NGÔI NHÀ CỔ BỊ YỂM.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tháng Giêng, năm Kỷ Sửu! tôi có dịp ra Bắc đi lễ, lúc nhàn rỗi trà dư tửu hậu, tôi mới ngồi kể về các phép yểm bùa Lỗ Ban của cánh thợ mộc. Đang lúc nói đến cách dùng chữ để yểm bùa, thì có một chị kể rằng: Cách đây gần 10 năm, chồng chị có mua 1 căn nhà cổ mang về dựng trên nền đất của gia đình, để giữ đất. Không hiểu sao? từ khi làm xong căn nhà đó thì vợ chồng làm ăn sa sút, khuynh gia bại sản đến mức khánh kiết và hiện nay đang lâm vào tình cảnh cực kỳ khó khăn. Chủ trước của ngôi nhà đó cũng là người gặp đại hạn, vợ chết, lấy vợ thứ được ít ngày thì cô ta cũng bỏ nhà ra đi. Con cái bệnh tật. Căn nhà cổ bán rẻ như cho. Tính vào thời điểm lúc đó chỉ bán được hơn 3 triệu đồng. Người chủ sau này là 1 anh bộ đội, thấy rẻ, thấy đẹp thì mua chứ không có nhiều kiến thức về nhà cổ.

BÙA YỂM:

Tại sao nhà lại bị yểm? Câu trả lời thì hiện nay cũng giống như truyền thuyết và trở thành nhiều dị bản khác nhau. Ở đây tôi chỉ giới thiệu hai câu trả lời là hai cách hiểu thông dụng nhất:

– Chung nhất, vẫn là do cánh thợ mộc làm ra. Từ xưa đã có luật mật truyền trong nghề Mộc: "Khi đi dựng được 9 căn nhà, đến căn thứ 10 phải cúng cho Tổ nghề. Cho dù đó là nhà của chính bố đẻ mình". Những cánh thợ mộc có đức, người ta làm giả một căn nhà lợp mái rạ ở ven sông, rồi chọn ngày đốt - Nhằm ko tạo ra ân oán. Tuy chẳng gây họa cho ai, nhưng lại tốn kém. Còn cánh thợ mộc do kinh tế eo hẹp, phần do lời thề không phản bội tổ nghề, nên họ cứ thế mà làm. Biết rằng làm điều ấy là không tốt, nhưng nếu không yểm thì sợ là nguy hại cho bản thân. Cũng có khi chủ nhà ko tốt, đối đãi chẳng ra gì với thợ nên họ mới yểm cho bỏ ghét.

– Truyền thuyết thứ 2: chủ nhà vốn là người độc ác hoặc có nợ máu với dân, thường làm những việc trái với luân thường đạo lý. Tổ sư nghề mộc hiển linh và báo mộng cho anh thợ cả, bắt phải yểm ngôi nhà ấy.

CÁCH YỂM:

Cách yểm nhà thì cũng có nhiều cách. Thông thường có ba cách chính.

– Thứ nhất: thường dùng nhất là dùng mảnh chàng hoặc mảnh đục đóng găm vào 2 đầu long cốt (đòn nóc). Trên 2 cái xà ngang thì viết 2 dòng chữ:

+ Dòng thứ nhất - viết dưới xà ngang bên trái: "CÀN NGUYÊN HANH LỢI TRINH" - Nguyên những chữ này nằm trong Kinh Dịch, thuộc Quẻ Bát Thuần Càn, tượng trưng cho "Trời cao đất rộng".  Người Xưa muốn mượn những chữ ấy mà trừ bỏ những điều không tốt . Một số vùng quê khác ở đồng bằng bắc bộ, khi xây dựng các căn nhà theo lối cổ, người ta vẫn đưa bốn chữ này lên . Theo khảo cứu thì năm câu này cũng có trong câu Thần chú Yên Thổ Địa Thần của Đạo Giáo.

Khi yểm người thợ cả sẽ khéo léo chạm ẩn một chữ "Khứ" (nghĩa là đi). Đồng nghĩa với việc hung họa sẽ ập xuống nhà này - Đây là một cách yểm thừa tự. Hoặc trong 5 chữ đó, người thợ chạm cố ý bớt đi vài nét  – Đây là cách yểm chiết tự. Cách nữa là chọn giờ Thìn, ngày Thìn, rồi dùng máu chó đẻ đồ lên các nét vẽ.

+ Dòng thứ hai - viết dưới xà ngang bên phải: "KHƯƠNG THÁI CÔNG TẠI THỬ". Truyền thuyết kể lại: Khương Thái Công (không phải là Khương Tử Nha) làm nghề đồ tể. Mỗi khi ông đi mua heo, tay luôn cầm roi. Ông đã chỉ vào con heo nào, nhà đó mà không bán cho lão ta thì y rằng con heo đó sẽ chết. Vì thế, mỗi khi khắc dòng chữ này, thợ chạm thế nào cũng phải đi ăn tiết canh, rồi lén lấy chút huyết heo về đồ lên chữ. Nhà nào dính phải những dòng chữ này thì tuyệt tự, hậu duệ tan nát. Con cái đẻ ra thì ngu đần, thất học hoặc bỏ học, sự nghiệp tan rã. Chủ nhà làm ăn ngày một đi xuống.

– Còn một phương pháp yểm khác, rất ít người dám sử dụng. Vì khi dùng phương pháp yểm này thì người thợ cả phải thật cao tay. Ngoài tay nghề biết làm mộc trang trí cho nhà cửa, anh ta phải giỏi cả nghề làm quan tài và đặc biệt trong nhà anh ta luôn có 1 cỗ quan tài lớn dùng để luyện phép. Trước khi muốn yểm ngôi nhà nào, anh ta phải mặc bộ đồ khâm liệm dành cho người chết, rồi chui vào quan tài luyện phép. Khi luyện phép xong, đến trước nhà cần yểm anh ta chỉ cần họa bùa yểm vào không trung, rồi vỗ mạnh một cái là đã yểm xong, hoàn toàn không lưu lại một dấu vết nào. Yểm nhà bằng cách này thì rất khó tìm ra nơi yểm để giải, chỉ có tìm nhờ những vị thầy cao tay. Họ dùng ngải ngậm vào miệng, rồi đốt Mẫu Lệ (vỏ sò) và Hổ Tu (râu hổ) thì may lắm hình vẽ của bùa yểm mới hiện lên cột.

– Ngày xưa, khi trong nhà có cha hay mẹ chết, họ cho một mẩu mực tàu vào miệng. Đến lúc bốc mộ thì lấy ra. Khi cần yểm, họ mài mực vẽ chữ "quỷ" ( phải viết chữ nho mới công hiệu)...vào cửa, vào xà nhà, hay vào bất cứ vị trí nào thuận lợi, nhưng lại kín đáo với chủ nhà –  Yểm kiểu này thì đêm đến lại có ma quỷ quấy nhiễu. Nếu viết chữ "quỷ bệnh" thì người nhà đối phương cứ ốm đau và khó hóa giải. Phải do chính người làm đến hóa giải mới xong. Phép này bây giờ vẫn có những thầy ở các vùng LÚA NƯỚC làm, nhưng rất hiếm, và họ phải trả giá...

Miền nam có những phép: Thư vào nhánh cây; Họa bằng chân; Thư phù bỏ vào miệng cá lóc...Làm cho đối phương điên khùng, ốm đau... Miền bắc cũng có những phép làm cho lội nước điên khùng; Nói lảm nhảm cả ngày; Cởi quần áo la hét chạy...Phải nói phép này của phái bắc tông, các thầy pháp đã ra tay thì tỷ lệ đạt rất cao.

Thời gian trở về sau này, chế độ phong kiến suy thoái, trình độ thợ cả cũng không còn mấy người giỏi. Chính vì thế khi dựng nhà, có bao nhiêu ngón nghề là anh thợ cả mang ra sử dụng hết. Khiến gia chủ có khi lao đao đến mấy đời.

GỠ YỂM:

Cách gỡ yểm thì có nhiều cách. Thực ra gọi là "gỡ" thì không được chuẩn, mà là dùng phương pháp "phong yểm" (Phong nghĩa là gói lại) – tức là yểm ngược lại căn nhà bị yểm, nhằm không cho bùa cũ phát tác.

Thông thường thì khi mua nhà cổ về thì bao giờ ráp cũng làm nhỏ hơn căn nhà được mua nhằm phá yểm (nếu có). Việc đầu tiên là cưa ngắn 2 đầu long cốt lại, sào mực cũng được chặt đi theo kích thước mới. Các chân đá cũng phải thay đổi vị trí cho nhau. Còn như mua nhà không biết có yểm hay ko, thì biện pháp hóa giải cực kỳ khó khăn. Thầy muốn giải phải thực sự hiểu được nguyên lý của cách yểm trước đó và tìm ra biện pháp khắc phục phù hợp nhất.

Xin trích một bài viết về cách làm lễ dựng nhà cổ.

....... (sưu tầm) ....

Khi phần mộc và các chất liệu đã sẵn sàng để dựng nhà, gia chủ chọn một ngày tốt để làm lễ Thượng Lương, tức là lễ dựng đòn nóc, tiếng địa phương gọi là "đòn đôông". Lễ vật chính trên bàn thờ là cái đòn đôông. Giữa đòn treo một lá cờ bùa "Bát quái trấn trạch", trên có ghi ngày làm lễ và tuổi của gia chủ. Phần trên của bùa có gắn hai nhánh thiên tuế - cầu cho sự trường tồn của căn nhà. Mép dưới lá cờ có gắn 2, 4, hoặc 6 đồng tiền cổ - cầu việc tài lợi hanh thông cho chủ nha sau này.

Ngoài hương hoa trà quả, trên bàn thờ còn có một đĩa gạo, muối, hột nổ (là các viên bột nhuộm ngũ sắc rồi rang phồng lên, dùng để cúng tế), và bạc tiền vàng mã của gia chủ. Người thợ cả và các thợ khác mỗi người cũng đặt một đĩa gạo tiền trên bàn thờ để xin lộc của lá bùa. Riêng thợ cả phải để một cái khăn đầu rìu màu đỏ trên đĩa gạo của mình, và anh ta sẽ chít khăn này khi dựng đòn.

Khi hành lễ, gia chủ hoặc người chủ lễ phải khấn bài khấn Thượng Lương, với năm câu phụng thỉnh các vị tiên, tổ sư của nghề xây nhà. Một trong các vị ấy là Lỗ Ban, thời Xuân Thu (770-475 trước CN), Trung Quốc. Ông chế ra các dụng cụ cho thợ mộc như đục, cưa, thước, và được đời sau tôn làm tổ sư ngành xây dựng. Vị thứ hai không kém phần quan trọng là bà Cửu Thiên Huyền Nữ - chúa tể của mọi vật liệu trong thiên nhiên. Phải khấn để xin bà cho phép lấy cây ở rừng về làm nhà. Mỗi câu khấn thật ra có mục đích để trấn một gian hoặc chái của căn nhà. Nếu đây là kiểu nhà một gian hai chái thì bài khấn chỉ cần có ba câu đầu.

Sau khi lễ xong, gia chủ phải là người đầu tiên đỡ tay vào đòn. Sau đó đến người thợ cả, rồi đến các người thợ phụ sẽ đỡ giúp tay đòn. Trong trường hợp gặp ngày tốt phải làm lễ ngay mà chưa kịp có đủ ngói lợp. Người thợ cả sẽ gói 2 viên ngói và treo bên cạnh cờ bùa bát quái. Lá bùa này được để trên đòn nóc vĩnh viễn, hay ít nhất cũng giữ đến ngày lễ tân gia. 

Tục truyền rằng trong khi xây nhà, gia chủ phải dùng lễ để đối đãi với các thợ, nhất là thợ cả. Những người thợ nhà nghề nhưng ác tính thủa xưa có thể dùng bùa Lỗ Ban để hại gia chủ nếu họ bị ngược đãi. Bùa Lỗ Ban có 3 hạng: thượng, trung, hạ. Mỗi hạng lại có 16 cặp để yểm giải. Đầu tiên người thợ sẽ nhìn vào cờ bùa Thượng Lương để biết rõ can, mệnh, tuổi gia chủ. Tuỳ theo căn cơ cao thấp của chủ nhà mà chọn bùa. Thường thì người ta viết một lá bùa nhỏ rồi dấu vào khe đòn tay, kèo, hay chân cột khi thuận tiện. Cũng có khi người ta yểm thêm vào đấy một con ngựa và một cái kiếm khắn nhỏ. Với người thợ cao tay ấn, họ chỉ cần vung tay trái vẽ bùa lên không, rồi vỗ tay vào cột chính là đủ.

Phức tạp như thế nhưng vẫn chưa xong, người xưa còn phải rất cẩn thận khi thiết kế đất vườn chung quanh nhà. Mỗi thứ cây đều có hàm một ý nghĩa nào đó. Thí dụ: cây Tùng, Bách là cây Tiên Lão trường sinh, chỉ trồng ở các lăng tẩm. Ngô đồng là cây quân tử, nên trồng trước nhà. Đào ngăn quỷ, nhưng Quỳnh chiêu gọi ma. Mít lấy từ chữ Phạn paramita (phiên âm Hán Việt là ba - la - mật - đa), có nghĩa là giác ngộ, giải thoát, cho nên hay trồng bên chùa. Cây Vả đem lại sự không may nếu trồng gần nhà, vì: "Mỗi cây Vả, ngã một người". Rồi lại còn các quy cách như "Đông đào, Tây liễu", "Cau trước, Chuối sau"... rất phức tạp.

Trên đường vào trước nhà, phải xây một bức trấn phong để ngăn chặn tà ma xâm nhập. Sau đó lại có hòn giả sơn, để phụ cho trấn phong. Bên cạnh mục đích mỹ thuật trang trí, giả sơn thường được làm với những dạng có hình thức Lão giáo - Thí dụ như Tam sơn; Bồng Lai tam đảo; Ngũ nhạc; Lý ngư vượt Vũ môn - để nếu có ác sự nào vượt được trấn phong thì sẽ bị lạc lối và ở lại tiêu dao trong nơi núi non tiên cảnh này. Người xưa rất sợ trường hợp - thay vì một hòn giả sơn, vì không am hiểu họ lại có một "gò mã ma ở" do thợ có ác ý đắp trước nhà.

"Các tục lệ, tin ngưởng, nghi lễ trong việc xây nhà Rường trước đây là những yếu tố hình thành nền văn hoá Việt Nam nói chung và Huế nói riêng. Bao nhiêu công sức, bao nhiêu tâm nguyện của người xưa được đặt vào mới tạo nên một ngôi nhà Rường. Tất cả có lẽ đều có mục đích để cho người ta trân trọng, gắn bó với căn nhà hơn".

Theo Trịnh Bách (Huế xưa và nay).

Pháp sư Huyền Trí
&
duonghoainam61.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#yembua