Tập hợp các mẩu chuyện ngắn!

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mẩu chuyện 1: Cần nghe tư vấn của người nhà

Đối với những sinh viên mới chập chững bước vào thế giới của những người làm công ăn lương thì việc đầu tiên là tham khảo ý kiến của người nhà. Người nhà đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định xem, mình ở đâu và làm gì. Tôi có một vài người nhà như thế. Luôn đưa ra lời khuyên, luôn đưa ra lời nhắc nhở... một cách luôn luôn.
Ở đất thủ đô bươn chải một thời gian, công việc của tôi cũng không ổn định lắm, thời gian đầu chỉ nghĩ đi làm công việc tạm thời lấy lương nuôi ước mơ to mà bỏ qua nhiều cơ hội tốt. Người nhà gặp mẹ tôi và nói:
"Đất Bắc Ninh thiếu gì việc làm sao cứ phải ở trên Hà Nội làm cái gì, cô cho nó về đây, để nó còn lấy chồng, sinh con, ổn định chứ".
Ngay sau đó là cuộc điện thoại hỉ nộ ái ố của mẹ dành cho tôi, khuyên tôi hết nhẽ về tình yêu quê hương, sự cống hiến hết mình cho sự phát triển của tỉnh nhà. Và tôi trẻ con, nghĩ rằng, mệt mỏi với thủ đô thì mình về quê thôi.
Đến khi nhận được công việc online ở quê, với mức lương khá cao, nhưng vẫn bị mang tiếng ở nhà làm, không có công ăn việc làm. Người nhà lúc đó lại lên tiếng (lưu ý vẫn cùng một người nhà ấy đấy):
"Đất thủ đô người vô chẳng được, cô lại cho nó về làm gì, công việc thì không có, tuổi tác thì ngày một cao, phải vươn ra thế giới, hội nhập thì mới có cơ hội phát triển?".
"Ơ...!" Mẹ tôi.
Người nhà số hai, tôi tạm gọi như vậy, có hai người con thành đạt, có công danh sự nghiệp với đời, luôn nhìn tôi bằng con mắt nửa trên nửa dưới... các bạn không hiểu à... thì có nghĩa là khinh khỉnh ấy. Nhưng bác ấy thì luôn quan tâm đến tâm tư nguyện vọng của tôi, không đồng ý với lối sống cách nghĩ một mình một kiểu của tôi cũng đưa ra lời khuyên xác đáng như sau:
"Cháu nghĩ thế là không được, có việc thì mình phải biết cầu cạnh, ứng xử khéo léo, như anh cả nhà bác, thời còn đi học, luôn dính tới thầy giáo hướng dẫn, ngày về nhà quét rác pha trà cho thầy, tối dọn dẹp nhà cửa, thầy thầy con con thì mới được như ngày hôm nay chứ!".
"Vậy sau đó thì sao ạ?".
"Ô cái con bé này, hỏi ngu thế cháu, không thấy giờ anh mày đang làm quan ở Trung tâm à".
Kinh nghiệm được rút ra ở đây là gì nhỉ?
Người nhà là một phạm trù chỉ để tham khảo. Nhất định thế! Nghe theo là đánh mất mình ngay. Tôi nói thật đấy.

Mẩu chuyện 2: Tôi là người nhà của sếp

Thật lòng mà nói, khuyên thì khuyên vậy thôi, chứ nếu người nhà mà xin được việc thì cũng "hì hì" cho qua nhỉ. Chẳng vậy mà được làm người nhà của sếp là một vinh dự vô cùng lớn lao, cao cả thế còn gì; nhưng đối với tôi đó là một trải nghiệm không lấy gì làm vui vẻ lắm.
Bạn mới ra trường, chưa xin được việc ngay.
Bạn mới ra trường, bố mẹ bạn sốt ruột
Đừng lo, với các mối quan hệ "giời ơi đất hỡi" của bố mẹ bạn, anh em bạn kiểu gì bạn cũng sẽ có ít nhất một lần được làm con ông cháu cha.
Anh họ tôi làm "quan bé" tại một Trung tâm nho nhỏ, đã cất công "mời tôi" về làm một chân "cơm bưng, nước rót" cho anh ở cơ quan. Hàng ngày công việc của tôi là pha ấm trà xanh Thái Nguyên không đặc, không nhạt nóng hôi hổi để trên bàn; cầm chổi lông gà khua khắng khắp các gian phòng làm việc và nghe ông anh họ nói về "nhân tình thế thái". Anh tôi thì thương tôi lắm, sợ tôi làm sai nên mỗi khi giao tài liệu tiếng Anh cho tôi dịch thì anh đứng cạnh tôi. Mà với con bé mới chân ướt chân ráo ra trường, sát thủ đứng cạnh thì cầm vũ khí sao đặng, huống chi tư duy cầm bút múa may. Tôi dịch được một câu anh ấy nhăn mày một nét, cứ như tôi đang dịch tài liệu khủng bố vậy, tôi nghĩ anh ấy hẳn là một chuyên gia dịch thuật, câu văn chuẩn không cần chỉnh thì mới có thể giám sát chặt chẽ như vậy. Tôi hoàn thành công việc được giao khá nhanh gọn, đáp lại là một cái gật đầu khẽ khàng. Tạm hài lòng thế đã.
Đến khi tôi không làm cho anh tôi nữa, anh ấy mới tâm sự rằng:
"Tao biết khỉ gì tiếng Anh, chẳng qua tao đứng thị uy cho mày làm quen dần với áp lực công việc ấy mà".
Vâng thưa anh. Anh có biết một tuần trời anh đứng đó như Từ Hải khiến tôi sút mất mấy cân, suýt nhồi máu cơ tim không?
Đồng nghiệp thời bấy giờ của tôi là những người luôn để ý, theo dõi đến diễn biến tình cảm anh em của chúng tôi. Ngày nào sếp uống tí rượu mà nói tôi ngu thế này thế kia, thì y như rằng hôm đó tôi cảm nhận được một bầu không khí tình thương mến thương của những đồng nghiệp tốt bụng cả ngày cằn nhằn sếp. Nhưng ngày nào, sếp có ý khen, hoặc gọi là cười mỉm với tôi chẳng hạn, cũng vẫn nơi ấy, người ấy sặc mùi thuốc súng.
Chẳng bao lâu tôi từ giã anh, bỏ lại sau lưng những lời cằn nhằn của bố mẹ và cái lườm nguýt còn dài hơn cả dãy Trường Sơn của người nhà tôi. Tôi tự lập.

Mẩu chuyện 3: "Châu chấu đá voi"

Quan hệ giữa "sếp và nhân viên" trở thành rường cột của mỗi cơ quan, tổ chức, đoàn thể. Nó quyết định tồn vong của mỗi con người, mà nói ngắn gọn là chúng ta – những chú châu chấu nhỏ bé.
Đi làm mà, cái tôi đôi lúc nó bị buộc phải thể hiện, nếu hiền quá thì bị bắt nạt, ghê quá thì chẳng ai chơi mà lâu lâu thể hiện quá thì hối hận cả đời.
Bạn muốn mình là chú thỏ con ngơ ngác lạc giữa bầy sói không? Đương nhiên không.
Bạn muốn mình là chú cáo già không ngác ngỡ lạc giữa bầy chó săn không? Đương nhiên không.
Thế rút cuộc bạn muốn gì?
Tôi muốn bình yên, đến tháng dịch xong được sấp tài liệu, nhận lương, trở thành một cán bộ cần mẫn là được.
Nhưng đời cho ai lương thiện.
Sếp nhà các bạn thế nào, chứ sếp nhà tôi thì y hệt một bà mẹ chồng khó tính (nói nhỏ là tôi chưa lấp chồng đâu, nhưng mà bạn bè tôi kể về mẹ chồng của nó cũng khiếp thế đấy).
Nhân viên cầm chổi quét dọn văn phòng, cắt giảm chi phí lao công. Ừ thì cũng đúng, lao động là vinh quang, bỏ bê việc nhỏ sao làm được việc lớn. Nhưng cớ sao phòng ốc đang được quét tước sạch sẽ như vậy, sếp lại đi rung cây đào rừng trong nhà cho lá bay ra như phim Hàn Quốc. Thì quét lại chứ sao?
Thế sao chị em váy vóc đẹp đẽ là thế, sếp bắt chúng ta đi nhổ cỏ, làm vườn. Thì sếp lo cho sức khỏe anh em, suốt ngày ngồi phòng quang hợp với bóng đèn ảnh hưởng đến làn da châu Á, đôi mắt châu Phi và bàn chân Giao Chỉ chứ sau. Với cả, cỏ trưởng thành từ đất, vươn lên mạnh mẽ thể hiện ý chí kiên cường đáng để học tập.
Sếp ấy à. Đi thăm quan du lịch, những bọn trẻ trẻ đi theo phải biết gắp thức ăn cho sếp, sếp đi tắm biển thì nhân viên cấm ở nhà giặt quần áo, mà sếp đã đi chơi thì nhân viên phải xách túi, ba lô đi theo sau hầu cận. Một lần nhỡ trốn sếp đi ăn sáng ở cái quán cũng sang sang để check in với bạn bè thì đến vài tháng sau vẫn bị coi là mấy đứa "nặc nô" không biết sống vì tập thể. Cơ mà, đi đến đất du lịch, ai đời, ba bữa cơm, ba ngày ở đấy ăn cùng một chỗ, tám món không đổi vị thì làm sao những "lá ngọc cành vàng" này chịu được. Đi chơi Bà Nà thì kêu đắt có gì chơi đâu, đi ra biển đảo thì kêu chúng mày đi xe còn say huống chi đi tàu. Nhân viên ăn quả dứa, chưa kịp tráng miệng bằng trà chanh thì chê chúng mày hà hơi thổi ngạt cho chúng ta chết vì mùi dứa à, mà sếp thì mang hẳn hai quả sầu riêng cất ở nóc xe, mỗi lần đi đến ổ voi, ổ gà, nhân viên này cầu trời khấn phật không để chúng nó rơi vào đầu.
Người ta thường nói, làm sếp có một nhãn quan tuyệt vời và một trí nhớ siêu phạm. Văn bản của bạn có mượt mà, trau chuốt hay đến đâu thì một chữ chính tả nhỏ nhoi cũng đánh sập mọi công sức. Đây theo lời kể của sếp thì nó là một lỗi ngang với việc trái đất bị hủy diệt, loài người diệt vong.
Có một chuyện cực kỳ kinh thiên động địa, tôi xin chia sẻ, giãi bày cùng mọi người như sau:
Số là nhân viên trong công ty đều có nhóm này, nhóm nọ trên facebook để tán gẫu và nói xấu sếp. Trong một ngày đẹp trời, điện thoại của một em bé xinh để quên trên phòng Hành chính, nơi mà sếp hay la cà nhất. Những dòng tin nhắn đưa qua đưa lại với hiệu ứng "tinh tinh" nghe như phim hành động của Thành Long. Sếp của chúng tôi liền cầm lấy cái vật phát tín hiệu đó. Màn hình không khóa. Những dòng chữ đập vào mắt, lần lượt trôi theo mắt sếp.
Và ngày hôm sau, may mà chúng tôi vẫn có ngày hôm sau và hôm sau nữa.
Những lời muốn nói được in đậm, viết hoa trong Bản kiểm điểm cá nhân.
Nhận án kỷ luật phát ngôn.
Đây cũng là xì căng đan lớn nhất trong suốt cuộc đời đi làm của tôi.
Ở đây, các bạn cần rút ra kinh nghiệm lớn nhất cho mình là gì?
Xin thưa, là các mẹ các cha làm ơn lần sau khóa màn hình bằng mật mã hoặc mẫu hình hộ bàn dân thiên hạ với, đặc biệt cài đặt phẩn ẩn tin nhắn, đảm bảo cho bí mật thư tín nội bộ. Còn việc nói xấu sếp, cần hạn chế được thì hạn chế vì suy cho cùng chúng ta là những chú châu chấu nhỏ nhoi chưa bằng một cái móng chân voi. Mà voi thì to cả về thể xác lẫn túi tiền.
Tôi xin chấm nước mắt tại đây.

Mẩu chuyện 4: Vạn sự buôn, triệu sự bán

Nền kinh tế của nước nhà đang có những bước phát triển vượt bậc với hàng ngàn cửa hiệu kinh doanh nhỏ và vừa được mở ra mỗi ngày và rộng khắp các mặt trận, từ ảo đến thực, từ trong ngõ đến mặt phố, từ nhà nội đến nhà ngoại, "à xin lỗi" ý tôi nói là từ quốc nội đến quốc ngoại... Sự nghiệp buôn bán chảy trong huyết quản của từng người, vì vậy Đảng và Nhà nước cần phải tạo điều kiện cho cô hàng rau bán rau trên facebook, cô hàng nước bán trà đá trên zalo, cô hàng mỹ phẩm bán phấn son trên instagram...
Hình như tôi bị lạc đề thì phải? Chuyện buôn bán liên quan khỉ gì đến chuyện công sở mà tôi đang ton hót ở trên. Xin thưa với toàn thể những bạn đồng cảnh ngộ, tôi nói đúng trọng điểm rồi đấy chỉ là cái tính nói xa nói gần nhiễm vào máu đấy thôi. Công sở của chúng ta có nhiều thứ để buôn lắm, trong đó món hàng nổi tiếng nhất vẫn là buôn "lời".
Sự buôn thứ nhất ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự và nhân phẩm của những cô nàng "chống ề" công sở. Trong đó, xin thưa, có tôi! Đầu đuôi câu chuyện như sau, sếp nhà tôi sắp về hưu mà đội trẻ chúng tôi về cơ quan cũng được hai năm rồi. Nói đội trẻ cho sang chảnh vậy thôi chứ xấp xỉ độ tuổi ba mươi có lẻ. Hai năm qua, sếp vẫn chưa nhận được một tấm thiệp mời nào đêr trên bàn, rượu quốc lủi chưa được uống, cau trầu chưa được ăn, khiến sếp phải ra một quyết định vô cùng táo bạo trong một buổi học nghị quyết vô cùng nghiêm trang:
"Các chị mà không cho bác ăn cỗ thì bác treo biển kén rể trên facebook septhonthuc (account chính chủ của sếp), quyết tâm giải quyết hàng tồn kho trước khi bác về úp mặt vào sông quê. Chị hội trưởng hội FA đâu, có hô quyết tâm không?"
"Quyết tâm"
"Còn chị hội phó"
"Quyết...tâm"
"Còn các chị còn lại"
"Quyết tâm"
"Tốt, hôm nay học nghị quyết đến đây thôi, ủy viên bật Quốc ca lên chào cờ kết thúc buổi học nào".
Và rồi công cuộc xem mặt đằng nhà gái diễn ra vô cùng sôi động như trận derby thành Manchester. Từ chuyện anh kia có cái nhà to to, xe con con đến việc anh ta có cái chức nho nhỏ, lương to to trở thành chủ đề buôn bán của các bạn đồng nghiệp chỗ tôi. Các thành phần chơi với nhau như thể tay chân thì kêu "mày thế này thì chó nó lấy, váy đâu mặc vào, ơ kia bỏ chân xuống, tóc cắt đi". Thành phần ăn hôi xã giao thì chép miệng "Xinh thế này, vô tư thế kia mà chẳng thằng nào nhìn ra được, đúng là chúng nó mù rồi sao ấy, tiếc ghê cơ, chị mà có em trai X, em họ Y, cháu ruột Z thì có mà bảo chúng nó tán em từ lâu rồi".
Mà xin thưa, người cơ quan giới thiệu thì ứng xử của chúng ta cũng phải thật khôn khéo. Đây là bài học xương máu cho bất cứ thành phần FA nào còn tồn tại trong công sở. Thứ nhất, chúng ta không được chê các đối tượng được đồng nghiệp gửi gắm ước mơ xe hoa, bởi như thế chúng ta sẽ mang tiếng đã ế lại còn kén, khó tính và ngàn chấm câu mếch lòng khác. Thứ hai, tuyệt đối không đi xem mặt tập thể cùng một đối tượng vì như vậy sẽ gây mâu thuẫn nội bộ, không kính trên nhường dưới, không kính già yêu trẻ... Cuối cùng, hãy tỏ ra dứt khoát, không cả nể, à ơi như vậy tránh hiểu lầm đáng tiếc và mất thời gian gặp đối tượng mà mình không thích.
Thật buồn vì sau buổi học nghị quyết đó, nhóm dịch chúng tôi vẫn chưa có người nào xuất chuồng theo như mong đợi đầy cháy bỏng của sếp.
Sự buôn thứ hai, buôn theo nghĩa đen luôn, đó là việc buôn bán online trong công sở. Chuyện này không mới, bởi với thời gian làm việc nhàn hạ, chúng tôi luôn muốn tạo thu nhập cho bản thân để cuối tháng được manh áo mới, đôi guốc xịn. Trên khắp facebook đồng nghiệp cơ man các loại hàng hóa, phong phú về chủng loại, đa dạng về hình thức, làm new feed của chúng tôi như một trung tâm thương mại cấp quốc gia. Tag tên, chuyện này là đương nhiên; chào mời, chuyện này là tất lẽ; làm mẫu ảnh bất đắc dĩ, chuyện này cũng không mới. Và rồi sau một tuần buôn bán với tất cả miệng lưỡi quảng cáo, các bạn đồng nghiệp trong đó có tôi phải dùng những sản phẩm không mong muốn. Ủng hộ mà, đừng khó khăn với nhau vậy chứ.
Sự buôn cuối cùng tôi muốn tâm sự với các bạn đó là buôn "hớ". Đây là loại buôn cực kỳ nguy hiểm mà người buôn không lường được hết những hậu quả đáng tiếc mà nó gây ra cho bản thân. "Hớ" một cách thông minh sẽ đem lại bước chuyển hiệu quả trong công việc. Còn "hớ" ngu dại thì sẽ đem lại một cái "há miệng mắc quai". Người mới đi làm hay mắc phải loại buôn này. Tỉ dụ như, chị trưởng phòng nọ chơi thân với sếp mà mình không biết, chị ấy mớm cung hỏi bạn về sếp, nói tốt không sao, nói mấy câu lỡ lời về chính sách công việc thì coi như một thời gian tới bạn chỉ quanh quẩn với một công việc thôi, đã thế còn nhận được cái lườm nguýt như Hittle của sếp. Hay như chị trưởng phòng khác hay nói với bạn, đợt này có công việc này chị muốn giao cho em, em làm thử nhé. Nếu bạn nhận lời mà không suy xét tính chất công việc đó có phù hợp năng lực của mình hay không thì khả năng hớ rất cao. Có khi bị quy kết là ngựa non háu đá, cũng có khi quy kết thụ động trong công việc. Nói chung, chúng ta chẳng biết đường nào mà lần, mỗi lần đi làm là phải xem dự báo thời tiết cẩn thận.
Còn vô vàn cái buôn, cái bán trong công sở, tôi chỉ dám kể những điều mắt thấy tai nghe hoặc gặp phải. Bài học kinh nghiệm rút ra ở đây là gì? Ở chỗ nào không biết chứ ở chỗ tôi thì tóm lại qua hai chữ "nước đôi". Chuyện gì cũng phải trừ cho mình con đường lui, không hẳn là nói mà cũng không hẳn không nói.
Sống vậy có mệt mỏi lắm không nhỉ?

Đôi lời muốn nói: Mình xin kết thúc chủ đề công sở ở đây, đoạn cao trào đã qua giờ mình ngẫm lại chẳng viết nữa. Xin trở lại bằng các tác phẩm tiếp theo. Hi vọng nhận được sự quan tâm và động viên của các bạn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro