Nhatkyhai17-27

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nhật ký viết ở dòng sông chết

Ngày... tháng... năm...

Đến giờ mới biết định nghĩa chính xác của cụm từ "cắm đầu chạy miết": chân thì cứ chạy còn đầu thì thỉnh thoảng lại cắm phập vào cái gì đó, khi thì là mặt đất, lúc thì là cái gốc cây, cột điện, đến ngay cả con chó mực đang ngồi gãi ghẻ mình cũng không tha, nhưng phổ biến nhất vẫn là kiểu cắm đầu vào... cổ, chả khác được.

Ngày... tháng... năm...

Mới thế mà đã cách ra khỏi cái "ổ quỷ" kia đến vài con phố rồi đấy. Đã nên dừng lại để tạo lập cuộc sống mới chưa nhỉ?

Ngày... tháng... năm...

Háo nước quá, mấy ngày nay mải trốn chạy, chỉ thi thoảng vớ tạm cái gì ăn được là cho ngay vào bụng mà quên mất rằng cũng cần phải uống nước.

Kia rồi, có cái gì như là một dòng sông. Lao vội đến. Thật là một dòng sông kỳ dị: nước sông không trong vắt mà đen ngòm và mặt sông thì lấp lánh những vệt màu sặc sỡ như cầu vồng, từ từ trôi đi thành một vệt dài uốn lượn đến là đẹp. Ngỡ mình lạc vào chốn thần tiên, mình quên cả khát, dò dẫm đi dọc bờ sông huyền bí ấy...

Đập vào mắt mình là hình ảnh một con cá, hai con cá, ba con cá... rất nhiều, rất nhiều những con cá đang thi nhau bơi ngửa, phơi bụng trắng xóa, lập lờ trên mặt nước. Quả là một quang cảnh thần tiên lần đầu tiên thấy được trong đời.

Bất chợt nghe trong lòng sông có tiếng gì đó như rên rỉ. Mình quay đầu nhìn ra. Thấy mặt nước khẽ xao động, rồi một chị cá xinh đẹp hiện ra. Không hiểu chị ấy đang biểu diễn điệu múa gì mà lại điệu đàng và khéo léo đến thế: hai vây trước của chị đang hết sức co lên, cố che kín hai bên mang, còn lưng chị đang làm một động tác uốn dẻo tuyệt vời cốt để lấy đuôi bịt miệng lại. Chị cá biểu diễn thật có hồn: khuôn mặt chị tỏ rõ sự khiếp sợ và đôi mắt mờ đục như đang dại dần đi.

Thú thực là từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ, chưa bao giờ mình thấy một vũ công nào lại làm được những động tác khó và thần thái lại truyền cảm đến thế.

Mình đang ngẩn ra trước điệu múa lạ lùng và có phần rùng rợn ấy thì đột nhiên thấy chị cá cong mình lên, thả lỏng đuôi ra giải phóng cái miệng xinh xinh. Chị rên rỉ: "Chết... mất... thôi... Ọe...".

Nói rồi chị xòe mấy cặp vây ra giũ giũ và từ từ... ngửa bụng.

Cái chết của chị cá quá dữ dội và đau thương khiến mình không thể cầm lòng. Mình chạy dọc theo bờ sông, định kiếm cành hoa gì đó mang ra viếng chị, nhưng rặt một màu cỏ úa, đây đó vài khoảng đất còn trơ lại những cái gốc nhỏ bé mà như mình đoán thì có thể là vườn rau cũ. Cảnh vật hoang tàn đến rợn người. Mình chạy lại chỗ chị cá: bên cạnh chị đã kịp có một chú cá khác, chắc cũng vừa biểu diễn điệu múa ác liệt kia xong và giờ thì cũng đã bơi ngửa.

Quá kinh hoàng, mình phải chuồn ngay khỏi nơi này thôi. Mùi xú uế, mùi dầu mỡ, hóa chất và tiếng ồn của một nhà máy bên bờ sông đuổi theo mình mãi một quãng rất xa mới dừng lại.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Nhật ký giữa mưa bão

Ngày... tháng... năm...

Bỏ chạy được một quãng, mình ngã vật ra. Dang tay dang chân, hít một hơi dài để nạp thêm tí oxy nhưng thật khủng khiếp khi ông trời lại phú cho cái mũi một biệt tài khác, ấy là biệt tài... ngửi. Cái đám xú khí ở dòng sông chết vẫn đọng nguyên ở hai lỗ mũi, bám cả trên mặt. Nên chưa cần đến cái hít thứ hai qua đường mũi thì mõm mình đã phải ngoác ngay ra để làm công tác ứng cứu.

Sông với chả ngòi, ô với chả nhiễm. Éc!!!

Ngày... tháng... năm...

Cuộc sống của một thằng chuột, hết bị quẳng ra ngoài đường ngay từ khi còn chưa mở mắt, lại sống một cuộc sống tạm bợ nơi bãi rác, đi học được vài bữa, may mắn gặp được người trong mộng nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, lại bị gái lừa, trốn mãi mới thoát được ra khỏi vành váy vợ thì bập ngay vào bọn xã hội đen, vừa chuồn ra khỏi đó thì đã gặp ngay cảnh tang thương...

Chao, cái xã hội đầy rẫy những đớn đau, cơ man nào là cạm bẫy. Mình thấy mệt mỏi vô cùng. Nếu như trước đây, mình luôn hướng tới cái gọi là hạnh phúc thì giờ đây, trước mắt mình chỉ là một cuộc vật lộn mưu sinh. Nhiều khi... thèm lắm một mái nhà, dù cho nơi ấy có mụ vợ già xấu xí và lắm điều... nhưng đó vẫn là một tổ ấm...

Ngày... tháng... năm...

Người ngợm đau như dần. Hic, thời tiết hôm qua khó chịu quá, oi bức và ngột ngạt...

Gần trưa, đang thiu thiu ngủ thì nghe thấy tiếng "đốp đốp" lưa thưa trên mặt lá. Khẽ mở mắt ra chưa kịp nhận ra chuyện gì thì đã thấy "ào ào", nước mưa xối xả trút xuống. Mình vội nép vào mái hiên. Mưa lớn quá. Chẳng mấy chốc nước đã ngập lênh láng, dềnh lên cả vỉa hè. Rất lâu sau mưa mới ngớt, mình nhỏm dậy, bò lên một cái tủ cũ quan sát:

- Đường phố như được mở rộng hẳn ra, chắc rằng chưa có dự án mở đường nào lại có tốc độ thi công cao đến như thế.

- Hiện tượng... không tắc đường đang xảy ra trên nhiều tuyến phố gây ngỡ ngàng trong dư luận.

- Hiện tượng phóng nhanh vượt ẩu cũng không còn.

- Hàng quán bán rong chạy sạch.

- Bụi đường biến mất, thay vào đó là làn sóng dập dềnh uyển chuyển lùa rác vào... nhà dân.

Nhác thấy một anh thanh niên hùng dũng phóng xe vào làn đường mát lạnh, vẻ thích chí vô cùng...

Bất chợt... "tủm", nguyên cái bánh xe sau chổng ngược lên trời, quay tít. Chủ nhân của chiếc xe, sau khi chân tay quẫy đạp hết sức có thể cũng đã ngoi được lên mặt nước. Mồm miệng nhổ phì phì, anh chửi đổng: "Thằng mắc dịch nào đào hố hại ông?".

Mọi người chung quanh không ai dám lên tiếng vì sợ bị đánh. Mà lên tiếng gì được nhỉ: chả lẽ bảo đường đang làm, ngần này hố đã ăn thua gì, hố bằng này đã ăn thua gì, bơi một tí đã ăn thua gì...; Rồi chả nhẽ lại nêu tấm gương của một anh khác, rằng là cũng một hôm ngập như thế này, anh í cũng đi xe ra đường thế này, rồi anh í cũng cắm đầu xuống đường thế này, nhưng anh í còn kém may mắn hơn anh ở cái chỗ là anh í cắm đầu hẳn xuống hố ga cơ, cái hố ga ấy, mới lúc trước vẫn còn nắp đậy nghiêm chỉnh nhưng giờ thì cái nắp ấy đã biến mất không để lại dấu hiệu gì. Bà con ở đó bảo: hố ga mất nắp là chuyện thường ngày ở huyện rồi, để cảnh báo người đi đường, bà con lại đi... chặt cây cắm xuống. Chậc, thảo nào mấy cái cây xanh trên con phố này lại... trụi lủi.

Ngao ngán!

Ngày... tháng... năm...

Đang đi lang thang, bất chợt đến một con ngõ quen quen... Rồi một căn nhà quen quen hiện ra...

Ôi má ơi, đây là... nhà Giai Lớn!!! Không thể sai được!

Cảm xúc chợt ùa về... Mình nhớ căn nhà ấy, nhớ con người ấy, nhớ cả những cuộc chiến nảy lửa của anh em nhà ấy...

Đã quá lâu rồi mình không nghĩ đến Giai Lớn. Thì ra vì quá mải bon chen với cuộc sống mà mình đã đánh rơi cả những tình cảm thiêng liêng nhất!

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Nhật ký rơi vào đầu Giai Lớn

Ngày... tháng... năm...

Nhận ra được căn nhà cũ, thấy ấm lòng quá. Nhưng mình không còn mặt mũi nào quay về. Dù gì thì cũng đã dứt áo ra đi, lại thêm tội tẩu tán cuốn nhật ký của Giai. Giờ áy náy kinh khủng!

Mình tìm đến một cái chạn gỗ cũ bỏ không ở tạm, được cái cái chỗ này ở ngay trước cửa nhà Giai, rất tiện để... rình mò.

Ngày... tháng... năm...

Đã ở đây 3 ngày liền mà chưa lần nào nhìn thấy Giai Lớn. Giai đâu rồi? Giai đi chơi? Giai chuyển nhà? Hay là có chuyện gì đen đủi xảy ra với Giai rồi, ví dụ như là Giai bị... vợ cưới? Hàng trăm câu hỏi quanh quẩn trong đầu.

Ngày... tháng... năm...

Chiều tối, đang cầm cái xương cá xỉa răng thì nghe có tiếng xe máy. Tiếng xe... tiếng xe này... quen lắm! Mình phi ra, nhìn qua cánh cửa lưới của cái chạn...

Là... Giai!!!

Khi niềm vui bất chợt trở về giữa lúc hi vọng đang tắt dần thì mấy người nghĩ được là mình đang làm gì nữa. Mình cũng thế, hậu quả tất yếu là nguyên cái tăm xương cá tọt vào cổ, mắc ngang họng, nhói đau. Vội thò chân trước vào cổ móc ấy móc để... Mình nhớ đến hình ảnh mụ vợ khi xưa bị hóc cái bao cao su, bắt đầu thấy đồng cảm.

Ngày... tháng... năm...

Kiếm được nửa quả chanh ủng, nhét vội vào miệng để chữa hóc xương. Thế mà khỏi thật, chẳng biết do chanh làm tan xương hay do nước miếng ứa ra nhiều quá mà mình nuốt trôi nó đi lúc nào không biết. Chỉ biết không còn cảm giác đau rát ở cổ nữa. Nhưng cổ họng vẫn sưng vù, đau tê tái.

Đau thì mặc đau, mình ráng sức trở về nhà Giai Lớn.

Lợi dụng lúc trởi sẩm tối, mình hì hục vác quyển nhật ký về nhà Giai, men theo xà nhà, mình leo lên mái. Lựa được một chỗ đứng khá thuận tiện để quan sát Giai. Căn phòng có vẻ như chưa thay đổi mấy so với hồi mình còn ở đây.

Vừa nằm vắt chân chữ ngũ, vừa mân mê quyển nhật ký, vừa ngắm Giai Lớn. Giai đang xem bóng đá, chợt hô: "Vào!!!" rất to. Mình giật nảy, hất cả quyển nhật ký xuống đất, rơi thẳng vào đầu Giai Lớn.

*

*  *

Ngày... tháng... năm...

Trận cầu giữa AC Milan và Inter Milan đang hấp dẫn... Phút thứ 22, pha đá phạt hàng rào tuyệt vời của Sneijder đã khiến thằng cu thủ môn bên kia phải vào bóng nhặt lưới, à nhầm, vào bóng nhặt lưới, ơ... vào lưới nhặt bóng... Chuẩn men!

Vừa kịp reo hò thì nghe "choang" một tiếng, cái gì như viên ngói vỡ rơi vào đầu. Quay đơ ra giữa nhà, mặc xác Inter sau đó lĩnh liền 2 bàn thua sấm sét.

Mãi đến khi tỉnh lại mình mới biết là ngói không hề vỡ, hú hồn, nó mà vỡ thật, đêm nay mà mưa nữa thì... mát mặt. Chậc...

Cái gì thế này? Là nó, quyển nhật ký đáng ghét? Nó ở đâu ra thế này? Báo hại bấy lâu nay mình toàn phải viết nhật ký vào mấy tờ lịch cũ, có khác gì "bóc lịch" đâu.

Lại phải update thông tin sao?

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Nhật ký từ ngày thất lạc

Ngày... tháng... năm...

Chẳng biết cái xấp lịch rời viết nhật ký mình để đâu nhỉ? Tìm thấy thì chỉ cần lấy ra chép lại, đỡ quá. Nhưng chẳng thấy nó đâu. Bình thường khi đi tìm cái gì thì chỉ mỗi việc lấy chân đá đá vào mấy đống giấy tờ, sách báo, chai lọ, túi tắm vứt "gọn gàng" ở... khắp nhà thì thế nào cũng thấy. Thế mà... đúng là lúc cần thì không thấy, lúc thấy thì chẳng nghĩ là cần.

Chiều, đang nằm nhớ lại xem có kẹp nhầm vào bộ hồ sơ khách hàng nào không thì thằng bé con hàng xóm chạy sang:

- Chú, chú! Nay nhà cháu lại ăn vịt nấu giả cầy nhé.

- Ừ thì sao? - Mình xẵng giọng, cố giấu tiếng nuốt nước bọt, lòng khấp khởi hi vọng...

- Thì chú cho cháu ít giấy vụn về thui vịt đi.

- Ự (không như những gì ta mong đợi)... Tự đi mà tìm lấy, chú đang...

Khi trong miệng mình còn đang giữ chữ "thèm" chưa kịp nói ra thì thằng nhóc đã chổng mông lên lục đống báo cũ. Á à, nhớ rồi, vừa cách đây mấy hôm chính nhà thằng ranh này cũng ăn vịt giả cầy, ôm về của chú mày cả xấp giấy lộn mà cuối cùng đến cái xương vịt cũng chẳng có đem sang “lại quả”, báo hại hôm ấy chú mày hí hửng ở nhà ôm gối... chờ, chờ mãi đến đêm. Rồi, đích thị mấy tờ lịch kia cũng hi sinh vì cái vụ thui vịt này đây. Chả có nhẽ?!!

Ngày... tháng... năm...

Lụi cụi viết lại những gì còn nhớ:

Sau hôm thi đại học 3 ngày, giai bé ỏn ẻn đòi về. Sung sướng vô cùng nhưng chẳng lẽ anh em với nhau mà nói luôn: ừ về ngay đi đồ “của nợ”, thế thì bạc quá. Thế là mình mới ôn tồn bảo nó là thôi cứ từ từ, ở đây với anh dăm bữa nửa tháng rồi về. Tưởng thằng em cũng biết sĩ diện nên mình mới nói thế, chứ nếu biết trước là nó sẽ gật đầu ngay tắp lự thì mình đã đuổi cổ nó về thẳng với thầy u rồi. Cái thằng, nếu không được cái đẹp giai, học giỏi, có chí tiến thủ, ngoan ngoãn hiền lành, khéo tay khéo chân, chịu thương chịu khó… thì cũng chẳng được cái nước gì, lại còn thêm cái thói lẻo mép nữa chứ.

Một hôm đầu giờ chiều, thấy tiền trong tài khoản tăng lên, mừng như bắt được... tiền trong túi mình: công ty thanh toán lương tháng. Tính toán nhanh qua mấy con số, toát mồ hôi vì chưa chắc đã đủ để tồn tại đến kỳ lương sau, chỉ tại trong nhà nuôi một "hậu duệ cụ Trư".

Một chiều đi làm về, thấy giai bé đang vắt vẻo trên ngọn cây nhãn nhà hàng xóm. Thằng này liều thật, nhà ấy con gái tuy xinh, nhãn tuy sai quả nhưng con chó tên Kiki thì dữ vô cùng, và ông bố thì thậm chí còn hơn thế nữa. Ngoắc tay nhắc giai bé xuống thì nó lại ngoắc tay gọi lại và chỉ xuống dưới: cha con cô bé hàng xóm đang đứng dưới gốc cây chỉ trỏ ra chiều thú vị lắm. Ngạc nhiên! Chẳng hiểu thằng ma lanh này làm thế nào mà thu phục được lòng cha con nhà ấy nhỉ?

Tối hôm ấy, đang ngồi lướt web, mình đá chân giai bé:

- Nhóc, khai đi. Nay sang bên ấy làm gì? Tán tỉnh con gái nhà người ta à? Con bé ấy hơn tuổi mi đó, mà cái nhà ấy thì... chậc chậc... cứ nhìn con chó khắc biết, cứ gọi là... chậc chậc... Thế có rụng cái lông...

- Hả?

- ... chân nào chưa?

- Khiếp quá đi mất với lão già này. Điều 1: Nói thì nói liền câu nhá. Điều 2: Không được so sánh độ dữ của chủ với chó vì chó thì chỉ có mỗi hàm răng làm vũ khí thôi, hơi thiệt thòi trong vụ này. Điều 3: Em sang định... tòm tem...

- Tòm tem cái gì? (Mình nhớ là lúc ấy quát rất to, làm con Kiki bên kia sủa váng lên.)

- Suỵt!!! Ngài khẽ cái mồm cho con nhờ. Ngài có thấy nhãn nhà ấy "đóng khố" kín (*) rồi không? Nhãn ấy... ăn tốt.

- Dóc tổ. Sang mò trộm nhãn mà người ta lại vui vẻ thế kia.

- Xời, giai chớ coi thường em. Em có cái này này...

Vừa nói nó vừa gõ vào đầu ý bảo thông minh. Chợt mặt giai bé biến sắc, nó từ từ đưa ngón tay ra phía trước mặt, trợn mắt nhìn rồi phi vù ra chỗ vòi nước, xả thật mạnh. Té ra trong lúc mò nhãn thì chim chóc ở đâu đã tặng cho cậu nguyên một bãi "sản phẩm tiêu hóa" tươi rói. Đáng đời lắm thằng ranh!

Rồi như quên bẵng câu chuyện đang kể dở, nó lao vào nhà tắm cọ rửa thật lâu. Mình vẫn chưa hiểu cách gì mà nó lại công khai leo được lên ngọn cây nhà người ta thế?

(*) nhãn đóng khố kín: khi cùi nhãn đủ lớn để bao kín hạt nhãn bên trong

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Nhật ký: Kết quả thi đại học của giai bé

Chuyện là thế này:

Mới ở đây được vài ngày, giai bé đã kịp tăm được em hàng xóm (em này nhớn tuổi hơn giai bé nhà mình) hơi thiếu xinh tươi nhưng thừa ngơ ngác. Nhiều khi ngồi buồn không có việc gì làm, cậu chàng lại nghĩ đến việc... tận dụng em ấy để rèn miếng võ môi của mình. Hôm ấy, nhân lúc người lớn hai nhà đi vắng cả, và cũng là lúc nhãn nhà nàng đóng khố kín, thằng ranh lần mò sang bên ấy, loanh quanh đứng dưới gốc nhãn trước cổng rồi ngó nghiêng.

Xui cho nó là cô bé thì không thấy nó còn con chó thì đã ở cạnh bên. Ngay khi thằng em mình đang huýt sáo cái thứ hai thì nó nhếch mép lên gầm gừ. Thằng bé trợn mắt vọt thẳng lên cây.

Chưa hết, trong khi con chó vẫn đứng cào vào gốc cây gầm gừ thì... ông bố cô bé ở đâu về, thấy một thằng người đang vắt vẻo ở trên cây thì cáu lắm. Ông quát ầm lên:

- Á à, lần này thì tao bắt được quả tang rồi nhé. Nhãn vừa đóng khố thì mày đã vặt trụi thùi lủi, bảo sao nhà tao mất mùa. Thằng ranh, mày chọn đi: hoặc là ăn đòn gánh, hoặc là... nhường quần cho con Kiki nếu nó giật được. Chọn đi!

Chẳng hiểu do nhanh trí hay là quen mồm thế nào mà giai bé gào lên thảm thiết:

- Em ơi, cứu anh!!!

Ông hàng xóm nghe thấy thế thì chột dạ, liền buông "vũ khí". Khi cô con gái chạy ra, thằng em mình nhanh mồm:

- Anh định trèo lên cây bắt mấy con bọ xít cho bác mà bác tưởng anh phá.

Cả ông bố lẫn nàng con nghe được câu ấy liền... phê ngay và tình nguyện đứng dưới chỉ... bọ xít cho giai bé bắt.

Thật không biết bình luận thế nào về 3 nhân vật này nữa.

Ngày... tháng... năm...

Thấy tất cả các trường đều đã công bố điểm thi đại học, nhắn giai bé xem điểm. Không những không cảm ơn sự quan tâm của mình mà nó còn càu nhàu: "Gớm, tưởng ông anh quan tâm đến em thế nào". Bực cả mình, anh mày còn trăm thứ phải lo nghĩ, còn nhớ được năm nay mày đi thi đại học là tốt lắm rồi đấy.

Ngày... tháng... năm...

Từ hôm ấy mình quan tâm đến vụ thi đại học hơn. Thay vì vùi đầu vào mấy trò game, mình đã có ý thức đi săn điểm chuẩn hơn. Chậc, nghĩ cũng mâu thuẫn: vừa muốn giai bé đỗ vì còn sự nghiệp tương lai của nó, còn sự hãnh diện của bố mẹ... nhưng mặt khác, nó ở đây thì lúc nào cũng như... ám quẻ, chắc một phần cũng vì nó hay... giở quẻ.

Ngày... tháng... năm...

Dồn hết bình tĩnh, mình bấm chọn xem điểm chuẩn ở khoa của thằng em dù biết chắc thế nào nó cũng... đỗ. Đỗ thật, thừa những 2 điểm rưỡi mới đau chứ. Năm xưa mình thừa mỗi 1 điểm gần rưỡi (1.25 điểm) mà đã thấy oai lắm rồi.

Trưa, mình về đột xuất. Thấy giai bé đang nhóp nhép nhai... mì tôm. Ôi má ơi, cái xoong, chính xác là nó đang ôm nguyên một cái xoong to đùng - bữa trưa của nó. Nhìn thằng em phồng mang trợn mắt nuốt xoong mì tôm lõng bõng mà mình cầm lòng không đặng. Hất hàm hỏi nó:

- Nay ăn uống thanh đạm thế? Mọi ngày toàn thấy kể em ăn sơn hào hải vị cơ mà.

Thằng bé ngước đôi mát hồn nhiên vô số tội lên nhìn:

- Bình thường em cũng chỉ ăn thế này thôi, anh tưởng em sung sướng lắm sao? Em cũng biết tiết kiệm cho anh chứ bộ. Em cũng biết thương anh đi làm vất vả chứ.

Ôi chao, sao mà xúc động thế. Thế mà mình nỡ trách nó hoang phí...

"Sụp... ụp... p..." - Giai bé húp chỗ nước còn lại trong xoong, rồi điềm nhiên đứng dậy dọn dẹp. Sau lưng nó là cái bát tô đựng đầy... xương gà. Mình chỉ biết ứa nước mắt và nước miếng...

Ngày... tháng... năm...

Giai bé đã về với thày u từ sáng, thấy nhà như trống vắng. Buồn buồn.

Tối:

Chuẩn bị đi ngủ, giai bé nhắn tin: "Anh nhớ không được đi ngủ trước khi ăn tối. Còn nữa, không rửa chân cũng được nhưng nhớ là không được bỏ tắm đấy nhé".

Không hiểu ngày xưa, cái lúc bố mẹ "..." có chuyện gì bất thường không mà lại đẻ ra được cái thằng khác người thế chứ.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Nhật ký trong hầm để xe

Ngày... tháng... năm...

Từ ngày giai bé về nhà, sức khỏe mình có vẻ đi xuống tợn, hay mỏi mệt linh tinh. Thằng cu em cùng công ty ra vẻ quan tâm: chắc đợt này anh ăn uống kém. Chả nói gì. Mình biết thừa là do dạo này không vận động thường xuyên. Ngày trước thì bóng đá, bóng bàn, bóng rổ... đều như vắt chanh. Đến lúc giai bé lên thi thì lại vận động liên tục, từ chân tay cho đến mồm mép. Giờ nó về, mình quên mất là còn đủ các loại bóng để tập.

Nghĩ lan man, giật mình nhớ ra là thằng em sẽ còn lên đây hành hạ mình tiếp. Phải tính kế dần từ bây giờ thôi.

Ngày... tháng... năm...

Họp giao ban, sếp thông báo sẽ tuyển thêm nhân sự. Chẳng biết nên vui hay nên buồn. Nếu sếp có định hướng mới hay phát triển sản phẩm mới thì quá tuyệt, mình là mình rất ủng hộ. Còn nếu vì nhân sự cũ làm việc không tốt, không đảm bảo được công việc chung thì... chậc chậc, chẳng dám nghĩ tiếp nữa. Nhưng trong cuộc họp, mình đã phát biểu rất hùng hồn, diễn đạt đầy đủ cái "nếu" đầu tiên. Sếp gật gù tán thưởng.

Ra ban công nhâm nhi cốc nước lọc, nhớ lại cuộc họp hồi sáng, chép miệng tiếc rẻ cho cái lương tâm... Chép miệng cái nữa: muốn có tâm thì phải có lương. Chép miệng, cốc nước không còn lấy một giọt.

Ngày... tháng... năm...

Mất điện, hành chính báo được nghỉ, lọc cọc bò từ tầng 18 xuống. Gần đến tầng 1 phải đứng lại, ngửa mặt lên trời thở dốc. Từ các tầng trên, chị em phấp phới đi xuống, mát cả lòng, được cái trời nóng nên đám phụ nữ ai cũng tranh thủ diện váy siêu mỏng, siêu ngắn và siêu bay. Thật là siêu bổ.

Ngày... tháng... năm...

Thấy dân tình đồn đại hôm nay phòng có một nhân mạng mới, là con gái thì phải. Tất cả thông tin chỉ có vậy nên cả phòng thỏa sức tưởng tượng, riêng mình ngấm ngầm bày ra kế hoạch "hù dọa" kẻ tội nghiệp này phát chơi. Nói chung, linh tính mách bảo mình đây là một mỹ nhân chân dài đến... háng. Lòng thấy xốn xang lạ.

8 giờ, 8 giờ 15, 8 giờ 30... vẫn chẳng thấy ma nào đến. Mình lại sắp phải đi gặp khách hàng.

9 giờ, vẫn chẳng thấy ai đến. Chậc, cái xã hội thật là khó lường, lời đồn thì chỉ nên tin một nửa.

9 giờ 30 xách cặp xuống hầm để xe. Thấy một thằng cu bé như cái kẹo đang loay hoay... vặn van xe mình. Nhảy bổ đến, xốc áo thằng ranh lên hỏi:

- Làm trò gì đây? Muốn gọi bảo vệ không hả?

- Ơ... ơ... - Thằng nhỏ lúng túng - Hình như nó bị xịt lốp.

Thằng này, người đã bé như cái kẹo lại còn có cái chất giọng the thé như... hoạn quan ấy. Nhưng đang nóng, mình chẳng chấp nhặt mấy chuyện nhỏ nhặt ấy. Mình gầm gừ:

- Thì vặn nó ra tất nhiên là nó phái xì hơi rồi. Đầu mày chỉ để mọc tóc với nuôi chấy thôi à?

- Khiếp quá! Em xem cái van nó có bị làm sao không thôi mà.

- Xem? Xem cái gì? Xe người ta, ai khiến đụng vào. Đã phá hoại, bị bắt quả tang lại còn cãi cố, còn ra cái vẻ ta đây thương người...

- Ơ... ơ... Này anh kia, xe anh đấy à mà lại lớn tiếng như thế?

- Không phải xe mình thì thằng này tức làm gì.

- Xe anh á? - Thằng "thái giám" nhếch mép lên hỏi vẻ rất xấc.

Cáu quá, chẳng có lẽ đấm nó phát cho bay vào tường. Chỉ sợ nhỡ quá tay, nó dính lên đấy thì... lại khó cậy.

Thằng "thái giám" gõ tay lên yên xe thách thức:

- Nhìn lại hàng đi cha nội.

Mình ngoảnh lại: Ơ... sao lại thế? Xe mình làm gì có đủ 2 cái gương lành lặn thế kia? Mà xe mình làm gì phì nộn được như thế kia? Dụi mắt một cái, quay đầu lại cái nữa, nhận ra cái Wave rách của mình đang nằm ngoan ngoãn ở... bên cạnh. Còn cái xe thằng này đang "phá hoại" là xe tay ga.

"Quê" quá, mình nhe răng ra... cười, thằng bé giật mình, khỉ thật, từ bé đến giờ chưa bao giờ nó thấy một hàm răng... trắng trong bóng tối như thế à?

Mình cười chữa ngượng:

- Hề... hề... nắn gân nhau tí thôi. Thông cảm nhá!

Thằng bé có vẻ đã hoàn hồn, nó im lặng quay đi... cởi mũ bảo hiểm. Một mớ tóc dài ngoẵng xổ ra. Mình nghĩ bụng: Sao trần đời lại có cái của quái thai thế: người bé như cái kẹo + giọng nói the thé + mớ tóc người rừng...

Thằng "quái nhân" thẽ thọt:

- Không có gì đâu ạ. Anh cho em hỏi...

Giọng nói con gái! Mình choáng váng lao xe đi, không biết bên kia đang hỏi cái gì.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Người đàn bà vỡ trứng trong nhật ký

Tất cả mọi thứ của tên kia đều giống con gái, ngoại trừ cách ăn mặc và cái phong thái lấc cấc thừa độ nam tính (cái này mới là cái đập ngay vào mắt người khác chứ nhỉ), thế mà...

10 giờ, hạ cánh ở quán cà phê đối diện công ty đối tác. Nhấc máy lên, bấm số. Đầu bên kia nhấc máy lên:

- Hố hố... Chú đấy à...

Phải thú nhận rằng tuy đây không phải là lần đầu tiên gọi điện cho đối tác này nhưng cái tiếng cười của màn chào hỏi đặc trưng này vẫn cứ làm mình phát hoảng.

Cúp máy, tóm lại là khách đang bận nên: "Anh hẹn chú khi khác nhá, nhất định anh sẽ đền bù cho chú một bữa thịt chó nấu... giả cầy". Mình cú. Mang tiếng làm ăn lớn mà cuộc điện thoại có mấy nghìn bọ mà cũng không thèm gọi cho mình, để mình phải lọc cọc chạy sang tận bên này, xe máy nó uống xăng chứ có uống nước lã đâu mà muốn chạy đi đâu thì chạy, mà cái giá xăng thì...

Chưa làm được cái gì chả nhẽ lại về? Bấm bụng nghĩ đằng nào cũng là một chuyến đi gặp khách hàng, chả tội gì mà không tranh thủ. Quyết định bê cốc cà phê ra cái bàn ở gần đường nhất, ngồi ngắm một góc con con của xã hội, tự thấy mình như một triết gia.

Từ trong ngõ, hai thằng nhãi ranh (chắc còn bé hơn giai bé) đèo nhau trên cái xe máy phóng vụt ra, hai mái tóc nhuộm màu chói lóa tốc ngược lên, cả hai thằng đều không đội mũ bảo hiểm. Mình nghĩ bụng: tí nữa đi đến đoạn kia, sấu chín nó rụng vào đầu thì không khéo hai thằng chết vì chấn thương sọ não mất, đúng là đã bé lại còn ngu. Mình thấy buồn cho cả một thế hệ.

Xin thêm một ít nước đá, một ít đường và một ít cà phê, mình nhâm nhi cốc thứ hai. Góc phố này như một góc thành phố thu nhỏ, cũng xe buýt, xe ôm, cũng đường nhựa, vỉa hè lát đá, cũng cây cối mát rượi, cũng những cửa hàng nhộn nhịp, những gánh hàng rong, cũng rác, cũng bụi, cũng những con người tấp nập, những người lang thang, cũng có những khoảng sôi động bên cạnh những góc trầm tư...

Giật nảy mình vì tiếng còi xe buýt chuẩn bị vào cua, mình ngoái cổ nhìn ra, chuẩn bị thêm vào góc phố này một câu chuyện...

Chiếc xe buýt quá dài để vào khúc cua này. 10 rưỡi, đây không phải là giờ cao điểm nhưng tình trạng và vị trí của chiếc xe buýt khiến đoạn đường ứ lại, người đi ngược, kẻ lấn xuôi. Dưới tay lái lụa của người tài xế, chiếc xe dù dài vẫn ôm cua rất ngọt khiến bao người phải thót tim vì cứ nghĩ chiếc xe kia sắp lao bổ vào mình. Chiếc xe đã có cú vào cua rất ngon lành, giao thông dần lưu thông trở lại. Mình thở phào.

Chợt nghe thấy tiếng ai choe chóe ở góc phố ấy, mình lại quay ra: Chị hàng trứng một tay chống cái đòn gánh xuống đất, tay kia xỉa xói vào chiếc xe buýt đang lao đi:

- Mày đứng lại ngay thằng kia. Mày làm ăn thế à? Mày đi đứng thế à? Bà có ngần này trứng thôi, vỡ tiệt cả rồi. Giờ thì bà sống thế nào được đây? Đấy các ông các bà xem, cái thằng khốn, nó làm hỏng hết trứng của tôi rồi. Đàn bà con gái, tôi chỉ có ngần ấy trứng thôi. Thế mà nó nỡ lòng nào, nó cua một cái. Ôi trứng của tôi...

Chị hàng trứng ca một bài nhuần nhuyễn như đó là bài tủ của chị vậy. Chị cứ đứng đó, bên cạnh cái thúng trứng bị hất đổ, một tay chị vẫn cầm đòn gánh gõ xuống lòng đường, một tay chị vẫn xỉa xói theo hướng chiếc xe buýt đã mất dạng. Thì ra lúc chiếc xe vào cua ngọt quá, bác tài lại không để ý là dưới lòng đường đang có một người phụ nữ bước đi với rất nhiều trứng, kết quả là khi chị đang tung tẩy: "Ai mua trứng tôi!" ở ngay khúc cua thì chiếc xe buýt cũng tranh thủ hẩy vào một bên quang gánh, thúng trứng bên ấy ngã nhào xuống đường, bánh sau của chiếc xe chèn lên, thế là hết...

- Ối giời ơi làng nước ơi, cái thằng khốn nó làm hỏng hết trứng tôi rồi... Giờ tôi sống sao được đây trời...

Câu ca của chị hàng trứng vẫn tiếp diễn. Mấy cậu thanh niên từ trong quán cà phê bước ra, nghe được đúng cái câu ấy liền... đỏ lựng mặt lên. Loáng thoáng nghe mấy cậu rỉ tai nhau: "Mong là bà ấy đẻ được vài đứa rồi chứ không thì..."

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Nhật ký "đinh tặc" đại phá

Trả tiền cà phê, ra về. Vẫn phê phê tây tây với sự cố vỡ trứng của chị gái kia.

Ngồi lên xe, áp "bàn tọa" xuống yên, đang định dằn nó xuống để vít ga vào số thì đã phải vội nhổm người lên, tí nữa thì có món mông sấn áp chảo. Trời nắng nóng thật là tai hại.

Lượn tay lái theo hướng công ty thẳng tiến, lẩm nhẩm làm... thơ:

Thế gian có giống đàn bà

Dịu dàng thì ít, chua ngoa thì nhiều

Chết thay cái chữ "mỹ miều"

Vận vào thân xác nên nhiều gái xinh

Thế gian có giống... như mình

Thông minh, sáng suốt gặp tình cũng ngu

...

Cảm giác bồng bềnh theo vần thơ lai láng thật tuyệt vời, chả mấy khi được thả hồn lãng đãng trên đường phố vào cái giờ vàng ít tắc đường thế này... Được cái con Wave của mình cũng có cái máu nghệ sĩ, mỗi khi mình thả hồn theo mây gió là y như rằng cậu chàng cũng lả lướt "oánh võng" trên đường, thế mới lạ chứ. Nhưng đau nhất là mỗi lần như vậy, mình và em í lại lĩnh được vô cùng nhiều những... câu chửi. Thiên hạ thật là "phản nghệ thuật" quá đi.

Hôm nay cũng thế, đang ngâm đến đoạn "... gặp tình cũng ngu" thì lại thấy em Wave "phiêu", có điều là hôm nay thấy cái điệu phiêu của em nó không được bình thường lắm, cà giật... cà giật... như là phản đối. Kệ xác mày, anh hùng mấy khi qua được ải mỹ nhân, có muốn phản đối thì chả thay đổi được gì đâu em.

Nhưng Wave vẫn... cà giật. Mùi hương từ làn khói hun chuột của quán bún chả kéo mình về thực tế. Cái xe mỗi lúc lại giật mạnh hơn. Há mồm ra, tấp vội vào lề đường. Thôi xong, cái bánh trước không còn một "giọt" hơi. Biết ngay mà, cái kiểu sắp "hết hơi" bao giờ cũng thế. Chép miệng nhìn trước nhìn sau tìm hàng chữa xe, mình mừng như bắt được vàng khi thấy khu vực này là vùng đất vàng của những người chữa xe chuyên nghiệp. Chỉ một đoạn phố ngắn mà cơ man nào là hàng chữa xe, cửa hàng có biển hiệu đầy đủ cũng có mà hàng chỉ với một hòm đồ nghề sơ sài cũng có. Đưa mắt chọn hàng ưng ý, mình nhận ra những nụ cười bí hiểm.

Dắt xe lên cửa hiệu gần nhất. Mình kéo cái ghế nhựa, ngồi xuống. Tay thợ hì hục bửa lốp moi săm ra, mắt gã sáng lên và giơ lên một mảnh kim loại hình tam giác, không khác gì cái kim khêu ốc ở mấy hàng rượu ốc cả. Mình trố mắt ra, định hỏi thì đã nghe tiếng gã thợ:

- Chú mày dính bẫy rồi. Biết đây là cái gì không? Đây là cái đinh, đinh của bọn "đinh tặc" ấy. Chú mày có biết "đinh tặc" là cái gì không? Đó là những kẻ chuyên rải đinh cho mấy người như chú phi xe vào, cốt để moi tiền vá săm, thay săm ấy. Chú mày có biết họ moi tiền để làm gì không? Moi tiền để có tiền, có người do nghèo mà làm thế nhưng cũng có người do tham mà làm thế. Chú mày có biết...

Cứ thế, gã thợ sửa xe vừa mân mê cái săm xe vừa lải nhải. Cáu điên, mình quát lên:

- Ai chả biết thế. Anh là ngoại lệ chắc?

Nói xong mới thấy sợ, nhớ gã cú, gã lại thả cho đôi ba cái đinh nữa vào trong lốp xe thì tèo, nhưng nhỡ nói rồi, không hãm lại được nữa. Nhắm mắt cầu nguyện. May quá, gã không cáu, gã chỉ nhẹ nhàng:

- À thế ra chú mày biết rồi à? Ừ, biết rồi thì thôi. Chứ chưa biết thì anh cho nghe tiếp, kinh lắm, khối người xịt lốp rồi xịt luôn cả đời đấy.

Nói xong, gã với tay tắt cái đài cassette đặt trong tủ. Điệp khúc "chú mày có biết là gì không" ngưng bặt. Choáng với công nghệ "đinh tặc".

Vết rách to quá, phải thay săm, mất ngót trăm bạc, đúng là đã nghèo còn vướng cái eo.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Nhật ký buổi trưa về cơ quan

Mải làm thơ và thay săm, quên cả đói. Lôi điện thoại ra xem giờ, chậc, vèo cái mà đã gần hết giờ Ngọ. Tạt vào một quán phở, gọi đĩa cơm rang ăn cầm hơi đến chiều vậy.

Vừa nuốt được hai miếng thì nghe trong góc quán có tiếng chửi rất thô:

- Ba mươi nghìn một bát phở bò mà chả có miếng thịt chó nào cả.

Chủ quán toát mồ hôi, khách khứa ngạc nhiên trước đòi hỏi quá đáng của vị khách, riêng mình thì cơm suýt phì ra, vài hột nhanh chân đã kịp tọt lên mũi. Quả thật mấy trò chửi bậy không bao giờ đem lại kết quả tốt. Thì đấy, trong khi mình đang khịt mũi tống mấy hột cơm xuống thì ông chủ quán đã trợn mắt:

- Muốn ăn thịt chó thì sang hàng thịt chó nhá. Vô văn hóa!

Ông kia đỏ mặt:

- Bán hàng cắt cổ con người ta còn cãi lý. Còn lên mặt dạy văn hóa cho ai?

...

Cứ thế người này đốp trả người kia. Kịp lúc sếp gọi điện giao việc, mình vét nốt đĩa cơm, thanh toán rồi dông thẳng. Rất nhiều người đang kéo đến chỗ bát phở bò gây tranh cãi kia, chẳng biết để làm gì.

...

Cửa hầm để xe hiện ra, chợt nhớ lại cuộc đụng độ lúc sáng với "thằng cu thái giám". Chột dạ, biết đâu đó lại là nhân viên mới? Ẹc, nghĩ đến chữ "duyên"... Tủm tỉm cười, suýt quên lấy vé gửi xe.

Dựng xe vào một chỗ trống, bất giác đưa mắt tìm xe "thái giám": Không thấy đâu. Cụt cả hứng, đang định... Chậc, thế thì tội lỗi quá.

Ngoan ngoãn đi thẳng lên phòng. Không có ai là người lạ, chỉ thấy mấy bà chị già đang tranh thủ giờ nghỉ trưa xếp ghế ra và... lăn quay tập thể, chả còn sót cái ghế nào cho mình đặt nhờ cái mông. Khẽ nhích người ngồi ghé lên bàn, thử quan sát mấy mẹ này trong lúc ngủ... Phát hiện ra sự thật kinh hoàng, đúng như Bác Hồ từng nói: "Ngủ thì ai cũng như lương thiện", mấy bà phù thủy phòng mình, thường ngày đanh đá chua ngoa, tham ăn tục uống là thế mà khi chìm vào giấc ngủ, khuôn mặt ai nấy đều giãn ra, thanh thản, hiền lành và ngơ ngác đến lạ. Thú thực là nhìn họ rất kém phần đầu gấu so với khi thức. Thật kỳ lạ!

Ôi, những gương mặt thánh thiện... nhìn mãi cũng nhàm. Chép miệng đi sang phòng khác đổi gió và cũng là để tránh ánh mắt soi mói của người khác. Mình sang phòng kỹ thuật cho an toàn. Đúng là phòng toàn đàn ông với con trai có khác, không ai ngủ trưa, nhưng tắt đèn tối thui. Tất cả đều đang cắm đầu vào màn hình, tay phím, tay chuột bấm gõ liên hồi. Ra là mấy lão chơi điện tử.

Rút ra nhận xét là trò giải trí buổi trưa của chị em lành mạnh hơn của các anh em nhiều.

Vỗ vai thằng bạn cùng tuổi, mình háo hức hỏi nó:

- Ê cu, thấy nhân viên mới phòng ta chưa?

- Rồi, gớm. Thấy gái là mắt sáng lên... - Nó vẫn bấm chuột liên hồi - Chết này...

- Thấy thế nào?

- Thầng đểu!!! - "Rầm... rầm...", nó tức tối đập mạnh vào bàm phím do vừa phải "bỏ mạng" vì bị thằng bên phòng Marketing "bắn lén".

Chắc chắn thằng này quên mất sự có mặt của mình rồi. Chán hẳn, thà về ngắm mấy chị già còn sướng hơn.

May quá, vừa kịp hết giờ nghỉ trưa.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Nhật ký những điều to tát

Ngày... tháng... năm...

Vẫn chưa biết mặt ngang mũi dọc cô nhân viên mới như thế nào. Chả hiểu đi làm đi lụng kiểu gì. Cũng chưa gặp lại "thái giám" lần nào. Tệ thật, chả có nhẽ cái linh cảm toàn sai của mình lần này giở chứng?

Ngày... tháng... năm...

Thấy dân tình láo pháo rỉ tai nhau là có thay đổi về cách tính thuế thu nhập, nhiều khả năng là mình được miễn. Gì chứ một đôi chục, một đôi trăm cũng là cả vấn đề. Bấm đốt ngón tay tính thử xem với tầm tiền ấy thì mình nên chi tiêu vào đâu cho hợp lý, mua ô tô hay sắm biệt thự... (cho thằng cháu con bà chị họ chơi chứ mấy món đồ chơi cũ nó đập vỡ hết rồi còn đâu).

Nhìn con lợn nhựa trên giá sách... bụng nó móp vào, chân nó phù ra. Nhấc lên lại thấy nằng nặng... Quái lạ! Ghé mắt "nội soi", phát hiện ra toàn là tiền xu - những đồng tiền định mang đi tiêu mà rồi đến đâu người ta cũng bảo: Thôi cho chú mang về làm kỉ niệm. Khổ thân con lợn, đã gầy đói lại còn mắc bệnh sỏi... bụng. Mình nghĩ đến khoản thuế được miễn, mơ đến ngày con lợn hồng da thắm thịt trở lại.

Ngày... tháng... năm...

Tin hay! Tin hay! Phòng kế toán chính thức truyền thông cách tính thuế. Mở máy tính, tính toán một hồi, may quá, thu nhập của mình cách quá xa so với mốc chịu thuế.

Bà chị ngồi bên cạnh, từ lúc nhận mail truyền thông thì mặt ngắn tũn. Mãi lâu sau mới ỏn ẻn quay sang mình: "Chú thích thì chị... nhường cho một ít lương". Bà chị này thường ngày cái gì cũng tính toán chi li từng đồng, đố ai động vào được một xu của bà ấy. Thế mà nay lại hào phóng thế. Mãi sau mới té ngửa: thì ra bà chị này có mức lương đáng để đóng thuế nhưng sau khi nộp thuế thì tiền mang về lại... ít hơn người không phải đóng. Bảo sao bà chằn nay lại muốn... giảm lương.

Ngày... tháng... năm...

Ngồi quán trà đá, thấy mấy bác ngồi ở góc bàn đối diện bàn luận với nhau từ chuyện quốc tế, nào là nội chiến ở nước này, châu này, nào là nhà lãnh đạo nước này nước nọ, rồi cầm quyền với trách nhiệm, rồi thì nền kinh tế lớn thứ nhất, thứ nhì, thứ bét trên thế giới nó ra làm sao, lại chuyện giá vàng nhảy múa như thế nào, đầu tư đất đai, dự án cách nào cho hiệu quả... vân vân và vân vân, toàn chuyện to tát cả. Cố ngồi chờ để xem các bác là lãnh đạo cơ quan nào mà có thể có tầm nhìn sâu rộng đến thế...

Bỗng một bác đặt vội cốc trà đá xuống mặt bàn, nói nhanh: "Công an!".

Trong khi mình còn đang hoảng loạn chưa hiểu mô tê gì thì cả mấy bác đều đứng vụt dậy, lao ra phía góc đường, mỗi người nhảy vội lên một cái xe máy đang dựng sẵn, trên mỗi xe lủng lẳng một tấm bìa các-tông với dòng chữ "XE ÔM" nguệch ngoạc. Mấy anh công an lắc đầu: "Các bác gọn gàng vào hộ chúng con với!".

Lòng mình dấy lên sự cảm phục các bác này. Quả thật kỹ năng chém gió của các bác, tuy không cùng tông với giới trẻ nhưng cũng thâm hậu vô cùng.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Nhật ký giai bé nhập học

Ngày... tháng... năm...

Đang điểm tâm sáng bằng mấy cái "bánh ngáp" thì giai bé eo éo gọi điện: "Anh già, chuẩn bị tinh thần đón tiếp khách quý nhá!". Biết thế nào cũng có ngày này nhưng... tai họa sao đổ xuống sớm quá.

Dồn hết dũng khí gọi điện về cho mẹ, vẻ quan tâm: "Mẹ cứ để thằng cu bé lên ở cùng con, ra ngoài ở trọ hay ở ký túc xá thì vất vả quá...". Nói thế, cốt để mẹ cảm động trước cái tấm lòng của mình... Không ngờ mẹ lại tự ái: "Ừ, mẹ cũng không định cho giai bé ở trọ kiểu như thế đâu. Nếu con có lòng tốt thì cho em ở cùng còn không thì cứ để nó ở ngoài đường cũng được. Em ai thì người ấy xót thôi. Hí hí...". Tan nát cả cái cõi lòng.

Kể về tai họa sắp ập đến với thằng bạn thân, nó vỗ vai và... chì chiết: "Tao thèm có đứa để hầu hạ như mày mà không được".

Ngày... tháng... năm...

Sáng nay giai bé lên, chính thức chấm dứt quãng đời "một thân một mình" của mình.

Ra bến xe, giữa biển người nhộn nhịp, vẫn nhận ra dáng giai bé đứng khẳng khiu bên cạnh đống hành lý to vật vã, nào ba lô, nào túi, nào bịch, nào bọc và cả... bao tải nữa. Minh phát hoảng, thầm trách thằng ranh tham lam.

Mình trờ xe tới:

- Có cần gọi xích lô chở đồ về không cu?

- Tốn kém ra. Có ngần này đồ, làm như em không đủ sức bê í.

- Ờ được, thằng này khá!

- Anh gọi cho em cái taxi tải để em bê đồ lên.

Nó cười phá lên. Chịu thua ông tướng với biệt tài làm cho người khác mừng hụt này.

Sau một hồi vất vả, cuối cùng đống đồ đạc cũng được chất hết lên cái xe còm cõi của mình. Giai bé cũng kịp giải thích là đống của nả này là do mama đại tổng quản chuẩn bị chứ không phải là đòi hỏi của thằng bé. Cất đồ xong, mình ra lệnh:

- Đủ chưa? Lên xe!

- Ấy, vẫn còn...

Mình nhìn quanh nhìn quất, đến cái bánh mì gặm dở cũng gói mang về rồi thì còn là còn cái gì. Chưa kịp hỏi, giai bé đã nhanh nhảu:

- Anh chỉ đường cho "món" này hộ em với.

Quay ra, một cô bé bẽn lẽn tiến đến gần. Trời đất làng nước ơi, ngồi ô tô có 2 tiếng đồng hồ mà thằng ba toác này đã khiến con gái người ta gật gù rồi tình nguyện trao gửi thân phận thế này có chết không cơ chứ.

Chưa kịp phản ứng gì thì một bác đi đến:

- Bác nhờ cháu chỉ đường cho bố con bác đến trường cho em nó nhập học với.

Mình chỉ biết đau khổ gật đầu, kịp đánh một cái lườm sang thằng em đang toe toét đắc thắng.

Ngày... tháng... năm...

7h sáng, giai bé xách xe đi nhập học. Một lúc đã thấy hớt hải chạy về:

- Anh có thấy giấy báo nhập học của em đâu không? Tiền đủ, hồ sơ đủ, thiếu mỗi nó.

- Ớ...

Mình giũ chăn: Đã thấy.

Té ra hôm qua mải mân mê ngắm nghía cái chiến công của giai bé, mình ngủ quên lúc nào không biết, chả kịp bỏ lại vào túi hồ sơ của giai bé. Áy náy kinh hồn, nhớ lại vụ quên giấy tờ hôm giai bé đi thi. Thấy thương giai bé vì có một ông anh đoảng vị vô ngần.

7h30 lọc cọc cuốc bộ ra điểm dừng xe buýt gần nhà, lâu lắm rồi không đi loại phương tiện này, hồi hộp mới lạ chứ.

Đông kinh hoàng. Đợi mãi mới thấy một xe tới, lon ton chạy ra nhưng vì là kẻ chen lấn không chuyên nên chẳng mấy chốc đã thấy mình đứng tít ở cuối đoàn người. Xe đến gần điểm dừng... đến đúng điểm dừng... và... đi qua điểm dừng mà không đỗ lại. Ai nấy đều ngơ ngác rồi tẽn tò quay lại. Lúc ấy chiếc xe mới phanh két lại, cửa mở toang ra, 4 người khách trên xe phi xuống, cửa xe đóng sầm lại và bánh xe lăn vội đi.

Bác trai tầm ngoài 60 tuổi đứng cạnh mình lẩm bẩm: "Lại bỏ bến. Đông quá. Mình mà cố chen lên chắc... bẹp". Mở điện thoại xem giờ, lắc đầu, gọi điện cho sếp báo đến muộn. Thở dài một cái cho sự quá tải của loài người. Lại ngẩng lên hóng xe...

Một xe nữa đi qua, lại thêm một xe nữa...

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro