Những Câu Chuyện Tâm Linh, Thần Bí

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

CÂU CHUYỆN CỦA NHỮNG NGƯỜI CHẾT ĐI SỐNG LẠI

Hàng ngàn năm lịch sử, các nền văn minh nhân loại đều tích cực đi tìm lời giải về vũ trụ và con người. Ở phương Tây, những nhà triết học, khoa học lớn thời cổ đại như Pythagora, Platon... đều cho rằng vạn vật có linh hồn. Gần đây, những nhà khoa học lỗi lạc như Einstein, Hawking, sau nhiều năm nghiên cứu, cũng không giải thích được những vấn đề sâu xa của cuộc sống và rồi cũng không thoát khỏi được cái gọi là "Thượng đế". Ở phương Đông cũng chưa thật sự có người nào giải thích được vấn đề này một cách cặn kẽ. Nhà triết học lớn là Khổng Tử, khi đề cập đến vấn đề này cũng không hiểu, phải "kính nhi viễn chi". Và kể cả đạo Phật, mà đại diện là Thích Ca Mâu Ni, một tôn giáo có nền tảng triết lý sâu sắc về nhân sinh quan, bàn nhiều về "linh hồn", tiền kiếp, hậu kiếp, luân hồi, nhưng cũng chưa thực sự lý giải được mà cũng chỉ mù mờ đặt ra mà không định dạng được một cách cụ thể thế nào là "ý thức" (linh hồn). Nói chung, tất cả các học thuyết khi bàn về vấn đề này đều mang màu sắc của Thượng đế, của sự huyền hoặc khó hiểu. Trong vài thập kỷ trở lại đây, khi một số phương tiện, máy móc hiện đại ra đời, khi các lý thuyết về khoa học, vật lý mới được phát hiện, thì các nhà khoa học đã nghiên cứu hiện tượng ngoại cảm, đi tìm câu trả lời "linh hồn có tồn tại hay không?" dưới góc độ khoa học thực nghiệm. Hàng ngàn cuộc thí nghiệm, nghiên cứu khoa học đã được triển khai và thu được không ít kết quả thuyết phục.

Đối với người Việt, một mặt thấm nhuần tư tưởng Nho giáo và Phật giáo trải qua nhiều thế hệ, mặt khác lại được thấy những chuyện lên đồng, gọi hồn nên rất tin rằng thế giới có cả hai cõi âm dương, và sau khi chết đi, linh hồn vẫn tồn tại ở cõi âm hoặc đầu thai sang kiếp khác theo luật luân hồi nhân quả.

Người phương Tây từ trước đến nay không tin những sự huyền bí, không tin trên đời có linh hồn, cái gọi là luật nhân quả, phần vì đại đa số theo Thiên Chúa Giáo mà trong Thánh kinh không nói đến luân hồi nhân quả, phần vì ảnh hưởng của khoa học càng ngày càng phát triển mạnh. Trên thực tế, khoa học đã giúp cho loài người tiến những bước dài. Vì thế họ chỉ tin những gì mắt thấy tai nghe, hoặc chứng nghiệm được, còn những gì không chứng minh được bằng khoa học đều bị coi là huyền hoặc, là dị đoan, và bị bác bỏ.

Gần đây, nhiều nhà khoa học đã dày tâm nghiên cứu những hiện tượng mà họ không thể nói là không có thật, nhưng khoa học không giải thích nổi. Những nhà khoa học này đã cố tìm hiểu, và với thành kiến khoa học mà họ sẵn có, họ chỉ tin những gì mà họ không thể chối cãi được. Do vậy, những tài liệu nghiên cứu của họ có thể tin là đứng đắn, nghiêm túc. Hiện công trình nghiên cứu của bác sĩ Raymond A. Moody, người Mỹ, có tên Đời sống sau này (Life After life) được các nhà khoa học trên thế giới đánh giá rất cao. Để độc giả biết rằng, trên đời có tồn tại cái gì đó là linh hồn hay không, ông đã dày tâm nghiên cứu 150 người trên khắp thế giới, đủ các sắc tộc, đã từng chết lâm sàng.

Sau khi phỏng vấn 150 người chết rồi sống lại, bác sĩ Moody tường thuật lại những gì họ đã thấy trong khi chết. Đại khái có những điểm chung như sau: Người sắp chết, đến phút cuối cùng nghe thấy bác sĩ, hoặc những người xung quanh tuyên bố rằng mình đã chết. Người này bắt đầu nghe thấy những tiếng ồn ào khó chịu, như tiếng chuông reo hoặc tiếng vo vo lớn, đồng thời thấy bản thân mình bị lưu động rất nhanh qua một đường hầm dài đen tối. Sau đó bỗng thấy mình ở ngoài xác thân, nhưng vẫn còn ở ngay quanh đó, trông thấy rõ xác thân mình và mình như một người ngoài đứng xem. Người này thấy những người vây quanh cố làm cho xác thân mình hồi tỉnh. Lúc đó họ ở trong tình trạng kinh động mạnh.

Một lát sau, người này định thần lại và bắt đầu quen với tình trạng lạ lùng này. Họ nhận thấy rằng mình vẫn còn có một thân hình, nhưng bản chất khác hẳn và có khả năng khác hẳn cái thân hình để lại, đang bất động kia. Rồi có nhiều sự xảy đến, có những người khác đến gặp và giúp cái xác bất động nằm đó. Họ thoáng nhận thấy linh hồn những thân nhân và bạn hữu đã chết trước rồi, và thấy một linh hồn như một hình ánh sáng hiện ra trước mặt. Hình ánh sáng đó hỏi họ, nhưng không bằng lời nói, bảo họ kiểm điểm lại đời sống của mình, và giúp họ bằng cách hiện ra cho họ thấy hoạt cảnh những diễn biến quan trọng trong đời sống của họ. Có lúc, người này thấy mình đến gần một nơi, tựa như hàng rào hoặc địa giới, tượng trưng giới hạn giữa đời sống trần gian và đời sống bên kia. Thế nhưng, người này cảm thấy rằng mình phải quay trở về, vì ngày giờ chết của mình vẫn chưa đến. Những cảm giác mừng vui, yêu thương và yên tĩnh đã tràn ngập cơ thể và sau đó có cảm giác nhập vào xác thân và thế là người này sống lại trong sự bàng hoàng của những người chứng kiến.

Sau này, những người chết đi sống lại, đều có tâm lý muốn kể chuyện với người khác, nhưng cảm thấy rất khó khăn. Trước hết họ đều không tìm được lời nói để diễn tả những gì đã trông thấy hoặc cảm thấy. Rồi lại bị người ta chế giễu nên không nói nữa. Tuy nhiên, kinh nghiệm ấy đã ảnh hưởng mạnh vào đời sống của họ, nhất là quan niệm về cái chết.

Phần miêu tả trên đây chỉ là một "bài mẫu", nêu ra những điểm chung nhất từ nhiều trường hợp chết lâm sàng. Để có cái nhìn chính xác và khoa học nhất về hiện tượng xảy ra sau khi chết, bác sĩ Moody đã phân tách các cảm giác của người trong cuộc kể lại và xếp ra từng loại. Tác giả chỉ xin trích vài trường hợp tiêu biểu mà hai bác sĩ này liệt kê và xin lược bỏ tên tuổi, địa chỉ của các nhân vật.

Nghe thấy người sống nói

Một bà kể rằng: "Khi Bác sĩ chiếu điện chích thuốc cho tôi, tôi thấy ông ấy chạy ra điện thoại nói: "Bác sĩ Jame ơi, tôi đã giết bệnh nhân của ông rồi". Nhưng tôi biết rằng tôi chưa chết, tôi cố cử động và nói cho họ biết, nhưng không được. Khi họ đương cứu sống tôi, tôi nghe thấy họ nói đã chích cho tôi bao nhiêu c.c. thuốc gì, nhưng tôi không cảm thấy kim đâm vào thịt...".

Cảm giác yên tĩnh

Một bà chết vì bệnh tim, khi tỉnh lại đã kể: Tôi bắt đầu thấy một cảm giác sung sướng kỳ lạ nhất, là không còn cảm thấy gì ở thế gian nữa, ngoài cảm giác yên tĩnh, thoải mái, nhẹ nhàng không còn đau đớn lo buồn gì nữa. Tôi tự nghĩ: yên lặng dễ chịu biết bao, hết bệnh rồi!

Tiếng ồn ào

Một ông chết lâm sàng trong thời gian 20 phút kể lại: "Một tiếng vo vo rất khó chịu từ trong đầu tôi phát ra, tôi không bao giờ quên được nó". Còn người khác lại bảo: "Khi mê đi, tôi nghe một tiếng to tựa như chuông reo, tôi như ở trong một trạng thái quay cuồng".

Đường hầm đen tối

Hình ảnh đường hầm đen tối xuất hiện khi chết lâm sàng được nhiều người kể lại nhất và có nhiều từ khác nhau để tả hiện tượng này. Một anh kể: "27 năm trước, khi tôi mới 9 tuổi, bị bệnh và chết lâm sàng. Tôi nghe thấy tiếng vo vo, rồi thấy mình lưu động qua một đường dài đen tối, tựa như ống cống. Về sau nghe mọi người kể lại rằng, tim tôi đã ngừng đập hơn 30 phút. Một người khác nói: "Sau khi ngừng thở, tôi cảm thấy đi qua một vùng tối om, tựa như đường hầm với tốc độ kinh khủng. Một người sau khi bị tai nạn ô tô, tim ngừng đập thì cảm thấy thân thể lưu động qua một thung lũng rất sâu và đen tối như mực. Một chị thì lại thấy mọi vật trong bệnh viện dần dần xa mình. Chị cảm giác đang chui vào một lối đi nhỏ hẹp hình như chỉ vừa đủ cho chị chui lọt, rồi tụt xuống mãi.

Lìa khỏi xát thân (hay còn gọi là xuất hồn)

Một bà kể lại: "Khi tôi ở trong bệnh viện. Ngực tôi đau lắm, tôi bấm chuông gọi y tá, rồi tôi tắt thở. Tôi thấy mình tụt ra khỏi giường xuống sàn, rồi tôi đứng lên. Có 12 y tá chạy đến, họ gọi bác sĩ và tôi thấy bác sĩ đi vào phòng. Tôi bay bổng lên trần nhà rồi nhìn xuống. Có cảm tưởng như tôi chỉ là một tờ giấy bị thổi lên trên không. Từ trên cao tôi nhìn xuống xem họ cố gắng làm cho xác tôi hồi tỉnh. Thân hình tôi nằm dưới kia, chân tay duỗi thẳng rõ ràng, mọi người vây quanh. Một y tá nói: "Trời ơi, bà ấy đi rồi!". Một y tá gắng sức thổi hơi vào miệng tôi, tôi thấy rõ cô ấy cắt tóc ngắn. Họ nhấn vào ngực, xoa bóp chân tay tôi. Lúc đó tôi tự nghĩ: tại sao họ phải cực nhọc như thế, tôi vẫn khỏe mạnh đây mà!". Một anh thanh niên kể lại: "Tôi lái xe đưa bạn tôi về. Đến một ngã tư, bỗng nghe bạn tôi hét lên, đồng thời thấy đèn của một xe khác phóng tới rồi nghe tiếng "rầm" khủng khiếp. Ngay lúc đó tôi hình như đi qua một khu đen tối nhanh lắm, rồi thấy tôi lơ lửng trên cao, cách xe vài thước. Tôi còn nghe tiếng đụng xe vang dội ra xa. Thấy nhiều người chạy đến vây quanh xe, và bạn tôi chui ra khỏi xe. Tôi thấy thân thể tôi bị kẹt lại trong xe, họ xúm lại kéo ra, hai chân gãy nát máu tuôn khắp nơi...".

Một người cũng bị bị tai nạn xe kể lại: "Trên quãng đường cong tôi không điều khiển được xe nữa, xe văng lên trên không. Tôi còn nhớ trông thấy trời xanh, rồi thấy xe nằm dưới rãnh. Tôi biết rằng tôi bị tai nạn xe. Nhưng bỗng dưng tôi không cảm thấy thân hình tôi nữa. Tôi chui ra khỏi thân tôi qua đầu tôi, không thấy đau đớn gì cả, như là vọt lên. Không còn có cảm giác vật chất, thấy thân mình mềm mại, nho nhỏ, hơi tròn, tựa như một đám mây. Khi ra khỏi thân hình, tựa hồ như phần to ra trước, phần nhỏ ra sau, ra rất nhẹ nhàng, như không có trọng lượng. Nó không phải là vật chất. Nếu dùng lời nói thông thường thì có thể diễn tả bằng nhiều cách, nhưng không cách nào đúng cả, vì không có lời nào tả được cho đúng".

Rất nhiều trường hợp chết lâm sàng kể rằng, họ bay lơ lửng trên không, nhìn thấy mọi người vây quanh, cứu xác họ như thế nào và những điều họ kể lại sau này đều được những người tham gia xác nhận hoàn toàn đúng.

Gặp những người khác

Một chị lúc sinh khó, mất nhiều máu, đã chết lâm sàng kể lại: "Khi tôi xỉu đi, tôi còn nghe thấy bác sĩ bảo thân nhân của tôi rằng tôi sắp chết. Nhưng tôi vẫn sáng suốt và trông thấy trên trần nhà lơ lửng nhiều người là những người quen biết đã chết rồi. Tôi nhận ra bà tôi và nhiều họ hàng bạn hữu. Tôi cảm thấy rằng họ tới giúp tôi và dẫn dắt tôi, hình như tôi về nhà và họ đến chào đón tôi. Thật là một cảnh vui mừng!". Một ông thì kể: "Khi tôi ra khỏi xác thân, tôi thấy mình đứng gần một người bạn mới bị giết mấy tuần trước, nhưng hình ảnh khá mờ ảo. Tôi hỏi anh ta: "Cái gì đã xảy ra? Tôi đi đâu? Có phải tôi đã chết không?" Nhưng cậu ta không nói một lời. Rồi đến khi tôi nghe bác sĩ nói: "Anh ta đã sống lại", thì cậu bạn biến mất.

Chuyện chết lâm sàng, gặp người thân cũng diễn ra rất nhiều ở nước ta. Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng cũng kể rằng, khi chị chết thì thấy mình đứng ở bên này sông, trong cảnh khói sương bảng lảng, chị thấy những người thân đã mất đứng bên kia sông gọi chị sang, nhưng chị đã chọn con đường quay lại, thế là chị sống.

Hình ánh sáng

Rất nhiều người thấy một hình ánh sáng, sáng khủng khiếp, nhưng mắt không bị chói lóa, mà vẫn trông rõ mọi vật xung quanh. Nó là một hình, một hình ánh sáng, nhưng lại có tính cách một con người. Tình thương nồng nàn mà hình ấy tỏa ra không thể diễn tả được, người trong cuộc cảm thấy bị bao bọc như có từ lực thu hút vào không cưỡng lại được, mà vẫn cảm thấy hoàn toàn dễ chịu.

Sau đó, hình ánh sáng giao cảm với người mới chết không phải bằng lời nói hay tiếng động, mà dường như chỉ là ý nghĩ chuyển qua, hiểu rất rõ ràng, không thể lầm được. Sự trao đổi ý nghĩ không phải bằng tiếng mẹ đẻ của người chết, nhưng người nầy tự nhiên hiểu được hoàn toàn, tuy nhiên, khi tỉnh lại không ai có thể thuật lại bằng lời một cách trôi chảy. Đại ý những câu hỏi mà hình ánh sáng chuyển qua bằng ý nghĩ là: "Anh đã sửa soạn chết chưa? Anh đã sẵn sàng chết chưa? Anh cho tôi biết anh đã làm những gì trong đời anh? Anh đã làm đầy đủ chưa?". Những người chết đi sống lại, được thấy hình ánh sáng đều nhấn mạnh rằng câu hỏi ấy không hàm ý buộc tội, mà họ vẫn cảm thấy tình yêu thương chan chứa. Câu hỏi ấy chỉ khiến cho họ hồi tưởng lại cuộc đời đã qua. Sau đó, cảm thấy câu nói: "Nếu anh thương tôi thì anh hãy trở về làm nốt công việc của anh trên đời." Hình ánh sáng biến mất, và người này tỉnh lại.

Ôn lại việc xưa

Khi gặp hình ánh sáng, cảm giác của người đã chết là hình ánh sáng đã biết tường tận cả cuộc đời họ, nhưng làm cho họ hồi tưởng lại quá khứ và cho thấy hoạt cảnh để ôn lại đời mình. Tuy nhiên, sự nhớ lại không phải như lúc thường. Hoạt cảnh hiện ra nhanh chóng phi thường và không theo thứ tự thời gian như người thường mà giường như sự nhớ lại tất cả các việc cùng một lúc. Những người rơi vào trạng thái này đều có cảm giác chung: thấy lại toàn bộ cuộc đời chỉ trong một giây.

Tuy nhiên, ai nấy đều xác nhận rằng, mặc dù sự ôn lại cuộc đời diễn tiến nhanh chóng cực độ, nhưng hình ảnh bày ra trước mắt linh động và xác thực không thể tưởng tượng. Không những hình ảnh mà tất cả cảm giác cũng đều sống động lại. Hình ánh sáng có vẻ muốn nhấn mạnh vào hai điểm: Học yêu thương người khác và thâu lượm sự hiểu biết.

Đường giới hạn

Rất nhiều người khi chết lâm sàng đã kể về đường giới hạn. Người thì nói là một dòng nước, người nói một đám sương mù, hoặc một hàng rào, một cái cửa. Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng thì thấy cây cầu và dòng sông.

Hầu hết các cảnh tượng đều diễn ra như sau: Cảm giác như thấy mình đứng cạnh đường giới hạn. Bên kia đường giới hạn là người thân, tất cả là những người đã chết vẫy gọi, chờ đợi. Tuy nhiên, người này thường có cảm giác chưa muốn chết, nên không sang bên kia đường giới hạn, mà chọn con đường quay trở về, thế là sống. Hoặc cũng có trường hợp một người thân đã chết đứng bên kia đường giới hạn bảo đại ý: "Về đi, công việc chưa xong chưa thể chết được". Người này thấy mình còn nhiều trọng trách nên chưa muốn chết, muốn quay về làm cho xong, thế là sống lại.

Điều rất lạ lùng là cùng trong hoàn cảnh phân vân trước đường giới hạn, không biết nên đi hay về thì vẫn trông thấy các bác sĩ và y tá săn sóc thân thể và người đó như một người đứng xem. Nhiều người lại còn cố đến gần bác sĩ và nói: "Tôi chưa chết". Tất nhiên, chẳng ai nghe thấy cả. Tất cả các hình ảnh: bác sĩ, y tá, phòng bệnh, cây cầu, tàu thuyền, hàng rào, nước, bờ... lẫn lộn với nhau như là chập vào nhau và tất cả giường như xảy ra cùng một lúc.

Trở về đời sống

Hầu hết những trường hợp chết lâm sàng đều kể lại rằng, lúc mới thoát khỏi thân xác thì mang tâm trạng muốn trở về, nhưng khi đã thấy hình ánh sáng, họ cảm thấy sung sướng lạ lùng nên không muốn trở lại đời sống nữa. Tuy nhiên, những phụ nữ có con nhỏ, hoặc những người đàn ông "gà trống nuôi con", hoặc nuôi cha mẹ già yếu, bệnh tật, cảm thấy có bổn phận phải về. Cái cách "trở về" thật đặc biệt: "Tôi ở cách thân tôi mấy thước, thấy họ lôi thân tôi ra khỏi chiếc xe mà tôi lái gây tai nạn, rồi hình như vút một cái tôi bị lôi cuốn vào một khu nhỏ hẹp như là một cái ống đen tối, trở về thân tôi. Khi tôi bị hút vào như thế, hình như sức hút từ đằng đầu và tôi chui vào đầu tôi. Nhanh chóng lắm không kịp suy nghĩ. Sau khi trở về cảm giác vẫn còn tồn tại trong một thời gian". Có người lại kể: "Tôi thấy bác sĩ dùng máy điện dập mạnh vào ngực. Tôi nảy lên một cái, thế là tôi rơi bịch vào thân thể, rồi tôi tỉnh lại trong thân xác mình".

Kể lại cho người khác nghe

Theo điều tra của bác sĩ Moody, những người từng trải qua hoàn cảnh chết lâm sàng đều tìm cách kể lại cho mọi người nghe cảm giác đó và quả quyết những gì đã thấy là sự thật chứ không phải ảo vọng, tuy nhiên, những người nghe chuyện đều coi đó là những câu chuyện hài ước, bịa đặt, thậm chí còn nghi ngờ họ bị thần kinh, tâm thần, vì họ cho rằng sau cuộc thử thách với cái chết, tinh thần đã bị rối loạn. Những người chỉ tin vào khoa học vật lý thì coi đó là hiện tượng ảo giác. Chính vì thế, phần nhiều trong số những người từng trải qua cảm giác đó đã giữ yên lặng, chỉ kể cho vài người rất thân hoặc cho những nhà khoa học nghiên cứu họ. Một số người cũng nghĩ rằng đó là ảo ảnh hoặc sợ người khác cho mình có biểu hiện tâm thần nên nhất định không kể.

Quan niệm mới về cái chết

Qua con số tổng kết, đánh giá, nghiên cứu từ 150 người chết lâm sàng, bác sĩ Moody kết luận: Tất cả những người đã trải qua kinh nghiệm về cái chết đều nhận thấy rằng chết không phải là hết, chết không đáng sợ mà là đáng mừng, chết không phải là khổ mà lại là sung sướng, có cảm tưởng như về nhà (?!). Tuy nhiên, điều may mắn là không ai trong số họ nghĩ đến việc đi tìm cái chết, mà có quan niệm phải làm tròn phận sự ở đời trước khi chết.

Không một ai trong số 150 người nói đến những điều mà thế gian tưởng tượng, như thiên đường, địa ngục, thần thánh, quỷ sứ... Cũng không thấy có sự thưởng công và phạt tội. Hoạt cảnh diễn ra trước mắt về cuộc đời đã qua như một cuốn phim, dường như là để học hỏi, để cải thiện lầm lỗi, để ý thức (linh hồn) tiến hóa qua tình thương và hiểu biết sự tiến hóa ấy không bị ngừng vì cái chết.

Để kiểm tra tính xác thực qua lời kể của những người từng chết lâm sàng, bác sĩ Moody đã tiếp xúc với các bác sĩ, y tá từng cứu chữa cho họ và hầu hết bác sĩ, y tá và những người chứng kiến đều xác nhận rằng những bệnh nhân hồi tỉnh đã kể lại những gì họ đã thấy trong khi họ bất tỉnh, đúng với những hành động và lời nói của bác sĩ và y tá trong lúc cố gắng cứu sống họ. Thậm chí, một người sau khi tỉnh lại đã kể cho người cha nghe, sau khi tai nạn xảy ra, ai đã đem xác anh ta ra khỏi chiếc xe ô tô bẹp dúm, đem bằng cách nào, người ấy mặt áo màu gì, và những người chung quanh nói những gì. Mọi người đều xác nhận những lời anh ta kể là đúng cả.

Một người kể: "Khi tôi ra khỏi xác thân, thì hình tôi cũng như hình ánh sáng. Không phải là một thân hình, tựa như một làn khói hoặc hơi nước, hơi tròn mà lại có tay, vì khi ánh sáng thò tay xuống thì tôi dơ tay lên nắm lấy. Nhưng tôi vẫn trông thấy tay tôi bất động bên cạnh thân tôi trên giường.

Bấy giờ ánh sáng và tôi xuyên qua trần và tường từ trong phòng ra đến hành lang, lại xuyên qua sàn xuống tầng dưới. Bay xuyên qua như thế không khó gì cả. Tôi thấy rằng chúng tôi đã xuống đến phòng hồi sinh của bệnh viện. Trước kia tôi không hề biết phòng hồi sinh ở đâu, nay chúng tôi lơ lửng ở góc phòng gần trần, nhìn xuống các bác sĩ, y tá và giường chung quanh. Hình ánh sáng chỉ cho tôi một cái giường và bảo tôi: "Họ sẽ đưa anh từ bàn mổ xuống giường này, nhưng anh sẽ không bao giờ thức dậy cả. Anh sẽ không biết gì sau khi vào phòng mổ cho đến khi tôi trở lại dẫn anh đi". (Câu nầy có nghĩa là tôi sẽ chết trên giường này và ánh sáng sẽ trở lại dẫn hồn tôi đi.) Lời này không phải là lời nói ra tiếng mà nghe được, chỉ là một cảm giác truyền đến cho tôi nhưng rất rõ ràng. Sau đó chúng tôi trở về phòng bệnh và tôi thấy thân tôi vẫn nằm y nguyên như trước, rồi tôi lại nhập vào thân tôi.

Chiều hôm trước ngày mổ, tôi rất lo lắng. Vợ tôi và tôi có một đứa cháu nuôi làm con, tôi lo cho nó. Tôi viết một lá thư cho vợ tôi và một cho cháu tôi, bày tỏ sự lo lắng, rồi tôi khóc. Tôi cảm thấy một hình đứng cạnh tôi, tưởng là một y tá nghe tôi khóc mà chạy đến, nhưng tôi không nghe thấy tiếng mở cửa. Tôi cảm thấy hình đấy, nhưng không thấy có ánh sáng, và ý nghĩ truyền sang tôi, hỏi: "Tại sao anh khóc? Tôi tưởng anh thích đi với tôi". Tôi nói: "Tôi muốn đi lắm, nhưng tôi lo cho cháu tôi, tôi lo vợ tôi không biết cách dạy nó. Tôi đã viết thư rồi, nhưng tôi nghĩ rằng chưa đủ, cần có mặt tôi." Tôi cảm thấy trả lời:" Vì anh nghĩ đến người khác, cầu xin cho người khác, không phải riêng cho anh, thì tôi sẽ cho anh được như ý muốn, anh sẽ sống cho đến khi cháu anh trưởng thành". Rồi hình ấy biến mất. Tôi không khóc nữa và xé bỏ thư đi.

Sáng hôm sau cuộc giải phẫu rất lâu nhưng tốt đẹp. Khi tôi ngồi dậy được, nhìn quanh thì thấy tôi đã nằm đúng cái giường mà hình ánh sáng đã chỉ cho tôi".

Trên đây là tóm tắt sơ lược kết quả những cuộc khảo sát của bác sĩ Moody theo lời kể lại của những người chết đi sống lại. Không những trên thế giới mà ở Việt Nam cũng có đã xảy ra rất nhiều hiện tượng chết lâm sàng, và hầu như tất cả những người đã từng trải qua đều kể lại giống hệt như những trường hợp mà bác sĩ Moody thống kê. Điều đặc biệt là hầu hết các nhà ngoại cảm ở Việt Nam, có được khả năng đặc dị đều là đã từng trải qua kinh nghiệm về cái chết lâm sàng như trên. Mặc dù, những người này đã bước qua cửa tử, nhưng chưa thực sự đi vào thế giới mà theo quan niệm phương Đông, đó là "Cõi vô hình". Qua những trải nghiệm của những người từng trải qua cái chết lâm sàng, chưa thể khẳng định ngoài thế giới thực tại, còn có một thế giới vô hình, thế giới của những linh hồn tồn tại ngoài thế giới vật lý thông thường. Tuy nhiên, qua những nghiên cứu này đã mở ra cho chúng ta những tưởng tượng phong phú và khích lệ các nhà khoa học tiếp tục tìm những lý thuyết, phương pháp mới nhằm tiếp cận tìm ra chân lý về ý thức con người.

Trong số những phương pháp đi sâu hơn vào "Cõi vô hình", các nhà khoa học trên thế giới chú tâm hơn cả vào hai biện pháp: Gọi hồn và thôi miên. Nhà khoa học, GS. Léon Denis Société Théosophique (Pháp), tác giả của công trình nghiên cứu mang tên "Sau khi chết" (Après La Mort) cho rằng, thế giới càng tiến trên đường vật chất thì càng xa tôn giáo, tín ngưỡng càng giảm. Chủ nghĩa duy vật càng tăng, thì người ta càng đi đến một kết luận cụt lủn: chết là hết. Theo ông, nhiều nhà khoa học đã cố công tìm hiểu, và với một phương pháp mới, khoa học, đó là thôi miên, họ đã đi sâu vào bên kia cửa tử và biết được nhiều bí mật của tạo hóa, những luật thiên nhiên, mà họ gọi là giáo lý huyền bí.

Những điều mà các nhà thôi miên thu thập được tóm tắt như sau:

Đời sống chỉ là sự tiến triển, trong thời gian và không gian, còn ý thức (linh hồn, tâm linh) là vĩnh cửu.

Cái mà các tôn giáo gọi là Thượng đế chính là cái nguồn của sự sống. Thượng đế là vô cùng tận mà không thể tượng hình, nghĩa là coi như tách ra khỏi thế giới, đứng riêng biệt ra ngoài. Điều tai hại của các tín ngưỡng, tôn giáo là tạo ra quan niệm một Thượng đế có hình dáng như người và đứng ngoài thế giới hữu hình. Theo quan niệm của các nhà khoa học, các nhà thôi miên, đi sâu nghiên cứu những người có khả năng đặc biệt, nghiên cứu thế giới vô hình, thì Thượng đế tự tại khắp nơi, hiện hữu trong tất cả mọi vật, là một đại thể bao gồm tất cả các thể vật.

Vũ trụ không phải đột nhiên từ hư không tạo thành, theo như các tôn giáo, mà là một cơ thể vĩ đại và vĩnh viễn. Mọi vật biến hóa và tiến triển trong vòng sinh tử bất tận, nhưng không có gì tiêu diệt. Trong khi trên trời, có những mặt trời tối đi và tắt, những thế giới già cỗi tan biến, thì ở nơi khác, có những hệ thống mới được tạo thành, với những ngôi sao sáng rực, những thế giới nẩy sinh.

Vạn vật trong vũ trụ đều có sự liên hệ với nhau và tác động qua lại, mang đến lợi ích cho nhau. Một nguyên tắc bất di bất dịch đó là sự duy nhất của vũ trụ, nó bao gồm và điều hòa tất cả các hoạt động riêng rẽ nhưng cùng một mục đích là sự toàn thiện.

Cũng trong vòng bao trùm của vũ trụ, ý thức của con người chính là một bộ phận trong toàn thể vũ trụ, không bao giờ bị tiêu diệt. Ý thức là nguyên tắc của đời sống, nguyên do của cảm giác. Nó là một sức mạnh vô hình, ngự trị trên phủ tạng chúng ta và điều hòa tất cả bộ phận trong người. Điều này đã được chứng minh, phân tích rất kỹ trong thuyết "Sinh lực luận" phổ biến suốt thế kỷ XX ở phương Tây. Theo thuyết này, ý thức chính là lực tác động để tạo nên sự sống của con người.

Mỗi đời sống của chúng ta trên thế gian là một giai đoạn của đời sống vĩnh cửu. Luật luân hồi đã được chứng minh trong giấc ngủ thôi miên, những người bị thôi miên đã nói ra những sự việc ghi sâu trong tiềm thức họ trong những đời đã qua, mà trí nhớ của con người lúc tỉnh không đạt tới được.

Mục đích tối cao là sự toàn thiện, con đường đi tới đó là sự tiến hóa. Số phận mỗi người trong chúng ta điều như nhau, không có người hơn kẻ kém, duy có con đường đi là khác nhau, người đi nhanh kẻ đi chậm. Do đó, những ý thức (linh hồn) chỉ khác nhau về trình độ tiến hóa.

Không có thiên đường cũng không có địa ngục. Không có quan tòa nào buộc tội chúng ta, ngoài chính lương tri của ta. Khi lương tri thoát ly khỏi xác thân vật chất thì trở thành sáng suốt, và luật nhân quả là tuyệt đối, bất di bất dịch. Đời sống hiện tại là cái kết quả của những đời trước, khi ý thức chuyển sang một xác thân khác thì đem theo hậu quả của cái hành vi tốt hay xấu đã làm qua.

Nhưng ý thức không bị trói buộc mãi mãi vào trái đất. Khi đã tiến hóa, sẽ đến những thế giới sáng hơn, rồi cứ như thế tiến mãi để đi đến hòa đồng với vũ trụ.

Mỗi ý thức mang trong mình tất cả quy luật của thiên nhiên. Nó là một thế giới riêng biệt, có đủ các tiềm năng. Nó càng tiến tới trong sạch thì tiềm năng càng xuất hiện, rồi dần dần đạt tới mức độ tối cao.

Trong bước tiến, ý thức phải phấn đấu, phải hy sinh, phải gian khổ. Gian khổ là cần thiết cho tiến hóa. Nó dạy cho chúng ta hiểu biết hơn, cho chúng ta biết đè nén những tham vọng, cho chúng ta biết yêu thương người khác. Tất cả đau khổ trên đời chung sức lại để đưa chúng ta đến chỗ toàn thiện.

Như vậy thì cái chết không đáng sợ, đó chỉ là một sự chuyển tiếp, một sự đổi mới, vì thực ra không có ai chết, mà là một sự thay đổi hình thức bên ngoài, mà nguyên tắc của sự sống là ý thức vẫn tồn tại mãi mãi, không bao giờ mất. Nó giữ được tất cả bản năng của nó, và tất cả những đức tính nó đã bồi đắp được trải qua nhiều đời liên tiếp. Đó là kho tàng quý giá mà chúng ta có thể đem theo để hữu ích cho ta trong đời sắp tới.

Theo GS. Léon Denis Société Théosophique thì đó là tóm lược những điều mà các nhà khoa học đã nhận thấy nhờ phương pháp thôi miên. Các nhà khoa học đã bắt đầu để ý tìm hiểu các hiện tượng huyền bí từ hơn 100 năm nay và trải qua rất nhiều đại hội toàn thế giới, song những kết luận của 100 năm trước và kết luận của các cuộc nghiên cứu ngày nay vẫn chưa tiến triển được là mấy. Các nhà khoa học đều thống nhất xác định sự tin tưởng vào những vấn đề sau:

- Thượng đế chính là sự sáng suốt tối thượng, là nguyên nhân của vạn vật.

- Ý thức là bất diệt, những đời sống của xác thân nối tiếp nhau trong cái toàn thể là vũ trụ.

- Sự giao tiếp bằng thôi miên hoặc qua trung gian là những Medium (giá đồng, nhà ngoại cảm) đã chứng tỏ rằng ý thức con người vẫn còn tồn tại sau khi thể xác mất đi. Ý thức chính là một dạng năng lượng, một dạng vật chất đặc biệt, do vậy nó tồn tại và chuyển hóa vĩnh viễn.

- Tình trạng sướng hay khổ của đời sống thế gian tùy thuộc vào trình độ tiến hóa của ý thức và sự tiến hóa của ý thức là vô cùng.

Các nhà khoa học đã nhận thấy rằng mỗi người chúng ta đều có ba phần: Xác thân, là cái vỏ vật chất tạm thời, bỏ lại khi chết như một cái áo cũ rách; Vía (perisprit) là cái vỏ dịch thể, mắt phàm không thấy được, nó theo ý thức trên đường tiến hóa và cũng thanh lọc như ý thức. Nó là một thể thanh nhẹ như ether, có hình dáng của thể xác bao bọc lấy ý thức, nó như là sợi dây liên lạc giữa xác với hồn. Thể xác của ta (theo Phật học là thân tứ đại: đất, nước, lửa, gió) luôn luôn đổi mới do các chất đem vào cơ thể và bài tiết ra. Nhờ có vía ta mới giữ được tính chất vững bền, từ trẻ đến già, xác thân có thay đổi mà ta vẫn là ta, nó tựa như cái khuôn mà thể xác đóng vào; Ý thức là tính chất thông minh, trung tâm sức mạnh nguồn gốc của lương tri và bản tính.

Ba phần ấy trên đây hợp lại thành đời sống, là căn bản tạo nên vũ trụ. Mỗi con người là một tiểu vũ trụ, cũng đủ khả năng và định luật của đại vũ trụ. Vì vậy, nếu chúng ta hiểu hoàn toàn được chính mình, thì cũng hiểu được những luật cao cả của vũ trụ. Chính vì thế, dù con người có cố công tìm hiểu trăm ngàn năm nữa thì vẫn chưa hiểu được hoàn toàn con người, cũng như chưa hiểu được hoàn toàn vũ trụ.

Qua những nhận định trên đây, có thể thấy rằng, khi các nhà khoa học phương Tây cố công nghiên cứu về thế giới vô hình, về cái gọi là đời sống ngoài định luật vật lý thông thường thì họ càng tiến đến những lý thuyết mà phương Đông đã dùng cả ngàn năm nay.

Qua đánh giá của rất nhiều nhà khoa học tâm linh của phương Tây thì ý thức (linh hồn) tồn tại vĩnh viễn qua các thể xác. Đối với ý thức thì thời gian hay không gian chẳng có ý nghĩa gì. Cuộc đời một con người chỉ như một cái chớp mắt đối với đời sống của ý thức vĩnh hằng. Như vậy, khẳng định điều này, có nghĩa là các nhà khoa học đã công nhận các luận thuyết về tiền kiếp và luân hồi trong đạo Phật của phương Đông. Để trả lời câu hỏi vô cùng lớn, vô cùng thần bí: Có tiền kiếp hay không?, bác sĩ người Mỹ Brian L. Weiss đã công bố một công trình nghiên cứu gây sửng sốt toàn nước Mỹ một thời. Công trình này có tên "Tiền kiếp và luân hồi có thật hay không?". Công trình là một ghi chép tỉ mỉ, khách quan các buổi thôi miên của ông với cô gái có tên Catherine. Những buổi thôi miên mà ông chứng kiến đã lùi về dĩ vãng của Catherine tới hàng ngàn năm. Cuộc đời của cô trải qua những thân xác khác nhau, ở những địa điểm khác nhau trên khắp thế giới, từ những hang động thời tiền sử đến Ai Cập cổ đại, đến thời hiện đại. Khi đưa Catherine về trạng thái tiềm thức, cô thực sự đã sống với những thân xác không phải là cô hiện tại và cô có thể trả lời bất cứ câu hỏi nào của bác sĩ, của các nhà khoa học, các nhà sử học về các sự kiện, các khung cảnh diễn ra xung quanh cô. Cô như đang lơ lửng trên trời và nhìn thấy thân xác mình đang sống động dưới mặt đất và sự việc cứ như một cuốn phim có thể quay nhanh, quay chậm mà tiềm thức của cô nhận biết được. Tất cả những câu trả lời của Catherine đều được các nhà khoa học, các nhà sử học kiểm chứng và đều chính xác đến mức khó tin. Cô có thể tả những trận chiến tranh đã xảy ra từ hàng trăm năm trước, kể tên, số phận, cuộc đời những con người ở những vùng đất hoàn toàn xa lạ mà cô từng biết trong tiền kiếp, rồi tên những địa danh, mà trong đời thường cô không hề biết. Thậm chí, cô còn kể lể chi tiết thành La Mã được xây dựng như thế nào, bị tàn phá ra sao, như thể cô đang sống ở đó, mà khi chấm dứt buổi thôi miên, cô thậm chí không biết thành La Mã là cái gì nữa.

Kết thúc cuộc trường kỳ nghiên cứu thần thức Catherine bằng thuật thôi miên, bác sĩ Brian L. Weiss tuyên bố rằng: "Nếu con người biết rằng đời sống là vô tận, chúng ta không bao giờ chết, chúng ta cũng chẳng bao giờ thực sự sinh ra, thì mọi sự sợ hãi sẽ tan biến. Nếu ta biết ta đã sống nhiều lần không kể xiết trước đó và sẽ phải sống nhiều lần không kể xiết nữa, ta sẽ cảm thấy an tâm biết bao nhiêu. Nếu ta biết trong trạng thái tinh thần ta sẽ gặp được những người thân yêu đã chết, ta sẽ được an ủi đến nhường nào. Nếu ta biết những hành động bạo lực và bất công chống lại con người sẽ chẳng đi đến kết quả gì thì mong muốn trả thù chắc chắn sẽ chẳng còn nữa. Và nếu quả thực, bằng kiến thức chúng ta tiến đến đời sống thần thức cao hơn thì tài sản vật chất, hay quyền thế có gì hữu ích khi chúng không phải là phương tiện đi đến sự tiếp cận đó? Như vậy, tham lam và thèm khát quyền thế không còn giá trị gì nữa.

Qua các tài liệu nghiên cứu đầy khoa học trên đây của các học giả phương Tây, bạn đọc có thể thấy rằng trên đời quả thực có một cái gì đó gọi là ý thức, thần thức, mà nền văn hóa nước ta gọi là linh hồn. Tuy nhiên, linh hồn là gì, dạng thần thức này cấu tạo ra sao thì hầu hết các nhà khoa học chưa nhìn thấy, máy móc hiện đại cũng chưa định hình, chiếu chụp được một cách rõ ràng, do vậy, nó vẫn và sẽ mãi là lĩnh vực huyền bí nhất. Trong số những tài liệu lý giải, mô tả "cái gì đó gọi là thần thức, linh hồn", thì công trình nghiên cứu có tên "Bàn tay ánh sáng" của nhà khoa học Barbara Ann Brennan đã mở ra một cánh cửa lớn để các nhà khoa học đi sâu nghiên cứu về thế giới đầy bí ẩn của con người. Tác giả sẽ miêu tả kỹ lưỡng về con người cũng như công trình nghiên cứu đặc biệt, hiện đang gây chấn động xã hội Mỹ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro