Truyện ngắn: NHỮNG CƠN MƯA MÙA HẠ (Nguyễn Lâm Anh Kiệt)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đà Lạt đêm thứ Bảy, trời đầy mưa. Những cơn mưa cứ ồ ạt đổ xuống trước sân nhà. Thành phố bây giờ vắng lặng và lạnh lẽo vô cùng. Cái giá lạnh đó không tha cho bất cứ ai. Nó khiến tôi dù đang ngồi sưởi ấm trong nhà cũng phải rùng mình liên tục vì không chịu nổi sự rét buốt của những cơn mưa mùa hè.

Không biết từ bao giờ và cũng chẳng hiểu vì sao tôi lại thích ngắm mưa như vậy. Đặc biệt, tôi thích nhất là nhìn mưa qua khung cửa sổ, nơi những giọt mưa trắng xóa đọng lại trên ô kính trong suốt, phảng phất một nỗi buồn man mác không tên. Từng giọt mưa vương vấn đó có một sức quyến rũ kỳ lạ khiến tôi có thể ngắm nhìn chúng cả tiếng đồng hồ. Và ôi sao, tôi thấy mình thật may mắn khi được tận hưởng khoảnh khắc này trong những ngày cuối tháng Năm, thời điểm Đà Lạt bắt đầu những cơn mưa tầm tã và kéo dài như bất tận.

Đà Lạt thường hay mưa, và mưa Đà Lạt thì... rất đẹp! Mưa ở đây thật khác biệt so với những mảnh đất mà tôi từng đi qua. Không ồn ào, nặng hạt và chợt biến đi trong phút chốc, mưa Đà Lạt nhẹ nhàng, thoang thoảng buồn, mỏng manh như những sợi tơ nhỏ và đến bên tâm hồn tôi tựa như bản tình ca dang dở.

Có một người con gái vẫn thường đắm mình trong làn mưa bao phủ mỗi khi đêm xuống. Tôi không biết cô ấy là ai, chỉ thấy đêm nào cô ấy cũng ra trước hiên nhà, đưa tay hứng từng hạt mưa rơi rớt. Thậm chí, cô ấy còn đi chân trần ra đường, đùa nghịch nước mưa dưới chân mình. Hình ảnh ấy thật thi vị! Đúng với câu người dân nơi đây thường nói: mưa Đà Lạt chính là cô gái e ấp tuổi mười tám. Tôi tự hỏi không biết có phải những ai yêu Đà Lạt và yêu mùa mưa ở đây đều lãng mạn như cô ấy không?

Trong tiếng mưa rả rích bên tai, khi cảm xúc tôi đang miên man theo người con gái ấy thì có tiếng gõ cửa của dì Sáu. Dì chỉ vào phòng nhắc tôi ngủ sớm để sáng mai còn về Sài Gòn cho kịp ngày thi cuối kỳ. Tôi quên mất là mình đã ở Đà Lạt một tuần lễ, và giờ tôi phải trở lại Sài Gòn khi còn chưa cảm nhận sâu sắc hết cái đẹp, cái tình và nên thơ của "Thành Phố Mộng Mơ".

Mặt trời lấp ló sau những đồi thông xanh. Đà Lạt lững lờ, mơ màng trong màn sương buổi sáng. Tôi thu xếp hành lý, ra ngoài cổng đứng chờ dì Sáu, tranh thủ hít thở khí trời se lạnh và quan sát cảnh vật nơi phố núi thêm một lần nữa trước khi lên xe. Mọi thứ xung quanh tôi vẫn lặng yên, từ những dãy nhà cho đến mấy hàng cây ven đường. Hình như mọi người ở đây còn thức sớm hơn cả tôi. Tôi nghe được tiếng lá thông xào xạc khẽ đung đưa trong gió và có cảm giác hơi sương đang lướt qua đôi tay mình. Căn biệt thự màu tím nằm đối diện nhà dì Sáu có một vườn hoa rất đẹp! Hoa khoe sắc, mọc đầy trong sân và trải khắp lên hàng rào bên ngoài. Rồi cô gái ấy mở cửa bước ra, trên đầu đội khăn len và cầm theo một túi hành lý. Tôi đoán cô ấy chắc chuẩn bị đi đâu đó giống tôi. Chúng tôi thoáng nhìn nhau, cô ấy nở nụ cười nhẹ nhàng với tôi, tôi cũng cười chào lại. Khi tôi định mở lời nói với cô ấy vài câu thì dì Sáu dắt xe ra. Dì nhắc tôi:

- Con nhìn gì mà như người mất hồn vậy? Coi xem đồ đạc đã lấy đầy đủ chưa, kẻo lúc về nhà rồi mới hay để quên đồ là dì không chịu trách nhiệm đâu nha!

- Dạ, con kiểm tra kỹ rồi. Mình đi thôi dì!

Lúc tôi và dì Sáu nói chuyện thì taxi đã đưa cô ấy đi được ít phút. Trước khi ra bến xe, dì Sáu chở tôi đi ăn bánh căn rồi ghé qua chợ Đà Lạt thưởng thức món sữa đậu nành nóng hổi. Thức uống bình dị này đã chinh phục tôi từ ngày đầu đặt chân đến "Xứ Sở Ngàn Hoa". Hương vị của nó thật khó quên! Nhấm nháp ly sữa nóng trong thời tiết lành lạnh mang lại cho tôi một cảm giác rất thú vị! Và có lẽ, chỉ khi thưởng thức ở Đà Lạt thì thức uống này mới trở nên đặc biệt lạ thường.

Xe khách khởi hành lúc 9 giờ. Bàn tay tôi vẫn còn chút hơi nóng từ ly sữa mang lại. Ngồi trên xe, tôi nhớ lại vào thời gian này mấy ngày trước, khi ưu tư trầm mình trong quán cà phê cạnh hồ Xuân Hương. Cứ thế, bao nhiêu hình ảnh khác theo đó mà tràn về trong đầu tôi. Đôi lúc, tôi cứ băn khoăn nhịp sống ở nơi đây chậm rãi là do con người hay do chính thành phố này, từ trong sâu thẳm đã êm ả và lặng lẽ như một cuốn phim buồn không hồi kết.

Đến 16 giờ 30, xe khách tới Sài Gòn. Chiều nay, Sài Gòn nắng đẹp. Vẻ bình yên và tĩnh lặng của những ngày trên phố núi được thay thế bởi không khí nhộn nhịp, hối hả nơi đô thị phồn hoa. Ngó ngang ngó dọc một hồi, tôi thấy thằng Tùng đậu xe ngoài bến. Tôi lén đi nhè nhẹ đến chỗ nó đứng để làm nó giật mình:

- Chào bạn hiền! Đợi mình có lâu không?

- Mình chờ Kiệt 1 tiếng rồi đó! Kiệt mà ra chậm chút nữa là mình cho Kiệt đi bộ về luôn!

- Đứng đợi 1 tiếng hay là mới tới? Tưởng mình không biết hay gì mà nói xạo đó?

Thằng Tùng liền nói lảng sang chuyện khác:

- Thôi lên xe đi rồi nói tiếp! Mình còn nhiều câu hỏi dành cho Kiệt lắm này!

Tùng là bạn học cùng lớp với tôi. Có điều, học hết học kỳ 1 năm nhất thì nó rút hồ sơ ở trường. Nó bỏ ngành Truyền thông đa phương tiện để ôn thi vào Đại học Sân khấu – Điện ảnh ngành Đạo diễn Điện ảnh – Truyền hình. Tôi không biết nó có đam mê nghề đạo diễn thật không, vì nó là đứa dễ thay đổi, lúc thích cái này lúc thích cái khác, chẳng thể nào hiểu được. Tôi chúi đầu ra trước thì thấy nó cười cười. Nó hỏi tôi:

- Mà công nhận Kiệt gan thiệt! Nhà trường cho sinh viên nghỉ một tuần để ôn bài, vậy mà Kiệt dám dùng một tuần đó để đi du lịch tuốt trên Đà Lạt. Không sợ rớt môn à?

- Thì có sao đâu! Quan trọng là tới bữa thi mình làm bài được thôi.

Nghe tôi nói vậy, nó cười sặc sụa chọc tôi:

- Ha ha ha! Bộ định quay tài liệu hả cha nội? Làm vậy là không được đâu nha!

- Tùng nghĩ sao mình mà lại quay tài liệu! Cùng lắm rớt môn thì thi lại thôi.

Thằng Tùng lại "động viên" tôi theo cách cũ rích:

- Nói thế thôi chứ Kiệt đừng lo chuyện thi lại. Sau này, mình là đạo diễn nổi tiếng rồi, lúc đó mình sẽ cho Kiệt đóng vai chính trong phim của mình.

Trước sự tự tin của thằng Tùng, tôi không thể kìm nén được cơn cười đang âm ỉ trong bụng.

- Thôi bỏ đi Tùng ơi! Ngày Tùng trở thành đạo diễn nổi tiếng chắc mình có cháu bồng luôn rồi quá!

- Thì cứ chờ xem! Rồi mình sẽ cho Kiệt thấy tài năng của mình!

Thằng Tùng vẫn không chịu bỏ cái tật chạy xe như "ma đuổi". Chiếc Max của nó có 50 phân khối thôi nhưng nó lại lao xe như mấy tay đua tốc độ khiến tôi sợ chết khiếp mỗi lần đi chung với nó. Vừa chạy xe nó vừa hỏi tôi hết câu này đến câu khác. Và trong hàng ngàn câu hỏi linh tinh đó, tôi biết thế nào nó cũng sẽ "đề cập" đến chuyện bạn gái. Tôi kể cho nó nghe về cô gái tôi gặp đối diện nhà dì Sáu. Thằng Tùng có vẻ thích thú:

- Trời! Có cô gái dễ thương và ngây thơ như vậy sao? Mà Kiệt có làm quen, xin số điện thoại hay nick Facebook của em này chưa?

Tôi cũng thành thật nói ra nỗi niềm của mình cho nó biết:

- Có xin gì đâu. Mình còn chưa có cơ hội để bắt chuyện với em ấy nữa mà. Với lại, làm quen con gái lộ liễu quá mình cũng thấy ngại.

Đột nhiên thằng Tùng hét lên, như thể nó tiếc nuối giùm tôi chuyện này:

- Trời đất ơi, Kiệt nhát quá! Ở gần nhà mà còn không dám làm quen! Gặp mình là mình chinh phục em này lâu rồi!

Đang đi nửa chừng, bạn tôi dừng xe lại. Nó nói phải quay ngược về bến xe để đón bạn gái cũng ở Đà Lạt xuống. Nó kêu tôi bắt xe buýt về nhà, thông cảm cho nó lần này. Tôi cũng ngờ ngợ trong đầu, không biết nó có gạt tôi không. Vì làm gì có chuyện trùng hợp như thế khi tôi và bạn gái nó đều vào Sài Gòn cùng lúc. Tôi chưa biết mặt bạn gái nó, trước giờ chỉ toàn nghe nó kể trên trời dưới đất về người con gái nó yêu. Thằng Tùng khoe bạn gái nó đang học tại Đại học Ngân hàng, là dân Đà Lạt chính gốc, rất dễ thương và mê diễn kịch. Không ít lần tôi gạ hỏi nó dắt bạn gái đi chơi chung với lớp nhưng nó toàn kiếm cớ để từ chối. Phát chán với thằng bạn như nó, tôi không nói gì thêm, xách ba lô phóng lên xe buýt. Thằng Tùng cũng chẳng buồn để ý gì đến "anh em" của nó nữa, nó vội rồ ga rồi lao xe như bay.

Về đến nhà trọ, tôi nằm dài trên giường, chẳng còn chút sức lực nào. Dù ngày mai là bắt đầu thi buổi đầu tiên nhưng tôi vẫn không thể dán mắt mình vào đống tài liệu ở trên bàn được. Đầu óc tôi quay cuồng một cách khó hiểu! Chuyến đi lên Đà Lạt vẫn còn chiếm lấy suy nghĩ tôi khiến tôi không thể tập trung để ôn bài. Thằng Tùng gọi điện rủ tôi đi ăn tối cùng nó nhưng tôi nói trong người đang mệt mỏi nên không muốn đi đâu hết. Nằm khoảng nửa tiếng, tự dưng tôi lại nhớ đến cô gái tôi gặp ở Đà Lạt. Tôi cố gắng ngồi dậy đi tới bàn vi tính. Tôi lướt tới lướt lui trên Facebook, vào những hội nhóm về thành phố Đà Lạt chỉ với hy vọng mong manh là tìm được người con gái ấy. Thật là một ý nghĩ điên rồ!

Ngày 19/6, tôi thi môn cuối cùng là Anh văn căn bản, kết thúc hơn hai tuần thi cuối kỳ căng thẳng. Tâm trạng tôi hơi lo lắng vì làm bài thi chưa tốt lắm. Mấy đứa bạn trong lớp thì trò chuyện rôm rả, tranh luận với nhau về đáp án chính xác của đề bài. Tôi không dám hỏi tụi nó, sợ rằng khi biết kết quả bài thi tôi sẽ bị xuống tinh thần. Không lâu sau, tụi nó kéo nhau ra về hết, riêng tôi còn lang thang trên tầng 3 Khoa Công nghệ thông tin. Tôi lê bước qua từng dãy phòng học, những chỗ mà tôi thầm gọi là "góc nhớ dấu yêu" suốt năm nhất vừa qua. Hướng ra ngoài ban công, tôi tranh thủ chụp lại hình ảnh những tán phượng vươn cao rực rỡ để làm kỷ niệm. Cảm giác như thể là lần cuối tôi được đứng ở đây, dù cho chỉ ba tháng nữa thôi là nhập học trở lại.

Sài Gòn cũng đang bước vào những ngày mưa hè dai dẳng, nhưng mưa ở đây vội vã và có phần thất thường hơn. Đôi lúc, mưa Sài Gòn bất chợt đổ xuống tưới mát những con đường dài, nhưng khi người ta còn chưa biết vì sao mưa đến thì nó đã vụt tan từ lúc nào không hay, để lại trong lòng người những câu hỏi không có lời đáp.

Mưa ghé ngang qua trường tôi làm ướt một khoảng sân rộng lớn. Những chiếc lá bàng lìa cành rơi ngập khắp sân thể dục trong hình dạng ủ rũ. Cây phượng vĩ kế bên trút thêm vài cánh hoa xen lẫn vào đám lá bàng kia tạo nên một bức tranh trầm mặc gợi buồn. Sắc đỏ của hoa phượng vĩ làm tôi nhớ đến Đà Lạt. Nơi đây cũng có một loài phượng tím khi hè sang phủ kín các con đường triền dốc ở phố núi mộng mơ.

Điện thoại tôi có hơn chục cuộc gọi nhỡ của thằng Tùng lúc làm bài trong phòng thi. Bình thường, nó không bao giờ gọi cho tôi vào giờ này, trừ khi là có việc quan trọng, hoặc nó đang sắp bày trò gì đó chăng? Một đứa ma lanh như nó luôn làm những điều mà người khác không ngờ tới. Thằng Tùng "nổi tiếng" đến mức dù đã nghỉ học nhưng mấy đứa trong lớp không đứa nào thôi nhắc về nó. Tôi gọi hỏi thằng Tùng xem có chuyện gì thì nó kêu tôi đến nhanh quán nhậu bình dân trong khu chợ nhỏ gần Trường Đại học Nông Lâm. Đây là nơi "đóng quân" quen thuộc của lớp tôi mỗi dịp liên hoan, sinh nhật và ăn mừng khi đạt điểm cao. Kỳ lạ là thằng Tùng dặn tôi đừng cho bất cứ đứa nào trong lớp biết tôi với nó đi nhậu. Thái độ của nó rất khả nghi!

Khi mưa tạnh hẳn, tôi đi ra cổng sau của trường để mua một ít đồ trước khi đến điểm hẹn. Cổng sau trường tôi nằm trên đường Chương Dương, một con đường nhỏ hẹp nhưng lại là địa điểm lý tưởng cho những sinh viên thích ăn uống, nghỉ ngơi và tán gẫu trong giờ giải lao. Các hàng quán mọc lên đếm không xuể, từ trà sữa cho đến những món ăn vặt, ăn chính mắc rẻ khác nhau. Không chỉ có sinh viên trường tôi mà rất nhiều bạn ở các trường xung quanh cũng cất công tìm đến các hàng quán nơi đây.

Một nhóm sinh viên Đại học Ngân hàng mặc đồ thể dục bước ra từ trong quán cơm, trông có vẻ nhí nhố và tinh nghịch. Mấy đứa con trai trong nhóm bị các nữ sinh rượt theo túi bụi. Đang dòm theo nhóm sinh viên này thì bất thình lình có cái gì đó bay mạnh vào sau ót làm tôi đau điếng. Tôi cúi xuống thì thấy một chiếc giày thể thao nữ. Tôi vừa xoa đầu, vừa đơ người ra, chẳng biết ai vừa chọi tôi nữa, đã vậy các nữ sinh trong nhóm này còn bật cười khiến tôi ngượng muốn chết. Bỗng một bạn nam chạy đến chỗ tôi, la lớn: "Nhỏ kia ném giày trúng bạn đó! Mình không biết gì đâu!". Nói xong, bạn nam này bỏ chạy nhanh như điện. Tôi quay đầu ra đằng sau theo hướng bạn nam này chỉ để xem "thủ phạm" là ai thì... ngỡ ngàng khi người đó chính là cô gái mà tôi gặp ở Đà Lạt. Cô ấy xắn ống quần, bước đến gần tôi nhặt chiếc giày kia lên và hé cười chúm chím.

- Xin lỗi bạn nha, tôi không cố ý ném giày vô đầu bạn đâu! Tại tôi đang đùa giỡn với đám bạn nên hơi quá trớn một tí.

- Không sao đâu bạn, chỉ là vô tình thôi mà. Hình như thẻ sinh viên của bạn bị rớt đằng kia kìa!

Cô ấy đi rón rén nhặt lại thẻ sinh viên. Khi cô ấy đeo thẻ vào cổ, tôi liền liếc nhanh qua chiếc thẻ đó, thì ra cô ấy tên là Vũ Xuân Uyên, sinh viên Đại học Ngân hàng niên khóa 2013 – 2017.

Sự bối rối hiện rõ trong cử chỉ của tôi khi đứng trước Xuân Uyên. Tay chân tôi run lên, trên trán ướt đẫm mồ hôi vì hồi hộp. Giây phút xốn xang chẳng cho tôi kịp nói gì thêm nữa. Xuân Uyên phóng lên xe máy của một bạn nữ khác, hồ hởi rời đi, trên tay vẫn còn cầm chiếc giày thể thao làm tôi suýt "gãy cổ". Xuân Uyên giống như là hai người khác nhau vậy! Cô ấy cá tính, mạnh mẽ và có phần nào đó hơi nổi loạn, khác xa sự dịu dàng, mong manh bên ngoài mà tôi từng thấy. Tôi không dám tin những gì vừa diễn ra là sự thật! Lần gặp lại này cho tôi nhiều cảm xúc thật đặc biệt! Phải chăng đó là cơ duyên mà con người vẫn thường hay nói, nó sẽ đến vào thời điểm mà ta không ngờ tới.

Thằng Tùng đến quán nhậu trước tôi. Nó ngồi nói chuyện điện thoại hí hửng với người yêu mặc cho tôi dòm chằm chằm sát bên. Trên bàn trống trơn, chẳng có bia hay mồi nhậu gì cả! Nó nói đợi nó chở bạn gái lại rồi mới gọi món. Cuối cùng thằng Tùng đã chịu "ra mắt" bạn gái sau khoảng thời gian dài yêu trong bí mật. Hèn chi nó mới hào phóng rủ tôi đi nhậu. Nhưng tôi vẫn chưa hiểu nếu đã công khai chuyện yêu đương thì tại sao nó không dám cho đứa nào trong lớp biết mà chỉ nói với riêng tôi? Nụ cười của nó hiện lên nét "gian xảo" đã trở thành thương hiệu. Tôi biết ngay nó có chuyện nhờ vả nhưng không ngờ là nó lại kêu tôi nói dóc bạn gái nó.

- Cái gì, Tùng muốn mình nói với người yêu Tùng là hai đứa mình học chung lớp đạo diễn? Hiện giờ Tùng đang ôn thi, chưa biết là có đậu không nữa, vậy mà dám gạt em ấy vậy à!

- Mình biết làm vậy rất khó cho Kiệt nhưng bây giờ lỡ phóng lao rồi mình phải theo lao thôi. Đợt đó, mình và em ấy quen nhau lúc đi xem kịch. Lúc nổi hứng, mình lỡ "nổ" là đang học đạo diễn ở Trường Sân khấu – Điện ảnh. Ẻm cứ đòi mình giới thiệu bạn học trong lớp cho ẻm biết. Bí quá nên mình phải nhờ Kiệt giúp thôi!

Tôi lắc đầu ngán ngẩm:

- Mình hiểu rồi, vậy là em ấy vẫn chưa chịu làm bạn gái Tùng đúng không?

- Ừ, suốt nửa năm nay mình với ẻm chỉ là bạn bè của nhau thôi chứ ẻm chưa có yêu mình.

Đúng là "cháy nhà mới ra mặt chuột"! Tôi thật chẳng biết bình luận thế nào về khả năng nói dối có thể xếp vào hạng siêu đẳng của thằng Tùng.

- Ồ, thì ra bấy lâu nay Tùng lừa mình và cả lớp à, hay thiệt!

- Chính vì thế mà cuộc gặp gỡ hôm nay rất quan trọng! Kiệt ráng giúp mình một lần đi! Chứ chuyện này mà bại lộ, ẻm giận mình chết! Kiệt hài hước, nhanh trí như vậy, chuyện nói dối đâu khó khăn gì đâu! Kiệt chỉ cần nói là học chung lớp đạo diễn với mình là được rồi.

- Nhưng lỡ bạn gái Tùng hỏi sâu về mấy môn học hay kiến thức này kia thì mình biết đường nào trả lời?

Trong tình thế dầu sôi lửa bỏng, Thằng Tùng vẫn không có chút gì lo lắng. Nó cười ha hả, tự tin theo kiểu mọi thứ đều nằm trong tầm tay của nó vậy. Nó tỉ tê với tôi:

- Kiệt đừng có sợ gì hết! Nếu ẻm hỏi gì thì mình sẽ nói hộ Kiệt. Không sao đâu!

- Nhưng Tùng không thể giấu em ấy chuyện này hoài được đâu. Chi bằng nói thật cho ẻm biết đi, chứ lỡ sau này yêu nhau rồi, lúc đó nói ra thì ẻm còn giận Tùng dữ hơn nữa!

- Mình hiểu điều đó. Nhưng bây giờ ẻm đang có ấn tượng tốt về mình, mình không thể thú nhận ngay được. Ráng giúp giùm mình đi mà!

Xét về độ dai và lì lợm thì có lẽ không đứa nào bằng thằng Tùng. Dù tôi đã phớt lờ, nhất quyết không hợp tác nhưng nó vẫn cứ lảm nhảm liên tục làm lỗ tai tôi muốn nổ tung ra. Quá mệt mỏi nên tôi đành gật đầu cho xong, nếu mọi chuyện có vỡ lở thì để nó chịu trách nhiệm. Thằng Tùng mừng như trúng số độc đắc, nhảy cẫng lên nhém xíu làm ngã luôn cái bàn. Nó chạy ù ra ngoài chỗ "con chiến mã" đang đậu. Điều tôi kinh ngạc là nó lại đi mô-tô chứ không phải chiếc Max huyền thoại như mọi ngày nữa. Tôi bái phục thằng Tùng vì không biết nó kiếm đâu ra chiếc mô-tô cực ngầu này? Chắc là lại mượn xe để "chơi nổi" trước người nó yêu nữa rồi. Tự nhiên tôi cảm thấy nôn nóng và tò mò trước sự bí ẩn của người con gái này, tôi mới hỏi thằng Tùng:

- Mà em ấy trông như thế nào vậy? Tiết lộ cho mình biết trước đi!

- Nói chung là rất xinh và cao ráo. Lát nữa gặp ẻm rồi Kiệt sẽ thấy.

20 phút trôi qua, bụng tôi đói meo vì chờ "nàng thơ" của thằng Tùng xuất hiện. Chịu hết nổi nên tôi kêu bà chủ dọn thức ăn và bia ra bàn luôn. Thằng Tùng y như gắn thiết bị theo dõi trên người tôi vậy, khi tôi vừa nhấm nháp một ít bia thì nó và người ấy cũng tới nơi. Dáng vẻ cô bạn này nhìn quen quen, bộ đồ thể dục của cô ấy ướt mèm, tay áo và ống quần xắn lên cao, chân thì mang chiếc giày làm tôi nhớ lại cơn đau khi nãy. Tôi nghĩ vui trong đầu không lẽ mấy nữ sinh ở Đại học Ngân hàng có chung gu thời trang với nhau. Và rồi, "nàng thơ" ấy tháo nón bảo hiểm ra, tôi nhận được câu trả lời không hề mong muốn. Trái đất này thật tròn, người tình trong mộng của thằng Tùng chính là Xuân Uyên.

Ấn tượng trước đó về Xuân Uyên còn chưa phai mờ thì cô ấy đã đưa tôi đến một bất ngờ khác. Mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn biết bao nếu người đó không phải là Xuân Uyên. Tôi đứng dậy mượn cớ có việc bận đột xuất để chuồn khỏi quán. Mặt thằng Tùng hốt hoảng, nó khều khều vào lưng tôi nhắc khéo: "Kiệt này, giỡn hoài! Đã tới đây rồi thì ngồi chơi chút xíu đi!"

Bị rơi vào tình thế ở lại cũng không được mà trốn cũng không xong, tôi bức bối, cố gắng cắn răng chịu đựng, cầu mong cho bữa nhậu mau kết thúc để thoát khỏi cảnh khó xử này. Xuân Uyên bắt tay làm quen với tôi, cười nói vô tư, ánh mắt không hiện lên chút gì ngạc nhiên. Hình như cô ấy cố tình giả vờ như chưa hề gặp tôi.

Không khí cuộc nhậu diễn ra khá sôi nổi bởi sự hoạt ngôn của Xuân Uyên. Là con gái nhưng trình độ uống bia của Xuân Uyên còn hơn cả hai thằng tôi cộng lại. Thằng Tùng uống qua có nửa chai mà mặt mày đỏ lên như lửa. Tôi thì khá hơn nó một chút, nhưng cũng không cầm cự được lâu. Khẽ nhìn Xuân Uyên, tôi thấy cô ấy rất vui khi ngồi cạnh thằng Tùng. Đối mặt với cô ấy, chẳng hiểu sao tôi lại khó mở miệng đến thế, bao nhiêu điều muốn nói chợt bay đi đâu hết. Bất ngờ, Xuân Uyên quay qua hỏi tôi:

- À, Kiệt nè! Kiệt đang học năm nhất ngành đạo diễn nên chưa có học nhiều mấy môn chính đúng không?

- Đúng rồi bạn! Do năm nhất nên chủ yếu học mấy môn khoa học cơ bản thôi. Bên cạnh đó tôi cũng được học thêm về photoshop và vẽ hình mẫu.

- Hả, ngành đạo diễn mà có học vẽ và photoshop nữa sao?

Tôi hú hồn khi buột miệng nói nhầm. Vì còn run nên tôi không thể làm chủ được câu từ của mình. Biết tôi bị hớ, Thằng Tùng đạp vào chân tôi để nhắc nhở. May là nó lanh miệng, kịp thời chen vào giải nguy:

- Tại bạn anh nó giỡn đó em. Sắp tới, lớp anh có làm một bộ phim ngắn, trong đó thằng Kiệt sẽ đóng vai họa sĩ thiết kế. Câu nói vừa rồi của nó là một đoạn thoại trong kịch bản thôi. He he!

- Dạ, hóa ra là vậy. Em cứ tưởng đâu ngành đạo diễn của các anh giờ đổi mới chương trình chứ! Thôi, chúng ta uống tiếp nào! Cụng ly!

Xuân Uyên đưa ánh mắt về phía tôi. Cô ấy cười nhếch mép và nhìn tôi chăm chú! Tôi nghĩ cô ấy đã nghi ngờ điều gì đó. Giọng cô ấy ẩn chứa sự dò xét:

- Mà Kiệt ở Quận 9, cách trường sân khấu cũng khá xa. Vậy Kiệt đi học bằng cách nào?

- Ờ... tôi đi bằng xe buýt.

- Đi xe buýt số mấy vậy?

Thằng Tùng đã từng dẫn tôi đi đến Trường Sân khấu – Điện ảnh, nhưng xui ở chỗ là tôi lại quên mất chiếc xe buýt đó số bao nhiêu. Trong tích tắc, thằng Tùng làm gián đoạn câu trả lời, cứu tôi thêm một bàn thua nữa. Lần này nó ác thật khi hất nguyên ly bia vào người tôi. Nó giả vờ nói:

- Chết thiệt! Xin lỗi Kiệt, tại tay mình bị con gì cắn nên mình lỡ thôi.

- Tùng vừa phải thôi chứ! Làm dơ hết áo mình rồi thấy chưa?

Thì ra tất cả đều được thằng Tùng chuẩn bị sẵn. Nó mở túi đeo, lấy một cái áo thun khác đưa cho tôi. Nó vừa nói vừa nháy mắt ra hiệu: "Hên cho Kiệt là mình có mang dư áo đó nha! Kiệt vào toilet thay đi".

Tôi cầm áo đi vào nhà vệ sinh. Ở bên ngoài, thằng Tùng lợi dụng thời cơ hướng sự tập trung của Xuân Uyên vào chuyện khác. Nó lấy giấy viết ra, chỉ Xuân Uyên cách phân tích kịch bản phim chẳng khác gì một đạo diễn chuyên nghiệp. Nhờ vậy mà tôi không còn bị Xuân Uyên chú ý nữa. Tình hình cũng bớt căng thẳng phần nào!

Hơn 3 giờ "chiến đấu", men bia ngày càng thấm vào trong người, tôi và thằng Tùng bắt đầu thấy đầu óc xây xẩm, chỉ có Xuân Uyên là còn tỉnh táo. Lo thằng Tùng nói lè nhè lung tung, tôi kêu nó tính tiền rồi rút khỏi quán nhưng nó không chịu nghe, cứ đòi ở lại vui chơi tới sáng. Xuân Uyên bảo tôi đi về trước. Tôi gấp rút chạy ra trạm xe buýt vì còn mấy phút nữa là chuyến cuối cùng sẽ rời bến. Đến nửa đêm, tôi gọi cho thằng Tùng, nghe cách nó nói chuyện, tôi biết nó vẫn còn uể oải trong người. Nhờ tra hỏi nó, tôi mới biết lúc nãy Xuân Uyên đưa nó về nhà, điều tôi không ngờ là cô ấy chở thằng Thùng bằng chiếc xe của nó. Hóa ra Xuân Uyên là thành viên của một hội mô-tô trong thành phố.

Từ sau ngày nhậu đó, thằng Tùng bỗng dưng "mất tích". Điện thoại nó toàn "thuê bao không liên lạc được". Linh cảm thằng Tùng đang gặp vấn đề, tôi mới đón xe buýt qua nhà nó ở Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức để tìm hiểu nguyên nhân. Mẹ mất sớm, cha thường xuyên đi công tác xa nên nó đã quen với cảnh ở nhà một mình suốt hai năm nay. Mọi chuyện cơm nước, giặt giũ... đều một tay nó tự lo. Thấy cửa sắt mở, tôi đi thẳng vào trong luôn. Bạn tới nhà chơi nhưng thằng Tùng chẳng biểu hiện gì gọi là phấn khích. Nó nằm co người trên võng, mặt đờ đẫn, tô mì trứng dưới sàn thì nguội ngắt. Bình thường, hễ gặp nhau thì nó luôn là đứa mở miệng trước. Lần này, tôi là người chủ động:

- Nhìn Tùng cứ như xác chết ấy! Có chuyện gì cả tuần nay mình gọi cho Tùng không được vậy? Mà Tùng vẫn còn mê món mì trứng này à? Trụng rồi sao không ăn đi, mì nở lạnh tanh rồi kìa!

- Chán quá Kiệt ơi! Bây giờ có cho đồ ăn nhà hàng mình cũng nuốt không nổi đâu! Em Uyên biết chuyện mình gạt ẻm rồi. Có phải Kiệt khai thật cho ẻm biết không? Bạn bè đừng có làm thế chứ.

Tin này nằm ngoài dự đoán của tôi. Tôi thanh minh ngay với thằng Tùng:

- Mình có biết gì đâu! Mình đâu phải là đứa đâm sau lưng bạn bè. Mà em ấy biết từ lúc nào?

- Thì sau bữa đi nhậu chung đó. Mình chat Facebook với em Uyên, ẻm nhắn rằng tại sao mình lại lừa ẻm là sinh viên ngành đạo diễn. Đọc tin nhắn, mình biết chắc là ẻm giận mình thiệt rồi! Nếu không giận thì ẻm đâu có về Đà Lạt đột ngột như vậy.

- Mình hỏi thiệt, Tùng có thích mẫu con gái nam tính như Xuân Uyên không?

Thằng Tùng ngồi bật dậy, vẻ mặt nó đăm chiêu:

- Ừ, Xuân Uyên hơi nam tính, nhưng ẩn sau sự mạnh mẽ đó là một nét thu hút khiến mình muốn tìm hiểu nhiều hơn. Mình không biết nói sao cho Kiệt hiểu nữa.

Cách trả lời nghiêm túc của thằng Tùng làm tôi suy nghĩ. Chơi chung bấy lâu nay, tôi quá rõ cái tính cà rỡn của nó, rất hiếm khi nó có biểu hiện trầm lặng như thế này. Có lẽ tình cảm nó dành cho Xuân Uyên là chân thật. Tôi vẫn chưa cho nó biết Xuân Uyên chính là cô gái tôi gặp ở đối diện nhà dì Sáu. Nên hay không nên, dù vô cùng đắn đo nhưng tôi vẫn tiết lộ kế hoạch sắp tới của mình:

- Ngày mốt mình lên Đà Lạt nè! Hay Tùng đi chung với mình đi, vừa du lịch xả stress, vừa được ăn món ăn dì Sáu nấu, quan trọng là Tùng sẽ có cơ hội để gặp em Uyên.

- Tạm thời mình không muốn đi đâu hết. Nếu lên Đà Lạt, mình cũng chưa dám gặp em ấy đâu. Nhưng sao Kiệt lại đi Đà Lạt vào lúc này, còn ba tuần nữa là mình thi sơ tuyển rồi, Kiệt không định ở lại cổ vũ mình ư?

- Tùng yên tâm đi, mình sẽ về kịp ngày sơ tuyển mà. Việc của Tùng bây giờ là tới lớp luyện thi ngay, đừng có nằm chết ở nhà nữa! Thi đạo diễn mà coi như đùa vậy. Tùng cứ cà lơ phất phơ hoài, thi rớt là cái chắc!

Vừa nghe nhắc tới lớp luyện thi, thằng Tùng hiện ra bộ mặt làm biếng. Nó thở dài, nói không ra hơi:

- Thì cho mình nghỉ nốt hôm nay đi. Ngày mai mình đi học lại được chưa?

- Mình bó tay với Tùng luôn! Thôi ngồi dậy ăn mì đi ông tướng!

Sáng ngày 29/6, tôi quẩy ba lô đứng trước cửa nhà dì Sáu. Do tôi lên không báo trước nên dì khá ngạc nhiên. Đợt này, hai cha con dượng Sáu cũng mới đi chơi xa về nên không khí trong nhà rộn ràng hẳn lên. Tôi ăn vội điểm tâm cùng dì dượng rồi nghỉ ngơi ít phút. Đến 9 giờ, tôi thay đồ để đi ra phố hóng gió. Tôi nhìn qua nhà của Xuân Uyên. Trong vườn hoa, cô ấy đang ngồi đọc sách trên xích đu. Lần này, cô ấy đã trở lại hình ảnh ngọt ngào đầy ngây thơ. Tôi tiến đến gần cổng rào, âm thầm quan sát cô ấy. Vì sợ bị phát hiện nên tôi không dám dòm lâu. Tôi nhanh chân bỏ đi nhưng vẫn không lọt khỏi sự tinh mắt của Xuân Uyên. Cô ấy vỗ tay ra hiệu kêu tôi quay lại. Đứng trước Xuân Uyên, tôi không giấu được nét ngập ngừng bối rối:

- Ờ... tôi đang định đi ra phố chơi. Tôi núp kỹ vậy mà Uyên vẫn thấy tôi sao?

- Tôi thấy Kiệt từ lúc sáng rồi. Dù gì Kiệt cũng lên đây, hay Kiệt vô nhà tôi nói chuyện một lát nha!

Tôi không thể từ chối lời yêu cầu này của Xuân Uyên. Cô ấy mở cửa dẫn tôi vào trong nhà. Cha mẹ cô ấy là những người dễ mến. Họ niềm nở đón tiếp tôi, mời tôi dùng trà và ăn món bánh bông lan do chính tay mẹ Xuân Uyên làm. Có một vị bác sĩ từ trên lầu bước xuống. Ông ta nói điều gì đó với cha mẹ Xuân Uyên làm họ hiện lên vẻ lo lắng. Tôi theo Xuân Uyên lên phòng của cô ấy. Cô ấy cho tôi xem rất nhiều sách văn học mà cô ấy sưu tầm. Sau khi tôi tham khảo qua vài cuốn sách, cô ấy đưa tôi qua một căn phòng khác. Bên trong căn phòng đó, bà ngoại cô ấy đang cặm cụi xếp những chiếc áo sơ mi nam vào ngăn tủ. Bà đã ngoài 70 tuổi, gương mặt bà trầm buồn, còn giọng thì khàn khàn.

Khi Xuân Uyên giới thiệu tôi với bà, trong bà dường như rất xúc động. Bà kêu tôi ngồi xuống giường để bà thấy mặt tôi rõ hơn. Đôi bàn tay gầy guộc của bà chạm vào má tôi, rồi bà ôm chầm lấy tôi, liên tục gọi tôi là Minh. Bà hỏi tôi bấy lâu nay đi đâu mà giờ mới về nhà. Xuân Uyên cố giải thích với bà rằng tôi không phải là Minh, nhưng cô ấy càng nói thì bà càng thêm hoang mang và sợ hãi. Bà đập vỡ đồ đạc trên chiếc bàn bên cạnh, lấy gối quăng vào người Xuân Uyên và đuổi chúng tôi ra ngoài. Cha mẹ Xuân Uyên phải đi vào phòng trấn an để tinh thần bà ổn định trở lại.

Biểu hiện kỳ lạ của bà khiến tôi không khỏi băn khoăn. Ở sân vườn, Xuân Uyên buồn bã kể cho tôi nghe:

- Minh là anh trai của tôi. Anh ấy đã mất cách đây hai năm vì tai nạn giao thông. Kể từ ngày anh tôi không còn, cha mẹ tôi vì quá đau buồn dẫn đến việc kinh doanh đi xuống trầm trọng. Bà tôi thì sốc nặng, không chấp nhận được việc này nên bị chứng rối loạn tâm thần. Cộng thêm bà lại mắc tai biến nên sức khỏe bà giờ rất yếu.

- Tại sao cha mẹ Uyên không đưa bà vô bệnh viện chữa trị?

- Có chứ. Nhưng vô ích thôi vì bà tôi không chịu đến bệnh viện. Điều trị tại nhà là cách tốt nhất. Nhiều lúc bà còn không nhận ra tôi nữa.

Xuân Uyên nổi hứng rủ tôi đạp xe vòng quanh Đà Lạt cùng cô ấy. Tuy còn nấn ná nhưng lúc Xuân Uyên dắt ra hai chiếc xe đạp thể thao, tôi bắt đầu thấy thích thú với chuyến đi này, về điều đang chờ đợi tôi phía trước. Tôi đi một con đường rất dài, rất xa nhưng tất cả bỗng trở nên nhỏ bé khi có Xuân Uyên đồng hành cùng tôi.

Chúng tôi băng qua những cung đường quanh co, uốn lượn trên ngọn đèo Prenn cao ngút. Những đồi thông xanh mướt hiện ra hai bên đường như cuốn chúng tôi vào thế giới thiên nhiên vô tận. Quên hết sự mệt mỏi từ đôi chân, tôi tăng tốc liên tục để bám kịp Xuân Uyên. Cô ấy đạp xe không thua gì vận động viên chuyên nghiệp, dù tôi rất cố gắng nhưng vẫn bị cô ấy bỏ lại phía sau. Đây là một trải nghiệm có phần thót tim đối với người chưa từng đi xe đạp qua đèo núi như tôi. Hồi hộp trước các khúc cua hiểm trở, hưng phấn trước cảnh vật xung quanh đang trôi mau qua mắt mình, cứ thế tôi và cô ấy thả dốc lúc nào không hay.

Xuống dưới chân dốc, chúng tôi vượt qua đèo Prenn thêm lần nữa để vòng về trung tâm Đà Lạt, lướt chầm chậm ngang các con đường dọc theo hồ Xuân Hương nên thơ, lắng nghe tiếng thông reo vi vu bên mặt hồ xanh như ngọc, cả tâm hồn tôi chợt tĩnh lặng trong yên bình. Bầu trời đã ngả màu, những giọt mưa li ti từ từ rơi xuống vương trên tóc vai của hai đứa.

Xuân Uyên và tôi leo lên một ngọn đồi, cùng hòa mình dưới làn mưa trong mát. Mọi muộn phiền dường như tan biến đi. Lần đầu tiên trong đời, tôi có cảm giác tuyệt vời như thế khi dạo bước dưới trời mưa. Khoác lên khoảng đồi một lớp áo màu xanh thẫm, từng hạt mưa mong manh, bay nhè nhẹ qua kẽ tay, hòa vào hơi thở chúng tôi. Giây phút ấy, tôi mong sao sẽ kéo dài mãi mãi.

Những chiếc lá thông đọng lại nước mưa đầu ngọn. Xuân Uyên ngồi xuống cầm một nhành thông và hỏi tôi:

- Người ta thường nói sau cơn mưa sẽ có cầu vồng xuất hiện. Kiệt có tin vào điều đó không?

- Tôi cũng không biết nữa. Vậy Uyên có từng thấy cầu vồng lần nào chưa?

- Chưa thấy, nhưng tôi tin nó sẽ xuất hiện ngay lúc này.

Thấy cô ấy đang tràn đầy hứng khởi, tôi mới nhắc đến chuyện của thằng Tùng:

- Có điều này tôi muốn hỏi Uyên. Là ai nói cho Uyên biết Tùng không phải học ngành đạo diễn vậy?

- Thật ra tôi đã biết anh Tùng không học đạo diễn từ khi mới quen ảnh rồi. Vì anh họ tôi đang học năm nhất đạo diễn ở trường. Anh ấy nói trong lớp không có sinh viên nào tên Đỗ Minh Tùng hết. Mà tôi không có giận ảnh chuyện này đâu, Kiệt đừng lo.

- Còn một chuyện tôi vẫn khó hiểu. Rốt cuộc, đâu mới là con người thật của Uyên? Là một cô gái dịu dàng, vô tư, đáng yêu bên mưa hay là một cô nàng mạnh mẽ, chịu chơi, đến nỗi ném giày vô bạn mình?

Xuân Uyên hé môi cười rạng rỡ, hỏi tôi một cách đầy ẩn ý:

- Vậy giữa hai con người đó, Kiệt thích con người nào của tôi hơn?

Cơn mưa dần nhỏ lại, chúng tôi đạp xe hơn mười cây số nữa đến cánh đồng hoa cỏ lau trắng muốt, phất phơ trong gió chiều. Những cành hoa cỏ lau như chiếc áo trắng dịu dàng, tinh khôi phủ kín cả ngọn đồi khiến tôi cứ ngỡ mình đang lạc vào một thiên đường chỉ có trong mơ. Xuân Uyên nói với tôi đó là tuyết rơi giữa mùa hè. Tôi chụp cho Xuân Uyên cả chục tấm hình với đủ kiểu tạo dáng. Xuân Uyên cười tít mắt toát lên một nét duyên rất đặc biệt! Cô ấy hớp hồn tôi qua mọi góc hình, cho tôi cảm xúc dạt dào trong chặng đường dài thật đáng nhớ.

Hoàng hôn buông xuống, chúng tôi kết thúc buổi đi chơi trong tình trạng cơ thể mệt nhoài. Trả xe cho Xuân Uyên xong, tôi quay về nhà dì Sáu, nhưng tôi vừa mở cổng thì Xuân Uyên hốt hoảng chạy đến, kêu tôi qua nhà cô ấy gấp. Tinh thần bà ngoại cô ấy đang mất kiểm soát, cô ấy nghĩ chỉ có tôi mới có thể giúp bà ngoại bình thường trở lại. Sự việc xảy ra bất ngờ làm tôi rối bời theo. Trên phòng, bà kề con dao nhọn vào cổ, đòi tự vẫn nếu cha mẹ Xuân Uyên không đem anh Minh về nhà. Trước tình thế nguy cấp, tôi bước thật chậm tới gần bà. Cha mẹ Xuân Uyên nói với bà tôi chính là Minh, người cháu mà bà rất yêu quý. Đột nhiên, bà buông con dao xuống, ghì chặt tôi vào lòng. Tim tôi thắt lại trong tiếng khóc của bà. Tôi đỡ bà ngồi xuống giường. Dù không muốn gây nên hiểu lầm cho bà nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác. Tôi nghẹn ngào gật đầu, thừa nhận mình là Minh. Xuân Uyên và cha mẹ cô ấy cũng tươi cười hạnh phúc để bà không phát hiện ra sự thật.

Sau tối hôm đó, nghe lời tôi, bà đã chịu nhập viện điều trị. Mỗi ngày, tôi cùng Xuân Uyên túc trực bên giường bệnh, trông nom và trò chuyện cùng bà. Tôi vẫn đóng giả làm anh trai của Xuân Uyên, với hy vọng củng cố cho bà thêm niềm tin để sức khỏe nhanh chóng hồi phục. Tôi không biết có thể giấu bà thêm bao lâu nữa? Tâm lý của bà có dấu hiệu tiến triển tốt hơn sau nhiều lần gặp tôi, còn tôi thì không thể ở Đà Lạt mãi được.

Những ngày cuối cùng khép lại, giống như lần gần nhất tôi chia tay phố núi, cảm xúc tôi vẫn nguyên vẹn. Chỉ khác một chút là hành trang tôi mang về đầy thêm những trải nghiệm ngọt ngào bên Xuân Uyên. Tôi cảm nhận rõ trái tim mình đập nhanh hơn và ở một góc trong nhịp đập thổn thức ấy, vẫn có sự hụt hẫng bao trùm đến câm lặng. Tôi nhận ra rằng thời gian không bao giờ là đủ cho con người nói lên tiếng lòng sâu thẳm, và thời gian càng không chờ đợi tôi làm điều đó. Có lẽ, những tâm tư thầm kín này tôi đành phải cất riêng trong trái tim mình.

Cô ấy tiễn tôi một đoạn đường. Con đường sáng hôm ấy thật ngắn so với những lần tôi lang thang một mình. Dừng chân dưới góc phượng tím, Xuân Uyên tặng cho tôi một quyển sách viết về mỹ thuật. Cô ấy nói:

- Cuốn sách này mình mới mua hôm qua. Kiệt đang học thiết kế nên mình nghĩ nó sẽ giúp ích nhiều cho Kiệt.

- Cảm ơn Uyên nhiều lắm, một món quà rất ý nghĩa! Tùng sắp thi sơ tuyển rồi, Uyên có định vô Sài Gòn để cổ vũ cho cậu ấy không?

- Tuần sau mình sẽ vào Sài Gòn. Hy vọng lúc đó chúng ta sẽ tiếp tục có những niềm vui như thế này.

Gần tới đầu đường, xe sắp đến, chúng tôi nói vài lời sau cùng với nhau. Tôi không dám nhìn thẳng vào mắt cô ấy, và càng không thể thổ lộ thêm điều gì nữa. Tất cả những gì tôi có thể bày tỏ chỉ là lời chào với cô ấy:

- Tạm biệt! Hẹn gặp lại Uyên ở Sài Gòn!

- Khi nào tới nơi, Kiệt nhớ gọi cho mình nha!

Xuân Uyên vẫy tay rồi bỏ đi về hướng ngược lại. Tôi rất muốn quay đầu ra phía sau để nhìn cô ấy một lần nữa nhưng không hiểu sao đôi chân thì vẫn cứ đi về phía trước. Trong màn sương lãng đãng, mọi thứ chỉ còn là khoảng cách xa vời vợi. Tiếng bước chân tôi buồn theo những hàng thông im lìm, quạnh vắng. Những chiếc lá thông trên cao như chứa đựng cả nỗi niềm mà tôi đang cất giấu. Nó sẽ mãi mãi giữ hộ tôi chút tình bơ vơ này.

Sau đó ba ngày, Xuân Uyên liên lạc với tôi qua điện thoại. Cô ấy gọi hỏi thăm tôi và cho tôi biết bà ngoại cô ấy vừa qua đời. Bệnh tai biến của bà trở nặng và bà đã ra đi trong giấc ngủ sâu êm đềm. Xuân Uyên nói với tôi, bà cô ấy ra đi trong thanh thản, không còn vướng bận gì trong lòng vì trước khi mất, bà đã gặp lại được người cháu trai thương yêu của bà. Tôi còn định lần sau lên Đà Lạt sẽ ghé thăm và kể cho bà nghe thật nhiều câu chuyện. Nhưng giờ mọi thứ đã muộn màng. Tôi không thể ở bên cạnh nhìn mặt bà lần cuối. Tự dưng tâm trạng tôi lắng xuống, tôi thấy trống trải với những gì diễn ra xung quanh mình. Khóe mi tôi cay cay vì nước mắt ngưng đọng. Và tôi đã khóc như một đứa trẻ.

Buổi chiều ngày 22/9, tôi kết thúc tiết học đầu tiên của năm học mới. Thằng Tùng hiện đang làm nhân viên trong siêu thị. Chỉ thiếu có mấy điểm thôi mà nó thi trượt ngành đạo diễn. Dù vậy, nó vẫn quyết tâm ôn tập để sang năm thi lại. Còn Xuân Uyên, khá lâu rồi tôi chưa gặp lại cô ấy, kể từ hôm đi cổ vũ thằng Tùng thi sơ tuyển. Một cơn mưa kéo đến lúc tôi vừa xuống cầu thang. Tôi đành đụt mưa ở cổng sau trường, ngay bãi giữ xe giáo viên. Mùa hạ đã qua nhưng những cơn mưa vẫn cứ làm tâm hồn tôi bâng quơ khó tả! Mưa lớn và những sinh viên trú mưa ngày càng đông hơn. Trong số này, có nhiều bạn từ các trường khác tấp nhanh vào với bộ dạng ướt sũng. Vô tình, tôi nhìn thấy Xuân Uyên đứng trước mắt tôi. Cô ấy đi cùng với một chàng trai trông khoảng 25 tuổi. Cử chỉ họ thân mật, cười nói rất vui vẻ. Do tôi đứng nép sát vào phòng bảo vệ nên Xuân Uyên không nhìn thấy tôi. Nửa tiếng sau, khi mưa chuyển sang lâm râm, hai người họ nắm tay nhau rời đi. Tôi vội chạy ra ngoài cổng, hình bóng Xuân Uyên xa khuất trong dòng người xô bồ.

Từ mưa bụi trên phố núi mộng mơ cho đến mưa rào nơi Sài Gòn hoa lệ, tất cả ngỡ đâu là một giấc mơ với tôi, đến tình cờ và tan biến đi trong nháy mắt. Như bọt mưa nổi trên mặt hồ, con người chỉ có thể ngắm nhìn chúng trong tích tắc. Mưa tưới mát con tim, thấm đẫm vào tâm hồn tôi, cho tôi khoảng thời gian đầy kỷ niệm ngắn ngủi, rồi khi mưa đi, điều duy nhất còn sót lại nơi tôi đứng là những hoài niệm mong chờ. Mùa hạ rồi sẽ về hò hẹn cùng những cơn mưa, nhưng những gì đẹp nhất thì không bao giờ quay trở lại lần nữa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro