[25.3.2021] Viết ra

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Beta: JanusElise

Cre pic: Ylanite Koppens

Tôi co chân rồi đạp mạnh pê-đan, bắt đầu bực mình sao xe lăn quá chậm cứ như hơi ở hai bánh từ từ thoát ra từ cái lỗ vô hình nào đó trên săm xe. Đầu ngõ nhà tôi đã ló dần sau khúc đường nhựa hẹp. Ngoảnh lại, nhìn xe cộ qua lại nườm nượp, tôi tạt vào ngõ, khẽ thở phào ngay khi vừa chui vào giữa hai dãy nhà tường xi măng thẳng đứng. Tôi dừng lại cách nhà mình vài mét. Tôi không định đạp tiếp.

Không có một ai ở đây, không một ánh nhìn từ ban công soi xuống ngõ, không có bất chợt một tiếng mở cửa nhìn ra ngoài. Các hàng xóm ở con ngõ này toàn những cụ bà, cụ ông đã về hưu, họ sẽ càu nhàu cả buổi chiều nếu bị ai đó đột ngột phá giấc ngủ trưa quý báu. Con ngõ được vắng lặng trong vài giờ tới, ta có thể ngồi ngẫm nghĩ hay khóc lóc ngoài cửa mà không lo bị ai gạn hỏi. Nhất là sau khi đi học về với nỗi tuyệt vọng mơ hồ, tay tôi nắm chặt lấy ghi đông cho người bớt run rẩy. Tôi còn không biết chuyện của mình có đáng để rơi nước mắt không. Thậm chí trong đó chẳng có một lời nào làm người ta buồn.

- Hai đứa có thi học sinh giỏi không?

Cô giáo tôi lân la đến hỏi. Không phải với tôi, mà với hai người bạn cùng lớp giỏi môn cô nhất, hai đứa nó nhìn nhau. Mặc dù ngồi ở đầu kia dãy bàn nhưng tôi vẫn thấy rõ cả hai còn do dự, trong khi tôi biết sẽ đáp lại, chắc nịch: "Có ạ!". Tôi định làm xong bài viết văn được giao mấy phút trước thật nhanh, nhưng mà không ngăn nổi mình ngóng về hướng đó.

Tôi muốn nghe cô hỏi mình câu ấy. Tôi đợi, mắt vẫn hướng phía ba người, vừa bàn với hai đứa bạn bài tập. Cô vẫn đứng tựa vào bàn đằng ấy, bên cạnh cửa sổ sáng bừng, chia sẻ những kinh nghiệm mười mấy năm vật lộn với văn chương của cô. Hình như cô nói nhiều hơn thường lệ. Rì rầm, nếu cố tôi sẽ nghe lỏm được chun chút. Nhưng nghe trực tiếp chẳng phải thích hơn sao?

- Lâu nhỉ...

Tôi gõ lạch cạch vào mặt bàn mới cứng. Dẫu biết hi vọng của mình rất phiền hà người khác, tôi một mực chờ mong cô cũng đi tới nói như thế với mình. Mới tưởng tượng ánh nhìn tin tưởng ấy về mình thôi tim tôi đã muốn nhảy cẫng ra ngoài lồng ngực. Sẽ thật sung sướng biết bao!

Thế rồi, kết thúc cuộc chia sẻ kinh nghiệm, người đó đi lướt qua tôi.

Da mặt tôi nóng bừng lên, hai tai ù ù. Tôi khẽ kêu lên, "Ơ?", liền thấy mình vô duyên quá. Chỉ biết ngóng theo bước chân của cô đi về phía cuối lớp, xem xem cả lớp làm bài thế nào. Dù mấy lần sau đó cô có tựa vào bàn tôi, ngay cạnh tôi, nhưng vẫn chẳng nói một lời nào. Tôi đã tin mình đủ năng lực để được cô giáo chú ý.

Nước mắt chực tràn lên, tôi phải chớp liên hồi mới giữ cho không chảy ra. Thế mà lại ri rỉ một chút nước làm tôi liền cúi đầu quẹt đi.

"Lẽ nào mình tệ đến thế ư?"

Hình như muốn níu lại chút gì, tôi mân mê quyển vở, bút bi cầm lửng lơ trên dòng chữ màu đen đang dở. Đúng rồi! Phải nhanh xong đi, tôi tự mắng mình thế. Nhưng đầu óc lại trống trơn, nhìn dòng chữ chẳng khác nào con trỏ nhấp nháy làm tôi cáu tiết.

Nếu là hai người đó thì chuyện này nhẹ tênh nhỉ?

Tôi lén ngó sang, quả thực cả hai đang viết nhoay nhoáy, thỉnh thoảng có vài tích tắc ngưng bút lại nghĩ ngợi. Tôi nghĩ bụng đằng đó giỏi thật đấy, rồi quay về mình, dòng văn còn dang dở mà chưa biết nối tiếp ra sao, dòng văn mà tôi đang cố nhồi nhét những con chữ lộn xộn vào. Tôi tự hiểu ra: "À, chắc mình viết chẳng ra gì nên chẳng có cơ hội tiến xa thêm đâu." Ý nghĩ đó nảy ra làm tôi như bước hụt xuống hố. Tôi nhích vở mình lui xuống, nghĩ thầm, ai mà muốn đọc thứ này cơ chứ. Còn hai đứa bạn ngồi bên cạnh tôi chọc léc nhau, cười khúc kha khúc khích.

Buổi học chầm chậm trôi qua, tâm trí tôi tê liệt bởi suy nghĩ tiêu cực ấy, bỏ trống bài tập này và cả những bài sau cô giáo thúc giục làm. Đáng lẽ ra tôi phải suy nghĩ tích cực lên và hoàn thành chúng thật tốt để ngầm trách cô sao bỏ quên tôi. Nhưng cuối cùng tôi không thể. Tôi sợ cô đến đây, đọc bài làm một hồi lâu mà đôi mày nhíu mỗi lúc một cao và hỏi: “ Em đang viết cái gì vậy?”

Hết giờ, cô rời khỏi phòng học trước cả học sinh, men theo cầu thang xuống dưới tầng trệt. Tôi cứ nhìn theo cô, cho đến khi khuất hẳn sau bức tường ngăn phòng học với cầu thang. Thế là hết rồi... Tôi bèn nhập vào dòng người ra về. Mãi mới lết ra xe được, đạp đi mà đầu óc cứ như trên mây trên gió.

Thật lạ làm sao, trí óc đột ngột thấy hoảng loạn giữa đường, tôi gồ chân phóng thật nhanh về nhà, nhưng đến nơi lại chần chừ chưa bước tiếp.

“Mình nên làm gì bây giờ?”

Khóe mắt tôi lại rơm rớm ra. Không được! Ông bà tôi đang đợi ở nhà, thấy tôi sướt mướt chỉ bởi cô giáo lướt qua thế này sẽ nổi khùng mất. Với họ khóc vì lí do này cực kì vớ vẩn và nhảm nhí.

Tôi lấy đồng hồ ra xem, đã muộn rồi, bèn hít thở sâu cho tỉnh táo lại rồi đạp nốt về.

Trưa nay chỉ có ít giò và rau mùng tơi luộc. Ăn với cơm có vị lờ lợ như thể nhai hồ dán mà có vài cục đã đông đặc làm tôi đành nhắm mắt nuốt chửng. Hay vì chiếc bánh bao nhỏ ban sáng đã nhồi vào bụng tôi lượng đủ để bỏ bữa trưa, nay ăn thêm chỉ muốn ọe sạch?

Hình như thấy tôi ăn mãi vẫn còn nửa bát cơm, ông tôi gắp thêm cho miếng giò to tướng, mặc cho tôi lắc đầu lia lịa. Đến bà lại nói:

- Ông cứ để kệ cháu gắp.

Có lẽ cũng bắt đầu mất kiên nhẫn với tôi, bà kể chuyện thời bố tôi còn bé tí, nhà đang ở vùng xa lắc xa lơ nào đấy ngoại thành Hà Nội, bà đi dạy lương không đủ ăn, chỉ mươi ngày là hết sạch, ông thì đang chiến đấu ở Campuchia. Thiếu thốn đến nỗi thịt cũng phải kho thật mặn, trứng dầm vào nước mắm để dành ăn dần mấy bữa nữa,... Rồi chuyện phát đồ ăn theo phiếu hằng tháng, một thời có ăn là sướng cả ngày... Xong bà chốt hạ, liếc qua tôi, đảo nhìn ông:

- Đấy khó khăn thế mà hai con vẫn lớn, vẫn khỏe thậm chí giờ béo ra ấy ông nhở?

Tôi không đáp lại, rệu rạo nhét miếng cơm vào mồm. Câu chuyện đấy không giúp tôi ăn ngon hơn đâu, nó chỉ ra rõ ràng rằng tôi quá yếu ớt trước chuyện bé tí vừa rồi. Có lẽ nên bỏ... Tôi xem nhiều phim, mường tượng ra một nhân viên văn phòng làm việc với những con số và biểu mẫu ngày qua ngày, một lựa chọn cực kì phù hợp với một đứa như tôi.

Dường như những ý nghĩ đó kháy vào tim tôi, nỗi nao nao lạ lùng lại dồn ứ lên đôi mắt.

“Chẳng nhẽ không ai nuốt nổi văn của mình ư?”

Tôi ngước lên nhìn ông bà mình, lời cứ nghẹn nơi cổ họng. Có những lần bà bực mình kể chuyện mấy hàng xóm trong khu mà không mau mồm chào hỏi khi gặp bà, kết luận rằng "Bọn nó bây giờ cứ thế, cứ lù đà lù đù." Hơn bao giờ hết, tôi sợ chưa nói hết đã chen ngang, bị nói thẳng vào mặt, "Có thế thôi mà mặt như bánh đa nhúng nước."

Cuối cùng tôi chẳng ăn hết được cơm trong bát, đổ đi đến gần nửa. Tôi ôm cái bụng đầy ưng ức lên phòng, bỏ cái cặp học thêm rơi bịch xuống sàn và chui lên giường. Nhìn lên trần nhà vôi trắng đơn điệu nằm ngẩn ngơ. Để người khác thấy mình khóc thì khó xử lắm. Nghĩ rồi tôi khẽ khàng mò xuống lấy chiếc điện thoại trong cặp, bèn mở game lên chơi. Bởi game không áp lực thời gian hay tập trung tuyệt đối, đầu óc tôi lại thơ thẩn về một mộng tưởng thuở nọ. Tôi từng ước mơ sẽ có ngày những bài văn mình viết ra sẽ được cô giáo thật sự thích thú. Và khi gặp mặt tôi trên lớp sau mỗi bài kiểm tra người đó sẽ nói với đôi môi cong cong:

" Bài lần này em làm tốt đấy!..."

Cũng như vào ngày đó hai năm trước đây, tôi đã phải lòng môn văn khi nghe câu nói từ cô giáo. Nhưng giờ tôi điểm lại những bài văn mình từng viết, những câu chuyện mình tạo ra chỉ thấy chúng tệ hại tựa như mê cung làm người ta ong đầu. Tôi bỏ điện thoại xuống, lẩm nhẩm, "Văn mình như rác vậy..."

Tôi khẽ thở dài, cố nén lại nước mắt để chiếc nệm đang nằm không bị ướt. Chuyện này đâu đến nỗi thế, chuyện bé cỏn con thế này... Nước mắt chỉ đến xúc động một chút rồi đi. Nhưng không được bao lâu, ngực tôi đã trĩu nặng nỗi tuyệt vọng như đeo chì, giọt lớn giọt nhỏ dần dần chảy ra từ nơi khóe mắt. Đúng là, mình chẳng ra gì nên yếu ớt thế này!

Một lúc sau, tôi lại cầm điện thoại lên. Ngón tay đưa lên xuống danh sách người có thể tâm sự lúc này. Cô giáo. Bạn bè...

“Cơ mà nếu mình nhắn...”

Đang là giữa trưa, lại còn chẳng phải chuyện hài hước gì thì người ta sẽ giận giữ nhắn lại “có thế mà cũng khóc!” cho mà xem. Nghĩ thôi đã đủ sợ rồi. Tôi bèn chuyển sang ứng dụng ghi chú, hít thở sâu và tâm sự nỗi tuyệt vọng trong lòng mình lúc này với chiếc điện thoại. Tôi chợt cứng người, tự nhiên thấy hơi lo lắng. Rồi ngồi dậy bật bản nhạc không lời, gõ tiếp, chốc chốc tự bảo "không phán xét gì hết, cứ viết thôi..."

Những câu văn mềm mại như lụa tơ tằm lần lượt hiện ra trong đầu tôi, mất vài giây tự sắp xếp hoàn chỉnh chạy xuống ngón tay đang gõ chữ. Rồi chúng còn cuồng bạo hơn, như thể ngôn từ của cả tập truyện ngắn "Gió lạnh đầu mùa"* đập vào óc làm tôi hoảng hốt vì quá nhiều điều cần phải nói và muốn nói đang tuôn trào. Khi đặt dấu chấm hết, ngả người dựa vào gối kê cạnh thành giường, hết thảy da gà tôi nổi bừng, trái tim cũng khoan khoái lạ. Phải ồ lên trước mớ chữ mình vừa tạo ra, tay chân giần giật phải đứng lên nhảy nhót cho tiêu hết nguồn năng lượng dồi dào này.

Khi ngồi dò lại tôi thấy những gì mình vừa viết lạc khỏi mọi sơ đồ, khuôn mẫu tôi từng nghĩ đó là tất cả những gì mình có thể, cả bài viết là thứ cảm xúc lộn xộn rối rắm làm tôi thảng thốt, sau đó tức cười.

- Mình đang làm gì thế này?

Tôi ôm mặt lè nhè, song cứ để nguyên ghi chú như thế, lại còn thích ngắm nghía "kết tinh" của một cuộc khổ đau vừa trải qua. Nó không phải là tư liệu tốt để làm chuẩn mực, nhưng nó làm tôi nhẹ nhõm vì không phải cất trong lòng nữa.

Rồi đọc lại, lần nữa và lần nữa, tôi tự nhủ với đôi tay nắm chặt: "Đúng rồi, mình cũng có thể viết đấy mà, mình chỉ cần viết nhiều lên thôi..."

-

*"Gió lạnh đầu mùa": Tên một tập truyện ngắn của Thạch Lam. Ông là một cây bút thiên về tình cảm, văn ông nhẹ nhàng, giàu chất thơ và sâu sắc.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro