Nhà văn và người tình

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tittle: Nhà văn và người tình

Author: Phạm Thanh Mai

Rating: G

Status: Completed

~~~~~

"My Dolly, my folly! Her eyes were vair,
And never closed when I kissed her.
Know an old perfume called Soleil Vert?
Are you from Paris, mister?"

("Dolly của anh, sự điên rồ của anh! Đôi mắt màu vair

Chẳng khi nào em nhắm lúc anh hôn.

Có loại nước hoa cổ tên là Soleil Vert?

Ông từ Paris đến, phải không ông?") (*)

Những vần thơ của kẻ ấu dâm ấy lẩn quẩn trong đầu nhà văn, lặp đi lặp lại như cuộn băng quay vòng từ khi cô gái, bây giờ là người tình, xuất hiện.

Đã bao nhiêu người chao đảo vì em rồi?

Bao nhiêu lần gặp người tình là bấy nhiêu lần câu hỏi ấy thốt lên trong tim nhà văn.

"Em yêu chị nhưng chị hãy đi đi.." - người tình khoanh tay đứng dựa cửa. Ánh đèn hắt sáng sau lưng mờ ảo như hào quang bao lấy người tình. Người tình đứng đó như nữ thần, lạnh lùng và xa cách làm sao. Hàm nhà văn cứng đờ lại, bao nhiêu thứ muốn nói mà không thể nói thành lời. Trên trang giấy câu chữ của nhà văn phóng khoáng bao nhiêu thì ngoài đời lại rụt rè bấy nhiêu, nhất là trong tình huống khó xử này. Nên nói gì đây? "Tôi yêu em"? Quá sáo rỗng... Ánh mắt người tình còn nồng ấm thương yêu nhưng giọng nói lạnh nhạt xa lạ. Em của tôi...

"Về với gia đình chị đi. Em chẳng yêu gì chị đâu. Em chỉ muốn đùa vui thôi. Em xin lỗi." - người tình từ từ khép cửa lại để lại nhà văn lạc lõng trong tuyệt vọng.

Gia đình, ừ, mình phải về với gia đình thôi. Nhà văn cắn môi dưới nuốt nước mắt vào trong. Nào, hãy tự biết vị trí của mình, đừng khóc... Nhưng mình vẫn chưa nói được với em câu nào. Nói gì được nữa, rõ ràng quá còn gì, chấm dứt mối quan hệ ngoại tình này, về với gia đình, mình có một sự nghiệp phía trước, em còn một tương lai dài xa xôi. Và hơn hết, đúng như mình đã nghĩ, em không yêu mình.

"Chị rất tệ trong khoản giữ."

"Ừ, hồi bé mẹ vẫn chê chị có tiền không biết giữ."

"Ý em là giữ tình cơ... Chị còn dở hơn cả khoản giữ tiền nữa."

Người tình mỉm cười, vẫn quyến rũ như thường lệ: "Là em đang giữ chị chứ chẳng phải chị đang giữ em." Nhà văn đưa tay vuốt má người tình, người tình cầm lấy bàn tay trước khi nó chạm môi mình, hôn lên từng ngón tay mềm mại ấy. Nhà văn đắm mình trong cơn đê mê đầy tội lỗi. Ngoại tình thì làm sao có thể không tội lỗi cho được? Nhung nhà văn không dứt được, tự hỏi thứ bùa mê nào người tình đã gieo rắc trong tim nhà văn làm nhà văn vừa khốn khổ, vừa hạnh phúc. Sẽ có ngày nhà văn chết trong cảm giác này mất. Nhà văn vẫn say mê nhìn người tình: Phải chăng đó là trò chơi ưa thích của bọn tiểu thiên tiên như em: dìm người ta thật sâu trông bể tình khát khao tội lỗi cho tới khi họ chết ngạt thì mới chịu buông tay?

Mà em buông tay thì họ cũng sẽ chết mất.

Nhà văn đã gặp người tình bao lâu rồi nhỉ. Một năm? Hay hai năm? Thời gian cứ đảo điên bên người tình. Người tình còn rất trẻ, mới chớm đôi mươi, có mái tóc đen, có đôi mắt đẹp màu nâu, có nụ cười duyên, có làn da trắng... Người tình tuyệt không phải là người đẹp nhất thiên hạ nhưng là người đẹp nhất trong lí tưởng của nhà văn. Nhà văn nào chẳng vậy, đều có một hình mẫu lí tưởng cho riêng mình. Có người tìm thấy, có người không. Cách đây cũng lâu lắm rồi, trong một lần đùa với anh bạn thân, người mà thiếu tí nữa là thành bạn trăm năm, nhà văn nói rằng hình mẫu lí tưởng của nhà văn cao lắm, "Lúc em tìm thấy thì chắc em cũng đi đời nhà ma rồi."

Anh bạn thân mắng: "Đừng nói gở!"

"Anh này khó ghê! Nói thì cứ nói còn gở thì cứ gở. Có liên quan gì đâu!"

Trớ trêu thay, nhà văn tìm thấy hình mẫu lí tưởng ấy sau 20 năm kể từ hôm nói gở ấy, khi một cô gái lạ bước vào quán cafe từ cơn mưa rào ngoài kia, khi cô gái tiến tới hỏi: "Có phải là chị không?".

Nhà văn luôn xưng tôi với cô gái, kể cả khi họ là một cặp không chính thức. Xưng "tôi" thì thật là xa cách nhưng hiện tại nhà văn cần sự xa cách ấy. Xin em đừng dấn vào, đừng làm tôi sa ngã. Thế nhưng nhà văn vẫn sa vào và càng lúc càng quỵ lụy, khủng khiếp hơn là nhà văn biết mình đang quỵ lụy mà không muốn mình dứt ra. Những giây phút lơ đãng nghĩ về người tình ngày càng nhiều khiến nhà văn đôi ba lần cắt phải tay khi đang gọt trái cây. Máu chảy ra thành từng giọt, nhà văn chợt ước người tình ở đây, liếm hết những giọt máu này, để một phần của nhà văn hòa vào người tình. Nhà văn lắc đầu. Sao cứ nghĩ lung tung?

Nhà văn từng tìm cách phá hỏng người tình trước khi mối quan hệ của họ trở nên sâu sắc và cay đắng hơn. Nhà văn đã đề nghị được hôn người tình vào buổi thứ ba họ gặp mặt. Lời đề nghị làm người tình sững sờ. Một phần nhà văn mong người tình hãy chối từ, hãy giữ lại vẻ đẹp em đã khắc sâu trong hồn tôi, hành hạ tôi âm thầm và lặng lẽ nhưng cũng đầy ngọt ngào và say sưa. Nhưng một phần nhà văn cũng muốn chạm môi người tình, đôi môi ấy hẳn sẽ rất mềm nhưng sau đó người tình sẽ không còn đẹp nữa, và lúc đó người tình sẽ giải phóng nhà văn khỏi tù ngục khao khát do nhà văn tự dựng lên để giam mình trong vẻ đẹp tưởng chừng là vĩnh cửu... Ôi ta nên làm gì, nhà văn bủn rủn người, nên làm gì đây? Nên day dứt mãi mãi trong vẻ đẹp say như rượu hay tìm đến sự thanh thản trong nỗi thất vọng tột cùng?

Người tình hẹn hôm sau. Nhà văn hơi buồn.

Hôm hẹn, bên ngoài trời lại đổ mưa rào rào. Có lẽ em sẽ không đến. Nhưng người tình vẫn đến với mái đầu ướt nhẹp và rối bời bết bát: "Em xin lỗi, tại trời mưa." người tình ngồi xuống. Áo người tình bó sát hơn vào cơ thể mảnh mai lộ những đường nét gợi cảm. Có một nỗi thất vọng mơ hồ tạt qua suy nghĩ của nhà văn khi đã ngắm người tình kĩ hơn. Hôm nay em có gì đó khang khách. Không phải là ủ rũ hơn hay trầm lắng hơn mà là... đàn bà hơn. Sao nhà văn ghét từ "đàn bà" này đến thế? Nó nghe như một hồi chuông báo tử cho thanh xuân và vẻ đẹp của người con gái. Nhà văn cũng là đàn bà mà, nhà văn hiểu rõ chứ. Bốn mươi lăm tuổi, nhìn tuổi trẻ qua đi trong chán chường và mệt mỏi, nếp nhăn xuất hiện và lan rộng trên gương mặt kiêu kì. Một thuở ước được chết sớm để giữ được sự trẻ trung vĩnh viễn. Nhà văn nhíu mày nhìn người tình. Có cái gì ở người tình làm nhà văn thất vọng nhỉ. Ánh mắt nhà văn đi xuống đôi bàn tay của người tình. người tình xòe mười ngón tay ra, bằng một điệu bộ hết sức ngây thơ, khoe rằng: "Màu cam dạ quang đấy, cô thấy sao?"

"Qúa chói!"

"Thì màu dạ quang mà."

"Mốt giới trẻ bây giờ đấy à?"

"Mốt của em."

Nhà văn ghét bọn con gái sơn móng tay. Nhà văn luôn giữ trong đầu một quan điểm bảo thủ: hễ đứa con gái nào thích sơn móng tay, xăm mình thì đều rặt một lũ hư hỏng.

"Em có xăm không?"

Người tình vẫn hồn nhiên đáp có, đã thế còn kéo vai áo vẫn còn ướt của mình xuống khoe một hình xăm nhỏ ở bờ vai. "Hai bả vai và eo lưng em cũng có nữa cơ. Sao cô lại lắc đầu?"

Nhà văn nghiêng đầu, cổ tay trái người tình có gì kì lạ, tại sao bây giờ nhà văn mới để ý? Cơn chếnh choáng qua rồi em sẽ còn gì với tôi? Những vết rạch, vết như kim đâm, đan vào nhau chằng chịt trên cổ tay em. "Hẳn em đã có một thời chết chóc?"

"Một thời trẻ trâu." - người tình cười, xoa xoa cổ tay trái. - "Chiến tích ngày xưa của em đấy."

"Em từng nghiện ma túy à?" - nhà văn nhíu mày, những vết kim châm...

"Vâng. Đôi lúc em còn tự rạch tay khi lên cơn. Đau đớn cũng là một dạng khoái cảm. Cô là nhà văn nên chắc cô hiểu điều đó rõ hơn em."

"Đau đớn cũng là một dạng khoái cảm" là câu mà nhà văn viết trong cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình.

"Em cai chưa?"

"Dạ rồi. Thương ba mẹ nên em cai."

"Đã quan hệ với ai chưa?"

"Rồi ạ."

"Mới đây thôi, đúng không?"

"Tối hôm qua."

"Yêu hắn nhiều thế à?"

"Sáng nay chia tay rồi. Cô ấy không tuyệt như em nghĩ, và em không thích cô ấy nhiều như em tưởng."

"Em đánh giá tình yêu qua cái giường à?"

Người tình đưa ngón tay lên môi ra dấu im lặng: "Bí mật."

Bí mật làm đĩ à? nhà văn nghĩ, chả trách nhìn người tình đàn bà hơn trước, mỗi cái thân giữ cũng không xong! Bỗng nhà văn giật mình. Hà cớ gì phải hằn học với em đến vậy. Em cũng có cuộc sống của riêng mình và không ai có thể bắt em làm theo điều họ muốn.

"Hôn hít chắc chả cần nữa đâu!" - nhà văn cảm thấy bụng cồn cào khi nghĩ tới việc hôn lên đôi môi đã từng hôn người khác và ai biết được nó còn làm cái trò gì nữa kia. Sự ích kỉ bên trong trỗi dậy.

"Dỗi em à?"

"Ai thèm!" - nhà văn thầm nghĩ, nhà văn không phải trẻ con. Tạ ơn trời, say cũng chỉ có thời. Mình nên mừng mới phải, mình sẽ không sa ngã vì em. Em không phải là người mình tìm kiếm.

Cho tới khi li cạn nước họ vẫn không nói với nhau từ nào. Nhà văn định bỏ về thì cô gái bất ngờ kéo ghế ngồi cạnh nhà văn, đặt một bàn tay lên má. Bàn tay chai sần chứ không hề mềm mại nhưng rất dễ chịu. Nhà văn nhắm mắt cảm nhận cái dịu dàng đầy chết chóc này. Cô gái ghé sát mặt, mặc kệ mọi người đang lén lút nhìn, hôn lên môi nhà văn. Tâm trí nhà văn choáng váng quay cuồng. Chưa bao giờ nhà văn cảm nhận được nhịp đập khao khát mãnh liệt như thế. Cô gái hôn nhà văn rất lâu, chỉ môi chạm môi, tuyệt không có chuyển động nào hơn. Người trong quán tiếp tục nhìn, tiếp tục xôn xao. Lách tách tiếng điện thoại chụp hình. Nhà văn không còn đủ tỉnh táo để nhận ra hành động này đang gây thị phi thế nào. Mà có sao, cả đời dễ gì trải qua cảm giác này một lần.

"Em không yêu cô ấy vì em yêu chị."

Tình yêu dễ làm con người ta tha thứ. Rồi cô gái trở thành người tình của nhà văn, một cách không chính thức. Nhưng từ nỗi băn khoăn: "Cô gái yêu mình khi nào và tại sao đã yêu mình cô còn ngủ với người khác?" dấy lên sự nghi ngờ âm thầm hành hạ nhà văn, rằng thực sự cô gái có yêu mình?

Chỉ vài ngày sau dư luận xôn xao về mối tình này. Người tình ban đầu còn bất cần. Người tình biết nhà văn đã có gia đình, biết ảnh tình tứ của họ tràn ngập khắp mặt báo lá cải. Người tình chỉ cần nhà văn ở bên. Nhưng rồi đến một ngày người tình không thể bất cần được nữa khi có một người đàn ông ủ rũ tìm đến cô và tự xưng là chồng của nhà văn. Họ nói chuyện với nhau rất lâu. Người tình nhận ra sự sai lầm của mình khi chen chân vào một gia đình đầm ấm, hay đúng hơn là nhận ra tình yêu của mình không bằng tình yêu ông ấy. Tối đó người tình nói lời chia tay, kết thúc mối tình kéo dài vỏn vẹn một năm. Người tình như chết cả tâm hồn, đêm nào người tình cũng khóc.

Nhà văn về với gia đình, nhốt mình trong phòng chỉ viết và viết suốt mấy tháng trời. Rồi một ngày nọ, người ta phát hiện nhà văn đã chết, nằm gục trên bàn giữa một đống giấy tờ viết vội vàng. Ruồi bay đầy phòng trong mùi hôi thối buồn nôn. Họ kinh ngạc khi nhận ra cái xác phân hủy quá chóng vánh, như thể nó đòi biến khỏi nhân gian này càng sớm càng tốt. Có thể tại thời tiết nóng ẩm làm quá trình phân hủy diễn ra nhanh hơn nhưng cũng không thể nào nhanh đến vậy. Da thịt không phải khô đét lại mà bắt đầu rữa ra dính bết vài tờ giấy vào như muốn tìm cách hòa vào chúng làm một. Người ta cẩn thận gỡ chúng ra khỏi nhà văn sau khi nhân viên pháp y và cảnh sát tới tuyên bố rằng nhà văn đã chết tự nhiên. Những tờ giấy được gom lại thành một tập rồi được đưa cho một anh bạn thân của nhà văn nhưng một vài câu chữ đã lọt vào mắt người đưa.

"Tôi yêu em. Tại sao tôi lại gặp em vào lúc này. Tôi đã già còn em thì quá trẻ, số phận cứ thích trêu ngươi, em của tôi, tiểu thiên tiên của tôi, tình yêu của tôi..."

Theo ước nguyện lúc còn sống, xác của nhà văn sẽ được thiêu, tro cốt sẽ được rải xuống biển. Anh bạn thân lặng lẽ quan sát dòng người tới viếng. Có một cô gái trẻ tóc đen xuất hiện, vẻ đẹp của cô gái làm mọi người sửng sốt. Mắt anh bạn thân mở to hơn như phát hiện ra bí mật. Khi đám tang kết thúc, dòng người đi về mang theo hai câu chuyện: một là nhà văn đã ra đi như thế nào, hai là cô gái xinh đẹp bí ẩn xuất hiện trong đám tang của nhà văn ấy là ai và sau đó người ta thì thầm lén gọi nhà văn là "già đầu mà còn trắc nết". Anh bạn thân hiểu sẽ có ngày mình phải công bố hết xấp giấy này nhưng liệu người ta sẽ hiểu cho họ, một nhà văn suốt đời tìm cái đẹp mình hằng mong đợi, một cô gái đem tình yêu làm trò đùa. Đó là điều cuối cùng nhà văn để lại.

~*~*~

Tôi gấp cuốn sách lại. Đó là một trong 12 câu chuyện ngắn. Tôi nghĩ mình biết tất cả những nhân vật trong ấy. Cầm li cafe nhấp môi. Đây hẳn là quán cafe đã được nhắc tới trong truyện, nơi người tình bước đến từ trận mưa rào tháng 7 năm nào. Người tôi hẹn đã xuất hiện, gìa nua, từng trải hơn tôi nghĩ. Cũng phải thôi, đã lâu lắm rồi.

"Hi vọng em không làm phiền chị. Chỉ là đọc xong truyện này em nghĩ mình cần phải gặp tác giả của nó." - tôi nói, vẫn bối rối không biết nên cư xử thế nào cho phải.

Cô ấy ngồi đối diện tôi, bỏ kính râm đặt lên bàn và trong thoáng chốc khi nhìn vào mắt của người phụ nữ ấy, tôi biết mình đã tìm đúng người. Tôi và cô ấy giới thiệu tên, tán qua vài chuyện phiếm văn học. Khi tôi lờ mờ nhận ra tại sao cô ấy lại đặc biệt như vậy thì cô bỗng hỏi:

"Bà ấy đã hạnh phúc chứ?"

"Rất hạnh phúc." - giọng tôi càng lúc càng nhỏ lại, tôi sắp khóc. Thực ra tôi không biết những ngày cuối cùng mẹ tôi có hạnh phúc không nhưng vẫn phải thuyết phục mình rằng mẹ đã hạnh phúc khi giam mình trong phòng chỉ để viết và viết. Bà từng nói viết lách là niềm vui của bà. Điều đó làm tôi cảm thấy đỡ day dứt hơn.

"Phút cuối của bà ấy như thế nào? Có ai ở bên không?"

Tôi lắc đầu. "Bà ấy ra đi một mình. Chẳng có ai bên cạnh cả...". Người ta nói mẹ tôi đã qua đời ba ngày trước khi được phát hiện, khi ấy bố đi công tác nước ngoài còn tôi thì đang ở nhà bác, không muốn về nhà để đối diện sự thực là mẹ yêu cô chứ không phải bố.

Im lặng một lúc cô ấy hỏi tiếp:

"Em có giận chị không? Vì đã giết bà ấy?"

Tôi nói không, chị không giết bà ấy, chị đã làm điều đúng đắn và em đánh giá cao hành động của chị. Bà ấy ra đi vì số trời đã định, chẳng ai có lỗi cả. Điều mà phải rất lâu sau này tôi mới hiểu, không biết cô cũng hiểu như tôi không.

"Chị có yêu bà ấy không?"

"Có." - một câu trả lời dứt khoát và thành thật. Hẳn mẹ tôi lúc còn sống rất mong được nghe câu này.

"Mẹ đã rất đau khổ khi chị nói chị không yêu bà. Nhưng biết sao được."

Không khí giữa chúng tôi chùng xuống, tôi liền đổi đề tài:

"Bây giờ chị đang làm gì?"

"Chi đang làm kinh doanh bình thường thôi."

"Chị kết hôn chưa?" - tôi hỏi khi nhìn chiếc nhẫn ở ngón áp út trái của cô.

"Rồi, với một cô luật sư người Thụy Điển."

"Chị hạnh phúc chứ?"

Cô gật đầu: "Không thể hoàn hảo hơn."

"Mẹ em luôn mong chị hạnh phúc. Bây giờ em đoán bà ấy có thể an tâm được rồi."

Cô không nói gì, chỉ thở dài. Tôi đoán cô vẫn còn dành nhiều tình cảm cho bà. Chúng tôi ngồi thêm vài phút trong im lặng cho đến khi cô nhận một cuộc gọi và nói phải đi bây giờ.

"Em thừa kế tài năng của mẹ em đấy, đúng là con gái nhà văn. Chị đã mua tất cả những cuốn em xuất bản." - cô nhận xét khi đứng lên và giành trả tiền nước với tôi. - "Chúc em sẽ đạt nhiều thành công trong sự nghiệp. Chào em, có dịp mình sẽ gặp lại."

Tôi chào lại, vẫn ngồi yên và quan sát cô ấy lẩn khuất vào đám đông thành phố. Ai cũng nói giọng văn tôi giống mẹ. Có lẽ đó lí do chính để cô ấy mua sách của tôi, để có thể cảm nhận người yêu vẫn tồn tại đâu đây qua câu chữ của tôi. Tôi nghĩ hoài chuyện của mẹ tôi và cô. Bỏ qua việc họ đến với nhau khi mẹ tôi còn là vợ của bố thì chẳng có gì đáng để chê trách cả. Họ là phụ nữ, mà phụ nữ thì phải yêu.

__________

Chú thích: (*) trích trong "Lolita" của nhà văn Nabokov. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro