3. Sự bình yên

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trong cuộc sống, có biết bao người luôn mong muốn có được sự bình yên. Bởi sự bình yên là điều kiện để có cảm giác thanh thản và hạnh phúc. Đôi khi, ta ngỡ như đã tìm được rồi mà lại không phải thế. Đôi khi ta có cảm giác nó không thể thuộc về cuộc sống của ta. Quả thực, có được cảm giác bình yên không phải là một điều đơn giản. Vậy, bình yên thực sự sẽ ở đâu?

Chuyện kể rằng, có một nhà vua đã treo giải thưởng cho họa sĩ nào vẽ được bức tranh đẹp nhất về sự bình yên. Nhiều họa sĩ đã cố công nhưng sau cùng nhà vua chỉ thích có hai bức tranh và phải chọn lấy một. Trong hai bức tranh đó, một vẽ cảnh hồ yên ả, bầu trời trong xanh, mây trôi lững lờ. Một vẽ những ngọn núi trần trụi và lởm chởm, dòng thác cuồn cuộn tung bọt, bầu trời giận dữ mưa như trút. Nhưng sau khi ngắm nhìn, nhà vua thấy đằng sau dòng thác là bụi cây nhỏ mọc lên từ khe đá, nơi đó, có con chim mẹ đang thản nhiên đậu trên tổ, bên cạnh đàn chim non ríu rít. Và nhà vua đã kết luận: đó chính là bình yên thật sự. "Sự bình yên không có nghĩa là một nơi không có tiếng ồn ào, không có khó khăn, không có cực nhọc. Bình yên có nghĩa là ngay chính khi đang ở trong phong ba bão táp ta vẫn cảm thấy sự yên tĩnh trong trái tim.

Câu chuyện bắt đầu từ một cuộc thi kì lạ, như một hành trình kiếm tìm cội nguồn của sự bình yên. Những bức tranh chính là sự thể hiện cụ thể cho cách nhìn, cách nghĩ của con người. Chỉ hai bức tranh được chọn nghĩa là rất ít người hiểu một cách đầy đủ về bình yên để biểu lộ nó ra một cách trọn vẹn và ấn tượng. Nhưng ngay cả khi hiểu, cách hiều ấy chưa hẳn đã hoàn toàn đúng. Cảnh mặt hồ yên tĩnh được tất cả mọi người đánh giá là "bình yên thực sự", nhưng rốt cuộc nhà vua lại chọn bức tranh vẽ cảnh núi đá lởm chởm và gai góc. Phải chăng đó chính là định nghĩa bằng một hình ảnh cụ thể nhất về sự bình yên?

Mặt hồ in bóng những ngọn núi cao chót vót, bầu trời trong xanh với những đám mây lững lờ trôi... - một không gian thanh tĩnh, êm ả đến hoàn hảo, nhưng không hề có sự hiện diện của hình ảnh con người hay bất kì một sinh vật sống nào trong đó. Sự bình yên ấy đơn thuần chỉ là cái tĩnh của cảnh vật. Ta chỉ có thể gọi nó là một khung cảnh thanh bình. Trái ngược hoàn toàn với bức tranh đầu tiên, ở bức tranh thứ hai, dường như người họa sĩ muốn đem tất cả những dữ dội trong cuộc đời đặt vào tác phẩm của mình. Nhưng những dữ dội ấy chỉ là cái nền cảnh vật. Đằng sau dòng thác là bụi cây nhỏ mọc lên từ khe đá. Ở đó, có con chim mẹ thản nhiên đậu trên tổ, bên cạnh đàn chim non ríu rít... Vậy là sự sống vẫn tồn tại, sinh sôi, dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, và sống một cách thanh thản, tự do, bình yên thật sự. Nhà vua đã nói lên thông điệp không lời mà người họa sĩ gửi gắm trong hình ảnh ấy: bình yên là sự yên tĩnh trong tim. Đó mới là bình yên thực sự, bởi sự bình yên ấy thuộc về tâm hồn con người, bất chấp ngoại cảnh ra sao. Con người luôn tìm kiếm sự bình yên, nhưng đôi khi lại nhầm lẫn nó - giống như rất nhiều người đã vội vàng kết luận về hai bức tranh trong câu chuyện. Ta hướng tới thế giới ngoại cảnh, bỏ quên đi chính tâm hồn mình mà không biết rằng đó mới là nơi cần bình yên nhất. Tất nhiên, không thể phủ nhận rằng, trước một không gian thanh bình, yên ả, lòng người cũng dễ lặng đi hơn. Nhưng cũng có khi cảnh nhàn, thân nhàn mà tâm chẳng thể nhàn. Như Nguyễn Trãi khi xưa treo ấn từ quan để xa chốn quan trường, nhưng sống giữa núi rừng Côn Sơn "thông mọc như nêm", "suối chảy rì rầm" trong lòng ông vẫn ngổn ngang trăm mối lo cho giang sơn xã tắc. Ông không bao giờ tận hưởng trọn vẹn được thú nhàn theo đúng nghĩa.

Hơn thế nữa, giả như ta có thể tìm thấy bình yên thực sự trong một thế giới bình yên như thế, sự bình yên ấy liệu có thể bền lâu? Như mặt hồ yên ả cũng có thể có sóng ngầm dưới đáy sông, cuộc sống không phải lúc nào cũng êm đềm mà vốn dĩ rất phức tạp và đầy biến động, có những sóng gió, phong ba, có khó khăn thử thách. Đó là quy luật thực tế mà con người không thể và cũng không bao giờ được phép trốn tránh. Tìm thấy sự yên tĩnh trong tim, dù bất kể hoàn cảnh thế nào, đó mới là bình yên vĩnh cửu. Chả thế mà nhà Nho xưa đã tự răn mình phải biết "dĩ bất biến, ứng vạn biến", lấy sự yên tĩnh của lòng mình để khắc chế sự bất ổn của đời sống đó thôi.

Câu chuyện cho ta định nghĩa về sự bình yên, đồng thời cũng gợi mở một bài học về cách sống. Để đến được với bình yên, ta phải luôn chủ động nắm bắt cuộc sống, làm chủ vận mệnh của mình. Tự chủ để có thể cân bằng mọi cảm xúc, để luôn vững vàng, không bị những yếu tố ngoại cảnh làm cho chao đảo. Có được bản lĩnh đó không hề dễ, bởi con người luôn có những giới hạn nhất định về khả năng chịu đựng, và tâm lí bi quan chán nản trước một điều bất như ý là lẽ thường tình. Nhưng đắm chìm trong bi quan sẽ chẳng mang lại điều gì hơn là bó buộc ta trong hoàn cảnh ấy. Hơn nữa, thất bại trong công việc, trượt một kì thi, gia đình tan vỡ... đó không phải là tất cả cuộc sống hiện tại, và ta luôn có quyền hi vọng vào tương lai. Mọi chặng đường đều có thể vượt qua, dù nó khó khăn tới mức nào, chỉ cần ta có sức mạnh và niềm tin, như người xưa từng nói "hết cơn bĩ cực tới hồi thái lai". Thậm chí, ngay cả lúc không thể thay đổi thực tế hiểm nghèo, như một người mắc bệnh nan y không còn cơ hội sống, thì có được sự bình yên, thanh thản, ta mới sống trọn vẹn hơn những ngày cuối cùng của cuộc đời mình. Vậy là, bình yên sẽ giúp ta thư thái lắng nghe cuộc sống và bình tĩnh đón nhận khó khăn, nhờ đó mà có cơ hội vượt qua nó. Hiểu được giá trị quý giá ấy của sự bình yên, ta mới có thể hình thành bản lĩnh để luôn tìm đến nó trong những hoàn cảnh "không bình yên" nhất. Tất nhiên, ta cũng không nhất thiết phải cố gồng mình lên để chống chọi với những cảm xúc của trái tim. Đôi khi càng cố gắng đi ngược lại với nỗi sợ hãi, chán nản, ta sẽ càng lún sâu hơn vào nó. Ta có thể khóc, có thể tìm đến một khung cảnh thanh bình như bức tranh kia miêu tả, nhờ sự bình yên của không gian cân bằng lại cảm xúc cho tâm hồn mình. Nhưng sau tất cả, quan trọng nhất là ta phải can đảm đối diện với nó. Vì như đã nói ở trên, trốn tránh trong một không gian bình yên chỉ là giải pháp tạm thời, nó không cho ta bình yên thực sự.

Và ta cũng không nhất thiết phải đối diện với khó khăn đơn độc một mình, mà hoàn toàn có thể tìm đến gia đình, bè bạn, đến những người tin tưởng, thương yêu - người có thể cho ta lời khuyên chân thành, hữu ích nhất, hay thậm chí dù không thể giúp ta giải quyết vấn đề, ta cũng có được cảm giác an ủi, sẻ chia. Mỗi người có thể có một bến bình yên của riêng mình. Và ta luôn phải biết trân trọng, gìn giữ những điểm tựa yêu thương ấy, bằng cách vun đắp cho cuộc sống gia đình, xây dựng những tình bạn đẹp. Những gì ta cho đi sẽ là những gì ta được nhận, cho yêu thương cũng là cách tìm kiếm bình yên.

Có một câu chuyện nữa về hành trình đi tìm hạnh phúc: Vì muốn trả thù con người, những loài yêu tinh đã họp nhau lại và quyết định giấu đi thứ quan trọng nhất - đó là hạnh phúc. Nhưng chúng không giấu lên núi cao hay xuống đáy đại dương mà làm theo lời yêu tinh già nhất, giấu hạnh phúc trong chính con người. Bình yên cũng vậy. Và đôi khi, ta mải mê kiếm tìm nó một cách tuyệt vọng mà không nhận ra một điều giản dị, rằng bình yên thật sự chỉ có thể tìm thấy khi ta biết nhìn vào trong sâu thẳm trái tim mình.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro