4. [LLVH] Phong cách là con người nhà văn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

(chứng minh bằng một nhà thơ)

1. Dàn ý chi tiết

I. Mở bài

Nhà thơ Tố Hữu từng nhận định: "Văn học thực chất là cuộc đời". Và hơn thế, cuộc đời không chỉ đi vào thơ ca mà còn góp phần định hình phong cách người nghệ sĩ. Mỗi nhà thơ đều có một phong cách riêng hay còn được gọi một cách mỹ miều hơn là "dấu vân chữ"...

II. Thân Bài

- Ý 1: Ngòi bút người thi sĩ tràn ngập nỗi đau với hình tượng ánh trăng, máu và nước mắt.

"Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết

Trải niềm đau trên mảnh giấy rung rinh."

(Rướm máu)

- Ý 2: Trang viết của ông vẫn còn lấm tấm bao giọt tình yêu, nhưng là một màu yêu đầy khắc khoải.

"Trăng nằm sõng soài trên cành liễu

Đợi gió Đông về để lả lơi."

(Bẽn lẽn)

III. Kết bài

..."Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình." (Chế Lan Viên)

-

*Truy cập link để đọc FULL TẤT CẢ bài viết phân tích của Thích Vị: https://joyme.io/@thichvinhimgai/nhim-van-chuong-14006

Tất cả bài viết đều thuộc bản quyền của Thích Vị, được chia sẻ với các bạn yêu văn và dùng để tham khảo học văn.

‼ Vui lòng không reup với bất kỳ mục đích thương mại nào.

-

2. Bài viết

Nhà thơ Tố Hữu từng nhận định: "Văn học thực chất là cuộc đời". Và hơn thế, cuộc đời không chỉ đi vào thơ ca mà còn góp phần định hình phong cách người nghệ sĩ. Mỗi nhà thơ đều có một phong cách riêng hay còn được gọi một cách mỹ miều hơn là "dấu vân chữ" (Lê Đạt) của thi ca. Nó hình thành từ thế giới quan, nhân sinh quan, chiều sâu tư tưởng và sự phong phú trong tâm hồn người nghệ sĩ. Và đôi lúc, nó còn được mài dũa bởi những dấu ấn dân tộc và thời đại cũng như hoàn cảnh sống của họ. Như đã nói, "phong cách là con người nhà văn", mỗi tác phẩm bao giờ cũng phản ánh cuộc đời và tâm hồn người chấp bút. Và đối với nhà thơ Hàn Mặc Tử, người được Hoài Thanh nhận xét là "một hồn thơ rào rạc và lạnh lùng", ông đã đem đến cho văn đàn nước nhà một luồng gió thi ca độc đáo.

Hàn Mặc Tử là một thi nhân đầy tài hoa nhưng phận đời bạc mệnh. Trong những năm tháng tuổi trẻ rực rỡ của cuộc đời, ông mắc bệnh phong, một căn bệnh nan y bấy giờ. Kể từ đó, ngòi bút người thi sĩ tràn ngập nỗi đau với hình tượng ánh trăng, máu và nước mắt. Trong "Rướm máu", ông viết:

"Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết

Trải niềm đau trên mảnh giấy rung rinh."

(Rướm máu)

"Ngất ngư" và "rung rinh" đều là những tính từ chỉ trạng thái. Từ "ngất ngư" đem cho ta cảm giác thả mình mê đi. "Cứ" tức là mặc kệ, không cần quan tâm. Phải chăng nhà thơ họ Hàn đang muốn thả mình vào "vũng huyết" để tự mình chiêm nghiệm, tự mình gặm nhấm nỗi đau một cách tính lặng và tinh tế. Để từ đấy, nỗi đau thể xác hóa thành chất liệu sáng tác của tâm hồn. Nếu đối với Nguyễn Bính, thơ là quê hương, là thứ không gian làng mạc êm đềm yên ả. Với Xuân Diệu, thơ là tiếng gọi ồ ạt của tuổi trẻ và tình yêu. Thì đối với chàng thơ Hàn Mặc Tử, thơ là những cảm xúc ngân lên từ trái tim đã sớm chồng chất những nỗi đau về thể xác lẫn tâm hồn.

Tuy nhiên, không khác bao nhà thơ trong phong trào Thơ Mới, trang viết của ông vẫn còn lấm tấm bao giọt tình yêu, nhưng là một màu yêu đầy khắc khoải. Thời còn khỏe mạnh, ông vẫn luôn là bóng hình ái mộ trong mắt bao nàng thiếu nữ, trái tim ông luôn rạo rục cháy một hồn yêu. Nhưng từ ngày mắc vào căn bệnh quái ác, ông dần mất đi ngọn lửa rực rỡ ban đầu. Hàn Mặc Tử mặc cảm bởi căn bệnh phong, ông tự ti vì bàn tay lở loét, bệnh tật. Và từ đó, tình yêu của ông dần tách biệt với cuộc đời bởi khoảng cách của không gian (trại phong) và thời gian (sự sống). Và cũng có lẽ vì thế, ông đã viết nên những vần thơ đầy khát vọng:

"Trăng nằm sõng soài trên cành liễu

Đợi gió Đông về để lả lơi."

(Bẽn lẽn)

Giờ đây, mặt trăng đã được Hàn Mặc Tử nhân hóa thành một con người biết "nằm", "biết đợi", biết "lả lơi". Hai câu thơ của ông họa lên bức tranh đầy hình ảnh mang đậm tính trữ tình, đẹp diệu dàng và quyến rũ. Tuy nhiên, cảnh sắc tuyệt vời ấy lại được nhìn thấy qua khung cửa sổ phòng bệnh, dưới đôi mắt của một con người trần tục vươn đầy đau thương. Nhưng có lẽ, nỗi đau của ông đã có một người tri âm, đó là "trăng". "Trăng nằm song soài trên cành liễu", một tư thế nằm nhẹ nhàng mà mời gọi, quyến rũ đôi mắt đa tình của bậc thi nhân. Nhưng trăng nằm đấy để đợi ai, chờ ai? À, hóa ra trăng đang "đợi gió Đông về để lả lơi". Nhưng đối với một bệnh nhân mắc căn bệnh nan y, "gió Đông" chẳng khác nào một sự tra tấn cùng cực. Bởi gió Đông đến mang theo cái lạnh buốt tận xương tủy. Và cái lạnh ấy không chỉ từ thể xác mà còn ăn sâu vào tâm hồn. Và "trăng" cũng thế. Hóa ra, những người bạn thân thiết ấy lại chính là nguồn cơn gây ra nỗi đau cho ông. Điều đó khiến ta thấy được nỗi cô đơn cùng cực trong tâm hồn. Ông cô đơn đến mức phải bầu bạn cùng bệnh tật, cùng sự tra tấn lặp lại hằng đêm. Và điều đó cũng được đưa vào trang viết của người nghệ sĩ.

Thơ Hàn Mặc Tử luôn đem đến cho người đọc nhiều sức gợi nhưng cũng mang đầy xót xa cho một kẻ tài hoa bạc mệnh. Thi sĩ họ Hàn lấy nỗi đau của ông làm chất liệu và từ đó dần biến thành phong cách riêng của chính mình, một loại phong cách đầy độc đáo và táo bạo. Đó là lý do mà ông từng được người bạn tri âm Chế Lan Viên ca ngợi rằng: "Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình."

Viết bởi Thích Vị - Nhím Văn Chương

-

*Truy cập link để đọc FULL TẤT CẢ bài viết phân tích của Thích Vị: https://joyme.io/@thichvinhimgai/nhim-van-chuong-14006

Tất cả bài viết đều thuộc bản quyền của Thích Vị, được chia sẻ với các bạn yêu văn và dùng để tham khảo học văn.

‼ Vui lòng không reup với bất kỳ mục đích thương mại nào.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro