Đứa con thứ hai

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

A/N: Truyện phịa hư cấu ấy mà, Việt Nam mình đến nay vẫn làm gì có ngân hàng đầu tư.

Ở một góc phố nọ nằm gần vị trí trung tâm Hà Nội, có một ngôi nhà là nơi ở của gia đình ông Thành. Ngôi nhà tọa lạc tại vị trí đất lành chim đậu, yên tĩnh ẩn mình dưới bóng những hàng cây cơm nguội, đối diện tiệm sách bên kia đường. Ngay phía sau cánh cổng sắt lớn sơn xanh là cả một khoảng sân rộng trồng đủ các loại cây cảnh, từ hoa giấy leo dàn phủ bóng rợp nhà cho tới những cành cam canh mọng đỏ trên thảm cỏ xanh rì.

Ông Thành là giám đốc của một ngân hàng đầu tư, có ba đứa con trai. Bố ông Thành vẫn còn sống, ở chung với con cháu. Càng nhiều tuổi cụ càng khó tính. Ông Thành có hai đứa con với người vợ đầu, tên chúng nó là Tâm và Trực. Khi Trực lên sáu thì mẹ nó qua đời vì bệnh tim; một năm sau người cha đi bước nữa, đứa út lại là con trai, tên Hậu. Người ta có câu "Tam nam bất phú", ông Thành không phải người mê tín, và rõ ràng nhà ông vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy sẽ trở nên kém giàu hơn bây giờ. Tâm, Trực và Hậu đẻ khá xa nhau. Đứa nào cũng được nuôi dạy tử tế và lớn cả rồi nên bố không phải đau đầu chuyện anh em trong nhà bất hòa hay tị nạnh.

Ai nhìn vào nhà ông Thành mà chẳng vừa thích vừa ghen tị. Người đâu may mắn đến thế là cùng, vợ đẹp con khôn, nhà cao cửa rộng. Ông Thành biết vậy nên cũng lấy làm hãnh diện với hàng xóm. Đặc trưng công việc khiến ông lúc nào cũng phải cư xử khéo léo, bất kể là gặp khách hàng hay đã về nhà. Nói tóm lại, ông Thành sống giàu mà cư xử cũng phải sang, để người trong quý, người ngoài nể nang.

Tự nhận thức được vị trí của mình, ba thằng con trai không dám giao du với những thành phần xấu bên ngoài hay làm gì tổn hại đến danh dự gia đình. Thằng Tâm to cao giống bố, đúng nghĩa là một người anh cả, lúc nào cũng thích chỉ đạo và thường xuyên thay phần bố giáo huấn các em. Tuy chẳng mặn mà gì với việc đầu tư hay môi giới, nhưng ngay từ nhỏ nó đã tỏ ra khoái xét soi kĩ lưỡng từng bức vách, góc tường, khoảng sân của mỗi ngôi nhà rồi hì hục vẽ lại. Thỉnh thoảng Tâm vẫn hay vòi ông và bố cho mình tiền mua đồ vẽ, dựng mô hình. Sau này nó thi vào trường đại học kiến trúc thật, tương lai phía trước dành cho Tâm đầy rộng mở và hứa hẹn.

Khác với anh, thằng Trực tính lại trầm, dáng mảnh khảnh thư sinh. Nó bám mẹ nhiều hơn và cả nhà chỉ có mình ông nội là hỏi chuyện được với nó. Từ ngày mẹ mất, thằng bé bắt đầu tìm đến những con số để lấp đi nỗi buồn. Tí tuổi đầu đã bày đặt xem báo cáo kế toán, biết hỏi "Bố ơi tái cơ cấu doanh nghiệp là gì", cũng chỉ có thằng Trực là đứa sẵn sàng ngồi xem bản tin tài chính từ đầu đến cuối cùng bố mà không ngáp ngắn ngáp dài hay đòi chuyển sang chương trình ti vi hành động kịch tính. Trực tự định hướng cho bản thân chuyên ngành tài chính và phát huy hết khả năng, thành tích của thằng bé hoàn toàn là tự nó đạt được chứ không phải do áp lực từ ai.

Thằng Hậu mới vừa bước chân vào cấp ba. Trong mọi gia đình, đứa cả bao giờ chẳng gánh nhiều kỳ vọng và trách nhiệm nhất nhà; đứa út là cục cưng của bố mẹ ông bà, muốn gì được nấy, thích gì làm nấy, chẳng ai thúc ép; còn đứa giữa, nó ra sao thì ra. Ông Thành đã cố lựa đường bảo ban con tùy theo tâm tính chúng nó, các con ông chăm và giỏi không có nghĩa là chúng nó vẹn toàn.

Tâm là nam trưởng, nó phải biết gương mẫu, nhường nhịn em trong nhà, trọng lễ nghĩa, sau này cáng đáng hết chuyện lớn gia đình. Trách nhiệm thì có đó, nhưng thằng Tâm nảy nòi ở đâu cả tính hách dịch luôn. Thằng Hậu sinh sau đẻ muộn, ngoài việc phải lễ phép hiếu thảo thì nó chẳng phải chịu áp lực gì, thành thử cứ ung dung quá. Còn Trực, lúc nào cũng ở vị trí giữa giữa, trung hòa trong ba đứa. Nó không ghê gớm như anh, biết học ra học chơi ra chơi chứ không vô lo nghĩ như em. Bố bảo gì Trực cũng im, chẳng biết có nghe theo hay không nhưng nó không cãi lại. Ba đứa con, Tâm chu đáo bao nhiêu, Hậu khéo nói bao nhiêu, thì thằng Trực chi li và khái tính bấy nhiêu. Nếu như thằng Tâm và Hậu luôn tự hào về gia thế nhà mình, không bao giờ lăn tăn chuyện tiền bạc đắt rẻ — thì Trực cảm thấy chỉ cần giữ ngoại hình sạch sẽ và cư xử lịch sự là đủ rồi. Thằng bé khái tính nhưng cũng hay thương người, không dám tiêu pha. Từ cuối cấp ba, Trực bắt đầu đi kèm học thêm cho con nhà người ta để kiếm tiền mua những thứ nó thích thay vì hỏi xin bố.

Ông Thành biết tất cả những đặc điểm ấy, Trực thừa hưởng từ mẹ nó hết. Từ khi còn bé tí, mỗi lần có chuyện gì muốn kể, người đầu tiên thằng bé tìm đến bao giờ cũng là mẹ. Trực lúc nào cũng quấn lấy mẹ nó, muốn mẹ kể truyện cho nghe, muốn tâm sự với mẹ đủ thứ. Lúc ấy Trực vẫn là con út nên mẹ cũng chiều nó, không ngại tìm mua đủ thứ sách truyện về. Đối với Trực, niềm hạnh phúc lớn nhất là được nằm trong lòng mẹ, say sưa nhìn theo từng trang sách mẹ lật và thỉnh thoảng lại bắt gặp mẹ cúi xuống, vuốt tóc mình mà mỉm cười. Thằng bé luôn thích câu chuyện về những con người ngay thẳng và làm việc tốt, nó muốn sau này mình cũng trở thành như thế. Anh Tâm chửi Trực là trẻ con mơ mộng viển vông, bố Trực nghĩ trẻ con suy nghĩ như vậy cũng là đúng với tuổi, riêng người mẹ luôn kiên định khuyến khích con mình hãy là một chàng trai chính trực và bao dung.

Ông Thành không phải là người thích can thiệp nhiều vào sở thích riêng của các con, miễn là chúng nó không vướng vào vòng lao lý. Trực làm bạn với ai, bao nhiêu người, bạn Trực con nhà ai, là gái hay là trai, gia cảnh như nào... nếu thằng bé không đưa bạn về nhà giới thiệu thì bố cũng chẳng biết được. Thỉnh thoảng ông Thành có nghe đồn rằng thằng con giữa của mình đi chơi đêm, uống rượu và bập vào quan hệ đồng giới hay lạm dụng thằng nhóc nào đó bị bệnh tâm thần. Khi được hỏi, Trực nói tất cả đều vô căn cứ và thằng bé hoàn toàn bình thường. Một số người mách ông có khi nên đưa Trực đi gặp chuyên gia cho chắc ăn, vì dù sao cũng tội nghiệp thằng bé phải mồ côi mẹ sớm quá mà chưa gì bố đã lấy vợ mới, cuộc sống xáo trộn nhiều. Trước đó ông Thành cũng hỏi ý Tâm và Trực rồi, chúng nó xuôi thì bố mới cưới chứ. Mà lúc rộ lên những tin đồn, thằng Trực cũng mười tám rồi chứ bé bỏng gì.

Ông Thành đã muốn giao lại sự nghiệp của mình cho Trực, giá như nó chịu cởi mở và quảng giao nhiều hơn. Cứ lầm lì như vậy thì làm thương vụ với ai. Đã nhiều lần ông bị bố mình gọi lại và nói ngắn dài, rằng cụ thương thằng Trực nhất nhà, rằng nhìn cái tướng là biết số thằng Trực sau này sẽ khổ lắm. Ông Thành cũng nghĩ là thằng con giữa của mình sẽ không thể được như bố hay anh nó, nhưng làm gì có chuyện thằng bé ngu dốt bất tài đến mức phải chịu cảnh vất vả.

Về cơ bản, trong mắt người nhà, Trực vẫn chỉ là một đứa con, một đứa cháu vướng chút ẩm ương tuổi mới lớn. Thằng bé luôn cố gắng sống tốt và sống đẹp, bất kể bao nhiêu năm đã trôi qua, suy nghĩ ấy vẫn không thay đổi. Đôi khi thấy sự bất bình mà Trực phản đối quyết liệt quá, bố nó sợ rằng lý tưởng sống ngay thẳng của Trực sẽ khiến nó phải trả giá, nhất là thời buổi xã hội phức tạp như bây giờ.

* * *

Ngày hôm ấy, đang trong buổi phát hành chứng khoán của Công ty Cổ phần DEF, thư ký báo với ông Thành cuộc gọi từ di động của Trực: giọng một người lạ bảo thằng bé đang ở Việt Đức để phẫu thuật khẩn cấp.

Vội vã tìm tới bệnh viện, ông Thành gần như chết trân tại chỗ khi bác sĩ cho biết một kẻ đã dùng dao tấn công thằng bé trên đường, chặt bay ba ngón tay của nó và làm đứt gân bàn chân. Có ba người tìm gặp ông Thành, đòi ông trả công vì đã cứu thằng bé. Họ thi nhau tam sao thất bản diễn biến, rằng mình nhìn thấy Trực bị rượt dao chạy bán sống bán chết, ai cũng lấy điện thoại ra quay nhưng không người nào dám lao vào cứu, kể cả khi thằng bé đã nằm còng dưới đất, tay chân be bét máu. Trực cầu xin, hứa sẽ bảo bố nó trả tiền công, lúc đó người ta mới lấy điện thoại từ túi của Trực ra, bấm số cho "Bố" và đưa thằng bé đi cấp cứu. Ông Thành hít một hơi thật sâu, mặt đỏ bừng bừng. Siết lấy hai bàn tay mình, người bố tự nhủ ông phải kiềm chế hết sức để đừng gây án mạng tại đây.

Ca phẫu thuật nối lại các dây thần kinh kéo dài suốt tám tiếng đồng hồ, nỗi sợ Trực bị tàn tật khiến gia đình ông Thành như người mất hồn. Tối đến, ba bố con thẫn thờ ngồi chờ thông báo từ phía bác sĩ, không một ai có thể nuốt nổi cơm.

Khi người ta chuyển Trực sang phòng hồi sức, cả bố lẫn anh em đều ớn lạnh nhìn bàn tay và chân chi chít sẹo khâu, phải nẹp cố định của thằng bé.

– Con thấy thế nào? – Ông Thành hỏi, nhìn đôi mắt vô hồn vì thuốc tê của con. Ông sợ mình cũng sắp lả đến nơi.

– Con chẳng thấy gì cả... – Trực đáp trống rỗng.

– Mày làm gì nên nông nỗi này hả! – Tâm quát em, bị bố ngăn lại.

– Em nó đứt gân rồi nên mất cảm giác. Giờ em mệt, con đừng to tiếng.

Người bố gục đầu xuống bên giường con, vai ông rung lên theo những tiếng nấc. Tất cả là tại ông đồng ý để thằng Trực đi học một mình. Ông đâu thiếu tiền thuê lái xe đưa đón nó như thằng Tâm hay Hậu, nhưng Trực cứ không chịu, nó cứ muốn giống như các bạn. Có bạn nào cứu nó đâu, có bạn nào bảo vệ nó đâu! Nếu Trực được đưa đi bằng ô tô riêng, những chuyện thế này đã chẳng xảy ra!

Sau hai tuần nằm viện theo dõi sức khỏe, những vị trí đứt lìa trên người Trực đã có dấu hiệu ấm hồng trở lại và thằng bé được cho ra viện. Bác sĩ đã cố giải thích sao cho lọt tai nhất có thể với người nhà rằng tay chân của Trực không thể một trăm phần trăm như trước được nữa, nhưng mọi người đã cố hết sức. Bác sĩ cũng hướng dẫn thằng bé cách tập luyện để lấy lại cử động mà không gây hại đến vết thương. Họ hàng cứ đến thăm là lại hỏi dồn dập tại sao, vì đâu, đứa nào dám chém con trai giám đốc ngân hàng như thế. Bị tra tấn, Trực đâm lúng túng và cáu bẳn với mọi người. Chỉ khi tới lúc còn mình nó với anh và bố, Trực mới dám mở lời.

– Bố muốn biết tại sao ạ? – Trực liếm đôi môi nứt rớm máu vì thiếu nước. – Có buổi chiều con đi học về, lúc lên xe buýt con thấy một thằng trộm đang móc ví người ta. Đợt đó có nhiều vụ mất cắp lắm, con từng trông thấy nó đi xe chung với bọn cướp giật, cổ nó xăm hình nên con nhớ lắm. Con hô lên, báo cho mọi người.

Giọng thằng bé bắt đầu khản đi, dần ngập ngừng.

– Con cứ tưởng mọi người sẽ vây bắt thằng đấy, nhưng không một ai lên tiếng cùng con cả. Ai cũng im lặng. Con bắt đầu cảm thấy sợ hãi và bị cô lập, con chỉ muốn về nhà thật nhanh. Chắc nó canh con trả thù thôi.

– Giở máu anh hùng đấy nó chém cho, ngu chưa! – Tâm lại chửi em. – Cứ kệ đi có phải đã không thành thằng què!

Sẵn nỗi thương con và ức chế tận cùng, lời thằng Tâm khiến ông Thành điên tiết. Ông giơ tay tát, Tâm ngã lăn xuống đất.

– Mày nói với em thế à! – Tiếng quát của ông Thành khiến y tá cùng điều dưỡng viên đi ngang qua đó thót tim.

– Con xin lỗi bố, anh xin lỗi em... – Tâm lí nhí, đứng dậy và vội chạy đi. – Con đi về trước ạ.

– Trực... – Ông Thành ôm lấy đầu con, giọng run rẩy.

* * *

Một tháng trôi đi trong đau đớn, bức bối và mặc cảm, dù sao Trực đã có thể đi lại và cầm nắm các thứ. Ông Thành không ngại chi tiền cho cảnh sát khu vực tìm ra thằng ôn nào đã hại con ông. Chẳng mấy chốc thằng ăn trộm bị tìm ra và tống vào tù, cai tù cùng các tù nhân kì cựu được mặc sức dạy dỗ thứ chó má mặt giặc này. Biết được những gì bố đã làm vì mình không giúp cho Trực thấy khá hơn. Cú sốc nhập viện đã tác động đến thằng bé rất nhiều, ông Thành đủ hiểu đó là một bước ngoặt lớn trong tư tưởng của Trực. Nó không chỉ là những vết sẹo trên tay chân thằng bé, mà còn là những vết sẹo hằn sâu trong trí óc, chi phối từng suy nghĩ và hành động của Trực từ giờ đến cuối đời.

Người bố luôn muốn đứa con hãy mạnh dạn bày tỏ những khổ tâm và đau buồn của nó ra, ông đã nhiều lần mường tượng một cuộc trò chuyện trong đầu, cách ông đối đáp ra sao để không khiến Trực thêm tổn thương. Ông Thành mong chờ sự chủ động từ Trực, nhưng thấy tình hình chẳng mấy khả thi. Ông không biết phải dạy con mình thế nào cho phải nữa. Hành động của nó đâu có sai. Kể cả không phải thằng Trực, những đứa trẻ khác làm việc đúng có đáng phải chịu cảnh bị hành hung không? Tại sao mọi người xung quanh lại dửng dưng đến thế? Làm gì có cha mẹ nào muốn con cái mình ra đường bị kẻ đâm người đánh, nhưng ông cũng đâu muốn con mình trở thành một cỗ mãy trơ lì trong cộng đồng trơ cảm.

Dù sao chăng nữa, Trực đang trong giai đoạn khó khăn, dễ bị dao động. Ông là bố, ông thấy mình phải có trách nhiệm bảo ban con những chuyện này. Gần cuối năm, cây cam canh trong vườn đã chết nên ông Thành muốn đổi cây cảnh chơi Tết, đó là cách hay để gợi chuyện với con.

– Trực, con thấy cái nào hợp không?

Nhìn tờ catologue, Trực chỉ bừa vào mấy cây bonsai đứng thẳng, tán lá tròn đi thành vòng:

– Con thấy cây này cũng được này. –Thật lòng, Trực chẳng cảm nhận được mấy vẻ đẹp của bonsai. Cây cảnh, thú cảnh... cứ cái gì có chữ "cảnh" Trực đều không thích. Mọi thứ để tự nhiên thì đã sao.

– Con thích cây dáng trực à, bố lại thích cây nào dáng hoành hay huyền. – Ông lật qua mấy trang.

– Con biết chơi cây cối gì đâu. – Thằng bé nhăn mặt. Một thằng chuyên tự nhiên hiểu sao được mấy thứ văn vẻ bay bướm. – Bố thích cái nào thì bố cứ mua, hỏi con làm gì.

Bố Trực cốc đầu nó.

– Mình trồng cây cảnh vừa để giải tỏa căng thẳng, cũng là ví von nó với đời người đấy. Đây, mấy cây mà dáng cứ xiêu xiêu thế này là tượng trưng cho nghị lực con người vươn lên bất chấp hoàn cảnh khó khăn, địa hình khúc khuỷu, đất thì vừa hẹp vừa nông mà vẫn đâm chồi nảy lộc được, có phục không? Con nghĩ bố đặt tên con là Trực từ đâu?

Trực duỗi chân, chuẩn bị sẵn tinh thần cho một bài giảng nữa về Cây-Người của bố. Lần nào cũng thế.

– Những cây tùng, trúc, hay là cây dáng thẳng này, người ta ví nó với quân tử hiên ngang, khí phách. Những loại đấy muốn có là phải nuôi từ nhỏ, kiên trì chăm bẵm thật tốt. – Ông Thành cố kiên nhẫn, thằng con vẫn đang ngồi thừ mặt ra. – Nhưng con biết không, cây thẳng quá thì không đẹp, mà người cứng quá thì dễ gãy lắm.

Trực thở dài. Bản thân thằng bé cũng biết điều kiện sống của nó tốt hơn người ta nên mới sinh ra kiểu suy nghĩ cao thượng này. Nếu là con nhà người khác, ngày nào cũng lo nghĩ mai ăn gì, đóng tiền học bao nhiêu, có đủ tiền mua cái áo mới hay không... người ta chẳng còn thời giờ đâu mà mong làm từ thiện cho đời như thằng Trực.

– Cái cây biết uốn mình theo gió sẽ trụ lại, chứ không phải là cái cây gồng lên trong bão đâu. Cuộc sống cũng thế con ạ, bố không bảo con sai khi làm việc tốt hay thấy chuyện bất công. Nhiều cái về lý thuyết mình nghĩ là đúng, nhưng áp dụng vào cuộc sống nên linh hoạt hơn một chút.

Trực định nói lại bố nhưng thôi. Có lẽ nó còn nhỏ nên chưa hiểu được, hoặc cũng có thể vì bố đâu phải rơi vào hoàn cảnh của nó. Câu chuyện về đâm chém, người tốt việc tốt, cùng cây cối – như mọi lần – lại kết thúc trong sự im lặng đầy bối rối của hai bố con, chẳng ai có thể cải thiện được tình hình hay thay đổi quan điểm của nhau.

* * *

Thời gian thấm thoắt trôi đi, đứa con đầu lòng của vợ chồng thằng Tâm đã được ba tuổi, đùng một cái Trực hỏi bố tính chuyện làm đám cưới. Cả nhà không một ai biết Trực có bạn gái từ bao giờ, nó cũng chẳng dắt cô nào về nhà hay tỏ ra biểu hiện gì là nó đang yêu. Ông Thành hỏi con, té ngửa khi biết thằng con mình "yêu xa" một con bé học làm nha sĩ ở tít tận Ba Lan đã ba năm rồi.

Bạn gái của Trực kém nó hai tuổi, trông cũng sáng sủa hiền lành mà mỗi tội kém ăn nói y hệt như bạn trai. Chẳng hiểu thằng Trực uống phải bùa mê thuốc lú gì mà yêu nó đến thế, hay là nó thích được chăm sóc răng miễn phí? Nhân dịp con bé tốt nghiệp và tiện về nhà nghỉ lễ bên gia đình, hai đứa hẹn hò vui chơi, trúng luôn số độc đắc. Phải ngày xưa người ta đã cạo đầu bôi vôi lũ này, mà giờ xã hội thay đổi rồi, sợ không đẻ được chứ chẳng ai sợ có bầu trước cưới, nên ông Thành không mắng con. Hơn nữa, gia đình bên kia được cái danh con rể là con giám đốc ngân hàng đầu tư oai lắm chứ, phải cưới ngay chứ. Thế là ra mắt, dạm hỏi theo đúng quy trình. Trai hai lăm lấy vợ thì hơi sớm, nhưng nhà có thêm đứa cháu kể cũng vui, ông Thành chỉ buồn vì Trực không ở gần bố và anh em, nó sẽ sống tại Ba Lan cùng vợ.

Mới đầu nghe tin em mình lỡ ăn cơm trước kẻng, Tâm cười ha hả, suốt ngày đem thằng Trực ra làm đề tài chế nhạo. Tới khi Trực đem cháu về cho anh và bố, thấy em có được thằng cu giống y như bố, thái độ thằng anh bỗng quay ngoắt ba trăm sáu mươi độ. Thằng Trực thích nhà có đủ nếp tẻ, nó định hai vợ chồng ổn định hơn rồi làm đứa nữa, nhất định sẽ là gái. Thấy con mình rạng rỡ như vậy, ông Thành cũng nhẹ lòng. Từ nhỏ tới giờ, có rất nhiều điều Trực làm không hề thuận ý ông, nhưng ông tôn trọng và cứ để cho nó trưởng thành theo cách mà nó muốn, ông chỉ đơn giản là một người mang trách nhiệm âm thầm nuôi nấng và giúp đỡ lỡ như các con bị chệch hướng.

– Con chào bố. – Trực ôm lấy cha, miệng cười tươi. Đứa bé trên cánh tay bố nó cũng toét miệng cười, chạm lấy má ông nội.

– Đi đường cẩn thận các con nhé. – Ông Thành quẹt nước mắt. Đứng trơ trọi một mình giữa sân bay đông đúc, nhìn theo bóng gia đình thằng Trực khuất dần, người bố thấy tim mình sao mà quặn thắt.

Nỗi lo cho những đứa con đôi khi vẫn luẩn quẩn trong lòng ông Thành, nhưng cuộc sống ra sao đi nữa đều là do chúng nó làm và tự chúng nó hưởng, ông có can thiệp được đâu. Nhớ lại những lời bố mình nói, rằng cụ thương thằng Trực vì đời nó rồi sẽ vất vả lắm, ông cười xòa. Ông giàu được là nhờ công cha đi trước; thằng Tâm giàu được cũng là nhờ tiếng ông. Nói rằng những đứa con tự lập từ hai bàn tay trắng thì không đúng, xuất phát điểm mà ông trao cho chúng cao hơn, thuận lợi hơn con nhà người ta nhiều. Nhưng làm gì có ai đoán trước được tương lai. Có khi nay vẫn cười, mai đã khóc rồi.

– – – – – – – HẾT – – – – – – –


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro