Tường Lâm | Biển

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng không biết nữa
Từ khi nào ta yêu nhau."
.
Biển ở đây ngọt lắm, ngọt như câu hò của anh ngư dân trên cung đàn sóng vỗ, mấy bận hò khoan mà lòng chưa thôi ủ ê. Trùng dương xa xăm như kéo tít tận bên kia thế giới, trên đầu còn có một biển khơi vốc ngược.

Làng chài thấp bóng đèn lên, mùi dầu đốt tan trong tanh nồng hải sản. Ở gần biển là một đặc ân, không phải lo đói meo cái bụng. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại vì chưa biết chừng nào mẹ đại dương giận dữ.

Nghiêm Hạo Tường thành thục khuân xô cá lên vai rồi đổ xuống chiếc bao mà các dì đã trải sẵn, mồ hôi rơi đầm đìa như giọt mặn sóng tạt. Cả đời này chắc cũng chỉ bám biển như dân đời đời trụ ở đây, dù sao biển cũng đã tặng nhiều sản vật như thế này.

Ấy vậy mà mẹ nói Hạo Tường sẽ không hiểu biển muốn nói gì đâu, người ở đây từ mái đầu xanh cho đến khi bạc tóc còn chưa thấu tin lành mà biển gửi gắm, thằng nhóc tí tuổi đầu sao mà biết được.

Mẹ nói vậy chứ cũng không ngờ Tường biết, biết nhiều lắm. Biết từ cái lúc mà Hạ Tuấn Lâm xuất hiện kia kìa.

Nhà họ Hạ không phải đời đời bám biển như dân làng chài, họ chỉ mới đến đây lập nghiệp chừng hai đời thôi.

Ông nội Hạ dẫn bước đến đây, yêu con sóng tạt vào bờ trắng xóa rồi ở đến tận bây giờ. Hạ Tuấn Lâm càng khác với trẻ con vùng biển, nước da anh trắng bần bật mặc cho cái nắng nóng muốn bể đầu.

Vậy mà dám trốn nhà đi phơi nắng với Nghiêm Hạo Tường, nói cái gì mà muốn phơi cho ngăm ngăm cho giống người ta.

"Đẹp hổng muốn hả? Nhờ vậy tui mới nhớ Lâm lâu chớ."

Tường nhớ mình cong cớn nói vậy đó.
Nhưng mà có biển mới biết, nhớ Lâm không chỉ vì Lâm đẹp.

Nhà Lâm có hẳn hoi mấy chiếc tàu đánh cá, giàu nứt tiếng xứ này. Nhiều khi Tường đi chung mà áp lực dữ lắm, cậu ấm này có bề gì khéo nhà cậu cho mình ở tù mọt gông.

Nói vậy chứ bám nhau dài dài, đến nỗi mà thấy đứa này không thấy đứa kia là người ta hỏi, dù hai đứa không ở chung nhà nhưng vẫn hỏi, giống như sợ hai đứa bo xì nghỉ chơi nhau hay gì.

Mà có khi nghỉ chơi thật, Hạ Tuấn Lâm dám xách đồ lên Sài Gòn chẳng dạ thưa với ai mà.

Hạo Tường bực lắm, mấy ngày liền mặt hầm hầm gặp ai cũng muốn choảng, có khi chặt con cá mà nghĩ tới cái mặt cười nham nhở của người nào đó thì nghiến răng chặt mạnh hơn, đem bỏ vô nồi nấu rồi đem ra gặm không chừa miếng xương nào.

Thương em còn hơn thương biển, thế mà em có hay biết gì đâu?
.
.
Nghiêm Hạo Tường cũng gan lắm, nói với mẹ có bạn ở Sài Gòn giới thiệu việc cho làm, lên thôi là có chỗ ăn chỗ ở luôn khỏi cần lo nghĩ gì, chỉ cần đi làm thôi.

Mẹ tin răm rắp làm Tường thấy tội lỗi vô cùng, chỉ mong vừa lên là có việc liền cho đỡ lời nói dối. Mẹ còn dúi cho tiền phòng thân làm Tường ái ngại hơn, gạt mẹ đã đành còn lấy tiền của mẹ nữa coi sao được.

Thế mà mẹ cứ nhất quyết không thu lại, nói về sắm cho mẹ cây vàng là mẹ vui rồi.

Con mà mang chàng dâu về cho mẹ, chắc mẹ "vui" ngã ngửa luôn quá?
Mà nghĩ tới chuyện đó hơi sớm, biết lên Sài Gòn rồi có tìm được Hạ Tuấn Lâm hay là không?
Rầu thúi ruột.
.
.
Sài Gòn trứ danh hoa lệ làm Tường lác cả mắt, những cung đường cứ nối nhau trải dài rối rắm vô cùng. Đúng là nơi tứ xứ hội ngộ, phồn hoa khỏi phải bàn.

Sau khi nhìn đủ đèn giao thông chớp nháy, Tường mới có tâm tư đi kiếm nhà trọ ở rồi mới tìm việc làm. Nghe giá cho thuê thôi mà muốn ngã ngang, nãy giờ mòn dép đi ba bốn chỗ vẫn chưa tìm được chỗ nào giá cả hợp lí.
Thành phố rộng lớn thênh thang mà chẳng có chỗ nào dung thân nổi.

Tự nhiên Tường thấy hơi tủi thân, giọt lệ nam nhi để Lâm thấy chắc Lâm cười thúi mặt, tại hay nhát ma người ta chọc người ta khóc rồi cười giống vậy đó nên biết kết quả lắm.

Rồi cảm xúc tự nhiên dâng trào, ngã tư đường hối hả người qua, nước mắt cứ rớt dù không muốn chút nào.

Chữ thương nhiều đến mức tôi rời khỏi vòng an toàn của bản thân để tìm em.

Tường nhớ biển lắm, nhưng nhớ Lâm nhiều hơn.

Như dự đoán từ đầu, Tường ngủ ở ghế đá công viên một đêm. Đốt tiền vào nhà trọ đắt cắt cổ, thà tiết kiệm chút rồi lại đi tìm chỗ khác hợp lí hơn nó đỡ tiếc.

Gió đêm lạnh đã đành, tới tầm một hai giờ sáng sương bắt đầu đọng, lạnh muốn thấu xương. Cái lạnh này cũng khác với lạnh ở biển.

Ở biển lạnh mang theo hơi mằn mặn của muối, chông cái bếp lên bắt nồi nước luộc khoai lang vậy mà xua lạnh được. Ngồi bên bếp bóc củ khoai tỏa khói nghi ngút ra, vò vò vào tay cho đỡ nóng rồi lột vỏ ăn, nó bột bột, mịn mịn, nó ngon lắm.

Nằm co ro trên ghế đá công viên, Tường mơ màng nhớ đến vị ngọt bùi bùi dịu dàng của khoai lang luộc ấm dạ ở vùng biển quê mình. Đang thiu thiu, tự nhiên có ai vỗ bốp bốp vào vai mấy tiếng thật kêu. Tường theo bản năng bảo vệ cái giỏ đựng tiền, dây thần kinh sợ căng chặt muốn đứt phựt luôn. Lúc này mới nhìn người vỗ vai cậu là một cô trung niên có gương mặt hiền từ, ánh mắt cô tràn ra sự lo lắng.

"Mẹ."

Bất giác sao mà thốt lên vậy. Sài Gòn hoa lệ làm Tường nghẹt thở, mẹ ở dưới quê không biết giờ đã ngủ hay vẫn còn lo trong bụng. Mắt Tường nhòe đi, mờ luôn cả ánh đèn đường lập lờ.

"Trời ơi, sao mà ngủ ở đây vậy con? Thôi đi với cô, cô có một quán phở. Đi với cô rồi cô hỏi chuyện chút."
.

Ông trời hóa ra vẫn còn thương Tường lắm, may phước sao mà gặp được người ơn như cô Nga. Cô biết Tường ở quê lên cần việc làm, cô cho một chân bưng bê chạy bàn ở quán cô luôn. Cô biết Tường không có chỗ đặt lưng, cô mua cho một chiếc ghế đẩy mắc cố định ngả xuống là thành giường.

Sài Gòn rộng lớn, tấm lòng người cũng rộng.

Tường không biết làm sao để cảm ơn cô Nga cho vừa, mỗi ngày đền đáp bằng cách hăng say làm việc, chuyện gì cũng giành làm cho bằng được. Cô Nga ưng bụng lắm, con gái cô Nga tên là Xuyến càng ưng hơn.

Có một hôm, Xuyến đánh bạo nắm lấy bàn tay đang bê tô phở nóng của Tường, làm cho Tường run tay nghiêng tô, nước lèo tràn ra khỏi vành tô vững vàng đáp lên áo khách.
May mà khách dễ chịu lắm, luôn miệng nói không sao.

Nhưng mà cái giọng này quen quen.

"Hạ Tuấn Lâm?"

Người muốn gặp rõ ràng ở ngay trước mắt, ở dưới quê hô hào trong lòng phải gặp bằng được, giờ ông trời đưa tới lại không biết nói gì.

"Lâm ăn cơm chưa?"

Trời đất ơi, người ta vào kêu tô phở rồi giờ hỏi người ta ăn cơm chưa. Tường muốn cú đầu mình lủng luôn cho đỡ quê.

"Lâm ăn rồi."

Lâm chịu khó trả lời lắm, tuy hơi lúng túng. Sức ăn vẫn như ở quê ha, có hơn chứ không có bớt. Kiểu này nuôi chắc sạt nghiệp quá.

Tường nghĩ vẩn nghĩ vơ, lơ tơ mơ sao mà để em Xuyến nắm tay cũng không hay.

"Bồ hả?"

Lâm đánh mắt nhìn bàn tay đang đan vào nhau.

Tường hết hồn buông ra, Xuyến giận dỗi dậm chân rồi đi vào trong. Cái điệu này là chuẩn bị méc cô Nga rồi.

"Làm gì mà bồ trời? Lên đây kiếm Lâm mà có bồ sao được."

"Lên kiếm tui mắc gì không có bồ được?"

"Thì đó."

Tự nhiên vành tai Lâm đỏ lựng, giống như ở quê mỗi lần Tường đút cho Lâm miếng cá nướng thơm mềm. Tường có cảm giác như hai đứa vẫn còn ngồi trước gió biển, nghe sóng vỗ rì rào từng cơn.

Biển du dương bản tình ca không hồi kết, phả lên mái đầu từng hồi mặn nồng tựa như đã ra mắt ông bà từ thuở nào.
.
.
Lâm thấy Tường khổ quá, nhịn không nỗi rủ Tường về ở chung với Lâm. Ban đầu Tường tính từ chối đồ cho có giá, mà sợ lời ra khỏi mồm xong mất cơ hội ở cùng với Lâm thật nên thôi.

Đổi chỗ ở thôi chứ hằng ngày Tường vẫn đến chỗ cô Nga bưng phở, dù Lâm đã nói là có nơi tốt hơn nhưng phần ơn của cô Nga trả nửa đời vẫn còn thấy thiếu.

Mẹ dạy Tường, nhớ những gì người ta cho mình chứ đừng để trong bụng cái gì mình cho người ta.
.
Nhà Hạ Tuấn Lâm giàu thật, chuẩn bị hẳn một nơi ở khang trang giữa Sài Gòn đắt đỏ để cho cậu con trai độc đinh học đại học. Tường nhìn thấy Lâm giàu riết quen rồi, giờ mà Lâm đi thuê trọ ở mới lạ lùng.

Nhà thì vừa một người ở, nội thất đầy đủ còn mới tinh.

"Tường ngủ chung với Lâm nghe."

Tường thấy đề nghị này nguy hiểm lắm, cái mặt lạnh tanh chứ trong lòng đang gào thét ầm trời dậy đất. Khoái quá kệ đi, chứ sao mà từ chối được.

"Lâm ở một mình sợ lắm đúng không?"

"Nhờ ơn phước mấy câu chuyện ma của Tường mà tui sợ hơn rồi đó."

"Tui cố ý đâu, kể để Lâm ôm tui thôi mà."

Chết, lỡ mồm.

"Tường hông kể thì tui cũng muốn ôm Tường."

Tường nghe vậy còn chấn động hơn, trái tim trong lồng ngực đập muốn rớt ra ngoài. Tận bây giờ mới hiểu hết bản tình ca mà biển gửi gắm, rằng ta yêu người và người cũng yêu ta.

Tình yêu khó tả biết chừng nào, hai kẻ đang yêu cứ thế để cho tình yêu chi phối. Mặc cho cảm xúc ứ đọng trong bốn bức tường màu kem, đôi môi chỉ còn biết hút lấy mật ngọt nơi đầu lưỡi của đối phương.

Yêu một khắc thôi, được đáp lại mà như đã qua một đời. Chút ấm áp mà Sài Gòn lắng đọng toàn bộ đều nằm nơi đáy mắt của em. Ta trao nhau tất cả tình yêu đương độ nhiệt huyết, ta chẳng để lại thứ gì cho bản thân nữa.

Hạ Tuấn Lâm ngả người vùi mặt vào cổ Nghiêm Hạo Tường, cảm nhận bình yên chưa từng có.
.
.
Hằng ngày trôi qua êm đềm, Tường đưa Lâm đi học rồi đi làm, cuối ngày lại đến trường đón Lâm về ăn bữa chiều đã chuẩn bị sẵn.

"Cá gì mặn chát vậy?"

"Sao mặn mà bằng tình mình?"

Lâm nhấc cái nồi lên, đáy nồi đen xì rớt xuống bàn vang lên tiếng lạch cạch, còn thân nồi và quai cầm vẫn còn trên tay cậu. Con cá không rõ là thuộc loại nào nằm yên tại đáy nồi như hóa thạch thời kì khủng long.
Để Nghiêm Hạo Tường nấu có ngày hai đứa xuống lỗ sớm.

"Lâm biết sao tui kho cá dở hông?"

"Sao?"

"Tại đang kho mà bản mặt Lâm cứ chình ình xuất hiện trong nồi á!"

Bữa đó Tường ra phòng khách ôm nồi cá ngủ.
.
Con người khô khan như Tường mà đến mùa Noel cũng nao nao trong bụng đến lạ, nhìn người ta nối nhau mua quà bên cửa hàng đối diện ngẩn ngơ suốt buổi sáng.

Đó giờ ở quê có biết Noel là ngày gì đâu, thú thật là giờ biết rồi vẫn thấy nó như ngày thường thôi à. Mà hình như từ khi quen nhau vẫn chưa tặng được cho Lâm món quà nào cả.

Lâm từ nhỏ đến lớn có thiếu gì đâu?

Thiếu sót lớn nhất là Tường mới bù vào gần đây rồi còn gì nữa?

Khổ não vậy thôi chứ nhận lương xong là có quà đỏ chót trên tay sẵn sàng trao cho người yêu liền. Bên trong là một chiếc áo len không hợp lắm với Sài Gòn nóng hừng hực.

"Tặng Lâm nè, áo len không ấm bằng chiếc ôm của tui nhưng Lâm mặc đi, tui lỡ mua rồi."

Bàn tay giơ lên của Lâm không giấu vết hạ xuống, chất liệu mềm mại kiểu này không rẻ đâu, chẳng biết bằng bao nhiêu ngày lương của Tường nữa.
Tự nhiên thấy cưng quá, hết muốn đánh.
.
Qua Noel là tết Tây, đón tết Tây được nhiêu lâu đâu là đến tết ta rồi. Ngoài đường rao bán bánh chưng, bánh tét nghe mà nôn tết dễ sợ. Sài Gòn như phủ lên cho mình chiếc áo đỏ điểm xuyết mai vàng, khắp phố phường nô nức người đến người đi, ai nấy đều hân hoan chờ một mùa xuân mới.

Lâm với Tường dọn đồ từ hôm qua, đã đến lúc về quê ăn tết rồi. Cô Nga dặn đi về là phải về sớm, không là chen xe đò cho bẹp thành chiếc dép lào luôn.
Dù cho đi sớm tới cỡ nào thì trên xe vẫn xảy ra tình trạng nhồi nhét, dân tứ xứ đến đây ai mà không muốn sớm về quê đoàn tụ cùng gia đình.

Tường để Lâm ngồi ghế cạnh cửa sổ, còn mình thì ngồi ngoài che cho cậu đỡ bị chen chúc. Mồ hôi rơi ướt áo, đi xe đò mà tưởng xông hơi, vừa mệt vừa bị đủ thứ mùi làm choáng váng đầu óc.

Lâm say xe phờ phạc cả người, Tường xót lắm. Bưng phở không biết chừng nào mới đủ tiền mua cho Lâm chiếc xế hộp để Lâm ngồi đỡ mệt.

Tường vén tóc mái đã đẫm mồ hôi, chạm nhẹ vào gương mặt người yêu dấu. Sao mà thương Lâm dữ vậy trời? Thương biết để đâu cho hết bây giờ?

Đang ngắm Lâm ngon lành, tự nhiên ở đâu có con gà xổng chuồng bay lên đùi làm Tường hết hồn, tiếng la bàng hoàng đánh thức mấy vị khách ngồi ở ghế trên.

"Trời đất cơi, có con gà không chú em làm gì la ghê vậy?"

"Gà của ai xổng kìa bà con ơi!"

Chủ nhân con gà tới cầm cặp cánh nó đem nhét lại vào chuồng, tự nhiên

Tường nghe có tiếng cười khúc khích.

Nắng luồn qua từng kẽ tóc mềm mượt, ưu ái hàng mi rũ mà dừng lại. Khóe môi xinh đẹp khẽ nhếch để lộ hai chiếc răng thỏ đáng yêu không thể tả.

"Hay tui bắt con gà đó nhảy lên mình rồi cho Lâm cười nữa nha?"

"Thôi đừng có tào lao!"

"Chứ cười đẹp quá à."

"Đó giờ mới biết hả?"

"Tui biết lâu rồi, từ cái hồi mới gặp lận."

Hạ Tuấn Lâm nghiêng nghiêng đầu, thử nhớ coi lúc mới gặp Nghiêm Hạo Tường bộ dáng mình ra làm sao.

"Nhìn mặt là biết hổng nhớ gì rồi. Để tui nói lại cho nghe. Hồi mới gặp nhau á, Lâm chọi tui chiếc dép lào tại tui đi đụng trúng Lâm, lúc đó Lâm có chút tí à mà hung dữ quá trời, chọi dép cũng hay nữa."

Nghiêm Hạo Tường lải nha lải nhải, cũng nhờ vậy mà khơi gợi được phần ký ức đã chìm vào góc sâu nhất của trí nhớ.

Hồi còn mang bầu Lâm, mẹ đi coi thầy thì thầy nói Lâm không hợp với biển, muốn yên ổn khỏe mạnh thì đi chỗ khác ở tới năm tuổi rồi về lại làng chài, hỏi rõ chi tiết thì thầy không nói.

Mà thiệt, lúc trở dạ mẹ đau quằn đau quại, hộ lý nói mẹ khó sinh, cái kiểu này mà ở quê là lành ít dữ nhiều.

Thế là Lâm ở lại Sài Gòn với cha mẹ, năm tuổi mới theo song thân về làng chài để phụ giúp ông nội chuyện kinh doanh buôn bán.

Ngày mới về là gặp Nghiêm Hạo Tường đầu tiên, hàm răng lúc đó sún sâu dữ lắm, ai mà dè lớn lên đẹp trai dữ thần vậy, mấy đứa con gái hồi đó chê chắc giờ tiếc đứt khúc ruột.

Nhưng mà cái nết nó đánh chết cái đẹp, không có người tâm tính thiện lành nào mà mới gặp con người ta đã chây sình nhão lên da người ta hết.

Hạ Tuấn Lâm bình tĩnh hỏi lí do, Nghiêm Hạo Tường nói tại thấy trắng quá khác người ta nên làm vậy cho bớt trắng.

Thế là có huyền thoại chọi dép lào mà Nghiêm Hạo Tường nhớ tới giờ.

"Với lại á, Lâm đi đôi dép xịn nhất xóm, hình con mèo con chuột hoạt hình đẹp lắm, nên tui nhớ quài."

"Đẹp là giấu luôn dép người ta?"

"Thì tại đẹp mà..."

Hạ Tuấn Lâm phụt cười, đúng là ngốc hết chỗ nói.

Xe lăn bánh chậm rì rì, dường như đang gom hết khói bụi lại phả vào da mặt, nhưng bên trong buồng xe ngợp dữ thần, không thể nào mà không mở cửa kính ra để gió trời làm dịu cơn buồn nôn được.

Nhọc nhằn lắm mới về tới quê, bước chân xuống mặt đất rồi mà Hạ Tuấn Lâm vẫn còn cảm giác chông chênh choáng váng khi còn ngồi trên xe.

Nghiêm Hạo Tường mở chai nước, kéo ống hút ra kề lên miệng Hạ Tuấn Lâm.

"Không uống đâu, đang muốn ói."

"Uống miếng đi rồi ói."

"Bị điên hả?"

"Điên mà thương Lâm cỡ này thì cũng hay rồi."

"Cảm ơn nhiều à."

Lạ lùng sao vừa đi vừa nói mà Hạ Tuấn Lâm hết muốn gặp chị "huệ", một đường bình an về đến nhà.

Nghiêm Hạo Tường đưa cậu về xong cũng về nhà mình, đứng trước thôi mà đã nghe mùi thịt kho nước dừa thơm thoang thoảng.

Tường đi xuống bếp, thấy mẹ đang bỏ thêm củi vào bếp lò.

"Mẹ, con về rồi "

Không biết là có phải do khói bếp cay hay không, nỡ lòng nào hun khóe mắt mẹ hồng hồng.

"Tắm rửa thay đồ rồi ra ăn cơm nhen con."

Một buổi chiều ngồi bên mẹ, ăn thịt kho nước dừa nhấm nháp cùng miếng dưa cải chua, cái vị mặn ngọt chan hòa nơi đầu lưỡi.

Tường lấy đũa xắn phân nửa trứng vịt kho thấm màu nước thịt, gắp cho mẹ rồi cho mình, lòng đỏ béo ngậy tan trong miệng cùng lòng trắng dai dai, ngon không tả nổi.

"Mấy nay mẹ trông bây về, tính kho từ mấy bữa trước để về có cái mà ăn. Hên sao giờ mới kho, không thì tới bữa nay nồi thịt cũng riệu dữ lắm rồi."

"Mẹ kho sao cũng ngon, ăn sao cũng không ngán."

"À vậy hả? Vậy giao cho con ba ký thịt với năm chục trứng hột vịt đó nghe, mẹ thấy hơi ngán rồi."

Nghiêm Hạo Tường cười mà nước mắt trong lòng tuôn rơi.

Năm mới lẽ ra trôi qua êm đềm lắm, hai người đang yêu cách ngày lại tìm cớ sang thăm nhau, rủ nhau ra mỏm đá ngồi hóng gió biển.

Biển hôm nay chập chờn, sóng có hơi cao.

Không khí tết cận kề, sao biển lại không dịu hiền như cách biển trong nhớ nhung của hai người xa xứ?

Sóng tạt vào mỏm đá, văng lên mặt Tường rát buốt.

Mằn mặn, đắng cay.

Cha mẹ Lâm biết chuyện hai người yêu nhau.

Nghiêm Hạo Tường quẹt mùi tanh trên khóe môi, mắt sưng bụp càng cố trừng to càng đau đớn như chuẩn bị nổ tung.

Cậu gáng lết thân mình, nhích từng nhích một, đến nơi mà có một tấm hình nhàu nát bị người ta dẫm đạp.

Nghiêm Hạo Tường cầm lên, cố vuốt phẳng lại.

Nhưng không thể như cũ được nữa.

Trong hình, hai người con trai âu yếm kề môi trước nhà thờ Đức Bà, ngày lễ giáng sinh an lành hôm ấy.

Khi Nghiêm Hạo Tường bầm dập về nhà, căn nhà của mẹ con cậu như một bãi chiến trường tang hoang, đồ đạc đổ bể khắp nơi, còn mẹ cậu ngồi bệt dưới đất khóc rấm rứt.

Cổ họng Tường nghèn nghẹn, quỳ xuống.

Mẹ không nói lời nào, nhào đến ôm chặt cậu vào lòng.

Những chuỗi ngày sau đó ví von tàn nhẫn tương tự như tàu thuyền lạc trên biển mất đi ngọn hải đăng. Nghiêm Hạo Tường cũng đang lạc mất ngọn hải đăng của chính mình.

Hạ Tuấn Lâm bị giam lỏng trong nhà, không có cách nào để biết tình hình của cậu ra sao, cậu ăn uống có ngon không, ngủ có đủ giấc hay không, giữa đêm có đạp chăn, có gặp ác mộng mà đổ mồ hôi như tắm nữa hay không.

Nghiêm Hạo Tường buồn bã nhìn căn nhà khang trang trước mặt mình, liệu người thương có đang khóc hay không?

Mấy ngày nay mẹ Tường không dám đi chợ vì sợ nghe lời đàm tiếu, miệng đời nói đâu nể gì ai, cứ nói cho thỏa mãn vậy chứ sợ ai buồn bao giờ.

Người ta nói Tường bám Lâm dai dẳng vì Lâm giàu, nói mẹ Tường đi thầy xin bùa mê thuốc lú làm Lâm mê Tường đến nỗi dâng hết tài sản.

Tình yêu của hai người bị họ vẽ vời đủ loại chuyện trên trời dưới đất, họ kháo nhau phải chăng vì bùa ngải mới có thể khiến công tử nhà giàu kia mất lí trí đi yêu một thằng con trai, đã vậy nhà còn nghèo rách mồng tơi.

Một đêm nọ, Hạ Tuấn Lâm đột nhiên xuất hiện trước cửa nhà Nghiêm Hạo Tường, cứ đứng đó không nói năng câu gì.

Nghiêm Hạo Tường nhìn người thương gầy gò, công sức ở trên Sài Gòn nuôi ra được thêm miếng thịt gò má giờ hóp lại, xanh rờn, tiều tụy.

Tường áp tay vào mặt Lâm, xoa nhè nhẹ.
Lâm nghiêng nghiêng, nước mắt tràn ra thấm ướt bàn tay đầy vết chai của Tường.

Mẹ Tường thấy hết, lặng lẽ đứng nhìn đôi tim đang trĩu nặng vì thứ tình bị người đời phỉ nhổ. Tự nhiên bà cảm thấy không hiểu, không phải chỉ cần hạnh phúc là được rồi hay sao? Cớ gì còn để ý quá nhiều chuyện để làm tổn thương con trai mình và người nó yêu như thế.

Chợt nghĩ tới cái gì, mẹ vô buồng ngủ lật gối nằm lên. Ở dưới mẹ để dành được ba chỉ vàng và hai chục triệu, tiền để mai mốt Nghiêm Hạo Tường cưới vợ còn có của để cho.

Giờ không cần thiết nữa.

Mẹ lấy hết tiền vàng ra, gói ghém trong miếng vải đen, bọc thêm một lớp nữa mới đem ra dúi vào tay Tường.

"Hai đứa...đi trốn đi. Đi biệt tích khỏi xứ này đi."

Khóe mắt của mẹ bị thời gian lưu lại vài vết chân chim nhưng con ngươi sáng ngời. Mẹ thương con, nên sẽ thương luôn tình yêu của con.

"Mẹ..."

Nghiêm Hạo Tường biết đó là gì, cậu nhét lại vào tay mẹ, lắc đầu.

"Con với Lâm có dự tính khác, mẹ đừng lo nữa. Nha?"

Hết tết, Hạ Tuấn Lâm lại phải đi học xa nhà. Dù cho gia đình có sợ hãi hai người lại ở gần nhau như thế nào đi nữa cũng không thể cản trở tương lai của Lâm.

Mẹ Lâm muốn đi theo con trai nhưng sức khỏe không cho phép, cha Lâm cũng không cho nên bà đành bỏ ý định đó, quay sang cảnh cáo Nghiêm Hạo Tường không được lại gần con trai bà, nếu không nhà Tường bà đốt thành tro.

Nghiêm Hạo Tường cũng theo lên Sài Gòn, nhưng đi sau Hạ Tuấn Lâm hai ba bữa.

Cậu đứng trước của nhà hai người, nhìn ổ khóa đã đổi mới, trong lòng dâng lên nỗi sợ vô hình. Hôm nay có phải ngày học đâu, Lâm đã đi đâu mất rồi?

Nghiêm Hạo Tường vứt hành lí ở cửa rồi chạy đi tìm Hạ Tuấn Lâm. Cậu đi những nơi hai người đã từng đi, ghé luôn quán phở của cô Nga rồi đến phòng trọ những người bạn Lâm mà cậu biết, không một ai nhìn thấy Hạ Tuấn Lâm của cậu cả.

"Trời phật ơi, cầu xin người."

Sài Gòn nô nức người qua lại, đất chật người đông mà lòng dạ Nghiêm Hạo Tường trống rỗng, tim như bị bóp nghẹt khiến cậu thở không ra hơi.

Đờ đẫn ngồi trước nhà, đôi chân đã mất cảm giác nhức mỏi.

"Bây giờ Lâm cũng bỏ tình yêu của mình, bỏ cả tui sao?"

Ở lại Sài Gòn thêm một ngày nữa, Nghiêm Hạo Tường mới đón được chuyến xe về quê.
Chiều tối muộn mới về tới nơi, Tường chạy vội đến nhà Lâm đập cửa.

Mẹ Lâm ra mở, mặt bình tĩnh lạ thường, đưa cho Tường một bức thư tay.

Nghiêm Hạo Tường run run, mở thư ra.
Nét chữ là của Hạ Tuấn Lâm, vỏn vẹn ba từ, giết chết một mối tình như cái cách mà mùa xuân đi để lại cánh mai tàn.

chia tay đi.

"Con có thể gặp cậu ấy lần cuối được không?"

"Nó không có ở đây. Nó đi xa lắm, sau này đừng tìm nó nữa."

Nghiêm Hạo Tường thẩn thờ quay về nhà mình. Mẹ cậu giống nhua biết cậu sẽ về, đứng đợi sẵn ở cửa, giang rộng vòng tay.

Cậu khựng lại một chút rồi lấp đầy cái ôm ấm áp của mẹ.

Từ nay về sau, thế giới của Nghiêm Hạo Tường mất đi một người tên là Hạ Tuấn Lâm.

.

Sài Gòn bốn năm sau, nhà càng nhiều, người càng đông, xe càng kẹt.

Nghiêm Hạo Tường ngồi trong chiếc xế hộp hạng sang mà những năm trước mình nằm mơ, về ngôi nhà vừa mua kiểm tra rồi sắp xếp lại nội thất chuẩn bị đón mẹ lên ở cùng.

Trời không phụ lòng người cố gắng, may mắn có được ngày hôm nay là chuỗi ngày vất vả chạy ngược chạy xuôi, nắng dãi mưa dầm mới có được.

Nghiêm Hạo Tường thở dài, sức khỏe mẹ ngày càng yếu hơn, bệnh đau lặt vặt mà dai dẳng, sức đề kháng đã không còn như hồi còn trẻ.

Vì vậy mà mẹ đã nghỉ luôn công việc ở bến tàu, ở nhà một thời gian ngắn, sau đó buồn tay buồn chân, mẹ lại nhập thêm ít trái cây bán cho có chuyện để làm.

Nhớ đến những gì mẹ kể qua điện thoại, Nghiêm Hạo Tường không khỏi phì cười.

Cậu chạy xe một quãng đường dài về quê, lưng nhức mỏi cộng thêm thần kinh căng chặt nhìn đường, đã mệt mỏi muốn nằm ngủ ngang.

Nghiêm Hạo Tường dừng xe trước nhà mình. Năm trước cậu gửi tiền về cho mẹ nhờ người dựng lại cổng đàng hoàng, sửa lại bếp và nới rộng buồng mẹ ra, nhưng mẹ nói tiếc tiền nên chỉ xây mỗi cổng rào.

Dây mồng tơi quấn quanh từng thanh sắt, trái tím sẫm bóng mượt dưới ánh mặt trời.

Có người đang đứng đó, cầm rổ mây ngắt từng lá mồng tơi.

"Hạ Tuấn Lâm?"

Người còn thảng thốt, trong nhà đã truyền ra tiếng gọi lảnh lót.

"Anh ơi, hái xong chưa đem vào để em nấu canh."

Hạ Tuấn Lâm cúi mặt, đem rổ không có nổi mười lá mồng tơi vào nhà, sau đó kéo một người con gái tóc dài thướt tha bên trong ra, chạy đi mất.

Nghiêm Hạo Tường nhìn theo hai người, không thể phản ứng kịp.

"Lâm ơi! Sao kéo con Hồng đi đâu vậy con?"

Mẹ Tường bước ra, lớn tiếng gọi với theo. Sau đó mẹ bắt gặp con trai mình, đôi mắt của nó mông lung mờ mịt.

Mẹ sửng sốt, sau đó thở dài.

Mẹ kể, đó là Lâm và vợ, tên Hồng, con gái của thầy Tâm đã về hưu từng chủ nhiệm lớp Tường và Lâm hồi đó.

Năm đó Hạ Tuấn Lâm không lên Sài Gòn mà ở lại nhà, mẹ của Lâm đòi nhảy xuống biển nếu Lâm đi. Để chấm dứt tình yêu sai trái, mẹ ép Lâm lấy con gái của thầy giáo cũ.

Giấu được Nghiêm Hạo Tường rồi, Hạ Tuấn Lâm ở nhà mà hồn thì đi theo cậu đến chốn phồn hoa, ba chữ kia viết xuống mà lòng dạ đau đớn, vì sao người có tình lại không thể đến được với nhau?

"Con biết không, trước ngày cưới mẹ nhìn thấy Lâm đang ở dưới biển, đã đầm nửa người. Mẹ sợ run tay run chân, mẹ sợ nó có chuyện gì, mẹ chạy ra biển kéo nó vào bờ."

Nước mắt mẹ giàn giụa, nỗi sợ ngày hôm đó vẫn chưa tan đi.

Nghiêm Hạo Tường điếng người, ngồi trơ trơ như cục đá lạnh ngắt không cảm xúc.

Sau đó, Hạ Tuấn Lâm đến chăm sóc mẹ những ngày Nghiêm Hạo Tường không có ở đó.

Và có lẽ, Hạ Tuấn Lâm sẽ không bao giờ còn cơ hội để xua đi dằn vặt trong lòng mình nữa.

Chuyện tình của họ giống như bọt biển bị cuốn tít tận khơi xa, vỡ tan hòa vào đại dương vô tận.

kết

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro