác giả muốn gửi gắm, thì bất kể là dùng phương thức nào, dịch giả cũng chỉ đang mô phỏng lại tác phẩm thành một cái xác không hồn.

"Đại nhân, vậy ngài có tính toán gì?" Bối Tinh lo lắng. Tiểu cô nương ra sức vận động não để hiến kế cho Vinh Tú. "Chẳng lẽ ngài muốn tự lực cánh sinh thật sao?"

Vinh Tú bật cười, chân mày lại nhíu chặt. Biểu cảm có thể miêu tả vỏn vẹn bằng bốn chữ, lực bất tòng tâm. Nếu đủ khả năng, Vinh Tú nhất định sẽ xử lý vấn đề một mình, không nhờ vả ai. Nhưng bây giờ năng lực có hạn, không tìm cao nhân chỉ giáo thì Vinh Tú e rằng chức Thiếu khanh này sắp lung lay rồi. "Phổ Bác, ngươi có cao kiến gì không?"

Viên Hoằng hiếm lúc kiệm lời, như đang dùng sự quyết tâm cả đời để nhớ ra một thông tin hữu ích giúp Vinh Tú. Y chống hông, hai chân hơi dạng ra, dáng đứng sừng sững tựa cái cột đình. Vẻ mặt nghiêm trọng khiến Vinh Tú và Bối Tinh vô thức cảm thấy căng thẳng theo. Trên trán hai người rịn mồ hôi, chờ Viên Hoằng mở lời.

"Đại nhân, ta nhớ ra rồi! Ta nhớ ra ai có thể giúp ngài rồi!" Mắt Viên Hoằng trợn to, tự vỗ cái bốp lên đùi. Y cười ha hả, khoái chí cực điểm. "Ngài từng nghe qua Đại Các Trung Tự và đại sư trụ trì chưa?"

"Tất nhiên là ta đã nghe qua Đại Các Trung Tự, cũng từng đọc tư liệu sử sách." Vinh Tú gật gù. "Nhưng ta biết rất ít về đại sư trụ trì."

Trăm năm mới được một lần Viên Hoằng biết về điều mà Vinh Tú không biết. Y như bắt được vàng, hào hứng kể lể.

Đại Các Trung Tự nằm ở ngõ Giáo Tử, Tuyên Võ Môn ở Bắc Kinh, được khởi công từ đời Đường. Năm Liêu Thanh Ninh thứ ba, lúc bấy giờ chùa còn mang tên Lân Trung Các, bị hủy diệt trong trận động đất U Châu. Đến năm Liêu Hàm Ung thứ sáu, chùa được trùng tu và đổi tên cho đến nay.

Trụ trì của Đại Các Trung Tự là sư đệ của vị cao tăng vô tiền khoáng hậu tại Đại Minh, Diêu Quảng Hiếu đại sư. Hai vị đại sư xuất gia tại am Diệu Trí, sư huynh lấy pháp danh Đạo Diễn, sư đệ là Đạo Liên. Sau này, khi Diêu Quảng Hiếu đại sư trở thành mưu sĩ cho Vĩnh Lạc Đế, Đạo Liên đại sư thay mặt quản lý Khánh Thọ Tự ở Bắc Bình cho đến lúc sư huynh viên tịch. Diêu Quảng Hiếu đại sư từng được phong là Thái Tử Thiếu Sư, dạy học cho Tuyên Đức Đế, lúc ấy còn là hoàng thái tôn Chu Chiêm Cơ. Diêu Quảng Hiếu đại sư một đời lỗi lạc, đến cuối đời viết nên Đạo Dư Lục, chỉ trích Nho giáo khiến thanh danh tàn lụi, bị xóa mờ hết công lao trong sách sử dù vẫn được thờ trong Thái Miếu của hoàng gia.

Khác với sư huynh mình, cuộc đời Đạo Liên đại sư đúng như tên, êm ả như một vòng đời của một đóa sen nở trong hồ. Hiện là năm Tuyên Đức nguyên niên, hậu thế đã không còn bao nhiêu người nhớ về Diêu Quảng Hiếu đại sư nữa. Tầm ảnh hưởng của Phật giáo đối với hoàng thất, quan triều Đại Minh suy yếu rõ rệt. Thế nhưng Đạo Liên đại sư vẫn tựa cây tùng giữa trời giông, ung dung tự tại, hoàn thành tốt vai trò trụ trì của Đại Các Trung Tự. Tuyên Đức Đế tuy chẳng còn bận tâm đến vị đại sư cùng ngôi chùa già cỗi nữa, nhưng vẫn nhất mực kính trọng.

"Đạo Liên đại sư tu Phật thì liên quan gì đến Trung Quán Tông?" Bối Tinh nhanh nhảu thắc mắc. Tiểu cô nương chưa hỏi hết câu đã thấy Viên Hoằng phì cười. Biết mình vừa tự vạch áo cho người xem lưng, vành tai Bối Tinh đỏ ửng.

"Bối Điển bạ," Vinh Tú hắng giọng, tận tình chỉ dạy. "Trung quán Tông là một trường phái Đại thừa thuộc Phật giáo."

Bối Tinh nào dám mở miệng nữa, lẳng lặng gật đầu.

"Gần mười năm trước, Đạo Liên đại sư thu nhận một đồ đệ, là đại đệ tử." Viên Hoằng vừa nói vừa nhớ lại những gì mình biết về vị đệ tử của Đạo Liên đại sư. "Ngài cũng biết Lại bộ Hữu thị lang Tần đại nhân là người sùng Phật, có mối giao hảo với vị đại đệ tử này. Tần đại nhân từng đề cập với hạ quan. Vị đại đệ tử này tuổi còn trẻ nhưng Phật học uyên thâm, có thể giảng kinh cho chúng Phật tử, lại có thể lý luận cùng trăm vị cao tăng. Nói không ngoa, thật sự là sánh ngang với Huyền Trang đại sư đời Đường."

Vinh Tú thoáng kinh ngạc, ra hiệu cho Viên Hoằng tiếp tục nói. Một vị hòa thượng hậu sinh khả úy như vậy, tại sao không thấy ghi lại trong tư liệu nào của Phật giáo suốt những năm qua? Theo lời của Viên Hoằng, vị hòa thượng này hẳn phải từng tham gia các buổi luận đàm Phật pháp, trấn áp quần hùng và lưu lại danh tiếng mới đúng. Hay là do vị hòa thượng không muốn phô trương, nên chọn lối sống ẩn dật?

"Vị đại đệ tử này từng đến Tây Tạng để lĩnh hội Phật giáo Đại thừa, còn sống ở đó vài năm để tìm hiểu về các lý luận, tông phái khác nhau của Phật giáo Tây Tạng." Viên Hoằng nói đoạn, nở nụ cười với Vinh Tú. Ai cũng hiểu ý của y là gì rồi.

Thật lòng Vinh Tú cũng tò mò về vị đại đệ tử này. Giả dụ đối phương không tiện giúp sức, thì Vinh Tú vẫn cảm thấy hài lòng vì quen được một vị bằng hữu trẻ tuổi, tài giỏi. Hơn nữa, người của Phật môn chắc chắn thiện lương thuần khiết. Càng ngẫm, trong lòng Vinh Tú càng sinh ra sự thôi thúc được kết giao với đối phương.

"Phổ Bác, pháp danh của vị đại đệ tử này là gì?"

Viên Hoằng đăm chiêu một lúc rồi reo lên. Y mở khẩu hình to, giọng vang vọng. "Đại nhân, là Huyền Vi."

"Huyền Vi." Vinh Tú khẽ lặp lại theo bản năng. 

Hai tiếng ngắn ngủi mà bỏng rát ấy trong phút chốc đâm xuyên qua tai, qua lồng ngực, len lỏi tràn vào tim y.

"Được, ta sẽ bẩm tấu với Kim đại nhân," Vinh Tú đứng dậy, dù trong tình huống cấp bách thế nào vẫn giữ được phong thái ung dung. "Ngay sáng mai, chúng ta đến Đại Các Trung Tự."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro