NHỮNG BÀI VIẾT VỀ TRỊNH CÔNG SƠN

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

up load lâm nguyễn tặng thương

Giấc mơ Hạ trắng

Ở Huế mùa hạ, ve kêu râm ran trên những tàn cây như một giàn hợp xướng và nắng nóng oi bức như địa ngục. Thêm vào đó còn có gió Lào. Vừa tắm xong là người đã ướt đẫm mồ hôi. Bao nhiêu nhiên liệu tích lũy tích lũy trong cơ thể đều tan ra thành nước. Những đồ vật và áo quần cũng có cảm giác như vừa rút trong lò lửa ra. Những mặt đường gần như bốc khói với nhiệt độ 42- 43 độ.

Có một mùa hạ năm ấy tôi bị một cơn sốt nặng, nhiệt độ trong người và bên ngoài bằng nhau. Tôi nằm sốt mê man trên giường không còn biết gì. Và bỗng có một lúc nào đó tôi cảm thấy hương thơm phủ ngập cả căn phòng và tôi chìm đắm vào một giấc mơ như một cơn mê sảng. Tôi thấy mình lạc vào một rừng hoa trắng thơm ngào ngạt, bay bổng trong không gian đó. Ðến lúc tỉnh dậy người ướt đẫm mồ hôi và tôi nhìn thấy bên cạnh giường có một người con gái nào đó đã đến cắm một bó hoa dạ lý hương trắng rất lớn. Chính cái mùi thơm của dạ lý hương đã đưa tôi vào giấc mơ kia. Giấc mơ trong một mùa hạ nóng bức.

Trong vùng tôi ở, quanh đó chỉ có một nhà duy nhất trồng dạ lý hương nên tôi biết ngay người mang hoa đến là ai.

Sau một tuần lễ tôi hết bệnh. Nghe tin bố người bạn đang hấp hối tôi vội vàng đến thăm. Ông chẳng có bệnh gì ngoài bệnh nhớ thương và buồn rầu. Câu chuyện rất đơn giản. Hai ông bà đã lớn tuổi thường nằm chung trên một sập gụ xưa. Cứ mỗi sáng bà cụ thức dậy sớm và xuống bếp nấu nước sôi để pha trà cho ông cụ uống. Một buổi sáng nọ, cũng theo thường lệ, bà cụ xuống bếp bị gió ngã xuống bất tỉnh và chết. Mấy người con ở gần đó tình cờ phát hiện ra và đưa bà cụ về nhà một người để tẩm liệm. Sau đó chôn cất và giấu ông cụ. Tất nhiên, khi ông cụ thức dậy hỏi con, mẹ các con đi đâu rồi, thì họ trả lời là mẹ sang nhà chúng con để chăm sóc mấy cháu vì chúng bị bệnh. Vài ngày sau vẫn chưa thấy bà về ông mới trầm ngâm hỏi các con có phải mẹ các con đã chết rồi phải không. Lúc ấy mọi người mới khóc òa lên. Từ đó ông nằm trên sập gụ một mình cơm không ăn, trà không uống cho đến lúc kiệt sức và đi theo bà cụ luôn.

Câu chuyện này ám ảnh tôi một thời gian. Và sau đó tôi kết hợp giấc mơ hoa trắng mùa hạ với mối tình già keo sơn này như áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau để viết nên bài "Hạ Trắng".

Trịnh Công Sơn 

 Diễm của những ngày xưa

Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi qua dưới những vòm cây long não.

Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường đại học văn khoa ở Huế.

Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những mùa nắng ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa mưa Huế người còn gái ấy đi qua nhòa nhạt trong mưa giữa hai hàng cây long não mờ mịt.

Nhà cô ấy ở bên kia sông, mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để đến trường.

Từ balcon nhà tôi nhìn xuống, cái bóng dáng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận. Thời buổi ấy những người con gái Huế chưa hề dùng đến phương tiện có máy nổ và có tốc độ chóng mặt như bây giờ. Trừ những người ở quá xa phải đi xe đạp, còn lại đa số cứ đến trường bằng những bước đi thong thả hoàng cung. Ði để được ngắm nhìn, để cảm thấy âm thầm trong lòng, mình là một nhan sắc. Nhan sắc cho nhiều người hoặc chỉ cho một người thì có quan trọng gì đâu.

Những bước chân ấy từ mọi phía đổ về những ngôi trường với những cái tên quen thuộc, đôi khi lại quá cũ kỹ. Ði để được những con mắt chung quanh nhìn ngắm nhưng đồng thời cũng tự mình có thì giờ nhìn ngắm trời đất, sông nước và hoa lá thiên nhiên. Long não, bàng, phượng đỏ, muối, mù u và một giòng sông Hương chảy quanh thành phố đã phả vào tâm hồn thời con gái một lớp sương khói lãng mạn thanh khiết. Huế nhờ vậy không bao giờ cạn nguồn thi hứng. Thành cổ, đền đài, lăng tẩm khiến con người dễ có một hoài niệm man mác về quá khứ hơn và một phần nào cũng cứu rỗi cho con người ta khỏi vành đai tục lụy. Và từ đó Huế đã hình thành cho riêng mình một không gian riêng, một thế giới riêng. Từ đó con người bỗng đâm ra mơ mộng và ước mơ những cõi trời đất như không có thực.

Nhưng thật sự thực và mơ là gì? Thật ra, nói cho cùng, cái này chỉ là ảo ảnh của điều kia. Và với những ảo ảnh đó đã có một thời, khá dài lâu, những con người lớn lên trong thành phố nhỏ nhắn đó đã dệt gấm theo hoa những giấc mơ, giấc mộng của mình.

Ðó cũng là thời gian mà mỗi sớm tinh mơ, mỗi chiều, mỗi tối, tiếng chuông Linh Mụ vang xa trong không gian, chuyền đi trên dòng sông để đến với từng căn nhà khép hờ hay đang đóng kín cửa.

Thời gian trôi đi ở đây lặng lẽ quá. Lặng lẽ đến độ người không còn cảm giác về thời gian. Một thứ thời gian không bóng hình, không màu sắc. Chỉ có cái chết của những người già, vào mùa đông giá rét, mới làm sực tỉnh và bổng chốc nhận ra tiếng nói thì thầm của lăng miếu, bia mộ ở những vùng đồi núi chung quanh.

Trong không gian tĩnh mịch và mơ màng đó, thêm chìm đắm vào một khí hậu loáng thoáng liêu trai, người con gái ấy vẫn đi qua đều đặn mỗi ngày dưới hai hàng cây long não để đến trường. Ði đến trường mà đôi lúc dường như đi đến một nơi vô định. Ðịnh hướng mà không định hướng bởi vì những bước chân ngày nào ấy dường như đang phiêu bồng trên một đám mây hoang lạc của giấc mơ.

Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt, để cuối cùng đến một nơi hò hẹn.

Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì. Bởi vì trong không gian liêu trai ấy hứa hẹn chỉ là một điều hoang đường. Giấc mơ liêu trai nào cũng sẽ không có thực và sẽ biến mất đi.

Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy là Diễm của những ngày xưa.

Trịnh Công Sơn 

Cuộc sống không thể thiếu tình yêu

Người ta nói trên trái đất không có gì ở ngoài qui luật cả. Nhưng tình yêu hình như cũng có lúc là một ngoại lệ. Tình yêu có thể nâng bổng con người nhưng cũng lắm lúc nhấn chìm kẻ háo hức. Tôi không tin những người quá lạc quan khi nói về tình yêu bằng thể khẳng định. Người ta có thể tin rằng mình được yêu và cũng có thể hiểu nhầm mình không được yêu.

Tôi không thể nói về một vấn đề mà chính bản thân mình cũng chưa hiểu hết. Chưa hiểu hết là nói theo kiểu đại ngôn chứ thật sự là hoàn toàn không thể hiểu. Nếu có người nào đó thách thức tôi một trò chơi nghịch ngợm thì tôi sẽ mang tình yêu ra mà đánh đố. Tôi e, không ai dám tự xưng mình am tường hết nội dung phong phú và quá phức tạp của tình yêu.

Có người yêu thì hạnh phúc; có người yêu thì đau khổ. Nhưng dù đau khổ hay hạnh phúc thì con người vẫn muốn yêu. Tình yêu vì thế mà tồn tại. Con người không thể sống mà không yêu. Hàng nghìn năm nay con người đã sống và đã yêu - yêu thật lòng chứ không phải giả. Thế mà đã có không biết bao nhiêu là tình yêu giả. Cái giả mà rất thật trong đời. Sự giả trá đó lúc biết được thì làm khổ lòng nhau biết bao nhiêu mà kể. Người giả, người thật nhìn nhau lúc bấy giờ ngỡ ngàng không biết thế nào nói được. Người thật thì nằm bệnh, người giả thì nói, cười huyên thuyên. Ðời sống vốn không bất công. Người giả trong tình yêu thế nào cũng thiệt. Người thật thế nào cũng được đền bù.

Tình yêu thời nào cũng có. Nhưng có tình yêu kết thúc bi thảm đến độ có khi con người không dám yêu. Yêu mà khổ quá thì yêu làm gì. Có người đã nói như vậy.

Tôi đã có dịp đứng trên hai mặt của tình yêu và dù sao chăng nữa, tôi vẫn muốn giữ lại trong lòng một ý nghĩa bền vững: "Cuộc sống không thể thiếu tình yêu".

Trịnh Công Sơn

Thơ trong nhạc Trịnh Công Sơn

Bùi Bảo Trúc viết: "Có những bản nhạc của ông, phần lời ca đúng là những bài thơ. Ông dùng nhạc để nâng đỡ những đoạn thơ đó. Và ông cũng dùng thơ để dẫn những đoạn nhạc đi. Nhạc của ông không khúc mắc là vì thế."

Văn Cao viết "Trịnh Công Sơn là người thơ ca (Chantre) bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ."

Dưới đây là những lời nhạc từ nhiều ca khúc của Trịnh Công Sơn mà chính nó đã là những bài thơ với những vần điệu rất đúng quy tắc, không cần sự nâng đỡ thêm vào của nhạc . Như thể Trịnh Công Sơn đã làm ra những bài thơ này trước rồi từ đó phổ nhạc .

Thơ 4 chữ

Thôi xin ơn đời 

Trong cơn mê này 

Gọi mùa thu tới 

Tôi đưa em về 

Chân em bước nhẹ 

Trời buồn gió cao 

Đời xin có nhau 

Dài cho mãi sau 

Nắng không gọi sầu 

Áo xưa dù nhàu 

Cũng xin bạc đầu 

Gọi mãi tên nhau

(Hạ Trắng)

Ghế đá công viên, 

dời ra đường phố 

Từng hàng cây nghiêng, 

chìm trong tiếng nổ 

Từng bàn chân quen, 

chạy ra phố chợ 

Em bé loã lồ, 

giấc ngủ không yên 

Ghế đá công viên, 

dời ra đường phố 

Người già ho hen, 

ngồi im tiếng thở 

Từng vùng đêm đen, 

hoả châu thắp đỏ 

Em bé loã lồ, 

suốt đời lang thang

(Người Già Em Bé)

Thơ 5 chữ 

Một ngày như mọi ngày, 

em trả lại đời tôi 

Một ngày như mọi ngày, 

ta nhận lời tình cuối 

Một ngày như mọi ngày, 

đời nhẹ như mây khói 

Một ngày như mọi ngày, 

mang nặng hồn tả tơi 

Một ngày như mọi ngày, 

nhớ mặt trời đầu môi 

Một ngày như mọi ngày, 

đau nặng từng lời nói 

Một ngày như mọi ngày, 

từng mạch đời trăn trối 

Một ngày như mọi ngày, 

đi về một mình tôi 

Một ngày như mọi ngày, 

đi về một mình tôi 

Một ngày như mọi ngày, 

quanh đời mình chợt tối 

Một ngày như mọi ngày,

giọng buồn lên tiếp nối 

Một ngày như mọi ngày, 

xe ngựa về ngủ say 

Một ngày như mọi ngày, 

em trả lại đời tôi 

Một ngày như mọi ngày, 

xếp vòng tay oan trái 

Một ngày như mọi ngày, 

từng chiều lên hấp hối 

Một ngày như mọi ngày, 

bóng đổ một mình tôi... 

(Một ngày như mọi ngày) 

Tình ngỡ đã phôi pha 

nhưng tình vẫn còn đầy 

Người ngỡ đã đi xa 

nhưng người vẫn quanh đây 

Những bước chân mềm mại 

đã đi vào đời người 

Như từng viên đá cuôị 

rớt vào lòng biển khơi 

(Tình Nhớ) 

Thương ai về ngõ tối 

Sương rơi ướt đôi môi 

Thương ai buồn kiếp đời 

Lạnh lùng ánh sao rơi 

Thương ai về xóm vắng 

Đêm nay thiếu ánh trăng 

Đôi vai gầy ướt mềm 

Người lạnh lắm hay không 

Thương ai mầu áo trắng 

Trông như ánh sao băng 

Thương ai cười trong nắng 

Ngại ngùng áng mây bay 

(Thương Một Người) 

Thơ 7 chữ 

Trên đời người trổ nhánh hoang vu 

Trên ngày đi mọc cành lá mù 

Những tim đời đập lời hoang phế. 

Dưới mặt trời ngồi hát hôn mê 

(Cỏ Xót Xa Đưa) 

Em hai mươi tuổi em bây giờ 

Chân qua phố phường phố ngẩn ngơ 

Sài Gòn hai mươi mùa nắng lạ 

Em mây hoang đường sớm chiều qua 

(Hai Mươi Mùa Nắng Lạ) 

Màu nắng hay là màu mắt em 

Mùa thu mưa bay cho tay mềm 

Chiều nghiêng nghiêng bóng nắng qua thềm 

Rồi có hôm nào mây bay lên. 

Lùa nắng cho buồn vào tóc em 

Bàn tay xanh xao đón ưu phiền 

Ngày xưa sao lá thu không vàng 

Và nắng chưa vào trong mắt em 

(Nắng Thủy Tinh) 

Biển sóng biển sóng đừng xô nhau 

Ta xô biển lại sóng nằm đau 

Biển sóng biển sóng đừng xô tôi 

Đừng xô tôi ngã giữa tim người 

Biển sóng biển sóng đừng trôi xa 

Bao năm chờ đợi sóng gần ta 

Biển sóng biển sóng đừng âm u 

Đừng nuôi trong ấy trái tim thù 

(Sóng Về Đâu) 

Xin cho mây che đủ phận người 

Xin cho tôi một sáng trời vui 

Xin cho tôi đến tận nụ cười 

Cho tôi quên một nấm mộ tươi 

Xin cho tôi xin vạn lần rồi 

Một góc này chỉ biết rong chơi 

Xin cho tôi yên phận này thôi 

Xin cho tôi nguyên vẹn hình hài 

Cho tôi nghe lời hát cỏ cây 

Xin cho tôi quên phận tù đày 

Xin cho tôi là thoáng rượu cay 

Xin cho tôi xin cả cuộc đời 

Một hôm nào trẻ hát trong nôi 

Xin cho tôi xin chỉ một ngày 

(Xin Cho Tôi) 

Hai mươi năm em trả lại rồi 

Trả nợ một đời xa vắng vòng tay 

Hai mươi năm vơi cạn lại đầy 

Trả nợ một thời môi vắng vòng môi 

Bao nhiêu năm em nợ ngọt ngào 

Trả nợ một đời chưa hết tình sâu 

Bao nhiêu năm em nợ bạc đầu 

Trả nợ một đời không hết tình đâu 

Bao nhiêu năm bỗng lại nhiệm mầu 

Trả nợ một lần quên hết tình đau 

Hai mươi năm vẫn là thuở nào 

Nợ lại lần này trong cõi đời nhau 

(Xin Trả Nợ Người) 

Thơ 8 chữ 

Đường nào quạnh hiu tôi đã đi qua 

Đường về tình tôi có nắng rất la đà 

Đường thật lặng yên lòng không gì nhớ 

Giật mình nhìn quanh ồ phố xa lạ 

(Bên Đời Hiu Quạnh) 

Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động 

Làm sao em biết bia đá không đau 

Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng 

Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau 

(Diễm Xưa) 

Hãy yêu nhau đi quên ngày u tối 

Dù vẫn biết mai đây xa lìa thế giới 

Mặt đất đã cho ta những ngày vui với 

Hãy nhìn vào mặt người lần cuối trong đời 

Hãy trao cho nhau muôn ngàn yêu dấu 

Hãy trao cho nhau hạnh phúc lẫn thương đau 

Trái tim cho ta nơi về nương náu 

Được quên rất nhiều ngày tháng tiêu điều. 

(Hãy Yêu Nhau Đi) 

Ta về nơi đây thoáng nghe gió lạnh 

Hết mùa thu sang đã đến ngày đông 

Những hàng cây xanh đón em áo lộng 

Bây giờ ta nhìn khói trời mênh mông 

Ta về nơi đây bỗng im tiếng động 

Đã về trên sông những cánh bèo xanh 

Có còn trong em những đêm gió lộng 

Ngồi bên hiên nhìn bến nước đầy dâng 

Có còn trong em những cây nến hồng 

Những cầu qua sông những phút tình duyên 

Gió trời lênh đênh nhớ con phố hẹn 

Ta nhìn ta về giữa trời hư không 

(Khói trời mênh mông) 

Thơ Lục Bát

Con chim ở đậu cành tre 

Con cá ở trọ trong khe nước nguồn

Tôi nay ở trọ trần gian 

Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời

Xưa kia ở đậu miền xa 

Cơn gió ở trọ bao la đất trời 

Nhân gian về trọ nhiều nơi 

Bâng khuâng vì những đôi môi rất hồng 

Mây kia ở đậu từng không 

Mưa nắng ở trọ bên trong mắt người 

Tim em người trọ là tôi 

Mai kia về chốn xa xôi cũng gần 

Môi xinh ở đậu người xinh 

Đi đứng ở trọ đôi chân Thúy Kiều 

Xin cho về trọ gần nhau 

Mai kia dù có ra sao cũng đành 

Trăm năm ở đậu ngàn năm 

Đêm tối ở trọ chung quanh nỗi buồn 

Ơ hay là một vòng xinh 

Tôi như người bỗng lênh đênh giữa đời

(Ở Trọ)

Từ nay anh đã có nàng 

Biết ơn sông núi đáp đền tiếng ca 

Mùa xuân trên những mái nhà 

Có con chim hót tên là ái ân

(Đóa Hoa Vô Thường)

Hôm nay ra phố với người 

Chật trong phố xá những lời phân ưu 

Vây quanh bốn phía kinh cầu 

Lòng ta như đã nát nhàu đam mê 

Bụi hồng theo lấm chân về 

Nhịp nhàng gót nhỏ nặng nề riêng ta 

Quanh đây những bóng căm thù 

Cầm tay nhau thấy não nề trong da 

Bên kia sông nước vỗ bờ 

Hồng nhan em có bao giờ bâng khuâng? 

Nụ cười trong gió mong manh 

Một trời riêng đó bước chân ta về.

(Lời Ở Phố Về)

Mưa như từng giọt rượu hờ 

Đêm trong thành phố ai chờ chờ ai 

Mưa thưa tựa áo lụa trời 

Ôm quanh da thịt chân người người qua

(Mưa Mùa Hạ)

[Người lượm lặt - Nguyễn Phú Lương - Tháng 4 2005]

Đêm Giao Thừa 1993

1.1.1993

Tôi có bao nhiêu tuổi thì tôi cũng có bấy nhiêu đêm giao thừa. Có Tết tây và Tết ta. Tờ lịch cuối cùng bóc ra và tự dưng thấy trơ trọi một nỗi buồn vu vơ. Nỗi buồn đó thuộc về lịch tây. Chờ thêm mấy mươi ngày nữa thì lại thêm một nỗi buồn ta. Nỗi buồn của một người thấy mùa xuân thuộc về kẻ khác. Nỗi buồn của kẻ không dám thốt lên hai tiếng tương lai..

Có những đêm nằm không ngủ được. Nghĩ đến tương lai thuộc về người khác mà lòng cứ rầu rầu. Vì sao phải vậy. Quy luật tự nhiên là cái quái gì vậy mà làm não nề những cõi lòng ham sống, thèm yêu cuộc đời. Yêu đời và cứ muốn tồn tại mãi đâu phải là một cái tội. Nếu là tội lỗi thì xưng tội, sám hối với ai.

Cuộc đời sắm ra cái sự yêu thương nhức nhối này làm tình làm tội biết bao nhiêu thân phận con người. Yêu cuộc đời và muốn ở lại mãi mãi. Vì sao không cho ở lại. Trái đất quá chật và vì vậy phải có kẻ ở người đi. Buồn lắm mà không thể than phiền với ai cả.

Ðêm giao thừa dù tây dù ta tôi vẫn luôn luôn một mình một cõi. Số phận vẫn thường hay hậu hĩ với kẻ này mà lại bạc đãi kẻ kia. Có rất nhiều bạn bè thân hữu chứng nhân cứ thấy mỗi lần vào dịp lễ là tôi lại một mình một cõi. Ðành vậy biết làm sao - Người ta có thể vui chơi, đàn đúm, quây quần một đời nhưng vẫn cứ lạc loài lẻ loi một chốc. Một chốc mà là tất cả. Cái sát na nhỏ bé của thời gian đôi khi cũng quy định cả đời người. Một người mẹ bỏ đi. Một người tình bỏ đi cũng nằm trong cái sát na đó.

Ðừng than thân trách phận. Ðời không có lỗi với ai, chỉ có ta có lỗi với đời. Ðêm giao thừa không có người yêu thì buồn lắm nhưng cũng không vì thế mà chết được. Những lễ lạc đi qua đời người mà thiếu vắng hồng nhan thì vẫn có thể vui nhưng là một niềm vui không trọn. Như một khúc hát dở dang. Symphonie inacheveé. Một mùa thu không có lá vàng. Một mùa hè không có nắng. Một đêm đông không giá rét.

Ðêm giao thừa ngồi một mình và hát :

"Ðừng tuyệt vọng tôi ơi đừng tuyệt vọng

Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông..."

Ðừng tuyệt vọng vì cuộc đời hồn nhiên đôn hậu vẫn luôn luôn cho ta những ngày vui khác. Những ngày vui của đời thì thênh thang vô tận. Hết cuộc tuyệt vọng này đến một cuộc tuyệt vọng khác biết đâu cũng là một niềm vui. Một niềm vui dù không có thật thì cũng đủ an ủi trong phút chốc.

Cuộc sống là một niềm an ủi vô bờ. Cuộc sống chỉ cho ta mà không cần lấy bớt đi. Cuộc sống cho ta tất cả và mỉm cười khi thấy ta dại dột. Con người sinh ra vốn bất toàn và để làm những điều lầm lỗi. Nó đẹp vì bất toàn. Nó đáng yêu vì nó luôn luôn lầm lỗi. Vậy thì cứ yêu mà đừng tuyệt vọng. Hết cuộc tình này sẽ có một cuộc tình khác. Không có ai lang chạ. Không có ai phản bội ai. Có thứ tình này có thứ tình nọ. Có tội lỗi và có thiên thần. Ðừng khen chê, bôi bác, thẩm định. Ðược yêu hay bị từ chối cũng là số phận của đời. Mà đời thì rộng quá không yêu được chốn này thì yêu nơi khác. Còn yêu thì còn sống. Còn được yêu thì còn sống dài lâu.

Không bao giờ có điều gì tuyệt đối. Và như thế phải có một đêm giao thừa nào đó phải có người yêu. Có những đêm không phải giao thừa mà vẫn có người yêu. Những đêm như thế ta cứ xem như là đêm giao thừa vậy.

Trịnh Công Sơn

Ca Khúc Là Nỗi Lòng Con Người

Đối với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, quá trình 40 năm sáng tác của ông là một cuộc hành trình dài vào bề sâu của âm thanh và ngôn ngữ. Ông coi ca khúc là một mô hình gần gũi, thiết thân và hoàn chỉnh; là cuộc hôn phối kỳ diệu giữa thi ca và âm nhạc. Công việc sáng tác ca khúc không chỉ cho phép ông giãi bày những niềm vui, nỗi buồn của mình, mà cao hơn, nó còn mang tình yêu, lòng nhân ái tới mỗi người.

Soi gương

Mỗi sáng nhìn vào mặt gương soi lại thấy thêm rất nhiều sợi tóc bạc.

Tôi là một đứa bé thích ca hát. Mười tuổi biết solfège, chép lại những bài hát yêu thích đóng thành tập, chơi đàn mandolin và sáo trúc. Mười hai tuổi có cây đàn guitar đầu tiên trong đời và từ đó sử dụng guitar như một phương tiện quen thuộc để đệm cho chính mình hát.

Tôi không đến với âm nhạc như một kẻ chọn nghề. Tôi nhớ mình đã viết những ca khúc đầu tiên từ những đòi hỏi tự nhiên của tình cảm thôi thúc bên trong. Như những họa sĩ tập sự bắt đầu sự nghiệp mình bằng cách sao chép lại tác phẩm của những nhà danh họa, tôi cũng chọn một số mẫu mực âm nhạc mà tôi yêu thích và thay đổi giai điệu bên trong ở thời kỳ đầu. Đó là những năm 56 - 57, thời của những giấc mộng ngổn ngang, của những viễn tưởng phù phiếm non dại. Cái thời tuổi trẻ xanh mướt như trái quả đầu mùa ấy, tôi rất yêu âm nhạc nhưng tuyệt nhiên trong tôi không hề gợi lên ham muốn trở thành nhạc sĩ. Đối với cái bề mặt xã hội lúc bấy giờ, tương lai có nhiều tiếng gọi khác hấp dẫn hơn, quyến rũ hơn cho một con người còn trẻ tuổi.

Dạo ấy ba tôi đã mất, mẹ tôi ở xa, tôi một mình giữa Sài Gòn phải tự quyết định mọi chuyện về đời mình. Cái gánh đời tuổi tác còn quá nhẹ. Có lúc tôi đã bỏ dở cái trò lãng mạn viết lách này với nỗi ám ảnh ngu ngốc "xướng ca vô loại". Tôi trằn trọc đêm này qua đêm khác, ray rứt ngày này qua tháng nọ. Nhưng càng cố quên lãng thì tiếng hát trong tôi càng vang lên rõ rệt, tràn ngập cả lúc đứng ngồi, cả trong giấc ngủ.

Dần dà những năm về sau, mới bắt đầu hình thành trong tôi một quan niệm rõ rệt: Sống là sống với người khác và muốn có cảm thông chúng ta phải luôn luôn tự diễn đạt mình. Trong những cách diễn đạt bằng tiếng nói, bằng chữ viết và nhiều phương tiện khác, tôi thấy tâm hồn mình có khuynh hướng nghiêng về phía ca khúc. Trên mảnh đất nghệ thuật nhỏ nhắn này, tôi tìm thấy tự do và tôi nghĩ rằng ở đây tôi có thể bày tỏ được với người khác về những niềm vui nỗi buồn của cuộc sống.

Mấy mươi năm nhìn lại quãng đường mình đã đi, tôi cảm thấy không có gì phải ân hận. Tôi vẫn là đứa trẻ thơ trong nghệ thuật, lòng còn tràn đầy cảm hứng. Tôi vẫn còn ham mê học hỏi quanh mình và còn đủ hào hứng mở ra những cuộc đối thoại với cây cỏ thiên nhiên, với con người qua ca khúc dưới ánh sáng hiền hòa nhân hậu của những ngày tôi đang sống.

Phải chờ đến lúc soi gương nhìn thấy tóc không còn mang mầu xanh cũ nữa, mới nhận ra được hết nỗi khát khao được yêu thương mãi mãi con người và cuộc sống. Yêu thương con người cũng là yêu thương tiếng hát bởi vì tiếng hát mang trong nó tâm hồn của con người. Tiếng hát sẽ mọc lên xanh tươi trên cuộc đời này như những cây tử đinh hương mọc tràn thơm tho trên những cánh đồng vô tận.

Với ca khúc, tôi là người tình của thiên nhiên, là người bạn của những em bé. Qua ca khúc, tôi đã đến gần và đã đi xa những chuyện tình; đã tham dự những nỗi hân hoan của đời người và cũng đã gánh nhẹ giùm những phiền muộn.

Ca khúc là đời sống thứ hai sau cái thân thể mà cha mẹ đã sinh thành.

Trái đầu mùa

Bài hát đầu tiên do Nhà xuất bản An Phú phát hành năm 1959 tại Sài Gòn. Đó là những cảm xúc được ghi lại từ những giọt nước mắt của một ca sĩ nữ sinh vừa rời ghế nhà trường. Cô hát để kiếm tiền nuôi mẹ đang hấp hối trên giường bệnh.

Dạo ấy, trong đầu hoàn toàn chưa có một khái niệm nào về tiền tác quyền. ở tuổi hai mươi, trong tâm trí đang còn phơi phới những ý đồ hiệp sĩ. Số tiền năm ngàn hồi ấy quá lớn đã được dùng một phần tặng người ca sĩ và phần còn lại chia đều cho các bạn cùng ở trọ. Mỗi tháng, tiền ăn ở cho một học sinh, sinh viên chỉ có năm, sáu trăm đồng.

Nguồn cảm hứng đầu tiên ấy đã làm cơ sở cho một loạt những cảm xúc khác thành hình. Như một khu rừng mùa thu yên tĩnh được một cơn gió thổi bùng lên đánh thức lớp lá vàng dậy, tâm hồn tôi đã bắt đầu biết xôn xao theo những tín hiệu, dù nhỏ nhất của cuộc sống. Tôi không còn nhìn ngắm cuộc sống một cách lơ đãng như trước nữa mà càng lúc càng thấy mình bị cuốn hút về phía những tình cảm phức tạp của con người.

Những trái cây đầu mùa ấy còn vụng về, chưa có vóc dáng riêng, nhưng nó mang đến niềm thích thú để từ đó sẵn lòng làm một cuộc hành trình dài lâu đi vào cái bề sâu của âm thanh và ngôn ngữ.

Gặp gỡ

Năm 64 - 65, tôi được các bạn tổ chức buổi ra mắt đầu tiên trước quần chúng tại khu đất trống sau lưng trường Văn Khoa Sài Gòn cũ (nay là Thư viện Quốc gia).

Với tôi, đây cũng là buổi thể nghiệm xem mình có thể tồn tại trong lòng quần chúng được không. Trước mặt đám đông đến mấy nghìn người gồm đủ thành phần văn nghệ sĩ, trí thức, học sinh, sinh viên tôi cảm thấy mình quá trơ trọi và đầy lo âu trên bục gỗ với cây đàn guitar dưới ánh sáng đèn. Với một hành trang nhẹ nhàng bằng hai mươi ca khúc nói về quê hương, ước mơ hòa bình và những bài sau này được gọi là "phản chiến", tôi đã cố gắng hết sức để một mình đảm nhận vai trò đưa nỗi lòng của mình đến với quần chúng. Buổi hát đã để lại một ấn tượng khá tốt đẹp cho cả người trình bày lẫn người nghe.

Trong buổi diễn có một bài hát được yêu cầu hát đến lần thứ tám và cuối cùng mọi người tự động hát theo. Sau buổi diễn tôi đã được "bồi dưỡng" bằng một tiếng đồng hồ ngồi ký tên trên những trang giấy của tập bài hát quay roneo dành cho người nghe.

Đó là buổi gặp gỡ đầu tiên giữa người sáng tác và người nghe. Những buổi trình diễn nối tiếp ở các giảng đường đại học khác cũng được lặp lại trong một bầu không khí nồng nhiệt như thế. Trong tôi bắt đầu sáng lên một khái niệm: đó là ý thức về trách nhiệm của người sáng tác đối với công chúng.

Thuở ấy Nhị Xuân. Em ở nông trường. Em ra biên giới.

Đêm Nhị Xuân không còn thấy rõ mầu đất đỏ và những bãi mía, bãi dứa cùng lán trại cũng khoác một mầu áo khác. Mưa xuống. Hội trường dã chiến như một cái rá lọc nước thả xuống những giọt dài. Chúng tôi (Phạm Trọng Cầu, Trần Long ẩn và tôi...) cùng anh em thanh niên xung phong nam nữ hát với nhau dưới một bầu trời được trang trí lạ mắt như thế. Đêm cứ dài ra và những tiếng hát cứ dài ra. Nước ở con kênh dâng lên. Mặc kệ. Cứ đứng, cứ ngồi, cứ hát. Gần khuya có cô gái thanh niên xung phong nhanh nhẹn vui tươi mang cho chúng tôi những bát cháo gà trước khi chia tay. Những khuôn mặt ấy, tôi đã quen đã nhìn thấy nhiều lần. Một giờ khuya, lên xe giã từ Nhị Xuân, lòng còn âm vang tiếng cười, tiếng hát. Những bàn tay siết chặt, những cái vẫy tay trong đêm không nhìn thấy. Quá giờ giới nghiêm, xe nằm lại giữa đường, không được vào thành phố. Ngủ lại chờ sáng. Về lại thành phố, trở lại công việc thường ngày. Nhưng ở Nhị Xuân, có hai mươi người con gái thanh niên xung phong đi về phía khác. Mấy tháng sau, tôi được tin tất cả hai mươi khuôn mặt tôi đã nhìn, đã gặp trong đêm hôm nào ở Nhị Xuân cùng nhau ca hát, đã hy sinh ở biên giới Tây Nam. Những tiếng hát, giọng cười còn đó. Những cây mía, cây dứa các bạn trồng vẫn còn đó, vẫn lớn lên. Tôi bồi hồi nhìn ra quãng trời rộng và thấy lại trong trí nhớ những con người trẻ trung ấy. Trong những trái tim ấy có gì khác chúng ta không. Trong giấc ngủ ban đêm, trên những vầng trán khỏe mạnh ấy, đã có những cơn mơ nào. Chúng ta nói quá nhiều đến sự tròn đầy và chúng ta quên đi sự mất mát. Chúng ta vẽ ra lắm nụ cười mà quên đi những nỗi ngậm ngùi riêng tư. Những người bạn nhỏ ấy đã ra đi vĩnh viễn, nhưng nỗi nhớ thương về họ chưa được hát đủ như một nỗi đau. Còn thiếu sót biết bao nhiêu điều chưa nói hết lúc ở nông trường và càng chưa nói được một mảy may lúc ra biên giới. Làm một điều gì chưa đến nơi đến chốn với một người không còn nữa, có phải cũng là có lỗi với cuộc đời rồi hay không. Xin hãy tha thứ những dòng chữ óng mượt, những sắp xếp tinh khôn, những cân nhắc đong đo xuôi chèo thuận lái.

Thông điệp

Mỗi người đều có một cách riêng và một lý do riêng khi đến với nghệ thuật. Cánh cửa mở ra, chúng ta bước vào. Có những cánh cửa rộng hẹp không đều nhau. Có những cách nhìn và lòng đam mê không giống nhau. Và làm sao có thể giống nhau được khi bản chất của nghệ thuật là một đòi hỏi miên man cái muôn hình vạn trạng. Từ đó hình thành tính cách của mỗi con người muốn lân la kết tình bằng hữu với nghệ thuật.

Có một điều chắc chắn là không có ai làm nghệ thuật một cách không nghiêm túc. Con người còn lắm chỗ, lắm nơi để bày ra những trò phù phiếm. Tuy nhiên, cũng có không ít những người quan niệm rằng làm nghệ thuật không vì một mục đích nào cả nghĩa là muốn hoàn thành một thứ nghệ thuật không có cứu cánh.

Đã từ lâu tôi muốn qua ca khúc nói được thật nhiều điều. Tôi không chọn ca khúc như một chặng đường để rồi sau đó tu dưỡng hòng nhảy vào những thể loại to lớn hơn. Ca khúc đối với tôi là một mô hình gần gũi, thiết thân và hoàn chỉnh. Nó là một cuộc hôn phối kỳ diệu giữa thi ca và âm nhạc.

Ở nơi nào trên mặt đất này có con người, ở đó có tiếng hát. Con người có thể hát một mình ở bất kỳ nơi đâu. Ca khúc là nỗi lòng của một con người trong cuộc sống. Cuộc tình giữa âm nhạc và văn học này đã khiến ca khúc tự nó có thể chạm đến mọi bờ cõi tri thức của đời sống con người. Nó đủ khả năng hát về một cái chồi non vừa nhú cho đến cái chết của một con người. Nó chính là tiếng chim buổi sáng, tiếng gà gáy trưa bên đồi mang âm vang của một nỗi nhớ nhung. Nó là nắng, là mưa, là nụ cười, là tiếng khóc. Nó ở cùng với điều nhỏ nhất và đồng thời cũng sống chung với những cõi bờ bao la.

Tôi chưa bao giờ cảm thấy ca khúc bối rối trước những điều tưởng không nói được. Nó đã đi qua bao nhiêu mùa mang giữa lòng cuộc sống con người và thường nó có mặt bên cạnh con người như một lời an ủi. Cũng vì thế, tôi đã có lần nuôi tham vọng gán ghép cho ca khúc một cái gì đó lớn hơn, tràn đầy ra ngoài cái hình thể nhỏ nhắn và khiêm tốn của nó. Đó chính là sứ mệnh truyền đạt những âu lo, những chờ đợi của con người khi đối diện với chính mình trước cuộc sống. Nó có bổn phận phải cưu mang trong từng dòng nhạc dòng chữ cái phần tinh khiết nhất của hạnh phúc và bất hạnh. Như vậy, ca khúc ngoài cái vai trò mua vui cũng được một vài trống canh, nó còn phải đảm nhiệm cái sứ mệnh đẹp đẽ mà các anh chị em họ hàng nghệ thuật của nó đã và đang làm.

Tôi nghe một tiếng hát và tôi thấy lại cả một khoảng trời đầy kỷ niệm. Tiếng hát đi từ tôi đến anh bằng con đường ngắn nhất. Cái khả năng to lớn sau cùng của ca khúc là mang đến sự cảm thông giữa mọi người bằng tiếng hát. Tôi ước mơ một ngày nào đó trên hành tinh này tiếng hát sẽ được trả về với vẻ đẹp thuần khiết của nó. Đó là tiếng hát bay qua các lục địa, các đại dương, mang trong lòng nó tình yêu và tình nhân ái. Cái sứ mệnh huy hoàng nhất của nó là phải mang được cái thông điệp ấy đến với từng con tim. Không những chỉ với những tâm hồn vốn yêu chuộng hòa bình mà cả những con tim đang ngộ độc bởi những ngòi thuốc nổ.

Trịnh Công Sơn

(Báo Đại đoàn kết)

Một Cõi Đi Về

(Tường thuật đám tang Trịnh Công Sơn)

Mờ sáng, trời Sài Gòn rất đẹp, đẹp để tiễn đưa Sơn. Mà cả mấy ngày nay không mưa để hoa xếp hàng ngoài ngõ nhà Sơn không bị ướt và nẫu đi. Một rừng hoa hôm nay đã được đưa lên xe chuyển dến nghĩa trang nơi "Một người sẽ nằm xuống". Đội trật tự do mọi người tự tổ chức có sự hỗ trợ của lực lượng Công An không vất vả chút nào ở lễ măc niệm vì rừng người kéo đến rất đông, nhưng rất tự giác giữ trật tự. Ngôi nhà Sơn không rộng nhưng vẫn đủ chỗ cho mọi tấm lòng yêu mến, hâm mộ và tiếc thương.

Tôi có mặt lúc 5h30, đã có nhiều người đến trước tôi để được cái may mắn vào thắp hương trước linh cữu Sơn. Mỗi người chỉ thắp một nén hương, nhưng riêng tôi xin phép thắp 3 nén vì trong đó có một nén cho Phan Đình Diệu ở Hà Nội. Một nén chung cho các Anh chị đã có yêu cầu tôi . Tôi xin lỗi chỉ thắp được có một nén thôi, vì nếu theo đúng yêu cầu của tất cả các anh chị thì bao nhiêu nén cho đủ, và làm sao đếm được tình cảm ? ( Sau đó thì phải tạm ngừng để các nhà sư thực hành những nghi lễ ).

Đúng 6h10, nhạc sĩ Trần Long Ẩn, bạn của Sơn, một người trong nhóm "Những người bạn" mà Sơn là Anh Cả, phó Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ thành phố đọc điếu văn.

Vì tôi đã theo dõi hầu như tất cả những bài đã viết về Sơn trên báo và chưa thấy bài nào nói được điều mà mình nghĩ, nên nghe Trần Long Ẩn, tôi thấy cảm động và sau đó, tôi có đến bắt tay cám ơn Trần Long Ẩn. Tôi cám ơn vì nội dung có đánh giá Sơn là một nhạc sĩ THIÊN TÀI...và một vài điều khác.

Ẩn có nói ngay với tôi "Em cảm động quá không kịp in ra để đưa cho Anh và cho các nhà báo, họ đòi dữ quá. Như thế cũng có nghĩa là tạm được !"

Sau điếu văn và lời cám ơn của Hà, em Sơn thay mặt cho gia đình, các nhà sư bắt đầu tụng kinh siêu linh tịnh độ. Đúng 7 h00 thì động quan, rất chính xác về thời gian.

Đi theo linh cữu, Trần Mạnh Tuấn cất lên tiếng kèn xác-xô-phôn bài "Cát Bụi", bên cạnh Tuấn tôi cố kìm để thả hồn mình theo tiếng kèn, nhưng nỗi nhớ Sơn khiến nước mắt giàn dụa, tai ù đi.

Đến giữa chừng của ngõ nhà Sơn , Tuấn lại thổi bài "Một cõi đi về", tôi đưa chai nước cho Tuấn uống để lấy giọng, thì vừa ra đến đầu ngõ, Tuấn thổi một bài tiếp nữa. đường Phạm Ngọc Thạch (tức là đường Duy Tân cũ) như lặng đi, xe cộ dừng hết cả lại ( vì quá xúc động tôi không nhớ ra là bài gì nữa, chỉ biết đó là bài mình vẫn hát).

Linh cữu Sơn được đưa lên xe tang. Các em Sơn ngồi bên cạnh. Xe đi một vòng, đưa Sơn qua đường Trần Quốc Thảo, nơi có trụ sở Hội Nhạc sĩ mà ngày ngày Sơn vẫn hay qua lại, sau đó đoàn xe đi về phía nghĩa trang Gò Dầu, nơi có mộ của mẹ Sơn.

Một dòng sông xe máy, xe ô tô, xe đạp ... trôi từ từ trên đường điện Biên Phủ và tăng tốc dần. Có lẽ đáng nói nhất là đoàn xe máy, xe"của những người hâm mộ" những công chúng vô danh vĩ đại mà tôi cho là tuyệt vời nhất, họ thực sự chiếm lĩnh con đường đưa Sơn về chốn "xa xăm cuối trời" của Sơn, và dòng sông xe cứ thế trôi. Thật hạnh phúc biết bao cho một nghệ sĩ có được một công chúng hâm mộ như vậy.

Nghĩa trang nơi có mộ mẹ Sơn là một nghĩa trang nhỏ, chưa bao giờ có một đám tang cỡ này cho nên đến đây thì có sự gay go. Phải có sức mạnh lực sĩ mới chen nỗi vào nghĩa trang vì những người hâm mộ và yêu mến Sơn đã đến từ trước, họ chiếm lĩnh trận địa, kể cả bà con lối xóm ở gần nghĩa trang cũng kéo đến chật cứng. Tôi đành phó mặc số phận mình cho sự đưa đẩy của dòng thác người, trước mắt thấy thấp thoáng chiếc khăn tang của Tịnh, em Sơn, người cao nhất, thế là biết rằng cuối cùng mình cũng sẽ trôi đến nơi cần thiết.

Lễ hạ huyệt, trước lúc đó, Bửu Ý đọc lời tiễn biệt của Huế, nơi Sơn đã dành một phần lớn trái tim mình. Lời nhiều, nhưng ý ít nên tôi không kể vào đây. Cảm động nhất vẫn là điệu kèn xác-xô-phôn của Trần Mạnh Tuấn . Cả không gian như quánh đặc lại cùng với tiếng kèn của "lời thiên thu gọi". Tôi đã thực hiện yêu cầu của các anh chị là NÉM XUỐNG MỘ SƠN NHỮNG ĐÓA HỒNG TRẮNG, VÀ VÌ KHÔNG XIN ĐỦ HỒNG TRẮNG BAN TANG LỄ MANG THEO, TÔI NÉM XUỐNG NHỮNG BÔNG HOA HUỆ. ( thôi thì đành vậy, anh chị nào chọn bông hoa nào cho mình thì xin cứ tâm nguyện "Làm sao ta gặp, làm sao ta gặp được nhau"! )

Điều tôi muốn kể là tiếng hát đồng ca của đám tang, hát theo tiếng kèn của Mạnh Tuấn thì chỉ khe khẽ trong tim, nhưng sau đó thì đám đông trầm lắng trong "Biển Nhớ", và nhất là trong "Nối vòng tay lớn". Nhưng bài hát cứ vậy kéo dài mãi, và cứ thế người ta nói với người nghệ sĩ yêu mến của mình "Sơn ơi, Anh đâu có chết, anh vẫn có mặt trên cõi đời này" . Bài "Hát cho một người nằm xuống" được ai đó cất lên và cả đám tang lặng đi trong những lời hòa đồng nối tiếp.

Một thảm hoa hồng trắng và hồng nhạt trải trên mộ Sơn. Mấy cô gái tài hoa và tỉ mỉ chọn những cánh hồng nhung đỏ thắm kết thành chữ "ANH SƠN" trên thảm hồng trắng nhạt. Và rồi. người ta nhặt những nhánh hồng và huệ cắm chung quanh thảm hoa đắp trên mộ Sơn làm thành một vườn hoa hồng và huệ. Tôi không nghĩ đây là sự sắp đặt trước của ai đó. Mà đây là ngẫu hứng của những bạn bè, những người hâm mộ đã liên cảm được với tâm hồn nhà nghệ sĩ tài hoa đang mỉm cười dưới chiếc thảm hoa mà cuộc đời đang đắp cho Anh đấy thôi, thảm hoa nằm giữa một vườn hoa ? Tôi lãng mạn quá chăng? Nhưng có điều này thì hình như trái với điều mà Sơn cảnh báo: "đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng". Tôi sai chăng?

Một anh bạn thân của tôi, anh Nguyễn Trọng Huấn nhặt một bài thơ trên giấy trắng đặt trên tấm thảm hoa đắp cho Sơn. Tác giả, một sinh viện đại học Khoa học Xã Hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh ngăn lại "Đừng chú ơi. Cháu muốn để đấy cho Anh Sơn đọc.Vì cháu viết cho anh ấy mà. Nếu chú thích thì cháu đọc cho chú chép vậy."

Và đương nhiên là anh bạn tôi chép, và vừa rồi đã đọc qua điện thoại cho tôi vì biết tôi đang thông tin cho các bạn. Bài thơ như sau:

KÍNH VIẾNG ANH SƠN

Bao năm giữa chốn vô thường

Người đi bỏ lại con đường vô vi

Một đời hát khúc tình si

Một ngày gió bụi cuốn đi phong trần

Cát bụi kia, cũng một lần

Phôi pha để trả nợ nần thế gian

Cuộc đời rồi cũng sang ngang

Một đời rồi cũng lỡ làng một phen.

Trước khi về nhà, tôi đã kịp đưa cho Hà , em Sơn, những thư các anh chị gửi cho tôi mà tôi đã in ra , nhờ Hà đặt trên bàn thờ Sơn. Thôi thì cũng là "Ngàn dâu cố quận muôn trùng nhớ thương...Bỏ xa xôi yêu và gần gũi. Bỏ mặc tôi buồn..."

Tương Lai

Đài BBC phỏng vấn Khánh Ly

Hương Ly thực hiện

Phần I:

(Nhạc dạo)

BBC: Xin chào ca sĩ Khánh Ly và rất là cám ơn ca sĩ Khánh Ly đã đến với chuyên mục Phỏng Vấn Hàng Tuần của đài BBB Luân Đôn. Trước hết là xin ca sĩ cho biết đôi nét về thân thế sự nghiệp của mình ạ, từ khi nào thì ca sĩ bắt đầu bước vào lĩnh vực âm nhạc ạ ?

Khánh Ly: Thưa trước hết xin phép chị cho Khánh Ly được gửi lời chúc mừng đầu năm đến tất cả những người VN ở trên khắp thế giới, nói chung một lời chúc mừng năm mới nhiều sức khỏe, hạnh phúc và may mắn.

Thưa chị nếu mà nói về đi hát mà chính thức, trở thành chuyên nghiệp đó thì Khánh Ly đã bắt đầu từ năm 16 tuổi, còn trước đó nữa thì có lẽ nhờ ảnh hưởng của ông cụ cho nên Khánh Ly biết hát cùng lúc với biết nói và (cười) cái thời gian đó thì mình không tính làm gì nhưng mà khi bắt đầu trở thành mà chuyên nghiệp hát và làm ra tiền đó là năm 16 tuổi tức là năm 1962 .

BBC: Vậy thưa ca sĩ lúc đó là ca sĩ bắt đầu cái nghiệp hát của mình là ở Saigon ?

Khánh Ly: Dạ thưa em bắt đầu chính thức đi hát chuyên nghiệp là ở Saigon, vì hồi di cư đó thì lúc đó em mới có 9, 10 tuổi thôi .

BBC: Thưa ca sĩ thì lúc bắt đầu bước vào cái nghiệp ca hát như vậy thì có cái kỷ niệm nào mà ca sĩ nhớ nhất ạ ?

Khánh Ly: À… Em thì em có nhiều kỷ niệm lắm là bởi vì cái mà nặng nề nhất là gia đình, tại vì gia đình em quá khó cho nên không có bằng lòng cho em đi hát và em phải trải qua rất nhiều cơ cực ở trong gia đình vì cái chuyện hát hò này đó là một trong những cái kỷ niệm em mà không bao giờ em có thể quên được với sự khắc khe mà gần như là tàn nhẫn của bố mẹ em, bây giờ mình nghĩ lại đó thì mình thấy là các cụ cấm mình đi hát đó, đôi khi các cụ cũng có lý chứ không phải là không .

BBC: Dạ thưa ca sĩ thì ca sĩ có nhớ một trong những ca khúc đầu tiên mà ca sĩ hát đó là ca khúc gì không ? Và lần đầu tiên mà ca sĩ xuất hiện trước công chúng, trước khán giả thì ca sĩ cảm thấy thế nào ạ ?

Khánh Ly: Bài hát đầu tiên mà em biết hát là bài hát "Chiều Vàng" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh, bài "Con Thuyền Không Bến” của nhạc sĩ Đặng Thế Phong, và tất cả nhạc của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và Từ Linh và bài "Biệt Ly" của nhạc sĩ Dzoãn Mẫn và khi mà em hát đó tại vì em còn quá nhỏ, em chưa có đủ tuổi vào vũ trường cho nên em đi theo người anh của em và khi mà em vào vũ trường thì em cứ tự động leo lên sân khấu hát thôi và em cũng chẳng thấy ai phản đối cả, chủ cũng không phản đối mà người đi nghe nhạc, thời đó là họ đi nhảy không hà chứ chưa có phòng trà chị, thì cũng chả có ai phản đối gì cả, lúc đó khoảng 60, 61 thì em chỉ lên hát chơi thôi, cho đến năm 62 em mới chính thức nhận hát cho một cái phòng trà mà nguyên nó là một cái quán cơm của sinh viên ở đường Bùi Viện và cái quán đó tên quán Anh Vũ nó nằm ở cái chỗ mà hồi xưa người Saigon gọi là Ngã Tư Quốc Tế, thì lúc đó thì em có được tiền nhưng mà rất là ít nghĩa là họ trả tượng trưng thôi tại vì em không phải là ca sĩ nổi tiếng, em coi như là một khuôn mặt mới, lạ thì coi như họ thưởng tiền cho mình vậy thôi chứ không phải là trả lương .

BBC: Như vậy lúc đó ca sĩ vừa mới nói ca sĩ mới có 16 tuổi thôi mà ca sĩ đã trình bày những ca khúc như "Con thuyền không bến" và những ca khúc khúc như vậy nó mang tâm tư của cả đời người cơ vậy tại sao tuổi mới có 16 mà ca sĩ đã chọn những ca khúc đó để mà trình bày ạ ?

Khánh Ly: Em được ảnh hưởng của ông cụ em, thì khi mà em vừa tập nói thì ông cụ em chơi đàn mandoline thì ông cụ hay hát những bài hát đó, và những bài hát đó lem bị nhập tâm từ lúc em mới 2,3 tuổi gì đó em đã biết những bài đó, rồi sau di cư em chọn toàn nhạc tiền chiến không, mặc dù là em nhỏ nhưng mà em không thể, em không thể có một cái cảm xúc nào khi mà em nghe những cái bài hát viết theo trong cái thời đó mà lúc nào em cũng nhớ tới những bài hát mà các nhạc sĩ thì đa số đều ở lại ngoài miền Bắc hết .

BBC: Khi mà nói tới sự nghiệp ca hát của mình đó, thì giai đoạn nào đối với ca sĩ là đáng nhớ nhất ạ ?

Khánh Ly: Dạ thưa chị, giai đoạn đầu thì trải qua nhiều cái khó khăn cực khổ bởi vì chỉ có một thân, một mình và không có được một người nào đỡ đầu hay là hướng dẫn thì tự động mình tìm cho mình một cái chỗ đứng thật là khó khăn, tại vì lúc đó Saigon ca sĩ còn là một cái gì rất là mới lạ đối với người dân ở Sai gon chưa có tới 10 ca sĩ chị, đó là thời gian đầu. Cái đáng nhớ thứ hai cái giai đoạn thứ hai là cái giai đoạn em được đi hát với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đến giai đoạn thứ ba là giai đoạn mà khi em đã ra nước ngoài rồi .

BBC: Ca sĩ vừa mới nhắc đến giai đoạn thứ hai tức là lúc ca sĩ được đi hát với lại nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đó thì phải nói là khi mà nói đến Khánh Ly thì người ta cũng không thể tách rời một tên tuổi khác trong âm nhạc rất là nổi tiếng, đó là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và cách đây nhiều năm, tức là hồi thập niên 80, chính ca sĩ Khánh Ly có viết một bài mà về sau tờ Tin Thanh Niên ở VN có đăng lại là cái bài có nhan đề là "Sống giữa đời sống cũng cần có một tấm lòng" thì trong bài đó ca sĩ cũng có kể lại sự hội ngộ của ca sĩ và Trịnh Công Sơn như thế nào, thì bây giờ xin ca sĩ cho quí thính giả của đài BBC biết cái gì đã đưa đẩy ca sĩ đến với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được hay không ạ ?

Khánh Ly: Em là một cái người mà …mê hát, em thích hát và em đặt cái chuyện hát và âm nhạc đối với em như là một tôn giáo cho nên cái chuyện hát có tiền hay không có tiền là cái chuyện về sau, có cũng được có thì tốt mà không có thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến em tại vì khi mà em chính thức đi hát thì em đã bị gia đình từ, và từ đó em sống nhờ bạn bè mỗi người cho một tí mắm, mỗi người cho một chút gạo và đại khái như vậy mà em tự sống một mình

Vậy cho nên khi năm 64 anh Trịnh Công Sơn từ Lâm Đồng anh cũng đi tìm một người để hát nhạc của anh nhưng với một điều kiện là hát và không có tiền không có đòi hỏi gì cả nghĩa là chỉ có hát thôi, thì có họa sĩ Ðinh Cường là một người bạn chí thân của anh Trịnh Công Sơn từ nhỏ, có nói với anh Trịnh Công Sơn lúc đó đang ở Lâm Đồng là: “Ở Đà Lạt có một cái con nhỏ nó hát nghe cũng được lắm thì bây giờ toi thử lên toi nghe xem thử coi". Thì em nhớ có một cái đêm em không nhớ tháng nhưng em nhớ nó là năm 64 anh Trịnh Công Sơn lên Đa Lạt và đến vũ trường Night Club ngồi nghe em hát rồi anh làm quen em, anh tự giới thiệu và anh làm quen em rồi sau đó hai anh em tập hát với nhau. Em với anh Trịnh Công Sơn thì quen và thân nhau rất là nhanh gần giống như là điện mà chạm nhau vậy đó, bắt được cái cảm nghĩ, cái cảm nhận của nhau rất là lẹ và anh Trịnh Công Sơn không có tốn thời giờ để mà tập hát cho em, đó là năm 64.

Rồi sau đó anh muốn em về Saigon hát nhưng mà em không chịu là bởi vì em yêu Đà Lạt vì Đà Lạt nó yên tĩnh và không có cái cảnh mà phải bon chen, phải đi chạy chọt đi tìm chỗ này chỗ kia hát, tại vì em không có một người nào quen là nhạc sĩ ở Saigon để mà đỡ đầu cho mình cho nên em từ chối, em từ chối rồi đến năm 66 thì em với anh Trịnh Công Sơn gần như là mất liên lạc với nhau vì lúc đó anh Sơn đi về Saigon .

Ðến năm 67, thì sau cái lần ly dị đầu tiên là năm 67 em về Saigon và tình cờ em gặp lại anh Trịnh Công Sơn, lúc đó thì anh Trịnh Công Sơn hát một mình thôi tại vì anh không tìm được ai để đi hát với anh cả, trong một cái điều kiện mà hát không tiền thì cũng khó lắm chị cho nên khi anh Trịnh Công Sơn gặp em, anh Sơn mừng lắm, anh Sơn hỏi em là "Mai có rảnh thì đến đây hát với anh” thì em nhận lời liền và từ năm 67 cho tới năm 75, dù có anh Sơn hay là dù người khác đàn thay anh Sơn em cũng vẫn đi tới những trường học, trường đại Học, trung học, em đi tới những viện mồ côi, nhà thờ, nhà chùa hoặc là những tiền đồn xa xôi để em hát và vẫn theo cái tiêu chuẩn mà anh Sơn đặt ra là "không lấy tiền" .

BBC: Dạ thưa chị có thể nói là sau này ngoài ca sĩ Khánh Ly ra thì cũng còn rất là nhiều ca sĩ khác hát nhạc của Trịnh Công Sơn, ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thế nhưng mà công chúng họ vẫn đánh giá là ca sĩ Khánh Ly đã chuyển tải một cái cách mà có thể nói là có một không hai những cái ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Vậy thì xin chị cho biết là khi mà chị hát các ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì có điều gì để mà làm cho chị có thể chuyển tải được một cách khác biệt như vậy

Khánh Ly: À thưa chị điều thứ nhất là em gần anh Sơn nhiều và anh Sơn và em hai người dù có ngồi với nhau cả một ngày hay cả một tháng chúng em anh Sơn và em rất ít nói về bài hát nhưng khi anh Sơn hát ra một bài thì em cảm nhận được ngay những điều mà anh Sơn muốn gửi gấm vào trong bài hát và em nhập tâm liền. Em có một cái cảm giác là "anh Sơn viết cái bài này cho mình" dẫu rằng anh viết cho một người khác ở trong một cái hoàn cảnh khác nhưng mà em vẫn tìm thấy được cái dáng dấp của mình, cái đời sống của mình, cái cảm nghĩ của mình, cái tình yêu của mình ở trong những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cho nên anh Sơn không cần phải nói nhiều với em về bài hát mà anh đã viết, trừ những bài hát về Ca Khúc Da Vàng thì đôi lúc có những điều em không hiểu thì em hỏi và anh Sơn không bao giờ ngại cắt nghĩa cho em nghe.

Sau này có nhiều người hát nhạc Trịnh Công Sơn, theo em thì cũng rất là đạt, em thấy là một bài hát của một nhạc sĩ làm ra không thể nói là dành riêng cho một người nào, dẫu rằng trong lòng người nhạc đó nghĩ đến người ca sĩ đó để viết cái bài hát đó, nhưng không thể nói rằng "tôi viết bài này hay ông ấy viết bài này cho tôi thì để một mình tôi hát thôi" mà em thì em thấy là càng nhiều người hát thì càng tốt là bởi vì mỗi người có thể diễn tả cái bài hát theo cái cảm nghĩ của mình, theo cái xúc cảm, tình cảm của mình lúc đó nó được bộc phát như thế nào qua cái bài hát đó thì sẽ làm cho cái giòng nhạc của người nhạc sĩ đó trở nên phong phú hơn, giàu có hơn, chớ nếumà nghe một người ..có thể nhiều khi nó là một cái thói quen nghe một người hát quá lâu loại nhạc của một nhạc sĩ rồi tới lúc mà nghe một người khác hát thì đôi khi cũng có những người họ bị shocked là bởi vì cái người nhạc sĩ đó người ca sĩ đó và những tình khúc đó đã là một cái kỷ niệm, một cái phần đời của họ không có cái gì có thể thay thế được .

BBC: Thưa ca sĩ Khánh Ly thế thì khi mà nói về những kỷ niệm đi hát cùng với lại nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đó, thế thì có những kỷ niệm nào đáng nhớ nhất vì cách đây nhiều năm thì các con trai của chị có ra 1 cuốn Vidéo kỷ niệm “30 năm đời đi hát” của chị thì trong đó có những thước phim tư liệu ghi lại những cái lần trình diễn các ca khúc trong tập Ca Khúc Da Vàng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì chị có thể cho biết đôi nét về những giai đoạn đó được hay không ?

Khánh Ly: Thật ra đó là một giai đoạn rất là khó khăn cho Trịnh Công Sơn, là bởi vì anh bị cả 2 phía dồn anh, gần như là săn đuổi anh và gây cho anh nhiều khó khăn, bên VN cộng Hòa hồi đó có nhiều người che chở giúp đỡ cho anh Sơn và ở bên phía miền Bắc thì cũng có bạn bè muốn lôi kéo anh Sơn về phía của họ cho nên anh Sơn không ở một chỗ nào yên được, anh luôn luôn phải di chuyển là bởi vì anh không muốn đứng về phía nào cả, tức là ý của anh Sơn là anh chỉ là một người làm nhạc và anh không làm chính trị, anh không muốn bị lôi kéo bị trở thành một cái công cụ cho bất cứ một người nào dùng anh để mà sáng tác nhạc riêng cho bên nào, thành ra đó là một giai đoạn rất là khó khăn cho anh Sơn và em ít được gặp anh trong những cái năm sau Tết Mậu Thân là anh về Huế, rồi em phải bay ra Huế để gặp anh Trịnh Công Sơn thì tình trạng đó trở lại gần như là bình thường vào khoảng năm 70, nhưng mà lúc đó thì chỉ có khi nào đặc biệt lắm là anh Sơn mới đàn cho em hát thôi .

BBC: Vâng thế thì xin chị cho biết cái kỷ niệm nào khi mà làm việc chung với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà đáng nhớ nhất trong cuộc đời của chị.

Khánh Ly: Thưa chị cái khoảng thời gian đầu khi mà tập dượt với nhau rất là đáng nhớ vì anh Sơn không phải là cái người dễ tính, anh Sơn là một người rất là nghiêm chỉnh trong công việc và anh muốn cái người mà hát với anh cũng phải nghiêm chỉnh giống như vậy đối với những nhạc phẫm của anh, cho nên em hoàn toàn tôn trọng tất cả những ý kiến của anh Trịnh Công Sơn. Đó là một thời gian rất là khó khăn khi em bị anh Sơn bắt em chuyển từ giọng óc qua giọng thật tức là giọng bụng của mình, em phải tập dượt mấy tháng trời và bị tắt tiếng 1 tháng không hát được và cái kỷ niệm kế tiếp là năm 92 khi mà gặp nhau lại lần thứ 2, năm 88 thì em gặp anh Sơn ở Paris khoảng thời gian gặp gỡ nhau chỉ được 3 lần thôi, lúc đó thì anh em chỉ có ôm nhau mà khóc thôi chứ không có hát hò gì được . Nhưng mà năm 92 khi mà anh Sơn qua Canada để mà chữa bệnh thì em được gần anh Sơn nhiều hơn và anh Sơn tập cho em một số những bài mới như là bài “ Tôi đang lắng nghe” “Tôi ơi đừng tuyệt vọng” " Một Cõi đi về", "Một cõi đi về" thì anh Sơn làm từ năm 73 ở ngoài Huế và anh Sơn đã tập cho em từ thời 73 nhưng mà em vì tập nhanh quá cho nên em hát sai, đến năm 92 anh Sơn tập lại cho em cái bài "Một cõi đi về"cùng với một số bài mới anh viết sau này . Đó là cái thời gian rất là đẹp mà em được gặp anh Sơn ở Việt Nam . Rồi sau đó em trở về Việt Nam gặp anh Sơn năm 97 thì chỉ được có 5 ngày thôi . Nhưng mà đến năm 2000 khi em trở về em được ở gần anh Sơn 3 tuần lễ, ngày nào em cũng ngồi với anh Sơn từ sáng cho đến khoảng sau nửa đêm thì em mới về tới chỗ nhà riêng em ở và đó chúng em cũng không nói được nhiều và lúc đó là lúc anh Sơn tập cho em những bài hát gần như là những bài hát cuối cùng của anh

( Nhạc dạo ..tiếng hát Khánh Ly "Nhìn những mùa thu đi ..em nghe sầu lên trong nắng …và lá rụng ngoài song ..nghe tên mình vào quên lãng ..nghe tháng ngày chết trong thu vàng ….")

Phần II

(Nhạc dạo …tiếng hát Khánh Ly "Có khi mưa ngoài trời là giọt nước mắt em …đã nương theo vào đời làm từng nỗi ưu phiền …ngoài phố mùa đông đôi môi em là đốm lửa hồng… Ru đời đi nhé cho ta nương nhờ lúc thở than …chân đi nằng nặng hoang mang … ta nghe tịch lạc rơi nhanh … dưới khe im lìm….”)

BBC: Có thể nói chị đã từng trình bày rất nhiều ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhưng mà chị tâm đắc nhất với ca khúc nào và vì sao ?

Khánh Ly: Đối với em mỗi một bài của anh Trịnh Công Sơn là một nét đẹp riêng là những cái điều thầm kín sâu xa mà trong đó có cả hạnh phúc và khổ đau cho nên phải nói là bài nào của anh Trịnh Công Sơn em cũng thích hết, miễn là được hát lên đúng lúc, không thể nói rằng em thích bài nào nhất, tất cả bài của anh Sơn thì bài nào em cũng đều yêu cả, chỉ có tùy cái lúc mà tâm hồn mình nó rung cảm với một ca khúc nào đó mình cảm thấy hợp với mình trong lúc đó thì khi mình hát lên mình sẽ hát với cả trái tim và tấm lòng của mình .

BBC: Nhưng mà nếu nói đến một ca khúc nào cụ thể nào đấy chị có thể nói là chị thích hay chị cảm thấy nó gần gủi với chị nhất thì đó là ca khúc nào ?

Khánh Ly: Thưa chị đó là bài "Để gió cuốn đi” chị .

BBC: Tại sao chị lại cảm thấy bài "Để gió cuốn đi” là hợp với mình nhất ?

Khánh Ly: À thưa chị tại vì em hỏi anh Sơn cái thời mà em còn nhỏ và lúc đó anh em nghèo lắm, anh Sơn và em nghèo lắm, thì em hỏi anh là : "Mình sống trong đời sống thì mình cần cái gì ?" tại vì anh Sơn còn là một người thầy của em nữa, và em yêu quí anh Sơn hơn tất cả mọi người, ngoại trừ ông cụ em thì em yêu quí anh Sơn trên tất cả mọi người . Khi em hỏi câu đó là "Mình sống trong đời sống mình cần phải có cái gì ? Danh vọng, tiền bạc hay là tình yêu ?" thì anh Sơn trả lời là: " Em cứ sống trong đời sống bằng một tấm lòng" thì em hỏi: "Tấm lòng để làm cái gì ? trong khi đó mình quá nghèo, mình chẳng có cái gì trong tay, cái áo dài mình cũng không có nữa" thì anh Sơn cười anh Sơn nói là: "Em cứ sống với một tấm lòng dù chẳng để làm gì cả dù chỉ để gió cuốn đi và hãy cố gắng sống một cách tử tế với tất cả mọi người, tử tế với mình trước thì sẽ tử tê được với tất cả mọi người” Cái lời nói đó đã cách đây gần 40 năm rồi nhưng mà nó là kim chỉ nam cho em, đó là những điều mà em luôn luôn giữ gìn và em đi đúng, em nghĩ, em biết chứ không phải là nghĩ, em biết là em đã đi đúng những điều mà anh Sơn đã chỉ dẫn cho em .

BBC: Vâng tôi cũng nhớ là cái bài đó nó có cái đoạn nói là : “ Sống giữa đời sống cần có một tấm lòng, để làm chi em biết không ?... để gió cuốn đi” nhưng mà 40 năm nay chị cũng đã hát ca khúc đó nhiêu lần nhưng chị còn tin vào điều đó không nhất là trong lúc cái cuộc sống hằng ngày nó đổi thay, nó hiện đại hóa .

Khánh Ly: Thưa chị em tin, em tin ở tấm lòng của mọi người vốn là những người tử tế, vốn là những người lúc nào cũng nghĩ đến những điều tốt đẹp và em tin cả điều anh Sơn nói rằng “ Hãy cứ yêu đời sống dù đã mệt kiếp người, còn cuộc đời ta cứ vui dù vắng bóng ai dù có người bỏ đời mà đi mà mình vẫn còn phải sống thì mình hãy cứ vui tới như mọi người, vẫn phải sống tới như tất cả mọi người để chờ đến một lúc nào đó rồi mình cũng được gió cuốn đi . Em rất tin cái điều đó dù bây giờ thế giới tất cả mọi thứ đều được hiện đại hóa, dù người ta đã lên trên mặt trăng, dù người ta làm bất cứ một điều gì thì những cái lời của anh Trịnh Công Sơn, em nghĩ là nếu em còn có thể sống được một trăm năm nữa hay em sống cho đủ một trăm năm thì những cái điều anh Sơn nói với em vẫn đúng như thường .

BBC: Quí vị khán thính giả đài BBC Luân Đôn đang nghe cuộc phỏng vấn với ca sĩ Khánh Ly . Dạ thưa ca sĩ Khánh Ly, chị là người rời VN vào buổi tối ngày 29 tháng 4 năm 1975 và đến tận năm 1997 thì chị mới quay trở lại VN, thì trong khoảng thời gian đó làm sao mà lâu như vậy chị mới quay trở lại thăm VN ạ ?

Khánh Ly: Thưa chị , chị cũng biết là đời sống ở bên Mỹ không phải là thiên đàng như là nhiều người đã nghĩ, nếu mình nghĩ đây là thiên đàng thì cũng đúng chứ không phải là không, nhưng nếu bảo là hoàn toàn không phải làm gì cả cứ ra vườn hát lá cây mà ăn á thì cái điều đó không có, qua đây thì em và những người VN ra đi lúc đó bắt đầu một cuộc sống, bắt đầu làm lại từ đầu, bằng con số không và làm bất cứ chuyện gì, cái thứ nhất là để sống còn, cái thứ hai là để cho những người Mỹ họ nghĩ rằng dân tộc VN, những người VN là những chịu thương chịu khó, cần cù và tử tế khi sống ở đất nước người ta thì làm một cái việc gì để sống còn đều là một điều nên làm, em nghĩ là nghề nào cũng lương thiên cả chỉ có người là không lương thiện chứ không có nghề nào là xấu hay là không có nghề nào là không lương thiện cho nên em bắt đầu phải đi làm bằng những công việc thấp nhất trong xã hội tức là đi chùi rửa, đi làm janitor đó, đi làm vệ sinh ở trong một cái trường kiểu mẫu cho trẻ em, nhưng trong một thời gian ngắn thôi và sau đó thì cộng đồng VN bắt đầu tụ tập lại và chỉ một thời gian ngắn thôi mấy tháng sau thì em là người đầu tiên làm băng nhạc lại và trở lại đời sống đi hát của mình với một cây đàn guitar từ Mỹ qua đến Âu Châu đến Canada và Úc Châu . Cho nên cái thời gian của em ở đây nó rất là eo hẹp, vì còn gia đình, còn chồng còn con cho nên em không có một thời gian nào rãnh để mà nghĩ đến cái chuyện đi đâu xa . Anh Sơn thì muốn em về thăm nhà rất nhiều lần nhưng em không thể bỏ gia đình ở đây được rồi đến 97 thì em đi với phái đoàn của Nhật Bổn để về VN làm một cuốn phim về cuộc đời của em và trong đó thì không thể nào thiếu anh Trịnh Công Sơn được .

BBC: Thưa chị khi mà năm 1997 đó về thăm VN lần đầu tiên từ khi chị ra đi là năm 1975 thì khi đó về chị có cảm thấy là VN thay đổi nhiều so với hồi chị ra đi hay không ?

Khánh Ly: Thưa thay đổi nhiều lắm chị, thay đổi nhiều thay đổi nhiều đếc cái độ mà em không nhìn ra, em không tìm được con đường về nhà cũ của em, cái nhà mà sau khi di cư vào em ở đường Trần Hưng Đạo em không nhìn ra, đường Công Lý em cũng không nhìn ra, Hàng Xanh em cũng không nhận ra, Thủ Đức em cũng không biết, em đi đâu em cũng chỉ thấy hotel không hà, em không có dịp trở lại những cái trường học ngày xưa, những cái trường đại học mà em đã hát, em chỉ có dịp đi ngang trường Trưng Vương và trường Gia Long nhưng mà em thấy là một VN thay đổi nhiều, nhưng mà thật ra đó không giống như là những cái điều mà em mơ ước em từng ttưởng tượng ra, tại vì khi em đi Saigon chỉ có 2 triệu dân hay hơn một chút, nhưng khi em về năm 97 thì có tới 7,8 triệu người ở nội trong Saigon thôi thành ra có những cái điều làm cho em hơi sợ về vấn đề giao thông đó, rồi nhà cửa thay đổi rất là nhiều, chỉ có một cái điều là nhà thương thì em không thấy, trường học em cũng không thấy…mà cái điều mà em nhìn thấy nhiều nhất là …hotel .

BBC: Thưa chị khi mà chị quay về VN như thế đó, thì cái lần đó chị chỉ về thăm thôi hay chị có biểu diễn hay không ạ ?

Khánh Ly: Dạ thưa chị không, em về với phái đoàn Nhật, anh Trịnh Công Sơn thì hát cho em nghe và em được gặp gia đình một người chị ruột của em và các cháu của em còn ở lại VN, em được đi thăm mộ của bên gia đình chồng tức là ông bố chồng em .

BBC: Dạ thưa chị từ cái hồi mà năm 1997 là lần đầu tiên chị về VN đó thì sau đó chị cũng có quay trở lại VN 2 lần nữa thế thì trong những cái lần đó có lần nào chị có cái buổi biểu diễn ở VN hay không ạ ?

Khánh Ly: Dạ thưa chị em không hát

BBC: Cái giai đoạn thứ ba của cuộc đời chị nghĩa là lúc chị bắt đầu sự nghiệp ca hát ở Hải Ngoại đó thế thì nền âm nhạc của VN ở hải ngoại bây giờ như thế nào ?

Khánh Ly: Nói chung thì nhạc ở hải ngoại, cái lớp tuổi của các anh nhạc sĩ lớn, đa số các anh cũng đã qua đời, bây giờ là lớp trẻ lên và họ có những cái sáng tác ngắn gọn và hợp với cái đời sống thực tiễn tại Mỹ nhiều hơn là cái khoảng thời gian trước 75 hay là thời gian mới tới Mỹ, nó thiếu cái sự thơ mộng, nó thiếu cái đẹp của một thứ hạnh phúc mình khó nắm bắt, đối với em thì nó quá thực tiễn, nó giống như một với một là hai thành ra nó ít gây cho em một cái sự xúc động, tuy nhiên cũng có những bài hay của một số thí dụ như là của các nhạc sĩ như là nhạc sĩ Nam Lộc, nhạc sĩ Trịnh Nam Sơn, nhạc sĩ Trúc Hồ, những nhạc sĩ trẻ bây giờ như Trần Quảng Nam, như là anh Ngô Thụy Miên cũng còn sáng tác hay anh Từ Công Phụng, anh Vũ THành An thì bây giờ anh đã là Thầy Sáu tức là anh đã đi tu, còn lại một số thì em nghĩ là không hạp với cái tuổi của em có lẽ là hạp với lứa tuổi đến Mỹ khi còn nhỏ hoặc là được sinh ra và lớn lên ở Mỹ

BBC: Thưa ca sĩ Khánh Ly là trong những năm sinh sống …định cư tại Mỹ đó thế thì chị biểu diễn những ca khúc của ai ạ ?

Khánh Ly: Dạ thưa chị vẫn là nhạc Trịnh Công Sơn thưa chị, vẫn là nhạc anh Trịnh Công Sơn là số một, từ 27 năm nay, em đi tới đâu em hát, mỗi cuối tuần em đi show thì đều là những nhạc của anh Sơn .

BBC: Có khi nào chị muốn trở về VN làm một hoặc hai hoặc là nhiều buổi trình diễn hay không ?

Khánh Ly: Thưa chị hiện tại bây giờ đó thì em chưa có nghĩ đến vì em còn một cháu út còn đang đi học cho nên em không thể nào bỏ nhà đi lâu được, em chưa nghĩ tới có một lúc nào đó em có thể để chồng con ở đây và em làm một chuyến đi dài 1,2 tháng. Thành ra em nghĩ với cái tuổi của em bây giờ đó tìm một cái cơ hội nào để mình có thể trở về VN đó em nghĩ cái đó khó vì em sợ là không kịp nữa đối với cái tuổi của em bây giờ .

BBC: Nhưng bây giờ hỏi là trong cuộc đời chị có những cái lúc nào chị cảm thất thất bại hoặc là chị chịu những cái cay đắng thì đó là những cái điều gì ạ ?

Khánh Ly: Em được một cái may mắn là vấn đề nghề ngiệp chưa gặp thất bại cho đến bây giờ em vẫn và một người may mắn được đứng trên sân khấu chung với cái thế hệ sau em, còn nói về cay đắng thì đời của một người, bất cứ một người nào dù ở ngay trên quê hương của mình hay là ở xứ người thì chắc chắn là không thể tránh khỏi cái điều bất như ý hoặc là cay đắng đưa đến bởi cái đời sống xã hội hoặc là bởi đồng nghiệp hoặc ngay chính cả ở trong gia đình nữa thì cũng không thể nào tránh khỏi được và có một cái điều là em biết dù em ở đâu đi chăng nữa thì em vẫn nhớ và em vẫn yêu VN, vì lúc nào em cũng là người VN dù em có đổi đời nhưng mà đời em thì chưa bao giờ đổi cả, em vẫn là người VN nếu mà Chúa thương, trời đất thương thì sẽ có một lần nào đó mà nếu cái may mắn còn ở với em thì em cũng muốn được trở về để hát từ Nam ra đến Bắc và hát để giúp cho những trẻ mồ côi, cho những bệnh nhân bị bệnh cùi và những người thiếu may mắn và không lấy một đồng xu nào cả, nhưng mà lúc đó sẽ là lúc em từ giã cuộc đời đi hát của em, tức là em nói thẳng là lúc đó là lúc em giải nghệ vì em hy vọng là em sẽ có thể em làm một điều gì đó nó có ý nghĩa một chút trước khi em rời xa sân khấu để đúng như lời anh Trịnh Công Sơn nói là "Hãy sống và sống tử tế với nhau bằng một tấm lòng" .

(nhạc dạo …tiếng hát Khánh Ly và Trịnh Công Sơn … " Bỏ mặc căn nhà bỏ mặc tôi ..Bỏ mặc nơi đây bỏ mặc người …Bỏ trăm năm sau ngàn năm nữa …Bỏ mặc tôi là tôi là ai …Em đi bỏ lại con đường ..Bờ xa cỏ dại vô thường nhớ em …Ra đi em đi bỏ lại dặm trường ngàn dâu cố quận muôn trùng nhớ thêm ….Bỏ mặc đêm dài bỏ mặc tôi …Bỏ mặc gian nan bỏ mặc người ..Bỏ xa xôi yêu và gần gũi ..Bỏ mặc tôi buồn giữa cuộc vui ….")

(Nguồn : Hư Vô / www.suutap.com)

Cảm Nghĩ Về Ca Khúc Trịnh Công Sơn

Từ lâu lắm Trịnh Công Sơn được giới ái mộ trao tặng danh hiệu là kẻ du ca về tình yêu, quê hương và thân phận.

Anh lớn lên bằng tuổi chiến tranh đứt rồi lại nối, chiến tranh dai dẳng và cùng khắp đến nỗi đứng ở tọa độ nào trên đất nước cũng thấy và sống chiến tranh, từ đó người chiến sĩ dấn thân tự đề ra cách thế sống và hành động phù hợp với sở nguyện mà vẫn đạt hiệu quả mong muốn. Thế đứng trước nay ở miền Nam của anh, tối thiểu, không hại cho uy tín và sự nghiệp của anh. Lịch sử đất nước lật hẳn sang một chương khác, trước sau anh vẫn an nhiên ("Ðôi khi một người dường như chờ đợi thật ra đang ngồi thảnh thơi.", Tự tình khúc hay ít nhất anh giữ an nhiên cho nghệ thuật của mình. Anh đi vào nhạc, anh bước xuống đường, y như người ta hít thở. Và nói như thế, không có nghĩa anh phó mặc đời, mà có nghĩa là anh gieo trồng vào những luống đã tự đào sẵn, không phải ngoái lui, không cần xóa đi làm lại. Nay nhạc và lời của anh, nếu có chuyển đổi chẳng qua vì tâm hồn đến tuổi đổi mùa. Cần nói thêm rằng cái an nhiên là món quà lưu chủ của đời, sau khi khổ chủ đã hoàn trả cho người - người tình, người bạn, người đời - những hơn thua, ngộ nhận, thị phi.

Nhạc của Trịnh Công Sơn không tuyền là nhạc, bài hát không chỉ là bài hát. Mỗi bài là một truyện ngắn, mỗi ca khúc là một chương khúc của truyện dài không có kết thúc, vẫn mở ra như một vết thương, một vết thương người, một vết thương thời đại, vết thương thiết thân, phải cưu mang và lưu truyền.

Nhưng không có đoạn truyện nào kết thúc có hậu như trong truyện cổ tích, mà ngược lại đó là những loại Tình Sầu, Tình Xa, Tình Vơi. Không còn là cái đẹp của đối xứng, vuông tròn, thủy chung. Bởi cùng nhau tắm gội trong biển bấp bênh của thời đại, con người xót xa khám phá ra cái đẹp chông chênh, cái ma lực của chén đắng. Ðời dành riêng cho kẻ nào đã lên tới đỉnh buồn và xuống tới vực thẳm, một đôi mắt bên trong để nhìn ra những vẻ đẹp của mặt đất, của nghịch lý khiến cho y nhận chân cái tất yếu của cô đơn, cái hào quang của thất bại, cái quyến rũ của triền dốc. Con người sinh ra là đã thua cuộc, vấn đề còn lại của con người, vấn đề hoàn toàn nguyên vẹn, là khoác lên sự thua cuộc ấy một gương mặt người do từng cá nhân đắp dập lấy. Theo chiều hướng này, ta sẽ mục kích hàng hiên phô bày toàn chân dung lập thể: hoặc thiếu mắt thừa môi, hoặc mặt lật vào trong mà dạ để ra ngoài.

Nguồn cảm hứng khơi mạch từ đó, rất dễ rơi vào chỗ sướt mướt, ê chề, rất dễ đưa tới trạng thái buông thả, quy hàng... là những gì nhiều người từng quy nạp cho ca khúc Trịnh Công Sơn. Ðành rằng vài tình cảm ấy không hoàn toàn vắng bóng, và đậm nhạt khác nhau từng nơi, từng lúc, nhưng nghiễm nhiên được biến chế, vượt qua, đủ để ta nhận ra đó không còn là những tình cảm hoàn cảnh mà là những tình cảm bản chất cần được khẳng định và hóa kiếp thành đức tin, động lực phản kháng những giới hạn của con người. Không những thế mà thôi, ta phải nhặt nhạnh những tàn phai, tóc trắng, tan tành theo giọt mưa, hạt bụi, lăn lóc như hòn cuội, không ngạc nhiên trước những tráo trở, lật lọng, chấp nhận gươm giáo, nọc độc, gọt tỉa màu mun của đêm, vốc bùn sóng sánh, phải nâng niu những vết thương cùng nét xanh xao, hao gầy, cám ơn những mối tình tơi tả, phải thương yêu nỗi chết... dung nạp tất cả vào lòng và bện thành tấm áo giáp, thứ áo giáp mặc trong.

Trịnh Công Sơn là người khát sống. Anh muốn sống nhiều nơi cùng một lúc, ngồi nơi này, nhớ nơi kia, muốn sống gấp đôi sợ không đủ thì giờ, lắm lúc không phân biệt ngày với đêm. Anh thích những chuyến tàu xuyên suốt, những chuyến xe đỗ rồi lại đi, anh thích rút ngắn không gian giữa rừng với biển, giữa đó anh tha hồ sống với ghềnh, bãi, lũng sâu và núi, tháp, cánh đồng, anh muốn rút ngắn thời gian giữa lạ với quen và xua tan những cánh dơi thù nghịch.

Hình ảnh phố phô mình phân rãi trong ca khúc anh: phố xưa (Khói trời mênh mông),phố hẹn (Khói trời mênh mông), phố xôn xao (Yêu dấu tan theo), phố rộng (Tưởng rằng đã quên), phố thênh thang (Quỳnh hương), phố cao nguyên (Lời thiên thu gọi), phố nọ (Ðêm thấy ta là thác đổ), phố xa lạ (Bên đời hiu quạnh)... Phố như là nơi triển lãm của sự sống, một đại hội đời, một nơi tập cư đủ mẫu người, một bãi thí nghiệm bao thế thái nhân tình làm thỏa lòng con người nào muốn sưu tập con người. Do những hình ảnh phố xá như thế này, có người bảo: Trịnh Công Sơn thích lui tới những nơi đô hội. Ðiều này đúng một phần, bởi lẽ: anh thích những nơi có bóng dáng con người, anh thèm tiếng người hơn là cõi vắng lặng, nhưng điều cần nói thêm, là: anh ước mơ hình ảnh xã hội được đô hội hóa chứ không phải là sa mạc hóa, và được đô hội hóa thường trực, sao cho ngày ngày hàng cây thắplễ lạc trên tầng lá xanh, lễ lạc trên từng nẻo đường, khắp mọi nhà và trong mỗi con tim.

Trí óc và cảm xúc của Trịnh Công Sơn phù hợp với tổng hợp hơn là phân tích, nghiêng về kết hợp hơn là phân chia. Hình ảnh chiếc cầu đối với anh là một lời mời gọi cất bước sang bên kia, đồng thời chuyển biến bên kia thành bên này và ngược lại. Băng qua cầu là để sống với bên kia và nhớ bên này. Trong nỗi sống đã tượng hình nỗi nhớ. Người đi trên cầu không những nhìn ôm cả hai phía mà có thể nhìn cút bắt với những khuỷu sông thấp thoáng ẩn hiện, cấu tạo dần dần trong tâm khảm cái dự cảm lìa xa, mất mát.

Tình yêu. Quê hương. Thân phận. Làm sao nói về những vấn đề này bằng lời hát và chuyên chở bằng nhạc, những ưu tư thường trực của mọi người và được mọi người ít nhiều nói đến ? Trịnh Công Sơn có cách nói riêng, bằng lời và bằng nhạc. Lời tách riêng, đó là những đoạn thơ hoặc là truyện thơ tâm sự về giọt mưa, giọt nắng, về một vùng biển đầy ắp sự vắng mặt... Nhạc tách riêng có khi nhún nhảy như loại đồng dao hay thanh bình ca, có khi lại rất thích hợp với ánh đèn màu và khói thuốc của vũ trường, cũng có khi dòng nhạc Trịnh Công Sơn gần gũi với thánh ca thanh thoát...

Nhiều nhạc sĩ viết về tình yêu và quê hương.

Tình yêu, với Trịnh Công Sơn, là diễm tình. Trước hết là phải đẹp, đẹp trong từng lời bội bạc, bước chân quay gót, trong dang dở và tan vỡ. Sẽ không có mối tình rách rưới hay nhầy nhụa, sẽ không có mối tình than khóc lâm ly, sẽ không có luôn cả đau khổ, hoặc nếu có chăng nữa thì đó là một nỗi đau khổ đã đành, dành sẵn, và cần được siêu sắc nuôi dưỡng cái giống nòi tình. Cái đẹp ở đây là cái đẹp siêu thực, tức là ít nhiều nhuốm màu sắc ý chí của kẻ chủ trương và đồng thời nhạt bớt hương vị của thường tình. Tình yêu lên ngôi. Một đỉnh chiêm ngưỡng đúng hơn là một điểm hẹn. Ðối tượng tình yêu trở thành ý niệm. Trịnh Công Sơn nguyện làm kẻ hái lộc chứ không phải hái trái. Lộc nõn và luôn cả lộc xoang ngọn tố trở trời. Tình yêu được thăng hoa để trở thành điểm ngắm. Nó vượt qua cái riêng tư, vị kỷ. Như Ðức Giáo hoàng của "ái tình giáo", người nghệ sĩ lớn tiếng hô hào mọi người "Hãy yêu nhau đi". Ðây là lời thần chú mở cửa địa đàng. Ðây mới thật là tình yêu cứu rỗi. Yêu trong một tình yêu rộng lớn, chung cùng. Như mỗi giai điệu trong đại hợp tấu. Yêu nghĩa là tỏa sáng. Phần nào giống như thủ pháp nhuộm mây nẩy trăng theo cách gọi của Thánh Thán (Vẽ mây đẹp để làm nổi trăng), Trịnh Công Sơn ca ngợi tình yêu bằng cách vẽ ra vùng ảnh hưởng của tình yêu qua giọt nắng thủy tinh, cây cầu, hạt mưa, hàng cây chụm đầu vào nhau... Khi vẽ ra áo xưa lồng lộng chẳng hạn, tác giả không vẽ vạt áo, mà vẽ kỷ niệm, vẽ không khí và hơi hám của áo.

Ðó là những khối tình nở ra trong khói lửa, như những cánh hoa xương rồng giữa khô cằn gai góc. Bóng đen chiến tranh càng làm cho tình yêu thêm phần gấp gãy.

Quê hương nổi bật ở hai nét lớn: nghèo và chiến tranh. Cái nghèo của quê hương thì có lắm truyện để nói, để tả, để mủi lòng. Cái nghèo còn là hậu quả của chiến tranh. Dứt chiến tranh là cứu giải cái nghèo. Và chiến tranh diễn ra không phải ở chiến trường, không phải do những người cầm súng, nó diễn ra ở bàn tròn, ở trong đầu óc những con người mua bán chiến tranh. Những bài hát trong hai tập Ca khúc da vàng và Kinh Việt Nam, cũng theo phép nhuộm mây nẩy trăng như có nói ở trên, nhưng ở đây được trưng dụng những màu sắc hoàn toàn điên đảo, không nhằm miêu tả hay tường thuật chiến tranh, mà vẽ ra những phóng xạ của chiến tranh. Do đó, đến khi chiến tranh kết liễu, nhạc anh vẫn tồn tại, vì nó vẫn còn công lực cảnh giác. Hình ảnh người nô lệ da vàng, vốn làm phật ý những người quốc gia chủ nghĩa, là một lối cưỡng từ đoạt ý rất kiến hiệu trong việc thiết lập đối thoại ban đầu. Ðây là một bước lùi giữa hai bước tiến, gần như phương sách tự chuốt nhục của con người muốn đối phó với tình hình đất nước nguy kịch đến độ chiến tranh không đủ để tiêu diệt chiến tranh, vũ lực không đủ để tiêu diệt vũ lực, mà trớ trêu thay phải có nghệ thuật hỗ trợ và nhất thiết là nghệ thuật trong nghệ thuật. Lập trường như thế này dễ hứng lấy búa rìu dư luận. Ngay giữa chiến tranh, anh đã vẽ ra thời buổi sau chiến tranh mà con người có quyền hưởng thụ và có nghĩa vụ tô bồi. Những dự phóng này nảy nở trên nền tảng làm bằng những ám ảnh mất mát, cái bấp bênh của những gì hiện có, nỗi bất lực không yêu được bội phần.

Giữa một nền trời như vậy, thân phận của con người là một vấn nạn. Ta nên nói ngay: đây là một chủ đề tư tưởng, nếu không muốn nói là triết lý. Chủ đề được đề cập, phân tích, lý giải từ Ðông sang Tây, nhưng là do những nhà tư tưởng, triết gia và những nhà viết văn xuôi đề xướng.

Giữa cõi vô thường, bị thường trực kềm kẹp bằng một nỗi khó sống, người nghệ sĩ trong những phút xuất thần tự đồng hóa với các vật thể vạn thù trong đời sống: có khi ta là mục đồng, là lá cỏ, cơn gió, có khi là giọt mưa tan giữa trời, là hòn cuội, con sâu. Nhưng trong khi cỏ suốt đời là cỏ, cuội trọn kiếp là cuội, thì con người mỗi phút mỗi chực vong thân.

Trịnh Công Sơn chắp cánh cho tưởng tượng, và tưởng tượng len lỏi vào các hốc hẻm của đời sống, khiến cho anh sờ mó đến sự vật nào là sự vật ấy dường như bớt thật và trở nên lung linh bằng một quầng mộng ảo. Cho nên anh đi trước người khác một bước: ngạc nhiên trước người khác, mừng reo hay tư lự cũng trước người khác. Cái "có" đang nằm trong tay, anh đã sống với cái "mất" nó rồi. Ðóa hoa nào đi qua lòng anh cũng trở thành đẹp hơn vẻ đẹp thật và đóa hoa đương dộ lại nhuốm vẻ não lòng của héo úa.

Sự sống bước giật lùi mỗi phút giây như hình ảnh cuốn chiếu. Trịnh Công Sơn quả quyết Chỉ có ta trong một đời và dứt khoát chọn lựa: Sống. Sống hết mình. Không khất hẹn, không chờ đợi, không ủy quyền. Anh vâng theo cái mệnh lệnh "Hãy tận hưởng ngày hôm nay" của thi sĩ Horace mà cố cách vặn lùi thời gian, sống chong chóng, thu rút giấc ngủ, thót người trước cảnh Thành phố ngủ trưa (Ðêm thấy ta là thác đổ), xem giấc ngủ như là một cái dợm chết: Hôm nay thức dậy, ôi ngẩn ngơ tôi (Xa dấu mặt trời), tự ru mình bằng cách Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui và rêu rao cuộc đời đáng sống.

Phải ôm cho hết cuộc đời nhị nguyên cồm cộm này, bao gồm những cặp phạm trù khó dung nạp nhau nhưng khó thể phân ly: sống chết (chết từng ngày sống từng ngày, Buồn vui phút giây), buồn vui (Buồn vui kia là một, Nguyệt ca), hạnh phúc khổ đau (Hãy trao cho nhau hạnh phúc lẫn thương đau, Hãy yêu nhau đi), tình yêu mật ngọt mật đắng (Lặng lẽ nơi này)... cái mặt phải trái của sự vật sao mà cận kề nhau đến thế, như đêm ngày, nhật nguyệt, như sum họp với chia phôi. Khổ cho kẻ nào chủ phân biệt !

Phải quên đi những ám ảnh của tuổi tác (Chập chờn lau trắng trong tay, Chiếc lá thu phai) và chuẩn bị tinh thần cho cái phút sau rốt của đời người:

... một trăm năm sau mãi ngủ yên (Sẽ còn ai)

... mai kia chào cuộc đời (Những con mắt trần gian)

... một hôm buồn lên núi nằm xuống (Tự tình khúc)

... một lần nằm mơ thấy tôi qua đời (Bên đời hiu quạnh).

Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ đầu tiên viết về thân phận con người. Ðể phục vụ mục tiêu ấy anh đã sai sử lời, nhạc và tư tưởng kết hợp thành một thể thống nhất và đã thành đạt trong công cuộc thể nghiệm một dòng nhạc vốn không dễ nhập cảnh vào lòng quần chúng trong buổi đầu. Có thể nói anh đã khẳng định thân phận bằng thơ và bằng nhạc: đây là sự đóng đinh màu hồng cho con người thời đại.

Cùng một trật, ta còn chứng kiến một công cuộc thể nghiệm của tiếng Việt trên những chặng đường mới của ngôn ngữ với những kết hợp từ ngữ tài hoa, những góc độ thu hình lạ lẫm, những tri giác dày dặn nhiều tầng, đồng thời làm sáng giá những sự vật thông thường và tầm thường, khả năng tưởng tượng bay bổng.

Cuối những năm 50 và đầu những năm 60, xuất hiện một số ca khúc với nhan đề lạ tai, như Lời buồn thánh, Diễm xưa, Tuổi đá buồn, Vết lăn trầm, Biển nhớ, Dấu chân địa đàng... Ðó là những cửa ngõ vào khu vườn siêu thực đang rộ lên những sắc hoa tươi mới trong thời kỳ ấy: loài sâu ngủ quên trong tóc chiều... thương cho người rồi lạnh lùng riêng... tiếng hát ru mình trong giấc ngủ vừa... hôm nay thức dậy không còn thấy loài người... hãy nghe đời nghiêng... chiều đã đi vào vườn mắt em... ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau...

Người nhạc sĩ này đặc biệt sâu nặng với những tính từ: đời bồng bềnh, môi rồ dại, bóng lung linh, tiếng hát lênh đênh, một vòng tiều tụy, bờ cỏ non mộng mị, phố xá thênh thang, mắt xanh xao, hồn xanh buốt, đêm thần thoại, cành bão bùng... Những hình dung từ này cùng chung một thể thái, hay còn gọi là đồng vị (isotopie) và trở đi trở lại hơn một lần qua bài hát. Trong số này, có tần số xuất hiện cao nhất là: "mong manh" (tình mong manh, gió mong manh, cỏ lá mong manh, sống chết mong manh, tay gối mong manh, nụ cười mong manh...) như thể là một ám ảnh lớn trong vũ trụ quan và nhân sinh quan của nhạc sĩ.

Lời trong ca khúc Trịnh Công Sơn đã tạo ra tên tuổi Trịnh Công Sơn. Lời ở đây, như đã nói, là truyện thơ, là hình ảnh siêu thực, nét chấm phá, những hoa gấm cho sóng nhạc và có những giây lát cao độ, lời được đặc cách hóa kiếp thành kinh. Kinh là những lời ước nguyện nhằm chuyển hóa thực tại. Kinh là tinh túy của lời được kinh qua sản xuất, lặp đi lặp lại để cuối cùng kết tinh dưới hình thức đơn khiết, cô đọng. Trong ca khúc Trịnh Công Sơn, ta nhận ra người mẹ cầu kinh gởi gắm cho một Ðấng Vô Hình, Siêu Nhiên nào chăng ? Không, đây là một loại kinh do chính mình phát nguyện, dóng tiếng và gởi gắm lại cầu nguyện cho con ở chiến trường có nghĩa là cầu nguyện cho mình có đủ sức mạnh đối phó với tình huống bất trắc, và sức mạnh ấy phát sinh từ ngọn đèn thắp thì mờ giữa đêm khuya, chẳng hạn; thiếu nữ cầu nguyện cho mối tình của mình ở bờ sông và lời kinh này sẽ làm bằng im lặng, gió trời và kỷ niệm.

Trên đây là một số cảm nghĩ về ca khúc Trịnh Công Sơn, những cảm nghĩ vụn rời, thiếu thừa không rõ, vừa chắp nối vào những bài viết khác, vừa gợi mở những bài viết về sau chung quanh đề tài này. Một đề tài tát không cạn.

Bửu Ý

Huế 8.1990

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro