Những câu chuyện gián điệp nổi tiếng thế giới

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Những câu chuyện gián điệp nổi tiếng thế giới

Biên soạn: Dương minh Hào

Triệu Anh Ba

Nhà xuất bản: Quân đội nhân dân

Năm xuất bản: 2008

Số hoá: hoacuc, maibennhau

Lời nói đầu

Tình báo là cuộc đọ sức giữa trí và dũng, là trận tuyến chiến đấu giữa tinh thần và thể xác, là thiên đường lý tưởng cho những anh hùng trí dũng song toàn, nhưng cũng là nấm mồ chôn vùi những kẻ hèn nhát yếu đuối. Từ thời Kinh Kha hành thích Tần Thủy Hoàng đến thời Kenedy bị ám sát; từ thời các binh sĩ đầu đội mũ sắt tay cầm dao găm đến thời vệ tinh gián điệp trên không; từ thời trận chiến ngựa gỗ thành Tơ-roa đến cuộc chiến tranh vùng Vịnh, tất cả đã khắc họa lên một thế giới gián điệp đầy ly kỳ và bí hiểm.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là kỹ thuật thông tin hiện đại, các cơ quan tình báo hàng đầu thế giới như KGB, CIA, Mossad hay MI-5 cũng vươn cánh tay đến khắp mọi ngóc ngách của thế giới, phóng tầm mắt theo dõi từng cử chỉ của con người. Vậy rút cuộc họ thu thập thông tin tình báo như thế nào, diễn biến các tình tiết sự việc ra sao? Cuốn sách "Những câu chuyện gián điệp nổi tiếng thế giới" tái hiện lại một cách chân thực những câu chuyện, vụ án gián điệp trong một thời gian dài từng là những điều bí ẩn trong con mắt của những người bình thường. Nó đưa chúng ta bước vào thế giới đầy ly kỳ của những điệp viên, giúp ta hiểu được những thủ đoạn, những âm mưu, sự huy hoàng và sự diệt vong, sự thành công và sự thất bại của các điệp viên cũng như tổ chức gián điệp của họ. Sau khi đọc cuốn sách, bạn sẽ có một cái nhìn rõ hơn và thật hơn về các hoạt động tình báo vốn xưa nay vẫn được xem như là những điều bí hiểm.

Mục lục

- "Của trời cho"

- Gián điệp công nghiệp

- Cuộc giải thoát con tin ở Batda

- Sai lầm của CIA trong chiến tranh vùng vịnh

- Đâu là thân phận thực sự của Ashraf Marwan

- Cuộc chiến "ngày lễ chuộc tội"

- Chữa lợn lành thành lợn què

- Cuộc đảo chính lật đổ chính phủ Iran của CIA

- Các cuộc đào tẩu trong lịch sử tình báo

- Màn chiêu mộ hoàn hảo

- Cải trang

- Điệp viên đào tẩu

- Cuộc chiến trên đảo Malvinas

- Đằng sau vụ nổ tàu "Rainbow Warrior"

- "Chuột chũi" trong Bộ ngoại giao

- Giấc mộng của một "siêu điệp viên"

- Gián điệp và thông tin tình báo trong đống rác

- Con dê thế mạng của Nhà Trắng

- Sự thật về vụ án gián điệp Moore

- Bản báo cáo bị tiết lộ

- CIA trúng kế KGB

- Sự phá sản của kế hoạch "Glonar"

- Cuộc chiến tranh giành Bắc Cực

- Tầu ngầm Mỹ bí mật trinh sát Liên Xô trong chiến tranh lạnh

- Điệp viên và chín giây cải trang

- Sự thật đằng sau một cuộc đào tẩu

- Chết bí ẩn của nguyên mẫu "Điệp viên 007"

- Điệp viên xuất sắc nhất của MI-6 từng làm việc cho Liên Xô

- Cuộc chiến dưới lòng đại dương

- Vụ án gián điệp chấn động nước Mỹ

- Cuộc chiến gián điệp trên không

- Câu chuyện về máy bay trinh sát tầm cao U2

- Các điệp viên nổi tiếng trong thế chiến II

- Điệp viên tình nguyện

- Đặc vụ Anh và gián điệp ruồi

- Thất bại thảm hại của CIA tại Vịnh con lợn

- Bí mật về vụ không nạn ở Lockerbie

- Hỏa hoạn tại Bắc Phi

- Cuộc khủng hoảng tên lửa tại Cuba

- Sự thật kinh hoàng

- Cuộc xâm nhập Grenada

- Nuôi ong tay áo

- Sự thật kinh hoàng

- Cuộc hạ cánh bất tác dĩ của chiếc Boing 737

- CIA và kế hoạch chống ma túy

- Cái chết của nguyên thủ tướng Lumunba

- Câu chuyện xung quanh vệ tinh gián điệp

- Người anh hùng hóa giải cuộc khủng hoảng tên lửa

- Kế hoạch bắt cóc công trình sư Liên Xô của Hittle

- Mỹ đã từng chiêu mộ tội phạm chiến tranh Nhật làm gián điệp

- Điệp viên mang nhiều thân phận nhất trong lịch sử tình báo Trung Quốc

- Người anh hùng cứu London thoát khỏi sự hủy diệt

- Điệp viên hai mang

- Chiến thuật tâm lý

- Kế hoạch xảo quyệt của "Cáo già sa mạc"

- Kế hoạch quan mặt phản gián Pháp

- Kế hoạch B-29

- Phát xít Đức từng mở kỹ viện để thu thập tình báo

- Cuốn sổ tay kỳ lạ

- Chim ưng săn mồi và người tuyết

"Của trời cho"

Tất cả các quốc gia trên thế giới đều rất coi trọng công tác bảo mật tình báo của mình, họ không chỉ thành lập cơ quan chuyên trách về vấn đề này mà còn có riêng một cơ quan phản gián nhằm chống hiện tượng rò rỉ thông tin tình báo, cho nên muốn đánh cắp thông tin tình báo của một nước khác là một điều rất khó, thậm chí có khi phải trả giá bằng máu. Nhưng nếu khéo léo lợi dụng những khó khăn và sơ suất của đối phương cũng có thể xuất hiện tình huống "nhặt được của trời cho", không phải trả giá hay chỉ phải chịu rất ít thiệt hại cũng có thể thu thập được thông tin quan trọng. Trước đây không lâu, Bộ quốc phòng Anh đã may mắn "chộp" được một tình huống như vậy, và nước tạo điều kiện cho họ chính là Nga.

Sự việc bắt nguồn từ phía Nga đang cần giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn sĩ quan xuất ngũ đã cống hiến cả đời mình trong quân đội. Nhìn từ góc độ nhân đạo thì không thể lập tức đuổi họ ra khỏi doanh trại, ít nhất cũng phải dạy cho họ những kỹ năng cơ bản trong cuộc sống. Nhưng với số lượng sĩ quan cần đào tạo lại lớn như vậy, nhà nước không chỉ thiếu kinh nghiệm mà còn gặp khó khăn trong vấn đề vốn đầu tư.

Năm 1995 Bộ quốc phòng Anh đã chủ động đề nghị giúp đỡ Nga. Họ nói với vẻ cương quyết: "Hãy cứ lấy tiền ở chỗ chúng tôi, chúng tôi không thể giương mắt nhìn các bạn không có tiền mà đành bó tay". Vậy là cuối năm 1995, sáu trung tâm đào tạo dành cho những sĩ quan xuất ngũ do Anh bỏ vốn đầu tư được thành lập ở Nga. Nga không phải mất một đồng chi phí nào, nhưng khi biết rằng người chịu trách nhiệm kế hoạch đào tạo này là Mark Pater Jack - nhân viên cục tình báo quân sự Anh thì Bộ quốc phòng Nga mới nhận ra rằng mình đã dâng "miếng mồi ngon" cho người Anh...

Từ việc chọn địa điểm xây dựng trung tâm đào tạo này có thể thấy, Jack không phải cảm thông với sự nghèo khổ của nước bạn mà điều ông ta quan tâm chính là nơi đặt căn cứ quân sự và trụ sở quân sự chiến lược của Nga. Tại những nơi như căn cứ hạm đội Thái Bình Dương Vladivostok, vùng Sinovlade nơi xây dựng nhà máy sản xuất tàu ngầm Sormovich, khu Kelantave nằm bên cạnh hạm đội Polo, căn cứ Ivanov nơi trú ngự của hai phi cơ đã từng có thời gian hoạt động ở Đông Âu và còn nhiều căn cứ khác đều đã thành lập lớp huấn luyện của Jack. Việc chọn khu vực Lustov bên bờ sông Don cũng không phải chuyện ngẫu nhiên vì đó là trụ sở của Bộ tư lệnh quân khu bắc Capcaz (quân khu tác chiến duy nhất hiện nay), ở đó Jack có thể tìm hiểu được rất nhiều thông tin thú vị liên quan đến Capcaz, tình hình Bộ đội đặc nhiệm của Nga trong cuộc chiến với Chesna, thậm chí là thông tin về hệ thống phòng ngự tên lửa đạn đạo ở vùng biên giới phía Nam Nga. "Những học viên" của trung tâm huấn luyện đến từ những đơn vị khác nhau như sân bay quân sự Xikalov, Zywedaz, bộ đội phòng không điều khiển vệ tinh do thám, cục tình báo, trung tâm nghiên cứu bộ quốc phòng, viện khoa học Garadinmonev, trung tâm quản lý phi hành gia Karolfulski...

Một quan chức trong Bộ quốc phòng Nga nhận định về việc Jack "chiếm lĩnh" Nga rằng: "Ông ta tiếp cận khu vực Sinovlade và vùng Jirrenski vì gần đó là Alzacmas 16 - căn cứ sản xuất đầu đạn hạt nhân của Nga. Chỗ nào có kẽ hở là ông ta sẽ cố sức chui vào".

Jack còn cố gắng tìm hiểu tình hình của những học viên thông qua các bản lý lịch như nhập ngũ ở đâu, có những kỹ năng gì, nắm được những kỹ thuật quân sự nào. Jack còn đánh phiên hiệu đơn vị trên những bức thư giới thiệu viết cho học viên.

Những câu hỏi trên bản khai lý lịch tuy chỉ là điều bình thường, nhưng thông qua đó có thể biết được rất nhiều thông tin như việc bố trí đơn vị quân đội ở đâu, binh lính ở đâu đã bị cắt giảm, giải tán, sát nhập hoặc việc thay đổi bộ đội đồn trú, căn cứ nào đã bỏ hoặc những thiết bị kỹ thuật nào được lắp ráp ở đâu (các chuyên gia có thể dùng máy tính để dự đoán, sĩ quan nào đã tiếp xúc với loại đầu đạn hạt nhân nào), những thiết bị đó vẫn được sử dụng hay đã được thay mới... Hàng trăm hàng ngàn bản lý lịch như vậy chỉ cần qua xử lý sẽ trở thành một tập tài liệu chi tiết, ghi chép đầy đủ về thông tin tình hình quân đội và quân chủng chiến lược của Nga. Không những thế, Jack còn thường xuyên qua lại nên rất thân thiết với các học viên.

Hơn hai năm sau, Bộ quốc phòng thông qua Cục an ninh liên bang mới biết được thân thế thật sự của Jack. Trong thời kỳ làm việc ở Nga, ông ta đã đào tạo việc làm cho hơn 4.000 sĩ quan không quân, sĩ quan chế tạo tên lửa và chống tên lửa, điều khiển tàu ngầm. Quan trọng nhất là Jack có thể tự do ra vào các căn cứ quân sự, một nơi mà bất kỳ người nước ngoài nào cũng không được đặt chân tới. Theo như phía Anh tiết lộ, ông ta đều đều đến những nơi này mỗi tháng một lần.

Trong vòng bốn năm, phía Anh đã mất khoảng 7,5 triệu đô cho những chi phí đào tạo, nhưng theo Jack thì đây không phải là số tiền quá lớn.

Thực ra, Nga không thể bắt Jack vì ông ta lấy danh nghĩa cá nhân để tham gia đào tạo, Jack không phạm bất cứ tội nào vì ông ta đã khéo léo lợi dụng khe hở của pháp luật. Nói như cách của một nhân viên cục tình báo thì ông ta là một "gián điệp hợp pháp", còn trung tâm huấn luyện của Jack là một vỏ bọc vô cùng khôn khéo và hoàn hảo.

Gián điệp công nghiệp

Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, gián điệp không chỉ sử dụng trong quân sự mà hiện nay còn cả về công nghiệp, cho nên "gián điệp công nghiệp" cũng được ra đời. Gián điệp công nghiệp chủ yếu là thu thập những phát minh khoa học kỹ thuật tiên tiến hoặc chuyên thực hiện các phi vụ mua bán tình báo công nghiệp.

Hôm đó, Haro - Chủ nhiệm phòng thí nghiệm một nhà máy máy ảnh của Pháp ngủ dậy rất sớm vì có hai vị khách người Anh đến thăm nhà máy. Theo như tài liệu giới thiệu về hai vị khách người Anh này thì họ đều là những người giàu có, mục đích chuyến thăm lần này của họ là khảo sát tình hình để từ đó đưa ra quyết định là có nên đầu tư vào nhà máy hay không. Đây thực sự là một miếng bánh quy ngon mà bất cứ ai cũng vui sướng khi có được.

Đến 8 giờ, Haro ăn mặc chỉnh tề đứng trước tiền sảnh của trụ sở nhà máy đón chờ hai vị khách đến thăm quan. Khoảng 8 giờ 30 hai vị khách đi trên chiếc ô tô sang trọng tiến vào công ty, rồi dừng trước trụ sở chính. Haro bước đến, lịch sự mở cửa xe.

Hai vị khách, một người tên là Peter, còn một người tên là Johnson cùng bước xuống xe nhiệt tình bắt tay Haro. Sau một hồi hỏi thăm lẫn nhau, Haro mời hai vị khách tới văn phòng của mình nghỉ ngơi, nhưng hai vị khách lại xua tay nói: "Không cần nghỉ ngơi, nên đi thăm nhà máy trước!".

Nghe khách nói như vậy, Haro liền gật đầu đồng ý. Sau đó Haro dẫn hai vị khách tới thăm quan từng gian của nhà máy. Họ tỏ ra rất hiếu kỳ, gặp cái gì cũng hỏi. Peter hỏi: "Nếu quý công ty muốn có được chỗ đứng của mình trên thị trường, chắc phải có sản phẩm độc chứ? Như vậy mới có thể tồn tại được, không biết các ngài đang nghiên cứu sản phẩm mới gì?".

Thấy Peter và Johnson có vẻ hiếu kỳ, Haro trong lòng bắt đầu thấy nghi ngờ: Hai vị khách này có vẻ rất hiểu biết về lĩnh vực máy ảnh, hơn nữa họ hầu như không nói tới các chuyện khác, xem ra họ không phải là các nhà đầu tư đơn thuần. Từ đó, Haro bắt đầu cảnh giác, anh ta cười và nói: "Về mặt kỹ thuật tôi thực sự không biết gì, công ty tôi chưa có sản phẩm mới nào, chúng tôi có được thị trường chủ yếu là dựa vào dịch vụ hậu mãi!"

Peter và Johnson không hài lòng trước câu trả lời của Haro, họ nhăn mặt tỏ ý bất mãn.

Nơi thăm quan sau cùng chính là phòng thí nghiệm của công ty. Haro bỗng trở lên rất "nhiệt tình", anh ta không rời hai vị khách một bước, nhưng khi nói đến một số vấn đề liên quan đến kỹ thuật thì anh ta cố ý nói lạc đề. Điều này đã khiến hai vị khách không còn hứng thú đối với những chủ đề của Haro, họ không nói gì chỉ cúi đầu nhìn.

Khi xem đến một loại nước hiện ảnh mới, Johnson đặc biệt chú ý, hai con mắt của anh ta chỉ chăm chăm vào nước hiện ảnh. Lúc này, Haro cũng có vẻ căng thẳng, ngộ nhỡ hai vị khách này là gián điệp công nghiệp, lấy trộm thành quả nghiên cứu thì sau này họ sẽ chịu một tổn thất lớn trên thị trường. Haro căng mắt chú ý nhất cử nhất động của Peter và Johnson.

Johnson tỏ ra khó chịu, anh ta cười rồi nói: "Hôm nay thời tiết có vẻ hơi nóng!" nói xong, anh ta cởi chiếc cúc áo comple, rồi lại cúi xuống nhìn loại nước hiện ảnh này.

Haro cũng chăm chú nhìn vào chiếc cavạt của Johnson dang "vô tình" chấm vào chậu nước hiện ảnh. Haro giật mình, thầm nghĩ hỏng rồi. Chỉ cần anh ta mang chiếc cà vạt co dính nước hiện ảnh về phòng thí nghiệm tiền hành phân tích một chút là có thể biết được các thành phần trong đó, các nhân viên kỹ thuật của công ty phải mất mấy năm trời mới có được thành quả nghiên cứu này, nay lại bị người khác lấy mất. Haro đảo mắt suy nghĩ, quay lại nói nhỏ với cô gái phục vụ phía sau.

Sau hồi giới thiệu, Haro vỗ vào vai hai vị khách nói: "Ngài Peter, ngài Johnson đã xem hết chưa? Tất cả những thứ này đều rất bình thường, cũng giống như các công ty khác không có gì đặc biệt cả, hai vị đã thăm quan mệt rồi, xin đến phòng nghỉ ngơi một lát!".

Peter và Johnson theo Haro đến phòng nghỉ với vẻ mặt mãn nguyện. Hai người ngồi ở ghế sô pha đợi cô phụ vụ mang cà phê đến. Một lúc sau, cô gái phục vụ bước đến trước mặt Johnson lịch sự nói: "Thưa ngài, vừa rồi trong phòng thí nghiệm ngài đã làm bẩn chiếc cà vạt, xin ngài thay cái mới này ạ!".

Johnson sững người lại, một lúc mới định thần trở lại và nói: "Không cần đâu, cũng chỉ là chiếc cà vạt thôi mà, quý công ty quá khách sáo rồi!".

Cô gái phục vụ nở một nụ cười ngọt ngào với Johnson: "Thưa ngài đây là việc chúng tôi cần làm, chúng tôi phải để cho mọi người ai cũng thấy vui vẻ, hơn nữa đây cũng là việc của tôi!"

Nghe thấy cô phục vụ nói vậy, Johnson tỏ ra rất ngại ngùng, anh ta chẳng thể nói được gì nữa, chỉ còn cách tháo chiếc cavạt đưa cho cô gái đổi cái mới.

Peter và Johnson cũng không nán ở lại nhà máy nữa, họ mau chóng đứng dậy cáo từ ra về.

Vài năm sau, Haro nhìn thấy ảnh của Peter và Johnson trên báo. Bài viết nói rằng, hai người này chính là gián điệp công nghiệp, là kẻ lừa bịp, chuyên ăn trộm thành quả khoa học kỹ thuật đem bán. Đọc xong bài báo, Haro thở dài nghĩ lại, phán đoán năm xưa của mình quả không sai.

Cuộc giải thoát con tin ở Batda

Đầu thập niên 90, Trung Đông - giếng dầu của thế giới, vốn nhiều bạo loạn đã xảy ra một cuộc chiến tranh không ai ngờ đến. Sáng sớm ngày 20 tháng 8 năm 1991, 100 nghìn quân Iraq chỉ bằng một trận đánh chớp nhoáng sau chín tiếng đồng hồ đã chiếm được nước láng giềng Kuwait. Sự kiện này đã khiến cả thế giới như đứng trong chảo lửa.

Sự thực thì trước đó ngày 1 tháng 8 năm 1991, Cục tình báo trung ương Mỹ sớm đã nhận được báo cáo của chi nhánh tình báo tại Trung Đông cho biết, 100 nghìn quân Iraq đang tập kết ở biên giới giữa Iraq và Kuwait, và rất có khả năng sẽ tấn công Kuwait. Theo như tuyên bố của Tổng thống Satdam: "Kuwait phải là một tỉnh của Iraq". Với trữ lượng dầu mỏ lớn và vị trí thuận lợi của mình, Kuwait sẽ giúp Iraq mở rộng ra phía biển, đây là những giải thích dễ hiểu cho cuộc tấn công này.

Điều đáng nói là Cục tình báo trung ương Mỹ vốn được mệnh danh là cơ quan tình báo giỏi nhất thế giới, lần này đã bị Satdam qua mặt. Họ chỉ có thể nhận ra mâu thuẫn giữa Iraq và Israel. Trong 20 ngày từ mồng 1 đến ngày 20, Satdam liên tục đưa ra những lời lẽ đe doạ Israel nhằm vin cớ gây chiến, đồng thời còn phao tin sẽ sử dụng vũ khí sinh học đối với Israel. Lời đe doạ này đã khiến người dân Israel đổ xô đi mua mặt nạ phòng độc, khiến các cửa hàng bán mặt nạ phòng độc vì thế mà phát tài nhanh chóng.

Mỹ có năm vệ tinh giám sát khu vực Trung Đông, cứ ba giây lại gửi về trái đất một bản đồ chụp toàn cảnh trái đất. Nhưng mấy tiếng đồng hồ trước khi Iraq phát động cuộc chiến Kuwait, phía Mỹ mới đưa ra lời cảnh báo: Iraq không thực sự muốn đánh Israel mà mục tiêu là một nước khác trong khu vực.

Lúc này Mỹ không còn cách nào khác là buộc phải can thiệp vũ trang, giải phóng Kuwait và lật đổ chính quyền của Satdam. Vậy là chiến dịch "Bão táp sa mạc" đã chính thức mở màn trên sa mạc vùng Trung Đông.

Khi cuộc chiến nổ ra, Satdam nhận thấy rằng Iraq không đủ mạnh để chống lại Liên quân các nước đồng minh với những vũ khí tối tân nên đưa ra chỉ thị khiến CIA hoàn toàn bất ngờ: Iraq sẽ lấy "lá chắn sống" làm bùa hộ mệnh cho mình. Công dân của những nước đồng minh sẽ bị thiêu cháy cùng Iraq trong bom đạn.

Điều đáng nói ở đây là lúc này đang có sáu nhân viên tình báo của Mỹ làm nhiệm vụ trinh sát hướng tiến quân của quân đội Iraq ở biên giới Kuwait-Iraq. Khi chiến tranh bùng nổ, họ không thể rút khỏi đó nên đành phải trà trộn vào đám người tị nạn chạy đến Batda và trở thành những con tin làm tấm bình phong cho Satdam. Mỹ muốn đánh Iraq trước hết phải giải cứu được sáu nhân viên tình báo này.

Tuy nhiên lúc đó phía Mỹ lại trở nên bất lực trong việc giải cứu sáu con tin này. Bởi nếu cho quân đội đột kích vào Batda thì không những làm lộ thân phận của sáu nhân viên tình báo này mà sẽ còn khiến rất nhiều binh lính Mỹ hy sinh. Vì vậy họ đành cầu cứu một nước khác giúp đỡ.

Cục tình báo trung ương Mỹ tìm đến Anh và Pháp nhờ giúp đỡ nhưng đã bị khước từ. Vì Anh và Pháp cũng có rất nhiều công dân đang mắc kẹt ở Batda, họ đang trong thế "ốc còn chẳng mang nổi mình ốc" thì sao có thể giúp Mỹ.

Lúc này, giám đốc CIA đã nghĩ đến Ba Lan. Ba Lan còn mấy nghìn công nhân xây dựng đang chờ rút khỏi Iraq, trong khi đó sáu nhân viên đặc vụ Mỹ lại có ngoài hình rất giống những người Slavơ, họ hoàn toàn có thể trà trộn vào đó để trốn thoát. Ba Lan đã từng giúp đỡ Iraq rất nhiều, giới lãnh đạo Batda sẽ không có nghi ngờ gì.

Nhưng trong suốt mấy chục năm qua, Ba Lan và Mỹ luôn coi nhau như kẻ thù. Tuy Ba Lan đã có nhiều thay đổi về đường lối, nhưng người dân Ba Lan còn đầy thù hận, liệu họ có thể giúp kẻ thù cũ của mình chăng? Nhưng một phần vạn hy vọng còn hơn không có tia hy vọng nào, Cục tình báo trung ương Mỹ trong bước đường cùng đành phải nhờ đến sự trợ giúp từ phía Ba Lan.

Nhân viên CIA đã có mặt tại Vacsava để tiến hành đàm phán với chính phủ Ba Lan. Ông ta nhấn mạnh, nếu Ba Lan phối hợp với Mỹ giải cứu thành công sáu con tin, phía Mỹ sẽ báo đáp bằng những lợi ích kinh tế. Trước lời đề nghị này, Bộ trưởng Bộ nội vụ Ba Lan vừa ngạc nhiên vừa vui mừng nhưng cũng rất tự hào, vì một cường quốc như Mỹ lại đến xin Ba Lan giúp đỡ, hơn nữa sự kiện lần này sẽ là bước ngoặt mang tính lịch sử trong quan hệ hai nước, đây quả thực là một biến chuyển bất ngờ! Ông chỉ thoáng chút chần chừ rồi lập tức vui vẻ nhận lời hợp tác. Ba Lan phái những đặc vụ xuất sắc nhất lập kế hoạch giải cứu, đồng thời mệnh lệnh cho những điệp viên ở Iraq lập tức tìm kiếm những nhân viên tình báo Mỹ, giúp họ trà trộn vào khu vực lán trại của những công nhân Ba Lan gần Batda.

Sau khi gặp mặt nhân viên tình báo Mỹ tại Vacsava, các quan chức tình báo Ba Lan đã đến thẳng Batda để gặp sáu "con tin" của Mỹ đang trong trạng thái vô cùng mệt mỏi. Họ giúp những điệp viên này làm hộ chiếu và giấy xuất cảnh giả để ra khỏi Batda, ngoài ra còn bố trí thêm một kỹ sư người Ba Lan đi cùng "những công nhân xây dựng" này để trông giống như thật. Mọi việc chuẩn bị đã xong xuôi, nhưng người kỹ sư Ba Lan đột nhiên phát hiện ra sáu người Mỹ này không biết phát âm tên của mình theo tiếng Slavơ, chỉ cần họ lên tiếng là có thể nhận ngay ra là người Mỹ. Lúc này người kỹ sư Ba Lan không biết làm thế nào vì không còn đủ thời gian để dạy họ nữa nên đành phải để những người Mỹ này giả vờ câm điếc. Khi xuất cảnh sẽ cho họ uống rượu, để họ giả vờ say khi qua cửa khẩu.

Những chiếc xe tải chở công nhân Ba Lan từ Batđa đến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ mất 18 tiếng đồng hồ. Trên đường đi liên tục có những cuộc kiểm tra bất ngờ.

Khi xe vừa đến thành phố Mosul thì có một sĩ quan Iraq trẻ đã chờ sẵn ở đó. Anh ta nói tiếng Ba Lan một cách lưu loát. Lần này, người kỹ sư Ba Lan sợ toát cả mồ hôi, nhưng anh ta cũng tự trấn an được và nhanh nhẹn tiến lên phía trước ôm hôn người sĩ quan Iraq. Người kỹ sư kéo anh ta qua một bên, luôn miệng khen anh ta nói tiếng Ba Lan giỏi, rồi xuất trình giấy tờ cho anh ta kiểm tra. Viên sĩ quan Iraq rất vui vẻ và còn vẫy tay chào họ: "Các bạn là những người bạn tốt của tôi, hãy lên xe đi". Lúc này, người kỹ sư Ba Lan mới thở phào nhẹ nhõm.

Tại trạm kiểm soát ở biên giới, tuy được cảnh giới nghiêm ngặt nhưng tất cả đều ổn thoả. Viên sĩ quan canh gác mới chỉ ngửi thấy mùi rượu nồng nặc bốc lên từ khoang xe, không cần kiểm tra liền cho xe đi qua. Đến được Thổ Nhĩ Kỳ, sáu nhân viên tình báo Mỹ vui mừng như phát điên, chạy đến ôm chầm lấy những người bạn Ba Lan. Cuối cùng, họ cũng được giải cứu thành công.

Sai lầm của CIA trong chiến tranh vùng vịnh

Khi chiến dịch "Bão tác sa mạc" bắt đầu, điều mà quân đội Mỹ cần lúc đó là những tin tức tình báo. Họ muốn biết Iraq liệu có bao nhiêu tên lửa Seud? cơ sở sản xuất công nghiệp hạt nhân ở đâu? Nhà máy sản xuất vũ khí hoá học và kho vũ khí đặt ở chỗ nào? Bộ chỉ huy dưới lòng đất của họ ở đâu? Tất cả những địa điểm này đều là mục tiêu tiêu diệt của máy bay và tên lửa hành trình của Mỹ.

Cơ quan phụ trách tìm ra mục tiêu tấn công là Cục tình báo trung ương Mỹ. Họ thông qua vệ tinh gián điệp, máy bay trinh sát, những người sống lưu vong ở Iraq và cả các kiến trúc sư đã từng tham gia vào các công trình xây dựng ở đó để thu thập tin tình báo cần thiết. Các quan chức trong Cục tình báo trung ương Mỹ đã dành rất nhiều thời gian cho công việc này, họ còn có riêng một quyển sổ tay để ghi chép mục tiêu oanh tạc cho các phi công Mỹ.

Quyển sổ này rất hữu dụng, trước khi tiến hành oanh tạc, không quân Mỹ sẽ căn cứ vào mục tiêu cụ thể đã ghi trên đó để tiến hành oanh tạc trong suốt gần một tháng trời. Đây là cuộc oanh tạc chưa từng có trong lịch sử, chỉ trong một đêm nền tảng chiến tranh của Iraq gần như bị tê liệt. Thời gian còn lại là để quân đội Mỹ truy quét những phần tử còn sống sót và tiến hành tâm lý chiến đối với Iraq.

Cục tình báo trung ương Mỹ chịu trách nhiệm đưa ra những đánh giá về trận oanh tạc. Hàng ngày vệ tinh gián điệp của họ đều phải báo cáo về trái đất kết quả của cuộc oanh tạc, đồng thời tìm ra những mục tiêu di động để tiếp tục tấn công.

Phân tích tình hình Iraq từ ảnh do vệ tinh chụp được có thể thấy, tất cả những mục tiêu cố định của Iraq đã bị tổn hại rất nặng nề, công nghiệp điện bị phá huỷ đến 70%, khả năng sản xuất dầu chỉ còn 10%; xe quân dụng cũng bị tổn thất nặng nề, ít nhất 50% số xe tăng không còn khả năng hoạt động; những nơi bị nghi ngờ là nhà máy sản xuất hạt nhân, nhà máy sản xuất vũ khí sinh học, trụ sở chỉ huy... đều bị bom đạn cày xới. Các nhân viên tình báo của Mỹ không dấu nổi niềm vui trước kết quả này.

Nhưng sự chính xác thường song hành với sai lầm. Trong khi cục tình báo trung ương Mỹ quả quyết rằng tên lửa Seud của Iraq cơ bản đã bị phá huỷ hết thì ngay lập tức Iraq đáp trả bằng cách phóng một loại tên lửa loại này sang Israel. Sự kiện này đã khiến CIA một phen mất mặt.

Lúc này, tất cả các thiết bị tình báo của Mỹ đều được huy động truy tìm tên lửa Seud của Iraq. Sau vài ngày điều tra, Cục tình báo trung ương Mỹ mới phát hiện ra rằng họ đã bị Iraq qua mặt trong quá trình trinh sát. Iraq đã giấu tên lửa thật và để những tên lửa giả lên bệ phóng, trong khi đó vệ tinh gián điệp của Mỹ không thể phân biệt đâu là tên lửa thật và đâu là tên lửa giả, vì vậy mà khi thống kê, Cục tình báo đã khai tăng số lượng tên lửa mà Mỹ đã phá hủy được. Thực chất, số lượng tên lửa của Iraq không hề giảm đi.

Loại tên lửa Seud này có ưu điểm là không nhất thiết phải phóng từ bệ phóng cố định mà còn có thể phóng từ bệ phóng di động, mặc dù bệ phóng di động của Iraq lúc đó khá thô sơ nhưng cũng đủ để tên lửa của họ đến được Israel. Cục tình báo trung ương Mỹ cảnh báo quân đội Mỹ rằng, nếu muốn thay đổi tình hình thì chỉ còn cách bố trí kẻ khắc tinh của tên lửa Seud là tên lửa "Patriot" của họ đến sa mạc Arập xêút để ngăn chặn tên lửa của Iraq.

Ngày 13 tháng 2, tình báo Mỹ đã phạm một sai lầm lớn. Sáng sớm hôm đó, máy bay của Mỹ bất ngờ tập kích vào khu vực ngoại ô Baghdad, ném bom trúng vào sở chỉ huy quân sự ở Amalie. Hai máy bay oanh tạc F-117A đã dễ dàng qua mặt được trạm rađa chưa hoạt động của Iraq, ném 2 quả bom tấn được điều khiển bằng tia laze vào mục tiêu mà Cục tình báo nhận định là sở chỉ huy ngầm của Iraq. Hai quả bom này đã làm nổ tung bức tường bê tông dày, khoét sâu xuống căn hầm bí mật phía dưới. Trận tập kích lần này đương nhiên được coi là một trong những thắng lợi trong cuộc chiến.

Nhưng đến ngày hôm sau, các phương tiện thông tin đại chúng của Iraq lại lên án máy bay của Mỹ đã oanh tạc vào hầm tránh nạn của những người dân thường, khiến hàng trăm người dân vô tội trong đó phần lớn là trẻ em bị thiệt mạng. Giới truyền thông đã đăng những bức ảnh chụp tại hiện trường, giúp cộng đồng thế giới thấy rõ thảm kịch ở đây.

Chính phủ Bush cha đương nhiên không thừa nhận mình là người giết hại những người dân vô tội, họ lên án chính phủ Satdam đã dùng dân thường làm tấm bình phong sống nên mới dẫn đến thảm kịch này.

Tuy tất cả cơ quan của Mỹ đều lên tiếng bảo vệ hành động oanh tạc đó, nhưng chính trong nội bộ Cục tình báo lại dấy lên một làn sóng tranh luận gay gắt chẳng kém gì trận oanh tạc kia. Họ muốn biết ai là người đã thu thập thông tin tình báo này và ghi nó vào sổ, khiến nó trở thành mục tiêu cần oanh tạc?

Câu trả lời dường như không có gì khó, chỉ trong vài ngày CIA đã điều tra ra nguồn gốc của thông tin tình báo này. CIA vốn đặt rất nhiều trạm tình báo ở các nước láng giềng quanh Iraq, họ có nhiệm vụ chọn ra tin tình báo cần thiết từ những tài liệu gốc gửi về từ Iraq. Một người thu thập tình báo ở Iran nghe nói Iraq đang cho xây dựng lại những công sự quy mô lớn ở Amalie, khu vực này trước đây vốn là hầm phòng không của người dân, bỗng nhiên được xây dựng kiên cố thêm một cách khác thường.

Xác nhận thông tin này là một nhân viên đặc vụ của Cục tình báo trung ương Mỹ tại châu Âu. Một kỹ sư người Đức đã từng tham gia vào xây dựng công trình đó. Khi các nhân viên tình báo Mỹ hỏi anh ta, có phải công trình được tu sửa đó có khả năng chịu được sức công phá lớn không? Người kỹ sư chưa hình dung được hết sức mạnh của vũ khí Mỹ liền khẳng định: Công trình đó có thể là trụ sở bộ chỉ huy quân sự Iraq chuyển đến. Vậy là, công trình Amalie trở thành một trong những mục tiêu quan trọng cần oanh tạc của không quân Mỹ.

Sự kiện Amalia trở thành ngòi nổ cho mối bất hoà giữa Cục tình báo trung ương và Bộ quốc phòng Mỹ. Hai bên công kích lẫn nhau, chỉ trích nhau đã phạm sai lầm, làm mất mặt nước Mỹ.

Sự việc được đưa lên Quốc hội Mỹ, Cục tình báo trung ương một lần nữa lại trở thành "con cừu thế mạng". Mặc dù Webster giám đốc Cục tình báo trung ương là người bạn thân thiết của Tổng thống Bush cha, ai cũng nghĩ vị trí của ông ta khó ai thay thế, nhưng lần này ông ta không thể chối bỏ trách nhiệm. Đúng ba tháng sau đó, Webster buộc phải từ chức.

Đâu là thân phận thực sự của Ashraf Marwan

Con rể của nguyên Tổng thống Ai Cập Nasserite, nhà triệu phú Ashraf Marwan là một nhân vật gây nhiều tranh cãi trong dư luận quốc tế. Có người nói ông ta là điệp viên của cơ quan tình báo Israel Mossad; có người lại nói ông ta là một điệp viên hai mang, cố ý cung cấp tin tình báo giả cho Israel. Ngày 27 tháng 6, Marwan 62 tuổi đã chết một cách bí ẩn tại London, cuốn tự chuyện mà ông ta chưa hoàn thành cũng bị mất tích. Tờ "Ha'aretz" của Israel đã đưa tin, phía cảnh sát Anh vẫn đang điều tra vụ án này, hơn nữa họ ngày càng tin tưởng rằng Marwan chết do bị mưu sát.

1 giờ chiều ngày 27 tháng 6 năm 2007, một cụ già phát hiện ra một người đã chết nằm trên vỉa hè trong khu cư xá St. James của London. Vài giờ sau cảnh sát London tuyên bố: người chết chính là Ashraf Marwan - nhà triệu phú người Ai Cập. Nguyên nhân cái chết là do ông ta ngã xuống từ ban công tầng 5 của khu cư xá, dẫn đến vỡ động mạch và chết do mất máu quá nhiều

Thông tin này lan truyền rất nhanh tới các triệu phú ở London và khu cư xá người Hồi giáo. Sau đó đã xảy ra nhiều tranh cãi xung quanh sự kiện này. Tài sản của Marwan lên đến hàng trăm triệu đô la và còn có tài sản ở nhiều nơi trên thế giới, ngoài ra ông ta còn có 30% cổ phần trong câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng của Anh Chelsea. Ông ta có mối quan hệ rất rộng trong giới triệu phú của Anh và các nước Arập, hơn nữa lại không phải một phú ông bình thường vì ông ta là con rể của nguyên Tổng thống Ai cập Nasserite, là nhân vật có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị của Ai cập vào những năm 60, 70 của thế kỷ 20.

Điều khiến cho dư luận phải quan tâm là kể từ năm 2003 đến nay, Marwan đã bị tiết lộ là gián điệp của cơ quan tình báo đối ngoại Israel Mossad, ông ta đã cung cấp một lượng lớn tin tức tình báo có giá trị về Ai Cập và các nước Arập khác cho phía Israel. Điều này đã đến sự quan tâm đặc biệt từ phía hai nước Ai Cập và Israel.

Marwan xuất thân trong một gia đình danh giá ở Ai cập. Trong thời gian học đại học, ông ta làm quen và yêu con gái của Tổng thống Ai cập là Moynahan. Năm 1966 họ đã tổ chức hôn lễ trong sự chúc phúc của Tổng thống Nasserite. Sau khi trở thành con rể của Tổng thống, Marwan dễ dàng bước vào giới chính trị Ai cập. Ông ta từng đảm nhiệm Chủ nhiệm văn phòng Tổng thống, đại diện cho Tổng thống và cơ quan tình báo Ai Cập trực tiếp xử lý công việc. Marwan tất bật xuôi ngược giữa London và Cairo cho những phi vụ làm ăn, trong đó có cả các vụ buôn bán vũ khí.

Marwan bắt đầu làm việc với tình báo Israel từ năm 1969 khi đang ở London. Theo dư luận, vào một ngày mùa xuân năm đó, Marwan đã mượn cớ là đi điều trị bệnh dạ dày, rồi đến phòng khám trên đường Harry. Phòng khám này từng là nơi tổ chức cuộc gặp bí mật giữa quốc vương Jordan Hussein và quan chức cấp cao Israel, đây cũng là con đường liên lạc đặc biệt với Israel. ở đây, Marwan đã giao một loạt tài liệu bí mật của chính phủ Ai Cập kẹp cùng tấm phim X quang dạ dày của mình cho vị "bác sĩ", đồng thời còn dặn dò phải đưa đến tận tay Đại sứ Israel tại Anh.

Đại sứ Israel lập tức chuyển toàn bộ tài liệu này cho cơ quan tình báo đối ngoại Mossad. Chuyên gia tình báo của Mossad sau khi đã xem xét kỹ cho rằng, đây thực sự là các tài liệu mật của chính phủ Ai Cập.

Có được điệp viên "tình nguyện" này, Mossad vô cùng vui mừng. Họ biết rất rõ thân phận của Marwan, nếu con rể Tổng thống Ai Cập thực sự có thể làm việc cho tình báo Israel thì ý nghĩa của nó sẽ vô cùng quan trọng. Nhưng cũng có người hoài nghi về động cơ của Marwan, họ cho rằng rất có thể đây là điệp viên hai mặt, cố tình cung cấp tin tức giả cho Israel. Sau nhiều đắn đo suy tính, Mossad đi đến quyết định mạo hiểm hợp tác với Marwan.

Trong các tài liệu bí mật của Mossad, Marwan được gọi với những biệt danh như "Thiên sứ", "Babilon" hay "Người thân", trong đó biệt hiệu thường dùng nhất là "Người thân", cái tên này ám chỉ ông ta có quan hệ thân thiết với Tổng thống Ai cập. Mossad mua một căn hộ gần khách sạn Dorchester ở London, đây là địa điểm gặp mặt bí mật với Marwan. Trong căn hộ được lắp máy ghi hình và ghi âm bí mật để ghi lại mỗi lần gặp mặt với Marwan, đồng thời một tổ chuyên xử lý tài liệu viết thành báo cáo trình lên Thủ tướng Israel, Tham mưu trưởng Lục quân và một số quan chức cao cấp khác xem xét. Sau mỗi cuộc gặp mặt, Mossad đều trả cho Marwan năm mươi nghìn bảng Anh gọi là "tiền thù lao". Đến năm 1973, Israel tổng cộng đã đưa cho Marwan khoảng hai mươi triệu đô la.

Cho dù phải bỏ ra số tiền không nhỏ, nhưng Mossad cho rằng Marwan là nhân vật có giá trị. Ông ta đã cung cấp một lượng lớn tin tức tình báo liên quan đến Ai Cập và các nước ả Rập khác. Mossad sau khi phân tích những tin tức này cho rằng, có một số thông tin thực sự đáng tin cậy. Một điệp viên của Mossad thậm chí nói rằng, họ thật dễ dàng thu được các tin tình báo về Ai Cập, "giống như có người nằm cùng giường với Nasserite".

Khi đó, Israel đã từng có ba cuộc chiến tranh với các nước ả Rập, cho dù chiếm thế thượng phong, nhưng các nước ả Rập đứng đầu là Ai Cập không phải lúc nào cũng có thể chiến thắng. Theo như tin tình báo mà Marwan cung cấp, Mossad đi đến kết luận: trước khi có được tên lửa đạn đạo và máy bay oanh tạc tầm xa, đồng thời trước khi các nước Arập thực sự đoàn kết lại, Ai Cập không thể phát động chiến tranh với Israel. Trong một thời gian tương đối dài, người đứng đầu chính trị và quân sự Israel hoàn toàn tin tưởng vào kết luận này.

Một ngày tháng 4 năm 1973, Marwan đột nhiên gửi một mẩu tin có ghi ám hiệu "củ cải" cho Mossad. Theo mật khẩu quy định giữa hai bên, "củ cải" là nhằm chỉ Ai cập sẽ phát động chiến tranh với Israel. Người đứng đầu Mossad Zvi Zamil không chậm trễ, bay ngay tới London gặp Marwan để tìm hiểu kỹ tình hình. Marwan nói, Ai cập và Syria ngày 15 tháng 5 sẽ tiến hành oanh tạc bất ngờ vào Israel.

Căn cứ vào tin tình báo này, Israel nhanh chóng tổng động viên toàn bộ quân dự bị, bố trí đóng quân tại biên giới phía Bắc và bán đảo Sinai Pen, đồng thời đặt quân đội trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Tuy nhiên Ai cập và Syria lại không hề tiến hành không kích vào ngày đó, trong khi Israel rơi vào tình trạng căng thẳng suốt mấy tháng trời và tiêu tốn 35 triệu đô la.

Ngày 5 tháng 10 năm đó, Marwan lại gửi cho Mossad một đoạn tin có ám hiệu "củ cải". Tình hình lần này căng thẳng hơn: hai nước Ai cập và Syria sẽ oanh tạc Israel vào ngày 6 tháng 10.

Khi đó, Syria đang gấp rút điều quân áp sát biên giới, Ai cập thì đang diễn tập quân sự khu vực kênh đào Suez, trong khi đó Liên Xô cũng đưa những công dân của mình ra khỏi hai nước này. Cho dù biết rõ tình hình như vậy, nhưng người đứng đầu cơ quan tình báo Israel vẫn cho rằng, khả năng hai nước này tấn công Israel là rất thấp.

Sáng sớm ngày mùng 6 tháng 10 năm đó, Israel đã mở cuộc họp nội các khẩn cấp, những người theo quan điểm nghi ngờ về Marwan đã chiếm ưu thế trong hội nghị. Họ cho rằng lần trước chính Marwan và Mossad cho rằng có "sói" đến, nhưng kết quả là "sói" không đến, làm cho Israel tổn hại về sức lực và tài chính. Lần này rất có thể lại là một lần dọa dẫm tinh thần nữa, nên không nhất thiết phải điều động toàn bộ quân đội. Theo tin tình báo Marwan cung cấp, cuộc tấn công của Ai cập và Syria sẽ bắt đầu vào 6 giờ chiều, vì vậy cuộc họp quyết định điều bộ đội thiếp giáp tới vị trí vào 4 giờ chiều. Trước đó, chiến tuyến ở kênh đào Suez chỉ có ba xe tăng dùng để phòng thủ Syria.

2 giờ chiều ngày 6 tháng 10 năm đó, Ai cập và Syria tấn công Israel từ hai phía Nam và Bắc, buộc Israel phải động viên toàn lực lượng, cuộc chiến tranh Trung Đông lần thứ tư chính thức bùng nổ. Giai đoạn đầu của cuộc chiến, Israel do không kịp phòng vệ nên gặp tổn thất rất nặng nề và buộc phải rút lui, Thủ tướng Golda Meir thậm chí còn nghĩ đến việc dùng thuốc độc để tự sát. Nhưng dưới sự viện trợ từ Mỹ, quân đội Israel được đào tạo cơ bản đã xoay chuyển được tình thế và giành thắng lợi cuối cùng.

Đối với giới tình báo Israel, việc thất bại tình báo trong giai đoạn đầu cuộc chiến "ngày lễ chuộc tội" là một điều nhục nhã, đến nay Mossad và Cục tình báo quân đội vẫn còn tranh cãi xem ai là người chịu trách nhiệm về việc này. Chiến tranh kết thúc không lâu, người đứng đầu Cục tình báo quân đội là Zeira đã phải mất chức, ông ta luôn cho rằng Marwan là điệp viên hai mang của Ai Cập và đã cung cấp tin sai cho tình báo Israel, khiến cho quân đội Israel không kịp chuẩn bị. Nhưng người đứng đầu Mossad, Zamil lại tin rằng Marwan là điệp viên làm việc cho Israel. Một ủy ban điều tra của chính phủ Israel được thành lập sau cuộc chiến cũng đưa ra kết luận tương tự. Những tranh cãi và điều tra chỉ dừng lại trong phạm vi giới tình báo Israel, còn bên ngoài hầu như không ai biết gì. Israel có một điệp viên cao cấp trong nội bộ chính phủ Ai cập, nhưng thân phận thực sự của ông ta thì không ai biết.

Năm 2003, biên tập viên Tạp chí Vanity Fair của Mỹ là Howard Blum đã cho xuất bản cuốn sách với tiêu đề "Trước giờ phá hủy: Câu chuyện chưa được tiết lộ trong cuộc chiến ngày chuộc tội", đã lần đầu tiên tiết lộ "điệp viên cao cấp" của Israel trong chính phủ Ai cập chính là Marwan. Lúc này Marwan đã định cư nhiều năm ở London và không phủ nhận những thông tin trong cuốn sách trên.

Ngày 27 tháng 6 năm 2007, sau khi Marwan "ngã lầu" chết, nguyên nhân cái chết và công việc trước đây của ông lại trở thành đề tài gây tranh cãi trong dư luận. Cảnh sát Anh cho rằng cái chết của Marwan không thể tìm ra được nguyên nhân. Còn phía thân nhân của Marwan cho rằng ông ta chết là do mưu sát. Họ phân tích rằng trước đó trạng thái tinh thần của ông ta rất tốt, ông còn sắp xếp một loạt các hoạt động xã hội, không có lý do và biểu hiện nào chứng tỏ ông ta tự sát. Hơn nữa chân của Marwan bị đau, nếu không có người giúp đỡ thì ông ta không thể tự đi được, vì thế không thể có chuyện ông ấy trèo được qua lan can cao 1,4 mét ngoài ban công để tự sát. Từ đây, họ cho rằng Marwan nhất định đã bị người khác ném xuống.

Sau này, cảnh sát Anh phát hiện ngày Marwan chết, cuốn sổ tay ghi chép của ông ta cũng không cánh mà bay. Cuốn sổ tay dày 600 trang này dự định sẽ xuất bản vào tháng 10 năm 2007, rất có khả năng là chiếc chìa khóa mở ra thân phận thực sự của Marwan.

Ngày 1 tháng 7 năm 2007, lễ tang của Marwan với nghi thức trang trọng đã được tổ chức tại thủ đô Cairo. Trên quan tài của ông được phủ quốc kỳ Ai cập, con trai Tổng thống Ai cập Mubarak là Jamal và một số quan chức cao cấp khác như người đứng đầu tình báo Ai Cập Suleiman Omar đều đến dự lễ tang. Ngày hôm sau, trong khi trả lời các phóng viên, Mubarak đã tuyên dương Marwan là một người yêu nước và là người lập nhiều công lao cho tổ quốc, chỉ có điều chưa đến lúc để công bố những công lao đó.

Tư liệu liên quan:

Trong số những nhân vật nổi tiếng Ai Cập "ngã lầu" ở London, ngoài Ashraf Marwan ra, gần đây còn có ba nhân vật nổi tiếng khác người Ai Cập là Saad Hosni, Abdul - Lacey Nasif và Ari Shamlon.

Hosni là một trong những nữ diễn viên nổi tiếng nhất của Ai Cập, Nasif đảm nhận Đại sứ Ai cập tại nước ngoài, còn Shamlon là thư ký của Abdul Hakim Amer - người lãnh đạo quân chính Ai cập. Dư luận đều nhớ rằng, vào những năm 70 của thế kỷ 20, Marwan, Nasif và Shamlon đều là những nhân vật nổi tiếng trong giới chính trị Ai Cập, còn Hosni lại là người có mối quan hệ thân thiết với một số chính khách nổi tiếng.

Cuộc chiến "ngày lễ chuộc tội"

Tiết xuân năm 1973 đến muộn. Khi những bông hoa tháng năm nở rộ khắp nơi, tại trụ sở Lengley của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA), tổ giám sát của trung tâm đã phát hiện một hiện tượng bất thường. Từ những bức ảnh của vệ tinh gián điệp chụp được có thể nhìn thấy rõ, tại khu vực Trung Đông, Ai Cập và Syria đang tập hợp một lượng quân lớn, quân đội liên tục được điều động về hướng biên giới Israel. Trong đội quân điều động, họ còn phát hiện ra một loại vũ khí tác chiến mới, theo các chuyên gia của Mỹ phân tích thì Ai Cập và Syria vừa bỏ ra một lượng tiền lớn để mua loại vũ khí này từ Liên Xô.

Tại Trung Đông, tổ chức duy nhất có thể chia sẻ những tin cơ mật từ vệ tinh tình báo của CIA là cơ quan tình báo Mossad của Israel. Sau khi các chuyên gia tình báo của Mossad phân tích các thông tin do CIA cung cấp, họ cho rằng, cả Ai Cập và Syria vẫn chưa thể phát động một cuộc tấn công thực sự đối với Israel. Họ cho rằng, Ai Cập và Syria điều động quân đội chẳng qua cũng chỉ là chiến thuật tâm lý, mục đích là kích thích tinh thần thống nhất của nhân dân hai nước và xoa dịu mâu thuẫn nội bộ.

Israel đã thổi phồng ưu thế của mình nhằm khiến CIA hiểu rõ. Trung Đông từng xảy ra ba cuộc chiến tranh nhằm vào Israel, trong cả ba lần đó Ai Cập và Syria về cơ bản vẫn không thể nào giành thắng lợi. Cuộc chiến năm 1976 họ không chỉ bị tổn thất lớn về quân sự mà còn mất đi một phần lãnh thổ của mình. Phía Israel có được vùng đệm và sự bảo đảm từ cao nguyên Gona nên tỏ rõ sự lớn mạnh, quân đội Ai Cập sau thất bại nặng nề nhất định sẽ không dám phát động một cuộc tấn công không có hy vọng thắng lợi. Nếu tấn công để tự sát thì bất cứ một nhà chiến lược quân sự nào cũng không bao giờ làm.

Trong tình hình như vậy, nếu xảy ra chiến tranh thì chỉ có thể xảy ra vào mùa hè, vì vậy lãnh đạo cao cấp của Cục tình báo trung ương, thậm chí là cả Tổng thống Mỹ và Quốc vụ khanh - tiến sĩ Kisinger đều không coi trọng những tin tình báo này. Điều đó thực sự đã giúp Ai Cập tranh thủ được thời gian điều động quân đội.

Đến ngày 6 tháng 10, Israel đột nhiên gửi một bức điện khẩn cấp cho CIA nói rằnia họ vừa nhận được tin tình báo chuẩn xác, Ai Cập và Syria sẽ cùng phát động một cuộc chiến tranh vào Israel sau vài giờ đồng hồ nữa. Nhà Trắng lập tức triệu tập một cuộc họp khẩn cấp, Tổng thống Mỹ yêu cầu Cục tình báo trung ương đánh giá khả năng xảy ra chiến tranh, những nhân viên của Cục tình báo tham dự buổi họp không tin vào tin tình báo mà Mossad gửi đến, họ không thể tìm ra được bằng chứng chứng tỏ Ai cập và Syria sẽ cùng phát động một cuộc tấn công quy mô lớn vào Israel tại kênh đào Suez và cao nguyên Gona. Những đánh giá của Cục tình báo đã giúp Nhà Trắng yên tâm.

Lần này Cục tình báo trung ương Mỹ đã phạm sai lầm. Buổi chiều ngày hôm đó Tổng thống Ai Cập Mohamed Anwar el Sadat đã hạ lệnh phát động một cuộc tấn công quy mô lớn vào kênh đào Suez. Ngày 6 tháng 10 chính là "ngày lễ chuộc tội" linh thiêng nhất của Israel, theo phong tục của người Do Thái, trong ngày này bất kỳ hoạt động gì đều phải tạm dừng. Ai Cập đã nhắm đúng cơ hội này để tấn công thần tốc vào tuyến phòng thủ của họ. Tuyến phòng thủ Barlev mà Israel đã đánh chiếm được trong trận chiến trước đã bị đột phá, những xe tăng vắng tổ lái, những máy bay vắng phi công đã trở thành những chiếc bia ngắm bắn cho quân đội Ai Cập. Israel đã bị thất bại nặng nề, quân đội Israel vẫn tự hào với câu nói "Bất khả chiến bại" nay đã không đánh mà tan. Đây chính là cuộc chiến "Ngày lễ chuộc tội" trong lịch sử.

Sau ngày lễ chuộc tội, Israel như bừng tỉnh bởi những thất lại nặng nề, họ lợi dụng những xe tăng tiên tiến nhất vừa nhận được từ Mỹ để thực hiện một trận chiến xe tăng lớn chưa từng có với đội quân xe tăng của Ai cập tại bán đảo Sinal, cả hai bên đã điều động hàng trăm chiếc xe tăng cho trận chiến này. Sau trận chiến, vô số những xe tăng trở thành những đống sắt vụn trên sa mạc khô cằn. Israel cuối cùng cũng thay đổi được cục diện, hơn nữa còn giành được chiến thắng. Nhưng cuộc chiến này đã khiến Israel không còn dám coi nhẹ sức mạnh chiến đấu của người Ai Cập.

Cuộc chiến Trung Đông lần thứ tư hay còn gọi là cuộc chiến "Ngày lễ chuộc tội" cuối cùng cũng chấm dứt, nhưng cuộc chiến này đã dạy cho các chuyên gia tình báo của CIA và Mossad một bài học sâu sắc, hay theo lời của Kisinger Quốc vụ khanh của Mỹ nói: "Sai lầm lớn nhất về tình báo của Mỹ và Israel là đánh giá quá thấp quyết tâm bảo vệ sự tôn nghiêm dân tộc của người Ai Cập.

Quả thật , nếu tiếp tục khai chiến với Israel, Ai cập cũng khó có thể giành thắng lợi, nhưng đối với người Ai Cập, cuộc chiến lần này là cần thiết. Cuộc chiến lần này đã tạo ra một cuộc khủng hoảng sâu sắc ở Trung Đông, hơn nữa còn dẫn đến sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, buộc Israel phải ngồi vào bàn đàm phán bình đẳng với người Ai Cập.

Tổng thống Ai cập el Sadat lựa chọn "Ngày lễ chuộc tội" của Israel để tấn công thực sự đã tạo ra tính đột phá rất lớn cho cuộc chiến. Chí ít thì cuộc chiến này cũng dạy cho Israel thay đổi cách nhìn của họ đối với người Arập. Hơn nữa cuộc chiến lần này còn khiến người dân Arập tin rằng, họ hoàn toàn đủ mạnh để có thể giành được những thắng lợi lớn hơn. Hiệu quả của cuộc chiến này thực sự khiến cho Mỹ và Israel không thể ngờ đến.

Kisinger sau sự việc đã thẳng thắn thừa nhận, cơ quan tình báo của Mỹ và cả bản thân ông ta cũng không thể ngờ được rằng, Tổng thống Ai cập để tạo ra một cuộc khủng hoảng sâu sắc ở Trung Đông, đã không ngần ngại phát động một cuộc chiến tranh mà trước hết là không thể giành thắng lợi.

Chữa lợn lành thành lợn què

Vào những năm 80 của thế kỷ trước, Iran đã nổ ra cuộc cách mạng Hồi giáo do Ayatollah Ruhollah Khomeini lãnh đạo lật đổ quốc vương Pahlavi. Cuộc đảo chính lần này đã làm người Mỹ mất đi đồng minh trung thành nhất của mình tại Trung Đông. Người phải chịu thiệt hại nặng nề nhất trong chuyện này chính là Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA). Trạm tình báo lớn nhất của họ tại Trung Đông buộc phải rút khỏi Tehran, chuyển tới Frankfurt của Đức, từ đó cũng đổi tên thành trạm tình báo Frankfurt. Tất cả hệ thống tình báo và các thiết bị tiên tiến mà Cục tình báo trung ương Mỹ bỏ ra bao nhiêu tiền của để xây dựng cho Pahlavi đều đã bị Khomeini thu giữ, hơn nữa lại còn dùng nó để phá hoại hệ thống gián điệp của Cục tình báo trung ương Mỹ tại Đông Á. Cứ nghĩ đến kết cục này, những người đứng đầu Cục tình báo trung ương Mỹ lại nghiến răng chửi Khomeini.

Một thời gian sau, các sĩ quan của CIA lại muốn nối lại quan hệ với Khomeini. Nhưng hành động của Khomeini thực sự khiến Mỹ bất ngờ, ông ta đột nhiên bắt nhân viên Đại sứ quán Mỹ làm con tin. Muốn giải cứu được những con tin này thì Cục tình báo trung ương phải là người đứng ra chịu trách nhiệm. Nhiệm vụ này thực sự khiến họ càng nhức đầu hơn.

Đúng lúc Thượng úy Nirat - người phụ trách công tác tình báo về Iran của CIA đang không biết làm thế nào thì đột nhiên anh ta nhận được một thông tin chuẩn xác: Gần đây Cục điều tra liên bang Mỹ thu lượm được thành quả lớn tại Tehran, họ đã chiêu mộ được một gián điệp rất có giá trị tại một trường đại học ở Iran. Nghe nói, điệp viên tên Israel này rất giỏi, khả năng ăn nói rất tốt, quan trọng hơn là anh ta nhận được sự tín nhiệm của các sĩ quan cao cấp trong chính phủ Khomeini, hơn nữa còn có thể tham gia vào các hoạt động bí mật nhất của nước này. Nếu như bồi dưỡng Ismael trở thành thành một gián điệp xuất sắc thì nhất cử nhất động của chính quyền Iran, CIA đều nắm rõ, quan trọng hơn là chuyện phục hồi hoạt động của trạm tình báo Tehran cũng có thể thực hiện được. Thông tin này ngay tức khắc làm cho CIA đang chìm trong tĩnh lặng bỗng trở lên sôi động hẳn lên.

Vậy là hai cơ quan gián điệp lớn nhất của Mỹ bắt đầu thương thảo về vấn đề sở hữu anh chàng gián điệp Iran này. Theo quy định, tất cả các gián điệp liên quan đến nước ngoài như Israel đều do Cục tình báo trung ương quản lý. Về điểm này thì Cục điều tra liên bang Mỹ cũng thừa nhận, nhưng họ đưa ra yêu cầu: các tin tình báo mà Israel cung cấp sẽ do cả hai bên cùng thụ hưởng. Điều này khiến Nirat rất khó xử, các tin càng tuyệt mật thì càng ít người biết càng tốt, những người đứng đầu của Cục điều tra liên bang lẽ nào lại không biết những điều cơ bản này?

Điều khiến Nirat càng kinh ngạc là Ismael chưa hề trải qua khóa huấn luyện tình báo nào. Những thông tin tình báo anh ta gửi đi thông qua điện thoại đường dài, trực tiếp chuyển đến một cơ quan tình báo ở Trung Đông. Điều này thực sự rất nguy hiểm. Các thiết bị tình báo mà Cục tình báo trung ương Mỹ đã từng bỏ bao công sức để xây dựng tại Iran mỗi lần có thể nghe trộm được 400 cổng điện thoại, nay đều nằm dưới tay Khomeini. Israel truyền thông tin bằng đường truyền quốc tế dài như vậy chẳng khác nào tự sát.

Đối mặt với sự chỉ trích của Cục tình báo trung ương, Cục điều tra liên bang Mỹ buộc phải từ bỏ phương pháp gửi thông tin bằng điện thoại. Họ cử người tới Iran thông báo cho Israel đến trạm tình báo của CIA tại nước láng giềng để tham gia khóa huấn luyện gián điệp ngắn hạn, đồng thời tiếp nhận các thiết bị tình báo tiên tiến nhất. Nirat cũng lệnh cho cấp dưới của mình, một khi Ismael tới căn cứ huấn luyện phải ngay lập tức đưa anh ta đi kiểm tra nói dối. Nếu kiểm tra không còn vấn đề gì nghi ngờ, hãy đưa anh ta vào danh sách những gián điệp có giá trị nhất.

Đặc vụ của Cục điều tra liên bang Mỹ rất khó khăn mới gặp được Ismael, nhưng thông tin tình báo mà anh ta đem về lại khiến cho cả hai cơ quan tình báo này phải ngỡ ngàng. Tin tình báo cho thấy, chính lúc cả Cục tình báo trung ương và Cục điều tra liên bang Mỹ đang cố lôi kéo Ismael thì anh ta cùng một lãnh đạo cao cấp của Iran có chuyến thăm tới một căn cứ không quân nằm ở phía Bắc Iran. Tại sân bay của căn cứ không quân này, Ismael nhìn thấy rõ một máy bay vận tải không có nhãn hiệu chuyển tới một lượng lớn vũ khí tiên tiến nhất. Nhìn vào chủng loại có thể biết được đây là loại máy bay do Mỹ chế tạo, những vũ khí tiên tiến kia cũng là hàng của Mỹ. Sau khi vội vàng bốc dỡ vũ khí xuống, chiếc máy bay này lập tức cất cánh mất hút vào không trung. Sau khi nhận được những tin tình báo này, những người đứng đầu Cục tình báo liên bang Mỹ thực sự không thể hiểu nổi. Họ đã gọi điện cho Nirat, thăm dò xem có phải CIA đã thực hiện kế hoạch bí mật cung cấp vũ khí cho Iran hay không?

Nhưng Nirat trả lời chắc như đinh đóng cột rằng họ không bao giờ có những hành động đi ngược lại những quy định của Mỹ, nhất định là điệp viên Iran này đã nhầm lẫn. Lời giải thích này của CIA khiến họ rất nghi ngờ, những cũng đành phải chấp nhận.

Không lâu sau, Nirat đột nhiên thông báo cho Cục điều tra liên bang Mỹ rằng, do những tin tình báo mà Ismael cung cấp đều là giả nên anh ta có thể cho rằng đó là nguồn tình báo không đáng tin cậy, vì vậy họ đã kết thúc kế hoạch huấn luyện anh ta. Cục tình báo thực sự không còn mặn mà gì với Ismael nữa, họ không muốn nhận thêm bất cứ thông tin tình báo nào từ anh ta nữa.

Các sĩ quan Cục điều tra liên bang Mỹ tỏ ra hết sức ngạc nhiên, thái độ của Cục tình báo trung ương Mỹ đã quay ngắt 1800. Điều gì đã khiến Cục tình báo lại có thái độ như vậy? Có thể do những tin tình báo mà Ismael cung cấp đã động chạm đến những bí mật của Cục tình báo trung ương, nên họ mới buộc phải từ bỏ mục tiêu mà trước đây họ hết sức quan tâm.

Mười tám tháng sau, chân tướng sự việc cũng bị bại lộ. Trong buổi điều trần tại ủy ban tình báo thượng viện Mỹ, có người đã tiết lộ hành động bí mật này của CIA. Để giải cứu các con tin ở Iran, Cục tình báo trung ương đã lập ra kế hoạch "Đổi vũ khí lấy con tin", và quả thực đã vận chuyển một lô vũ khí tiên tiến đến Iran. Nhưng do "nguyên nhân không rõ ràng", kế hoạch này sau đó đã bị đẻ non. ủy ban tình báo thượng viện đã yêu cầu các sĩ quan có liên quan của CIA phải giải thích và thuật lại toàn bộ quá trình của hành động tuyệt mật này, đồng thời còn truy cứu những hành động đi ngược với lợi ích của Mỹ.

Vụ bê bối lần này của CIA đã gây xôn xao trong dư luận suốt một thời gian dài. Do mong muốn nhanh chóng nối lại với Iran và sự trung thực của một điệp viên đã đẩy CIA rơi vào tình cảnh vô cùng khó xử.

Cuộc đảo chính lật đổ chính phủ Iran của CIA

Gần đây, vấn đề hạt nhân của Iran đang ngày càng thu hút sự chú ý của thế giới. Giới truyền thông Mỹ cũng rầm rộ đưa tin về việc chính phủ Mỹ lên kế hoạch tái diễn vở kịch lật đổ chính phủ Iran giống hơn 50 năm về trước, nhằm thay đổi chính phủ hiện tại của Iran. Những thông tin này đã làm gia tăng mối quan ngại của mọi người về vận mệnh của Iran trong tương lai, đồng thời nó cũng nhắc lại sự vụ xảy ra năm 1953 tại Tehran.

Năm 1953, các cuộc khủng hoảng nội bộ liên tiếp xảy ra tại Iran. Khi đó, nước Anh nhờ vào "Công ty dầu mỏ Anh-Iran" đã thu được lợi nhuận dầu mỏ khổng lồ của Iran về tay mình. Lấy ví dụ: năm 1950, lãi ròng của công ty này đạt gần 200 triệu bảng Anh, trong khi đó chính phủ Iran chỉ nhận được 16 triệu bảng Anh. Iran đã bán dầu mỏ thông qua công ty này với giá thậm chí còn đắt hơn giá dầu nhập khẩu từ Liên Xô. Lợi nhuận khổng lồ này khiến Iran tin rằng, chỉ cần quốc hữu hóa công ty này thì vấn đề khó khăn về kinh tế lúc đó của họ sẽ sớm được giải quyết. Bắt đầu từ những năm 40 của thế kỷ 20, quá trình quốc hữu hóa ngành dầu mỏ của Iran bắt đầu được đẩy mạnh.

Tháng 4 năm 1951, lãnh đạo mặt trận dân tộc Iran là Mohammed Mossadegh được bổ nhiệm làm Thủ tướng. Trong giới chính trị tham ô lộng hành lúc đó của Iran, ông là một trong rất ít các chính trị gia liêm khiết trong sạch, vì vậy mà ông đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của người dân. Mossadegh là người khởi xướng và kiên định chính sách quốc hữu hóa ngành dầu mỏ. Vào ngày nhậm chức, ông đã chủ trì hội nghị thông qua pháp lệnh quốc hữu hóa dầu mỏ, đồng thời lập tức cử người đi tiếp quản Công ty dầu mỏ Anh-Iran. Cách làm của ông đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân và dấy lên cao trào chống đế quốc trên khắp đất nước Iran.

Nhưng phía Anh không dễ gì ngôi yên trước tổn thất lớn này. Sau khi cuộc đàm phán với Mossadegh thất bại, tháng 11 năm 1952 trong sự phẫn nộ cao độ, ngành tình báo Anh đã đề nghị phía Mỹ cùng bắt tay lật đổ Mossadegh bằng con đường đảo chính quân sự. Đề nghị này của Anh đã nhận được sự hoan nghênh từ phía Mỹ. Khi đó, tình hình bất ổn ngày càng tăng ở Iran và khuynh hướng chủ nghĩa dân tộc lên cao, đặc biệt là việc bắt tay giữa Mossadegh và Đảng nhân dân Iran đã khiến chính Phủ Mỹ hết sức lo lắng, họ sợ sẽ mất đi một đất nước có thể ngăn được ảnh hưởng của Liên Xô tại Trung Đông. Ngoài ra, nguồn dầu mỏ phong phú của Iran mới thực sự khiến Mỹ thèm khát. Tháng 1 năm 1953, Eisenhower tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ, do kế hoạch lật đổ Mossadegh bằng con đường chính biến cũng mau chóng được xếp vào chương trình nghị sự.

Tháng 3 năm 1953, trạm tình báo của CIA tại Tehran báo cáo, một viên tướng trong quân đội Iran là Sahedi đã tuyên bố rằng, không ít tướng lĩnh cao cấp trong quân đội Iran ủng hộ cuộc đảo chính quân sự. Điều này đã làm cho Eisenhower hạ quyết tâm. Từ đó, CIA và Sahedi thường xuyên có những cuộc tiếp xúc bí mật, đồng thời xác định cuộc chính biến sẽ do Sahedi lãnh đạo. Ngoài ra, họ còn thúc giục Quốc vương Pahlavi của Iran xóa bỏ chức vụ của Mossadegh và bổ nhiệm Sahedi làm thủ tướng mới. CIA vẫn còn lo lắng, không dễ gì thuyết phục được vị Quốc vương trẻ tuổi này tham gia cuộc chính biến. Nhưng cho dù thế nào, CIA vẫn không ngừng chuẩn bị cho cuộc chính biến. Tháng 5 năm đó, nhân viên của CIA tại Tehran bắt đầu tung truyền đơn và biếm họa chống Mossadegh trên các đường phố. Tháng 6 năm đó, hai nước Anh - Mỹ cuối cùng đã cho ra kế hoạch chính biến mang tên "Ajax programme". Không lâu sau, người phụ trách Phòng hành động Trung Đông của CIA là Kemite Roosevelt đã bí mật đến Tehran trực tiếp chỉ huy cuộc chính biến. Ngày 21 tháng 7 năm đó, Eisenhower đã phê chuẩn kế hoạch chính biến.

Sự việc quả nhiên không như họ mong đợi, biểu hiện ban đầu của Quốc vương Pahlavi đã khiến Mỹ thất vọng. Ông do dự và cuối cùng đã không ký lệnh bãi chức Mossadegh. Việc Quốc vương có ủng hộ cuộc chính biến hay không rất quan trọng, vì thế đầu tháng 8 năm đó CIA quyết định gây áp lực với Pahlavi. Kemite ngồi trong chiếc ô tô kín mít, lợi dụng ban đêm xâm nhập vào Hoàng cung Iran. Hắn đưa kế hoạch chính biến ra trước mặt Pahlavi và nói giọng đầy đe dọa: "Hiện tại, ngài không có sự lựa chọn nào khác. Nếu ngài không hành động, Iran sẽ trở thành một đất nước cộng sản". Cũng ngày hôm đó, Tổng thống Mỹ Eisenhower cũng đưa ra một tín hiệu rõ ràng với Pahlavi. Trong hội nghị thị trưởng được tổ chức tại Seattle, Eisenhower tuyên bố, Mỹ "sẽ không ngồi nhìn Iran rơi vào tay Liên Xô!" Điều này đã khiến Pahlavi lập tức đồng ý tiến hành cuộc chính biến.

Sau khi nhận được sự ủng hộ của Pahlavi, CIA đã đẩy nhanh các bước cho cuộc chính biến. 11h 30 ngày 15 tháng 8, Đội trưởng đội vệ binh Quốc vương dẫn đầu quân chính biến xông tới trụ sở của Thủ tướng, tuyên bố chiếu thư của Quốc vương và chuẩn bị bắt Mossadegh, không ngờ quân đội thân Mossadegh sớm mai phục ở đó đã xông ra bắt giữ tất cả. Hóa ra Mossadegh đã sớm biết được chuyện này. Những người ủng hộ Mossadegh và Đảng nhân dân nhanh chóng kiểm soát các đường phố, quân đội và cảnh sát trung thành với Mossadegh cũng lập các trạm canh gác trên đường phố, một đơn vị bộ đội thiết giáp cũng được điều về Tehran. Cuộc chính biến thất bại, báo chí ủng hộ Mossadegh đồng loạt lên tiếng, vương triều Pahlavi kết thúc từ đó. Pahlavi đã phải chạy trốn sang Italia tị nạn.

Cuộc chính biến thất bại khiến người Mỹ vô cùng nản lòng. Trạm tình báo của CIA tại Tehran đã gửi điện gấp về Tổng bộ hỏi: "Liệu nên tiếp tục kế hoạch "Ajax programme"? Hay nhanh chóng rút lui?" Sau khi nghiên cứu kỹ càng, CIA gửi điện trả lời: "Hành động đã thất bại, đề nghị lập tức ngừng các hành động chống lại Mossadegh." Nhưng Kemite không cam chịu như vậy, mà tiếp tục vạch ra kế hoạch hòng thay đổi cục diện.

Ngày 17 tháng 8 năm đó, Kemite đã bỏ ra 50 nghìn đô la mua chuộc một nhóm người Iran tổ chức một cuộc biểu tình lớn, họ vừa đi vừa hô to khẩu hiệu chống Đảng nhân dân, đập phá các lăng mộ của các đời Quốc vương và một số nhà thờ tôn giáo. Bên cạnh đó, Kemite còn đưa một số sĩ quan tham gia đảo chính ẩn náu đằng sau xe tải, bí mật đột nhập vào Đại sứ quán Mỹ. Tại đây, chúng mở hội nghị gọi là "Uỷ ban chiến tranh" và đã quyết định, vào ngày 19 tháng 8 quân đảo chính với các trang bị quân sự do Mỹ cung cấp sẽ phát động cuộc phản kích vào chính phủ.

Sáng sớm ngày 19 tháng 8, dưới sự chỉ huy của Kemite, số đông quần chúng nhân dân với dao, thuổng và xe đẩy trong tay nối đuôi nhau đổ về trung tâm thủ đô Tehran. Dân chúng đã bao vây tòa nhà Quốc hội, phá hủy các tòa soạn báo thân Đảng nhân dân. Kemite còn triệu tập một nhóm người đứng ở các đầu phố phát bản sao chiếu thư có nội dung chỉ trích Mossadegh đi ngược lại hiến pháp. Còn Sahedi từ đầu luôn trốn trong Đại sứ quán Mỹ cũng lộ mặt chỉ huy xe tăng đánh chiếm Đài phát thanh quốc gia Iran. Sau đó, hắn ta đã có một bài phát biểu với nhân dân toàn quốc, phát đi thông tin Quốc vương Pahlavi đã xóa bỏ chức vụ của Mossadegh. Quân đội thân chính phủ lập tức bị dao động. Đêm hôm đó, mọi thứ đã kết thúc, cuộc chính biến đã thành công. Thủ tướng Mossadegh bị bắt, các quan chức nội các đều bị giam. Tehran lại rơi vào tay những người ủng hộ Quốc vương. Ba ngày sau, Pahlavi quay trở về Tehran và phục hồi lại chức vụ.

Cuộc chính biến lần này đã tiêu tốn một triệu đô la, CIA vì thế cũng mà được tung hô. Nhưng chuyên gia hành động bí mật Kemite hiểu rất rõ rằng, thành công của lần chính biến này thực tế là do may mắn.

Cuộc chính biến này đã ảnh hưởng sâu sắc tới mối quan hệ của Mỹ và Iran sau đó. Sau cuộc chính biến, Quốc vương tỏ ra vô cùng cảm kích trước người Mỹ. Để báo đáp ân tình của họ, ông ta đã trao 40% quyền khai thác dầu mỏ cho phía Mỹ, còn đề nghị CIA xây dựng cơ quan tình báo và huấn luyện cảnh sát bí mật cho mình. Từ đó về sau, Pahlavi luôn là bạn đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại Trung Đông, còn Iran trở thành chiến tuyến của Mỹ để đối phó với Liên Xô trong chiến tranh lạnh. Dưới thời thống trị của Pahlavi, chính quyền Iran hết sức hủ bại, nhân dân đói khổ, điều này khiến cho sự thù hận của nhân dân Iran đối với Mỹ ngày càng tăng. Nguyên Quốc vụ khanh của Mỹ ông Albright từng nói: "Chính phủ Eisenhower cho rằng thực hiện cuộc chính biến ở Iran là xuất phát từ những suy nghĩ chiến lược, nhưng thực tế thì ngược lại. Tôi hoàn toàn hiểu tại sao đến tận bây giờ người Iran vẫn phản đối kịch liệt Mỹ!".

Các cuộc đào tẩu trong lịch sử tình báo

Việc điệp viên Litvinenko của Nga đào tẩu sang phương Tây và trúng độc chết đã gây xôn xao dư luận thế giới. Thực tế trong lịch sử chiến tranh thế giới, chuyện điệp viên giữa Liên Xô và phương Tây đào tẩu sang nhau không có gì là lạ.

Điệp viên CIA với kế "Ve sầu lột xác"

Trong Cục tình báo trung ương Mỹ, Edwards Lee Howard là điệp viên đầu tiên của Mỹ đào tẩu sang Liên Xô. Cuộc đào tẩu của anh ta đã gây chấn động cả Cục tình báo trung ương Mỹ, buộc cơ quan này phải tiến hành một cuộc thay đổi lớn.

Năm 1981, ở tuổi 29 Howard bắt đầu làm việc cho Cục tình báo trung ương Mỹ. Sau hai năm công tác đã có được phần lớn thông tin tình báo trong tay, nhưng anh ta không qua được các bài kiểm tra tâm lý nên bị buộc phải thôi việc. Sau khi thôi việc, anh ta bắt đầu nghiện rượu và bị bệnh lao phổi rất nghiêm trọng, cuộc sống ngày càng tồi tệ. Năm 1984, Howard cùng vợ là Mary tới Viena nghỉ ngơi. Tại đây anh ta và điệp viên của Liên Xô đã bí mật đạt được thỏa thuận mua bán thông tin tình báo. Sau đó, các cuộc "du lịch" tới Viena của Howard ngày càng nhiều hơn. Trong thời gian đó, hơn chục điệp viên Mỹ bí mật đột nhập vào Liên Xô đã lần lượt bị sa lưới, mạng lưới tình báo của Mỹ ở Moscow dường như bị tê liệt hoàn toàn. Năm 1986, sau một chuyến "du lịch" trở về, Howard đã sơ ý đem nhưng "đồ lưu niệm" và chiếc đồng hồ Thụy sĩ đắt tiền của chuyến du lịch khoe với một người bạn, chính điều này đã khiến cho Cục tình báo trung ương Mỹ chú ý và bắt đầu theo dõi anh ta. Là một điệp viên lão luyện, Howard cảm nhận ngay được sự bất lợi đang đến với mình. Sự theo dõi của CIA với Woward như hình với bóng đã khiến anh ta quyết tâm đào tẩu, nhưng CIA theo dõi rất sát sao nên anh ta không dễ gì bỏ trốn. Vì vậy, anh ta phải dùng đến kế "Ve sầu lột xác".

Tháng 9 năm 1985, trong một lần tham gia dạ hội, Howard đã bí mật đặt một hình nộm có mặc quần áo của mình ở ghế sau xe ô tô. Buổi dạ hội kết thúc, Howard âm thầm rời khỏi xe, còn vợ anh ta đặt hình nhân thế vào chỗ của anh ta rồi tiếp tục lái xe về nhà. Để kế "kim thiền lột xác" được hoàn hảo hơn, Mary đã gọi một cuộc điện thoại cho bạn của chồng, khi đầu dây bên kia trả lời, cô bật cuộn băng đã ghi âm của Howard từ trước lên. Cuộc gọi điện này quả thực đã đánh lừa được đặc vụ của CIA đang nghe trộm lúc đó. Họ vẫn đinh linh rằng, Howard còn đang ở nhà, nhưng thực tế lúc đó anh ta đã đáp máy bay đến Moscow.

Cuộc đào tẩu của Howard nhận được sự đón tiếp nhiệt tình từ phía Liên Xô, vì anh ta không chỉ đem đến một lượng lớn tin tức tình báo mà còn là một công cụ tuyên truyền rất tốt. Chính phủ Liên Xô đã cấp riêng cho anh ta một biệt thự. Anh ta sống cuộc sống giàu có tại Liên Xô, hàng năm không chỉ được đến Châu Âu để gặp vợ, mà còn bí mật đi du lịch khắp nơi trên thế giới. Nhưng những này tươi đẹp này không kéo dài được lâu. Ngày 12 tháng 7 năm 2002. Howard đã bị ngã lầu chết một cách bí ẩn. Lúc đó dư luận thế giới đều nghi ngờ CIA đã nhúng tay vào chuyện này.

"Ông hoàng gián điệp" thoát nạn thành công

Trong lịch tình báo thế kỷ 20, "ông hoàng gián điệp" của Harold Brockway thực sự là một trong những điệp viên nổi tiếng nhất. Ông là người Anh được sinh ra ở ấn Độ, ngay từ thời niên thiếu, ông đã theo đuổi lý tưởng cống hiến cuộc đời mình cho chủ nghĩa cộng sản. Ông là một trong những thành viên của mạng lưới tình báo nổi tiếng "Năm điệp viên kiệt xuất tại Cambridge" của Liên Xô. Đêm trước khi bị bại lộ, ông đã đào tẩu thành công sang Liên Xô. Cuộc đào tẩu của ông khiến cho cơ quan tình báo Anh mất mặt suốt mấy chục năm trời.

Mùa hè năm 1940, Brockway khi đó 28 tuổi, dưới sự chỉ đạo của KGB đã xin gia nhập Cục tình báo bí mật của Anh. Dựa vào tài trí và sự thể hiện xuất sắc của mình, ông đã nhanh chóng được bổ nhiệm vào chức Cục trưởng cục tình báo quân đội Anh (MI-5). Năm 1949, Brockway đã được chính phủ Anh cử đến Washington lãnh đạo hệ thống liên lạc tình báo giữa Anh và Mỹ. ở đây ông có quan hệ mật thiết với rất nhiều quan chức cao cấp của Cục tình báo trung ương Mỹ. Roosevelt, Churchill, Truman đều đánh giá ông rất cao. Trong thời gian này, một lượng lớn tin tức tình báo quan trọng đã được Brockway chuyển về Liên Xô.

Do cơ quan tình báo Anh - Mỹ bị tổn thất nặng nề ở Liên Xô nên chính phủ Anh bắt đầu nghi ngờ về thân phận thật của Brockway. Năm 1951, Bộ ngoại giao Anh đã triệu ông về London rồi bí mật thẩm vấn, nhưng do không có bằng chứng cụ thể nên họ buộc phải thả ông. Đến năm 1962, sau khi Phó cục trưởng cục tình báo Ba Lan đào tẩu sang phương Tây thì chính phủ Anh mới thực sự rõ về thân phận của ông. Khi họ tiến hành kế hoạch bắt giữ, Brockway đã bỗng nhiên mất tích một cách bí ẩn.

Tháng 7 năm 1963, Brockway đã xuất hiện tại Moscow, cuộc đào tẩu của ông đã làm chấn động cả thế giới, tình báo Anh và Mỹ cũng vì chuyện này mà bị một phen mất mặt. Để khen ngợi công lao của Brockway, Liên Xô đã trao tặng cho ông "Huân chương Cờ đỏ". Từ đó, Brockway bắt đầu cuộc sống yên bình của mình tại Moscow. Năm 1968, ông cho xuất bản cuốn tiểu thuyết "Cuộc chiến thầm lặng của tôi", cuốn sách vừa xuất bản đã bán chạy ở rất nhiều quốc gia. Năm 1988, Brockway qua đời ở tuổi 76, kết thúc cuộc đời ly kỳ của mình.

Sĩ quan cao cấp KGB đào tẩu sang Mỹ

Ngày 1 tháng 8 năm 1985, một nhóm quan chức ngoại giao Liên Xô cùng đi dạo trên đường phố Roma, trong đó có cả thượng tá Vataly Natsliia, là một nhân vật khá nổi tiếng của KGB. Natsliia sinh năm 1935 và có 30 năm kinh nghiệm trong ngành tình báo, do có thành tích xuất sắc trong công tác, lại được chủ tịch KGB lúc đó là Andropov tín nhiệm nên ông ta đã nhanh chóng được đề bạt lên chức Phó phòng I (chuyên phụ trách về các sự vụ Mỹ và Canada) của Tổng cục I, KGB. Tuy nhiên, không ai có thể ngờ rằng vị quan chức cao cấp này có lần tới Roma với mục đích bí mật của riêng mình.

Sau khi quan sát tình hình xung quanh, Natsliia đột nhiên đưa ra ý kiến muốn một mình tới thăm viện bảo tàng Vatican, sau đó sẽ tự trở về Đại sứ quán Liên Xô. Nhưng sau khi thăm viện bảo tàng, ông ta không hề trở về Đại sứ quán Liên Xô mà đến thẳng Đại sứ quán Mỹ. Ông ta trở thành quan chức tình báo cao cấp nhất của Liên Xô đào tẩu sang phương Tây trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Những nhân vật cao cấp của Cục tình báo trung ương Mỹ vô cùng vui mừng trước sự kiện này, đồng thời hạ lệnh cho cấp dưới lập tức đưa Natsliia trở về Mỹ.

Nhưng điều bất ngờ là người phụ trách thẩm vấn Natsliia lại là Ames - một điệp viên của KGB cài cắm vào Cục tình báo trung ương Mỹ. Ames thẩm vấn Natsliia suốt một tháng trời, tuy Natsliia cung cấp một lượng lớn tin tình báo quan trọng, nhưng toàn bộ tin tức này lại được chuyển về Liên Xô, vì vậy không có bất cứ một tổn thất nào cho mạng lưới tình báo của Liên Xô tại Mỹ lúc đó. Cục tình báo trung ương Mỹ đã tiến hành giám sát rất chặt chẽ và nhiều lần thẩm vấn Natsliia, đồng thời còn lợi dụng cuộc đào thoát của ông ta để tuyên truyền chính trị. Chính những hành động này của CIA đã khiến ông ta sinh ra tâm lý khó chịu và bắt đầu suy nghĩ đến những gì ông ta có được trong cuộc đào tẩu này. Ngày 2 tháng 11 năm 1985, sau ba tháng đặt chân đến đất Mỹ, Natsliia buộc phải từ bỏ giấc mơ làm đặc vụ cho CIA để trở về Liên Xô. Sau khi trở về tổ quốc, ông ta không phải nhận bất cứ sự trừng phạt nào từ chính phủ Liên Xô, hơn nữa còn được trở lại công tác tại KGB. Nhưng vị trí ông ta đảm nhiệm chỉ là công việc bình thường, ông ta làm việc tới năm 1993 thì nghỉ hưu.

Đào tẩu vì bất mãn với cấp trên

Trung tá Rastevolov được mệnh danh là gián điệp số 1 của Liên Xô tại châu Á, do bất mãn vì người vợ xinh đẹp của mình bị cấp trên dụ dỗ nên ông ta đã đào tẩu sang Mỹ. Cuộc đào tẩu của ông ta dường như phá vỡ hoàn toàn mạng lưới tình báo của Liên Xô tại Châu Á.

Rastevolov là gián điệp thành công nhất của Liên Xô tại Nhật Bản, ông ta đã phát triển được một lượng lớn điệp viên từ trong hàng ngàn tù binh quân đội quan đông Nhật, trong đó điệp viên là tù binh cấp tướng gồm 180 người, những điệp viên này sau khi về nước đã phát huy được vai trò quan trọng của mình. Tuy nhiên, bên cạnh sự thành công trong công việc thì gia đình của ông ta lại nảy sinh vấn đề. Bộ trưởng bộ nội vụ Liên Xô lúc đó là Beria đã lợi dụng chức quyền để dụ dỗ người vợ xinh đẹp của Rastevolov. Ông ta vô cùng tức giận về chuyện này và bắt đầu nuôi ý định bỏ trốn. Sau thời gian dài ấp ủ, đêm 24 tháng 1 năm 1954, ông ta đã tìm đến sự trợ giúp của giáo sư tiếng Anh của mình, đây là một nữ điệp viên của của CIA. Dưới sự trợ giúp của "nữ giáo sư" này, ông ta đã thuận lợi đến được Washington. Rastevolov sau khi đến Mỹ đã tiết lộ tất cả những bí mật mà mình biết cho tình báo Mỹ. Ngay cả những bí mật như cuộc tranh giành quyền lực trong tầng lớp cao cấp ở điện Klemly hay bức màn phía sau cuộc chiến tranh Triều Tiên cũng được ông ta lần lượt công bố trên tạp chí "Đời sống" của Mỹ vào tháng 11 và 12 năm 1954, khiến điện Klemly phẫn nộ. Sau tất cả những chuyện này, Rastevolov bỗng nhiên biến mất. Nguyên nhân là, trước đó Rastevolov đã đổi tên thành Martin Simon và gia nhập Cục tình báo trung ương Mỹ. Cục tình báo trung ương Mỹ đã bù đắp cho "cuộc đào tẩu" của anh bằng cuộc hôn nhân giữa ông và "nữ giáo sư" của mình cùng với nhiều thứ khác. Giám đốc CIA, Dulles còn viết riêng một "bức thư cảm ơn" về những cống hiến to lớn của ông ta .

Ngày 19 tháng 1 năm 2004, Rastevolov đã qua đời ở tuổi 83 tại Mỹ, tám tháng sau khi ông ta qua đời, tạp chí "Tuyệt mật" của Nga mới tiết lộ sự thực về ông ta.

Màn chiêu mộ hoàn hảo

"Chim quạ'' và "Chim yến" là cách gọi các nam nữ điệp viên hoạt động tình báo bí mật của Liên Xô và một số nước Đông Âu, chuyên dùng sắc đẹp để dụ dỗ và mua chuộc các đối tượng nhằm thu thập tin tức tình báo. Bên cạnh sự thành công rực rỡ của các chú "chim yén", các hoạt động của các chú "chim quạ" cũng không kém phần sôi nổi. Chúng ta đều biết, sau chiến tranh thế giới thứ 2, rất nhiều những người đàn ông Đức đã hy sinh trong cuộc chiến do Hillte phát động. Tỷ lệ nam nữ trong dân số liên bang Đức đã thể hiện rõ sự mất cân bằng, không ít những phụ nữ trở nên cô đơn và muộn phiền trong cuộc sống khi thiếu tình yêu và hạnh phúc gia đình. Trước tình hình như vậy, cơ quan tình báo của Liên Xô và một số nước Đông Âu khác quyết định huấn luyện và tung các chú "chim quạ" sang Tây Đức, chuyên dùng ngoại hình của mình để dụ dỗ các cô gái độc thân làm việc trong chính phủ và quân đội nước này để thu thập tình báo.

Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, chính phủ liên bang Đức từng tiết lộ, trong số 316 gián điệp bắt được trong vòng gần 20 năm thì đại đa số điệp viên hoạt động bằng sắc đẹp của mình. Chỉ tính riêng trong chính phủ Liên bang Đức đã có hơn 10 nữ thư ký bị lôi kéo. Một số cơ quan tại Bon còn dán trên đường phố tranh khuyến cáo: "Khi bạn gặp một chàng trai tuấn tú mỉm cười với bạn thì hãy nên cẩn thận, điều đó rất có thể sẽ khiến bạn ngồi tù vì tội làm gián điệp!" Các ban ngành chính phủ liên bang còn dán một thông cáo: "Hãy cảnh giác với những lời ngon ngọt của những kẻ háo sắc, nó có thể mở được cả két bảo mật!"

Calli Hornskaia là thư ký cơ mật của bộ phận cung ứng quân nhu trong chính phủ Liên bang Đức. Trong công việc, cô luôn chăm chỉ và làm việc hết mình nên nhận được sự kính trọng của đồng nghiệp và sự trọng dụng của cấp trên.

Do dung mạo rất bình thường nên cô vẫn chưa có bạn đời và cũng chưa hề có tình cảm với người khác giới. Tuy đã 36 tuổi nhưng cô vẫn chăn đơn gối chiếc, ban ngày thì lao vào công việc, nhưng đêm đến lại cô đơn trong căn phòng lạnh lẽo, sống một cuộc cô độc và đầy áp lực. Một buổi tối mùa xuân năm 1973, Hornskaia hoàn thành công việc trên cơ quan, chầm chậm thả bộ về nhà. Đang đi trên đường, cô bỗng nhiên gặp một chàng trai ăn mặc rất lịch sự và phong độ, tay cầm một một tờ quảng cáo tìm bạn đời đưa cho cô xem và hỏi đường. Hornskaia sau khi xem tờ quảng cáo liền trả lời, địa chỉ này không có thực. Chàng trai vò đầu bứt tai: "Trời ơi, tôi đã bị lừa rồi! Tôi đã theo địa chỉ này bay từ Hanover đến Bon".

Sự đau khổ và phiền muộn của chàng trai đã nhận được sự đồng cảm từ cô thư ký đang cô đơn. Cô an ủi anh: "Anh không nên quá đau khổ, trên thế giới đã quá nhiều dối trá và ác độc rồi."

Chàng trai lịch sự bày tỏ cảm ơn và tự giới thiệu anh ta tên là Von Christoph 35 tuổi, hiện đang làm việc trong Ngân hàng dự trữ số 1 của Hanover. Qua lời giới thiệu gắn gọn của Christoph, Hornskaia cảm nhận được rằng, người đang đứng trước mặt cô là một chàng trai có giáo dục và giàu tình cảm. Vừa gặp cô đã cho rằng anh ta là người trung thực, tốt bụng, không giỏi ăn nói, nên rất có thiện cảm. Christoph cũng như bị "tiếng sét ái tình" đánh gục ngay từ giây phút đầu tiên gặp gỡ Hornskaia. Tiếp đó cả hai đều tỏ ý vui mừng trước "cuộc gặp tình cờ này".

Từ đó, những cuộc gặp gỡ giữa họ thường xuyên xảy ra. Christoph tỏ ra rất điềm đạm, anh ta luôn nhìn cô với đôi mắt ngập tràn tình yêu, kể cho cô những câu chuyện thú vị trong ngân hàng anh đang làm. Với giọng nói ôn hòa và tình cảm chân thành, anh ta đã khiến Hornskaia vô cùng cảm động. Hai tháng sau, họ tổ chức kết hôn tại một nhà thờ lộng lẫy, tiếp đến là tuần trăng mật lãng mạn tại núi Alpen. Tuần trăng mật đã làm cho Hornskaia như ngây ngất trong tình yêu và cuộc sống cô đơn của cô cũng kết thúc từ đây. Trong con mắt của cô, giờ đây thế giới thật tuyệt vời, cuộc sống thật tươi đẹp, trái tim trống vắng của cô đã được lấp đầy bởi tình yêu.

Nhưng không lâu sau đó, cuộc sống của Hornskaia và Christoph bị bao trùm bóng đen sợ hãi. Một hôm, Christoph nói với cô rằng, cha anh ta trước đây nghiện rượu và cờ bạc nên khi chết đã để lại một món nợ rất lớn. Hiện tại các chủ nợ đều đến đòi nợ, họ đều là những nhân vật xã hội đen, có thể làm bất cứ chuyện gì. Hornskaia vốn định mang hết số tiền cô tích cóp được để trả nợ nhưng khoản nợ quá lớn, số tiền đó không thấm vào đâu. Họ định đưa chuyện này ra tòa giải quyết, nhưng chưa kịp nghĩ đến chuyện thuê luật sư thì một bức thư nặc danh được gửi đến. Trong bức thư nói rằng món nợ đến kỳ hạn mà không trả thì Christoph sẽ bị giết. Hornskaia như ngồi trên đống lửa. Ngày hôm sau Christoph đi thương lượng với chủ nợ để kéo dài thời hạn trả nợ, nhưng chỉ lát sau anh trở và nói: Món nợ không thể kéo dài, nếu quả thực không có tiền trả thì có thể lấy thứ khác để thay thế, đó chính là những tài liệu và văn kiện trong văn phòng của Hornskaia.

Hornskaia lòng đau như cắt, ôm ghì lấy Christoph khóc nức nở. Với cô, trên đời này còn gì quan trọng hơn tính mạng của Christoph? Mất anh cuộc đời cô còn ý nghĩa gì nữa? Nhưng nếu làm theo lời họ, cô sẽ vi phạm pháp luật, trong lòng cô đầy mâu thuẫn. Sau nhiều ngày đấu tranh tư tưởng, cuối cùng tình cảm cũng chiến thắng lý trí. Một tuần sau, cô đã đem một tập tài liệu cơ mật liên quan đến hệ thống cung ứng hậu cần Bộ quốc phòng Liên bang Đức giao cho phía "chủ nợ".

Trên thực tế, Christoph là một điệp viên của Liên Xô, chàng trai đầy lịch sự phong độ này chính là một chú "chim quạ" của KGB. Việc "tình cờ" gặp gỡ, yêu nhau, rồi đi đến kết hôn và món nợ của cha để lại là một vở kịch được dàn dựng khéo léo. Sau khi Hornskaia trở thành điệp viên của Liên Xô, tất cả các tin cơ mật và tình báo về hệ thống cung ứng quân nhu của quân đội Liên bang Đức không ngừng chảy sang phía Đông. Cô đã hoạt động trong suốt 10 năm mà không hề bị phát hiện, rất nhiều tin tình báo giá trị đã qua tay cô rồi chuyển sang Đông Đức. Ngoài cô và mạng lưới của cô ra, không ai biết được thân phận của cô.

Đến năm 1985, một sĩ quan cao cấp của KGB đã đào tẩu sang London, đến lúc này chính phủ Liên bang Đức mới biết rõ thân phận bí mật của cô. Nhưng khi cơ quan phản gián Tây Đức tiến hành vây bắt, cô và Christoph đã đột nhiên mất tích một cách bí ẩn. Vài ngày sau tại một buổi họp báo tại Đông Berlin, cô đã tuyên bố xin được tị nạn chính trị.

Cải trang

Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, cuộc chiến tình báo giữa Liên Xô và những nước phương Tây như Anh, Mỹ... diễn ra vô cùng căng thẳng, trong đó có không ít những câu chuyện nguy hiểm và gay cấn, nhưng cũng không ít những câu chuyện dở khóc dở cười.

Vào những thập niên 70, 80 có rất nhiều gián điệp Anh, Mỹ làm việc tại Moscow dưới vỏ bọc là nhân viên đại sứ quán. Martha Peterson, nữ gián điệp Cục tình báo trung ương Mỹ mang chức danh là phó lãnh sự của Đại sứ quán Mỹ tại Liên Xô. Gián điệp Anh, Mỹ thời đó đều có một thói quen chung là phải hoá trang trong khi thực hiện nhiệm vụ để tránh sự nghi ngờ của cơ quan tình báo Liên Xô, nó dường như trở thành điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ một cách thuận lợi. Trường hợp của nữ gián điệp Mỹ Peterson cũng không ngoại lệ.

Ngày 15 tháng 7 năm 1977, cô ta nhận được lệnh đi đến địa điểm bí mật để giao "hòn đá cuội"cho Andelie, người được cài trong Bộ ngoại giao Liên Xô.

Peterson đỗ xe trước cửa rạp chiếu phim Quốc gia, rồi vội vàng đi vào phòng chiếu. ở đó đã bắt đầu chiếu bộ phim "Đỏ và Đen". Người nhận nhiệm vụ theo dõi Peterson ngay từ xa cũng có thể phát hiện ra cô ta qua chiếc váy dài hoa trắng nổi bật.

Cô ta chọn chỗ ngồi gần ngay cửa thoát hiểm. Trong 10 phút đầu cô ta giả vờ như đang xem phim, rồi nhân lúc không ai để ý, Peterson cởi váy và mặc vào bộ quần áo đen đã chuẩn bị sẵn.

Sau khi cải trang, cô ta rời chỗ ngồi. Bây giờ Peterson đã trở thành "người đàn bà mặc áo đen". Cô ta không đi ra xe của mình, mà bắt xe buýt, sau đó chuyển sang xe điện và tàu điện ngầm để đến địa điểm đã hẹn sẵn - đó là cầu Krasnoluzky. Nhưng cơ quan phản gián Liên Xô đã có người mai phục ở đó để đợi cô ta.

Đúng vào lúc Peterson làm nhiệm vụ thì bỗng pháo hoa phụt sáng rực trời, nhân viên phản gián Nga bất ngờ xông đến. Peterson chống cự bằng các miếng võ taekwondo, nhưng thật không may cho cô ta bởi đối thủ của cô là Vlakimir - một cao thủ trong tổ chức KGB. Anh không phải phí nhiều công sức để tóm gọn nữ gián điệp này.

Peterson bị giải đến trụ sở tổng bộ KGB, tham tán đại sứ quán Mỹ lập tức nhận được giấy triệu tập. Phía Liên Xô mở chiếc hộp thu được ở hiện trường đã được ngụy trang thành "hòn đá cuội" ngay trước sự chứng kiến của ngài tham tán, bên trong gồm chỉ thị, phiếu điều tra, máy chụp ảnh siêu nhỏ, vàng, tiền mặt và hai lọ thuốc kịch độc.

Trường hợp của gián điệp Salier cũng tương tự như vậy. Anh ta cải trang với kiểu đầu hippie, dán râu giả, đầu đội mũ trượt tuyết, ngày 10 tháng 3 năm 1986, đã bị phía Liên Xô bắt tại chỗ khi đang liên hệ với một điệp viên mang biệt hiệu "Cockur".

Cuộc chiến trên đảo Malvinas

Tháng 4 năm 1982, Anh và Argentina đã nổ ra cuộc chiến tranh giành quần đảo Malvinas. Đây là một cuộc chiến tranh hiện đại hóa trên biển. Argentina là nước cách trung tâm quần đảo Malvinas không xa, hơn nữa còn chiếm ưu thế cả về sức người và sức của. Trong khi đó, từ nơi cách quần đảo 13 nghìn ki-lô-mét, Anh phái hạm đội hỗn hợp của mình tới duy trì sự thống trị thực dân của mình đã có 150 năm trên đảo. Về tương quan lực lượng, Anh rõ ràng yếu hơn Argentina. Nhưng do phía Anh nắm được các biện pháp trinh sát tiên tiến, thông thuộc quần đảo, trong khi Argentina lại không có khả năng trinh sát thực lực quân Anh, hơn nữa lại trúng kế chiến tranh tâm lý của Anh nên đã thất bại trong cuộc chiến này.

Ngày 2 tháng 4, sau khi Argentina chiếm được cảng Stanley - thủ phủ của đảo Malvinas, quân đội Anh liền điều hạm đội hỗn hợp của mình đến đó. Trên đường đi, Anh đã triển khai cuộc chiến tuyên truyền hết sức rầm rộ, ra sức khuếch chương thực lực của hạm đội mình. Họ nói, hạm đạm đội của họ đã có 60 máy bay chiến đấu cất cánh thẳng đứng "Harrier", nhưng trên thực tế hạm đội của họ không có đến 20 máy bay loại này. Khi chiếm hạm "Kẻ vận chuyển xuyên Đại Tây Dương" được điều tới Đại Tây Dương, phía Anh lại tuyên truyền trên tàu có 20 chiếc máy bay "Harrier", nhưng thực tế chỉ có 5 chiếc. Để bổ sung cho phi đội bay đã xảy ra tai nạn khi huấn luyện trên biển, Bộ quốc phòng Anh đã điều 2 máy bay tại đảo Ascension tại Đại Tây Dương tới tham chiến, rồi tuyên truyền rằng 20 máy bay "Harrier" đang tiếp dầu tại đảo Ascension, sau đó sẽ bay thẳng tới đảo Malvinas tham chiến.

Trong khi đó Argentina với các biện pháp trinh sát lạc hậu của mình lại hoàn toàn không biết gì về thực lực đối phương. Họ chỉ dựa vào sự hiểu biết ít ỏi trước đây về sức mạnh quân sự của Anh và cho rằng những lời tuyền truyền của Anh là đúng thực tế, đồng thời ra sức chuẩn bị đối phó với sự tấn công mạnh mẽ của Anh. Argentina cho thu gọn quân đội tập trung vào gần cảng Stanley, xây dựng một loạt các công sự xung quanh bờ biển tại đây. Thực tế, chiến thuật tâm lý của Anh đã gây ra tâm lý lo sợ trong quân dân Argentina. Cuộc đọ sức thực sự còn chưa bắt đầu mà quân đội Argentina đã tan rã.

Cuộc kịch chiến trên biển cuối cùng cũng được bắt đầu. Lúc đầu, cả hai bên đều có thắng thua, Hải quân Argentina thậm chí còn sử dụng tên lửa do Pháp chế tạo bắn chìm tàu chiến của Anh. Nhưng sau khi Anh nắm được các thông số kỹ thuật của loại tên lửa này, họ đã lấy lại được ưu thế trên biển. Sau đó quân đội Anh rất nhanh đã nắm được quyền kiểm soát trên biển và trên không. Với các kỹ thuật tiên tiến, Anh không khó khăn gì để trinh sát thực lực quân Argentina và giành được thắng lợi trong giai đoạn đầu của chiến dịch.

Cuối cùng là cuộc đổ bộ lên đảo. Quân Anh đã điều một lượng lớn máy bay trinh sát để trinh sát tình hình đảo Malvinas. Ngoài ra còn lợi dụng vệ tinh gián điệp của Cục tình báo trung ương Mỹ để trinh sát những nơi máy bay không tới được. Sau khi nắm rõ tình hình, họ bắt đầu lựa chọn địa điểm xây dựng trận địa.

Mục tiêu mà Anh muốn chiếm đương nhiên là cảng Stanley - thủ phủ của đảo Malvinas. Cảng Stanley nằm ở phía Đông của đảo, là nơi cách Argentina xa nhất, nên có thể tránh được sự tấn công mạnh mẽ của các máy bay cất cánh từ Argentina. Nhưng thông tin tình báo mà máy bay trinh sát của Anh và vệ tinh của CIA cho thấy, Argentina đã tập kết gần 10 nghìn binh sĩ xung quanh cảng Stanley. Từ khi chiếm được đảo, họ đã xây dựng một loạt công sự trên bờ biển, nếu đổ bộ từ đây Anh sẽ vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ. Tình hình thực tế tại cảng Stanley buộc sĩ quan chỉ huy của Anh phải đưa ra sự lựa chọn khác. Vậy nên họ từ bỏ kế hoạch đổ bộ lên phía Đông đảo Malvinas và lựa chọn địa điểm đổ bộ thích hợp hơn.

Một bãi biển khác cũng có thể đổ bộ, đó là cảng San Carlos ở phía Tây đảo Malvinas. Tất cả các tài liệu tình báo cho thấy, Argentina chỉ cử một đại đội trấn giữ tại mũi Fanning ở đây. Trong một cuộc chiến có quy mô lớn như vậy thì một đại đội dường như quá nhỏ bé.

Nhưng giữa cảng Stanley và cảng San Carlos lại là một đầm lầy rộng đến 80 km, đầm lầy này chẳng khác gì một nấm mồ chôn vùi tất cả các trang bị tác chiến. Một nhà phân tích quân sự Mỹ từng nói, nếu một ai đó muốn chọn một địa điểm huấn luyện hành quân mang vác nặng thì đầm lầy rộng 80 km ở giữa cảng Stanley và cảng San Carlos là một địa điểm thích hợp nhất. Chính vì vậy Argentina mới bỏ qua việc phòng ngự ở nơi đây.

Nhưng người Anh lại muốn đổ bộ từ cảng San Carlos. Các nhân viên tình báo của họ đã phát hiện ra một điều: ở giữa đầm lầy này nổi lên 3 đến 4 điểm cao, những điểm cao này đủ để trở thành trạm trung chuyển có quân đội tiến công. Họ kiến nghị, sau khi chiếm được bãi biển cảng San Carlos, sử dụng máy bay trực thăng đưa quân, các đồ tiếp tế, thậm chí là xe tăng hạng nhẹ chuyển tới những điểm cao này, sau đó lần lượt di chuyển đến phía Tây cảng Stanley, từ phía sau tập kích vào thủ phủ đảo Malvinas. Bộ tư lệnh quân đội Anh lập tức phê chuẩn kế hoạch tác chiến đầy táo bạo này của các nhân viên tình báo.

Sáng sớm 21 tháng 5, bản dự báo thời tiết cho thấy thời tiết hôm đó rất thuận lợi, trên trời xuất hiện sương dày. Trước khi trời sáng, quân đội Anh lợi dụng màn đêm dày đặc đưa một nghìn quân nhanh chóng chiếm lĩnh mũi Fanning.

Cùng lúc này, một bộ phận quân đội Anh cũng bắt đầu phối hợp tấn công mãnh liệt vào cảng Stanley từ phía Đông, mục đích đánh lừa là quân Anh đang đổ bộ theo hướng này. Argentina thiếu các thông tin tình báo cần thiết, không chú ý đến biến động tại cảng San Carlos, vì vậy phần lớn quân đội Anh trong 40 tiếng đồng hồ đã đổ bộ thành công và xây dựng trận địa vững chắc tại đây.

Tiếp đó, quân đội Argentina do không có tin tình báo chính xác nên không biết được hướng tấn công chủ yếu quân đội Anh. Trong khi đó, quân đội Anh lại ở ngay sau lưng, dùng trực thăng vận chuyển từng đợt quân áp sát Argentina cảng Stanley từ phía Tây. Trong khu đầm lầy giữa hai cảng, lực lượng quân Anh lên đến 5 nghìn người.

Quân Anh tấn công từ hai hướng Đông Tây, khiến quân Argentina rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, cuối cùng buộc phải hạ súng đầu hàng. Trong cuộc chiến này, quân Anh do "biết người biết ta" nên đã giành thắng lợi. Tất cả không thể thiếu việc nắm vững thông tin tình báo của địa điểm tác chiến.

Đằng sau vụ nổ tàu "Rainbow Warrior"

Tháng 7 năm 1985, Cục cảnh sát Auckland của New Zealand đã vướng phải một vụ án hết sức đau đầu. Đêm ngày 10, một chiếc tàu nước ngoài neo đậu tại cảng đã bị nổ tung, một nhà báo người Bồ Đào Nha trên tàu đã thiệt mạng, toàn bộ khu vực cảng Auckland chìm trong cảnh gào thét và sợ hãi, cả thế giới dường như chấn động.

Điều khiến cho Cục trưởng cục cảnh sát nơi đây hết sức lo lắng là chiếc tàu bị nổ chính là chiếc tàu "Rainbow Warrior" của Tổ chức hòa bình xanh, đây là tổ chức hoạt động hòa bình nổi tiếng khắp thế giới. Tàu "Rainbow Warrior" từng được cử đến quần đảo Hawaii và từng đến bãi phóng tên lửa vượt đại châu của Mỹ tại Califoria để phản đối Mỹ tiến hành thử nghiệm tên lửa tại đây; lần này nó đang chuẩn bị tới đảo Muroara ở Thái Bình Dương để phản đối Pháp tiến hành thử hạt nhân tại khu vực này. Không ngờ tàu "Rainbow Warrior" chưa đạt được mục đích đã bị nổ tung tại cảng Auckland. Nếu như vụ nổ này không được điều tra rõ thì không chỉ Cục cảnh sát Auckland mà ngay cả chính phủ New Zealand cũng khó ăn nói với tổ chức quốc tế rất nổi tiếng và có ảnh hưởng với 500 nghìn hội viên như Tổ chức hòa bình xanh.

Sau khi nhận được báo cáo từ Auckland, Thủ tướng New Zealand cảm thấy ngay được tính nghiêm trọng của sự việc, nên lập tức quyết định cử các chuyên gia bom mìn của Tổng cục cảnh sát quốc gia đến giúp đỡ Cục cảnh sát Auckland. Họ thành lập một tổ hành động đặc biệt với 66 nhân viên cảnh sát. Thủ tướng yêu cầu bằng mọi giá phải tìm ra hung thủ để làm dịu dư luận quốc tế.

Ngày hôm sau, các thành viên tổ đặc nhiệm chịu trách nhiệm điều tra trên biển đã thu được manh mối đầu tiên. Họ đã phát hiện cách địa điểm xảy ra vụ nổ hơn 10 hải lý có một chiếc thuyền cao su loại nhỏ đang lềnh bềnh trên sóng, đây là loại thuyền cao su chưa hề được bán tại New Zealand. Theo như phân tích về các loại thuyền cao su cho thấy, đó chính là loại thuyền thường được sử dụng tại Pháp. Không lâu sau, họ lại phát hiện ra bình dưỡng khí của thợ lặn tại một bãi biển gần đó, trên bình dưỡng khí còn ghi rõ nhãn mác của Pháp. Phía cảnh sát cẩn thận lấy các dấu vân tay trên chiếc bình dưỡng khí.

Tiếp đó, tổ điều tra làm việc tại hiện trường vụ án đã nghe được câu chuyện về đôi vợ chồng người châu Âu rất khả nghi từ những nhân viên và thủy thủ làm việc tại cảng. Một người lao công nhớ lại, chiều hôm đó có một đôi vợ chồng khoảng chừng 30 tuổi đã ba lần xuất hiện tại nơi chiếc tàu Rainbow Warrior neo đậu. Họ quan sát rất kỹ chiếc tàu, khi bị người khác chú ý thì họ tỏ ra căng thẳng.

Lưới trời lồng lộng thưa mà khó lọt. Ba ngày sau, tại cổng soát vé tàu đi Willington, phía cảnh sát đã phát hiện một cặp vợ chồng có những nét giống như thông tin mà người lao công đã cung cấp. Họ trình hộ chiếu Thụy Sĩ, trên hộ chiếu cho thấy, đây là một cặp vợ chồng, tên người đàn ông là Turenge.

Với kinh nghiệm dày dạn phía cảnh sát đã phát hiện ra, trên hộ chiếu của đôi vợ chồng này có dấu hiệu giả mạo nên họ lập tức bị bắt. Điều tra sau sự việc cho thấy, họ không phải là vợ chồng, mà là thiếu tá Alain Mafart và thượng úy Dominique Prieur của Tổng cục an ninh đối ngoại Pháp. Nhưng hai đặc vụ này chỉ thừa nhận việc dùng hộ chiếu giả, chứ không khai gì thêm, ngay cả những dấu vân tay của họ trên chiếc bình dưỡng khí, họ cũng từ chối giải thích. Vậy là cuộc điều tra rơi vào bế tắc.

Nhưng phía cảnh sát New Zealand không muốn kết thúc ở đây, họ phát hiện thêm rằng, năm ngày trước, đôi vợ chồng giả này đã từng tiếp xúc với ba thủy thủ Pháp trên một du thuyền. Khi phía cảnh sát tìm đến du thuyền này, thì cả ba người Pháp đó đã bỏ đi. Trên du thuyền trống rỗng, cảnh sát đã tìm thấy một số thiết bị dẫn đường tiên tiến của Pháp và một tấm bản đồ chi tiết về cảng Auckland. Tuy sau đó cảnh sát đến công ty cho thuê chiếc du thuyền này, tìm thấy tên ba thủy thủ người Pháp, đồng thời biết được thân phận thực sự của họ là đặc vụ của Pháp, nhưng cả ba đều đã sớm rời khỏi New Zealand, nên việc phát lệnh truy nã đối với họ cũng không còn có tác dụng.

Cuối cùng, cảnh sát phát hiện một cái tên Frederique Bonlieu trên tấm bản đồ. Thông qua điều tra trên máy tính, họ biết được rằng Bonlieu vốn là phiên dịch viên tiếng Pháp của Tổ chức hòa bình xanh. Hai tháng trước cô ta đã xin thôi việc tại tổ chức này và hiện đang sống tại Israel. Cái tên Bonlieu chỉ là tên biệt danh của cô ta, tên thật của cô ta là Letin Christine Cabon - nữ gián điệp của Cục an ninh đối ngoại Pháp.

Cuộc điều tra đến lúc đó đã rõ, mọi đầu mối đều nhắm vào Cục an ninh đối ngoại Pháp và viên thiếu tá Mafart chịu trách nhiệm tổ chức hành động lần này. Trước khi vụ án xảy ra, Bonlieu đã được lệnh tới làm việc tại Tổ chức hòa bình xanh, thu thập các tin tình báo và bản đồ biển chuyển về trung tâm, sau đó thiếu tá Mafart đích thân tới quan sát hiện trường, đồng thời chỉ huy ba đặc vụ khác lặn xuống nước tiếp cận tàu Rainbow Warrior và đặt bom hẹn giờ. Theo đúng thời gian đã định, quả bom đã nổ tung nhấn chìm con tàu Rainbow Warrior. Vì vậy cảnh sát New Zealand muốn điều tra được vụ án thì nhất định phải có chuyến thăm tới Pháp.

Sau khi được sự đồng ý của chính phủ Pháp, cảnh sát New Zealand đã tới Paris. ở đây họ phát hiện ra rằng, bề ngoài thì chính phủ Pháp rất nhiệt tình ủng hộ điều tra, nhưng thực chất họ lại tìm mọi cách để che dấu tất cả. Vì thượng tướng Hải quân Lacoste - Cục trưởng Cục an ninh đối ngoại đã trốn tránh mọi chuyện, ông ta là bạn thân của Bộ trưởng Bộ quốc phòng Pháp Ai Nier, trong khi đó Bộ trưởng lại là thân tín của Tổng thống Pháp.

Cuộc điều tra cuối cùng cũng đưa ra kết luận: Vụ nổ tàu Rainbow Warrior có thể là do các phần tử khủng bố thực hiện, nhưng chưa thể tìm ra mục đích và bối cảnh dẫn đến hành động này; nhưng cũng có thể đây là do cơ quan đặc nhiệm của một nước nào đó thực hiện, rồi đổ cho Pháp phải chịu trách nhiệm về hành động này, nhằm mục đích gây hại nước Pháp. Sau đó, làn sóng dư luận dường như bắt đầu lắng xuống. Tổng thống Pháp cũng quyết định bay đến đảo Muroara để quan sát vụ thử nghiệm hạt nhân.

Nhưng đúng lúc này, tờ báo lớn nhất của Paris là tờ "Thế giới" và tờ "Sự kiện Watergates của Paris" cho đăng một bài viết dài với tiêu đề tiết lộ chi tiết về quá trình tàu Rainbow Warrior bị nổ. Tiếp đó, "Tuần báo Canard" của Pháp bằng con đường khác cũng có được những thông tin nội bộ về vụ án này, và lần lượt công bố tên các đặc vụ pháp đã tham gia vào vụ nổ tàu Rainbow Warrior.

Người đứng đầu Cục an ninh đối ngoại Pháp lập tức trở thành mũi công kích của báo chí. Tổng thống Pháp không còn cách nào khác đành phải thừa nhận các đặc vụ của Pháp có liên quan đến sự kiện tàu Rainbow Warrior. Sự kiện này đã buộc Bộ trưởng Bộ quốc phòng Pháp Ai Nier phải từ chức, còn người đứng đầu Cục an ninh đối ngoại Pháp là Lacoste cũng ra đi trong đau khổ.

Cái chết bí ẩn của nguyên mẫu "điệp viên 007"

Khi "sòng bạc hoàng gia", một trong sê-ri phim về "Điệp viên 007" được khởi chiếu đã thu hút mọi sự chú ý vào hình mẫu của James Bond. Khởi chiếu từ năm 1962 đến nay, hình mẫu của điệp viên Janes Bond luôn là chủ đề khiến mọi người tranh luận. Tác giả của bộ tiểu thuyết "Điệp viên 007" là Ian Flemming cũng giữ kín bí mật này.

Giới truyền thông của Anh cho rằng, hình mẫu của Bond mang bóng dáng của rất nhiều điệp viên nổi tiếng. Họ là những người trí dũng song toàn, thân thủ phi phàm, lại hào hoa phong nhã.

Trong rất nhiều bộ phim về điệp viên 007, Janes Bond đều thể hiện bản lĩnh bơi lội cao siêu của mình. Rất nhiều năm trở lại đây, giới báo chí vẫn hay cho rằng "người nhái" Leonel Kleiber, điệp viên nổi tiếng nhất của Hải quân hoàng gia Anh chính là một trong những nguyên mẫu của điệp viên 007.

Gần đây, một loạt các hồ sơ được ủy ban giải mật quốc gia Anh giải mật đã cho thấy, năm 1956 nhà lãnh đạo Liên Xô Khrushchev đã tới thăm Anh trên chiến hạm "Ordzhonikidze". Cục tình báo quân đội Anh MI-6 đã từng cử Kleiber bí mật lặn xuống nước thăm dò "Tàu đối phương". Nhưng không ngờ, sau khi lặn xuống nước, Kleiber đã mất tích một cách bí ẩn.

Hơn nửa thế kỷ trở lại đây, cái chết của Kleiber được xem như là "vụ án bí ẩn nhất thời kỳ chiến tranh lạnh". Hàng loạt tài liệu được công bố đã một lần nữa thu hút sự chú ý của của dư luận về vụ án của hơn 50 năm về trước.

Một ngày tháng 4 năm 1956, một người đàn ông tự xưng là đại diện cho chính phủ Anh đã tìm đến Kleiber khi đó đã giải ngũ và mời anh ta tham gia một nhiệm vụ bí mật, đó là trinh sát chiến hạm "Ordzhonikidze" của Liên Xô đang tới thăm nước Anh. Khi đó, nhà lãnh đạo Liên Xô Khrushchev đang dẫn đầu đoàn đại biểu Liên Xô đi trên ba tàu chiến tới thăm nước Anh và chuẩn bị một cuộc đàm phán với Thủ tướng Anh Aydin tại cảng Portsmouth. Tàu "Ordzhonikidze" và hai tàu khu trục hộ tống đều thả neo tại cảng này.

Kleiber đã nhận nhiệm vụ này. Hôm đó là một ngày nắng đẹp, rất phù hợp cho việc lặn. Kleiber cùng người đàn ông kia đi trên một chiếc thuyền nhỏ và chạy theo hướng cảng Portsmouth. Trước khi lặn xuống nước, tình trạng sức khỏe và trang bị của Kleiber đều rất tốt, nhưng không ngờ sau khi lặn xuống nước Kleiber không bao giờ nổi lên nữa.

Do Kleiber thực hiện nhiệm vụ bí mật nên Hải quân hoàng gia Anh không dám triển khai hành động tìm kiếm để tránh bị lộ kế hoạch. Nhưng 10 ngày sau, báo chí của Anh đồng loạt đưa tin về "Người nhái số một đã mất tích dưới lòng cảng Portsmouth", thông tin này lập tức đã gây ra làn sóng phản ứng rất lớn trong dư luận.

Hải quân Hoàng gia Anh lập tức lên tiếng che đậy, "anh ta mất tích trong khi thử nghiệm thiết bị lặn bí mật". Phía Liên Xô cũng lên tiếng, những chiến sĩ bảo vệ tàu "Ordzhonikidze" đã phát hiện một người nhái gần tàu chiến, đồng thời cũng chính thức phản đối trước hành động này của Anh.

Thủ tướng Anh Aydin hết sức phẫn nộ vì dư luận khi đó đều cho rằng MI-6 đã cử Kleiber đi trinh sát tàu của Liên Xô. Trong khi đó căn cứ theo pháp luật Anh, một khi chưa được Thủ tướng phê chuẩn, MI-6 không được phép triển khai hoạt động tình báo trong nước. Không lâu sau, giám đốc của MI-6 đã phải từ chức. Báo chí cho rằng đây chính là hậu quả do sự kiện Kleiber gây ra.

Tháng 6 năm 1957, 14 tháng sau khi Kleiber mất tích, thi thể của một người nhái đã được tìm thấy tại bờ biển phía Nam của Anh. Do lâu ngày chìm trong nước và bị cá ăn nên đầu và hai tay của thi thể đều không còn nữa, vì vậy thi thể rất khó để nhận diện.

Phía quan chức Anh đã mời người vợ trước và người tình của Kleiber đến, nhưng họ đều không thể nhận diện được vì thi thể không còn dấu hiệu nào chứng tỏ là Kleiber. Cuối cùng, các bác sĩ khám nghiệm tử thi dựa vào vết sẹo trên gối trái để nhận định, đây chính là Kleiber.

Người bạn chiến đấu năm xưa của Kleiber là Sidney Knowles cũng chứng minh, vết sẹo này là từ chiến tranh thế giới thứ 2 để lại. Tiếp đó,

chính phủ Anh nhanh chóng đưa thi thể đi chôn cất. Sau đó, rất nhiều người yêu cầu chính phủ điều tra về sự thật, nhưng chính phủ không chỉ tìm mọi cách để chối bỏ mà còn từ chối trả tiền hậu sự cho người vợ cũ của Kleiber, điều này khiến cho vụ án ly kỳ này càng tăng thêm màu sắc bí ẩn.

Sau sự mất tích bí ẩn của Kleiber, cuộc đời gián điệp và tiểu sử ly kỳ của ông ta dần được giới truyền thông giải mật. Kleiber sinh ra trong một gia đình nghèo tại London, khi còn trẻ, anh ta đã phải đi làm thuê để kiếm sống qua ngày. Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, anh ta đã tham gia lục quân Anh, năm 1941 chuyển sang Hải quân hoàng gia.

Năm sau, anh ta được cử đến eo biển Gibraltar với thân phận nhân viên giỡ mìn, loại bỏ những quả thủy lôi do người nhái của Italia gài dưới đáy tàu của quân đồng minh. Lúc đầu ông ta chỉ phụ trách cắt dây dẫn, sau đó ông quyết định học lặn.

Thực tế đã chứng minh, anh ta là một thiên tài về lặn nên rất nhanh được thăng chức sĩ quan chỉ huy đội thợ lặn của Hải quân hoàng gia Anh đóng tại phía Bắc Italia với nhiệm vụ loại bỏ lượng lớn thủy lôi tại hai cảng Livorno và Venice. Với khả năng thiên tài về lặn của mình, anh ta đã được các chiến hữu gọi với danh hiệu "Buster", đây là tên của một vận động viên bơi lội nổi tiếng của Mỹ.

Năm 1947 anh ta giải ngũ và tiếp tục sự nghiệp bơi lội ở bên ngoài. Năm 1950, nước Anh liên tục xảy ra hai sự kiện tai nạn tàu ngầm, một lần nữa anh ta được Hải quân hoàng gia triệu hồi để khắc phục sự cố.

Ngoài giỏi lặn ra, ngoài đời anh ta cũng giống như mọi người bình thường: có một khuôn mặt đầy đặn, luôn mặc một bộ comple sang trọng, với một cặp kính đen và một vẻ ngoài lịch thiệp giống hệt như James Bond trong bộ phim "Sòng bạc hoàng gia". Năm 1958, nguyên mẫu của người Skleiber đã đưa lên màn ảnh.

Nửa thế kỷ trở lại đây, rất nhiều nguyên nhân về cái chết của Kleiber đã được phỏng đoán. Có người cho rằng, Kleiber đã bị người nhái của Liên Xô phát hiện và giết. Có người lại cho rằng trong khi thực hiện nhiệm vụ anh ta đã bị quân Liên Xô dùng đạn hơi cay làm hôn mê, sau đó được đưa về Liên Xô tẩy não và trở thành sĩ quan dạy môn lặn cho quân đội. Thậm chí còn có người cho rằng, Kleiber sớm đã bị KGB chiêu mộ và trở thành điệp viên của Liên Xô, lần thực hiện nhiệm vụ này chính là cơ hội để anh ta đào tẩu. Tại Liên Xô anh ta đảm nhiệm chức vụ sĩ quan chỉ huy Bộ tư lệnh hành động đặc biệt dưới nước của Hạm đội biển Đen.

Có người lại cho rằng, Kleiber được MI-6 sắp xếp cho vào làm việc tại Hải quân Liên Xô. Còn một cách nói khác là Kleiber đã bị giết để diệt khẩu. Giả thiết này cho rằng Kleiber trong khi thực hiện nhiệm vụ đã gặp sự cố, MI-6 để tránh bị bại lộ tin tức đã quyết định thủ tiêu. Năm 1990, một sĩ quan tình báo của hải quân Liên Xô đã công khai tuyên bố, Kleiber trong khi thực hiện nhiệm vụ đã bị người nhái Liên Xô phát hiện và bắn chết.

Tháng 3 năm 2006, thời báo "Sunday" của Anh đã đưa ra giả thết mới về cái chết bí mật của Kleiber. Giả thết này cho rằng anh ta đã bị MI-6 ám sát. Nguồn thông tin này đến từ Sidney Knowles. Theo như anh ta tiết lộ, Kleiber sau khi giải ngũ tâm trạng rất suy sụp do tình trạng sức khỏe và điều kiện kinh tế ngày càng tồi tệ nên luôn có tư tưởng muốn đào thoát sang Liên Xô. Tình báo Anh biết được chuyện này đã quyết định ra tay trước. Sau khi Kleiber lặn xuống nước, một người nhái khác cũng được cử xuống theo để thủ tiêu.

Sidney "phụng mệnh" nhận dạng thi thể, nhưng đó không phải là thi thể của Kleiber. Sau này, Sidney định tiết lộ chuyện này cho báo chí nhưng anh đã bị người khác đe dọa.

Cơ quan hồ sơ quốc gia Anh đã giải mật một số văn kiện và cho thấy một số vấn đề mới. Theo như người đàn ông cùng lên thuyền với Kleiber nhớ lại, "Kleiber khi đó mang bình dưỡng khí đủ dùng trong hai giờ lặn. Sau khi lặn xuống nước, anh ta đã nổi lên do bình dưỡng khí xuất hiện vấn đề. Sau khi sửa chữa, anh ta lại lặn xuống tiếp, từ đó không thấy nổi lên nữa".

Người đàn ông này đã báo cáo chuyện đó lên cấp trên, nhưng cấp trên đã lệnh cho anh ta lập tức quay trở lại. Nhưng những điều này cũng chưa thể giải mã được những bí ẩn trong cái chết của Kleiber.

Howard Davis - người của cơ quan hồ sơ quốc gia đã bày tỏ, những hành vi che đậy của chính phủ đã quá rõ ràng, vì còn rất nhiều tình tiết chưa được công bố. Vụ án bí ẩn nhất thời chiến tranh lạnh này sợ rằng 50 năm sau khi được giải mật, mọi người mới có thể hiểu rõ.

Điệp viên tình nguyện

Bà Merita 87 tuổi, có một cô con gái, hai đứa cháu và một đứa chắt, xuất thân từ một gia đình bình thường, cuộc sống hết sức giản dị, trên phiếu thu chi chưa bao giờ có thu nhập nào khác ngoài đồng bảng Anh. Bà có giọng nói ôn hoà, thần thái ung dung, tuy không đẹp nhưng có bề ngoại rất đạo mạo. Bà cắt cỏ vườn hoa nhà mình, tự tay trồng táo, làm bánh rán, giống như bất kỳ một người dân nào khác ở phía nam London, sống một cuộc sống bình thường, an nhàn và hạnh phúc". Đó là một bà cụ nhỏ yếu và tốt bụng", đây lời nhận xét của tất cả những người hàng xóm của bà. Cho nên, khi mọi người biết rằng bà bị bắt vì tội hoạt động gián điệp thì ai cũng sững sờ, không tin nổi vào tai mình.

Nếu như không phải sau năm 1991 khi Liên Xô tan rã, một quan chức KGB đào tẩu sang phương tây mang theo danh sách điệp viên trong đó có tên bà thì sẽ không ai nghĩ rằng bà là gián điệp quan trọng nhất, hoạt động lâu nhất ở Anh trong thời kỳ chiến tranh lạnh, hơn nữa còn là một điệp viên tình nguyện!

Quay ngược thời gian trở lại năm 1937, khi đó Merita mới 25 tuổi, vẫn còn là một cô gái ngây thơ trong sáng, nhưng đã là Đảng viên bí mật của Đảng Cộng sản Liên Xô. Bắt đầu từ đó, cô bắt đầu cuộc đời điệp viên của mình. Nhưng cô làm gián điệp không phải để nhận được bất cứ lợi ích nào mà chỉ vì niền tin lý tưởng của mình. Cô tin rằng đường lối nhà nước Liên Xô đang thử nghiệm là nhằm mang lại một cuộc sống no đủ cho người dân bằng việc phổ cập giáo dục và nâng cao điều kiện y tế, nhưng những nước phương Tây lại có âm mưu phá hoại chế độ đó. Đồng thời cô cho rằng Anh và Mỹ đang bí mật nghiên cứu loại vũ khí huỷ diệt mới với quy mô lớn, nhưng lại không cho Liên Xô có cơ hội tham gia. "Tất cả những gì tôi làm chẳng qua là muốn để Liên Xô cũng có cơ hội ngang bằng như Anh và Mỹ. Tôi chưa bao giờ hối hận vì những gì mình đã làm" Merita tâm sự.

Merita chưa từng trải qua bất kỳ trường lớp huấn luyện gián điệp nào, cũng không thần kỳ như điệp viên 007 mà mọi người từng nói tới, cô chỉ là một người phụ nữ bình thường. Khi còn làm thư ký cho một hiệp hội khoa học thì cấp trên đã luôn tin tưởng cô. Vì được tín nhiệm nên những văn kiện tối mật của hiệp hội đều qua tay cô chỉnh lý, sau đó cô photo lại rồi chuyển sang phía Liên Xô. Hiệp hội khoa học này đã giúp Anh sáng chế ra một trong những quả bom nguyên tử sớm nhất thế giới. Liên Xô cũng nhờ những tài liệu do Merita chuyển đến để chế tạo thành công quả bom nguyên tử đầu tiên của mình, từ đây cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân chính thức bắt đầu. Do Liên Xô có vũ khí hạt nhân sớm nên Mỹ cũng phải kiềm chế mình trong những hành động tương tự như cuộc chiến tranh ở Triều Tiên.

Merita chấm dứt hoạt động gián điệp vào năm 1972. Bà chưa bao giờ nhận bất cứ một đãi ngộ nào từ phía Liên Xô, phiếu chi thu của bà cũng chưa từng có một nguồn thu nhập nào ngoài đồng lương từ công việc thư ký. Không phải phía Liên Xô không trả cho bà mà là bà không muốn nhận. Lần cuối bà đến thăm Liên Xô năm 1979, một lần nữa bà lại từ chối thù lao mà KGB định trả. Thứ duy nhất bà nhận là tấm huân chương Cờ đỏ danh giá của tổ chức. Merita luôn tự hào về công việc mình làm nhưng không cho rằng mình là một điệp viên.

Merita không hề hối hận vì tất cả những gì mình đã làm. Bà chấp nhận mọi hình phạt trong đó có cả việc chính phủ Anh sẽ khởi tố bà.

Đặc vụ Anh và gián điệp ruồi

Một tin tình báo quan trọng của Đại sứ quán Anh tại nước ngoài đã bị tiết lộ. Việc này đã khiến tình báo Anh hết sức đau đầu. Điệp viên cao cấp Johnson đã được cử ngay tới thành phố Hagen Aisaike để điều tra xem ai là nội gián trong đại sứ quan Anh.

Khi sự việc xảy ra, trong đại sứ quán mọi thứ đều được bảo vệ rất nghiêm ngặt, binh lính thường xuyên đi tuần, bất cứ ai muốn vào bên trong đại sứ quán đều được tra hỏi rất kỹ càng.

Johnson bước vào văn phòng của đại sứ. Vừa ngồi xuống đại sứ Anh liền vội vàng miêu tả lại tình hình. Johnson vừa nghe vừa gật đầu, nhưng trong đầu anh ta lúc ấy lại đang suy nghĩ đến các nguyên nhân gây ra sự việc. Theo phán đoán của anh ta, việc để lộ tin tình báo thường do bị nghe trộm. Anh ta nói với viên Đại sứ: "Bây giờ chúng ta phải kiểm tra kỹ càng từng đồ vật trong phòng này, tôi đoán thiết bị nghe trộm được giấu kỹ ở một chỗ nào đấy không dễ phát hiện."

Đại sứ gật đầu bày tỏ đồng ý và lập tức cho người đi kiểm tra.

Hai ngày qua đi, mọi người đều không tìm thấy gì, thậm chí một chút manh mối cũng không có. Viên Đại sứ Anh buồn bã nói với Johnson: "Chúng ta đã cố gắng hết sức, nhưng chẳng thu được kết quả gì. Theo tôi, căn cứ vào biện pháp bảo vệ trong đại sứ quán thì đối phương không thể đặt thiết bị nghe trộm được, đây chỉ có thể là do nội gián"

Johnson nghĩ một lúc rồi nói: "Những điều ngài nói cũng có khả năng xảy ra. Vậy thì ngài cho tôi xem lại hồ sơ của tất cả mọi nhân viên trong đại sứ quán, sau đó tôi sẽ phân tích xem liệu có nội gián hay không."

Rất nhanh, các tư liệu đã được chuyển đến cho Johnson. Anh ta tay cầm điếu xì gà, trầm ngâm lật từng trang tư liệu. Lúc này có mấy con ruồi từ cửa sổ bay vào, một con đậu ngay trên mặt Johnson, anh đưa tay đập nhẹ vào con ruồi. Con ruồi bị đập rơi xuống đất, nhưng không chết mà rất nhanh lại bay lên.

Chính lúc con ruồi rơi xuống đất, Johnson với đôi tai nhạy bén đột nhiên phát hiện thấy một âm thanh nhỏ phát ra từ đâu đó. Đó là âm thanh do, thiết bị đo điện tử dùng để thăm dò thiết bị nghe trộm phát ra. Sau sự việc sự xảy ra trong đại sứ quán, thiết bị này luôn được mở để theo dõi, nếu có sóng điện tử của thiết bị nghe trộm, nó sẽ bắt được ngay.

Thiết bị đo điện tử đã phát ra tín hiệu thì nhất định là có thiết bị nghe trộm. Johnson đứng dậy khỏi ghế. Qủa nhiên thiết bị đo điện tử có cảnh báo, nhưng chỉ hiển thị một lúc rồi lại tắt ngay. Johnson liền chạy ngay ra ngoài gọi viên Đại sứ: "Đại sứ, ngài đến đây mau, trong phòng có thiết bị nghe trộm!".

Sau khi thấy thiết bị nghe trộm nhấp nháy, viên đại sứ tỏ rõ sự bất lực: "Sóng điện của thiết bị nghe trộm chỉ xuất hiện một lúc rồi lại tắt, vậy chúng ta biết tìm ở đâu?".

Johnson hoàn toàn không chú đến lời của viên đại sứ, anh ta lẩm bẩm nói với mình: "Xem ra, thiết bị nghe trộm này là thiết bị di động, hơn nữa sóng phát ra không mạnh nên thiết bị này có khả năng đang di động?" Johnson nhìn quanh căn phòng, trong phòng hiện nay chỉ có hai người là anh ta và viên đại sứ. Viên đại sứ thì mới từ ngoài vào cho nên ông ta không thể là người mang thiết bị này.

Lúc này, một con nhặng bay vút qua tai của Johnson.

"Nhặng! Chỉ có ruồi nhặng là đang di động! Hãy, mau đóng hết các cửa sổ lại, bắt lấy mấy con ruồi kia!"

Nghe Johnson nói, viên đại sứ ngơ ngác chẳng hiểu gì nhưng vẫn làm theo. Mấy phút sau, con ruồi đầu tiên bị tiêu diệt, Johnson đặt con ruồi vào lòng bàn tay để ra trước ánh sáng quan sát. Con ruồi này không có gì khác so với những con ruồi bình thường. Johnson không tin phán đoán của mình là sai, anh ta đem xác con ruồi lại gần thiết bị đo điện tử, thiết bị này lập tức phát ra tín hiệu.

Vấn đề là ở chỗ chính bản thân con ruồi này! Johnson phấn chấn hẳn lên. Johnson lấy một chiếc kim nhỏ, nhẹ nhàng mổ bụng con ruồi ra, một hạt kim loại nhỏ bằng hạt cát lộ ra trước mắt. Hóa ra là mày! Johnson hô to: "Mọi người đâu! Lại đây bắt gián điệp!"

Sau một cuộc chiến đấu không kém phần nhộn nhịp, tất cả các chú ruồi đều bị tiêu diệt.

Sau khi mổ bụng các con ruồi ra, mọi người đều hết sức kinh ngạc, hóa ra cơ quan đặc vụ của nước nào đó lợi dụng đặc điểm thích vào phòng của ruồi nhặng để cấy thiết bị nghe trộm siêu nhỏ vào bụng chúng rồi tung vào đại sứ quán Anh. Những con ruồi này dù có chết thì những thiết bị nghe trộm vẫn hoạt động bình thường.

Hôm đó, tại Đại sứ quán Anh, một chiến dịch tiêu diệt ruồi được triển khai. Ngày hôm sau, tất cả các cửa lớn và cửa sổ của đại sứ quan đều được lắp rèm che.

Tình báo và chín giây cải trang

Tháng 1 năm 1989, nữ đặc vụ tình báo trung ương Mỹ Barbara Keith đến Moscow để gặp một người Mỹ mang tên Burizate với biệt danh "Chuột đồng". Hai ngày đầu cô chỉ dành thời gian để đi dạo Moscow, ăn mặc nổi bật với chiếc áo màu vàng sáng, chiếc mini juýp màu hồng, tất trắng và đôi giầy gót cao 15 phân, bộ tóc giả màu tím xoã ngang vai và chiếc kính model che nửa mặt. Vì vậy mà nhân viên tình báo theo dõi Barbara Keith đặt cho ả biệt hiệu "nữ hoàng màu sắc". Sau này mới biết rằng cô ta ăn mặc như vậy là để nhanh chóng cắt đuôi nhân viên tình báo Liên Xô và cũng là ám hiệu để Burizate dễ nhận ra.

Vào hôm liên lạc với tên gián điệp "Chuột đồng", Barbara Keith đã chủ động dẫn nhân viên tình báo theo dõi ả đến một nơi có tên "hồ Tĩnh Thuỷ", sau đó bước vào một toà nhà bốn tầng cổ được xây dựng trước Cách mạng. Nhân viên trinh sát lập tức triển khai thành bốn tổ: tổ thứ nhất ở lại xe quay camera những hoạt động của ả, tổ thứ hai vòng qua toà nhà, trấn giữ cửa sau, tổ ba mai phục ở nơi cô ta nhất định sẽ tới là Mianizưtka, tổ thứ tư sẽ bám sát xem cô ta muốn gặp ai.

Tại cửa ra vào của toà nhà, nhân viên trinh sát đụng phải một phụ nữ mặc áo đen có dáng vẻ liễu yếu đào tơ, đầu đội khăn voan đen, tay cầm chuỗi tràng hạt, hai mắt nhìn xuống đất và như đang lầm bầm câu gì đó. Đây đích thực là một nữ tu sĩ. Nhân viên trinh sát nghiêng người để cô đi qua, sau đó tiếp tục chạy lên tầng. Họ đã lật tung mọi ngóc ngách trong toà nhà nhưng đều không thấy tung tích của "nữ hoàng màu sắc". Quỷ tha ma bắt, Barbara Keith đã bốc hơi. Các nhân viên đặc vụ chạy xuống phố, dùng máy bộ đàm hỏi người túc trực ở cửa sau nhưng chỉ nhận được câu trả lời là "không có, không có ai đi ra".

Thật tai hại, họ đã để mất dấu đối tượng. Sau đó, khi xem lại những cảnh đã quay thì đột nhiên phát hiện "nữ hoàng màu sắc" lúc đi vào cửa đã cởi áo ngoài. Chín giây sau, nhân viên trinh sát đi theo vào thì cũng là lúc "nữ tu sĩ" đi ra. Cô ta đã kéo chiếc váy dài xuống, sau đó chạy bộ đến Mianizưtka. Thông qua bộ đàm, tổ ba cho biết đúng là có một người phụ nữ như vậy: "Tôi còn cảm thấy lạ, trời lạnh như vậy mà cô ta chỉ đi một chiếc giầy. Cô ta giơ tay xin đường rồi nhảy lên chiếc xe đang đi tới. Chúng tôi cho rằng cô ta phải phát cóng lên mất, ai dè cô ta ngồi trên xe mà vẫn cười vẫy tay với chúng tôi".

Đã rõ "nữ hoàng màu sắc" đi đâu, nhưng sao cô ta chỉ cần 9 giây mà đã qua mặt được người khác?

Nhân viên trinh sát bước vào trong toà nhà, kiểm tra thùng rác thì phát hiện ở đó có một chiếc áo khoác vàng, đế giày cao gót, bộ tóc giả màu tím và chiếc kính râm đen, còn phát hiện một đoạn dây chun bị đứt, hình như là dùng buộc tóc.

Hai nhân viên trinh sát lập tức tiến hành xem xét đối với những vật dụng này xem Barbara Keith làm thế nào để hoá trang trong thời gian nhanh như vậy. Và đây là trò chơi trong chín giây của ả: "nữ hoàng màu sắc" bước vào toà nhà, sau đó bỏ áo ngoài, tóc giả và kính râm. Dưới bộ tóc giả là chiếc khăn voan đen ả bóc gót giầy được dán sẵn dưới đôi giày da, kéo chiếc váy liền thân xuống, ôm tất cả các vật dụng hoá trang ném vào sọt rác, tất cả chỉ mất đúng chín giây. Điều thú vị là chiếc mini juýp màu hồng chỉ là áo lót trong chiếc váy liền, buộc vào lưng bằng dây chun. Nữ gián điệp chỉ cần kéo đứt sợi dây, chiếc mini juýp lập tức sẽ lật vào bên trong, mà bên ngoài sẽ là chiếc váy liền thân.

Điệp viên đào tẩu

Đối với người phụ trách công tác phản gián của Cục tình báo Trung ương năm 1985 là năm không thuận lợi. Gardner Hathaway người đàn ông 62 tuổi này do không thể giải quyết vấn đề điệp viên tào tẩu Edward Lee Howard nên bị phê bình, ông ta trở thành nhân vật trung tâm cho các cuộc tranh cãi tại Cục tình báo Trung ương.

Năm 1985 là năm bắt đầu trong một bầu không khí rất vui vẻ. Năm đó, Vitaly phó ban 1 Phòng hành động số 1 của KGB đào tẩu khỏi Moscow tìm đến sự "đùm bọc" của Cục tình báo Trung ương. Một quan chức cấp cao KGB đột ngột đào tẩu sang Mỹ từng được xem là minh chứng rõ ràng nhất cho công việc của Hathaway, tiếng tăm của ông ta không ngừng lên cao, đông ta được xem là "ngôi sao may mắn" của Cục tình báo Trung ương.

Là người phụ trách các hoạt động gián điệp ở toàn bộ khu vực Bắc Mĩ gồm Mĩ và Canada của KGB, Vitaly đã cung cấp rất nhiều tin tình báo có giá trị cho Cục tình báo Trung ương và cơ quan tình báo Canada. Để đáp lại, Cục tình báo Trung ương sắp xếp cho ông ta một biệt thự đầy đủ tiện nghi và còn phái vệ sĩ đến bảo vệ. Vitaly còn được mời đến tham dự cuộc họp do cục trưởng cục tình báo Trung ương Casey tổ chức. Tổ chức tình báo Canada ở Toronto còn mời anh ta làm khách, giúp anh ta tìm lại người tình cũ trước đây. Tất cả đều được tiến hành trôi chảy theo sắp xếp cẩn thận của Hathaway.

Không ngờ những tin tình báo của Vitaly cung cấp trái lại lại đem đến bao phiền toái cho Hathaway và Cục tình báo Trung ương. Mỗi tin tình báo giống như một đòn giáng nặng nề khiến Hathaway choáng váng.

Vitaly tiết lộ với Hathaway rằng, KGB đã biết được kế hoạch hành động của Cục tình báo Trung ương ở Liên Xô thông qua một điệp viên thông hiểu nội tình của phòng tình báo Đông Âu và Liên Xô của CIA có biệt hiệu "Robert". Dựa vào đặc điểm về điệp viên KGB do Vitaly cung cấp, Phòng phản gián và phòng tình báo Đông Âu và Liên Xô của CIA lập tức xác định, người này chính là Edward Lee Howard, nguyên điệp viên của Cục tình báo trung ương đã bị khai trừ khỏi cục tình báo ba năm trước đây.

Khi nhận Howard vào làm, Cục tình báo trung ương cho rằng anh ta là một thanh niên thông minh, biết nghe lời và có chí tiến thủ, có tiền đồ phát triển. Howard đã từng làm trong Peace Corps, điều này giúp anh ta có thể thích ứng với hoạt động nằm vùng, chính vì thế anh ta được cử đi huấn luyện chuyên nghiệp về gián điệp nằm vùng tại Đông Âu và Liên Xô.

Trong cả quá trình huấn luyện, các sĩ quan đào tạo gián điệp tại đây phát hiện ra rằng Howard có khả năng ngôn ngữ đặc biệt, có khả năng phân tích chính sách ngoại giao hơn người, nhanh chóng nắm được toàn bộ yêu cầu mà giai đoạn huấn luyện đề ra và trở thành nhân viên gián điệp có năng lực được cử đi thực hiện nhiệm vụ sớm nhất. Sau đó, phòng Đông Âu và Liên Xô đã quyết định phái anh ta đến Liên Xô làm việc.

Tuy nhiên trong lần kiểm tra cuối cùng trước lúc cử đi, Howard bị phát hiện có chút vấn đề. Khi làm ở Peace Corps, anh ta đã từng dùng cần sa, cocain và các loại thuốc phiện khác. Sau này khi đã trở thành một thương gia trẻ tuổi, anh ta vẫn không thể bỏ được những thứ thuốc độc hại đó, trong khi trong đó các quyết định của Cục tình báo trung ương đã nêu rõ không thể cho một người nghiện ngập như anh ta làm gián điệp.

Howard còn là một người nghiện rượu, bởi ở Liên Xô anh ta có sở thích uống Vodka, một loại rượu mạnh của Liên Xô, sở thích này thực sự là một thứ nguy hiểm. Hơn nữa trong mấy lần kiểm tra nói dối gần nhất đã phát hiện, anh ta đã từng có hành vi trộm cắp, thứ mà anh ta đánh cắp lại là những văn kiện bí mật của Cục tình báo trung ương.

Cục Tình báo trung ương buộc phải từ bỏ anh ta. Không chờ tới lúc máy phát hiện nói dối đưa ra kết quả thì toàn bộ Cục tình báo trung ương đã xôn xao, rất nhiều người tỏ thái độ thông cảm với "ngôi sao tương lai"- Howard này. Sự thông cảm này đã gây ảnh hưởng tới Hathaway, ban phản gián hoàn toàn không thể tiến hành những thủ tục trừng phạt cần thiết đối với Howard, mà chỉ khai trừ anh ta khỏi Cục tình báo, trở về với thân phận của một công dân bình thường. Không ai ngờ được rằng, Howard một điệp viên đã nắm rõ nội tình của

Cục tình báo trung ương lại là một gián điệp của KGB, điều này đã gây ra những tổn thất không thể lường trước cho CIA.

Tới lúc này, Cục tình báo trung ương không thể chịu đựng nổi hành vi bán đứng của Howard. Họ đưa việc này trình lên Cục điều tra Liên bang yêu cầu phái người theo dõi Howard. Đối với Howard, sự giám sát của nhân viên Cục điều tra Liên bang chỉ là một trò chơi chẳng khó để đối phó, anh ta dễ dàng thoát khỏi sự giám sát bằng những thủ đoạn học được tại Cục tình báo trung ương, sau đó trốn sang châu Âu. Bắt đầu từ Copenhagen tới Helsinki, rồi từ Frankfurt tới Munich, rồi lại trốn sang Canada và Mỹ La tinh, ở lại đây một thời gian, cuối cùng anh ta chạy sang Vienna rồi tới Hunggary, có người thấy anh ta xuất hiện tại Đại sứ quán Hungary ở Liên Xô. Anh ta rõ ràng là một gián điệp phản bội đang chạy trốn.

Sự phản bội của Howard đã dẫn đến những tổn hại nghiêm trọng cho phòng tình báo Đông Âu - Liên Xô của Cục tình báo trung ương. Anh ta đã biết rất rõ những điệp viên của Mỹ ở Đông Âu và Liên Xô, Cục tình báo trung ương buộc phải thay đổi toàn bộ những điệp viên cũ, thay đổi cách thức hoạt động, cắt liên lạc với tất cả các gián điệp nằm vùng, sau đó họ xây dựng lại mạng lưới gián điệp mới.

Những "đám mây đen" vẫn bao phủ lên đầu Hathaway. Để dẹp gọn những tin truyền thông bất lợi trong báo giới, Hathaway đành dùng biện pháp tiết lộ một số câu chuyện và tình tiết trong nội bộ. Ông ta muốn dùng cách đó để chứng minh với cấp trên và dư luận rằng: Howard không phải là gián điệp phản bội đào tẩu duy nhất. Phía KGB cũng có những điệp viên đào tẩu, mọi người không cần hoang mang tới những chuyện không đáng lo ấy.

Không ngờ rằng hành động bao biện này lại gây ra hậu quả ngày càng nghiêm trọng. Vitaly không những cảm thấy đau đầu với sự truy hỏi mà còn cảm thấy phẫn nộ vì thân phận của mình bị tiết lộ. Cũng giống như Howard, sau khi xuất hiện tại khách sạn Georgetown vào ngày 2 tháng 11, ông ta đột nhiên biến mất không để lại dấu vết gì. Xem ra, KGB và Cục tình báo trung ương thực sự có năng lực đào tạo ra những gián điệp ưu tú có tài biến hóa. Mọi người đều tin rằng Vitaly sau khi rời khỏi KGB ra ngoài mạo hiểm một phen, cuối cùng cũng cảm thấy thế giới bên ngoài hoàn toàn không thích hợp nên đã quay lại môi trường quen thuộc của mình.

Người cần đi đã đi, người vừa mới xuất hiện đột ngột biến mất, những thứ đó không lạ lẫm trong hoạt động gián điệp. Nhưng đối với Hathaway điều đó lại là một tai họa liên quan tới cả tiền đồ và tính mạng của chính bản thân mình.

"Chuột chũi" trong bộ ngoại giao

Chiều tối ngày 20 tháng 1 năm 1983, tại phòng chờ sân bay Oslo của Nauy, một người đàn ông trung niên với dáng người cao to trên tay cần một túi công văn đang đi về hướng phòng kiểm tra hộ chiếu. Đột nhiên hai cảnh sát mặc thường phục từ ngoài ập tới bắt lấy anh ta và nói: "Thưa ngài, ngài đã bị bắt!"

Người đàn ông trung niên thấy vậy, liền hét lên: "Các anh biết tôi là ai! ai cho các anh quyền bắt tôi!"

Hai viên cảnh sát không cần quan tâm đến những lời biên giải của ônh ta, liền khóa tay ông ta lại đưa ra ngoài, họ đi thẳng tới chiếc xe đang chờ sẵn ở ngoài.

Người đàn ông tay bị khóa, sắc mặt trắng bệch, hai tay lên úp lên mặt, không nói một lời nào.

Người trung niên này chính là Trưởng phòng phòng tin tức Bộ ngoại giao Nauy, Ana Taleyhier năm đó 41 tuổi là thành viên phe cánh tả của Công đảng Nauy. Hơn thế nữa anh ta còn là ứng cử viên chức Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nauy. Nhưng rất ít người biết rằng, ông ta còn là điệp viên của Liên Xô, là "Chuột chũi" cài cắm sâu trong Bộ ngoại giao Nauy.

Khi Taleyhier còn trẻ, ông ta đã theo nghề nhà báo, ông thường hay oán hận Nauy thiếu sự thông hiểu về Liên Xô, cuộc sống đời tư của ông ta còn lại rất sa hoa phung phí. KGB đã nhìn thấy hai nhược điểm này, sau nhiều năm quan sát, năm 1976 KGB chính phát triển ông ta thành điệp viên của mình. Taleyhierlúc này không phải là phóng viên nhỏ bé như trước đây nữa mà là thư ký riêng của Bộ trưởng Bộ hải dương Iversen. Do thuận lợi trong công việc nên ông ta có điều kiện cung cấp một lượng lớn tin tức tình báo có giá trị có phía Liên Xô, ví dụ như: Khi Nauy đàm phán với Liên Xô về hiệp đinh đánh bắt cá trên biển Bắc hay đàm phán về khu vực chiến lược và phân định danh giới trên biển Barents, Taleyhierđã đem tất cả những tin tình báo của Nauy liên quan đến những vấn đề này cho Liên Xô, khiến Nauy đã phải chịu thiệt hại lớn khi ký kết hiệp định. Ngoài ra, ông ta còn có thể tiếp xúc được với tin cơ mật quốc phòng của các nước NATO nhất là của Đan Mạch và Thụy Điển, trong đó còn bao gồm cả những chiến lược của Mỹ trong hiệp định đàm phán cắt giảm vũ khí hạt nhân với Liên Xô và bản nghi nhớ buổi hội nghị Bộ trưởng quốc phòng các nước khối NATO, ngoài ra còn có các tin cơ mật về việc cung ứng dầu mỏ, kế hoạch vận chuyển đường biển khẩn cấp khi chiến tranh và các hoạt động ngoại thương của Nauy.

Phía Nauy không hề hay biết gì về chú "chuột đồng" này, ngay từ năm 1977, một nhân viên ngoại giao của nước ngoài tại Nauy đã bị tố cáo làm điệp viên cho Liên Xô, nhưng trước khi bị đem ra xét sử công khai, nhân viên này đã bị chết bất ngờ do bệnh tim. Căn cứ vào các tin tình báo có được, chính phủ Nauy đã trục xuất 4 nhân viên ngoại giao của Liên Xô. Đồng thời, họ còn nghi ngờ có một điệp viên cao cấp của KGB đang làm việc trong Bộ ngoại giao Nauy, nhưng tên tuổi của người ngày là ai thì phía Nauy lại không biết. Sau khi điều tra phân tích, chính phủ Nauy bắt đầu tập trung sự chú ý vào Taleyhier.

Taleyhier những ngày gần đó cảm thấy rất bất an, ông ta sợ mình sẽ bị chính phủ Nauy phát hiện, tiếp đó ông ta tạm dừng các hoạt động giám điệp để tránh những tổn thất không cần thiết.

Chính phủ Nauy không tìm được những gì khác thường về thân phận của Teleiheer, nhưng họ cũng không dừng lại ở đó mà tiếp điều tra sâu hơn về ông ta. Năm 1978, khi Taleyhier đảm nhiệm chức tham tán của đoàn đại biểu Nauy tại Liên Hợp Quốc, phía cảnh sát Nauy đã yêu cầu cơ quan phản gián Mỹ tiến hành giám sát đối với ông ta, phía cảnh sát Mỹ sau đó đã phát hiện, Taleyhier hàng ngày nhân lúc tập thể dục buổi sáng thường tiếp xúc với một nhân viên của KGB trong một công viên, phía cảnh sát Mỹ đã thông báo chuyện này cho phía Nauy. Phía Nauy không áp dụng bất cứ hành động nào ngay đối với ông ta mà tiếp tục để ông ta hoạt động để nắm thêm các chứng cứ rõ ràng.

Trong thời gian này, để làm cho Taleyhier mất cảnh, phía Nauy còn đồng ý để ông ta tới Bộ quốc phòng học tập, tạo cho ông ta có cơ hội tiếp xúc với một số văn bản cơ mật. Sau khóa học tập xong, chính phủ Nauy đã bổ nhiệm ông ta vào chức Trưởng phòng Phòng thông tin Bộ ngoại giao và còn tung tin rằng có thể sẽ bổ nhiệm ông vào chức Bộ trưởng bộ ngoại giao, bên cạnh đó họ cũng tăng cường giám sát đối với ông. Tháng 8 năm 1983, phía Nauy cuối cùng cũng chụp được bức ảnh ông và một điệp viên cao cấp của Liên Xô tại Viena. Năm 1983, Quốc vụ khanh Mỹ Schultz sau khi hội đàm với Bộ trưởng bộ ngoại giao Liên Xô là Gromyko, đã bay đến Nauy để hội đàm Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nauy, phía cảnh sát Nauy cho rằng nội dung buổi đàm phán lần này nhất định là mục tiêu mà Taleyhier muốn có, vì vậy họ đã sắp xếp để ông tiếp xúc với những văn kiện này, đồng thời tăng cường giám sát ông hơn nữa.

Do chính phủ Nauy giấu kín tất cả mọi chuyện nên Taleyhier không hè hay biết gì về việc mình đang bị theo dõi. Khi có được trong tay những văn kiện bí mật này trong lòng ông rất vui sướng, ông đã tìm ngay một cớ gọi là đi công tác Paris, trên thực tế ông ta đến Paris để gặp một lãnh đạo của KGB. Khi chuẩn bị lên máy bay thì cảnh sát Nauy đã xông vào và bắt ông. Lục soát trên người ông, cảnh sát đã tìm thấy các văn kiện đàm phán giữa Bộ trưởng Nauy và Quốc vụ khanh Mỹ.

Sau khi Taleyhier bị bắt, giới chính trị Nauy đều hết sức kinh ngạc, nhưng phía cảnh sát Nauy đã có trong tay rất nhiều bằng chứng rõ ràng, trước những chứng cứ này Taleyhier buộc phải cúi đầu nhận tội. Vậy là chú "Chuột chũi" nằm sâu trong lòng Nauy cuối cùng cũng bị bắt, nhưng theo lời Thủ tướng Nauy lúc đó nói: "Chúng ta đã bị tổn thất quá lớn, nay vẫn còn sớm để tính được những thiệt hại!"

Gián điệp và thông tin tình báo từ trong thùng rác

Đánh cắp thông tin tình báo đã trở thành một công việc không thể thiếu trong những cuộc chiến tranh ngày nay. Trong ấn tượng của mọi người, đa số những điệp viên đều ăn mặc chỉnh tề, tuấn tú từ tốn, cử chỉ cao nhã, hành tung bí hiểm mà linh hoạt, cách thức và quá trình lấy trộm thông tin rất phức tạp nhưng vô cùng hiệu quả. Nhưng người gián điệp trong câu chuyện này lại là một ngoại lệ.

Câu chuyện xảy ra khi nước Đức còn chưa thống nhất. Khi đó, quân đội Mỹ có một kho vũ khí đạn đạo tại Tây Đức, bao gồm tên lửa đạn đạo "Chim ưng"và đạn đạo "Nix". Bí mật của 2 loại đạn đạo này đương nhiên là mục tiêu mà Đông Đức tha thiết muốn có được. Điều quan trọng bây giờ là phải tìm được một điệp viên thích hợp. Và Aham snaider - một công nhân đốt lò trong kho vũ khí là người được Cục an ninh quốc gia Đông Đức lựa chọn.

Snaider có một cô con gái rất xinh đẹp tên là Sandra, là mục tiêu theo đuổi của các binh sĩ Mỹ trong kho vũ khí. Cuối cùng, một binh sĩ trẻ đã cưa đổ Sandra. Làm bố vợ của một tên lính Mỹ, đương nhiên Aham Snaider sẽ càng được tin tưởng, lợi dụng ông ta để ăn cắp thông tin tình báo vừa dễ lại vừa bảo đảm. Cục tình báo Đông Đức đã nhìn ra được điều này và quyết định mua chuộc ông ta phục vụ cho mục đích của mình.

Snaider là một công nhân đốt lò bình thường, và cũng chẳng có bản lĩnh gì hơn người, hơn nữa cũng chưa từng làm gián điệp, không hề có kinh nghiệm gì, tuy nhiên lại nhận được sự tín nhiệm của binh lính Mỹ, nhưng thu thập tình báo hoàn toàn không phải là công việc dễ dàng.

Nhưng người ngốc lại có cách làm riêng của người ngốc. Từ khi nhận làm gián điệp, Snaider hàng ngày ngoài việc làm đúng phận sự của mình là đốt lò, ông ta còn tự nhận thêm công việc quét dọn vệ sinh, đổ rác, vì vậy mà còn thường xuyên nhận được lời khen của các binh lính Mỹ. Tuy nhiên quân sĩ Mỹ không ngờ được rằng, Snaider hàng ngày đều mang tất cả những rác thải về nhà rồi lọc trong đó những tin tình báo có giá trị, sau khi gom được một số lượng nhất định rồi dùng những giấy gói lại giống như một món quà gửi cho phía Đông Đức.

Cách làm này xem ra có vẻ hơi ngu ngốc nhưng lại tuyệt đối an toàn, rất ít khả năng bị người khác phát hiện. Cứ như vậy, trong mười mấy năm, không ai biết được rằng Snaider đã thu lượm những thông tin tình báo quan trọng từ trong sọt rác như " tình hình bố trí binh lực ở Châu Âu theo công ước Bắc Đại Tây Dương", " hoá đơn tiền tồn trong kho vũ khí NATO". Cứ một thông tin tình báo giao cho phía Đông Đức, Snader được nhận 1500 mác Tây Đức.

Một ngày năm 1981, Snaider may mắn thu được 3 văn kiện "tuyệt mật", nội dung của nó có liên quan đến cách bảo dưỡng và bản thuyết minh tên lửa đạn đạo "Chim ưng". Sau khi Đông Đức nhận được văn kiện này, Snaider không chỉ nhận được một món tiền thưởng lớn mà còn được nhà nước Đông Đức trao tặng huân chương.

Quân đội Mỹ và Cục an ninh Tây Đức đã vô cùng kinh ngạc trước việc bị bại lộ một thông tin quân sự tuyệt mật như vậy, nhưng họ vẫn không hề hay biết gì về hành tung của Snaider, vẫn hết sức tin tưởng và tín nhiệm ông.

Sau này, qua việc điều tra trinh sát, Cục an ninh Tây Đức cuối cùng cũng phát hiện ra manh mối và bắt được Snaider. Nhưng tổn thất mà phía Tây Đức phải chịu thì vĩnh viễn không thể bù đắp.

Chú dê thế tội của Nhà Trắng

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 4 năm một lần lại bắt đầu. Tổng thống Nixon đang thực sự mong muốn tái đắc cử nhiệm kỳ 2. Bốn năm qua, ông ta tự cho mình đã có rất nhiều cống hiến cho đất nước, nên chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ của đông đảo cử tri. Để đạt được mục đích này, ông ta đã để thân tín của mình là Michael rời bỏ chức Bộ trưởng Bộ tư pháp tới Washington để thành lập ủy ban tranh cử liên nhiệm.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ thường xuất hiện những bất ngờ, trong thời gian này ứng cử viên đảng dân chủ McGovevrn trong cuộc trưng cầu dân ý đã thể hiện sự ủng hộ nhiều hơn Nixon. Điều này đã khiến Michael và cốt cán của ông ta như ngồi trên đống lửa, họ buộc tìm mọi cách để thay đổi cục diện này. Tất cả những thủ đoạn đều được họ sử dụng để đạt được mục đích này.

Trong ekíp của Michael, có mấy nhân viên là chuyên gia lên kế hoạch cho những âm mưu, họ từng có thời gian dài làm việc tại Cục tình báo trung ương, chuyên lên kế hoạch cho những hành động như nghe trộm, lập trạm thu thập, xâm nhập hòm thư cá nhân, tạo bằng chứng giả. Những người này nghĩ rằng nếu có thể xâm nhập vào văn phòng của ủy ban công tác tranh cử của ứng cử viên McGovevrn, chụp trộn một số văn kiện bí mật, lắp đặt thiết bị nghe trộm thì nhất định biết được chiến lược tranh cử và kế hoạch hoạt động của Đảng đối lập, lúc đó có thể chiếm được lợi thế trước đối thủ trong chiến dịch tranh cử.

Còn nhớ, khi Michael vừa nhậm chức Bộ trưởng Bộ tư pháp, ông ta luôn đặt sự thống trị của Đảng dân chủ mà ông ta cần bảo vệ ra ra một bên, bật đèn xanh cho những hành vi phạm pháp. Ông ta đã để Hunter và McDermott tới ngân khố quốc gia lấy đi 65 nghìn đô la để thực hiện những hành động ông ta cần tại khách sạn Watergate.

McDermott đã chiêu mộ được Baldwin từ ủy ban nhiệm vụ đặc biệt, cho ông ta thuê một phòng tại một khách sạn đối diện với khách sạn Watergate, nơi đặt trụ sở của Đảng dân chủ, sau đó nối lại các mối quan hệ cũ trong Cục tình báo để có được các thiết bị nghe trộm. Hunter đã từng tham gia vào sự kiện vịnh con lợn, hắn ta mời thêm 3 tên đặc vụ người Cu Ba quốc tịch Mỹ, sau đó tất cả 5 người bắt đầu đột nhập vào khách sạn Watergate để thực hiện các hoạt động nghe trộm.

Không biết có phải là do không may hay là do những điệp viên lão làng này vẫn còn lạ lẫm đối những nghiệp vụ quen thuộc của mình, họ đã nhiều lần đột nhập vào khách sạn Watergate và hoàn thiện việc cài đặt thiết bị nghe trộm. Nhưng những thiết bị này lại không hoạt động được, tất cả những băng ghi âm về 200 cuộc điện thoại chẳng có giá trị gì, vậy là bao nhiêu tiền của đều mất trắng.

Đến hôm thứ 7, McDermott cảm thấy cơ hội đã đến, thứ 7 thực sự là cơ hội tốt để xâm nhập sao chép các văn kiện nên hắn ta liền quyết định đột nhập vào văn phòng tranh cử của Đảng dân chủ một lần nữa, tiện thể kiểm tra lại các thiết bị nghe trộm không hoạt động. Hành động của họ bắt từ nửa đêm, mọi thứ đều thuận lợi. Nhưng đến 3 giờ sáng, một bảo vệ trực đêm của khách sạn tên là Wilson trong khi đi kiểm tra đã phát hiện cánh cửa kho ô tô nhiều lớp đã bị mở trộm, trên khóa còn dính lớp băng dán, như vậy là có kẻ trộm đang ở trong khách sạn. Anh ta liền gọi điện báo cho cảnh sát.

Một lúc sau cảnh sát ập tới, tại tầng 6 trụ sở tranh cử Đảng dân chủ đã phát hiện bốn "tên trộm" đang hành nghề trên tay vẫn còn đang đeo gang, sau đó họ tìm thấy tiếp Baldwin bên sách sạn đối diện. Cả "5 tên tội phạm" này đã tạo nên "Sự kiện Watergate" chấn động cả nước Mỹ.

Ngày hôm sau, tờ "Washington Post" đã cho đăng tin: "Nguyên nhân viên Cục tình báo trung ương McDermott cùng bốn người khác sáng sớm nay đã bị bắt vì tội đột nhập vào trụ sở tranh cử của Đảng dân chủ tại khách sạn Watergate, tất cả những nhân vật này đều có quan hệ với các quan chức an minh của ủy ban tranh cử của Tổng thống Nixon.

Sự kiện Watergate vừa được đăng lên báo đã lập tức gây chấn động cả nước Mỹ. Giám đốc Cục tình báo trung ương Mỹ lúc đó là Holmes nghe thấy tin này, lập tức cảnh giác. Ông ta biết, một khi đã xảy ra chuyện, chính phủ nhất định sẽ tìm một con dê thế tội và Cục tình báo trung ương rất có khả năng sẽ trở thành chú dê này. Nhưng Holmes hoàn toàn không muốn vì chuyện này mà phải rời chức giám đốc của mình, để có được vị trí ngày hôm nay đối với ông ta quả thực không phải chuyện dễ ràng. Vì vậy trong cuộc họp toàn cơ quan ông ta tuyên bố thẳng: "Không ai được phép tự động làm bất cứ việc, càng tránh xa sự kiện này càng tốt."

Nhưng, Tổng thống lại muốn Holmes trở thành cho dê thế tội cho Nhà Trắng, ép ông ta tự cho mình đột nhập vào văn phòng của Đảng đối lập. Cách giải thích tốt nhất cho hành vi phi pháp này chỉ có thể là "Vì an ninh quốc gia", trong khi đó người có thể thực hiện các hành vi phi pháp vì "an ninh quốc gia" lại chỉ có Cục tình báo trung ương. Chỉ cần Holmes gật đầu, Cục điều tra liên bang chịu trách nhiệm diều tra vụ án này sẽ làm qua cho xong chuyện. Nhưng giám đốc Cục tình báo trung ương trong quá trình điều tra liên quan đến cơ quan mình đã phủ định các tin tức về việc Cục tình báo đã tham gia vào sự kiện Watergate.

Nixon hết sức tức giận trước thái độ cứng đầu của Holmes. Sau đó dưới sức ép từ nhiều phía, Holmes buộc phải thừa nhận rằng cấp dưới của mình đã cung cấp các thiết bị nghe trộm. Như vậy tội lỗi của sự kiện này không chỉ đổ lên đầu Holmes mà việc thừa nhận của ông ta đã giúp Nixon tránh được tội và tái đắc cử nhiệm kỳ 2.

Nhưng khi Nixon buộc Holmes từ chức Giám đốc cục tình báo và điều tới Iran làm đại sứ thì McDermott lúc đó đang ngồi trong nhà giam chờ ngày xét xử lại không thể chập nhận được sự đối xử bất công của Nhà trắng đối với Cục tình báo trung ương, ông ta đã viết liền 7 lá thư nặc danh tiết lộ sự thật về sự kiện Wategates.

Chuyện này đã khiến những người liên quan đến sự kiện này không thể thay đổi được tình hình. Sau khi những bức thư nặc danh được công bố, tại sân bay Chicago đã xảy ra một vụ không nạn, trong số những người bị nạn có vợ của Hunter. Những nhân viên điều tra về vụ không nạn đã phát hiện trong túi của bà Hunter có đến 10 nghìn đô la tiền mặt. Ông Hunter từng không có đủ đến 200 nghìn đô la để mua cổ phần của một công ty quảng cáo ở Washington thì nay vợ của ông ta làm sao có một số tiền mặt lớn như vậy? Hơn nữa toàn bộ số tiền trong đó đều là tờ 100 UDS, nó hoàn toàn giống với số tiền thu được trên 5 người đã tham gia vụ Watergate, điều này rõ ràng có mối liên hệ. Những khoản tiền này rõ ràng là thù lao cho việc làm những bằng chứng giả của Hunter.

Tờ "Washington Post" một lần nữa làm khuấy động làn sóng tin tức về sự kiện này, tất cả các tin tức đều chĩa mũi nhọn vào đương kim

Tổng thống Nixon, người đã che đậy toàn bộ sự thật chính là ông ta, cho nên người phải chịu toàn bộ trách nhiệm về sự kiện Watergate phải là ông ta. Sau đó một phiên điều trần Tổng thống đã diễn ra, ngày 8 tháng 8 năm 1974 Nixon buộc phải lên truyền hình tuyên bố từ chức.

Sự thật về vụ án gián điệp Moore

George Bush vừa từ Phòng liên lạc ở Bắc Kinh trở về Mỹ, liền được bổ nhiệm vào chức Giám đốc Cục tình báo trung ương (CIA). Lúc này Cục tình báo trung ương đang trong những ngày khó khăn nhất kể từ mấy chục năm trở lại đây, trong thời gian chưa đầy 1 năm ông Bush đã bị 51 lần triệu vào Quốc hội để trả lời những câu hỏi mà các thượng nghị sĩ trong buổi nghe chứng cứ nêu ra. Ông ta thực sự đã phải chịu rất nhiều áp lực từ phía Quốc hội và giới báo chí. Vì sao ông Bush lại gặp những rắc rối này? điều gì khiến ông ta phải điên đầu nhất? Mọi chuyện bắt đầu từ vụ án gián điệp Jimmy Moore.

Moore từng là một nhân viên của Cục tình báo trung ương, điệp viên này là một anh tràng đầy mưu mô. Trong những ngày tháng làm việc tại Cục tình báo trung ương, anh ta đã sao chép lại tất cả những văn kiện tuyệt mật mà qua tay anh ta và coi đó là phần bảo hiểm cho cuộc sống sau này khi rời khỏi Cục tình báo.

Nhưng trong công việc anh đã không đáp ứng được yêu cầu của cấp trên, trong những ngày tháng ảm đạm sau sự kiện Wategates, Cục tình báo trung ương đã cắt giảm một lượng lớn nhân viên và Moore đã nằm trong danh sách đó. Mất việc, Moore vẫn cố gắng kiên trì vật lộn với cuộc sống một thời gian. Nhưng sau 3 năm, anh ta vẫn không thể nào lấy lại những ngày tháng thảo mãi, muốn gì được ấy như trước kia, nên bắt đầu sinh ra tâm lý tiêu cực. Thời gian đã khiến anh ta không thể nào kiên nhẫn được thêm, anh ta đã đánh liệu một canh bạc lớn nhất và cũng là mạo hiểu nhất trong cuộc đời mình.

Đó là khoảng 11 giờ tối ngày 21 tháng 12 năm 1976, khi mà giáng sinh đang đến gần. Đại sứ quán Liên Xô ở Washington đang chuẩn bị ngày tết lớn nhất trong năm này. Sau một hồi tiếng xe máy gầm rú, nhân viên cảnh vệ của đại sứ quán nghe thấy một âm thanh gì đó trong vườn, đó là âm thanh từ cái túi nhỏ mà người đi xe máy ném từ vào.

Không ai đoán được rằng, một vị khách không mời nào đó lại đến tặng "quà" cho Đại sứ quán Liên Xô ngay trước giáng sinh. Nước Mỹ là nơi không thể đoán trước được mọi chuyện, nơi đầy bạo lực và rất nhiều các phần tử cánh hữu, họ chắc sẽ không tặng một thứ gì tốt đẹp cho một đất nước mà họ coi là không cùng phe với mình. Hơn nữa chủ nghĩa khủng bố khi đó cũng rát xảo trá, thủ đoạn của chúng càng ngày tinh vi, nếu trong cái túi kia là một của bom tính cao, nó có thể bốc tung cả đại sứ quán lên trời. Nếu chuyện như vậy mà xảy ra, sẽ đẩy cả hai cường quốc đứng trước bờ vực thẳm của một cuộc chiến tranh.

Nghĩ vậy, viên cảnh vệ lập tức gọi điện báo cho các chuyên gia chống khủng bố và đơn vị đặc nhiệm của Mỹ. Các chuyên gia của Mỹ đem đến rất nhiều các thiết bị đo đạc tiên tiến. Sau một hồi kiểm tra, cuối cùng họ cũng phát hiện, trong bọc chẳng có bom cũng chẳng có thuốc nổ nào cả. Tất cả thở phào nhẹ nhõm, nhân viên đặc nhiệm tiến đến mở chiếc túi ra. Nhưng khi chiếc túi được mở ra, những nhân viên đặc nhiệm còn sợ hãi hơn cả nhìn thấy bom. Trong bọc là một số văn kiện tuyệt mật của Cục tình báo trung ương, ngoài ra còn có một mảng giấy được đánh máy ghi rõ: "Các ngài nhất định sẽ nhận ra những văn kiện này là thực hay giả cũng như biết được giá trị của nó. Nếu có hứng thú, hãy đem 200 nghìn đô la tới công viên gần trạm điện thoại số 387 phố 16, tôi sẽ giao cho các bạn những văn kiện cần thiết. Từ 3 giờ đến 6 giờ chiều mai, tôi sẽ đợi ở công viên. Đừng bỏ lỡ cơ hội."

Những nhân viên đặc nhiệm kiểm tra bom đến từ Cục điều tra liên bang. Vì vậy vụ án liền được đưa về Cục điều tra liên bang, Cục điều tra liên bang nhanh chóng triển khai một mạng lưới vây bắt. 4h30 chiều hôm sau, một chiếc ô tô không nhãn mác như đã hẹn đến trước phố 16, khi đi qua khu vực công viên gần trạm điện thoại số 387, chiếc ô tô từ từ hạ cửa kính, một chiếc túi du lịch được ném từ trong xe ra giữa vườn cỏ.

Một đứa trẻ chơi gần đó phát hiện ra chiếc túi trước, liến chạy đến mở ra xem. Lúc này, Moore đang đóng giả là một nhân viên cắt cỏ mới xông đến cướp chiếc túi từ trong tay đứa trẻ. Đứa trẻ bị lôi ngã nhào xuống đất, khóc òa lên. Moore đang định cầm chiếc túi rời khỏi công viên thì những nhân viên của Cục điều tra liên bang mai phục quanh đó lập tức ập đến bắt anh ta.

Thân phận của Moore cuối cùng cũng được làm rõ. Theo như thỏa thuận ngầm giữa Cục điều tra liên bang và Cục tình báo trung ương, bất cứ vụ án nào liên quan giữa hai cục sẽ được trao trả lại cho bên liên quan, vì vậy Moore đã được trao trả về cho Cục tình báo trung ương.

Lúc này, Bộ tư pháp bắt đầu sờ đến vụ án này. Họ vốn đã có bất đồng với Cục tình báo trung ương, nên muốn nhân vụ này tạo uy thế

trước Cục tình báo trung ương. Dưới sức ép của Bộ tư pháp, cuối cùng Moore cũng được giao cho Bộ tư pháp phán quyết, nhưng Bộ tư pháp không thể toàn quyền xử lý sự việc. Vậy là hai ngành lớn của Mỹ bắt một cuộc tranh cãi xung quanh vụ án gián điệp Moore.

Bộ tư pháp cho rằng, nếu lập hồ sơ vụ án thì Cục tình báo trung ương phải cung cấp những văn kiện có liên quan. Nhưng Cục tình báo trung ương lại cho rằng, không thể đem toàn bộ bí mật ra làm bằng chứng. Nếu những văn kiện này được đem ra làm bằng chứng trong một phiên toàn công khai thì những bí mật trong đó sẽ bị lộ hết, và như vậy nước Mỹ sẽ phải chịu một tổn thất rất lớn.

Cuộc tranh cãi xung quanh vấn đề này giữa Bộ trưởng Bộ tư pháp Levi và Bush cha đã đi đến đỉnh điểm. Ông Bush kiên quyết không công khai bí mật, trong khi Bộ trưởng tư pháp Levi lại ra sức chỉ trích rằng, Cục tình báo trung ương đang che đậy một vụ bê bối giống "sự kiện Watergates".

Câu nói này thực sự đã làm tổn thương đến lòng tự trọng của Bush cha, Bush cha vốn đã mối quan hệ rất tốt với Tổng thống Nixon, ông ta thực sự không thể chấp nhận được những lời vu khống của báo giới và các nghị sĩ quốc hội.

Cuộc tranh cãi giữa hai người cuối cùng cũng truyền đến Văn phòng Nhà Trắng, lần này Tổng thống Nixon đã không bênh vực Bộ tư pháp. Vụi án Moore đã kết thúc trong tình trạng hoàn toàn không có bằng chứng. Moore bị kết tội làm gián điệp và phải ngồi tù 25 năm.

Cục tình báo trung ương trúng kế

Vào đầu những năm 70 khi mà cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô đang ở cao trào, hai cơ quan gián điệp lớn nhất thế giới là Cục tình báo trung ương (CIA) của Mỹ và KGB của Liên Xô đã triển khai cuộc chiến tình báo ở khắp nơi trên thế giới, tăng cường thu thập các tin cơ mật của nhau. Mức độ kịch liện của cuộc chiến không kém bất cứ cuộc chiến công khai nào.

Trong cuộc chiến này, việc mua chuộc điệp viên của đối phương làm việc cho mình là phần hấp dẫn và kịch liện nhất. Cả CIA và KGB đều chiêu mộ các điệp viên, tất cả các điệp viên của đối phương dù ở bất cứ vị trí nào đều được họ chiêu mộ. Vì họ biết được những tin cơ mật của nội bộ và có cơ hội để trao lại các tin cơ mật này, hơn nữa còn có thể dựa vào họ để tung các tin tình báo giả cho đối phương khiến họ bị mắc lừa.

Ngoài ra, các điệp viên hai mang cũng là phần ưa thích của cả hai bên. Ví dụ như: tại Đại sứ quan Liên Xô ở Washington có rất nhiều điệp viên của KGB với thân phận là quan chức ngoại giao, họ đương nhiên là đối tượng để CIA tìm cách chiêu mộ.

Đầu những năm 70 của thế kỷ trước, khi mà Cục tình báo trung ương đang phải siêu điêu vì sự kiện Watergate, uy tín của họ giảm sút nghiêm trọng. KGB nhân lúc này tạo thêm cho CIA chút phiền phức.

Khi mà giới lãnh đạo cấp cao trong Cục tình báo trung ương đang đấu đá nhau để giành quyền lực thì những đặc vụ cấp dưới vẫn làm việc theo quy định cũ. Đặc vụ Welster và đồng nghiệp của mình là Katerny đang cố giữ liên lạc với một điệp viên của KGB tên là Sergei tại đại sứ quán Liên Xô. Mục đích của họ đương nhiên là muốn mua chuộc điệp viên này, nhưng điệp viên người Nga này lại nửa từ trối nửa không từ trối Welster, đang phân vân trước ngã ba đường. Welster đương nhiên là biết, đưa ra một lựa chọn là điều rất khó, cũng không thể thúc giục được, chỉ còn cách chờ đợi cơ hội để anh ta tự đến.

Ngay Welster không ngờ rằng, một buổi chiều Sergey gọi điện đến hẹn gặp anh ta tại một quán rượu nằm ở ngoại ô Washington, nghe khẩu khí của anh ta, chắc là có chuyện quan trọng cần thương lượng. Welster cùng Katerny thương lượng một lúc, và cho rằng điệp viên KGB này đã động lòng, công lao của mình bao lâu nay giờ đã có được kết quả nên cả hai đều rất vui sướng, lập tức đến đại điểm hẹn.

Quán rượu tuy nằm ở ngoại ô, nhưng lại là nơi rất náo nhiệt, đây là nơi rất phức tạp, thường xuyên xảy ra trừ khử của xã hội đen, vì vậy lực lượng cảnh sát rất yếu. Nhưng Welster là nhân viên của Cục tình báo nên cũng không quan trọng, vì vậy anh ta không cần xin lệnh của cấp trên mà lập tức cùng Katerny lên đường.

Khi đến quá rượu, Welster đã thấy Sergey đang đứng ở cửa đợi, cả hai tiến vào cửa, Sergey bước đến nhiệt tình bắt tay cả hai người, Welster trong lòng thầm nghĩ: "Được! Con cá của mình đã cắn câu, hôm nay có trò để xem đây!"

Để lôi kéo được Sergey, Welster lập tức kiến nghị, tìm một nơi nào đó yên tĩnh hơn để bàn chuyện. Sergey lập tức đồng ý, tiếp đó cả ba người cùng tới một quá rượu khác gần đó. Welster gọi thức ăn và rượu tới, hai bên nói chuyện rất vui vẻ như thể những người bạn cũ gặp nhau. Thái độ của hai bên đều rất thân thiết, nói chuyện rất ăn ý.

Sau vài chén rượu, Welster bắt đầu tỏ thái độ quan tâm đến Sergey, anh ta lúc thì quan tâm đến thu nhập và gia đình của Sergey, lúc thì đồng tình với hoàn cảnh khó khăn của Sergey, anh ta tỏ ra hiểu hết những gì về Sergey, nhưng trăm câu nói kết lại chỉ một câu, anh ta khéo léo lôi kéo Sergey từ bỏ hoàn cảnh ái ngại trước mắt, tìm đến một tương lai tươi sáng hơn.

Sergey chỉ cười, vừa nghe và gật đầu trước những lời đường mật của Welster, thỉnh thoảng lại uống rượu. Tửu lượng của Sergey rất cao, uống bao nhiêu rượu rồi mà mặt vẫn không biến sắc. Còn Welster rượu đã uống đủ, những điều cần nói cũng đã nói hết. Lúc này anh ta mượn rượu công khai đưa ra lời đề nghị với Sergey, chỉ cần Sergey đề nghị xin tị nạn chính trị ở Mỹ thì anh ta nhất định sẽ tìm giúp cho anh ta một công việc tốt hơn rất nhiều bây giờ, đến lúc đó có thể nhận được quốc tịch Mỹ.

Không ngờ Welster vừa dứt lời, sắc mặt Sergey lập tức thay đổi, anh ta tỏ ra rất tức giận, đập bàn đạp ghế, sau đó đưa tay giáng thẳng vào mặt Welster một cú, Sau cú đấm Welster cảm thấy như chuáng váng, miệng bắt đầu chảy máu.

Quán rượu tức khắc trở lên hỗn loạn, khách hàng vừa kêu gào vừa lẩn trốn. Welster và Katerny thấy Sergey như vậy, cả hai định xông vào không chế anh ta. Nhưng không ngờ Sergey là một tay cao thủ võ thuật, anh ta rất giỏi judo, vì vậy không khó khăn gì để hạ cả hai. Sergey trông giống như một chú gấu bắc cực đang tức giận, không cần để ý những lời cầu xin của Welster, cứ thẳng tay ra đòn xuống cả hai.

Tiếp viên của quán rượu thấy vậy liền gọi tới đồn cảnh sát, một lúc sau cảnh sát có mặt, Sergey lúc này mới nói rõ thân phận mình là nhân viên ngoại giao có quyền miễn trừ. Cảnh sát phải khuyên anh ta một hồi lâu, anh ta mới đồng ý gọi điện thoại về đại sứ quán Liên Xô, sau đó đến trạm cảnh sát để làm rõ sự việc.

Hôm sau, công dân Mỹ đều biết về vụ tai tiếng này. Chính phủ Liên Xô cũng chính thức đưa ra những lời phản đối, lên án CIA đã mua chuộc nhân viên ngoại giao của Liên Xô. Những phương tiện truyền thông vốn đã không ưa gì CIA cũng nhân dịp này thi nhau làm rùng beng lên, CIA lại một lần nữa trở thành mũi công kích của báo chí.

CIA vốn đã lao đao về vụ "Watergate" nay lại phải nhận thêm vụ tai tiếng này nữa, thật đúng là đổ thêm dầu vào lửa. Còn hai đặc vụ không biết thời thế của họ tự nhiên lại trở thành trò đùa của điệp viên KGB.

Sự phá sản của kế hoạch"Glonar"

Vào những năm 70 của thế kỷ trước, cuộc chiến gián điệp và chống gián điệp đã phát triển từ đất liền và trên biển lên đến tận không gian, phát triển từ tình báo sơ khai lên trinh sát cảm ứng kĩ thuật cao. Sự hiện diện của Cục tình báo trung ương và Uỷ ban An ninh quốc gia (KGB) có ở mọi nơi, mọi lúc. Họ bằng các biện pháp trinh sát từng người, từng quốc gia. Lúc này Cục tình báo trung ương Mỹ bắt đầu nhòm ngó tới vùng biển sâu nơi con người khó có thể lui tới, nơi đây là khu vực tranh chấp giữa tàu ngầm mang hạt nhân của hai siêu cường quốc Mỹ và Liên Xô.

Sau khi hai siêu cường quốc có trong tay vũ khí giết người hàng loại, điều họ lo lắng nhất chính vẫn là bị đối phương đánh đòn phủ đầu. Tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân chính là một trong những vũ khí có thể thực hiện nhiệm vụ như vậy, nó lặng lẽ phục kích dưới biển, bất ngờ phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân chiến lược khiến đối phương không thể ngăn chặn. Chính vì thế, cả hai bên đều phải hiểu rõ cách thức hoạt động của tàu ngầm đối phương để đảm bảo an toàn cho mình.

Để dò ra bí mật tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân của Liên Xô, Cục tình báo trung ương đã vạch ra một kế hoạch mang tên "Glonar", đây là kế hoạch hoạt động gián điệp dưới vỏ bọc là hoạt động thương mại. Con tàu mang biệt hiệu "nhà thám hiểm Glonar" là một con tàu thực nghiệm chuyên khai thác khoán sản Uran dưới, nó được chế tạo và hoạt động dưới cái tên công ty Sana của Howard Hughes. Sau khi được sự cho phép chế tạo và thông qua kiểm tra hợp pháp, ngay lập tức nó được đưa đến vùng biển Thái Bình Dương để hoạt động. Các công ty khoáng sản đều cho rằng đây là một hoạt động thương mại quá mạo hiểm. Tuy nguồn khoáng sản hạt nhân rất hiếm, nhưng việc khai thác khối khoáng sản hạt nhân đông kết dưới đáy biển sâu sẽ khiến giác thành của nó lên rất cao, nhiều công ty cùng nghành đang cười nhạo hoạt động kỳ lại của công ty Sana.

Tuy nhiên ông Howard Hughes dường như đã quyết tâm, con tàu khai thác khoáng sản mang tên "nhà thám hiểm Glonar" của ông đã chờ đợi trên vùng biển Thái Bình Dương đã một năm nay. Những con thuyền khác chỉ thường chạy ngang qua sườn nó mà không phát hiện ra được vai trò hữu ích của nó là gì, thậm chí có con tàu tác nghiệp còn rất tò mò, nó thậm chí còn lượn vòng quanh tàu "Glonar", quan sát một lượt tỉ mỉ từ cự li gần nhưng cũng chỉ trông thấy những người công nhân trên tàu đang tất bật với công việc mà hoàn toàn không thể phát hiện ra có điểm đáng ngờ gì về nó. Sau đó, mọi người cuối cùng cũng đã dần lãng quên con tàu.

Thực ra, công việc mà con tàu mang tên "nhà thám hiểm Glonar" đang làm chỉ là một công việc mang tính chất "treo đầu dê bán thịt chó", mục đích chính của con tàu hoàn toàn không phải để tìm kiếm những thứ gì dưới đáy biển mà nó đang lắp một thiết bị dưới đáy biển. Qua một năm "thực nghiệm", kết quả mà nó thu được quả không tồi, các nhân viên kĩ thuật trên tàu đã báo cáo rõ với Cục tình báo trung ương, họ đã bước đầu nắm rõ các thao tác kĩ thuật tại những khu vực nước sâu dưới đáy biển và họ đã đang tiến hành thử lắp đặt một thiết bị thăm dò lâu dài. Nếu con tàu có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của nó thì dù là bất cứ một thiết bị máy móc trên biển nào đi qua phạm vi thăm dò của con tàu đều sẽ bị ghi lại hình ảnh và thông số kĩ thuật, khu vực biển chung sẽ trở thành "khu vườn sau" của nước Mĩ.

Nhưng một sự việc bất ngờ xảy ra đã phá hỏng hoàn toàn kế hoạch thử nghiệm này. Một buổi tối tháng 6 năm đó tại Los Angeles, công ty Sama của Hughes bị một người không rõ thân phận đột nhập. Hắn đã cuỗm đi tất cả tiền mặt, một số đồ thủ công mỹ nghệ và 4 hòm văn kiện.

Trong số những văn kiện giấy tờ đó có một bản ghi nhớ do một quan chức cao cấp của công ty Sana gửi cho Hughes. Tuy ghi nhớ này chỉ có một trang nhưng đã khái quát rõ ràng về kế hoạch "Glonar" mà Cục tình báo trung ương liên kết cùng thực hiện với công ty Sana. Sự mất tích của bản văn kiện này ngay lập tức đã làm kinh động tới trụ sở Langley.

Cục Tình báo Trung ương ngay lập tức đã đem sự tình báo cáo lên một số ít những người đứng đầu của Cục điều tra Liên bang yêu cầu đặc vụ của họ và cảnh sát Los Angeles điều tra vụ trộm cướp này và đặc biệt chú trọng vào việc tìm kiếm lại bản ghi nhớ đó, nhưng sau khi tìm ra không được đưa tin để tránh khỏi việc cơ mật quốc gia bị tiết lộ.

Việc điều tra âm thầm được diễn ra. Lúc mới đầu Cục Điều tra Liên bang và cảnh sát LosAngeles đã không đề cập đến vụ trộm, họ cũng không tìm lại được giấy tờ bị đánh cắp nhưng họ vẫn không mắc sai sót gì. Tuy nhiên, không hiểu vì sao mà hai phóng viên của "Thời báo LosAngeles" lại biết được vụ đánh cắp giấy tờ ở Công ty Sama của Hughes lại có liên quan đến Cục Tình báo trung ương, nhân viên mật vụ của Cục Điều tra Liên bang hiện đang gấp rút tiến hành điều tra. Các phóng viên đã đăng tải tin tức này trên tờ báo của họ.

Không ai biết người nào đã nghĩ ra biện pháp này, liệu có phải họ đang thực hiện kế "dụ rắn rời hang". Sau nửa tháng tin tức được đăng trên báo, Cục Điều tra Liên bang đột ngột nhận được một cuộc điện thoại nặc danh, trong điện thoại hắn nói rằng mình là một người trung gian, hắn sẵn sàng thay Cục Điều tra Liên bang tìm lại bản văn kiện bị mất đó, chỉ cần chính phủ chịu trả cho hắn một khoản tiền tương xứng sẽ có thể mua lại văn bản đó, sau đó hắn hẹn rõ địa điểm, thời gian cho cuộc đàm phán bước kế tiếp với Cục Điều tra Liên bang.

Trong khoảng thời gian định trước, Cục Điều tra Liên bang đã phái người đến địa điểm đã định. Nhưng người trung gian lại không đến, chẳng ai biết rõ hắn đã đổi ý hay có âm mưu gì khác.

Nhưng hai phóng viên săn tin nhạy bén quyết không từ bỏ việc điều tra. Đến đầu năm sau họ đã đưa ra kết luận điều tra của mình và đăng trên tờ "Thời báo Los Angeles" với tiêu mục "Việc mua bán bí mật của Cục Tình báo Trung ương, công ty của Hughes được mời tìm kiếm tàu ngầm của Liên Xô".

Trước khi báo được phát hành, Cục Tình báo Trung ương đã nắm được tin tức này, họ phái người nhanh chóng đến Nhà xuất bản, gây áp lực lên Ban Biên tập. Ban Biên tập vội vàng rời bản tin xuống trang 18. Nhưng loạt báo đem in ấn đầu tiên đã hoàn tất. Ngày hôm đó "Thời báo Los Angeles" có hai bản báo khác nhau.

Dưới sức ép của Cục Tình báo Trung ương, Ban Biên tập ra lệnh cho hai phóng viên đó dừng việc điều tra, bắt họ cam kết sau này không cho đăng những bài tương tự. Bí mật về tàu "Nhà thám hiểm Gln ar" dường như vẫn không bị tiết lộ. Do bài báo của hai phóng viên trên không tỏ rõ sự khôn khéo, nội dung trong bài được viết theo tưởng tượng chủ quan quá nhiều, nhiều nội dung có vẻ quá hoang đường. Ví dụ như khu vực hoạt động của tầu ngầm mang tên "Nhà thám hiểm Glonar", tác giả lại viết thành Đại Tây Dương chứ không phải Thái Bình Dương, những độc giả tinh mắt tuyệt đối sẽ không tin vào chuyện bịa đặt của họ.

Tuy nhiên những người cùng ngành rõ ràng ai cũng biết mục đích chính trong hoạt động của con tàu mang tên "Nhà thám hiểm" này. Đặc biệt là KGB, đối thủ của CIA sẽ không thể không chú ý tới tin tức này. Con tàu "Nhà thám hiểm Glonar" buộc phải dừng việc "thực nghiệm" của nó. Làm như vậy vừa có thể ứng phó với việc điều tra của các nhà chức trách, vừa có thể làm mù mờ KGB.

Nhưng Cục Tình báo trung ương liệu có từ bỏ kế hoạch tiến hành lắp đặt máy móc giám sát dưới đáy biển? Chẳng ai biết rõ. Nếu họ dùng hải quân để tiếp tục cuộc thử nghiệm, cho dù có thêm vài đợt đánh cắp, vài phóng viên nữa cũng chẳng thể làm bí mật này bị tiết lộ ra ngoài.

Cuộc chiến tranh giành Bắc Cực

Thời kỳ chiến tranh lạnh, Mỹ và Liên Xô cùng triển khai các cuộc chiến tranh giành quyết liệt khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên điều khiến người ta không thể tưởng tượng đến chính là mức độ quyết liệt của cuộc chiến tranh giành Bắc Cực. Cuộc chiến tại chiến trường này nóng bỏng hơn tất cả các chiến trường khác. Vậy mục đích của cuộc chiến này là gì?

Phát triển vũ khí hạt nhân là một nguyên nhân quan trọng khiến Bắc Cực trở thành điểm nóng của cuộc tranh giành giữa Mỹ và Liên Xô.

Để tấn công đối phương được nhanh hơn, hiệu quả hơn, hai bên Mỹ và Liên Xô đều hết sức coi trọng phát triển tên lửa hạt nhân chiến lược. Lúc đầu do tầm bắn của tên lửa tương đối ngắn, trận địa phóng tên lửa đều phải gần lãnh thổ của đối phương. Trong khi đó Bắc Cực lại là nơi gần cả hai nước Liên Xô và Mỹ, vì vậy hai bên đều tăng cường bố trí các căn cứ phóng tên lửa đạn đạo vượt đại châu dọc theo bờ biển Bắc Băng Dương, và không lâu sau Bắc cực đã trở thành khu vực có mật độ tên lửa vượt đại châu dày nhất trên thế giới.

Khi mà các bệ phóng tên lửa di động được xây dựng ồ ạt thì hệ thống phóng tên lửa cơ động trên tàu chiến và trên máy bay cũng ra đời. Nhưng sự ra đời của phương thức phóng tên lửa hạt nhân kiểu mới cũng không thể làm thay đổi vị trí chiến lược của Bắc cực. Vì tầm bắn của tên lửa được phóng lên từ tàu ngầm hạt nhân của Mỹ và Liên Xô lúc đầu chỉ có 4000 km, sau những năm 80 của thế kỷ trước mới đạt trên 8000 km, cho nên tàu ngầm hạt nhân phải tiếp cận gần đối phương mới có thể bắn trúng mục tiêu.

Với tốc độ phát triển của Rađa, máy bay oanh tạc chiến lược rất dễ bị phát hiện. Vì thế dưới lớp băng dày ở Bắc cực, nơi mà vệ tinh giám sát và thiết bị thăm dò không thể phát hiện sẽ là nơi lý tưởng cho tàu ngầm hoạt động. Trong suốt mấy chục năm thời kỳ chiến tranh lạnh, Bắc cực luôn là khán đài để tàu ngầm của Mỹ và Liên Xô trình diễn .

Năm 1954, Tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Mỹ chính thức đi vào hoạt động, nó tự do tung hoành dưới lớp băng dày ở Bắc cực. Người Mỹ đã khiến Liên Xô phải tăng cường cảnh giác của mình trong các hoạt động tại Bắc cực. Liên Xô cho rằng chiến lược trên biển của mình còn lạc hậu xa so với Mỹ, đặc biệt là đối kháng dưới nước, nên bắt đầu tăng tốc để theo kịp Mỹ. Hải quân Liên Xô đã phái nhiều chuyên gia khoa học tiến hành các cuộc thử nghiệm để nghiên cứu cách đối phó với tàu ngầm hạt nhân của Mỹ. Cuối cùng các nhà khoa học và các chuyên gia quân sự của Liên Xô rút ra kết luận: Cách tốt nhất để đối phó với tàu ngầm hạt nhân của Mỹ là phát triển lực lượng tàu ngầm hạt nhân của mình .

Từ đó tàu ngầm hạt nhân của hai nước Mỹ và Liên Xô hoạt động trong thời gian dài dưới lòng Bắc Băng Dương. Do hai bên đều hoạt động ở vùng biển quốc tế, lại không có đường giới tuyến hàng hải cố định, thêm vào đó là sự theo dõi lẫn nhau của hai bên cho nên các vụ va chạm sảy ra liên tục.

Tàu ngầm hạt nhân K-19 của Liên Xô là tàu ngầm gặp nhiều tai nạn nhất. Tàu ngầm K-19 là tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Liên Xô, nó được mệnh danh là "nhà chế tạo quả phụ ". Ngày 12 tháng 4 năm 1961, tàu ngầm hạt nhân K-19 khi đang lặn tại vùng biển Barennts xuýt nữa đã đụng phải tàu ngầm hạt nhân "ốc anh vũ" của Mỹ.

Ngày 14 tháng 11 năm 1969 tại vùng biển Barennts, tàu ngầm K-19 đang hoạt động ở độ sâu 60 m dưới biển đột nhiên đụng phải tàu ngầm hạt nhân "cá mập con" của Mỹ khiến toàn bộ đèn trên tàu bị hỏng. Các thành viên trên tàu phải cố gắng hết sức mới đưa được tàu ngầm trở về căn cứ .

Ngày 24 tháng 2 năm 1972, tàu ngầm K-19 trên đường từ Bắc cực quay trở về căn cứ đã phát hiện một tàu ngầm của Mỹ, trong quá trình vội vàng chạy trốn, do thao tác không chuẩn nên tàu ngầm đã phát nổ khiến cho 28 thuỷ thủ đoàn thiệt mạng .

Mùa đông năm 1979, dưới lớp băng dày ở Bắc Băng Dương tàu ngầm hạt nhân của Mỹ đã lặng lẽ tiến vào vùng biển Barennts, với mục đích chính là tìm kiếm một đường dây điện. Đường dây điện này, một đầu nối với bộ tư lệnh Hạm đội Biển Bắc của Liên Xô, còn đầu kia nối với một căn cứ hải quân quan trọng của hạm đội này. Dưới đáy biển Barennts có vài trăm đường dây điện, người Mỹ phải mất hai tuần mới tìm thấy đường dây điện họ cần tìm. Từ đó về sau, quân đội Mỹ lợi dụng thiết bị nghe trộm gắn trên đường dây này để thu thập rất nhiều tin tức tình báo vô cùng quý giá của quân đội Liên Xô. Nhưng nửa năm sau Liên Xô đã phát hiện ra thiết bị nghe trộm này.

Ngoài ra, quân đội Mỹ còn có những hành động liều lĩnh hơn nhiều. Một quan chức quân đội đã từng phục vụ trong hải quân Mỹ thổ lộ, do tính năng tàu ngầm của Mỹ tốt, tiếng ồn ít, thỉnh thoảng tiếp còn tiếp cận và xâm nhập thành công vào căn cứ hải quân Liên Xô để thu thập tin tức và chụp ảnh, thậm trí còn gắn cả thiết bị nghe trộm vào đáy tàu ngầm Liên Xô.

Bên cạnh các cuộc đối kháng gay gắt dưới lớp băng, hai bên cũng không quên triển khai các cuộc chiến trên các núi băng. Ngay từ cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ đã nhận thấy tầm quan trọng của Bắc cực. Năm 1941 Mỹ và Đan Mạch cùng nhau xây dựng căn cứ không quân trên đảo Greenland. Bắt đầu từ năm 1946, máy bay của Mỹ mỗi tuần hai lần khảo sát khu vực Bắc cực.

Cùng với sự ứng dụng kỹ thuật vô tuyến không dây, ngành giám sát cũng ra đời. Alaska là trung tâm theo dõi tốt nhất của Mỹ vì nơi đây chỉ cách Liên Xô một eo biển. Quân đội Mỹ thông qua các ăngten thu nhận công suất cao có thể thu thập nội dung các thông tin của quân đội Liên Xô ở Châu Âu và hạm đội Biển Bắc. Mỹ đã quyết định tìm một "Alaska" nữa trên các núi băng ở Bắc cực.

Sự khác nhau lớn nhất giữa Bắc cực và Nam cực là Bắc cực không có lục địa, mọi nơi đều là nước biển và băng, các núi băng ở đây thường tan ra rồi lại tụ lại, vì thế để tìm một núi băng thích hợp không phải là dễ. Từ năm 1951 - 1965 Mỹ đã lần lượt xây dựng 9 trạm giám sát tại Bắc cực, do điều kiện khắc nghiệt và kinh nghiệm không đủ, thời gian hoạt động của các trạm theo dõi này hoạt động không được lâu. Duy chỉ có trạm "Alpha" là có thể hoạt động được lâu nhất. Kiến trúc chính của trạm "Alpha" là một phòng nhỏ được xây dựng bằng gỗ, bên trong được lắp đặt rađa và các thiết bị nghe trộm, hơn 10 nhân viên tình báo Mỹ ở trên trạm. Họ ngoài theo dõi các thông tin quân sự trong nội bộ đất nước Liên Xô ra, còn lắp đặt các thiết bị Sonar dưới lớp băng để theo dõi tình hình di chuyển của tàu ngầm Liên Xô và bắt chặn các thông tin liên lạc từ máy bay của Liên Xô trên bầu trời Bắc cực với mặt đất.

Năm trạm trên băng trước đây của Mỹ đều do Không quân xây dựng, sau này Hải quân Mỹ cũng xây dựng 4 trạm khảo sát trên băng. Đó là hàng loạt trạm ARLIS. Nhiệm vụ chủ yếu của của các trạm ARLIS do hải quân Mỹ xây dựng là theo dõi dự báo sự biến đổi của môi trường địa lý và khí hậu của Bắc cực để phục vụ công tác trinh sát, truyền tải thông tin và dẫn đường dưới băng cho quân đội Mỹ.

So với Mỹ việc xây dựng các trạm trên băng của Liên Xô cũng không hề kém sôi nổi. Năm 1948 một tổ khảo sát bao gồm các nhà khoa học của Liên Xô đã xây dựng trạm khảo sát. Trong thời gian chiến tranh lạnh, số lượng trạm trên băng ở bắc Cực của Liên Xô đã lớn hơn con số 13. Năm 1959, Liên Xô đã xây dựng trạm gián điệp "Bắc Cực số 8" trên một núi băng dài 50 km, hoạt động của trạm này kéo dài 1055 ngày. Nhưng cũng giống như người Mỹ , vấn đề chính mà Liên Xô gặp phải là sự tan vỡ và di chuyển của băng nên các trạm của Liên Xô cũng không tồn tại được lâu.

Trong cuộc chiến tranh giành Bắc Cực, Liên Xô luôn chiếm ưu thế so với Mỹ, trình độ và kĩ năng tuần hành dưới băng cũng mạnh hơn Mỹ. Quá trình tàu ngầm Liên Xô hoạt động tại Bắc Cực đã giải quyết được vấn đề phóng tên lửa dưới băng, thí nghiệm được các loại vũ khí mới. ưu thế chiến lược mà bộ đội tàu ngầm Liên Xô đã giành được ở Bắc cực đã duy trì được thế cân bằng chiến lược so với Mỹ trong thời kỳ chiến tranh lạnh.

Tầu ngầm Mỹ bí mật trinh sát Liên Xô trong chiến tranh Lạnh

Thời kỳ chiến tranh lạnh, Mỹ đã từng cử tàu ngầm bí mật theo dõi Liên Xô một thời gian dài tại Thái Bình Dương. Fortuyn - thuỷ thủ đã từng tham gia hoạt động năm đó đã tiết lộ trên tờ Casa Grande Gorge rằng, năm 1970 tàu ngầm hạt nhân tham gia hoạt động bí mật của Mỹ đã va phải tàu hạt nhân của Liên Xô, khiến nó buộc phải trở về Tổng bộ Hạm đội Thái Bình Dương để sửa chữa.

Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, để theo dõi Liên Xô, Mỹ hạ lệnh cho Hải quân cử tàu ngầm đến hoạt động lâu dài tại cửa biển phía đông của Liên Xô. Một khi cần thiết tàu ngầm của Mỹ có thể tấn công bất ngờ vào Liên Xô bất cứ lúc nào. Thông qua trinh sát chi tiết, quân đội Mỹ phát hiện Liên Xô đang xây dựng một căn cứ hải quân lớn tại Khabarovsk phía đông bán đảo Kamchatka. Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho rằng, nếu Liên Xô có hành động quân sự lớn nào đối với Mỹ thì Khabarovsk nhất định sẽ có hành động khác thường. Vì vậy, Hạm đội Thái Bình Dương đã cử tàu ngầm bí mật theo dõi tại nơi này. Fortuyn tiết lộ, lúc đầu tàu ngầm của Mỹ chỉ theo dõi tàu ngầm của Liên Xô. Khoảng giữa những năm 50 của thế kỷ 20, Hải quân Mỹ đã nghiên cứu và chế tạo thành công chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên. Không lâu sau đó, nó được phái tới khu vực bên ngoài cửa biển phía đông tiến hành các hoạt động bí mật.

Fortuyn ra nhập hải quân Mỹ từ giữa những năm 50. Năm 1958 khi 21 tuổi anh ta bắt đầu tham gia khoá huấn luyện hoạt động bí mật lâu dài. Anh ta nhớ lại, khoá huấn luyện đặc biệt này rất gian khổ. Do tầu ngầm làm việc dài ngày dưới tầm mắt của đối phương, cho nên yêu cầu về tố chất sức khoẻ và tâm lý của các thuỷ thủ rất cao, trong tời gian huấn luyện, bắt buộc phải qua được các bài huấn luyện rất gian khó như trắc nghiệm tâm lý, trắc nghiệm áp lực và phải sống sót trong cột nước ở độ sâu khoảng 30 mét. Tàu ngầm trong khi hoạt động bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra sự cố. Nếu tầu ngầm xuống quá sâu, áp lực nước biển có thể khiến tàu nổ tung.

Tầu ngầm đầu tiên thực hiện nhiệm vụ theo dõi dài ngày là tàu ngầm tấn công động cơ thường "Tiger threatened fish". Trong thời gian tàu thực hiện nhiệm vụ, các thuỷ thủ không chỉ phải thành thục quy trình thao tác của mình, mà còn phải nắm chắc công việc của các thuỷ thủ khác, chỉ có như vậy mới có thể đạt tiêu chuẩn. Các thuỷ thủ đều biết, một khi tàu xảy ra sự cố, thời gian phản ứng chỉ có vài phút, lúc đó một thuỷ thủ "toàn năng" có thể cứu sống cả con tàu. Vì vậy mà Fortuyn phải mất cả nửa năm mới bước đầu hiểu được đặc tính công việc của các thuỷ thuỷ khác.

Fortuyn nhớ lại, tàu ngầm "Tiger threatened fish" trong khi theo đuổi tàu ngầm của Liên Xô tại Khabarovsk, đã sử dụng bản đồ và hệ thống dẫn đường "Roland". Trong đó hệ thống dẫn đường "Roland" có thể thăm dò chính xác vị trí tàu ngầm Liên Xô dưới nước trong phạm vi từ 16 đến 26 km dựa theo 3 tín hiệu trở lên do máy phát vô tuyến điện không dây của Quân đội Liên Xô phát ra.

Fortuyn còn nói, cho dù Liên Xô và Mỹ đang trong thời kỳ chiến tranh lạnh, nhưng mỗi khi tàu ngầm của Mỹ theo đuổi tàu ngầm của Liên Xô, tâm lý của họ không hề coi thuỷ thủ tàu ngầm của Liên Xô là kẻ thù, mà là "anh em thuỷ thủ" bất tắc dĩ phải thực hiện nhiệm vụ.

Fortuyn trong khi tham gia các hoạt động bí mật tại Tây Thái Bình Dương, đã từng làm việc trên hai con tàu thông thường và hai tàu hạt nhân tấn công khác. Trong đó, tháng 12 năm 1969, anh ta đã được điều động đến phục vụ trên con tàu hạt nhân mới "Humphead wrasses" của Hạm đội Thái Bình Dương.

Fortuyn nhớ lại, con tàu đó hoạt động ở độ sâu 300 m dưới mặt nước biển, thời gian mỗi lần thực hiện nhiệm vụ kéo dài hàng tháng. Anh ta là nhân viên dẫn đường của tàu, tàu sử dụng hệ thống theo dõi vệ tinh tiên tiến để giám sát hoạt động bí mật của tàu ngầm Liên Xô tại Tây Bắc Thái Bình Dương. Tuy nhiên, do hoạt động dài ngày dưới biển, nước ngọt thiếu trầm trọng, vì vậy phải lọc nước cả nước biển để lấy nước ngọt, thậm trí phải dùng cả nước biển để tạo oxy. Bên trong tàu đâu đâu cũng là hệ thống tác chiến, không gian rất chật hẹp. Giường ngủ trên tàu không đủ, nhiều khi một người trực ban quan sát, thì người khác phải mượn giường của anh ta để nghỉ.

Ngày 23 tháng 6 năm 1970 , tàu ngầm "Humphead wrasses" đang thực hiện nhiệm vụ bí mật bên ngoài cửa biển phía đông thì đột nhiên phát hiện tàu ngầm hạt nhân Echo-2 của Liên Xô đang tuần tra cách phía Tây Khabarovsk 20 km. Tàu ngầm hạt nhân Echo - 2 đầu tiên được chế tạo từ năm 1962, độ giãn nước 6000 tấn, nó có thể bắn 8 quả tên lửa hành trình vào đội hàng không mẫu hạm của Mỹ chỉ trong vòng 20 phút. Khi đó, chiếc tàu Echo-2 đang được chạy thử, nó đang thử các thao tác tiến lùi, rẽ gấp và lẩn trốn.

Chiếc "Humphead wrasses" theo sát từng hành động của chiếc tàu ngầm Echo-2.

Sau một ngày theo dõi, cuối cùng chiếc "Humphead wrasses" cũng xảy ra chuyện. 2 giờ chiều ngày 24 tháng 6, chiếc "Humphead wrasses" đột nhiên mất dấu vết của tàu Echo-2. Khi đó Fortuyn vừa hoàn thành ca trực quay trở về giường nghỉ ngơi. Đột nhiên bên ngoài có tiếng va chạm rất mạnh, anh ta như bị một sức mạnh thần bí hất tung khỏi giường. Fortuyn lập tức vùng dậy chạy thẳng đến phòng điều khiển. Báo cáo ngay sau đó cũng truyền đến: Tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô vừa chạm phải tháp tiềm vọng của tàu và làm vỡ lắp đạy của đỉnh tàu. Nước biển tràn vào theo đường dẫn lên tháp tiềm vọng. Thuyền trưởng của tàu "Humphead wrasses" biết rằng, nếu cứ tiếp tục ở lại, con tàu có thể sẽ bị trìm, nên ông đã hạ lệnh cho tàu rút về phí Nam.

Tàu chạy suốt mấy ngày trời, cuối cùng cũng đến được Tổng bộ Hạm đội Thái Bình Dương tại Chân Châu Cảng, Hawaii. Cho dù 9 giờ tối đã đến nơi, nhưng phải đến sáng sớm ngày hôm sau, nó mới được phép nổi lên mặt nước. Nguyên nhân là Hạm đội Thái Bình Dương không muốn người khác biết con tàu đã bị tai nạn, không muốn tiết lộ các hành động bí mật của nó. Khi tàu "Humphead wrasses" nổi lên mặt nước, các thuỷ thủ phát hiện ra rằng tàu ngầm của Nga đã làm vỡ tan tháp tiềm vọng.

Đội đặc nhiệm của Hạm đội Thái Bình Dương đã cử hai tàu khu trục đi bảo vệ tàu "Humphead wrasses" để tránh sự chú ý của hệ thống trinh sát như vệ tinh gián điệp của Liên Xô. Đồng thời chỗ tháp tiềm vọng bị hỏng cũng được bịt kín bằng vải dầu chống nước. Quan chức tình báo hải quân Mỹ nhất loạt nói với các thuỷ thủ rằng, tàu "Humphead wrasses" đã va chạm phải núi băng, yêu cầu các thuyên viên trên tàu không được phép tiết lộ sự kiện tai nạn này ra ngoài. Ba tuần sau, tháp tiềm vọng cũng được sửa xong. Tàu "Humphead wrasses" lại được cử đến East Gate của Liên Xô để tiếp tục tiến hành giám sát và theo đuổi hoạt động của tàu ngầm Liên Xô.

Theo như thiết bị sonar của tàu "Humphead wrasses" thu được lúc tai nạn cho thấy, sau cú va chạm, tàu ngầm của Liên Xô có thể đã bị trìm và 130 thủy thủ trên tàu cũng rất có thể đã bị trìm theo xuống đáy biển. Mùa hè năm 2006 Fortuyn đã tới thăm Nga, cuối cùng đã biết được sau khi va chạm, tàu ngầm của Liên Xô đã bị hỏng nặng, nhưng thuyền trưởng của tàu hạ lệnh cho tàu nổi gấp, nên đã tránh được bi kịch.

Tư liệu liên quan: Tàu ngầm "Tiger threatened fish" SS -567, dài khoảng 90 m, rộng 8 mét, đi vào phục vụ cho hạm đội Thái Bình Dương tháng 11 năm 1952, độ giãn nước 2700 tấn, có thể lẩn trốn sự theo dõi của tàu ngầm Liên Xô, tốc độ dưới nước của tàu chỉ có 18 hải lý/ giờ, nên một khi bị máy bay chống tàu ngầm hay tàu chiến của Liên Xô truy sát thì khó có thể chạy thoát. Tàu "Tiger threatened fish" khi hoạt động ở độ sâu 100m, tốc độ chỉ có 5-6 hải lý/ giờ, mỗi ngày phải hai lần nổi lên mặt nước để lấy không khí.

Tàu "Humphead wrasses" SS -639, mới đưa vào sử dụng tháng 8 năm 1968, toàn thân dài 90m, rộng 9m, độ giãn nước 4600 tấn, tốc độ dưới nước 25 hải lí/ giờ, số thủy thủ trên tàu là 108 người, được trang bị ngư lôi MK- 48, ngư lôi Mk-57 và tên lửa chống tàu chiến " Harpoon", có hệ thống rađa và sonar. Tính bảo mật của tàu "Humphead wrasses" rất cao, tất cả các thủy thủ trên tàu không ai được phép tiết lộ dù là chi tiết nhỏ của tàu cho người thân hoặc bạn bè.

Cuộc chiến dưới lòng Đại Dương

Một cuốn sách mới xuất bản gần đây của tác giả người Mỹ Ophily đã cho biết bí mật về vụ tai nạn bí ẩn tàu ngầm hạt nhân "Scorpio" của Mỹ vào những năm 60 của thế kỷ trước, từ đó mở ra bí mật đã được giữ kím gần 40 năm qua của chính phủ hai nước Nga và Mỹ.

Tàu ngầm hạt nhân "Scorpio" của Hải quân Mỹ được đưa vào hoạt động từ năm 1959, nó dài 77 mét, rộng 9,5 mét, độ giãn nước 3500 tấn, tốc độ trên mặt nước là 20 hải lý, tốc độ dưới mặt nước là 35 hải lý, được trang bị hai quả ngư lôi mang đầu đạn hạt nhân Mark-45. Nó được mệnh danh là bá chủ dưới lòng đại dương vào thời đó. Nhưng con tàu bá chủ dưới nước này lại chìm một cách đầy bí ẩn sau gần 10 năm phụ vụ. Theo các tư liệu quan chức Mỹ ghi lại cho thấy, ngày 22 tháng 5 năm 1968 tàu ngầm hạt nhân "Scorpio" của Mỹ đã xảy ra tai nạn dưới lòng Đại Tây Dương. Cho đến 5 tháng sau, xác của nó mới được phát hiện ở độ sâu 3200 mét dưới lòng Đại Tây Dương.

Sau vụ đắm đầy bí ẩn này, phía quân đội Mỹ lập tức thành lập ủy ban điều tra về vụ tai nạn. Kết luận điều tra khi đó cho thấy, tàu "Scorpio" đã bị chìm là do chính ngư lôi của tàu gây ra. Theo tư liệu thì một quả ngư lôi khi phóng đã xảy ra sự cố, dẫn đến vụ tai nạn của tàu, nhưng cách giải thích này chưa thuyết phụ được dư luận. Năm 1970 Hải quân Mỹ lại tiến hành điều tra lại vụ án, lần này họ cho rằng tàu "Scorpio" gặp tai nạn là do sự cố máy móc, dẫn đến lượng lớn nước tràn vào tàu khiến cho tàu bị chìm.

Tác giả Ophily đã đi lật lại hồ sơ vụ án và các tư liệu quân sự, đồng thời phỏng vấn các quan chức Hải quân Mỹ hiện đang phục vụ và những quan chức đã về hưu, cuối cùng ông đã tìm ra được bí mật lịch sử về vụ chìm tàu "Scorpio".

Ngày 22 tháng 5 năm 1968, sau khi tàu "Scorpio" bị hạm đội Hải quân Liên Xô phát hiện, nó đã định tấn công tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô đang theo đuổi, nhưng chưa kịp phóng ngư lôi thì một quả ngư lôi của tàu ngầm Liên Xô đã bắn trúng. Sau tiếng nổ kinh hoàng, tàu ngầm "Scorpio" tan thành từng mảnh, cùng với nó là 99 thủy thủ cũng chìm sâu dưới lòng Đại Tây Dương. Theo tình hình mà cơ quan tình báo Mỹ nắm được sau sự kiện cho thấy, tàu ngầm bắn chìm tàu " Scorpio" chính là tàu ngầm Echo- 2 của Hải quân Liên Xô.

Sau sự kiện "Scorpio" của Mỹ,chính phủ Mỹ một mực không thừa nhận tàu ngầm của họ bị bắn chìm. Nguyên nhân là vì tháng 3 năm 1968 hai tháng trước khi tàu "Scorpio" bị đánh chìm, tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân K-129 của Hải quân Liên Xô cũng bị chìm một cách bí ẩn khi đang tuần tra tại vùng biển Thái Bình Dương. Theo quan chức cao cấp của hải quân Mỹ tiết lộ, tàu ngầm K-129 trên thực tế đã bị tàu ngầm của Mỹ đánh chìm. Sau sự kiện, phía Liên Xô cũng phong tỏa nghiêm ngặt thông tin liên quan đến vụ án.

Tác giả Ophily cho rằng, vụ đắm tàu "Scorpio" là hành động đáp lại của phía Liên Xô vì chiếc tàu K-129. Trong cuốn sách còn tiết lộ, vị trí "Scorpio" bị chìm cũng là do phía Liên Xô cung cấp cho phía Mỹ, Hải quân Mỹ dựa theo vị trí này mới tìm được ra xác của tàu ngầm "Scorpio".

Cho dù chính phủ hai nước đều áp dụng biện pháp bảo mật rất nghiêm ngặt về sự kiện này, nhưng chân tướng sự thật vẫn bị lộ ra ngoài. Cuối những năm 80 của thế kỷ XX, thượng tá Hudson từng là Tùy viên quân sự Mỹ tại Moscow đột nhiên tiết lộ với giới truyền thông rằng, motọ ngày tháng 6 năm 1987 ông đã gặp Thượng tướng Hudson Cục trưởng Cục tác chiến hải quân Liên Xô trong một một buổi tiệc. Thượng tá Hudson đã hỏi riêng thượng tướng hải quân Liên Xô về bí mật vụ đắm tàu "Scorpio". Thượng tướng Liên Xô trả lời: "Ngài sớm muộn cũng sẽ biết hai bên sẽ đạt được hiệp định về một số vấn đề. Sự kiện về vụ đắm tàu ngầm K-129 và "Scorpio" từ đó cũng sẽ rõ thôi!"

Sau này, trong nhiều trường hợp tướng lĩnh cao cấp của hải quân hai nước đã chứng minh về chân tướng vụ đắm tàu "Scorpio". Một quan chức cao cấp về hưu của hải quân Mỹ gần đây cũng nói: Tàu "Scorpio" quả thực đã bị bắn chìm.

Cuốn sách cuối cùng chỉ ra rằng, thảm kịch năm 1968 là một phần trong "Cuộc chiến tình báo dưới biển" của hai cường quốc Mỹ và Liên Xô, ngoài ra còn có rất nhiều tình tiết nữa đến nay vẫn chưa được giải mật. Tác giả tin tưởng rằng, trong tương lai không xa những bí mật này sẽ được công bố.

Điệp viên xuất sắc nhất của MI-6 từng làm việc cho Liên Xô

Những tư liệu mà Cục tình báo đối ngoại Nga công bố gần đây về điệp viên Victor Bogomolets trong thế chiến thứ 2 đã gây sự chú ý đặc biệt của dư luận quốc tế. Theo như những tư liệu này, vào những năm 40 của thế kỷ XX, Bogomolets đã từng bí mật hợp tác với Cơ quan tình báo Liên Xô trong thời gian ông ta làm việc tại MI-6. Trước đây, phía Anh luôn coi Bogomolets là một trong những điệp viên xuất sắc nhất của cơ quan tình báo nước này.

Hồ sơ giải mật đã cho thấy, trước chiến tranh thế giứoi thứ 2 bùng nổ, Bogomolets đã đào tẩu khỏi Liên Xô, sau đó trở thành điệp viên của Cục tình báo quân đội Anh, đơn vị chịu trách nhiệm công tác tình báo đối ngoại chuyên thu thập các thông tin về Liên Xô.

Cơ quan tình báo Liên Xô trước đó đã bí mật triển khai kế hoạch gián điệp hai mang. Người chịu trách nhiệm của cơ quan tình báo đối ngoại lúc đó gọi kế hoạch này là Sufi Dance".

Là một thành viên trong kế hoạch này, năm 1945 Bogomolets đã "quay về" Anh dưới sự chỉ đạo của cơ quan tình báo Liên Xô và trở thành điệp viên hai mang với biệt hiệu Britt. Bề ngoài anh ta làm việc cho cơ quan tình báo Anh, nhưng lại thường xuyên tiếp xúc và cung cấp tình báo của Anh cho điệp viên Liên Xô.

Cục tình báo đối ngoại Nga trong khi công bố tài liệu về Bogomolets đã nói: "Năm 1945 Bogomolets đã ý thức được rằng, sẽ không có gì tốt đẹp nếu như chống lại chính tổ quốc mình", do vậy mà anh ta đã quay trở lại làm việc cho tình báo Liên Xô.

Tờ "Commersant" của Nga đã đưa tin theo sơ đồ giải mật, những tin tức tình báo mà Bogomolets nắm được lúc đó rất có giá trị, một số tin tình báo thậm chí còn được lãnh đạo Liên Xô dùng làm tài liệu tham khảo cho những quyết sách. Ví dụ: "Bogomolets giúp đỡ cơ quan tình báo Liên Xô tìm hiểu mục tiêu tình báo của Gbson cấp trên của anh ta. bản tuyên bố của Cục tình báo đối ngoại Nga cho biết, "Những tin tức nhận được từ Bogomolets đã từng được viết thành văn bản gửi lên cho Stalin và Molotov.

Trên thực tế, các điệp viên hai mang trong "kế hoạch Sufi Dance" đã có những cống hiến không nhỏ trong các vấn đề ngoại giao của Liên Xô. Tờ "Commersant" của Nga cho rằng, lúc đầu mục tiêu mà phía Liên Xô triển khai kế hoạch này là nhằm tìm kiếm mối quan hệ hợp tác kinh tế sâu rộng hơn với Anh, trên cơ sở tìm hiểu những điểm chung để bảo đảm an ninh trọn vẹn cho cả hai nước.

Những gì mà kế hoạch này thu được đã giúp Liên Xô khiến Anh đứng về chiến tuyến với mình sau khi Phát xít Đức phát động chiến tranh với Liên Xô.

Nhưng đối với thành công của "Kế hoạch Sufi Dance" mà nói. Cảnh ngộ của rất nhiều nhân viên tình báo thời kỳ đầu tham gia hoạt động rất thảm hại, còn với Cục tình báo đối ngoại mà nói: "Điều bất hạnh là không ít các nhân viên tình báo tham gia vào kế hoạch này đã bị xử tử hình trong cuộc thanh trừ vào những năm 40 của thế kỷ trước."

Cơ quan tình báo Anh không có phản ứng gì trước tài liệu được giải mật. Tờ "Commersant" của Nga cho biết, trước đây Anh luôn coi Bogomolets là một trong những điệp viên xuất sắc nhất của mình, vì vậy chưa bao giờ công khai về hồ sơ liên quan đến anh ta. Các chuyên gia tình báo phân tích, sau khi biết được điệp viên này từng hợp tác với Liên Xô, phía Anh đã giữ kín các tài liệu liên quan đến anh ta.

Thực chất, Bogomolets chỉ là một phần trong cuộc chiến tình báo giữa hai nước Liên Xô và Anh. Trong đó khúc nhạc hay nhất của Liên Xô chính là hoạt động phản gián phản gián thành công của Liên Xô đối với 4 điệp viên nổi tiếng của MI-6 trong thế chiến thứ 2.

Trong lịch sử tình báo, các cuộc đọ sức công khai và ngấm ngầm giữa tình báo hai nước luôn diễn ra sôi nổi.

Sự thật đằng sau một cuộc đào tẩu

Mùa xuân năm 1954, chính quyền Liên Xô đã đưa ra một bài phát biểu rất gay gắt, tiếp đó là những kiến nghị rồi đến triệu tập đại sứ, đồng thời còn tuyên bố sẽ áp dụng mọi biện pháp.

Vậy rút cuộc chuyện gì lại khiến Liên Xô có phản ứng mạnh mẽ như vậy? Mọi chuyện bắt đầu từ việc nữ quán quân nhảy dù nổi tiến của Liên Xô, Lynette đã chạy trốn sang phương Tây. Nhân cơ hội sang Roma tham dự cuộc thi biểu diễn nhảy dù ở Châu Âu, cô ta đã đi đến quyết định này. Trong thời gian diễn ra cuộc thi, cô ta đã kết thân với một vận động viên nhảy dù của Italia Felix, và đã kết hôn với anh tràng này. Ngay sau đó chính quyền Italia đã đưa ra tuyên bố: Chấp nhận yêu cầu xin tị nạn chính trị của Lynette do bị bức hại.

Khí đó, bất cứ ai bỏ chạy khỏi đất nước xã hội hội chủ nghĩa đều được các nước phương Tây coi là "chiến binh chiến đấu cho tự do", huống hồ lần này lại là Lynette - Một vận động viên nhảy dù nổi tiếng thế giới.

Lynette sau một thời gian lẩn trốn, đã công khai lộ diện trước giới truyền thông Roma. Lúc này cô đã mang trên mình quốc tịch Italia vì đã kết hôn với Felix. Từ đó cô bắt đầu mở rộng mối quan hệ với rất nhiều nhân vật nổi tiếng ở Roma, hơn thế nữa cô còn trở thành một minh tinh trong câu lạc bộ nhảy dù ở đây. Danh tiến của cô ngày càng vang xa.

Chính quyền Italia lúc đó không thể ngờ được rằng, "Nữ hoàng nhảy dù" này lại là một điệp viên của KGB. Cái gọi là "bỏ trốn" chẳng qua là một vỏ đậy cho hoạt động một cách công khai. Cô thường xuyên nhận lời biểu diễn cùng binh lính Italia và không quân NATO. Nhờ vào danh tiếng của mình, cô đã kết giao được với rất nhiều nhân vật quan trọng trong giới chính quyền và quân đội Italia, thậm chí một vài viên tướng và sĩ quân quân đội còn trở thành "tay sai" cho cô.

Vậy Lynette đã làm thế nào để thu thập tình báo và kịp thời chuyển nó về Moscow?

Là một một diễn viên nhảy dù xuất sắc, ưu thế lớn nhất của cô là bầu trời. Nhờ vào các mối quan hệ, cô thường xuyên ra vào các căn cứ quân sự của Không quân Italia và NATO, lợi dụng những lần nhảy dù cô đã quan sát được rất nhiều khu vực "cấm". Lynette được trang bị một máy ảnh tính năng cao, đây là sản phẩm của công ty Dnipropetrovsk. Máy ảnh này chỉ cần ấn vào nút bật, chỉ trong một giây nó sẽ tự động chụp 9 lần, ở độ cao 300 mét nó vẫn có thể chụp các mục tiêu dưới đất rõ nét như thường.

Lynette là một vận động viên có kỹ xảo tốt, khi nhảy dù, cô thường chọn phương án mở dù bằng tay, có nghĩa là sau khi nhảy khỏi máy

bay, vận động viên sẽ rơi tự do trong một khoảng thời gian rồi mới bật dù. ở độ cao 2000 mét vận động viên có khoảng từ 10-20 giây rơi tự do, còn nếu nhảy ở độ cao cao hơn khoảng thời gian này sẽ dài hơn. Cô đã tận dụng triệt để khoảng thời gian quá báu này. Cô đã chụp được rất nhiều ảnh về căn cứ quân sự của NATO ở bán đảo Penisola, những bức ảnh này ngay sau đó được chuyển đến văn phòng Tổng cục tình báo Hồng quân Liên Xô tại Moscow.

Thời gian đó, Lynette đã sử dụng các biện pháp để khống chế được vị Phó tham mưu trưởng không quân Italia, Tướng Montgomery.

Trên bờ biển phía bắc Italia có một cảng nhỏ mà trên bất cứ bản đồ nào đều không ghi, phía Liên Xô cho rằng nơi đây là khu quân sự của Italia, bên trong đó có một xưởng chế tạo bí mật chuyên nghiên cứu chế tạo các loại ngư lôi đời mới, vì vậy Tổng bộ KGB lệnh cho cô phải kiếm bằng được bản vẽ về căn cứ này.

Nếu ở bất cứ nơi nào khác thì mọi thứ đều dễ dàng, nhưng ở nơi đây thì quả thực không đơn giản, vì chính quyền Italia cảnh giới nơi đây rất nghiêm ngặt, ngoài máy bay chuyên dụng của căn cứ ra thì bất cứ máy bay nào khác đều không thể xâm phạm không phận khu vực này. Lynette thông qua tìm hiểu biết được rằng cảnh giới khu vực này thuộc quyền của Phó tham mưu trưởng không quân, tướng Montgomery, trong khi cô và ông ta đã quen biết từ lâu.

Nhớ lại trong một buổi dạ hội của Bộ quốc phòng Italia, cô đã "vô tình" gặp và làm quen với viên phó tổng tham mưu trưởng, hai người nói chuyện rất tâm đầu ý hợp. Buổi dạ hội kết thúc, cô đã nhiệt tình mời vị tướng tới xem buổi biểu điễn nhảy dù do cô tổ chức vào buổi chiều hôm sau, ông ta rất vui vẻ nhận lời.

Ba ngày sau, họ đã cùng nhau ra ngoài dã ngoại, khi đến trước vịnh gần căn cứ quân sự bí mật này, Lynette đột nhiên đưa ra ý định muốn một lần nhảy dù tại vịnh này, và yêu cầu Montgomery sắp xếp cho một máy bay để thực hiện được nguyện vọng.

Viên tướng này lúc đầu ngập ngừng do dự: ông ta đúng là có thể thực được việc này, chỉ cần một cú điện thoại cho sân bay quân sự gần đó là lập tức sẽ có ngay một chiếc máy bay, nhưng vịnh này lại rất gần căn cứ bí mật nên nó thuộc khu vực cấm. Lynette tỏ vẻ không vui, khiến cho viên tướng này nghĩ: "Cô ta là một vận động viên nhảy dù nổi tiếng thế giới, lại là một vận động viên đào tẩu từ Liên Xô, nên không nhất thiết phải quá đề phòng; hơn nữa ngay cả yêu cầu nho nhỏ này mà không đáp ứng được cho cô ấy thì thật là mất mặt." Ông ta suy nghĩ một lát rồi nhận lời yêu cầu của người đẹp.

Buổi chiều hôm sau, một chiếc máy bay vận tải đã đưa cô lên bầu trời của vịnh. Sau khi lượn một vòng, cô bắt đầu thực hiện cú nhảy, sau 12 giây rơi tự do dù mới được bật ra. Đây là 12 giây quá báu, cô đã phải chuẩn bị 2 tuần cho lần nhảy này, nhưng mọi nỗ lực của cô đã được đền đáp. Xưởng chế tạo ngư lôi và khu vực thiết bị quan trọng ở đây đều được máy ảnh của cô thu lại.

Tháng 3 năm 1967, một vụ đào thoát đã làm chấn động cả thế giới: con gái của của một quan chức cao cấp đã đào tẩu sang Tây Âu. Đây là cuộc đào tẩu thực sự. Chính quyền Liên Xô đã không thể ngồi yên trước chuyện này, KGB đã lệnh cho cô phải nhanh chóng ra tay giải quyết kẻ đào tẩu.

Cô đã sắp xếp rất tỉ mỉ cho hành động lần này, sự sắp xếp của cô dường như không có một chút sơ hở, nhưng cảnh sát Roma đã ra tay trước, sau khi theo dõi một số đối tượng nghi ngờ. Họ bất ngờ đột kích vào căn hộ, và vô tình bắt ngặp được Lynette, lục soát mọi thứ, họ thật sự bất ngờ trước các dụng cụ của cô mang theo: máy phát tín hiệu, bản mật mã, cuộn phim mini và máy ảnh cự ly xa...

Sau khi Lynette bị bắt, cô không hề tỏ ra sợ hãi. khi bị cảnh sát thẩm vấn, cô luôn có thái độ bình tĩnh và kiên định; hơn nữa còn tỏ thái độ khinh miệt.

Cuộc chiến gián điệp trên không

Nửa sau những năm 50 của thế kỷ trước, hai loại máy bay phản lực do Mỹ chế tạo luôn chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến tình báo trên không với Liên Xô. Đấy chính là máy bay oanh tạc chiến lược B-52 do công ty Boing nghiên cứu chế tạo và máy bay trinh sát trên không U-2 do công ty Lockheed chế tạo. Từ tháng 7 năm 1956 đến tháng 5 năm 1960 máy bay trinh sát U-2 đã 24 lần xâm nhập vào không phận Liên Xô và chụp ảnh trên diện tích 3,37 km2. Cuốn phim dài 390,2 nghìn mét này đến nay vẫn còn được lưu giữ trong hồ sơ của Cục tình báo trung ương Mỹ; Giai đoạn hai của cuộc chiến gián điệp trên không với Liên Xô bắt đầu từ tháng 8 năm 1960 đến tháng 5 năm 1972, thời gian này Lầu Năm Góc đã sử dụng vệ tinh trinh sát để do thám Liên Xô. Tập san "Tuyệt mật " của Liên Xô đã đăng một bài viết nổi tiếng với tiêu đề "Gián điệp trên không", từ đó giúp chúng ta có thể hiểu chi tiết về vấn đề này.

Ngày 4 tháng 7 năm 1956, Nikita đã có cuộc viếng thăm đại sứ quán Mỹ tại Liên Xô và có cuộc nói chuyện rất vui vẻ với đại sứ Mỹ, ông Charles. Họ đã nâng cốc chúc mừng tổng thống Eisenhower vừa trải qua ca phẫn thuật dạ dày và chúc mừng quốc khánh Mỹ.

Cả Nikita và Charles đâu biết rằng ngày họ nói chuyện với nhau, cũng chính là ngày kế hoạch tình báo tuyệt mật với sự tham gia của máy bay trinh sát trên không và vệ tinh theo dõi toàn bộ lãnh thổ Liên Xô của Mỹ chính thức mở màn. Máy bay U-2 cất cánh từ căn cứ không quân Wiesbaden của Tây Đức, bay qua Đông Đức, Ba Lan rồi vào Belarus, sau đó quay trở lại vịnh Phần Lan, thực hiện lần bay đầu tiên xuyên qua toàn bộ không phận Liên Xô. Lúc Nikita và Charles chạm cốc, cũng chính là lúc máy bay trinh sát đang chụp ảnh sân bay quân sự và xưởng đóng tàu tại Leningrad. Kí hiệu của kế hoạch lần này được gọi là "Sứ mệnh- 2013".

Sau khi Nikita rời khỏi sứ quán, cấp dưới mới báo cáo cho ông biết kế hoạch máy bay của Mỹ vừa xâm nhập vào không phận Liên Xô. Ông vô cùng phẫn nộ, vì cho rằng quân đội Mỹ lựa chọn ngày hôm đó hành động là cố ý làm nhục cá nhân ông. Nhưng kỳ thực đây chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên vì thời tiết hôm đó ở phía Tây Liên Xô rất đẹp, phù hợp với hoạt động của máy bay U- 2.

Khi đó không quân Liên Xô không có máy bay tiêm kích nào có thể bay được ở độ cao 20.000 mét, hệ thống phòng không cũng không có tên lửa nào có thể bắn trúng được máy bay U-2. Ngày thứ 2 một phi công của Cục tình báo trung ương Mỹ tiếp tục lái máy bay U-2 bay qua bầu trời Moscow, nhưng thật đáng tiếc trời nhiều mây nên không thể thu được nhiều tin tức tình báo. Nhưng điều này chí ít đã chứng minh được rằng máy bay U -2 có thể xâm nhập được vào thủ đô của Liên Xô, nơi mà hệ thống phòng không rất nghiêm ngặt.

Kế hoạch trinh sát điện tử và chụp ảnh lãnh thổ Liên Xô của Mỹ bắt đầu từ cuối năm 1946. Lúc này cũng là lúc chiến tranh lạnh chính thức bắt đầu, sự trùng hợp về thời gian này tuyệt không phải ngẫu nhiên. Khi đó ngành tình báo của thời kỳ chiến tranh thế giới thứ 2 của Mỹ đã kết thúc sứ mệnh, nhưng Cục tình báo trung ương vẫn chưa thành lập, cho nên đơn vị thực hiện các nhiệm vụ trinh sát đều do máy bay của không quân. Những máy bay đã qua cải tiến này đã được trang bị các thiết bị cảm ứng điện tử và máy quay góc độ rộng để có thể tìm kiếm các trạm rađa của Liên Xô và phân tích công xuất của nó.

Lúc đầu những máy bay này cất cánh từ Alaska, bay men theo biên giới trên đất liền và trên biển, không xâm nhập sâu vào không phận Liên Xô. Moscow đã phản đối kịch liệt hành động này nhưng không đưa ra bất kỳ hành động phản kháng nào. Cùng với tình hình ngày càng căng thẳng giữa Liên Xô và Mỹ, người đứng đầu Lầu Năm Góc hạ lệnh, phải tiến hành đi sâu trinh sát lãnh thổ Liên Xô và các nước đồng minh của họ.

Mùa xuân đầu năm 1950 máy bay của Mỹ bắt đầu xâm nhập vào không phận Liên Xô để do thám tình báo nhưng đã gặp tổn thất rất nặng nề, đại đa số máy bay trinh sát của Mỹ đã bị Liên Xô hoặc các nước XHCN khác bắn rơi. Theo thống kê, những người thực hiện nhiệm vụ này vào khoảng 252 người nhưng những người gặp may mắn lại không vượt quá con số 90. Họ hoặc là được cứu thoát hoặc bị bắt làm tù binh, đến nay 138 người vẫn chưa rõ tung tích.

Sau những tổn thất nặng nề, sự ra đời của máy bay U-2 đã trở thành tất yếu. Tháng 5 năm 1954 Austan lái máy bay oanh tạc RB-47E xuất phát từ Anh, thực hiện trinh sát Musmansk và Archangel'sk, nơi đóng quân của hạm đội Biển Bắc. Máy bay này là loại cải tiến của loại B-47E, tốc độ mỗi giờ đạt 980 km, độ cao 1020 m. Phía Mỹ cho rằng phần thắng đã nằm chắc trong tay bởi vì tốc độ của Mic-15, máy bay chiến đấu chủ lực của bộ đội phòng không Liên Xô lúc đó còn kém xa so với máy bay chiến đấu của Mỹ, duy chỉ có Mic-17 là có thể đua tốc độ được với B-47E, nhưng Mic-17 năm 1953 mới lần đầu tiên ra mắt. Lầu Năm Góc đoán rằng công tác bay thử của nó vẫn chưa hoàn thành.

Tuy nhiên người Mỹ đã sơ xuất, máy bay chiến đấu của Anh mười ngày trước đã từng xâm nhập vào Belarus và Ucraina, rồi bay gần đến Kiev, phía Liên Xô đã lên kế hoạch bắn hạ chúng nhưng máy bay Anh đã may mắn chạy thoát. Từ đó về sau hệ thống phòng không của Liên Xô đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao độ. Nhưng người Mỹ hoàn toàn lại không biết về sự kiện này. Một điểm nữa mà Lầu Năm Góc cũng không thể ngờ đến là lúc đó Mic-17 đã sẵn sàng chờ lệnh tại sân bay Archangel'sk. Nó đã cất cánh đánh chặn máy bay của Austan và buộc anh ta phải tháo chạy, thân máy bay bị bắn thủng nhiều chỗ. Austan đã phải lái thẳng vào không phận của Phần Lan, vượt qua biên giới Thụy Điển rồi sau đó quay trở lại Anh.

Vụ tai tiếng này đã làm xôn xao dư luận quốc tế, đầu tiên là Bộ quốc phòng Thụy Điển đưa ra lời chỉ trích, vài ngày sau báo chí Phần Lan cũng lần lượt đưa tin về sự kiện này. Không quân Mỹ đã lên tiếng phủ nhận liên quan đến sự kiện này nhưng họ càng dấu lại càng lộ đuôi. Nhà Trắng đã bị một phen mất mặt, cho rằng cử máy bay gián điệp xâm nhập vào lãnh thổ Liên Xô là quá nguy hiểm nên quyết định đình chỉ hoạt động này.

Một số nhân vật ở Mỹ chủ trương nghiêm cứu chế tạo loại máy bay trinh sát với tính năng trội hơn máy bay chiến đấu của Liên Xô để giảm mức độ nguy hiểm khi tiến hành trinh sát, đồng thời họ cũng ý thức được tính cần thiết của việc nâng cao độ cao trinh sát lên đến tầng bình lưu. Tuy nhiên Lầu Năm Góc không mặn mà lắm với máy bay tầm xa tốc độ cao này mà họ đang quan tâm đến kế hoạch nghiêm cứu chế tạo vệ tinh trinh sát do công ty Lander đề xuất. Trong con mắt của họ ứng dụng của vệ tinh là rất rộng và điều quan trọng hơn là nó không bị bắn rơi. Năm 1954 Lầu Năm Góc hạ lệnh cho không quân triển khai nghiên cứu lĩnh vực này. Nhưng cố vấn khoa học của Tổng thống Eisenhower, Killian lại rất ủng hộ việc nghiên cứu chế tạo máy bay trinh sát kiểu mới. Dưới lời khuyên của ông, Tổng thống đã hạ lệnh cho Cục tình báo trung ương chứ không phải Lầu Năm Góc phụ trách vấn đề này, sau đó công ty Lockheed đã tiếp nhận đơn đặt hàng.

Sự ra đời của U-2 thực sự là một kỳ tích về kỹ thuật. Máy bay phản lực với độ cao đạt 20 nghìn mét này không sử dụng nhiên liệu thông thường, một công ty đã phải gấp rút nghiên cứu và cho ra đời một loại dầu đặc biệt dành riêng cho nó.

Ngày 15 tháng 7 năm 1953 công ty Lockheed cuối cùng đã cho ra đời sản phẩm đầu tiên. Quá trình bay thử của nó được tiến hành bí mật và khẩn trương. Tháng 3 năm sau độ cao của nó đã đạt đến 20200m. Ngày 1 tháng 5 nó được lắp đặt hoàn thiện và vận chuyển tới căn cứ không quân ở Anh.

Trước khi thực hiện nhiệm vụ trinh sát các nước thuộc khối Wasaw. Mỹ đã tung hoả mù, các quan chức Mỹ tuyên bố công ty Lockheed bắt đầu đi vào sản xuất một loại máy bay tầm cao để nghiên cứu các tia chiếu vũ trụ, tầng khí quyển và dòng khí tầng bình lưu. Nó sẽ phục vụ cho ngành khí tượng Anh.

Sau khi mọi thứ đã chuẩn bị xong, Cục tình báo trung ương Mỹ thỉnh cầu Eisenhower phê chuẩn kế hoạch hành động của máy bay U-2, nhưng tổng thống cho rằng xâm nhập vào giữa lòng Liên Xô là quá nguy hiểm nên đã huỷ bỏ nó. Người đứng đầu Cục tình báo trung ương Mỹ khuyên tổng thống rằng dựa vào hệ thống phòng không lúc này của Liên Xô thì về cơ bản không thể theo đuổi được dấu vết của máy bay U-2.

Một khi máy bay bị bắn trúng, phi công dường như không thể sống sót quay trở về và càng không thể khai lời nào cho phía Liên Xô để gây bất lợi cho Mỹ. Ngày 11 tháng 6 năm 1956 máy bay U-2 đã bay qua Đông Đức, Czechoslovak và Ba Lan để thu thập tình báo và đã đạt được thành công lớn. Tổng thống Eisenhower cuối cùng cũng đã thông qua kế hoạch.

Máy bay U-2 lần cuối cùng xâm nhập vào Liên Xô là ngày 1 tháng 5 năm 1960, nó đã bị bắn rơi tại khu vực gần Sverdlovsk; phi công đã kịp nhảy dù nhưng bị bắt làm tù binh, sau này phía Mỹ đã tuyên bố chuyện này trước toàn thế giới. Quan hệ Liên Xô - Mỹ một lần nữa rơi vào căng thẳng.

Sau những thất bại, máy bay U-2 cũng dần chìm vào lãng quên, vệ tinh trinh sát của Mỹ cũng không được thuận buồn xuôi gió.

Khi kế hoạch vệ tinh trinh sát đi vào thực hiện, Mỹ về cơ bản vẫn chưa có tên lửa vận tải có thể mang vệ tinh lên không gian, hơn nữa làm thế nào để truyền các tin tức tình báo sau khi đã thu thập truyền về trái đất mới là một vấn đề rất khó nhất. Ý tưởng ban đầu là lắp máy quay phim trên vệ tinh, thông qua sóng không dây để truyền về các hình ảnh, những hình ảnh cuối cùng sẽ được đưa vào khoang cách nhiệt. Sau khi khoang cách nhiệt này bay vào tầng khí quyển, nó sẽ tự động bật dù, tiếp theo máy bay sẽ thu nhận chiếc dù trên độ cao hàng nghìn mét, chính vì vậy cần phải nghiên cứu chế tạo loại máy quay và phim chuyên dụng trên không; Cuối cùng là giai đoạn phóng, do tính bảo mật của vệ tinh nên không thể phóng lên từ căn cứ Canaveral mà phải phải lựa chọn căn cứ Vandenberl và Mỹ gọi nó là một vệ tinh nghiên cứu khoa học để che đạy sự chú ý từ dư luận.

Tên lửa chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này là tên lửa vận tải "Thần sấm". Lần phóng đầu tiên được thực hiện vào ngày 21 tháng 1 năm 1959 nhưng tên lửa vừa bay vào không trung đã nổ tung, lần phóng thứ hai sau đó một tháng, nhưng kết quả cũng tương tự như vậy, lần phóng thứ ba mặc dù thành công nhưng do sự cố của thiết bị định giờ nên khoang cách nhiệt không hạ đúng địa điểm đã định mà mất tích trên bầu trời hòn đảo Aspitsbergen Archipelago của Nauy. Trong thử nghiệm lần đầu, vệ tinh được phóng lên không phải vệ tinh thật mà chỉ là mô hình của nó, trong đó chưa lắp các thiết bị quay phim. Nhưng Cục tình báo trung ương Mỹ và Lầu Năm Góc vẫn hết sức hoang mang vì ở đó gần khu vực mỏ than của Liên Xô, nếu đối phương phát hiện được mô hình đó, họ sẽ đoán được ý đồ thực sự của Mỹ và như thế thì hậu quả sẽ không thể lường trước được. Quân đội hai nước Mỹ và Nauy đã triển khai một lực lượng lớn tìm kiếm chiếc khoang cách nhiệt bị mất tích, kết quả là đã bị giới truyền thông phát giác.

Trên thực tế Mỹ không thể đi xa trong lĩnh vực vệ tinh trinh sát, sau này hai vệ tinh "kẻ khám phá" được phóng lên không trung khi mới bay được một vòng quanh trái đất, máy quay của nó đã mất kiểm soát. Sau khi chiếc U-2 thực hiện lần bay cuối cùng bị bắn rơi thì vệ tinh trinh sát trở thành lá bài cứu tinh nhất của ngành tình báo Mỹ, nhưng do sự cố của tên lửa vận tải nên vệ tinh không thể bay vào quỹ đạo như dự định. Sau này vệ tinh giải toả sự bế tắc của Lầu Năm Góc chính là vệ tinh trinh sát "Kẻ khám phá 13", nó đã truyền về trái đất những tư liệu và hình ảnh hết sức quý giá. Từ đó về sau hệ thống vệ tinh trinh sát của Mỹ mới bắt đầu đi vào quỹ đạo. Trong vòng 12 năm tổng cộng có 144 vệ tinh trinh sát có máy quay các loại đã được phóng vào không trung, trong đó có 102 chiếc hoạt động bình thường. Vệ tinh cuối cùng mọi người có thể biết đến là vệ tinh "kẻ khám phá 38" được phóng vào tháng 2 năm 1962, các vệ tinh trinh sát sau này đều được coi là bí mật quốc gia. Theo như được biết thì ký hiệu các vệ tinh có trang bị máy quay của Mỹ đều là KH, nhưng cụ thể là bao nhiêu chiếc thì chúng ta không thể biết.

Câu chuyện xung quanh Vệ tinh gián điệp

Vào cuối những năm 50 của thế kỷ trước, máy bay trinh sát tầm cao U2 được mệnh danh là "Thiên sứ" còn đang kiêu ngạo bay trên độ cao hơn 20 nghìn mét, thì người phụ trách các biện pháp trinh sát kỹ thuật cao của Cục tình báo trung ương Mỹ, Pisier đã chuyển trọng điểm trinh sát sang một biện pháp trinh sát mới, đó là vệ tinh trinh sát "kẻ phát hiện". Lúc đó ông ta biết rằng, máy bay trinh sát tầm cao U2 rút cuộc cũng bị Liên Xô bắn rơi, chỉ có vệ tinh trinh sát mới thực sự đáng tin cậy và an toàn.

Vệ tinh trinh sát có thể bay trên quỹ đạo cách mặt đất từ 160 đến 320 km, tốc độ của nó đạt 30 nghìn km/h, vệ tinh có thể tự do bay trong không gian. Không giống với máy bay trinh sát, do động cơ máy bay thường gây ra những chấn động ngoài ý muốn, khiến máy quay không đủ độ rõ nét. Vệ tinh trinh sát thì hầu như không có chấn động gì, ảnh của nó có độ rõ nét cao, hơn nữa lại rất an toàn vì không ai có thể bắn rơi được nó.

Ngay sau đó, Cục tình báo trung ương Mỹ đã có hợp đồng hợp tác mới với công ty Lockheed, ngân sách hợp tác hai bên mỗi năm cũng tăng lên. Đến năm 1958 ngân sách đã đạt đến mức kỷ lục, tăng gấp 4 lần, đạt 150 triệu đô la.

Một năm sau đó, tại căn cứ Không quân Vandenberg tại Carifornia tên lửa "Thần sấm-Anaquim A" phá vỡ bầu trời xanh, mang thành công vệ tinh "Kẻ phát hiện 1" lên quỹ đạo. Nhưng Pisier chưa kịp nâng cốc ăn mừng thì một tin xấu từ căn cứ Không quân truyền đến. Do hệ thống ổn định xảy ra sự cố, "Kẻ phát hiện 1" chưa kịp trinh sát những bí mật của Liên Xô, đã mất kiểm soát trên quỹ đạo.

Nửa tháng sau, "Kẻ phát hiện 2" được đưa lên không trung. Lần này nó bay thuận lợi 17 vòng quanh quỹ đạo và chụp được rất nhiều ảnh về các mục tiêu quan trọng của Liên Xô. Nhưng thật đáng tiếc, khi nhân viên chỉ huy vui mừng ấn nút tách khoang máy ảnh, thì nó lại không rơi xuống vùng biển Hawaii như đã định, mà rơi xuống vùng phía Bắc Na Uy cách biên giới Liên Xô không xa. Không quân Mỹ lập tức được điều động, cùng với nhân viên tình báo đi tìm khoang ảnh bị thất lạc, nhưng không thu được kết quả gì.

Cũng giống như "kẻ phát hiện 2", các vệ tinh gián điệp sau đó cũng "một đi không trở lại", đồng thời còn đánh mất luôn không gian đầy hy vọng của người Mỹ. Đến lượt "Kẻ phát hiện 13" được đưa lên không trung. Con số ký hiệu của vệ tinh này là con số kỵ của người phương Tây nên có người đề nghị đổi nó thành "Kẻ phát hiện 14", nhưng Pisier không tin vào điều mê tín đó. Quả nhiên "Kẻ phát hiện 13" bay vào không trung thành công, đồng thời đưa khoang ảnh trở về trái đất an toàn. Đây là vật đầu tiên từ không gian quay trở về trái đất thành công của con người.

Từ vệ tinh "Kẻ phát hiện 13" đến vệ tinh "Kẻ phát hiện 38", Cục tình báo trung ương Mỹ đã thu được những thành công chưa từng thấy về mặt thu thập tin tức tình báo đối với Liên Xô. Cục tình báo trung ương Mỹ rất quan tâm số lượng tên lửa vượt đại châu mà Liên Xô bố trí trên toàn lãnh thổ rộng lớn của họ. Theo như phương pháp thu thập tin tức tình báo cũ, nếu cử điệp viên xâm nhập sâu vào lãnh thổ Liên Xô với diện tích 20 triệu km vuông để thu thập tin tức là điều không thể. Cho dù là máy bay trinh sát tầm cao U2 cũng chỉ có thể bay qua một vòng những địa điểm mà Mỹ nghi ngờ, đường bay của máy bay trinh sát không thể bao trùm được một khu vực rộng lớn, vì thế không thể đoán được Liên Xô sẽ bố trí tên lửa ở đâu. Nhưng "kẻ phát hiện" và các thế hệ vệ tính sau nó lại có khả năng nhận biết rất rõ ràng, diện tích quan sát rất rộng. Chỉ cần 4000 bức ảnh là có thể chụp toàn bộ lãnh thổ Liên Xô.

Trước đây, các chuyên gia phân tích của Cục tình báo trung ương Mỹ cho rằng, số tên lửa vượt đại châu mà Liên Xô có chí ít cũng đến 400 quả; nhưng sau khi thông qua ảnh mà máy bay U2 chụp con số đó giảm xuống còn 120 quả, và đến khi "Kẻ phát hiện" trổ tài, qua ảnh của nó chụp được cho thấy người Mỹ đã đánh giá quá cao Liên Xô, tên lửa vượt đại châu của họ chỉ có 14 quả. Trong khi số tên lửa vượt đại châu của Mỹ lớn hơn gấp ba con số đó. Người mạnh thực sự lúc đó chính là Mỹ chứ không phải là Liên Xô.

Sau này, khoa học phát triển đã giúp cho vệ tinh gián điệp không phải thực hiện khâu đưa khoang ảnh trở về trái đất, ảnh có thể trực tiếp truyền về trái đất thông qua sóng vô tuyến điện, các hình ảnh sẽ được đưa lên trên màn hình máy tính. Thể tích của vệ tinh gián điệp càng ngày càng lớn, độ cao của nó cũng tăng lên đáng kể. Từ vệ tinh "KH-11 đến vệ tinh "Big Bird", chất lượng đã được nâng cao hơn nhiều. Trên quỹ đạo, ngày càng nhiều vệ tinh ngày đên mở mắt giám sát mọi ngóc ngách của thế giới. Trong đội duyệt binh của Liên Xô tại quảng trường Đỏ, binh sĩ nào không cạo dâu trên hình ảnh của vệ tinh của Mỹ đều nhìn rất rõ.

Đương nhiên, Liên Xô cũng không để vệ tinh gián điệp của Mỹ lẻ loi trên bầu trời. Họ cũng đưa rất nhiều vệ tinh gián điệp của mình lên quỹ đạo để cùng "sánh vai" với vệ tinh của Mỹ. Mỗi khi thế giới xảy cuộc chiến tranh cục bộ nào, vệ tinh của hai nước này lập tức đua nhau thu thập tin tức tình báo có liên quan để cung cấp cho lãnh đạo của họ tham khảo để đưa ra quyết sách.

Trong chiến tranh trên quần đảo Malvinas, vệ tinh của Mỹ đã được lệnh đổi hướng quỹ đạo trinh sát sang nơi này. Phía Liên Xô trong ba tháng cũng liên tiếp phóng 35 vệ tinh gián điệp. Hai bên tranh nhau thu thập tin tức tình báo để cung cấp cho hai bên tham chiến là Anh và Achentina.

Trong chiến tranh vùng vịnh, 10 vệ tinh trinh sát của Mỹ ngày đêm giám sát đất nước Iraq. Vệ tinh của họ không chỉ phát hiện các loại xe quân sự, mà còn giúp đỡ rađa dò tìm các căn cứ phòng không, đường hầm nằm sâu dưới lòng đất, cung cấp tin tình báo để quân đội Mỹ phát hiện ra các mục tiêu quan trọng của Iraq. Vệ tinh còn có thể phát hiện ra các tín hiệu tên lửa của Iraq, sau đó thông báo cho hệ thống tên lửa "Kẻ yêu nước" để kịp thời đánh chặn.

Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, vệ tinh gián điệp ngày càng được cải tiến, vai trò của nó ngày càng quan trọng. Có người còn dự đoán rằng, hiện nay 80% tin tức tình báo của Cục tình báo trung ương Mỹ là do vệ tinh gián điệp cung cấp. Nhu cầu về tình báo của những người lãnh đạo các nước không bao giờ có giới hạn, để đáp ứng yêu cầu đó thì các vệ tinh tình báo sẽ còn tiếp tục được phát triển và cải tiến.

Câu chuyện về máy bay trinh sát tầm cao U2

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, cuộc tranh giành bá quyền thế giới giữa Liên Xô và Mỹ ngày càng quyết liệt, xu thế cạnh tranh đưa kỹ thuật cao vào lĩnh vực quân sự ngày càng rõ nét. Người Mỹ hết sức lo lắng trước việc Liên Xô đã thu được thành quả nghiên cứu tên lửa của Đức, và luôn có cảm giác Liên Xô đang bỏ xa mình trong lĩnh vực này. Vì vậy chính phủ Mỹ yêu cầu Cục tình báo trung ương Mỹ phải tăng cường công tác tình báo đối với vấn đề thử nghiệm tên lửa của Liên Xô để thu hẹp khoảng cách giữa hai nước.

Biện pháp truyền thống cử điệp viên đi thu thập tình báo lúc này không còn phù hợp nữa, dùng rađa để theo dõi các cuộc thử nghiệm tên lửa của Liên Xô thì xa nhất cũng chỉ quét sâu vào 1550 km trong lãnh thổ Liên Xô. Trong khi đó các căn cứ thử nghiệm tên lửa vượt đại châu quan trọng nhất của Liên Xô lại nằm ở vùng biên giới xa xôi, các rađa công xuất lớn nhất cũng không thể mò tới.

Lúc này Pisier tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế trường đại học Oxford Anh, thuộc Cục tình báo trung ương Mỹ đã đem đến một ý tưởng mới. Ông ta cho rằng, phải sử dụng biện pháp kỹ thuật mới để thu thập tình báo. Những cống hiến của ông ta sau đó đã mở ra thời đại mới cho hoạt động tình báo của Cục tình báo trung ương Mỹ.

Dưới sự chỉ đạo của Cục tình báo trung ương Mỹ, công ty Lockheed đã phát triển một sản phẩm mới, đó là một loại máy bay trinh sát tầm cao. Loại máy bay này có thân dài, hai cánh rất rộng, vì thế nó có thể đạt độ cao kỷ lục và khoảng cách bay rất xa. Máy bay trinh sát không có bất cứ một vũ khí tự vệ hoặc tấn công nào, khoang lái chỉ có duy nhất một người, phần lớn thân máy bay được trang bị các thiết bị quay chụp trên không tốc độ cao và cảm ứng. Thông qua 7 lỗ chụp trên thân máy bay có thể chụp được một khu vực rộng 200 km và dài 5000 km dưới mặt đất. Phim của nó có thể rửa ra được 4000 bức ảnh, các bức ảnh này có thể thông qua xử lý và phóng to. Từ đó những nhân viên phân tích có thể nhìn rõ mục tiêu dù rất nhỏ như thể xe tải. Tính năng ưu việt nhất của máy bay trinh sát là có thể đạt độ cao 27 nghìn mét trong suốt quá trình bay. Máy bay tiêm kích của Liên Xô lúc đó cũng chỉ đạt đến độ cao 18 nghìn mét, còn tên lửa phòng không của họ cũng không thể đạt đến 20 nghìn mét. Vì vậy máy bay trinh sát có độ an toàn rất cao. Máy bay gián điệp siêu cấp này quả thực là công cụ thu thập tình báo tiên tiến nhất lúc bấy giờ, vì vậy mà các nhân viên kỹ thuật của Cục tình báo trung ương Mỹ mệnh danh nó là "Thiên sứ", nhưng tên thật của nó là U2.

Chiếc U2 đầu tiên đã tiêu tốn hết 19 triệu đô la, nhưng cái giá này cũng rất đáng bỏ ra. Vì khi Allen Dulles đem những bức ảnh do chiếc U2 chụp được trình lên Tổng thống Eisenhower, đã khiến ông ta vô cùng kinh ngạc. Trên bức ảnh là Dulles đang chơi gôn tại một sân gôn ở châu Âu. Bức ảnh này đã khiến Tổng thống Eisenhower lập tức phê chuẩn kế hoạch hành động trinh sát lãnh thổ Liên Xô của máy bay U2.

Từ năm 1956 đến năm 1958, chiếc U2 đã thực hiện 20 lần bay trinh sát lãnh thổ Liên Xô, và đã thu được rất nhiều tin tình báo quan trọng. Máy bay U2 thậm trí còn phát hiện một căn cứ phóng tên lửa mới được xây dựng của Liên Xô.

Nhưng sau khi Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên vào năm 1957, Eisenhower bắt đầu thấy lo lắng đến việc máy bay U2 sẽ bị bắn rơi. Ông còn rất cẩn thận khi trao quyền chỉ huy hành động bay cho Cục tình báo trung ương để tránh những bước đi quá sâu, đồng thời hạ lệnh phải tiến hành trinh sát ở tầng cao hơn.

Pisier đương nhiên hiểu được nỗi lo lắng của Tổng thống, ông ta lần lượt ký hiệp định với Thổ Nhĩ Kỳ, Cyprus, Anh và Tây Đức để mở rộng đường bay cho máy bay U2 cũng như để nâng cao hệ số an toàn cho nó.

Nhưng nỗi lo của Tổng thống Mỹ quả thực không thừa. Ngày 1 tháng5 năm 1960, đúng khi Khrushchev tham gia cuộc mít tinh mừng ngày 1/5 tại Quảng trường Đỏ thì chủ tịch KGB Shelepin báo cáo lên rằng, máy bay U2 của Mỹ hiện đang bay qua lãnh thổ Liên Xô. Lúc này Khrushchev vô cùng tức giận, đồng thời hạ lệnh bắn hạ chiếc "Thiên sứ" không mời mà đến này.

Francis Bowers viên trung uý đang ngồi trong khoang điều khiển chật hẹp của chiếc U2, dưới chân anh ta là lãnh thổ Liên Xô rộng lớn. Công việc của anh ta vô cùng đơn điệu, chỉ cần liên tục ấn vào nút chụp của máy ảnh là xong, anh ta hoàn toàn không biết sự phẫn nộ Khrushchev.

Khi Bowers hoàn thành được phần lớn nhiệm vụ và chuẩn bị đổi hướng bay ra vịnh, đột nhiên nghe thấy tiến va đập, trước mắt anh ta là những ánh lửa chói mắt. Tình huống bị bắn trung theo như giả thuyết trong huấn luyện đã xảy ra.

Máy bay đã mất điều khiển, đang bổ nhào xuống mặt đất. Theo như bài học trong huấn luyện Bowers phải ấn nút tự huỷ, máy bay sau 70 giây sẽ nổ tung. Nhưng Bowers lại không thể ấn nút bị đôi chân anh ta đã bị bảng màn hình kẹp chặt. Bowers lập tức lấy hết sức mình bật nắp khoang lái, cố sức thoát ra ngoài. Sau khi bò ra được cánh máy bay, anh ta lại muốn quay lại ấn nút tự huỷ. Nhưng tất cả đã quá muộn, anh đã bị hất tung khỏi máy bay bởi một trận gió. Bowers đã rơi xuống cánh đồng của một nông trang, và bị những người trong nông trang bắt giữ, không lâu sau đó anh ta được đưa đến chỗ Shelepin.

Khrushchev cho rằng, mình đã nắm được đuôi của người Mỹ, nên tại hội nghị thượng đỉnh ba nước tại Paris, ông vô cùng tức giận chỉ trích hành động xâm phạm không phận của Mỹ. Nhưng phía Mỹ nghĩ rằng, máy bay U2 và phi công đã nổ tan xác, không còn dấu vết gì, nên nói rằng một cầu khí tượng của Mỹ đã bay lạc vào không phận Liên Xô. Khrushchev phẫn nộ nói: "phi công còn sống! còn có các thiết bị gián điệp có thể chứng minh!" Sau đó, ông khẳng khái biểu thị rằng, không cho phép bất cứ ai xâm phạm chủ quyền của Liên Xô.

Tổng thống Pháp De Guade tức giận liền nói thay cho Mỹ: "Vệ tinh của Liên Xô cũng vừa bay qua không phận của Pháp." Khrushchev chưa biết trả lời sao thì De Gaulle nói tiếp: "vệ tinh của Liên Xô làm sao có thể chụp được mặt trái của mặt trăng?" Khrushchev đành phải trả lời: "trên vệ tinh lắp máy ảnh." De Gaulle cười và nói: "hoá ra là vậy!" Qua cuộc đối thoại của Tổng thống Pháp và Khrushchev đã cho thấy chân tướng của cuộc chiến gián điệp trên không giữa hai nước Mỹ và Liên Xô.

Những gián điệp nổi tiếng trong thế chiến II

1. Gián điệp tiến sĩ: Khi Richard Commander Vinay Garg bị bắt vì tội hoạt động gián điệp, mọi người không thể tin rằng, Richard Commander - một phóng viên người Đức có văn phòng riêng trong Đại sứ quán Đức tại Tokyo và có mối quan hệ thân mật với đại sứ Đức lại là một gián điệp làm việc cho Liên Xô. Mẹ của Commander là người Nga. Năm lên 3 tuổi, gia đình ông chuyển đến Đức sinh sống. Trong thời gian học đại học, Commander đã bị ảnh hưởng bởi tư tưởng cánh tả, gia nhập Đảng Cộng sản Đức. Năm 1924, cơ quan tình báo Liên Xô chiêu mộ Commander làm gián điệp. Năm 1941, quân Đức âm thầm tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Liên Xô mà không có bất kỳ hành động tuyên chiến nào. Trước đó, Commander đã báo tin này cho chính phủ Liên Xô, nhưng báo cáo của ông không nhận được coi trọng. Ngay khi cuộc chiến mới bắt đầu, quân Nhật đã lên tiếng muốn mở một chiến trường tại khu vực Viễn đông, với mục đích khiến cho Moscow bị tiến công từ phía trước và phía sau, điều này đã khiến Moscow hoang mang cực độ. Commander và các đồng sự của ông tiến hành phân tích lượng lớn thông tin tình báo, kết quả rút ra là: "Khu vực Viễn đông của Liên Xô có thể coi là an toàn, quân Nhật không thể phát động chiến tranh chống Liên Xô, ngược lại, quân Nhật sẽ khai chiến với quân Mỹ trong vài tuần nữa". Nhờ vào sự phán đoán chuẩn xác của Commander, Liên Xô mới dám mạnh dạn tập trung lực lượng tại chiến tuyến phía Tây, dốc sức bảo vệ Moscow và cuối cùng đã giành thắng lợi. Ngày 7 tháng 11 năm 1944, Commander đã bị bắt và xử tội tử hình vì tội phản quốc.

2. Nữ gián điệp xinh đẹp Cynthia: Ngay từ khi Thế chiến II mới bắt đầu, Amy Parker đã tỏ rõ tài năng gián điệp của mình với cơ quan tình báo của Anh. Cô lợi dụng mối quan hệ khăng khít với người bạn thân trong Đại sứ quán Italy ở Mỹ để đánh cắp hệ thống mật mã của hải quân Italy.

Tháng 5 năm 1941, Amy Parker đổi tên là "Cynthia", giả làm phóng viên người Mỹ để tiếp cận với Charles Bruce - một quan chức ngành báo chí trong đại sứ quán Pháp tại Mỹ. Vừa gặp Cynthia, Bruce đã thấy vô cùng cảm mến cô. Hai người cùng nhau đánh cắp được mật mã của hải quân Pháp. Năm 1946, Bruce kết hôn với Cynthia và sinh sống tại Castle - một vùng quê của Pháp.

3. Gián điệp đơn độc: Kolby Martin Kolby Martin chỉ đảm nhiệm một chức vụ nhỏ trong Bộ ngoại giao Đức. Công việc hàng ngày của ông là sắp xếp điện báo nhận được cho cấp trên. Kolby Martin đã lợi dụng cơ hội đi tiêu hủy tài liệu để đánh cắp thông tin tình báo. Trong Thế chiến II, Kolby Martin đã chuyển hơn 2.600 tài liệu cơ mật của phát xít cho phía quân đồng minh, giúp cho chiến tranh kết thúc sớm hơn dự kiến. Năm 1971, Kolby Martin đã tạ thế trong sự cô đơn.

4. "007 phong lưu": Dusko Popov sinh năm 1912 tại Nam Tư. Mùa hè năm 1940, ông được cơ quan phản gián của Đức (Abwehr) chiêu mộ và phái đến Ba Lan để thu thập tình báo cho phát xít Đức. Thế nhưng, Dusko Popov lại có một tinh thần chống phát xít hết sức mãnh liệt, ông chủ động cung cấp tin tức về quân Đức cho người Anh. Popov còn được mệnh danh là "chàng công tử đào hoa" do có vẻ bè ngoài rất hấp dẫn nữ giới. Nhà văn In Fleming của cuốn tiểu thuyết "Điệp viên 007" đã lấy hình mẫu Popov để tạo nên chàng "James Bond 007". Trong Thế chiến II, Popov đã may mắn sống sót.

5. Điệp viên dũng cảm: Nancy Enditem được cơ quan tình báo phát xít Đức gọi là "chuột bạch". Thế chiến thứ II bùng nổ, Nancy di dân sang Pháp và tham gia vào một khoá huấn luyện gián điệp, sau đó làm việc cho quân đồng minh của tổ chức kháng chiến nước Pháp tự do. Do những thành tích trong hoạt động tình báo, Nancy trở thành "cái gai" trong mắt Gestapo. Sau khi trốn về London, Nancy đã thuyết phục chính phủ Anh cho cô được tham gia vào một khoá huấn luyện gián điệp chuyên nghiệp hơn. Từ đó, trở thành một điệp viên nổi tiếng là gan dạ, kiên cường.

6. Điệp viên hai mang: Schmidt Vulf là gián điệp mang biệt hiệu 3725 của Đức được phái sang Anh làm việc. Khi nhảy dù xuống một khu rừng rậm của Anh, Schmidt Vulf không ngờ đã bị rơi trúng điểm phục kích của quân Anh. Cục tình báo quân đội Anh MI-5 đã huấn luyện ông trở thành gián điệp hai mang. Trong Thế chiến II, Schmidt Vulf đã lấy vợ và sinh con. Sau chiến tranh, ông không trở về Đức mà định cư tại Anh.

7. Nữ gián điệp - minh tinh màn bạc: Olga Chekhov cho đến khi Thế chiến II kết thúc, Hitler vẫn không biết được rằng mình đã bị "nữ minh tinh phát xít" yêu quý bán đứng. Olga Chekhov sinh ra tại vùng Caucasus của Nga. Sau khi di dân sang Đức, với số lượng 8 bộ phim mỗi năm, Olga Chekhov nhanh chóng trở thành thần tượng trong lòng người dân Đức, trong đó có cả Adolf Hitler. Sau "Cách mạng tháng Mười", anh trai của Olga Chekhov là Lev đã giúp cơ quan tình báo Liên Xô chiêu mộ em gái mình làm gián điệp. Olga Chekhov thường xuyên được nghe Hitler cùng các hạ thủ của mình thảo luận về tình hình chiến trường trong các bữa tiệc. Sau khi chiến tranh kết thúc, Olga Chekhov trở về Đức. Năm 1980, bà qua đời, hưởng thọ 82 tuổi.

Sự thất bại thảm hại tại vịnh con lợn

Ngày 1 tháng 1 năm 1959, nhân dân Cuba dưới sự lãnh đạo của Fidel Castro đã lật đổ chế độ độc tài Batista, thống nhất hoàn toàn đất nước. Tại bên kia Tây bán cầu một nước xã hội chủ nghĩa đã ra đời. Cuộc cách mạng này đã đánh mạnh vào lợi ích của Mỹ, nó làm lung lay nền thống trị của Mỹ tại Mỹ La Tinh. Người Mỹ tuyệt đối không cam chịu để mấy "sân sau" của mình, Tổng thống Eisenhower ra lệnh, Cục tình báo trung ương Mỹ phải áp dụng mọi biện pháp để tổ chức và huấn luyện các phần tử chống chính phủ Cuba đang lưu vong ở Mỹ nhằm lật đổ Fidel Castro.

Giám đốc CIA lúc đó là Dulles cùng với các nhân vật hiếu chiến khác trong chính phủ Mỹ lập tức bắt tay vào thực hiện mệnh lệnh của Tổng thống. Ông ta chọn 25 thanh niên Cuba lưu vong, sau những cuộc kiểm tra gắt gao, ông ta đưa họ tới Cục tình báo trung ương huấn luyện, giúp họp nắm chắc các kỹ năng phá hoại đặc biệt và các kỹ thuật liên lạc thông tin, sau đó bí mật đưa họ đến Cuba tổ chức các hoạt động phá hoại chính phủ nước này.

Phó giám đốc phụ trách các hoạt động đặc biệt của CIA là Richard cũng lựa chọn hai địa điểm có điều kiện tương tự như Cuba ở kênh đào Panama và khu rừng rậm Malai nguy hiểm để xây dựng trại huấn luyện. NGoài ra, họ còn xây dựng sân bay và địa điểm đổ bộ dùng để huấn luyện kỹ thuật nhảy dù và đổ bộ đường không cho các phàn tử phản loạn. Về phương diện gây đảo chính vũ trang, chỉ cần có lợi thì Mỹ sẽ không ngần ngại bỏ ra mọtt khoản tiền lớn để thực hiện.

Giai đoạn đầu công tác huấn luyện kết thúc vào cuối năm 1960, có vài tên lưu vong đã đạt được yêu cầu đề ra. CIA lập tức phái họ đi thực hiện nhiệm vụ.

Những người này đã đổ bộ thành công lên bờ biển Bắc của Cuba, đồng thời bắt đầu thâm nhập sâu vào bên trong.

Nhưng không lâu sau, các trạm nghe trộm của CIA xây dựng xung quanh Cuba đã mất tín hiệu liên lạc với họ. Họ đã đột nhập thành công hay bị chính phủ Cuba phát hiện? CIA vẫn nghiêng về giả thiết thứ nhất.

Trong khi tin tức từ Havana vẫn chưa thấy gì? CIA lại gặp khó khăn mới. Năm đó Mỹ tiến hành cuộc bầu cử Tổng thống nhiệm vụ mới, Tổng thống mới chưa chắc ủng hộ kế hoạch này, thái độ của tổng thống mới như thế nào thì CIA không thể đoán trước, còn nếu áp dụng hành động mang tính quyết định trong thời gian còn lại của Tổng thống Eisenhower là điều không thể. Vì vậy CIA đã đẩy nhanh quá trình huấn luyệnm các phần tử chống chính phủ Cuba, mục đích của họ là tạo ra chuyện đã rồi cho vị Tổng thống mới.

Sang năm thứ 2, vị Tổng thống mới lên nhậm chức, người đó chính là John Kenedy. Trước khi ông ta tuên bố nhậm chức, vị Tổng thống cũ đã n hiều lần kiến nghị Kenedy mau chóng phê chuẩn kế hoạch xâm nhập Cuba của Cục tình báo Mỹ. Dulles cũng trình lên Tổng thống một bản báo cáo kế hoạch hành động tuyệt mật. Báo cáo này với ý tưởng mạnh dạn: Tổ chức 1500 thanh niên lưu vong Cuba, được trang bị máy bay và xe tăng của Mỹ, đổ bộ lên bờ biển vịnh con lợn và tấn công lực lượng vũ trang của Cuba, sau đó phát triển sâu vào bên trong và cuối cùng tiến đến La Habana

Bản kế hoạch này đối với tân Tổng thống trẻ tuổi quả thức có sức hấp dẫn kỳ lạ. Ông ta chỉ bằng lực lượng yếu có thể thắng đối thủ ngay trên sân đối phương, nếu chỉ trong 100 ngày cầm quyền có thể lật đổ được chính quyền Đảng cộng sản của nước láng giềng, trừ đwocj hậu họa sau này cho nước Mỹ thì thực sự ông ta sẽ trở thành vị Tổng thống mới trẻ tuổi và đầy sức mạnh nhất thế giới.

CIA cũng báo cáo lên Tổng thống những nơi thực hiện kế hoạch đều đã được chuẩn bị ổn thỏa, không để lại sơ suất nào.

Hơn nữa, thời gian rất cấp bách, Cuba vừa nhận được một số máy bay Mic từ Liên Xô, phi công của họ đang được huấn luyện tại Tiệp

Khắc, sau ngày 1 tháng 6 máy bay và phi công đều được đưa vào phục vụ. Bỏ qua cơ hội này Mỹ sẽ vĩnh viễn không còn hy vọng.

Dulles cũng có bài diễn thuyết yêu cầu Tổng thống đứng về phía những kẻ lưu vong chống chính phủ Cuba. Sau bài diễn thuyết của ông ta cuối cùng thì vị Tân Tổng thống cũng thấy động lòng.

Kenedy đã bị những kẻ đứng đầu giới tình báo và quân sự ép buộc, ông ta không hề có kinh nghiệm vào sinh ra tử như vị Tổng thống tiền nhiệm, hoàn toàn không biết rằng để giành thắng lợi trong kế hoạch này, họ sẽ phải trả giá như thế nào, mà chỉ nghĩ rằng để những phần tử lưu vong Cuba chiến đấu với Castro, Mỹ chỉ cần mau chóng công nhận chính phủ lưu vong là được. Cuối cùng thì vị Tổng thống này đã phê chuẩn kế hoạch đổ bộ lên Vịnh con lợn.

Trung tuần tháng 4, kế hoạch xâm nhập vào Cuba bắt đầu được thực hiện. Đầu tiên máy bay Không quân Mỹ nguy trang giống máy bay của Cuba oanh tạc sân bay Cuba nhằm tạo ra cảnh tượng giả là Không quân Cuba khởi nghĩa trước cộng đồng quốc tế. Nhưng trận oanh tạc này không những không phá hủy được Không quân Cuba mà còn gây ra làn sóng phản đối gay gắt trong Liên Hợp Quốc. Cộng đồng quốc tế cũng lên án mạnh mẽ hành động này của Mỹ.

Tiếp đó, sáng ngày 19 tháng 4, những kẻ lưu vong Cuba đã biểu diễn màn cuối cùng. Chúng phát động một cuộc tấn công vào Vịnh con lợn, nhưng quân đội và dân quân Cuba đã dồn chúng vào bãi biển chật hẹp. Sau 3 ngày kịch chiến, những kẻ lưu vong hy sinh 300 tên, số bị thương và những kẻ còn lại đã bị quân dân Cuba do Castro lãnh đạo bắt sống. Vịnh con lợn đã trở thành nơi chứng kiến sự thất bại thảm hại về một kế hoạch sai lầm của tình báo Mỹ.

Sau thất bại thảm hại này, Kenedy chỉ còn biết ân hận, ông ta quy thất bại này cho bên tình báo và thừa nhận sai lầm này là do nhẹ dạ cả tin. Oong ta thừa nhận, đây là kế hoạch tuyệt mật do Tổng thống tiềm nhiệm phê chuẩn, là một Tổng thống mới ông ta không thể hủy bỏ.

Kenedy đã bãi bỏ chức vụ của người đứng đầu Cục tình báo trung ương, đồng thời bổ nhiệm em trai mình đảm nhiệm chức vụ quan trọng này. Bên cạnh đó, ông ta còn tuyên bố Cục tình báo trung ương từ đó về sau không có quyền triển khai các hành động quân sự quy mô lớn nữa, mà quyền chỉ huy giao lại cho Lầu Năm Góc.

Cuộc khủng hoảng tên lửa tại Cuba

Sự thất bại thảm hại của Mỹ tại Vịnh con lợn không chỉ làm yếu đi địa vị của Mỹ trên thế giới, mà còn tạo cho nhà lãnh đạo Liên Xô Khrushchev một lý do xác đáng, đó là "Để bảo vệ Cuba, Liên Xô phải tăng cường viện trợ quân sự. Trên thực tế, Khrushchev đã nhìn thấy điểm yếu của Mỹ, nên ông đang chuẩn bị cho cuộc chiến tranh giành bá quyền mà Mỹ đang triển khai trên phạm vi toàn thế giới.

Thực tế, Mỹ vừa mới bị thất bại thảm hại nên chưa thể có những hành động mạnh được ngay. Tháng 7 năm đó, họ phát hiện, có khoảng 70 tàu tàu của Liên Xô giả chuyên chở các tư vật liệu tới Cuba, trong đó bao gồm cả tên lửa SAM-2. Thực tế, loại tên lửa này chỉ là loại tên lửa phòng không bình thường, Liên Xô đã từng bán nó cho Ai cập và Indonesia, Mỹ mắt nhắm mắt mở cho rằng Liên Xô đang triển khai sức mạnh tại vùng biển Caribbean, tên lửa phòng không này đã gây ra sự bất an cho Mỹ.

Nhưng không lâu sau, CIA đã nhận được tin tình báo chính thức cho thấy, Liên Xô đang xây dựng căn cứ tên lửa đất đối không mang tính công tại phía Tây Cuba. Tiếp đó, viên phi công riêng của Fidel Castro trong một buổi quán Bar tại Havana uống rượu xây đã nói: "Cuba hiện đã có tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân." CIA lập tức điều máy bay trinh sát tầm cao U2 thực hiện các cuộc bay vào không phậm Cuba để trinh sát. Những bức ảnh do máy bay U2 chụp được cho thấy, phía Tây Cuba thực sự là đang xây dựng căn cứ tên lửa quy mô lớn. CIA lập tức đem tất cả tin tình báo thu được trình lên chính phủ.

Do thất bại vừa gặp phải nên báo cáo của CIA không được Tổng thống coi trọng, các trợ lý của Tổng thống cho rằng, ngay cả ở các quốc gia Đông Âu, Liên Xô cũng không bố trí tên lửa tên lửa tầm xa đất đối đất thì họ quyết không dám đem loại vũ khí này giao cho chính phủ Cuba hiện còn chưa ổn định. ở Cuba, điều mà Liên Xô có thể làm là xây dựng căn cứ tên lửa phòng không đơn thuần.

Đến trung tuần tháng 10 năm đó, máy bay U2 trong quá trình bay trinh sát đã chụp được những bức ảnh mới. Những bức ảnh cho thấy, căn cứ tên lửa ở San Cristobal đã xuất hiện những động thái bất thường, quy mô xây dựng ở đây đã vượt xa nhu cầu của căn cứ tên lửa đất đối không, chính phủ Kenedy lúc này mới ý thức được tầm quan trọng của vấn đề này. Kenedy lập tức triệu tập ủy ban an ninh quốc gia, vậy là cuộc khủng hoảng tên lửa cuối cùng đã mở màn.

Trong toàn bộ quá trình của cuộc khủng hoảng tên lửa, CIA không ngừng thông báo những tin tức bình báo cho Tổng thống, giúp Tổng thống Mỹ đưa ra được những hành động đối với Liên Xô. Họ đã mua chuộc được một điệp viên của Liên Xô, điệp viên này làm việc tại phòng tình báo quân sự Bộ tổng tham mưu Liên Xô, tên này đã cung cấp các tài liệu về chủng loại, tính năng và khả năng tàng hình của các tên lửa và trang bị quân sự mà Liên Xô chuyển tới Cuba, khiến CIA dễ ràng phát hiện ra 9 căn cứ tên lửa tầm trung đang xây dựng tại Cuba từ những bức ảnh mà máy bay U2 chụp được.

Kenedy cho rằng, đây là cơ hội tốt để phát động tấn công Liên Xô, tiếp đó ông ta kháng nghị lên Liên Hợp Quốc yêu cầu Liên Xô rút khỏi tên lửa khỏi Cuba. Đại biểu của Liên Xô tại Liên Hợp Quốc phủ nhận tất cả, sau đó lại úp mở. Kenedy lập tức ký vào công báo "Ngăn cấm vận chuyển vũ khí tấn công tới Cuba" và tuyên bố kể từ ngày 24 tháng 10 sẽ chặn tất cả các tàu của Liên Xô tới Cuba, đồng thời hạ lệnh cho chính phủ Mỹ điều tra những tàu này.

Để phong tỏa Cuba, Mỹ đã điều động 183 tàu chiến, trong đó bao gồm 8 tàu hàng không mẫu hạm, vây quanh phong tỏa Cuba từ trên biển; Trên Không, máy bay oanh tạc hạng nặng B-52 mang bom hạt nhân bay trên bầu trời theo thời gian ấn định để thị uy, 200 máy bay quân sự cũng được chuẩn bị để oanh tạc Cuba; trên đất liền hơn 300 nghìn lính trong đó bao gồm 900 nghìn lính dù và lính thủy quân lục chiến cũng được tập kết.

Hai ngày sau, Khrushchev đã đưa ra những phản ứng rất ngay ngắt. Ông lệnh cho quân đội Liên Xô luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, ông nêu rõ sẽ bắn chìm tất cả tàu chiến nào của Mỹ dám chặn tàu của Liên Xô, một cuộc chiến tranh thế giới nữa sắp xảy ra.

Trong những ngày chiến tranh , chính phủ Mỹ cũng rất lo lắng, vì theo đánh giá của của các chuyên gia Mỹ, một khi hai nước xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân, chỉ một giờ chiến tranh bùng phát, hai bên sẽ phải tổn thương mất 100 triệu người, hậu quả cuộc chiến này sẽ khó mà lường trước được.

Nhưng những tin tình báo mà CIA có được đã cung cấp rất nhiều tư liệu tham khảo có giá trị cho các chuyên gia phân tích quân sự. Theo như tin tình báo mà điệp viên Liên Xô cung cấp, đến năm 1962, Liên Xô vẫn chưa có khả năng thực hiện tấn công hạt nhân bằng tên lửa vượt đại châu vào lãnh thổ Mỹ, Tư lệnh bộ đội tên lửa Nga trong một lần thử nghiệm tên lửa đã bị thương do sự cố. Khrushchev đến giờ khắc cuối cùng đã quyết định rút lui.

Bức màn kịch tính cuối cùng cũng diễn ra trên vùng biển Caribbean. Mấy chiếc tàu trở dầu của Liên Xô vẫn tiến thẳng đến Cuba. Khi tiến đến tuyến phong tỏa của Mỹ, tàu chiến của Mỹ đã tổ chức vây chặn, một khi tàu của Liên Xô vượt qua tuyến phong tỏa tàu chiến của Mỹ nhất định sẽ khai hỏa, cuộc đại chiến thế giới thứ 3 dường như sắp xảy ra.

Nhưng không ngoài dự liệu của CIA, những tàu chiến này của Liên Xô khi láy đến gần tuyết phong tỏa của hải quân Mỹm đột nhiên dừng lại, sau đó quay đầu trở về. Lúc này những người đứng đầu Nhà Trắng mới thở phòa nhẹ nhõm, họ cuối cùng cũng có được lợi thế trên biển.

Sau đó, rất nhiều cuộc đàm phán giữa Mỹ và Liên Xô đã diễn ra, cuối cùng nhà lãnh đạo Liên Xô cũng đi đến quyết định rút toàn bộ tên lửa tầm trung khỏi Cuba, và chỉ yêu cầu Mỹ phải xóa bỏ phong tỏa đối với Cuba. Mỹ để đáp lại cũng rút một phần quân đội khỏi Thổ Nhĩ Kỳ gọi là tượng trưng.

Người anh hùng hóa giải cuộc khủng hoảng tên lửa

Ngày 26 tháng 10 năm 2007, điệp viên nổi tiếng của Liên Xô Alexander Feklisov đã quan đời ở tuổi 94. Feklisov là một điệp viên nổi tiếng nhất trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, trong đó thành công lớn nhất của ông là thu thập bản vẽ kết cấu bom kinh khí. Sau khi tin tức ông qua đời được truyền đi, rất nhiều báo chí và giới truyền thông đã đưa tin về sự kiện này.

Không biết đây có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay không, nhưng chính ngày Feklisov qua đời, trên vũ đài chính trị thế giới một lần nữa truyền đi những tin tức về cuộc khủng hoảng tên lửa năm xưa, điều này tự nhiên khiến người ta nhớ lại người điệp viên anh hùng và vai trò quan trọng của ông trong việc giải quyết "Cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba" năm đó.

Ngày 9 tháng 3 năm 1914, Feklisov đã ra đời trong một gia đình tại Matxcova. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông lần lượt theo học tại các trường kỹ thuật công xưởng và học viện thông tấn Matxcova. Năm 1939, sau khi tốt nghiệp đại học và trải qua một năm huấn luyện tại KGB, Feklisov với thân phận một điệp viên KGB chính thức vào làm việc tại phòng 5 - Phòng quốc tế -Tổng cục an ninh quốc gia Liên Xô.

Cuộc đời điệp viên của Feklisov bắt đầu rất thuận lợi. Tháng 2 năm 1941, tuy là một điệp viên mới vào nghề, nhưng Feklisov đã điều đến Newyork phụ trách công tác thu thập tình báo về các loại vũ khi đời mới, ông đã làm việc tròn 5 năm tại đây. Nhưng điều không ai có thể nghĩ được rằng chỉ trong thời gian ngắn ngủi này, những điệp viên ông phát triển được có cả những lãnh đạo cao cấp và nhân viên nghiên cứu khoa học kỹ thuật của công ty General Electric Co và công ty hữu hạn nguyên tử miền Tây của Mỹ. Từ đó tất cả các tin tình báo bí mật về điện lực, rađa và chế tạo máy bay chiến đấu của Mỹ đều nằm trong tay của ông. Không chỉ có vậy, ông còn giúp đỡ mạng lưới gián điệp của KGB tại Newyork tiếp cận được với rất nhiều các tin tức tình báo về kỹ thuật hạt nhân của Mỹ.

Năm 1947, ông được điều tới London, đảm nhiệm chức phó chủ nhiệm mạng lưới tình báo kỹ thuật tại đây. Tại đây, nhà vật lý hạt nhân nổi tiếng thế giới, thành viên tổ nghiên cứu bom hạt nhân của Anh Focus được ông phát triển thành một điệp viên có giá trị nhất và thành công nhất. Nhờ sự giúp đỡ của Focus, Feklisov cuối cùng đã có được những tin tình báo quan trọng bao gồm cả sơ đồ cấu tạo bom kinh khí.

Feklisov rất nổi tiếng không chỉ vì ông xuất sắc trong công việc, mà còn có một nguyên nhân khác là, trong cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba năm 1962, ông đã đóng vai trò quan trọng trong việc truyền đạt thông tin. Khi đó, thân phận công khai của ông là Tham tán Đại sứ quán Liên Xô tại Mỹ.

Tháng 10 năm 1962, trong khi cả thế giới căng thẳng theo dõi bầu không khí của cuộc chiến tranh hạt nhân thế giới rất có thể sẽ xảy ra, Feklisov đột nhiên đến gặp Carrión phóng viên nổi tiếng của công ty phát thanh truyền hình ABC của Mỹ. Trong cuộc gặp bất thường này, Feklisov cảnh báo, Mỹ không được dùng vũ lực để giải quyết vấn đề tại Cuba. Feklisov nói, nếu Mỹ sử dụng vũ lực ở Cuba, Liên Xô có thể thực hiện cuộc tấn công chớp nhoáng vào Tây Beclin. Ông còn dùng những lời nói hình tượng để miêu tả cho trận đánh này, ông nói hàng nghìn chiếc xe tăng dưới sự yểm trợ của máy bay sẽ như một trận lũ không gì chống nổi, "Tôi nghĩ, họ có thể không cần đến 24 giờ để đột phá tuyến phòng thủ của Liên quân Anh, Pháp và Mỹ, và chiếm lĩnh được cả Tây Beclin". Sau đó, Carrión đem tất cả các tin này báo lên cho Kenedy.

Lúc đó, Feklisov đã đi một nước cờ hiểm, khiến Anatoli Dobrynin Đại sứ của Liên Xô tại Mỹ do không thể hiểu nổi nên đã cự tuyệt ký vào bản điện mật ghi lại buổi nói chuyện giữa Feklisov và viên phóng viên kia. Là một nhà ngoại giao, Dobrynin hiểu rằng, cách làm của Feklisov rất rất nguy hiểm, có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường. Nhưng ông ấy đâu có ngờ rằng, những gì Feklisov làm chính là ý đồ của Khrushchev nhà lãnh đạo Liên Xô và Tổng bộ KGB. Cho dù viên đại sứ cự tuyệt ký vào bức điện, nhưng Feklisov vẫn tự mình gửi những tin tình báo này về Matxcova. Cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba cuối cùng cũng được giải quyết thành công, Feklisov đã để lại một dấu ấn huy hoàng trong cuộc đời tình báo của mình.

Có thể do tính chất bảo mật về bản thân nghề nghiệp của ông cho nên báo chí Nga không đưa tin nhiều về cuộc sống của ông những năm cuối đời. Sau khi rút khỏi đường dây tình báo, Feklisov về làm giảng viên tại học viện tình báo đối ngoại, đồng thời còn giành được học vị tiến sĩ lịch sử. Năm 1974 ông giải ngũ với quân hàm thượng tá, trở về viết hồi ký, trong số đó có hai cuốn "Bờ bên kia đại dương và trên đảo: Ghi chép của nhân viên tình báo" và cuốn "Sự thẳng thắn của một nhân viên tình báo" được xuất bản vào những năm 90. Hai cuốn sách xuất bản đã giúp mọi người hiểu rõ về công việc thần kỳ của ông cũng như những cống hiến của ông đối với Liên Xô. Năm 1996, Feklisov đã trở thành một trong 6 điệp viên Liên Xô được tặng danh hiệu "Anh hùng Nga".

Trong khi mọi người đang xem những gì Feklisov đã làm là một chuyện thần kỳ, và nỗi ám ảnh về cuộc chiến tranh lạnh cũng sớm tan biến từ lâu thì ngày 26 tháng 10 vừa qua tại Bồ Đào Nha Tổng thống Putin một lần nữa nhắc lại cuộc khủng hoảng tên lửa tại Cuba. Tổng thống Putin bày tỏ, năm xưa Liên Xô bố trí tên lửa tại Cuba đã dẫn đến một cuộc khủng tên lửa. Lần này, Mỹ lại lên kế hoạch bố trí tên lửa tại Châu Âu, điều này là sự uy hiếp đối với biên giới của Nga. Tuy nhiên, ông Putin cũng chỉ rõ, quan hệ hiện nay giữa Nga và Mỹ là quan hệ bạn bè chứ không phải đối địch như trong thời chiến tranh lạnh, tình hình căng thẳng không thể bằng năm 1962. Thêm vào đó ông và ông Bush là những người bạn, ông tin rằng sự hợp tác giữa hai bên sẽ ngăn chặn kế hoạch của Mỹ trở thành một "đại nạn toàn cầu".

Cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba được nhắc lại, khiến cho mọi người liên tưởng đến nhân vật thần kỳ - Feklisov và vai trò của ông cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba. Hiện nay, những bất đồng giữa Nga và Mỹ về hệ thống phòng thủ tên lửa đang ngày một găy gắt, liệu lần này ai sẽ là người anh hùng đứng ra giải quyết vấn đề này?

Đâu là nguyên nhân về vụ không nạn ở Lockerbie

Đêm ngày 21 tháng 12 năm 1988, trên bầu trời yên tĩnh ở vùng Lockerbie, Scotland bỗng xảy ra một vụ nổ kinh hoàng. 270 hành khách vô tội bao gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ con chỉ trong khoảnh khắc bỗng trở thành những linh hồn bay vào bóng đêm. Trên không trung, hàng ngàn mảnh kim loại, da người, thảm trải và những mảnh thi thể người bay tứ tung từ hướng tây bắc vùng Lockerbie sang phía bờ biển Bắc. Thị trấn Lockerbie vốn vẫn yên bình, đêm đó cũng chịu chung một số phận, 11 người trong thị trấn bị 5 mảnh vỡ máy bay bắn trúng và vô tình trở thành vật hy sinh trong vụ tai nạn chuyến bay 103 của hãng hàng không Inter- American.

Vụ tai nạn máy bay 103 quả thực là sự cố khó hiểu, nhiều giả thiết sau đó đã được đưa ra: có người cho rằng, một người mang ma tuý sang Detroit nhưng bị lừa thành gói thuốc nổ, lại có một giả thuyết khác cho rằng, vali của một điệp viên đã bị tráo thành vali chứa bom, còn có người đưa ra giả thuyết, đây là hành động trả đũa CIA vì những hoạt động của tổ chức này tại Frankfurt đã bị phát hiện. Câu chuyện càng trở lên ly kỳ khi có người liên hệ vụ nổ này vớí cuốn "trường ca Dan Psalm" của Salamanla Shidi, bởi trong tiểu thuyết có đoạn viết: "vào buối sáng một ngày mùa đông gần năm mới, chiếc máy bay bị vỡ thành 2 nửa, như hạt đậu nứt ra làm lộ nhân bên trong, cũng giống như vỏ trứng sau khi vỡ sẽ mở ra bí mật bên trong nó." Đây quả như lời giới thiệu mở đầu đầy xúc tích cho thảm kịch chuyến bay 103. Họ cho rằng, cuộc chiến giữa CIA và phần tử khủng bố không bao giờ chấm dứt, chỉ có điều khác trước là bọn khủng bố đã sử dụng thủ đoạn kỳ dị theo kiểu "Dan Psalm" để thể hiện sự điên cuồng của chúng.

Sự cố này đương nhiên làm Bush cha chuẩn bị nhận chức, vô cùng đau đầu. Trong 3 năm sau khi vụ tai nạn xảy ra, ông Bush luôn yêu cầu CIA phải làm rõ việc này. Ông luôn nghi ngờ Palestine nhúm tay vào vụ này.

Ban đầu các chuyên gia phân tích của CIA dưới ảnh hưởng của dư luận, cho rằng sự cố này là do tổng chỉ huy mặt trận nhân dân Palestine Jabri thực hiện. Nhưng tại khu vực gần nơi xảy ra tai nạn, một người công nhân Scotland đã tình cờ phát hiện ra một miếng đồng bé tí bị cháy xém, vậy là khả năng Jabri thực hiện đã bị loại trừ.

Theo phân tích của kỹ sư chế tạo máy bay Boeing 747 và các chuyên gia về thuốc nổ cho biết, miếng đồng này không thể là mảnh vỡ của bất kỳ bộ phận nào của máy bay Boeing, mà nó là một bộ phận trên bảng mạch điện của thiết bị hẹn giờ. Điều này chứng minh rằng, bom ở hành lý số 14L trong khoang hành lý của máy bay được kích hoạt bằng thiết bị hẹn giờ còn bom do Jabri chế tạo luôn được kích nổ bằng thiết bị đo độ cao. Nhưng chuyến bay 103 phát nổ ở dộ cao 30007 thước lại trùng hợp với thiết bị dẫn nổ của Jabri đặt ở độ cao 30000 thước. Một lần nữa lịch sử lại đùa giỡn với Cục tình báo trung ương Mỹ, những giả thuyết và lý luận họ nhọc tâm xây dựng trong 15 tháng tất cả đã trở thành con số không.

Những phân tích sâu hơn về miếng đồng cho thấy nó được đặt vào một chiếc radio đã hỏng, chất gây nổ là một loại thuốc nổ bằng chất dẻo cao phân tử có tính đàn hồi được gọi là RDX, được nối bởi 2 đoạn chì AA, chiếc radio được bọc trong một bộ quần áo có nguồn gốc từ cửa hàng có tên "Mary" ở Malta. Nhưng ai đặt bom, mục đích của họ là gì thì vẫn là bí mật chưa có lời đáp. Cục tình báo trung ương, Cục điều tra liên bang, cảnh sát Scotland và cục tình báo Anh lần lượt vào cuộc, nhưng cuối cùng lại trở về điểm xuất phát.

Không lâu sau đó, các nhân viên điều tra nhận được một manh mối khác, một người không rõ lai lịch đã gọi điện nặc danh cho một toà báo ở Ý, nói rằng vụ nổ máy bay của hãng hàng không Inter-American là hành động trả đũa của Libya đối với vụ oanh tạc của Mỹ năm 1986. Ban đầu họ cho rằng đây lại là một ý tưởng như kiểu suy đoán của cuốn "trường ca Dan Psalm". Nhưng không lâu sau, họ thu được bức điện của Tripoli do trưởng văn phòng đại diện Libya tại London gửi đến, với nội dung công khai bày tỏ sự "chúc mừng của Cách Mạng" đối với vụ tai nạn máy bay của Mỹ: "Chúng tôi hy vọng nhân dịp này các bạn sẽ có cơ hội để "ca ngợi thượng đế", chúng ta đã báo thù cho những liệt sĩ bị tàn sát trong cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ, trên chiếc máy bay bị đánh bom, có những tên lính Mỹ dã man trở về từ Frankfurt. Tôi lấy danh nghĩa cá nhân và những người bạn của chúng ta chúc mừng những người anh hùng đã lập lên chiến công này". Sau đó Libya lập tức trở thành đối tượng tình nghi số một.

Chứng cứ cuối cùng được phát hiện vào 4 tháng sau đó, các chuyên gia đã phát hiện ra miếng đồng là một phần của tổ hợp mạch IC được sản xuất ở một công ty Hà Lan, bảng mạch điện được bán cho một công ty của Thụy Sĩ dùng để sản xuất thiết bị hẹn giờ, và những thiết bị hẹn giờ này đã được bán cho công ty ABH của Libya , chủ mua là Yicier Xinxi Lane sĩ quan cao cấp của Bộ chỉ huy và Cục tình báo quân sự Libya .

Một chuyên gia trẻ tuổi của Cảnh sát Scotlend đã tìm thấy mẫu thiết bị định giờ giống như vậy, trước vụ không nạn xảy ra, chính quyền Senegal đã từng bắt giữ một sĩ quan tình báo của Libya , lục soát túi sách tay của anh ta, họ đã tìm thấy súng lục, thuốc nổ và 10 thiết bị hẹn giờ điện tử. Từ trực giác của một chuyên gia, anh ta yêu cầu phải giữ lại tất cả các đồ cấm này.

Viên sĩ quan tình báo Libya rồi cũng sớm được thả ra, nhưng những thứ đồ cấm kia thì được chụp ảnh tại kho lưu giữ của cảnh sát Senegal, sau này chuyên gia của Scotland có thể nhìn rõ thiết bị định giờ đó trong những bức ảnh đen trắng đã chụp, chúng là những miếng đồng đã được tìm thấy trong vụ không nạn.

Sau này, Chuyến bay 772 của hãng vận tải hàng không liên hợp Pháp cất cánh từ thủ đô Mena, khi đang bay trên bầu trời phía Nam sa mạc Niger thì gặp tai nạn, tại hiện trường người ta cũng phát hiện được thiết bị hẹn giò điện tử giống như trong vụ tai nạn ở Lockerbie. Nhưng các phẩn tử bị bắt đã thay đổi thiết bị khuyếch đại, vụ tai nạn máy bay 772 là do phái đối lập Congo thực hiện, đứng đằng sau họ là Cục nhân dân Libya .

Đến đây, bức màn về hoạt động gián điệp đằng sau sự kiện không nạn tại Lockerbie bước đầu được hé mở. Nhưng những tranh luận quốc tế về nó vẫn còn tiếp tục đến tận sau này, đến nay vụ không nạn vẫn chưa có lời giải đáp và cuộc điều tra vẫn tiếp tục được tiến hành.

Sự thật kinh hoàng

Sau vụ không nạn Lockerbie, cơ quan tình báo và cảnh sát của Anh và Mỹ lập tức mở các cuộc điều tra quy mô lớn. Họ đã sử dụng các thiết bị phân tích khoa học kỹ thuật mới nhất trên thế giới lúc bấy giờ, tiêu tốn một lượng lớn nhân lực và của cải, lật lại một lượng lớn hồ sơ cũ và mới, cuối cùng cũng xác định được nghi phạm chính, đó là các phần tử khủng bố Libya. Họ đã phác họa được quá trình hoạt động của nhóm khủng bố, nhưng chi tiết bên trong bức màn ấy đã làm cho mọi người ghê sợ.

Toàn bộ bức màn bên trong cuối cùng cũng bắt đầu được giải mã từ một vụ không nạn khác. Cũng giống như chuyến bay số hiệu 103, chuyến bay mang số hiệu 772 của công ty vận tải hàng không liên hợp Pháp cũng bị rơi trên sa mạc châu Phi. Kẻ thực hiện kế hoạch này là hai phần tử phe đối lập của Congo là Bernard và Collina. Trong nhà tù ở Congo, hắn ta thừa nhận với nhân viên tình báo Pháp rằng, chúng đã từng tham dự một cuộc họp ở Libo, trong cuộc họp, viên sĩ quan cao cấp của Libya đã truyền đạt kế hoạch cho nổ chuyến bay 103 và 772, người đứng đầu tình báo Libya là Abudullah Jabri chính là tổng chỉ huy của kế hoạch.

Vì sao Jabri lại phải cho nổ chuyến bay 103 thì Bernard lại hoàn toàn không biết, nhưng nguyên nhân cho nổ chuyến bay 772 là vì người Libya cho rằng, thủ lĩnh phe đối lập sẽ ngồi chuyến bay đó tới Pháp. Thực tế ông ta không hề có kế hoạch đi chuyến bay đó, đây là sai lầm của người Libya. Al-Qathafi rất căm hận lãnh đạo phe đối lập này, ông ta chính là nhân vật số 1 trong danh sách những đối tượng cần tấn công của Al-Qathafi. Chính vì điều này mà toàn bộ 171 hàng khách trên chuyến bay 772 đã phải thiệt mạng trên bầu trời sa mạc Bắc Phi. Vụ không nạn này khiến người ta phải lên án.

Nhưng chiếc radio chứa bom được đặt trên chuyến bay 103 do ai mang lên máy bay? Các nhân viên tình báo hai nước Anh Mỹ tiếp tục điều tra theo một đầu mối khác, họ đã phát hiện nguyên quan chức ngoại giao của Libya từng xuất hiện ở Malta, ông ta mua một bộ quần áo may sẵn ở một cửa hàng tại đó, trong khi một bộ quần áo giống như vậy cũng được phát hiện trên tủ hành lý chứa quả bom. Đây là một chứng cứ khá đầy đủ.

Vị quan chức ngoại giao này tên là Abubayer. Năm 1967 ông ta ủng hộ tích cực cho Al-Qathafi lật đổ Quốc vương Idrisi, và rất nhanh trở thành một nhân vật quan trọng trong chính phủ mới. Sau đó, ông ta rời khỏi quân đội và chuyển sang làm ngoại giao. Vào giữa những năm 70 ông ta rời chính trường ra làm ăn buôn bán và trở thành trung gian giúp quân đội Libya tăng cường trang bị vũ khí của mình, từ đó ông ta trở thành một thương gia giàu có. Nhưng trong hồ sơ tình báo của rất nhiều quốc gia, ông ta được xem là thân tín của Al-Qathafi, việc rời bỏ chức vụ chẳng qua là để tiện cho các cuộc mua bán vũ khí của Libya.

Trước khi vụ không nạn ở Lockerbie xảy ra, Abubayer từ Canada nhập cảnh vào Mỹ và đã bị hải quan ở đây bắt giữ do hộ chiếu giả. Thực tế, CIA mượn cớ để bắt giữ ông ta và yêu cầu ông ta làm điệp viên hai mang.

Abubayer đã đã chấp nhận yêu cầu của Mỹ và lên tiếng cắt đứt quan hệ với Al-Qathafi. Sau khi nộp tiền bảo lãnh xong, ông ta được phép rời Mỹ đến Anh định cư. Nhưng ông ta đã một đi không trở lại, cuối cùng ông ta lại xuất hiện tại Libo. Ông ta mất tích được một tuần thì vụ tai nạn của chuyến bay 103 xảy ra.

Cuộc điều tra sau vụ tai nạn cho thấy, trong tuần đó, một đôi vợ chồng đã đến Sliema ở Malta, tự xưng là người Anh đến đây nghỉ mát. Tại một cửa hàng quần áo, họ đã mua một bộ giống như bộ quần áo xuất hiện trong vụ không nạn chuyến bay 103. Họ đã nhờ một khách du lịch người Anh khác đang có ý định về nước mang giúp chiếc vali của mình trở về trước. Nghe nói trong chiếc vali là đồ chơi cho trẻ em. Trong khi đó, những người chứng kiến cho biết nhìn bề ngoài của cặp vợ chống người Anh này rất giống với Abubayer. Cặp vợ chồng này trước đó đã từng nhờ ba người Anh khác mang giúp chiếc vali này nhưng đều bị từ chối, nhưng không thể chắc chắn những người họ nhờ sau đó cũng đều từ chối. Hơn nữa về mặt thời gian cũng rất trùng hợp, bất cứ nhân viên điều tra nào đều có những nghi ngờ hợp lý.

Viên sĩ quan của tổ chống khủng bố đã từng hỏi ông chủ cửa hàng quần áo ở Malta. Ông chủ này khẳng định ngay Abubayer chính là vị khách đã mua bộ quần áo đó. Ngoài ra, trong một tập ảnh họ còn tìm thấy còn một vị khách khác cũng mua một bộ quần áo giống như vậy, người đó chính là Abullah Basett của Lybia.

Còn một sự thực nữa cho thấy, Basett đã từng cùng Friedmathe một nhân viên tình báo là nhân viên của hãng hàng không Lybia hai lần bay đến Malte. Vào lần thứ hai đến Malte, Basett đã gửi một chiếc vali màu xám lên chuyến bay KM-180 của Lybia, điểm đến của chuyến bay là Frankfurt, thời gian là ngày 20 tháng 12, một ngày trước khi vụ không nạn xảy ra. Rất có thể trong chiếc vali này có chứa thuốc nổ.

Do vụ không nạn Lockerbie chưa có được kết quả cuối cùng nên tất cả những điều này chỉ là những chứng cứ rời rạc, không thể tạo nên một câu chuyện hoàn chỉnh. Abubayer phải chăng đã đưa thuốc nổ lên máy bay từ trước? Hay quả bom được Friedmathe chứa trong chiếc vali gửi về Anh? Tất cả điều này vẫn là một bí mật. Cho dù thế nào thì những nghi phạm lớn nhất này vẫn còn nằm dưới sự hỗ trợ của Al-Qathafi. Yêu cầu của Anh và Mỹ về việc dẫn độ những nghi phạm này về tòa án của Anh để xét xử luôn bị Al-Qathafi cự tuyệt.

Nhưng cho dù hiện nay mọi chứng cớ về vụ không nạn đều mù mịt, sự thực bên trong đó đều chỉ là dự đoán, nhưng trách nhiệm của Lybia về vụ không nạn cướp đi sinh mạng của 270 hành khách là không thể chối bỏ và điều này đã được họ thừa nhận.

Hơn nữa, động cơ của sự việc này giống như lúc đầu các nhân viên điều tra đã chỉ ra, đó là hành động báo thù man rợ. Cũng giống như vụ không nạn của chuyến bay 772, nó mang bóng dáng của hành động gián điệp đầy hiểm độc.

Hỏa hoạn tại Bắc Phi

Tháng 10 năm 1988, Tổng bộ CIA đã nhận được một báo cáo, Al-Qathafi ở Bắc Phi đang xây dựng một "nhà máy hóa chất" đặc biệt tại Rabat giữa sa mạc. Nhà máy này sau khi xây dựng xong có thể sản xuất lượng lớn hơi độc mù tạc và các khí độc khác. Hiển nhiên, Al-Qathafi muốn tăng cường sức mạnh chiến đấu của mình trong khi hòa bình chưa được tái diễn nhằm nâng cao tiếng nói của mình. Một khi hắn ta nắm được loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này trong tay thì tương quan lực lượng thế giới sẽ có bước thay đổi lớn. CIA thừa nhận, phải bằng mọi giá khiến ước mơ của Al-Qathafi mãi mãi không thể trở thành hiện thực.

Tiếp đó, một tổ điều tra đặc biệt gồm chuyên gia hóa học, quân sự và kinh tế bắt đầu bắt tay vào điều tra sự việc trên. Cuộc điều tra tiến hành trên các mặt như máy móc, công nghiệp hóa học, tài chính và kiến trúc...

Sau hơn 10 tháng điều tra, sự thật về nhà máy hóa chất ở Rabat cuối cùng cũng đạt được kết quả. Các nhân viên điều tra của CIA đã thu thập được một lượng lớn tin tức tình báo từ những nhân vật bất đồng chính kiến với Al-Qathafi cũng như từ những khoản tài chính mua bán giữa Lybia và những công ty xuất nhập khẩu máy móc và hóa chất của các nước. Từ những phân tích tình báo cho thấy, một nhà máy xuất khẩu hóa chất lớn của Tây Đức lúc đó là nhà máy Imhausen đã đảm nhiệm cung cấp các trang bị và nguyên liệu cho Lybia, một phần thiết bị và nguyên liệu đã được vận chuyện đến Rabat, tất cả chỉ đợi cơ sở nhà xưởng hoàn thành là đi vào giai đoạn lắp đặt và chạy thử.

Các ban ngành hữu quan của Mỹ lập tức gửi thông điệp tới cho chính phủ Đức, như lẽ đương nhiên chính Phủ đã phủ nhận tất cả. Tiếp đó, CIA chuyển tất các tin tình báo họ có được cho phía quan chức tình báo Tây Đức, những chứng cứ đầy đủ đã phản bác lại những phủ nhận của phía Đức, hơn nữa còn gây áp lực lên cơ quan tình báo Tây Đức, yêu cầu họ áp dụng những biện pháp thiết thực hợp tác cùng CIA.

Công tác điều tra diễn ra suốt 19 tháng, cuối cùng cũng đi đến giai đoạn hành động. Những hành động cứng rắn mà phía quân đội đưa ra đã bị gạt bỏ. Cho dù là cuộc tấn công quy mô đến đâu, nhưng cử đội đột kích tấn công "Nhà máy hóa công" ở Rabat đều không thể áp dụng, vì Tổng thông không muốn điều này lại dẫn đến phản ứng của dư luận quốc tế.

Chỉ còn biện pháp duy nhất là tạo ra một sự cố khiến cho "Nhà máy hóa chất" này tự phá hủy, cách tốt nhất là tạo nên sự cố do chính Al-Qathafi gây ra.

Đương nhiên, phái điệp viên tới Rabat để tạo ra sự cố là sự lựa chọn tốt nhất. Như vậy sẽ phải tiêu tốn rất lớn cả sức lực, mỗi một bước đi đều gặp rất nhiều khó khăn, chỉ cần sơ xuất ở một khâu hoặc gặp một yếu tố bất ngờ nào đó cũng có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường, thậm chí công sức bỏ ra đều trở thành số không.

Các chuyên ra hóa học và chuyên gia thuốc nổ của CIA đều phải đưa ra phương án: Làm thế nào để đưa toàn bộ nhân tố gây lên sự cố vào trong các máy móc và nguyên liệu mà công ty xuất khẩu hóa chất của Tây Đức vận chuyển đến Rabat, đặt các thiết bị hẹn giờ tiên tiến đợi cho đến khi hàng được vận chuyển đến Rabat sẽ cho nổ, khiến "Nhà máy hóa chất" này thành đống tro tàn trong hỏa hoạn.

Các chuyên gia khoa học kết hợp với các chuyên gia thuốc nổ khiến họ có một sức mạnh vô hạn. Không lâu sau, các thiết bị này đã được chế tạo thành công tại trung tâm của CIA. Một nửa trong đó chính là phụ kiện lắp đặt vào các thiết bị chính mà công ty xuất khẩu hóa chất Tây Đức gửi đến Rabat; một nửa còn lại là nguyên liệu cơ bản vận chuyển đến Lybia.

Toàn bộ quá trình hành động đều do tình báo Đức đảm nhiệm, chỉ có họ mới có thể khiến công ty xuất khẩu hoá chất không nghi ngờ và không đánh động đến người Lybia.

Tất cả đều giống như một vở kịch, các tình tiết cứ thế triển khai theo kịch bản. Sau khi các linh kiện và nguyên liệu "hóa chất" do CIA "phục chế" được vận chuyển tới Libya đúng như theo thời gian đã định, Tổng thống Mỹ bắt đầu lên tiếng chỉ trích Libya xây dựng nhà máy chế tạo khí độc và yêu cầu cần phải đóng ngay nhà máy vi phạm công ước quốc tế này.

Libya làm sao có thể nghe theo Mỹ? Tiếng nói của Mỹ nếu thực sự có một chút tác dụng thì đó là đẩy nhanh hơn nữa việc Libya tiến hành các bước tiếp theo. người Mỹ đã biết được nhà máy này thì nó đã nhanh chóng đi vào sản xuất. Một khi chất độc mù tạt được sản xuất ra thì người Mỹ không thể áp dụng các biện pháp mạnh như tấn công hay oanh tạc. Sau đó, nhà máy hóa chất Rabat ngày đêm sản xuất, nhanh chóng cho xuất xưởng các chất độc.

Một tuần qua đi, đúng khi nhà máy vừa bắt đầu sản xuất ra chất độc mù tạt thì các thiết bị chính trong dây truyền sản xuất tự nhiên bốc cháy, tiếp đến là kho nguyên liệu cũng nghi ngút khói. Thật may, ngoài xưởng chính dưới lòng đất bốc cháy ra, toàn bộ phần nổi phía trên của nhà máy đều không bị bắt lửa. Vì thế làn khói độc dày cuồn cuộn đều bị phân tán đi khắp nơi, những chất độc bị cháy không gây hại đến môi trường xung quanh. Vụ hỏa hoạn này xem như là kế hoạch tuyệt vời.

Vụ hỏa hoạn đã thiêu cháy toàn bộ nhà máy nhà hóa chất Rabat, Libya cũng không thể xây dựng lại một nhà máy như thế. Al-Qathafi trong lúc phẫn nộ đã chỉ trích CIA sử dụng các thiết bị kỹ thuật cao để phá hoại nhà máy của họ, đồng thời chỉ trích Tây Đức đã tham gia vào hành động phá hoại mình và tuyên bố ngừng trả các khoản tiền và ngừng cung cấp dầu mỏ cho Tây Đức.

Chính phủ Tây Đức phủ nhận việc mình liên quan đến vụ buôn bán khi độc, đồng thời 3 ngày sau còn tuyên bố tên công ty đã cung cấp thiết bị cho Libya và khởi tố người đứng đầu công ty này vì đã vi phạm luật pháp quốc tế.

Trong khi đó, nữ phát ngôn của Quốc vụ khanh Mỹ Tutwiler ngoài phủ nhận tất cả vai trò của Mỹ trong vụ hỏa hoạn này ra, còn thông báo với báo chí rằng: "Chúng tôi không lấy gì làm lạ và cũng không vui vẻ gì về chuyện này. Chúng tôi hiểu, sau khi nhà máy hóa chất này bị cháy đã không gây ảnh hưởng gì cho người dân xung quanh." Ngừng một lúc, bà ta mập mờ rằng "Nếu muốn phá hủy chất độc mù tạc, thực tế chỉ có một cách, đó là một vụ cháy lớn."

Mọi phóng viên trong buổi họp báo đều có thể hiểu được thái độ lạnh như băng của Tutwiler. Bà ta nhất định sẽ rất vui vẻ trước chiến thắng lần này của CIA.

Tạo ra cuộc xâm nhập

Nửa cuối năm 1983, quốc đảo Grenada nằm trên phía Đông biển Caribbean đã trở thành căn bệnh thường niên của CIA. Quốc đảo nhỏ bé với diện tích chỉ vẻn vẹn 433 km2 vuông và dân số chưa đến 110 nghìn người này trước đây chỉ được mọi người biết đến với sản lượng đậu khấu chiếm 1/3 thế giới, giờ đây đường băng phản lực dài 9000 thước Anh đang xây trên đảo lại trở thành cơn đau đầu của CIA.

Đường băng hiện đại này được nhà lãnh đạo trẻ tuổi Grenada xây dựng, vị thủ tướng Bishop của quốc đảo này tỏ rõ khuynh hướng thân Cu Ba, trong con mắt của CIA, điều này lại càng tỏ rõ khuynh hướng chủ nghĩa cộng sản đang ở cao trào, hơn nữa đường băng này lại do quân đội Cu Ba thi công. Vệ tinh gián điệp của CIA đã được chuyển hướng theo dõi đường băng đang thi công, trên các bức ảnh của vệ tinh thể hiện rõ khu trung cư kiểu doanh trại của Cu Ba. Đương nhiên, CIA lập tức tuyên truyền Liên Xô đã nhanh chân có được quyền sử dụng đường băng này. Tất cả các cuộc chiến tình báo và tuyên truyền này chỉ nhằm mục đích là tạo ra bầu một không khí căng thẳng, Mỹ quyết không chịu ngồi nhìn Grenada trở thành Cu Ba thứ 2.

Đến trung tuần tháng 10, tình hình ở Grenada đã phát sinh thay đổi lớn, một thanh niên cấp tiến trong đó có Bishop đã tiến hành đảo chính. Ngày 19 tháng 10, Bishop bị bắn chết, thi thể được nhét trong một quan tài. Toàn bộ đảo được đặt trong tình trạng giới nghiêm trong 24 giờ, không nước nào quan hệ ngoại giao với chính quyền mới, bất kỳ ý tưởng xây dựng mối liên hệ trên đảo đều bị cự tuyệt.

CIA cũng không có bất cứ tổ chức gián điệp nào ở Grenada, mấy tuần trước, một nữ đặc vụ của CIA đã tới hòn đảo này, cô ta đã tiếp xúc với khoảng 1000 công dân Mỹ trên đảo này và biết được vài thông tin tình báo bề ngoài. Hiện nay, Ngoài ảnh chụp từ vệ tinh ra, Mỹ dường như không hề biết gì về Grenada. Sau khi kế hoạch đưa công dân Grenada chạy khỏi đất nước bị thất bại, CIA đã đi đến quyết định, trong trường hợp xấu nhất sẽ phát động cuộc xâm nhập.

Đương nhiên, muốn xâm nhập cũng phải có cớ rõ ràng, CIA đã nghĩ ngay đến nữ Thủ tướng 64 tuổi CIA nghĩ đến nữ thủ tướng 64 tuổi của Dominica là Charles, bà ta là một phần tử thân Mỹ cuồng nhiệt, giới tin tức thậm chí còn cho rằng, nhiều lúc bà với Thủ tướng Anh Thatcher như hình với bóng.

Lúc này, Charles đang dẫn đầu một đoàn đại biểu các nước vùng biển Caribbean tới dự hội nghị tại Barbados, các quan chức CIA đã đợi ở đây để gặp bà ta, đã truyền đạt ý của chính phủ Reagan: Chỉ cần tổ chức này đưa ra yêu cầu, Mỹ sẽ sẽ áp dụng hành động quân sự ở Grenada.

Thủ tướng Charles lập tức đáp lại yêu cầu của chính phủ Mỹ. Vì ngay từ năm 1982, Mỹ đã viện trợ 10 triệu đô la cho Dominica xây dựng một con đường dài 30 dặm Anh; Theo hồ sơ của CIA đã ghi lại, họ đã chi 100 nghìn đô la cho chính phủ của bà ta để đổi lại một hành động bí mật, số tiền này gây ảnh hưởng lớn đối với bà ta. Đến ngày 23 tháng 10, yêu cầu bằng văn bản của 5 nước phía Đông Caribbean do Thủ tướng Charles đứng đầu đã đến Washington, yêu cầu áp can thiệp bằng hành động quân sự ở 8 địa điểm tại Grenada.

Trong ngày đó, tại Thủ đô của Lebalon là Beirut đã xảy ra sự kiện khủng bố đánh vào trại thủy quân lục chiến của Mỹ, một chiếc xe tải trở đầy bom đã đam vào khu nhà ở của doanh trại khiến cho 241 binh lĩnh và sĩ quan Mỹ thiệt mạng. CIA ý thức được rằng, đây sẽ là yếu tố tốt nhất để gây ảnh hưởng lên tầng lớp lãnh đạo cấp trên ở Mỹ. Quả nhiên, dưới ảnh hưởng của cái cớ tấn những thế lực tội ác và chấn áp các thế lực chống Mỹ, Tổng thống Mỹ đã ký mệnh lệnh cuối cùng.

Ngày 20 tháng 10, CIA phái máy bay bí mật đưa bà Charles tới Washington, để ba ta tham gia vào buôit tuyên bố với giới báo chí do Tổng thống Mỹ chủ trì, đồng thừoi đánh dấu sự hợp pháp cho cuộc xâm lược của Mỹ, đồng thời chuẩn bị các câu trả lời các phóng viên cho bà Charles.

Sáng sớm ngày 25 tháng 10, 6 nghìn binh lính và mấy trăm linh của Caribbean bắt đầu cuộc xâm lược. Khi đổ bộ lên đất liền, quân đội Mỹ đã gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ, bầu trời trên đảo vang lên những tiếng súng phòng không, 3 trực thăng của Mỹ bị bắn rơi, những chiến sĩ Cuba trên đảo cũng tham gia vào cuộc chiến đấu. Tổng cộng có 10 lính Mỹ bị thiệt mạng, 115 người bị thương. Đương nhiên, dưới sự đột kích bất ngờ của quân đội Mỹ, tất cả sự kháng cự của Grenada đều thất bại, lính Mỹ đã hoàn toàn kiểm soát được quốc đảo này.

Thông tin thắng lợi truyền về, nước Mỹ trên dưới đều reo hò ăn mừng, tổng thống Reagen dẫn bà Charles tới buổi họp báo. CIA báo cáo từng phần một về tình hình ở Grenada, trung tâm của bản báo cáo tập trung vào số lượng người Liên Xô và Cuba trên đảo. Lúc đầu họ nói Cuba có 100 người ở Grenada, sau đó lại tăng lên 1200 người và cuối cùng không biết cụ thể số lượng này, hơn nữa họ còn nói một bộ phận người cu đã chạy vào rừng sâu để tiến hành đánh du kích. Tất cả điều này nhằm tạo dư luận cho việc tiếp tục ở lại 250 quân Mỹ trên đảo Grenada.

Ngày cuối cùng của tháng đó, Giám đốc xx đã nhận được bản báo cáo viết bằng tay nói rằng, người Cuba không hề bị giết, mà bị bắt sống, cơ bản là không ai trốn vào rừng. Tuy họ cũng tham gia huấn luyện quân sự và cả tham gia chiến đấu, nhưng họ không phải là bộ đội chính quy. Còn về vũ khí mà Grenada có, cũng chỉ là cung cấp cho dân quân sử dụng, không hề gây uy hiếp đến các nước láng giềng. Bản báo cáo này ngoài sức tưởng tượng và ngay lập tức được đưa vào kho và không hề được công khai.

Người Mỹ đã chiến thắng, nhưng quốc đảo Grenada vẫn hết sức hỗn loạn, lực lượng chính trị duy nhất trên đảo thế lực còn lại trong phong trào viên ngọc mới mà Bishop đã lãnh đạo, người Mỹ tuyệt đối không để họ tiếp tục thống trị đất nước.

Việc cuối cùng này cho CIA tự tay làm. Giám đốc CIA nhận được lệnh của Tổng thống và nhận được quỹ hoạt độn chính trị với số tiền lên đến 670 nghìn đô la. Số tiền này dùng để làm công tác tuyên truyền và ủng hộ cho những ứng cử viên thân Mỹ trong cuộc bầu cử tại Grenada. Sau 13 tháng, cuộc bầu cử ở Grenada cuối cùng cũng được tiến hành,chính phủ liên đầệp thân Mỹ đã chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử này.

Sự kiện đầu tiên sau Tân Tổng thống lên nắm quyền là tuyên bố yêu cầu Tổng thống Mỹ Reagen tiếp tục cho 250 quân ở lại Grenada.

Như vậy CIA đã có thể yên tâm, cuộc xâm lược của họ đã giành thắng lợi.

Nuôi ung thành họa

Năm 1958, Trạm tưởng trạm tình báo CIA ở thành phố Lima của Peru đã chiêu mộ được một điệp viên, đó là một thanh niên trẻ Panama đang học tại học viện quân sự Peru, tên hắn ta là Manuel Antonio Noriega. Nhiệm vụ mà viên trạm trưởng CIA giao cho hắn ta là thông báo tình hình các bạn học của mình lên cho CIA, vì một số trong số họ đến từ các nước ở Nam Mỹ sau khi tốt nghiệp rất có thể sẽ trở thành các sĩ quan trong quân đội ở các nước này, vì thế CIA sau này có thể sẽ dụng đến họ. Trong mấy năm đó Noriega chỉ nhận được thù lao ít ỏi từ viên trạm trưởng này.

Bắt đầu từ đó, cái tên Noriega thường xuyên xuất hiện trên bảng lương của CIA. Sau khi tốt nghiệp, hắn ta trở về Panama làm việc trong quân đội. Vào cuối những năm 60 hắn ta đã trở thành một nhân vật rất có quyền thế. Hắn ta rất trung thành với viên tướng Omar Torrios và cùng ông này phát động một cuộc đảo chính, rồi trở thành người đứng đầu bộ phận tình báo Bộ quốc phòng Panama. Ngoài nhiệm vụ trong nước ra, Noriega vẫn còn tiếp tục làm việc cho CIA, anh đã cung cấp một lượng lớn tin tình báo có giá trị cho CIA như những động thái mới nhất trong cuộc đấu đá chính trị ở Panama, những sĩ quan và quan chức nào của Panama được cử sang Moscow đào tạo, những sĩ quan nào đáng tin cậy và có thể bảo vệ lợi ích của Mỹ. Những tin tức tình báo mà hắn ta cung cấp đã cho thấy, trạm tình báo ở Peru năm đó đã không nhìn nhầm người, từ đây CIA bắt đầu trả cho Noriega những khoản tiền hậu hĩnh. Đầu những năm 70 anh ta đã trở thành người đại diện quan trọng của CIA, lúc này CIA đã trả cho Noriega số tiền lên đến 100 nghìn đô la một năm, số tiền này lớn hơn rất nhiều so với số tiền mà CIA trả cho anh ta lúc ở học viện quân sự Peru.

Nhưng, năm 1976 chính lúc Panama và Mỹ xảy ra những mâu thuẫn gay gắt về vấn đề kênh đào Panama, cơ quan tình báo Bộ quốc phòng Mỹ đã phát hiện Noriega đang đùa rỡn với mình. Anh ta dùng tiền của CIA để mua chuộc ba binh sĩ Mỹ tại kênh đào Panama và có được một số tài liệu cơ mật từ những binh sĩ này. Những văn kiện này đã giúp Panama đứng ở thế có lợi trong cuộc đàm phán với Mỹ, một số tài liệu bí mật trong đó liên quan đến Cu Ba còn được gửi đến Havana.

Tiếp đến, tình báo Bộ quốc phòng Mỹ đã xảy ra những tranh cãi gay gắn xung quanh vấn đề Noriega, Giám đốc Cục tình báo trung ương lúc đó là Bush kiên quyết đứng về phía Noriega, ra sức bảo vệ nguồn tình báo tốt nhất của CIA tại Mỹ La Tinh.

Bush không đồng ý đưa ba binh sĩ để lộ tin tức ra xét xử, vì một phiên tòa công khai sẽ làm lộ hoạt động bí mật của CIA, khiến cho CIA càng xấu mặt hơn. Hơn nữa, Noriega là con đường duy nhất để CIA cung cấp tài chính cho các điệp viên khác, đánh mất anh ta đồng nghĩa với toàn bộ mạng lưới giám điệp ở Trung Mỹ của CIA sẽ tê liệt.

Ngoài ra, Noriega là nhân vật có quyền lớn thứ 2 tại Panama, không lâu nữa sẽ thay thế Torrios và trở thành thống soái của quân đội Panama, lúc đó anh ta sẽ là điệp viên cao cấp nhất của CIA tại khu vực này. ở vị thế này anh ta có thể giảm bớt những tổn hại mà anh ta đã gây cho CIA.

Nhưng không lâu sau, CIA đã phải hối hận. Tháng 10 năm 1976, Panama đã xảy ra liên tiếp 3 vụ nổ bom khủng bố nhằm tạo ra làn sóng chống Mỹ và gâp áp lực lên chính phủ Mỹ, tăng thêm lợi thế cho mình trên bàn đàm phán về kênh đào Panama. Sau vụ việc, CIA phát hiện, ba vụ nổ trên đều do Noriega đứng đằng sau lên kế hoạch. Điệp viên mà CIA vẫn thường xuyên cung cấp những khoản hậu hĩnh lại làm chuyện chống lại Mỹ, điều này thực sự khiến CIA đau đầu.

Nhưng CIA đang mở rộng mạng lưới gián điệp, bên cạnh việc giảm bớt sự dựa dẫm vào Noriega, họ vẫn phải bảo vệ và che đỡ cho anh ta. Đầu những năm 80, số tiền Noriega nhận được từ CIA hàng năm tăng lên đến 180 nghìn đô la. Vì lúc này anh ta vẫn đang là người chịu trách nhiệm liên lạc giữa Mỹ và một số nước không có quan hệ chính thức với Mỹ như Cu Ba, anh ta có thể chuyển những thông tin Mỹ mong muốn tới Havana mà người khác không thể làm được.

Chính vì có hoạt động này mà Noriega lại càng trở lên cứng đầu không chịu nghe theo Mỹ, hắn ta thậm chí còn bắt tay với kẻ thù số một của Mỹ là Al-Qathafi và kiếm được món tiền lớn từ Al-Qathafi để cứu vãn nền kinh tế đang tiêu điều của Panama. Những nguồn tiền không rõ nguồn gốc này đều được Noriega gửi dưới một số tài khoản bí mật tại ngân hàng Trung Mỹ để nhằm ứng phó với áp lực kinh tế mà Mỹ có thể áp dụng.

Quan hệ giữa Mỹ và Noriega ngày càng xấu đi, nguyên nhân dẫn đến điều này chính là việc Noriega tham gia hoạt động buôn bán ma túy, sự việc bị lộ đã phá vỡ hoàn toàn hình tượng của Cục tình báo trung ương. Trên các kênh thông tin, có người thậm chí còn chỉ trích CIA cũng buôn bán ma túy. Điều này là một đòn mạnh tấn công vào CIA.

Tháng 12 năm 1985, Huge nhà hoạt động chính trị Panama được phát hiện chết ở biên giới Costra Rica, cái chết đã gây ra những chỉ trích mạnh mẽ trong dư luận. Người em của ông ta là Winston đã tìm đến Mỹ để đòi chính nghĩa. Ông ta chỉ rõ rằng, Huge đã bị Noriega sát hại, vì ông đã nắm được những cứ để kiện Noriega, đấy là những bằng chứng chứng tỏ Noriega đã tham gia vào các hoạt động buôn bán ma túy ngày càng phát triển ở Panama và kiếm được những khoản tiền lớn từ những hoạt động này.

Tháng 6 năm sau, tờ báo hàng đầu Thời báo "Newyork" đã cho đăng bài với tiêu đề "Kẻ độc tài Panama đã tham gia buôn bán ma túy, vũ khí và tài chính phi pháp", trong thời gian này những lời kêu gọi điều tra triệt để vấn đề này trong quốc hội Mỹ ngày càng lên cao.

Ngày 15 tháng 7, sau hơn một tháng chuẩn bị, một ủy ban điều tra liên hợp của quốc hội Mỹ đã mở buổi luận tội thứ 2, hai tên tội phạm buôn bán ma túy ở quần đảo Bahamas ra làm chứng. Một tên trong đó là Morales nói: "Tôi bỏ tiền trong vali, đáp chuyến bay tư nhân đến Panama, gặp một người làm việc trong chính phủ ở đó, họ là những người phụ trách lưu thông hải quan và cục di dân, những người trong chính quyền và nhân viên sân bay chịu trách nhiệm lưu thông."

Những lời khai này thực tế là chỉ chân tay của Noriega, chỉ trích hắn ta đứng sau đã tham vào các hoạt động buôn bán ma túy và lừa bịp tài chính, từ đó mà liên lụi đến CIA. Mọi người lập tức cho rằng, CIA lúc đó đang ủng hộ phe vũ trang chống chính phủ Nicaragua, sự ủng hộ này phải chăng cũng cùng một mục đích, CIA đang biến những khoản tiền thuế mà công dân Mỹ nộp đầu tư vào các hoạt động gây nguy hại đến thanh niên Mỹ, đó là buôn bán ma túy? Con át chủ bài tại Mỹ La Tinh mà CIA mất công nuôi dưỡng bao nay giờ lại quay lại làm hại chính mình, CIA đúng là đã cõng rắn về cắn cả nhà.

Cuộc hạ cánh bất đác dĩ của chiếc Boing 737

Nửa cuối năm 1985, Uỷ ban an ninh quốc gia Mỹ vô cùng căm tức Al-Qathafi, họ đã lệnh cho CIA phải lập ra một kế hoạch tấn công Libya, đó chính là "Kế hoạch hoa hồng". Trong kế hoạch này, Mỹ chọn Ai Cập làm đồng minh để họ đã phát động một cuộc tấn công phủ đầu, Mỹ sẽ chi viện về mặt không quân, quyết giết chết Al-Qathafi tại bản doanh của hắn.

Đại sứ Mỹ tại Cairo được triệu hồi về Washington trao quyền tùy cơ hành động. Dexter - một quan chức của CIA sau đó cũng có chuyến thăm Ai Cập, ông ta hội kiến với Tổng thống Ai cập Mubarak, cho ông ta xem một loạt những bằng chứng về các hoạt động khủng bố do Libya đứng đằng sau lên kế hoạch, đồng thời đưa ra "Kế hoạch hoa hồng" nhằm tìm kiếm sự giúp đỡ của Ai Cập.

Nhưng Ai Cập lại không muốn đứng sau người khác. Mubarak ngắt lời viên tướng CIA: "Tướng quân, xin ngài lưu ý, khi nào muốn tấn công Libya, chúng tôi sẽ tự ra quyết định và chỉ hành động theo thời gian chúng tôi đã vạch ra." Vị tổng thống tính tình nóng nảy này luôn thể hiện tính độc lập của mình.

Đúng lúc này, một chiếc tàu du lịch của Italia chở 438 du khách bị tư phần tử khủng bố quá khích của Palestin bắt cóc. Họ đã bắn chết một người Mỹ ném xuống biển và đưa chiếc tàu này vào cảng của Ai Cập, yêu cầu Ai cập đưa họ trở về nước.

Nhà Trắng biết được tin này, lập tức đặt CIA vào tình trạng khẩn cấp. Đây chỉ là cái cớ mà người Mỹ đang đi tìm, nó có thể giúp Mỹ trực tiếp tham gia trừng trị những kẻ khủng bố mà không cần quan tâm đến sự phản đối của Tổng thống Ai cập.

CIA sớm đã biết Tổng thống Mubarak xưa nay không sử dụng điện thoại bảo mật do Mỹ cung cấp, mà sử dụng điện thoại thông thường theo thói quen, nên lập tức hạ lệnh cho nhân viên tình báo tại Cairo nghe lén điện thoại của Tổng thống Ai cập 24/24 giờ, vệ tinh gián điệp cũng bắt đầu chuyển trọng điểm giám sát sang chiếc thuyền bị bắt cóc tại cảng của Ai Cập. Liên minh của chính mình cũng phải giám sát, đây là quy định bắt buộc trong hoạt động gián điệp của CIA.

Ngày 10 tháng 10, tin tình báo đáng giá đã xuất hiện, Tổng thống Mubarak đã có cuộc điện thoại với Bộ trưởng bộ ngoại giao của mình. Nửa giờ sau, bức điện này lập tức được chuyển về Washington, CIA trình ngay lên ủy ban an ninh quốc gia và Tổng thống.

Tổng thống Mubarak đã công khai tuyên bố, bốn thành viên của Tổ chức giải phóng Palestin bắt cóc con tàu đã rời Ai cập. Nhưng nội dung bức điện mà CIA nghe trộm được lại hoàn toàn ngược lại. Tổng thống Mubarak đã báo cho Bộ trưởng Bộ ngoại giao rằng bốn người tham gia bắt cóc con tàu vẫn ở Ai Cập. Ông ta còn chửi Quốc vụ khanh Mỹ là "đồ ngu", vì cho rằng Ai Cập sẽ nghe lời giao những phần tử bắt cóc cho Mỹ. Đừng quên rằng, Ai Cập cũng là một nước Arập, dù thế nào cũng không thể bán đứng anh em của mình.

Năm tiếng sau, CIA thu được cuộc điện thoại thứ hai. Qua điện thoại họ biết được, Mubarak nói rằng, chỉ vài giờ nữa một chiếc Boing 737 của hãng hàng không Ai Cập sẽ cất cánh đưa bốn kẻ bắt cóc rời khỏi Ai Cập. Chiếc máy bay này đang sẵn sàng trên đường băng của một căn cứ không quân của họ tại Cairo.

Tổng bộ CIA rất vui mừng trước tin tình báo chính xác này, đồng thời cho rằng đây là một cơ hội hiếm có, nếu bỏ qua, Mỹ sẽ khó mà bắt được bốn phần tử khủng bố.

CIA hỏa tốc kiến nghị với Tổng thống và Bộ quốc phòng, điều động máy bay chiến đấu của Mỹ trên hàng không mẫu hạm ở Địa Trung Hải cất cánh chặn chiếc Boing 737, ép nó phải hạ cánh xuống căn cứ không quân của NATO ở Thái Bình Dương để tiến hành bắt giữ những kẻ bắt cóc.

Đây thực sự là một kế hoạch liều lĩnh, nhưng cũng là một ý tưởng hết sức thông minh. Tổng thống Reagan khi đó đang ở Chicago. Sau khi đã liên hệ với Bộ quốc phòng và hải quân, lập tức phê chuẩn kế hoạch này của CIA, quyết định ép chiếc máy bay đó hạ cánh xuống đảo Sicily. Chính phủ Italia nhất định sẽ rất vui mừng khi được xét xử các phần tử khủng bố đã bắt cóc chiếc tàu du lịch của mình.

Chiều tối hôm đó, cơ quan tình báo Bộ quốc phòng Mỹ đã nhận được tin tình báo chi tiết hơn. Sau khi đưa ra quyết định, Tổng thống Mubarak mới biết được rằng những phần tử khủng bố đã bắn chết một du khách người Mỹ, ông ta hết sức phẫn nộ và chỉ trích viên sĩ quan tình báo của mình không kịp thời báo cáo sự thật. Do dự một lát, ông ta vẫn quyết định thực hiện theo kế hoạch cũ, đồng thời xem lại cẩn thận toàn bộ quá trình đưa các nhân vật bắt cóc trở về để tránh hành động báo thù của Mỹ.

Khi đó, cơ quan tình báo của Mỹ đã có trong tay thời gian, mã số chuyến bay và sơ đồ bay của chiếc máy bay chở các phần tử khủng bố. Kế hoạch chặn chiếc máy bay Boing của Mỹ đã được chuẩn bị kỹ càng, chỉ đợi chiếc Boing cất cánh là thực hiện.

3 giờ 40 phút cùng ngày, căn cứ quân sự Cairo được đặt trong tình trạng bảo vệ nghiêm ngặt, một chiếc xe sang trọng đưa những kẻ bắt cóc ra đường băng. Sau khi bốn kẻ bắt cóc lên máy bay, chiếc Boing 737 lập tức cất cánh, nó dường như giống một chiếc may bay dân sự thông thường cất cánh từ sân bay của Cairo. Nhân viên tình báo Ai cập tận mắt nhìn thấy chiếc Boing mất hút trên bầu trời mới thở phào nhẹ nhõm.

Nhưng họ không thể ngờ rằng, cùng lúc đó bốn chiếc máy bay chiến đấu F-4 của Mỹ xuất phát từ chiếc hàng không mẫu hạm "Saratoga" cũng xuất kích lao thẳng vào bầu trời Địa Trung Hải chờ chiếc Boing đó bay đến.

Chiếc máy bay Boing không thể thoát khỏi sự bủa vây của những chiếc máy bay chiến đấu. Bốn chiếc máy bay F-4 vây chặt chiếc Boing,

đồng thời phát tín hiệu yêu cầu nó bay theo hướng chỉ định. Không còn cách nào khác, chiếc Boing 737 đành phải quay đầu, bay sang hướng Bắc rồi hạ cánh xuống một căn cứ không quân trên đảo.

Cảnh sát Italia đã bảo vệ nghiêm ngặt xung quanh đường băng. Ngày hôm sau, họ tuyên bố, những kẻ bắt cóc du thuyền của Italia đã bị bắt, phiên tòa xét xử được mở không lâu sau đó.

CIA và kế hoạch chống ma túy

Bóng đen ma túy bao trùm khắp nước Mỹ và gây ra bất mãn trong xã hội. Rất nhiều nhân vật phản đối về sự nguy hại của ma túy và bắt đầu chĩa mũi nhọn vào Cục tình báo trung ương (CIA), chỉ trích những điệp viên và đại diện của họ tại Mỹ La Tinh đã trực tiếp tham gia vào các hoạt động buôn bán ma túy. Những chính khách này còn có bằng chứng rất cụ thể là: Kẻ độc tài thống trị Noriega là gián điệp và đại diện của CIA ở Panama, nhưng cũng chính là một tội phạm buôn bán ma tuý lớn nhất ở châu Mỹ Latinh. Vì vậy, CIA phải là người chịu trách nhiệm trước những hình ảnh xấu trong xã hội mà ma túy gây ra.

Kỳ thực, CIA cũng chỉ có một sai lầm, đó là để ngăn chặn trào lưu chủ nghĩa xã hội và củng cố "sân sau của Mỹ" tại châu Mỹ La tinh, CIA đã chiêu mộ Noriega làm điệp viên và đại diện cho mình. CIA đã cung cấp cho anh ta vũ khí, giúp đỡ anh ta lớn mạnh, xây dựng chính quyền độc tài thân Mỹ cho anh ta. Không ngờ, Noriega vừa mới trở thành ông hoàng của mảnh đất này đã lập tức cấu kết với các tập toàn ma túy lớn và những tên trùm ma túy ở Nam Mỹ, đưa vương quốc độc lập của mình trở thành chiếc cầu trung chuyển ma túy sang Mỹ. Về mặt chính trị, Noriega cũng không hoàn toàn tuân theo Mỹ mà kết giao với các tầng lớp có tư tưởng chống Mỹ, thậm chí còn kết giao với Al-Qathafi và trở thành "Người anh hùng dân tộc" có ý thức "độc lập". CIA đúng là đã "nuôi ong tay áo". Vì vậy họ thực sự muốn tìm người thay thế ông ta.

Nhưng thế lực của các vương quốc ma túy tại Mỹ La tinh ngày càng lớn mạnh, chúng có tiềm lực về kinh tế nên có thể mua chuộc cũng như không chế lãnh đạo của một số quốc gia xung quanh. Một hành động tùy tiện sẽ gây tổn thất lớn cho lợi ích của Mỹ tại khu vực này. Vì vậy, CIA chỉ còn cách nhắm mắt làm ngơ, không dám làm mạnh trong vấn đề chống ma túy.

Nhưng tình hình đã thay đổi, nếu CIA tiếp tục dung túng cho các tập đoàn ma túy thì sẽ càng gây bất bình lớn hơn trong xã hội. Vì "sự trong sạch" của CIA, họ không thể không tham gia vào các hoạt động chống buôn bán ma túy. Họ bắt đầu tìm kiếm chính phủ muốn hợp tác với mình, tìm kiếm một kẻ thế mạng để chứng minh cho mọi người thấy mình là người không dung túng cho những kẻ buôn bán ma túy, cho dù những kẻ đó đã từng là điệp viên của CIA.

Trong số rất nhiều những tên trùm ma túy, CIA đã nhắm được Marta Ballestero. CIA vốn đã có thù hận với Marta từ trước, bởi vì tên này đã từng tham gia vào vụ ám sát một sĩ quan điều tra của Cục chống ma túy Mỹ, sau đó còn đào thoát ngay trước mũi CIA và FBI, vì vậy mà họ hoàn toàn có lý do để giao tên này cho tòa án Mỹ.

Marta là người di dân phi pháp, đã từng phải ngồi tù 5 năm ở Mỹ và từng bị bắt giam tại Colombia. Mỗi lần bị bắt hắn ta lại dùng tiền mua

chuộc những tên cai ngục, rồi từ vượt ngục thành công. Sinh sống tại Honduras, ngoài buôn bán ma túy, hắn còn buôn lậu cả vũ khí. Hắn ta vận chuyển một lượng lớn vũ khí và quân nhu phi pháp qua lãnh thổ Honduras nên phía cảnh sát nơi đây cũng muốn hợp tác với CIA để loại bỏ những phần tử này.

Kế hoạch vây bắt Marta cuối cùng cũng được phê chuẩn. CIA đã phái thượng tá tình báo quân đội Clark tới Mỹ La tinh phụ trách nhiệm vụ truy bắt Marta. CIA cho rằng Clark có quan hệ rất tốt tại Mỹ La tinh và có được sự tín nhiệm của cảnh sát địa phương, với kinh nghiệm của mình anh ta có thể tránh được một số vấn đề nhạy cảm.

Tiếp đó, Clark đi lại như con thoi giữa Mỹ và Honduras. Trạm tình báo CIA tại Honduras cũng thường xuyên báo cáo tình hình hành động về cho trụ sở Langley. Sau rất nhiều cuộc đàm phán, nội bộ chính phủ Honduras chủ trương xóa bỏ thế lực đang lớn mạnh của Marta. Họ hứa với Clark rằng một khi bắt được Marta sẽ giao ngay cho CIA. Lúc đó CIA sử dụng một chiếc máy bay không có ký hiệu để chở phạm nhân từ Honduras về Mỹ, vì pháp luật nơi đây không cho phép dẫn độ công nhân nước mình ra nước ngoài. Cũng vì điều luật này mà Marta mới cả gan làm những việc tội lỗi mà không sợ gì chính phủ.

Sau khi mọi thứ thỏa thuận ổn thỏa, CIA đã phê chuẩn kế hoạch của thượng tá Clark. Hai tuần sau, vào sáng sớm ngày 5 tháng 4 năm 1988, một đội cảnh sát đặc nhiệm của Honduras bao vây nơi ở của Marta, nhân viên hải quan của Honduras và nhân viên hành pháp, cảnh sát chống ma túy của Mỹ cũng có mặt tại hiện trường để giám sát thực hiện kế hoạch.

Nhưng khi cảnh sát đột nhập vào trong thì lại chẳng có ai trong đó. Marta đã không cánh mà bay, trong khi đó đặc vụ của CIA rõ ràng thấy rằng, đêm trước hắn ta không hề rời khỏi nhà. Sự việc này đã dẫn đến những nghi ngờ, nhân viên Cục chống ma túy Mỹ lập tức ngầm tỏ ý: "Có kẻ muốn bảo vệ cho Marta nên đã báo trước chuyện này".

Câu nói này đã gây bất mãn cho một số người và dẫn đến một cuộc tranh cãi ngay trên con phố trước nơi ở của Marta, không lâu sau cuộc tranh cãi biến thành cuộc chửi bới lẫn nhau.

Đúng khi cuộc cãi vã đang đến cao trào thì có người hét to: "Marta! Marta kìa!" Quả nhiên Marta mặc áo T-shirt đang thong thả chạy về nhà sau buổi tập thể dục buổi sáng.

Tất cả cảnh sát vũ trang lao đến còng tay hắn, sau đó hắn được đưa ra sân bay về Mỹ. Khi chiếc máy bay vừa bay vào không phận Mỹ thì cũng là lúc nhân viên chấp pháp Mỹ tuyên bố lệnh bắt. Marta cuối cùng đã bị bắt. Lần này, hắn ta khó có thể thoát khỏi ngồi tù, trong khi CIA cũng không phải mất mặt một lần nữa.

Mỹ đã từng chiêu mộ tội phạm chiến tranh Nhật làm gián điệp

Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, các nước Đồng minh đã lập ra toà án quân sự ở Tokyo, Manila, Khabarovsk...để xét sử hàng nghìn tên tội phạm chiến tranh Nhật. Cho dù một số tên tội phạm tội ác tày trời đã bị xử tử hình, ngồi tù vô thời hạn và có thời hạn, nhưng vì mục đích cá nhân, cơ quan tình báo Mỹ lúc đó đã áp dụng những thủ đoạn bí mật tích cực giúp đỡ một số tên tội phạm đặc biệt Nhật thoát khỏi vòng lao lý, không chỉ có vậy họ còn chiêu mộ những tên tội phạm này làm gián điệp cho họ.

Sau khi chiến tranh lạnh bùng nổ, bộ phận tình báo quân sự của Mỹ tại Nhật Bản đã trở thành bộ phận tình báo quan trọng của họ tại vùng Viễn Đông, người đứng đầu bộ phận này chính là một nhân vật khá nổi tiếng Charles Willoughby. Willoughby nhận chức chủ nhiệm phòng 2 tham mưu Lục quân Mỹ tại Nhật, là thân tín của MacArthur Tư lệnh quân sự Viễn Đông của Mỹ, ông ta được xem là kẻ có quyền lực thứ hai trong quân đội Mỹ tại Nhật chỉ sau MacArthur. Willoughby luôn muốn xây dựng một mạng lưới tình báo của Mỹ tại khu vực Viễn Đông. Để hoàn thành nhiệm vụ này, hắn ta không ngần ngại sử dụng những tên tội phạm chiến tranh Nhật làm gián điệp. Ông ta cho rằng, sử dụng những tên tội phạm chiến tranh Nhật làm gián điệp sẽ đưa Nhật trở thành bức tường ngăn chặn thế lực của chủ nghĩa cộng sản ở châu Á. Để giúp đỡ những tên tội phạm này thoát khỏi tội lỗi, ngành tình báo Mỹ đã mắt nhắm mắt mở trước những tội lỗi của chúng trong chiến tranh thế giới thứ hai. Điều làm người ta kinh khủng hơn là những tên gián điệp này dường như tên nào cũng tội lỗi chồng chất, thậm chí đôi tay chúng dính đầy máu của binh sĩ Mỹ.

Đầu năm 1942, dưới sự chỉ huy của tên Tomofumi Yamashita nổi tiếng với biệt danh "hổ Malay", quân đội Nhật đã lần lượt tấn công Malaisia, Xingapo, đồng thời đánh bại quân đội Mỹ trong trận huyết chiến Badam, 780 nghìn lính Mỹ và Philipin bị bắt làm tù binh. Sau đó quân đội Nhật đã tạo nên sự kiện "Cuộc hành quân chết chóc Badam". Khi đó tù binh quân đồng minh bị đối xử rất tàn bạo. Bắt đầu từ Mariveles, họ phải đi bộ tới San Fernado, toàn bộ hành trình kéo dài 100km, sau đó lại tiếp tục đi bộ 10km đến trại tù binh POW camp Nair. Hành trình này đối với một quân nhân mà nói không phải là quá dài, nhưng trong toàn bộ hành trình, người Nhật không hề cho họ ăn hay uống bất cứ một thứ gì, hơn nữa còn tàn sát họ. Kết quả là 150 nghìn binh sĩ Mỹ và Philipin đã bị chết đói, chết khát, chết mệt hay bị giết hại trên đường đi. Còn khoảng 260 người trong đó đã chết trong trại tù binh chiến tranh hai tháng sau đó. Đến khi chiến tranh kết thúc, chỉ còn 1800 người may mắn sống sót.

Kẻ chủ mưu tạo ra bi kịch này chính là tên Masanobu Jsuji với biệt danh là "tham mưu quỷ sứ" và cũng chính hắn chủ trương giết hết tù binh Mỹ để "giảm bớt phiền phức". Tên Masanobu là một nhân vật nổi tiếng trong thế chiến thứ 2. Năm 15 tuổi ra nhập trường quân đội, sau đó trở thành sĩ quan chỉ huy trong đội thanh niên nổi tiếng của Nhật, là tín đồ trung thành của chủ nghĩa quân phiệt, vì hắn quá sùng bái chủ nghĩa quân phiệt nên tính cách của hắn rất tàn ác và được gọi với biệt danh "sứ giả đến từ địa ngục". Khi quân đội Nhật xâm lược Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á, Masanobu lần lượt đảm nhiệm qua các chức vụ như: Tham mưu quân quan đông, tham mưu các quân đoàn 25, 33, 39 của Nhật, hắn gieo tội ác khắp Trung Quốc và Đông Nam Á.

Sau chiến tranh, do tất cả các cuộc tàn sát trên chiến trường châu Á đều có bàn tay của hắn nhúm vào, đặc biệt là tội danh chủ mưu trong "cuộc hành quân chết chóc Badam" nên năm nước gồm Mỹ, Liên Xô, Anh, Pháp và Trung Quốc liệt hắn vào danh sách tội phạm chiến tranh toàn cấp A,B,C. Để thoát khỏi bị xét xử, Masanobu đã chạy trốn sang Thái Lan, ấn Độ, thậm chí hắn còn cạo đầu giả làm sư. Năm 1948, Masanobu quay lại Nhật. Năm 1949 bị Mỹ bắt giữ theo danh sách tội phạm chiến tranh và cũng từ đó hắn bắt đầu làm việc cho phòng 2 tham mưu Lục quân Mỹ tại Nhật. Từ năm 1952 đến năm 1959 hắn trúng cử nghị sĩ hạ viện rồi đến nghị sĩ thượng viện của Nhật. Từ một tên tội phạm chiến tranh tội ác tày trời do là một tên tình báo rất có giá trị nên Masanobu đương nhiên trở thành quân sư cho ngành tình báo Mỹ.

Trong chiến tranh thế giới thứ 2, ở Nhật Bản đã xuất hiện tên trùm "Hắc long hội" nổi tiếng, hắn chính là một trong những nhân vật sáng lập ra Đảng dân chủ tự do, đó là tên Komada. Năm 1931, Komada trở thành trợ thủ đắc lực của tên trùm "Hắc long hội", sau đó hắn bị ngồi tù vì tội giết người vì mục đích chính trị. Năm 1937 Dohibara đã đưa hắn ra khỏi tù, để hắn phụ trách việc tìm kiếm châu báu của Trung Quốc, bản thân hắn cũng kiếm được 13 tỷ đô la trong những vụ này. Do có công trong việc tìm kiếm các châu báo cổ vật, Komada đó được phong chức thiếu tướng Hải quân.

Sau khi Mỹ đánh chiếm Nhật, để bảo vệ sự thống trị của chính quyền cánh hữu, MacArthur đã từng lập ra một số quỹ bí mật, nguồn tiền chủ yếu của những quỹ bí mật này là từ Komada. Cho dù hắn đã bị liệt vào danh sách tội phạm chiến tranh vì đã tham gia các cuộc ám sát, treo cổ, đầu độc những tù binh chiến tranh. Nhưng năm 1948 tên đầu sỏ xã hội đen đầy tội ác này lại được thả một cách bất ngờ. Đây là vì Komada và Willoughby đã có bản thoả thuận, Komada đưa cho bộ phận tình báo Mỹ một khoản chi phí 100 triệu đô la để đổi lấy tự do, đồng thời được miễn hết các tội danh trong chiến tranh. Không chỉ có vậy, là phần tử chống cộng cứng đầu nhất của Nhật Bản, Komada đã vương mình trở thành nhân viên chính thức của Cục tình báo trung ương Mỹ, hắn ta ẩn tích ở đây rất nhiều năm, cho đến khi chết năm 1984.

Trên thực tế, những tên tội phạm chiến tranh như Masanobu và Komada làm việc cho tình báo Mỹ không phải ít. Tên lãnh đạo bộ phận tình báo Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ 2 là Seizo Arisue cũng là một điệp viên cao cấp được Mỹ chiêu mộ. Tên Trung tướng Seizo Arisue đã từng là Cục trưởng cục tham mưu số 2 quân đội Nhật Bản và cũng là viên tướng mà Mỹ muốn có được sau chiến tranh. Tháng 3 năm 1947, do yêu cầu cấp bách về tin tức tình báo về Liên Xô và Trung Quốc, quân đội Mỹ tại Nhật đã khuyến khích Seizo Arisue tổ chức "lớp lịch sử", trao cho họ đặc quyền và cung cấp tài chính cho họ. Chính vì được sự ủng hộ của phòng tham mưu số 2 Lục quân Mỹ tại Nhật, Seizo Arisue đã nhanh chóng tiến hành các hoạt động gián điệp, đồng thời sử dụng khoảng tiền lớn nhận được từ Mỹ để lập lên phe cánh hữu mới.

Một nhân vật khác là Takushiro Mattori từng là thư ký của tên tội phạm chiến tranh loại A, Hideki Tojo. Sau chiến tranh, Takushiro Mattori không hề chấm dứt các hoạt động cánh tả của mình. Hắn đã cho ra đời tác phẩm "lịch sử toàn tập chiến tranh đại Đông Á", trong cuốn sách hắn không những phủ định những tội lỗi trong cuộc chiến tranh xâm lược Trung Quốc, mà còn coi nguyên nhân mà Nhật thất bại là do thắng lợi của Mỹ tại Thái Bình Dương và do quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Nhật Bản. Tên Hattori cũng như những tên tội phạm chiến tranh khác đều được tình báo Mỹ chiêu mộ.

Dưới sự giúp đỡ của Cục tình báo trung ương Mỹ, phòng tham mưu số 2 Lục quân Mỹ và phần lớn những tên tội phạm Nhật Bản đã "hợp tác" thân thiết với nhau suốt mấy chục năm. Những tên gián điệp này ngoài việc giám sát thế lực của chủ nghĩa cộng sản tại Nhật, chúng còn phụ trách thu thập tin tình báo về Liên Xô và Triều Tiên, đồng thời lấy thân phận thương nhân Nhật Bản giúp đỡ Đài Loan "đối đầu" với Trung Quốc đại lục. Nhưng hầu hết những tên gián điệp tội phạm chiến tranh này đều dồn hết tâm huyết vào phe cánh tả, thường lừa dối các ông chủ Mỹ để lấy tiền. Về sau người Mỹ phát hiện ra, có một số tin tình báo không hề có giá trị, vậy là bao nhiêu tâm huyết của họ đều đổ cả xuống biển.

Điệp viên mang nhiều thân phận nhất trong lịch sử tình báo Trung Quốc

Viên Thù sinh năm 1911 tại Hồ Bắc, năm 1929 sang Nhật du học, khi về nước ông đã từng đảm nhận qua nhiều nhiệm vụ quan trọng trong Quân Thống (Cục điều tra của Uỷ ban quân sự Quốc dân đảng),Trung Thống (Cục điều tra thống kê của Uỷ ban hành chính trung ương Quốc dân đảng), Thanh Hồng Bang... Nhưng thân phận bí mật thực sự của ông lại là người của Đảng cộng sản Trung Quốc.

Tháng 10 năm 1931, Viên Thù gia nhập Đảng cộng sản Trung Quốc, sau đó chuyển sang công tác về ban đặc biệt. Mùa xuân năm 1932 thông qua mối quan hệ của người em họ là Giả Bá Đào, Viên Thù đã gặp được Cục trưởng cục xã hội thành phố Thượng Hải và người đứng đầu Trung Thống Ngô Tỉnh Á, và vào làm trong Trung Thống. Sau đó nhờ sự giới thiệu của Ngô Tỉnh Á, ông đã trở thành phóng viên của tờ thông tấn "tiếng nói mới", và thường xuyên được tham dự các buổi họp báo do chính quyền Nam Kinh tổ chức. Trong thời gian này ông đã làm quen được với Iwai - Phó lãnh sự quán Nhật tại Thượng Hải.

Khi đó, Trung Nhật đang đàm phán về vấn đề thuế quan liên quan đến tỷ lệ trao đổi tiền tệ. Vấn đề này đã trở thành vấn đề "nóng" của giới tin tức. Do Viên Thù có con đường của Iwai, nên thông tin ông có được rất nhanh và chính xác. Chính vì vậy mà vị phóng viên "ngoài lề" này bỗng nhiên trở thành người hùng trong giới báo chí, ngay cả Ngô Tỉnh Á cũng phải để mắt đến ông. Sau đó một thời gian, Iwai hàng tháng trả cho ông 200 đồng gọi là "phí ngoại giao". Từ đó ông nghiễm nhiên trở thành điệp viên cho Nhật. Đương nhiên, chuyện này đã được sự phê chuẩn của người chỉ huy ngầm Đảng cộng sản lúc đó. Vậy là, ông đã trở thành một điệp viên với 3 thân phận khác nhau. Không lâu sau, ông được Iwai sắp xếp cho ông tới Nhật.

Sau khi về nước, để tăng cường vỏ bọc cho mình và thuận tiện cho việc khai thác tình báo, tháng 4 năm 1937 ông xin ra nhập Thanh Hồng Bang. Tháng 6 năm 1937, Phan Hán Niên đã trở lại Thượng Hải đảm nhận chức vụ Chủ nhiệm văn phòng Bát lộ quân. Từ đó dưới sự chỉ đạo của Phan Hán Niên, Viên Thù đã diễn xuất thành công cuộc chiến tình báo đầy ly kỳ của mình.

Sau khi cuộc chiến kháng Nhật bùng nổ, Đới Lạp - kẻ đứng đầu Quân thống muốn tìm một người hiểu biết và có mối quan hệ tốt với Nhật Bản, có người đã gợi ý cho ông ta về một lưu học sinh tên là Viên Thù có mối quan hệ rất tốt với Iwai Phó Lãnh sự quán Nhật. Đới Lạp nghe thấy vậy rất vui mừng, liền tự mình đến tìm Viên Thù. Viên Thù thấy đây là việc hệ trọng nên xin chỉ thị của Phan Hán Niên. Phan Hán Niên xuy nghĩ một lúc rồi nói: "Đây là một việc rất tốt, cơ hội hiếm có, anh không được bỏ quan cơ hội tốt này, phải đáp ứng mọi yêu cầu của Đới Lạp."

Đới Lạp giao cho Viên Thù hai nhiệm vụ: một là thu thập tình báo về quân Nhật; hai là phải kiên trì ở lại Thượng Hải cho dù tình hình biến đổi như thế nào. Như vậy, Viên Thù lại có thêm một thân phận nữa: điệp viên của Quân Thống, cộng với 4 thân phận là người của Trung Thống, người của Thanh Hồng Bang, người của Nhật và thân phận bí mật thực sự - người của Đảng cộng sản Trung Quốc, tổng cộng ông mang bên mình 5 thân phận. Trong lịch sử tình báo Trung Quốc, ông là điệp viên hoạt động với nhiều thân phận nhất.

Viên Thù thông qua mọi mối quan hệ đã thu thập được một lượng lớn tin tình báo về quân Nhật. Đương nhiên những tin tình báo này được gửi đến Đảng cộng sản trước, sau đó mới gửi cho Quân Thồng một cách có chọn lọc. Nguyên nhân vì thời gian này đang là thời kỳ hợp tác giữa Đảng cộng sản và Quốc dân đảng, hai bên đều đấu tranh vì lợi ích chung của dân tộc Trung Hoa.

Năm 1937, trong thời gian kháng Nhật tại Thượng Hải, ông đã nhiều lần vào sinh ra tử, ông hóa trang thành sinh viên Nhật, vượt qua chiến tuyến thâm nhập vào trận địa của Nhật. Ông đã cung cấp một lượng lớn tin tình báo giúp quân đội Trung Quốc tránh được những tổn thất lớn.

Sau khi Thượng Hải rơi vào vòng cô lập, ông phụng mệnh tiếp tục ở lại (về bề ngoài thì đây là lệnh của Đới Lạp, nhưng thực chất bên trong là lệnh của Phan Hán Niên). Ông lấy danh nghĩa là thiếu tướng Quân Thống thành lập tổ hành động bí mật, chuyên trừng phạt những kẻ xâm lược và hán gian, ông đã nhận được nhiều khen ngợi từ Cục Quân Thống. Trong đó lần hành động thành công nhất là tổ hành động của ông đã phát hủy kho đạn của hải quân Nhật tại Hồng Khẩu.

Năm 1937 sau khi chiếm được Thượng Hải, Iwai quay lại đây, đồng thời thành lập "tổ điều tra đặc biệt" - Một cơ quan đặc vụ của Nhật Bản, Viên Thù cũng là một thành viên trong đó. Việc này không chỉ có Phan Hán Niên biết mà Quân Thống cũng biết. Sau đó, theo lệnh của Phan Hán Niên, Viên Thù đã đề xuất với Iwai thành lập Bản bộ "phong trào Hưng Á kiến quốc". Bản bộ này được thành lập vào tháng 11 năm 1939 tại bản doanh của ông ta.

Phan Hán Niên mượn danh Iwai để thành lập cơ quan này, ngoài việc bảo vệ trạm điện đài ra, điều quan trọng hơn là xuất phát từ tình hình kháng chiến chống phát xít quốc tế. Khi đó, trong tình hình sự công kích lẫn nhau giữa bọn theo Nhật và phe bảo thủ Trung Quốc, nhiệm vụ của công tác chiến tuyến ngầm càng trở lên khó khăn hơn, ông đã phải sử dụng các biện pháp linh hoạt mới có thể xâm nhập vào nội bộ quân địch. Có Viên Thù trong lòng quân địch đã giúp ích hơn cho việc thu thập tình báo. Hơn nữa Diên An - nơi đặt Tổng bộ Đảng cộng sản Trung Quốc ở quá xa Thượng Hải nên đang rất cần tin tức về động hướng của quân Nhật và những thay đổi trong quan hệ nhạy cảm của Tưởng và Nhật... Khi đó, Viên Thù đã đưa một lượng lớn tin tình báo thu được ở Thượng Hải chuyển về Diêm An.

Đầu năm 1942, do Sở ngoại vụ Nhật sắp xếp, Viên Thù đại diện cho "phong trào Hưng kiến" tới thăm Nhật Bản. Kẻ đứng đầu Sở ngoại vụ Nhật lúc đó là Kichisaburo là người đóng vai trò chính trong chuyến thăm của Viên Thù lần này. Hắn ta tiết lộ với ông rằng, chính sách trước mắt của Nhật là chuẩn bị dụ Tưởng Giới Thạch đầu hàng, sau đó xây dựng một khu vực Đại Đông á thịnh vựng lấy Nhật Bản làm trung tâm, quân đội Nhật đã sắp xếp cho việc tiến vào Nam Kinh. Tin này đã khiến Viên Thù giật mình. Ông đã thu thập và phân tích tất cả các tin tức tình báo, đồng thời nhận định rằng, việc tiến vào Nam Kinh là quyết sách chiến lược mà quân Nhật sẽ không từ bỏ. Vì vậy, Phan Hán Niên lập tức báo tin này về Diêm An.

Sau khi chiến tranh ở Châu Âu bùng nổ, Liên Xô luôn lo lắng sẽ bị đánh úp sau lưng. Nhưng sau khi có được tin này, họ đã yên tâm điều quân từ chiến trường Viễn Đông sang mặt trận Châu Âu.

Từ năm 1937 cho tới khi kháng chiến thắng lợi, Viên Thù không hề để xảy ra bất cứ một sai lầm nào, đây gắn liền với tài trí và sự diễn xuất tuyệt vời của ông. Sau này, Viên Thù còn đảm nhận một loạt các chức vụ quan trọng khác cho Quốc dân đảng như: Đoàn trưởng đoàn công tác chính trị Thanh Hương, Trưởng ban giáo dục tỉnh Giang Tô, chuyên viên Thanh Hương và Tư lệnh bảo an. Cùng với các nhiệm vụ quan trong trên, công tác tình báo của ông cũng ngày một thuận lợi hơn.

Đầu năm 1945, Viên Thù từ chức trưởng ban giáo dục mà chỉ giữ lại chức nghị sĩ Thượng Hải. Sau khi kháng chiến thắng lợi, Viên Thù được bổ nhiệm chức chỉ huy đội 5 Đội biệt động Trung cứu quân và được phong hàm trung tướng. Tới đầu năm 1946, Quốc dân đảng rất phẫn nộ khi biết Viên Thù đã ra vùng giải phóng. Quốc dân đảng gọi ông là "Hán gian của Đảng cộng sản", và phát lệnh truy nã. Sau hiệp định mùng 10 tháng 10 được ký kết, Viên Thù mới cùng quân giải phóng Đảng cộng sản Trung Quốc rút về phía Bắc.

Bộ trưởng bộ tổ chức Hoa Đông lúc dó là Tăng Sơn đã đích thân tới gặp Viên Thù, sau khi xem xét mọi mối quan hệ, ông đã quyết định để Viên Thù tạm thời đổi họ thành họ Tăng. Từ đó cái tên "Tăng Đạt Chai" mới của ông được sử dụng suốt mấy chục năm. Về sau, ông được bổ nhiệm chức chủ nhiệm ủy ban công tác số 1 Ban liên lạc Cục Hoa Đông. Năm 1949 Viên Thù về Bắc Kinh và chuyển sang công tác ngành tình báo, chuyên phụ trách công tác nghiên cứu về động hướng của Nhật và Mỹ. Ngày 26 tháng 11 năm 1987, ông qua đời ở tuổi 76.

Người anh hùng cứu London thoát khỏi sự hủy diệt

Tháng 1 năm 1943, Cơ quan tình báo MI6 của Anh nhận được một bản sơ đồ vẽ nghuệch ngoạc. Chính bản sơ đồ này đã cứu London tránh khỏi sự hủy diệt và từ đó thay đổi cả cục diện của cuộc chiến tranh thế giới thứ 2. Đó là một doanh nhân người Pháp chưa từng được huấn luyện qua về tình báo đã bí mật mang sơ đồ quan trọng này đột nhập thành công qua biên giới Pháp - Thụy Sĩ và gửi đến cho tình báo Anh. Ông chính là Michel Helate.

Năm 1943, Helate lúc đó 46 tuổi, ông sinh ra tại Pháp, là một trung niên giàu có. Sau khi chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, năm 1941 ông đã xây dựng cho mình một mạng lưới gián điệp độc lập với quân đồng minh và các tổ chức kháng chiến khác.

Tổ chức của ông mang ký hiệu là "Action", họ chưa bao giờ sử dụng biện pháp đột nhập bằng đường không hay sử dụng đến các thiết bị vô tuyến điện để liên lạc với bên ngoài. Trong hơn 2 năm đầu, mạng lưới này hầu như hoàn toàn dựa vào cá nhân ông đầu tư xây dựng.

Mạng lưới tình báo của ông gồm các nhà đại lý, nhân viên kinh doanh khách sạn, thương nhân, nhân viên đường sắt và cả bản thân ông với thân phận là nhà chế tạo xe hơi để thu thập tin tình báo ở Pháp.

Trong hơn 3 năm, ông đã 98 lần vượt qua khu vực cấm biên giới Pháp - Thụy Sĩ và nhiều lần chuyển các tin tình báo của Phát xít cho đại diện cơ quan tình báo Anh tại Bern.

Mùa hè năm 1943, cấp dưới của ông - một kỹ sư đường sắt làm việc tại Rouen báo cáo, toàn bộ khu vực Normandy bỗng nhiên được xây dựng một loạt các công trình lớn khác thường.

Helate lập tức đóng giả thành một mục sư để tới Rouen, ông thuyết phục một quan chức địa phương cung cấp những thông tin chi tiết về công trường xây dựng. Ông nói với viên quan chức này rằng, những điều ông ta làm là bảo đảm an toàn cho những công nhân Pháp đang làm ở đây, vì vậy ông ta đã đồng ý hợp tác với ông.

Sau đó, ông lại đóng giả thành một công nhân tới vùng Tây Bắc Rouen làm công nhân vận chuyển gạch trong một công trường ở đây. Bên cạnh công trường, ông phát hiện một công trình bê tông rất rộng và một bệ nghiêng, hướng của bệ nghiêng khiến ông đặc biệt chú ý. Sau khi trở về Paris, Helate tính toán kỹ lưỡng và phát hiện chiếc bệ bê tông và chiếc cầu chỉ về hướng London.

Sau nhiều ngày vượt qua biên giới Thụy Sĩ đầy nguy hiểm, cuối cùng ông cũng tới được Bern. Đại diện của MI6 tại đây dường như không mấy mặn mà đối với các tin tình báo về các công trình ở Normandy mà ông cung cấp, nhưng các quan chức tình báo cao cấp ở London lại có cách nhìn khác. Họ gửi thư lại cho ông và yêu cầu ông dốc hết sức tìm hiểu về công trình mới này.

Một nhân viên trong tổ tình báo của ông đã trà trộn vào công trường, đồng thời lấy được một bản vẽ sơ lược về công trình này của viên phụ trách.

Nhân viên này nhanh chóng gửi bản vẽ cho Helate. Bản vẽ này cho thấy, đó là một bãi phóng tên lửa V-1, một trong những vũ khí bay không người lái sớm nhất trên thế giới. Đồng thời bản vẽ còn cho thấy bãi phóng này đang được xây dựng tại phía Bắc nước Pháp. Trung tâm của bãi phóng này là một đường băng nghiêng có quỹ đạo dẫn đường, mục tiêu của vật thể bay chỉ về hướng Thủ đô nước Anh - London.

Tên lửa V-1 là loại vũ khí đáng sợ hơn rất nhiều so với các loại bom mà Đức thả xuống London vào năm 1940 và 1941.

Thực tế, 6 tháng trước đó, chính quyền Anh từng nhận được một số tin tinh báo không rõ ràng về việc Phát xít Đức đang nghiên cứu một loại vũ khí bí mật ở phía bắc nước Đức. Nay họ lại nhận được tin từ Helate về một bãi phóng bí mật đang được Phát xít xây dựng tại phía Tây bắc nước Pháp. Bản sơ đồ mà Helate cung cấp cuối cùng cũng khiến tình báo Anh tin rằng tên lửa V-1 đang uy hiếp đến London. Hơn một tuần sau, một nhân viên đường sắt lại gửi cho Helate bản vẽ về kích thước của quả tên lửa V-1 mà anh ta tìm thấy trong một thùng đạn trong kho hàng nhà ga.

Phía Anh đã phản ứng rất nhanh. Bắt đầu từ tháng 12 năm 1943, những địa điểm phóng tên lửa được xây dựng ở Pháp lần lượt bị Không quân hoàng gia Anh oanh tạc dữ rội, các bãi bắn tên lửa V-1 hầu như bị hủy hoại nặng. Nhưng không lâu sau, vẫn có một quả tên V-1 bắn trúng ngoại ô London.

Sáu tháng sau, Phát xít Đức lại xây dựng 40 địa điểm phóng tên lửa với quy mô nhỏ và bí mật hơn, nhưng chúng đều bị không quân đồng minh tấn công. Là một vũ khí chủ bài, kế hoạch bắn tên lửa này chỉ là một phần so với kế hoạch cũ của Hillte, hơn nữa nó còn được thực hiện muộn hơn 6 tháng. Kế hoạch phóng quy mô lớn trước đây là mỗi ngày phóng 800 quả tên lửa và phóng liên tục trong 8 tháng. Phát xít ý đồ muốn hủy diệt hoàn toàn London và các mục tiêu chiến lược khác tại miền Nam nước Anh.

Ngày 5 tháng 2 năm 1944, Helate và 3 điệp viên cao cấp khác không may đã bị Phát xít bắt tại một quán rượu gần phía Bắc ở Paris. Sau những cuộc tra tấn tàn khốc, Helate bị nhốt trong một trại tập trung. Nhưng số ông gặp đại nạn không chết, ông đã trốn thoát thành công khỏi trại tập trung.

Helate luôn giữ kín những gì đã làm trước đây. Eisenhower trong cuốn băng nghi âm đã từng nói: "Một khi kế hoạch tấn công quy mô lớn bằng tên lửa V-1 của Hillte được thực hiện thì kế hoạch đổ bộ Normandy vào tháng 6 năm 1944 của quân Đồng minh khó có thể thực hiện được. Nếu điều này xảy ra thì chiến sự sẽ còn kéo dài thêm mấy năm nữa và nguy hiểm hơn là tạo cơ hội cho Phát xít Đức phát triển tên lửa V-2, điều này xảy ra sẽ khiến kết cục chiến tranh sẽ thay đổi hoàn toàn."

Nhưng mọi người khó có thể tin được rằng hoạt động gián điệp chưa từng có này lại do một điệp viên nghiệp dư thực hiện.

Sau chiến tranh, Helate đã được tặng thưởng "Huân chương phục vụ xuất sắc" của Anh, nhưng những chiến tích của ông trong bao năm dường như bị người ta quên lãng, một phần nguyên nhân là do mạng lưới tình báo do ông xây dựng tuy được người ta công nhận nhưng lại hoạt động tách rời với tổ chức kháng chiến của Pháp.

Một vị tướng chỉ huy quân Đồng minh từng nói: "Trong rất nhiều bức tượng kỷ niệm được dựng tại London, chưa có ai trong đó được nhận vinh dự 'người cứu tinh của thành phố London' giống như Helate."

Điệp viên hai mang

Trong thế chiến lần II, cơ quan tình báo Anh đã dùng tiền bạc và chức vị để mua chuộc các điệp viên của Đức mà họ bắt được, sau đó đào tạo họ trở thành điệp viên hai mang, khiến bề ngoài họ làm việc cho nước Đức nhưng trên thực tế là phục vụ lợi ích cho Anh.

Lúc đó, điều khiến người Anh đau đầu nhất nhất chính là tàu ngầm ngư lôi của Đức, nó ẩn lấp ở những chỗ kín đáo, liên tục gây nhiều tổn thất lớn cho tàu vận chuyển và chiến hạm của các nước đồng minh. Để giải quyết việc này, Anh đã bỏ ra nhiều công sức và tiền của để nghiên cứu chiến thuật chống tầu ngầm, họ đã đưa mọtt "thiết bị dò tàu ngầm" mới phát minh vào cuộc chiến chống lại Đức, nhưng sau một thời gian sử dụng, họ mới phát hiện ra hiệu quả của máy này hoàn toàn không giống như những gì người ta vẫn tưởng, nó không đóng vai trò mang tính quyết định trong việc chống lại tàu ngầm của đối phương.

Trong khi đó người Đức lại có cách đặc biệt để đối phó với thiết bị dò tàu ngầm của Anh, mỗi lần họ gặp phải sự dò tìm của máy thăm dò ngầm dưới biển, tàu ngầm Đức sẽ nhả ra một lượng lớn bong bóng từ ống ngư lôi khiến thiết bị thăm dò của anh bị nhiễu, vì cứ tưởng rằng đó là tàu ngầm của Đức nên tàu của Anh dốc hết tốc lực đuổi theo nhưng đuổi lên phía trước lại phát hiện ra không có gì.

Về mặt kỹ thuật, người Anh không địch lại nổi người Đức nên họ đành phải kế sách khác, họ quyết định dùng đến một điệp viên hai mang có tên Tatry, để anh ta tìm cách làm mê hoặc người Đức. Sau khi được bố trí kỹ càng Tatry đã bắt tay ngay vào hành động. Việc đầu tiên mà anh ta làm là gửi một bức điện báo mật cho cơ quan tình báo Đức nói rằng gần đây anh ta biết được phương pháp mà nước Anh dùng để đối phó với tàu ngầm nhưng là loại phương pháp gì thì anh ta vẫn đang điều tra.

Tatry thường hay lui tới nhà một sĩ quan chỉ huy người Anh, hơn nữa còn trở thành bạn tốt của ông ta. Sau hơn một tháng qua lại, Tatry công bố rằng anh ta muốn mời vị sĩ quan chỉ huy người Anh này dự tiệc. Hôm đó, có thể nói qui mô khách mời của Tatry rất rộng, anh ta mời đến rất nhiều bạn của viên sĩ quan chỉ huy, trong đó cũng có cả gián điệp của Đức.

Bữa dạ tiệc bắt đầu, Tatry nâng ly bày tỏ cảm ơn tới các vị khách qúy. "Theo tôi thấy cuộc chiến này không còn nghi ngờ gì nữa, người Đức nhất định sẽ thắng, tạm gác chuyện người Đức có tàu ngầm với sức công phá mạnh sang một bên, nhưng chúng ta có máy thám trắc ngầm, loại vũ khí tân tiến này sẽ làm cho tàu ngầm của Đức phải khiếp sợ. Nào, chúng ta hãy cùng nâng ly chức mừng cho máy thám trắc ngầm dưới biển !"

Từng ly rượu này đến ly rượu khác, viên sĩ quan chỉ huy Anh không thắng nổi men rượu nên đã ngà ngà say, ông ta đứng dậy vịn vào vai Tatry nói với giọng lè nhè: "Người Đức muốn thống trị thế giới, điều này rõ ràng là nằm mơ, cứ cho là người Đức đồng ý thì quân hạm Anh chúng tôi cũng không đồng ý, tôi phải làm cho tàu ngầm của người Đức...", viên sĩ quan nói xong hằm hằm ném ly rượu trên tay xuống dưới đất, "Tàu ngầm của người Đức sẽ giống như ly rượu này. Chúng ta hiện nay tuy đã có "máy thám trắc ngầm", nhưng thứ đồ chơi đó rõ ràng không có tác dụng, cái thứ đó còn đem lại bao phiền phức, nhưng hiện nay chúng ta không sợ cái gì hết, chúng ta đã có cách mới, hơn nữa cách làm mới này sẽ nhanh chóng phát huy ảnh hưởng của nó đối với tàu ngầm Đức, đến lúc đó người Đức có muốn khóc cũng không kịp nữa rồi".

Nghe xong câu này, Tatry vỗ tay qua đầu hô lớn: "Nào, hãy nâng ly chúc mừng người Anh, chúc mừng cho quân đội đồng minh chiến thắng".

Bữa dạ tiệc rôm rả kéo dài đến tận đêm khuya, viên sĩ quan chỉ huy nước Anh đã uống say bí tỉ, hoàn toàn không thể quay về nên đã ở lại qua đêm tại nhà của Tatry. Đợi tới sau khi ông ta đã ngủ say, Tatry mới mở túi công văn của ông ta, rút ra trong đó văn kiện của chính phủ Anh. Văn kiện nói về việc nước Anh sẽ dùng biện pháp gì để đối phó với tàu ngầm của Đức. Tatry dùng máy chụp ảnh siêu nhỏ chụp lại toàn bộ nội dung trong văn kiện đồng thời phái người mang đến tận tay người chỉ huy của anh ta.

Rất nhanh, người Đức đã có được tin tình báo mà Tatry gửi đến, sau khi nghiên cứu kỹ, họ cho rằng tin tình báo của Tatry là hoàn toàn đáng tin cậy liền quyết định hủy bỏ phương án chiến đấu ban đầu.

Tatry sau khi đã nhận được tin tức phía người Đức, trong lòng rất vui sướng. Anh ta biết người Đức đã mắc bẫy, tất cả những gì anh ta làm đều đã được bàn bạc thương lượng kỹ cùng với người Anh, với mục đích để cho người Đức tin rằng nước Anh đã từ bỏ phương án "máy thăm dò tàu ngầm" để đi tìm một chiến thuật khác.

Người Đức đã tính toán nhầm sự phát triển kỹ thuật chống tàu ngầm của người Anh, họ lúc đầu gây tranh cãi, tên nội gián nào đã giúp cho người Anh, người đó có vai trò gì với người Anh. Thà tin là có còn hơn là tin không có, vì thế họ liền dẹp bỏ chiến thuật đó. Việc này quả nhiên có hiệu quả, người Đức có thể đã mắc mưu, chỉ trong khoảng thời gian ngắn hàng loạt tàu ngầm của Đức đã bị Anh tấn cong.

Thành tích lần này của Tatry đã khiến anh ta không chỉ có được sự tín nhiệm của người Đức, mà còn người Anh khen thưởng.

Phát xít Đức đã từng mở kỹ viện để thu thập tình báo

Chập tối ngày 28 tháng 6 năm 1939, một phụ nữ với phong thái thướt tha đứng bên cửa sổ phòng 11 trên một con phố của Beclin để thưởng thức màn đêm yên tĩnh. Bà ta chính là Kate Schimidt nổi tiếng trong tầng lớp thượng lưu tại Beclin, và cũng là bà chủ của nơi ăn chơi nổi tiếng "Salon Kitty". Bà ta không phải là một nhân vật đơn giản, bởi vì sau khi lên nắm quyền không lâu Hittle đã tuyên bố cấm hoạt động của các kỹ viện, nhưng Kate lại dám phớt lờ lệnh này, mở kỹ viện ngay tại trung tâm thống trị của phát xít - Beclin, không những thế trong 6 năm sau đó việc làm ăn của bà ta lại ngày càng phát đạt. Những người ra vào kỹ viện của bà ta không chỉ là quan chức chính phủ mà còn các nhân vật nổi tiếng nổi tiếng trong tầng lớp xã hội. Những người này không những đem lại cho Kate một nguồn lợi nhuận kếch xù mà còn là một chiếc lưới bảo vệ an toàn. Nhưng ngay cả những khách làng chơi và Kate đều không ngờ rằng họ đang bị rơi vào một âm mưu lớn của phát xít.

Vào một ngày, Cục trưởng Cục cảnh sát Beclin bỗng nhiên nhận được một bức điện bên ngoài ghi dòng chữ: "Cơ mật- văn bản quan trọng đế quốc", trong bức điện yêu cầu khẩn cấp lựa chọn ngay 20 phụ nữ xinh đẹp nhất. Những người này phải biết ngoại ngữ, có tinh thần phát xít, có dục vọng cao, và đặc biệt là có thể thực hiện các nhiệm vụ quan trọng. Người soạn bức điện này là Cục trưởng Cục bảo an đế quốc Heydrich và kẻ đứng đầu tình báo phát xít Đức Schellenberg. Nguyên nhân nào khiến Heydrich có cảm hứng đến kế hoạch này? Hắn ta vốn rất thích đọc tiểu thuyết tình báo, khi đọc được các câu chuyện kể về nữ điệp viên nổi tiếng trong thế chiến thứ nhất Mata Hari đã dùng sắc đẹp của mình để thu thập tình báo, hắn ta bỗng nghĩ đến ý tưởng: "tại sao lại không tìm một vài Mata Hari nữa để thu thập các tin cơ mật của các quan chức ngoại giao và quan chức cao cấp trong và ngoài chính phủ Đức." Sau khi bàn bạc kỹ với các thuộc cấp, hắn quyết định lựa chọn 20 phụ nữ xinh đẹp rồi âm thầm huấn luyện, sau đó đưa họ đến kỹ viện để thu thập tình báo.

Đối với lệnh của hai kẻ đứng đầu an ninh này, những tên cục trưởng dưới quyền không hề dám chậm trễ, nhưng ở Beclin đã cấm hoạt động của các kỹ viện được 6 năm nay nên không dễ gì để kiếm được các kỹ nữ. Lúc này họ đã nghĩ ngay đến kỹ viện " Salon Kitty". Tuy nhiên Kate cũng có tai mắt trong Cục cảnh sát nên những tin tức này nhanh chóng đã đến tai bà ta. Kate không hề muốn quan hệ với Cục bảo an trung ương Đức quốc xã, vì vậy bà ta lên kế hoạch chạy trốn sang Anh. Khi chuyến tàu bà ta ngồi chỉ còn cách biên giới vài kilômét, bỗng một toán cảnh sát xuất hiện trên tàu. Như vậy Kate bị đưa đến tổng bộ của Cục bảo an trung ương Đế quốc. Heydrich đã đưa ra hai lựa chọn: một là Kate đến trại tập trung để thể nghiệm cuộc sống; hai là bà ta phải hợp tác với chúng. Dưới sự uy hiếp và dụ dỗ, Kate cuối cùng đã khuất phục.

Sau khi được thả vài ngày, một tên đội trưởng đội xung kích quân đảng vệ đến tìm Kate và thông báo rằng, Cục bảo an ninh trung ương phát xít sẽ tu sửa và trang hoàng lại kỹ viện Salon Kitty, đồng thời còn cung cấp cho bà ta 20 phụ nữ xinh đẹp. Kate phải lập riêng cho những phụ nữ này một danh sách rồi cung cấp cho những quan khách đặc biệt lựa chọn. Bà ta thắc mắc: "làm sao tôi tôi biết khách nào là khách đặc biệt?", viên đội trưởng này trả lời: "khi nào khách đặc biệt đến, hắn sẽ đưa ra ám hiệu 'khách từ Rothenburg đến', bà sẽ phải mang sổ lên cho khách lựa chọn, và mang nhiều rượu lên để chúc cho họ say." Sau 10 ngày tu sửa, kỹ viện Salon Kitty trở lên lộng lẫy hơn, nó không khác gì một khách sạn sang trọng. Nhưng công tác chuyển mỹ nhân lại không hề thuận lợi.

Schellenberg không hề hài lòng trước những kỹ nữ mà cục cảnh sát Beclin tuyển chọn. Hắn tức giận và chửi cho những tên dưới quyền một trận, vì những phụ nữ này từ cử chỉ, lời nói đến trình độ ngoại ngữ đếu không đáp ứng được yêu cầu. Hắn ta buồn bã báo lên Heydrich rằng: "Kỹ nữ ở Beclin không thể đáp ứng được nhiệm vụ của chúng ta, họ chẳng biết gì ngoài việc kiếm tiền. Chúng ta cần phải có những phụ nữ khác, và phải qua huấn luyện đặc biệt." Heydrich ngắt lời hắn: "Vậy ngươi hay đi kiếm người về đây để huấn luyện đi!"

Đầu năm 1940, đích thân Schellenberg dẫn một tổ gồm bác sĩ, phiên dịch và chuyên gia tâm lý tới một khu du lịch nổi tiếng phía Nam nước Đức để tuyển chọn người. Rất nhanh sau đó, 50 mỹ nữ đã được đưa đến ra mắt Schellenberg, họ đều đến từ các khu du lịch, tất cả đều có tinh thần phát xít và sẵn sàng hiến thân cho Hittle. Hắn ta đã phải thẩm vấn từng người và chọn ra 20 người, sau đó giao cho bác sĩ, phiên dịch và chuyên gia tâm lý kiểm tra. Sau những bài kiểm tra gắt gao, cuối cùng chỉ còn lại 5 người. Sau đó Schellenberg còn tới Luxemburg, Hà Lan và Pháp chọn thêm được 15 người nữa.

Tất cả những phụ nữ này được chia thành 2 tổ rồi đưa đến Olddensburg và Richthofen để huấn luyện. ở đây họ được học bắn súng, võ, ngoại ngữ và lễ nghi xã giao cũng như các kỹ xảo thu thập tình báo. Sau 7 tuần huấn luyện, tất cả số phụ nữ này đều phải viết giấy cam đoan phải trung thành với Nguyên soái và phát xít, nguyện hiến dâng thể xác mình cho nhiệm vụ đặc biệt vô điều kiện.

Bên cạnh việc huấn luyện các kỹ nữ, Heydrich và Schellenberg còn hạ lệnh cho lắp các thiết bị ghi âm thế hệ mới nhất dưới mỗi phòng. Ngay cả phòng của Kate cũng bị lắp các thiết bị nghe lén. Bất kỳ tiếng động nào bên trong các phòng đều bị ghi lại. Ngoài ra cửa ra vào kỹ viện còn lắp cả camera.

Tháng 3 năm 1940, 20 kỹ nữ này được đưa tới Beclin. "Salon Kitty" cũng đón lượt khách đầu tiên. Schellenberg vui mừng ngồi chờ tin tình báo đến, nhưng vài tuần đã trôi qua mà hắn ta không hề nhận được bất cứ một tin tức tình báo nào đáng giá. Những tiếng hắn nghe được trong các cuộn băng chuyển đến chỉ toàn là tiếng rên rỉ, đùa cợt và chửi rủa của người say. Điều hắn phiền muội hơn là những phụ nữ này đều biết lái xe, biết sử dụng vũ khí, biết ngoại ngữ, được học các kỹ xảo tình báo, nhưng lại không có những vị quan chức cao cấp nào tìm đến họ, vì những khách làng chơi biết được ám hiệu này đều đã chuẩn bị kỹ trước khi bước vào kỹ viện.

Hoạt động thu thập tình báo này diễn ra được một năm, tiêu tốn một lượng tiền lớn nhưng không thu lại kết quả gì. Heydrich vô cùng bất mãn trước điều này, hắn ta còn đau đầu hơn khi hàng ngày phải nghe những âm thanh rên rỉ trong các cuốn băng. Năm 1941, Heydrich bị điều đến czechoslovakia, Kattenbrunner đã thay hắn đảm nhiệm công việc thu thập tình báo.

Đến lúc này, các vị khách "đến từ Rothenburg" mới xuất hiện, họ đều là quan chức ngoại giao, quan chức cao cấp trong chính phủ và các tướng lĩnh trong quân Đức quốc xã, nhưng Schellenberg vẫn không thể thu thập được tin tức gì. Bộ trưởng bộ ngoại giao Đức quốc xã Ribbentrop đã từng đến kỹ viện Salon Kitty, nhưng ông ta không hề để nói ra bất cứ một tin tức gì ngoài những câu xã giao. Đại sứ Italia cũng được mời đến dự tiệc, tuy ông ấy nói không phải ít nhưng đều là những lời mang tính xã giao.

Trên thực tế, hoạt động nghe trộm này đã bị thất bạt ngay từ trong trứng nước, bởi vì những vị khách "đến từ Rothenburg" đều đã biết rõ âm mưu đen tối này của Cục bảo an trung ương phát xít Đức. Những lời nói của họ tại kỹ viện "Salon Kitty" đều là những lời ca tụng Hittle và Đức quốc xã, chứ không hề để lộ bất cứ một chút cơ mật nào.

Năm 1942, căn nhà chính của kỹ viện Salon Kitty đã bị máy bay Quân đồng minh oanh tạc, căn nhà 3 tầng chỉ còn lại một tầng. Schellenberg hoàn toàn không còn mặn mà với các hoạt động nghe trộm nữa, hắn ta hạ lệnh trao trả kỹ viện lại cho Kate, 20 kỹ nữ xinh đẹp thuận ý nguyện cũng được giao lại cho bà chủ, để đổi lại những điều này Kate phải mãi mãi giữ bí mật này. Năm 1945, Kate Schimidt qua đời. Cho đến khi chết, bà ta vẫn không tiết lộ bí mật này, nhưng hồ sơ phát xít để lại đã cho thấy âm mưu này. Năm 1994 kỹ viện "Salon Kitty" do làm ăn thua lỗ đã chính thức đóng cửa.

Kế hoạch B-29

Năm 1942, ủy ban quân sự tối cao Liên Xô nhận được tin tình báo: Quân phát xít Đức đang lên kế hoạch cho hành động quân sự lớn tại chiến trường Đông Âu, kế hoạch mang mã hiệu "B-29". Người phụ trách kế hoạch này là viên tướng Von Buch. Phía Liên Xô rất mong muốn có được kế hoạch này. Nhiệm vụ này được giao cho một nhân viên tình báo xuất sắc của KGB Rolf.

Rolf bằng nhiều con đường khác nhau đã biết được người có thể tiếp cận kế hoạch này chỉ có thể là thư ký cơ yếu, thượng úy Rubihr. Người này đã từng bán tin tính báo quan trọng cho cơ quan tình báo Ba Lan và nhận được 20 nghìn Mác. Nhưng Rolf không thể chắc chắn lần này có thể mua chuộc được anh ta hay không. Trong khi đó, Rolf lại không thể lộ diện, cho nên anh đã để Schmidt thực hiện nhiệm vụ này.

Schmidt trực tiếp tìm gặp Rubihr và đưa ra yêu cầu, đồng thời cũng không quên nhắc đến chuyện bán tình báo lần trước. Rubihr vừa nghe đến đó, cả thân người bỗng run lên. Vừa nhìn thấy vẻ mặt sợ hãi của đối phương, Schmidt biết ngay Rubihr nhất định sẽ làm chuyện này. Anh nói thẳng với Rubihr: "Nếu anh ta giúp chúng tôi chuyện này, tôi sẽ trả anh 40 nghìn Mác, còn nếu anh không giúp, tôi sẽ đem chuyện bán tình báo của anh báo cho Gestapo (Cơ quan mật vụ của phát xít Đức), vậy anh cứ suy nghĩ đi." Rubihr lẳng lặng cúi đầu. Schmidt đưa cho anh ta một chiếc máy ảnh mini và báo cho anh ta biết địa điểm gặp lần sau, đồng thời nhắc nhở anh ta lần sau sẽ có một người khác đến gặp anh ta.

Theo thời gian đã hẹn, một nhân viên tình báo khác của Liên Xô là Anna đã xuất hiện tại địa hẹn đúng giờ như đã hẹn, thấy Rolf đang đứng cách cô 100 mét gật đầu ra ám hiệu, cô liền bước vào quán cafộ gần đó. Không lâu sau, Rubihr cũng đến, anh ta đưa cho cô một bao thuốc lá và nói: "Trong này có thứ cô cần, nhưng không phải toàn bộ. Cô nói với cấp trên của cô, ngày kia cũng tại đây chúng ta sẽ gặp nhau lần cuối, sau đó tôi sẽ không bao giờ giúp bên cô nữa." Anna vui vẻ gật đầu, đút bao thuốc vào túi, đồng thời móc cục tiền giao cho Rubihr và nói: "Đây chỉ là nửa số tiền, lần sau gặp tối sẽ giao số còn lại."

Rubihr không nói gì, nhận tiền rồi bỏ đi. Hôm đó viên tướng Đức có việc phải ra ngoài. Đây là cơ hội trời cho, phòng làm việc của viên Tướng quân không có ai, anh ta lấy chùm chìa khóa dự phòng của két sắt và không khó để tìm ra nửa còn lại của kế hoạch B-29. Anh ta nhanh chóng lấy tài liệu, đặt máy ảnh với tốc độ nhanh nhất. Khi anh ta đang vọi vàng chụp tài liệu thì cửa phòng bỗng mở tung, tướng Đức và Gestapo đang từ từ bước vào.

Hóa ra, trước đó Gestapo sớm đã nghi nghờ Rubihr, lần này họ cố ý dàn dựng cảnh này để anh ta sập bẫy.

Rolf ngay sau đó biết tin Rubihr xảy ra chuyện, anh chỉ còn cách tìm biện pháp khác. Sau đó, anh biết được rằng Tướng Von Buch có một người con gái tên Eliza. Anh thông qua mọi con đường để làm quen được với con gái viên tướng Đức. Một đêm, viên tướng Đức phải đi dự một buổi chiêu đãi, Rolf nhân cơ hội này tìm cách lấy chiếc chìa khóa trên người Eliza, sau đó để Anna hóa trang giống hệt như Eliza xâm nhập vào nhà viên tướng Đức, lấy nốt nửa cong lại của bản kế hoạch. Trước khi hành động, ba người họ cùng nhau tới chỗ của Eliza, Anna và Schmidt lần lượt đột nhập vào vào phòng của Eliza.

Rolf cũng làm tốt công việc chuẩn bị của mình, đầu tiên anh đưa Eliza đi xem phim, sau đó đưa cô về nhà. Eliza mời Rolf vào nhà chơi, lấy rượu ra mời Rolf. Đúng lúc đó chuông điện thoại rung lên. Eliza đứng dậy nghe điện thoại, cơ hội tốt đã đến, Rolf liền lấy thuốc ngủ bỏ vào cốc rượu của Eliza, nhưng tất cả không qua mặt được mắt của cô ta.

Khi Eliza quay trở lại, cô ta giả vờ như không biết gì, nâng cốc rượu lên uống. Nhưng thực chất cô ta không hề nuốt rượu vào bụng mà ngấm ngầm nhổ ra ngoài. Sau đó, cô ta giả vờ ngấm thuốc, nằm xuống ghế sofa. Rolf liền mở túi của cô ta tìm chìa khóa, Eliza bất ngờ tỉnh dậy rút súng ngắn chĩa vào Rolf và nói: "Không được động đạy, anh đang làm gì?"

Rolf bình tĩnh quay người lại hỏi: "Eliza, em làm gì vậy?"

Eliza cười nhạt nói: "Anh tưởng tôi là một con ngốc sao! Tôi sớm đã biết anh không phải là người bình thường, anh rút cuộc làm việc cho ai?" Rolf không nói gì, từ từ bước đến tủ rượu, rót một cốc cho mình, sau đó quay lại ghế sofa ngồi, nhìn Eliza cười. Eliza thấy sự lạnh lùng của Rolf mà không biết làm gì. Cô ta lùi xuống hai bước, tay cầm súng run lên bần bật, "Anh tưởng tôi không dám bắn sao?"

Rolf vẫn không nói gì mà đột nhiên thả chiếc ly xuống đất, Schmidt đang ẩn lấp trong bếp, nghe thấy ám hiệu liền xông ra khống chế Ychiza, anh với ngón nghề chuyên nghiệp không khó để trói cô ta.

Sau đó theo đúng như kế hoạch đã định, Anna hóa trang thành Eliza, cô dễ ràng qua các trạm gác, tiến vào phòng viên tướng Đức. Từng giây từng phút trôi qua, Rolf đứng canh gác mà người đẫm mồ hôi, trong lòng anh chỉ mong mọi chuyện sẽ thuận lợi. Nửa tiếng sau, Anna đi ra nhưng với bàn tay trắng vì không tìm được chìa khóa két sắt.

Rolf không hề trách Anna, vì anh biết mọi người đều đã cố gắng hết mình. Cũng rất may lúc đó họ có con gái viên tướng Đức trong tay. Bắt Eliza làm con tin, ép buộc quân Đức phải hủy bỏ kế hoạch B-29. Hơn nữa lúc đó họ đã có nửa bản kế hoạch trong tay cho nên quân Đức không dám làm liều. Xét về mặt ý nghĩa nào đó, tuy nhóm tình báo Liên Xô không lấy được trọn bản kế hoạch "B-29" nhưng cũng buộc quân Đức không thể thực hiện kế hoạch trên.

Kế hoạch xảo quyệt của "Cáo sa mạc"

Năm 1941, phát xít Ý đã thất bại thảm hại trên chiến trường Bắc Phi, trong hai tháng đã bị quân Anh tiêu diệt đến 10 sư đoàn, đại bản doanh, đại bản doanh của phát xít ở Bắc Phi đã bị tàn phá nặng nề, cục diền này ngay lập tức gây chấn động Beclin. Ngay sau đó, Thống lĩnh tối cao quân phát xít Đức ra chỉ thị, phái Jews đảm nhiệm chỉ huy quân đoàn Châu Phi, ngay lập tức đi cứu viện quân ý đang đứng trước nguy có thất bại.

Jews cùng trung đoàn xe số 5 tinh nhuệ tiến đến Bắc Phi trong tình hình không có chiến sự, còn số lớn lực lượng ở lại làm công tác chuẩn bị tiến quân đồng loạt vào nơi đây.

Jews mới tiến vào châu Phi nên chưa có cái nhìn đầy đủ về người Anh, Người Anh biết rằng, Jews chỉ mang theo một trung đoàn , còn phần lớn lực lượng vẫn còn ngaòi biển Đại Trung hải, quân ý thì chỉ còn một sư đoàn, hơn nữa là tàn quân. Người Anh đã có tâm lý chuẩn bị đối với sự thay đổi trên chiến trường Bắc Phi, vì họ biết chiến trường Bắc Phi sẽ xảy ra các cuộc kịch chiến nên họ đã đi trước người Đức motọ bước, chuẩn bị tót các công tác cần thiết.

Vì vậy khi Jews vừa tiến vào Bắc Phi thì cũng là lúc sư đoàn thiết giáp số 7 hoàng gia Anh rút khỏi Ai cập và tiến hành đièu động và bổ xung; sư đoàn số 6 Austrai cũng đến thay thế cho sư đoàn sư đoàn số 9 do không đủ quân số, một phần lực lượng của sư đoàn số 9 do gặp khó khăn nên không đến được địa điểm tập kết. Sau vài ngày sư đoàn thiết giáp số 2 của Anh mới từ Ai cập đến được khu vực chiến tuyến, nhưng cũng chỉ còn lại một nửa số quân.

Jews biết rằng, nắm chắc tình hình địch là nhiệm vụ quan trọng nhất trong tác chiến, vì vậy ông ta đã đến Bắc Phi trước để thu thập tình báo. Hiện nay tình hình đã rõ ràng, công việc còn lại là làm thế nào để nắm chắc thời cơ đánh thắng chiến dịch này.

Một người chỉ huy thông minh không thể có cái nhìn giống quân địch của mình. Người Anh điều động lực lượng gấp gáp không chú trọng bố phòng là vì họ cho rằng quân của Jews quá ít, quyết không dám manh động. Nếu đợi quân Đức vượt qua Địa Trung Hải đến tập kết ở chiến tuyến cũng phải mất đến gần 3 tháng, khi đó quân đội Anh đã điều động xong lực lượng. Cách suy nghĩ của Jews lại hoàn toàn khác, ông ta không đợi toàn bộ lực lượng của mình đến nơi mà lập tức tổ chức chiến dịch đầu tiên tiến vào Bắc Phi.

Theo kế hoạch của Jews, trung đoàn xe của Ddức và Italia hợp thành một đội quân hỗn hợp tấn công thẳng vào giữa chiến tuyến của Anh và Australia. Đây là điểm yếu nhất trong tuyến phòng thủ của quân đồng minh, vì quân đội hai nước Anh - Australia không thể xây dựng tuyến phòng thủ chung.

Nhưng cho dù thời có có thừa, Jews vẫn cảm thấy lực lượng của mình quá mỏng. Yêu cầu của chiến dịch đòi hỏi ông ta phải tập hợp đội xe tinh nhuệ của Đức phải tập hợp lại, mau chóng nắm bắt thời cơ đột kích tuyến phòng thủ của quân Anh. Nhưng nếu trung đoàn xe Đức tập hợp lại, lực lượng ở khu vực khác sẽ rất mỏng, quân Ý như chim đã trúng đạn, về cơ bản là không thể chịu nổi cuộc phản kích của quân Anh; Hơn nữa, nếu xe tăng Đức tập hợp lại, máy bay trinh sát của Anh chắc chắn sẽ phát hiện ra, mà một khi kế hoạch này bị quân Anh phát hiện, đội quân hỗn hợp Đức Ý vốn đã mỏng sẽ trở thành mục tiêu cho quân Anh tấn công.

Vậy làm thế nào để qua mặt được người Anh, tập hợp xe tăng lại mà không bị người Anh phát hiện? Jews và các sĩ quan tình báo của ông ta đã đưa ra một kế hoạch đầy mạnh dạn, đó là lấy giả làm thật để che mắt người Anh.

Tiếp đến, trên chiến tuyến đối đầu giữa hai bên, đâu dâu cũng thấy xe tăng của Đức, dường như người Đức thực sự đã sát nhập vào với quân Ý. Nhưng những xe tăng mà phi công Anh nhìn thấy thực tế đều là xe tăng giả, chúng được Jews dùng xe ô tô cải trang thành. Bốn mặt ô tô đều được ép những mảng gỗ sau đó sơn cho giống xe tăng của Đức. Đến đêm, trung đoàn xe tăng số 5 của Đức lặng lẽ tiến vào chiến tuyến, áp sát khu vực đột phá.

Người Anh thực sự đã phát hiện sự bất thường của xe tăng Đức, báo cáo từ các phi công trinh sát đã cho thấy, số lượng xe tăng của Đức không đúng với biên chế của một trung đoàn, số lượng xe tăng lớn hơn rất nhiều. Nhưng phân tích của tình báo Anh đã gián tiếp giúp đỡ cho Jews, họ cho rằng là mọt chỉ huy cao cấp của một quân đội, Jews đã đến Bắc Phi trước, việc mang theo nhiều binh sĩ là hoàn toàn có thể lý giải được. Hơn nữa, điều Jews nhắc đề cập đến là một tuyến phòng thủ hoàn toàn, nên việc đem xe tăng đến tăng cường cho quân ý đã bị thất bại thảm hại cũng chẳng qua là để có thủ trận địa. Jews đã tung ra những tin tình báo sai lầm, những viên sĩ quan tình báo của Đức đã làm tốt việc này. nguyên nhân dẫn đến thất bại của quân Anh chủ yếu là do sự sai lầm của các nhân viên tình báo của họ.

Trung tuần tháng 3 năm 1941, tại địa điểm mà cả Anh và Australia không hề ngờ đến, Jews đã tập hợp một lượng lớn lực lượng thiết giáp và đột kích mạnh mẽ vào liên quân tại nơi đây. Quân Đức giường như chui lên từ sa mạc, các binh sĩ Anh vẫn mơ màng không thể tổ chức đánh chặn hiệu quả, trong phút chốc họ đã rút quân sâu vào bên trong 450 dặm. Khu vực nguồn nước và toàn bộ sân bay đều rơi vào tay Jews.

Địa hình mà quân đội Anh bao công xây dựng từ đầu năm chỉ trong lần đánh đầu tiên của Jews tan vỡ hoàn toàn. Toàn bộ tuyến phòng thủ của quân Anh trong phút chốc trở lên hỗn loạn.

Theo lý thuyết, sau khi tấn quân được 450 dặm, Jews nên đóng quân để giữ thành quả và đợi quân chi viên đến mới tiếp tục tấn công. Nhưng Jews đã sớm cho người đi trinh sát địa hình và biết được rằng , quân Anh về cơ bản là chưa có công sự phòng ngự, hơn nữa họ còn thiếu nước, không thể trụ vững được lâu. Tình hình đến nước này, Jews đã nhân lúc quân Anh chưa ổn định tiếp tục cho quân tấn công, quyết biến bị động thành chủ động.

Trận đánh thứ 2 đã ngoài dự liệu của tướng quân Anh, trận chiến mới diễn ra một ngày, quân Anh đã thất thủ. Sang ngày thứ 2, Jews thừa cơ đột kích, ép quân Anh lùi sâu vào trong. Do quân của Jews tác chiến linh hoạt, thường xuyên đột kích khiến quân Anh bị hở nhiều chỗ và nhanh chóng thất bại. Chính vì trận chiến này mà Jews được mệnh danh "cáo sa mạc". Tên "cáo sa mạc" này đã hoành hành một thời gian dài trại Bắc Phi.

Chiến thuật tâm lý

Anh là nước sử dụng tâm lí học vào chiến tranh điện tử sớm nhất sớm nhất. Tháng 10 năm 1943, không quân Hoàng Gia Anh đã sử dụng chiến thuật mới mang tên "Coronal" và dành được thắng lợi lớn. Một trong những biện pháp của chiến thuật này là khi không quân Anh dùng máy bay ném bom oanh tạc nhắm vào một mục tiêu nào đấy của Đức, máy phóng xạ trên nước Anh sẽ phát laọi sóng gây rối loạn bầu trời và mặt đất nước Đức.

Khi mới đầu, nhân viên phát thanh đài gây nhiễu phát các mệnh lệnh giả và đường bay giả, nhưng do tiếng Đức của người Anh phát âm không chuẩn, nên dễ dàng bị binh sĩ Đức phát hiện ra, vì vậy mà không thu được hiệu quả cao. Về sau người Anh nhận ra rằng, điều quan trọng để người phi công lái máy bay ném bom dành được thắng lợi trong trận chiến ban đêm là: các thiết bị gây nhiễu rất nhỏ lắp đặt len máy bay. Vì vậy đã khiến cho bất kì một phi công nào của Đức đều cảm thấy lúng túng trong các thao tác của mình, cong đối với những phi công thực hiện nhiệm vụ ban đêm có giá rất lớn, vì thế phương thức gây nhiễu đã được thay đổi.

Đêm xuất kích đã đến, trong màn đêm đen nghịt, mười mấy máy bay ném bom của Anh từ từ bay đến các căn cứ của quân Đức. Một nhân viên thông tin của Đức là Dopoo đang trực bên máy điện đài, hôm nay anh ta phải báo cáo về hậu phương các mục tiêu không quân Anh dự định ném bom đầu tiên. Dopoo nhè nhẹ vặn nút mở để nghe tín hiệu điện báo từ phía bên kia. Đúng lúc đó, một loạt âm thanh truyền tới máy điện đài, trong đó giống như có lẫn tiếng người nói, Dopoo vặn chỉnh âm lượng cho lớn hơn một chút, lúc này, anh ta đã nghe rõ, trong âm thanh đó là giọng đọc lặp đi lặp lại của một người: "1-2-3-4-5-6, 5-4-3-2-1, thứ 2- thứ 3- thứ 4- thứ 5- thứ 6- thứ 7- chủ nhật; thử lại- thử lại- thử lại"

Vậy chuyện này là như thế nào? Trước kia máy điện đài chưa từng có những âm thanh lạ này, Dopoo lại chỉnh máy phát thanh sang một tần sóng mới, nhưng vẫn chỉ là những tiếng nói lộn xộn ấy, có thể là do người khác đang thử đo đạc tần số phát thanh, đợi một lúc sau sẽ bình thường trở lại nhanh thôi, vì thế anh ta bỏ tai nghe xuống, chờ đợi trong nửa giờ đồng hồ. Khi anh ta đeo lại tai nghe, trong tai nghe vẫn là những tiếng nói khiến người ta hết sức bực mình ấy. Dopoo đang rất bực bội, thượng cấp của anh ta đi tới, lệnh cho anh ta khẩn trương phát tin tức. Không còn cách nào khác, Dopoo đành làm theo.

Dopoo đọc mật mã, trong lòng khó chịu tột cùng, âm thanh khó chịu ấy giống như con dao đâm xuyên qua cửa kính khiến cho đầu óc của anh ta điên đảo. Dopoo nhiều lần nhân lúc thượng cấp của anh ta ra ngoài lại bỏ tai nghe xuống, anh ta lúc này thực sự chỉ muốn đập vỡ máy phát thanh, nhưng đây dù gì vẫn là công việc của anh ta, Dopoo chỉ có thể cố gắng để tiếp tục nhiệm vụ của mình.

Bất cứ một người nào phải nghe thấy những lời nói vô vị này đều có thể điên đầu, điều này còn gây hậu quả nghiêm trọng cho nhân viên tổ phi cơ máy bay tiêm kích ban đêm đợi lệnh tập kích trên không của không quân Đức. Từng nơi trong thành phố nước Đức đang bị san phẳng bởi không quân Anh, trong khi đó mỗi tối họ thường phải tiến hành công việc thử đo đạc thông tin khô khan đơn điệu không ngớt này, tình trạng tâm lí đó vừa nghĩ tới là có thể hiểu được.

Khi Dopoo phát tín hiệu mật mã ra ngoài, do tâm lý bị rối loạn nghiêm trọng khiến cho công việc của anh ta nhiều lần mắc sai lầm, cũng vì chuyện này anh ta bị thượng cấp phê bình nghiêm trọng, còn về phần anh ta cũng mất hết tinh thần chỉ vì chuyện này, ngay ngủ cũng cần dùng đến thuốc mới ngủ được. rồi cũng đến lúc anh ta cũng chịu không nổi, anh ta ném chiếc tai nghe xuống đất ngay trước mặt thượng cấp để bày tỏ thái độ không thể tiếp tục nhiệm vụ nữa.

"Tôi không chịu nổi nữa rồi, tôi phải phá tan cái máy này, dù bây giờ ngài có kề súng vào đầu tôi, tôi cũng quyết không làm!" Dopoo vừa nói vừa định đập vỡ máy phát thanh. Thượng cấp của anh ta trông thấy thế liền gọi một vài binh sĩ Đức lâp tức tới trói chặt Dopoo. Anh ta cố giãy giụa nhưng không ích gì.

Hơn một tiếng đồng hồ trôi qua, Dopoo cũng dần bình tĩnh trở lại. Thượng cấp của anh ta liền bảo người cởi trói cho Dopoo. Sau khi được thả ra, anh ta ngồi bệt trên ghế ôm đầu không nói một lời.

Đài phát thanh Đức bị sự quấy nhiễu như thế, không còn cách nào khác, họ quyết định chọn ra một vài đối sách, điều duy nhất họ có thể làm là đổi tần số radio khác, khi quân Đức yêu cầu được tự đo đạc tần số liên lạc, sự quấy nhiễu của quân đội Anh lại xuất hiện, nó làm một vài tần số đàm thoại bị gián đoạn trong vòng vài phút.

Sau đó vài tuần, Đức ngừng hẳn việc đo thử tần số đàm thoại. Lúc này, người Anh lại chuyển sang dùng một phương thức gây nhiễu khác, họ bắt đầu cho phát những ngôn từ khô khan nông nổi trong những bài thơ ca, triết học nước Đức; đôi lúc còn phát cả phần thu âm bài phát biểu của Hitler, đến đầu năm 1944, không quân Hoàng Gia Anh lại sử dụng chiến thuật "Coronal" kết hợp với các biện pháp gây nhiễu khác tạo ra sự hỗn loạn cực lớn cho máy bay tiêm kích của Đức trong việc liên lạc thông tin.

Kế hoạch qua mặt phản gián Pháp

Trong thời gian chiến tranh, việc điệp viên thu thập tình báo vốn không phải là một việc dễ dàng, trong khi đó việc chuyển tình báo nhiều khi còn khó khăn hơn cả việc thu thập.

Trong Đại chiến thế giới lần thứ nhất, một gián điệp người Đức tên là Arsenishvili đã thâm nhập vào thành phố Belfort của Pháp, thông qua các kênh thông tin bí mật, ông ta có được một thông tin tình báo quân sự rất quan trọng và cần chuyển về Đức gấp. Nhưng khi Arsenishvili định đi ra ngoài để chuyển thông tin tình báo, phát hiện mình đang bị những nhân viên phản gián điệp Pháp theo dõi. Để giữ an toàn, ông ta rất thận trọng trước hành động của mình, không dám dám tự động ra ngoài.

Nhân viên phản gián điệp Pháp cũng không vội bắt Arsenishvili, vì họ muốn thông qua ông ta để bắt mẻ lưới, điều tra ra những người hợp tác với Arsenishvili. Họ bố trí rất nhiều người xung theo dõi nơi ở của Arsenishvili, nhất cử nhất động của ông ta đều nằm dưới sự giám sát của họ.

Arsenishvili biết mình đang ở vào tình thế nguy hiểm, thời gian càng trôi đi, ông ta càng nóng ruột, nếu tin tình báo không được chuyển về Đức kịp thời thì nó sẽ không còn giá trị nữa. Arsenishvili khẽ vén một góc cửa sổ nhìn xuống, những người đi lại dưới tầng một nơi ông ta ở hầu hết đều là nhân viên phản gián chìm của Pháp, bên cửa sổ của ngôi nhà cao tầng phía đối diện cũng có người đang dùng ống nhòm theo dõi ông ta. Arsenishvili không thể đợi được nữa, ông ta quyết định mạo hiểm hành động.

Ông đội một chiếc mũ phớt, gắn một bộ râu giả và và bước ra trước sự theo dõi của những nhân viên phản gián Pháp. Những nhân viên này vừa nhìn đã nhận ra Arsenishvili, họ bám theo ông ta trong nhiều ngày, cho dù có biến hóa như thế nào, Arsenishvili cũng không thoát khỏi sự bám đuổi của họ. Ông ta cố ý đi vượt lên trước các nhân viên chìm, rồi mỉm cười với họ tỏ ý thách thức. Arsenishvili ung dung đi về phía ga xe lửa và bắt tàu đi Thụy Sĩ - một quốc gia trung lập. Các nhân viên theo dõi lập tức bám theo, họ cũng lên chuyến tàu này và cải trang thành những hành khách bình thường, ngồi rải rác trong các toa, bí mật theo dõi Arsenishvili, đợi cho đến khi Arsenishvili liên lạc với người khác, họ sẽ bắt một mẻ.

Arsenishvili không hề tỏ ra căng thẳng, ông ta thản nhiên như không có chuyện gì, lúc thì đọc báo, lúc lại trò chuyện với người khách ngồi cạnh. Nhìn thấy vẻ ung dung của Arsenishvili, những nhân viên phản gián điệp của Pháp bắt đầu thấy sốt ruột, theo dõi nhiều ngày như vậy đã khiến họ cảm thấy mệt mỏi, mất kiên nhẫn, họ rất bực mình khi không được bắt Arsenishvili ngay lập tức.

Đến tầm trưa, Arsenishvili liếc nhìn đồng hồ, sau đó đi về phía toa ăn. Một mình ông ngồi riêng một chiếc bàn nhỏ trong toa ăn, ông gọi hai món và một chút rượu, sau đó ngồi nhấm nháp một mình. Arsenishvili ngồi ăn hết khoảng hơn nửa tiếng, trong hơn nửa tiếng đồng hồ này không hề có ai liên lạc với Arsenishvili. Sau bữa trưa, Arsenishvili lại quay về chỗ ngồi của mình, ông ta dựa lưng vào ghế lim dim ngủ.

Đợi Arsenishvili rời khỏi toa ăn, các nhân viên phản gián Pháp liền chạy ngay đến chiếc bàn ăn nơi Arsenishvili ngồi, cẩn thận kiểm tra, dò xét xung quanh xem liệu Arsenishvili có để lại mẩu giấy hoặc ám hiệu nào không, nhưng kết quả lại khiến họ hoàn toàn thất vọng.

Đoàn tàu dần tiến gần biên giới Thụy Sĩ, nhưng người liên lạc với Arsenishvili thì vẫn bặt vô âm tín. Tại nơi gần sát biên giới, Arsenishvili xuống tàu, các nhân viên theo dõi lập tức chia thành hai tốp, một tốp xuống tàu tiếp tục theo dõi Arsenishvili, còn một tốp ở lại theo dõi các đối tượng khả nghi.

Đoàn tàu tiếp tục lăn bánh về phía trước, sau khi vào đến ga xe lửa đầu tiên của Thụy Sĩ thì thấy một người đàn ông bước lên tàu, ông ta hình như chưa dùng bữa trưa, vừa bước lên tàu người đàn ông lập tức đi thẳng tới toa ăn, ngồi vào đúng chỗ Arsenishvili đã ngồi. Trong khi dùng bữa, người này vô tình làm đổ chén rượu trên bàn ăn, rượu tràn ra mặt bàn, ông ta vội dùng tay để lau, lau xong ông ta lại tiếp tục ăn. Dùng xong bữa trưa, ông ta vươn vai một cách khoan khoái, châm một điếu thuốc và ung dung ngắm nhìn cảnh đẹp bên ngoài cửa sổ. Hút xong điếu thuốc, ông ta mới quay về toa của mình.

Các nhân viên phản gián điệp thấy người này rất khả nghi nên đợi người này đi khỏi, liền chạy ngay đến chiếc bàn kiểm tra, nhưng mọi thứ vẫn bình thường, không có chỗ nào đáng nghi.

Những nhân viên theo dõi Arsenishvili khi nhìn thấy ông ta tiến lại gần chiếc cầu nối sang Thụy Sĩ, họ hiểu rằng nếu bây giờ không bắt Arsenishvili, đợi khi ông ta qua cầu đến được Thụy Sĩ thì không còn cách nào bắt được ông ta thế nên họ quyết định ra tay. Arsenishvili bỗng thấy xung quanh mình có khoảng năm sáu người đang bao vây, ông ta hiểu rằng chuyện này cuối cùng cũng xảy ra, nhưng Arsenishvili cũng không hề tỏ ra hoảng sợ, mà ngược lại còn mỉm cười và chìa tay ra trước mặt các nhân viên phản gián Pháp cho họ còng tay.

Arsenishvili bị đưa về trụ sở, các nhân viên phản gián điệp tiến hành thẩm vấn ông ta. Nhưng ông ta vẫn ung dung mỉm cười nói: "Tôi biết các ông muốn bắt được người liên lạc với tôi, nói thật cho các ông biết, thông tin tình báo đã được chuyển đi ngay trước mắt các ông, nhưng các ông đều không hề phát hiện".

Nghe xong lời khai của Arsenishvili, những nhân viên này đều hết sức kinh ngạc, thì ra ngay trên chiếc bàn mà Arsenishvili dùng bữa, ông ta đã dùng mực hiện hình để viết thông tin tình báo, sau đó người đàn ông ngồi đúng chiếc bàn Arsenishvili đã ngồi chính là người liên lạc với ông, ông ta dùng cồn để làm hiện thông tin tình báo, đọc xong nhanh chóng ghi nhớ lại, đợi đến khi những chữ viết trên mặt bàn hoàn toàn biến mất, ông ta mới ung dung bỏ đi, đem thông tin tình báo chuyển về Đức.

Cuốn sổ tay kỳ lạ

Sau khi Đại chiến thế giới lần thứ nhất kết thúc, tầng lớp thống trị các nước bắt đầu liên hợp lại, tập trung mọi mâu thuẫn vào nước cộng hòa Soviet mới thành lập với mưu đồ muốn bóp chết chính quyền đảng Cộng sản còn non trẻ này ngay từ trong nôi.

Năm đó, tại vùng Vladivostok xa xôi, một đoàn lái buôn đang tiến về phía Tây men theo tuyến đường sắt thường xuyên bị gián đoạn. Nhìn bề ngoài, trông họ giống một đoàn lái buôn lương thực, lợi dụng thời kỳ chiến tranh loạn lạc để hốt bạc kiếm lời. Thực ra, nhiệm vụ chính của họ là liên lạc với nhóm bộ đội phản đối chính quyền Soviet tại khu vực sông Đông, phát động cuộc phiến loạn chống chính phủ. Kẻ cầm đầu nhóm người này chính là gián điệp Mỹ Calama Diannuo.

Sứ mệnh lần này của Calama Diannuo là liên lạc với một nhóm bộ đội người Czechoslovakia. Nhóm bộ đội đó vốn là lính tù binh, bị chính phủ Sa Hoàng giam giữ tại khu vực sông Đông. Khi Cách mạng Nga bùng nổ, do đứng trên lập trường đối địch với Sa Hoàng, họ nghiễm nhiên ủng hộ chính quyền Soviet, đồng thời tổ chức thành một đoàn lính ngoại quốc, giúp Hồng quân Liên Xô chống lại cuộc phản công của quân đội Sa Hoàng Nga, duy trì an ninh tại địa phương.

Thế nhưng, thời gian càng trôi đi, nhóm bộ đội này lại dần bước vào vị trí đối lập với chính quyền Soviet. Khi gián điệp của Calama Diannuo liên lạc với họ, họ đã nhận lời trước yêu cầu của nước Mỹ, quyết định phát động cuộc phiến loạn tại khu vực sông Đông. Vì việc này mà vào năm 1918, tổng thống Mỹ Wilson đã ra quyết định, yêu cầu nước Mỹ "đứng vững tại Vladivostok và giúp đỡ người Czechoslovakia". Lần này, Calama Diannuo mang theo lời hứa với chính phủ Mỹ, cung cấp vũ khí và chi trả khoản vay 12 triệu đô la Mỹ, yêu cầu họ đánh ra ngoài khu vực sông Đông, đến Baku để giúp người Anh tập hợp quân phiến loạn. Hai gián điệp của Calama Diannuo đã đến khu vực sông Đông từ trước đó, chỉ cần đợi Calama Diannuo đến là có thể hoàn tất mọi việc.

Calama Diannuo là một gián điệp giàu kinh nghiệm, trên đường đi ông ta không ngừng quan sát và lắng nghe mọi vật xung quanh. Calama Diannuo không bỏ sót bất kỳ chi tiết nào từ trên đường nhìn thấy những bộ đội nào, phiên hiệu bộ binh, phiên hiệu pháo binh, sĩ khí của binh sĩ ra sao, cung ứng tại địa phương thế nào... Có thể sau này người Mỹ sẽ phát triển từ vùng Vladivostok sang hướng tây và những thông tin tình báo này của Calama Diannuo có thể sẽ phát huy được tác dụng.

Thế nhưng, càng đi về phía Tây, Calama Diannuo càng thấy lo lắng, chính quyền Soviet đã được xây dựng khắp nơi, người dân cũng bắt đầu quen với cuộc sống mới, mà người Cheka thì chẳng có ai là ngu dốt, nhìn thấy những cặp mắt của người Cheka đang hướng vào mình, Calama Diannuo cảm thấy thực sự lo lắng và căng thẳng, trong cuộc đời làm gián điệp của mình, ông ta chưa bao giờ cảm thấy mất tự tin như vậy.

Ở Nga, Calama Diannuo có trong tay bảy gián điệp xuất sắc, hai người đã đến sông Đông, còn hai người đã đến Baku, một người ở lại Vladivostok, bên cạnh ông ta vẫn còn hai gián điệp khác. Khi cảm thấy áp lực vô hình đang đè nặng, Calama Diannuo lập tức biết rằng chuyến đi này lành ít dữ nhiều, nghĩ vậy ông liền cho gọi một gián điệp tới, yêu cầu anh ta mang theo thư tín của chính phủ Mỹ, đến sông Đông trước để tập hợp, đồng thời cùng thỏa thuận thời gian, nếu vượt quá thời gian quy định mà vẫn không thấy ông ta đến thì phải lập tức đàm phán với người Czechoslovakia và hành động theo đúng kế hoạch.

Sự lo lắng của Calama Diannuo hóa ra không phải là thừa. Khi đám người này đi qua Saratov, các cuộc truy hỏi bỗng trở nên dồn dập hơn. Mọi người đều cảm thấy, đám lái buôn này đã đi quá xa, họ hoàn toàn không cần phải trực tiếp đến khu vực sông Đông mà vẫn có thể mua được lương thực cần thiết, việc gì phải đi đến tận đây?

Cuốn sổ ghi chép trong tay Calama Diannuo càng khiến người khác nghi ngờ. Trong cuốn sổ sử dụng các loại màu sắc và nhiều nhóm chữ số, cho thấy số lượng bột mỳ, đường ăn mua bán trong những năm gần đây, ngoài ra còn có tên khách hàng và số lượng giao dịch.

Khi đám người này đi đến một nơi có tên là Voronezh, rắc rối lớn nhất cuối cùng cũng xuất hiện. Hồng Quân địa phương trước hết kiếm lý do rằng khu vực trước mặt không an toàn và khuyên họ nên ở lại, đợi tình hình trên đường ổn định rồi tiếp tục lên đường. Thế nhưng Calama Diannuo phải đến bằng được nơi bất ổn định đó, ông ta làm sao chịu quay đầu? Thế là ông ta ngày nào cũng đến cơ quan bảo an để xin giấy thông hành trạm tiếp theo. Thật không may, lần này bọn họ đã gặp phải một nhân viên người Cheka vô cùng cứng rắn và kiên quyết, hôm đó anh ta còn cho truy hỏi nhiều lần tại khách sạn trong thị trấn, Calama Diannuo cảm thấy mọi chuyện không ổn, ông quyết định vượt chốt một mình, thông qua tuyến phong tỏa đến khu vực sông Đông.

Vừa đi khỏi Voronezh không bao xa, Calama Diannuo lại gặp phải một đội tuần tra người Cheka, đội trưởng Tsarkov vốn là lính thông tin của Hồng Quân, anh ta đã phát hiện ra cuốn sổ tay của Calama Diannuo, cảm thấy những con số ghi trong cuốn sổ có chút gì đó giống với mật mã điện báo, Tsarkov liền cho người giam giữ Calama Diannuo, còn mình thì đi nghiên cứu cuốn sổ tay đó.

Qua một đêm không hề chợp mắt, Tsarkov áp dụng mọi biện pháp mà mình biết được để giải mã những con số phức tạp kia. Thế nhưng, anh ta phát hiện ra rằng, kiến thức mà anh ta có được cũng chỉ có hạn, mã điện báo thông thường anh ta còn có thể tìm được cách giải mã, còn trò chơi với những con số này anh ta thật sự chịu thua. Tsarkov vẫn quyết tâm tìm bằng được phương pháp giải mã, tên lái buôn khả nghi này trên người không mang theo thứ gì đáng giá, vậy thì bí mật của hắn rốt cuộc là nằm ở đâu?

Tsarkov cho người khác thẩm vấn Calama Diannuo, còn mình thì ngồi trong bóng tối quan sát. Calama Diannuo bị giải đến, qua một đêm bị

giam giữ, trông ông ta tiều tụy đi rất nhiều, trong tay vẫn cầm một chiếc gậy làm bằng gỗ sồi. Khi trả lời thẩm vấn, Calama Diannuo nói rằng do quá nóng ruột, sợ vượt quá thời gian thoả thuận nên ông ta đã phá vỡ nguyên tắc, hơn nữa thương nhân có thể chịu không nổi tổn thất do việc vượt quá thời gian gây ra.

Ngồi trong bóng tối quan sát, cuối cùng Tsarkov cũng phát hiện ra bí mật của Calama Diannuo, bất kể là khi ngồi, hay khi đứng lên giải thích với người thẩm vấn, Calama Diannuo đều không muốn rời tay khỏi chiếc gậy gỗ sồi đó, chiếc gậy giống như chiếc chân thứ ba của ông ta vậy. Mà ông ta thì chưa già đến nỗi phải chống gậy.

Tsarkov đột nhiên xông ra từ bóng tối, cướp lấy chiếc gậy trong tay Calama Diannuo. Anh ta nhanh chóng phát hiện ra bí mật của Calama Diannuo, chiếc gậy gỗ sồi đó có một đoạn rỗng, bên trong không những có phương pháp giải mật mã trong cuốn sổ tay mà còn có cả ám hiệu của người liên lạc với sĩ quan người Czechoslovakia. Trước những bằng chứng như vậy, Calama Diannuo buộc phải thú nhận hết mọi chuyện.

Cuộc chiến trên đảo Malvinas

Tháng 4 năm 1982, Anh và Argentina đã nổ ra cuộc chiến tranh giành quần đảo Malvinas. Đây là một cuộc chiến tranh hiện đại hóa trên biển. Argentina là nước cách trung tâm quần đảo không xa, hơn nữa còn lêu cao khẩu hiệu thu lại chủ quyền, về cả sức người và sức của đều chiếm ưu thế. Trong khi đó Anh cách quần đảo 13 nghìn km, họ phái hạm đội hỗn hợp của mình tới duy trì sự thốnh trị đã có 150 năm trên đảo. Về tương quan lực lượng, Anh rõ ràng yếu hơn Argentina. Nhưng do phía Anh nắm được các biện pháp trinh sát tiên tiến, thông thuộc quần đảo Malvinas, trong khi Argentina lại không có khả năng trinh sát thực tế, hơn nữa lại trúng kế chiến tranh tâm lý của Anh nên đã giành chiến thắng trong cuộc chiến này.

Ngày 2 tháng 4, sau khi Argentina chiếm được cảng Stanley thủ phủ của đảo Malvinas, quân đội Anh liền cho hạm đội hỗn hợp của mình xuất trinh. Trên đường đi, Anh đã triển khai cuộc chiến tuyên truyền hết sức rầm rộ, ra sức khuếch chương thực lực của hạm đội mình. Họ nói, toàn bộ hạm đạm đội của họ đã có 60 máy bay chiến đấu cất cánh thẳng đứng "Harrier", nhưng trên thực tế hạm đội của họ không có đến 20 máy bay loại này. Khi mà chiếm hạm "Kẻ vận chuyển Đại Tây Dương" được điều tới Đại Tây Dương, phía Anh tuyên truyền trên tàu có 20 chiếc máy bay "Harrier", nhưng thực tế chỉ có 5 chiếc. Để bổ xung vào phi đội bay đã xảy ra tai nạn khi huấn luyện trên biển lúc đó, Bộ quốc phòng Anh đã điều 2 máy bay tại đảo Ascension tại Đại Tây Dương tới tham chiến, rồi tuyên truyền ra ngoài rằng 20 máy bay "Harrier" đang tiếp dầu tại đảo Ascension, sau đó sẽ bay thẳng tới đảo Malvinas.

Trong khi đó Argentina với các biện pháp trinh sát lạc hậu của mình lại hoàn toàn không biết gì về thực lực đối phương, họ chỉ dựa vào sự hiểu biết ít ỏi trước đây về sức mạnh quân sự của Anh mà cho rằng những lời tuyền truyền của Anh là đúng thực tế, và ra sức chuẩn bị đối phó với sự tấn công mạnh mẽ của Anh, đồng thời thu gọn quân đội tập trung vào gần cảng Stanley, cho xây một loạt các công sự xung quanh bờ biển tại đây. Thực tế, chiến thuật tâm lý này của Anh đã tạo ra tâm lý lo sợ trong quân dân Argentina. Cuộc đọ sức thực sự còn chưa bắt đầu mà Argentina đã tan giã.

Cuộc kịch chiến trên biển cuối cùng cũng được bắt đầu. Lúc đầu, cả hai bên đều có thắng và thất bại, Hải quân Argentina thậm chí còn sử dụng tên lửa do Pháp chế tạo bắn chìm tàu chiến của Anh. Nhưng sau khi Anh nắm được các thông số kỹ thuật của loại tên lửa này, họ lại lấy lại được ưu thế trên biển. Quân đội Anh rất nhanh đã nắm được quyền kiểm soát trên biển và trên không. Anh với các kỹ thuật tiên tiến không khó khăn gì khi trinh sát được thực lực quân Argentina và giành được thắng loại trong giai đoạn đầu của chiến dịch.

Cuối cùng là cuộc đổ bộ lên đảo. Anh đã phái một lượng lớn máy bay trinh sát để trinh sát tình hình đảo Malvinas, ngoài ra còn lợi dụng vệ tinh gián điệp của Cục tình báo trung ương Mỹ để trinh sát những nơi máy bay không tới được, sau khi hiểu rõ được tình hình, họ bắt đầu lựa chọn địa điểm xây dựng trận địa.

Mục tiêu mà Anh muốn chiếm đương nhiên là cảng Stanley thủ phủ của đảo Malvinas. Cảng Stanley nằm ở phía Đông của đảo, đây là nơi cách xa nhất so với Argentina, từ đây có thể tránh được sự tấn công mạnh mẽ của các máy bay cất cánh từ Argentina. Nhưng những tin tình báo mà máy bay trinh sát của Anh và vệ tinh của CIA cho thấy, Argentina đã tập kết gần 10 nghìn binh lính xung quanh cảng Stanley, từ khi chiếm được đảo đến giờ, họ đã xây dựng một lượng lớn công sự trên bờ biển, nếu đổ bộ từ đây Anh sẽ gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ. Tình hình thực tế tại cảng Stanley buộc sĩ quan chỉ huy của Anh phải đưa ra sự lựa chọn khác. Họ từ bỏ kế hoạch đổ bộ lên phía Đông đảo Malvinas và lựa chọn địa điểm đổ bộ thích hợp hơn.

Một bãi biển khác cũng có thể đổ bộ đó là cảng San Carlos ở phía Tây đảo Malvinas. Tất cả các tài liệu tình báo cho thấy, Argentina chỉ cử một đại đội chấn giữ tại góc Fanning ở đây. Trong một cuộc chiến có quy mô lớn như thế này thì một đại đội dường như quá nhỏ bé.

Nhưng giữa cảng Stanley và cảng San Carlos lại là một đầy lầy rộng đến 80 km, đầm lầy rộng như vậy chẳng khác gì một nấm mồ chôn vùi tất cả các trang bị tác chiến. Một nhà phân tích quân sự Mỹ từng nói, nếu một ai đó muốn chọn một địa điểm huấn luyện hành quân thì đầm lầy rộng 80 km ở giữa cảng Stanley và cảng San Carlos là một địa điểm gian khổ thích hợp nhất. Chính vì điều này mà Argentina mới bỏ quan việc phòng ngự ở nơi đây.

Nhưng người Anh luôn muốn đổ bộ từ cảng San Carlos. Các nhân viên tình báo của họ đã phát hiện ra một điều: ở giữa đầm lầy này nổi lên 3 đến 4 điểm cao, những điểm cao này có thể trở thành trạm bổ xung có quân đội tiến công. Họ kiến nghị, sau khi chiếm được bãi biển của cảng San Carlos, sử dụng máy bay trực thăng đưa quân, các đồ tiếp tế, thậm chí là xe tăng hạng nhẹ chuyển tới những điểm cao này, sau dó làn lượt chuyển đến phía Tây cảng Stanley, từ phía sau tập kích vào thủ phủ đảo Malvinas. Sau đó, Bộ tư lệnh quân đội Anh lập tức phê chuẩn kế hoạch tác chiến đầy mạnh dạn này của các nhân viên tình báo.

Sáng sớm 21 tháng 5, bản dự báo thời tiết cuối cùng cho thấy thời tiết hôm đó rất đẹp, trên trời xuất hiện sương dày. Trước khi trời chưa sáng, quân đội Anh nhân lúc trời tối đưa một nghìn quân nhanh chóng chiếm lĩnh được góc Fanning.

Cùng lúc này, một phần quân đội Anh cũng bắt đầu tấn công mãnh liệt vào cảng Stanley từ phía Đông, với mục đích tạo ra thông tin giả là quân Anh đang đổ bộ theo hướng này. Argentina thiếu các thông tin tình báo cần thiết, không chú ý đến sự thay đổi tại cảng San Carlos, phần lớn quân đội Anh trong 40 tiếng đồng hồ đã xây dựng trận địa vững mạnh và đổ bộ thành công tại đây.

Tiếp đó, quân đội Argentina do không thể tiến hành trinh sát đầy đủ nên không biết được được động hướng tấn công chủ yếu quân đội Anh. Trong khi đó quân đội Anh lại ở ngay sau lưng họ, họ dùng trực thăng trở từng đợt quân một áp sát họ từ phía Tây cảng Stanley. Tại khu đầm lầy giữa hai cảng, lực lượng quân Anh lên đến 5 nghìn người.

Quân Anh tấn công quân Argentina từ hai hướng Đông Tây, khiến quân Argentina rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, cuối cùng buộc phải hạ súng đầu hàng. Cuộc chiến này là cuộc chiến thể hiện rất rõ nét vai trò của tình báo đối với trận địa.

Cái chết của nguyên thủ tướng Lumunba

Đầu những năm 60, lục địa đen đã xuất hiện hàng loạt các biến động lớn. Ngay sau khi các quốc gia Bắc phi lần lượt giành độc lập, phong trào giải phóng dân tộc ở Trung Phi cũng phát triển mạnh mẽ, chủ nghĩa thực dân châu Âu ở đây đang đến hồi kết thúc. Trung tâm của sự bất ổn này chính là Congo - một nước thuộc địa của Bỉ.

Cục tình báo trung ương Mỹ đương nhiên là không ngồi yên trước sự kiện này. Họ xây dựng một trung tâm huấn luyện tại Addis Abeba ở Bắc phi, tuyển dụng những người da đen ở đây làm gián điệp, tung họ đến các khu vực và đưa vào cơ quan chính phủ các nước để xây dựng cơ sở tình báo. Trạm tình báo lớn nhất của họ tại Trung Phi được xây dựng ở Leopoldville, nơi đây chính là trung tâm chính trị của Congo.

Kể từ sau tháng 7 năm 1960, Hermante - trạm trưởng trạm tình báo ở Leopoldville liên tục báo cáo về trung tâm Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) rằng, Tổng thống Kasavubu và Thủ tướng Lumunba của Conggo đang có khuynh hướng dựa vào Liên Xô, mời chuyên gia của Liên Xô đến Leopoldville huấn luyện cảnh sát và quân đội ở đây.

Lumunba cũng vừa có chuyến thăm đến Mỹ và để lại ấn tượng không được tốt cho Quốc vụ khanh Mỹ. Quốc vụ viện Mỹ cho rằng Lumunba là người không dễ gì hợp tác, nên sớm tìm một chính trị gia thân phương Tây khác để thay thế ông ta. Vì thế báo cáo bằng văn bản của Hermante vừa gửi đến, Cục tình báo trung ương lập tức trình lên Tổng thống Mỹ đề nghị loại Lumunba khỏi vũ đài chính trị và cách tốt nhất là nhanh chóng thủ tiêu ông ta. Đề nghị này của họ đã được Tổng thống Mỹ phê chuẩn.

Sau đó, 10 nghìn đô la tiền kinh phí đã được chuyển vào tài khoản của Hermante. Giám đốc Cục tình báo trung ương Mỹ là Allen Dulles cũng gửi một bức điện mật cho trạm tình báo ở Leopoldville nói rằng: nếu Lumunba vẫn còn đóng vai trò quan trọng trong chính phủ thì tình hình ở Congo nhất định sẽ còn hỗn loạn, kết quả rất có thể sẽ đưa Congo trở thành một nước cộng sản, vì vậy việc loại bỏ Lumunba là nhiệm vụ cấp bách trước mắt.

Đúng lúc này, tình hình ở Congo đã có biến đổi lớn, Tổng thống Kasavubu đột nhiên xóa bỏ chức vụ Thủ tướng của Lumunba. Đại bộ phận các nhà chính trị ở Mỹ đều thở phào nhẹ nhõm, chỉ có Allen Dulles là căng thẳng hơn. Ông ta cho rằng, là một lãnh tụ đảng đối lập có uy tín, Lumunba sẽ càng nguy hiểm hơn khi còn là Thủ tướng. Vì vậy, ông ta ra sức đẩy nhanh kế hoạch ám sát Lumsaoba???.

Cuối tháng 9 năm đó, tại sân bay Leopoldville xuất hiện một nhóm người. Người dẫn đầu nhóm này là tiến sĩ Hinds - một nhà sinh hóa nổi tiếng. Ông ta đang đến các vùng rừng rậm của châu Phi để nghiên cứu một loại virus, loại virus này nếu như phát tán rộng rãi, nó có thể cướp đi tính mạng của hàng triệu người.

Nhưng thực tế Hinds không phải đến đó để tìm loại virus này, mà là phụng mệnh đem loại virus đáng sợ này đến cho Hermante. Còn Hermante sẽ tìm cách đưa loại virus này vào thức ăn hoặc kem đánh răng của Lumunba, làm cho ông ta bị lây nhiễm loại virus này và những người thân cận của ông ta cũng sẽ bị lây theo. Chứng bệnh của họ sẽ giống với những người bị nhiễm loại virus trong rừng kia, sẽ không có ai nghi ngờ họ bị hạ độc.

Hermante đã nhận được một "món quà" từ ngài tiến sĩ Hinds, đó là một chiếc hộp kim loại dùng trong y tế, trong đó có kim tiêm, găng tay cao su, mặt nạ và một lọ thủy tinh không nhãn mác.

Tiếp đó, một điệp viên của Hermante bắt đầu theo sát các hành động của Lumunba. Anh ta hoàn toàn có thể tiếp cận được với Lumunba, có thể đột nhập vào nhà bếp, phòng ngủ, phòng tắm của ông ta. Nhưng lúc đó, tình hình của Congo hết sức hỗn loạn, buộc Lumunba và thân tín của mình phải hoạt động trong trạng thái nửa bí mật. Điệp viên này dùng mọi cách để tìm ra Lumunba, nhưng cho đến khi chất độc của Hinds quá thời hạn, anh ta vẫn chưa thể tìm ra hành tung của Lumunba. Vậy là kế hoạch ám sát mà Cục tình báo trung ương Mỹ mất bao công sức vạch ra đã thất bại.

Hermante lập tức gửi điện khẩn về Cục tình báo trung ương, xin phép được thực hiện kế hoạch ám sát thứ hai, đó là sử dụng vũ khí để thủ tiêu Lumunba. Cục tình báo trung ương Mỹ đồng ý thay đổi kế hoạch, đồng thời thông qua con đường ngoại giao đưa các loại súng bắn tỉa tiên tiến có gắn kính ngắm hồng ngoại cùng với một đội bắn tỉa tới Congo.

Nhưng đáng tiếc là sau một thời gian sống lẩn trốn, Lumunba cảm thấy như vậy sẽ không có ích gì cho cuộc đấu tranh nên ông đã công khai lộ diện và yêu cầu quân đội Liên Hợp Quốc bảo vệ. Quân đội Liên Hợp Quốc đã đưa Lumunba tới ngoại ô Leopoldville, giam lỏng trong một biệt thự trên một quả đồi. Kể từ đó Lumunba mất luôn tự do và CIA cũng không còn cơ hội thể thực hiện kế hoạch ám sát.

Đến lúc này, CIA buộc phải áp dụng biện pháp cuối cùng, đó là bí mật đột nhập khu biệt thự, đưa Lumunba đến một nơi thích hợp rồi sát hại. Nhưng trong hoạt động bắt cóc công khai, CIA tuyệt đối tránh lộ diện để khỏi gây ra những phiền phức.

Sau lễ giáng sinh năm đó, trạm trưởng trạm tình báo ở Leopoldville bị triệu hồi về nước và bị bãi chức. Công tác của trạm tình báo nơi đây bị gián đoạn. Tết năm sau vừa qua đi, một tổ hành động đặc biệt của CIA đã đột nhập vào nơi giam giữ Lumunba. Để tránh chạm chán với các binh lính Liên hợp quốc, họ đã đi vào bằng con hào nhỏ từ trên đỉnh đồi xuống, đột nhập vào khu biệt thự bắt Lumunba cùng các chiến hữu, sau đó rút lui bằng đường sông dưới chân đồi. Từ đó, Lumunba không còn tin tức gì nữa.

Hermante nhận được thông tin này, lập tức bay từ Mỹ trở về Congo để điều tra. Hạ tuần tháng một năm đó, người phát ngôn của Liên Hợp Quốc cũng chính thức thông báo với công chúng rằng, nguyên thủ tướng Lumunba đã bị sát hại tại Elizabethville, cùng bị sát hại với công còn có các chiến hữu của ông ta.

Hermante vốn đã bị đẩy ra ngoài cuộc cũng lập tức bắt đầu điều tra. Các tin tình báo ông ta nhận được cho thấy, cầm đầu những kẻ bắt cóc Lumunba là người của cảnh sát Congo, người này vốn mang quốc tịch Bỉ, sau khi quân đội Bỉ rút đi, hắn ở lại phục vụ cho cảnh sát Congo. Chính người Bỉ tên là Gater đã tự tay sát hại Lumunba.

Cho dù Cục tình báo trung ương Mỹ hoàn toàn phủ nhận sự việc liên quan, nhưng mọi người đều biết các điệp viên của Hermante đã bí mật bắt tay với Gater. Kế hoạch bắt cóc tuyệt mật, thậm chí là con đường đột nhập vào khu biệt thự của Lumunba đều là một phần của kế hoạch mang tên "Mũi tên xanh" do Cục tình báo trung ương Mỹ vạch ra.

Kế hoạch bắt cóc công trình sư Liên Xô của Hittle

Vào những năm 30 của thế kỷ 20, Hittle đã nhận được tin tình báo tuyệt mật cho thấy: Một viện nghiên cứu do kỹ sư pháo binh trẻ tuổi Liên Xô I.Gvay chủ trì đã đạt được bước đột phá về dàn phóng hỏa tiễn "Katyusha". Phát xít Đức đã quyết định bằng mọi giá phải có được chương trình này. Người nhận nhiệm vụ này chính là cơ quan tình báo phát xít Đức.

Cơ quan tình báo phát xít Đức đã vạch ra kế hoạch "Sirius" nhằm lấy trộm bí mật về chương trình này. Tùy viên quân sự Đức tại Liên Xô hoạt động khắp nơi và thu được danh sách các nhân viên trong viện nghiên cứu của I.Gvay. Sau khi nghiên cứu, chúng phát hiện người bảo vệ của viện nghiên cứu này là cháu một vị tướng quân người Beralus, có thể phát triển anh ta thành điệp viên, sau đó để anh ta đột nhập vào văn phòng của I.Gvay, chụp trộm sơ đồ thiết kế dàn hỏa tiễn Katyusha, sau đó đưa cuộn phim cho Tùy viên quân sự Đức. Sau khi nhận được cuộn phim, Cục trưởng cục tình báo quân đội phát xít Đức Canaris ngay lập tức hạ lệnh, yêu cầu tùy viên quân sự mang cuộn phim về Beclin. Nhưng tên điệp viên phát xít Đức chưa kịp mang cuộn phim rời khỏi Liên Xô thì hành lý của hắn đã bị một tên trộm ăn trộm mất. Vậy là bao công sức lấy trộm chương trình chế tạo dàn hỏa tiễn "Katyusha" đã trở thành tay trắng.

Sau khi kế hoạch lấy trộm bí mật dàn phóng Katyusha bị thất bại, Hittle tiếp tục chỉ thị cho cơ quan tình báo phát xít phải bắt cóc bằng được kỹ sư chế tạo dàn hỏa tiễn "Katyusha". Năm 1941, I.Gvay tới Moscow tham gia công tác thử nghiệm dàn hỏa tiễn "Katyusha". Trên tàu, ông vô tình nghe thấy hai người phụ nữ ngồi cạnh đã nhắc đến giáo sư Sergei Zuboff mà ông quen biết. Tiếp đó ông chủ động qua làm quen với hai người. Trong lúc nói chuyện, I.Gvay biết được một người trong số họ chính là vợ của giáo sư Zuboff, còn người kia là Natalie ca sĩ trong một đoàn ca múa của Moscow. Sau khi tàu đến Moscow, I.Gvay và hai người phụ nữ kia chia tay và hẹn ngày gặp lại. Nhưng I.Gvay không thể nào ngờ được rằng, hai phụ nữ mình gặp lại là gián điệp của phát xít Đức. Lần gặp mặt "trùng hợp" này chẳng qua là sự sắp xếp khéo léo của tình báo phát xít.

Không lâu sau, dàn hỏa tiễn Katyusha chính thức đi vào chế tạo. Stalin đích thân hạ lệnh lắp đặt, đồng thời đặt tên cho nó là pháo hỏa tiễn BM-13. Sau khi đưa ra chiến trường, nó còn được các chiến sĩ ngoài trận tuyến gọi với cái tên thân thương là dàn hỏa tiễn "Katyusha". Trong thời gian này, phát xít Đức phát động cuộc chiến xâm lược Liên Xô. Lúc này I.Gvay cũng chủ động yêu cầu được ra trận tuyến để kiểm nghiệm hiệu quả thực chiến của dàn "Katyusha". Vài ngày sau, yêu cầu của I.Gvay cũng được đáp ứng, ông được sắp xếp tới một đơn vị pháo binh ngoài trận tuyến để tham gia thực chiến. Trước khi xuất phát không lâu, I.Gvay "vô tình" gặp lại "vợ của giáo sư". Trong khi nói chuyện, "vợ của giáo sư" luôn quan tâm đến nơi I.Gvay phải đến. I.Gvay do không cảnh giác đã thông báo cho cô ta.

Dưới sự hoạch định của Quân đảng vệ phát xít, đoàn ca múa của Natalie cũng lên đường ra tiền tuyến để "thăm hỏi chiến sĩ". Nhưng Natalie lúc này vẫn chưa phát hiện hành trình của I.Gvay. Nhưng trong một buổi liên hoan, một trung úy Liên Xô do uống quá nhiều đã tiết lộ hành trình của ông. Không lâu sau, một nhóm 5 người tự xưng là đến từ Ivanovo ra tiền tuyến để hỏi thăm chiến sĩ. Người đứng đầu nhóm ca mùa này chính là một người tên là Petrov. Nhưng thực chất hắn chính là Petrovesco tên gián điệp lão luyện của phát xít Đức. Trong thế chiến thứ nhất, hắn ta đã từng bắt cóc thành công công trinh sư tàu ngầm của đối phương. Chính vì vậy mà lần này dưới sự chỉ thị của Himmler kẻ đứng đầu Quân Đảng vệ và Bộ trưởng an ninh phát xít Đức, tên Petrovesco đã được nhận nhiệm vụ từ Beclin xâm nhập vào Liên Xô để bắt cóc I.Gvay đưa về Đức.

Để phối hợp với hành động bắt cóc, cơ quan tình báo Hittle đã lệnh cho điệp viên Đức đang cài cắm ở Moscow, mạo nhận là cơ quan lãnh đạo Liên Xô gửi điện cho đơn vị pháo binh ngoài tiền tuyến, nói rằng họ sẽ có một "đoàn thăm hỏi" ra tiền tuyến để thăm hỏi các chiến sĩ. Tiếp đó, Petrovesco cùng đồng bọn được máy bay Đức thả xuống một trạm trung chuyển đường sắt gần chiến truyến giữa Liên Xô và Đức. Vài ngày sau, "Đoàn thăm hỏi" đã xuất hiện tại đơn vị mà I.Gvay đã đến. Đêm đó, đơn vị đã tổ chức một buổi liên hoan lớn, I.Gvay cũng đến tham dự. Khi Petrovesco biết được I.Gvay muốn ra doanh trại tiền phương của đơn vị nên cũng yêu cầu thủ trưởng đơn vị cho phép họ cùng đi với I.Gvay ra tiền tuyến. Thủ trưởng đơn vị pháo binh đã đáp ứng yêu cầu của họ.

Trên đường đi, nhóm của Petrovsnesco đã giết hại lái xe và cảnh vệ đi cùng, sau đó dùng thuốc mê không chế I.Gvay. Theo như kế hoạch đã định, một khi bắt được I.Gvay, Petrovsnesco phải mau chóng tới sân bay bỏ hoang cách đơn vị pháo binh vài kilômét. Tại đó sẽ có một chiếc máy bay vận tải trở họ về Đức. Nhưng khi vừa đến nơi, Petrovsnesco đã phát hiện những người chờ họ không phải quân Đảng vệ mà là Hồng quân Liên Xô với súng thật đạn thật trên tay.

Hóa ra, mấy ngày trước quân đội Liên Xô đã bắn rơi một chiếc máy bay của Đức ở gần khu vực Moscow. Từ trên thi thể của phi công và điệp viên trên máy bay của Đức, nhân viên phản gián Liên Xô đã phát hiện ra một cuốn sổ nhỏ viết bằng mật mã. Sau khi các nhân viên kỹ thuật giải mật mã, Liên Xô đã hoàn toàn biết được kế hoạch "Sirius" của phát xít Đức, đồng thời diễn xuất một vở kịch "ôm cây đợi thỏ".

Bản báo cáo bị tiết lộ

Vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước, Bộ quốc phòng và Quốc vụ viện Mỹ đã từng tổ chức một đoàn chuyên gia điều tra nhằm bố trí lại tất cả các căn cứ quân sự của Mỹ tại nước ngoài. Một loạt các chuyên gia trong và ngoài chính phủ Mỹ dưới sự lãnh đạo của McClintock Wood tiến hành một cuộc điều tra quy mô lớn. Trên cơ sở của cuộc điều tra này, Mỹ sẽ hoạch định và đưa ra một phương châm chiến lược thế giới mới. Tên của các văn kiện chỉ đạo hành động quân sự của Mỹ vào những năm 70 này được gọi là "Báo cáo McClintock Wood ".

"Báo cáo McClintock Wood" không chỉ thể hiện toàn diện bố trí sức mạnh quân sự của Mỹ mà còn bao gồm cả trang bị và chiến lược của Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Từ lúc bắt đầu điều tra đến khi trình lên cho Tổng thống sửa đổi và phê chuẩn, báo cáo này đã tiêu tốn hết 20 triệu đô la. Từ giá trị và đến độ coi trọng của bản báo cáo này đã thể hiện đầy đủ tính cơ mật của nó.

Nhưng báo cáo quan trọng này đã đột nhiên biến bị tiết lộ. Theo như báo cáo của một điệp viên CIA cài cắm vào Liên Xô, các lãnh đạo cao cấp của Liên Xô đã có được bản báo cáo này, hơn nữa họ còn đang nghiên cứu đối sách. Tin tình báo này đã khiến cho những người đứng đầu các cơ quan tình báo của Mỹ vô cùng kinh sợ, họ sợ rằng sự bại lộ cơ mật này xảy ra trong nội bộ mình. Họ thi nhau tổ chức các lực lượng giám sát lớn để theo dõi việc này.

Cục tình báo trung ương Mỹ trở thành lực lượng chính trong việc trinh sát. Họ tiến hành kiểm tra chi tiết bằng khoa học đối với từng văn bản trong bộ "Bản báo cáo". Lúc đầu, khi niêm yết "Báo cáo", họ đã tăng cường bảo mật đối với tất cả các văn bản, nếu ai đó sao chép, chụp ảnh, thậm chí là tiếp xúc với bất cứ một văn bản nào trong "Báo cáo", Cục tình báo trung ương đều có thể phát hiện.

Các văn kiện của Bộ quốc phòng đều bị kiểm tra, các văn kiện của Quốc vụ viện cũng không ngoại lệ, thậm chí các văn bản lưu giữa trong Nhà Trắng để cung cấp cho Tổng thống xem cũng đều tiến hành kiểm tra cần thiết. Tất cả những văn kiện này đều không có dấu hiệu quay chụp hay sao chép và cũng không hề qua tay những người lạ. Tất cả các văn kiện ở trong nước Mỹ đều rất an toàn.

Sau khi rút ra kết luận, các cơ quan tình báo khác đều rất vui mừng, chỉ có Cục tình báo trung ương là nửa mừng nửa lo. Không xảy ra vấn đề gì đương nhiên là tốt, nhưng không tìm ra dấu vết thì họ cũng không thể nào phá được vụ án này.

Vấn đề này còn liên quan đến cả các nước Đồng minh. Vì vì "báo cáo Wood" còn có một bản sao, bản này là bản Mỹ cung cấp cho những nhân vật đứng đầu khối NATO. Những người đứng đầu quân sự của các nước trong khối này đều đã tiếp xúc với bản sao báo cáo này. Hiện nay, bản sao này được lưu giữ trong két bảo mật của Bộ quốc phòng Pháp.

Cục tình báo trung ương Mỹ lập tức cử đặc vụ của mình là Peter tới Paris để kiểm tra tình hình. Peter quả thực không mấy mặn mà lắm với nhiệm vụ này. Anh ta biết, NATO đã xây dựng Cục tình báo Bộ tư lệnh tối cao quân đội NATO nhằm phối hợp các công tác tình báo của khối, Cục tình báo cũng phải bỏ ra một khoản tiền lớn cho công tác xây dựng cục tình báo này, họ còn phải cử cả đại diện của mình đến đây. Nhưng càng thống nhất lại, công tác tình báo lại càng phức tạp. Trong tổ chức tình báo này, tất cả các nhân viên đều không tin tưởng lẫn nhau. Mỹ thậm chí còn nghe trộm điện thoại của nhân viên một số nước, họ sợ những nhân viên này sẽ bị Liên Xô chiêu mộ, rồi trở thành điệp viên hai mang. Việc này là một bí mật công khai, vì vậy mà nó dẫn đến sự bất mãn sâu sắc trong nội bộ tổ chức. Trong cơ cấu tổ chức này, Pháp là người luôn thích đối đầu với Mỹ, nên sự rò rỉ bí mật này rất có thể là xảy ra ở nước Pháp.

Sự việc quả nhiên không ngoài dự đoán của Peter, sau khi kiểm tra bản sao của NATO, anh ta đã phát hiện bản sao này đã bị sao chép, hơn nữa thời gian sao chép không quá một tháng gần đây. Peter liền mang bản sao này về Mỹ, sắp xếp thời gian mà lãnh đạo các nước NATO tiếp xúc với nó. Kết quả đã cho thấy, trong thời gian bản sao này bị sao chép nó đang được lưu trữ trong két bảo mật của Bộ quóc phòng Pháp. Vậy là chính Pháp đã để lộ bí mật bản "Báo cáo Wood".

Cục tình báo trung ương sau khi đưa ra kết luận như vậy, liền phái người tới Paris, đem tình hình báo cho cơ quan tình báo Pháp. Nếu cứ như tình hình trước đây thì cơ quan tình báo Pháp sẽ không bao giờ hợp tác với Cục tình báo trung ương Mỹ, họ sẽ hành động một mình, họ hoàn toàn có quyền độc hành động mà ngay cả chính phủ Pháp cũng không thể can thiệp quá sâu vào hành động của họ. Nhưng hiện nay Sự kiện "Báo cáo Wood" liên quan đến quá nhiều nước, họ không thể không hợp tác với Mỹ.

Sự việc thay đổi nhanh chóng, tính độc lập hành động của tình báo Pháp giờ lại là điều kiện thuận lợi để Cục tình báo trung ương Mỹ phá án. Họ có thể mượn tính độc lập này để tránh sự can thiệp của phía quan chức chính phủ Pháp, đơn phương hợp tác với cơ quan tình báo, tìm ra kẻ nội gián đã cung cấp "báo cáo Wood" cho Liên Xô.

Danh dự của nước Pháp đã khiến cơ quan tình báo của họ phải ra sức làm việc, cơ quan tình báo Pháp không khó để tìm ra những nhân vật đã tiếp xúc với bản báo cáo này trong thời gian nó bị lộ bí mật. Trong những nhân vật đã từng tiếp xúc, có một nhân vật quan trọng trong văn phòng Thủ tướng tỏ ra đáng khả nghi nhất.

Tiếp đó, Cục tình báo trung ương Mỹ đã lệnh cho gián điệp của mình đang cài trong KGB, thông cáo danh sách những điệp viên KGB đã tới châu Âu làm nhiệm vụ trong thời gian bản báo cáo bị lộ. Trong danh sách những điệp viên đi thực hiện nhiệm vụ, quả thực có người đã đến Paris, hơn nữa còn cặp đối tượng đang bị nghi vấn. Cuộc gặp này là một hoạt động ngoại giao công khai, nhận vật trong văn phòng Thủ tướng kia chịu trách nhiệm tiếp đãi.

Sự việc càng ngày càng sáng tỏ, đối tượng nghi vấn bề ngoài là làm việc cho Pháp, nhưng bên trong lại là một điệp viên của KGB, là một điệp viên hai mang chính hiệu. Khi tiếp xúc với "Bản báo cáo", ông ta đã sử dụng các thiết bị trong trong văn phòng Thủ tướng để sao chép sảo sao của bản báo cáo, rồi thông qua con đường ngoại giao chuyển các văn kiện này sang Liên Xô.

Sau khi sự vụ sáng tỏ, cả nước Pháp dường như bị chấn động, đối tượng nghi vấn trong văn phòng Thủ tướng ngay lập tức bị bắt, hơn nữa còn bị chứng minh là điệp viên của KGB, từng cung cấp rất nhiều tin tình báo quan trọng cho phía Liên Xô. Vụ án này đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng sâu sắc trong chính phủ Pháp, Thủ tướng Pháp cũng vì chuyện này mà phải từ chức.

Sự thiếu tin tưởng, đề phòng và nghờ vực lẫn nhau trong NATO đã khiến cho cơ quan tình báo của tổ chức này có rất lỗ hổng nguy hiểm, e rằng sự kiện này sẽ chưa phải là đoạn kết của tổ chức này.

Vụ án gián điệp gây chấn động

Chiến tranh thế giới thứ 2 vừa kết thúc, giữa hai cường quốc Mỹ và Liên Xô đã xảy ra một cuộc chiến tranh lạnh. Trong khi đó, cao trào "vụ án gián điệp" mà Mỹ bắt đầu từ năm 1984 chính là sự biểu hiện cho sự căng thẳng của cuộc chiến tranh lạnh này. Lúc đầu họ chỉ bắt những gián điệp của nước ngoài, nhưng đến năm 1949 cao trào này đã lan đến những người Mỹ. Đầu tiên là một cô gái Mỹ, cô đã quen một kỹ sư Liên Xô đang làm việc cho Liên Hợp Quốc nên đã bị Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) xét vào những nhân vật cần được "chăm sóc".

Cô gái người Mỹ này tên là Judy Kaplan, đang làm việc trong Bộ tư pháp Mỹ, quản lý đăng ký cho các nhân viên trong đoàn Liên Xô và phụ trách một phần các sự vụ của Đảng cộng sản Mỹ. Công việc của cô rất xuất sắc, còn còn định viết một cuốn sách với tiêu đề "Nữ nhân viên chính phủ". Để chuẩn bị cho cuốn sách đó, cô đã rất tích cực thu thập tài liệu.

Thời gian này, một người đàn ông đã bước vào cuộc đời của cô. Trong một buổi triển lãm tranh trừu tượng, cô đã cùng một người đàn ông cùng đứng thảo luận về một vài bức tranh khó hiểu. Cô cảm thấy người đàn ông này nói tiếng Anh rất chuẩn và rất hài hước, và kể từ buổi đó hai người bắt đầu quen nhau. Sau buổi gặp mặt tại triển lãm đó, Judy biết được rằng, người đàn ông đó tên Kuibychev là một kỹ sư xây dựng của Liên Xô, hiện đang tham gia công trình xây dựng trụ sở Liên Hợp Quốc và còn kiêm chức vụ thư ký cấp 3 của Bộ ngoại giao.

Chuyện một kỹ sư 32 tuổi và một nữ nhân viên chính phủ 28 tuổi quen nhau ở nước Mỹ là một điều rất bình thường, điều này chẳng khiến ai phải quá bận tâm. Nhưng việc Judy và Kuibychev quen nhau lại dẫn đến sự quan tâm đặc biệt của Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI). Họ chú ý đến việc Judy rất hứng thú đến các tài liệu bí mật, hơn nữa còn thấy cô là một người rất cứng đầu. Người như vậy mà quan lại với một nhân viên ngoại giao Liên Xô thì nhất định là có vấn đề lớn.

Sau khi thấy vậy, Cục điều tra liên bang lập tức sử dụng mọi biện pháp để giám sát Judy, tất cả các cuộc điện thoại gọi đến hay gọi đi của cô cũng như điện thoại ở văn phòng làm việc điều bị nghe trộm và ghi lại, nhưng trong các cuộc điện thoại được ghi lại chỉ có một cuộc điện thoại giữa Judy và Kuibychev, các đặc vụ FBI đã nghe đi nghe lại cuốn băng ghi âm, nhưng không thể phân tích ra được điều gì.

Tiếp đó, các đặc vụ của Cục điều tra liên bang lại tập trung vào các cuộc hẹn định kỳ của hai người. Mỗi lần Judy ra ngoài gặp Kuibychev, phía sau cô luôn có một vài cái đuôi. Họ luôn chăm chú nhìn cô, xem cô có trao cho Kuibychev tin tình báo gì không.

Nhưng sau rất nhiều lần theo dõi đều thất bại. Lúc này các đặc vụ mới phát hiện, giữa Judy và Kuibychev chẳng có điều gì bất thường cả; Một lần Judy và Kuibychev gặp mặt, họ cảm nhận được mình đang bị người khác theo dõi, hai người lập tức nhảy lên xe điện ngồi ngay ghế sát cửa xuống, đúng lúc những đặc vụ FBI theo dõi vừa bước lên xe, cánh cửa xe chuẩn bị khép lại thì cả hai đột nhiên dứng dậy đẩy cánh cửa đang đóng ra nhảy xuống xe, vậy là cắt đứt được những cái đuôi đang theo dõi.

Hành động này của họ đã khiến các đặc vụ FBI càng nghi ngờ, vì theo các bài học huấn luyện đặc vụ và theo những tình huống điển hình trong cuốn tiểu thuyết trinh thám thì đây là một biện pháp tốt nhất để các điệp viên thoát khỏi sự theo dõi.

Tiếp đó, khi biết được Judy sẽ gặp Kuibychev vào ngày 4 tháng 3, cấp trên của Judy đã giao hai văn bản tuyệt mật cho cô cất giữ, đồng thời còn nói rõ đây là tài liệu bí mật hết sức quan trọng. Họ cứ ngỡ rằng, Judy nhất định sẽ tìm cách giao các tài liệu này cho Kuibychev, nếu việc này xảy ra, họ có thể bắt ngay cả hai người tại hiện trường. Biện pháp "mồi nhử" bao giờ cũng là diệu kế luôn luôn hiệu nghiệm.

Ngày 4 tháng 3, Judy quả nhiên đã gặp mặt Kuibychev tại quản trường Times. Hai người không hề chào hỏi nhau, hơn nữa hai người còn

bắt hai xe điện khác nhau, rồi xuống xe ở hai trạm khác nhau. Sau đó, hai người cùng gặp nhau trên cầu treo.

Lần này, FBI đã huy động rất nhiều đặc vụ. Đúng lúc Judy và Kuibychev tưởng rằng mình đã cắt được đuôi đằng sau và yên tâm nói chuyện thì cảnh sát tuần tra tên cầu đột nhiên lập rào chắn chặn đường thoát của hai người.

Các đặc vụ mai phục quanh đấy thấy Judy đang mở túi và Kuibychev đang đưa tay ra lấy, ngỡ rằng đoạn kết của vởi kịch trao tình báo đã đến, nhưng không ai ngờ rằng, Kuibychev chỉ đưa chiếc túi cho Judy cầm hộ, còn mình tới một quán hoa quả gần đó gọi điện.

Các đặc vụ của FBI cho rằng, Kuibychev đang gọi các điệp viên của Liên Xô đến chi viện. Nếu như anh ta gọi một chiếc xe ngoại giao của Liên Xô đến, rồi cả hai cùng nhảy lên xe chạy đến Lãnh sứ quán tị nạn thì bao nhiêu công sức điều tra "vụ án gián điệp" này của họ đều trở thành con số không. Vì vậy dù chưa đủ chứng cứ, họ vẫn bắt hai đối tượng nghi vấn lại.

Các đặc vụ lập tức lấy ra những tài liệu tuyệt mật từ trong túi của Judy, ngoài ra còn có một loại các văn kiện của Bộ tư pháp. Dù đã hoàn thành được vở kịch "bắt gián điệp", nhưng Cục điều tra liên bang vẫn chưa thể ngồi yên, vì đằng sau còn cả quá trình dài xét xử. Judy Kaplan là công dân Mỹ đầu tiên bị tố cáo làm làm gián điệp cho Liên Xô.

Trong quá trình xét xử, tòa án đã phát hiện ra rất nhiều khó khăn. Đầu tiên là FBI không có bằng chứng để kết tội nghi phạm, trong khi đó bản thân họ lại có hành vi vi phạm pháp luật. Trong quá trình đưa ra chứng cớ, một loạt các băng ghi âm có được đều do nghe trộm. Cục điều tra liên bang đã nghe trộm điện thoại cá nhân phi pháp, thậm chí còn nghe trộm điện thoại của Văn phòng bộ. Điều này thực sự khiến công dân Mỹ không thể chấp nhận được.

Vì vậy, tòa án chỉ có thể kết tội Judy có ý đồ giao các tài liệu bí mật cho nước ngoài, còn Kuibychev bị kết tội là có ý đồ nhận các tài liệu bí mật của Mỹ từ Judy. Vì cả hai người họ đều chưa giao các văn kiện "mồi nhử".

Sau khi Judy và Kuibychev lần lượt bị tuyên phạt 20 năm tù và 15 năm tù giam, lúc này Quốc vụ khanh bắt đầu ra mặt can thiệp, Kuibychev sau đó do có thân phận ngoại giao nên chỉ bị buộc rời khỏi nước Mỹ. Còn Judy cũng chỉ tuyên phạt 10 nghìn đô la, đồng thời bị cấm rời khỏi bờ biển phía Đông nước Mỹ. Điều kỳ lạ là sau đó không lâu ba tờ báo nhỏ của Mỹ đã sử dụng "vụ án gián điệp này" để tuyên truyền Judy là một "nữ gián điệp nổi tiếng thế giới".

Giấc mộng về một siêu điệp viên

Callison là một thanh niên 20 tuổi, rất yêu thích những cuốn tiểu thuyết và bộ phim gián điệp. Anh ta luôn có một giấc mơ rất đẹp, đó là được làm một điệp viên cấp thế giới giống như chàng điệp viên 007 James Bond, sinh ra trong một gia đình di dân giàu có Hy Lạp và mang một nét mặt điệu khắc cổ điển, anh ta về mọi mặt không khác gì chàng James Bond trong điện ảnh.

Khi đang theo học năm thứ 4 trường đại học Indiana thì có một người trong trường tự xưng là người của Cục tình báo trung ương đến tuyển nhân viên, Callison lập tức tới đăng ký. Nhưng sau khi gửi giấy đăng ký đi, mọi thứ đều biệt vô âm tín. Cho đến khi tốt nghiệp, Callison vẫn không hề nhận được cuộc điện thoại bí mật nào, không nhận được giấy mời nào và càng không có người đẹp nào đến liên hệ với anh ta, điều này khiến anh ta thực sự rất thất vọng.

Sau khi tốt nghiệp, Callison dễ ràng tìm được một công việc với mức lương hậu hĩnh tại một công ty cung cấp thiết bị y tế tại St Louis. Một cuộc sống mới xuất hiện trước mắt Callison, anh ta cũng bắt đầu vui vẻ với những ngày mới. Một thời gian sau, anh ta gần như quên hẳn việc xin vào Cục tình báo trung ương Mỹ.

Năm 1977, đúng lúc Callison bắt đầu buồn chán với công việc trước mắt thì đột nhiên nhận được thông báo, ngày 2 tháng 3 đến trung tâm Langsley - Tổng bộ Cục tình báo trung ương. Vậy là cánh cửa vào Cục tình báo đang hé mở, giấc mơ thời niên thiếu đang thức dậy. Anh ta vô cùng kích động, ngay lập tức bỏ việc, chuyển sang con đường làm điệp viên của mình.

Nhưng khi đến trung tâm Langsley, Callison đã vô cùng thất vọng. Những gì chờ đợi anh ta không phải công tác điệp viên như anh mong muốn, mà là công việc tại văn phòng rất căng thẳng, bận rộn, khô khan và đơn điệu. Sau vài tuần huấn luyện, anh ta chính thức bước vào trung tâm hành động của Tổng bộ cục tình báo trung ương và trở thành một trong 65 nhân viên "canh gác" trong tổ giám sát. Hàng ngày, anh ta ngồi bên các máy móc, thu nhận những bức ảnh tuyệt mật từ vệ tinh gián điệp và một lượng lớn các thông tin từ các trạm tình báo khắp nơi trên thế giới chuyển về. Trong phòng trực ban bị theo dõi nghiêm ngặt, anh ta phải làm việc liên tục 12 tiếng đồng hồ, một ngày khoảng 5 đến 10 lần lấy một lượng lớn thông tin từ máy tính, sau đó đưa một số văn kiện cũ nhét vào túi chuyển xuống phòng thiêu hủy dưới tầng hầm của căn nhà. Công việc cứ ngày này qua ngày khác, anh ta cảm thấy thật vô vị, anh ta bắt đầu có ý nghĩ trở thành một gián điệp đầy ly kì và mạo hiểm.

Cứ mỗi lần Callison quyết định bỏ ý nghĩ này đi thì máu điệp viên trong con người anh ta lại nổi lên. Không lâu sau, anh ta đã tìm được cơ hội rất tốt. Lần này anh ta là phải kiểm tra một lượng lớn văn kiện tham khảo, trong số đó có một cuốn "Sổ tay kỹ thuật KH-11", đây là cuốn sổ về tham số kỹ thuật vệ tinh gián điệp mới nhất của Mỹ, tuy trước khi tiếp xúc với cuốn sổ này, Callison cũng như các đồng nghiệp khác của anh ta đều ký vào bản cam đoan không tiết lộ bí mật, nhưng cuốn sổ này lại không có bất cứ biện pháp bảo mật nào, bất cứ người giám sát nào đều có thể lấy nó từ trong kết bảo mật. Tổ gián sát là nơi cơ mật nhất của Cục tình báo trung ương, họ có thể tiếp xúc với tất cả những cái gì cơ mật nhất.

Tiếp đó, anh ta bắt đầu hành động. Anh ta nhét cuốn "Sổ tay kỹ thuật KH-11" vào trong chiếc áo jacket da của mình, sau đó ung dung rời khỏi trụ sở Langsley. Sau đó do tâm lý buồn chán, trong công việc đã nhiều lần bị phê bình, anh ta đã chủ động từ chức và rời khỏi Cục tình báo trung ương.

Ngày hôm sau, Callison trở về quê hương. Tại thủ đô của Hy Lạp, anh ta dự định sẽ đem tất cả những văn kiện bí mật của Cục tình báo bán cho phía Liên Xô để thực hiện bước đầu cho con đường trở thành gián điệp số một của mình. Một hôm, Đại sứ quan Liên Xô tổ chức một bữa tiệc ngoài trời, nhân cơ hội nhiều khách tới tham dự, anh ta đã trà trộn vào đó.

Một tùy viên quân sự của Đại sứ quán Liên Xô đón tiếp anh ta. Lúc đầu tùy viên quân sự này hoàn toàn không hiểu trước những lời nói thẳng thừng của Callison, trong đầu anh ta nghĩ chắc Callison là một người bị bệnh tâm thần. Nhưng sau khi Callison lấy ra cuốn "Sổ tay kỹ thuật KH-11", anh ta mới hiểu rằng đây là sự thực. Để không bị mắc lừa của các gián điệp, tùy viên quân sự Liên Xô đã đề nghị giao nốt phần văn kiện còn lại tại một công viên ở Athen, anh ta sẽ cử người tới gặp Callison, sau đó sẽ bàn tới các khoản tiền thù lao.

Tiếp đó, một người tên là Michael đã đến công viên như đã hẹn, anh ta nhận nốt phàn tài liệu còn lại, và không quên đưa cho Callison một phong bì bên trong là 3 nghìn đô la. Về sau, Callison còn vài làn gặp Michael, anh ta đem hết tình hình làm việc tại Langsley kể cho Michael, điều này khiến Michael và cấp trên của anh ta rất hứng thú.

Callison cuối cùng cũng trở lại Mỹ. Anh ta hẹn gặp điệp viên của Liên Xô vào mùa hè năm sau, trong khi Michael đưa cho Callison một tấm vé tàu du lịch trên có viết địa lên đó và nói rằng, lần sau trở về Athen gặp mặt thì hãy gửi một bưu thiếp có ghi dòng chữ: "Bạn trung thành của ngài chúc mứng sinh nhật ngài" tới địa chỉ đó. Sau đó dùng điện thoại công cộng để hẹn điểm gặp.

Trở về Mỹ, Callison trực tiếp đến gặp cấp trên trước đây của mình và đem chuyện gặp mặt điệp viên Liên Xô kể lại với ông ta, đồng thời đề nghị tình nguyện làm gián điệp hai mang cho Cục tình báo trung ương, giúp đỡ Cục tình báo cung cấp những tin tình báo giả cho KGB.

Lúc này Cục tình báo trung ương đang hết sức điên đầu vì Liên Xô đã có trong tay bí mật về vệ tinh gián điệp KH-11 của mình, nay lại biết yêu cầu của Callison, hơn nữa còn nghe nói anh ta đã nhận 3 nghìn đô la từ KGB, nên họ nhận định rằng anh ta nhất định đã cung cấp cái gì đó quan trọng cho KGB, nếu không họ quyết sẽ không đưa cho anh ta nhiều tiền đến như vậy. Các nhân viên phản gián của Cục tình báo trung ương lập tức tiền hành kiểm tra nói dối đối với Callison, sau hai lần bài kiểm tra đã cho thấy anh ta đang nói dối. Tiếp đến là một loạt các cuộc thẩm vấn, họ cuối cùng cũng xác định được chính Callison đã bán cuốn "Sổ tay kỹ thuật KH-11" cho Liên Xô. Callison đã bị đem ra xét xử sau đó không lâu, anh ta đã bị kết tội phản bội tổ quốc và phải ngồi tù 40 năm. Kể từ đó anh ta chỉ có thể ôm giấc mộng siêu điệp viên của mình trong song sắt nhà tù.

Chim ưng săn mồi và người tuyết

Cuộc chiến tình báo bí mật là cuộc chiến dễ gây ra các vụ bê bối nhất. Vào cuối những năm 60 và đầu những năm 70 của thế kỷ trước, người dân Mỹ đã tận mắt chứng kiến sự chông lại của cả một thế hệ thanh niên, sự bùng phát của cuộc chiến tranh ở Việt Nam và sự ra đi của Tổng thống Nixson. Khi đó, người dân Mỹ luôn luôn có một cảm giác thiếu tin tưởng vào chính Phủ và nghi ngờ tất cả những gì họ nói.

Christopher Bosi và Dalton Lee trở thành điệp viên khi vừa tròn 20 tuổi, cuộc sống của hai người đã hoàn toàn thay đổi từ đây. Họ từ nhỏ đã là hai người bạn tốt, sau này lại cùng nhau phản bội lại tổ quốc của mình. Trong 18 tháng, họ đã trở thành tội phạm quan trọng bị truy lùng toàn quốc. Đây là một câu chuyện có thật, đã từng gây chấn động một thời. Những gì họ trải qua đã được dựng thành phim mang tên "chim ưng săn mồi và người tuyết" năm 1984.

Trong hai người, Bosi là người thông minh hơn, anh ta là một học sinh tốt có thành tích xuất sắc, cuộc sống rất bình thường. Lee thì ngược lại, anh ta bắt đầu nghiện ma túy từ thời trung học, về cơ bản là một kẻ thất bại trong cuộc sống.

Vì Lee nghiện hút nên ký hiệu của anh ta là "người tuyết", còn Bosi rất thích chim ưng săn mồi nên mọi người gọi anh ta là "chim ưng săn mồi". Năm 1973, Bosi vào làm việc tại công ty TRW phục vụ cho Cục tình báo trung ương. "Người tuyết và chim ưng săn mồi" đã biến các hoạt động tình báo thành trò chơi kích thích.

Bosi và Lee đã lấy trộm tin tức tình báo tuyệt mật từ trong két bảo mật của công ty TRW, những tin tình báo này đều liên quan đến các hành động tuyệt mật của Cục tình báo trung ương. Khi đó công ty TRW đang nghiên cứu một loại vệ tinh giám sát đời mới, dùng để theo dõi Liên Xô. Bosi đã dùng một loại máy ảnh mini chụp hàng trăm bức ảnh về các văn kiện tuyệt mật này. Sau đó anh ta giao những cuốn phim này lại cho Lee, Lee lại trao nó cho Đại sứ quán Liên Xô ở thành phố Mexico.

Hai người này mỗi người đều có động cơ riêng dẫn đến việc phản bội tổ quốc. Động cơ của Lee rất đơn giản, anh ta cần tiền để thỏa mãn cơn nghiện của mình. Động cơ của Bosi phức tạp hơn, anh ta làm chuyện này một phần vì tiền, một phần vì lý tưởng đổ vỡ và nguyên nhân quan trọng hơn là bất mãn với chính phủ.

Lee ngày càng nghiện nặng nên làm việc rất sơ xuất. Trong một lần tới thành phố Mexico, anh ta đã không thể vào được đại sứ quán Liên Xô. Anh ta đứng ngoài cửa loanh quanh một lúc, rồi ném cuộn phim vào trong đại sứ quán Liên Xô. Thật ngẫu nhiên, hai cảnh sát thành phố Mexico lại vừa đi tuần quanh đại sứ quán. Họ đã phát hiện thấy anh ta có dấu hiệu nghi ngờ nên bắt anh ta lại. Lee bị bắt đã khiến quan chức Mỹ phải chú ý. Sau những cuộc thẩm vấn nghiêm ngặt, sự việc dần được tiết lộ. Năm 1977, Bosi và Lee đã bị đem ra xét xử. Báo chí khi đó đã dầm rộ đưa tin về sự kiện này. Công chúng đã nghi ngờ về vụ bê bối này. Những tiếng nói nghi ngờ chính phủ, nghi ngờ trào lưu xã hội liên tục xảy ra.

Bosi và Lee đều bị kết án về tội hoạt động gián điệp. Bosi bị kết án 40 năm tù, còn Lee bị kết án tù chung thân. Năm 1980, Bosi đã vượt ngục, nhưng một năm sau anh ta lại bị bắt lại. Còn Lee năm 1990 được thả tự do.

Hết

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#chuyen