1. Anh người rơm - Chà

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cuối tháng 2, tôi xin được việc làm trong một tiệm lego.

Trước khi có việc làm, vào thời điểm đi tìm việc, tôi đã nghĩ nhiều lần rằng mình không thể sống ở cái đất Hà Nội này được, hoặc nghĩ rằng người vô dụng như tôi thì không thể xin nổi việc gì đàng hoàng.
Tất cả người xung quanh tôi đều khẳng định điều ấy, lý lẽ và niềm tin của họ mạnh tới mức chính tôi cũng dần dần tin tưởng theo. Tôi coi lần tìm việc này như một lần giãy dụa cuối cùng của mình. Sau đấy, tôi đành cam chịu là được.

Nghe lời khuyên của một người bạn, tôi mò tới Royal City tìm việc. Bạn tôi đúng. Ở đó người ta tuyển người rất nhiều, đi vài bước lại thấy một tấm bảng tuyển người treo trước cửa tiệm. Tôi loanh quanh trong đấy mấy ngày, đọc không dưới bảy chục cái bảng tuyển người như thế. Có cái, do đã đọc đi đọc lại nó nhiều quá, tôi thậm chí còn thuộc lòng cả số điện thoại kèm phía dưới.
Nhưng tôi vẫn chưa tìm được việc làm. Lý do duy nhất là vì trong hai ngày lang thang ở Royal, tôi không dám mở miệng ra hỏi về công việc một lần nào.
Sáng sớm, tôi đi bộ từ phòng trọ cách xa hơn 3km tới Royal, tôi loanh quanh cả ngày, đọc kỹ từng cái từng cái bảng tuyển người trong đấy, sau đó, im lặng bỏ qua tất cả bọn chúng. Tôi về phòng trọ lúc tối mịt.
Trong đầu tôi nhồi đầy suy nghĩ rằng mình là một kẻ vô dụng. Đã rất lâu rồi, nếu không tính các câu chào hỏi đơn giản thì tôi không còn nói chuyện trực tiếp với người khác nữa. Lần cuối cùng là cách đấy mấy tháng, khi mẹ tôi và bà hàng xóm bảo, loại ăn hại lại lầm lì như tôi, đi ra đường có chó nó thuê.
Trước đó, trước đó nữa, tất cả những người xung quanh biết tôi đều thống nhất một nhận thức chung như thế: tôi là loại lầm lì vô dụng.

Đúng là tôi ăn hại thật, tôi không có kinh nghiệm làm bất cứ thứ gì, kể cả phục vụ bàn. Tôi rất lầm lì, cái này cũng đúng. Khi còn ở nhà, có những ngày từ sáng đến tối tôi không hề nói một lời nào cả. Và dường như chả ai thèm thuê người như tôi cũng là một sự thật. Tất cả các bảng tuyển dụng ở đây, dù là tìm thu ngân, phục vụ, bán hàng, hay bảo vệ, đều luôn có một yêu cầu thống nhất: nhanh nhẹn.
Thế là tôi lầm lũi lang thang hai ngày trong ấy, đứng lại đọc kỹ trước mỗi một bảng tuyển dụng mà tôi nhìn thấy đến mức thuộc lòng cả chúng nó, rồi sau đó thì lần lượt bỏ qua tất cả. Sự tự tin không nhiều bao nhiêu đã rơi rụng gần hết mất.

Tôi nghĩ tôi sẽ thất bại trở về khi mà thậm chí còn chưa mở miệng ra hỏi việc một lần nào.

Đấy là cuối buổi chiều của ngày lang thang thứ ba, khoảng 5h. Mấy người quản lý của các cửa hàng có lẽ sẽ về hết trước 6h.
Tôi cũng muốn về.
Sau đấy, như hai hôm trước, tôi sẽ lại im lặng tháo giày, ngâm hai chân phồng rộp và đau nhức trong nước lạnh một lúc, rồi lên giường và tự sỉ vả mình là đồ vô dụng. Ngày hôm sau, tôi sẽ lại thức dậy từ sáng sớm và lang thang vô ích thêm một ngày nữa. Cũng có thể là thêm nhiều ngày nữa.

Tôi ngồi xuống ghế, im lặng nhìn xuống đôi giày giá rẻ của mình. Đôi giày mới mua, gần trăm nghìn, tôi mua để chuẩn bị cho chuyến đi xin việc lần này - như một nghi lễ tự cổ vũ. Giống như ngày bé khi đi thi, tôi thường mua bút và tẩy mới để dùng trong kỳ thi vậy.
Đi hơn hai ngày, quãng đường cộng lại có lẽ đã ngót nghét năm chục km, hoặc hơn, tôi không tính nên không rõ. Đôi giày thì đã có dấu hiệu nứt ra - nó không còn giữ được dáng vẻ cứng cáp lúc mới mua nữa, ở hai bên thân giày do đi quá nhiều đã nát tươm.
Nó không chịu thêm được vài ngày xin việc như thế nữa. Tôi cũng không hơn gì.

Đối diện chỗ tôi ngồi có một quán ăn. Như rất nhiều tiệm quán khác trong trung tâm, nó cũng treo cái bảng tuyển nhân viên ngoài cửa.
Tuyển thu ngân, không yêu cầu kinh nghiệm, bên dưới có ghi một số điện thoại, có lẽ là của quản lý.
Tôi quyết định hỏi về công việc này. Ít nhất thì không có yêu cầu gì được ghi trên bảng cả, nó làm tôi vững lòng hơn.
Tôi nhắm mắt hít sâu, tự cổ vũ mình vô số lần trước khi bấm số gọi điện thoại.
Chỉ vài ba câu nói đơn giản cũng đủ làm tôi run rẩy. Giọng tôi run lên rất rõ ràng, tôi nghĩ người quản lý đang nghe máy cũng nhận thấy điều ấy.
Quản lý đi ra rất nhanh. Sau ba bốn câu hỏi, tôi bị loại.
- Em không biết về excel, không có bằng kế toán, không có kinh nghiệm liên quan. Ngoài thời gian ra, em không có lợi thế gì cả.
Đó là lời kết luận của người quản lý.

Hóa ra bảng tuyển dụng không ghi gì không có nghĩa là công việc không có yêu cầu gì. Tôi hụt hẫng nhưng không buồn bã lắm, nó là trong dự đoán.
Ít nhất đã bước ra được một bước đầu tiên, đã dám hỏi việc, rất giỏi rồi. Tôi tự cổ vũ mình như vậy. Sau đấy, tôi đi thêm một vòng nữa với suy nghĩ sẽ cố gắng hỏi việc thêm một lần nữa trước khi về. Trong lòng không có hi vọng gì, nhưng chỉ đơn giản là dám mở miệng hỏi việc thôi, với tôi mà nói, đã là một tiến bộ lớn.
Tôi đã tự hứa sẽ thưởng mình một bữa tối đắt giá nếu có thể hỏi việc thêm lần này.
Có lẽ vì làm được một lần rồi, nên không còn quá nhiều sợ hãi nữa, tôi đã thấy bình tĩnh hơn.

Chỗ thứ hai tôi tìm đến là một quầy cho thuê đồ chơi lego ở R4. Tôi hít sâu và âm thầm cổ vũ mình tới cả chục phút, sau đấy mới bấm số điện thoại.
Ngoài dự đoán. Tôi được nhận. Thử việc ba ngày.
Đấy là một niềm vui bất ngờ.
Rất giữ lời hứa, tôi tự mua cho mình thêm một cái đùi gà vào bữa tối.

Tôi đoán chị quản lý không ưng mình cho lắm. Một vài lần, tôi đã thấy chị ấy nói về tôi với nhân viên khác bằng các từ đại loại như - tự kỷ, ngơ ngáo... Một vài lần khác, chị ấy nói thẳng với tôi - em ngơ ngáo vụng về như người rơm vậy.
Vụng về như người rơm, không hiểu sao tôi lại thấy câu chê trách kỳ lạ này nghe rất dễ thương. Nó làm tôi nghĩ đến các hình ảnh trong cuốn truyện tranh bố tôi mua ngày bé. Các anh người rơm vô tích sự, để đám chim đậu cả trên đầu.
Vô tích sự giống như tôi vậy.
Không sao cả. Đó là sự thật. Nhưng tôi sẽ chăm chỉ làm việc.
Anh người rơm - tôi cũng tự gọi mình như vậy. Anh người rơm này sẽ biết cố gắng!

Tôi thường ở lại rất khuya trong những ngày cuối tuần đông khách để dọn dẹp các bộ lego lộn xộn.
Nói chuyện với khách hơi chậm chạp một chút, nhưng việc phân loại hoặc tháo gỡ lego, tôi lại làm rất nhanh. Quầy có vài nhân viên khác, không ai làm nhanh bằng tôi cả. Đúng hơn, việc tháo gỡ lego theo chiều ngược lại với tờ hướng dẫn lắp ghép, đấy là một nỗi kinh hoàng của tất cả những nhân viên khác, chẳng ai thích và cũng không ai thèm làm một cách cẩn thận, nhất là với những bộ lớn có hàng chục nghìn mảnh ghép. Rất dễ lẫn lộn hoặc sai lầm, hoặc thậm chí là chả biết cần phải bắt đầu tháo từ đâu.

Tôi lại thích việc ấy. Chỉ cần ngồi một chỗ, im lặng và dùng một tí não là được. Không cần phải đi qua đi lại, trả lời, chào hỏi, không cần thể hiện sự chậm chạp ngu ngơ của mình ra.
Bằng cách đấy, tôi trở thành một nhân vật không nên vắng mặt trong tiệm lego. Những ngày tôi nghỉ, lego cho thuê xong xếp chồng chất như núi ở bàn cuối trong góc - chỗ tôi thường ngồi. Chẳng ai dọn.
Tôi cũng không cần dọn, hoặc không cần dọn hết. Tôi không cần chịu trách nhiệm cho các hộp lego vào những ngày mình nghỉ, không cần ở lại làm thêm giờ. Nhưng tôi không ngại tất cả các việc ấy. Tôi thích được làm việc, nó khiến tôi cảm thấy mình không phải một người vô dụng.

Tôi từ từ trở nên bớt cứng ngắc hơn mỗi khi nói chuyện với mọi người. Khách hàng phần lớn là đám trẻ con 3 4 tuổi, không biết kỳ thị gì ai, hoặc ít nhất là tôi không nằm trong vùng kỳ thị của chúng. Trong mắt đám nhóc, tôi chỉ là một anh trai rất ngầu vì luôn tháo lắp cực nhanh những núi lego đồ sộ và luôn có thể lắp được chính xác thứ mà bọn chúng muốn lắp nhưng không thể.
Về phần tôi thì, tôi thích trẻ con. Chúng tôi, vì vậy, thường xuyên nói chuyện với nhau. Chủ đề có rất nhiều, siêu nhân, lego, cô gia sư, đứa bạn mẫu giáo, các bài học mới, sự tồn tại của những điều kỳ diệu hoặc các thứ tương tự.
Lúc đầu, tôi rất ngượng ngùng bởi vì sau khoảng thời gian rất dài im lặng trước kia, tôi mắc tật ngập ngừng và hơi lắp bắp khi nói chuyện. Sau đó, tôi phát hiện ra chẳng có đứa nhóc nào soi mói tôi cả. Các đồng chí nhỏ ấy cũng ngập ngừng lắp bắp y như tôi vậy, với bọn chúng, có lẽ đó là một điều quá bình thường, không ở trong phạm vi soi mói.
Tôi thích nói chuyện với bọn trẻ con, qua đôi mắt trong sáng của đám nhóc, thứ gì cũng trở nên thú vị.
Đôi khi phụ huynh của bọn chúng xen vào trong câu chuyện, đôi khi họ chỉ ngồi nghe và lắc đầu cười trước những nội dung quá sức ngây ngô. Tôi đoán rằng họ có để ý chuyện tôi lắp bắp. Dù vậy, bằng một cách nào đó, họ thường rất quý tôi.

Tôi bắt đầu có những khách hàng quen của mình - những vị khách nhí chỉ định tôi là người hướng dẫn, đôi khi cũng là các phụ huynh yêu cầu, có lẽ do họ muốn được nghe thêm các câu chuyện ngây ngô của chúng tôi. Tôi chưa từng biết có ngày mình sẽ thành một người được chào đón như vậy. Không những thế, tôi còn lắp lego rất giỏi và được đám nhóc yêu quý.

Chị quản lý cũng dần ưng ý tôi hơn. Có một vài lúc, chị ấy bắt đầu nhận xét về tôi thế này: hơi ngu ngơ nhưng cẩn thận và có duyên với khách.
Lần đầu tiên nghe được lời nhận xét ấy, tôi đã rất dứt khoát tự thưởng mình một cái xúc xích mua trên đường về nhà.
Đi từ ngu ngơ tới ngu ngơ nhưng cũng tạm được, đó là một chặng đường khó khăn với những ngày dài nuôi dưỡng một niềm tin vốn rất mỏng manh, rằng, mình không phải một người vô dụng.

Có một hôm, chị quản lý đột ngột xuống quầy lego và hỏi tôi:
- Này người rơm, em có biết vẽ không? Có biết photoshop hay không?
Vẽ là tôi tự mò, photoshop tôi tự học. Mỗi thứ đều biết một ít. Tôi cũng từng vẽ tranh bằng photoshop nữa.
Tôi gật đầu, chị quản lý lại nói:
- Chiều tối buổi làm cuối tuần, hết ca làm thì lên văn phòng thử sức xem nhé. Trên đó đang thiếu một người photoshop cho mảng mới.
Tôi bất ngờ, cả người run lên. Trong một phút, tôi đã vừa vui vẻ vừa hoảng sợ - hoảng sợ nhiều hơn - khi phải đối mặt với thứ gì đó vượt ra ngoài tầm kiểm soát, vượt ra ngoài những điều quen thuộc, người ta vẫn thường hoảng sợ như vậy. Tôi nghĩ tôi sợ hãi nhiều hơn những người khác một ít, bởi vì tôi chỉ là một anh người rơm vô dụng.
Nhưng cuối cùng thì tôi vẫn gật đầu. Gật đầu luôn dễ hơn lắc đầu vì tôi không cần phải giải thích thêm gì cả, hơn nữa, tôi cũng không muốn từ chối.
Hiển nhiên tự học thì không bao giờ là đủ bài bản, tôi biết vậy, nhưng tôi mong muốn thử sức ở cơ hội không tên lần này. Dù nó là gì, thì vẫn hơn trông quầy lego.

Tôi thức trắng vài đêm để hoàn thành một bản vẽ tay. Mẫu là hình một cô gái tôi tìm thấy trên mạng. Tôi tải hình về điện thoại, phác tổng thể một chút, rồi phóng to hình lên để nhìn từng phần một và vẽ theo. Vẽ bằng chì, lúc đấy tôi không biết dùng và cũng không có màu.
Photoshop thì rườm rà hơn một tí. Phải dùng máy tính. Tôi mở cái máy tính cà tàng của mình, cái máy luôn cần hai lần khởi động để chạy được, đã hỏng pin, thường treo máy sau 15 phút hoạt động. Hôm nay chú sẽ làm một việc vĩ đại! - Tôi vỗ nhẹ vào màn hình, nói với nó như vậy.
Tôi vẽ phác hình bằng giấy, chụp lại bằng điện thoại, mở nó lên bằng photoshop để tạo một khung sườn cơ bản nhất. Sau đấy, dùng chuột tô từng nét từng nét.
Chuột thì không dễ dùng như bút chì, vì vậy, tôi phải rất rất cẩn thận để vẽ được một đường cong đúng ý. Đôi lúc, phải phóng hình lên rất to và vẽ dần từng chút một. Nó là một tác phẩm kỳ công. Tôi thường mất khoảng hơn 15 tiếng cho một bản vẽ chibi đơn giản. Với bức vẽ hôm nay, tôi nghĩ nó sẽ là 20 tiếng, không phải vì tôi cần vẽ chỉn chu hơn, tôi vốn luôn vẽ rất chỉn chu. Vẽ chậm hơn chỉ là bởi vì tôi rất lo lắng mà thôi. Sự lo lắng luôn khiến tôi làm kém đi và nóng nảy hơn.
Sản phẩm hoàn thành hiển nhiên không đẹp lắm. Nhưng nó là mức tốt nhất mà tôi hôm nay có thể làm được. Đó vẫn là một bức vẽ khá đơn giản, nhân vật chính là một nhân vật chibi mặc bộ quần áo màu trắng, cầm chiếc quạt lấy từ một game tôi thích. Nền xung quanh không có gì đặc biệt. Cổ tay tôi đau mỏi đến phát điên khi hoàn thành bức vẽ, tôi nghĩ mấy hôm sắp tới, mình không thể tháo lắp lego nhanh nhẹn được. Nhưng không sao cả.

Tôi lại bị từ chối.
Ông chủ người Hàn không cần một người có chút năng khiếu nho nhỏ về vẽ. Ông ấy chỉ cần một người thợ tách nền bằng photoshop, làm theo sản phẩm thôi. Người thợ này cần được học một vài thứ cơ bản một cách chính xác nhất để tách nền thật nhanh. Người đó không phải là tôi.
Mãi tới lúc biết được chính xác ông ấy cần tuyển người như thế nào, tôi mới biết cơ hội cách mình xa bao nhiêu.
Lúc đó, tôi mới biết khi ông ấy vừa cười vừa dùng bút chì tô thêm hai chấm đen ở hai ngực cô gái trong bức tranh của tôi, tôi đã trở thành một trò đùa đần độn như thế nào trong mắt ông ấy.
Tôi im lặng thu dọn quyển vở vẽ và cái usb rồi đi ra ngoài, ở sau lưng, ông giám đốc và mấy nhân viên photoshop cười phá lên. Có lẽ họ đã phải nín nhịn rất lâu.

Chị quản lý thấy tôi đi ra, hỏi,
- Thế nào rồi, bạn người rơm?
Tôi lắc đầu, cảm ơn, rồi lủi thủi ra về.
Trước khi về nhà, tôi ghé xuống quầy lego, tìm cục tẩy và tẩy sạch sẽ hai điểm đen thui trước ngực cô gái trong bức vẽ. Gấp cuốn vở lại, vỗ nhẹ nó, tôi nói thầm,
Không sao cả, anh người rơm sẽ bảo vệ bạn!

Từ sau hôm ấy, tôi có ước mơ nhỏ đầu tiên cho mình - cố gắng làm việc, kiếm nhiều tiền hơn và đi học vẽ.

Sau lần ấy, tôi vẫn tiếp tục ở lại với quầy lego.
Có một ngày, chị quản lý nghĩ ra một cách kiếm tiền nữa cho quầy - ngoài những bàn lego, chúng tôi sẽ có thêm hai bàn tô tượng.
Vậy là chị quản lý nhập tượng thạch cao về. Chúng tôi kê bàn ghế, vác các thùng đựng tượng lên quầy, sắp xếp và phân loại. Chúng tôi bắt đầu bán tượng tô.
Cái này còn được đón nhận hơn cả trò xếp lego. Chung quy. Xếp lego thì khá khó, không phải đứa nhóc nào cũng xếp được cho ra hình ra dạng. Tô tượng thì dễ hơn. Tô đẹp là tô đẹp, tô xấu là dễ thương.

Tôi cũng thích tô tượng hơn lắp lego - thứ này có liên quan đến màu vẽ. Nhưng những nhân viên thì không được tô tượng. Thi thoảng, các nhân viên khác trong quầy vẫn mang tượng ra tô, sau đó, họ sẽ tự cộng thêm số lượng tượng và bỏ thêm tiền vào két lúc cuối giờ, như là các vị khách bình thường.
Tôi rất hâm mộ họ. Nỗi tự ti rất lớn trong lòng làm tôi không dám đứng ra và hành động như họ. Nhưng đôi khi, tôi cũng vụng trộm một chút, theo kiểu vụng về của một cậu người rơm.
Thi thoảng, có một vài khách hàng tới, tô tượng và tô hỏng. Thường thì họ vẫn gói tượng mang về như một thứ đồ kỷ niệm hay hay có tí tính nghệ thuật - tôi không cười họ. Với những người biết chút ít vẽ vời mà nói, họ tô trông rất buồn cười, nhưng với chính họ, một bức tượng sứt sẹo, vài nét bút nghuệch ngoạc bẩn thỉu, bao nhiêu đó cũng đủ để họ tin rằng họ là một nghệ thuật gia nghiệp dư rồi.
Hiếm khi hơn, họ không mang tượng hỏng ấy về. Đấy là những lúc cơ hội của người rơm xuất hiện.
Tôi nhặt nhạnh lại các bức tượng tô hỏng, rửa sạch chúng cùng với đống khay màu và cốc nước vào cuối giờ làm. Khi quay lại quầy để xếp khay màu, tôi sẽ đặt chúng lên nóc tủ, ở một góc rất khuất.
Tôi luôn đi một vòng quanh cái tủ để ngắm nghía và đảm bảo rằng các bức tượng đã được đặt ở góc khuất nhất. Có rất ít người sẽ để ý đến chúng. Im lặng vài hôm trên ấy, chúng sẽ khô. Các tầng màu đã được rửa sạch và chỉ còn lại một lớp mỏng rất mờ nhạt, gần như tượng trắng.

Tượng bị rửa lại như vậy, thạch cao bên ngoài trở nên lì hơn. Chúng bóng và rất khó ăn màu. Nhưng tôi tô rất cẩn thận.
Tôi dùng màu thừa trên khay, tô đi tô lại vài lần để đạt được màu sắc như ý. Tô xong, tôi cất chúng nó vào chỗ cũ. Bây giờ thì trông chúng nó đã đẹp hơn.
Vài ngày sau đấy, các lớp màu tôi đắp lên tượng thường khô ra và nứt nẻ. Tôi đã đắp lên quá nhiều màu. Chúng lại trở thành các tượng hỏng xấu xí không ai thèm.
Tôi vẫn rất thích. Tôi đã biết đi bút sao cho đúng độ mà mình muốn. Bởi vì toàn dùng lại màu thừa, tôi cũng biết cần trộn những thứ màu trông như thế nào với nhau để có được màu tôi muốn dùng.

Tôi nhặt nhạnh và tô được một cặp tượng lợn giống nhau, nhưng màu áo khác nhau, và một đôi tượng chú rể. Tôi nghĩ mình có thể tặng các bức tượng này cho người bạn ở xa, và người yêu tôi, khi có dịp.
Vài tháng sau đó, đôi khi tôi phải bước ra khỏi sự im lặng của mình để bảo vệ các bức tượng. Có một vài em bé nhìn thấy và rất thích các bức tượng trên nóc tủ ấy. Chúng nằng nặc đòi bố mẹ mua về.
Việc mua một bức tượng nhỏ đã tô chẳng có gì là khó với họ. Bán một bức tượng đã tô rồi càng không có gì là khó với chị quản lý và những nhân viên. Nó chỉ khó với mỗi tôi, tôi đã coi chúng như đồ của mình, được giữ gìn để đem đi tặng.
Các bức tượng được chào đón làm tôi rất hạnh phúc. Nhưng tôi vẫn cần phải tìm cách giữ lại bọn chúng.
Anh người rơm sẽ bảo vệ các chú - tôi nói thầm với bọn nó như vậy, rồi quyết định lên văn phòng gặp chị quản lý.
Bằng một cách thần kỳ nào đó, tôi được giữ lại các bức tượng của mình, không những thế, tôi còn được tô các bức tượng mới vào những lúc rảnh rỗi. Khi tôi tô xong, chúng sẽ được bày ra bên ngoài để làm tượng mẫu và bán cho đứa bé nào đó thích.
Lúc đấy tôi mới biết các bức tượng trắng thì chẳng đáng bao nhiêu tiền, mọi nhân viên khác đều đã tô rất nhiều và luôn trả theo giá gốc. Không sao cả, dù biết muộn thì tôi vẫn đã bảo vệ được tượng của mình.
Tôi quyết định im lặng trả tiền cho bốn bức tượng, để bọn chúng thuộc về tôi. Từ đó về sau, mỗi lần có một bạn nhỏ đòi mua đám tượng trên nóc tủ, tôi lại bảo, tượng này là của khách, đã trả đủ tiền, không bán được.

Hôm quầy lego đóng cửa giải tán, tôi thuê hẳn một chuyến xe ôm để về phòng trọ, bởi vì lo đi bộ đường xa làm tượng vỡ.
Đêm ấy, Hà Nội mưa như trút nước.
Tôi dùng cái áo mưa mua ở dọc đường quấn thật kỹ balo và hai cặp tượng. Chú xe ôm không cười khi biết đó chỉ là vài bức tượng hỏng, ngược lại, chú ấy lấy trong cốp xe ra hai cái túi rất to để tôi bỏ cái bọc áo mưa và tượng vào. Chú xe ôm ngồi phía trước, tôi ngồi phía sau ôm chặt bọc tượng, mưa tát thẳng vào mặt, nước ngập nửa bánh xe. Nỗi sợ ngày mai mình trở thành người thất nghiệp không lớn bằng nỗi sợ các bức tượng dính nước mưa và hỏng. Hai thứ nỗi sợ ấy làm tôi rất bồn chồn. Tôi im lặng trên cả đoạn đường về.
Nhưng đấy cũng là lần đầu tiên một người đã lớn ủng hộ những hành động người rơm của tôi. Khi xuống xe, tôi cười và nói cảm ơn hai lần. Một lần theo phép lịch sự như những người khác, lần còn lại, cho hai cái túi nilon.

Công việc thứ hai tôi xin được là vị trí phụ việc của một công ty thời trang lớn.
Nói thật đúng thì, nó không phải là công việc thứ hai, tôi đã kịp làm phụ việc thời vụ ở một tiệm may nhỏ và vô số công việc khác trước đấy. Vì thế, khi thử việc ở công ty thời trang, tôi thử rất trơn tru và được nhận rất nhanh chóng.
Tôi kịp mang tiếng ngu ngơ ngay lúc đó. Tôi ra thang máy đi về và không biết phải làm sao để bấm số tầng cả. Bấm mãi mà không sáng, thang máy vẫn ỳ ra tại chỗ. Tôi luống cuống, đứng im tới hơn năm phút rồi mới dám đi ra hỏi han. Lúc ấy tôi chưa biết rằng có những loại thang máy cần quét thẻ.
Chị thiết kế tóc xoăn - người kiểm tra sản phẩm thử việc của tôi mở cửa, nhanh nhẹn quét thẻ, bấm số tầng, và kịp nói với vào:
- Mày ngủ trong thang máy luôn à em, vào đứng cả thế kỷ rồi mới chịu mò ra hỏi là sao?
Tôi ngẩn người một cách ngu ngốc khi nghe tiếng chị ấy lẩm bẩm lúc quay lưng đi,
- Ngáo thế cơ chứ!
Một người rơm ngu ngơ.
Không sao cả, tôi nghĩ vậy. Tôi sẽ làm việc tốt thôi. Bởi vì tôi chăm chỉ.

Lúc đầu, tôi quét dọn phòng may mẫu và làm các việc lặt vặt như sắp xếp bàn ghế, photo giấy tờ, đơm khuy quần áo - kể cả photo giấy tờ thì tôi cũng phải học, bởi vì tôi không biết dùng máy photo.
Nhưng tôi không ngại học việc. Tôi cũng không ngại việc.

Từ từ, tất cả mọi người đều phát hiện ra rằng sai vặt tôi rất dễ. Vì vậy, họ bắt đầu ném cho tôi tất cả các việc râu ria đơn giản mà tôi có thể làm, còn họ thì ngại phải làm. Những việc ấy thường chỉ khó hơn một tí so với những việc thuộc dạng tôi cần làm. Đính vài chi tiết không quan trọng lên váy chẳng hạn, hay khâu một vài đường đơn giản. Chỉ cần cẩn thận một tí là làm được.
Cái bàn khuất trong góc của tôi bắt đầu chồng chất vải và váy vóc. Có lúc bọn họ còn cãi nhau để tranh được làm trước.
Thời gian cãi nhau và giận dỗi ấy, mỗi người tự đem đồ về để làm thì cũng xong rồi, tôi nghĩ như vậy.
Nhưng tôi không bao giờ nói điều ấy ra.

Tôi phát hiện ra rằng mình có thể thích tất cả những thứ mình làm.
Tôi quét dọn rất cẩn thận, nhặt tất cả kim hoặc cúc áo rơi lên, sắp xếp thật gọn gàng, đôi khi tôi cũng bỏ thời gian ra sắp xếp lại các cuộn chỉ trong thùng, màu nào ra màu ấy, hoặc cuốn lại các cuộn chỉ bị rối và dán một mảnh băng dính nhỏ đè vào đầu sợi chỉ, hoặc xếp dọn lại đống quần áo mẫu bị vắt lung tung trên giá. Rất nhiều người khen. Thậm chí có người từng nói, chưa từng có ai quét dọn cẩn thận như tôi cả.
Đó là một lời khen rất rất lớn.
Tôi vẫn làm theo thói quen cũ: tự thưởng mình một bữa tối đặc biệt sau khi được khen.

Nếu chỉ làm việc quét dọn và làm thêm chút ít việc khi bị sai vặt, tôi nghĩ mình sẽ rất nhàn.
Tôi không hiểu tại sao người ta lại phải thuê hẳn một người chỉ để làm một thứ việc làm nửa buổi là xong như vậy.
Vì thế, trong một hôm rảnh rỗi, tôi kín đáo hỏi thử chị thiết kế tóc xoăn xem, liệu có phải tôi đã bỏ quên việc gì và chưa làm hay không?
Chị ấy đáp:
- Rảnh thế thì ngồi nghịch điện thoại, xem phim, không thích à mà còn đòi thêm việc? Mày rảnh quá thì đi ra cắt hoa gắn lên váy cho tao đi!
Chị tóc xoăn là kiểu người tôi rất thường gặp. Nhanh nhẹn và không chịu thiệt.
Tôi im lặng ôm váy của chị tóc xoăn về bàn mình, cắt hoa theo hướng dẫn và cẩn thận gắn lên váy. Thường thì việc như thế này, các thiết kế sẽ tự làm. Có lẽ bởi vì nó thuộc về nhóm giàu tính nghệ thuật hơn so với các việc như thùa khuy đơm cúc.
Tôi làm rất cẩn thận. Trong lúc tôi làm, chị tóc xoăn có đi sang ngó nghiêng vài lần. Sau đó, chị quyết định,
- Thôi tao dạy mày đính đá, dễ lắm. Mày đính luôn cái váy này cho tao đi. Tao bận lắm.
Tôi gật đầu. Trong lòng không hề có ấm ức khi bị sai vặt, cũng không sợ hãi rằng nó khó. Ngược lại, tôi âm thầm vui vẻ.
Vậy là tôi lại sẽ bớt vô dụng hơn.

Chị tóc xoăn là một trong hai thiết kế của nhóm dạ hội. Lượng váy mà chị cần trang trí là rất nhiều. Sau khi phát hiện ra tôi có thể làm vài thứ không quá khó nếu như được hướng dẫn, chị ấy bắt đầu vứt tất cả những cái váy như vậy sang chỗ tôi.
Những thiết kế khác thấy thế, cũng làm tương tự.

Khi có thêm việc ngoài lề từ chỗ họ, tôi bắt đầu trở nên rất bận rộn. Tôi thường cần ở lại làm thêm giờ.
Đối với chuyện tôi ở lại, không ai nói gì cả. Tôi cũng thầm vui mừng khi không ai quan tâm ý kiến gì, như vậy thì tôi không cần phải nói chuyện với họ. Tôi làm thêm giờ luôn là tự nguyện, không có gì để có ý kiến.

Sau đó không lâu, các thiết kế bắt đầu dạy tôi thêu và đính các chi tiết phức tạp hơn nữa. Tôi cũng thường tự học hỏi mày mò.
Tôi mất rất nhiều thời gian để nghĩ cách thêu tay sao cho vải không nhăn. Sau đó, với hầu hết các loại vải, tôi đều biết để xử lý nhăn cho bọn chúng - trừ những loại quá mỏng.
Cách làm rất đơn giản: nhẹ nhàng và cẩn thận trong từng đường kim là đủ.

Không có thiết kế nào làm như tôi nói cả. Tôi nghĩ bởi vì họ có quá nhiều thứ có thể làm, họ có quyền lựa chọn vô vàn cách để trang trí một cái váy. Nếu không thêu, họ có thể in, đính, hoặc là để trơn tùy ý. Không thích làm, họ có thể đưa nó cho tôi. Còn tôi, tôi chỉ có một khoảng không rất bé. So với họ, tôi gần như không có lựa chọn gì. Tôi chỉ có thể lựa chọn giữa không làm, làm không tốt, hoặc làm tốt.
Tôi chọn làm thật tốt.
Tôi yêu mỗi cái váy mình làm ra, giống như cách tôi yêu bốn bức tượng trên nóc tủ.

Nếu biết rõ rằng bản thân có rất ít, người ta luôn biết trân trọng hơn.

Tôi nghĩ cuộc sống của mình thật là đáng để vui vẻ.
Có những lần, tôi mong chờ được tới công ty đến mức vừa đi bộ vừa chạy trên đường. Tôi biết rõ làm như vậy là rất ngu ngơ, nhưng không còn ngại ngùng nhiều nữa.

Tôi đã vào làm được mấy tháng, đã thêu rất nhiều váy nhưng vẫn là một người quét dọn, bởi vì quá ngại phải mở miệng đòi hỏi điều gì. Tôi đoán mình vẫn là một người quét dọn mãi mãi, nếu không có một sự việc xảy ra sau này.
Đấy là lúc chị trưởng phòng thiết kế tình cờ đi ngang qua một mẫu váy đang treo trên con canh. Một mẫu thuộc dòng Young của một chị tóc xanh.
Trên váy có đính cái charm hình hai con vịt. Đây là một cái charm có sẵn.

Chị trưởng phòng dừng lại, ngắm nghía chiếc váy và hai con vịt một lúc lâu, rồi lắc đầu. Sau đấy, chị tóc xanh bị gọi sang.
Chị trưởng phòng chỉ vào hai con vịt, bảo,
- Hình thức cái charm này rất đẹp. Nhưng màu thì không hợp với cái váy. Em tìm một mẫu charm khác hình thức y như này nhưng chuyển màu đen xám trắng đi. Charm này màu không được.
Nói xong, chị quay vào phòng. Trước lúc mở cửa phòng riêng, chị quay lại dặn:
- Chị duyệt hình dáng cái charm này rồi đấy!
Chị tóc xanh quay về, lục tung đống charm trang trí lên để tìm một thứ đạt yêu cầu, rõ ràng là không có. Các thiết kế khác cũng không có.
Tôi không biết chị tóc xanh đã nói với trưởng phòng của mình điều gì. Có lẽ là đề nghị một phương án khác. Một lúc sau, chị trưởng phòng quay lại với chiếc váy trên canh, ngắm nghía kỹ càng cái charm hai con vịt, có vẻ rất rất yêu thích, tôi nghe chị ấy nói với một người đứng cạnh,
- Xinh thế này mà nó không tìm được cái nào giống vậy! Chán thật ấy!
Cái charm ấy, tôi cũng đã ngắm nghía nó vào lúc sáng nay.
Tôi nhắm mắt, hít sâu, tự cổ vũ mình một chút, rồi bước ra.
- Chị có thích cái charm này không ạ? Em nghĩ là em có thể làm được một cái có hình dáng tương tự và đúng màu sắc chị yêu cầu!
Tôi nói như vậy.
Chị trưởng phòng rõ ràng là rất sửng sốt, sau đó, chị bật cười và giục tôi đi làm thử nhanh đi.

Thực tế, tôi chưa từng làm thứ gì phức tạp như vậy. Nhưng tôi biết mình có thể làm được, bởi vì tôi biết rõ cách làm của rất nhiều thứ đơn giản, và hai con vịt trông phức tạp này được tạo thành từ những thứ đơn giản ấy.
Tôi cũng biết rõ là chị tóc xanh có thể làm được, và làm đẹp hơn tôi nữa. Nhưng chị ấy có nhiều sự lựa chọn để không cần thiết phải làm.

Lại là một đêm trắng nữa để mày mò làm ra hai con vịt đẹp nhất có thể. Lần này, tôi tin rằng mình sẽ không bị chê cười.
Hôm sau, chị trưởng phòng có charm hai con vịt màu đen xám như ý muốn, tôi không còn làm quét dọn nữa.
Theo độ đẹp tăng dần của các mẫu thêu, số người cười chê tôi vụng về ngày càng ít đi. Mọi người thường nhận xét thế này, tôi làm việc rất tốt, chỉ có điều thi thoảng hơi ngáo ngơ một chút.
Với tôi, đó rõ ràng là một lời khen ngợi. Tôi là một anh người rơm có tiến bộ.
Lúc ấy, lương của tôi đã cao hơn, đủ để mua đến năm cái đùi gà để tự thưởng mà không thấy tiếc tiền. Nhưng tôi vẫn chỉ mua một cái.

Từ từ, lại một lần nữa, tôi trở thành một người không nên vắng mặt ở công ty.
Với tất cả các trở ngại trong trang trí mẫu, không biết từ khi nào, các thiết kế đều mò xuống góc bàn nhỏ của tôi.
Vải in lỗi - mày nghĩ cách xử lý giúp chị với!
Thêu máy hỏng - sửa giùm chị đi!
Cái bàn nhỏ khuất sâu trong góc ngày càng trở nên nhộn nhịp.

Chị tóc xoăn nghỉ việc để xây dựng sự nghiệp riêng của mình. Mở một tiệm may nhỏ toàn làm váy công chúa. Một thời gian dài sau khi nghỉ, có một ngày chị đột ngột tìm tới tôi.
- Tao có một công việc ngoài giờ cho mày đây! Tìm thêm hai ba đứa nữa thêu thùa được được, hoặc mày đào tạo chúng nó đi, xong làm hàng cho tiệm của tao!
Tôi im lặng, ngẩn người tự hỏi mình liệu có thể làm được cái việc nghe có vẻ rất oách ấy không?
Tôi hỏi chị tóc xoăn. Chị ấy phá lên cười,
- Mày giỏi hơn mày tưởng đấy. Làm được. Cứ làm đi.
Vậy là tôi tìm người, nhận hàng và làm.

Tôi bận rộn hơn nữa.
Với mọi đơn hàng đổ về, tôi đều chọn một cái, làm thử, tháo ra tháo vào và nghĩ xem phải làm thế nào cho hiệu quả. Phải làm sao để sản phẩm đẹp, chắc chắn, và gia công thì không quá phức tạp.
Đôi khi, tôi cũng ngồi và hướng dẫn tới từng mũi chỉ để những người khác làm được tốt nhất.
Tôi có thêm khách hàng, do chị tóc xoăn giới thiệu. Sau đó là khách hàng mới giới thiệu khách hàng mới hơn. Theo sự bận rộn tăng dần, tôi trở nên bớt ngu ngốc hơn. Tôi bắt đầu biết chốt giá để mình không chịu thiệt, biết bình tĩnh từ chối khi hàng quá nhiều, biết đòi nợ.

Đôi khi, tôi gặp khách hàng xấu. Khách hàng xấu nhất quỵt nợ tôi tới gần một năm. Lần đầu đi đòi nợ, con nợ thì vênh váo, tôi thì cứng queo như một cọng rơm khô.
Tôi đi lại không biết bao nhiêu lần mới đòi được hết tiền về. Từ đấy, tôi nghĩ mình không sợ con nợ nào nữa.

Cũng có nhiều khách hàng tốt. Tôi hay được họ tặng cái nọ cái kia.
Hoặc rủ ăn trứng rán.
Lần đầu ăn ké trứng rán của khách, tôi cũng cứng ngắc như khi đi đòi nợ, hoặc như lần đầu phỏng vấn. Tôi cầm đĩa trứng và cái dĩa trên tay, luống cuống đứng một góc, không biết cần phải bắt đầu ăn thế nào.
Khách hàng dường như không hề nhận ra chuyện tôi mất tự nhiên. Lần sau, lần sau nữa, lại rủ rê tôi ăn tiếp. Ăn nhiều quá, tôi vụng về đến mấy thì cũng có ngày hết ngại.

Khi xưởng nhỏ nghe rất oách của tôi đi vào ổn định, tôi xin nghỉ việc ở công ty, và sau đó, cũng rút khỏi xưởng.
Tôi quyết định rằng đã đến lúc, anh người rơm này cần phải học thêm một điều nữa. Anh người rơm không thể ngồi trong góc nhỏ cả đời được. Đã đến lúc để đi ra ngoài, ngắm nghía thế giới rộng lớn, tìm xem mình nên làm gì rồi.

Vậy là, năm Gap year đặc biệt của tôi bắt đầu vào lúc tôi đã hơn 24 tuổi.

Anh người rơm bắt đầu chu du thế giới.

Tôi làm chăm sóc khách hàng - thứ việc mà cách đó mấy năm, tất cả những người ở xung quanh tôi mà tôi quen biết đều có chung một nhận định: chắc chắn tôi không làm được.
Tôi tìm tới một quán nhỏ, học makeup cô dâu.
Có lúc tôi đi học vẽ, có lúc thì chỉ nằm nhà chơi game.

Tôi tìm tới Bát Tràng. Ở đây thì vui và lạ. Tôi quyết định ở lâu một chút.
Việc đầu tiên tôi làm là gại bát hương cho một xưởng gốm ngay bên bờ sông Hồng. Từ nội thành, muốn sang xưởng gốm thì phải đi qua cầu Long Biên.
Những ngày đầu đi xe máy qua cầu, tôi vừa đi vừa run. Cây cầu quá dài, và quá cũ, có vài chỗ lan can như đang chuẩn bị bung ra. Tôi không hiểu sao người ta vẫn có thể ôm nhau, hoặc ngồi uống trà đá ở đấy được. Lan can mục nát, ngay bên dưới, lòng sông sâu thẳm.
Mãi sau này tôi mới biết mình có thể tới xưởng gốm bằng cầu Chương Dương, to, mới, và chắc chắn hơn một trăm lần.

Nhưng tôi lại thường nhớ những mái nhà lụp xụp chen nhau dưới gầm cầu, những đoạn lan can rỉ sét, vài cốc trà bốc khói và một ánh trăng ảm đạm giữa dòng nước xám.
Những thứ đó chỉ có ở chỗ cây cầu Long Biên xập xệ.
Có lẽ những thứ có nhiều câu chuyện thì đều chứa trong mình một sức hút kỳ lạ như vậy. Thi thoảng nhớ quá, tôi vẫn phải nhịn cái nỗi sợ hãi lại, phóng lên cầu. Tôi đi rất chậm, lắng nghe từng nhịp từng nhịp thở than của cây cầu cũ kỹ.

Xưởng gốm chỗ tôi làm dựng sát bờ sông. Từ cửa sổ, có thể nhìn ngay ra cầu Long Biên. Trong những ngày nước sông dâng cao, xưởng gốm bé tẹo cứ như là chìm trong biển nước. Mở cửa sổ ra là thấy nước sông đục ngầu ngay trước mắt.
Thi thoảng, khi nước sông dâng cao quá, tràn vào xưởng gốm, chúng tôi lại di cư sang xưởng khác cao hơn. Ôm bát hương, dọn dẹp dụng cụ, cùng nhau chạy.
Gại, nghĩa là dùng một thứ dụng cụ tương tự cái nạo mướp, nhưng nhỏ hơn nhiều lần để khoét thêm vào các hoạ tiết của phôi, làm chúng nổi rõ và sắc nét hơn. Ngoài bát hương, người ta còn gại rất nhiều thứ khác, ấm chén, lư đỉnh, bình vò... Hầu hết là đồ gốm tạo hình hàng loạt bằng khuôn. Gại là công việc đơn giản nhất, dễ dàng xin làm, còn bát hương cỡ to hoa văn rồng và mây là thứ đơn giản nhất để học việc gại.

Sau ấy, tôi học qua loa chuốt, tỉa, rồi tô màu, vẽ trang trí, và vài thứ lặt vặt khác nữa. Tôi loanh quanh ngắm nghía mọi con đường ở đây, vào nhòm ngó mọi cửa hàng bán gốm. Vì biết mình sẽ không ở lại đây mãi, tôi nhìn rất kỹ từng cái bình hoa, từng cái chén trong mọi cửa hàng. Đôi khi tôi sẽ ngồi nghe mấy ông chú già già kể chuyện men rạn, men lục bảo, kể chuyện ấm chè bọc đồng...

Tôi cũng kịp ăn thử bánh tẻ ở hầu hết các quầy bánh tẻ quanh khu chợ gốm.
Bánh tẻ ở đây gần giống bánh giò trong nội thành Hà Nội, gói bằng lá dong, bột bánh trắng tinh, lớp bột ngoài thấm màu xanh của lá dong, nhân thịt băm, mộc nhĩ, và vài thứ khác tôi không biết - dù sao thì cũng đều ngon cả. So với bánh giò, người ta gói dài dài và nhỏ xinh hơn, nhân cũng đỡ ngấy hơn. Tôi phải ăn một chục cái mới tạm no.
Khi tạm biệt nơi này, tôi nghĩ mình sẽ nhớ bánh tẻ nhất.
Hoặc nhớ cầu Long Biên nhất.
Tôi cũng nhớ cả những ngày chạy lũ nữa.
Đều nhớ.

Tôi quyết định dừng chân ở một công ty nhỏ mới thành lập, làm về hoạt hình. Công ty này ngay gần phòng trọ. Tôi vẽ vời, viết kịch bản, dựng phim, làm tất cả mọi việc mà tôi có thể làm hoặc có thể học.
Nghĩa là, tôi lại trở về với những ngày không biết gì và học việc. Ngày trước tôi không ngại, giờ tôi cũng không ngại.
Tôi biết rằng mình sẽ làm rất tốt.

Tôi trở thành leader một nhóm nhỏ một cách rất nhanh chóng, nhưng trong dự đoán.
Ngày trước, có lẽ tôi sẽ rất hoang mang vì không hiểu tại sao người ta lại ưu ái cho mình - tôi sợ họ tin nhầm người. Bây giờ, tôi vững lòng hơn vì biết rằng, kể cả là người rơm thì cũng là vô địch thiên hạ, nếu luôn biết chăm chỉ và cố gắng.
Công ty lớn dần, tôi từ trưởng nhóm nhỏ thành trưởng một bộ phận là tổ hợp của vài ba nhóm nhỏ.

Tôi vẫn ngu ngơ như ngày nào.
Không có ai xung quanh chê tôi ngu ngơ nữa.
Nhưng tôi biết mình vẫn ngốc nghếch cực kỳ vào mỗi lúc đi họp lớp cũ hoặc mỗi lúc gặp phải một ai đó rất thông minh.
Đám bạn bè cấp ba của tôi luôn tỏ ra không thể hiểu nổi tại sao một đứa vụng dại như tôi lại leo lên cao được đến vậy.
Một vài người bạn rất tài giỏi của tôi cũng thế. Họ không hiểu tại sao một kẻ không có chuyên môn gì đáng nói như tôi lại có thể trở thành một quản lý.
Chúng nó tất nhiên là không tin vào những lời khuyên hoang đường, như là, cứ nỗ lực và yêu công việc bằng cả trái tim, thì sẽ luôn trở thành người xuất sắc nhất.
Vì đám bạn tôi quá luôn khôn ngoan, nên với bọn chúng, tôi chỉ nháy mắt và cười thay cho mọi câu trả lời.
Tôi vẫn là một anh người rơm vụng về ngu ngơ. Không sao cả.
Chúng ta đều có quyền chọn lựa niềm tin và lựa chọn cả cách cố gắng cho cuộc đời mình.

Vì là trưởng bộ phận, tôi thường là người thông báo quyết định cho thôi việc với những nhân viên không phù hợp. Tôi gọi họ vào phòng họp, cố gắng nói chuyện chậm, rõ ràng và nhẹ nhàng nhất có thể, chỉ rõ các mặt yếu, không phù hợp, và cả các điểm mạnh của họ.

Đó là một trường hợp đặc biệt. Bạn nhân viên bị tôi gọi vào không cáu gắt bực tức, không hụt hẫng khóc lóc, không vặn vẹo như nhiều trường hợp khác. Bạn ấy im lặng một lúc lâu, rồi, xin một cơ hội nữa.
- Em hiểu mình khá chậm chạp và không bắt kịp công việc. Nhưng em sẽ nỗ lực hơn nữa.
Bạn ấy nói vậy.

Người training bạn ấy báo về, bạn ấy ngoan, rất nỗ lực, chỉ lỗi ở đâu là cố gắng sửa ngay ở đấy, chưa bao giờ ngại làm thêm việc hay thêm giờ, không có gì để chê, chỉ vướng mắc một chỗ duy nhất: không có tí năng khiếu nào.
Chính tôi khi xem các sản phẩm hậu kỳ của bạn ấy, cũng có nhận xét tương đồng.

Tôi đau đầu.

Tôi đắn đo mãi, cuối cùng đành bảo bạn ấy, tôi sẽ cho thêm một tháng, nhưng chỉ có vậy thôi.
Bạn ấy và tôi sẽ thử nghĩ các cách tiếp cận công việc theo hướng khác đi, xem có khả quan gì hơn không. Nhưng mỗi ngày tôi chỉ có thể cho bạn ấy hai tiếng, sau giờ làm việc. Nếu bạn ấy chấp nhận được chuyện về nhà rất rất muộn và sẵn sàng cực kỳ cực kỳ nỗ lực thì chúng tôi sẽ bắt đầu ngay hôm sau.
Đây là một quyết định rất thiếu sáng suốt. Thêm mệt mỏi cho tôi và chưa chắc đã có ích gì cho bạn ấy. Tôi biết vậy.

Hôm sau hơi nhiều việc, tôi quên luôn bạn nhỏ đang chờ tôi thấp thỏm, tới tận 8h tối mới xong việc và nhớ ra bạn.
Chúng tôi bắt đầu chiến đấu cùng nhau một tháng, để chống lại cái dốt.
Ngày đầu tiên, tôi dẫn bạn ấy vào phòng quay, nói về các nguyên tắc chuyển động cơ bản. Tôi chụp mẫu một lượt bằng một khối cầu, bạn ấy làm lại. Vụng về ngốc nghếch, làm rơi khối cầu, hỏng đạo cụ cây, đổ cả máy quay.
Sau một tuần quay thử những thứ nhỏ nhặt và đơn giản, tôi đưa bạn ấy sang phòng tạo hình. Ở phòng tạo hình thì vui hơn. Chúng tôi chế xe tăng bằng các mảnh xốp, thêm mặt mũi vào để tạo ra cảm xúc cho nó.
Ban ngày, bạn ấy hỗ trợ đội này, giúp đỡ đội kia, làm tất cả các việc có thể làm. Có lẽ để tránh cảm giác lẻ loi và vô dụng.
Buổi tối, bạn ấy lại chạy theo ông giáo viên gà mờ thiếu chuyên môn học việc.
Thời gian trôi mất một nửa, chúng tôi mới quay lại công việc hậu kỳ của bạn ấy.
Bạn ấy dựng video và lồng ghép kỹ xảo, tôi thì ngồi tranh thủ học thêm về phần mềm bạn ấy đang dùng - tôi mù tịt về nó.

Sau đó, chúng tôi cùng nhau soi lỗi trong mỗi bản dựng của bạn ấy. Lần nào cũng có đủ hai phần, lỗi ở tổng thể video và lỗi ở từng đoạn 1/10s. Mỗi list lỗi dài cả trang giấy. Kèm theo đó là một bản đánh giá vô cùng cảm tính, đại khái, nếu tôi là người xem, tôi có thèm bấm vào xem cái video ấy không và sẽ out ngay ở giây thứ mấy.
Thi thoảng tôi nổi cáu bỏ ra ngoài, thi thoảng đang kiểm tra bản dựng thì tôi ngủ gật, bạn ấy lại im lặng tự xem từng đoạn nhỏ, tự chỉnh sửa lại.
Sau một tháng, hiệu quả rõ ràng, chưa phải xuất sắc gì lắm nhưng bạn ấy đã đủ điều kiện để ở lại với công việc.
Chúng tôi chính thức kết thúc quá trình dạy dỗ nhau. Sau đấy, bạn ấy gọi tôi là thầy.

Có lẽ do tôi có lòng, nên bạn ấy tiến bộ. Cũng có lẽ do bạn ấy vốn hoàn toàn có thể tiến bộ được.
Tôi thì tin vào trường hợp thứ hai hơn. Tôi tin rằng mỗi người trên đời này, khi sinh ra, đều có sẵn trong tim một hạt giống siêu nhân. Miễn là tìm được một cách ươm thích hợp, hạt giống sẽ nảy mầm và trở nên lớn mạnh.
Tôi không biết nhiều về chuyên môn nên chính xác mà nói, tôi đã không dạy dỗ gì cả. Tôi chỉ có kinh nghiệm ươm mầm cho hạt giống siêu nhân thôi. Còn lại, mọi nỗ lực đều là của bạn ấy.

Tháng vừa rồi, một video bạn ấy xử lý cán mốc hai mươi triệu lượt xem. Bạn vui lắm, ngập ngừng loanh quanh mãi rồi rủ tôi đi ăn mừng.
- Thầy có thể đi ăn mừng với em không? Nếu thầy không bận?
Bạn vẫn rụt rè như vậy.
Tất nhiên là bận, nhưng với đồ ăn thì luôn rảnh.
Trong bữa cơm, có mỗi hai anh em, bạn lại ngập ngừng mãi rồi mới bảo,
- Em cảm ơn thầy. Em vẫn bất ngờ vì lúc đấy thầy đồng ý cho em thêm cơ hội. May là như vậy.
Tôi bật cười.
- Thầy là một anh người rơm lớn, sẽ không bỏ mặc các bạn người rơm nhỏ đâu!

...
Đây là bài viết từ tháng 4/2019.
Hôm nay là 4/3/2023. Gần 4 năm trôi qua.

Ngày mà tui đăng bài này lên, có rất nhiều like và share. Facebook của tui hiếm khi có nhiều tương tác đến thế.

Còn có mấy page lớn re-up lại nữa.

Nhiều người ngưỡng mộ, khâm phục, nhắn tin cảm ơn. Nhưng cũng có vô số người chửi tui bịa đặt.

Họ hỏi tui nhận bao nhiêu tiền cho bài nói phét này.

Không xu nào. Rất ấm ức. Nhưng vì ẩn danh nên không thể chụp ảnh hay chứng minh bản thân nói thật.

Tới ngày hôm nay, sau 4 năm, tui đăng lại bài này chỉ để khẳng định 2 điều.

1, Tui không nói dối. Tui giỏi, và không cần thiết phải nói dối ở vài thành tích bé xinh như vậy.

2, Thành tựu mà tui có được đã dày thêm và huy hoàng hơn rất nhiều so với bài này. Nhưng tui vẫn là cậu bé khi xưa, biết mình thiếu sót, không ngừng học tập.

__________
Nguồn: Fanpage "Chà" - Facebook
Link: https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=pfbid02upTWN9icYuve9QEcay9MBnP6MmSV5KNVe8vqKwHqNENS3XC3vQhphZunkLHFSovxl&id=100017322064646&sfnsn=mo&mibextid=RUbZ1f

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro