Những điều Cần Lưu ý Khi Giao Tiếp Với Người Nhật

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Những điều Cần Lưu ý Khi Giao Tiếp Với Người Nhật

Lần đầu tiếp xúc:

Trong màn chào hỏi khi lần đầu tiếp xúc, sau khi tự giới thiệu tên, nói rằng lấy làm vinh dự được làm quen, người Nhật thường cúi chào và nói: "Rất mong được sự giúp đỡ của bạn".

(Trong khi có thể bạn thực sự chẳng giúp gì cho họ hoặc cũng chẳng liên quan gì tới công việc của họ). Người Nhật thường không bắt tay, tất nhiên trong một số trường hợp, khi gặp gỡ người nước ngoài theo phép lịch sự họ vẫn bắt tay. Cúi chào là phong tục của người Nhật. Khi đối phương cúi chào mà mình vẫn đứng nguyên thì quả là rất thất lễ, chính vì thế người kia cũng cúi chào theo. Khi cúi chào, nữ giới thường để hai tay phía trước, còn nam giới để hai tay bên hông. Góc độ cúi chào cũng thể hiện mức độ thân thiết, thái độ lịch sự. Nếu cúi đầu khoảng 15 độ thì tương đương với câu xã giao hàng ngày, còn nếu cúi đầu khoảng 30 độ thì là lời chào tôn kính hơn và thường được thực hiện trong lần tiếp xúc đầu tiên. Góc chào 45 độ thể hiện sự trịnh trọng, sự cảm ơn sâu sắc cũng như mong muốn sự hợp tác giúp đỡ của đối phương.

Sau màn chào hỏi đó thì công việc tiếp theo và không thể thiếu là trao danh thiếp. Người Nhật thường không giới thiệu tỉ mỉ về bản thân như chức vụ, nghề nghiệp, công ty, nơi ở... mà chỉ cần qua danh thiếp là họ đã có thể biết được điều đó. Người Nhật rất cẩn thận khi trao danh thiếp, bao giờ họ cũng hướng danh thiếp về phía đối phương, sao cho đối phương nhìn thấy ngay toàn bộ danh thiếp chứ không chỉ đơn thuần là đưa danh thiếp. Nếu khi trao mà danh thiếp bị lộn ngược hay quay mặt trái về phía đối phương thì bị coi là không tôn trọng. Đương nhiên khi được trao danh thiếp thì bản thân cũng phải chuẩn bị danh thiếp và trao lại. Khi nhận được danh thiếp thì phải thể hiện thái độ trân trọng bằng cách giữ gìn cẩn thận, cất gọn vào sổ tay, tránh việc nhét luôn vào túi hoặc bỏ tạm ra đâu đó.

Trong lần gặp gỡ đầu tiên, người Nhật tránh hỏi những thông tin mang tính cá nhân riêng tư. Chẳng hạn người ta tránh hỏi về tuổi tác, vì người Nhật không muốn người khác biết mình bao nhiêu tuổi và sợ nghĩ đến nó. Trong trường hợp muốn biết, người ta thường có một số cách hỏi khác như bạn tốt nghiệp trường nào, được bao lâu rồi, hay bạn đã làm việc bao lâu (thâm niên công tác) trong công ty, song thực ra điều này cũng ít xảy ra. Người ta cũng tránh hỏi về gia đình vì sợ chẳng may sẽ làm đối phương khó trả lời vì rất có thể đối phương chưa có gia đình hay đã ly hôn hoặc không có con, nhiều khi người ta còn cảm thấy như bị xúc phạm.

Các ứng xử trong đời sống hàng ngày:

Trong cuộc sống đời thường cũng như trong công việc, để cho những mối quan hệ trở nên mật thiết hơn, người Nhật thường mời nhau đi ăn uống đồng thời để trò chuyện, bàn bạc công việc. Khi ăn uống ở nhà hàng, từng người sẽ chọn thực đơn cho mình và ăn đến đâu gọi đến đấy với lượng thức ăn vừa đủ. Người ta vừa ăn uống vừa tìm hiểu về nhau và có lẽ đây mới là lúc người ta hỏi thăm tới những chuyện riêng tư, chuyện gia đình của nhau một cách khéo léo. Không giống như người Việt Nam, người Nhật tránh việc gắp thức ăn cho nhau. Một điều đáng chú ý khi đi ăn uống với người Nhật, đó là tục tự trả phần tiền của mình, người Nhật gọi là Warikan. Người Nhật thích sòng phẳng, không muốn làm phiền hoặc ơn huệ người khác nên người ta cảm thấy tự nhiên khi ăn xong, từng người một tính toán phần tiền của mình và góp lại trả cho nhà hàng. Ngay cả những đôi trai gái yêu nhau, những người thuộc tầng lớp khác nhau khi mời nhau đi ăn đều làm như vậy như một lẽ đương nhiên, không một chút khách khí gì (không kể trường hợp một người đứng ra chủ chi mời khách nhân một sự kiện nào đó). Người Nhật thường không dùng tăm hoặc nếu có thì cũng chỉ nam giới cần đến.

Ngày thường, người Nhật thường ít đến nhà chơi, họ không muốn gây phiền hà cho chủ nhà. Tuy nhiên vào các dịp lễ tết, năm mới là lúc người ta đến thăm nhau, chủ yếu là bạn bè đến thăm nhau hoặc cấp dưới đến nhà cấp trên chơi. Khi đến nhà ai đó chơi dù ít hay nhiều, người Nhật đều chuẩn bị quà. Chủng loại quà cũng rất phong phú, song người ta thường biếu những món quà thực dụng với đời sống hàng ngày, đồ ăn, đồ uống hay hoa quả. Quà được gói trong hộp và trang trí đẹp, nếu là trái cây thì có thể bỏ trong túi xách hoặc gói bằng vải đẹp với những loại to (dưa hấu, cam...). Khác với người Việt, người Nhật không để quà sang một bên mà thường mở quà và tỏ ra vô cùng sung sướng nói rằng quà rất đẹp, rất hợp với mình, với khuôn mặt rất vui vẻ thể hiện sự biết ơn. Khi đến chơi, người Nhật phải hẹn trước một thời gian và hẹn giờ đến. Như vậy, chủ nhà sẽ biết trước và bố trí tiếp đón hợp lý. Chủ nhà cũng có khi chuẩn bị sẵn quà để đáp lại tình cảm của khách.

Về cách từ chối của người Nhật cũng rất khéo. Họ không muốn làm mất lòng đối phương mà người mời vẫn cảm thấy vui vẻ. Chẳng hạn khi được mời cùng làm việc gì đó (đi xem phim, đi ăn, đi chơi...) nếu không thích hoặc không thể đi được thì họ vẫn không nói thẳng mà thường vòng vo thật đáng tiếc bỏ lỡ một cơ hội và vì lý do này, lý do kia rồi không quên hẹn người kia mời lại vào một dịp phù hợp. Trong thương mại, khi không ưng một mặt hàng nào đó hay không thể ký kết một hợp đồng buôn bán, họ cũng không nói từ chối mà xin đối tác cho mình một thời gian để suy nghĩ và điều đó đã đồng nghĩa với việc không mua nữa. Và nếu sau một thời gian nhất định, khi người bán có liên lạc lại thì lúc đó họ mới chính thức nói lời từ chối với nhiều lý do khác nhau.

Trong giao tiếp hàng ngày, người Nhật không ngớt lời cám ơn, xin lỗi. Điều đó chưa chắc có nghĩa là họ thực sự phải cảm ơn hay đã mắc lỗi gì. Đó chỉ là một phép xã giao lịch sự mà người Nhật không cảm thấy tiếc rẻ lời nói của mình. Khi nhận được sự giúp đỡ của ai đó thì họ luôn mồm nói cảm ơn và chắc chắn lần sau gặp lại, người ta sẽ lại nói lời cám ơn thêm một lần nữa. Cũng như vậy, người Nhật hay khen và không bao giờ chê bai. Họ luôn luôn muốn làm cho người khác vui lòng và quả thật giới trẻ Nhật gần đây cũng rất thích được khen và tin rằng lời khen đó là thật. Khi không hài lòng với một cái gì đó, người Nhật cũng chỉ nói nó hơi thế này, thế nọ hoặc giá mà điều chỉnh thêm một chút thì sẽ tuyệt vời.

Vào dịp cuối năm,người Nhật thường viết thư từ, bưu thiếp gửi tới mọi người với những lời lẽ cảm tạ. Đó là cách thể hiện sự biết ơn sâu sắc một năm nhận được nhiều sự giúp đỡ, hợp tác của mọi người và xây dựng cho mối quan hệ tốt đẹp hơn. Những ai càng nhiều bạn bè, người thân, đặc biệt là những người làm trong công ty lớn, tiếp xúc với nhiều người thì càng vất vả trong dịp này, có khi họ phải ngồi viết hàng trăm lá thư, hàng trăm bưu thiếp. Bởi họ nghĩ, chỉ có viết tay mới thể hiện được tình cảm thực sự của mình. Cũng như vậy, khi đi công tác nước ngoài hay đi du lịch về, họ thường viết thư cảm tạ những người đã giúp đỡ mình trong chuyến đi. Thư cảm ơn như thế này đã trở thành một phong tục không thể thiếu ở Nhật Bản.

Văn hóa “Suisen” của người Nhật

Tại Nhật tồn tại khá nhiều tập quán “khác thường” so với các nước khác. Một trong số đó có thể nói đến “văn hóa giới thiệu”. Xin giới thiệu đôi nét về nét văn hóa(1) này với tư cách là một người đã không ít lần được hưởng “ân huệ” từ tập quán này.

Trong tiếng Nhật 推薦(Suisen)có thể hiểu nôm na là “giới thiệu”, “tiến cử”, “đề cử”. Thử tra từ điển online của Yahoo Japan thì có kết quả như sau:

1. すい‐せん【推薦】

[名](スル)1 人をその地位・名誉に適している者として他人にすすめること。推挙。「委員長に―する」「―状」2 よいものとして人にすすめること。「―図書」

Có thể tạm hiểu nôm na là “ Giới thiệu ai đó cho người thứ 3”.

2. すいせん‐にゅうがく【推薦入学】

学校が学生・生徒を募集する際、出身学校の推薦によって入学を許可すること。→推薦入試

Nhà trường tuyển học sinh, sinh viên dựa vào giới thiệu, đề cử của trường mà sinh viên đó đã học.

3. すいせん‐にゅうし【推薦入試】

出身校の学校長などの推薦に基づいて実施される入学試験。基本的にすべての学校を対象とする公募制と、特定の学校に推薦枠を割り当てる指定校制がある。また、学校長などの推薦が不要な自己推薦制や、出身地を限定し ...

Phần này ai quan tâm xin tự dịch nhé.

Tra từ điển Nhật- Anh thì ra kết quả là:

すいせん【推薦】= recommendation

Nếu ai đã học tiếng Anh khi đọc đến đây sẽ suy nhớ đến cụm từ “Recommendation Letter”.

Tra ở Wikipedia có định nghĩa như sau:

推薦(すいせん)とは、ある人物や団体、物などを優れていると認め、他人に薦めること。団体によっては、入会に構成員(会員・党員など)の推薦を義務づけている場合がある。

Giới thiệu, tiến cử người hay tổ chức nào đó cho bên thứ ba. Cũng có trường hợp đây là điều kiện bắt buộc để gia nhập hội đoàn.

Nếu chỉ dừng ở mức độ ngữ nghĩa như trên đây thì không có gì để bàn. Tuy thế tại Nhật 推薦 đã được xã hội chấp nhận là một tập quán. Điển hình của tập quán này là 推薦 trong bầu cử và thi cử.

+Về bầu cử Wikipedia có đề cập như sau:

公職選挙法では、推薦は個人、団体いずれも可能である。個人による推薦は、有権者に限られ、推薦の対象は個人の立候補者に限られる(政党などの公認候補で もよいが、政党への推薦は規定がない)。推薦者は候補者の承諾を得た上で、公示または告示日に届け出ることができる(第八十六条3項、および第八十六条の 四の2項)

Tại các cuộc bầu cử dân biểu, cả cá nhân lẫn tập thể đều có thể đề cử(giới thiệu)… (Mục 2 khỏan 4 điều 86..).

Không cần phải đi vào nội dung chi tiết nhưng chúng ta cũng dễ dàng nhận ra một điều rằng 推薦 đã được công nhận bởi luật (bầu cử).

+Về thi cử xin tham khảo tại (推薦入学):

Có thể nói nôm na là tại Nhật Việc giáo viên hay nhà trường giới thiệu cho một hay một nhóm sinh viên nào đó vào học ở trường khác hay cấp cao hơn được công khai chấp nhận. Ngoài ra, việc một vị giáo sư có uy tín nào đó đứng ra bảo lãnh cho một hay một nhóm sinh viên n hập học (sẽ được miễn một phần hay tòan bộ các môn thi ) cũng là chuyện bình thường.

-推薦 trong công việc:

Có thể nói lời giới thiệu trong các giao dịch làm ăn tại Nhật là rất quan trọng. Không có thống kê cụ thể nhưng có thể nói rằng phân nửa các giao dịch làm ăn đều thông qua một sự giới thiệu nào đó. Tất nhiên, trách nhiệm và tiếng nói của người/ tổ chức giới thiệu cũng không phải là nhỏ. Nếu như người hay bên được giới thiệu gây ra vấn đề gì đó thì người giới thiệu cũng sẽ phải cùng gánh trách nhiệm. Không có luật quy định vế vấn đề này nhưng người Nhật sẽ cảm thấy rất có lỗi khi người được giới thiệu không làm tròn trách nhiệm. Ngược lại người được giới thiệu cũng sẽ cảm thấy có lỗi với bên đã giới thiệu cho mình trong trường hợp này.

-Bàn thêm:

Đa số người nước ngòai không hiểu về văn hóa 推薦 của người Nhật nên một là chuốc lấy thất bại. Hai là gây ra nhiều phiền toái cho các bên liên quan.

Xin nêu ra một vài ví dụ người Việt đã “dính “ phải như sau:

+Thất bại trong thi cử:

Rất nhiều người Việt Nam than rằng “em học rất khá! Làm bài cũng tốt. Nhưng thi cao học mấy lần cũng đều không đậu”! Khi hỏi ra thì đa số các trường hợp này đã không biết tạo dựng mối quan hệ hay nói cách khác là làm” thủ tục hành lang”. Nói cụ thể hơn thì tại Nhật trước khi thi cao học đa số sinh viên đã chọn thầy giáo hướng dẫn. Và trước khi thi thì trong nội bộ nhà trường đã biết sinh viên nào sẽ học với giáo sư nào. Việc này cũng đồng nghĩa với chuyện giáo sư đó đã trực tiếp hay gián tiếp 推薦 sinh viên đó với nội bộ nhà trường. Do đó nếu ai nằm ngòai các đối tượng này thì buộc phải bị lọai dù có làm bài tốt như thếb nào đi nữa.

Đáng buồn là nhiều sinh viên Việt Nam đã không hiểu vấn đề này và để tuột mất cơ hội học lên. Và cũng buồn cười hơn nữa là cũng có trường hợp đã hiểu chuyện giới thiệu bảo đảm của giáo sư như việc “đi cửa sau” ở Việt Nam. Xin nhắc lại là văn hóa Suisen của người Nhật khác với tập quán “đi cửa sau” của Việt Nam. Trong khi người Nhật giới thiệu người dựa vào khả năng thực lực của người đó thì ở Việt Nam lại là yếu tố khác quyết định(!).

+Rắc rối trong công việc:

Như đã nói ở trên, trách nhiệm của người giới thiệu và của người được giới thiệu tại Nhật là khá lớn. Do đó khi được giới thiệu một mặt là được “bảo đảm” nhưng mặt khác là bị “ràng buộc”. Do đó người được giới thiệu khi muốn làm gì đó đều phải biết “vuốt mặt thì phải nể mũi”. Tuy thế, khá nhiều người Việt Nam đã phớt lờ chuyện này và gây ra không ít rắc rối. Bản thân người Viết cũng không ít lần bị dính rắc rối vì đã mềm lòng trước các câu năn nỉ của vài người bị mất việc mà giới thiệu vào chỗ nào đó. Và cũng sau những rắc rối như thế này thì những người giới thiệu đã rút ra kinh nghiệm và tất nhiên cơ hội “được giới thiệu dễ dàng” đã không còn nhiều cho người Việt Nam.

+Nguời viết cũng đã nhận được khá nhiều ân huệ thừ Suisen:

Không phải nói thì ngay cái ngày làm thủ tục xin học bổng sang Nhật cũng đã bị yêu cầu đến mấy cái 推薦状. Sau này khi học lên cũng nhờ một lời bảo đảm từ thầy mà không phải thi nhập học. Rồi khi ra trường đi xin việc lại phải 推薦状. Và ngay ngày hôm qua cũng lại đi gặp nói chuyện về công việc thông qua một lời giới thiệu.

Ghi chú:

1. Mặc dù 推薦có thể dịch là”giới thiệu” “tiến cử”. Tuy thế có lẽ để “Suisen” sẽ biểu hiện được nghĩa nhiều hơn nên người viết đã giữ lại Suisen. Và đề mục “văn hóa suisen” cũng do người viết tự đặt.

2. Để tránh việc copy sử dụng lại bài tràn lan có một số chi tiết đã bị cố tình diễn dãi “hơi khó hiểu” hay” chưa đủ ý” . Một số phần bị lẫn lộn giữa tiếng Nhật và tiếng Việt.

(ttnb.net- kamikaze)

Mười ba đặc điểm của người Nhật nhìn dưới con mắt người phương Tây

Thông Tin Nhật Bản.net xin lược dịch và giới thiệu ý kiến của một học giả người nước ngoài nói về các đặc điểm của người Nhật. Bài được đăng trong sự so sánh với văn hóa Trung Quốc nhưng để tránh làm phức tạp vấn đề chúng tôi chỉ lược dịch và giới thiệu phần bàn về người Nhật. Trong số 13 đặc điểm mà tác giả nêu ra dưới đây cũng có phần chính xác, và phần không chính xác. Chúng tôi xin dành sự đánh giá cho người đọc. Hy vọng những nhận xét này sẽ giúp bạn phần nào đó trong việc tìm hiểu tính cách người Nhật.

1. Ý thức “bầy đàn” của người Nhật quá mạnh dẫn đến việc họ có tập quán tuân thủ mệnh lệnh. Hành động của họ đều dựa trên các chuẩn mực về thứ bậc trong xã hội và mang tính thứ bậc rõ nét. Điểm tốt là mọi người hòa hợp với nhau và dễ thống nhất. Tuy thế,một khi quyền lãnh đạo rơi vào tay của kẻ xấu với nhiều tham vọng thì toàn dân chúng cũng dễ dàng tuân theo, dẫn đến hậu quả không lường trước được. Ví dụ điển hình là sự xâm lược các nước khác của phát xít Nhật trong thế chiến thứ II.

2. Trong các quan hệ cá nhân thì người Nhật thành thực đến mức đến độ người khác phải ngạc nhiên. Bản thân tôi cũng có kinh nghiệm khó quên về chuyện này. Cạnh một ga nhỏ ở Osaka có cửa hàng bán rau không có người trông coi.Bên cạnh những túi đựng rau tươi là một mảnh gỗ nhỏ ghi giá 100 yên/bao. Không có ai trong coi do đó có trả tiền hay không hoàn tòan phụ thuộc vào người mua. Hay ở Nhật nếu bạn có đánh rơi mất đồ thì cũng không cần phải lo lắng. Bởi lẽ, tập quán của người Nhật là người nhặt được của rơi sẽ đem đến nộp cho đồn cảnh sát gần nhất.

3. Người Nhật theo chủ nghĩa tuyệt đối, họ quá để ý đến kỷ luật, thức bậc. Có lẽ trên thế giới ai cũng biết người Nhật rất tôn trọng kỷ luật. Tại các điểm du lịch trên thế giới hễ thấy một đòan người xếp hàng theo sau 1 hướng dẫn viên du lịch thì chắc chắn họ là người Nhật. Mặt khác, sự sạch sẽ của nhà vệ sinh là biểu hiện rõ nét của chủ nghĩa tuyệt đối của người Nhât. Nó thể hiện mức độ hướng đến sự tuyệt đối của họ. Hầu hết khách sạn ở Nhật phòng không rộng lắm nhưng sự sạch sẽ của nhà vệ sinh thì phải nói trên cả tuyệt vời. Nhà vệ sinh ở những khách sạn lớn được trang bị các thiết bị khá hiện đại. Nếu ai đã một lần ở khách sạn Nhật sẽ dễ nhận ra điều này.

4. Thích làm thủ công và thích những hàng thủ công.

5. Tính cộng đồng khá mạnh. Công ty là một gia đình thu nhỏ.

6. Rất cởi mở với hàng hóa nước ngòai nhưng lại dè dặt với người nước ngòai.

7. Không có tư tưởng chính trị nổi bật hay không dựa vào tư tưởng chính trị cụ thể nào cả.

8. Hiếu chiến và dễ bị kích động.

9. Thiếu tính chiến lược trong các chính sách kinh tế, ngọai giao. Không có quan điểm, đường lối rõ ràng cho các chính sách ngọai giao.Tất cả chỉ dựa vào “chủ nghĩa hòa hợp” của người Nhật.

10. Thiếu tính độc lập. Hầu như không có người Nhật nổi tiếng nào có suy nghĩ, phát minh hoàn tòan độc lập và không chịu ảnh hưởng của xung quanh.

11. Sức ảnh hưởng của chính phủ không mạnh. Phe phái trong chính phủ quá nhiều. Nhà nước có thể tồn tại với các cơ quan hành chính địa phương có mà không cần chính phủ trung ương.

12. Khái niệm về đạo đức của người Nhật chú trọng nhiều đến danh dự mà không để ý nhiều đến ý thức về tội lỗi. Người Nhật một mặt chú trọng đến lễ nghĩa, hay cười, thành thật với người khác. Mặc khác lại không dám nhìn thẳng vào các tội ác đã gây ra trong quá khứ. Lý do sâu xa nằm ở quan niệm về đạo đức của người Nhật.

13. Người Nhật ghét luật pháp. Có lẽ nhiều người cảm thấy mâu thuẫn nhưng bằng chứng cho việc này chính là Nhật Bản được xếp vào nhóm nhà nước pháp trị tại châu Á. So với người Âu, Mỹ thì thì người Nhật có xu hướng giải quyết nội bộ tất cả các vấn đề. Chỉ khi không giải quyết được mới mang ra tòa án.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#sfseded