NHỮNG LUẬN CƯƠNG LIÊN BANG

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trong tổng số những lợi điểm mà một liên bang được tổ chức chặt chẽ, sẽ đem lại một lợi điểm đáng cho chúng ta nhận định rõ ràng, là chính thể liên bang có khuynh hướng diệt trừ và kiềm chế những bè phái bạo động. Những người chủ trương thành lập chính phủ do nhân dân thường hay cảm thấy lo ngại khi nghĩ đến một Chính phủ lâm vào vòng thống trị của bè phái. Vì vậy, người ta muốn tìm một giải pháp không trái ngược với các nguyên tắc của một Chính phủ do nhân dân nhưng có thể ngăn ngừa được tật bệnh bè phái thống trị trong Chính phủ.

Tình trạng thiếu ổn định, thiếu công bằng hay hỗn độn của các hội đồng dân chúng chính là những căn bệnh hiểm nghèo đã giết chết nhiều Chính phủ của nhân dân và đã được những kẻ thù của tự do dùng làm những đầu đề có hiệu lực nhất để tuyên truyền cho họ.

Ở tất cả các nơi, có nhiều người, kể cả những công dân đạo đức và có uy tín nhất, biết phân biệt và quý trọng tự do cá nhân và tự do lập hội, thường vẫn than phiền rằng Chính phủ của chúng ta thiếu ổn định, rằng công ích đã bị lãng quên trong cuộc xung đột của các đảng phái đối lập, rằng nhiều luật lệ đã được quyết định trái ngược lại những quy tắc công lý và quyền hạn của đảng phái thiểu số, do uy lực chênh lệch của đa số chỉ hoạt động tư lợi. Tuy chúng ta mong ước những lời than phiền đó đều là vô căn cứ nhưng thực trạng đã chứng minh những lời than phiền đó quả có một phần đúng sự thật. Nếu chúng ta nhận xét thực trạng một cách chân thật, chúng ta sẽ nhận thấy một số sự rắc rối, phiền phức trong chính thể đã bị người ta đổ tội một cách sai lầm cho nền hành chánh của Chính phủ chúng ta. Nhưng đồng thời chúng ta cũng không thể quy kết cho những nguyên nhân khác về những thất bại nặng nề nhất, những khổ cực cay đắng nhất của chúng ta, nhất là sự bất tín càng ngày càng tăng thêm của dân chúng đối với những hoạt động của chính quyền và mối lo ngại của dân chúng về các quyền tự do cá nhân. Phải công nhận là những sai lầm, khổ cực đó là kết quả của một chính quyền hành chính thiếu ổn định, thiếu công bằng, bị đảng phái thống trị.

Có hai giải pháp để cứu vãn kết quả tai hại của đảng phái: một giải pháp bằng cách diệt trừ nguyên nhân của đảng phái; và một giải pháp bằng cách kiềm chế ảnh hưởng của đảng phái.

Diệt trừ nguyên nhân của đảng phái thì có hai cách: một là diệt trừ quyền tự do cho phép đảng phái thành lập, hai là làm cho tất cả các công dân đều có những ý kiến, những khuynh hướng và những quyền lợi giống nhau.

Chúng ta cần nói ngay đó là với giải pháp đầu tiên, liều thuốc chữa lại còn tai hại hơn cả căn bệnh. Quyền tự do đối với đảng phái thật chẳng khác gì không khí đối với lửa, không có không khí thì lửa sẽ tắt ngay. Nhưng tự do là một sự cần thiết cho hoạt động chính trị, bãi bỏ tự do vì tự do thuận tiện hoạt động cho đảng phái thì thật là điên rồ không kém gì diệt trừ không khí vì không khí giúp cho lửa tàn phá nhưng lại quên là không khí rất cần thiết cho đời sống của muôn vật.

Giải pháp thứ hai thiếu thực tiễn y như giải pháp thứ nhất thiếu khôn ngoan này. Trong khi lý trí của con người vẫn còn có thể sai lầm mãi mãi được và trong khi con người có quyền tự do để sử dụng lý trí của mình thì con người vẫn phải có nhiều ý kiến khác nhau, mỗi người mỗi ý kiến. Trong khi lý trí và lòng tự ái của con người có liên hệ mật thiết với nhau thì ý kiến và tình cảm của con người sẽ phải phụ thuộc theo ý kiến của mỗi người. Vì con người có tài năng khác nhau và đó chính là nguyên nhân của quyền tư hữu của con người nên không thể có được một sự đồng nhất về quyền lợi cho mọi người. Bảo vệ những tài năng của cá nhân chính là mục tiêu của Chính phủ. Nhưng vì tài năng của con người khác nhau và chênh lệch nhau nên tài sản của mỗi người cũng khác nhau và việc bảo vệ tài năng khác nhau và chênh lệch nhau của mọi người tức là sẽ phải đi tới kết quả công nhận có những tài sản khác nhau và chênh lệch nhau. Tính chất khác nhau và chênh lệch nhau của tài sản có ảnh hưởng tới tình cảm và ý kiến của người có tài sản, và vì vậy xã hội đã bị phân chia thành nhiều đảng phái khác nhau, nhiều quyền lợi khác nhau.

Nguyên nhân tiềm tàng của đảng phái như vậy đã có sẵn ngay trong bản tính của con người và chúng ta thấy ảnh hưởng của nguyên nhân đó ngay trong hoạt động khác nhau của các đảng phái, tuỳ theo hoàn cảnh khác nhau của xã hội. Những ý kiến khác nhau về tôn giáo, lòng quyến luyến đối với những lãnh tụ khác nhau, sự tranh giành địa vị và quyền lực là những điều đã phân chia nhân loại thành đảng phái, đảng phái này thù ghét, căm hờn đảng phái nọ khiến cho họ mong muốn đàn áp nhau hơn là hợp tác với nhau để phục vụ công ích. Lòng căm thù lẫn nhau giữa các đảng phái thật là trầm trọng đến nỗi dù không có những lý do quan trọng mà chỉ cần những cơ hội nhỏ cũng đủ để cho họ xung đột nhau dữ dội. Nhưng dù sao thì nguyên nhân thông thường nhất và trường cửu nhất đã chia rẽ các đảng phái vẫn là sự phân phối khác nhau và không đồng đều về các nguồn tài sản. Những người có tư sản và những người không có tư sản từ xưa tới nay vẫn chia ra thành những đảng phái có quyền lợi khác nhau. Quyền lợi của người có đất, quyền lợi của người có xưởng máy chế tạo, quyền lợi của người buôn bán, quyền lợi của người có tiền bạc và những quyền lợi khác đã nảy nở, bành trướng trong các xã hội văn minh và chia nhân loại thành những giai cấp khác nhau, hành động vì những tình cảm, những ý kiến khác nhau. Sự quy định những quyền lợi khác nhau đó chính là nhiệm vụ quan trọng nhất của luật pháp hiện đại và cố nhiên phải liên quan đến tinh thần phe đảng bè phái trong những hoạt động thông thường của guồng máy Chính phủ vậy.

Không có một người nào có quyền vừa làm tài phán lại vừa đại diện cho quyền lợi của mình bởi vì quyền lợi sẽ làm cho trí xét đoán của người đó mất phần phân minh và làm cho lòng thanh liêm của người đó mất phần toàn vẹn. Và tuy lý trí của một nhóm người là hay hơn hoặc ít nhất cũng bằng lý trí của một người nhưng một nhóm người cũng không có quyền vừa làm tài phán lại vừa đại diện cho quyền lợi của nhóm. Thế mà từ xưa tới nay, biết bao đạo luật quan trọng đã định đoạt quyền hạn của những nhóm người rất lớn trong khi đáng lẽ phải định đoạt quyền hạn của cá nhân mới hợp lý. Biết bao nhóm người lập pháp đã vừa đại diện cho quyền lợi của nhóm lại vừa làm ra những đạo luật. Chẳng hạn, trong trường hợp dự thảo một đạo luật cho tư nhân vay mượn, những người chủ nợ sẽ đứng sang một phe và những người vay mượn sẽ đứng sang một phe khác. Công lý là làm thế nào để giữ được cán cân thăng bằng giữa hai phe đó. Nhưng trong thực tế, một trong hai phe sẽ được quyền làm tài phán để xét xử và phe đông nhất, mạnh nhất sẽ thắng thế. Một thí dụ khác: có nên khuyến khích kỹ nghệ trong nước bằng cách hạn chế nhập cảng hàng hóa ngoại quốc hay không? Và hạn chế nhiều hay ít? Đó là một vấn đề mà quyết định của nhóm địa chủ phải khác với quyết định của nhóm chủ xưởng máy sản xuất, và quyết định của cả hai nhóm sẽ không hoàn toàn căn bản trên tinh thần công lý đâu, cũng như không hoàn toàn nhằm mục đích ích quốc lợi dân đâu. Ngay đến vấn đề định đoạt các thứ thuế, một vấn đề cần được giải quyết một cách phân minh và không thiên vị, thế mà chưa chắc đã có lấy một đạo luật nào mà trong đó đảng phái có uy quyền nhất lại không từng mưu toan chà đạp lên tinh thần công lý. Mỗi một xu, một hào nào mà các nhà lập pháp quyết định bắt buộc những tầng lớp hạ cấp của nhân dân phải đóng góp thêm trong thuế tức là một xu hào mà tầng lớp thượng lưu sẽ khỏi phải bỏ tiền túi ra để đóng.

Và chúng ta cũng không nên hy vọng hão huyền là sẽ có những chính trị gia có đầu óc đủ khả năng tìm thấy cách dung hòa những quyền lợi trái ngược đó và bắt buộc các nhóm xung đột nhau phải phục vụ công ích. Những chính trị gia có đầu óc không phải lúc nào cũng nắm được chính quyền để điều khiển quốc gia. Hơn nữa, trong nhiều trường hợp, sự dung hòa các quyền lợi còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện xa xôi khác và trong hoàn cảnh cần phải định đoạt cấp bách để bảo vệ quyền lợi trông thấy trước mắt, đảng phái này sẽ sẵn lòng chà đạp lên đảng phái nọ, gạt bỏ ra ngoài quyền lợi của đảng phái đối địch và luôn thể là gạt bỏ quyền lợi của cộng đồng.

Kết luận, chúng ta nhận thấy là chúng ta không thể tẩy trừ được những nguyên nhân đã gây ra đảng phái, và chúng ta chỉ còn một giải pháp là kiểm soát ảnh hưởng và kết quả của đảng phái.

Trong trường hợp một đảng phái không nắm được đa số, giải pháp chống đảng phái có thể tìm thấy ở ngay trong nguyên tắc cộng hòa, tức là dùng đa số để đánh bại đề nghị nham hiểm của đảng phái thiểu số bằng những thủ tục biểu quyết thông thường. Đảng phái thiểu số có thể làm trì trệ chính quyền, gây hoang mang trong xã hội nhưng nó sẽ không thực hiện được kế hoạch bạo động hoặc che đậy được lòng nham hiểu của nó trong một chính thể xây dựng theo hiến pháp. Nhưng khi một chính đảng đa số lại có tinh thần bè phái thì trong một chính thể dân chủ, chính đảng đa số đó có thể mưu toan hy sinh công ích và quyền lợi của những nhóm khác để bênh vực quyền lợi riêng của nhóm đó. Bảo vệ quyền lợi chung của cộng đồng và quyền lợi riêng của các cá nhân chống lại mưu toan của đảng phái đa số, đồng thời duy trì được tinh thần và hình thức của chính phủ dân chủ, đó chính là một trong những mục tiêu quan trọng mà các công cuộc nghiên cứu của chúng ta cần phải hướng tới.

Làm thế nào để đạt được mục tiêu đó? Chỉ có hai giải pháp mà thôi. Hoặc là ngăn cản để cho đa số không có quyền lợi riêng của đa số, hoặc là, nếu đa số có quyền lợi riêng, làm thế nào cho đa số không thể thực hiện mưu toan của đa số.

Về vấn đề này, chúng ta nhận thấy rằng trong một chính thể dân chủ thuần túy (hay trực tiếp), tức là một chính thể trong đó một nhóm rất nhỏ công dân hội họp cùng nhau và quản trị chính quyền, chúng ta không thể tìm thấy một phương sách nào để cứu chữa cho căn bệnh đảng phái. Trong chính thể dân chủ thuần tuý, trong hầu hết các trường hợp, đa số dễ có quyền lợi riêng cho đa số và hay có khuynh hướng hy sinh nhóm thiểu số. Vì vậy, trong một chính thể dân chủ thuần tuý, an ninh cá nhân và quyền sở hữu không được bảo đảm chắc chắn, và Chính phủ trong một chính thể dân chủ thuần túy, an ninh cá nhân và quyền sở hữu không được bảo đảm chắc chắn, và Chính phủ trong một chính thể dân chủ thuần tuý thường không được thành lập lâu dài và hay bị lật đổ bằng bạo động. Những lý thuyết gia chính trị chủ trương một chính thể dân chủ thuần tuý đã quan niệm một cách sai lầm rằng khi tất cả nhân loại được bình đẳng về quyền chính trị thì tất cả mọi người do đó sẽ hoàn toàn bình đẳng, nghĩa là có những tài sản, những ý kiến, tình cảm giống nhau, đồng nhất.

Trái lại, chính thể cộng hòa, tức là một chính thể trong đó nhân dân được đại diện trong chính quyền theo một hệ thống bầu cử, lại có thể cho thấy một cảnh tượng khác và ra đưa một phương sách để cứu chữa cho căn bệnh đảng phái mà chúng ta đang tìm kiếm.

Trong chính thể cộng hòa, nhân dân được đại diện do các vị dân biểu, quyền lợi công cộng của quốc gia sẽ được các dân biểu phát biểu rõ ràng hơn chính nhân dân tự ý phát biểu. Và những người này có một trí khôn ngoan lớn hơn để nhận thức được quyền lợi thực sự của quốc gia vì những người này có một tấm lòng ái quốc và một trí công bằng chân chính để không khi nào làm cho quốc gia bị tổn hại vì những quyền lợi riêng rẽ hoặc nhất thời.

Mặt khác, sự uỷ quyền quyền lực cho các vị dân biểu do nhân dân bầu cử cũng có thể có một kết quả tai hại. Những vị dân biểu có óc bè phái hoặc địa phương, nhờ những thủ đoạn khuất tất, nịnh hót, mua chuộc, được nhân dân bầu cử, nhưng sau khi đắc cử họ quay trở lại phản bội quyền lợi của nhân dân. Vấn đề của chúng ta là hãy xem xét trong những nước cộng hòa lớn và nhỏ, nước nào có nhiều điều kiện thuận tiện để tìm thấy những vị dân biểu chân chính ích quốc lợi dân hơn:

Trong một nước cộng hòa, dù nhỏ như thế nào thì số dân biểu cũng phải khá nhiều để tránh nguy cơ một số ít kết tụ với nhau và giành quyền định đoạt, và trong một nước cộng hòa dù lớn thế nào thì số dân biểu cũng phải hạn chế, đừng có quá nhiều vì quá nhiều thì chỉ thêm hoang mang và hỗn độn. Như vậy, tại nước lớn cũng như nước nhỏ, số dân biểu cần phải cân xứng với số công dân. Thiếu sự cân xứng đó sẽ có một kết quả tai hại. Nếu số cử tri để bầu một dân biểu quá lớn thì dân biểu sẽ mất khả năng nhìn thấy rõ ràng quyền lợi địa phương hoặc quyền lợi của những nhóm nhỏ. Nhưng nếu chỉ định một số cử tri quá nhỏ để bầu một dân biểu thì e là dân biểu đó lại chỉ nhìn thấy quyền lợi của một nhóm cử tri nhỏ đó mà không thấy những quyền lợi rộng lớn hơn của toàn quốc. Hiến pháp liên bang về vấn đề này đã đưa ra một giải pháp rất thích hợp: quyền lợi lớn lao có tính chất toàn quốc được giao phó cho chính phủ trung ương liên bang, còn những quyền lợi địa phương thì được giao phó cho các chính thể tiểu bang.

Chúng ta nhận thấy là chính thể cộng hòa có những điều kiện thuận tiện để ngăn cản sự thống trị của bè phái khiến cho chúng ta đỡ phải lo ngại. Một xã hội càng nhỏ thì đảng phái tượng trưng cho quyền lợi khác nhau càng ít, và vì vậy dễ có đa số trong mỗi đảng. Đảng còn nhỏ thì số người trong đa số càng ít, tức là số đó dễ có cơ hội để thoả thuận cùng nhau và đè nén thiểu số. Nếu ta nới rộng phạm vi ra, nếu đảng càng lớn thì số người đó khó mà có những tình cảm giống nhau, những lý do giống nhau về những quản lý riêng rẽ giống nhau, và khó bề thỏa thuận cùng nhau, kết tụ cùng nhau để tăng thêm lực lượng chung. Trong một đa số lớn, nếu có những chuyện lén lút gian lận thì sự nghi kỵ lẫn nhau dễ có hơn và sự thỏa thuận để có một hành động chung rất khó xảy ra.

Như vậy, chúng ta nhận thấy là chính thể cộng hòa có nhiều lợi điểm hơn chính thể dân chủ thuần tuý để kiểm soát sự thống trị của đảng phái, và một cộng hòa lớn có nhiều lợi điểm hơn một cộng hòa nhỏ, một liên bang có nhiều lợi điểm hơn một tiểu bang, tức là một trong nhiều thành phần tụ hợp thành một liên bang. Lợi điểm đó có phải là vì dân chúng bầu cử dân biểu làm đại diện cho mình, cho nên dân biểu sẽ là những thành kiến địa phương thiển cận của dân chúng không? Vâng, tôi tin là các đại diện của dân chúng trong Chính phủ liên bang sẽ có được những quan niệm đứng đắn và ích lợi như vậy.

Lợi điểm thứ hai có phải là chúng ta sẽ có một nền an ninh vững chắc hơn vì trong một liên bang lớn sẽ có nhiều đảng phái khác nhau và không có đảng nào, một nhóm nào có thể lấn được tất cả các đảng phái khác, các nhóm khác và ức hiếp toàn thể không? Vâng, tôi tin là càng có nhiều đảng phái khác nhau, nhiều nhóm khác nhau trong liên bang thì nền an ninh của chúng ta lại càng tăng thêm. Phạm vi rộng lớn của liên bang sẽ là một chướng ngại vật để ngăn cản một đa số kết hợp cùng nhau để thực hành những điều khuất tất, nguy hại nhằm thu lợi riêng cho họ.

Lãnh tụ các đảng phái có thể gây ảnh hưởng rối loạn tại tiểu bang của họ nhưng không thể làm cho cuộc rối loạn đó lan rộng sang các tiểu bang khác. Một nhóm tôn giáo có thể tổ chức thành một đảng phái chính trị tại một địa phương trong liên bang nhưng tất cả các nhóm tôn giáo khác nhau ở toàn quốc sẽ dập tắt nguy cơ của nhóm tôn giáo địa phương kia. Những phong trào điên rồ hay tàn nhẫn có thể chớm nở tại một địa phương nhưng không thể lan tràn trên toàn lãnh thổ của liên bang, cũng như một bệnh hiểm nghèo có thể tàn phá một quận hay một tỉnh chứ không thể truyền nhiễm cả một nước được.

Trong số những khó khăn mà Hội nghị Lập hiến đã phải trải qua, khó khăn quan trọng nhất là làm thế nào để cho Chính phủ vừa có đủ sự ổn định, có đủ năng lực hoạt động, lại vừa không làm tổn hại tới tinh thần tự do và tinh thần cộng hòa. Chính phủ có đầy đủ năng lực hoạt động thì mới duy trì được an ninh để chống lại những hiểm hoạ từ bên ngoài đưa tới hoặc từ ngay ở trong nước phát sinh ra. Chính phủ phải có đầy đủ năng lực thì luật pháp mới được thi hành mau chóng và đúng đắn, có vậy thì Chính phủ mới xứng đáng là một Chính phủ chân chính. Chính phủ cần phải được ổn định vì sự ổn định sẽ mang lại nhiều điều lợi ích, làm cho nhân dân tin tưởng ở Chính phủ, được thái bình. Một Chính phủ không ổn định, nay thay mai đổi, thì quả thật là một điều tai hại và làm cho dân chúng chán ghét.

Tuy những điều kể trên rất quan trọng nhưng nếu chúng ta so sánh những điều đó với những nguyên tắc về tự do mà quan trọng cũng không kém thì chúng ta sẽ nhận thấy ngay là việc dung hòa các điều đó cùng nhau sao cho cân xứng là một việc rất khó khăn. Tinh thần tự do cộng hòa đòi hỏi rằng không những tất cả các quyền lực của Chính phủ đều phải do ở nhân dân mà có, mà quyền lực đó dù đã giao phó cho một số người rồi vẫn phải ở trong vòng kiểm soát của nhân dân, nghĩa là quyền lực đó chỉ nên giao phó trong những kỳ hạn rất ngắn mà thôi. Vì dù là quyền lực đã chỉ được ủy nhiệm trong một kỳ hạn rất ngắn, quyền lực đó không phải là uỷ nhiệm cho một vài người, mà cần phải uỷ nhiệm cho càng nhiều người càng hay. Ngược lại, sự ổn định đòi hỏi quyền lực đó cần phải ủy nhiệm cho một số người trong một thời hạn khá lâu dài. Nếu những người được uỷ nhiệm cần phải thay đổi luôn thì cần phải có nhiều cuộc bầu cử và sau mỗi cuộc bầu cử lại có một số người mới cùng với những đề nghị và quyết định mới. Trái lại, một Chính phủ mà muốn cho có đầy đủ năng lực, cần phải là một Chính phủ được uỷ quyền trong một thời gian khá lâu dài và hơn nữa, sự thi hành quyền lực đó cần phải do một người có trách nhiệm và có uy lực.

Thế giới thiên nhiên chia ra từng loại rõ ràng, ranh giới nhất định, thế mà chúng ta không phân biệt nổi vì con mắt của chúng ta không được hoàn toàn để thấu triệt. Huống chi, khi nhận xét về các cơ cấu xã hội và chính trị của loài người, con mắt của chúng ta đã không hoàn toàn, mà đối tượng, tức là những cơ cấu đó, lại không phân biệt ra từng loại rõ ràng, vậy thì chúng ta đâu dám hy vọng là có thể tìm hiểu được đầy đủ về các cơ cấu chính trị đó. Kinh nghiệm đã dạy cho chúng ta rằng trong khoa học chính trị, chưa có một trí thông minh tài giỏi nào có thể phân biệt và định nghĩa được rõ ràng ba ngành quyền chính trị, tức là ngành lập pháp, ngành hành pháp và ngành tư pháp, hay là những quyền hạn của các bộ phận của mỗi ngành. Mỗi ngày người ta lại tự nêu lên một câu hỏi về những vấn đề này, chứng tỏ là những vấn đề này thật là khó hiểu, khiến cho những người tài giỏi nhất về khoa chính trị học mà chúng vẫn phải thắc mắc.

Kinh nghiệm của nhân loại, trải qua bao thời đại, gồm cả những công phu của các luật gia xuất chúng, những công trình của các Chính phủ sáng suốt, thế mà vẫn chưa có thể thành công trong công cuộc phân chia và đặt giới hạn phạm vi của nhiều bộ luật khác nhau và của nhiều toà án khác nhau. Phạm vi của luật dân sự, luật thương mại, luật hàng hải, luật về tôn giáo và những luật lệ của các địa phương ngày nay vẫn cần phải định đoạt cho rõ ràng thêm ngay tại một nước như nước Anh, tức là một nước mà những bộ luật đó đã được nghiên cứu và áp dụng cặn kẽ và sâu rộng nhất trên thế giới. Tất cả các đạo luật mới, dù được ghi chép rõ ràng trên phương diện kỹ thuật như thế nào chăng nữa, dù được thông qua sau khi đã được thảo luận kỹ lưỡng như thế nào chăng nữa vẫn bị coi là tối nghĩa và dễ hiểu lầm cho tới khi ý nghĩa của những đạo luật đó đã được xác định rõ ràng qua nhiều lần bàn cãi và xét xử. Ngoài việc vấn đề không được phân biệt rõ ràng và tri giác của con người không được hoàn toàn còn một việc nữa là phương tiện truyền thông tư tưởng từ người này qua người nọ cũng không được rõ ràng. Ngôn ngữ dùng để phát biểu tư tưởng. Vậy muốn cho tư tưởng được phát biểu rõ ràng, không những tư tưởng cần phải rõ ràng trước đã, mà sau nữa, ngôn ngữ cũng cần phải rõ ràng, mỗi chữ, mỗi tiếng dùng cho một tư tưởng riêng biệt không thể lầm với nhau. Nhưng chưa có một ngôn ngữ nào có thể đầy đủ đến độ có thể có đủ mỗi danh từ, mỗi câu cho mỗi tư tưởng phức tạp và những danh từ đó lại đúng đến độ không thể hiểu lầm được. Vì vậy, dù các vấn đề đã được định nghĩa rõ ràng nhưng nếu các danh từ thiếu rõ ràng hoặc sai lầm thì các vấn đề cũng trở thành thiếu rõ ràng và có thể hiểu lầm được. Và vấn đề càng mới mẻ bao nhiêu thì danh từ trong ngôn ngữ lại càng thiếu rõ ràng và dễ sai lầm bấy nhiêu. Ngay đến Đức Chúa, khi Đức Chúa hạ mình để nói với loài người, Đức Chúa đã dùng phương tiện truyền thông tư tưởng của loài người và vì vậy, tuy tư tưởng của Đức Chúa sáng ngời nhưng ý nghĩa tư tưởng của Đức Chúa cũng mất phần minh triết vì ngôn ngữ của loài người.

Tóm lại, có ba lý do làm cho việc định nghĩa bị mơ hồ hoặc sai lầm: sự khó phân biệt giữa các đối tượng, sự thiếu hoàn thiện của tri giác con người, sự thiếu thốn trong ngôn ngữ để truyền thông tư tưởng. Bất cứ một lý do nào trong ba lý do đó đều có thể làm cho một vấn đề trở nên thiếu rõ ràng. Hội nghị Lập hiến, khi hạn định phạm vi quyền lực liên bang và quyền lực tiểu bang, chắc chắn đã trải qua kinh nghiệm về ảnh hưởng của ba lý do trên.

Ngoài những vấn đề khó khăn kể trên phải kể thêm những sự đòi hỏi trái ngược nhau giữa các tiểu bang lớn và các tiểu bang nhỏ. Các tiểu bang lớn đòi hỏi rằng quyền hạn của họ trong khi tham dự vào chính phủ liên hiệp phải cân xứng với sự quan tâm của tiểu bang họ. Còn các tiểu bang nhỏ thì đòi hỏi quyền hạn bình đẳng cho tất cả các tiểu bang.

Không phải chỉ có những tiểu bang lớn và những tiểu bang nhỏ xung khắc nhau mà thôi mà còn có những nhóm xung khắc với nhau nữa. Nhóm thì có tính chất địa phương, nhóm thì có tính chất chính trị. Vì mỗi tiểu bang chia ra nhiều quận và dân chúng chia ra nhiều giai cấp nên có nhiều nhóm khác nhau, tranh giành quyền lợi trái ngược nhau. Đấy chỉ mới nói tới một tiểu bang, nếu nói tới toàn quốc thì biết bao nhiêu là nhóm khác nhau.


Lịch sử của các hội nghị lớn của nhân loại thành lập để dung hòa những ý kiến khác nhau, những sự ganh tỵ hoặc những quyền lợi khác nhau, chỉ là lịch sử của những đảng phái, những đòi hỏi trái ngược, những thất vọng đáng được coi là những cảnh đã trưng bày những tật xấu bỉ ổi của con người. Nếu trong một vài trường hợp lẻ tẻ mà những hội nghị đó đi đến được những kết quả sáng lạng, thì đó chỉ là những trường hợp ngoại lệ của một định luật mà thôi.

Phân quyền để kiểm soát lẫn nhau và giữ sự cân bằng.

Để bảo vệ sự tự do, điều dĩ nhiên là mỗi ngành, mỗi bộ cần phải có một ý chí độc lập riêng biệt. Và cũng vì vậy, mỗi ngành, mỗi bộ cần phải trực thuộc lẫn nhau càng ít càng hay trong việc bổ nhiệm nhân viên chính quyền. Nếu nguyên tắc đó được tuân theo một cách triệt để, thì sự bổ nhiệm nhân viên trong ba ngành quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp sẽ hoàn toàn căn bản trên một cơ chế chung, tức là do sự chọn lựa của dân chúng, nhưng mỗi ngành theo một đường lối riêng biệt, không phải phụ thuộc cùng nhau. Thực hành nguyên tắc này có lẽ cũng không đến nỗi khó khăn như người ta tưởng tượng nhưng dù sao cũng có một vài điểm khó khăn khiến cho trên phương diện thực hành có lẽ cũng cần phải có một vài trường hợp không nên theo nguyên tắc một cách quá sát sao. Chẳng hạn như trong ngành tư pháp, chúng ta không nên theo quá sát sao nguyên tắc lý thuyết vì e rằng trên phương diện thực tế sẽ bất lợi. Trước hết, bởi vì các nhân viên của ngành này cần phải có những điều kiện tài đức và chuyên nghiệp đặc biệt, vì vậy cần phải áp dụng một phương pháp chọn lựa nhân viên sao cho có được những nhân viên có đầy đủ các điều kiện đòi hỏi. Sau nữa, bởi vì kỳ hạn đảm nhận chức vụ của các nhân viên trong ngành này lâu dài cho nên các nhân viên sau khi được bổ nhiệm sẽ hết phụ thuộc vào những người hoặc cơ quan đã giao phó chức vụ cho họ.

Một điều dĩ nhiên khác là nhân viên của mỗi ngành, mỗi bộ cần phải được độc lập, nghĩa là càng ít phụ thuộc vào những ngành, những bộ khác thì càng thuận lợi khi họ thi hành nhiệm vụ của họ. Chẳng hạn, nếu nhân viên ngành hành pháp hoặc nhân viên ngành tư pháp mà không được hoàn toàn độc lập đối với ngành lập pháp thì họ sẽ không thể thực sự độc lập khi thi hành nhiệm vụ của họ.

Phương pháp ngăn ngừa sự tập trung nhiều quyền lực trong một bộ phận hoặc một ngành là giao phó cho mỗi bộ, mỗi ngành những phương tiện được tiên liệu trong Hiến pháp để mỗi bộ, ngành có thể ngăn chặn sự can thiệp hoặc xâm lấn của ngành, bộ khác. Phương tiện ngăn chặn cần phải cân xứng với lực lượng uy hiếp của ngành hoặc bộ địa phương. Để chống lại tham vọng của kẻ khác, chúng ta cũng phải sử dụng tham vọng. Quyền lợi của nhân viên một bộ cần phải có liên hệ mật thiết với quyền hạn do Hiến pháp đã tiên liệu giao phó cho nhân viên đó. Chỉ có phương pháp đó thì mới hy vọng ngăn chặn những sự lạm dụng trong Chính phủ. Chính phủ là gì nếu không phải là cái đã phản chiếu rõ ràng nhất bản tính của loài người? Nếu con người là thần thánh thì loài người cần phải có Chính phủ để làm gì? Và nếu con người được thần thánh cai trị thì Chính phủ của loài người cũng chẳng cần phải có những khoản tiên liệu để Chính phủ kiểm soát dân chúng và Chính phủ tự mình kiểm soát lấy mình. Trong khi thành lập một Chính phủ để người cai trị người, sự khó khăn lớn nhất là ở chỗ này: trước hết phải làm thế nào để Chính phủ có thể cai trị được dân chúng và sau nữa là phải làm thế nào để Chính phủ tự mình có thể kiểm soát lấy mình được. Chính phủ cần phải phụ thuộc vào nhân dân, đó cố nhiên là một giải pháp để kiểm soát chính phủ rồi, nhưng dù sao cũng cần phải có nhiều phương tiện khác để phòng ngừa.

Trong trường hợp mà không thể tin tưởng là con người lúc nào cũng có những động lực cao cả, chính sách phân định quyền hạn mà căn bản dựa trên những quyền lợi trái ngược nhau của các ngành và các bộ là một chính sách có thể áp dụng không những trong việc tư mà cả trong việc công. Chính sách này được áp dụng không những trong việc chia chính quyền ra nhiều ngành mà cả trong việc phân chia mỗi ngành thành nhiều bộ, nhiều cơ quan khác nhau. Mục tiêu của sự phân chia này là làm thế nào cho cơ quan này kiểm soát và hạn chế quyền lực của cơ quan kia.

Nhưng tuy có việc phân quyền cho nhiều ngành, chúng ta nhận thấy không thể thành lập mỗi ngành hoàn toàn bình đẳng cùng nhau, nghĩa là làm cho mỗi ngành có đủ sức tự vệ để chống đối lại sự uy hiếp của ngành khác. Trong một chính thể cộng hòa, ngành lập pháp cố nhiên phải mạnh hơn các ngành khác. Giải pháp chống lại sự chênh lệch đó là chia ngành này thành nhiều ngành phụ, hoặc do phương pháp bầu cử khác nhau, hoặc do phương pháp định đoạt những nguyên tắc hoạt động khác nhau. Ngành lập pháp có nhiều uy lực hơn các ngành khác, vì vậy chúng ta cần phải chia sẻ ngành này để làm cho nó yếu đi, nhưng trái lại, vì ngành hành pháp yếu hơn, vậy nên chúng ta lại cần phải tăng cường cho nó.

Nếu những nhận xét trên là đúng thì tôi tin tưởng là những nguyên tắc phân quyền quả là có một căn bản chắc chắn. Nếu so sánh Hiến pháp của các tiểu bang với Hiến pháp liên bang, chúng ta nhận thấy rằng tuy Hiến pháp liên bang không theo sát hoàn toàn những nguyên tắc trên nhưng dù sao thì cũng vẫn theo sát hơn Hiến pháp của các tiểu bang.

Về hệ thống liên bang của Mỹ, có hai nhận định khiến cho hệ thống này có một lập trường đặc biệt.

Nhận định thứ nhất: Trong một nước cộng hòa tập trung, dân chúng giao phó quyền hạn cho một Chính phủ độc nhất. Để ngăn ngừa Chính phủ lạm dụng quyền lực mà dân chúng đã giao phó cho Chính phủ, Chính phủ được phân chia ra nhiều ngành khác nhau và hoàn toàn riêng biệt. Trong một nước cộng hòa liên bang như nước Mỹ, dân chúng giao phó quyền lực cho hai Chính phủ, Chính phủ liên bang và Chính phủ tiểu bang. Quyền lực của mỗi Chính phủ cũng được phân chia thành nhiều ngành và nhiều bộ. Như vậy tức là, trong cộng hòa liên bang Mỹ, sự ngăn ngừa chính quyền lạm dụng quyền lực do dân chúng giao phó đã được nhân gấp hai, vì có hai Chính phủ kiểm soát lẫn nhau và mỗi Chính phủ lại tự kiểm soát mình do sự phân chia thành các ngành, các bộ khác nhau.

Nhận định thứ hai: Trong một nước cộng hòa, không những cần phải ngăn ngừa chính quyền đàn áp dân chúng mà còn phải ngăn ngừa đa số dân chúng đàn áp thiểu số dân chúng. Dân chúng ở nhiều giai cấp khác nhau nên cũng có nhiều quyền lợi khác nhau, nhiều nhóm khác nhau. Nếu nhiều nhóm khác nhau đoàn kết cho một mục đích chung thì đa số đó có thể đàn áp một thiểu số. Chỉ có hai phương pháp để ngăn ngừa mối hoạ đó. Phương pháp đầu tiên là làm thế nào đào tạo được một ý chí quốc gia không phụ thuộc đa số dân chúng. Phương pháp thứ hai là làm cho dân chúng phân chia ra thật nhiều thành phần khác nhau, khiến cho không thể có được một sự kết tụ của nhiều thành phần để trở thành một đa số. Phương pháp thứ nhất được áp dụng tại những Nhà nước mà chính quyền được truyền nối đời này qua đời nọ hoặc không cần dựa trên sự thỏa thuận của nhân dân. Nhưng nếu chính quyền không dựa trên nhân dân thì rất có thể chính quyền sẽ ủng hộ hoặc quyền lợi của đa số, hoặc quyền lợi của thiểu số và sẽ có hại cho cả hai bên. Phương pháp thứ hai được áp dụng tại Mỹ tức là một cộng hòa liên bang. Chính quyền do nhân dân mà có và phải phụ thuộc vào nhân dân, nhưng nhân dân chia ra quá nhiều đảng phái khác nhau, quyền lợi khác nhau cho nên quyền lợi của cá nhân không lo bị quyền lợi của xã hội đàn áp. Trong một nước cộng hoà tự do, quyền tự do về chính trị của cá nhân phải giống như quyền tự do về tôn giáo vậy. Dân chúng chia ra nhiều nhóm chính trị hoặc kinh tế khác nhau thì cũng có thể chia ra nhiều nhóm tôn giáo khác nhau. Càng nhiều nhóm thì càng tốt, vì điều này cũng là nhờ vào phạm vi rộng lớn của lãnh thổ và dân số của toàn quốc. Nhận định này giúp chúng ta nhìn thấy hình thức liên bang quả là có nhiều điểm thuận tiện, và nếu các tiểu bang không kết hợp thành một liên bang rộng lớn, mà trái lại, lại kết hợp thành nhiều liên hiệp dựa trên các lý do quyền lợi hoặc địa dư giống nhau, thì sẽ đi tới cấu tạo thành nhiều nhóm đa số trong nhân dân mỗi liên hiệp. Quyền lợi của mỗi nhóm sẽ không được bảo đảm chắc chắn và các tiểu bang độc lập sẽ có thể đi tới chỗ mất độc lập. Nếu trong một xã hội mà kẻ khỏe có thể đàn áp được kẻ yếu thì đó quả là một xã hội hỗn độn, vô chính phủ. Lúc đó, nhân dân chỉ có thể cầu mong một chính thể mà chính quyền có thể che chở cho cả kẻ khỏe lẫn kẻ yếu. Trong một nước cộng hòa liên bang rộng lớn như nước Mỹ, xã hội chia ra quá nhiều đảng phái, quyền lợi giáo hội khác nhau, cho nên xã hội đó không thể nào phân chia thành một đa số và một thiểu số trong dân chúng, trừ phi trong trường hợp một đa số để tiến tới công lý, tới công ích. Thiểu số không sợ đa số, đa số cũng không có lý do để giúp cho chính quyền cấu tạo một ý chí quốc gia biệt lập khỏi ý chí của nhân dân và để đè nén nhân dân. Như vậy, nếu nhân dân và lãnh thổ càng rộng lớn thì nước cộng hòa càng có thể tiến tới dân chủ.

... Vì những đức tính cần thiết của người được bầu cử là một vấn đề không được định nghĩa rõ ràng và cẩn thận trong Hiến pháp của tiểu bang nên Hội nghị Lập hiến đã nghiên cứu cẩn thận và đưa ra quy định thích hợp về vấn đề này. Một hạ nghị sĩ của Hiệp Chủng quốc phải trên hai mươi năm tuổi, khi được bầu cử phải đã là một công dân Hiệp Chủng quốc từ bảy năm, phải là một người ngụ cư tại tiểu bang mà mình đại diện và trong thời kỳ làm hạ nghị sĩ không được giữ một chức vụ nào khác trong chính phủ Hiệp Chủng quốc. Trong những giới hạn hợp lý đó, cửa tiến vào chính phủ liên bang đã được mở rộng cho bất cứ những người nào có tài đức, dù sinh tại Mỹ hay nhập tịch, dù trẻ hay già, dù nghèo hay giàu, dù theo bất cứ một tôn giáo nào.


Có lẽ tôi sẽ có dịp được người ta nhắc cho tôi nghe câu tục ngữ: "Ngay sau cuộc bầu cử hàng năm là đã bắt đầu tình trạng chuyên chế rồi".

Nếu chúng ta để ý xem xét các cuộc bầu cử tại các tiểu bang, chúng ta, nhận thấy là thời gian bầu cử tại các tiểu bang là khác nhau. Tại các tiểu bang Connecticut và Rhode Island, các cuộc bầu cử được tổ chức mỗi năm hai kỳ. Tại các tiểu bang khác, trừ tiểu bang South Carolina, các cuộc bầu cử được tổ chức mỗi năm một kỳ. Tại tiểu bang South Carolina, cứ hai năm mới bầu cử một kỳ giống như trong dự thảo Hiến pháp vậy. Thời gian này khác nhau tại các tiểu bang nhưng chúng ta không thể nói được rằng chính phủ liên bang Connecticut hoặc Rhode Island là khá hơn hay có nhiều tự do hơn chính phủ tiểu bang South Carolina. Chúng ta không thể nói được rằng vì bầu cử thường xuyên mà một tiểu bang duy trì được tự do cho dân chúng hơn một tiểu bang khác.

Cuộc bầu cử hai năm tổ chức một lần có cần thiết và hữu ích hay không?

Không có một người nào có thể là một luật gia đầy đủ tư cách nếu không có, ngoài lòng cương trực và một trí phán đoán hợp lý, một sự hiểu biết đầy đủ về những vấn đề mà mình có nhiệm vụ quy định luật lệ. Một phần sự hiểu biết đó có thể thu lượm được trong những sự giao thiệp giữa cá nhân với nhau hoặc trong khi chấp chính. Một phần nữa của sự hiểu biết đó chỉ có thể thu lượm được những khi luật gia được bổ nhiệm trong chức vụ để sử dụng sự hiểu biết đó. Như vậy, nhiệm kỳ của luật gia đó phải cân xứng với phạm vi sự hiểu biết cần phải thu lượm được để thi hành nhiệm vụ của mình. Nhiệm kỳ của các nghị sĩ tại các tiểu bang thường là, như ta đã biết, một năm. Như vậy, câu hỏi mà chúng ta cần phải nêu lên là nhiệm kỳ hai năm của Hạ nghị sĩ Hiệp Chủng quốc có cân xứng với sự hiểu biết cần thiết thu lượm được để làm những đạo luật liên bang hay không? Nhiệm kỳ hai năm đó có cân xứng với nhiệm kỳ một năm của nghị sĩ tiểu bang, tức là thời gian cần thiết để thu lượm sự hiểu biết thích hợp cho công cuộc làm luật tiểu bang hay không? Ngay khi hỏi như vậy, chúng ta đã thấy là cần phải trả lời như thế nào rồi.

Trong một tiểu bang, sự hiểu biết về những đạo luật hiện hành không có gì là nhiều cho lắm; vả lại những đạo luật đó có một tính chất đồng nhất trên khắp lãnh thổ của tiểu bang và tất cả các tầng lớp dân chúng thường hay bàn tán với những đạo luật đó. Nhưng toàn thể lãnh thổ Hiệp Chủng quốc thì lại là một vấn đề khác. Trong khi các đạo luật địa phương khác nhau từ tiểu bang này sang tiểu bang khác thì công vụ của liên bang cần phải có một hiệu lực chung cho toàn thể một lãnh thổ rộng lớn, và phải giải quyết những vấn đề ở mỗi nơi một khác. Những đạo luật chung của liên bang áp dụng cho tất cả những địa phương khác nhau chỉ có thể tìm hiểu và chỉnh đốn tại hội đồng thảo luận trung ương mà thôi, tức là nơi mà đại diện các tiểu bang tới nhóm họp và mang tới sự hiểu biết về địa phương của họ. Tuy vậy, đại diện của mỗi tiểu bang cũng cần phải trau dồi sự hiểu biết về tình trạng công vụ và các đạo luật của tất cả những tiểu bang khác. Chẳng hạn, làm thế nào để một đạo luật về ngoại thương có một tính chất đồng nhất cho liên bang nếu không hiểu biết về nền thương mại, các hải cảng, các luật lệ của mỗi tiểu bang. Làm thế nào để thảo một đạo luật quy định nền thương mại giữa hai tiểu bang nếu không có hiểu biết về tình trạng thương mại của cả hai tiểu bang? Làm thế nào để quy định thuế cho vừa phải và thu thuế cho có hiệu quả nếu không có hiểu biết về tình trạng kinh tế của mỗi tiểu bang? Những nhận xét đó chứng tỏ rằng nghị sĩ đại diện tiểu bang cần phải có một sự hiểu biết sâu rộng về toàn thể lãnh thổ của tiểu bang.

Những sự khó khăn đó cố nhiên là sau này càng ngày càng ít đi. Công việc khó khăn nhất là bước đầu trong việc thành lập chính phủ liên bang và một bản luật pháp liên bang. Bản luật pháp đó sau này sẽ được sửa đổi dần và công cuộc sửa đổi càng ngày sẽ càng được dễ dàng. Nhưng kinh nghiệm làm việc ngày càng nhiều và sẽ là một kho hiểu biết cho những nghị sĩ mới. Công vụ của liên bang sẽ càng ngày càng được nhân dân tại khắp các địa phương bàn tán nhiều hơn. Sự giao thông và liên lạc giữa các tiểu bang với nhau càng ngày càng làm cho các tiểu bang hiểu biết nhau hơn trước. Điều này sẽ làm cho các đạo luật liên bang được phổ biến một cách rộng rãi. Tuy những khó khăn càng ngày càng ít đi nhưng dù sao đi nữa thì công vụ của liên bang vẫn có một phạm vi rộng lớn và phức tạp hơn công vụ của mỗi tiểu bang.

Còn một sự hiểu biết nữa mà nghị sĩ liên bang cần phải trau dồi là sự hiểu biết về các vấn đề thuộc chính sách ngoại giao. Trong khi soạn thảo những đạo luật về nền ngoại thương của Mỹ, nghị sĩ không những cần phải hiểu biết về các hiệp ước giữa Mỹ và ngoại quốc mà còn cần phải hiểu biết về các đạo luật và chính sách thương mại của ngoại quốc nữa. Tuy Hạ Nghị viện không tham gia trực tiếp trong các cuộc thương lượng ngoại giao nhưng vì sự liên lạc giữa các ngành và các bộ của chính quyền liên bang, Hạ Nghị viện cũng có nhiệm vụ kiểm điểm hoặc hợp tác cùng các ngành khác. Những sự hiểu biết đó, nghị sĩ có thể thâu lượm được bằng những phương tiện của riêng mình nhưng những phương tiện hay nhất chỉ có thể có được trong khi nghị sĩ có chức vụ chính thức của mình.

Ngoài những nhận định trên lại còn những nhận định khác, tuy không quan trọng như trên nhưng không phải vì vậy mà không đáng chú ý tới. Chẳng hạn, sự cách trở giữa tiểu bang của một nghị sĩ với thủ đô, thời gian lâu dài của cuộc hành trình của nghị sĩ cũng là một lý do để chúng ta nhận thấy nhiệm kỳ hai năm là hợp lý hơn nhiệm kỳ một năm. Đối với Quốc hội hiện hữu, dù đại diện các tiểu bang được bầu cử hàng năm nhưng sự tái cử của các vị đó hầu như là đã dĩ nhiên. Trái lại, trong Quốc hội Liên bang, theo dự thảo Hiến pháp mới, Hạ nghị sĩ sẽ do dân chúng trực tiếp bầu và việc bầu cử đó sẽ không dễ dàng như hiện nay. Cố nhiên là trong Hạ Nghị viện mới sẽ có một vài nghị sĩ có tài đức xuất chúng và sẽ được tái cử một cách dễ dàng. Nhưng đa số nghị sĩ sẽ là những người mới, thiếu kinh nghiệm, không đủ trau dồi trong một năm. Nhận định này không những chỉ đúng cho Hạ Nghị viện mà lại đúng cho cả Thượng Nghị viện.

Tuy bầu cử luôn luôn có nhiều điều lợi nhưng cũng có nhiều điều bất lợi. Do Nghị viện các tiểu bang bầu cử hàng năm và chỉ họp có một khóa mỗi năm nên khi xảy ra những điều ám muội hoặc bất hợp pháp trong các cuộc bầu cử, người ta sẽ không có thời gian để điều tra về những sự gian dối đó. Khi điều tra xong thì phiên họp của Nghị viện cũng đã kết thúc khiến cho những người gian dối đã có đủ thì giờ để thực hiện âm mưu của họ rồi. Vì vậy, nếu cuộc bầu cử nghị sĩ liên bang mà tổ chức hàng năm thì e rằng sẽ khuyến khích sự gian dối trong cuộc tranh cử. Nghị viện nào cũng có thẩm quyền phán đoán về tính chất hợp thức của nghị sĩ hội viên của mình và về cách thức bầu cử nghị sĩ đó có hợp pháp hay không, và tuy là sau này sẽ thành lập được những phương pháp hiệu nghiệm hơn để kiểm soát tính chất hợp pháp của các cuộc bầu cử, nhưng tuy vậy, thời gian một năm vẫn là quá ngắn ngủi để điều tra và khám phá những điều bất hợp pháp hoặc gian dối và để trục xuất hội viên nghị sĩ đã đắc cử một cách bất hợp pháp.

Tất cả những nhận định trên chứng tỏ rằng những cuộc bầu cử cứ hai năm mới tổ chức một lần sẽ có ích cho công vụ liên bang và vẫn duy trì được nền tự do của nhân dân.

Một trong những lý lẽ chỉ trích Hạ Nghị viện cho rằng những dân biểu tại Hạ Nghị viện sẽ được chọn lựa trong giai cấp công nhân không có cảm tình đối với đa số quần chúng và các vị dân biểu sẽ có khuynh hướng hy sinh quyền lợi cho quần chúng để củng cố quyền lợi của một thiểu số giàu sang.


Mục tiêu của bất cứ một Hiến pháp chính trị nào cũng là, hay cũng phải là, để chọn lựa những người lãnh đạo trong số những người có nhiều trí khôn ngoan để biết xét đoán, có nhiều đạo đức để theo đuổi thực hiện công ích cho xã hội. Sau nữa, mục tiêu của Hiến pháp chính trị là thiết lập được những phương pháp phòng ngừa khiến cho các nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục có một hành vi đạo đức như xưa trong suốt thời gian họ giữ chức vụ của họ. Phương pháp bầu cử để chọn lựa các nhà lãnh đạo chính là đặc tính của một chính thể cộng hòa. Phương tiện phòng ngừa để duy trì chính thể cộng hòa có rất nhiều và khác nhau nhưng trong số đó, phương tiện có hiệu quả nhất là hạn chế nhiệm kỳ của các nhà lãnh đạo khiến cho họ phải luôn luôn giữ đúng trách nhiệm của họ đối với nhân dân.

Ai là người sẽ bầu các đại diện trong chính phủ liên bang? Không phải là kẻ giàu sẽ có nhiều quyền hơn kẻ nghèo, không phải kẻ có học thức sẽ có quyền hơn kẻ ngu dốt, cũng không phải con cháu của các gia đình danh giá sẽ có quyền hơn những người cùng đinh trong việc bầu cử đại diện vào chính phủ liên bang. Cử tri sẽ là đa số trong nhân dân của Hiệp Chủng quốc. Cử tri chính là những người tại mỗi tiểu bang đã có quyền bầu cử đại diện của họ vào trong chính phủ tiểu bang của họ vậy.

Ai là những người sẽ được nhân dân bầu cử làm đại diện cho họ? Bất cứ một người công dân nào có tài có đức cũng đều sẽ có cơ hội được nhân dân chọn lựa làm đại diện. Họ không cần phải có tiền của, phải thuộc gia đình danh giá, phải theo một tôn giáo nhất định hoặc có một nghề cao quý nào, và trí xét đoán của nhân dân sẽ không bị lung lạc bởi những lý do kể trên khi chọn lựa đại diện của họ.

Bây giờ, nếu chúng ta nhận xét về tâm trạng của một vị dân biểu đã được nhân dân tự ý bầu cử thì chúng ta sẽ nhận thấy ngay trong sự bầu cử tự do đã chứa đựng rất nhiều yếu tố để duy trì lòng trung thành của các vị dân biểu đối với các cử tri:


Người dân bầu cho một vị dân biểu vì thấy ở họ có nhiều đức tính xứng đáng; nhân dân hy vọng là ông sẽ giữ lời cam hết đối với họ.Bản tính con người là hay vô ơn bạc nghĩa, và trong nhiều trường hợp chứng tỏ nhận xét đó là đúng. Bên cạnh đó, con người tại nơi nào cũng đều công phẫn khi thấy những kẻ vô ơn bạc nghĩa;Con người vị kỷ, hành động vì lợi ích của mình; dân biểu là những người khôn ngoan, chẳng lẽ họ không biết tiếp tục trung thành với nhân dân để hy vọng được dân chúng tiếp tục ủng hộ sao? Dĩ nhiên có kẻ sau khi đạt được mục đích sẽ quay ra trở mặt, nhưng đa số những người đã được hưởng danh vọng từ dân chúng sẽ không muốn chủ trương những sự cải cách tổn hại trực tiếp tới quyền lợi dân chúng.Những cuộc bầu cử sẽ được tổ chức thường xuyên; các vị dân biểu sẽ phải luôn nhớ rằng họ phải phụ thuộc vào sự ủng hộ của dân chúng.Người được bầu lên có thể chủ trương thuận, hoặc nghịch với chủ trương những người bầu mình lên. Họ có thể là một dân biểu đạo đức, hoặc xấu xa.. Nhưng không một vị dân biểu nào có thể chà đạp lên luật pháp.

Những điều kiện mà dự thảo Hiến pháp bắt buộc một ứng cử viên thượng nghị sĩ phải có khác với hạ nghị sĩ về hai điểm: tuổi phải cao hơn và phải đã là công dân Hiệp Chủng quốc trong một thời gian lâu hơn. Một thượng nghị sĩ phải trên ba mươi tuổi, trong khi một hạ nghị sĩ chỉ phải trên 25 tuổi. Một thượng nghị sĩ phải là một công dân Mỹ ít nhất là 9 năm, trong khi một hạ nghị sĩ chỉ cần đã là một công dân Mỹ trên 7 năm. Sự phân biệt đó có thể giải thích bằng lý do liên quan tới trọng trách của một thượng nghị sĩ, đòi hỏi một người có nhiều sự hiểu biết rộng hơn và một tính tình điềm tĩnh, thận trọng hơn. Đồng thời, một thượng nghị sĩ cần phải có một thời hạn là công dân Mỹ cao hơn bởi vì Thượng Nghị viện có nhiệm vụ xét đoán về những vấn đề bang giao cùng với ngoại quốc, cho nên cần phải chắc chắn là thượng nghị sĩ đã thoát bỏ được tư tưởng và tập quán cũ khi chưa là công dân Mỹ. Thời gian 9 năm bắt buộc một ứng cử viên thượng nghị sĩ phải có từ ngày trở thành một công dân Mỹ là một thời gian vừa phải vì như vậy tức là vừa không gạt bỏ hẳn ra ngoài những công dân nhập tịch, lại vừa không quá vội vàng chấp thuận những người mới nhập tịch vào một chức vụ quan trọng mà có thể lo ngại ngoại bang sẽ dùng họ để gây ảnh hưởng tới Quốc hội.


Bây giờ chúng ta hãy nhận xét về vấn đề tổng số các nghị sĩ tại Thượng Nghị viện và nhiệm vụ của các thượng nghị sĩ. Muốn hiểu về vấn đề này, chúng ta cần phải hiểu Thượng Nghị viện được thành lập với những mục đích nào và nếu không có Thượng Nghị viện thì sẽ có những điều bất lợi nào.


Trước hết, chúng ta thường nhận thấy là trong một chính thể cộng hòa, những người đại diện dân chúng sau khi đã đắc cử rồi có khi lại quên mất bổn phận của họ đối với dân chúng. Để phòng ngừa trường hợp này có thể xảy ra, Thượng Nghị viện được thành lập để chia sẻ quyền lực với Hạ Nghị viện, trong khi hai viện là hai đơn vị cách biệt nhau để kiểm soát lẫn nhau. Nếu có một cuộc âm mưu để phản bội quyền lợi nhân dân thì cần phải có sự thỏa thuận của cả hai viện, tức là một điều không thể xảy ra một cách dễ dàng. Phương pháp phòng ngừa này rất thích hợp với những nguyên tắc của một chính thể cộng hòa.


Nếu Quốc hội chỉ gồm có một viện và có một số nghị sĩ rất đông, Quốc hội có thể bị lôi cuốn do những dục vọng bạo động, bất chợt hoặc bị bè phái chi phối. Những thí dụ về trường hợp này có thể tìm thấy rất nhiều trong lịch sử nhiều nước trên thế giới và ngay tại nước Mỹ. Để tránh cho Quốc hội khỏi lâm vào một tình trạng nguy cấp như vậy, Thượng Nghị viện cần phải là một viện mà số nghị sĩ không quá nhiều, có một lập trường cương quyết, và muốn có một lập trường cương quyết, thượng nghị sĩ cần phải có một nhiệm kỳ khá lâu dài.

Một trong những nhược điểm của các nghị sĩ là sự thiếu hiểu biết về những mục đích và những nguyên tắc của công việc lập pháp. Phần lớn những người đắc cử nghị sĩ là những người có một sự nghiệp riêng của họ và nếu nhiệm kỳ công vụ của họ quá ngắn ngủi, họ sẽ không dành hết thì giờ trong nhiệm kỳ của họ để giải quyết công vụ, để nghiên cứu về các đạo luật, để quan sát về các quyền lợi và dư luận của quốc gia, và như vậy, họ có thể phạm vào nhiều điều sai lầm.

Một chính phủ đắc lực cần phải thỏa mãn hai điều kiện: trước hết, trung thành với mục đích của chính phủ, tức là hoạt động của nền hạnh phúc của nhân dân, và sau nữa là hiểu biết về những phương tiện để tiến tới được những mục đích đó. Có nhiều chính phủ thiếu cả hai điều kiện đó, một số chính phủ thiếu điều kiện thứ nhất. Tôi xin nói thẳng là chính phủ Hiệp Chủng quốc thiếu điều kiện thứ hai. Vì vậy cho nên Hội nghị lập hiến đã cố tránh sự sai lầm đó cho chính quyền liên bang.

Vì Quốc hội sau mỗi lần bầu cử lại thay đổi một số nghị sĩ, và tuy là các nghị sĩ mới đều có đầy đủ tư cách, nhưng dù sao cũng cần phải có một yếu tố ổn định, quân bình trong Quốc hội. Người ta nhận thấy rằng Hạ Nghị viện sau mỗi lần bầu cử có thể thay đổi tới một nửa số các nghị sĩ mới. Có một số nghị sĩ mới đắc cử thì tức là phải có một sự thay đổi về chính kiến và sẽ phải có một sự thay đổi về các quyết định lập pháp. Dù sự thay đổi quá nhanh chóng đó có luôn luôn đem lại những điều tốt đẹp đi nữa thì vẫn cần phải duy trì một thái độ thận trọng, có vậy mới hy vọng thành công chắc chắn được. Nhận xét này không phải chỉ đúng trong phạm vi hoạt động cá nhân mà còn đúng cả trong phạm vi hoạt động của những hội đồng quốc gia nữa...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro