TẤM CÁM

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

   Tôi yêu chuyện cổ nước tôi

Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa

Thương người rồi mới thương ta

Yêu nhau dù mấy cách xa cũng tìm.

Trong kho tàng văn học dân gian của ông cha ta để lại, những câu chuyện cổ tích như những bầu sữa mát lành nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta từ trong lời kể của bà, của mẹ. Đó là những hơi thở thấm đẫm sự ngọt ngào về một thế giới hòa bình, công bằng cùng với những quan niệm, triết lý theo ta từ thuở lọt lòng. Hẳn không thể thiếu những yếu tố hoang đường kì ảo và sự xuất hiện của những bà tiên, ông bụt ban cho những điều ước. Hay hình ảnh cô Tấm bước ra từ quả thị trong truyện cổ tích Tấm Cám hẳn chúng ta không thể nào quên được. Là một người có số phận bất hạnh và là hiện thân của cái thiện, Tấm đã trở nên mạnh mẽ và quyết liệt khi đấu tranh giành lại hạnh phúc cho mình. Hẳn thế mà câu chuyện cổ tích Tấm Cám trở nên hấp dẫn hơn bất kỳ một chuyện cổ tích nào khác cùng với triết lý sâu xa được gửi gắm qua nhân vật Tấm "Ở hiền gặp lành".

Mấy đời bánh đúc có xương

Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng.

Tấm là một người con gái có nhan sắc và mang nhiều phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ xưa thế nhưng cuộc sống của Tấm lại phải chịu quá nhiều bất công. Ngay từ nhỏ, Tấm đã phải chịu đựng một cuộc sống bất hạnh hơn những đứa trẻ cùng lứa khác khi mà mẹ cô mất sớm và cha cô thì đi thêm bước nữa và từ đó phải sống với mụ dì ghẻ độc ác và rất ghét mình. Cũng chẳng may sau đó thì cha Tấm qua đời và Tấm luôn luôn bị mụ dì ghẻ phân biệt đối xử so với người em cùng cha khác mẹ của mình là Cám. Ngày qua ngày, Tấm phải làm lụng vất vả suốt ngày đêm, từ chăn trâu cắt cỏ đến mò cua bắt ốc hay xay cám, giã gạo,... thì tất cả đều do một tay cô làm. Cô vừa hiền lành, nết na, chịu khó, chứ không lười biếng và độc ác như mẹ con Cám. Sống cùng với dì ghẻ, lại là phận gái, Tấm đã phải chịu bao tủi nhục, đắng cay, hoàn cảnh của cô thật khiến người khác cảm thấy thương tâm và tội nghiệp.

Tấm- chính cái tên ấy cũng đã gợi ra trong lòng người nghe, người đọc về vẻ đẹp của cô rồi, cái tên mang những nét văn hóa của người Việt với nền văn minh lúa nước tự bao đời nay. Hình ảnh cô Tấm hiện lên trong chuyện là một cô gái hiền lành, hiếu thảo, yếu đuối và cam chịu. Ngay từ khi cha cô đi thêm bước nữa, cô cũng chẳng phàn nàn gì. Và trong suốt khoảng thời gian sống với hai con người luôn tỏ ra ganh ghét mình ấy thì Tấm cũng một lòng nhẫn nhịn, không có lấy một lời than thở, trách móc. Hay khi mụ dì ghẻ bảo hai chị em đi bắt tép, ai bắt được đầy giỏ thì sẽ thưởng cho một cái yếm. Tấm chăm chỉ bắt được đầy giỏ nhưng ngờ đâu lại bị Cám lười biếng lừa lấy hết sạch giỏ tép và nghiễm nhiên cướp lấy phần thưởng là chiếc yếm. Cũng chỉ tại cô quá tin cô em mình nên khi thấy trong giỏ không còn gì thì cũng chỉ biết ngồi khóc. Và rồi thì Bụt đã hiện lên và tặng cho cô con cá bống rồi không quên bảo cô mang bống về nuôi, ngày nào cũng cho bống ăn. Nhưng sau đó Tấm lại bị mẹ con Cám lừa đi chăn trâu đồng xa rồi ở nhà làm thịt cá bống. Khi Tấm gọi bống lên ăn và mãi không thấy đâu thì Tấm lại khóc và Bụt lại hiện lên mách Tấm tìm xương cá bống rồi cho vào bốn cái lọ, chôn vào bốn chân giường. Rồi đến ngày làng mở hội, Tấm cũng bị mẹ con Cám tìm cách làm khó không cho Tấm đi chơi hội. Và Tấm thì cũng ngoan ngoãn nghe lời làm theo mà không một lời than vãn hay cãi lại. Nhưng rồi cô lại khóc khi bị bắt nhặt thóc ra thóc, gạo ra gạo và còn không có quần áo đẹp để đi chơi. Một lần nữa Bụt lại hiện lên và sai đàn chim sẻ xuống nhặt giúp cô và không quên cho Tấm quần áo, giày và xe ngựa để đi trẩy hội. Và rồi qua bao nhiêu bất hạnh, Tấm đã được gặp vua và trở thành hoàng hậu nhưng vẫn không quên giúp đỡ mẹ con Cám. Trong suốt khoảng thời gian ấy, Tấm bị mẹ con Cám tước đoạt trắng trợn cả vật chất lẫn tinh thần. Nhưng Tấm cũng chỉ biết cam chịu, bật khóc mỗi lần bị ức hiếp, chà đạp, cô luôn luôn ở trong thế bị động và không có ý thức phản kháng và tâm hồn của cô vẫn luôn trong sáng, không bị dã tâm của mẹ con Cám làm cho bị vấy bẩn. Và cũng chính vì mang trong mình những phẩm chất tốt đẹp nên khi gặp khó khăn, Tấm luôn được Bụt hiện lên và giúp đỡ.Sự hiện thân của Bụt là một yếu tố kì ảo hay chính là sự hóa thân của nhân dân lao động như muốn bênh vực, bảo vệ kẻ yếu và đứng về cái thiện.

Và rồi không còn là một cô gái yếu đuối, thụ động, Tấm đã trở thành một cô gái mạnh mẽ, quyết liệt trong cuộc đấu một mất một còn để dành lại hạnh phúc cho mình. Ngày giỗ của cha, cô vẫn không quên mà trở về nhà để thắp hương cho cha mình và cô cũng không ngại ngần hay nghi ngờ gì khi mụ dì ghẻ bảo cô trèo lên cây hái cau cúng giỗ cha mình để rồi mắc mưu mẹ con Cám hại chết đời mình. Khi cây cau ngã xuống thì cũng là lúc cô Tấm hiền lành, yếu đuối, thụ động ấy không còn nữa. Cái ác của mẹ con Cám được nâng lên thêm một bậc, sẵn sàng cướp mạng sống người khác để thỏa mong muốn của mình. Nhưng chính cái giây phút ngã xuống ấy, Tấm đã bừng tỉnh và trở lại một cách mạnh mẽ, quyết liệt để vạch mặt mẹ con nhà Cám và giành lại hạnh phúc cho mình. Một mình cô chủ động biến hóa từ kiếp này sang kiếp khác, đấu tranh một cách kịch liệt đến cùng. Khi là con chim vàng anh, Tấm hót cho vua nghe và chui vào tay áo nhà vua. Song cũng không quên cảnh báo với Cám về sự có mặt của mình bằng những lời lẽ cứng cỏi: "Phơi áo chồng tao,...". Và khi bị mẹ con Cám giết thịt, Tấm lại hóa thành cây xoan đào tỏa bóng mát cho vua và lại bị mẹ con Cám chặt làm khung cửi. Tấm hiện thân thành con ác trong khung cửi để nguyền rủa và đe dọa Cám:" Cót ca cót két,...". Mẹ con Cám đã sợ hãi mà đem đốt luôn khung cửi và vứt thật xa. Cuối cùng Tấm hóa thành quả thị, hàng ngày bước ra giúp bà hàng nước dọn dẹp, têm trầu để rồi được gặp lại nhà vua và trở về hoàng cung làm hoàng hậu. Tấm vẫn luôn ở bên nhà vua và làm tròn bổn phận của mình.

Có thể thấy đó là một quá vtrình đấu tranh, phản kháng hết sức mạnh mẽ, quyết liệt và không khoan nhượng của Tấm. Để đòi lại công bằng và hạnh phúc, Tấm phải một mình đấu tranh với mẹ con Cám và không còn nhu mì, yếu đuối, chỉ biết khóc khi bị áp bức và trông cậy vào sự giúp đỡ của Bụt mà Tấm đã kiên cường đứng lên và chống lại tất cả. Và qua những lần hóa thân của Tấm để cho thấy sức sống mãnh liệt của cái thiện trước cái ác và biết đấu tranh chống lại cái xấu nên mới có hạnh phúc thực và bền vững.

Cuối cùng, Tấm đã ra tay để trừng trị cái ác, mẹ con Cám độc ác tàn nhẫn nên cuối cùng phải nhận một cái kết bi thảm. Ngày Tấm trở về cung thì hai mẹ con Cám đã ngỡ ngàng và sợ hãi biết nhường nào. Và với những gì hai người đã làm với Tấm thì Tấm đã trả thù Cám một cách rất quyết liệt và mạnh mẽ. Cô sai quân hầu đào một cái hố, lừa Cám xuống đó và dội nước sôi để trắng đẹp cho đến chết. Sau đó thì cho dì ghẻ ăn mắm làm từ thịt con gái, kinh khiếp mà chết. Hành động trả thù của Tấm thì nhiều người thấy quá ư tàn nhẫn và ác độc nhưng nó lại hoàn toàn hợp lý và đáng với những gì mà mẹ con Cám đã làm khi mà họ không từ bỏ một dã tâm nào để hại Tấm. Ngày nào hai mẹ con họ còn sống thì ngày đó họ còn hãm hại Tấm và quyết dồn Tấm vào đường cùng. Chính vì thế mà Tấm không còn lựa chọn nào khác. Và qua đó cũng thể hiện ước mơ của nhân dân về một xã hội công bằng, về quan niệm sống "Ở hiền gặp lành" 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro