Gã nhà quê

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1. Thi xong đại học, tôi đến quán trà sữa của người chị họ phụ giúp việc. Chị tôi hiện đang chuẩn bị đón chào em bé đầu tiên nên giao việc quản lý cho anh Nguyên, em trai chị, người mà tôi cũng gọi là anh họ. Anh Nguyên là một gã đẹp trai, lắm tài lẻ, suy nghĩ nhiều khi kỳ quặc đến lập dị. Tóm lại là một người hay ho nhưng khó hiểu. Tôi tự nhủ sẽ không bao giờ yêu kiểu người giống như vậy. Mệt lắm.

Không hứng thú đi chơi xa, ở nhà mãi cũng chán nên tôi mới đi phụ quán. Mục đích là để đỡ nhàm chán chứ chẳng phải vì thiếu tiền tiêu vặt. Cũng là để chứng minh cho mẹ tôi thấy, con gái của mẹ không phải là tiểu thư, cũng biết lao động như ai, và lớn rồi. Tôi chọn làm ca tối để buổi sáng còn lang thang. Đi nhà sách, đi window shopping. Đi xem phim, đi chơi với bạn bè….. Đã nói, tôi đi làm thêm không phải là để kiếm tiền tiêu vặt.

Làm việc cùng ca với tôi có vài người. Trong số đó, tôi chú ý nhiều nhất đến người mới được nhận vào làm. Cậu ta đen nhẻm, kiểu tóc rất….ngố tàu, mắt hiền khô lúc nào cũng ngơ ngác nhìn xung quanh. Hôm cậu ta đến xin việc, tôi suýt nữa bật cười thành tiếng trước bộ dạng rụt rè ngó quanh, chiếc ba lô khư khư trước ngực như sợ bị ai đó giật mất.

Khi tôi hỏi tên, cậu ta ấp úng: “Tớ…. tớ tên Điền. Trần Văn Điền.” Tên gì mà quê một cục, lúc đó tô đã nghĩ như vậy đấy.

Tối đó, khi mẹ đưa cốc sữa, tôi hào hứng khoe.

- Hôm nay quán có một gã nhà quê đến xin việc đó mẹ.

Bắt gặp ánh mắt nghiêm khắc của mẹ, tôi im lặng.

2. Điền không nhanh nhẹn. Những ngày đầu còn lúng túng, hay làm bể ly tách. Nghe anh Nguyên bảo sẽ trừ lương, cậu ta chỉ ngoan ngoãn gật đầu. Nhưng Điền rất chăm chỉ, và dần dần làm việc có tiến bộ hơn. Cậu ta hiền khô nên tôi rất thích bắt nạt. Mỗi khi lười, tôi lại nhờ Điền rửa hộ phần ly tách của mình. Thậm chí chuyện lau sàn nhà và lau bàn, cậu ta cũng làm luôn. Và chẳng phàn nàn gì. Có hôm tôi chợt muốn ăn bánh donut, mà muốn mua bánh ấy thì phải sang đường rồi đi bộ thêm một quãng nữa.Tôi lười đi nên bảo.

- Này, Điền, cậu sang cửa hàng bánh Donut bên kia đường mua hộ tớ cái bánh donut phủ chocolate nhé.

Điền đứng tần ngần một lúc.

- Bánh gì cơ?

- Donut ấy. – Tôi chợt dừng việc rửa cái cốc to đựng trà sữa xoài như phát hiện ra điều gì đó. – Cậu không biết bánh đó á?

Điền khẽ lắc đầu. Tôi tròn mắt ngạc nhiên. Tôi cứ nghĩ rằng ai cũng biết bánh donut. Cậu ta mân mê cán chổi, cứ đứng yên, mắt nhìn xuống chân. Tôi bảo.

- À, thôi, tớ không muốn ăn nữa. – Ngập ngừng vài giây, tôi nói thêm. – Cám ơn cậu nhé!
Và cảm thấy có cái gì đó rất khó chịu đè trong lồng ngực. Cảm thấy như thể tôi vừa khiến một người phải thừa nhận mình quê mùa, kém cỏi so với người khác. Cảm giác ấy chẳng dễ chịu gì.

3. Làm việc được nửa tháng, tôi mới sực nhớ là mình chưa biết Điền đến từ đâu. Vốn là đứa nhanh mồm nhanh miệng, mà mẹ hay mắng là nhanh nhảu đoảng, tôi sực nhớ ra điều ấy trong lúc rửa tách nên hỏi ngay.

- Nhà đằng ấy ở đâu?

- Tớ ở tận dưới quê cơ. – Rồi cậu a nói một mạch. – Ti đại học xong, tớ ở lại đây kiếm việc làm thêm để đến lúc nhận giấy báo thì cũng dư dả chút đỉnh cho cuộc sống học hành. Tớ định xin làm ở đây cả ngày, sau khi giao buổi sáng về, không biết anh Nguyên có chịu không?

- Ừm, cậu hỏi anh ấy thử xem sao. Nhưng mà làm việc như thế, cậu không mệt à?

- Ừm! – Điền im lặng không nói gì nữa.

Tôi im lặng. Tay thì lau kĩ mấy cái cốc mà tâm trí suy nghĩ tận đâu. Lúc câu ta giao báo, chắc còn sớm tinh mơ. Lúc ấy, hẳn là tôi còn đang ngủ.

Cuối giờ làm, trong lúc đứng chờ anh Nguyên chở về, tôi thấy Điền dắt xe đạp ra. Cái xe cũ kĩ, màu sơn bạc phếch và yên xe đã rạn nứt lớp da bọc ngoài. Khi chiếc xe lăn bánh, những tiếng lọc cọc rền rĩ vang lên một cách mệt mỏi. Vóc dáng cậu ấy như bị bóng đêm nuốt chửng.

4. Mẹ nhìn tôi tư đầu đến chân, cứ như thể tôi không phải là con gái mẹ vậy. Mà có gì đâu cơ chứ. Chỉ là tôi dậy sớm hơn thường ngày và làm món trứng ốp la cho mọi người điểm tâm thôi mà.

Mẹ tôi mỉm cười.

- Xem ra việc đi làm thêm cũng khiến con lớn lên được một chút ấy nhỉ? 

Bố tôi khi ngồi vào bàn cùng tờ báo buổi sáng, cũng ngạc nhiên một chút, và cười. Thằng út chẳng nói năng gì, đã ăn ngay sau khi mời cả nhà rõ to. Nó nhăn mặt.

- Chị hai, món trứng chị hai còn vỏ nè.

Tôi liếc nó. Mẹ thì cười rõ to.
5. Tranh thủ quán vắng khách, tôi chạy tót ra ngoài. Một lát sau cầm về hai ổ bánh mì kẹp chả lụa. Tôi đưa cậu ta một cái.

- Nè, ăn đi. Tớ định ăn cả hai nhưng chợt nhớ ra là phải hạn chế ăn, không khéo mập ú lên thì…… Ăn hộ tớ!

Lần khác, tôi mua về hai cái bánh paparoti.

- Anh Nguyên bảo tớ đi mua mà cuối cùng lại không ăn. Bực mình thật đấy. Đi từ đây sang bên kia đường cũng mệt chớ bộ. Ăn hộ tớ!

Anh Nguyên ở đâu thò cái đầu ra.

- Anh có nhờ em mua bánh hồi nào đâu?

- Đấy. Đến nhờ em đi mua mà cũng quên.

Tôi lấp liếm rồi nhanh chóng lẩn vào trong. Cuối ngày, khi thả tôi trước cửa nhà và đợi tôi tháo mũ bảo hiểm trả, anh Nguyên cười.

- Em gái anh falling in love rồi ấy nhỉ?

- Không có đâu ạ.

Tôi đáp tỉnh bơ và rõ ràng. Rồi nhanh chóng vào nhà. Đúng là vậy mà.

Đến ngày nhận lương, tôi nói nhỏ với anh Nguyên.

- Anh nè, tiền lương tháng này của em á……

- Sẽ bị trừ đó nhóc. Em đã làm bể mấy cái ly, biết không hả?

Tôi nhăn mặt.

- Đồ độc tài. Nhưng mà em không nói chuyện đó. Anh nè, tiền lương của em, anh có thể lấy bớt cho vào tiền lương của Điền không?

Anh Nguyên nhìn tôi, ánh mắt nửa ngạc nhiên, nửa thích thú, vẻ tinh quái. Tôi ghét ánh mắt đó. Lúc nào nó cũng khiến tôi có cảm giác như thể mình bị bắt quả tang khi đang làm một việc gì đó vụng trộm.

Tôi nói phủ đầu.

- Em không có falling in love cậu ta đâu nhé.

- Xem ra tiểu thư cũng biết chia sẻ với hoàn cảnh của người khác nhỉ?

Chẳng hiểu sao khi nghe anh Nguyên nói thế, mặt tôi đỏ bừng lên.
- Nhưng mà nếu cậu ta hỏi sao tiền lương của cậu ta không bị trừ mà còn thêm, anh phải nói sao đây? Cậu ta cũng làm bể ly tách, nhưng ít hơn em đấy. có thể cậu ta sẽ tưởng anh để nhầm tiền lương và trả lại thì sao? Đôi khi lòng tốt có thể làm người khác khó xử, nhóc ạ.

Tôi không đề cập đến chuyện đó nữa. Đến khi sắp hết ngày, nghĩa là sắp phát lương, tôi lại hỏi anh Nguyên.

- Thế không có cách nào khác sao hả anh?

Anh Nguyên cười, xoa đầu tôi. Thế nghĩa là làm sao?

Tan giờ làm. Như mọi hôm, tôi đứng chờ anh Nguyên trước cửa. Mọi hôm, Điền vẫn leo lên xe đạp về trước, nhưng mà hôm nay còn tần ngần ở lại. Khi anh Nguyên đã khóa xong cửa, Điền mới nói.

- Anh Nguyên, sao tiền lương của em không bị trừ mà còn có thêm ạ?

Tôi trợn tròn mắt nhìn anh. Anh Nguyên chỉ nhún vai.

- Số ly tách mà cậu làm bể, tôi đã trừ rồi. Còn tôi thưởng thêm là vì cậu đã làm việc chăm chỉ và cẩn thận. Cậu còn làm hộ việc của tiểu thư đây nên tôi trừ lương nó đưa cho cậu. Cộng lại dư ra một ít, vậy thôi.

Điền bối rối nhìn tôi. Tôi liền phẩy tay bảo không sao đâu. Cậu nở một nụ cười nhẹ. 

- Dạ, em cám ơn.

- Cố gắng nhé!

Khi dáng cậu ta đã xa rồi, anh Nguyên mới nói với tôi.

- Em không thể giúp cậu ta cả đời được, và anh cũng vậy thôi. Chúng ta chỉ có thể chia sẻ một phần gì đó bé nhỏ. Cậu ta phải tự nỗ lực, như bây giờ vậy.

6. Tôi đậu. Còn Điền rớt. Cậu ấy không đến làm ở quán nữa. Anh Nguyên đưa tôi một cái túi giấy, bảo Điền gửi lại cho tôi. Tôi mở ra xem. Bên trong là một cái hộp nhựa đựng một chiếc bánh donut phủ chocolate. Tôi tần ngần nhìn cái bánh rồi cầm lên ăn, tuyệt nhiên không nói gì, cũng không biểu lộ chút cảm xúc nào. Anh Nguyên xoa đầu tôi thật khẽ.

- Không sao đâu nhóc.

- Chán anh, em có khóc đâu.

Tôi hất tay anh ra. Rồi nước mắt cứ thế rơi. Như chính cái xoa đầu ấy làm tôi bật khóc. Tôi vừa khóc vừa ăn bánh, không dừng được, như một đứa trẻ.

- Cậu ấy để lại cái bánh như một lời tạm biệt đó. Và cả lời chúc thành công.

Anh Nguyên nói, và mỉm cười.

Đêm ấy, trời trong và những vì sao sáng nhấp nháy. Ngồi bó gối trên sân thượng, lắng nghe âm thanh của lá xào xạc, và mùi hương ngọc lan dịu ngọt thoang thoảng, tôi thấy lòng mình tĩnh lặng. Có cảm giác vừa lớn lên.

“Này, hẹn gặp cậu ở đại học năm sau.” Tôi thì thầm, với gió, hay với ai đó. Chẳng hiểu sao ở tận sâu trong tim, tôi vẫn tin rằng cậu bạn chăm chỉ, hiền lành đó sẽ không dễ dàng từ bỏ ước mơ của mình. Dẫu rằng ước mơ của cậu ấy phải đi trên một con đường gập ghềnh.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro