Những đặc sắc về tư tưởng nghệ thuật qua chương "Hạnh phúc của một tang gia"

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trong “cuốn sách ghê gớm có thể làm vinh dự cho mọi nền văn học” của Vũ Trọng Phụng - theo lời đánh giá của nhà văn Nguyễn Khải - thì chương Hạnh phúc của một tang gia (Văn 11) là chương tiêu biểu nhất, kết tinh được những thành tựu rực rỡ về tư tưởng thẩm mỹ và nghệ thuật của tiểu thuyết Số đỏ.

Bấy lâu nay, việc phân tích, bình giảng chương này trong và ngoài nhà trường, cũng như tình hình tìm hiểu các tác phẩm tự sự nói chung thường sa đà vào tình trạng kể lể chi tiết, kể lại tác phẩm dở hơn nhiều so với những gì tác giả viết ra. Chúng tôi muốn tìm một lối đi khác, một con đường riêng, có thể gai góc hơn, nhưng chắc là đắc dụng hơn.

Cái chết của ông cụ già, cái đám ma “to tát” và “gương mẫu” ấy, không có ý nghĩa gì đối với chính bản thân người chết, nó không được thể hiện bằng ý thức của nhân vật lúc sinh thời. Nó chỉ có ý nghĩa đối với gia đình người chết, có ý nghĩa đối với tác giả, trong ý thức tác giả mà thôi. Một người nằm xuống khơi ra biết bao nhiêu chuyện khác, từ chuyện chuẩn bị và đưa đám, đến chuyện lăng xê mốt quần áo, chuyên mua bán trắng trợn… Nó thực sự là một tình trạng “không có vua”, tình trạng của anh em nhà Karamzov. Tình trạng có vua chỉ tồn tại chừng nào mà cụ cố Tổ còn sống, còn đau ốm. “Để tao chết, sống cũng nhục! Có chạy chữa thì chạy chữa cho cái thanh danh nhà tao mà bọn chúng mày đã trót bôi nhọ” (Chương XIV).Cái gia đình sang trọng và ô hợp kia đã vâng lời để cho cụ chết một cách vui vẻ nhưng lại không vâng lời chữa chạy vết nhọ thanh danh. Chỉ trong tìn trạng “không có vua” này, bản chất thực của con người mới được bộc lộ, và những kẻ đi đưa đám tang nhốn nháo ấy mời tìm được người “đồng cảm”, những kẻ “tri âm, tri kỷ”. Họ không đồng cảm với người chết, với tang gia, mà đồng cảm với nhau. Trong đám tang ấy, có biết bao nhiêu những “hội kín”, mà “hội kín” ba người Văn Minh - Cụ ông - Cụ bà là cái “hội kín” đặc biệt nhất. Họ là chủ nhân của một tang gia đương bối rối hay là đạo diễn của một lễ tân hôn sắp sửa bắt đầu? Họ là một hội kín nên mới “lẳng lặng ra hiệu” cho nhau trước cặp mắt ngơ ngác của bầy con cháu chí hiếu, mới “lẳng lặng ngồi xuống” và “nghe ngóng mãi” rồi mới thở dài mà nói. Nếu để ý một chút, chúng ta sẽ thấy trong đoạn đối thoại của ba nhân vật này có sự thay đổi chủ đề hết sức mau lẹ. Từ chuyện tang nhảy sang chuyện cưới Tuyết, từ chuyện hối hôn hay không nhảy sang chuyện phỏng đoán về “bụng dạ người ta”, rồi bỗng chống lại sang chuyện toan tính gả Tuyết cho Xuân… Họ không quan tâm gì đến đám tang, họ chỉ mong sao tống khứ càng nhanh càng tốt cái quả bom nổ chậm trong nhà. Không những thế, họ còn cùng nhau chơi những trò chơi, trò chơi nói tiếng Pháp “toa, moa”, và đặc biệt là cái trò chơi đoán bụng dạ con người: “Như thế thì ông thử đoán xem bụng dạ người ta nghĩ ra sao”. Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà đoạn văn này lại lắm câu nghi vấn và câu phỏng đoán đến như thế: “Tôi thì tôi cho là…” Cái trò chơi thăm dò nhau này, chỉ nhằm mỗi một mục đích là tìm ra cái động cơ tâm lý bên trong của vị hôn phu của Tuyết, để rồi đi đến bế tắc, bởi vì, “đến chính ngay mình, mình cũng không biết rõ con gái mình hư hay không”. Điều đó là tất yếu, bởi vì những động cơ tâm lý bên trong bao giờ cũng được nguỵ trang một cách hết sức kín đáo và bảo vệ cực kỳ khôn khéo, người ngoài ít khi hiểu nổi, từ phi chính chủ thể nói ra, hoặc những lời nói, hành động đã quá cũ mòn thành khuôn sáo (chẳng hạn những câu “Hai bác ăn cơm chửa”, “Anh đi đâu đấy” được hỏi ngay cả khi đã biết rõ mười mươi, bởi vì nó được dùng thay một lời chào). Sự thật về bản thân bao giờ cũng là sự thật mà con người e ngại nhất, hay giấu giếm nhất, và sự thật tâm hồn bao giờ cũng là sự thật khó khám phá, khó nắm bắt nhất. Vũ Trọng Phụng, bằng tài năng của mình, bằng sự quan sát tinh tế, sắc sảo đã bóc trần cái sự thật ấy, phanh phui cái sự thật ấy trong từng con người, từng thực thể của cái dòng họ vô nhân, báo danh và trục lợi ấy. Cái con người bên trong, cái động cơ tâm lý bên trong mà văn học dân gian và Nguyễn Trãi bao đời bất lực (Sông sâu còn có kẻ dò; lòng người nham hiểm ai đo cho tường / Ngoài trong mọi chốn đều thông hết; Bui một lòng người cực hiểm thay…) mặc dù phát hiện ra sự không đồng nhất giữa con người bên trong và con người bên ngoài, đã được Vũ Trọng Phụng khám phá một cách tài hoa, tinh tế bằng tiếng cười hóm hỉnh sâu cay pha ít nhiều chua chát của mình, tiếng cười “có sức mạnh tuyệt vời, kéo đối tượng lại gần, lôi cuốn đối tượng vào khu vực tiếp xúc đến thô bạo, ở đó có thể suồng sã, sờ mó từ khắp phía, lật ngửa, lộn trái nhòm ngó từ dưới và từ trên, đập vỡ cái vỏ bề ngoài để nhìn vào bên trong, bóc trần và vạch trần”(1).

Quả đúng như vậy, trong chương XV này, cũng như trong toàn bộ tiểu thuyết Số đỏ, nhân vật nào cũng có một động cơ tâm lý bên trong, mà cái đám ma to tát và gương mẫu này chỉ là một cái cớ để họ thực hiện động cơ ấy. Đó là một bầy còn cháu chí hiếu “chỉ nóng ruột đem chôn cho chóng cái xác chết của cụ Tổ”, là toan tính của hội kín ba người, là sự mơ màng được “mặc đồ xô gai, chống gậy lụ khụ, vừa ho khạc, vừa khóc mếu” của cụ cố Hồng… Rồi những động cơ tâm lý bên trong của cậu Tú Tân, bà Văn Minh, ông Tupn, của ông Văn Minh, của ông Phán mọc sừng, cô Tuyết ngây thơ, của những người đưa đám… nghĩa là của tất cả cái nhố nhăng, nhặng xị của toàn xã hội lúc bấy giờ. Cái bộ y phục Ngây Thơ của cô Tuyết - không chỉ “hở cả nách và nửa vú”, mà còn “hở” luôn cả cái động cơ tâm lý bên trong của cô là “để cho thiên hạ phải biết rằng mình chưa đánh mất cả chữ trinh”. Quả là ý tưởng thông minh và táo bạo của một cô gái mới vốn luôn chủ trương “còn trinh một nửa”! Đặc biệt là công cuộc doanh thương giữa ông Phán mọc sừng và ngài Xuân Tóc Đỏ. Họ buôn bán đôi sừng hươu vô hình và buôn bán ngay trong đám tang, giúi tiền cho nhau ngay khi hạ huyệt… Chi tiết này đã tố cáo mạnh mẽ cái bản chất trục lợi của giai cấp tư sản hãnh tiến, mà nói như K.Marx, nó đã dìm tất cả trong dòng nước lạnh giá của lói tính toán vị kỷ, lối trả tiền ngay không tình nghĩa. Đối với những con người này, và cả vợ chồng Văn Minh, cả cụ cố Hồng, cả gia đình này “thay cho thanh kiếm, đồng tiền trở thành đòn bẩy quan trọng nhất trong xã hội” (F.Engels). Vì cái đòn bẩy này họ sẵn sàng bán đứng lương tâm, sẵn sàng để cụ già chết một cách “bình tĩnh”, và Văn Minh phải băn khoăn không biết xử trí với Xuân Tóc Đỏ ra sao khi hắn có đến “hai cái tội nhỏ, một cái ơn to”. Cái gia đình tưởng như “không có vua” này, lại có một “ông vua” danh giá nhất cai trị, đó là đồng tiền, và cùng với nó là danh vọng, là cái “danh giá” theo lời Văn Minh, mà nó mang lại. Hai thế lực này, hai trùm maphia của xã hội cũ này đã biến đám tang thành một phương tiện trục lợi, khoe của, thực hiện độngc ơ tâm lý của mọi người và biến từng con người thành công cụ. Họ là những con người công cụ. Tuyết trong bộ y phục Ngây Thơ thực ra là một dạng Manơcanh, Topmodel của tiệm may Âu hoá. Và đây, những chân dung này thực chất là những con người công cụ, những manơcanh, những khuôn mặt thuần tuý là khuôn mặt thịt, không tính người: “Những ông bạn thân của cụ cố Hồng ngực đầy những huy chương như Bắc đẩu bội tinh, Long bội tinh, Cao Miên bội tinh, Vạn tượng bội tinh vân vân… trên mép và cằm đều đủ râu ria, hoặc dài hoặc ngắn, hoặc đen hoặc hung hung, hoặc lún phún hay rầm rậm, loăn quăn, nhiều ông tai to mặt lớn…” Đó là sự tha hoá của tâm hồn, của trí tuệ, của nhân cách, và nếu hiểu theo nghĩa thiếu những thứ này thì tất cả nhân vật trong đám tang này đều là những con người công cụ.

Đám tang cũng trở thành một công cụ, công cụ của những người còn sống muốn khoe của, công cụ hội họp bình phẩm của đám trai thanh gái lịch, một công cụ quảng cáo không kém gì các phương tiện thông tin đại chúng, phương tiện giao thông hiện đại: “Cả một thành phố đã nhốn nháo lên khen đám ma to, đúng với ý muốn của cụ cố Hồng. Thiên hạ chú ý đặc biệt vào những kiểu quần áo tang của tiệm may âu hoá như ý ông Tupn và bà Văn Minh…”. “Ai cũng làm ra bộ mặt nghiêm chỉnh, song le thật sự thì vẫn thì thầm nói với nhau chuyện trò về vợ con, về nhà cửa, về một cái tủ mới sắm, một cái áo mới may…” Cả người đi đưa đám, cả gia đình tang chủ đều có ý thức biến đám tang thành một công cụ, một phương tiện. Họ che giấu động cơ tâm lý bằng bộ mặt “đăm chiêu”, “bối rối”, nhưng lại thực hiện nó bằng bàn tay và cái lưỡi của mình. Và may mắn sao, đám tang này không chỉ là công cụ để Xuân Tóc Đỏ kiếm vài đồng bạc, mà còn là công cụ để Xuân thể hiện được cái bản chất, cái đặc tính trội của mình. Xuân và sư cụ Tăng Phú, là một thứ “gen” trội nên nó mới len vào chiếm chỗ “sau năm lá cờ đen” khi đám mới đi được bốn phố. Cái thứ “gen” trội ấy không còn bị lợi dụng như trước kia mà nó đã lớn mạnh hơn, chủ động hoành hành một cách có ý thức ngay giữa thanh thiên bạch nhật nơi công cộng!

Như vậy, mỗi con người trong cái xã hội thu nhỏ đang hành trình xuống huyệt này, đều là một con người nhiều vai, là tổng hoà của các mối quan hệ xã hội (K.Marx). Nó là ai? Không ai có thể trả lời câu hỏi này. Nó vừa là nó, lại vừa không phải là nó. Không thể xác định một tư cách của nhân vật, nó có nhiều tính cách, tư cách đa diện, luôn biến đổi, lúc này lúc khác từ là ở nhiều mối quan hệ khác nhau. Đó là những con người không nguyên phiến, không đồng nhất với chính nó, không trùng khít với địa vị xã hội của nó, những con người có sự “lệch pha” giữa bên trong và bên ngoài. Xuân tóc đỏ là ai? Chính nó cũng không biết. Có khi nó mặc cảm: “Tôi thì danh giá gì! Hạ lưu! Ma cà bông! Nhặt ban quần!” “Không cha không mẹ, lêu lổng từ bé, nhặt quần, bán phá xa, đã làm nhiều nghề hèn”… Có khi nó tự hào ưỡn ngực: “Mexừ Xuân, giáo sư quần vợt, cái hy vọng của Bắc Kỳ”, “Mexừ Xuân, nguyên sinh viên trường thuốc, giáo sư quần vợt, giám đốc hiệu Âu hoá, phụ nữ tân thời”… Tài năng của Vũ Trọng Phụng, tính đa âm của Số đỏ, chính là ở chỗ đã phát hiện ra sự không đồng nhất của con người, thấy nó như một hiện tượng đặc sắc đầy mâun thuẫn. “Con người chẳng bao giờ trùng khít với hoàn cảnh của họ, cũng như thế giới, không bao giờ hoàn toàn trùng khít với ngôn từ dùng để miêu tả nó”(2). Nhà văn đã phân tích, đánh giá, chiêm nghiệm con người trong những phạm vi khác nhau của đời sống xã hội. Cũng chính điều này làm cho Vũ Trọng Phụng khác Nam Cao. Nếu như Nam Cao tìm thấy một con người có nội tâm sâu sắc, cao thượng bên trong một con người có bề ngoài tầm thường, thấy đốm sáng lương tri nhân tính le lói bên trong con người đầy thú tính, thì Vũ Trọng Phụng ngược lại, lại luôn tuy tìm cái phần tầm thường, nhơ bẩn, hèn hạ, vô nhân bên trong những con người có bề ngoài sang trọng, đẹp đẽ và tưởng chừng rất cao thượng, hoàn hảo… Chỉ riêng điều này cũng đủ cho thấy cái nhìn của Vũ có phần bi quan hơn cái nhìn của Nam Cao về con người và đời sống xã hội. Cũng cần lưu ý rằng, Nam Cao chủ yếu viết về những con người nông dân trí thức tiểu tư sản nghèo khổ, còn Vũ lại chú ý nhiều hơn đến tầng lớp thượng lưu giàu sang trưởng giả và bọn đại địa chủ, đại tư sản.

Tất cả những điều đã phân tích ở trên, như động cơ tâm lý bên trong, con người công cụ, sự tha hoá về nhân cách, công cụ của đồng tiền, dấu ấn trò chơi, con người nhiều vai, con người bên trong không đồng nhấ… đã cho thấy nét đặc sắc của Số đỏ, của chương sách bất hủ này. Những con người ở đây phần lớn là những con người mặt nạ. Vũ Trọng Phụng có lý khi gọi đám tang này là một cái “Hội chợ”. Nhưng tôi thấy, ngoài những đặc sắc trên, đám tang còn có một không gian công cộng cả những lời nói lái, những từ ngữ phi chính thống, những lời nói tục, sự trật khấc, tha hoá của đối tượng ở cuối chương, tính chất dân chủ trong quan hệ, thái dộ suồng sã bất kính, hàng loạt những show trình diễn… cho nên xứng đáng gọi nó là một lễ hội dân gian vừa nghiêm trang vừa buồn cười, một lễ hội carnaval theo kiểu dân gian trung cổ và tiểu thuyết Rabelais, một lễ hội đày những Scandale. Nó là một lễ hội thu nhỏ được thể hiện bằng một cái cười nhại lớn. Là một lễ hội carnaval thu nhỏ nên “thành thử ai cũng vui vẻ cả”, kể cả người chết, theo như lời bình luận ngoại đề duy nhất của tác giả: “Thật là một đám ma to tát có thể làm cho người chết nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng, nếu không gật gù cái đầu…”.

Nhà văn A.T.Sêkhốp có nói “Người nào vào đám tang mà nhe răng ra cười thì không chỉ là kẻ vô tâm mà còn là kẻ vô lương tâm nữa”. Những con người vô lương tâm trong cái lễ hội carnaval thu nhỏ này không chỉ tiễn cụ cố Tổ mà còn tiễn chính mình, tiễn cả xã hội hành trình vào huyệt mộ bằng những từ ngữ, hành động, âm thanh, hình ảnh nhốn nháo, đầy nghịch lý, tương phản pha trộn nhiều phong cách Tây, Tàu, TA, bằng một món nộm suồng sã hỗn hợp cặn bã của nhiều nền văn hoá. Hành trình ấy được thể hiện bằng bút pháp hài hước chồng chất danh - động - tính từ, xoáy vào, phơi bày vô vàn sự thật, làm tăng sức khái quát, chiếm lĩnh hiện thực cũng như tính đa âm của chương XV, của Số đỏ. Và do vậy, cái đám ma bất hủ của cụ cố Tổ, cùng với tiếng kèn Xuân nữ ai oán, tiếng kèn “budích”, tiếng “lốc bốc xoảng” và tiếng khóc “hứt… hứt…” của ông Phán mọc sừng sẽ còn vang vọng mãi trong lịch sử văn học và lịch sử loài người.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro